Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Tin ngày 06/8/2013 - tiếp

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI

TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

ĐIỆN CỦA AI?


Nhà nước duyệt các dự án, công trình nhà máy sản xuất ra điện (phát điện), xây dựng lưới điện, trả lương cho cán bộ nhân viên ngành điện lấy tiền ở đâu? – Nhân dân. Tiền nhà nước phải đi vay các loại vốn nước ngoài để làm ra điện, nay ai trả? – Nhân dân. Tiền của dân, có điện rồi phải phục vụ quốc kế dân sinh, phải cho người dân được hưởng lợi, tại sao lấy đó làm cái cớ lấy ‘của sẵn ăn’ đó để tiếp tục moi tiền của nhân dân? Thế mà, nay ngành điện liên tục tăng giá điện với nhiều lý do không minh bạch không chính đáng, tiếp tục móc túi tiền của ai? – Nhân dân… Đúng thế, tất cả là người dân è cổ ra gánh chịu hết.
Sau nhiều tranh cãi, lý giải, biện minh, chạy chọt xoay trở, lấp liếm, cuối cùng thì giá điện cũng chính thức tăng từ ngày 1/8, sau hàng loạt thông tin tung ra để ‘nguy trang’, ‘lừa đảo’ tạo cú bất ngờ từ chính cơ quan quản lý lẫn EVN rằng “chưa có phương án” và muốn tăng phải căn cứ vào nhiều yếu tố.
Khi nền kinh tế vẫn chưa qua khỏi khó khăn, doanh nghiệp, người dân vẫn đang chật vật và lạm phát có nguy cơ tăng tốc trở lại, việc tăng giá điện theo kiểu “úp sọt” (cách gọi của VnExpress) đã khiến cho nhiều khách hàng của ngành điện không kịp trở tay. Có người cho rằng trong chuyện này, EVN “lờ” chỉ đạo của Chính phủ? Nhưng suy cho kỹ ngọn nguồn, làm sao chuyện lớn như thế mà qua mặt chính phủ được?
Ngay cả khi báo giới chất vấn lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, một vị Phó Tổng thanh tra cũng phải thừa nhận rằng, việc tính toán đầy đủ các yếu tố cấu thành giá điện bao gồm doanh thu và chi phí, thể hiện qua giá điện trong quá trình thanh tra tại EVN là “một việc rất khó và phức tạp”.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh Chính phủ vẫn đang tìm các giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nỗ lực kiềm chế lạm phát, việc tăng giá điện khác nào đi ngược với chính sách. Người có thực quyền và cơ quan chuyên trách, chuyên ngành, chủ quản ‘bật đèn xanh’ cho sự tùy tiện này của ngành điện được hưởng lợi thế nào? – Nhiều đấy, dầm dề đấy, nhưng cụ thể bao nhiêu họa may chỉ có trời mới biết!
Bức xúc của người dân và doanh nghiệp sử dụng điện chính là cách EVN tăng giá điện vào thời điểm mà mặt bằng giá sau nhiều nỗ lực kìm hãm đang có chiều hướng bắt đầu ổn. Vậy, tăng giá điện là động cơ tiếp tục hạ giá, đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhanh hơn.
Thực chất giá điện và giá xăng dầu là hai mặt hàng nhà nước vẫn phải kiểm soát bởi nó tác động đến vô số các ngành, lĩnh vực khác. Điều này cũng đã được các nhà quản lý khẳng định bởi giá điện và xăng dầu được lâu nay vẫn được dùng như một công cụ để kiểm soát lạm phát, nên trong nhiều thời điểm, doanh nghiệp không được phép tăng dù giá thế giới có biến động.
Đặc biệt, qua mỗi tháng, EVN lại cho biết đưa vào vận hành nhiều tổ máy thuỷ điện mới, trong đó siêu dự án thuỷ điện Sơn La – một công trình được đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng từ tiền thuế của dân với khoảng 15% sản lượng điện cho cả nước – cũng dường như bị “lãng quên” khi EVN tăng giá điện…
“Tăng giá điện lần này là để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do giá than và giá khí đều tăng, trong đó giá than từ ngày 20/4/2013 tăng từ 37 – 41% tùy từng loại than…”; rồi nào là:“phải tính đủ chi phí thì ngành điện mới có vốn đầu tư”.
Đó là cái lối lý giải tráo trở rất ù xọe, ngụy biện lấp liếm của EVN. Nhưng các khách hàng sử dụng điện có quyền yêu cầu EVN làm rõ khi mà thời điểm từ tháng 8 trở đi là thời điểm mùa mưa bắt đầu, nước ở các hồ chứa bắt đầu tăng nhanh, sản lượng thuỷ điện vốn chiếm đến 40% cũng sẽ trở nên dồi dào hơn, tại sao lại không được tính đến. Lâu nay, ngành điện tự ý lấy tiền của dân chi lương vượt trần nhiều lần, cao nhất tới cả trăm triệu đồng/ tháng, bình quân cũng vài chục triệu đồng. Tiền đó của ai? – Cũng của dân. Nếu EVN lỗ thật (chính đáng) thì họ tăng giá điện là chấp nhận được. Tuy nhiên lỗ là do ngành điện phải nuôi một bộ máy quá cồng kềnh, lại “được quyền” sử dụng đồng tiền để tự lương quá cao, chi phí đầu tư quá lớn do thất thoát và tham nhũng.
Thế nhưng, EVN vẫn kêu lỗ và vẫn găm nợ, tiền chạy ngách nào? Điều đáng nói hơn là thời điểm cuối năm 2012, sau khi Tập đoàn này báo nợ chồng chất, thì chỉ sau 12 ngày tăng giá điện (ngày 22/12/2012) EVN đã có khả năng trả nợ cho Tập đoàn dầu khí Quốc gia 2.200 tỷ đồng và khoảng 700 tỷ đồng nợ quá hạn. Hiện nay, EVN còn 2 khoản lỗ là lỗ do sản xuất kinh doanh điện từ năm 2010 – 2011 do hạn hán EVN phải phát điện với giá dầu, mua điện giá cao, dẫn đến lỗ 11.000 tỷ đồng. Năm 2012 xử lý được 3.000 tỷ. Nay còn lại gần 8.000 tỷ.
Thế nên, ca dao của mấy bà nội trợ:
Lương thì cao ngất tầng mây
Tiền đâu? – Móc túi có ngay, khó gì
Độc quyền ngành điện “tự chi”
Túi dân lép kẹp cũng vì…Ê-Ven
Chỉ mấy tháng trước, hầu hết các đơn vị quản lý ngành điện đều khẳng định chưa có phương án điều chỉnh giá. Do đó, trong kế hoạch doanh thu và tài chính 6 tháng cuối năm mà doanh nghiệp này mới thông qua, các chi phí đầu vào, trong đó có giá điện vẫn được giữ nguyên. Với việc tăng giá điện khá bất ngờ này, kế hoạch trên đã bị đảo lộn.
Trước mối lo ngại về việc EVN có thể bất ngờ tăng giá điện thêm 3, 4 lần nữa từ nay đến cuối năm, đại diện Tập đoàn EVN cam kết: “Từ nay đến cuối năm sẽ không điều chỉnh giá điện lần nào nữa. Đến cuối tháng 12 năm nay sẽ tính toán giá thành thực hiện năm 2013 và lộ trình điều chỉnh giá điện năm 2014 để trình Bộ Công thương và Chính phủ phê duyệt. Nhưng ai tin điều đó? Bởi vì, “nói dzậy mà hổng phải dzậy” đã thành thứ “chủ nghĩa Ba Xạo” tại đất nước này tự lâu rồi. Ngành điện, ngành xăng dầu, than…cho đến giá vàng, thuế muốn tùy tiện tăng giá kiểu nào, vào lúc nào là tùy ở họ. Đó là tình trạng nhà nước để cho [ngành điện] độc quyền lộng hành, nhà nước không quản lý nổi, làm ăn ‘vô chính phủ’ được bảo kê, bão lãnh, che chắn, gật đầu ngầm cứ thế được đà tiến phát quyết liệt trên đầu trên cổ người dân lao động. Điện của ai? – Theo ‘lý thuyết cách mạng’ rất “khách quan, biện chứng”, theo các nghị quyết và đủ loại khẩu hiệu: – Điện của dân, do dân, vì dân! Nhưng nay người dân bị cạn túi dần vì liên tục è cổ đóng tiền điện tăng giá vèo vèo, tùy tiện. Ôi, hệ lụy tai hại khó lường của các Nhóm lợi ích! Trong khi đó, ai cũng thuộc lòng: “Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện”… ?!
THEO BÙI VĂN BỒNG

Hàng trăm tiểu thương Thanh Hóa BÃI THỊ PHẢN ĐỐI GIÁ ĐIỆN

  Từ sáng này 5/8, hơn 400 ki-ốt tại chợ Vườn Hoa- Thanh Hóa đã đồng loạt nghỉ bán nhằm phản đối công ty Cổ phần chợ Vườn Hoa áp dụng giá điện quá cao so với giá thị trường.
Theo phản ảnh của các tiểu thương tại đây, giá điện Công ty phần chợ Vườn Hoa áp dụng bán cho họ luôn cao gấp đôi, gấp rưỡi so với giá điện Chính phủ quy định áp dụng với các hộ kinh doanh.
Cụ thể, năm 2008 các tiểu thương phải sử dụng điện với mức giá 3.700 đồng/1KWh; năm 2009 là 3.850 đồng/1KWh; năm 2010+2011 giá bán là 4.000 đồng/KWh; năm 2012 là 4.200 đồng/1KWh. Trong khi mức giá Chính phủ quy định là 1.863 đồng/1KWh.
Chưa dừng lại ở đó, từ tháng 1/2013 đến nay Công ty Cổ phần chợ Vườn Hoa đã thu với giá 4.740 đồng/1KWh gấp hơn 2 lần so với giá bán điện kinh doanh là 2.200 đồng/1KWh.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần chợ Vườn Hoa cho biết công ty này phải thu tiền điện giá cao vì còn phải thuê người quản lý, cải tạo hệ thống điện.
Tuy nhiên, theo các tiểu thương tại chợ hàng tiền thuê ki-ốt ở đây cũng không hề rẻ. Thời gian qua Công ty Cổ phần chợ Vườn Hoa cũng tự ý cải tạo quầy hàng và buộc người thuê đóng phí, dù việc này chưa nhận được sự đồng ý của phần lớn chủ quầy.
Chợ Vườn Hoa là khu chợ đầu mối lớn nhất của thành phố Thanh Hóa với hơn 500 gian hàng của 400 tiểu thương. Các mặt hàng bày bán tại chợ khá đa dạng như hàng nông sản, hàng tiêu dùng, đồ may mặc… Việc ngưng bán hàng của các tiểu thương cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc giao thương buôn bán tại Thanh Hóa.
Theo vietnamnet

Khởi tố giám đốc Công ty Cảng Vũng Rô

1.  Khởi tố giám đốc Công ty Cảng Vũng Rô

Ngày 5-8, một nguồn tin cho biết Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Minh – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô (thuộc sở hữu UBND tỉnh Phú Yên) về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Liên quan đến vụ án trên, ngày 30-5, Pháp Luật TP.HCM đã có bài “Công ty Cảng Vũng Rô: Tuồn vốn cho tư nhân chiếm dụng” phản ánh những sai phạm nghiêm trọng tại công ty này. Theo kết luận thanh tra, để có vốn mua bán vải sợi với Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Đại Lộc (Bình Dương), Công ty Cảng Vũng Rô đã thế chấp toàn bộ tài sản nhà nước để vay vốn ngân hàng, trong đó có hai hợp đồng vay vượt 30% giá trị tài sản nhưng chưa được sự chấp thuận của UBND tỉnh. Công ty Cảng Vũng Rô đã vay 107,6 tỉ đồng rồi giao hết cho Công ty Đại Lộc nhưng không khấu trừ nợ, tạo điều kiện cho công ty này chiếm dụng vốn nhà nước. Hiện nay, Công ty Đại Lộc còn nợ Công ty Cảng Vũng Rô 50 tỉ đồng nhưng đã ngừng hoạt động. UBND tỉnh Phú Yên buộc ông Nguyễn Minh chậm nhất đến ngày 13-7 phải trực tiếp thu hồi dứt điểm gần 50 tỉ đồng tiền nợ từ Công ty Đại Lộc nhưng đến nay vẫn không thu hồi được.
THEO PHÁP LUẬT TP

2.  Công ty Cảng Vũng Rô: Tuồn vốn cho tư nhân chiếm dụng

Mang hàng chục tỉ đồng của Nhà nước giao cho doanh nghiệp tư nhân để họ chiếm dụng rồi không có khả năng thu hồi.
Ngày 29-5, ông Đỗ Duy Vinh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, cho biết chủ tịch tỉnh vừa có kết luận thanh tra các sai phạm tại Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô (thuộc sở hữu của UBND tỉnh Phú Yên – công ty). Theo đó, trong hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại công ty này, nổi cộm nhất là chuyện công ty có dấu hiệu tuồn vốn nhà nước cho tư nhân chiếm dụng.
Vay tiền để bơm cho đối tác
Điều hành cảng Vũng Rô nhưng hoạt động chính của công ty là mua sợi trong và ngoài nước rồi bán lại cho Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Đại Lộc (KCN Đồng An, thị xã Thuận An, Bình Dương – Đại Lộc). Sau khi sản xuất ra vải, Công ty Đại Lộc bán thành phẩm lại cho công ty.
Để có vốn kinh doanh, công ty mang hầu hết tài sản từ vốn ngân sách thế chấp cho hai chi nhánh ngân hàng thương mại tại Phú Yên để vay gần 300 tỉ đồng. Trong đó, công ty câu kết với hai ngân hàng này lập các hợp đồng tín dụng, thế chấp tài sản để vay số tiền cao hơn 30% giá trị tài sản thế chấp còn lại mà không có sự chấp thuận của đại diện chủ sở hữu là UBND tỉnh Phú Yên.
Ngân hàng đề nghị tòa án phong tỏa toàn bộ tài sản tại trụ sở của Công ty Cảng Vũng Rô. Ảnh: TẤN LỘC
Theo kết luận thanh tra, hoạt động mua bán giữa công ty và Đại Lộc có nhiều điều bất minh. Công ty quá dễ dãi cho Công ty Đại Lộc trong thanh toán như được trả tiền sau 150 ngày kể từ khi nhận hàng. Trong các thương vụ giữa hai công ty, giá trên hợp đồng, phụ lục hợp đồng, hóa đơn khác nhau và đều có lợi cho Đại Lộc. Đáng lưu ý, công ty có dấu hiệu tuồn vốn nhà nước cho Đại Lộc. Trong năm năm giao dịch (từ 2008 đến 2012), công ty nợ Đại Lộc 54 tỉ đồng và công ty đã vay 107,6 tỉ đồng giao hết cho Đại Lộc (tức trả gấp đôi số tiền nợ). Từ đó, Đại Lộc chiếm dụng vốn để kinh doanh. Đến nay, Đại Lộc còn nợ công ty 50 tỉ đồng và không còn khả năng trả nợ.
Để che giấu khoản nợ trên, hai công ty này thông đồng ký các hợp đồng thế chấp tài sản, hàng hóa bất hợp pháp do sử dụng chứng thư không có giá trị, giá trị máy móc thế chấp còn lại chưa đến 15% so với sổ sách, hàng hóa không còn, hợp đồng không có chứng thực… Theo kết luận thanh tra, hiện Đại Lộc đã ngừng sản xuất, kinh doanh và cũng không còn hàng tồn kho để bán trả nợ nên công ty không có khả năng thu hồi được số nợ trên, mất khả năng thanh toán với các ngân hàng. VietinBank Phú Yên đã có văn bản cho biết đang khởi kiện và đề nghị tòa án phong tỏa toàn bộ tài sản của Công ty Cảng Vũng Rô.
Sẽ chuyển hồ sơ sang công an
Ông Đỗ Duy Vinh nói: “Kết quả thanh tra này mới chỉ là bước đầu trong thanh tra các hoạt động của công ty. Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ hành vi sai phạm của từng cá nhân liên quan để xử lý”.
Một cán bộ Thanh tra tỉnh Phú Yên khẳng định: “Qua thanh tra cho thấy lãnh đạo Công ty Cảng Vũng Rô đã có hành vi cố ý làm trái, có nhiều hoạt động có dấu hiệu tẩu tán, trục lợi tài sản của Nhà nước, làm thất thoát hàng chục tỉ đồng…”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết đã đình chỉ việc điều hành Công ty Cảng Vũng Rô đối với ông Nguyễn Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty; đồng thời yêu cầu ông Minh phải trực tiếp thu hồi nợ của Công ty Đại Lộc. “Chậm nhất đến ngày 13-7 phải thu dứt điểm số nợ 50 tỉ đồng. Nếu quá thời hạn trên mà ông Minh không thu hồi nợ dứt điểm, UBND tỉnh Phú Yên sẽ chuyển hồ sơ sang công an để điều tra, xử lý hình sự. Tỉnh cũng đề nghị cấp ủy Đảng, yêu cầu các sở liên quan tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo, kế toán trưởng, thành viên Ban Kiểm soát công ty và các cá nhân liên quan đến những sai phạm trên. Tỉnh cũng tiến hành các thủ tục giải thể chi nhánh công ty tại TP.HCM. Việc xử lý trên chỉ là bước đầu trong quá trình giải quyết các sai phạm nghiêm trọng tại công ty” – ông Cự nói.
THEO PHÁP LUẬT TP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét