Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Bài đáng chú ý - Việt Nam vẫn ‘đứng ngoài” nhân loại và sự phát triển?

Nguyễn Mộng Hoài - Mấy suy nghĩ nhỏ trước một cuộc " tổng kết" lớn


Mới đây, theo quyết định của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Phú Trong, TBT BCH trung ương Đảng được làm Trưởng Ban Ban chỉ đạo Tổng kết 30 năm thực hiện công cuộc "đổi mới" 1986 - 2016. Việc này là nên làm và làm cho thật tốt để rồi từ đó nhân dân Việt Nam hi vọng có nhiều "đổi mới" cơ bản đưa đất nước tiến lên bằng chị bằng em trên thế giới cũng là để đời sống nhân dân, kể cả đồng bào thiểu số ở Việt Nam có đời sống ngang tầm với các nước khá giả trong khu vực, tiến tới bằng các nước giầu có trên thế giới. Được như vậy, quả thật đáng mừng.
Bác Hồ khi còn sống đã từng dạy đại ý: làm việc gì cũng cần phải có sơ kết tổng kết, từ đó rút ra những bài học thành công và chưa thành công, rút ra những kinh nghiệm cần thiết để thúc đẩy mọi mặt công tác ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn. Nếu tính từ các đơn vị "vi mô" trở lên đến "vĩ mô" thì hằng năm, đất nước ta diễn ra hàng chục vạn cuộc họp sơ kết và tổng kết. Nhờ đó mà ta có được nhiều kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lần này Bộ Chính trị lại có quyết định tiến hành tổng kết trong cả nước 30 năm "đổi mới", do đích thân Tổng Bí thư của Đảng làm Trưởng Ban chỉ đạo Tổng kết. Rất hay. Ý tưởng rất hay. Sau cuộc tổng kết này chắc chắn đất nước lại được đổi mới mạnh mẽ và mang lại nhiều thành công hơn cả ba mươi năm qua, có khi có những thành công đột phá, tạo đà cho tăng trưởng về mọi mặt. Ôi dân rất mừng. Những Tổng kết không phải chỉ là để tổng kết, không phải là "cờ rong trống mở" chi tiêu tốn kém, cuối cùng chỉ là "hoan hô thành tích" mọi người, mọi việc đều vui vẻ cả, rồi cuối cùng mọi việc lại đâu đóng đấy thì...dân biết hi vọng vào đâu ?
Đúng là năm 1986, sau Đại hội VI của Đảng, đất nước chuyển động khá rầm rộ (trong sự dè dặt cần thiết) sang "đổi mới" Tuy nhiên, việc chỉ đạo thực hiện "đổi mới" cũng được "vừa làm vừa nghe ngóng" xem có quá đà hoặc trật đường ray của "chủ nghĩa Mac-Lê-nin" không. Cho nên, tôi cho sự dè dặt là cần thiết, nhưng xem ra lại hơi dè dặt quá đáng thành ra có nhiều thứ chỉ "đổi mới nửa với" hoặc "đổi mới chút ít". Tiệp sau Đại hội sấu, các Đại hội 7, 8,9.10.11, đại hội nào cũng có nhắc đến đổi mới, và trong thực tế cuộc sống, chính nhờ "đổi mới" đất nước đang được vận hành không đúng với mong mỏi của toàn dân, vẫn có những điều dân muốn nói ra, nhưng không nói được vì sợ nói không ai nghe và có khi lại mang vạ vào thân !
Vì sao, phải "đổi mới" ? Như tinh thần Nghị quyết Đại hội VI đã chỉ rõ, vì sau 30 năm kháng chiến đánh thắng hai đế quốc to và chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc và phía tây-nam, cả nước đi vào công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong cuộc sống của đất nước, của nhân dân đặt ra nhiều vấn đề nếu không được thay đổi, hoặc nói như nghị quyết nếu không được "đổi mới" thì sẽ có nguy cơ, hình như trong tổng kết chỉ ra 4 nguy cơ thì phải, trong đó có nguy cơ "lạc hậu, trì trệ, thậm chí kìm hãm về kinh tế".
Rút kinh nghiệm ở miến Bắc, sau kháng chiến chông Pháp, từ năm 1955, chúng ta tiến hành "cuộc cách mạng ruộng đất" thực hiện cương lĩnh "người cày có ruộng" Nghị quyết 8 trung ương (khóa 2) kịp thời và mạnh dạn chỉ ra những "sai lầm nghiêm trọng" của cải cách ruộng đất đồng thời đề ra chính sách sửa sai. Cuộc sửa sai độc đáo ấy đã nhanh chóng lấy lại sự ổn định xã hội, làm nguội đi "sự tức giận vì oan ức", nhất là đối với các đối tượng bị sai lầm của cải cách ruộng đất, của cải tạo kinh tế tư bản tư doanh, của quản lý nhân hộ khẩu thành phố và của cả cuộc "đại trấn áp" nhóm "Nhân Văn Giai Phẩm". Sau khi phát hiện những sai lầm nghiêm trọng của CCRĐ, chính Bác Hồ kinh yêu, lúc đó vừa làm Chủ tịch Đảng vừa làm Chủ tịch nước đã phải "vừa lấy khăn lau nước mắt, vừa tuyên bố nhận sai lầm trong lãnh đạo CCRĐ để đưa đến những sai lầm nghiêm trọng. Tổng Bí thư BCH trung ương Đảng Trường Chinh (Đặng Xuân Khu) tuyên bố từ chức và chịu trách nhiệm về những sai làm nghiêm trọng của CCRĐ. Như thế là có một thái độ "thực sự cầu thị" vì lợi ích tối cao của dân tộc.
Nhưng tiếc rằng, chỉ sau một năm tiến hành sửa sai CCRĐ, chúng ta định "đốt cháy giai đoạn" tiến hành ngay công cuộc "hợp tác hóa nông nghiệp" tại miền Bắc, toàn bộ ruộng đất, công cụ sản xuất của nông dân vừa mới giành lại được từ tay bọn địa chủ, phong kiến nay được đưa vào "tập thể hóa" tức là một hình thức "công hữu hóa" để rôi đúng ba mươi năm "làm ăn tập thể" tý nữa thì đưa toàn bộ giai cấp nông dân miền Bắc vào bước đường cùng. Tổng kết phong trào hợp tác hóa, ta nói rằng "nhờ có phong trào hợp tác hóa nông nghiệp chúng ta mới có điều kiện huy động sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 20 năm". Đó là cách nói bấy giờ, vì chúng ta đang tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa ảnh hưởng của cả Trung Quốc lẫn của Liên Xô, mà quên rằng, trong lịch sử hàng nghìn năm phát triển đất nước, hễ có giặc ngoại xâm xâm lược nước ta thì Bà Vua, ông Vua nào cũng có thể huy động ngay lập tức lực lượng nhân dân chống xâm lược.
Thời kỳ khởi nghĩa Hai Bà Trưng chắc chắn chưa có Đảng, chưa có hợp tác hóa nông nghiệp, thời kỳ chống xâm lược Nguyên Mông cũng vậy, cho đến 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân xâm lược Pháp, chúng ta chưa tiến hành cuộc cách mạng ruộng đất và chưa có phong trào hợp tác hóa, chúng ta vẫn mời được nhiều nhân sĩ trí thức lớn ở nước ngoài và huy động đông đảo thanh niên miền Bắc thực hiện cuộc "Nam tiến" rầm rộ chưa từng có và tiến hành 9 năm kháng chiến dẫn đến thắng lợi vĩ đại Điện Biên Phủ. Còn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sẵn có truyền thống chống ngoại xâm, hai miền Nam Bắc vẫn sát cánh chiến đấu. Yếu tố hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc tạo điều kiện cho huy động sức người sức của cho cuộc chiến đấu này chỉ là một yếu tố trong tổng kết nhấn mạnh mà thôi. Nhưng, lợi bất cập hại, chúng ta quá nhiều "tả khuynh", mơ hồ về chủ nghĩa xã hội, quá tin tưởng vào mấy "ông anh đi trước" nên mới thế.
Đầu những năm 1960, hiện tương "khoán hộ Kim Ngọc Vĩnh Phúc" đã góp phần tháo gỡ trì trệ trong hợp tác hóa nông nghiệp, song chúng ta phản đối và ông Kim Ngọc phải mang nỗi oan xuống tuyền đài. Sau đất nước thống nhất vào 30-4-1975, chúng ta cũng định và đã có làm nhưng với mức độ khác miền Bắc thập kỷ 1950, việc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Nam, mới chỉ bắt đầu làm nhưng đã bộc lộ những phản ứng gay gắt của đồng bào, trong đó có nông dân miền Nam. Hơn 10 năm 1975 - 1985, tình hình kinh tế chính trị xã hội miền Nam có nhiều khó khăn. Vựa lúa của đồng bằng Nam Bộ cứ bị teo dần. Thiếu ăn trong cả nước. Nông dân miền Bắc là những người sản xuất ra lương thực thực phẩm những lại là những người bị nhịn đói đầu tiên. Ta còn nhớ, một thời, ông Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị chuyên "vác rá" đi vay lương thực về cứu đói dân ta. Còn nhiều, còn nhiều nữa, các mặt khác của xã hội, nếu không được đổi mới thì chưa biết sẽ đi đến đâu !
Vì thế, mới có công cuộc đổi mới. Đổi mới năm 1986 là công lao của toàn đảng, toàn dân, có cả công lao của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt như nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh chẳng hạn. Chính đồng chí Trường Chinh là một trong những người soạn thảo văn kiện Đại hội VI được các đồng chí trong Bộ Chính trị và trung ương nghiêm túc xem xét và thông qua. Người lĩnh trách nhiệm nổi bật mà tập thể giao cho chính là đồng chí Nguyễn Văn Linh, lúc đó đang là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết Đại hội VI mở ra một thời kỳ đổi mới, những mấy đại hội tiếp sau mới hoàn chỉnh và đổi mới toàn diện hơn, bớt đi những cái "dè dặt, cân nhắc" trước đó. Nhưng sau ba mươi năm đổi mới hoàn toàn được tiến hành trong khung cảnh đất nước có hòa bình thống nhất và ý chí của Đảng tương đối được đồng thuận, nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình.
Nhưng trong ba mươi năm ấy, chúng ta đã làm được gì có tính chất cách mạng cho mọi mặt của đất nước, thì xem ra vẫn còn những vấn đề nổi cộm. Trong đó phải nói rằng, chính sự kiên trì đi theo "chủ nghĩa xã hội" trong khi "chủ nghĩa xã hội thế giới sụp đổ hàng loạt" mà chúng ta vẫn chưa thấy được vì sao, đó là một thiệt thòi lớn, dẫn đến nhiều vẫn đề do hoàn cảnh hòa bình, hoàn cảnh tác động tiêu cực, làm suy thoái "một bộ phận không nhỏ" của đội ngũ đảng lãnh đạo, gây nên sự "xói mòn" lòng tin, có nguy cơ đến tồn vong của chế độ và dĩ nhiên là đến cả sự tồn vong của Đảng nữa. Điều này, trong tổng kết 30 năm đổi mới rất cần được mổ xẻ kỹ càng, chân thực, dũng cảm để có những đánh giá đúng, và rút ra những bài học đích đáng.
Vì sao, vẫn là sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng mà đất nước đang tiến triển một cách ậm ạch, nhiều tiêu cực xã hội làm nhức nhối mọi người, vì sao gần bốn triệu đảng viên của Đảng, và cả hệ thống chính trị chính quyền đang lãnh đạo và điều hành đất nước mà làm sao lại có nhiều vấn đề nhức nhối đến như vậy ? Kinh tê thì suy thoái. Quốc doanh thì trì trệ không phát triển, thậm chí còn làm thất thoát phần lớn ngân sách nhà nước. Như ông Tổng Bí thư đương chức Nguyễn Phú Trọng đã từng nói "sờ đến đâu thấy có tiêu cực đến đấy" hoặc như ông Chủ tịch nước đương nhiệm đã khẳng định : "từ một vài con sâu nay có đến cả một bầy sâu (tham nhũng, suy thoái)", tại sao lại sinh ra "nhóm lợi ích", tại sạo lại có "nợ xấu" đến nặng nề như vậy? Xây dựng dân giầu nước mạnh là một chủ trương đúng, nhưng trong thực tế lại không đúng, chỉ tạo thời cơ cho hình thành một tầng lớp giầu và siêu giầu, còn dân thì vẫn nhì nhằng không hơn trước đổi mới là mấy. Thành tựu không phải là không có, nhưng ậm ạch quá. Người ta có 40 năm xây dựng đất nước trong hòa bình, người ta không đi theo chủ nghĩa xã hội, người ta giầu lên rất nhanh. Nhật, Hàn quốc, Thái Lan, Xin-ga-po gần ta hiện là những tấm gương mà ta cần phải học tập.
30 năm đổi mới được cũng không phải là ít, nhưng tồn tại và khuyết điểm cũng còn nhiều, thậm chí còn có nhiều lực cản bước tiến của đất nước của nhân dân. Muốn tổng kết thế nào thì tổng kết cũng phải chỉ ra cho bằng được các chủ thể chịu trách nhiệm chính về tình hình đất nước hiện nay. Nếu còn nói là Đảng lãnh đạo thì chính người lãnh đạo lại cần phải thấy rõ ưu điểm, khuyết điểm và sự yếu kém của mình. Đó là trọng trách, chứ không thể đổ tại khách quan được. Dân ta sau nhiều năm chiến đấu bảo vệ tổ quốc hi sinh rất nhiều, thiếu thốn rất nặng nề, nay chỉ muốn có được một đời sông dễ thở hơn, không bị một ai đè nén áp bức, có công ăn việc làm tại trong nước không phải có một bộ phận đi làm cu ly cho nước ngoài và làm điếm xứ người, hoặc chờ được lấy chồng người nước ngoài.
Có một triết lý cụ thể rằng, cây đèn nào cũng tỏa sáng, nhưng dưới chân đèn thì "ánh sáng không có được". Cho nên, là người dân, chúng tôi mong sau tổng kết này dân được "dễ thở " hơn, đất nước có cơ hội tiến triển hơn, xóa bỏ được "nhóm lợi ích", "tệ tham nhũng", tệ quan liêu và rất nhiều tệ nạn khác, nhân dân được thực sự làm chủ đất nước mình, không còn bị ức hiếp, không còn tệ mua quan bán chức, nói dối như cuội nữa, xã hội không còn sự dối trá lừa lọc đáng sợ nữa, đêm nằm ngủ không cần phải đóng cổng nhà nữa...
Nguyễn Mộng Hoài
(Quê Choa)

Việt Nam vẫn ‘đứng ngoài” nhân loại và sự phát triển?

Kim Dung: Một bài viết hay, rất đáng đọc và suy ngẫm. Cảm ơn Ts. Tô Văn Trường

Chỉ cần tra cứu trên các phương tiện thông tin chính thống của Nhà nước có thể nhận thấy, đánh giá tình hình kinh tế trì trệ, vô vàn khó khăn làm người dân rối như “canh hẹ”.
Hay nói đúng hơn là những người có trách nhiệm quản lý điều hành đất nước và bộ phận tham mưu giống như những học trò “kém” đang loay hoay đi tìm quỹ tích không hề có trong hình học không gian vậy!

Nguyên nhân cốt lõi

Tình hình các nước có sự phát triển vượt bực làm cho Việt Nam ngày càng lâm vào cảnh tụt hậu xa hơn. Thể chế và con đường chúng ta đang mò mẫm đi theo kiểu đã có “Đảng và Nhà nước lo” gây nên biết bao hệ lụy nhãn tiền! 

Hiện nay, chỉ có ASEAN, Ucraina, Nga, Trung Quốc, Venezuela và Nam Phi công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nguyên nhân chỉ vì “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, không phải do được quyết định bởi quy luật cạnh tranh tự do của thị trường.

 Cũng là da vàng, tóc đen  sùng bái “Đạo Khổng”, Singapore và Hàn Quốc cũng phải trải qua một thời kỳ kinh tế chính trị khắc khổ, độc tài và thắt lưng buộc bụng, mà sao con tàu kinh tế của họ vẫn về đến đích. Sự hy sinh của các thế hệ dẫu sao cuối cùng còn có nụ cười no ấm, dân chủ và hạnh phúc của con và cháu họ.  Ít nhất sự trả giá còn có lối thoát.

Xã hội các nước châu Á có nét phát triển khác với châu Âu nên Mác-Ăng ghen có đề cập đến phương thức sản xuất châu Á. Theo tôi hiểu, thì phương thức sản xuất châu Á có đặc điểm là các cuộc cách mạng xã hội, gắn với các cuộc nổi nổi dậy của nông dân, dù có thành công, cũng chỉ dẫn đến thay đổi dòng họ trị vì chứ không thay đổi chế độ xã hội như đã xảy ra tại châu Âu.

Do đó, nhân dân Việt Nam đã có câu tổng kết “Con vua thì lại làm làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Nói cách khác, tâm lý phong kiến, tiểu nông đã ăn sâu vào thâm căn cố đế trong tư duy của người dân.

Các nước châu Á chưa qua giai đoạn cách mạng công nghiệp (gắn với thời đại phục hưng) như của các nước tư bản châu Âu. Do đó, nền sản xuất lớn cơ giới hóa được hình thành tại các nước này là do các nước thực dân, đế quốc phương Tây đưa vào chứ không phải do tự thân vận động của các nước đó. Tuy nhiên,  cũng phải thấy Nhật Bản đã chủ động tiếp nhận quá trình công nghiệp hóa để phát triển nên mang tính chất ngoại lệ.

Chính sách đối với các nước thuộc địa của thực dân Pháp và thực dân Anh- Mỹ có nét khác biệt cơ bản. Về mặt kinh tế, thực dân Pháp duy trì nền kinh tế tại nước ta ở trình độ nền sản xuất nhỏ và chỉ đưa yếu tố của nền sản xuất lớn ở mức độ nhất định. Thế nhưng đế quốc Anh- Mỹ đã thực hiện chính sách tư bản hóa giai cấp lãnh đạo tại các nước mà họ đặt chân xâm chiếm, dẫn đến thực hiện công nghiệp hóa tại các nước này.

Ai cũng nhìn thấy vấn đề ở đây là hạn chế về tư duy, phẩm chất của nhiều vị lãnh đạo, (do lỗi hệ thống tuyển chọn nhân tài). Vấn đề minh bạch, cần tra soát đề bạt và bãi miễn hệ thống nhân sự điều hành cho phù hợp với năng lực và hoàn cảnh cống hiến trở nên là “vấn đề “của Việt Nam trong con mắt  các nhà đầu tư sáng giá và chuẩn “vàng ròng”.          

 Còn chúng ta thì sao nhỉ? Ra nước ngoài thì cũng là thân phận thấp hèn, dù trí tuệ và nhân phẩm của một nhóm con người ưu tú đâu có thua dân tộc nào. Còn ở trong nước thì từ cao đến thấp phổ biến tự dối lừa bản thân và tự ngạo mạn vô lối. Trong dân gian có câu khẩu ngữ 4 D nói về “nhóm lợi ích” thao túng đất nước  “Đố kỵ, Dối trá, Độc ác, Dửng dưng” nghe thật cay đắng, bởi thế chưa có thời kỳ nào người dân coi thường lãnh đạo như ngày nay.

 Ngược lại, bản thân người dân cũng lúng túng, loay hoay không  biết dựa vào ” cột trục” chuẩn mực nào để xây cuộc đời.

Chỉ riêng bài toán kinh tế cũng không có nghiệm vì tình trạng phổ biến là nhiều vị lãnh đạo từ trung ương đến địa phương có xu hướng báo cáo nặng về thành tích, nói đến khuyết điểm chỉ mang tính chất cho có vẻ khách quan, cốt để đánh bóng cho bản thân mình, tìm cách trấn an dư luận xã hội.

Trong nội bộ lãnh đạo, không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu, thiếu sự đấu tranh tự phê và phê bình một cách nghiêm túc dẫn đến mất đoàn kết nội bộ đã được đại hội Đảng nhiệm kỳ VI-XI liên tục ghi nhận nhưng hầu như không chuyển biến. Theo đánh giá của đại hội Đảng lần thứ VI thì đội ngũ cán bộ chiến lược (tham gia vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách) đã phạm sai lầm nghiêm trọng và kéo dài vì bị chi phối bởi hệ tư tưởng tiểu tư sản vừa tả khuynh vừa hữu khuynh.

Nợ công và con số thống kê

Để đánh giá “sức khỏe”  của nền kinh tế phải dựa vào các con số thống kê, trong đó có nợ công để đưa ra các quyết sách. Tương tự như trong lĩnh vực khoa học tài nguyên nước, khi muốn xây dựng con đê, cống lớn, nhà máy thủy điện vv…người ta phải dựa vào mô hình toán thủy văn, thủy lực để mô phỏng lựa chọn phương án tốt nhất.

Độ chính xác của mô hình phụ thuộc vào số liệu cơ bản, chất lượng phần mềm tính toán và  năng lực của người xử lý mô hình. Chỉ riêng số liệu cơ bản đầu vào mà sai  thì chất lượng của mô hình coi như đồ bỏ, nếu sử dụng thì chỉ mang lại tai họạ! Đấy chỉ là trong phạm vi của ngành, còn số thống kê của cả nước sai sự thật, thì hậu quả còn lớn hơn nhiều.

làm giá, thao túng, chứng khoán, cổ phiếu, sai phạm, mua khống, bán khống, công bố, thông tin

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khi nghe những báo cáo thống kê nửa chặng đường phát triển kinh tế trong 5 năm từ 2011 – 2015, đã phát biểu “Các con số của Việt Nam cứ thế nào ấy. Tôi không dám tin. Thế mà chúng ta lại đem số liệu đấy ra phân tích nữa thì chắc là càng không đúng”. Bản thân người viết bài này ngay từ mấy năm trước đã mạnh dạn viết về sự bất cập của số liệu thống kê Việt Nam qua các bài như “Nợ công đại vấn đề”; “Đằng sau các con số thống kê”; “Con số mà biết nói năng” vv…

Theo đánh giá của chuyên gia Vũ Quang Việt nguyên nhân của tình trạng bất ổn định kéo dài từ năm 2008 đến hôm nay thì dường như ai cũng biết. Nhà nước vừa chi tiêu quá trớn, vừa sử dụng chính sách đẩy mạnh tín dụng. Kết quả là đầu tư và phát triển thiếu chất lượng, nợ nước ngoài tăng, lạm phát cao, nợ xấu tăng, nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ và nhiều ngân hàng trên bờ phá sản, còn tốc độ tăng GDP thì lại trên đà suy giảm.

 Tất nhiên trong tình hình như thế, doanh nghiệp không muốn đầu tư, ngân hàng bó buộc phải cắt giảm và thận trọng hơn trong cho vay. Đầu tư nước ngoài cũng không thể tăng như trước. Tình hình đình đốn như thế này sẽ còn kéo dài nhiều năm. Chính sách kích cầu chỉ như đổ dầu vào lửa. Tuy nhiên trong tình hình như thế, nhà nước không phải chỉ ngồi bó tay mà cần lợi dụng thời cơ thiết lập lại trật tự kinh tế.

 Một trong những trật tự cần thiết lập (chứ không phải thiết lập lại) là hệ thống kiểm soát và cân bằng (check and balance) giữa Chính phủ và Quốc hội trong hoạt động kinh tế.

 Loạn “sứ quân”!

Ngân sách là phản ánh cụ thể chính sách kinh tế.  Ngân sách hàng năm được Quốc hội thông qua ở nhiều nước mang đầy đủ tính chất của một đạo luật. Vi phạm bằng cách vượt mức chi ngân sách đề ra là vi phạm luật. Điều này Quốc hội Việt Nam chưa bao giờ đặt ra và thực hiện, dù rằng Chính phủ chi vượt qui định là thực tế đã xảy ra hàng năm. Tỷ lệ chi ngân sách vượt mức Quốc hội quyết đã rất cao và còn đang tăng, từ 31% lên 42% trong khoảng thời gian 2007-2011.

 Chỉ có thể thấy tính nghiêm trọng của vấn đề trên nếu đem so số nợ vay thêm trên với số nợ tối đa mà Chiến lược vay nợ của Chính phủ đã đề ra cho giai đoạn 2011-2015. Nợ tối đa được qui định là 225,000 tỷ đồng,  tức là 10,6 tỷ US. Tuy nhiên, số nợ tăng thêm tính từ đầu năm 2011 đến tháng 6 năm 2013 đã hơn 11 tỷ US, nhưng vẫn còn 02 năm rưỡi nữa mới hết thời hạn kế kế hoạch.  Đấy là chỉ kể nợ trái phiếu  bao gồm cả tín phiếu ngắn hạn, chưa tính tới nợ vay chính phủ hay ngân hàng nước ngoài.

 Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận xét tham nhũng, lãng phí trong đầu tư  công xuất hiện chủ yếu từ khâu quyết định chủ trương đầu tư. Hàng loạt các công trình xây dựng xong bỏ hoang, lãng phí không sử dụng, nhưng không ai chịu trách nhiệm cho nên khoản nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương cả nước lên đến 91.000 tỉ đồng.

 Theo tôi hiểu, thiếu tiền, nhiều địa phương lại tìm mọi cách “moi tiền” mà không biết ai có thể kiểm soát được họ, kể cả phát hành thêm trái phiếu, thêm nợ. Ngay ở Trung ương, ông Vương Đình Huệ tuyên bố là 7% lạm phát nằm trong kế hoạch những năm tới, có nghĩa là bình thường. Với tư duy kinh tế như vậy, không hiểu nền kinh tế của đất nước sẽ đi về đâu?  Lẽ nào, theo Hiến pháp Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước nhưng thực tế mãi mãi vẫn chỉ là “hữu danh, vô thực”!?

 Bài học về Vinashin

Ngay từ khi  bùng nổ, vụ Vinashin  đã được nhiều chuyên gia phân tích đánh giá rất sâu sắc. Tôi cũng đã viết bài “Vinashin đừng đánh bùn sang ao”.

Tháng 2/2013, có ý kiến cho rằng Bộ Tài chính có thể đứng ra bảo lãnh cho khoản nợ quốc tế tới 600 triệu USD của Tập đoàn Công nghiệp Vinashin Vinashin cùng 23 triệu đô la tiền lãi chưa thanh toán thành loại trái phiếu chiết khấu có thời hạn 12 năm, do Bộ Tài chính Việt Nam phát hành để tránh chủ nợ bắt các tầu cũng như ngăn chặn hàng hóa của Vinashin trên thị trường quốc tế để lấy lại vốn.

Đề án này đã được Tòa thượng thẩm chấp thuận hôm 4/9. Như vậy,  nó không còn là nợ của Vinashin nữa. Bộ Tài chính đang phải “đứng mũi chịu sào” cho bao nhiêu những khoản nợ của nhóm “khu vực chủ đạo” – doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)!?.

Người nước ngoài không cần biết tên Vinashin hay bất cứ thứ tên nào tương tự nữa. Đến ngày đáo nợ họ sẽ đến Bộ Tài chính để đòi. Nếu đã quyết định đẩy các công ty con đi cho người khác chịu  trách nhiệm thì bây giờ cái còn lại đã là 01 công ty mới rồi. Nó không còn liên hệ gì với những cái bị đẩy đi nữa. Nhà nước đã lãnh đủ cái đó rồi. Vậy cái mới có đủ sức sống không thì phải đánh giá tình trạng tài chính và kế hoạch của họ trong tương lai. Thông tin ở đâu để đánh giá?

Về phát triển ngành đóng tầu trên thế giới thì đây là ngành đi xuống từ trước năm 2006 và sẽ tiếp tục đi xuống. Không có khả năng đóng tầu để bán. Vậy thị trường đóng tầu trong nước như thế nào? Có đóng nổi tầu chiến hay nên mua nước ngoài? Về mặt quản lý thì không hy vọng gì, bởi vì cái hệ thống quản lý quốc gia vẫn như cũ.  Nếu không còn có thị trường đóng tầu thương mại mà chỉ có nhu cầu đóng tầu chiến thì nên giao nó cho quân đội.

Thay cho lời kết

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển, và Đảng ta luôn nói lắng nghe mọi ý kiến góp ý, nhưng lắng nghe kiểu như vừa qua, thì rút cục đất nước VN vẫn sẽ “đứng ngoài” nhân loại, và sự phát triển. Chính sự tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng mọi sự sáng tạo, trong đó, có tư duy, mới là động lực kích thích cho dân tộc đó phát triển, và cũng chứng tỏ chính quyền của quốc gia đó mạnh.

Người mạnh là người biết lắng nghe mọi chính kiến khác biệt.
 
Tô Văn Trường
 

Các nước che đậy, Việt Nam lại... trưng ra

Các quốc gia thành viên WTO đã khôn khéo phân biệt đối xử với DN ngoại quốc bằng các hàng rào thuế quan tinh vi. Trong khi đó, Việt Nam lại trưng bày "vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước" ra vị trí mặt tiền, rồi ra sức thuyết phục họ công nhận mình là nền kinh tế thị trường.

Gia nhập WTO là một cột mốc quan trọng của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên sau 7 năm, dường như chúng ta chưa khai thác được hết các lợi ích mà tư cách thành viên WTO mang lại. Bởi hầu hết các nước của WTO, bao gồm cả G7, chưa công nhận VN là nền kinh tế thị trường, bất chấp nỗ lực thuyết phục của lãnh đạo cấp cao của VN trong các cuộc tiếp xúc song phương [1] .

Để kết luận một nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường không, các quốc gia phân tích nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố khuôn khổ pháp lý cho nền kinh tế vận hành, mà đầu tiên là Hiến pháp.

Chỉ cần nhìn vào Điều 15 Hiến pháp 1992 hiện hành (và Điều 51 Khoản 1 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992), sẽ thấy VN phân loại về mặt pháp lý các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế ngay từ trong Hiến pháp và tuyên bố "kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo". Như vậy, ai giữ vai trò chủ đạo, ai thắng trong cuộc chơi không còn được quyết định bởi quy luật cạnh tranh tự do của thị trường nữa, mà quyết định bởi nhà nước.

Để "tuân thủ" Hiến pháp, nhà nước phải có nghĩa vụ bảo đảm vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước. Muốn vậy, nhà nước không còn cách nào khác là phải ưu tiên, ưu đãi các DNNN. Nếu không, ai thắng ai thua trong cuộc cạnh tranh sẽ do thị trường quyết định.

Thị trường thì khách quan, vô cảm, nên DNNN có thể thắng, có thể thua, có thể chủ đạo hoặc không chủ đạo. Nếu DNNN và thành phần kinh tế nhà nước, vào một lúc nào đó, không giữ được vai trò chủ đạo thì nhà nước đã... vi phạm Hiến pháp.
clip_image003
Ảnh minh họa

Bởi vậy, mặc dù không còn duy trì một đạo luật riêng cho DNNN mà thành phần này được điều chỉnh chung trong Luật doanh nghiệp 2005, nhưng ưu tiên ưu đãi vẫn có vô vàn cách. Chẳng hạn, bảo lãnh vay vốn, ưu đãi đất đai, luân chuyển công chức cao cấp giữ các chức vụ quản lý trong DNNN thông qua đó loby chính sách cho các DN này. Rồi bắt buộc các hội thảo sử dụng ngân sách nhà nước phải mua vé máy bay của Vietnam Airlines cho đại biểu tham gia, v.v.

Điều đặc biệt, dường như DNNN không được phép phá sản theo quy luật thị trường, bởi phá sản thì cơ quan chủ quản có thể bị kỷ luật, nên họ phải cứu bằng mọi cách.

Vậy có thể dùng Hiến pháp ra lệnh cho quy luật kinh tế? Và quy luật kinh tế có phải là đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp?

Ông trời đâu có vâng lệnh người; các quy luật kinh tế khách quan đâu có phải là đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp và cũng không biết "giữ thể diện" cho nhà nước với những scandal như Vinashines, Vinalines...

Lùi xa hơn một chút, từ Hiến pháp 1980 đến Hiến pháp 1992, luôn khẳng định "vai trò chủ đạo" của thành phần kinh tế tập thể, nhưng nó đã teo tóp từ lâu. Trong thời kỳ bao cấp, cả dân tộc dành 100% nguồn lực cho kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, nhưng hai thành phần kinh tế này có giữ vai trò chủ đạo được không?

Hãy nhìn vào khả năng bảo toàn vốn, tìm kiếm lợi nhuận, đóng góp cho GPD, góp phần cho tình trạng tham nhũng, khả năng tạo công ăn việc làm giữa hai khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, sẽ dự đoán được quy luật kinh tế đang vận động theo hướng nào.

Bảng: Đóng góp của kinh tế nhà nước tại TPHCM giảm dần đều theo thời gian


Thành phần
2006-2010
2011
2012
2013
Kinh tế nhà nước
26,6%
18,7%
18,0%
17,3%
Kinh tế ngoài nhà nước
50,6%
58,3%
58,5%
58,9%
Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
22,8%
23,0%
23,5%
23,8%

(Nguồn: Cục Thống kê TPHCM, dẫn theo Văn Nam, Đóng góp kinh tế nhà nước giảm dần, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 22/9/2013).

Đáng tiếc, tư duy dùng Hiến pháp ra lệnh cho quy luật kinh tế vẫn được tiếp tục duy trì, lựa chọn làm Phương án 1 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Điều 51 Khoản 1 viết: "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo" (khái niệm "kinh tế tập thể" đã biến mất - VTH).

Quyền lập hiến thuộc về Quốc hội Việt Nam, nhưng quyền công nhận nền kinh tế thị trường thuộc về các quốc gia khác. Mỗi chủ thể đều có ý chí riêng của mình.

Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây, là nghệ thuật che đậy sự phân biệt đối xử. Các quốc gia thành viên WTO đã khôn khéo phân biệt đối xử với DN ngoại quốc bằng các hàng rào thuế quan tinh vi. Trong khi đó, Việt Nam lại trưng bày "vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước" ra vị trí mặt tiền, rồi ra sức thuyết phục họ công nhận mình là nền kinh tế thị trường.

Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đang tích cực đàm phán gia nhập TPP, thì việc trưng bày "vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước" trong Hiến pháp, sẽ làm cho Việt Nam gặp không ít bất lợi.

(Còn tiếp)

TS. Võ Trí Hảo (Khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.HCM)

[1] Hiện nay chỉ có ASEAN và Ucraina, Nga, Trung Quốc, Venezuela, Nam Phi công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, các thành viên chủ chốt của WTO vẫn chưa công nhận.
Nguồn: vietnamnet.vn

“Chùm khế ngọt” ngân sách là nguyên nhân chính làm giáo dục tụt hậu?

"Nghèo không phải là nguyên nhân chính làm giáo dục tụt hậu, chính “chùm khế ngọt” ngân sách mới là nguyên nhân chính. Cái “bầu sữa” ngân sách ấy khiến cho những bộ óc quản lý trong ngành càng ngày càng trì trệ. “Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm” không phải là điều lạ đối với một bộ phận công chức...".
Nghèo không phải là nguyên nhân chính làm giáo dục tụt hậu, chính “chùm khế ngọt” ngân sách mới là nguyên nhân chính.

Dự thảo đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (viết gọn là ĐMGD)” đã được Bộ GD&ĐT công bố.

Đề án đã qua chỉnh sửa tuy nhiên vẫn còn phải chờ ý kiến phê duyệt. Nhiều vấn đề lớn, mang tính định hướng, tầm nhìn như tư duy giáo dục, chiến lược phát triển con người (đội ngũ nhà giáo, nhà quản lý, học sinh sinh viên), xã hội hóa giáo dục, đánh giá, thi cử… đã được thể hiện rất rõ trong đề án.

Có một vài vấn đề có lẽ cần phân tích thêm để làm sáng tỏ, trên tinh thần đó xin nêu một vài suy nghĩ. Trong bài trước, chúng tôi đã giới thiệu phần 1 bài viết của TS Dương Xuân Thành: Nền giáo dục “bắt chước” nhiều thập kỷ qua đã bóp chết sự sáng tạo?  Trong phần này, TS Dương Xuân Thành sẽ đề cập đến các vấn đề như: Giáo dục và kinh tế, Giáo dục và nền tảng đạo đức xã hội, Giáo dục và cơ chế...

Giáo dục và kinh tế

Sẽ là rất ấn tượng nếu nhìn vào con số 20% ngân sách hàng năm được dành cho giáo dục, nhưng nếu nhìn kỹ hơn sẽ thấy đầu tư của nhà nước cho một sinh viên một năm chỉ vào khoảng 500 đô la trong khi thế giới con số này là từ 5.000 đến 50.000. Điều cần phải nói là có khoảng xấp xỉ 13% sinh viên theo học các trường ngoài công lập, những sinh viên này không được hưởng một chút gì từ ngân sách nhà nước mặc dù ngân sách thu được từ tiền thuế của toàn dân.

Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế tự động hóa cao trong các cơ sở sản xuất, số lượng kỹ sư sẽ dần nhiều hơn công nhân. Giáo dục trở thành tiêu chí hàng đầu trong các chí tiêu tạo lập năng lực cạnh tranh quốc gia, như  đề xuất của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thuộc Bộ KH-ĐT: “Các trụ cột này gồm giáo dục đào tạo bậc cao, thị trường hàng hóa, thị trường lao động, thị trường tài chính, quy mô thị trường và mức độ sẵn sàng về công nghệ” [7].

Nghèo không phải là nguyên nhân chính làm giáo dục tụt hậu, chính “chùm khế ngọt” ngân sách mới là nguyên nhân chính. Cái “bầu sữa” ngân sách ấy khiến cho những bộ óc quản lý trong ngành càng ngày càng trì trệ? “Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm” không phải là điều lạ đối với một bộ phận công chức. Vì sao người ta phải đấu đá quyết liệt chức Hiệu trưởng cả trong các trường ĐH công lập như ĐH KT, hay tư thục như ĐH HV. Chắc chắn ở đây không phải để giành lấy một “vinh quang” gì đó, chắc chắn chỉ có một mục đích: “quyền và tiền”.

Nghèo chỉ là là nguyên một trong các nguyên nhân dẫn tới sự yếu kém của giáo dục, nhưng nhiều tiền cũng chưa chắc đã làm giáo dục khá lên. Khi nào những nhóm lợi ích còn nắm quyền chi phối giáo dục (nhóm xuất bản, nhóm công lập, nhóm bộ-ngành, nhóm địa phương…) thì giáo dục Việt Nam chưa chắc giữ được vị trí thứ 5 ở Đông Nam Á chứ đừng mơ  tầm cỡ cao hơn.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng: “chính ngành giáo dục cũng phải vì lợi ích của người dân, của xã hội mà phải chiến thắng lợi ích của ngành mình”. Còn ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thì nêu ý kiến: “Rất thông cảm với ngành GD-ĐT vì ai cũng phải lo cho nồi cơm của mình nhưng nếu chỉ lo thế mà không nghĩ lo cho nồi cơm chung thì đất nước làm sao có Thánh Gióng?” [8].

Cách đề cập như vậy phần nào không công bằng bởi lẽ Giáo dục không phải là ngành lũng đoạn nền kinh tế đất nước, đó phải là Điện, Ngân hàng, Xăng dầu, Bất động sản, Tài nguyên Môi trường… Sự xuống cấp của giáo dục chỉ là “tác dụng phụ” của bài thuốc chẳng phải là gia truyền mà cũng chẳng phải của Y khoa hiện đại.

Người xưa có truyện ông lang băm nọ nhận một bệnh nhân bị đau bụng, giở sách thuốc thấy cuối một trang có câu viết: “đau bụng uống nhân sâm” thế là bốc cho bệnh nhân thang thuốc nhân sâm. Bệnh nhân uống xong lăn ra chết, người nhà kiện lên quan phủ, ông lang cãi mình bốc theo sách. Quan phủ giở sách thuốc tìm thấy ở đầu trang sau còn mấy chữ “thì tắc tử” liền tống giam lang băm vào ngục không cần xét xử.

Với thực trạng kinh tế xã hội hiên nay, “nhân sâm” không phải là liều thuốc tốt cho Giáo dục. Hãy chữa bệnh trước, uống thuốc bổ sau, làm sao để các chất độc tích tụ mấy chục năm qua được đào thải ra ngoài. Ai cũng biết chính sách, chế độ đối với đội ngũ giáo viên các cấp hiện nay là rất bất cập, nhưng nếu tăng gấp ba bốn lần lương cho giáo viên liệu ngay lập tức có nâng được chất lượng bài giảng?

Chủ trương điều 600 cử nhân trẻ về làm phó chủ tịch xã nghèo đang được tổng kết, nếu nó tốt hãy nhân rộng sang giáo dục, hãy phấn đấu trong vòng 5 năm tới có được vài chục nghìn giáo viên chất lượng cao về các trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Kinh tế chưa phát triển, nhà nước không thể bao cấp mãi cho giáo dục. Vì sao chủ trương xã hội hóa giáo dục có nguy cơ phá sản? Hãy thử làm một bài toán đơn giản như thế này:

Dân số Việt Nam năm 2013 vào khoảng 90 triệu người, số liệu thống kê của Tổng cục dân số -  Kế hoạch hóa gia đình cho thấy quy mô gia đình Việt là 4.4 người/1 hộ [9], như vậy toàn quốc có khoảng 20 triệu gia đình. Giả thiết rằng, bình quân mỗi gia đình một năm chi cho học thêm, sách giáo khoa các khoản đóng góp khác là 3 triệu đồng (cho 2 con) thì số tiền này trên phạm vi cả nước sẽ là 6 nghìn tỷ (tương đương 3 tỷ đô la), bằng 37.5% ngân sách nhà nước dành cho giáo dục. Còn nếu tính thêm số tiền mà người Việt bỏ ra cho con cái du học nước ngoài thì tổng chi của xã hội cho giáo dục không chênh lệch nhiều lắm so với ngân sách.

Vì sao một nguồn lực lớn như vậy không được tận dụng cho mục tiêu xã hội hóa giáo dục?  Người viết đã từng đề xuất: “nhà nước xây trường, phụ huynh chọn lãnh đạo, giáo viên và trả lương, lợi năm bảy đường vì nhà nước bớt khoản chi lương, học sinh không phải học thêm, giáo viên không phải dạy thêm, những thầy cô yếu kém sẽ bị đào thải”.

Phải chăng đây chính là mô hình “cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư” mà đề án đã đề cập?  

Cũng cần nói về điều mà dự thảo đề án nêu tại khoản e mục 7: “phân định rõ ngân sách chi cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học với ngân sách chi cho các cơ sở đào tạo bồi dưỡng thuộc hệ thống chính trị và các lực lượng vũ trang”. Lâu nay giáo dục vẫn bị mang tiếng là sử dụng đến 20% ngân sách. Nếu biết rằng các trường khối quân sự, an ninh, chính trị cũng là “đồng sở hữu” số tiền ít ỏi đó  thì sẽ thấy giáo dục chẳng còn được là bao. Đặc biệt là hệ thống các trường chính trị hiện đã phổ cập đến cấp huyện. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông nước ta có 696 huyện, 63 tỉnh, từ huyện, tỉnh đến trung ương số lượng trường chính trị có lẽ không ít hơn số trường CĐ-ĐH trong cả nước.

Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, đầu tư một cách thông minh cho giáo dục mới là điều chúng ta cần bàn chứ không phải vấn đề đầu tiên là “tiền đâu”!

Giáo dục và nền tảng đạo đức xã hội

Muốn xây dựng xã hội mới phải có con người mới, hay như chúng ta vẫn nói, muốn xây dụng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa.

Con người của chúng ta hiện nay “mới” hay “cũ”? Tư duy của họ “mới” hay “cũ”? Phải nói thẳng rằng đại bộ phận tinh hoa của đất nước vẫn là những con người mang nặng tư duy kiểu cũ, tư duy kiểu khoa bảng chứ không chỉ là của người dân như nhận định trong đề án. Còn lớp trẻ thì đang tranh thủ tận hưởng chùm khế ngọt không phải trồng trọt, chăm bón, đang tự đầu độc mình bằng những trào lưu văn hóa “xấu xí”. Con người “mới” chưa hình thành, con người “cũ” ngày càng xấu đi, đó là thực trạng xã hội hiện nay.

Có lẽ chính vì thế mà đề án đã có một sự dũng cảm khi đặt mục tiêu tổng quát của ĐMGD là: “giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện,  yêu gia đình, yêu tổ quốc…”. Một người không yêu gia đình mình thì không thể yêu Tổ quốc, đồng bào. Một kẻ bất  kính với ông bà, cha mẹ thì không bao giờ có thể là công dân tốt. Cho đến hết tiểu học, nghĩa là khoảng 10 tuổi, trẻ em cần được giáo dục tình yêu gia đinh, ông bà, cha mẹ, anh em, cần được rèn luyện tính tập thể và đặc biệt là tiếng Việt chứ chưa phải là Toán hay các môn khoa học tự nhiên khác.

Lứa tuổi này các cháu chưa hiểu được các khái niệm trừu tượng như tổ quốc, đồng bào, quê hương, đất nước… Tình yêu tổ quốc sẽ được vun đắp một cách tự nhiên qua tình yêu làng xóm, rặng cây, con suối quanh nhà. Tình yêu đồng bào sẽ  tự nhiên được mở rộng qua tình yêu cô dì, chú bác, hàng xóm, thầy cô giáo và bạn bè trong lớp…

Phát súng lục mà chúng ta bắn vào “tình yêu gia đình” đang bị trả giá bằng đại bác, điều này chính Bộ trưởng  Phạm Vũ Luận đã phải chua xót thừa nhận: “Trước vấn đề tệ nạn xã hội gắn với tội phạm của giới trẻ xảy ra còn nhiều: Hành xử giang hồ, bạo lực học đường, thậm chí cướp trong học đường...đó là sự vô cảm, mất nhân tính, là vấn đề rất cấp thiết và rất khó giải quyết, cần có thời gian và sự phối hợp nhiều ngành…” [10].

Thời gian có giải quyết được không? Câu trả lời là không. Thời gian của công chức, viên chức Việt ngày nay quá thừa thãi, một tuần chỉ làm việc 5 ngày, một ngày chỉ vài ba tiếng. Cần thời gian có nghĩa là tạo thêm điều kiện cho họ cà phê, đọc báo, chơi game… Chúng ta không cần thêm thời gian mà là phải tận dụng hết thời gian hiện có.

Nhiều ngành có giải quyết được không? Câu trả lời cũng là không. Phó Thủ tướng nói 30% công chức “cắp ô”, Bộ trưởng Nội vụ nói chỉ có 1%.  Cấp trên nói, cấp dưới trực tiếp còn dám “cãi” huống hồ cá mè một lứa kiểu “các ngành” thì làm sao bảo được nhau, làm sao phối hợp với nhau khi ai cũng chỉ lo cho “nhóm lợi ích” của mình.

Vậy thì nhờ vào ai? Theo xuy nghĩ chủ quan của người viết chỉ có thể nhờ vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo và đội ngũ đảng viên của Đảng.

Tại sao lại như vậy? Vì theo số liệu của Bộ Nội Vụ, cuối năm 2012 cả nước có 525.481 công chức, 1.699.288 viên chức, tổng cộng là 2.224.769 người, gần một nửa trong số này có trình độ từ ĐH trở lên [11]. Số lượng đảng viên hiện có là 3.636.158 người [12]. Với số lượng áp đảo như vậy, nếu ba triệu sáu đảng viên làm tốt các quy định của đảng và pháp luật của nhà nước thì hơn hai triệu công chức viên chức sẽ buộc phải trở thành những công bộc đúng nghĩa của dân, nguồn gốc tiêu cực, tham nhũng sẽ bị triệt tiêu và những tấm gương xấu cho con trẻ sẽ không còn.

Cần phải nhấn mạnh, rằng nguồn gốc của tiêu cực và tham nhũng không phải là từ các đảng viên mà từ “một bộ phận không nhỏ”  người có chức, có quyền, chỉ không may là phần lớn những người đó lại là đảng viên mà thôi.

Giáo dục và cơ chế

Báo chí nói nhiều về việc xẻ thịt các rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, nhưng ít người biết Giáo dục còn bị “xẻ thịt” tang thương hơn nhiều. Trong 20% ngân sách gọi là dành cho GD-ĐT, thực sự giáo dục chỉ được sử dụng một phần còn lại là dành cho khối trường chính trị, dạy nghề, an ninh, quốc phòng. Tương tự như vậy với gần 500 trường CĐ-ĐH, Giáo dục cũng phải chia cho các bộ, ngành, đoàn thế, địa phương phần còn lại chưa đến 13% [6].

Thắng lợi của cải cách ruộng đất là người cày có ruộng, thắng lợi của ba lần cải cách giáo dục trước (1950, 1956, 1981) là các bộ, ngành, địa phương có trường, thậm chí công đoàn, phụ nữ, thanh niên cũng có trường (học viện) đấy chẳng phải là biểu hiện manh mún và tâm lý tiểu nông mà cơ chế mang lại sao?

Cơ chế hiện nay không chỉ khuyến khích mà còn tạo điều kiện cho phần lớn trí thức trở thành quan chức theo cách muốn làm lãnh đạo phải có học hàm, học vị. Dù là mua bẳng rởm, dù là nhờ người học hộ, thi hộ thì cũng vẫn ung dung tại vị hoặc lên chức sau một thời gian né tránh búa rìu dư luận.

Theo TS. Trịnh Ngọc Thạch, Phó CN UB Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng  của Quốc hội: “chỉ có khoảng hơn 1% GS, 3% PGS và 10-12% TS giảng dạy trong các trường ĐH” (giaoduc.net.vn ngày 17/09/2013). Có đâu trên thế giới này mà 97% PGS và gần 99% giáo sư không làm công tác giảng dạy ĐH như ở Việt Nam không?

Sự nguy hiểm không phải chỉ là việc các “nguyên khí quốc gia” quay lưng với giáo dục mà còn ở chỗ họ trở thành “con đầu đàn” ở những nới lắm tiền, nhiều của. Họ không hề bị lóa trước ánh đèn khi xuất hiện trên tivi bởi họ đã quen với ánh sáng lấp lánh trong két sắt nhà mình.

Trong bài “Một số cơ chế chính sách với các trường đại học, cao đẳng NCL xa thực tế” báo Giaoduc.net.vn ngày 11/9/2013 dẫn ý kiến của ông Lê Văn Học – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: ” lãnh đạo Bộ GD&ĐT  khẳng định nếu có thay đổi gì trong tuyển sinh cũng phải chờ sau 2015. Tuy nhiên, trong Luật Giáo dục đại học đã quy định các trường được phép tự tuyển sinh, tự ra đề, nếu bộ Giáo dục tuyên bố như vậy phải chăng Luật sẽ vứt vào sọt rác?”.

Về vấn đề này Laodong.com.vn ngày 21/9/2013 dẫn lời Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Ở VN có một luật rất hay, rất lạ mà thế giới chưa có là luật phổ biến giáo dục pháp luật. Có nghĩa, luật ban hành ra rồi vẫn không làm, đến khi ra thêm luật phổ biến giáo dục pháp luật cũng... chưa làm”.

Vậy là lỗi không phải của riêng ngành Giáo dục, đánh giá của ông Lê Văn Học như vậy là không công bằng, lỗi là của “cơ chế”. Giáo dục có chậm triển khai thì cũng chỉ do “toét mắt là tại hướng đình, cả làng bị toét chứ mình em đâu”.

Dư luận, trong đó có cả người viết đôi khi trách cứ Giáo dục một cách vội vã, nhưng mà những lúc bực mình thì phải tìm ra ai đó “giơ đầu chịu báng”, chứ chẳng lẽ lại tìm “cơ chế”?

Ngành Giáo dục có cần chiến thắng chính mình? Câu trả lời là cần nhưng không thể. Cơ chế như cái vòng kim cô mang trên đầu mà Giáo dục không thể tự cởi, thần chú có thể tìm thấy vô khối nhưng “Quan Âm Bồ Tát” thì chỉ có một.
TS Dương Xuân Thành 
  (GDVN)

Trần Dân Tiên thực là ai?

ô. Nguyên Khôi

Đã tìm thấy Trn Dân Tiên...

Theo Nguyễn Khôi - 75 tuổi nguyên chuyên viên cao cấp - phó vụ trưởng Văn phòng Quốc Hội, có thời gian  làm Bí thư chi bộ có các bác Trường Chinh, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Hữu Thọ cùng sinh hoạt, là  Nhà văn Hà Nội, tác giả bộ Cổ pháp cố sự, Chuyện làng Đình Bảng xưa, 4 tập- 920 trang viết về cội nguồn nhà Lý, giải thưởng VHNT Thủ Đô 2008- (xem Nguyễn Khôi- Wikipedia tiếng Việt).

   Cuốn " Những mẩu chuyện hoạt động của Hồ Chủ tịch" ra đời là do lúc đó (1945-1946) kể cả trong và ngoài nước, địch - ta ...ít ai biết về Hồ Chí Minh, mà chỉ biết có Nguyễn Ái Quốc, vì thế theo sáng kiến của ông Hoàng Quốc Việt (thường vụ Trung ương Đảng) gợi ý cho Trần Huy Liệu (Bộ trưởng bộ Tuyên truyền) viết giới thiệu về Bác, Trần Huy Liệu không viết mà giao cho Vũ Đình Huỳnh, thư ký trợ lý của Bác chấp bút, xong khởi thảo thì Trần Huy Liệu sửa, viết bổ sung (thêm bớt) rồi qua Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh đọc "duyệt" cho ý kiến để hoàn thiện  đem xuất bản. Ở thời điểm ấy bận trăm công nghìn việc, thù trong giặc ngoài như thế  thì Bác làm sao mà ngồi chấp bút viết về mình được ? Hơn nữa, Hồ Chủ tịch là người bình sinh khiêm tốn không khi nào nói về mình.

Tên bút danh "Trần Dân Tiên" có ý nghĩa : người công dân đầu tiên họ Trần của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Họ Trần có ý ngầm: mấy người chấp bút này (Vũ Đình Huỳnh, Trần Huy Liệu, Trường Chinh) đều là người quê Vua Trần - Trần Hưng Đạo (Nam Định) đều nêu cao tinh thần "Sát Thát"- chống ngoại xâm, chả thế mà khu rừng ở Cao Bằng nơi ra đời Giải phóng quân  của Võ Nguyên Giáp cũng gọi là "Khu rừng Trần Hưng Đạo" ?

Cuốn sách viết về Hồ Chủ tịch với các chi tiết rất trung thực, sống động, từ khi ra đời không hề có ai phản bác, chỉ có cái tên Trần Dân Tiên bị gán cho Bác, đã làm cho những kẻ thù địch  xuyên tạc nói xấu mà thôi.

Trên đây là những cái mà Nguyễn Khôi  nghe được ở các vị Thủ trưởng, các bậc đàn anh nói chuyện với nhau qua những lần tiếp xúc trong những câu chuyện dọc đường công tác kể chuyện về Bác, vì không phải là "giấy trắng mực đen", ghi âm, chứng cứ rõ ràng, mà chỉ là "chuyện kể" của nhiều người (không phát ngôn chính thức)  Nguyễn Khôi nghe lỏm được, thấy không có hại, nên trước khi từ biệt thế giới này (vì đã ở tuổi 75) thử đưa ra để mọi người tham khảo, tìm tòi thêm để đi đến kết luận chính xác " Trần Dân Tiên (*) thực là ai?". (Hà Nội 31-7-2013   Nguyễn Khôi cẩn bút...)

Thái Doãn Hiểu

__________________________________
(*) Trần Dân Tiên là ai ? Lịch sử vấn đề.

Tên gọi và bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.    
        
Sau nhiều năm hoạt động trong nước và ngoài nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng rất nhiều bí danh và tên gọi khác nhau để đánh lạc hướng kẻ thù. Tuy nhiên, danh xưng Hồ Chí Minh được chọn là tên gọi chính thức của ông và được nhiều người chấp nhận nhất. Theo một số tài liệu thì ông bắt đầu sử dụng danh xưng Hồ Chí Minh từ năm 1940 nhưng không ai biết cho đến khi bị chính quyền Trung Quốc bắt do nghi ngờ là gián điệp vào năm 1942. Từ đó ông bắt đầu công khai và dùng tên gọi Hồ Chí Minh với mọi người. Và từ đó trở đi danh xưng Hồ Chí Minh đã trở thành tên gọi chính thức của ông.   

Ngoài tên gọi Hồ Chí Minh (dùng từ 1942), và tên tự Nguyễn Tất Thành, trong cuộc đời mình, ông còn có nhiều tên gọi và bí danh khác như Paul Tất Thành (1912); Nguyễn Ái Quốc, từ 1919); Văn Ba (khi làm phụ bếp trên tàu biển, 1911); Lý Thụy (khi ở Quảng Châu, 1924-), Hồ Quang (1938-40), Vương (Wang) (1925-27, 1940), Tống Văn Sơ (1931-33), Trần (1940) (khi ở Trung Quốc); Chín (khi ở Xiêm La, 1928-30) và được gọi là Thầu (ông cụ) Chín; Lin (khi ở Liên Xô, 1934-38); Chen Vang (trong giấy tờ đi đường từ Pháp sang Liên Xô năm 1923); ông cũng còn được gọi là Bác Hồ, Bok Hồ, Cụ Hồ. Khi ở Việt Bắc ông thường dùng bí danh Thu, Thu Sơn và được người dân địa phương gọi là Ông Ké, Già Thu,. Tổng thống Indonesia Sukarno gọi ông là "Bung Hồ" (Anh Cả Hồ).           

Ông dùng 173 bút danh khi viết sách, báo:[209] Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn, Nguyễn A.Q, Ng A.Q, Ng. Ái Quốc, N.A.Q, N., Wang, N.K., A.N; P.C. Lin, P.C. Line (1938, Trung Quốc), Line (1938, Trung Quốc), Q.T, Q.TH, Lê Quyết Thắng (1948-50), A.G, X.Y.Z (1947-50), G., Lê Nhân, Lê, Lê Ba, Lê Nông, Lê Thanh Long, L.T., T.L. (1955-69), Trần Dân Tiên, (1946), T.Lan (1955-69), Tuyết Lan, Thanh Lan, Đin (1950-53), Tân Trào, Đ.X (trong chuyên mục "Thường thức chính trị" trên báo Cứu quốc năm 1953), C.B (trên báo Nhân Dân 1951-57), V.K. , K.C., C.K., Trần Lực (1948-61), C.S, Chiến Sĩ, Chiến Đấu, La Lập, Nói Thật, Thu Giang, K.V., Trầm Lam, Luật sư TH. Lam, Nguyễn Kim, K.O, Việt Hồng..v.v.

Trong các bút danh của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên là bút danh gây nhiều tranh cãi tồn nghi nhất

Thông tin rằng Trần Dân Tiên là một bút danh của Hồ Chí Minh được khẳng định và được hiểu như vậy bởi một số nguồn trong và ngoài nước.
Nguồn khẳng định Báo Nghệ An điện tử (của Đảng bộ tỉnh Nghệ An);

...Thời gian Bác ở nước Pháp từ năm 1919 đến năm 1923, cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên (một bút danh của Bác) cho biết: "Thường thường, ông chỉ làm việc nửa ngày; làm buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều đi đến thư viện"...

Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức trong Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
..Đáp lại tình cảm mong muốn của đồng bào, của bạn bè trên thế giới, Hồ Chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch...";
Cựu Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, nhân vật bất đồng chính kiến người Việt là Bùi Tín trả lời phỏng vấn Đài Á châu Tự do,

...Nhân dân, tờ báo của Đảng cộng sản, nói rõ là ông Hồ trong cuộc đời đã dùng đến hơn 30 bí danh khác nhau, trong đó có bí danh Trần Dân Tiên, và khẳng định rõ rằng cuốn "Những mẩu chuyện về đời sống của chủ tịch HCM" là do chính ông Hồ viết ra...

Học giả Mỹ William J. Duiker, trong tác phẩm Ho Chi Minh: A Life:
...The other, Nhung mau chuyen ve doi hoat dong cua Ho Chu tich, by the fictitious historian Tran Dan Tien, was written by Ho in the late 1940s and has been translated into several foreign languages...

Tạm dịch: Còn tác phẩm kia, "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch", của nhà sử học tưởng tượng Trần Dân Tiên, được ông Hồ viết vào cuối thập kỷ 1940 và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng khác.

Học giả Pháp Pierre Brocheux, trong tiểu sử Ho Chi Minh: A Biography:
...
Học giả Mỹ Sophie Quinn-Judge, trong tác phẩm Ho Chi Minh: The Missing Years:.
...Although the author's name is given as Tran Dan Tien, it is believed, in fact, to be an autobiography...

Tạm dịch: Mặc dù tên tác giả là Trần Dân Tiên, nhưng người ta tin rằng thực ra nó là tự truyện...
Nguồn được tạm hiểu

Một bài viết trên tạp chí Cộng sản Điện tử (cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam) có câu như sau, từ đó người đọc có thể hiểu rằng Trần Dân Tiên cũng là Hồ Chí Minh:
Tạp chí Cộng sản Điện tử ,

...Còn nhớ những quan điểm rất rộng mở của Trần Dân Tiên-Hồ Chí Minh: "Khổng Tử, Giê-su, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải có cùng một điểm chung đó sao....);

(Quê Choa)

Nguyễn T Bình - Sao chưa thấy hồi âm


Cho tới bây giờ, dù trải qua bao cấm đoán vô duyên và vô lý với kiểu phân biệt nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc cách mạng, nhạc phản động – không ít người vẫn còn nhớ, còn thích nghe lại, hát lại nhiều bài hát ra đời tại miền Nam trong thời kỳ chiến tranh. Trong đó có bài Sao Chưa Thấy Hồi Âm của nhạc sĩ Châu Kỳ. Năm 1997, NXB Trẻ đã in lại bài hát này trong tuyển tập nhạc “Một Thuở Yêu Nhau” (Tập 1). Có điều lạ, qua tìm hiểu từ nhiều nguồn, kể cả bản nhạc viết tay do nhạc sĩ Châu Kỳ đích thân mang đến cơ quan chức năng thuộc Sở VHTT.TP.HCM để xin duyệt cho “tái phổ biến”, ở đằng sau cùng tên bài hát không có dấu hỏi, dù chắc ai cũng đồng ý khi nói và viết tên bài hát đúng là một câu hỏi. Có lẽ do khi người ta yêu nhau, nhớ nhau, chờ đợi nhau thì “hỏi mà như không hỏi” nghe rất nhẹ nhàng, dịu ngọt và dỉ nhiên vì vậy người được/ bị hỏi nếu cũng thật lòng yêu nhau sẽ có cách “trả lời mà như không trả lời”. Điều này chắc các vị văn nhân như Bọ Lập ở Quê Choa rành sáu câu !

Thế nhưng, trong bối cảnh chính trị xã hội nước ta hiện nay, người dân nói chung không thể chấp nhận tình trạng giống lời ca “Theo năm tháng hoài mong, thư gởi đi mấy lần đợi hồi âm chưa thấy” mở đầu bài hát nêu trên của nhạc sĩ Châu Kỳ. Bởi, dân và đảng là hai, luôn luôn là hai, chứ không phải là một. Dân ở vị trí bị trị, đảng ở vị trí cai trị. Phải tách bạch đâu ra đó thực tế này, chí ít để thấy rỏ hơn nữa giữa dân và đảng, nói cách nào đó, từng có một thời ít nhiều “sống chết bên nhau” dành độc lập cho đất nước, nhưng giờ đây vì sao dân chịu hết xiết đảng, hể nói tới đảng là dân oải cả đầu mình chân tay, kể luôn khối óc, trái tim cũng oải. Cho dù, xét về số lượng, dân đông hơn đảng ở mức tuyệt đối. Vậy mà, trong thực tế bao năm qua, đảng đã đè dân muốn tắt thở, ú ớ mãi mới thành tiếng, góp nhiều tiếng ú ớ lại mới thành lời, góp nhiều lời lại mới thành sức mạnh đứng lên đường hoàng nói lời phải trái với đảng bằng hình thức gởi nhiều thư, viết nhiều bài trình bày, kiến nghị, phản bác, phản đối và cả cáo giác, cáo thư – chủ yếu thông qua phương tiện “thành tựu của nhân loại” là Internet.

Nhưng, tới nay đảng vẫn im re, không trả lời trả vốn gì cả. Khác dạo đảng còn ăn bụi nằm bờ rủ dân làm cách mạng với bao hứa hẹn dân vẫn còn nhớ như nhớ câu ca “Ngày đi người đã hứa toàn những lời chan chứa, còn hơn gió hơn mưa. Một tuần một lần thư, kể nghe chuyện sương gió, kể nghe niềm ước mơ” trong bài hát Sao Chưa Thấy Hồi Âm. Nhiều người sốt ruột phỏng đoán “chắc đảng đang rối đủ thứ chuyện trong nội bộ, nhất là rối vì cái đám “một bộ phận không nhỏ” này đã tỏ ra đếch sợ gì cái đám “một bộ phận không nhỏ” kia, bởi cả hai đều chung một nhà, chung một thuyền, do đó phải gộp “hai bộ phận không nhỏ” lại đảng mới có sức mạnh nội tại, tách ra đảng sẽ yếu, làm sao ứng phó nổi với lòng dân, thời cuộc”. Nhiều người khác tỏ ra am hiểu khẳng định “đúng là đảng đang rối đủ thứ chuyện trong nội bộ, trong đó có chuyện tham nhũng tiếp tục sinh sôi nẩy nở và việc chống tham nhũng chưa ra ngô khoai gì hết, nhưng cái chính là vì rất nhiều người bất kể thành phần xã hội, trình độ học vấn, mức sống cao thấp, ở thành thị hay ở nông thôn, ở trong nước hay ở ngoài nước đang liên kết với nhau điểm trúng huyệt đảng, làm cho cả nước, cả thế giới đều biết, ở nước mình có tới 30 triệu người sử dụng internet chứ đâu phải ít, từng người, từng thành phần không ai bảo ai, không ai cầm đầu ai, cứ theo lý trí, tình cãm của mình mà thay nhau điểm huyệt đảng một cách ôn hòa, điểm liên tục ắt thành đại sự”.

Tuy nhiên, nếu nói đảng không hồi âm tí gì thì không đúng. Cụ thể giữa tháng 8 vừa qua, Luật gia Lê Hiếu Đằng, 45 tuổi đảng, mới thông qua trang mạng điện tử Bauxite VN và được nhiều trang mạng khác tiếp sức yễm trợ, lên tiếng đặt vấn đề cứu nguy đất nước trái ý đảng, lập tức các bộ phận của đảng hồi âm như “đang trong cơn lên đồng”. “Cơn lên đồng” này cho thấy đảng có kiểu hồi âm rất riêng, rất hiếm, không giống ai, không đụng hàng, đúng là “đặc sản”. Xét cho tới cùng, tuy là đảng viên, nhưng Luật gia Lê Hiếu Đằng đã nói tiếng nói của dân, mà dân và đảng vốn đã được / bị đảng nhập thành một bao lâu nay rồi, vậy ông Đằng đâu có nói sai – xét cả ở hai phía lề dân và lề đảng. Người nào cho rằng ông Đằng sai tức có nghĩa là người đó thừa nhận lâu nay đảng đã làm sai khi cứ nhập nhằng “đảng với dân là một”. Người dân mình bây giờ tuy có phần hung hãn hơn xưa (theo nhận xét của nhà văn Phạm Xuân Nguyên đăng trên Tuổi Trẻ mới đây), nhưng có thể nói ai cũng thấy rỏ vừa qua ông Lê Hiếu Đằng đã nêu ý kiến tuy quyết liệt mà rất mềm mõng, có văn hóa và nhất là ông rất trung thực với chính ông trước tiên. Trong khi các bộ phận của đảng hồi âm theo kiểu phản kích “có học cũng như không”, nếu không nói toàn viết tào lao, bậy bạ, phi biện chứng.

Bao giờ thì đảng công khai, chính thức hồi âm các kiến nghị, nguyện vọng tầm quốc gia đại sự mà các tầng lớp nhân đã nêu ra, đến nay chưa ai đoán được. Bởi, ngoài bản tính chỉ muốn độc thoại, không ưa đối thoại, đảng còn có thói quen tuy lúc nào cũng nói dân với đảng là một, nhưng mọi việc lớn nhỏ đảng đều giấu kín, không công khai minh bạch với dân. Kể cả trong đảng hình như cũng chia ra nhiều tầng lớp đảng viên khác nhau, giống đất nước được/ bị chia ra nhiều vùng khác nhau như vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ chẳng hạn, do đó không phải đảng viên nào cũng được biết đầy đủ đảng sẽ tính với dân ra sao, như thế nào trong tình hình “lưỡng đầu thọ địch” như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng phát biểu tại một cuộc tiếp xúc cử tri Q4TPHCM đầu năm 2013, hoặc đang trong tình hình “dầu sôi lữa bõng” như lời một thành viên Ủy ban trung ương MTTQVN đã nói tại cuộc hiệp thương bầu tân Chủ tịch đoàn chủ tịch trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân mới vừa qua. Nghĩa là, có thể nói được chăng, tội nghiệp các đảng viên đã cầm sổ hưu cũng “mù thông tin” về đảng như số đông người dân thuần túy mà thôi. Mọi tin tức trên báo chí chính thống, lề phải cũng vậy, đa phần phản ánh thời sự chính trị, kinh tế đều theo định hướng của đảng. Bế tắc thì viết là suy trầm, hoặc viết là khủng hoãng. Nhiều số liệu trình làng tưởng dzậy hóa ra không phải dzậy - nhất là những con số nợ nần cả đời nay lẫn đời sau người dân phải còng lưng trả mút mùa lệ thủy. Thậm chí với thông tin đối ngoại, thời sự quốc tế cũng đưa theo định hướng của đảng. Ví dụ mới đây nhất, tối thứ tư 25/9, đài truyền hình quốc gia (VTV) đưa tin về chuyến công du Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong đó dành thời lượng khá nhiều đưa hình, đưa tiếng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời trực tiếp các câu hỏi của một số trí thức, học giả Pháp trong cuộc gặp tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) – nhưng qua ngày hôm sau 26/9 hầu hết các báo viết đều không có chữ nào đề cập phần đối thoại này, mặc dù đây là phần tin rất “đắt giá” và “nhạy cãm” đối với người làm báo chuyên nghiệp. Tại sao ?

Tuy vậy, nếu chân lý được định nghĩa là cái lý có chân, thì có thể chờ xem sự hồi âm của đảng thông qua kỳ họp thứ 6 Quốc Hội khóa 13 sắp diễn ra vào cuối tháng 10 tới đây. Vì, trong kỳ họp này, nghe nói QH sẽ chính thức quyết định dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992 và Luật Đất Đai – hai đạo luật có tầm quan trọng hàng đầu, tác động trực tiếp, toàn diện cuộc sống tinh thần và vật chất của người dân cả nước. Đồng thời là hai đạo luật đã gây nhiều bất mãn, khốn đốn cho người dân, đến khi chỉ đạo sửa đổi thì đảng vẫn chỉ đạo tiếp tục duy trì những điều khoản khiến người dân nói chung đã bất mãn càng bất mãn thêm. Ai đã khẳng định Quốc Hội đích thực là “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân” xin hãy chờ xem thêm một lần này nữa để có sự xác tín cho đúng, kẻo không cứ nói bừa lấy điểm ,về sau mắc cỡ không có đất mà chui xuống.

Tính đến giờ phút hiện tại, chưa có dấu hiệu nào hé lộ khả dĩ cho thấy có thể đảng sẽ thôi “độc quyền chân lý”, “độc quyền yêu nước”, “độc quyền lãnh đao” theo quan điểm “cường quyền chính trị” (chữ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dùng khi đối thoại với các trí thức, học giả Pháp tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI ngày 24/9). Thôi thì trước mắt việc của người nào người nấy cứ tiếp tục làm, làm một cách tích cực, mạnh mẽ, trong sáng, chỉ sợ lẽ phải không sợ “cường quyền chính trị”. Nếu lúc nào có chút thời gian rãnh rỗi, thư thả hãy hát lại những câu ca “Nhưng anh vắng hồi thư, hay là anh hững hờ, hoặc là anh không nhớ / Em đâu khác người xưa ngày lẫn đêm mong chờ / Tình yêu nói sao vừa / Từ lâu đành xa vắng, đời trăm ngàn cay đắng, hỡi anh biết hay chăng ? Chỉ cần một hồi âm là em mừng vui lắm, cớ sao anh phụ lòng” trong bài hát Sao Chưa Thấy Hồi Âm của cố nhac sĩ Châu Kỳ./.

Nguyễn T Bình

(Quê choa)

TS Trần Nhơn - Nghị quyết, chỉ thị Đảng



Không được tùy tiện “vơ đũa cả nắm”,
Và hàm hồ “phủ định sạch trơn”!
Nói lên sự thật đau lòng lắm,
Nhưng có cách nào làm khác hơn?
Nghị quyết Đảng là thứ nhảm nhí,
Áp đặt lâu ngày thành thói quen.
Thói quen lâu ngày thành đạo lý
Đảng lên vua cai trị... dân hèn?!

Nghị quyết Đảng là trò nhảm nhí,
Trơ trẽn, vô liêm sỉ nhất đời.
Nói ra điều chân lý giản dị,
Là “cực đoan”, “ác ý”, “nặng lời”...?

Nghị quyết Đảng đâu chỉ nhảm nhí,
Sản phẩm quái dị nhất dương trần!
Duy ý chí, thiển cận, ích kỷ
Của tập đoàn dối đảng lừa dân!

Đâu chỉ trơ trẽn, vô liêm sỉ,
Nghị quyết Đảng – “chính trị loạn luân”.
Giai cấp mới mặt dày má phị,
Nghị xằng, quyết bậy, hại nhân quần.

Nghị quyết Đảng đâu chỉ xằng bậy,
Tội ác diệt chủng chống loài người.
Một phần năm địa cầu đứng dậy,
Đập tan xiềng đảng trị Tháng Mười.

Nghị quyết Đảng dã man đê tiện,
Tanh tưởi mùi xương trắng máu đào.
Cướp đoạt và bảo trì vương miện
Là phương châm toàn trị Lê - Mao!

Nghị quyết Đảng khôn nhà dại chợ,
Chui đầu vào bẫy cạn Thành Đô.
“Bốn kiên định” giáo điều man rợ,(1)
Tổng Bí thư, Thủ tướng tội đồ!

(Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu,
“Vua Tập Thể” cũng là (một) loài “Sâu”,
Tam Tứ trụ triều đình cấu kết,
Tranh công đổ tội hưởng sang giàu!)

Mỗi nghị quyết xơ cứng nhảm nhí,
Chi tối thiểu năm trăm ngàn Đô.
Đại hội là dịp được xài phí,
Bồi bút càng phá cỗ ăn to!

Chính phủ bận trăm công ngàn việc,
Phải “chế” nghị quyết nịnh Trung ương.
Dù thực trạng, giải pháp láo toét,
Phương án, định hướng phải tỏ tường!

(Không chấp nhận ba xạo, láo khoét,
Không vừa lòng đảng chủ độc tài.
Không biết xoa, nịnh và ngụy tạo.
Chính phủ hình nộm sẽ rớt đài!)

Bộ, Chính phủ lắp ghép, xào xáo,
Đảng hô biến thành “trí tuệ đỉnh cao”.
Lãnh đaọ toàn diện và tuyệt đối,
Hào quang toàn trị Mác Lê Mao.

“Vua Tập Thể” gật gù thông duyệt
Đạo văn từ chính phủ nô tài.
Đảng chủ - ký sinh trùng ra nghị quyết,
Hút máu dân sống gửi lâu dài!?

Chỉ thị Đảng lại càng lố bịch,
Từ đôn đốc học tập cụ Hồ
Đến HIV, mua hàng Việt...
Việc gì Đảng cũng phải “nhào dzô”!

Để chứng tỏ lãnh đạo toàn diện,
Chăm lo từng sợi chỉ cây kim.
Thiếu vắng Đảng nước nhà chậm tiến,
Sẽ lạc vào... thế giới văn minh?!

Việt Nam vẫn “ngu lâu dốt bền”,
Tự khen vương nghiệp Đảng làm nên
Quỷ đỏ khổng lồ chân đất sét,
Quyết không buông “nhất lập tam quyền”!

Cuồng si chỉ huy kiêm lĩnh xướng,
Không ưa giữ nhịp, hát bè trầm.
Tự huyễn hoặc, tự khen, tự sướng,
Nghị quyết sai Đảng chẳng hề lầm!

Bởi Nhà nước là của Đảng, vì Đảng,
Và do Đảng chuyên chế dựng lên.
Nhân dân bản chất là “phản loạn”,
Cản đường Đảng ăn trốc ngồi trên?!

Nanh vuốt Đảng đoàn, Ban cán sự,
Những cánh tay bạch tuộc nối dài;
Mật vụ gắn loa phường, lưỡi gỗ...
Đẩy Việt Nam vào thảm họa ngày nay!

Đảng toàn trị, chuyên chính vô học
Là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Xô nước nhà “xuống hố cả nút”,
Mở kỷ nguyên quốc nhược dân bần.

(Về khái niệm “chuyên chính vô sản”,
Lần đầu tiên Các Mác để cao,
Đồ tể Lê nin làm biến dạng
Thành “chuyên chính vô học” từ đầu!)

Nếu không là “người Việt trong sáng”
Từng trải nghiệm nhiều chục năm trời,
Ma lực nghị quyết, chỉ thị Đảng,
Nuôi chất “con”, hủy hoại chất “người”,

Sẽ khó nghe lọt lời tâm huyết
Chỉ mặt Đảng Lê - Mao độc tài:
Cội nguồn chuyên chế và bạo liệt,
Diệt nhân quyền, giam giữ tương lai!

Từ ngày chữ “đảng” phải viết hoa,
Dân toa rập khấu đầu “Đảng ta”;
Vắng bóng đảng cạnh tranh đối trọng:
Tiêu vong nền dân chủ cộng hòa!

Thực trạng đó làm Đảng tha hóa,
Bàn tay ma che cả bầu trời?
Nghị quyết Đảng đầu hàng nước lạ,
Một mình một chiếu, một sân chơi.

“Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh”:
Bức tâm thư cởi mở tấm lòng.(2)
Giũ sổ Đảng (cũng lâm trọng bệnh),
Quyết hoàn lương, giã biệt ngu trung.

Đằng – Nhuận: dân búa liềm bảng đỏ,
Bức xúc đòi bỏ đảng vì dân.
Lập đảng mới Xã hội Dân chủ,
Giúp hệ thống chính trị cân bằng.

Đằng – Nhuận không trở cờ, chống Đảng,
Thực lòng mong Đảng bớt “ngu lâu”.
Biết nhìn đối lập ra đối tác,
“Đảng ta” lại lập chiến công đầu!

Hãy ra những chỉ thị, nghị quyết
Hòa hợp lòng dân, thuận ý trời.
Đa nguyên đ
a đảng là minh triết
Vĩnh hằng cùng xã hội loài người!

Tháng 9/2013
TS Trần Nhơn
________________________________

1/ Bốn kiên định:

Kiên định chủ nghĩa Mác Lenin, kiên định Chủ nghĩa xã hội, kiên định độc đảng toàn trị, kiên định kinh tế quốc doanh là chủ đạo.
Cả 4 cột trụ bị cưa gãy tanh bành ấy, vẫn được dựng lại, khẳng định mạnh mẽ, kiên định gấp bội phần kể từ Đại hội XI đến nay.

2/ “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh”: Bài viết đã đi vào lịch sử của luật gia Lê Hiếu Đằng, đăng trên Bauxite Việt Nam, 12/8/2013.

Người Buôn Gió - Đại Vệ Chí Dị


Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 68.
Mùa thu năm ấy, nước Vệ có nhiều chuyện xấu. Ở phủ Thiên Trường có người dân bị quan lại cướp mất đất đai, gia cảnh bị đẩy vào cảnh cùng khổ, thân phụ buồn sinh bệnh nằm liệt trên giường. Người ấy mang súng hỏa mai, giữa ban ngày đột nhập vào công đường, hạ sát lũ tham quan, làm chết một mống , gây cho hai mống bị thương. Sau vác súng đến chùa tự vẫn dưới chân tượng Phật.
Người đời cảm thán, gọi là anh hùng dân oan. Dân mất đất tứ xứ kéo nhau đến viếng, hương khói cả tuần chưa dứt.
Kế đó xảy đến bọn công sai đường bộ, ăn chia tiền mãi lộ không đều. Sinh mâu thuẫn, súng nổ ầm cả góc trời, một viên quan năm thiệt mang, viên quan tư là thủ phạm thì hôn mê bất tỉnh, mấy công sai nữa cũng phải nằm nhà thương chưa biết sống chết ra sao.
Có một ông già nợ bọn du thủ du thực 3 lượng bạc không có trả, lãi mẹ đẻ lãi con, Bị thúc ép đe dọa, cụ ông mang dầu đến cổng phủ hình cấp huyện tự thiêu giữa thanh thiên , bạch nhật.
Cũng năm ấy, tháng ấy trong Nam có người vợ trẻ, uất hận gia đình túng bấn, châm lửa tự thiêu chết cùng hai con nhỏ.
Miền Trung nước lũ cuốn trôi xe tứ mã chết cả gia đình.Vẫn chưa hết, quan coi đập bất ngờ xả lũ chết mấy mạng người, bao nhiêu tài sản, hoa mầu, gia súc, gia cầm cuốn theo lũ. Thiệt hại đến hàng triệu lượng bạc.
Cháy chợ ở trấn Kinh Sách mạn tả ngạn Huyết Giang, cháy từ sáng đến chiều quân chữa cháy triều đình chưa thấy mặt, khí đến nơi thì hàng tỷ quan tiền đã ra tro. Dân chúng khóc than rầm trời, khiến trời đất tối tăm, mù mịt.
Triều đình huy động 4 ngàn binh mã bao vây đất Mỹ thuộc châu Hoan, phủ Diễn để trấn áp người dân theo Đạo Trời. Quân lính chỉ trong chớp mắt như từ dưới đất mọc lên,giăng tứ ngả trùng điệp, khiên giáp, vũ khí tinh nhuệ. Đánh cho đám dân ấy không kịp chạy, mấy chục mạng nằm la liệt khiến nhà thương không có chỗ chứa. Đánh trận ấy xong, cho loa rao khắp bốn phương vu cho đám ấy là theo giặc Cờ Mới. Dân tình ai nghe cũng hoang mang. Khắp nơi than rằng.
- Thời nay dân chúng đói khổ, vỡ nợ, thất nghiệp tràn lan. Dân tình mất đất oan khiên khắp chốn. Vợ chồng nghèo khó sinh mâu thuẫn đến nỗi đem cả con quyên sinh. Người dân mất đất cùng đường hại quan rồi tự vẫn. Đường đời quẩn bách thế. Nay lại giặc giã nổi lên thế, làm sao mà sống nổi.
Có người đáp.
- Giặc đâu mà giặc, triều đình muốn dẹp đám ấy, vu là thế để bịt miệng thiên hạ dễ bề điều quân. Giá như hôm cháy chợ Kinh Sách. Cứ la là đám Cờ Mới đốt, quân triều đình đến còn nhanh hơn chớp thì đâu đến nỗi dân táng gia bại sản vì chậm chữa cháy.
Bấy giờ tể tướng là Bạo mải công du bên phương Tây, việc nước tạm gác đó. Mọi khi xảy chuyện thế này, đích thân ngài tự tay chỉ đạo sâu sát, khắc phục hậu quả. Cách xử lý của Bạo rất tài tình chỉ cần nói tể tướng đã chỉ đạo giải quyết là đâu vào đấy, dân tình không ai oán than. Bởi người ta mất của, mất người thân chỉ đau đớn phẫn uất lúc đầu, sau thì nỗi đau cũng tự nhạt như vết thương tự lành vậy. |Chả ai chờ được kết quả giải quyết của tể tướng triển khai hay không. Nắm được tâm lý ấy, nên cái gì lớn nhỏ Bạo đều có thể trực tiếp xử lý và theo thời gian kết quả tự khắc tốt đẹp vì không ai nhớ đến việc ấy nữa.
Lại nói về Bạo khi ấy dẫn quân bản bộ sang phương Tây, đến thành Ba Lê xứ Phú Lãng Sa. Được triều đình Phú Lãng Sa tiếp đón tử tế, bàn bạc , ký kết nhiều chuyện trọng đại. Như thế đáng gọi là chuyến công du của Bạo thành công.
Nhân lúc Bạo đi xa, Vệ Kính Vương mật dụ cho các đạo quân thân cận triển khai đánh vào các cơ sở của Bạo. Các tướng như Thánh Ba, Quả Sáng, Quả Thanh, Vương Hạ, Xuân Phước đồng loạt ra quân rầm rộ đánh từ miền Trung trở ra Bắc. Duy có miền Nam, từ dạo đất ấm tập của Bạo là khu Cửu Giang tập trận đến nay, các đại thần nghị sự nhà Sản không ai dám bén mảng vào. Bài học khi xưa Cù tiên sinh đơn đao, độc mã bị công sai thân tín của Bạo mưu hại ai cũng rõ.
Nhưng Bạo cũng đã phòng xa từ hồi tay chân Trì Bạch Thủ là hào phú đất Bắc bị Quả Sáng triệt hạ, nên lúc công du những thuộc hạ nào có thể bị nhà Sản hại, Bạo đều đem theo hết. Bạo đi lần này, thừa thắng ở thành Ba Lê kéo quân sang Hoa Thịnh Đốn quyết đánh trận Kim Tiền, Dầu Khí...quân Bạo không tinh nhuệ. Nhưng hy vọng gặp thời, phương Tây mở lòng chiếu cố mà cho lập hai trận ấy, thì may ra nhà Chúa còn vững được thêm mươi năm nữa. Nếu không chắc hẳn quay về đất sinh thành phương Nam nơi có sẵn quân thủ túc miệt Cửu Giang, lại bao nhiêu kho tàng, vựa thóc, nhà xưởng ở đó. Chỗ thực túc, binh cường nơi ấy đủ để Bạo hùng cứ một phương. Thân gia quyến thuộc nhà Baọ bẵng đi dạo gần đây không thấy hiện diện ngoài Bắc. Các đại thần nghị sự thân Vệ Kinh Vương chẳng thấy vào Nam. Thế nước chông chênh dường như sắp thể chia đôi.
Trong cảnh rối bời ấy nghĩa quân khắp nơi nổi lên. Thanh niên lập đội Nhị Ngũ Bát, cao niên lập đội Thất Thập Nhị, rồi đội Dân Chủ, đội Dân Sự...cơ man nào là các đội nghĩa quân khắp miền giương cờ tụ nghĩa, đòi nhà Sản phải trả quyền tự do, dân chủ, công bằng, bác ái cho dân tộc. Tiếc rằng có đội quân vừa đánh nhà Sản, vừa đánh các đạo quân khác không kém phần gay gắt. Đôi khi mải tranh giành cát cứ ảnh hưởng, cất quân đánh tứ tung sang đội nghĩa quân khác. Y như thời hậu Hán trước lúc Tam Phân, âu cũng là quy luật chẳng biết sao được.
Mỗ có người bạn họ Lê làm thầy cãi, sinh ở châu Hoan, lập thân ở đất kinh kỳ. Cuối năm ngoái bị công sai bắt bỏ ngục vì tội lậu thuế. Người đời cứ cho rằng vì Lê thầy cãi hoạt động chính trị, nên vì thế mà triều đình vu tội lậu thuế mà bỏ ngục. Lê thầy cãi bạn mỗ người thiện lương, tất không lậu thuế triều đình, chuyện làm chính trị của Lê thầy cãi chỉ quanh quẩn thư phòng, bên mâm rượu, bàn trà. Thảng viết một thiên ngắn luận bàn thế sự. Gọi là có quan tâm đến thời thế So với các anh hùng khác trong gầm trời Nam, Lê thầy cãi cũng chưa thấm đâu. Nếu vì e sợ Lê thầy cãi làm chính trị tranh quyền đoạt tước với mình, mà nhà Sản cho quân bắt vì tội lậu thuế cũng không đúng cho lắm, nhưng bảo không phải là chuyên chính trị cũng không hẳn là đúng.
Lê thầy cãi đam mê phân tích kinh tế, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp các doanh nghiệp, hãng , xưởng, ngân hàng nhà Sản. Đến thời đình đốn, suy thoái, nợ nần be bét khắp đất nước. Vì muốn che đậy để yên lòng bên trong, để dụ nhà đầu tư, để chủ tướng đi mượn tiền bên ngoài dễ dàng, các thủ hạ tay chân của Bạo lấy cớ trốn thuế khám xét tịch thu tư liệu, sách vở, hồ sơ của anh em nhà Lê thầy cãi, bắt cả hai anh em nhốt vào ngục. Thế nên nói chính trị là oan cho Lê ,vì nói có khi khiến dân chúng nghĩ kiểu buông tuồng như '' được làm vua thua làm giặc'' mà xuê xoa oan khuất của anh em Lê thầy cãi. Nói lậu thuế là kiểu cờ bạc được'' ăn cả, ngã về không '' người đời tặc lưỡi chép miệng là qua.
Chính xác tội anh em nhà Lê oan thấu trời, dậy đất. Tựu chung vì dám tìm hiểu sự thật về tư cách làm ăn của những bọn bất lương, hòng giúp người lương thiện phòng tránh bị lừa đảo. Rồi cơ sự xảy ra y như thế,lúc đổ vỡ kinh tế cận kề, phủ Chúa đang muốn bịt tin đồn để còn xoay sở mới bắt Lê thầy cãi vì tội '' lậu thuế'' để nói thiên hạ, mập mờ chuyện tranh quyền để nói với nhà Sản bên trong.
Bao nhiêu tâm cơ của anh em nhà Lê thầy cãi đã bị tịch thu, thiết nghĩ chả còn gì gây hại đến các cơ sở , hãng, xưởng của tay chân nhà Chúa. Bạo đi Bá Lê thành công như vậy cũng là may mắn lắm rồi. Sao còn chưa để người vô tội về với con thơ. Đừng cố thủ đoạn một công đôi ba việc, đã đạt mục đích này rồi. Lại đem người ta ra xử tội, dùng bọn nhân chứng tay trong bịa đặt để vu khống người lương thiện. Lấy người lương thiện ra làm con bài đối ngoại xong lại quay sang đối nội. Nếu thất đức thế, thì chuyện quân nhà Sản tấn công khắp nơi cũng là nhân quả mà thôi. Chả còn kịp trở tay về phương Nam nương náu nữa đâu.
Người Buôn Gió
 

Một hãng hàng không Việt chi $9.1 tỉ mua 92 Airbus

VietJetAir, hãng hàng không lớn thứ hai của Việt Nam, hôm 25 tháng 9, ký thỏa thuận mua 92 chiếc máy bay và thuê thêm 8 chiếc nữa, đều là Airbus 320 tại Pháp. Tất cả số máy bay này trị giá tổng cộng khoảng $9.1 tỉ.

Theo báo mạng VNExpress, VietJetAir được thành lập năm 2007, tức sáu năm nay, nhưng mới bay chuyến đầu tiên vào cuối năm 2011. Hãng này còn được gọi là “hãng máy bay giá rẻ,” hiện có 8 chiếc Airbus bay nối liền 14 điểm nội địa và một điểm ở Thái Lan.


Các cô gái mặc bikini nhảy múa trên chiếc máy bay của hãng VietJetAir gây nhiều dư luận tại Việt Nam. (Hình: báo Thanh niên)

Theo dư luận, VietJetAir, viết tắt là VJA, cũng đã gây nhiều tai tiếng trong thời gian qua khi cho xuất hiện các cô gái mặc bikini nhảy múa trên chiếc máy bay khai trương đường bay Sài Gòn-Nha Trang ngày 6 tháng 8, 2012.

Sự kiện này gây phản ứng mạnh mẽ trong một số hành khách cũng như dư luận sau đó. Tuy nhiên, đại diện của VJA khẳng định rằng “hầu hết hành khách trên chuyến bay hôm đó đều rất hài lòng với màn ăn mặc mát mẻ, nhảy múa vui nhộn” nêu trên.

Người đại diện này còn biện minh rằng, việc các cô gái “ăn mặc mát mẻ” nhảy múa trên máy bay không ảnh hưởng gì đến sự an toàn của chuyến bay.

Mới hôm 12 tháng 8, 2013, một chiếc máy bay của hãng VJA đi từ Sài Gòn đến Bangkok, Thái Lan cũng đã bị “rơi tự do” làm một tiếp viên bị thương nhẹ. Nguyên nhân được giải thích rằng máy bay đã đi vào vùng “nhiễu động” đột ngột.

Trong khi đó, theo đài BBC Anh quốc, các hãng hàng không Việt Nam đang phải “tăng tốc cạnh tranh đến chóng mặt để tồn tại.”

Trở ngại chính trong cuộc đối đầu gay gắt của các hãng này là giá xăng dầu quá cao, thiếu phi công, và lợi tức đạt được quá khiêm nhường.

Hiện nay, hãng hàng không do nhà nước sở hữu - Vietnam Airlines vẫn chiếm đến 70% thị phần. Trong số 5 hãng hàng không tư nhân bắt đầu ra đời cách nay 6 năm, hiện chỉ còn một hãng độc nhất hoạt động. Ba hãng Air Mekong, Trãi Thiên Air Cargo và Indochina Airlines đã phải “dẹp tiệm” vì chi phí cao, gặp lỗ lã...

Một hãng còn lại là Blue Sky Air thì đã có kế hoạch chuyển sang bay theo hợp đồng, nhưng kế hoạch này cho đến nay vẫn chưa rõ ràng.

BBC dẫn lời một chuyên viên phân tích của hãng cố vấn quốc tế Frost & Sullivan nói rằng, khi người dân chưa có nhiều sự lựa chọn thì coi như chưa được hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét