Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Bài viết đáng chú ý - Việt Nam có một chính sách đối ngoại nào không ?

Việt Nam có một chính sách đối ngoại nào không ?

Ngoại giao Việt Nam tỏ ra đặc biệt sôi động trong hai tháng qua. Chủ tịch nước đi Trung Quốc cuối tháng 6, một tuần sau đi Indonesia và một tháng sau đi Mỹ. Những chuyến công du ở cấp nguyên thủ quốc gia chắc chắn là phải được thỏa thuận từ lâu, sự dồn dập này nằm trong một kịch bản: Hà Nội biết trước rằng họ cần trấn an các đối tác quốc tế quan trọng cũng như dư luận quốc nội sau những thỏa hiệp rất nghiêm trọng với Trung Quốc.
Tại sao Indonesia và Hoa Kỳ lại là những nước cần được thăm viếng ngay sau chuyến đi Trung Quốc ? Đó là vì hai nước này có tầm quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam.
Indonesia không phải là một nước phát triển giàu mạnh, trao đổi kinh tế và văn hóa với Việt Nam không đáng kể nhưng lại là nước có trọng lượng và tiếng nói áp đảo trong khối ASEAN vì dân số (gần một nửa dân số ASEAN) và vị trí chiến lược (3/4 hàng hóa đường biển của thương mại quốc tế đi ngang Indonesia).
Có thể nói ASEAN quan trọng đối với thế giới chủ yếu vì Indonesia. Văn phòng ASEAN đặt ở Djakarta. Việt Nam cần ASEAN như một không gian sinh tồn bắt buộc và vì ASEAN cũng là thị trường xuất khẩu thứ ba của Việt Nam sau Hoa Kỳ và Châu Âu. ASEAN có lý do để lo ngại sau những gì mà ông Trương Tấn Sang vừa thay mặt chính quyền Việt Nam thỏa thuận với Trung Quốc. Mục tiêu chính của ASEAN là liên kết các nước Đông Nam Á để cùng đương đầu với áp lực của Trung Quốc trong vùng.
Vậy mà Việt Nam đã thỏa thuận với Trung Quốc rằng "Hai bên nhất trí tăng cường điều phối và phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp tác Á-Âu, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung Quốc, Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung-Nhật-Hàn, Hội nghị cấp cao Đông Á... (1). Thỏa thuận này trên thực tế có nghĩa là từ nay Hà Nội sẽ nhận chỉ thị của Bắc Kinh trong mọi quan hệ đối với ASEAN và các định chế chung quanh ASEAN; nó biến Việt Nam thành nội ứng của Trung Quốc trong lòng ASEAN và một cách tự nhiên nó khiến các thành viên ASEAN nhìn Việt Nam như một kẻ phản trắc. Trong dự tính của ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam ông Sang cần đi Indonesia ngay sau chuyến đi Bắc Kinh vì ASEAN đang bị một cú sốc lớn.

Hoa Kỳ lại càng quan trọng hơn. Phải nói thẳng nếu không có Hoa Kỳ thì Trung Quốc đã chiếm hết Biển Đông rồi. Hoa Kỳ là bảo đảm cho hòa bình trên thế giới và trong vùng. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thuận lợi nhất đem lại thặng dư thương mại hơn 15 tỷ cho Việt Nam trong năm 2012 và quan hệ với Hoa Kỳ cũng quyết định quan hệ đối với Châu Âu, Nhật và các nước dân chủ khác. Ngoại thương với Hoa Kỳ và các nước này chiếm sấp sỉ 80% ngoại thương Việt Nam; điều này có nghĩa là nếu quan hệ với Hoa Kỳ vì một lý do nào đó xấu đi thì quan hệ của Việt Nam với các nước dân chủ cũng sẽ giảm sút, kéo theo những hậu quả năng nề, kể cả và trước hết về kinh tế.
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam dĩ nhiên là bị thương tổn nặng sau những thỏa hiệp Trung - Việt vừa rồi. Từ hơn mười năm qua một sự kiện quan trọng đã diễn ra, đó là Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước dân chủ dần dần nhìn Trung Quốc như một đe dọa. Không phải vì Trung Quốc tăng trưởng mạnh. Trước đây Đức và Nhật đã tăng trưởng rất mạnh nhưng thế giới không hề lo âu mà còn vui mừng. Lý do thực sự khiến Hoa Kỳ và các nước dân chủ lo ngại là vì, trái với dự đoán và hy vọng của họ, Trung Quốc mạnh lên mà vẫn không chuyển hóa về dân chủ, không những thế còn tăng cường sức mạnh quân sự, bênh vực các chế độ độc tài và ngày càng tỏ ra hung hăng.
Một phong trào bài Hoa không chính thức nhưng có thực đang hình thành trên khắp thế giới. Hầu như không có ngày nào không có những phát giác về sự độc hại của hàng hóa Trung Quốc, về sự bất chấp những chuẩn mực lao động và môi trường và về những vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc; không có tuần nào không có những nghiên cứu báo động cho thấy Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ trong vòng hai thập niên, thậm chí ngay vào năm 2020. Phong trào bài Hoa này đã là thành quả nổi bật nhất của giai đoạn Hồ Cẩm Đào và đã có tác dụng là biến Trung Quốc thành một đe dọa cho thế giới.
Tại sao Hoa Kỳ chuyển trọng tâm chiến lược và sức mạnh quân sự sang Thái Bình Dương nếu không phải là vì lo ngại Trung Quốc?
Trong một bối cảnh thế giới như thế việc Việt Nam chấp nhận làm một chư hầu trọn vẹn của Trung Quốc, "thúc đẩy", "mở rộng", "tăng cường" và "làm sâu sắc thêm" mối quan hệ đối với Trung Quốc vốn đã là một quan hệ lệ thuộc, cam kết "điều phối" và "phối hợp" với Trung Quốc, nói cách khác nhận mệnh lệnh của Trung Quốc, trong khối ASEAN và trong các quan hệ đối với thế giới, kể cả tại Liên Hiệp Quốc, không thể không làm Hoa Kỳ bất bình. Càng bất bình vì về mặt quân sự Hà Nội và Bắc Kinh cũng đã thỏa thuận sẽ "tăng cường trao đổi và điều phối trong các vấn đề an ninh đa phương khu vực. Trao đổi nghiên cứu hình thức mới, nội dung mới trong triển khai hợp tác quốc phòng, làm sâu sắc thêm hợp tác giữa quân đội hai nước" (1).
Tất nhiên Hà Nội có nhu cầu phân bua. Nhưng ông Sang và lãnh đạo Việt Nam còn gì để nói với Indonesia và Hoa Kỳ? Sự thực đã quá rõ ràng qua tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc. Có lẽ Hà Nội cũng muốn bày tỏ thái độ hữu nghị đối với hai nước chiến lược này, làm như không có gì xẩy ra. Tương tự như một cô gái tới gặp bạn trai sau khi vừa chính thức đính hôn và cố làm như mọi sự vẫn như cũ. Giả dối và vô duyên. Cả Indonesia và Mỹ đều đã chứng tỏ họ đã nhìn Hà Nội một cách khác. Ở cả hai nước ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chỉ được tiếp đón một cách lạnh nhạt và rẻ rúng, ở mức độ tối thiểu cần thiết. Cảm tưởng rõ rệt là họ không muốn gặp ông Sang và chỉ chấp nhận tiếp ông bởi vì cuộc thăm viếng đã được thỏa thuận từ trước. Tại cả hai nước dù mang theo một phái đoàn đông đảo ông Sang đã không ký kết được một hợp tác cụ thể nào cả, ngoài một tuyên bố chung ước lệ nói đến tăng cường "hợp tác toàn diện". Nhưng "hợp tác toàn diện" chỉ là một cụm từ rỗng nghĩa nếu không được cụ thể hóa bằng những hiệp ước và hợp đồng rõ rệt. Việt Nam không thể và cũng không cần hợp tác trên mọi mặt với Mỹ, thí dụ như dự án đưa người lên Hỏa Tinh. Chúng ta chỉ cần hợp tác trên một số mặt thôi, điều quan trọng là hợp tác đến mức độ nào.
Hai chuyến đi Indonesia và Mỹ của ông Sang đều có cùng một kết quả là một con số không bẽ bàng. Một tuần lễ trước khi ông Sang tới Mỹ ngân hàng US EXIM Bank, định chế tài trợ xuất khẩu của chính quyền Mỹ, đã từ chối tài trợ cho dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình trị giá 1,6 tỷ USD viện cớ nhà máy này gây ô nhiễm cho môi trường. Ô nhiễm có thể chỉ là lý cớ, lý do thực sự có thể là Mỹ không muốn trợ giúp một chư hầu của Trung Quốc. Người ta vẫn để ông Sang đến nhưng tiếp ông một cách rẻ rúng như một lượng không đáng kể, nghe ông nói một cách lơ đãng, nhắc lại một cách ngắn gọn những lập trường nguyên tắc rồi nhanh chóng chia tay vì Việt Nam không còn gì đáng chú ý.
Tổng thống Obama cũng cho biết hai bên đã đề cập tới việc Việt Nam xin gia nhập khối Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP-Trans-Pacific Partnership) và nói là sẽ có gắng giải quyết vấn đề này trong năm nay. Cách giải quyết này rất có thể sẽ là một sự từ chối và như thế sẽ là một thiệt hại lớn cho Việt Nam. TPP là tổ chức hợp tác kinh tế của một số nước Châu Á và Châu Mỹ được thành lập năm 2006 với thỏa thuận ngay lập tức giảm ít nhất 90% và trong tương lai xóa bỏ hoàn toàn hàng rào quan thuế. Gia nhập TPP mở ra cho Việt Nam vô số cơ hội; ngay trước mắt quần áo và giầy dép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và các nước TPP sẽ được giảm thuế một cách đáng kể, trong tương lai có thể không còn phải trả thuế. Mỹ tuy chưa phải là thành viên nhưng lại có tiếng nói quyết định trong việc thu nhận thành viên mới vì mọi thành viên TPP đều thân Mỹ và cần Mỹ. Người ta có thể nghĩ TPP là một tổ chức ra đời do sáng kiến của Mỹ để cô lập Trung Quốc, dù Mỹ không chính thức ra mặt.
Ngoài bốn nước sáng lập viên New Zealand, Chili, Brunei, Singapore, còn tám nước đang xin gia nhập : Úc, Mã Lai, Peru, Canada, Nhật, Mexico, Mỹ và Việt Nam; tất cả đều chắc chắn được chấp nhận trừ Việt Nam. Chính phủ Mỹ đã từng lặp lại nhiều lần, kể cả qua lời đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear, rằng cải thiện tình trạng nhân quyền là điều kiện để Việt Nam được chấp nhận vào TPP, nhưng tình trạng nhân quyền tại Việt Nam đã không cải thiện mà còn tiếp tục xấu đi. Sự câu kết với Trung Quốc càng làm cho khả năng Việt Nam gia nhập TPP nhỏ lại. Trừ khi có một đảo ngược chính sách ngoạn mục, như hủy bỏ nghị định 72 và phóng thích một số đông đảo tù nhân chính trị, Việt Nam không có hy vọng.
Chắc chắn chẳng bao lâu nữa ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam sẽ nhận ra rằng chính sách phục tùng toàn diện đối với Trung Quốc, và do đó gián tiếp đứng vào thế kình địch với Hoa Kỳ và các nước dân chủ, gây thiệt hại nhiều hơn họ tưởng.
Như đã nói ở trên, quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ đi song song và nhịp nhàng với quan hệ hợp tác với Châu Âu, Nhật và các nước dân chủ khác. Các quan hệ này chỉ có thể xuống cấp từ nay với những hậu quả nghiêm trọng. Việt Nam là một trong số một vài nước lệ thuộc ngoại thương nặng nề nhất thế giới, hơn hẳn cả Trung Quốc. Tổng số xuất nhập khẩu của Việt Nam gần bằng 200% GDP trong khi mức trung bình thế giới của tỷ lệ này chỉ là 50%. Đã thế 90% xuất khẩu của Việt Nam là sang các nước dân chủ. Ngoại thương của Việt Nam và kinh tế Việt Nam nói chung sẽ ra sao trong những ngày sắp tới còn là một dấu hỏi và một lo âu lớn. Cho đến nay Mỹ và Châu Âu vẫn làm như không biết rất nhiều mặt hàng xuất khẩu mang nhãn Made in Vietnam thực ra chỉ là hàng Trung Quốc và Việt Nam hành xử như một trạm xuất khẩu của Trung Quốc. Sự dễ dãi này còn tiếp tục bao lâu?
Trong thế đối đầu đang hình thành Việt Nam có mọi lý do để dành ưu tiên cho quan hệ đối với Hoa Kỳ ngay cả nếu muốn giữ quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Chúng ta có rất nhiều điều để học hỏi ở Hoa Kỳ và các nước dân chủ phát triển, về khoa học và kỹ thuật cũng như về văn hóa, tổ chức và phương pháp. Hoa Kỳ đã là thị trường lớn và thuận lợi nhất của chúng ta và còn đầy hứa hẹn vì chúng ta chưa chiếm được 1% tổng số nhập khẩu của họ. Chúng ta bán cho Hoa Kỳ và Châu Âu 40 tỷ USD hàng hóa mỗi năm, gấp bốn lần kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, 80 tỷ USD nếu kể các nước dân chủ khác. Hoa Kỳ cũng không dòm ngó đất đai và biển đảo của chúng ta mà còn có thể bảo vệ chúng ta trước những âm mưu lấn chiếm từ bên ngoài. Quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ không chỉ giúp chúng ta tăng cường sự hợp tác đối với Châu Âu và các nước phát triển khác mà còn là điều kiện để chúng ta có thể chung sống hòa bình với Trung Quốc.
Ngược lại chúng ta không có gì đáng kể để học hỏi và chỉ có thể thiệt thòi trong quan hệ đối với Trung Quốc. Hai xã hôi đồng dạng, chỉ khác nhau về mức độ. Những gì Trung Quốc có chúng ta đều có nhưng ở mức độ ít hơn và thấp hơn, những gì chúng ta làm ra Trung Quốc đều làm được nhưng tốt hơn và rẻ hơn. Quan hệ chỉ có thể thua thiệt. Một thí dụ cụ thể và đau nhức là thâm thủng ngoại thương. Chúng ta thâm thủng nặng đối với Trung Quốc và dù cả hai nước đều tuyên bố cần cân bằng cán cân thương mại, con số thâm thủng đã chỉ tiếp tục tăng lên. Năm 2012 chúng ta thâm thủng 17 tỷ USD. Con số này sẽ là ít nhất 22 tỷ năm 2013. Và quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện" với Trung Quốc đã không ngăn cản Trung Quốc tiếp tục lộng hành trên Biển Đông.
Vậy thì lý do gì đã khiến lãnh đạo cộng sản Việt Nam chọn theo hẳn Trung Quốc và thách thức Hoa Kỳ và ASEAN? Và ngay cả nếu chọn lựa một cách tai hại như thế thì cái gì đã khiến họ nói ra một cách công khai trước dư luận Việt Nam và thế giới trong bản tuyến bố chung Việt Nam - Trung Quốc thay vì chỉ thỏa hiệp ngầm ? Có thể là do Tập Cận Bình ép buộc vì ông ta đang cần một thắng lợi ngoại giao để thực hiện những thay đổi nội bộ quan trọng, nhưng tại sao lãnh đạo Việt Nam lại chấp nhận ? Hèn nhát hay khờ khạo ?
Lý do đầu tiên đã được nhắc lại nhiều lần là họ đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi đất nước. Tiếp tục cầm quyền là ưu tư lớn nhất của họ và những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam dù xung đột với nhau đến đâu cũng đều đồng ý là phải dựa vào Trung Quốc để giữ chế độ; đi với các nước dân chủ thì phải chấp nhận dân chủ hóa và họ biết đảng cộng sản không có tương lai trong một nước Việt Nam dân chủ. Điều này không cần bàn cãi thêm nữa. Chỉ cần nói thêm rằng nó cũng là một di sản văn hóa của chủ nghĩa cộng sản. Trong chủ nghĩa này không có quyền lợi quốc gia, chỉ có quyền lợi giai cấp. Ngày nay quyền lợi giai cấp được thay thế bằng quyền lợi của những người cầm quyền.
Nhưng còn hai lý do quan trọng khác.
Lý do thứ nhất là Đảng Cộng Sản Việt Nam chưa từng biết đến một chính sách đối ngoại đúng nghĩa. Ý thức hệ quyết định chính sách đối ngoại và đồng minh, một khi ý thức hệ đã được chọn lựa thì các đồng minh và kẻ thù cũng đã được chọn lựa (2). Cho tới thập niên 1980 ĐCSVN tự coi là mũi nhọn tiến công của chủ nghĩa Mác-Lênin và dĩ nhiên coi mọi nước xã hội chủ nghĩa là anh em, Hoa Kỳ và các nước dân chủ là thù địch. Bộ chính trị không cần nghiên cứu về thế giới để tìm ra một chính sách đối ngoại, bởi vì đường lối đối ngoại đã vạch sẵn rồi. Sau năm 1985 họ chọn "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" theo Trung Quốc và chính sách đối ngoại cũng đã quyết định xong, đó là chính sách trao đổi kinh tế với các nước dân chủ nhưng phủ nhận chế độ chính trị. Chính sách này cũng buộc họ phải coi các chế độ Cuba và Triều Tiên là anh em trong khi Hoa Kỳ và các nước dân chủ là những nguy cơ tiềm ẩn.
Lý do thứ hai là các cấp lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản đều thiếu hẳn sự hiểu biết về thế giới. Trong tiệc chiêu đãi tại bộ ngoại giao Hoa Kỳ ngày 25/7 vừa ông Trương Tấn Sang nói: "Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có thu nhập trung bình với tốc độ tăng trưởng khá và đã đạt trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ". Việt Nam có thu nhập trung bình ? Thu nhập trung bình trên thế giới là 10.000 USD trên mỗi đầu người, tại Việt Nam con số này chỉ là 1.200 USD. Và Việt Nam đã đạt mục tiêu thiên niên kỷ nào ? Tại sao một nguyên thủ quốc gia có thể nói một câu ngớ ngẩn như thế trước một cử tọa chọn lọc như thế ? Câu nói này tiêu biểu cho trình độ hiểu biết về thế giới của những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam từ trước đến nay.
Đảng Cộng Sản Việt Nam và chế độ cộng sản Việt Nam đã là những sản phẩm của sự thiếu hiểu biết và sự thiếu hiểu biết đã luôn luôn hướng dẫn họ. Theo lời thuật của chính ông, Hồ Chí Minh đã khám phá ra chủ nghĩa cộng sản sau khi đọc một bài báo, ông đã say mê như người mất trí mà không biết rằng chủ nghĩa này đã bị cả lý luận lẫn thực tế phủ nhận từ lâu rồi. Năm 1975 khi Đảng Cộng Sản Việt Nam tưng bừng áp đặt chủ nghĩa Mác-Lênin trên cả nước và ca tụng nó như là một chủ nghĩa bách chiến bách thắng, đỉnh cao của trí tuệ thì nó đã bị vất bỏ từ đúng một thế kỷ rồi sau đại hội Gotha tại Đức năm 1875, và 15 năm sau nó sẽ sụp đổ hoàn toàn. Đầu thập niên 1980 họ còn tin tưởng vào thắng lợi không thể đảo ngược của Liên Xô để rồi ngay sau đó hoảng hốt nhìn Liên Xô tan vỡ và quay sang đầu hàng Trung Quốc. Năm nay, 2013, giữa lúc Trung Quốc sắp lâm vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và có nguy cơ tan vỡ luôn họ chọn lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Ngay cả nếu đảng cộng sản chỉ biết có quyền lợi của mình thì đây cũng là một chọn lựa dại dột. Càng dại dột vì cả Việt Nam lẫn thế giới đều đã thay đổi.
Như đã nói, mục đích của các chuyến đi Indonesia và Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang cũng là để trấn an dư luận Việt Nam, trước hết là khối cán bộ đảng viên trẻ có học thức, rằng Việt Nam vẫn còn quan hệ đa phương bình thường với nhiều nước, nhưng kết quả đã ngược hẳn. Năm 1985 khi họ đem Nguyễn Văn Linh lên cầm quyền để đầu hàng Trung Quốc thì sự đầu hàng này được che đậy bởi chính sách "đổi mới". Dù sự đổi mới này chỉ là cóp nhặt theo Trung Quốc nó cũng đã ít nhiều có tác dụng cởi trói và cải thiện mức sống, vì thế đã làm mất cảnh giác. Năm nay sự thần phục Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh kinh tế suy sụp và đàn áp gia tăng, nó lập tức bị nhận diện và bị lên án. Không phải là trong chế độ không có những người hiểu biết về thế giới. Bộ ngoại giao Việt Nam có khá nhiều chuyên viên quốc tế, nhưng họ không có tiếng nói.
Tuy vậy sự thiếu hiểu biết về thế giới không phải là độc quyền của đảng cộng sản. Nó là đặc tính chung cố hữu của chính trị nước ta. Triều Nguyễn giữa một buổi giao thời mãnh liệt và mặc dù những bài học cay đắng liên tục vẫn chỉ biết cố bám vào một Trung Quốc đang bối rối và bất lực. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây dù sự sống còn tùy thuộc hoàn toàn ở Hoa Kỳ cũng không có lấy một cơ quan nghiên cứu, theo dõi và tranh thủ chính sách của Hoa Kỳ. Bao giờ cũng thế và dưới mọi chính quyền, chính sách đối ngoại của nước ta luôn luôn được quyết định một cách tùy tiện bởi những người thiển cận nhưng độc đoán, không biết và cũng không muốn biết về thế giới. Việt Nam chưa bao giờ có chính sách đối ngoại đúng nghĩa. Đảng cộng sản chỉ làm đậm hơn và lố bịch hơn một tâm lý ếch ngồi đáy giếng sẵn có.
Tương lai Việt Nam có lẽ sẽ không quá đen tối vì một lý do ngoài dự tính của những người cầm quyền. Có nhiều dấu hiệu cho thấy là chính Tập Cận Bình cũng đang tìm cách từ bỏ chính sách đối đầu của Hồ Cẩm Đào để hòa dịu với Hoa Kỳ và các nước dân chủ. Như thế Trung Quốc sẽ bớt chèn ép Việt Nam trên Biển Đông, dù chỉ là để không gây lo ngại cho Hoa Kỳ và các nước ASEAN. Cũng rất có thể chính sự thay đổi tại Trung Quốc sẽ buộc Việt Nam phải hội nhập vào thế giới dân chủ và chấp nhận dân chủ hóa.
Chúng ta có triển vọng thoát khỏi bế tắc, nhưng cần rút ngay ra một bài học lịch sử. Đó là từ nay nhất định không chấp nhận những người lãnh đạo thiếu văn hóa và tầm nhìn.
Nguyễn Gia Kiểng (8/2013)
(Thông luận)

Chuyến thăm của ông Vương Nghị ‘không có gì đáng ghi nhớ’


Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị được Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tiếp đón tại Nhà khách Chính phủ ở Hà Nội, ngày 4/8/2013.

06.08.2013
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc hôm 5/8 đã hội kiến với Thủ tướng Việt Nam và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong chuyến thăm mà giới phân tích cho rằng ‘không đạt được thành tựu gì to lớn’.

Tuy nhiên, ông Dương Danh Dy, Nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, nhận định rẳng trong tình hình quan hệ Việt – Trung hiện nay thì ‘gặp nhau như vậy còn tốt hơn là không gặp’.

Ông Vương Nghị tới Hà Nội tới Việt Nam hôm 3/8 sau khi ghé thăm một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia và Thái Lan trong bối cảnh Trung Quốc có tranh chấp biển đảo với Việt Nam và các nước khác trong khu vực.

Ông Dy cũng đặt dấu hỏi về việc Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tới Việt Nam sau khi tới một số nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.

Biển Đông hiện giờ là vấn đề quốc tế, vấn đề đa biên nên không thể nào mà Trung Quốc muốn giải quyết với từng nước được. Việt Nam không chấp nhận điều đó...Qua việc này, nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân dân thế giới nói chung càng thấy rõ dã tâm, ý đồ của Trung Quốc hơn...

Nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu nói: “Trung Quốc là nước ở gần, nước thân mật, gần gũi, anh em, đồng chí trên danh nghĩa với Việt Nam. Nếu gọi là thân mật thì phải đi sớm, đi đầu tiên chứ, tại sao đi sau như vậy?”

Bộ trưởng Vương Nghị được báo chí Việt Nam trích lời nói rằng Trung Quốc ‘hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, mong muốn cùng với Việt Nam tăng cường mở rộng, đi sâu hợp tác trên mọi lĩnh vực theo phương châm ‘16 chữ’ và tinh thần ‘4 tốt’.

Tuy nhiên, từ Hà Nội, ông Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh không vội ký vào Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (tức CoC).

Ông Nghị được báo giới trích lời nói: “Trung Quốc tin rằng không nên vội vàng. Một số nước hy vọng nhanh chóng đạt được CoC. Các nước này đang kỳ vọng một cách thiếu thực tế’.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc không nói cụ thể các quốc gia này. Ông đã nhắc lại lập trường đàm phán song phương để xử lý vụ tranh chấp ở biển Đông.

Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Dy cho rằng tình hình biển Đông hiện giờ ‘rất phức tạp, rất khó nói’.

“Trong các cuộc thảo luận, ông Vương Nghị lộ ra một ý, tức là vẫn muốn giải quyết [tranh chấp thông qua đối thoại] song phương, mặc dù có dẫn ra vấn đề luật pháp quốc tế như UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển) hay DOC (Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông). Một cái ông ta đưa lên hàng đầu, đó là vẫn kiên trì song phương. Cái đó không thể giải quyết được. Biển Đông hiện giờ là vấn đề quốc tế, vấn đề đa biên nên không thể nào mà Trung Quốc muốn giải quyết với từng nước được. Việt Nam không chấp nhận điều đó. Philippines và các nước khác ở ASEAN tôi nghĩ cũng như vậy. Qua việc này, nhân dânViệt Nam nói riêng và nhân dân thế giới nói chung càng thấy rõ dã tâm, ý đồ của Trung Quốc hơn”.

Nhà nghiên cứu về Trung Quốc nói thêm rằng biển Đông là vấn đề lâu ngày, không thể giải quyết ‘một sớm một chiều được’.

“Theo tôi, trong tình hình hiện nay, có lúc nó lên, có lúc nó xuống, rồi có lúc nó xuống, có lúc nó lại lên. Tình hình nó là như thế. Lúc căng lúc giảm, lúc giảm lúc căng. Cho nên không thể nhìn vào một, hai sự kiện mà đã vội kết luận rằng là vấn đề được giải quyết hay không được giải quyết”.

Cùng thời gian ông Vương Nghị thăm Việt Nam, Hà Nội còn đón tiếp Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhằm chuẩn bị nâng cấp quan hệ hai nước thành đối tác chiến lược.

Việt Nam không bao giờ chống Trung Quốc cả. Việt Nam chỉ chống những hành động bá quyền, những hành động xâm phạm lãnh thổ lãnh hải, chủ quyền của Việt Nam thôi...

Ông Dy cho biết, theo quan sát của ông, hoạt động của Ngoại trưởng Pháp bao gồm các cuộc tiếp xúc và hội họp rất sôi nổi, còn Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thì không có hoạt động công khai, không có gặp gỡ gì với đông đảo quần chúng.

Cựu giới chức ngoại giao Việt Nam cho rằng Hà Nội muốn cân bằng quan hệ trên trường quốc tế chứ không phải muốn dùng các nước khác để chống lại Trung Quốc.

“Việt Nam không bao giờ chống Trung Quốc cả. Việt Nam chỉ chống những hành động bá quyền, những hành động xâm phạm lãnh thổ lãnh hải, chủ quyền của Việt Nam thôi. Nói chung, nhân dân Việt Nam luôn mong muốn sống hữu nghị với nhân dân Trung Quốc”.

Về quan hệ Việt – Trung sau chuyến công du của ông Vương Nghị, ông Dy cho rằng hai bên ‘khó có thể nồng ấm trở lại’.

Ông Dy cho rằng hai quốc gia ‘giữ được quan hệ như hiện nay đã là tốt rồi’.
(VOA Tiếng Việt)

Tâm Sự Y Giáo - Khi Vương Nghị... không chịu cười

Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bắt đầu từ ngày 3-8-2013 đã kết thúc. Ông Vương Nghị đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp.

Các tờ báo của Việt Nam đều đăng những bản tin giống hệt nhau về chuyến thăm này.

Bản tin của VOV tường thuật buổi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Vương Nghị có đoạn: “Thủ tướng cũng cho rằng, hai bên cần kiên trì giải quyết tranh chấp trên biển trên cơ sở Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”.

Cũng theo một bản tin trước đó của VOV, về buổi hội đàm giữa hai Bộ trưởng ngoại giao có đoạn: “Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh,  hai bên cần kiên trì giải quyết tranh chấp trên biển trên cơ sở Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”.

Không thấy các bản tin của báo chí Việt Nam cho biết thái độ cũng như câu trả lời của Vương Nghị đối với các ý kiến nói trên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Trong khi đó, bản tin hôm nay của Tân Hoa Xã Trung Quốc phản đối sự vội vã thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông lại cho biết về ý kiến của ông Vương Nghị trong chuyến thăm Việt Nam: Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông không nên được đề xuất một cách vội vã vì nó ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều quốc gia, là không thực tế khi cho rằng một bộ quy tắc ứng xử có thể được thống nhất qua một đêm, bộ quy tắc ứng xử cần tìm kiếm sự đồng thuận rộng rãi nhất có thể để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên quan tâm, không một quốc gia riêng lẻ nào có thể áp đặt ý muốn của mình lên những quốc gia khác…

Quan điểm của hai bên như thế là đã rõ. Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có lẽ còn lâu mới đạt được khi mà Bắc Kinh từng ngày dùng đủ mọi thủ đoạn để xâm lấn tiến tới chiếm trọn Biển Đông, trong khi nhai đi nhai lai một luận điệu: không thể vội vã, cần có thời gian…

 Điều cần nói là gương mặt thể hiện thái độ của Vương Nghị trong các buội hội đàm và tiếp kiến tại Việt Nam. Trong khi các lãnh đạo Việt Nam tươi cười thể hiện sự thân thiện và mến khách thì gương mặt Vương Nghị cứ câng câng, tỏ thái độ rất trâng tráo, trịch thượng và ngạo mạn, đặc biệt là trong tấm hình chụp khi y được bắt tay với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Không bức xúc với cái bản mặt của tay Vương Nghị này mới là chuyện lạ!

Mời bà con xem các tấm hình dưới đây thì rõ:
 
Ảnh: AFP
Ảnh: website Bộ Ngoại giao VN

Ảnh: VOV

Tâm Sự Y Giáo

Trung Quốc củng cố các cơ sở quân sự tại Trường Sa

Một đảo trong quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp hiện do Philippines quản lý.
Một đảo trong quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp hiện do Philippines quản lý. (REUTERS)

Hải quân Trung Quốc gần đây đã thiết lập một tuyến tuần tra mới bao trùm hầu như toàn bộ các thực thể đảo, đá, bãi ngầm, rạn san hô trong vùng quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông. Theo tiết lộ của hãng tin Nhật Bản Kyodo ngày 05/08/2013, dựa trên một báo cáo mật của quân đội Philippines, Bắc Kinh còn cho củng cố các cơ sở trên các hòn đảo mà họ đánh chiếm của Philippines và Việt Nam trong khu vực, biến các nơi này thành tiền đồn cho Hải quân Trung Quốc.

Theo Kyodo, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc vừa thiết lập tuyến tuần tra này vào năm nay, một lộ trình đi qua hầu hết các vùng biển đảo đang tranh chấp với các láng giềng Đông Nam Á, bên trong đường lưỡi bò mà Bắc Kinh dùng để xác định chủ quyền của họ. Thậm chí tuyến này còn đi qua cả khu vực 85 hải lý ngoài khơi đảo Palawan của Philippines.

Bản báo cáo được Kyodo trích dẫn ghi rõ : « Toàn bộ các bãi đá ngầm, bãi cạn và các hòn đảo, trong đó bãi đá ngầm Second Thomas (tên Việt Nam là Cỏ Mây), bãi Reed Bank (Cỏ Rong) và bãi Mischief (Đá Vành Khăn) đều nằm trên hoặc trong phạm vi tuyến tuyến tuần tra » của Hải quân Trung Quốc.

Theo Kyodo, bản báo cáo nêu trên thẩm định rằng chính việc hình thành ra tuyến tuần tra mới đó đã kéo theo một số vụ xâm nhập khiến cho tình hình khu vực căng thẳng hẳn lên.

Ngoài tuyến tuần tra đi qua các vùng mà nước khác tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc còn cho củng cố các cơ sở mà họ đã xây dựng trên các hòn đảo hay bãi đá mà họ đã dùng võ lực chiếm được từ tay Philippines hay Việt Nam trong những năm trước đây.

Ví dụ cụ thể nhất được báo cáo của quân đội Philippines nêu bật là trường hợp Mischief Reef (Đá Vành Khăn) mà Bắc Kinh đã lấy của Philippines vào giữa thập niên 1990.

Thực thể này hiện đã biến thành một tiền đồn của quân đội Trung Quốc tại vùng Trường Sa, với bãi đáp trực thăng, ụ súng phòng không và đại liên, rađa, đài quan sát cao ba tầng, các thiết bị liên lạc qua vệ tinh… Thậm chí Bắc Kinh còn cho xây trên đó cả một sân bóng rổ.

Ngoài Mischief Reef, Trung Quốc cũng đã củng cố các cơ sở quân sự của họ tại 7 địa điểm khác mà họ đang chiếm đóng - chủ yếu đoạt từ tay Việt Nam vào năm 1988 - trong đó có Johnson South Reef (Đá Gạc Ma), Fiery Cross Reef (Đá Chữ Thập), Subi Reef (Đá Xu Bi), Cuarteron Reef (Đá Châu Viên), Gaven Reef (Đá Ga Ven).

Theo báo cáo, Đá Chữ Thập thường được Hải quân Trung Quốc dùng làm bến cảng cho tàu đổ bộ được triển khai trong Biển Đông, Đá Xu Bi có bốn ổ súng phòng không, nhiều tòa nhà từ hai đến ba tầng… Nhiều nơi còn có bãi đáp trực thăng, có sẵn ụ súng…
Trọng Nghĩa (RFI)

Trung Quốc lại nói tới chủ trương 'gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác Biển Ðông'


Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 19 tháng 6 năm 2013.

06.08.2013
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây lại nhắc tới chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Một số các nhà phân tích Tây phương cho rằng tuyên bố này là một diễn tiến tích cực, có thể góp phần xoa dịu những mối căng thẳng giữa Bắc Kinh với Tokyo, Hà Nội, và Manila. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng việc ông Tập Cận Bình chính thức xác định các vùng biển có tranh chấp là “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” sẽ làm cho các mối căng thẳng leo thang.

Vấn đề Biển Đông lại được nhiều người lưu ý, bàn tán trong vài ngày qua – không phải vì những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc, mà vì một lời phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề phát triển trong hòa bình.

Báo chí Trung Quốc cho biết tại cuộc họp hôm thứ tư của Bộ Chính trị của Đảng Cộng Sản đương quyền, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc yêu chuộng hòa bình và nhất quyết đi theo con đường phát triển trong hòa bình. Nhà lãnh đạo Trung Nam Hải cũng lập lại chủ trương thường được gọi là “phương châm 12 chữ”: “chủ quyền của tôi, gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”. Ông nói thêm rằng “Trung Quốc nhất định không từ bỏ các quyền lợi chính đáng và tuyệt đối không hy sinh các lợi ích cốt lõi.”

Giáo sư John Blaxland, chuyên gia cao cấp về các vấn đề chiến lược và quốc phòng của Đại học Quốc gia Australia, ca ngợi điều mà ông gọi là “hành động khôn khéo” của Trung Quốc. Ông nói như sau với đài VOA.

"Tuyên bố này không phải là hoàn toàn mới, nhưng nó là một sự tăng cường có tính chất rất tích cực cho một thông điệp mà nhiều người trông đợi từ lâu. Nó được đưa ra trong lúc Hoa Kỳ tăng cường quan hệ với các nước có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ở Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa, cụ thể là Philippines, Việt Nam và Nhật Bản. Theo tôi, tuyên bố này sẽ làm giảm bớt động lực của những hoạt động tăng cường quan hệ của Mỹ. Tôi cho rằng đây là một hành động khôn khéo. Tuy khái niệm “cùng nhau khai thác” không mới, nhưng tuyên bố của ông Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng vì vấn đề cùng nhau khai thác được đặt vào vị trí hàng đầu của chương trình làm việc."

Tuy nhiên, theo nhận định của nhà phân tích Ralph Cossa của Diễn đàn Thái bình dương ở Hawaii, ông Tập Cận Bình chỉ lập lại chủ trương ngang ngược của Trung Quốc.

"Điều này có nghĩa là “cái gì của tôi là của tôi, cái gì là của anh thì chúng ta cùng nhau khai thác!” Vì vậy họ sẵn sàng cùng nhau khai thác ở những nơi do Nhật Bản nắm giữ, những nơi do Philippines hay Malaysia nắm giữ. Còn những nơi họ đang nắm giữ thì họ có chủ quyền không thể tranh cãi và như thế là hết chuyện.'

Ông Cossa nói thêm rằng phát biểu của ông Tập Cận Bình làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

"Họ nói 'chúng tôi muốn phát triển hòa bình”. Rất hay! Nhưng điểm then chốt trong tuyên bố này, theo tôi, là “tuyệt đối không hy sinh những lợi ích cốt lõi'. Họ từng nói Đài Loan, Tây Tạng là lợi ích cốt lõi – có nghĩa là họ sẵn sàng tiến hành chiến tranh để bảo vệ. Trước đây, họ cũng nói Biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ, nhưng khi bị hỏi dồn ở chốn riêng tư thì họ đã rút lại tuyên bố đó. Giờ đây, chính Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng những lãnh thổ có tranh chấp là lợi ích cốt lõi. Điều này, theo tôi, đãø làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn và đi ngược với tuyên bố tìm kiếm một giải pháp hòa bình."

Bà Bonnie Glaser, một nhà phân tích cấp cao về vấn đề Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, tán đồng nhận định của ông Cossa. Bà cho đài VOA biết như sau.

"Ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh là những vụ tranh chấp chủ quyền này là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hải dương của mình. Tuyên bố đó không  khác gì mấy so với lập trường đã được nêu ra dưới thời ông Hồ Cẩm Đào."

Bà Glaser cũng bày tỏ sự nghi ngờ về thiện chí của Trung Quốc trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các vụ tranh chấp với các nước láng giềng.

"Theo tôi, không ai biết rõ trong thời gian tới đây Trung Quốc có nhượng bộ hay thỏa hiệp với các nước láng giềng trong những vụ tranh chấp này hay không. Việc tuyên bố 'gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác' là một việc không khó. Nhưng tôi không hề nhìn thấy một con đường tiến tới, trừ phi Trung Quốc thật sự ngồi xuống -- như họ đã nói là họ đã sẵn sàng, để bắt đầu tham khảo ý kiến hoặc thương lượng với các nước ở Biển Đông về một bộ qui tắc hành xử. Theo kế hoạch, Trung Quốc và ASEAN sẽ họp vào tháng 9 này để bàn những luật lệ trên biển và hình thành một cơ chế có tính chất ràng buộc pháp lý, một cơ chế mà mọi người hy vọng sẽ có hiệu quả hơn DOC, tức là Tuyên bố của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc ký kết với ASEAN năm 2002. Tóm lại, lời lẽ bên ngoài như vậy là tốt, nhưng chúng ta cần phải nhìn thấy những hành động cụ thể."

Khi được hỏi phải chăng tuyên bố của ông Tập Cận Bình là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ giảm bớt những hành động mà các chính phủ ở Tokyo, Hà Nội, và Manila cho là gây hấn ở các vùng biển có tranh chấp, giáo sư Blaxland của Đại học Quốc gia Australia cho biết như sau.

"Không, tôi không nghĩ là sẽ có một sự giảm thiểu. Thật ra đây là điều mà ông ấy có thể làm theo hai hướng cùng một lúc. Một mặt ông ấy có thể đưa ra những lời lẽ hòa hoãn về việc chia sẻ không gian hoạt động với nhau, nhưng những hành động trên thực tế có thể có mâu thuẫn. Cái vẻ bề ngoài có một vai trò quan trọng và trò chơi hai mặt là một phần của chiến lược của Trung Quốc."

Phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Nam Hải được được ra một ngày trước một cuộc hội thảo hiếm thấy ở Hà Nội, trong đó các nhân sĩ, trí thức cùng với giới truyền thông do nhà nước kiểm soát đã thảo luận về việc làm thế nào để bảo vệ Biển Đông trước điều mà họ cho là dã tâm xâm lược của Trung Quốc.

Tại cuộc hội thảo có tên “Gặp mặt, tôn vinh hành động vì Biển đảo Việt Nam”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh, một người Việt ở Canada, phát biểu như sau:

"Làm sao cứu Hoàng sa, Trường Sa? Lẽ tất nhiên, một nước nhỏ như chúng ta làm sao chống lại được một đại cường quốc, siêu cường quốc. Chúng ta phải cần siêu cường để chống siêu cường. Bây giờ, siêu cường --- không phải chỉ là một mình siêu cường Mỹ mà cả thế giới, đang mong mỏi giúp đất nước chúng ta, cứu đất nước chúng ta thoát khỏi cái bành trướng của nước Tàu một cách vô lý, một cách độc ác. Ai cũng thấy cái sự độc ác của Tàu. Họ chẳng những muốn giết nước Việt Nam mà còn muốn giết cả thế giới. Giết từ đầu độc thức ăn, bất cứ ngã nào chúng nó cũng muốn giết. Thành thử cả thế giới bây giờ sẵn sàng giúp chúng ta."

Bà Thanh cũng đề nghị chính phủ ở Hà Nội nhanh chóng đưa Trung Quốc trước các tòa án quốc tế.

"Chúng ta phải kiện Tàu, kiện Trung Hoa. Mà kiện là ai kiện? Là đất nước của chúng ta kiện, chính phủ của chúng ta kiện. Kiện, chúng ta sẽ thắng; nhưng Tàu không trả lại chúng ta bao giờ! Người ta nói rõ như vậy. Kiện thì thắng đó, nhưng Trung Quốc không bao giờ trả lại. Nhưng chúng ta tại sao phải kiện? Chúng ta phải làm để có cái căn bản đó, để cho con cháu chúng ta được hưởng. Nếu không, thời gian qua đi, rồi người ta lãng quên; rồi như con trâu đã lắp vào [cái cày], thuyền đã đóng ván rồi, thì mình không có kiện được. Bây giờ còn nóng bỏng, chúng ta có thể kiện được."

Tiến sĩ Thanh cũng lên tiếng kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội trả tự do cho blogger Điếu Cày cùng những tù nhân trẻ khác mà bà cho là bị vướng vào vòng lao lý chỉ vì họ là những người yêu nước và đã ra sức tranh đấu để bảo vệ biển đảo của tổ quốc.
(VOA)

Thái Bình - Những nghịch lý của ngành điện Việt Nam

Đợt tăng giá điện ngày 01/08/2013 vừa qua đổ gánh quá nặng lên đầu dân và doanh nghiệp. Dân ta, đông nhất là nông dân, tiếp theo là người làm công ăn lương, vô cùng cực khổ. Với nông dân, giá đầu vào liên tục tăng như giống, phân bón, xăng dầu, điện... nhưng đầu ra không những không tăng mà có lúc có nơi giảm và nghịch cảnh được mùa rớt giá liên tục xảy ra khiến nhiều nông dân lâm cảnh bần cùng. Người làm công ăn lương tại các doanh nghiệp mấy năm qua kinh tế suy thoái, công ăn việc làm bấp bênh, thu nhập không ổn định; từ tháng 4/2012 đến 7/2013 điều chỉnh tăng lương 9,5%, nhưng sau 15 tháng giá cả sinh hoạt đã tăng rất nhiều (giá điện tăng 3 lần: 01/07/2012, 22/12/2012, 01/08/2013).
Trong buổi họp báo thường kỳ tháng 7/2013, Người Phát ngôn Chính phủ Vũ Đức Đam nói: “Có một loạt giá đang tiến dần đến cơ chế thị trường, trong đó quan trọng là giá điện. Chủ trương chung của Nhà nước là nhất quán giá thành tiến tới theo cơ chế thị trường”.
Bộ trưởng cho biết: Đầu vào giá điện có than, nhưng giá than bán cho điện hiện nay thấp hơn giá than bán cho xã hội và các ngành khác. Từ đó, có tình trạng buôn lậu than bán cho nước ngoài. Nếu giá điện của Việt Nam thấp, tất cả dự án đầu tư sẽ không thiên về đầu tư công nghệ để tiết kiệm điện. Như vậy dẫn đến nước ta sẽ có nền sản xuất lạc hậu. Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước không thể đầu tư mãi vào điện nên cần phải kêu gọi đầu tư từ xã hội nhưng giá điện thấp quá thì đầu tư không có lãi sẽ không thu hút được đầu tư.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói nền kinh tế thị trường đương nhiên giá cả phải theo thị trường, nhưng có rất nhiều hàng hóa của ta hiện nay đắt hơn thế giới và khu vực, liệu đó có phải kinh tế thị trường? Hơn nữa, có một số hàng hóa quan trọng như đất đai thu hồi của dân sao cơ quan công quyền áp đặt giá rẻ mạt? Giá hàng hóa đặc biệt “sức lao động” cũng không thấy quan chức có trách nhiệm đề cập phải theo thị trường mà đang bị khống chế bởi lương tối thiểu? Ở các nước có nền kinh tế thị trường người ta có luật chống bán phá giá, còn ở ta ngược lạ giá cả liên tục tăng.
Ông Đam nói bán than cho điện giá thấp nên có tình trạng buôn lậu than. Lý giải này của ông Vũ Đức Đam thiếu thuyết phục. Người dân đóng thuế để nuôi cả bộ máy chống buôn lậu từ trung ương đến địa phương làm gì?
Ông Đam nói giá điện thấp không khuyến khích đầu tư công nghệ tiết kiệm điện, đây là giải thích mang tính bao biện. Trong kinh tế thị trường, nếu không có công nghệ tiên tiến, sản phẩm làm ra chất lượng kém, giá thành cao, liệu những doanh nghiệp đó có tồn tại? Mặt khác ta có rất nhiều cơ chế chính sách ưu tiên cho phát triển khoa học và công nghệ.
Cuối cùng ông Đam cho rằng giá điện thấp không thu hút vốn đầu tư cho ngành điện. Đánh giá này của ông Vũ Đức Đam hoàn toàn trái ngược với thực tế vì một số nhà máy sản suất điện cho hay ngành điện không mua hết lượng điện của họ hoặc mua với giá rất thấp. Nhà máy điện Phả Lại cho biết công suất thiết kế của nhà máy 3,9 tỷ KW/năm, nhưng năm 2012 ngành điện chỉ mua 3,2 tỷ khiến họ gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Báo Đất Việt ngày 05/06/2013 đưa tin với tiêu đề
“Nghịch lý khi EVN vẫn mua điện tối đa từ Trung Quốc”
“Năm 2012 được đánh giá là năm "thừa điện" nhưng nhập khẩu điện từ Trung Quốc vượt mốc 2,5-2,8 tỷ KWh. EVN còn dự kiến mua khoảng 3,6 tỷ KWh điện từ Trung Quốc trong năm 2013.
Trong khi các nhà máy thủy điện đua nhau mọc lên, sản lượng điện tăng khá mạnh thì điện Trung Quốc vẫn "làm mưa làm gió” ngay tại sân nhà Việt Nam. Đáng lưu ý hơn, EVN mua điện nội địa với mức giá thấp còn điện Trung Quốc bán cho Việt Nam với mức giá cao, có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2011, giá điện nhập khẩu từ Trung Quốc là 5,8 cent/KWh, tăng lên 6,08 cent/KWh (khoảng 1.300 đồng/KWh) trong năm "thừa điện" 2012.
Trái lại, giá điện nội địa từ các nhà máy thủy điện nhỏ vẫn chỉ ở mức khoảng 800 - 900 đồng/KWh, có khi xuống mức 500 - 600 đồng/KWh. Giá nhiệt điện than có phần nhỉnh hơn nhưng cũng chỉ khoảng 1.280 - 1.300 đồng/KWh.
Chính cơ chế mua bằng hình thức bao tiêu, ký hợp đồng từ đầu năm với Trung Quốc, trong khi lượng cung điện trong nước chưa có dự báo tốt khiến lượng điện nội địa thất thường đã khiến điện Việt Nam "thừa vẫn mua" và chua xót hơn là phải mua điện với giá cao hơn điện tự sản xuất”.
Như vậy đã rõ hai lý do chính đưa ra để tăng giá điện lần này hoàn toàn áp đặt, không thuyết phục. Một là tăng giá để bù chi phí kinh doanh tăng? Ta thấy rằng giá điện lần này tăng lên 1.508,85 đ/KW; với giá này ngành điện thu siêu lợi nhuận vì lúc này các nhà máy thủy điện vận hành tối đa công suất với giá thành rất rẻ và giá mua rất thấp ( 500 – 600 đồng/KWh), EVN mua với giá này mà các nhà máy thủy điện nhỏ vẫn chịu đựng được thì với những nhà máy thủy điện cực lớn của EVN như Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Đồng Nai... giá thành còn rẻ hơn, như vậy không thể có chuyện phải bù chi phí kinh doanh tăng. Lý do thứ hai để thu hút vốn đầu tư thì cũng không có cơ sở, bởi ngành điện chưa mua hết số điện do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Nghịch lý tiếp theo của ngành điện Việt Nam: Trong khi tất cả các hàng hóa mua càng nhiều giá càng giảm, thì điện sinh hoạt của dân sinh mua càng nhiều giá càng cao, một hộ dùng điện thành phố dùng khoảng 500kw/tháng giá phải mua điện trên 2000đ/1kw. Điều đáng chú ý là những hộ sử dụng điện khoảng 500kw/tháng trở lên chủ yếu sử dụng điều hòa nhiệt độ vào giờ thấp điểm từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau.
Nghịch lý tiếp theo nữa: Tất cả hàng hóa có tăng có giảm giá, nhưng riêng ngành điện lâu lắm rối chỉ có tăng không giảm.
Làm sao xoá bỏ những nghịch lý trên của ngành điện Việt Nam? Chỉ có một con đường: xóa bỏ độc quyền của EVN.
Hà Nội Ngày 04/08/2013

Thái Bình
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Đào Tuấn - Quan chức sẽ phải “thắt cà vạt” để nói về mại dâm?

Chúng ta muốn một vị quan chức sẽ điều hành bằng cách phát ngôn “ráo hoảnh” về thực tế xã hội với “màu hồng thắt cà vạt” hay muốn họ nhìn nhận chân xác thực tế để có một cách quản lý phù hợp?!
“Mại dâm xuất hiện không chừa hang cùng, ngỏ hẻm nào cả…không bao giờ có thể dẹp yên được”. Và đối với thành phố du lịch Đà Nẵng “tôi cho rằng không thể không có mại dâm…du lịch muốn sống, muốn khách khứa tới thì hình như phải có dịch vụ đó thì khách mới tới”- Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh vừa có phát biểu về mại dâm mà nhiều người cho là “gây sốc”.
Trong hội nghị 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm của Đà Nẵng. Vị phó chủ tịch trẻ tuổi kể lại câu chuyện thị sát một “cái bản” mà “từ huyện vào bản đi phải 3 tiếng đồng hồ, đồi núi cao lắm”, trong một xã mỗi năm chỉ thu ngân sách được có 3 triệu vnd. Và ở nơi xa xôi, nghèo khó, khỉ ho cò gáy thậm chí “chỉ có sóng điện thoại của Lào”, mại dâm vẫn tồn tại với hình thức “gọi điện từ bản này sang bản kia”. Và ông khẳng định “Với thành phố du lịch, không thể không có nạn mại dâm”, chỉ đừng có “bầy hầy (với tắm bia, thoát y) như Hà Nội, TPHCM”.
Câu chuyện mại dâm ở một bản làng khỉ ho cò gáy của vị Phó Chủ tịch từng có thời gian 8 năm làm báo có thể khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhưng điều đó không lạ, bởi nó thật như sự thật mại dâm có ở bất cứ đâu trên đất nước này. Các bạn nghĩ sao khi trong chỉ một đêm “ra quân”, Công an TP Hà Nội đã “quét” hơn 200 gái gọi tàu nhanh- từ dùng của báo An ninh thủ đô. Trong đó có những “lão bà bà” sinh năm 1958. Có những đối tượng câm điếc bẩm sinh phải có giáo viên trường câm điếc để “phiên dịch”.
clip_image00181

Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của QH, ĐBQH Nguyễn Thị Khá có lần đánh giá “Mại dâm (ở VN) là một con số chìm, rất khó để đánh giá. Không ai đếm được. Không ai thống kê nổi. Mại dâm luôn tồn tại, không phụ thuộc vào ý muốn của chính quyền. Và nó tồn tại để đáp ứng nhu cầu của con người, dù “đạo đức xã hội” gọi đó là gì.
Hồi trung tuần tháng 6, dư luận sốc nặng khi nghe “sự thật” từ một quan chức Cục phòng chống tệ nạn xã hội, rằng “Không phát hiện mại dâm ở Đồ Sơn, Quất Lâm”. Đồ Sơn có gì ngoài một bãi biển đục ngầu và một phương thức kinh doanh “9 tháng mài dao 3 tháng chém”? Quất Lâm có gì ngoài rác ngập bờ và một hạ tầng là vài chục kios bức bí như lô cốt? Trên thế giới, công thức, đã được đưa vào “sách giáo khoa” của một thành phố du lịch biển là 4 chữ S. Sea (biển), và đó phải là một bãi biển không đục phù sa hay lềnh phềnh bèo tây, rác rưởi. Sun (mặt trời). Sand (đất cát). Và chữ S quan trọng nhất đương nhiên là Sex (Sau này, một số thành phố còn phát triển thêm một số chữ S khác, như Shop (Mua sắm), Soul (tâm linh)…Và công thức này hình thành và để phục vụ những nhu cầu của con người, dù có người sẽ nói họ không quan tâm hoặc đi du lịch không phải vì sex. Đồ Sơn, Quất Lâm, hay Đà Nẵng không phải là những ngoại lệ. Cũng như không phải người Việt không có nhu cầu sex. Vấn đề chính quyền nhìn nhận thực tế, trong các báo cáo và phát ngôn ra sao và để “thực tế” đó tồn tại trong thực tế như thế nào mà thôi.
Tháng 8.2011, báo chí Việt Nam đăng tải đoạn video clip quay lại hình ảnh ngài Arturas Zuokas, thị trưởng Vilnius, thủ đô của Lithuania cưỡi xe bọc thép đè bẹp một chiếc ô tô đang đỗ sai chỗ bên lề đường. Arturas sau đó xuống xe bắt tay vị chủ xe nạn nhân đang gãi đầu gãi tai trước chiếc xe bẹp dúm, tự tay dọn dẹp những mảnh kính vỡ, nói trước ống kính “đó là những gì xảy ra khi bạn đỗ xe trái phép” và sau đó lên xe đạp phóng đi.
Đoạn Video sau đó được đăng trên website của Thành phố, được đưa vào seri chương trình nổi tiếng “99 điều bạn nên làm trước khi chết” và…được dư luận Việt Nam hoan nghênh nhiệt liệt.
Bạn nghĩ sao nếu đó là câu chuyện xảy ra ở Việt Nam? Đà Nẵng chẳng hạn?
Phải chăng sẽ lại là “gạch đá” từ chính những người hôm qua còn vừa vỗ tay, chỉ vì nó không giống với những gì chúng ta chứng kiến hàng ngày từ những chính khách ngực thắt cà vạt và chỉ nói về luân lý và những điều tốt đẹp?
Với phát ngôn của Phó Chủ tịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, hoặc hãy chỉ đọc nguyên văn trong ngoặc kép “Một thành phố du lịch không thể không có mại dâm” như một phát ngôn của ai đó, ở đâu đó, chứ không phải của Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng, Việt Nam, bạn sẽ thấy điều đó là bình thường. Bình thường vì nó đúng. Vì nó không duy ý chí, không cưỡng từ đoạt lý. Chỉ khi cởi bỏ định kiến, mới thấy rằng chúng ta nên vỗ tay khi một quan chức nhìn nhận một cách thực tế vấn đề.
Trong những luồng ý kiến phê phán ngày hôm qua, đã xuất hiện những câu chữ rằng đó là một phát biểu “khó nghe”, rằng “méo mó”, hay “không phù hợp trong một phát biểu trước công chúng”…
Có một câu hỏi, cũng là một lẽ công bằng, cần được đặt ra: Chúng ta muốn nghe về “sự thật”: Không phát hiện mại dâm ở Đồ Sơn, Quất Lâm trong những bản báo cáo thành tích vo tròn mỗi cuối năm. Hay muốn nghe sự thật về mại dâm ở khắp hang cùng ngõ hẻm, đang bị thả nổi, với vô số thân phận không được thừa nhận vì những cái lắc đầu khoác áo đạo đức xã hội. Và ở mức độ nào đó, cần được chấp nhận như một thực tế?
Và điều quan trọng nhất, với tư cách là người chịu chính sách, những người dân như chúng ta muốn một vị quan chức, những người sẽ quyết định những chính sách công ảnh hưởng đến số đông, sẽ điều hành bằng cách phát ngôn “ráo hoảnh” về thực tế xã hội với “màu hồng thắt cà vạt” hay muốn họ nhìn nhận chân xác thực tế để có một cách quản lý phù hợp?!

Đào Tuấn
(Blog Đào Tuấn) 

Mọi điều bạn tưởng bạn biết về sự sụp đổ của Liên Xô là sai lầm

(Và vì sao việc này trở nên quan trọng trong một thời đại cách mạng như hiện nay)
Mọi cuộc cách mạng đều tạo ra kinh ngạc. Tuy vậy, cuộc Cách mạng Nga gần đây nhất phải được kể là một trong những kinh ngạc lớn nhất. Trong những năm trước 1991, gần như không một chuyên gia, học giả, viên chức chính quyền, hay chính trị gia phương Tây nào thấy trước được sự sụp đổ sắp xảy ra của Liên Xô, và kéo theo nó một chế độ độc tài độc đảng, một nền kinh tế do nhà nước làm chủ, và cả sự kiểm soát của Điện Cẩm Linh đối với đế quốc Liên Xô và Đông Âu. Với một ngoại lệ duy nhất, tất cả những nhà bất đồng chính kiến Xô viết cũng như chính những nhà cách mạng tương lai — nếu ta xét qua hồi ký của họ – cũng không tiên đoán được sự kiện này. Khi Mikhail Gorbachev trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản vào tháng Ba năm 1985, không một nhân vật đồng thời nào của ông dự kiến một cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến cách mạng. Mặc dù người ta không đồng ý nhau về tầm mức nghiêm trọng của những vấn đề nội tại trong chế độ Xô Viết, nhưng không ai coi những vấn đề này là đang đe dọa sinh mệnh của chế độ, chí ít trong tương lai gần.
Vậy, do đâu mà có sự thiển cận đều khắp lạ lùng đến thế? Việc các chuyên gia phương Tây không tiên liệu được sự sụp đổ của Liên Xô một phần là do sử quan xét lại (historical revisionism) — tạm gọi là khuynh hướng bài chủ nghĩa chống cộng (anti-anti-communism) — một khuynh hướng phóng đại sự ổn định và tính chính danh của chế độ Xô viết. Tuy nhiên, một số nhân vật khác vốn không được coi là mềm dẻo đối với chế độ cộng sản cũng không kém kinh ngạc trước sự cáo chung của chế độ này. Một trong những người thiết kế chiến lược Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh, ông George Kennan, viết rằng, trong khi nhìn lại toàn bộ “lịch sử các sự vụ quốc tế trong thời hiện đại”, ông nhận thấy rằng “thật khó nghĩ ra một biến cố nào lạ lùng, đáng kinh ngạc, và mới thoạt nhìn không thể giải thích nỗi, hơn sự tan biến đột ngột và toàn bộ…của đại cường mệnh danh kế tục nhau là Đế quốc Nga rồi đến Liên Xô”. Richard Pipes, có lẽ là sử gia Mỹ hàng đầu về nước Nga và cũng là một cố vấn của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, cho rằng cuộc cách mạng gần đây của Nga là “bất ngờ”. Một tuyển tập gồm các bài tiểu luận viết về sự cáo chung của Liên Xô trong một số báo đặc biệt năm 1993 của tạp chí bảo thủ National Interest (Lợi ích Quốc gia) có tựa đề là “Cái chết lạ lùng của chủ nghĩa Cộng sản Xô viết”.

Goorbahcov và Elsin
Nếu có thể hiểu được dễ dàng hơn, thì sự thiếu phán đoán mang tính tập thể này có thể đã được an toàn xếp vào một hồ sơ trí tuệ gồm những điều kỳ lạ và phù phiếm của khoa học xã hội rồi bị lãng quên. Tuy nhiên, thậm chí ngày nay, với khoảng cách 20 năm, giả thuyết cho rằng Liên Xô vẫn có thể tiếp tục tồn tại trong tình trạng lúc đó hay bất quá cuối cùng nó sẽ bắt đầu một cuộc suy tàn kéo dài khá lâu, có vẻ là một kết luận không kém phần hợp lý.
Thật vậy, vào năm 1985 Liên Xô gần như vẫn có đủ nguồn lực thiên nhiên và nhân sự của 10 năm về trước. Chắc chắn là, mức sống tại đây còn thấp hơn tại Đông Âu khá xa, nói chi đến phương Tây. Tình trạng thiếu hụt hàng hoá, hạn chế lương thực, những hàng người dài trước các quầy hàng, và nạn nghèo khổ khắc nghiệt diễn ra đều khắp xã hội. Nhưng Liên Xô đã từng trải qua nhiều đại họa to lớn hơn thế và đã có thể đối phó mà không hề mất một mảy may quyền kiểm soát của nhà nước đối với xã hội và nền kinh tế, lại càng không hề từ bỏ quyền lực này.
Không có một thước đo thành tích kinh tế chủ yếu nào trước năm 1985 cho thấy một thảm họa đang lù lù xốc tới. Từ năm 1981 đến năm 1985 mức tăng trưởng GDP của Liên Xô, mặc dù có chậm lại so với thập niên 1960 và thập niên 1970, nhưng cũng đạt được 1,9% một năm. Chính cùng một mô hình dù suy yếu nhưng không đến nỗi thảm khốc này còn kéo dài cho đến hết năm 1989. Nạn thiếu hụt ngân sách, một yếu tố kể từ thời Cách mạng Pháp được coi là tín hiệu quan trọng cho một cuộc khủng hoảng có thể đưa đến cách mạng, chưa lên tới 2% GDP vào năm 1985. Mặc dù có gia tăng nhanh chóng, nạn thâm thủng ngân sách vẫn ở dưới mức 9% GDP cho đến hết năm 1989 — một con số mà hầu hết các nhà kinh tế cho là hoàn toàn có thể xoay trở được (manageable).
Giá dầu lửa rơi cực nhanh, từ 66 đôla một thùng năm 1980 xuống 20 đôla một thùng năm 1986 (trong số 2000 giá cả) chắc chắn là một đòn nặng nề đánh vào tài chính Xô-viết. Tuy vậy, nếu điều chỉnh theo nạn lạm phát, thì vào năm 1985 giá dầu lửa trên thị trường thế giới vẫn cao hơn năm 1972, và chỉ thấp hơn toàn thập niên 1970 một phần ba mà thôi. Nhưng đồng thời, mức thu nhập của người dân Xô viết gia tăng hơn 2% vào năm 1985, và sau khi điều chỉnh lạm phát, đồng lương của họ còn tiếp tục gia tăng trong 5 năm liền cho đến hết năm 1990 ở mức độ trung bình trên 7% mỗi năm.
Vâng, tình trạng đình đốn kinh tế của Liên Xô là hiển nhiên và đáng lo ngại. Nhưng như giáo sư Đại học Wesleyan, ông Peter Rutland, đã chỉ rõ, “Dẫu sao, những chứng bệnh kinh niên của Liên Xô không nhất thiết đe dọa sinh mệnh của nước này”. Ngay cả nhà nghiên cứu hàng đầu về các nguyên nhân kinh tế của cuộc cách mạng này, ông Anders Aslund, cũng ghi nhận rằng từ năm 1985 đến năm 1987, tình hình “là không mảy may sôi động”.
Từ quan điểm của chính quyền, tình hình chính trị lúc bấy giờ thậm chí ít đáng lo ngại hơn trước. Sau 20 năm liên tục đàn áp đối lập chính trị, gần như tất cả những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng đã bị cầm tù, lưu đày (như trường hợp Andrei Sakharov từ năm 1980), buộc phải ra sống ở nước ngoài, hay chết trong các trại cải tạo và nhà giam.
Cũng gần như không có bất cứ một dấu hiệu nào khác báo trước một cuộc khủng hoảng tiền cách mạng (pre-revolutionary crisis), kể cả một nguyên nhân truyền thống thường được coi là có thể dẫn đến sự suy sụp của một quốc gia – đó là sức ép từ bên ngoài. Trái lại, thập niên trước đó được các học giả đánh giá đúng đắn là thời kỳ Liên Xô “đã thực hiện được tất cả những tham vọng quân sự và ngoại giao quan trọng”, như nhà sử học và ngoại giao Mỹ, ông Stephen Sestanovich, đã viết. Tất nhiên, lúc bấy giờ Afghanistan ngày càng cỏ vẻ là một cuộc chiến lâu dài, nhưng đối với một quân lực gồm 5 triệu binh sĩ như của Liên Xô, sự thiệt hại tại đó là không đáng kể. Thật vậy, mặc dù gánh nặng tài chính khổng lồ do việc duy trì một đế quốc về sau trở thành một vấn đề chính trong các cuộc tranh luận sau năm 1987, nhưng bản thân những chi phí cho cuộc chiến Afghanistan không làm cho quốc gia kiệt quệ: Được ước tính vào khoảng 4 đến 5 tỉ đôla vào năm 1985, đó là một phần không đáng kể trong tổng sản lượng nội địa (GDP) của Liên Xô.
Hoa Kỳ cũng không phải là một lực tác động cho cuộc cách mạng. “Học thuyết Reagan” bao gồm nỗ lực chống lại và, nếu có thể, đảo ngược những bước tiến của Liên Xô trong Thế giới Thứ ba quả có tạo được sức ép chung quanh đế quốc này, ở những nơi như Afghanistan, Angola, Nicaragua, và Ethiopia. Tuy nhiên, những khó khăn của Liên Xô ở đó cũng chẳng có gì nghiêm trọng để trở thành một nguy cơ cho chế độ.
Trong một màn giáo đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang có tiềm năng gây ra nhiều tốn kém cho đối phương, Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược [hay lá chắn nguyên tử] do Reagan đưa ra thực sự có ý nghĩa nghiêm trọng – nhưng đề xuất này không hề báo hiệu một sự thất bại quân sự cho Liên Xô, vì Điện Cẩm Linh biết chắc rằng việc triển khai hữu hiệu hệ thống phòng thủ không gian của Mỹ cũng mất vài thập kỷ nữa mới thực hiện được. Tương tự như thế, mặc dù cuộc nổi dậy chống cộng sản bất bạo động của công nhân Ba Lan là một tình hình rất bức xúc cho giới lãnh đạo Xô viết, làm nổi bật sự mong manh của đế quốc của họ tại châu Âu, nhưng vào năm 1985 Phong trào Đoàn kết (Soliditary) tỏ ra đã kiệt lực. Liên Xô hình như thích nghi được với việc tung ra các “đợt bình định” đẩm máu cứ 12 năm một lần – Hungary năm 1956, Tiệp Khắc năm 1968, và Ba Lan năm 1980 — bất chấp dư luận thế giới.
Nói thế khác, đây là một Liên Xô đang ở trên đỉnh cao quyền lực và thanh thế toàn cầu của mình, theo quan điểm của chính nó lẫn quan điểm của thế giới còn lại. Sau này, sử gia Adam Ulam đã nhận xét “Chúng ta thường quên rằng vào năm 1985, không một chính phủ của một quốc gia quan trọng nào tỏ ra có quyền lực vững chắc và có đường lối chính sách rõ ràng như chính quyền Liên bang Sô viết”.
Hẵn nhiên, có nhiều lý do thuộc về cơ chế — kinh tế, chính trị, xã hội – cho biết tại sao Liên Xô phải sụp đổ như nó đã sụp đổ; tuy nhiên, những lý do này không thể giải thích đầy đủ biến cố này diễn ra như thế nào và diễn ra khi nào. Nghĩa là, làm sao trong một thời gian từ năm 1985 đến năm 1989, trong lúc không gặp phải những tình trạng tồi tệ gay gắt về kinh tế, chính trị, dân số, và các vấn đề cơ chế khác, mà nhà nước và hệ thống kinh tế Xô viết bỗng dưng bị một quần chúng đủ đông đảo coi là ô nhục, thiếu tính chính danh, và hết chịu nỗi để phải sụp đổ?
Gần như hầu hết mọi cuộc cách mạng hiện đại, cuộc cách mạng Nga gần đây nhất được khởi động bằng một tiến trình tự do hóa khá do dự “từ trên xuống” – và lý do căn bản của nó vượt quá nhu cầu sửa sai nền kinh tế hoặc làm cho môi trường quốc tế tốt đẹp hơn. Cái cốt lỏi trong sáng kiến của Gorbachev là rất lý tưởng, đó là điều không thể chối cãi: Ông muốn xây dựng một Liên Xô có đạo lý hơn.
Vì mặc dù chiêu bài đưa ra là cải thiện kinh tế, nhưng rõ ràng là Gorbachev và những người ủng hộ ông trước hết muốn sửa chữa những sai lầm đạo lý hơn là sai lầm kinh tế. Hầu hết những điều họ tuyên bố công khai trong những ngày đầu của chương trình tái cơ cấu (perestroika), bây giờ nhìn lại, có vẻ chỉ là một cách biểu lộ nỗi khổ tâm của họ về sự suy đồi tinh thần và những hệ quả xói mòn đạo lý của thời đại Xít-ta-lin. Đó là bước khởi đầu của một sự liều lĩnh đi tìm kiếm những câu trả lời cho các vấn nạn to lớn mà mọi cuộc cách mạng vĩ đại thường bắt đầu: Thế nào là một cuộc sống tốt đẹp, hợp với nhân phẩm? Cái gì tạo ra một trật tự kinh tế và xã hội công chính? Một nhà nước chính danh và đàng hoàng là như thế nào? Quan hệ của một nhà nước ấy với xã hội dân sự phải như thế nào?
“Một không khí đạo lý mới mẻ đang thành hình trên đất nước ta”, Gorbachev đã nói như thế trước Ủy ban Trung ương Đảng trong phiên họp tháng Giêng 1987, nơi ông tuyên bố rằng glasnost (chủ trương cởi mở) và tự do hóa sẽ làm nền tảng cho perestroika (chủ trương tái cơ cấu) xã hội Xô-viết của ông. “Việc thẩm định lại các giá trị và xét lại chúng một cách sáng tạo đang được tiến thành”. Sau này, khi nhắc lại cảm tưởng của ông rằng “chúng ta không thể tiếp tục như thế thêm nữa, và chúng ta phải triệt để thay đổi lối sống, dứt khoát với những sai trái trong quá khứ”, ông gọi đó là “lập trường đạo lý” của ông.
Trong một bài phỏng vấn vào năm 1989, “người cha đỡ đầu của glasnost”, ông Aleksandr Yakovlev, nhớ lại rằng, vào lúc trở về Liên Xô sau 10 năm làm đại sứ tại Canada, ông cảm thấy đã đến lúc người dân phải tuyên bố, “Đủ lắm rồi! Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này thêm nữa. Mọi việc phải được thực hiện theo một đường lối mới. Chúng ta phải xét lại tư duy, đường lối, quan điểm về quá khứ và tương lai của chúng ta…Một sự đồng thuận ngấm ngầm: giản dị là, chúng ta không thể tiếp tục sống như chúng ta đã sống trước đây — một cách nhục nhã, ngoài mức chịu đựng”.
Theo ý kiến của vị thủ tướng của Gorbachev, ông Nikolai Ryzhkov, “tình trạng đạo lý [nrastennoe] của xã hội vào năm 1985 là nét đặc trưng “hãi hùng nhất”:
[Chúng ta] ăn cắp từ chính bản thân của chúng ta, nhận và đưa hối lộ, láo khoét trong các báo cáo, trên báo chí, láo khoét từ các diễn đàn cấp cao, đắm mình trong láo khoét, rồi trao huân chương cho nhau. Và tất cả những điều này đã diễn ra — từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên.
Một thành viên khác trong nhóm thân cận sơ khởi và rất ít ỏi của Gorbachev gồm những nhân vật chủ trương tự do, Bộ trưởng Ngoại giao Eduard Shevardnadze, cũng khổ tâm không kém vì tình trạng thiếu luật lệ và tham nhũng đều khắp. Ông nhớ lại đã nói với Gorbachev vào mùa đông 1984-1985: “Mọi thứ đã thối nát. Phải thay đổi thôi”.
Trở lại thập niên 1950, một vị tiền nhiệm của Gorbachev, ông Nikita Khrushchev, đã lần đầu thấy rõ sự mong manh của cái nền tảng của ngôi nhà mà Stalin đã xây lên trên sự khủng bố và dối trá. Nhưng thế hệ thứ năm này của giới lãnh đạo Xô-viết cảm thấy tin tưởng hơn về sức bật của chế độ. Gorbachev và các đồng chí của ông tỏ ra tin tưởng rằng những điều đúng cũng là những điều có thể quản lý được dễ dàng về mặt chính trị (politically manageable). Gorbachev tuyên bố rằng chủ trương dân chủ hóa “không phải là một khẩu hiệu nhưng là tinh túy của perestroika”. Nhiều năm về sau, ông đã trả lời phỏng vấn như sau:
Mô hình Xô-viết không những bị đánh bại trên bình diện kinh tế và xã hội; nó bị đánh bại ngay trên bình diện văn hóa. Xã hội chúng ta, nhân dân chúng ta, những người có học vấn nhất, những người có trí thức nhất, đã bác bỏ mô hình ấy trên bình diện văn hóa vì nó không tôn trọng con người, nó đàn áp con người về mặt tinh thần lẫn chính trị.
Sự thể những cải tổ đã đưa đến cuộc cách mạng năm 1989 phần lớn cũng phát xuất từ một nguyên nhân “lý tưởng” khác: bản thân Gorbachev rất ghét bạo động và, vì thế, ông cương quyết không sử dụng việc áp bức quần chúng (mass coercion) khi tầm mức của các biến chuyển bắt đầu vượt quá ý định ban đầu của ông. Triển khai các lực lượng đàn áp kiểu Xít-ta-lin cho dù để “duy trì chế độ” cũng sẽ là một hành động phản lại niềm tin tưởng son sắt nhất của ông. Một chứng nhân nhớ lại Gorbachev đã nói vào cuối thập niên 1980, “Chúng ta được dạy là chúng ta phải đấm bàn”, rồi ông nắm tay lại, minh họa cú đấm. Viên tổng bí thư phát biểu tiếp: “Nói chung, việc này có thể thực hiện. Nhưng chúng tôi không thích làm như vậy”.
Vai trò của tư duy và lý tưởng trong việc mang lại cuộc cách mạng Nga xuất hiện rõ nét hơn khi chúng ta nhìn vào những diễn biến bên ngoài Điện Cẩm Linh. Một ký giả Xô-viết hàng đầu và về sau trở thành một tiếng nói nhiệt tình đối với chủ trương glasnost, ông Aleksandr Bovin, đã viết vào năm 1988 rằng những lý tưởng của perestroika đã “chín muồi” giữa lúc nhân dân ngày càng “bức xúc” trước nạn tham nhũng, ăn cắp của công trắng trợn, trước những láo khoét, và những cản trở chặn đứng việc làm của người lương thiện. Những dự kiến “về một cuộc đổi thay có thực chất đang bàng bạc trong không gian”, một chứng nhân khác nhớ lại, và những người mang kỳ vọng này đã tạo nên một khối cử tri rõ nét (appreciable constituency) đang đòi hỏi những cải tổ triệt để. Thật vậy, những kỳ vọng đã đón chào Gorbachev khi ông lên cầm cầm quyền là rất mãnh liệt và ngày càng gia tăng đến độ chúng có thể định hình cho chính sách thực sự của ông. Đột nhiên, chính các tư duy đã trở nên một yếu tố có cấu trúc, có thực thể trong cuộc cách mạng đang diễn ra.
Theo cách nói của Yakovlev, cái uy tín của ý thức hệ chính thống, vốn ràng rịt toàn bộ hệ thống chính trị và kinh tế của chế độ Xô-viết “như những niền thép”, đang rã rệu nhanh chóng. Nhận thức mới đã giúp người dân thay đổi thái độ đối với chế độ và tạo ra “một chuyển biến trong hệ thống các giá trị”. Dần dần, tính chính đáng của các sắp xếp chính trị [cơ chế chính trị] bắt đầu bị chất vấn. Trong một trường hợp điển hình của “định lý Thomas” bất hủ mà [nhà xã hội học] Robert K. Merton xây dựng thành lý thuyết – “Nếu người ta tin rằng một tình thế là có thực, thì tình thế đó sẽ trở thành hiện thực trong hậu quả của nó”– sự suy đồi thực sự của nền kinh tế Xô-viết chỉ mang lại hậu quả nghiêm trọng sau khi và bởi vì có một chuyển biến cơ bản trong cách người dân cảm nhận và đánh giá thành tích của chế độ.
Viết cho một tạp chí Xô-viết năm 1987, một độc giả Nga gọi những gì ông chứng kiến chung quanh ông là một “sự dứt khoát triệt để trong ý thức của người dân”. Chúng ta biết độc giả này nhận xét đúng vì cuộc cách mạng của Nga là cuộc cách mạng vĩ đại đầu tiên mà tiến trình của nó được vẽ thành biểu đồ trong các cuộc thăm dò dư luận quần chúng ngay từ đầu. Vào cuối năm 1989, cuộc thăm dò dư luận tiêu biểu đầu tiên đã cho thấy dân chúng nhiệt liệt ủng hộ các cuộc tuyển cử có tính cạnh tranh và việc hợp pháp hóa các đảng phái ngoài Đảng Cộng sản Xô-viết – sau bốn thế hệ dưới chế độ độc tài độc đảng và trong lúc các đảng phái độc lập vẫn còn bất hợp pháp. Giữa thập niên 1990, hơn nửa số người được thăm dò trong một vùng nước Nga đồng ý rằng “một nền kinh tế lành mạnh” có khả năng phát triển nhanh hơn “nếu chính phủ cho phép tư nhân làm ăn theo ý họ muốn”. Sáu tháng sau, một cuộc thăm dò trên toàn nước Nga cho thấy 56% hậu thuẫn một cuộc chuyển đổi nhanh chóng hay tuần tự sang một nền kinh tế thị trường. Thêm một năm sau thì số người ủng hộ kinh tế thị trường tăng đến tỉ lệ 64%.
Những người đã gieo vào xã hội “chuyển biến ngoạn mục về ý thức” không ai khác hơn là những kẻ đã từng châm ngòi cho các cuộc cách mạng tiêu biểu khác của thời hiện đại: đó là, các nhà văn, nhà báo, và giới nghệ sĩ. Như Alexis de Tocqueville nhận xét, những con người này “giúp tạo ra một ý thức chung về sự bất mãn như vậy, một công luận được kiên định như vậy, rồi hai yếu tố này … lại tạo ra những đòi hỏi hữu hiệu cho các chuyển biến có tính cách mạng”. Đột nhiên, “toàn bộ việc giáo dục” trên cả nước trở thành “công tác của những người cầm bút”.
Tại Nga Xô cũng vậy. Những hàng người dài trước các sạp báo – đôi khi các đám đông phải xếp hàng quanh một khu phố từ lúc 6 giờ sáng, vì lượng báo ra hàng ngày thường bán sạch chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ — và số người đặt mua ngày càng đông các báo nổi tiếng có chủ trương tự do đã chứng minh sức công phá của những nhà bình luận nổi tiếng thuộc khuynh hướng glasnost, hay xin mượn cụm từ của Samuel Johnson, “những bậc thầy truyền giảng chân lý” (teachers of truth): kinh tế gia Mikolai Shmelyov; các triết gia chính trị như Igor Klyamkin và Alexandr Tsypko; các tiểu luận gia như Vasily Selyunin, Yuri Chernichenko, Igor Vinogradov, and Ales Adamovich; các ký giả Yegor Yakovlev, Len Karpinsky, Fedor Burlatsky, và chí ít trên hai chục nhà văn nữa.
Đối với họ, việc phục sinh đạo lý là thiết yếu. Điều này có nghĩa là không những chỉ rà soát lại các hệ thống chính trị và kinh tế Xô-viết, không những chỉ lật ngược các qui phạm xã hội (social norms), mà còn là một cuộc cách mạng trên bình diện cá nhân: một sự thay đổi trong nhân cách của người dân Nga. Như Mikhail Antonov tuyên bố trong một tiểu luận rất sáng tạo năm 1987, với tiêu đề “Vậy thì việc gì đang đến với chúng ta?” trên tạp chí Oktyabr, phải “cứu” lấy nhân dân – không phải để họ thoát khỏi các mối nguy từ bên ngoài, nhưng “chủ yếu để họ thoát khỏi chính mình, thoát khỏi các tiến trình phi luân đang giết chết những phẩm chất cao quí nhất của con người”. Cứu nhân dân bằng cách nào? Bằng cách làm cho tiến trình dân chủ hóa còn sơ sinh trở thành con đường định mệnh, không thể đảo ngược – không phải bằng “một đợt băng tan” ngắn ngủi của Khrushchev, nhưng bằng một cuộc thay đổi khí hậu. Và việc gì sẽ đảm bảo cho tình hình không thể đảo ngược này? Trên hết, đó là sự xuất hiện của con người tự do, một con người “không bị lây nhiễm trước các sự kiện lặp đi lặp lại của chế độ nô lệ tinh thần”. Tuần báo Ogoniok, một tạp chí quan trọng thuộc chủ trương glasnost, đã viết vào tháng Hai năm 1989 rằng chỉ có “con người không có khả năng làm chỉ điểm cho công an, không có khả năng phản bội và láo khoét, bất luận nhân danh ai hay tổ chức nào, mới có thể cứu chúng ta khỏi sự xuất hiện trở lại của một nhà nước độc tài”.
Lối lý luận vòng vo này — để cứu nhân dân, người ta phải cứu lấy perestroika, nhưng người ta chỉ cứu được perestroika nếu có thể thay đổi đựợc con người “từ bên trong” — gần như không hề làm cho ai khó chịu. Những người phát biểu tư duy về những vấn đề này gần như đã cho rằng việc cứu nước bằng chủ trương perestroika và việc kéo người dân khỏi bãi sình lầy tinh thần là hai nỗ lực đan kết chặt chẽ, có lẽ không thể tách rời nhau, và họ dừng lại ở đó. Vấn đề quan trọng là phải đưa nhân dân trở về “địa vị công dân” từ vị trí “nông nô” và “nô lệ”. “Đủ lắm rồi!” là một lời tuyên bố của Boris Vasiliev, tác giả của một tiểu thuyết bán rất chạy trong giai đoạn này về Thế chiến II, một cuốn truyện được đóng thành phim và được khán giả yêu chuộng không kém. Ông nói: “Đủ lắm rồi những láo khoét, đủ lắm rồi tinh thần nô lệ, đủ lắm rồi sự hèn nhác. Sau cùng, chúng ta phải nhớ rằng tất cả chúng ta đều là công dân. Những công dân tự hào của một đất nước tự hào!”
Nhìn kỹ vào những nguyên nhân của Cách mạng Pháp, de Tocqueville có nhận xét nổi tiếng rằng, các chế độ bị cách mạng lật đổ thường thường ít áp bức dân chúng hơn các chế độ trước đó. Tại sao? Vì, theo suy đoán của de Tocquevile, mặc dù người dân “có thể ít khổ sở hơn”, nhưng họ lại “cảm thấy bị xúc phạm nhiều hơn”.
Thông thường, Tocqueville có khuynh hướng bàn về những điều tối quan trọng. Từ Những Người cha lập quốc trong Cách mạng Mỹ (the Founding Fathers), đến nhóm Jacobins của Cách mạng Pháp và nhóm Bôn-sê-vich trong Cách mạng Nga, những nhà cách mạng này đã chiến đấu chủ yếu dưới một bóng cờ: phát huy nhân phẩm. Chính vì nỗ lực tìm kiếm nhân phẩm xuyên qua quyền tự do và quyền công dân mà khuynh hướng lật đổ chính quyền trong tinh thần glasnost vẫn còn tồn tại – và sẽ còn tồn tại. Cũng như trước đây những trang báo của tờ Ogoniok và tờ Moskovskie Novosti nằm hãnh diện bên cạnh hình ảnh Boris Yeltsin trên chiếc xe tăng như là các biểu tượng của cuộc mạng Nga gần đây, ngày nay những trang mạng bằng tiếng Á-rập cũng hiên ngang làm biểu tượng cách mạng bên cạnh những hình ảnh các đám đông nổi dậy tại Quảng trường Tahrir của Cairo, tại Khu Casbah của Tunis [Tunisia], trên các đường phố của Benghazi [Lybia], và các thành phố sôi sục bạo động của Syria. Gác các vấn đề ngôn ngữ và văn hóa chính trị qua một bên, các thông điệp và cảm thức mà những cuộc cách mạng này gợi lên là rất giống nhau.
Mohamed Bouazizi, một thanh niên bán hoa trái, mà cuộc tự thiêu của anh đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy tại Tunisia khởi đầu cho Mùa Xuân Á Rập 2011, đã tự tử “không phải vì anh ta thất nghiệp nhưng vì khi anh đến nói chuyện với [chính quyền địa phương] có trách nhiệm về vấn đề của anh thì bị đánh đập – cái chết này là để tố cáo chính phủ”, một người biểu tình tại Tunis đã nói với một nhà báo Mỹ như thế. Tại Benghazi, cuộc nổi dậy của người Lybia bắt đầu với việc các đám đông hô vang khẩu hiệu, “Nhân dân muốn chấm dứt tham nhũng!”. Tại Ai Cập, các đám đông đã “biểu lộ tinh thần tự cường của một dân tộc bị đàn áp quá lâu đã đến lúc không còn biết sợ hãi nữa, không muốn để cho giới lãnh đạo của mình tiếp tục tướt đoạt tự do và chà đạp nhân phẩm”, cây viết chuyên đề của tờ New York Times, ông Thomas Friedman, đã tường thuật từ Cairo vào tháng Hai năm nay. [Nếu có mặt ở hiện trường], ông cũng có thể đã tường thuật như thế từ Mát-xkơ-va năm 1991.
“Nhâm phẩm có ưu tiên hơn bánh mì!” là khẩu hiệu của cách mạng Tuy-ni-di. Kinh tế Tuy-ni-di đã gia tăng trong khoảng 2 và 8 phần trăm một năm trong hai thập kỷ liền trước cuộc nổi dậy. Với giá dầu lửa ở mức cao, cũng đang phát triển kinh tế khá mạnh ngay trước khi có cuộc nổi dậy. Cả hai trường hợp này nhắc nhở chúng ta rằng trong thế giới hiện nay, tiến bộ về mặt kinh tế không thể thay thế cho niềm tự hào và tự trọng trong tư cách công dân. Nếu chúng ta không nhớ kỹ điều này, chúng ta sẽ tiếp tục kinh ngạc — trước “các cuộc cách mạng màu” trong thế giới hậu-Xô viết, trước Mùa Xuân Á Rập, và không chóng thì chầy trước một biến động dân chủ tất yếu tại Trung Quốc – như chúng ta từng kinh ngạc trước cuộc cách mạng tại Nga Xô. “Thượng Đế đã ban cho chúng ta một ý thức mãnh liệt về nhân phẩm khiến chúng ta không thể chấp nhận sự khước từ các quyền tự do và các quyền bất khả xâm phạm, bất chấp cả quyền lợi có thực hay giả tưởng nào mà các chế độ độc tài "ổn định’ có thể mang lại”, tổng thống của nước Kyrgyzstan, ông Roza Otunbayeva, đã viết vào tháng Ba năm nay. “Thật là kỳ diệu khi người dân, nam, phụ, lão, ấu, thuộc nhiều tôn giáo và khuynh hướng chính trị khác nhau, qui tụ trong các quảng trường thành phố và tuyên bố ‘chúng tôi đã bưa lắm rồi’ (enough is enough)”.
Hẳn nhiên, động lực đạo lý tuyệt vời, sự tìm kiếm chân và thiện, chỉ là một điều kiện cần nhưng không đủ để tái tạo một đất nước thành công. Nhân dân có thể đủ sức lật đổ chế độ cũ (ancien régime), nhưng không thể cùng một lúc khắc phục được nền văn hóa chính trị độc tài đã ăn sâu trên cả nước. Gốc rễ của các định chế dân chủ do những cuộc cách mạng có động cơ đạo lý có lẽ tỏ ra còn quá nông cạn, không thể giữ vững một nền dân chủ hữu hiệu trong một xã hội thiếu truyền thống quí giá là cơ sở hạ tầng biết tự tổ chức và biết tự trị. Đây là điều có thể gây trở ngại to lớn cho việc thực hiện những hứa hẹn của Mùa Xuân Á-rập – đã thấy ở Nga. Sự phục sinh đạo lý ở Nga đã bị trở ngại do sự phân hóa và ngờ vực mà 70 năm độc tài toàn trị sản sinh ra. Mặc dù Gorbachev và Yeltsin đã tháo dỡ một đế quốc, nhưng cái di sản của não trạng đế quốc trong hằng triệu người Nga đã khiến họ dễ dàng chấp nhận chủ nghĩa tân độc tài của Putin (neo-authoritarian Putinism), với các chủ đề tuyên truyền to lớn như “sự bao vây của các thế lực thù nghịch” và “Nước Nga đứng dậy từ bước ngã quị”. Hơn thế nữa, bi kịch quốc gia to lớn (và tội lỗi quốc gia) mà chủ nghĩa Xit-ta-lin gây ra chưa bao giờ được tìm hiểu đầy đủ và chưa bao giờ được thống hối, vì vậy đã làm hỏng toàn bộ nỗ lực phục hồi đạo lý, đúng như các người rao giảng glasnost từng mạnh mẽ cảnh báo.
Đó là lý do nước Nga ngày nay một lần nữa đang từng bước tiến tới một thời điểm perestroika khác. Mặc dù những đợt cải tổ thị trường trong thập niên 1990 và giá dầu lửa tăng cao hiện nay đã kết hợp lại để tạo nên sự phồn vinh chưa từng có trong lịch sử cho hằng triệu người Nga, nhưng sự tham nhũng trắng trợn của tầng lớp cai trị ở chóp bu, chế độ kiểm duyệt kiểu mới, và việc công khai khinh thường dư luận đã tạo ra tình trạng bất mãn và yếm thế, một tình trạng đang bắt đầu lên tới (nếu không muốn nói đã thực sự vượt qua) mức độ của đầu thập niên 1980.
Người ta chỉ cần đến Mát-xcơ-va vài ngày để tiếp xúc với giới trí thức hiện nay hay, tốt hơn nữa, liếc qua các trang nhật ký mạng (blogs) trên LiveJournal (Zhivoy Zhurnal), diễn đàn Internet nổi tiếng nhất của Nga, hay qua các website của những nhóm trí thức đối lập và độc lập hàng đầu, là thấy được rằng câu châm ngôn của thập niên 1980 – “Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này thêm nữa!” đang trở thành tín điều một lần nữa. Lệnh truyền đạo lý của tinh thần tự do đang tái khẳng định chính nó, và hiện tượng này không chỉ diễn ra hạn hẹp trong các giới trí thức và những nhà hoạt động dân chủ. Tháng Hai năm nay, Viện Phát triển Đương đại (the Institute of Contemporary Development), một viện nghiên cứu chính sách tự do do Tổng thống Dmitry Medvedev làm chủ tịch, đã xuất bản một tài liệu có vẻ như là một chương trình vận động tranh cử tổng thống Nga năm 2012:
Trong quá khứ nước Nga cần tự do để sống [tốt đẹp hơn]; hiện nay nước Nga cần tự do để sống còn… Thách thức của thời đại chúng ta là làm sao để rà soát lại hệ thống giá trị, hun đúc một ý thức mới. Chúng ta không thể xây dựng một đất nước hiện đại với tư duy cũ…Đầu tư tốt đẹp nhất [mà nhà nước có thể dành cho con người] là Tự do và Nền Pháp trị (the Rule of Law). Và tôn trọng Phẩm giá của con người.
Chính cuộc tìm kiếm có tính cách trí thức và đạo lý này, một nỗ lực khôi phục niềm tự hào và tự trọng, bắt đầu bằng một cuộc duyệt xét đạo lý không nương nễ đối với quá khứ và hiện tại của đất nước, chỉ vỏn vẹn trong vài năm đã khoét hổng nhà nước Sô-viết đồ sộ, tước sạch tính chính danh của nó, và biến nó thành một chiếc vỏ bị thiêu rụi (burned-out shell) để rồi tan rã vào tháng Tám 1991. Câu chuyện về hành trình đạo lý và trí thức này là một câu chuyện hoàn toàn chiếm vị trí trung tâm về cuộc cách mạng vĩ đại cuối cùng của thế kỷ 20.
Nguồn: Foreign Policy
July/August 2011,
Trần Ngọc Cư dịch từ nghiencuulichsu.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét