Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Tin thứ Ba, 06-08-2013 - update

CHÍNH TRỊ-PHÁP LUẬT
- Xuất bản công trình ấp ủ 40 năm về biển đảo Việt Nam (VTV).
- Video: TBT Nguyễn Phú Trọng tiếp Vương Nghị 5/8/2013 (VTV/ TNĐT). “Tổng Bí thư … khẳng định, thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc là chủ trương nhất quán và cũng là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; mong muốn hai bên nỗ lực cụ thể hóa và thực hiện đầy đủ các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường hợp tác hiệu quả, thiết thực trên mọi lĩnh vực“. => đúng là có vẻ nhất quán đấy, rút kinh nghiệm nên sau khi Đảng ký xong thì Chủ tịch sang ký, cơ mà có những điều cần phải xin ý kiến của NHÂN DÂN.....
- Phạm Đoan Trang: Cuộc thập tự chinh tuyệt thực của một blogger Việt Nam (Asia Sentinel/ DTD). – Nguyễn Thanh Giang: CẦN VINH DANH ĐIẾU CÀY (BS).
Một bức ảnh lạ (DLB). “Nông dân Dương Hữu Đức, 56 tuổi, ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, bị chính quyền thu hồi đất và đền bù không thỏa đáng. Ông từng chế tạo vũ khí chống lại và trường hợp của ông được báo chính thống Trung Quốc đăng tải vào tháng 6-2010. Vài tuần sau, ông được đền bồi gấp 5 lần mức đề nghị ban đầu” .
- ĐA CỰC (Võ Trung Hiếu). “Cho nên bi kịch bắt đầu xảy ra/ Từ lúc niềm tin được thay bằng chủ nghĩa/ Từ lúc chân lý bị đầu cơ rồi phân phối độc quyền/ Từ lúc chúng ta phải dối lòng nói những lời kẻ khác/ muốn nghe để đổi lấy bình yên…
- Hồ đập miền Trung kêu cứu: Rệu rã cả “phần cứng” lẫn “phần mềm” (NNVN).
KINH TẾ
VĂN HÓA-THỂ THAO
- Ca sĩ Cẩm Vân: Thèm nhất là cảm giác bình yên… (SGTT).
GIÁO DỤC-KHOA HỌC
XÃ HỘI-MÔI TRƯỜNG

- Tiếng khóc sau cánh cửa – Kỳ 6: Người đàn bà và cái huyệt trong nhà (TT).
QUỐC TẾ

NHẬT BẢN HÀNH ĐỘNG

Bài viết cùng tác giả:
Bài viết của bà Yuriko Koike, cựu bộ trưởng quốc phòng của Nhật Bản và là cố vấn an ninh quốc gia, là Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do của Nhật Bản và hiện đang là thành viên của Nghị viện quốc gia.

Bài viết gốc: Japan in action
TOKYO – Những năm khủng hoảng chính trị kéo dài của Nhật Bản - kéo dài hơn nửa thập kỷ - đã kết thúc. Đảng Dân chủ Tự do (LDP: Liberal Democratic Party: đảng dân chủ tự do) giành được một chiến thắng quyết định trong cuộc bầu cử vào thượng viện tổ chức vào ngày 21/7/2013, nó làm kết thúc một quan điểm chính trị do dự gây ra bỡi thiếu đa số phiếu để có những quyết định chính trị có hiệu quả.
Trong sáu năm trước, có sáu thủ tướng, mười bộ trưởng quốc phòng, và 14 bộ trưởng tư pháp (mười người trong số họ đã đến và đi trong 39 tháng cầm quyền của Đảng Dân chủ Nhật Bản). Những con số này cho thấy tình hình chính trị của Nhật Bản đã không ổn định như thế nào.
Nhưng những lo lắng về chính phủ non trẻ của đảng dân chủ Nhật Bản(DPJ goverment: Democratic Party of Japan government), giảm phát kéo dài, và thách thức chưa từng đặt ra bởi các nước láng giềng tạo ra một nhận thức rộng rãi về cuộc khủng hoảng cho các cử tri Nhật Bản. Đó là nguyên nhân thúc đẩy họ trở lại với đảng dân chủ tự do nắm quyền, mặc dù nhiều cử tri dường như chán với đảng này chỉ mới một vài năm ngắn ngủi trước đây.
Trong chiến dịch tranh cử gần đây, LDP tiếp tục chỉ trích chính phủ non nớt của DPJ trước đó, nhưng tránh được các cuộc tấn công trên các đảng phái khác. Thay vào đó, LDP nhấn mạnh lợi ích của việc cải cách của Thủ tướng Shinzo Abe (thông tục gọi là "Abenomics" - Abe-economics - chiến lược kinh tế của Abe*), chẳng hạn như tăng giá cổ phiếu, tăng trưởng GDP nhanh hơn, và việc làm nhiều hơn, tất cả đều đã tạo ra hy vọng cho một sự thay đổi trong triển vọng của Nhật Bản.
Kể từ khi Abe trở lại vào cuối tháng 12/2012 cho một lần thứ hai làm Thủ tướng Chính phủ, cử tri Nhật Bản đã giao cho ông 2 việc là, duy trì ổn định chính trị, bảo đảm phục hồi kinh tế. Nhưng, sau khi mở rộng nới lỏng tiền tệ và tài chính, nó là “mũi tên” thứ ba của Abenomics sẽ là thử thách quan trọng nhất - và thử thách đầy tính chính trị nhất. Chính phủ Abe đã phải thực hiện bãi bỏ quy định và cải cách cơ cấu khác trong khi thuyết phục các nhóm lợi ích đầy quyền lực thích nghi với môi trường mới của quốc gia và toàn cầu, trong đó mô hình kinh tế cũ của Nhật Bản không còn hoạt động nữa.
May mắn cho ông Abe sẽ không cần phải lo lắng về những cuộc bầu cử trong ba năm tới. Với việc chiếm đa số lấn át trong cả lưỡng viện quốc hội của LDP, ông sẽ có thể được đảm bảo bất cứ điều gì để cải cách pháp luật mà ông cần - có nghĩa là, với điều kiện là ông có thể duy trì kỷ luật nội bộ của LDP (với được nhiều người khâm phục ông sẽ giúp ông thực thi).
Chương trình nghị sự của ông Abe bao gồm cải cách an sinh xã hội để đáp ứng với xu hướng nhân khẩu học, cũng như được sự chấp nhận trong ngành nông nghiệp với Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương(Trans-Pacific Partnership: TPP), một hiệp định thương mại khu vực nổi bật sẽ đoàn kết Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, New Zealand, và nhiều phần còn lại của châu Á, ngoại trừ Trung Hoa. Sự khắc nghiệt của TPP đang bị ràng buộc để buộc phải cải cách nông nghiệp mạnh mẽ, và thực vậy, nó thúc đẩy sự quyết tâm, kiểm tra tính kỷ luật trong đảng.
Nhưng Abe cũng đang gây sức ép cho sự thay đổi trong nghiên cứu y học và các lĩnh vực công nghệ bằng cách chấp nhận những đổi mới mà một thời gian dài không quan tâm(long-shunned innovations) ví dụ như các tế bào gốc đa năng (tế bào gốc nhân tạo theo tác giả của bài viết; nhưng đúng nghĩa nó là tế bào gốc đa năng: Induced pluripotent stem cell: iPS). Ông cũng nhấn mạnh sự phát triển những đổi mới về năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, mà nó đã trở thành một mục tiêu chính sách khẩn cấp sau tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi hai năm trước đây. Abe đã được nhất trí để thực hiện tiến bộ vững chắc trên từng vấn đề quan trọng.
Tuy vậy Abenomics có một hệ quả tất yếu chiến lược là tốt. Trong ngoại giao Nhật Bản đã bị mất vị thế của mình vì không ổn định chính trị - và thường  là do ngây thơ - của những năm DPJ nắm quyền. Do đó, ông Abe đã phải đi công du các nước mỗi tháng kể từ cuối tháng 12/2012 trong một nỗ lực để chứng minh rằng Nhật Bản đã trở lại là một đối tác toàn cầu, và đặc biệt quan tâm đến việc đóng một vai trò nổi bật trong cách viết lại các cấu trúc an ninh châu Á trong bối cảnh sự trỗi dậy của Trung Hoa. Thật vậy, ông Abe đã đơn thân độc mã viếng thăm 13 quốc gia trong sáu tháng qua (một lịch trình mà nó đã giúp ông ta gạt sang một bên bất kỳ ký ức nào còn sót lại của nhiệm kỳ trước đây của ông khi làm Thủ tướng Chính phủ, mà vì sức khỏe kém buộc ông phải từ chức sau chưa đầy một năm lên nắm quyền).
Ông Abe đã đặt trọng tâm vào việc tăng cường liên minh của Nhật Bản với Hoa Kỳ, vốn đã bị teo tóp lại do hậu quả của hành vi yếu ớt của chính phủ DPJ (làm cho quan hệ với Trung Hoa xấu đi là tốt). Nói rộng hơn, Abe vạch ra tương lai của Nhật Bản như của một quốc gia giao dịch mà ở đó Nhật Bản thừa nhận vai trò xứng đáng của mình trong việc đảm bảo trật tự hàng hải tự do và cởi mở. Cơn lốc ngoại giao của ông Abe là nhằm mục đích tăng cường quan hệ với các nước có chung cam kết này, cũng như các giá trị khác của Nhật Bản, bao gồm cả nhân quyền và dân chủ.
Tất nhiên, với quy mô và tính năng động của châu Á, có rất nhiều vấn đề khác cần được giải quyết trong những năm tới, bao gồm cải thiện môi trường an ninh trong một hiện tại không ổn định của khu vực Đông Á và sửa đổi hiến pháp của đất nước, trong đó đảng Dân chủ Tự do đã quan tâm thực hiện trong nhiều năm. Nhưng ưu tiên hàng đầu cho chính phủ lần thứ hai của ông Abe là làm sống lại nền kinh tế Nhật Bản. Đó là nhiệm vụ khó khăn đã bắt đầu, và chiến thắng cuộc bầu cử gần đây của đảng Dân chủ Tự do sẽ tăng cường khả năng của ông Abe để hoàn thành nó.
@Project Syndicate 31 July, 2013
Ghi chú:
(*)Abenomics: Chiến lược kinh tế của ông Abe ở Nhật Bản là một hỗn hợp cả về kinh tế chính trị học toàn diện chứ không chỉ đơn thuần kinh tế như ông Lý Khắc Cường đã vẽ ra ở Trung Hoa. Đây là đặc điểm khác biệt giữa 2 cực tả và hữu chính trị toàn cầu. Cánh tả như Trung Hoa và Việt Nam thì giữ chính trị như cũ để tham nhũng và ăn chia, chỉ thay đổi kinh tế để mỵ dân. Còn các quốc gia cánh hữu như Hoa Kỳ và Nhật Bản, khi khủng hoảng kinh tế thì họ có cả một dự án lớn chuyển đổi kinh tế lẫn chính trị đi theo đúng quy luật. Nhờ đa nguyên chính trị mà các nước cánh hữu có bộ lọc để cạnh tranh đúng quy luật trong điều hành đất nước tốt hơn. Nó làm giảm tình trạng tham nhũng và lãnh đạo là người làm công ăn lượng của dân, chứ không là vua như các quốc gia theo cánh tả cực đoan cộng sản. Hai bộ phận trong Abenomics gồm:
+ Kinh tế gồm 3 mục tiêu: thúc đẩy tăng trưởng, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng và nới lỏng tiền tệ. Ba biện pháp trên của ông Abe đã và đang thực hiện nhằm giữ mục tiêu lạm phát ở tỷ lệ 2% hàng năm, điều chỉnh đồng Yên tăng giá quá mức để phục vụ xuất khẩu, thiết lập lãi suất, nới lỏng định lượng, mở rộng đầu tư công, mua trái phiếu hoạt động xây dựng của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), và sửa đổi ngân hàng tài chính theo Đạo luật của Nhật Bản. Chi tiêu tài chính sẽ tăng 2% GDP, có khả năng nâng cao thâm hụt ngân sách 11,5% GDP vào năm 2013.
+ Chính trị thì ông Abe còn đưa ra 3 biện pháp về chính trị để bảo đảm cho kinh tế thoát ra sự trì trệ 20 năm qua gồm, tăng cường ngoại giao thương mại trên toàn cầu, thay đổi hiến pháp để tạo ra một hệ thống kinh tế phù hợp với thời đại mới và một nền an ninh quốc phòng vững mạnh để đối phó với một Trung Hoa nổi dậy trong hung hăng, và nối lại đồng minh chiến lược Hoa Kỳ mà DPJ đã lơ là trong nửa thập kỷ qua.
 

CẦN VINH DANH ĐIẾU CÀY

Nguyễn Thanh Giang
Rất đáng phàn nàn về bài viết nhan đề “Lật tẩy “chiêu tuyệt thực” của Nguyễn Văn Hải” của nhà báo Vũ Đại Phong đăng trên báo Công an Nhân dân ngày 29 tháng 7 năm 2013.
Tác giả tỏ ra gian trá lấp liếm sự thật nhưng cũng thật ngờ nghệch khi để lộ nhiều tình tiết tự tố cáo sự gian dối của mình trong một bài viết ngắn như sau:
Những ngày gần đây, một vài thông tin trên mạng có nêu việc Nguyễn Văn Hải đã ‘tuyệt thực’ và ‘đang trong tình trạng nguy cấp’. Nhân đó, một số người vốn đã quen với việc kích động tụ tập khiếu kiện, bèn tập hợp nhau tới các cơ quan công quyền đưa yêu cầu can thiệp khẩn cấp.
Trong chuyến công tác tại Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), chúng tôi đã tìm hiểu và thấy chuyện tuyệt thực của Hải chỉ là một màn kịch vụng về, nhằm thu hút dư luận đúng dịp lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đi thăm một số nước, trong đó có Hoa Kỳ.
Thông tin cho rằng Hải tuyệt thực từ ngày 24/6, tính đến nay (29/7) là hơn một tháng. Thế nhưng khi gặp Hải, tôi vẫn thấy ông ta đi lại bình thường, dù dáng vẻ hơi gầy (là tạng người vốn dĩ xưa nay của Hải); Hải vẫn nói năng hoạt bát nhưng hễ có người lạ, nhất là cán bộ ngành Kiểm sát, thì lập tức tỏ ra lệt bệt, thở không ra hơi…
Lẽ thường, một người mà tuyệt thực tới hơn 30 ngày thì chỉ còn da bọc xương, không thể gượng ngồi dậy được và chắc chắn là trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Chúng tôi được xem một số biên bản kiểm tra sức khoẻ gần nhất (ngày 26/7) của Hải, các kết quả đều ghi nhận sức khoẻ bình thường.
Một bác sĩ tại Bệnh xá Trại giam số 6 cho hay: ‘Qua thăm khám định kì, chúng tôi kết luận phạm nhân Nguyễn Văn Hải đủ sức khỏe để chấp hành án. Đây là kết luận chuyên môn, chúng tôi chịu trách nhiệm về kết luận của mình’. Một phạm nhân cùng buồng giam với Hải kể: ‘Chú Hải có dùng cơm với tôi. Ngoài ra, chú còn có đồ ăn của gia đình gửi vào và mua theo quy định của Trại”…
Tuy đang ‘tuyệt thực’, nhưng Hải vẫn nhận đủ đồ ăn thức uống do gia đình gửi vào gồm: cháo gà gói, ruốc bông, mực khô, cà phê hoà tan, sữa hộp… Bởi vậy mà Hải vẫn có đủ sức khoẻ để diễn tiếp màn kịch vụng về ‘tuyệt thực’. Chúng tôi chợt nhớ lại việc Cù Huy Hà Vũ cũng dùng chiêu ‘tuyệt thực’ hồi đầu tháng 6 vừa qua để gây chú ý dư luận.
Sau khi báo chí đưa tin gặp Vũ trong trại, đăng cả ảnh chụp biên bản nhận quà của gia đình cũng có cháo gà, nước sốt gà hầm và nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng khác, thì dư luận đã rõ việc ‘tuyệt thực’ là gì. Có lẽ cũng vì thế, sau khi báo chí lên tiếng vài ngày, thì Cù Huy Hà Vũ bẽ bàng gỡ gạc tuyên bố ‘chấm dứt tuyệt thực’.
Thiết nghĩ, Nguyễn Văn Hải cũng nên lấy chuyện của Cù Huy Hà Vũ làm bài học mà sớm ăn uống công khai trở lại”.
Đúng là nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã ngừng tuyệt thực và ăn uống trở lại vào ngày 27 tháng 7 năm 2013. Ông ăn trở lại vì mục đích đấu tranh tuyệt thực lần này của ông đã đạt được. Viện Kiểm sát Nhân dân Nghệ An đã phải phúc đáp đơn thư của ông.
Vậy hỏi rằng Nguyễn Văn Hải có tuyệt thực không?
Chắc chắn là có.
Ngày 18 thàng 7 năm 2013, chị Ngô thị Lộc – vợ anh Nguyễn Kin Nhàn, người cùng đi thăm chồng đang cùng bị giam với Điếu Cày tại trại tù số 6 Thanh Chương, Nghệ An về – kể rõ với tôi rằng nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cuối buổi tiếp thăm đã tranh thủ thông báo nhanh với vợ rằng Điếu Cày đã tuyệt thực đến ngày thứ 25. Lời kể có tình tiết xác thực ở chỗ: Phải đến lúc hết giờ, bị quản giáo dẫn trở lại phòng giam, Nguyễn Xuân Nghĩa mới quay lại nói nhanh với vợ thông báo ấy vì nếu nói trước đó thì buổi thăm nuôi sẽ bị cắt bỏ ngay. Tình đồng đội thắm thiết thôi thúc Nguyễn Xuân Nghĩa đã xả thân cứu bạn dù biết rằng sau khi làm việc ấy mình có thể sẽ bị trại giam trừng phạt. Cho nên thông tin của Nguyễn Xuân Nghĩa là hoàn toàn xác thực. Hoàn toàn xác thực rằng Điếu Cày, chỉ tính đến 17 tháng 7 năm 2013, đã tuyệt thực 25 ngày.
Nhưng tại sao Vũ Đại Phong dám viết như là không có chuyện tuyệt thực mà đây chỉ là một “màn kịch vụng về”?!.
Không cần so sánh với quốc tế, đối chiếu với quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Vũ Đại Phong cũng đã không xứng đáng. Bản “Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam” công bố ngày 13 tháng 8 năm 2013 viết:
“Người làm báo Việt nguyện thực hiện những quy định về đạo đức nghề nghiệp sau đây:
1 – Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN
2 – Luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân
3 – Hành nghề nghề nghiệp để trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật.
4 – Sống lành mạnh, trong sáng, không lợi dụng vụ lợi và làm trái pháp luật
V v …” .
Không những không “trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật”, Vũ Đại Phong còn tỏ ra láo xược. Nguyễn Văn Hải đã ngoại 60, trong khi Vũ Đại Phong kém hơn ít nhất trên dưới chục tuổi. Khi người cựu chiến binh Sư đoàn Ba Sao Vàng Nguyễn Văn Hải đã nằm gai nếm mật, can trường xông lên trước hòn tên mũi đạn thì Vũ Đại Phong còn ê a trong lớp phổ thông hay lang thang tìm ve bắt bướm. Đối với Vũ Đại Phong, Điếu Cày, ít ra, như một người anh lớn. Vậy mà sao Vũ Đại Phong dám xếch mé gọi tên trống không và cao giọng khuyên răn trịch thượng nghe rất chướng tai.
Mười sáu tuổi đã xông pha trận mạc. Nhưng, hết một cuộc chiến lại thấy dần lộ rõ một kẻ thù còn thâm độc, tham lam, ty tiện … hơn tất cả những kẻ thù trước. Ngay giữa lúc đang nắm tay nhau giương cao “16 chữ vàng” họ đã gặm nhắm mất nhiều mảng da đầu trên tấm bản đồ tổ quốc. Với vũ khí mới là chiếc máy ảnh, Nguyễn Văn Hải đã len lỏi tới địa đầu tổ quốc để chụp ảnh Thác Bản Giốc đã bị xẻo đi quả nửa, Mục Nam Quan đã bị chìm sâu vào đất Trung Quốc … để tố cáo trên trang blog của mình. Trước họa xâm lăng ngày một hiển hiện, blogger Điếu Cày đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do để tập hợp lực lượng cùng tranh đấu. Song, tự xác định rằng chỉ với trang viết là chưa tròn phận sự, nhà báo đã xuống đường.
Bước chân Điếu Cày dẫn đầu những cuộc biểu tình liên tiếp, sôi sục đầu năm 2008, phản đối Trung Quốc đưa Hoàng Sa, Trường Sa của ta vào đơn vị hành chính Tam Sa rầm rập trong lòng người Việt Nam yêu nước.
Đúng ngày ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh sắp riễu qua Sài Gòn thì Điếu Cày cùng bè bạn đã mặc đồ đen, trên ngực áo có biểu tượng năm vòng tròn Olympic Bắc Kinh cách điệu thành chiếc còng số 8 cạnh hàng chữ “Pekin 2008”. Hình ảnh Điếu Cày đứng cao trên thềm Nhà Hát Lớn Sài Gòn, mình khóac chiếc áo tang đó, tay giương cao bảng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa Của Việt Nam” bằng chữ Việt, chữ Anh, chữ Tàu khắc họa mãi trong tâm trí chúng ta một tượng đài sừng sững quyết liệt chống Đại Hán bành trướng.
Người chiến sỹ đã từng hiến dâng tuổi xanh của mình nơi trận mạc, người anh hùng quả cảm đã phất cao ngọn cờ chống họa xâm lăng Bắc Triều ấy làm sao có thể gian dối, ty tiện  như kẻ bồi bút mạt hạng kia. Làm sao dám mở mồm nói một con người như thế mà giả vờ tuyệt thực!
Ngày 1 tháng 8 năm 2013, tại Hà Nội, có “Cuộc gặp mặt tôn vinh hành động vì chủ quyền Biển Đảo” do Trung tâm Minh triết tổ chức, với sự tham dự của nhiều trí thức, học giả từ trong và ngoài nước, trong đó có cả cụ Lưu văn Lợi, trưởng Ban Biên giới đầu tiên của ta (nay đã 100 tuổi) và một trong 9 chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam sống sót trong trận chiến giáng trả Trung Quốc tại Trường Sa năm 1988 (Trong trận chiến này, 64 chiến sỹ của ta bị hy sinh, 9 bị bắt, 9 sống sót)
Trong Báo cáo Tổng quan đọc trước Hội nghị thấy có hai ý đáng ghi nhận:
- Phản ứng của nhân dân, đi tiên phong là nhân sỹ trí thức và một số tổ chức thuộc xã hội dân sự đã chứng tỏ quốc hồn quốc túy của dân tộc vẫn là truyền thống cần trân trọng
- Phản ứng quá chậm của Nhà nước như là hình thức để “rơi tự do”, buông xuôi trong việc xác định chủ quyền của mình về Biển Đông. Ứng xử khó hiểu của Nhà nước (ngăn cản, đàn áp các cuộc biểu tình hòa bình bầy tỏ tinh thần yêu nước) gây sốc lớn tới mức bất bình trong xã hội,đi ngược lại với tính chất dân chủ-tự do-độc lập mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã trọn đời tranh đấu.
Nghe đọc đến câu “Phản ứng của nhân dân, đi tiên phong là nhân sỹ trí thức và một số tổ chức thuộc xã hội dân sự đã chứng tỏ quốc hồn quốc túy của dân tộc vẫn là truyền thống cần trân trọng”, nhiều người nghĩ ngay đến Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải.
Đúng vậy, Điếu Cày chính là quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt Nam.
Hội nghị tôn vinh nhiều tên tuổi như Nguyễn Đình Đầu, Vũ Hữu San, Hồ Cương Quyết, ngư dân Mai Phụng Lưu (chủ tàu cá QNg-66478, 4 lần bị Trung Quốc bắt giữ), Võ Văn Chức (chủ tàu Thành Công 07, đã tiến hành lặn tìm hài cốt liệt sỹ dưới đáy biển Gạc Ma), Phạm Vinh (thợ lặn trên tàu Thành Công 07 đã hy sinh trong quá trình lặn tìm hài cốt liệt sỹ trên tàu HQ 604 dưới đáy biển Gạc Ma) …
Trong phần phát biểu ý kiến, tiến sỹ Nguyễn thị Thanh, Việt kiều Canada, từ diễn đàn Hội nghị đã chính thức kiến nghị phải bổ sung Nguyễn Văn Hải-Điếu Cày vào danh sách tôn vinh.
Đúng vậy, vấn đề đối với Nguyễn Văn Hải –Điếu Cày bây giờ không phải là xác định ông có tuyệt thực hay không, mà đòi phải hủy bỏ bản án phi lý, phi pháp, sớm trả tự do và đền đáp xứng đáng cho ông.
Điếu Cày đã từng được tổng thống Barak Obama vinh danh trong ngày Tự do Báo chí Thế giới (3-5-2012). Hơn thế nữa, chúng ta cần tuyên dương ông như một trong những chiến sỹ tiên phong đáng tôn vinh nhất trong sự nghiệp đấu tranh chống nguy cơ Đại Hán đô hộ, bảo vệ giang sơn, giống nòi.
Hà Nội 4 tháng 8 năm 2013
Nguyễn Thanh Giang , Số nhà 6 Tập thể Địa Vậtlý Máy bay,  Trung Văn – Từ Liêm  – Hà Nội, Mobi: 0984 724 165

 

1941. Cuộc thập tự chinh tuyệt thực của một blogger Việt Nam

Asia Sentinel/ DTD
Tác giả: Phạm Đoan Trang
Người dịch: Hoàng Kim Phượng
Ngày 4-8-2013
Cuộc đấu tranh trong lao tù của Điếu Cày, vì những bạn tù khác
H1Khi tôi viết câu chuyện này thì đã là ngày thứ 38 Điếu Cày tuyệt thực. Thông tin về việc blogger nổi tiếng nhất Việt Nam đã từ chối đồ ăn kể từ ngày 20-6 đã rò rỉ từ nhà tù nơi ông bị giam giữ, căn cứ vào một bản án được tạo dựng ra là ông tuyên truyền chống phá Nhà nước. Nhà bất đồng chính kiến 61 tuổi này muốn phản đối việc nhà tù ngược đãi những tù nhân không chịu nhận tội.
Tôi chưa bao giờ gặp Điếu Cày. Khi ông mới bị bắt đi tù vào năm 2008, tôi vẫn là một phóng viên lớn lên trong những năm tháng Việt Nam tăng trưởng mạnh nhờ đổi mới, và tôi hầu như không quan tâm đến chính trị. Điếu Cày thì ở thế hệ đủ già để nhớ về cuộc chiến tranh chống Mỹ và những ngày gian khó tiếp sau đó.
Việc làm của blogger Điếu Cày đã mở ra một cánh  cửa cho tôi. Nó cho thấy blog đáp ứng nhu cầu của độc giả – nhu cầu được có thông tin chân thực, tức là không phải thứ thông tin được định hướng và bóp méo bởi hệ thống báo chí quốc doanh phục vụ lợi ích của chế độ và Đảng  Cộng sản cầm quyền.
Tôi không phải người duy nhất nghĩ như vậy: Cả một thế hệ blogger đã nhìn vào Điếu Cày như một blogger nói lên sự thật trước chính quyền. Những gì tôi biết về ông và kể lại ở dưới đây là tôi được nghe từ các bạn bè của ông.
Tên thật của ông là Nguyễn Văn Hải, nhưng dần dần người ta biết đến ông với tên gọi dân dã là Điếu Cày. Ông lớn lên ở Hải Phòng, thành phố cảng cách Hà Nội khoảng 100 km về phía đông, và ông đi bộ đội, chiến đấu ở Sư đoàn 3 Sao Vàng thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tôi đoán chắc Điếu Cày đang ở trong quân ngũ khi kháng chiến chống Mỹ chưa kết thúc. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông ở tuổi 22-23.
Người lính trẻ hẳn đã thấy đất phương Nam phù hợp với ông hơn. Khi giải ngũ, ông quyết định ở lại miền Nam. Vào những ngày đó người miền Bắc mà đi kinh doanh, buôn bán là chuyện hiếm lắm, nhưng Điếu Cày đã mở quán ở TP.HCM. Ông còn buôn bán thiết bị máy ảnh và cho thuê căn hộ. Ông nhanh chóng khá giả và có quan hệ rộng rãi. Bạn bè của Điếu Cày đánh giá ông là người cởi mở, nhiệt tình, duyên dáng và có sức thu hút, có thể thân thiết gần gũi với giới văn nghệ sĩ, trí thức cũng như tán chuyện với sinh viên hay dân nghèo.
Cho đến năm 2005, buổi bình minh của blog ở Việt Nam. Một dịch vụ mạng xã hội mới, Yahoo 360°, đã mang lại một cảm giác hoàn toàn khác. Lần đầu tiên trong lịch sử, bất kỳ ai có kết nối với Internet đều có thể đăng bài lên một diễn đàn, nơi họ có thể tự do trao đổi quan điểm – một sự tự do chưa từng có. Blog bùng nổ. Cho đến năm 2007, có một số blog bàn về các vấn đề chính trị, đặc biệt chú ý đến căng thẳng đang leo thang giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Điếu Cày nổi lên như là blogger nổi tiếng nhất trong các blogger chính trị. Ông đăng bài và ảnh nói về đời sống người dân. Với một chiếc laptop và máy ảnh, ông đi khắp nơi, trò chuyện với những người nghèo, yếu thế. Ông phỏng vấn nông dân mất đất, phỏng vấn những cô gái làm nghề khâu giày xuất khẩu trong những nhà máy bóc lột, những công nhân sống với mức thu nhập không đầy 4500 VND/ngày. Ông còn điều tra về một thảm hoạ xây dựng, và vạch ra những dấu hiệu tham nhũng mà có thể đã là nguyên nhân đưa đến cái chết của hơn 50 công nhân.
Ông đăng trên blog của mình một câu chuyện đầy châm biếm, kể về vụ ông chống lại một đảng viên cộng sản khi người này muốn lấn chiếm một trong các căn hộ của ông. Đơn khiếu nại của ông bị bác. Tệ hơn nữa, ông bị phạt vì tội “gây rối trật tự công cộng”, và bài viết của ông về công bằng xã hội cũng như hệ thống toà án hủ bại đã đưa đến một kết cục đen tối hơn.
Khi số người đọc blog của ông tăng dần lên cũng là khi Điếu Cày thu hút sự chú ý của nhà nước. Công an đã bắt đầu để mắt đến ông. Điếu Cày không nản lòng. Ông cùng một vài người bạn lập ra Câu lạc bộ Nhà báo Tự do (CLB NBTD) vào tháng 9/2007. Tất nhiên tổ chức này hoàn toàn không được cấp phép và do đó về mặt kỹ thuật là bất hợp pháp.
Ba tháng sau, CLB NBTD đã sẵn sàng, khi mà những cuộc biểu tình chống các yêu sách quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông bắt đầu nổ ra vào ba chủ nhật liên tiếp ở Hà Nội và TP.HCM. Tin ảnh và bài được đăng ra bên ngoài, thông qua báo chí nước ngoài ở Việt Nam. Điếu Cày nổi bật trong các cuộc biểu tình, như là một viên nam châm thu hút những người trẻ tuổi đến gần để nghe ông nói chuyện.
Tại cuộc biểu tình thứ hai vào ngày 16/12, khi những người tham gia đã giải tán, blogger nổi tiếng Điếu Cày bị công an chặn lại. “Này”, một người đi ngang qua, trông thấy thế bèn kêu lên, “Sao bắt người ta?”. “Trộm”, một viên công an đáp. “Buôn ma tuý”, một công an khác nói. Điếu Cày bị thẩm vấn vài giờ, không phải về ma tuý hay trộm cắp gì mà về các cuộc biểu tình, sau đó ông được thả.
Chủ nhật tiếp sau đó, tuần thứ ba biểu tình chống Trung Quốc trái phép, Điếu Cày bị bắt nhanh chóng. Lần này ông bị giữ tới hai ngày và kể từ đó trở đi, bị công an giám sát chặt chẽ. Chính quyền bắt đầu dùng đến kho vũ khí là trấn áp không ra mặt. Công việc làm ăn của Điếu Cày bị “người lạ” phá phách. Khách tìm đến quán café của ông thường bị xua đi chỗ khác, không cho đậu xe. Khách thuê căn hộ của ông cũng bị sách nhiễu, phải đi. Thanh tra vào cuộc, cán bộ đòi Điếu Cày phải trình ra những hợp đồng cho thuê nhà ký từ 10 năm trước đó.
Điếu Cày còn có lần bị tông xe trong một vụ tai nạn đáng ngờ. Ông cũng thường xuyên bị triệu tập lên đồn công an để trả lời thẩm vấn. Có những lần ông bị tra hỏi từ 8h sáng đến khuya về các hoạt động của ông và của bạn bè trong CLB NBTD.
Điếu Cày không chịu nhượng bộ. Trên mạng, ông vẫn tiếp tục ghi lại những câu chuyện kiểu Kafka mà cuộc đời ông đã gặp phải. Rồi vào tháng 3/2008, ông nói với bạn bè (nhưng không báo với công an) rằng ông muốn nghỉ ngơi, và ông trốn khỏi TP.HCM. Việc Điếu Cày biến mất đã đưa đến cả một cuộc săn tìm ông cho đến ngày 19/4, khi ông bị “bắt khẩn cấp” (theo thông tin từ phía công an) tại một quán café Internet ở Đà Lạt, thành phố nằm trên núi, ở phía đông bắc TP.HCM.
Vài ngày sau, ông bị khám nhà. Công an cố tìm bằng chứng về “các hoạt động chống phá Nhà nước” nhưng không tìm được gì.Tuy nhiên, gia đình và bè bạn ông không thở phào được bao lâu. Điếu Cày bị kết tội trốn thuế. Trong khi đang giam giữ ông, thực ra, công an đã gài sẵn một cái bẫy từ nhiều tháng trước đó khi họ ra lệnh cho cơ quan thuế địa phương không nhận tiền thuế nộp quá hạn, từ chủ cho thuê nhà cũng như từ người thuê nhà.
Các luật sư tình nguyện làm đại diện cho Điếu Cày đều không được phép gặp ông, cũng không được biết sớm ngày xét xử ông. Họ không được trưng ra các bằng chứng cho thấy ông đã bị bẫy. Vào tháng 9/2008, blogger chính trị nổi tiếng nhất Việt Nam bị Toà án Nhân dân TP.HCM kết án tù.
Tuy nhiên chính quyền chưa dừng ở đó. Một ngày trước khi Điếu Cày mãn hạn tù 2 năm rưỡi vì tội trốn thuế, một thành viên khác của CLB NBTD, AnhBaSG, cũng bị bắt giam. Lệnh tha Điếu Cày bị huỷ. Ông bị giam tiếp dưới một tội danh mới: “tuyên truyền chống nhà nước”. Mãi cho đến gần hai năm sau đó, vào ngày 24/9/2012, ông mới “được” xét xử cùng với AnhBaSG và thành viên thứ ba của CLB NBTD, Tạ Phong Tần.
Thời gian trước phiên toà, không gian blog ở Việt Nam ì xèo căm phẫn. Hàng nghìn người ký tên vào một “thư ngỏ” trên mạng, gửi Chủ tịch nước, đòi “trả tự do cho Điếu Cày”. Các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng gửi đề nghị của họ. Truyền thông của Đảng Cộng sản đánh lại, tấn công cá nhân Điếu Cày và các “blogger chống phá nhà nước” nói chung. Hàng chục blogger đổ về TP.HCM, có người đi tàu 36 tiếng từ Hà Nội vào.
Phiên toà trên danh nghĩa là công khai, như luật pháp Việt Nam đòi hỏi, nhưng phòng xử đầy nghẹt công an. Những người ủng hộ cho bị cáo bị công an đánh rất dữ. Bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mến Điếu Cày tìm cách tham dự phiên toà đều bị chặn và sách nhiễu, áo phông của họ, có dòng chữ “Tự do cho Điếu Cày – Tự do cho người yêu nước” bị lột. Những người chống cự thì bị lôi đến đồn công an khu vực để thẩm vấn. Công an phá sóng điện thoại và quấy nhiễu những người tụ tập gần phiên toà, tịch thu điện thoại cùng máy ảnh của họ. Đến cả vợ cũ và con trai của Điếu Cày cũng không được vào phòng xử.
Một bản án được tuyên chỉ sau ba tiếng. AnhBaSG đã xin nhận tội vì hành vi viết blog và hứa cắt đứt mọi quan hệ với các phần tử phản động. Ông bị án bốn năm tù. Điếu Cày bị kết thêm một án tù 12 năm. Tạ Phong Tần cũng không chịu ăn năn như thế. Bà bị kêu án 10 năm tù.
Ba tháng sau, phiên toà phúc thẩm đã tuyên y án đối với ba blogger. Tuy nhiên, trái ngược với hy vọng của chế độ, bản án không doạ được các nhà bất đồng chính kiến trên mạng của Việt Nam. Cảm xúc chủ đạo được thể hiện trong các diễn đàn trên mạng là giận dữ, ví dụ người ta nói rằng chính quyền phạt tội tự do ngôn luận còn nặng hơn tội giết người.
Các hình phạt mà chính quyền Hà Nội đưa ra và việc thêm một vài blogger nổi bật bị bắt hồi mùa xuân vừa qua đã không ngăn được việc các blogger tiếp tục viết. Ngược lại, với mỗi một blogger bị đàn áp phải im tiếng thì lại có vài người khác đứng lên thế chỗ. Truyền thông của Đảng và Nhà nước cho rằng blogger chính trị là đội quân tiên phong phá hoại, nhằm thực hiện một âm mưu quốc tế chống lại chính quyền – lời buộc tội này nghe ngày càng rỗng tuếch.
Hàng nghìn người Việt Nam trẻ tuổi vỡ mộng – những người vẫn đăng bài và bình luận thường xuyên trên các blog và trang Fabebook đối lập – đều tin rằng dân chủ hoá là một quá trình tất yếu. Họ tin là tất cả những gì cần thiết là làm sao để có đủ người nhìn ra sự giả trá của nhà nước độc đảng sau cách mạng. Cuộc chiến sẽ còn tiếp tục.
 (Tác giả Pham Đoan Trang là phóng viên, blogger ở Việt Nam).
Nguồn: Asia Sentinel/ DTD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét