Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Tin ngày 08/9/2013 - tiếp theo

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI


Nghi vấn gần 51 ngàn tỷ đồng rửa tiền qua ngân hàng 

Gần 51 ngàn tỷ đồng với 165 giao dịch bị nghi ngờ là hoạt động rửa tiền tập trung vào giao dịch tiền gửi qua ngân hàng và báo cáo của các công ty bảo hiểm. Trong đó có nghi vấn đã được chuyển sang cơ quan điều tra.

Tiền mặt – “bãi đáp” cho tội phạm rửa tiền

Theo cục Phòng chống rửa tiền (AMLD) thuộc ngân hàng Nhà nước (NHNN), Việt Nam chưa có đánh giá chính thức của cơ quan có thẩm quyền về tội phạm rửa tiền. NHNN đã “khoanh vùng” được 165 báo cáo giao dịch đáng ngờ liên quan đến hoạt động rửa tiền, chuyển cơ quan thanh tra và công an xác minh. Tổng số tiền giao dịch nghi ngờ rửa tiền là gần 51.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NHNN cũng tiếp nhận 50 văn bản từ các cơ quan thực thi pháp luật đề nghị rà soát, cung cấp thông tin liên quan đến các bị can hoặc đối tượng trong các vụ án hình sự.
Nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, với bối cảnh nền kinh tế Việt Nam sử dụng tiền mặt nhiều, cơ hội cho tội phạm rửa tiền rất cao. Trước đây rửa tiền thường được đánh giá liên quan đến hoạt động chuyển tiền qua biên giới, thì nay rửa tiền trong nước gia tăng, gắn với hoạt động phạm pháp như buôn lậu, buôn bán ma túy, trốn thuế đặc biệt là tham nhũng. Khi bầu Kiên bị bắt, nhiều câu hỏi đặt ra, liệu ở đây có liên quan gì đến hoạt động rửa tiền? Tuy nhiên, đại diện cục Phòng chống rửa tiền khẳng định: Ma trận sở hữu chéo đã trở thành hiện tượng điển hình của nền kinh tế Việt Nam. Các cá nhân, tổ chức đều được góp vốn tham gia cổ đông sáng lập ngân hàng. Ngân hàng A có công ty B tham gia 10% vốn, công ty B lại có ông C là chủ tịch HĐQT nhưng ông C lại cử ông D đứng ra đại diện vốn. Vì vậy, trong cổ đông sáng lập ngân hàng A không có tên ông C, trong khi nhân vật này mới thực sự là người điều hành. Hơn nữa, pháp luật Việt Nam cũng không truy cứu “tội phạm kép”.
Do đó, nếu ai đó tham nhũng hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng không bị xem xét có hay không tội rửa tiền. Hơn nữa, các hiện tượng thuê giám đốc để thành lập doanh nghiệp, ủy quyền cho tài xế, nhân viên đứng tên cổ phần… cũng gây khó khăn cho việc truy tìm nguồn gốc dòng tiền.
Hiện tượng rửa tiền bằng cách thuê người khác đứng tên chủ tài khoản, sau đó chủ sở hữu bàn giao mã số pin để người thuê thực hiện việc chuyển tiền vào tài khoản trong nước và rút ngoại tệ tại Campuchia đã có. Trước đây có nhóm tội phạm quốc tế thuê một số người Việt Nam mở 12 thẻ debit của các ngân hàng trong nước. Các chủ thẻ nhận ít tiền thù lao rồi giao lại thẻ cho người đặt hàng. Sau đó, nhóm tội phạm này sang Campuchia (quốc gia không quản lý ngoại hối) để rút tiền mặt. Hằng ngày, tiền được chuyển vào cả 12 tài khoản ở Việt Nam và rút sạch từ Campuchia.
Về nghiệp vụ, các ngân hàng phải có bộ phận riêng rà soát tất cả các giao dịch hàng ngày. Có rất nhiều yêu cầu đặt ra trong vấn đề an ninh tiền tệ, đòi hỏi ngân hàng phải quản trị nhiều hơn, phải bổ sung nguồn lực cho khâu theo dõi, kiểm soát dòng tiền. Thực tế, theo luật tất cả các giao dịch gửi tiền hoặc rút tiền từ 500 triệu đồng trở lên đều phải qua khâu khai báo với ngân hàng. Ngân hàng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin, mục đích. Trong trường hợp khách hàng từ chối thì ngân hàng buộc phải hủy giao dịch, đó là bổn phận của ngân hàng.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, với tội phạm rửa tiền là loại tội phạm có những am hiểu nhất định về ngân hàng nên chúng có nhiều chiêu để lách luật, chẳng hạn chia nhỏ hạn mức tiền gửi. Về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Trong hệ thống tài chính ngân hàng ở Mỹ, các cơ quan an ninh như FBI buộc ngân hàng phải có phần mềm theo dõi, phát hiện tất cả những hành vi Splitting (chia nhỏ). Chúng ta hiện nay chưa có điều khoản bắt buộc, song cũng đã đến lúc các ngân hàng thương mại phải lưu ý và có đánh giá đầy đủ, lưu tâm nhiều hơn đến vấn đề này, trong những trường hợp cần thiết cần báo cáo với các cơ quan chức năng”.

Nhiều “mảnh đất đen” chưa được phát lộ

Đại diện cục Phòng chống rửa tiền cho biết, các giao dịch nghi ngờ rửa tiền nói trên chủ yếu là các báo cáo thu thập từ ngân hàng, trong đó có cả ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam. Tuy nhiên, con số này không phản ánh ngân hàng là mảnh đất thuận lợi cho tội phạm rửa tiền. Vì trong các lĩnh vực có khả năng lớn xảy ra rửa tiền như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, kinh doanh vàng, casino… Thực tế, với những cơn “sốt nóng” của thị trường chứng khoán, bất động sản, dòng tiền đổ vào và rút ra từ hai thị trường này là một con số khổng lồ nhưng thực tế chưa có một đơn vị nào báo cáo nghi ngờ. Hiện mới chỉ có hệ thống ngân hàng chú trọng tập huấn nâng cao kiến thức phòng chống rửa tiền cho đội ngũ nhân viên, từ đó kịp thời cập nhật các báo cáo giao dịch đáng ngờ gửi cơ quan chức năng.
Chia sẻ về thời điểm bất động sản “nóng” ở khắp nơi, nhiều giao dịch mua bằng mọi giá, trong đó không ít nguồn tiền từ bên ngoài đổ vào thị trường. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng: “Cũng rất khó đánh giá đâu là giao dịch đáng nghi ngờ. Mọi nghi ngờ có thể ảnh hưởng không tốt tới thị trường. Hơn nữa, với người mua nhà, cầm tiền mặt đi giao dịch họ cũng không phải giải trình với chủ đầu tư tiền ấy nguồn gốc từ đâu. Còn với dòng ngoại tệ từ bên ngoài đổ vào thị trường đã được chuyển qua ngân hàng, có sự kê khai, giám sát của hệ thống”. Còn theo đánh giá của lãnh đạo một công ty chứng khoán, việc giám sát giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu rửa tiền trong lĩnh vực này hầu như không được các công ty coi trọng. Có chăng chỉ dừng lại ở lưu trữ số liệu giao dịch phục vụ cho các cơ quan chức năng khi có yêu cầu mà không mang tính chủ động cảnh báo.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã nhận được báo cáo hai hợp đồng bảo hiểm là giao dịch đáng ngờ và đã kịp thời chuyển đến cục Phòng chống rửa tiền để xử lý theo quy định của pháp luật. Dù số hợp đồng bảo hiểm có dấu hiệu rửa tiền bị phát hiện còn rất ít, nhưng nguy cơ rửa tiền qua các hợp đồng bảo hiểm là không nhỏ.
Thực tế, các chuyên gia về phòng chống rửa tiền cho rằng, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể bị lợi dụng, làm phương tiện rửa tiền thường nằm trong các trường hợp: Tiền phí bảo hiểm được đem đi đầu tư; các đơn bảo hiểm nhân thọ với một mức phí duy nhất có bản chất lưu giữ giá trị tiền mặt; bảo hiểm niên kim cố định hoặc thay đổi; hay đơn bảo hiểm chuyển nhượng được và có thể dùng để thế chấp ngân hàng. Các công ty bảo hiểm cũng có thể nghi ngờ một số loại dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ đã bị hoạt động rửa tiền lợi dụng nếu phát hiện việc đòi bồi thường số tiền khổng lồ, hoặc cho những vụ được dàn dựng. Bên cạnh đó, đối với những hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn, có số phí đóng 400 triệu đồng trở lên là phải báo cáo lên cục Phòng chống rửa tiền để thẩm định kiểm tra. Nếu cơ quan này nghi ngờ có dấu hiệu rửa tiền, sẽ yêu cầu điều tra kỹ lưỡng.
Biến “tiền bẩn” thành “tiền sạch, tiền tươi”
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Tội phạm thu tiền từ các hoạt động phạm pháp như lừa đảo tín dụng, lừa đảo đầu tư, mại dâm, buôn bán ma tuý đều là “tiền bẩn”. Để dùng được tiền này mà không bị nhòm ngó thì tội phạm phải thực hiện rửa tiền qua hệ thống ngân hàng hay bất động sản để thu về “tiền sạch, tiền tươi”. Chính vì thế hệ thống ngân hàng phải đặc biệt cảnh giác với loại hình rửa tiền” .
THEO NGƯỜI ĐƯA TIN

Hàng loạt lãnh đạo ngân hàng miền Tây bị bắt giữ

Hôm (7/9), Bộ Công an, đã ra quyết định khởi tố GĐ và Phó GĐ Ngân hàng VDB chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cùng người đứng đầu Sở giao dịch tỉnh Hậu Giang của Ngân hàng LienVietPostBank.


Sáng  nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt tạm giam 4 tháng đối với Lâm Minh Mẫn, 33 tuổi, kế toán trưởng Cty CP Thực phẩm Phương Nam, để điều tra tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Lực lượng làm nhiệm vụ khám xét nơi làm việc tại Cty CP thực phẩm Phương Nam, ở phường 7 và nhà riêng ở KDC 586 (TP Sóc Trăng).
Cơ quan điều tra phát hiện ông Mẫn lập khống báo cáo tài chính, xác nhận sai về tài sản thế chấp, nâng khống số lượng hàng tồn kho dưới thời điều hành của Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân (đang ở Mỹ) để vay vốn các ngân hàng thương mại.

Liên quan trách nhiệm với hành vi trên, Cơ quan điều tra đến trụ sở Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tỉnh Sóc Trăng, ở đường Trần Hưng Đạo (TP Sóc Trăng) triển khai quyết định khởi tố Giám đốc Nguyễn Thế Thắng và Phó giám đốc Nguyễn Văn Xem.
Cùng thời điểm này, tổ công tác khác của Bộ Công an đến Sở giao dịch Hậu Giang của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, triển khai quyết định khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Đỗ Hùng Sở, khám xét tại nơi làm việc, nhà riêng ở đường Nguyễn Trãi (TP Vị Thanh, Hậu Giang).

Cty CP Thực phẩm Phương Nam cho biết, kế toán trưởng Lâm Minh Mẫn với 3 lãnh đạo ngân hàng vừa bị bắt liên quan đến nợ nần của Cty CP thực phẩm Phương Nam dưới thời điều hành của cựu Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân, cùng gia đình bay sang Mỹ, để đống nợ 1.600 tỷ đồng.
Sau đó, 7 ngân hàng chủ nợ ngồi lại với nhau tìm cách tái cơ cấu doanh nghiệp bên bờ vực phá sản, để tiếp tục sản xuất, Cty CP Thực phẩm Phương Nam đã thế chấp rất nhiều đất đai, nhà xưởng, hàng tồn kho, xe tải của nhà máy chế biến thủy sản tại TP Sóc Trăng và nhiều căn nhà của ông Khuân tại TP HCM.
Cơ quan điều tra còn xác định hàng tồn kho trên sổ sách trị giá trên 700 tỷ đồng nhưng thực tế hàng trong kho chỉ hơn 20 tỷ đồng, là nguyên nhân xác định ông Mẫn đã ký biên bản kiểm tra hàng hóa lưu kho, nâng khống số lượng, để giúp doanh nghiệp vay vốn.
Theo Tiền Phong

Luật rối rắm, bất động sản gặp khó, người dân chịu thiệt

Pháp luật về nhà ở và kinh doanh BĐS còn rối rắm, chồng chéo, mâu thuẫn với nhau và với các luật khác có liên quan. Thậm chí, tất cả những nghị định liên quan đến lĩnh vực BĐS, nhà ở đều đứng trên luật. Chính những bất ổn về luật đã khiến thị trường BĐS trở nên bát nháo, số lượng doanh nghiệp “chết lả” không ngừng gia tăng, trong khi đó quyền lợi của người dân khi mua nhà vẫn bị bỏ ngỏ.


Tại buổi họp này, hầu hết những ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều tập trung mổ xẻ những bất cập của 2 bộ luật trên, đang được cho là nguyên nhân làm thị trường địa ốc kém minh bạch trong thời gian qua.
ĐBQH mổ xẻ bất cập của luật
Phát biểu tại cuộc họp, đại biểu, TS.Trần Du Lịch thẳng thắn nhận định: “Tôi thấy tác động của luật này có vấn đề, rõ ràng chưa thể đi vào cuộc sống!”.
Theo TS.Trần Du Lịch các điều kiện kinh doanh BĐS tại Việt Nam là dễ nhất thế giới, chỉ cần 6 tỷ đồng vốn pháp định là có thể lập doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Vì vậy mới có chuyện rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS theo kiểu “mượn đầu heo nấu cháo” hoặc “tay không bắt giặc” khiến thị trường BĐS trở nên bát nháo.
Minh họa cho nhận định của TS. Trần Du Lịch, Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM cho biết hiện toàn thành phố có khoảng 4.200 doanh nghiệp kinh doanh BĐS thì có gần 3.000 doanh nghiệp (chiếm hơn 70%) có vốn dưới 10 tỉ đồng. Các doanh nghiệp này khó có thể thực hiện các dự án lớn nếu như không có sự hỗ trợ của ngân hàng. Đó cũng là nguyên nhân vì sao khi ngân hàng siết chặt quy định cho vay vốn, nâng cao lãi suất đã khiến nhiều doanh nghiệp BĐS “rơi rụng” vì không còn vốn.
Bên cạnh sự dễ dãi về điều kiện kinh doanh BĐS, nhiều đại biểu còn cho rằng 2 bộ luật có quá nhiều quy định rối rắm, chồng chéo. Cụ thể, trong hệ thống các văn bản hướng dẫn hai luật trên, có nhiều nghị định mang tính “bổ sung” luật, quy định những vấn đề không có trong luật hoặc mở rộng, thu hẹp những quy định của luật.
Nghị định phủ quyết nhau
Đơn cử như Luật nhà ở không có quy định, nhưng nghị định 90 hướng dẫn luật này lại quy định dự án nhà ở có diện tích trên 10 ha phải dành từ 1-20% (tối đa 20%) quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nghị định 71, vốn để thay thế nghị định 90, thì bắt buộc phải dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội.
Một ví dụ khác như trong khi Luật nhà ở không cho phép xây dựng “chung cư mini” (căn hộ nhỏ 30m²) thì nghị định 71 hướng dẫn Luật nhà ở lại cho phép xây dựng loại hình này. Hoặc Luật nhà ở không cấm bán đất nền nhưng nghị định hướng dẫn lại buộc chủ đầu tư dự án nhà ở phải xây nhà xong mới được bán…
Không chỉ phát sinh nhiều quy định “đá nhau”, mỗi văn bản hướng dẫn một kiểu, khiến doanh nghiệp BĐS bối rối không biết áp dụng quy định nào, TS. Trần Du Lịch còn chỉ ra rất nhiều quy định trong 2 luật nhà ở và kinh doanh BĐS thiếu khả thi. Chẳng hạn trong Luật Nhà ở quy định trích 30 – 50% nguồn thu từ tiền sử dụng đất để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Hay như nhận định của đại biểu HĐND TP.HCM Huỳnh Công Hùng: “Luật quy định công dân có quyền có nhà ở nhưng với thực tế hiện nay công nhân, người lao động có tích lũy đến 3 đời cũng không thể mua nổi nhà. Với hiện trạng như thế này thì làm sao đảm bảo được chuyện công dân có quyền có nhà ở”.
Chẳng có luật bảo vệ dân trong mua bán BĐS
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng một vấn đề bất cập khác của 2 bộ luật trên là không bảo vệ được quyền lợi của người dân trong các giao dịch mua bán chuyển nhượng BĐS với chủ đầu tư.
Cụ thể, nhiều vụ mua bán BĐS thông qua công chứng một cách hẳn hoi, nhưng giấy tờ giả vẫn lọt qua cửa công chứng. Khi xảy ra sự cố thì Luật Kinh doanh BĐS lại không quy định rõ cán bộ công chứng, cán bộ văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hay tổ chức nào phải chịu trách nhiệm. Như vậy, dù có Luật Kinh doanh BĐS, nhưng tính an toàn trong giao dịch gần như không có, không cơ quan nào đảm bảo và chịu trách nhiệm an toàn trong quá trình giao dịch cho người dân. Đương nhiên, khi xảy ra tranh chấp, người dân vẫn là những người “nắm dao đằng lưỡi”.
Trước một loạt những bất cập của 2 bộ luật về BĐS trên, hầu hết ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng cần phải sửa đổi luật cho BĐS. Theo ông Trần Du Lịch, cần sửa luật và phải sửa làm sao để chủ đầu tư không thể lấy tiền huy động của khách hàng làm chuyện khác. Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, chính sự thiếu đồng bộ, mâu thuẫn đã khiến hiệu quả thực tiễn của 2 bộ luật trên là rất thấp, vì vậy cần sửa đổi cả một chùm luật như luật Đất đai, BĐS, Nhà ở, Đấu thầu…Nhưng điều quan trọng hơn cả có lẽ nằm ở chuyện nếu thị trường BĐS vẫn đang êm xuôi thì cũng chẳng ai ngó đến luật để bức xúc với nó “ngút trời” như trên. “Rất may” là thị trường có quá nhiều biến động nên người ta mới có thời gian để soi xét, lần lại đầu dây xem lý do vì sao BĐS lại bất động đến thế và lúc này luật mới “lòi đuôi”… rối rắm.
Theo Songmoi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét