Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Bài viết đáng chú ý: Từ mặc cảm tự ti đưa tới mặc cảm tự tôn, rồi tiến đến hoang tưởng (về sự hoang tưởng của Việt Nam)

Chính sách bành trướng xuống phía nam của Trung Quốc


Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông cuối tháng 6/2010 (AFP)

Trung Quốc lâu nay tiến hành hằng loạt biện pháp bành trướng xuống hướng nam, trong đó có chính sách Biển Đông quyết liệt.

Nguyên nhân của chính sách đó là gì? Và phía Việt Nam có phản ứng ra sao trước một số hoạt động của Trung Quốc?

Gia Minh hỏi chuyện giáo sư- tiến sỹ Đỗ Tiến Sâm, trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Khoa học- Xã hội Việt Nam về những vấn đề đó. Trước hết ông đề cập đến lý do của chính sách bành trướng về phía nam của Bắc Kinh.

Nguyên nhân


Gs-Ts Đỗ Tiến Sâm: Chênh lệch phát triển vùng giữa miền đông và miền tây. Miền tây Trung Quốc có 350 triệu dân và miền này tiếp giáp với các nước Trung Á theo đạo Hồi khiến miền tây Trung Quốc khó, không thể phát triển được. Miền tây Trung Quốc muốn phát triển được phải đi qua ASEAN để đi ra biển … Như vậy sự phát triển bên trong Trung Quốc, nhất là miền tây, đòi hỏi Trung Quốc phải có tính toán lại về chiến lược.

Đối nội Trung Quốc có nhiều khó khăn, bên ngoài nhiều sức ép: các điểm nóng Bắc Triều Tiên vẫn còn đó, vấn đề biển Hoa Đông còn đó, vấn đề Đài Loan còn đó, vấn đề Biển Đông còn đó! Do vậy Trung Quốc phải có sự tính toán về chiến lược. Trung Quốc dù có mạnh mấy- dù là ‘con hổ’ chăng nữa, nhưng phải đối phó với nhiều mục tiêu quá từ bên trong đến bên ngoài.

Gia Minh: Có phải sự tính toán hướng nam dễ hơn các hướng khác?

Gs-Ts Đỗ Tiến Sâm: Đúng, trong các hướng thì hướng nam quan trọng nhất vì liên quan đến sự phát triển miền tây. Miền tây Trung Quốc ổn định có ảnh hưởng đến toàn bộ đất nước Trung Quốc Mà miền tây có thể phát triển thông qua các nước ASEAN, cho nên họ phải quan tâm đến các nước ASEAN, quan tâm đến Biển đông. Đó là hướng mà chúng tôi nghĩ họ tập trung vào phát triển sức mạnh cứng- gia tăng sức mạnh quân sự bao gồm cả những loại tàu màu trắng, tàu màu xám ( như lời các nhà khoa học nói). Tàu màu xám là lực lượng hải quân, tàu màu trắng là lực lượng chấp pháp trên biển. Mong muốn là kiểm soát, khống chế và mục đích lâu dài là khống chế Biển Đông. Thứ hai là gia tăng các sức mạnh mềm- về kinh tế thông qua các gói viện trợ, hợp tác kinh tế với một số các nước ASEAN; rồi gia tăng sức mạnh văn hóa. Các học viện Khổng Tử mọc lên trên thế giới mà ở các nước ASEAN rất nhiều từ đó nhằm gia tăng sức mạnh mềm của họ.

Sự di dân của người Trung Hoa vào vùng Đông Nam Á đã có từ thời cổ xưa (Routes of Human Mobility)
Sự di dân của người Trung Hoa vào vùng Đông Nam Á đã có từ thời cổ xưa (Routes of Human Mobility)

Trong các hướng thì hướng nam quan trọng nhất vì liên quan đến sự phát triển miền tây. Miền tây Trung Quốc ổn định có ảnh hưởng đến toàn bộ đất nước Trung Quốc Mà miền tây có thể phát triển thông qua các nước ASEAN, cho nên họ phải quan tâm đến các nước ASEAN, quan tâm đến Biển đông
Gs-Ts Đỗ Tiến Sâm
Họ tăng cường nghiên cứu khoa học về biển đảo nói chung và Biển đông nói riêng. Phải nói là chưa bao giờ các nghiên cứu về biển đảo của Trung Quốc nói chung, và Biển Đông nói riêng được tổ chức nhiều như hiện nay. Chúng tôi có những số liệu ( mà tôi không mang theo ở đây) về các bải viết, các công trình nghiên cứu mà thực chất chỉ là ngụy tạo, không đúng sự thật. Nhưng họ nghiên cứu và tuyên truyền phổ biến trong dân chúng, thậm chí dịch ra tiếng Anh đưa ra nước ngoài, tạo dư luận, tạo chứng cứ pháp lý, chỗ dựa lịch sử, chỗ dựa pháp lý về vấn đề biển đảo.

Họ có điều kiện kinh tế đầu tư vào công tác tuyên truyền như thế thông qua phim ảnh, thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau để tuyên truyền.
Vì sao họ đặt vấn đề tuyên truyền như vậy? Qua theo dõi của chúng tôi thì Trung Quốc có chính sách một con- sáu người lớn có một trẻ con; chẳng may xảy ra xung đột, ai là người đi đánh nhau? Chắc không phải con em các nhà lãnh đạo rồi, vì con em các nhà lãnh đạo đều đi nước ngoài hết; hoặc trở thành quan chức cả rồi. Còn con nhân dân thì phải tạo ra dư luận, kích hoạt chủ nghĩa dân tộc để khi sự cố xảy ra còn  huy động chứ. Đấy là bài của họ, giải pháp để kích động dư luận trong nước.

Phản ứng

Gia Minh: Như giáo sư có nói dù thiếu cơ sở, nhưng người ta có chính sách rõ ràng; và phía Việt Nam đương nhiên phải có nghiên cứu để phản bác lại những cơ sở đó; vậy những viện nghiên cứu như chỗ của giáo sư lâu nay có những hoạt động ra sao để có thể đưa ra những chứng cứ nhằm phản bác lại những điều mà người ta đưa ra nhằm tuyên truyền như thế?
Vấn đề bác bỏ không chỉ đăng trên tạp chí Việt Nam mà cần phải đăng trên các tạp chí quốc tế. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài có thể đóng góp quan trọng vì họ biết tiếng Anh, lại biết những tạp chí nào uy tín trên thế giới để đăng những chứng cứ bác bỏ đó. Đấu tranh không phải chỉ ở trong nước không thôi mà phải ở cả quốc tế
Gs-Ts Đỗ Tiến Sâm
Gs-Ts Đỗ Tiến Sâm: Trước hết cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng ta tại Biển Đông phải huy động sức mạnh tổng hợp nhiều bộ, ngành, nhiều lĩnh vực, giai tầng khác nhau trong xã hội. Chúng tôi chỉ là một phần trong đó. Viện chúng tôi tìm kiếm những thông tin về các động thái, chính sách của Trung Quốc, và phân tích những điều đó.

Sau đấy, những nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam biết nghiên cứu lịch sử để đấu tranh với những điều ngụy tạo của họ. Ví dụ họ nói có họ là quốc gia phát hiện sớm nhất, đặt tên sớm nhất, khai thác sớm nhất; mình cần phải đọc được những chứng cứ họ nêu lên có đúng không. Có khi họ trích dẫn sai mà mình không biết. Nên phải có người làm những vấn đề đó. Chúng tôi mua những tài liệu họ dẫn ra; các nhà sử học Việt Nam phải xem những chứng cứ họ trích dẫn có đúng không, phân tích những chứng cứ sai- đúng chỗ nào và đấu tranh từng bước một.

Thế rồi chứng cứ lịch sử phải dưới ánh sáng pháp luật quốc tế mới được; nên phải có sự kết hợp giữa các nhà sử học và các nhà nghiên cứu về luật pháp quốc tế.

Ở Việt Nam tôi thấy có những người như anh Phạm Hoàng Quân rất đáng kính trọng. Tôi đã tiếp xúc với anh này và tôi thấy rất đáng kính trọng. Anh ấy có khả năng đọc được chữ Hán, tra cứu cần mẫn làm việc đó. Thực ra trong điều kiện đời sống khó khăn hiện nay mà tìm được người tâm huyết, gắn bó với công việc đó như thế không nhiều; cần phải có chính sách tôn vinh. Tôi nghiên cứu Trung Quốc đọc được chữ Hán, nhưng Hán Nôm không đọc được; mà anh Quân đọc được. Chúng tôi chia sẻ thông tin; tôi đưa cho anh những tài liệu của Trung Quốc để anh tìm cách bác bỏ.

Vấn đề bác bỏ không chỉ đăng trên tạp chí Việt Nam mà cần phải đăng trên các tạp chí quốc tế. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài có thể đóng góp quan trọng vì họ biết tiếng Anh, lại biết những tạp chí nào uy tín trên thế giới để đăng những chứng cứ bác bỏ đó.

Đấu tranh không phải chỉ ở trong nước không thôi mà phải ở cả quốc tế.

Gia Minh: Công tác đó lâu nay được xúc tiến thế nào và được sự hổ trợ của chính phủ ra làm sao?

Gs-Ts Đỗ Tiến Sâm: Việc này tôi không nắm được lắm, chắc các anh ở Viện Biển Đông của Bộ Ngoại giao có thể có ý kiến thêm. Tôi biết Nhà nước có đầu tư nhất định cho viện đó không chỉ để nghiên cứu mà còn tuyên truyền quan điểm của Việt Nam, vận động ủng hộ quan điểm của Việt Nam từ các học giả.
Đó là việc của Viện Biển Đông của Bộ Ngoại giao làm tốt hơn.

Gia Minh: Cám ơn giáo sư về cuộc phỏng vấn vừa rồi.
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-08-05

Metamorph - Từ mặc cảm tự ti đưa tới mặc cảm tự tôn, rồi tiến đến hoang tưởng

Tất cả xuất phát từ chỗ : không có gì để tự tin. Bộ ngoại giao nước ta tung ra một chiến dịch ngoại giao để lôi kéo các quốc gia lân cận để cùng nhau liên minh chống hiểm họa bành trướng Bắc Kinh, mặc dầu suốt cuộc chiến chống Mỹ, chúng ta không tiếc lời mạt sát khối Liên Minh Đông Nam Á là sản phẩm của chính sách gây hấn và can thiệp của đế quốc Mỹ.
Ôn cố : cái hoang tưởng của chúng ta
Mỗi khi gặp chuyện gì khó khăn, chúng ta thường mang cái quá khứ oanh liệt ra để tự ru ngủ, mong cái men chiến thắng của cha ông thành liều thuốc an thần trấn áp đi cái bất định, cái nan giải hiện tại. Chúngta từ khước một đặc điểm sinh tồn cốt yếu : học từ thất bại quá khứ để xác định bước đi hiện tại sao cho dẫn đến thành công tương lai.
Chúng ta nhắc đến cái chiến thắng giặc Hán, Pháp, Mỹ mỗi ngày. Nhưng chúng ta tuyệt nhiên không hề nhắc đến cái nạn đói 1975-1990 do sai lầm của chúng ta, một nạn đói có thể tránh được nếu chúng ta đừng quá say mê với chiến thắng - và vì say mê với chiến thắng, chúng ta coi thường cái nguy cơ tụt hậu, nghèo đói, bị cô lập.
Năm 1978, trước khi xua đại quân tiến chiếm Nam Vang. Tháng 6-1978, khi Việt Nam bắt đầu oanh tạc Cambodia, Phan Hiền sang Mã Lai tuyên bố ủng hộ một Đông Nam Á hòa bình và trung lập. Sau đó, vào tháng 9, thủ tướng Phạm Văn Đồng sang Mã Lai đặt vòng hoa tưởng niệm các chiến sĩ Mã đã hy sinh vì chống… Mã Cộng. Thêm vào đó, ông còn xin lỗi các lãnh đạo Mã Lai vì trót lỡ viện trợ vũ khí cho phiến quân Mã Cộng vì “hiểu sai tình hình” (flawed understanding of the situation). Sang Băng Cốc, Thái Lan, thủ tướng Phạm Văn Đồng cam kết không yểm trợ bọn Thái Cộng CPT (Communist Party of Thailand) vốn bị hiến pháp Thái Lan đặt ngoài vòng pháp luật.
Lãnh đạo Việt Nam chỉ muốn ký kết một hiệp ước hữu nghị và hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á để chuẩn bị cho một hàng cừ, hay bờ đê, ngăn chận cơn lũ bành trướng Bắc Kinh. Đồng thời cách nửa vòng trái đất, ở Nữu Ước, bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cũng thúc đẩy nỗ lực bình thường hóa ngoại giao với Mỹ. Lần này, chúng ta không đặt điều kiện bồi thường 3 tỉ mà Nixon đã hứa ở hiệp định Paris 1972 (nguồn : Brother Enemy của Nayan Chanda).
Như chúng ta đã biết, tất cả đều vô ích. Liên Minh Đông Nam Á - từ lâu bị ám ảnh một Việt Nam hung hãn, quyết làm một mũi nhọn xung kích của thế lực cộng sản - đều lịch sự từ chối “lòng tốt” của chúng ta. Và Mỹ, sau khi tiếp Đặng Tiểu Bình, cũng lịch sự gác lại chuyện bình thường hóa ngoại giao với Việt Nam và không hứa ngày đàm phán lại vấn đề đó.
Kết quả là chúng ta sa lầy ở Cambodia suốt 10 năm và đói nghèo suốt 15 năm. Quan trọng hơn, chúng ta chựng lại trong khi các quốc gia láng giềng tiến bộ vượt bực về khoa học, kỹ thuật, giáo dục, xã hội, kinh tế… Chúng ta quay về thời xe hơi chạy than, xe bò, ăn bo bo, mặc quần áo vá, dùng phân xanh như thời Trung Cổ. Chúng ta dường như cấm kỵ không hề nhắc đến cái thất bại có thể tránh được đó, chỉ vì hội chứng say sưa với chiến thắng. “Thắng đế quốc Mỹ ta có thể thắng được mọi thứ khác”.
Chúng ta hoang tưởng rằng cả thế giới đều ngưỡng mộ chúng ta, và cả thế giới cần chúng ta hơn là chúng ta cần họ. Với Mỹ, họ là kẻ thua, họ phải “bồi thường” mới hòng được chúng ta chìa tay cho mà bắt.
Với Đông Nam Á, một Việt Nam với hơn 8 quân đoàn sát bên nách, Việt Nam đáng gờm hơn là cái hiểm họa bành trướng từ Bắc Kinh xa vời vợi. Nếu chúng ta hồi tưởng lại, việc tiếp tế cho phiến quân Mã Cộng, Thái Cộng không thể khôi phục được lòng tin của các quốc gia Đông Nam Á bằng một vài cử chỉ ngoại giao thân thiện.
Xét cho cùng, ta vẫn có thể chiến thắng Mỹ mà không cần phải thù nghịch với các quốc gia Đông Nam Á vì họ thủy chung không tiếp tay với Mỹ trong cuộc chiến, ngoại trừ Thái Lan (cho mướn căn cứ Utapao) và Hàn Quốc (Hàn Quốc gửi quân tham chiến nhưng Hàn Quốc không thuộc Đông Nam Á).
Ta học được điều gì nếu chúng ta thực sự muốn học ? Không nên có nhiều kẻ thù không cần thiết, và tuyệt đối không hoang tưởng ta quan trọng tới mức họ cần ta hơn ta cần họ.
Tri tân : lại hoang tưởng Mỹ cần Biển Đông hơn ta cần Biển Đông
Đệ nhị Thế Chiến có một nguyên nhân kinh tế và sâu xa hơn, một nhu cầu thời đại. Đó là có vài cường quốc muốn xóa mọi trật tự thế giới để mong có phần của mình trong bối cảnh mới. Cách mạng khoa học kỹ thuật trên nền tảng Newton đã phát sinh động cơ nổ kéo các toa xe lửa, xe hơi, tàu bè và máy bay.
Từ đấy các quốc gia tiên tiến tìm kiếm, bòn rút các thuộc địa nhằm đáp ứng nhu cầu nhiên liệu, nguyên liệu cho kỹ thuật. Đức, Ý, Nhật là những cường quốc chậm chân không có thuộc địa để phát triển và tận dụng khoa học kỹ thuật mới. Lấy đâu ra cao su làm vỏ xe hơi ? Xăng dầu ? Sắt thép ? So với các cường quốc như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… thì Đức, Ý, Nhật mạnh hơn nhưng không có tương lai vì không có nguyên liệu lấy từ các thuộc địa. Họ muốn xóa bỏ mọi trật tự cũ hòng mong thế giới chia cho mình cái phần mình đáng được hưởng.
Đức tiến chiếm Âu Châu. Không chịu kém, Nhật tiến chiếm Á Châu và thế chiến bùng nổ để khởi đầu cho một trật tự mới mà trong đó, các cường quốc nào cảm thấy mình chịu thiệt, phải chiến đấu giành bằng được cái phần mà họ cho rằng mình đáng được hưởng.
Trung Quốc chẳng học được điều gì cả. Họ cần con đường chuyên chở nhiên liệu từ Trung Đông mà họ cho rằng với vị thế của họ hiện nay, họ đáng được hưởng. Tham vọng của họ xuyên suốt từ Bắc Kinh vòng qua eo Malacca, băng qua Ấn Độ vào Trung Đông chứ không chỉ ngừng lại sau khi chiếm trọn biển Việt Nam. Không may cho ta, Việt Nam là mục đích đầu tiên trong cuồng vọng chiếm lĩnh cái hải trình năng lượng đó.
Trung Quốc sai ở chỗ nó không tự lượng sức. Thời đệ nhị Thế Chiến, hải quân hoàng gia Nhật có 20 hàng không mẫu hạm mà vẫn thảm bại trước Hạm đội 7 Mỹ.
Ngày nay, Trung Quốc mua được một tàu phế thải, vá víu sửa chữa cho giống một mẫu hạm rồi tập tành chinh phục thế giới. Không cần là một chuyên gia quân sự, ai cũng có thể nhận thấy Trung Quốc phải cần ít nhất 20 mẫu hạm để có thể uy hiếp Nhật, 20 chiếc nữa để có thể uy hiếp xa đến Ấn, và không biết bao nhiêu nữa mới có thể uy hiếp Nga hay Mỹ.
Năm xưa Sô Viết sa lầy ở Afghanistan và Cambodia (tiếng rằng Việt Nam sa lầy nhưng chỉ tổn thất nhân mạng, thực ra Sô Viết sa lầy vì phải chi viện đạn, xăng, khí cụ cho Việt Nam) 10 năm sa lầy khiến Sô Viết không dẫy mà chết. Nay Trung Quốc thì để làm chủ hành lang năng lượng, với bao nhiêu mẫu hạm và nguy cơ đối đầu với một siêu cường có thể sản suất ra một số lượng mẫu hạm không thể ước tính nổi là Mỹ, bao lâu thì Trung Quốc không dãy mà chết ? Nhà giàu (Mỹ) đứt tay bằng ăn mày đổ ruột. Ở vị thế siêu cường số 2, Trung Quốc không muốn thi gan một mất một còn với ai, mà chỉ muốn áp đảo những kẻ không thể tự bảo vệ. Vâng. Nếu tôi là thằng nhà giàu số 2 còn hơn làm thằng nghèo sặc máu hạng bét nếu thua trận. Tốt nhất chỉ nên bắt nạt thằng không thể tự vệ.
Không may Việt Nam ta là thằng không thể tự vệ. Đúng hơn chúng ta là thằng tự xua đuổi đồng minh nên không thể tự vệ. Mới đây, một đại tá Việt Nam - ông Trần Đăng Thanh (phó giáo sư tiến sĩ Học viện chính Trị, Bộ quốc phòng - đã nói : “Nước Mỹ chẳng bao giờ tốt với chúng ta, chỉ có Trung Quốc tốt với chúng ta”.
Câu này thật là tai hại. Các tay yêu nước kiểu loa phường thường đòi “bằng chứng đâu ?”, “sai chỗ nào ?” mỗi khi chúng ta vấp phải những sai lầm chí tử. Thậm chí có bác còn chống chế : “Ứng khẩu nói không thể chính xác như đã soạn trước rồi đọc” khi thấy ông đại tá nói sai be bét. Như chúng ta biết, một giáo viên cấp cơ sở cũng ứng khẩu chứ có ai giảng bài mà đọc từ giấy đâu mà chẳng bao giờ sai. Cái này rõ ràng trình độ ông đại tá có vấn đề. Thì tiện đây, tôi xin phân tích cái tai hại của ông đại tá.
Vẫn là hoang tưởng rằng Mỹ là bọn thèm Biển Đông hơn chúng ta thèm Biển Đông. Từ lâu chúng ta yên chí rằng chỉ cần búng tay một cái, Mỹ sẵn sàng lao vào lửa đạn bảo vệ chúng ta trong khi đó chúng ta vẫn sa sả chửi rủa Mỹ. Chúng ta yên chí rằng Mỹ là cỗ máy chiến tranh luôn sẵn sàng chờ lịnh ta để khai hỏa. Làm như cái “lịnh ta” là một ơn huệ hay một vinh dự chúng ta ban cho Mỹ vậy.
Tệ hơn nữa, chúng ta chẳng bao giờ thèm tìm hiểu xem tại sao ta có được mỗi năm 100 tỉ tiền đầu tư FDI để phát triển kinh tế. Ta cũng không mảy may lo ngại từ nay cái FDI đó sẽ chuyển hướng sang Miến Điện, nơi thỉnh thoảng không có những trò bẽ mặt như công an ta quăng nhà ngoại giao Mỹ lên xe cây, ta làm ngơ khi tổng thống Mỹ xin ân xá cho một vài người phạm tội rất nhẹ ; và mới đây, qua miệng một đại tá thuộc bộ quốc Phòng nói thẳng Mỹ luôn luôn có tâm địa xấu với Việt Nam.
Vâng điều này vẫn có thể là chủ trương của chính phủ, vì nỗi sợ canh cánh những cuộc cách mạng Hoa Hồng khắp nơi. Nhưng nói toạc ra, điều này nó chặn đứng ngay tức khắc bao nhiêu nguồn trợ giúp đang xúc tiến và sẽ thục hiện giữa hai nước. Hãy giả thử một mai Trung Quốc nuốt gọn Biển Đông, Mỹ phải làm sao khi “người ta” đã nói thẳng “mày không bao giờ tử tế” ?
Một kẻ có chút liêm sỉ sẽ không xăn tay áo giúp đỡ ta một khi ta từng mắng mỏ và từ chối mọi hảo tâm của nó. Hãy đặt mình vào não trạng một người bị cự tuyệt để suy luận phản ứng của họ trong tình huống khẩn thiết nhất. Năm 1975 Mỹ bỏ Nam Việt Nam được thì Mỹ bỏ Biển Đông năm 2012 được. Đối với Mỹ, một nước cộng sản kéo dài từ Yên Kinh tới Côn Minh hay kéo dài tới Cà Mau (trường hợp Trung Quốc nuốt gọn Việt Nam) cũng vẫn là một nước cộng sản, chẳng qua là một nước cộng sản dài hơn một chút xíu.
Nói khác đi, một Việt Nam do Tập Cận Bình lãnh đạo cũng chẳng khác gì một Việt Nam do Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo. Mỹ chỉ quan tâm nếu Việt Nam lột xác thay đổi như kiểu Miến Điện thôi. Ngoài ra cộng sản nào cũng rứa. Điều đáng lẽ chỉ nên giấu kín trong bụng nay đã lỡ nói toạc ra rồi thì Mỹ không còn lý do gì lưu luyến nữa cả. Từ nay khỏi phải nói về nhân quyền nữa để khỏi bị cái sượng sùng của tình cảnh nước đổ đầu vịt, hay về tham nhũng để khỏi phải kinh doanh ở một nơi vô luật lệ, về dân chủ để khỏi bị lên án là phá hoại, ác ý.
Việt Nam và Phi Luật Tân cách nhau một chuỗi đảo là Hoàng Sa và Trường Sa. Có hai con đường hàng hải đi qua Biển Đông là Tây Trường Sa và Đông Trường Sa. Nếu Việt Nam tỏ ý không cần Biển Đông bằng Mỹ cần Biển Đông thì từ nay Mỹ sẽ bỏ Biển Đông như đã bỏ Nam Việt Nam năm 1975.
Lịch sử cho thấy mất Sài Gòn không kéo theo mất Mã Lai, Thái Lan, Singapore như chủ thuyết Domino tiên đoán thì mất tây Biển Đông cũng không có nghĩa mất con đường hàng hải phía bên kia Trường Sa phía Phi Luật Tân. Mỹ chỉ cần bảo vệ Mã Lai, Phi Luật Tân, Nhật và các đồng minh khác, những đồng minh chưa bao giờ phát biểu : “Mỹ luôn là kẻ có tâm địa xấu”, dù trong thâm tâm cũng có các quốc gia Đông Nam Á nghĩ như vậy.
Trong lịch sử cận đại và hiện đại, dân tộc chúng ta hứng chịu nhiều cái sai lầm của lãnh đạo; nhưng mặc cảm tự ti hóa trang thành tự tôn làm chúng ta không lãnh hội được gì cả.
Một chủng loài sẽ đi về đâu khi không thể sửa sai ? Một thửa ruộng sẽ cho nhiều lúa hơn nếu chúng ta biết và muốn triệt cỏ năn. Củ năn cũng ngon ra phết. Phải ăn năn đã thì không sợ thiếu lúa.
Metamorph (Hà Nội)
(Thông luận)

Luận văn Đỗ Thị Thoan, một Nhân Văn Giai Phẩm thứ hai

Một bìa sách do Nhà xuất bản Giấy Vụn của nhóm Mở Miệng ấn hành (DR)

Trong thời gian qua, báo chí chính thức và một số nhà phê bình trong nước đã kịch liệt đả kích một bài luận văn của cô Đỗ Thị Thoan, giảng viên Đại học Sư phạm. Vụ này khiến người ta nhớ lại vụ Nhân Văn Giai Phẩm từ cách đây nửa thế kỷ, bởi vì theo như nhận định của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trả lời phỏng vấn RFI từ Hà Nội, kiểu đả kích luận văn của Đỗ Thị Thoan là một lối phê bình “chỉ điểm”.

Đỗ Thị Thoan, còn được biết với bút danh Nhã Thuyên, vào năm 2010 đã viết một luận văn thạc sĩ bàn về nhóm “Thơ Mở Miệng” với nhan đề “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”. Nhóm thi sĩ này này gồm bốn tác giả: Khúc Duy, Bùi Chát, Lý Ðợi và Nguyễn Quán, từng xuất bản chui tập thơ Mở Miệng vào tháng 06/2002, được phổ biến bằng cách chuyền tại nhau tại Sài Gòn, nhưng không lâu sau đã bị thu hồi và tiêu hủy.

Tuy đề tài luận văn nói về một hiện tượng rất mới mẻ của văn học đương đại Việt Nam, nhưng Đỗ Thị Thoan đã được bộ môn Lý luận văn học của khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, chấp nhận cho làm luận văn này. Luận văn của Đỗ Thị Thoan đã được chấm điểm 10, tức là điểm tuyệt đối, từ cách đây ba năm, nhưng không hiểu sao bây giờ lại có cả một làn sóng phê phán gay gắt luận văn này, với nhiều bài viết chỉ trích cả người làm, người hướng dẫn, lẫn người chấm và cơ quan chủ quản trong việc này.

Tại Hội nghị Lý luận-Phê bình văn học lần thứ III do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đầu tháng 06/2013 vừa qua ở Tam Đảo, nhiều nhà phê bình văn học đã phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan, với giọng điệu “gay gắt, phẫn nộ”, đòi “xử lý trách nhiệm” của tất cả những ai có dính líu đến bản luận văn mà nhà nghiên cứu-phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu gọi là “một luận văn kích động sự phản kháng và chống đối”. Có người còn nói rằng: “Đây là một luận văn trá hình mang nội dung chính trị phản động…”.

Về báo chí chính thức, tờ Quân đội Nhân dân số ra ngày 07/07, trong bài chính luận tựa đề “ Một góc nhìn phản văn hóa và chính trị”, đã kịch liệt lên án bản luận văn của Đỗ Thị Thoan.

Theo báo Quân đội Nhân dân, các thi sĩ trong nhóm Mở Miệng đã dùng lối nói trong thơ nhằm “ hạ bệ các thần tượng, giải thiêng lãnh tụ và các danh nhân... xúc phạm tình cảm của hàng triệu đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu”.

Tờ báo cho rằng tập thơ của Nhóm Mở Miệng là “biểu hiện hết sức trắng trợn của những người tự nhận là ‘cách tân, đổi mới’ nhưng thực chất là mượn văn nghệ để làm ngọn cờ chính trị hòng lật đổ chế độ, thay đổi thể chế.”
Báo Quân Ðội Nhân Dân viết những câu như: “Tác giả còn tố cáo Đảng và Nhà nước ta bóp nghẹt tự do sáng tạo” “Tác giả đã bộc lộ thái độ chính trị của mình thông qua việc ca ngợi những nhà văn ‘phản kháng’ như Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương... để rồi xuyên tạc và kích động...” Ðỗ Thị Thoan còn bị tờ Quân Đội Nhân dân đả kích vì đã khen ngợi nhóm Nhân Văn Giai Phẩm và so sánh với nhóm Mở Miệng.

Không chỉ luận văn bị đả kích như vậy, cô Đỗ Thị Thoan nghe nói còn bị chấm dứt hợp đồng giảng dạy ở khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, giáo viên hướng dẫn cô cũng bị thôi chức trưởng bộ môn.

Truớc việc luận văn của Đỗ Thị Thoan bị « đánh hội đồng » như vậy, một số nhà phê bình khác đã lên tiếng bênh vực cho cô. Chẳng hạn như ông Trần Đình Sử, Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 26/07 vừa qua đã viết trên trang blog của ông một bài tựa đề : « Cuộc phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ? ». Trong bài này, Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng chiến dịch phê phán luận văn của Đỗ Thi Thoan và việc đòi « xử lý trách nhiệm » là một « cách hành xử quá nóng vội ».

Giáo sư Trần Đình Sử viết : « Thông thường người ta chỉ xử lý sau khi đã nghị án rõ ràng, có người bào chữa, có ý kiến của đương sự. Đằng này tất cả đều làm rất nhanh, bên trên, sau lưng đương sự, thiếu các thủ tục dân chủ tối thiểu. Tại sao chúng ta không tổ chức đối thoại, nêu câu hỏi để yêu cầu nhà khoa học trẻ giải trình, mà chỉ cho phép phê phán, như là một tội lỗi đương nhiên không cần bàn cãi? Tại sao chúng ta lại hành xử một sự kiện văn hóa một cách thô bạo, y như hồi những năm 50, 60, khi chúng ta đang còn ít kinh nghiệm ? »

Giáo sư Trần Đình Sử nhắc lại : « Trong các thời trước đổi mới, làm thơ không vần như Nguyễn Đình Thi là bị cấm, coi là bất hợp pháp. Đổi mới thơ như Hoàng Hưng, Lê Đạt, Dương Tường, Đặng Đình Hưng cũng từng bị phê phán. Nhưng trong đổi mới thơ cũng có trung tâm và ngoại biên. Đổi mới kiểu Nguyễn Quang Thiều hôm nay được coi là trung tâm, nhưng khi mới xuất hiện, đối với một số người là ngoại biên, là thơ tây dịch sang thơ ta. Thơ của nhóm “Mở miệng” cũng là một thứ ngoại biên. Chúng ta có thể không thích nó, thậm chí ghét bỏ nó, nhưng nó vẫn là một phần, dù là rất bé nhỏ, rất phụ, đã lui vào quá khứ của quá trình văn học. Hiểu như thế mọi hiện tượng văn học ngoại biên đều đáng được xem xét, đều có ý nghĩa để soi sáng lịch sử văn học từ chỗ này hay chỗ khác. Vì vậy tạo ra vùng cấm trong nghiên cứu văn học là không nên. »

Trong một bài viết đăng trên mạng ngày 31/07, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng vụ đả kích luận văn Đỗ Thị Thoan đã đưa chúng ta « về thời kỳ đồ đá, nhất là trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa ». Trong bài viết này, nhà văn Nguyên Ngọc nhắc lại lời của tướng Trần Độ, Trưởng ban Văn hóa văn nghệ trung ương trước đây : « Trong nghệ thuật thường vẫn vậy, muốn có đỉnh cao mới thì bao giờ cũng phải có trường phái mới. »

Nhà văn Nguyên Ngọc viết : « Nhắc lại chuyện này tôi không có ý nói rằng luận văn của Nhã Thuyên về một hiện tượng văn học bên lề đã là khẳng định một trường phái văn học mới, nhóm Mở Miệng đã là một trường phái văn học mới như anh Độ từng mong. Nhưng chỉ mới một hiện tượng hơi lạ như vậy, bàn về một hiện tượng hơi lạ như vậy, mà đã hô hoán cháy nhà um cả lên, rồi ngang nhiên trừng trị, cách chức …, thì liệu còn hy vọng chút gì thoát ra khỏi ao tù nữa. Thế mà chính những kẻ la làng ấy lại luôn miệng đòi hỏi đỉnh cao, đỉnh cao … ». Ông khẳng định : « trường phái mới thì hẳn phải xuất hiện từ bên lề ».

Nhà văn Nguyên Ngọc còn chỉ trích hội đồng lý luận văn học nghệ thuật trung ương tự cho họ cái quyền « ban bố mọi thứ đúng sai về văn học nghệ thuật trên cả nước này », mà đứng đầu cái hội đồng ấy là mấy người « chẳng dính dáng gì và chẳng biết chút gì về văn học nghệ thuật cả ». Đối với nhà văn Nguyên Ngọc, đây quả là « một sự sỉ nhục to lớn đối với toàn bộ giới văn nghệ và lý luận văn nghệ ».

Trả lời phỏng vấn RFI từ Hà Nội ngày 29/07, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, cũng cho rằng những người phê bình đả kích luận văn của Đỗ Thị Thoan chẳng hiểu gì về đề tài nghiên cứu của cô :

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên : Về nhóm Thơ Mở Miệng, tôi cũng có thể nói rằng là phần lớn những người phê bình có thể chưa đọc hoặc không biết gì về nhóm này. Nhóm Mở Miệng bao gồm những người trẻ ở Sài Gòn, đều đã tốt nghiệp đại học.

Họ làm một thứ thơ trước hết là nhằm phản ứng lại những thứ thơ đang thịnh hành : thứ thơ du dương, véo von, hoặc thứ thơ không đi sát đời sống, ... Họ làm một thứ thơ mà bản thân họ tự nhận là « thơ dở », « thơ rác », « thơ nghĩa địa », thứ thơ nên « đào đất chôn đi ». Họ thực hành một thứ thơ nhằm biểu lộ một thái độ. Thơ của họ có những bài tục, có những bài thơ nhại, tức là lấy một bài thơ quen thuộc, nổi tiếng, sửa đi một vài từ, thêm một vài từ, biến một bài thơ nghiêm túc thành một bài thơ cợt nhả.

Họ cũng biến tấu theo kiểu thơ tân hình thức, lấy một đoạn văn xuôi trong sách, sắp xếp lại và chú nguồn theo cuốn này, cuốn kia, theo bài thơ này, theo bài thơ khác. Có những bài thơ họ làm cho nó tục, vì đối với họ, cái tục cũng đáng nói như cái thanh.

Tất nhiên, thơ của nhóm này không được đa số chấp nhận và lại càng không được đăng và họ phải tự xuất bản, ra một nhà xuất bản gọi là nhà xuất bản Giấy Vụn. Việc tự nhận là « thơ nghĩa địa », đặt tên nhà xuất bản là « Giấy Vụn » đã cho thấy họ ý thức mình như đang ở bên lề, không phải là « dòng chính », không phải là « trung tâm », sẽ không được chấp nhận, nhưng họ làm như vậy. Có thể có những nhóm thơ khác ở Việt Nam hiện nay, cũng tự lưu truyền với nhau, nhưng không tạo ra được ấn tượng như nhóm Mở Miệng.

Ngay cái từ Mở Miệng cũng là xuất phát từ một câu trong Kinh Thánh : « Khởi thủy là lời », mà muốn có lời thì phải mở miệng mới nói ra được. Họ cũng hàm ý rằng có những tiếng nói khác, không được mở miệng, không được nói lên. Đây là một cách bày tỏ quan điểm của họ đối với cuộc sống hiện nay.

Nhóm Mở Miệng có quan điểm riêng của họ và họ thực hành trên cái quan điểm ấy. Số đông thì cảm thấy thơ mà tục thì cho là tục, thơ mà nhả cợt thì cho là thơ không nghiêm túc, là phá hoại những giá trị, thì tự nhiên là nó bị đặt ra bên lề, không thuộc dòng chính, không thuộc trung tâm, nhưng nó vẫn tồn tại.

Tất nhiên thơ của họ không được in, không được đọc công khai tại các buổi đọc thơ, đêm thơ, ngày thơ, nhưng họ thực hành trong nhóm của họ và cũng có những độc giả của họ. Bằng chứng là khi nói đến Nhóm Mở Miệng là người ta biết. Các tập thơ tự xuất bản của họ vẫn được chuyền tay nhau, người ta vẫn đọc. Có những người phê phán, nhưng cũng có những người thích. Có những người chia sẽ, ủng hộ đường lối của họ, hoặc có thể không đồng tình với những bài thơ đó, nhưng xem đấy là một cách bày tỏ thái độ. Và như vậy nó trở thành một hiện tượng.

Cô Đỗ Thị Thoan-Nhã Thuyên chọn nó làm đề tài luận văn thạc sĩ là đúng đề tài, vì nó đã trở thành một hiện tượng văn học, một hiện tượng có thể giúp chúng ta khảo sát các mối quan hệ giữa trung tâm với bên lề, với ngoại biên. Tên của luận văn là “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”. Tức là cô lấy nhóm Mở Miệng làm đối tượng khảo sát và coi cách thức của họ như là thái độ của những kẻ bên lề, đặt họ không tổng thể văn hóa của đời sống xã hội. Đề tài này đã được tổ bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, khoa Văn, Đại học Hà Nội chấp nhận cho làm và cho bảo vệ.

RFI : Thưa ông, luận văn này đã được bảo vệ và chấm điểm từ cách đây ba năm, sao bây giờ lại rộ lên phong trào đả kích gay gắt như vậy ?

Phạm Xuân Nguyên : Theo quy định, khi luận văn thạc sĩ hay tiến sĩ được bảo vệ rồi thì phải nộp văn bản vào thư viện và bất kỳ ai đều có thể được tiếp cận như một tài liệu tham khảo. Luận văn của Đỗ Thị Thoan cũng vậy. Ai cũng có thể tiếp cận với luận văn đó và khi tiếp cận, có thể có người không đồng ý với những điểm nào đó, thì họ có thể nói lên. Nhưng anh phải nói lên dưới góc độ khoa học và phải tìm hiểu kỹ càng.

Không hiểu sao bây giờ lại rộ lên phong trào đánh đấm luận văn của Nhã Thuyên, bắt đầu từ bài của Nguyễn Văn Lưu. Ông Lưu nếu tiếp cận được bài luận văn đó, thì có quyền viết phê bình, nhưng phải (phê bình ) dưới góc độ khoa học, vì đây là một luận văn khoa học, đã được hội đồng chấm. Nhưng ở đây, người ta đã vội hô hoán lên cho rằng rằng luận văn này ca ngợi một loại « thơ dở », « thơ tục », « thơ phản động », thế mà lại được chọn làm đề tài khoa học, mà lại được chấm điểm 10. Phê phán như thế đã là nhầm lẫn rồi.

Rồi lại còn quy kết về mặt chính trị, xem đây là một luận văn khoa học trá hình để « giải thiêng », hô hào « chống đối phản kháng ». Họ nhầm lẫn một cách sơ đẳng, đó là nhầm lẫn giữa đối tượng với người nghiên cứu đối tượng. Những câu thơ được trích ra đó là để người làm luận án phân tích, lý giải vì sao nhóm Mở Miệng làm thơ tục, làm thơ nhại. Người ta không để ý đến điều đó và sau đó một loạt bài cũng phê phán như vậy.

Theo tôi nghĩ, có thể những người phê bình đã không tiếp cận đầy đủ, chưa được đọc nhiều về thơ Mở Miệng. Đó là một điều tối kỵ trong phê bình, khi mà anh chưa tiếp cận với văn bản. Như vậy, thứ nhất, những người phê bình luận văn của Nhã Thuyên lấy các cứ liệu được dẫn ra để phê phán người phân tích cứ liệu, thứ hai là họ không trực tiếp đọc văn bản gốc.

Theo chỗ tôi biết, luận văn của Đỗ Thị Thoan, sau khi dấy lên như thế này, tạm thời không được tiếp cận nữa. Nhưng những người viết bài phê phán đều nhận được luận văn để đọc. Như vậy họ cũng chỉ mới đọc luận văn, rồi từ đó quy kết không chỉ người làm, mà cả người hướng dẫn là phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Bình, trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, phê phán cả khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi còn đòi hội đồng « thẩm tra lại » luận văn này, xét lại người hướng dẫn, và còn kêu lên rằng tại sao một cơ sở đào tạo như Đại học Sư phạm mà lại cho làm một đề tài như vậy. Phê phán như vậy là vượt quá giới hạn chuyên môn.

Có người còn đặt câu hỏi : Một người ngoài ngành, ngoài chuyên môn đó chỉ mới nêu lên một ý kiến, thì đó chỉ mới là một ý kiến thôi, thế mà mọi người đồng thanh theo ý kiến đó, rồi buộc người ta phải thay đổi quyết định, thay đổi hội đồng đó. Thế thì đâu là sự tôn trọng học đường ? Đâu là sự tôn trọng người làm khoa học ?

Cho nên có người nói rằng vụ vừa rồi giống như là một vụ Nhân Văn Giai Phẩm thứ hai. Bỗng nhiên có đến hàng chục bài viết chỉ trích đó là một bản luận văn « mơ hồ », « sai lầm », « có ý hướng chính trị ». Phê phán như vậy trước hết là hoàn toàn không đúng với tinh thần dân chủ trong khoa học và không đúng với tinh thần chính trị của xã hội ngày nay.

RFI : Qua việc đả kích nặng nề bản luận văn của Nhã Thuyên, phải chăng người ta muốn nhắm đến những xu hướng văn học đi ra ngoài khuôn khổ cho phép ?

Phạm Xuân Nguyên : Theo tôi nghĩ, việc phê phán mạnh mẽ, dữ dội, gay gắt luận văn của Đỗ Thị Thoan - Nhã Thuyên là vì cô nghiên cứu về một đối tượng « nhạy cảm ». Toàn bộ vụ việc này, cũng như trước đây, khi có phê phán, đánh đấm gì đấy, thì người ta thường nhìn từ góc độ chính trị. Trong con mắt của chính quyền, nhóm Mở Miệng biểu hiện cho một sự bất an về chính trị. Bản thân anh Bùi Chát, người phụ trách Nhà xuất bản Giấy Vụn, đã từng bị bắt.Những người trong nhóm cũng bị bị gọi lên công an. Họ không nhìn nhóm đó như một hiện tượng văn học, mà xem như một hiện tượng chính trị.

Những bài viết phê phán vẫn theo tinh thần truyền thống của những bài viết phê phán các tác phẩm văn hóa theo hướng quy chụp về mặt chính trị. Đầu thế kỷ 21 rồi, gần 15 năm của thế kỷ này rồi, mà đọc lại ( những bài viết đó ) tôi vẫn còn thấy rùng rợn, lo ngại, như cách đây nửa thế kỹ. Toàn là những lời quy chụp !

Nếu có những bài phê bình như vậy, thì mọi việc ( lẽ ra ) vẫn bình thường, tôi có thể tiếp thu, nghiên cứu ý kiến của anh. Nhưng ở đây, dường như có lệnh từ trên dội xuống, bắt phải họp, bắt phải kiểm điểm, bắt đầu từ cái bài phê bình của ông Nguyễn Văn Lưu. Trước đó, ông có viết một loạt bài trên tờ Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh mấy kỳ liền. Sau đó, tại Hội nghị Lý luận-Phê bình văn học lần thứ III do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đầu tháng 06/2013 vừa qua, mà tôi cũng là đại biểu tham dự, Nguyễn Văn Lưu cũng lên đọc bài đó, nói về hiện tượng này và cũng hô hoán lên giống như vào thời kỳ đổi mới, nào là « lật đổ thần tượng », nào « chống đối », nào là « chính trị ».

Khi tôi đăng ký phát biểu, tôi cũng đã nói ngay kiểu phê bình đó là phê bình « chỉ điểm », tức là bới móc ra để trấn áp, bắt bớ hoặc có biện pháp mạnh. Đây không phải lần đầu tôi nói với ông Lưu như vậy. Tháng Tư năm ngoái, cũng tại một cuộc hội thảo về nâng cao lý luận phê bình văn học, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội, tôi cũng là một đại biểu được mời, Nguyễn Văn Lưu hôm đó cũng đọc một bài về kinh nghiệm phê bình văn học, qua một trường hợp văn học cụ thể, đó là hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp, phê bình văn học Nguyễn Huy Thiệp hồi mới đổi mới, khi Nguyễn Huy Thiệp mới xuất hiện.

Ông ta khẳng định rằng những bài viết về Nguyễn Huy Thiệp cho thấy những người ủng hộ Thiệp hoạt động có tổ chức, có người ra chủ trương, có người vạch đường hướng, phân công người này, người kia viết bài tâng bốc, ủng hộ Thiệp. Phe chống đối Thiệp lúc đó cũng cho rằng Thiệp muốn « lật đổ thần tượng », « bôi nhọ dân tộc ». Cũng tại diễn đàn đó, khi phát biểu, tôi cũng đã nói ngay rằng lối phê bình của Nguyễn Văn Lưu là phê bình « chỉ điểm ». Cái từ « chỉ điểm » tôi đã nói ngay từ hội thảo tháng 04/2012, cho đến hội nghị vừa qua ở Tam Đảo tôi đã nhắc lại từ này khi nói về bài phê bình của Nguyễn Văn Lưu.

Vừa rồi, giáo sư Trần Đình Sử cũng đã có một bài viết cũng rất hay, gọi đó là lối phê bình « kiểm dịch », giống như kiểm dịch thịt lợn. Thịt lợn bị đóng dấu bệnh là không được tiêu dùng. Bây giờ có kiểu phê bình « kiểm dịch », tức là đóng dấu vào các tác phẩm văn học, nhưng bất chấp phẩm tính của văn học tác phẩm. Giáo sư Trần Đình Sử cũng kết thúc bài viết bằng một câu rất hay : « Đó có thể đó cũng là một lối phê bình, nhưng đó không phải là phê bình văn học ». Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Giáo sư Trần Đình Sử. Tất cả những bài đánh đấm luận văn của Nhã Thuyên không phải là phê bình văn học.

RFI : Xin cám ơn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.
Thanh Phương (RFI)

Thông tin phải có trách nhiệm với sự phát triển của xã hội

Gần tới ngày 1-9-2013 - ngày Nghị định 72/2013/NÐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (Nghị định 72) có hiệu lực, các thế lực thù địch, một số cá nhân và một số tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam  trong đó có tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) càng tăng cường tuyên bố xuyên tạc, vu khống coi đây là "cuộc tấn công tàn khốc nhất nhắm vào quyền tự do thông tin"! Vậy thực chất vấn đề là gì, tại sao họ lại phê phán Nghị định 72?
Từ khi Chính phủ Việt Nam công bố "Dự thảo Nghị định Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng" để thảo luận, hoàn chỉnh, tới khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký quyết định ban hành Nghị định 72, đã xuất hiện một số đánh giá có tính chất vu cáo trong đủ loại tuyên bố, thông cáo, tin bài của RSF, Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ), RFA, BBC, VOA,... và một số văn bản nhân danh "tự do ngôn luận" gửi tới nơi này, nơi khác. Càng gần tới ngày Nghị định 72 có hiệu lực, sự xuyên tạc, vu khống càng tăng lên. Những người quan tâm không thể không đặt câu hỏi: Tại sao Nghị định 72 với 46 Ðiều đã tạo ra hành lang pháp lý để khắc phục các tồn tại và bất cập trong quản lý internet, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển, thúc đẩy cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp và bảo vệ quyền tác giả, để internet phát triển một cách lành mạnh, đáp ứng nhu cầu chính đáng của sự phát triển xã hội - con người,... mà họ chỉ chủ yếu quan tâm tới khoản 4 Ðiều 20 với nội dung: "4. Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp"?
Trước hết cần khẳng định, Ðiều 20 của Nghị định 72 có mục đích phân loại, đưa ra định nghĩa tương ứng với từng loại trang thông tin điện tử, gồm: báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử cá nhân, trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành. Với tính cách phân loại và định nghĩa, Ðiều 20 giúp khu biệt sự khác nhau giữa các trang thông tin điện tử, hoàn toàn không bao hàm ý nghĩa cấm đoán, ngăn chặn và phải nói rằng, khoản 4 Ðiều 20 đưa ra một định nghĩa chính xác, phù hợp với tính chất trang thông tin điện tử cá nhân. Vì thế, nếu cá nhân biến trang thông tin điện tử cá nhân thành nơi cung cấp thông tin tổng hợp, thì nó không còn là trang thông tin điện tử cá nhân nữa, mà đã trở thành trang thông tin điện tử tổng hợp (theo khoản 19 Ðiều 3 Nghị định 72: "Thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, nhiều loại hình thông tin về một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội"). Khẳng định trang thông tin điện tử cá nhân không phải địa chỉ "cung cấp thông tin tổng hợp" là nhấn mạnh trách nhiệm của chủ thể và sự lành mạnh, trung thực của trang điện tử cá nhân, đặc biệt là việc chịu trách nhiệm với các bình luận, comment. Về khoản 4 Ðiều 20 Nghị định 72, một nhà báo đã nhận xét: "Quy định này nhằm chấm dứt tình trạng lấy lại tin bài trên các báo, đăng nguyên văn mà không xin phép, rồi đôi lúc còn sửa đổi nội dung, giật tít mang tính câu khách của nhiều trang mạng. Ðây là chuyện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà báo chí đã lên tiếng trong thời gian qua". Ông Lê Nam Thắng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nói rõ hơn: "Thông tin tổng hợp, thông tin chính thức của các cơ quan báo chí còn liên quan đến vấn đề bản quyền, vấn đề của cơ quan báo chí, không thể lấy từ chỗ này đặt sang chỗ kia, mà phải trích dẫn, xin phép, đồng ý. Hay, thông tin của các cơ quan Ðảng, Nhà nước hoặc của các tổ chức, không thể lấy đưa lên rồi làm thành tin tức của mình được. Ðấy là quy định chung về Luật Dân sự, quy định của pháp luật về Luật Sở hữu trí tuệ". Như vậy, không thể xuyên tạc nội dung điểm 4 Ðiều 20 Nghị định 72 là sự cấm đoán, càng không thể coi đó là "điều khoản mơ hồ". Phải hiểu rằng điểm 4 Ðiều 20 Nghị định 72 đã tiếp cận vấn đề một cách khoa học, phù hợp với tính chất đối tượng, và yêu cầu phải tôn trọng bản quyền. Nếu RSF chỉ dựa vào khoản 4 Ðiều 20 rồi cho rằng Nghị định 72 là "cuộc tấn công tàn khốc nhất nhắm vào quyền tự do thông tin" thì chính RSF đã đưa ra một luận điệu xuyên tạc sự thật, và họ nên biết xấu hổ vì đã sử dụng ý kiến đó để phê phán Việt Nam! 

Từ khi blog, trang mạng xã hội như facebook, twitter,... ra đời, con người có thêm nhiều phương tiện để kết nối, giao lưu, bày tỏ suy nghĩ cá nhân, tìm hiểu, khám phá,... Nhưng cũng từ đây, loài người lại phải đối diện với một số vấn nạn mới có nguồn gốc từ internet, và công chúng được biết vô vàn tin tức như: năm 2004 tại Pháp: "vì chỉ trích thị trưởng thành phố Puteaux trên blog và do lời lẽ chỉ trích quá đà nên blogger Christopher đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ"; năm 2006 "cảnh sát Ý phạt tiền blogger 59 tuổi Roberto Mancini 16.900 USD vì tội nói xấu người khác"; năm 2007, James Buss - giáo viên ở Trường trung học Milwaukee, bị cảnh sát Mỹ bắt giữ "vì vào blog của các nhà chính trị bang Wisconsin với lời bình mang biệt danh "người quan sát" cho rằng giáo viên Mỹ được trả lương cao nhưng lười biếng và khen vụ một thiếu niên xả súng ở Trường trung học Columbine làm 12 học sinh và một giáo viên thiệt mạng"; năm 2009 tại Pháp, "Quốc hội nhất trí thông qua dự luật "Sáng tạo và internet" (Hadopi) với hy vọng dự luật mới sẽ giúp bảo vệ quyền tác giả, kiểm soát mạng internet, chấm dứt tình trạng sao chép, copy tác phẩm âm nhạc, phim ảnh tràn lan"; năm 2013 tại Bangladesh, ba blogger bị bắt giữ vì tội công kích các nhóm tôn giáo khác nhau trong bài viết của họ... Mollah Nazrul Islam, Phó chỉ huy cảnh sát thủ đô Dhaka, nói: "Các bài viết của họ vi phạm Luật Truyền thông và thông tin 2006. Nếu được chứng minh có tội, họ sẽ bị phạt 10 năm tù giam, 10 triệu taka (125.000 USD)"; năm 2013: "Bộ Nội vụ Anh thông báo quyết định cấm hai blogger chuyên vận động chống Hồi giáo được nhiều người biết đến ở Mỹ, Pamela Geller và Robert Spencer, nhập cảnh nước này để tham gia cuộc tuần hành do nhóm cực hữu Liên đoàn phòng vệ Anh (EDL) tổ chức ngày 29-6";...
Ở Việt Nam, bên cạnh phần lớn blogger, facebooker sử dụng blog, trang facebook cá nhân làm địa chỉ thể hiện, giao lưu có ý tính văn hóa, lại có một số blogger sử dụng blog, trang facebook cá nhân làm nơi thực hiện hành vi thiếu văn hóa, bôi nhọ danh dự, uy tín của người khác (đã xảy ra hiện tượng vì không chịu nổi sự xúc phạm trên facebook mà có người tự tử), đăng lại thông tin từ báo điện tử, trang thông tin tổng hợp nhưng không xin phép, thậm chí biến blog, trang facebook cá nhân thành nơi truyền bá quan điểm sai trái, nhân danh "phản biện" để xuyên tạc, công kích quan điểm, chính sách của Ðảng và Nhà nước, lôi kéo, hô hào, kích động sự chống đối... Thực trạng đó cho thấy, việc lành mạnh hóa và việc quản lý bằng pháp luật đối với internet là hết sức cần thiết, như ông Dominic Bray ở Công ty K&L Gates phát biểu trên The Guardian: "Internet không khác với bất kỳ ấn phẩm nào và nếu ai đó bình luận phỉ báng, bôi nhọ về người khác thì họ phải chịu trách nhiệm về nó. Luật pháp áp dụng với internet như với thế giới thực". Và Ðiều 5 Nghị định 72 quy định các hành vi bị cấm gồm: "1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: a. Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; b. Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; c. Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; d. Ðưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; đ. Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; e. Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 2. Cản trở trái pháp luật việc cung cấp và truy cập thông tin hợp pháp, việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ hợp pháp trên internet của tổ chức, cá nhân. 3. Cản trở trái pháp luật hoạt động của hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam ".vn", hoạt động hợp pháp của hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ internet và thông tin trên mạng. 4. Sử dụng trái phép mật khẩu, khóa mật mã của tổ chức, cá nhân; thông tin riêng, thông tin cá nhân và tài nguyên internet. 5. Tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo, cài đặt, phát tán phần mềm độc hại, vi-rút máy tính; xâm nhập trái phép, chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin, tạo lập công cụ tấn công trên internet".
Các điều cấm trên đây thể hiện sự nghiêm túc, có trách nhiệm đối với sự phát triển của xã hội - con người, phù hợp với sự phát triển văn hóa, phù hợp với luật pháp Việt Nam và quốc tế, bảo vệ nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng, chỉ rõ trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong khi hoạt động trên internet. Nếu quan tâm tới người làm báo, tới các blogger, facebooker lương thiện, đề cao đạo đức của người viết, chẳng lẽ RSF, CPJ, BBC, RFA, VOA,... cùng các tổ chức, cá nhân đã và đang phê phán Nghị định 72 lại phản đối các điều cấm kể trên? Phải chăng, vì muốn dung túng, bao che các tổ chức, cá nhân thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam mà RSF lại coi các điều cấm này là "cuộc tấn công tàn khốc nhất nhắm vào quyền tự do thông tin", để từ đó can thiệp một cách lố bịch vào công việc nội bộ của Việt Nam? Nếu đúng vậy, thì không có ý nghĩa nào khác, RSF và các tổ chức, cá nhân phê phán, đánh giá tiêu cực về Nghị định 72 của Việt Nam đã có các quan niệm, hành vi đối lập, đi ngược lại sự phát triển, đồng thời cổ vũ, tiếp tay cho thái độ vô trách nhiệm của cá nhân trước xã hội và con người.
VŨ HỢP LÂN
(Báo Nhân dân)

Cuộc cạnh tranh giữa Facebook và búa liềm

Một nghị định mới đây của chính phủ Việt Nam đã ra đời nhằm ngăn chận hơn nữa sự tự do thông tin.
Nghị định 72
Chính phủ Việt Nam do đảng cộng sản lãnh đạo vừa ra một nghị định gọi là nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, công bố ngày 31/07 và có hiệu lực từ ngày 1/09/13. Như cái tên của nó, nghị định này khá dài để có thể bao trùm hết các vấn đề nó nêu ra ở trên. Nhưng cái bất thường và được nhiều người sử dụng Internet, và nhất là các thành viên của các mạng xã hội như facebook, hay chủ của các trang blog cá nhân quan tâm là những người này sẽ không được đăng tin từ các nguồn khác và chỉ được đăng các thông tin cá nhân của họ mà thôi. Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, giải thích rõ ràng vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn với báo điện tử VNexpress,
"Tôi khẳng định trang thông tin điện tử cá nhân không được cung cấp thông tin tổng hợp."
Lời khẳng định này đã được hãng thông tấn Pháp AFP trích lại trong bảng tin ngày 1 tháng tám của họ. Việc này cho thấy tính chất đặc biệt của nghị định 72 đã làm cho công luận thế giới quan tâm.
Sự ra đời và phát triển của Internet đã thực sự làm thay đổi sự trao đổi thông tin của xã hội Việt Nam hiện đại, sự kiểm duyệt của nhà cầm quyền không còn hiệu quả như xưa, sự tự do phát biểu đã có cơ hội phát triển dù các phương tiện truyền thông chính thức do đảng cộng sản nắm giữ vẫn không cho phép điều đó.
Năm 1986, đồng thời với sự khởi đầu của cải cách kinh tế, đảng cộng sản cũng nới lõng sự kiểm sóat đối với tầng lớp văn nghệ sĩ. Nếu như ngày hôm nay nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhìn về sự việc ấy một cách đau buồn rằng đảng cởi trói cho nhân dân, thì Andrew Lam, một nhà văn gốc Việt thành danh ở hải ngọai nhận xét về vai trò của Internet đối với tự do phát biểu ở Việt Nam hiện nay rằng,
“Internet đã tạo điều kiện cho họ chiếm lại khoảng không gian công.”
Sự độc quyền của đảng cộng sản trong việc nắm giữ truyền thông không còn nữa. Đảng cộng sản chỉ có thể kiểm soát giấy và mực trong các nhà in, nhưng những đốm điện tử nhị phân lan truyền thông tin như chớp đến mọi ngóc ngách thì không thể được. Cựu Bộ trưởng bộ thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp là người đầu tiên, dù vô tình, đưa ra khái niệm hai dòng thông tin Lề phải của nhà nước, và Lề trái của dân chúng. Trong cuộc cạnh tranh giữa hai dòng ấy dường như Lề phải ngày càng đuối sức và thậm chí biến thành lá cải như lời phát biểu đầy quan ngại của ông thứ trưởng Nguyên Bắc Son cách đây không lâu.
000_Hkg702558-250.jpg
Thanh niên truy cập internet tại một tiệm kinh doanh internet ở Hà Nội hôm 22/8/2007. AFP photo
Với mục đích tự nhiên và tự thân là đưa thông tin, các trang mạng lề trái phát triển mạnh mẽ và thu hút đông đảo người xem dù thường xuyên bị phía bên kia ngăn chận cấm đoán. Nhà báo Trương Duy Nhất, chủ trang blog cá nhân Một góc nhìn khác, phát biểu với chúng tôi không lâu trước khi anh bị bắt,
“Trang blog cá nhân của tôi thực sự là một tờ báo, được nhiều người xem, so với tờ Nhân dân, tờ báo chính thống của đất nước này thì nó được xếp trên cả ngàn bậc mà. Thông tấn xã của nhà nước được đầu tư tổ chức bộ máy một cách kinh hoàng, rất nhiều tiền của mà có được cái gì đâu.”
Các trang mạng đã thực sự trở thành những tờ báo, mà là báo tư nhân, nên đảng cộng sản không hài lòng chút nào cả vì họ chủ trương không cho phép báo tư nhân. Ông Hòang Vĩnh Bảo nói tiếp về việc không cho phép các trang cá nhân tổng hợp thông tin,
"Nếu cứ mỗi blog lấy bài báo chỗ này chỗ kia đưa lên thì đã trở thành báo tư nhân."
Sức mạnh của mạng xã hội
Sự xuất hiện của các mạng xã hội như Tweeter, Facebook lại càng làm cho truyền thông lề trái thêm mạnh mẽ. Việc xuất bản thành công quyển sách truyện Trại súc vật, khắc tinh của cơ quan tuyên truyền cộng sản, được lan truyền cho hàng triệu người biết trong vài giây đồng hồ, lời nói không cẩn trọng của bà bộ trưởng y tế sau vụ trẻ em tử vong vì tiêm chủng, đã nhanh chóng tập hợp một lực lượng đông đảo trên mạng đòi bà từ chức.
Quan chức cùng cơ quan công quyền khó mà trốn tránh công luận vì mạng xã hội. Các nhóm cùng mục đích, từ nấu ăn cho đến đòi sửa đổi luật lệ và Hiến pháp, thậm chí đòi xóa bỏ sự độc tôn của đảng cộng sản cũng được thúc đẩy bởi các mạng xã hội.
Không thể che giấu, và không thể ngăn cản sự thành lập các nhóm chính là nỗi lo buồn của đảng chính trị chủ trương chuyên chính dưới ngọn cờ búa liềm.
Có vẻ như để đối phó với mạng xã hội, nhằm giữ vững sự tập trung chuyên chính của mình, đảng cộng sản đã âm thầm ngăn chặn về mặt kỹ thuật, dù rằng họ không bao giờ công khai chuyện này.
Thông tín viên An Nhiên của chúng tôi đã ghi lại trả lời của một nhân viên công ty cung cấp dịch vụ Internet là Viettel như sau,
“Hiện giờ, đối với trang mạng facebook đang có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia nên cơ quan có chức năng đã chặn…"
Song có vẻ như sự ngăn chận không chính danh bằng kỹ thuật đó cần được tiếp sức bằng những biện pháp pháp lý, và nghị định 72 đã ra đời.
Cách đây không lâu, cũng nhờ vào Internet và mạng xã hội, mà một nhóm trí thức đã đề đạt một kiến nghị của 72 vị, được gọi là kiến nghị 72, nhằm yêu cầu nhà cầm quyền thực thi nhiều tự do hơn mà điều căn bản là xóa bỏ sự độc tôn cầm quyền của đảng cộng sản.
Nay một nghị định nhằm ngăn chận tự do thông tin lại ra đời và trớ trêu thay lại mang tên là 72.
Trong một bài viết cho trang mạng Bauxit Việt Nam, tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một nhà tranh đấu cho dân chủ trong nước đã so sánh sự tự do khai thác thông tin trong thế giới ngày nay khi có những công cụ của mạng xã hội và Internet, với mục địch của chủ nghĩa cộng sản mà người sáng lập nó là Karl Marx đã tuyên bố. Ông bảo
"Sự hưởng thụ theo nhu cầu, không hạn chế, và sự cống hiến theo năng lực của bản thân."
Như vậy có lẽ biểu tượng mang ý nghĩa tuyệt vời của Facebook là ngón tay cái giơ lên lại có cùng một mục đích với búa và liềm của đảng cộng sản.
Nhưng hình như những người đứng đầu đảng cộng sản không nghĩ như thế và họ đã làm ra nghị định 72.
Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-08-05

Bộ trưởng Pháp và TQ cùng đến Hà Nội

(thằng Khựa này ko được gặp bác 4S hay là nó cố tình ko gặp để tỏ thái độ và gây chia rẽ bằng trò mèo...)

Vương Nghị gặp Phạm Bình Minh
Đây là lần thứ hai Phạm Bình Minh gặp Vương Nghị trong vòng chưa đến hai tháng

Ngoại trưởng của hai nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cùng có mặt tại Việt Nam vào một thời điểm để hội đàm với người đồng cấp của nước chủ nhà, ông Phạm Bình Minh.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh đã có các cuộc hội đàm riêng rẽ với Bộ trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Pháp, ông Laurent Fabius trong cùng buổi sáng Chủ nhật ngày 4/8.

Cuộc hội đàm của ông Minh với ông Vương là để ‘trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ hai nước’ trong khi với ông Fabius là về ‘nội hàm và lộ trình’ quan hệ đối tác chiến lược Pháp-Việt, theo tường thuật của báo chí nhà nước ở Việt Nam.

Vấn đề biên giới

Cũng trong ngày 5/8, vị khách đến từ Trung Quốc sẽ lần lượt tiếp kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong khi đó, vị khách đến từ Pháp cũng được Thủ tướng Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp.

Hai vị ngoại trưởng này đều đang có chuyến công du Đông Nam Á và đã đến Việt Nam cùng lúc vào ngày 3/8.

Trước khi đến Hà Nội, ông Fabius đã có chuyến thăm Jakarta còn ông Vương đã ở Bangkok.

Cuộc thảo luận giữa hai ngoại trưởng Việt-Trung đã diễn ra ‘trong bầu không khí hữu nghị và thẳng thắn’, theo Thông tấn xã Việt Nam. Hai ông đã bàn bạc các biện pháp để hiện thực hóa ‘quan hệ đối tác chiến lược toàn diện’ giữa hai nước.

Hai ông cũng đề cập đến những vấn đề gai góc về biên giới trên bộ và tranh chấp trên biển.

Hai nước cam kết sẽ cùng thúc đẩy một hiệp định về hợp tác khai thác thác Bản Giốc mà hai nước đã thỏa thuận chia quyền sở hữu và một hiệp định cho phép tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân phân chia hai nước, cũng theo hãng tin nhà nước.

Về Biển Đông, hai ngoại trưởng lặp lại cam kết giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng và không để tranh chấp trên Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ toàn cục giữa hai nước.

Đây là lần thứ hai hai ông Vương Nghị và Phạm Bình Minh gặp nhau trong vòng chỉ chưa đến hai tháng. Trước đó, ông Minh đã gặp ông Vương trong lúc tháp tùng Chủ tịch Trương Tấn Sang đi Bắc Kinh hồi tháng Sáu.

‘Hiểu biết và tin cậy’


"Nước Pháp rất coi trọng vấn đề nhân quyền trên thế giới. Ở đây quả là có một vấn đề đặc biệt liên quan đến các blogger, vì vừa có một nghị định được đưa ra, đe dọa trừng phạt nặng nề blogger nào loan đi một số thông tin nào đó, và đã có một số blogger bị kết án"
Bộ trưởng Laurent Fabius
Cuộc hội đàm giữa Phạm Bình Minh và Laurent Fabius được Thông tấn xã Việt Nam mô tả là ‘hiểu biết và tin cậy lẫn nhau’ – đây là điểm khác biệt so với cuộc hội đàm Việt-Trung.

Theo đó, hai bên đã bàn bạc và thống nhất ‘về cơ bản’ nội hàm và lộ trình nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược.

Hai nước đã từng tuyên bố sẽ đưa quan hệ song phương lên đối tác chiến lược trong chuyến công du Paris của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh hồi tháng Ba năm nay.

Việt Nam đang tìm cách xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với hai thành viên thường trực còn lại của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Pháp và Mỹ. Nước này hiện đang là đối tác chiến lược của Trung Quốc, Nga và Anh.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm Washington mới đây của Chủ tịch Trương Tấn Sang, quan hệ Việt-Mỹ chỉ mới được nâng cấp lên thành ‘hợp tác toàn diện’ chứ chưa được ‘đối tác chiến lược’.

Ngoài ra, hợp tác kinh tế cũng là một chủ đề quan trọng trong cuộc hội đàm của hai ngoại trưởng Việt-Pháp.

Hiện tại Việt Nam đang hưởng thặng dư lớn trong quan hệ mậu dịch với Pháp. Xuất khẩu của nước này đến Pháp trong năm 2012 đạt gần 2,7 tỷ euro trong khi nhập khẩu từ Pháp chỉ có hơn 613 triệu euro.

Hiện tại Pháp là quốc gia đầu tư lớn thứ hai của Liên minh châu Âu vào Việt Nam, chủ yếu trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, giáo dục và đào tạo.
Ngoại trưởng Pháp cũng cam kết sẽ vận động châu Âu công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam, hãng tin Mỹ AP cho biết.

Về Biển Đông, ông Laurent Fabius được dẫn lời nói Pháp ủng hộ ‘giải quyết tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế’.

Paris gần đây cũng tỏ rõ sự quan tâm đến những lợi ích tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng của nước này Jean-Yves Le Drian từng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hồi tháng Sáu ở Singapore rằng ‘Pháp là một cường quốc Thái Bình Dương’ và họ ‘có nghĩa vụ bảo vệ’ những hòn đảo thuộc chủ quyền của họ tại nam Thái Bình Dương.

Mới đây nước này cũng đã bán một tàu chiến đã qua sử dụng của hải quân của họ cho Philippines, hãng tin Pháp AFP cho biết.

Chiến hạm ‘La Tapageuse’ có tuổi thọ đã 26 năm, dài gần 55 mét và có giá 6 triệu euro sẽ là chiếc đầu tiên trong một loạt các tàu chiến Pháp mà lực lượng tuần duyên của Philippines sẽ mua lại.

Chiến hạm La Tapageuse
Pháp đang tăng cường tham dự vào các vấn đề trên Biển Đông

Ngoài ra cũng có tin Manila ‘đang chốt’ hợp đồng với Chính phủ Pháp để mua lại bốn chiến hạm hoàn toàn mới dài 24 mét và một tàu đa mục đích dài 82 mét.
Ngoài ra, ông cũng nói về tự do biểu đạt trên mạng khi đến Việt Nam, theo trang RFI:

"Nước Pháp rất coi trọng vấn đề nhân quyền trên thế giới. Ở đây quả là có một vấn đề đặc biệt liên quan đến các blogger, vì vừa có một nghị định được đưa ra, đe dọa trừng phạt nặng nề blogger nào loan đi một số thông tin nào đó, và đã có một số blogger bị kết án."

Ba cách giải quyết

Trước đó tại Bangkok hôm 2/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề xuất ba cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, Tân Hoa Xã cho biết.

Ông Vương đã đưa ra đề xuất này tại cuộc gặp với ông Surukiat Sathirathai, chủ tịch Hội đồng Hòa giải Hòa bình châu Á.

Cách thứ nhất, theo ông Vương, là đạt được thỏa thuận thông qua đàm phán và tham vấn giữa các bên có liên quan trực tiếp, tức là không có sự can thiệp từ bên ngoài. Ông nhấn mạnh đây là ‘cách cơ bản và duy nhất’ để tiến đến giải pháp chung cuộc cho vấn đề.

Cách thứ hai là tiếp tục thực hiện Tuyên bố giữa các bên về Ứng xử trên Biển Đông và tiếp tục thúc đẩy cho ra đời Bộ Quy tắc Ứng xử. Mặc dù những nguyên tắc này không phải là giải pháp cho tranh chấp nhưng chúng giúp duy trì hòa bình và ổn định cho khu vực, ông Vương giải thích.

Cách giải quyết tranh chấp cuối cùng mà ông Vương đề xuất là ‘cùng khai thác’. Theo ông thì do tìm kiếm giải pháp chung cuộc sẽ mất rất nhiều thời gian nên các bên tranh chấp nên tranh thủ tìm cách khai thác chung trên nguyên tắc ‘cùng thắng và cùng có lợi’.

Ông nhấn mạnh rằng cả hai cơ sở là ‘sự thật lịch sử’ và ‘luật pháp quốc tế’ đều quan trọng như nhau và không được phép bỏ qua khi đàm phán giải pháp cho cuộc tranh chấp, theo Tân Hoa Xã.
(BBC)

Tại Hà Nội, Ngoại trưởng Pháp gợi lên vấn đề blogger Việt Nam bị trấn áp

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (trái) và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội ngày 05/08/2013.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (trái) và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội ngày 05/08/2013. (REUTERS/Luong Thai Linh/Pool)

Tiếp tục chuyến công du Việt Nam, sau cuộc hội đàm với đồng nhiệm Việt Nam vào hôm qua, theo chương trình, hôm nay, 05/08/2013, Ngoại trưởng Pháp có buổi tiếp xúc Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng và với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

Đến thăm Việt Nam vào lúc vấn đề quyền tự do ngôn luận đang nổi cộm, ông Laurent Fabius đã bày tỏ thái độ quan ngại của Paris, đặc biệt là trước các vụ trấn áp giới blogger tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết :

Nước Pháp rất coi trọng vấn đề nhân quyền trên thế giới. Ở đây quả là có một vấn đề đặc biệt liên quan đến các blogger, vì vừa có một nghị định được đưa ra, đe dọa trừng phạt nặng nề blogger nào loan đi một số thông tin nào đó, và đã có một số blogger bị kết án.

Và tôi đã bày tỏ, điều mà trong ngôn từ ngoại giao người ta gọi là ‘sự quan ngại’, tức là cho biết chúng tôi không hề có cùng một cách xử lý vấn đề, nhất là khi cách đó, theo ý chúng tôi, có phần hoàn toàn vô hiệu, vì đứng về mặt kỹ thuật, dù có muốn cũng không thể nào hạn chế, không cho các bloogger trao đổi với nhau.

Và như vây, tôi cho rằng những tác nhân đối thoại (Việt Nam) của chúng tôi đã hiểu rõ rằng điều đó không được nước Pháp tán đồng, và không chỉ nước Pháp, mà còn có nhiều nước khác nữa – tôi biết rằng những đồng nghiệp từ nhiều quốc gia khác cũng đã can thiệp theo cùng chiều hướng này.

Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là họ đã ghi nhận rõ ràng quan điểm của chúng tôi.
Trọng Nghĩa (RFI)

CA sách nhiễu đại diện blogger Việt Nam ngay khi vừa bước xuống sân bay

Lúc 20h15 tối nay, 5/8/2013, hai cô gái trẻ Nguyễn Nữ Phương Dung và Nguyễn Thảo Chi đã bị an ninh cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất tổ chức sách nhiễu và bắt giữ ngay sau khi vừa đáp chuyến bay trở về từ Thái Lan. Đây là hai blogger trẻ đại diện cho Mạng lưới Blogger Việt Nam đã tham gia vào một sự kiện lịch sử vào hôm 31/7 vừa qua: Giới Blogger Việt lần đầu tiên lên tiếng với quốc tế qua việc đến Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp Quốc về Nhân quyền tại Bangkok để trao bản tuyên bố 258.
Thêm chú thích
Sau khi làm xong thủ tục nhập cảnh và đi lấy hành lý, hai blogger Nguyễn Nữ Phương Dung và Nguyễn Thảo Chi bất ngờ bị an ninh đến sách nhiễu, đòi kiểm tra hành lý riêng tư. Được biết, trong đoàn kiểm tra ngoài những người mặc sắc phục hải quan còn có những viên an ninh thường phục chỉ đạo.

Sau khi kiểm tra nhưng không phát hiện được gì, hai cô gái trẻ tiếp tục bị an ninh tách riêng để thẩm vấn và kiểm tra đồ đạc với lý do “Nghi ngờ hành lý có vấn đề”. Điện thoại của hai bạn cũng bị cắt liên lạc.

Trong khi đó, phía bên ngoài, rất đông blogger tại Sài Gòn đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để chào đón hai blogger trẻ trở về. Đồng thời, thông tin về việc hai đại diện mạng lưới blogger Việt Nam bị sách nhiễu cũng liên tục được cập nhật trên các mạng xã hội, đặc biệt là trên Facebook.

Mọi con mắt bắt đầu đổ về sân bay Tân Sơn Nhất, diễn biến vụ việc liên tục được cập nhật trên mạng xã hội đã khiến lực lượng an ninh tham gia sách nhiễu phải tỏ ra e dè.

Sau khoảng gần 30 phút sách nhiễu và kiểm tra đồ đạc, lực lượng an ninh tại cửa khẩu đã buộc phải để hai bạn trẻ ra về. Ngay khi Nguyễn Nữ Phương Dung và Nguyễn Thảo Chi xuất hiện, tất cả mọi người cùng mang biểu ngữ chào đón rất lớn với nội dung: “Chào mừng đại diện mạng lưới blogger Việt Nam trở về”, bên cạnh là một số logo cho chiến dịch phản đối điều 258 bộ luật hình sự.

Khi tấm biểu ngữ được căng lên, rất đông an ninh đã xuất hiện bao vây nhóm blogger đang có mặt. Tuy nhiên, vì khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là cửa khẩu quốc tế, hành khách qua lại đông nên lực lượng an ninh cũng chỉ theo dõi, quay phim từng người mà không dám mang động.

Nguyễn Nữ Phương Dung (Facebook Miu Mạnh Mẽ) và Nguyễn Thảo Chi (Facebook Sapphira), đều 22 tuổi và hiện đang là sinh viên tại Sài Gòn. Đây là hai cô gái trẻ đã đại diện cho hơn 100 blogger Việt Nam đến Bangkok (Thái Lan) tham gia các hoạt động kêu gọi Nhà nước Việt Nam sửa đổi pháp luật để có thể tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Trong một tuần ở Bangkok, nhóm các blogger gồm có Nguyễn Thảo Chi, Nguyễn Nữ Phương Dung, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Đoan Trang đã trực tiếp đến gặp một số tổ chức quốc tế để trao tận tay bản Tuyên bố này. Trong đó có Văn phòng Cao uỷ LHQ về Nhân quyền (OHCHR), Ủy ban bảo vệ ký giả (CPJ), tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW), Liên minh Báo chí Đông Nam Á (SEAPA), v.v.
Một chi tiết khá lý thú là thời điểm hai đại diện blogger Việt bị sách nhiễu đúng vào ngày thứ 2, ngày 5 tháng 8. 258 cũng chính là con số liên tục xuất hiện nhiều ngày nay trên các mạng xã hội với nhiều hình thức phản kháng khác nhau.  




(Blog Phạm Thanh Nghiên)

Bùi Tín - Chiếc chìa khóa tủ của ông Tập Cận Bình


Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bài nói chuyện nội bộ cho cán bộ CS cấp cao của tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Tập Cận Bình bị tiết lộ trên nguyệt san Tiền Tiêu số ra tháng 4/2013 ở Hồng Kông đang được truyền đi rộng rãi và được bước đầu bình luận, đánh giá.

Điều nổi lên rõ nhất là thái độ của người nói - như ông khẳng định, không rào trước đón sau, không quanh co che dấu. Có thể nói ông là người lãnh đạo của đảng CS Trung Quốc cực kỳ hiếm hoi, thẳng ruột ngựa, bộc tuệch với dàn cán bộ CS cấp cao tin cẩn của mình.

Có lẽ Tập Cận Bình đã phạm sai lầm quá hớ hênh, quá mất cảnh giác trong vụ tâm sự ngay khi mới nhận chức này của ông.

Ai cũng biết lãnh đạo là phải trước hết tự tin, tin ở tổ chức, ở đảng của mình, ở chế độ của mình, ở học thuyết của mình. Lãnh đạo là đề xuất đường lối chính sách thích hợp, là quyết đoán, là sáng tạo, là bẻ lái theo con đường mình cho là đúng.

Nhưng không. Ông Tập Cận Bình suốt trong buổi nói chuyện gần 2 giờ đồng hồ không hề đề ra một đường lối, chủ trương nào mới mẻ, sáng tạo mà cả đảng CS Trung Quốc và toàn dân Trung hoa đang mong chờ.

Ở ông chỉ có những lời than não nề, những tiếng thở dài bất lực của một con người hoàn toàn bế tắc.

Ngay tít rút ra cho bài nói chuyện đã nói lên điều ấy. «Tôi biết làm thế nào?». Ủa trư tao chẩn ma pan? (theo tiếng phổ thông). Ngã tri đạo chẩm ma biện? (theo chữ Hán). Ông hỏi lại các đồng chí cấp cao của ông. Để thanh minh rằng ông bế tắc, ông bị kẹt cứng, ông không còn biết xoay xở ra sao. Để chỉ ra phương châm hành động của ông trong 10 năm tới đành phải là:«liệu pháp giữ nguyên», nghĩa là sẽ không có gì thay đổi đáng kể cả, giữ được nguyên như cũ đã là khó, ngụ ý là thế.

Quả thật ông Tập thật lòng tâm sự. Ông bị kẹt cứng. Ông hiểu chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao không còn hợp, ông không còn tin nữa, nhưng bỏ thì mất đảng, ông không dám. Chế độ hiện nay quá cũ, quá cổ, trái với chế độ pháp quyền, ông không phải không hiểu, nhưng ông không thể bỏ nền chuyên chính của đảng. Ông phải làm vừa lòng mọi người, từ cán bộ lão thành đến tầng lớp thanh niên. Ông rất muốn chống tham nhũng, nhưng ông lại phải làm vừa lòng mọi loại mọi cấp cán bộ, cho nên ông chỉ có cách chống là «xì bớt hơi khi quả bóng quá căng». Có lẽ ông nghĩ đến việc truy tố Bạc Hy Lai ủy viên bộ chính trị bí thư Trùng Khánh chăng.

Ông làm chúng ta bật cười khi thú nhận «tôi chỉ là người giữ chìa khóa tủ, là người chủ quầy hàng», ngụ ý là người giữ túi tiền, giữ kho của cải quốc gia để phân phối cho các nhóm lợi ích một cách cân bằng.

Trong các lãnh tụ đảng thời hậu Mao, so với Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, có thể nhận định ông Tập Cận Bình là con người chân thực, thật thà, lại có vẻ như yếu bóng vía hơn cả, qua bài nói chuyện thổ lộ tâm tình này; ông thú nhận cần thu hồi đảo giáp Nhật Bản nhưng lại than vãn rằng thế lực quân sự Trung Quốc về mặt kỹ thuật quân sự hiện đại còn thấp, yếu kém so với trình độ chung.

Việc đánh giá người cầm đầu nước Trung Quốc đang bật dậy với tham vọng toàn cầu không giới hạn là rất hệ trọng đối với chúng ta. Chính chủ tịch Tập Cận Bình trực tiếp chỉ đạo mối quan hệ Trung - Việt và đã khống chế Chủ tịch Trương Tấn Sang trong một loạt văn kiện hệ trọng trói buộc đảng CS Việt Nam vào cỗ xe của Trung Quốc. Tại sao lại như thế được.

Vấn đề chúng ta cần trao đổi, tìm hiểu, làm rõ là một con người lãnh đạo có vẻ do dự, thiếu quyết đoán, tự thú nhận bế tắc, kẹt cứng về đường lối chủ trương lại có thể xỏ mũi ông Trương Tấn Sang và bộ sậu đi theo một cách dễ dàng đến vậy.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Bí ẩn xoay quanh vụ án Bạc Hy Lai


Ông Bạc Hy Lai bị truy tố về tội hối lộ, tham nhũng và lạm quyền.

Bill Ide
05.08.2013
BẮC KINH — Chính trị gia Trung Quốc bị thất sủng Bạc Hy Lai có thể bị đưa ra tòa trong vài ngày hay vài tuần. Mặc dù vụ án Bạc Hy Lai là một trong những vụ tai tiếng chính trị lớn nhất ở Trung Quốc từ mấy chục năm nay, người ta biết rất ít về những tội trạng mà ông Bạc bị cáo buộc đã vi phạm. Và các chuyên gia pháp lý nói có phần chắc là vụ xử ông ấy cũng sẽ không tiết lộ thêm chi tiết. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Bill Ide gửi về bài tường thuật sau đây.

Ông Bạc Hy Lai biến mất khỏi ánh sáng sân khấu công cộng cách đây hơn một năm. Bí thư thành uỷ Trùng Khánh bị tước hết các chức vụ chính thức và khai trừ khỏi đảng, sau việc tiết lộ và kế đó là vụ kết án người vợ của ông về tội ám sát một doanh gia người Anh.

Phụ tá hàng đầu của ông Bạc Hy Lai, Vương Lập Quân, bị kết tội can dự vào vụ ám sát doanh gia người Anh Neil Heywood.
Phụ tá hàng đầu của ông Bạc Hy Lai, Vương Lập Quân, bị kết tội can dự vào vụ ám sát doanh gia người Anh Neil Heywood.

Giới chức cảnh sát Vương Lập Quân, phụ tá hàng đầu của ông Bạc, cũng bị đưa ra tòa và bị kết tội can dự vào vụ ám sát. Vụ tai tiếng xảy ra đúng vào lúc Trung Quốc đang chuẩn bị cho cuộc cải tổ lãnh đạo 10 năm mới có một lần.

Nay, một tòa án ở tỉnh Sơn Ðông miền đông Trung Quốc đang chuẩn bị xét xử người từng là ngôi sao chính trị về ba trọng tội: hối lộ, lạm dụng chức quyền và tham nhũng.

Rất ít chi tiết được đưa ra, nhưng đó không có gì là lạ, theo ông Hà Gia Hoằng, một học giả về luật tại trường Ðại học Nhân dân Bắc Kinh.

“Tại Trung Quốc, giai đoạn xét xử hình sự không quan trọng lắm. Ðó chỉ là một tiến trình trên danh nghĩa của toàn bộ tiến trình đưa ra quyết định về vụ án. Nhất là đối với loại các vụ việc mang tính chính trị cao như thế này, quyết định đã được thực hiện nhưng họ vẫn phải đi qua tiến trình xét xử. Ðây không phải chỉ là vấn đề trong vụ Bạc Hy Lai, mà là một đặc điểm của những vụ án hình sự hiện nay ở Trung Quốc, nhất là các vụ có tính cách chính trị.”

Ông Hà nói có thể sẽ có thêm các chi tiết được bộc lộ trong thời gian xét xử, nhưng có nhiều phần chắc là phiên xử sẽ không kéo dài.

“Tôi nghĩ có thể sẽ chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, hay 1 ngày. Tôi nghĩ 2 ngày là nhiều nhất, nhưng tất cả còn tuỳ thuộc vào thái độ của bị cáo. Tôi chỉ có thể đoán là theo lý lẽ của tôi thỉ phải có các nhân chứng, nhưng họ chỉ được đưa ra lời khai trên văn bản hay ghi âm cuộc phỏng vấn hay điều tra, vì thế mà công tố viên sẽ đưa ra lời khai hay bằng chứng.”

Có thể có một nhân chứng quan trọng là một trong các doanh gia giàu có nhất của Trung Quốc, ông Hứa Minh. Quan hệ của ông Hứa với ông Bạc đã có từ hơn 2 thập niên và ông ta đã bị bắt hồi năm ngoái, ngay trước khi ông Bạc bị bãi chức.

Năm 2010, tạp chí Forbes đã ước tính tài sản của ông Hứa lên tới 650 triệu đôla.

Chuyên gia phân tích chính trị Joseph Cheng của trường Ðại học thành phố Hong Kong nói có nhiều phần chắc phiên toà sẽ không tiết lộ chi tiết nào quan trọng về mạng lưới đã hỗ trợ cho ông Bạc trong vụ tham nhũng mà ông ta bị cáo buộc. Ông Cheng nói vụ ông Bạc dường như theo đúng khuôn thức quen thuộc của các nhà lãnh đạo cấp cao bị tố cáo tham nhũng.

“Thứ nhất, họ đều rất im lặng và thừa nhận tội lỗi; thứ hai, họ không đưa ra chi tiết về các cấp trên mà cũng không đưa ra chi tiết về các mạng lưới tham nhũng; và thứ ba, họ sẽ lãnh một bản án khá nhẹ nhàng.”

Các cơ quan truyền thông chính thức đã cung cấp một vài chi tiết về những tội trạng mà ông Bạc bị cáo buộc. Các bản tin năm ngoái nói ông Bạc có quan hệ tình dục với một số phụ nữ và ông đã dùng gia đình để tuồn tiền hối lộ từ những người khác.

Ông Bạc bị tố cáo lạm dụng chức quyền và tìm cách ém nhẹm vụ vợ ông sát hại doanh gia Neil Heywood
Ông Bạc bị tố cáo lạm dụng chức quyền và tìm cách ém nhẹm vụ vợ ông sát hại doanh gia Neil Heywood

Các bản tin nhà nước cũng nói ông Bạc đã lạm dụng chức quyền và tìm cách ém nhẹm vụ vợ ông sát hại doanh gia Neil Heywood. Các bài tường thuật chính thức vụ xử ông Vương Lập Quân, người phụ tá của ông Bạc, cáo buộc ông Bạc là đánh đập ông Vương và bãi chức ông khi ông Vương đối đầu với ông Bạc về việc vợ ông, bà Cốc Khai Lai, can dự vào vụ ám sát.

Tin nói ông Bạc đã biển thủ tới 1 triệu đôla Mỹ và nhận hối lộ trị giá hơn 3 triệu. Các tội trạng của ông kéo dài hơn 1 thập niên khi ông còn là thị trưởng thành phố Ðại Liên ở duyên hải miền đông.

Các tội mà ông Bạc bị cáo buộc có thể đưa đến án tử hình, nhưng các chuyên gia pháp lý nói điều đó khó xảy ra.

Ông Hà Binh là một học giả về luật tại trường Ðại học Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc ở Bắc Kinh.

“Tôi nghĩ ông ta sẽ có thể bị án tù chung thân. Có nhiều phần chắc ông ta sẽ không lãnh án tử hình bởi vì từ Trần Lương Vũ cho đến Trần Hy Ðông và các  thành viên khác trong bộ Chính trị, chưa có ai bị kết án tử hình cả.”

Nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã cam kết diệt trừ tham nhũng và truy lùng cả các giới chức cấp cao cũng như cấp thấp.

Nhưng các chuyên gia phân tích nói sự kiện vụ án này có phần chắc sẽ tiết lộ rất ít thông tin về các hành vi tham nhũng ngoài phạm vi ông Bạc, nêu bật những khuyết điểm của chiến dịch chống tham nhũng và hệ thống công tố của Trung Quốc.

Doanh nhân người Anh Neil Heywood.
Doanh nhân người Anh Neil Heywood.

Học giả luật Hà Gia Hoằng nói sự kiện không có khả năng giải quyết tham nhũng một phần là do các giới chức cấp cao phần lớn vẫn ở ngoài tầm với của các công tố viên trong thời gian họ tại chức.

“Nói cách khác, hành vi tham nhũng của họ - cho dù là nhận hối lộ hay biển thủ - đã được phát hiện sau khi họ phạm tội cả chục năm hay hơn nữa, có thể tới hai mươi năm, một lý do la vì họ đang nắm quyền, do đó mà phát hiện những vụ vi phạm ấy, nhất là khi hộ nắm chức quyền ở địa phương, sẽ rất khó cho công tố viên địa phương hoặc ngay cả những người trong ban kỷ luật đảng phát hiện ra những vụ việc.”

Ông Joseph Cheng nói việc không thể truy tố các viên chức cấp cao tham những một phần là kết quả của hệ thống chính trị Trung Quốc, nơi đảng Cộng Sản vẫn đứng trên luật pháp. Ngay cả trong vụ ông Bạc, ông Cheng nói các giới chức chính trị cấp cao đã được hội ý về bản chất và ảnh hưởng chính trị của vụ việc trước khi đưa ra tòa.

“Ðây rõ ràng là một vụ chính trị và các lãnh đạo cấp cao của đảng phải đưa ra quyết định.  Truớc đây có  tin uỷ ban Thanh tra Ðảng đã trình bầy một báo cáo về vụ ông Bạc Hy Lai với bộ chính trị và bộ chính trị đã đưa ra quyết định cuối cùng. Sau đó vụ việc mới được đưa ra toà.”

Mặc dầu ông Tập Cận Bình đã đặt chống tham nhũng lên ưu tiên hàng đầu, theo ông Cheng, ông Tập vẫn phải củng cố quyền hành chính trị của mình trong nội bộ đảng. Ðiều đó có nghĩa là ông phải bảo đảm có được sự đồng thuận của các thành viên cấp cao trong đảng rằng vụ xử ông Bạc không tác động đến các phe phái trong đảng và sự ổn cố toàn bộ của chính phủ.
(VOA)
 

Văn hóa nhậu đạt ngưỡng đỉnh cao

Các loại quán nhậu bình dân phổ biến được dân lao động hưởng ứng
Các loại quán nhậu bình dân phổ biến được dân lao động hưởng ứng

Có thể nói rằng đi từ Bắc chí Nam, không có thứ gì dễ tìm hơn một quán nhậu, đủ các hạng, các loại quán nhậu, từ bình dân vài trái cóc, xị rượu đế cho đến các quán thịt chó, quán lẫu dê, lẫu hải sản, quán thịt rừng và cao cấp hơn là các loại nhà hàng, khu nghĩ dưỡng miệt vườn, khu du nghĩ dưỡng sinh thái có phục vụ nhậu thâu đêm suốt sáng với các sơn hào hải vị có giá lên đến vài chục triệu đồng một mâm, một bữa nhậu có thể lên đến con số hàng trăm triệu đồng.

Mở đầu mọi việc bằng rượu và bia


Dân nhậu, cán bộ nhậu – khách hạng thấp, khách hạng trung… Một chủ quán nhậu ở Đông Hà, Quảng Trị, tên Củng, cho chúng tôi biết, trung bình, một đêm quán của ông tiếp chừng ba chục khách hạng vừa vừa và hai chục khách hạng thấp, khách hạng vừa vừa sẽ gọi bia lon, khách hạng thấp thì dùng bia chai hoặc rượu vodka. Quán ông Củng chuyên bán thịt dê, được chế biến theo nhiều cách. Giá thành ở quán cũng không rẻ cho lắm, khách ruột của quán là các cán bộ cấp phường, cấp quận và một số ít thanh niên, công nhân. Nhóm thanh niên, công nhân được ông xếp vào diện khách hạng thấp.

Một chủ quán khác tên Trung ở Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị, chia sẻ với chúng tôi rằng nếu như ngày xưa, ông bà ta hay nói câu “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì đến bây giờ có thể nói rằng ly rượu, ly bia là đầu câu chuyện, một người đàn ông nếu không biết nhậu thì sẽ không có bạn để chơi, một người làm ăn nếu không chịu nhậu thì sẽ chẳng bao giờ có mối có lái để mánh mung, để kết nối đường dây làm ăn, chuyện kinh tế được bàn trên bàn nhậu, thời sự cũng bàn trong lúc nhậu, thậm chí chuyện chính trị, văn hóa cũng có mặt trên bàn nhậu… Dường như mọi thứ đều có mặt trên bàn nhậu.

Ông Trung nói thêm là quán ông có nhiều khách cán bộ luôn có mặt mỗi ngày, có người nhậu ký sổ lên đến vài chục triệu đồng, cuối năm trả một lần, cũng có một cán bộ vốn là chủ tịch một xã vùng cao, là khách quen của quán ông, nhậu ký sổ như chúa chổm, đùng một cái, bị phát hiện tham nhũng, hối lộ, mất chức, bà vợ trốn vào Nam làm ăn, không bao lâu sau, ông này cũng chuyển công tác lên một xã vùng núi khác, cả ba năm trời chưa gặp mặt, gọi điện thoại đòi nợ thì ông này cũng ỡm ờ hứa qua loa, coi như mất tiền. Ông Trung nói rằng thực chất thì ông đủ sức cho người lên tận nơi ông chủ tịch xã này làm việc để đòi nợ. Nhưng làm như thế sẽ ảnh hưởng đến khách trong quán, nhất là khi họ cũng đang nợ ông. Thôi thì im lặng cho nó lành việc.

Đó là chuyện nhậu của cán bộ và người có tiền một chút, còn cả chuyện nhậu vài cái trứng cút, vài trái cóc, vài trái ổi xanh chấm muối ớt, uống một xị rượu đế cho qua buổi chiều hoặc thèm quá, vào quán nốc một ngàn đồng rượu đứng để khỏi run tay, run chân rồi làm việc tiếp hoặc về nằm ngủ vì bệnh nghiện rượu hành hạ của một bộ phận không nhỏ dân nghèo, bất đắc chí.

Thành phần khách nhậu

Ngành sản xuất và nhập khẩu rượu bia tăng, quán nhậu mở vô tội vạ Một khách nhậu tên Tuấn, là nhân viên công ty xổ số kiến thiết, ông Tuấn thường nhậu vào mỗi thứ Bảy ở các quán ngoại ô thành phố Đông Hà, với ông, nhậu là một việc cần thiết để xả stress sau một tuần làm việc căng thẳng, tính chất đấu đá nội bộ cao hơn là hỗ trợ công việc với nhau trong công ty.

Ông Tuấn nói rằng tuy là đi nhậu có chu kỳ nhưng ông không bao giờ uống rượu gạo vì rượu gạo bây giờ quá nguy hiểm, nó được nấu bằng men Trung Quốc, không qua nấu chín, người nấu rượu chỉ việc trộn men vào gạo tẩm nước, ủ hai hoặc ba ngày rồi cho chưng cất lấy rượu. Lượng rượu nấu từ men Trung Quốc cũng cao gấp đôi lần so với nấu men truyền thống. Kể từ lúc men Trung Quốc xuất hiện, số người chết vì bệnh gan tăng lên vùn vụt.

Một khách hàng rượu đứng tên Nhật, hiện là phu bốc vác ở chợ Đông Hà, kể với chúng tôi rằng ông nghiện rượu đã hơn mười năm nay, mỗi sáng, ông phải uống một xị, tức 300ml lúc 6 giờ sáng, không cần ăn uống gì, ông đi bốc vác cho đến 9h, sau đó ăn qua loa một miếng gì đó rồi uống một xị nữa, làm việc đến trưa, ăn cơm trưa, ông uống nửa lít và nghỉ một chút, làm việc buổi chiều. Trong lúc làm việc của buổi chiều, nếu thấy mệt, ông ghé vào quán nốc một ly cho khỏi run tay run chân rồi làm tiếp, đến 6h chiều, ông ghé vào quán, mua một trái cóc, trái ổi hoặc vài trứng cút, uống tiếp một chai rồi về ngủ. Mỗi ngày, ông tốn hết ba chục ngàn đồng tiền rượu, có như thế ông mới làm việc được.

Một chủ nhà hàng hạng sang ở Khe Sanh, Hướng Hóa, cho chúng tôi biết là quán của ông không bao giờ phục vụ hạng khách bình dân vì những thứ ông bán quá đắt, hiếm có khách bình dân nào đến quán ông được, ông chỉ bán toàn những món lạ như ba ba, rùa, các loại thịt rừng. Khi chúng tôi hỏi vì sao nhà nước cấm bán các loại này nhưng ông lại có để bán. Ông cười, hỏi lại chúng tôi nhà nước là ai, cán bộ nhà nước là đại diện của nhà nước, vậy quán ông phục vụ cho toàn hạng cán bộ cao cấp, như vậy không phải là nhà nước đang nhậu các món này đó sao.

Và ông cũng nói thêm rằng với giới cán bộ, việc nhậu những món được xếp vào diện cấm luôn là một thú vui của họ, biết được tâm lý này, ông không mở nhà hàng mà chỉ mở một quán vườn, ở nơi hẻo lánh, chung chi đầy đủ cho các cơ quan, ban ngành mà ông thấy cần thiết phải chung chi, xem như sòng phẵng, chẳng ai nợ ai, ông thản nhiên bán vì nếu có bắt ông thì phải bắt những cán bộ đang ngồi ăn ngon lành những thứ hàng quốc cấm kia đi, họ biết cấm sao lại còn ăn, có mua thì phải có bán.

Nói đến đây, ông chủ quán vườn này kết luận rằng trong xã hội Việt Nam bây giờ, nhậu là một thứ văn hóa không thể thiếu, mọi thứ đều có mặt những cuộc nhậu, vui nhậu, buồn nhậu, không vui không buồn cũng nhậu, bàn chuyện làm ăn thì nhậu, bàn chuyện chính trị, văn hóa cũng nhậu, hẹn hò trai gái cũng nhậu, thậm chí, trong các buổi sinh hoạt đảng, đại hội đảng, nếu không tổ chức nhậu thì chẳng có ma nào đủ hào hứng mà phát biểu, góp ý xây dựng đảng. Không chừng, nhậu cũng là chính sách an dân của nhà nước, của đảng vì nó là thứ văn hóa đang rất thịnh hành.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
(RFA) 
 

Nguyễn Hưng Quốc - Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán

Ngoài đời cũng như trên báo chí, kể cả trên blog này, một số người hay đề cập đến vấn đề suy nghĩ có tính phê phán (critical thinking). Tuy nhiên, nghe hay đọc họ, rất hiếm khi chúng ta bắt gặp bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ có khả năng, thậm chí, thiện chí để suy nghĩ có tính phê phán. Ngược lại, trong hầu hết các trường hợp, chúng ta chỉ bắt gặp những lối suy nghĩ rất cảm tính, hơn nữa, hoàn toàn nô lệ theo quán tính.
Đọc, thấy một câu nào đó không vừa ý đã nhảy nhổm lên phản đối, bất kể lập luận chung của toàn bài, nhất định không phải là lối suy nghĩ có tính phê phán. Bất đồng với ý kiến nào đó bèn lôi tác giả ra chửi cũng nhất định không phải là lối suy nghĩ có tính phê phán. Thậm chí, đọc mà chỉ chăm chăm tìm cách để phản bác hay phê phán cũng không phải là lối suy nghĩ có tính phê phán.
Chữ “phê phán” (critical), trong tiếng Việt cũng như trong tiếng Anh, dễ gợi liên tưởng đến sự chê bai, bới móc, nghĩa là thiên về ý nghĩa tiêu cực. Thật ra, không phải. Lối suy nghĩ có tính phê phán, ngược lại, bao giờ cũng xuất phát từ thiện chí muốn tìm sự thực bằng cách lục lọi chứng cứ và thay đổi góc nhìn để xác minh tính chính xác của một ý kiến trước khi tin tưởng hoặc chấp nhận.
Nguyễn Hưng Quốc
Trong cuốn “Critical Thinking and Everyday Argument” (Southbank: Thomson – Wadsworth, 2005), Jay Verlinden (tr. 18-19) điểm qua các định nghĩa nổi tiếng về lối suy nghĩ có tính phê phán từ trước đến nay, và nhận ra tất cả các các định nghĩa ấy đều nhấn mạnh đến năm đặc điểm chính: Một, nó có tính chủ động và tự giác cao; hai, nó liên quan đến ý tưởng và niềm tin; ba, nó tập trung chủ yếu vào lý tính và lý luận; bốn, nó giúp hình thành các phán đoán; và năm, nó gắn liền với một số kỹ năng nhất định. Jay Verlinden bổ sung thêm hai đặc điểm nữa: Thứ nhất, suy nghĩ có tính phê phán được áp dụng không phải đối với các ý tưởng của người khác mà còn đối với cả các ý tưởng của chính mình; và thứ hai, nó nhắm đến việc tiếp cận chân lý chứ không phải chỉ nhằm khẳng định những điều chúng ta đã tin tưởng từ trước.
Nói một cách tóm tắt, suy nghĩ một cách có tính phê phán là không phủ nhận cũng không chấp nhận bất cứ một ý kiến nào ngay trước khi chúng ta có đầy đủ bằng chứng và đã đi hết con đường lý luận để cảm thấy mình thực sự được/bị thuyết phục. Nói gọn hơn nữa, suy nghĩ có tính phê phán, trước hết, là một nghệ thuật đặt câu hỏi.
Xuất phát điểm của lối suy nghĩ có tính phê phán là nhiệt tình truy tìm sự thật và sự hoài nghi. Nên lưu ý: hai điểm này lúc nào cũng gắn liền với nhau. Nhiệt tình rất dễ biến thành một sự nhẹ dạ nếu không đi liền với sự hoài nghi. Nhưng nếu thiếu nhiệt tình đối với sự thật, sự hoài nghi chỉ dẫn đến thái độ phủ nhận sạch trơn để khư khư giữ lấy những thành kiến cũ kỹ cố hữu vốn rất thường thấy ở những kẻ lười biếng, cố chấp và cuồng tín.
Một sự hoài nghi gắn liền với nhiệt tình tìm kiếm sự thật như vậy không những là khởi điểm của lối suy nghĩ có tính phê phán mà còn là của kiến thức nói chung. Thánh Anselm, một nhà tư tưởng lớn thời Trung cổ, tuyên bố “Tôi hoài nghi, vậy tôi biết”. Lời tuyên bố ấy gợi hứng cho một câu nói khác, nổi tiếng hơn, của Descartes: “Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu”. Xin lưu ý: với Descartes, khởi thuỷ của cái gọi là tư duy ấy cũng là sự hoài nghi, hay nói theo chữ của ông, một thứ hoài nghi hệ thống (systematic doubt) hoặc hoài nghi khoa học (scientific doubt), sau này gắn liền với tên tuổi của ông: “Cartesian doubt”. Một thứ hoài nghi như vậy, thật ra, đã manh nha từ thời cổ đại với Socrates, người không ngừng đặt câu hỏi. Đặt câu hỏi về các khái niệm. Đặt câu hỏi về các tiền đề đằng sau các khái niệm ấy. Lúc nào cũng hỏi. Hỏi trở thành một trong những bài học lớn nhất mà Socrates để lại cho đời: “Socratic Questioning”.
Những bài học của Socrates và của Descartes không phải dễ thực hiện.
Trước hết, hoài nghi là một hành vi chống lại quyền lực. Theo Michel Foucault, bất cứ kiến thức nào cũng là quyền lực. Những điều chúng ta biết và tin, dù sai lầm và ấu trĩ đến mấy, cũng thường gắn liền với một số truyền thống nào đó. Mà truyền thống cũng lại là quyền lực: quyền lực của đám đông, và sau đám đông, quyền lực của cơ chế, từ các cơ chế xã hội đến các cơ chế chính trị, tất cả đều nhắm tới việc duy trì sự ổn định dựa trên tính ngoan ngoãn của con người.
Quan trọng hơn, hoài nghi cũng là một hành vi chống lại chính mình: cái “mình” nào cũng chủ yếu là sản phẩm của một nền văn hoá và một nền giáo dục nhất định, trong đó, có vô số điều không chính xác hoặc không còn chính xác nữa. Cái “mình” ấy cũng bị chi phối bởi vô số yếu tố hoàn toàn nằm ngoài lý trí và lý tính, những yếu tố hoặc mang tính bản năng hoặc gắn liền với thành kiến và quyền lợi. Bởi vậy, hoài nghi ít khi là một tính cách. Đó là một sự lựa chọn. Là một lựa chọn, hoài nghi cần sự tự ý thức, cần quyết tâm và cần tập luyện. Chỉ cần lơ đễnh một chút, người ta có thể đánh mất sự hoài nghi, nghĩa là, đánh mất sự suy nghĩ có tính phê phán, để trở thành nô lệ cho cảm tính và quán tính. Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy nhiều người, lúc này hoặc trong lãnh vực này thì rất có tinh thần phê phán, nhưng lúc khác hoặc đi vào lãnh vực khác thì trở thành nhẹ dạ hẳn.
Ngoài hoài nghi, lối suy nghĩ có tính phê phán còn một nguyên tắc khác nữa: lúc nào cũng cần chứng cứ. Theo nguyên tắc này, không có gì có thể được chứng minh là đúng nếu chưa có đầy đủ chứng cứ. Nhưng chứng cứ không phải là những gì có sẵn. Người biết hoặc muốn suy nghĩ có tính phê phán bao giờ cũng, trước hết, là người có khả năng tìm kiếm thông tin và biết cách xử lý thông tin. Cái gọi là xử lý thông tin ấy bao gồm bốn việc: một, xác minh tính khả tín của thông tin; hai, phân tích để tìm kiếm các quan hệ tiềm ẩn bên trong các thông tin ấy; ba, diễn dịch để tìm kiếm ý nghĩa đích thực của các thông tin ấy; và bốn, tập hợp các thông tin ấy lại theo một trật tự nhất định nào đó để tạo nên một khối tư liệu thống nhất nhằm chứng minh cho một luận điểm nào đó.
Nguyên tắc thứ ba của lối suy nghĩ có tính phê phán là phải tin cậy vào lý trí, nghĩa là: một, chỉ tập trung vào ý tưởng và sự kiện chứ không phải là con người; hai, phải tuân thủ các quy luật luận lý: không tự mâu thuẫn, không khái quát hoá vội khi chưa đủ chứng cứ, không nguỵ biện, v.v…
Nguyên tắc thứ tư là không được thành kiến. Là không được có kết luận trước khi đi hết con đường lý luận. Điều đó có nghĩa là, để suy nghĩ có tính phê phán, chúng ta phải thực sự trong sáng và cởi mở, hơn nữa, can đảm để sẵn sàng chấp nhận một trong hai điều vốn rất khó được chấp nhận trong hoàn cảnh và tâm lý bình thường: một, chấp nhận điều thoạt đầu mình tin hoặc muốn tin là sai; và hai, chấp nhận một ý kiến khác thoạt đầu mình không tin hoặc không thích, có khi xuất phát từ một kẻ hoặc một lực lượng thù nghịch, là đúng.
Dĩ nhiên, lối suy nghĩ có tính phê phán còn một số nguyên tắc khác. Nhưng kể thêm các nguyên tắc ấy, theo tôi, không quan trọng bằng nhấn mạnh lại điều này: Trong khi suy nghĩ là một điều tự nhiên (ai cũng suy nghĩ, ngay cả một đứa cực kỳ ngốc!), suy nghĩ có tính phê phán lại chỉ có thể là kết quả của giáo dục: Đó là điều người ta phải học và phải tập thường xuyên. Ngay từ nhỏ. Và kéo dài cả đời.
Nhưng học và tập không phải chỉ là chuyện của cá nhân. Cả hai đều gắn liền với hai môi trường: giáo dục và xã hội. Cả giáo dục và xã hội đều gắn liền với một yếu tố khác nữa: chính trị.
Có những nền chính trị sẵn sàng treo cổ những người suy nghĩ có tính phê phán.
Nguyễn Hưng Quốc
(Facebook Nguyên Hưng) 

Ngân hàng Việt Nam gửi 2.5 tỉ đôla “ế” ra nước ngoài

Tính đến đầu tháng 7, các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã gửi 2.5 tỉ đô la vào các ngân hàng nước ngoài vì không tìm được nơi để cho vay.

Nhân viên một ngân hàng thương mại ở Hà Nội đếm các tờ 100 đô la Mỹ. Các ngân hàng không thể cho vay số tiền đang ôm, nên đã phải mua đô la rồi đem gửi ở ngân hàng nước ngoài kiếm lời, phản ảnh tình trạng kinh tế bế tắc của Việt Nam hiện nay. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
 
Đó là thông tin mới nhất liên quan tới tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng thương mại ở Việt Nam, gián tiếp minh họa nền kinh tế không có gì sáng sủa. Thông tin này do ông Lê Xuân Nghĩa, cựu Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia công bố trong một hội thảo diễn ra tuần trước. Tháng trước, Tổng cục Thống kê của Việt Nam công bố hàng loạt chỉ số thống kê của sáu tháng đầu năm để cả quyết, tình hình kinh tế vĩ mô đang được cải thiện. Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia kinh tế và báo giới lại cùng cho rằng, niềm tin vào sự hồi phục kinh tế cả trong doanh giới lẫn công chúng Việt Nam đang tiếp tục suy giảm.

Cũng tháng 7, Ngân hàng HSBC công bố, trong hai tháng 5 và 6, chỉ số mua hàng của giới quản trị (PMI), sụt giảm đáng ngại, điều đó cho thấy doanh giới cũng vẫn hạn chế đầu tư.

Chuyện các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đem 2.5 tỉ đô la đi gửi các ngân hàng nước ngoài vì không tìm được nơi để cho vay được xem là một bằng chứng minh họa cho sự phản bác tuyên bố của Tổng cục Thống kê về “tình hình kinh tế vĩ mô đang được cải thiện”.

Theo một số chuyên gia kinh tế, ngoài việc ngần ngại đầu tư, khu vực xuất khẩu vốn được phép vay ngoại tệ và vẫn được xem là “đầu kéo tổng cầu của nền kinh tế” cũng càng lúc càng bi đát nên không có nhu cầu vay vốn khiến các ngân hàng thừa mứa ngoại tệ.

Khác với Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê Sài Gòn nhận định, lĩnh vực tín dụng không có chuyển biến đáng kể. Cơ quan này cho rằng các doanh nghiệp không muốn vay vốn vì lượng hàng tồn kho cao do “đầu ra” khó khăn. Cá nhân cũng hạn chế vay tiền do việc làm thu hẹp, thu nhập giảm.

Tiền “ế” nên các ngân hàng thương mại dùng tiền đồng mua ngoại tệ để gửi cho các ngân hàng nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước nhận định, đây chính là nguyên nhân khiến giá đô la tại Việt Nam tăng trong hai tháng 6 và 7.

Một số lãnh đạo ngân hàng thương mại than rằng, dẫu lãi suất cho vay đã giảm từ 18%/năm – 19%/năm xuống còn 9%/năm – 10%/năm, thậm chí giảm xuống chỉ còn 7%/năm nếu vay để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng “tăng trưởng tín dụng” của họ vẫn âm. Nhiều “khách hàng tốt” vẫn lắc đầu bởi… không có nhu cầu!

Chẳng riêng doanh nghiệp mà hệ thống ngân hàng thương mại cũng đang bế tắc vì kinh tế suy thoái. Trước đây, nếu tiền bị ứ, những ngân hàng này có thể gửi vốn cho thị trường liên ngân hàng để hưởng lãi suất 4%/năm – 5%/năm nhưng hiện nay, lối thoát này coi như đã tắc vì lãi suất tụt giảm chỉ còn từ 1%/năm – 1.5%/năm.

Tờ Sài Gòn Tiếp thị kể rằng, do doanh nghiệp chê vốn, gần đây, tuần nào các ngân hàng cũng giới thiệu những “gói cho vay tiêu dùng” kiểu mới, với dủ hình thức ưu đãi nhưng việc cho vay tiêu dùng vẫn không khả quan. Viên Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á than rằng, dù lãi suất cho vay mua nhà đã giảm hơn một nửa so với năm trước nhưng vẫn khó “khơi thông dòng chảy”, khách hàng vẫn chưa muốn vay tiền mua nhà.

Cũng theo mô tả của Sài Gòn Tiếp Thị, đã xuất hiện tình trạng các ngân hành tranh nhau giảm lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay của một số ngân hàng hiện chỉ còn 5%/năm – 6%/năm.
(Người Việt) 

Làm rõ thêm chân dung Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương

Kính gửi BBT Phần 6 của loạt bài liên quan đến thâu tóm ngân hàng Bảo Việt.
Xin cám ơn
-----------------
(Phần 6) Làm rõ thêm chân dung Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương
Trước khi bình luận việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chính là “vị Chính trị gia rất to” đứng giật dây phía sau và hành động “phản ứng quyết liệt” ấu trĩ, vội vàng của Nguyễn Sinh Hùng về việc dùng tư cách “đương kim Chủ tịch Quốc hội” để ký bừa công văn “CTQH yêu cầu giải quyết vụ Bảo Việt” gởi đến các cơ quan hữu quan sai nguyên tắc trong vụ thâu tóm Bảo Việt, thể theo nguyện vọng của nhiều độc giả, chúng tôi sẽ bổ sung trước các thắc mắc về thông tin liên quan đến Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương, mong độc giả đón đọc.
http://www.tienphong.vn/Cache/810/252810_450.jpg
Đại gia Hà văn Thắm
Hà Văn Thắm sở hữu bao nhiêu công ty?
Chỉ trong vòng có 6 năm mà “Đại gia” Hà Văn Thắm đã kịp sở hữu (công khai) chính thức 40 công ty, chưa kể các công ty Thắm đang “thâu gom” và các công ty Thắm gián tiếp sở hữu. Nhưng chỉ bấy nhiêu công ty thôi đã biết tay “Mafia Hà nội” này … mafia đến mức nào.
1. Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Vốn điều lệ 3,000 tỷ)
2. Công ty CP Đầu Tư Đại Dương Thăng Long (1,160 tỷ)
3. Công ty CP Khách Sạn Dịch vụ Đại Dương (1,000 tỷ)
4. Doanh Nghiệp tư nhân Hà Bảo (1,000 tỷ)
5. Công ty CP T&M Đại Dương (900 tỷ)
6. Công ty TNHH VNT (600 tỷ)
7. Công ty CP Thương Mại Và Kho Vận Thành Đông (402 tỷ)
8. Công ty Chứng khoán Đại Dương (300 tỷ)
9. Công ty CP Bán lẻ & Quản lý Bất Động Sản Đại Dương - ORC (300 tỷ)
10. Công ty CP Đầu tư & XD Sông Đà (300 tỷ) – Thắm “mượn” mẹ vợ (bà già Bùi Thị Cẩm Vân) đứng tên.
11. Công ty CP Sài Gòn Givral (226 tỷ - đã bán vào tháng 7/2012?)
12. Công ty Cổ phần VIPTOUR – TOGI (200 tỷ)
13. Công ty CP Đầu tư và Thương mại VNECO Hà Nội (100 tỷ)
14. Công ty CP Tân Việt (100 tỷ)
15. Công ty TNHH TM Và Du lịch Tràng Tiền Nha Trang (100 tỷ)
16. Công ty TNHH Sao Hôm (100 tỷ)
17. Công ty CP Đầu tư IOC - Sunrise Hội An (100 tỷ)
18. Côngty CP Phát triển Tài Nguyên Thiên Nhiên Đại Dương (150 tỷ)
19. Công ty Fafilm Việt Nam (96 tỷ)
20. Công ty CP Suối Mơ (90 tỷ)
21. Công ty CP VietCom (60 tỷ)
22. Công ty CP Du lịch Dầu khí Phương Đông (50 tỷ)
23. Công ty Nông Lâm Sản Đại Dương (50 tỷ)
24. Công Ty Vietcans Liên Doanh (46.5 tỷ)
25. Công ty Truyền thông Đại Dương (40 tỷ)
26. Công ty CP Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Hapaco (30 tỷ)
27. Công ty CP Bánh Givral CN Hà Nội (30 tỷ)
28. Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bảo Minh (30 tỷ)
29. Công ty Fafilm TP HCM (30 tỷ)
30. Công ty truyền thông Đại Dương - Kim Cương (20 tỷ)
31. Công ty Cổ phần truyền thông TV shopping (10 tỷ)
32. Công ty CP Tràng Tiền (6 tỷ)
33. Công ty CP BSC Việt Nam (6 tỷ)
34. Công ty CP Bảo Linh (5 tỷ)
35. Công ty Kem Tràng Tiền (6.3 tỷ)
36. Công ty Starbowl (chưa xác định vốn)
37. Công ty CP Phát triển Thương mại Dịch vụ Hà Thành (chưa xác định vốn )
38. Công ty CP Đầu tư Phát triển và Kinh doanh Công trình Công nghiệp Việt Sing (chưa xác định vốn )
39. Công ty CP Đầu tư và Tư vấn Tài chính Liên Việt (chưa xác định vốn).
40. Công ty TNHH Phương Bắc (chưa xác định vốn)
Vốn điều lệ ở đây chỉ là con số tương đối, không đánh giá được giá trị thực của doanh nghiệp, chẳng hạn chỉ riêng phi vụ thâu tóm Kem Tràng tiền, Thắm đã bỏ 500 tỷ đồng để mua lại từ “người nhà” (gồm “người thân” Nguyễn Thị Lan Hương mà chúng tôi sẽ đề cập bên dưới và anh trai Hà Trọng Nam). Ý đồ của Thắm manh nha từ rất lâu trước khi dùng các thế lực ngầm để thâu tóm vào đúng lúc Kem Tràng Tiền thực hiện cổ phần hóa, khiến ông Lê Kim Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tràng Tiền khi ấy phải thốt lên: “Có một nhóm cá nhân ngoài công ty có tiềm lực tài chính đang tìm cách thôn tính toàn bộ doanh nghiệp của chúng tôi. Đến 15/10/2011, họ đã dùng số tiền lớn mua ngầm khoảng 80% số cổ phiếu của công ty”. Vụ việc bị đưa ra ánh sáng năm 2008 khi ông Hà Trọng Nam (anh trai Hà Văn Thắm), người nắm giữ hơn 92% cổ phần được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Và gần đây, tháng 7/2013, Thắm đã “công khai” bỏ ra 500 tỷ đồng để chính thức sở hữu thương hiệu Kem Tràng Tiền và khu đất vàng 1.500m2 mà Tràng Tiền sở hữu trị giá không dưới 1.500 tỷ đồng. Thắm sẽ còn “kiếm bộn” khi dựng lên khu tổ hợp dịch vụ, ngân hàng, căn hộ cao cấp tại khu vực này.
Đại gia Hà Văn Thắm giàu thứ mấy trên sàn chứng khoán?
Chỉ tính riêng số liệu chứng khoán, Hà văn Thắm đã sở hữu gần 3,000 tỷ đồng, trong đó trực tiếp hoặc gián tiếp nắm giữ: OceanBank (OJB): 243,959,987 CP; Bảo Việt Bank (BVB): 14,608,000 CP; TRUSTBANK: 254,751,970 CP; PVFC: 5,000,000 CP;… Như vậy, số liệu mà VNExpress thống kê cho rằng đại gia Hà văn Thắm chỉ giàu thứ 9 trên sàn chứng khoán là không chính xác, trên thực tế, Thắm chỉ đứng sau vợ chồng Phạm Nhật Vượng và bầu Đức. Đấy là chưa kể đến các khối bất động sản cực lớn và 10,000 tỷ trái phiếu chính phủ mà Thắm thu gom được nhờ mối quan hệ lợi ích của mình là Phó thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng!
Bản chất con người Hà Văn Thắm
Nắm một khối tài sản khổng lồ như thế, nhưng vị đại gia sinh năm 1972 gốc Bắc Giang trong cuộc sống đời thường là người như thế nào? Trái với vẻ ngoài đạo mạo, lịch lãm, bản chất Thắm là kẻ cơ hội và rất tham lam, vì sự nghiệp đại gia của mình đã uốn lưng làm đàn em Hoàng Chánh, Nguyễn Hồng Phương để cùng “phò” vị “minh chủ” Nguyễn Sinh Hùng, từ mối quan hệ này Thắm đã nhanh chóng thâu gom, nhanh chóng nâng khối tài sản của mình ngày một khổng lồ. Thường nhật, Thắm là kẻ hời hợt, lạnh lùng, rất tham lam và đặc biệt là … dâm (theo nghĩa đen). Âu cũng là lẽ thường đối với các đại gia “no cơm ấm cật” nhưng Thắm bỉ ổi ở chỗ là suốt ngày khuyên bảo người dưới phải sống cho đàng hoàng tử tế, phải có trách nhiệm với vợ con, gia đình. Còn riêng Thắm thì sao? Từ sau khi thâu tóm thành công Ngân Hàng TMCP Nông Thôn Hải Hưng, với sự “đỡ đầu” của Hoàng Văn Chánh và Nguyễn Sinh Hùng, sự nghiệp kinh tài của Thắm thăng hoa thì cùng lúc bản chất dâm ô bắt đầu bộc lộ. Các chuyến công tác của Thắm là những ngày ăn chơi trụy lạc liên miên với các em chân dài.
Ngay trong OCG, tiêu chuẩn tuyển người của Thắm cũng rất đặc biệt, các nhân sự tiếp xúc hàng ngày phải là các em xin tươi, trình độ không cần thiết lắm nhưng sexy phải thuộc hàng đỉnh. Phó TGĐ Quang (phụ trách CNTT) cũng nhiều lần rỉ tai đồng nghiệp: Chủ tịch HĐQT là độc giả trung thành của các website khiêu dâm, sau đó biến phòng làm việc thành nơi hành lạc tại chỗ với các em nhân viên xinh đẹp.
Người của Tập đoàn Đại Dương cũng không thể quên trận đánh ghen “kinh dị” của vợ thắm (chị Hồ Thị Quỳnh Nga, hiện là phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam) năm 2012, nhưng cũng duy nhất có lần ấy và chị đã tha thứ cho Thắm sau vài ngày Thắm xuất tuyệt chiêu đem cả mẹ ruột gần 80 tuổi ra thề thốt. Nhưng rồi ngựa quen đường cũ, đánh chết cái nết không chừa, chuyện dâm dật của Thắm ở OCG thì ai cũng biết, nhất là những người thư ký, trợ lý, luật sư của Thắm, nhưng chị Nga thì có lẽ bị “cách ly” nên không hề biết những chuyện này, ngay cả bà Bùi Thị Cẩm Vân (mẹ ruột chị Nga) cũng vì lợi ích của gia đình mà bảo vệ uy tín “chàng rể quý”, khi được nghe về sự trác táng của Thắm, bà nói “Trai anh hùng 5 thê bảy thiếp, chuyện đó là bình thường thôi, cấm chúng mày nói lại với cái Nga, nó mà lại lồng lộn lên thì hỏng…”, cũng không ngạc nhiên khi bà và cậu con trai Hồ Vĩnh Hoàng (Hoàng Tosy) đang nắm giữ trọng trách “quản lý” một số tài sản khổng lồ cho chàng rể.
Chỉ tội cho chị Quỳnh Nga, chị đâu biết rằng, sau lưng chị, mỗi lần đi công tác Thắm đều “xách theo” một vài em chân dài, thậm chí ở văn phòng tập đoàn, mỗi khi Thắm làm việc thì cấm tiệt không cho ai lên gần khu vực phòng chủ tịch HĐQT nếu không báo trước, gắn camera theo dõi khắp nơi để “cảnh giới”. Chị Nga cũng không biết rằng Thắm thường xuyên nói xấu chị với các em nhân tình, nào là “tính tình cáu bẳn, bần tiện”, “chỉ là cái máy đẻ”,… Thật bất bình cho chị, khi lần lượt sinh cho Thắm 3 đứa con xinh xắn từ 2004 đến 2012.
Ngoài cây nhà lá vườn là các em thư ký, trợ lý, luật sư thì giới Showbiz cũng không xa lạ với Thắm, nổi lên là J.P khi ký kết hợp đồng quảng cáo với khách sạn Star City (trực thuộc OCH của Thắm), J.P đã trở thành người tình một đêm của Thắm, sau khi thử hàng, Thắm có kể với đám đàn anh trong cuộc trà dư tửu hậu: “Cũng thế mà thôi, chỉ được cái xinh xắn bề ngoài chứ trong thì nhão nhoẹt rồi”.
Là người đặc biệt mê tín, Thắm sẵn sàng loại bỏ bất kỳ nhân sự nào không “hợp tuổi” hoặc sẽ đem lại những vận xui cho Thắm, “Lan Hương” là trường hợp ngoại lệ, dù tuổi không hạp, thậm chí là xung khắc nhưng làm người tình thì tuyệt vời, Thắm đã từng bước dìu cô bé 22 tuổi ngày nào thành người đàn bà thuần thục, phối hợp “nhuần nhuyễn” với Thắm trong những tư thế “đỉnh cao”. Bù lại, Lan Hương cũng nhận được những quyền lợi không nhỏ chút nào, sơ bộ, Hương được “sở hữu” Công ty CP T&M Đại Dương (với 900 tỷ vốn điều lệ); tréo ngoe là lại được hợp tác với mẹ của “tình địch” sở hữu Công ty CP Đầu tư & XD Sông Đà (300 tỷ vốn điều lệ); ngoài ra còn sở hữu lượng lớn cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn Đại Dương, Kem Tràng Tiền, Bảo Việt,… Người trong tập đoàn không ai không biết quan hệ giữa Thắm và Hương, chỉ có chị Quỳnh Nga và chồng “chính thức” của Hương là không biết. Ngoài làm việc ngay tại phòng Chủ tịch HĐQT, Hương còn thường xuyên được tháp tùng Thắm trong những chuyến công tác dài ngày (nhưng Lan Hương cũng không phải là người duy nhất trong tập đoàn đã qua tay Thắm).
Hôm nay Thắm đi công cán Singapore, đồng thời suy nghĩ về việc giải trình với cơ quan điều tra về việc 82.5 tỷ “uỷ thác đầu tư” cho bà mẹ vợ đã chạy vòng vòng như thế nào cho êm thắm, chuyện làm sổ tiết kiệm giả cho “bà Vân” đã bị lộ, chắc chắn Thắm sẽ tìm cách làm lại sổ sách của OCH và dùng doanh nghiệp này “cấn trừ” để đánh lừa cơ quan điều tra.
Không biết sau việc này, “Đảng viên” Hà Văn Thắm có bị Đảng kỷ luật vì vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống theo “Nghị quyết TW4” không? Riêng chị Quỳnh Nga, chúng tôi chỉ khuyên chị nên tỉnh táo để bảo vệ hạnh phúc gia đình; bà Cẩm Vân đã già rồi, không nên vì miếng mồi danh lợi mà quên đi hạnh phúc của con gái, anh chồng khờ của Lan Hương hãy giữ lấy vợ mình cho chắc, đừng để có ngày phải “đổ vỏ” cho Hà văn Thắm.
Bài tiếp theo chúng tôi sẽ quay lại chuyện của “ngài” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các hành động “phản ứng quyết liệt” của Nguyễn Sinh Hùng trong vụ thâu tóm ngân hàng Bảo Việt. Và kèm theo các chứng cứ việc Thắm “chửi” ông Lê Hồng Anh và đòi “đuổi” Thống đốc Nguyễn Văn Bình ra khỏi Ngân hàng Nhà nước, rất thú vị!
Những người khốn khổ của Bảo Việt Bank

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét