Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Bài viết đáng chú ý - Nhờ đâu vẫn còn nước Việt Nam?

Phan Đình Trọng - Lại cấm!


Cán bộ quản lí Nhà nước yếu kém và lười biếng, sợ việc, sợ trách nhiệm, quen lối quản lí bằng mệnh lệnh hành chính vừa dễ dàng, vừa nhàn nhã, lại phô trương được quyền uy vì thế cứ cái gì phức tạp, khó quản lí liền ra lệnh cấm đoán là xong . Nghị định 72/2013 qui định: Trang thông tin cá nhân trên mạng internet chỉ được đưa tin của chính mình, không được trích dẫn, tổng hợp tùy tiện thông tin từ các cơ quan báo chí là sản phẩm của cách quản lí đó! Đó là một mệnh lệnh hành chính vi Hiến, là sự cấm đoán tước đoạt quyền Con Người.
Nghị định 72/2013 được ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kí ngày 15. 7. 2013 và ban hành ngày 31. 7. 2013. Các ông lãnh đạo bộ Thông tin – Truyền thông đề xuất và viết dự thảo Nghị định, ông Thủ tướng kí Nghị định 72/2013 đều là những ông Cộng sản bự, các ông có nhớ ông Mác, người khai sinh ra chủ nghĩa Cộng sản, khai sinh ra mô hình Nhà nước Cộng sản của các ông viết về Con Người như thế nào không? Ông Mác viết rất chí lí rằng: Con Người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội.
Chỉ có con vật mới chỉ biết bản thân nó. Con Người là sinh vật xã hội. Phần sinh vật là phần di truyền do cha mẹ sinh ra. Phần xã hội do Con Người đó tự sinh ra mình bằng cách tiếp nhận nền văn hóa xã hội của loài Người để hình thành nên Con Người xã hội của mình. Con Người xã hội không thể tách ra khỏi xã hội. Con Người xã hội sống không thể chỉ cho riêng mình.
Ngay từ thời xã hội Việt Nam còn trì trệ trong nền văn minh nông nghiệp cơ bắp: Trên đồng cạn, dưới đồng sâu / Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa, còn khép kín trong văn hóa làng xã: Phép vua thua lệ làng, con người xã hội đã được đề cao: Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, nước nhà thịnh suy, mọi người Dân đều phải quan tâm, đều phải có trách nhiệm.
Đi qua nền văn minh nông nghiệp, bước vào nền văn minh công nghiệp, Con Người xã hội không phải chỉ quan tâm lo toan đến những vấn đề của quốc gia, dân tộc mình mà còn phải bận tâm nghĩ suy, tham gia kiến giải những vấn đề của hành tinh, của loài người.
Ngày nay loài người đã đi qua nền văn minh công nghiệp, bước vào nền văn minh tin học. Không phải chỉ rút ngắn mọi khoảng cách không gian, thời gian, nền văn minh tin học còn nâng Con Người xã hội lên vị trí rất cao. Với văn minh tin học, mọi người Dân bình thường đều tiếp cận được với những vấn đề đang đặt ra của đất nước mình và của thế giới.
Văn minh công nghiệp đã thỏa mãn được những nhu cầu rất cao của Con Người sinh vật. Văn minh tin học lại đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của Con Người xã hội, nâng cao vị trí của Con Người xã hội, mở rộng những vấn đề quan tâm, lo toan của Con Người xã hội. Thế mà giữa thời văn minh tin học ở một Nhà nước vẫn tự nhận là đỉnh cao trí tuệ lại có nghị định buộc trang thông tin cá nhân trên mạng toàn cầu chỉ được đưa tin về chính mình, không được trích dẫn, tổng hợp thông tin từ các cơ quan báo chí! Cấm người Dân không được trích dẫn tổng hợp thông tin từ các cơ quan báo chí thực chất là cấm người Dân bàn luận, kiến giải những vấn đề các cơ quan báo chí đã thông tin.
Những trang facebook, blog, website dù của cá nhân nhưng không phải chỉ là những trang nhật kí cá nhân, chỉ chứa đựng thông tin cá nhân. Nếu chỉ là trang nhật kí, thông tin cá nhân thì chả cần dùng internet, chẳng cần phải lên mạng toàn cầu. Facebook, blog, website là công cụ không thể thiếu của Con Người xã hội thời văn minh tin học để Con Người xã hội được bộc lộ chính kiến về những vấn đề xã hội, để Con Người xã hội của những người Dân bình thường được thể hiện mình, được tham gia bàn bạc, kiến giải những vấn đề xã hội của đất nước, của loài người. Facebook, blog, website cho người Dân được sử dụng tốt nhất quyền tự do ngôn luận đóng góp cho xã hội.
Nghị định 72/2013 buộc những trang thông tin cá nhân trên mạng internet chỉ được đưa tin cá nhân, không được trích dẫn, tổng hợp lại thông tin trên báo chí đã vi phạm điều 69 Hiến pháp hiện hành: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Nghị định 72/2013 đã chống lại một tư tưởng Nhân văn hiếm hoi của chính Nhà nước Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra. Nếu không chống lại thì nghị định 72/2013 đã vạch trần sự giả dối, nói một đằng làm một nẻo của Nhà nước Cộng sản Việt Nam khi những quan chức lãnh đạo Nhà nước Cộng sản Việt Nam miệng leo lẻo nói Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra nhưng tay lại ném vào mặt Dân nghị định 72/2013 cấm Dân không được bàn luận những vấn đề xã hội trên những trang thông tin cá nhân mạng internet.
Nghị định 72/2013 cũng tước đoạt một quyền cơ bản trong những quyền đương nhiên của Con Người, quyền: “Mọi Người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới.” (Tuyên ngôn quốc tế Nhân Quyền được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua từ năm 1948 và Nhà nước Việt Nam kí kết thực hiện từ năm 1982)
Nghị định 72/2013 buộc các trang mạng xã hội của cá nhân chỉ được đưa thông tin cá nhân, không được trích dẫn, tổng hợp thông tin của các cơ quan báo chí đã thô thiển, thấp hèn hóa Con Người, là một nghị định lạc lõng với thời đại.
Những trí thức thực sự có tầm hiểu biết sâu rộng, đương nhiên trang mạng cá nhân của họ không thể thiếu những bài viết về những vấn đề xã hội với những phát hiện sâu sắc ở góc nhìn văn hóa. Những bài viết đó vô cùng có ích cho xã hội, càng có ích cho nhà quản lí xã hội. Cấm trang mạng cá nhân của trí thức không được bàn những vấn đề xã hội, chỉ được đưa thông tin cá nhân, nghị dịnh 72/2013 là một nghị định ngu Dân.
Một nghị định Nhà nước thời tin học mà cấm trang thông tin cá nhân trên mạng internet không được đưa thông tin xã hội, chỉ được đưa thông tin về chính mình thì Con Người xã hội của người soạn thảo nghị định nhỏ bé đến mức như không có. Không có Con Người xã hội, chỉ có Con Người sinh vật, Con Người đó lại ở vị trí quản lí Nhà nước là thảm họa cho người Dân, là điều xỉ nhục cho một đất nước văn hiến.
Nghị định 72/2013 là sự hốt hoảng của một Nhà nước độc tài trước sự lớn mạnh nhanh chóng, mạnh mẽ của những trang cá nhân nói tiếng nói thẳng thắn, trung thực của người Dân về những vấn đề xã hội hàng ngày và những vấn đề khẩn thiết của đất nước. Thẳng thắn, trung thực, những tiếng nói đó không thể đồng thuận, nương nhẹ với những chủ trương, chính sách và việc làm của một Nhà nước tham nhũng đang đi ngược lại lợi ích của người Dân
Với một Nhà nước dân chủ, người Dân tham gia luận bàn, kiến giải những vấn đề xã hội được thông tin trên báo chí là điều quá bình thường, lành mạnh. Càng có nhiều ý kiến phản hồi ngược chiều về những vấn đề xã hội của người Dân, Nhà nước càng mở rộng tầm nhìn, càng có thêm nhiều góc nhìn và điểm sáng tư duy, càng năng động kịp thời điều chỉnh những hoạt động của Nhà nước phù hợp với cuộc sống và lòng Dân. Với Nhà nước độc tài, quen độc quyền chân lí, độc quyền lẽ phải, coi mọi ý kiến khác biệt đều là “thế lực thù địch” và khi “thế lực thù địch” xuất hiện đông đảo, mạnh mẽ trên các trang mạng cá nhân thì hốt hoảng đến rối trí vội ban hành nghị định 72/2013: Cấm! Cấm! Cấm!
Tôi mong cơn hốt hoảng mau qua đi, những người soạn thảo nghị định 72/2013 bình tĩnh, tỉnh táo, khôn ngoan trở lại mà ngôn ngữ dân gian nói là “khôn hồn” thì chỉnh sửa lại ngay ghị định 72/2013, bãi bỏ ngay nội dung tước đoạt quyền Con Người, thấp hèn hóa Con Người và ngu Dân khi qui định, trang mạng xã hội của cá nhân chỉ được đưa thông tin cá nhân, không được trích dẫn, tổng hợp thông tin trên các cơ quan báo chí.
Phan Đình Trọng
(Blog Bà Đầm Xòe)

HR 1897: Nước cờ đầu tiên của thế “triệt buộc”

Độ mở của Washington tùy thuộc vào thái độ bớt khép kín của Hà Nội. Ngay trước mắt, giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam đã có thể bắt đầu nghĩ đến một khả năng “hòa hợp hòa giải” với chính thể, để cùng giữ cho đất nước này tránh thoát khúc quanh đầy tai biến trong những năm tháng tới.

Ba ngày sau
Chuyến đi của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đến Washington vào cuối tháng 7/2013 đã “gặt hái” được một kết quả gián tiếp nhưng tức thì: chỉ ba ngày sau kết thúc hội đàm Obama – Sang, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Luật nhân quyền Việt Nam với số hiệu HR 1897 với số phiếu áp đảo.
Có vẻ đúng như báo Nhân dân – cơ quan ngôn luận của Đảng – đã định hướng, một “chương” mới cho quan hệ Mỹ – Việt đang mở ra.
HR 1897 cũng là văn bản đầu tiên xác nhận mối liên đới giữa hai nhà nước với nhau, thay cho cuộc hội đàm Sang – Obama khá ngắn ngủi mà đã không hiển lộ bất cứ kế hoạch triển khai chi tiết nào, ngoài bản tuyên bố chung với hình thức khá giống một thông cáo báo chí.
Chỉ có điều, báo chí quốc tế lại đã không làm tròn phận sự của mình. AP, CNN, AFP hay nhiều hãng truyền tin khác đã tỏ ra thờ ơ một cách đáng bị khiển trách, lồng trong bầu không khí trầm mặc tại sân bay quân sự Andrew không thảm đỏ và cũng không có cả đội danh dự.

Một phát ngôn có tính an ủi “hướng về tương lai” hóa ra lại thuộc về John Kerry – cựu binh Mỹ ở chiến trường Nam Việt Nam và cũng là người đã không ít lần bác bỏ bản dự luật nhân quyền Việt Nam do Hạ nghị viện chuyển qua Thượng nghị viện.
Bữa ăn trưa Kerry – Sang ngồn ngộn những tính từ ngoại giao và làm đầy đặn cho dạ dày xã giao, nhưng không khỏa lấp được hương vị của hai bản dự luật nhân quyền đang lan tỏa.
Giới quan chức Việt Nam có lẽ vẫn băn khoăn: liệu vào năm sau (2014), Ngoại trưởng Mỹ có thể một lần nữa không quan tâm đến Luật nhân quyền Việt Nam?
“Triệt buộc”
Hình như người Mỹ đã tính toán sao cho hợp lý vào trước, trong và nhất là sau chuyến đi của ông Sang đến Nhà trắng. Phái đoàn nghe nói đông đến 200 người của Chủ tịch nước Việt Nam, ngoài việc được đón tiếp ngang cấp đại sứ ở sân bay, đã không có cơ hội bước lên diễn đàn để “tôn giáo vận” và cao hơn nữa là “địch vận” trong lòng Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.
Năm chức sắc tôn giáo của Việt Nam cũng bởi thế đã không hiển minh được chính kiến của họ về “thực tế sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam”.
Y Ky Ê Ban – mục sư Tin Lành trong cơ số chiếm trọn một chiếc máy bay – là một minh họa điển hình. Sau chuyến đi lặng lẽ và âm thầm trở về thành phố sương mù ngầy ngật mùi cà phê Ban Mê Thuột, ông mục sư này đã cho một tổ chức truyền thông xã hội biết rằng trong suốt những ngày ở nước Mỹ, ông đã không tiếp xúc với bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào người Mỹ hay người Việt lưu vong.
Cũng có nghĩa là đã không có một cuộc “điều trần” nào của phái đoàn ông Trương Tấn Sang trước Ủy ban về tự do tôn giáo và Ủy ban đối ngoại của Hạ nghị viện Hoa Kỳ – một trạng thái không giống với nghị trình đã được phía Việt Nam và cả các dân biểu tranh đấu cho tự do nhân quyền của Mỹ lập trình chu đáo trước đó.
Có thể Chris Smith – Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ nghị viện Mỹ – đã “đi đêm” với Tổng thống Barak Obama về việc không cần nghe một lời thanh minh nào thêm từ phía Việt Nam.
Cũng cho tới nay, vẫn không có bất cứ tin tức bàn thảo nội bộ nào trong cuộc gặp Obama – Sang được tiết lộ từ phòng Bầu Dục. Tuy không có bằng chứng nào về việc Obama đã “lên án” Hà Nội về vấn đề nhân quyền như một số nghị sĩ Mỹ đề xuất, nhưng cũng không có chứng minh nào đủ thuyết phục về chuyện Tổng thống Mỹ đã quay lưng với những người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam.
Logic của vấn đề có thể được diễn đạt: một khi không cần đến sự diễn giải của phái đoàn ông Sang về nhân quyền, người Mỹ đã chưa nhìn thấy điều được gọi là “thành tâm chính trị” thể hiện rõ nét trong chuyến đi vừa qua, và do vậy người Mỹ tự cho mình cái quyền đẩy Hà Nội vào tình thế đánh đố nhiều hơn là gợi mở.
Với HR 1897, có thể coi đó là thế “triệt buộc”.
Sân khấu vẫn ẩn giấu sau một tấm màn khép kín mà chưa viễn tượng ra tương lai.

“Hòa hợp hòa giải”
Tương lai ấy, Nhà nước Việt Nam đã không thể có cơ hội tiếp cận bằng chính xúc giác của họ trong chuyến đi Washington vừa qua. Từ TPP đến “đối tác chiến lược” và vũ khí sát thương, tất cả đều không hé lộ một triển vọng nhanh chóng nào.
Thế nhưng, việc thông qua Luật nhân quyền Việt Nam chỉ ít ngày sau cuộc gặp Obama – Sang và trước thời hạn quy định của Hạ viện Mỹ lại là lời đánh đố mở màn, như biểu lộ động thái cần nhanh chóng làm cho Hà Nội hiểu rằng họ đang ở vào năm 2013 chứ không còn là năm 2006 – thời điểm mà Nhà nước Việt Nam được “bóc tách” khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo (CPC), để chuẩn bị cho cuộc tiến chiếm bàn tròn WTO với tư cách là thành viên thứ 150.
Rất có thể, người Mỹ đang chơi bài theo cách của Bắc Kinh, với những nhấn nhá và điểm xuyết cho bức tranh quan hệ hữu hảo có điều kiện.

Và không thiếu ràng buộc…
Bài học mà người Mỹ có lẽ đã không ít lần ôn lại là kể từ khi không còn nằm trong danh sách CPC vào năm 2006, tình hình nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam lại trở nên “tự do” đến mức mà giới quan sát phương Tây phải yêu cầu chính quyền Mỹ đóng cửa quan hệ với Hà Nội.
Nếu Trương Tấn Sang đã tâm tư thành thật bằng vào hành động ẩn dụ trao cho Obama bản sao bức thư của ông Hồ Chí Minh đề nghị Tổng thống Mỹ Harry Truman “giúp đỡ Việt Nam” vào năm 1946, thì sau gần bảy chục năm, liệu người ta có thể ghi nhận một “thành tâm chính trị” nào đó của Hà Nội, ít nhất bằng vào một động thái giải tỏa nhân quyền đối với giới nhân sĩ và trí thức dân chủ vẫn còn trong vòng “cưỡng chế” nơi đây, để đổi lại quy chế TPP, như đã từng đánh đổi quy chế tối huệ quốc vào năm 2000?
Cách chơi bài của người Mỹ là kiểu cách với điếu xì gà trên miệng cùng những vòng khói tỏa ra từ lỗ mũi thâm sâu của người Trung Hoa. Bầu không khí ấy có vẻ không hứa hẹn một viễn cảnh được phác ra sớm sủa, mà có lẽ sẽ kéo dài theo một quy luật được tích tụ từ dĩ vãng: độ mở của Washington tùy thuộc vào thái độ bớt khép kín của Hà Nội.
Sau chuyến đi được đại sứ Hoa Kỳ David Shear xem là “cơ hội lịch sử”, mọi chuyện đang rẽ sang một khúc quanh mới. Hợp tác quân sự ở Biển Đông, TPP và cả chủ đề dân chủ nhân quyền đều đang hé lộ triển vọng, ít nhất trên phương diện hứa hẹn.
Nhưng ngay trước mắt, giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, với sứ mệnh không chỉ phản biện xã hội mà còn đóng vai trò cầu nối giữa chế độ và quốc tế, đã có thể bắt đầu nghĩ đến một khả năng “hòa hợp hòa giải” với chính thể, để cùng giữ cho đất nước này tránh thoát khúc quanh đầy tai biến trong những năm tháng tới.

Phạm Chí Dũng
(BVN) 

Lý giải vì sao Việt Nam cấm chia sẻ thông tin trên mạng xã hội

Chính phủ Việt Nam đã công bố một nghị định mới liên quan đến việc chia sẻ tin tức trực tuyến. Nghị định mới này sẽ cấm các cá nhân chia sẻ thông tin trên các trang mạng xã hội như Facebook và một số trang khác. Theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử:
“Trang thông tin cá nhân không được trích dẫn thông tin tổng hợp, tức là không được trích dẫn thông tin từ các cơ quan báo chí hay các trang web của cơ quan nhà nước”.
Nghị định này cũng cấm:
“…thông tin chống lại Việt Nam, phá hoại an ninh quốc gia, trật tự xã hội, và đoàn kết dân tộc [...] hoặc những thông tin xuyên tạc, vu khống, và bôi nhọ uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.
Các hãng truyền thông như ABC, Bangkok Post, và Saigoneer đã phản đối nghị định mới này, cho rằng nó có liên quan chặt chẽ với hành vi vi phạm nhân quyền. Nhưng những người trong ngành cho biết có hai khía cạnh để nhìn nhận vấn đề này.
Nghị định này thực sự liên quan đến một trường hợp mà nhiều người đã biết đến hồi đầu năm nay, trong đó Báo Mới – một trang tập hợp tin tức, đã bị kiện bởi một tờ báo địa phương cho rằng trang này vi phạm bản quyền. Nghị định này ra đời như một cách để bảo vệ báo chí cũng như quyền tác giả và các doanh nghiệp của họ. Nói cách khác, nghị định này nghiêm cấm việc sao chép và dán lại nội dung tin tức từ các trang chính thống sang các trang mạng khác, cụ thể là các trang mạng xã hội như blog, Facebook và Twitter.
Đấu tranh để tồn tại
Có lẽ nhiều hơn bất kỳ ngành nghề nào khác tại Việt Nam, ngành báo chí hiện đang bị tấn công nghiêm trọng. Chủ yếu là do việc sao chép và dán lại các bài viết tràn lan trên các trang mạng khác. Ví dụ, chúng ta hãy nhìn vào một bài viết về hàng nhái Apple tại Việt Nam vào tháng trước. Trong hai ngày qua, bài viết này đã được lưu hành tại Việt Nam với tên “Đức Nam từ trang Infonet“. Bài viết không trích nguồn cụ thể do ai viết và cũng không kèm rõ link của TechinAsia. Nhưng điều này không chỉ xảy ra đối với các bài dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt (mặc dù nó xảy ra trên một quy mô lớn), việc này cũng sẽ xảy ra giữa các trang web tin tức tiếng Việt với nhau.
Ngay cả các trang tin tức phổ biến nhất Việt Nam cũng sao chép và dán lại nội dung và chỉ cần viết “Bài viết trích từ…” ở dưới cùng của một bài báo. Đa số các bài viết đều không được dẫn link liên kết đến trang gốc. Vấn đề này đã làm các hãng tin, người đã bỏ tiền và công sức để đưa ra những bài viết hay, nhận về số doanh thu ít ỏi và không nhận được số truy cập xứng đáng với những gì họ bỏ ra. Nói cách khác, một số trang web trên mạng chỉ sao chép và dán lại nội dung một cách miễn phí nhưng lại được thu nhiều lợi nhuận.
Vietnam-bans-social-news-sharing

Đối với các hãng tin trên toàn thế giới, điều này đang là mối quan tâm nghiêm trọng và họ bị đe dọa bởi các loại phương tiện truyền thông trực tuyến mới cũng như trích dẫn và sao chép nội dung đăng lại tại các trang blog. Nghị định mới nhất này đưa ra nhằm hạn chế những vị phạm trên.
Hạn chế chia sẻ tin tức
Xét theo một khía cạnh thì nghị định này có những tác động rõ ràng hơn với nhiều người. Nghị định này không nói chính xác chính quyền có kế hoạch giám sát những hoạt động trực tuyến đối với các cá nhân vi phạm tin tức trên những trang web xã hội ra sao, và cũng không đề cập cụ thể đến những hình phạt. Phương tiện truyền thông xã hội cũng là một thuật ngữ rất mơ hồ trong nghị định này vì ‘truyền thông xã hội’ bao gồm một số lượng lớn các hoạt động trên mạng Internet. Trang Tin tức của Úc dịch rằng, “Blog hoặc các trang web truyền thông xã hội như Facebook và Twitter chỉ được ‘sử dụng để cung cấp và trao đổi các thông tin cá nhân’” tại Việt Nam khi nghị định này được ban hành vào tháng Mười một tới đây. Điều này cũng có nghĩa là chính quyền có thể sử dụng nghị định mới này để truy tố các cá nhân chia sẻ tin tức mà họ xem là không phù hợp hoặc mang nội dung bất tiện.
Chắc chắn, nghị định này đang là mối quan tâm rất lớn vì nhiều blogger Việt Nam đã bị truy tố và bị bắt giữ trong thời gian vừa qua. Nhưng nếu nghị định này thực sự được ban hành thì còn nhiều câu hỏi sẽ phát sinh.
Thực thi và trừng phạt
Hiện nay vẫn chưa rõ ràng liệu chính phủ có kế hoạch giám sát những hoạt động này như thế nào. Để thực thi việc này thì các chức trách sẽ cần xem và đọc các bản status cập nhật của tất cả những người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam. Theo số liệu mới nhất, Facebook hiện có hơn 12 triệu người sử dụng, và Zing Me – một mạng xã hội cây nhà lá vườn do Việt Nam xây dựng, hiện có khoảng 12 triệu người thành viên. Đây còn chưa kể đến các trang mạng xã hội mới như HaiVL, trong đó có hơn hai triệu lượt truy cập mỗi ngày, và trang Twitter. Tổng số người sử dụng mạng internet tại Việt Nam hiện đang ở mức khoảng 36 triệu người. Nghị định này cũng không nêu rõ trang mạng xã hội nào họ muốn giám sát. Chỉ có thể nói rằng việc giám sát hết tất cả những lưu lượng truy cập trên các trang mạng xã hội ngày nay là điều không tưởng.
Nghị định này cũng không nêu rõ các quan chức nhà nước sẽ trừng phạt những người vi phạm như thế nào. Do đó, nhiều người cảm nghị định này tương tự như việc thực thi các vụ kiện tụng chống Napster tại Mỹ cách đây vài năm trước. Đế nhắc lại, các nhà chức trách Mỹ đã bắt giữ và phạt nhiều cá nhân hàng triệu đô la vì tội ăn cắp nhạc trên trang Napster. Đó là một chiến thuật gây nhiều sợ hãi dẫn đến sự ra đời của nền tảng chia sẻ tập tin tiên tiến hơn như bit-torrent [một giao thức chia sẻ tài nguyên trên mạng].
Để thực hiện nghị định này quả thực là một điều khó khăn đối với Việt Nam. Hiện nay Việt Nam muốn 60 đến 70% dân số còn lại có thể truy cập mạng internet nhưng dường như nhà nước không thể trang bị đủ khả năng hiệu quả để đối phó với nội dung vi phạm bản quyền – hoặc nội dung bất đồng chính kiến ​​– thường xuyên diễn ra trên mạng internet. Thêm vào đó, các trang tin tức là những trang truy cập hàng đầu trong nước, và hầu hết sự tăng trưởng của các trang này đều nhờ vào sự gia tăng của các trang mạng xã hội.
Các thống kê do Facebook đưa ra hồi đầu năm 2010 cho thấy số lượng các link liên kết và các bài báo cũng như các bài đăng trên blog mà người sử dụng chia sẻ ngày càng phát triển mạnh mẽ, và con số vẫn tiếp tục gia tăng mỗi tháng lên đến hàng tỉ lượt. Nói cách khác, tin tức có thể giúp số lượng lớn người sử dụng truy cập vào mạng internet. Nếu thực thi được nghị định trên, các trang mạng xã hội tại Việt Nam sẽ bị giới hạn trong việc cập nhật dành riêng cho các status cá nhân, và có thể dẫn đến sự sụt giảm lớn trong lượng truy cập trên internet tại nước này.
Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?
Việt Nam dường như đang đánh vào các trang mạng xã hội và những cá nhân chia sẻ thông tin chứ chưa hẳn thật tâm sửa chữa nguyên nhân của vấn đề: vi phạm bản quyền của các trang thông tin lười biếng. Chắc chắn rằng việc quy định chung cho ngành truyền thông sẽ mang lại kết quả tốt hơn so với những loại cấm đoán kiểu này. Kết quả là, động thái của chính phủ Việt Nam thậm chí còn nghiêm ngặt hơn các nghị định cấm đoán của Trung Quốc, nơi mà các trang mạng xã hội như Sina Weibo – kết hợp giữa Twitter và Facebook – đã chứng minh gây nhiều phiền toái cho chính quyền. Chính quyền Trung Quốc đã phản ứng lại bằng cách yêu cầu người sử dụng phải kê khai tên thật khi đăng ký tài khoản trên trang Sina Weibo, cũng như kiểm duyệt trực tuyến các thông tin và đối tượng gây tranh cãi trên các trang mạng xã hội.
Hiện nay chúng ta vẫn đan theo dõi các phản ứng từ những blogger trước nghị định này có hiệu lực vào tháng Mười một tới đây. Nếu thực sự nghị định này được ký ban hành thành luật thì sẽ rất thú vị để xem cách cộng đồng mạng phản ứng ra sao. Trong chiến lược tồi tệ nhất, nghị định này có thể được đưa ra sử dụng nhằm biện minh cho việc ngày càng có nhiều blogger bị chính quyền Việt Nam bắt giữ.
Steven Millward, Tech in Asia
Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
* Bài viết do Enricko Lukman và Anh-Minh Đỗ biên tập.
©  2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Chính sách phải vì con người

Chỉ từ một lời giải thích thiếu chính xác của quan chức Bộ Thông tin Truyền thông về Nghị định 72 mà nay báo chí nước ngoài tràn ngập thông tin sai lệch, vẽ nên một hình ảnh rất ngớ ngẩn: “Vietnam adopts regulations to ban Internet users from sharing news reports online”. Không thể trách họ viết sai vì họ dịch nguyên văn: các trang thông tin điện tử cá nhân “… is not allowed to provide compiled information” (không cung cấp thông tin tổng hợp); thậm chí khi trích phát biểu đầu tiên của ông Hoàng Vĩnh Bảo, họ cũng trích lại từ báo trong nước: “and are not allowed to ‘quote’, ‘gather’ or summarise information from press organisations or government websites”.
Loại tin Việt Nam cấm người dùng Internet chia sẻ thông tin, trích dẫn thông tin như thế đang tràn ngập, hầu như báo nào cũng đăng vì thuộc loại tin gây tò mò, tin lạ, tin hiếm. Tờ Telegraph chơi luôn một cái sa-pô rất “ấn tượng”: “Vietnam is to ban bloggers and social media users from sharing news stories, in a further crackdown on online freedom”.
Người dùng trong nước hiểu sai thì còn thuyết phục họ đọc lại Nghị định 72 và hiểu cho đúng (như thông tin tổng hợp không phải là compiled information; trích dẫn không phải là quote) nhưng báo chí nước ngoài phạm vi rộng mênh mông như thế làm sao nói cho họ hiểu hết được và giải thích như thế thì ai nghe!
Theo tôi Bộ TTTT phải kỷ luật quan chức giải thích sai trong cuộc họp báo đầu tiên vì phải nói đã gây hậu quả nghiêm trọng. Xong rồi phải gởi thư đến các báo nói sai yêu cầu họ nói lại cho rõ. Nếu cần phải tổ chức họp báo mời các hãng tin nước ngoài đến. Ngoài ra phải chỉnh sửa lại Nghị định 72 cho chặt chẽ, rõ ràng, tính khả thi cao chứ để nguyên như vậy vẫn còn nhiều điểm mơ hồ. Tôi có viết sơ về chuyện này trên Facebook:
    … Nhiều đoạn trong Nghị định này soạn không kỹ, mơ hồ, dễ gây tranh cãi.

    Ví dụ khi nói “trang thông tin điện tử cá nhân… không cung cấp thông tin tổng hợp”, người ta phải quay lại định nghĩa “thông tin tổng hợp” là gì. Nhưng đọc xong định nghĩa (thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, nhiều loại hình thông tin về một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội) sẽ không thấy sáng tỏ gì thêm. Không lẽ tôi tổng hợp thông tin xuất nhập khẩu của Việt Nam từ nhiều nguồn rồi đăng lên trang cá nhân của mình mà không được sao?

    Một nguyên tắc của định nghĩa là phần giải thích không thể dùng thành phần cần định nghĩa lập lại trong phần định nghĩa để giải thích – cái này là nguyên tắc sơ đẳng ai cũng biết. Nói “thông tin tổng hợp” là “thông tin được tổng hợp…” thì hài quá.

    Ở đây người soạn ý muốn nói đến “news aggregator” như kiểu Báo Mới (bán tự động) hay như CafeF (bán thủ công). Vậy thì phần định nghĩa phải viết lại toàn bộ. Thứ hai, đưa điều cấm “không cung cấp thông tin tổng hợp” thì phải minh định rõ, mục đích là gì? Nếu để giúp bảo vệ bản quyền thì lời văn sẽ khác (và thật ra đã có văn bản khác lo chuyện này rồi); nếu để ngăn chận việc “làm báo trá hình” thì phải viết khác (và chắc chắn chuyện này không chặn được); nếu muốn dẹp các trang mạo danh các quan chức cấp cao thì cũng phải viết khác. Nói chung kỹ năng soạn văn bản ở đây còn có nhiều vấn đề.

    Một ví dụ khác, ở phần “Đăng ký tên miền”, Nghị định nói sẽ tuân thủ nguyên tắc “bình đẳng, không phân biệt đối xử”, “đăng ký trước được quyền sử dụng trước”. Thế nhưng ngay sau đó lại nói “Tên miền là tên gọi của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước chỉ dành cho tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước; tổ chức, cá nhân khác không được đăng ký, sử dụng tên miền này”. Quy định này cũng hợp lý thôi nhưng muốn vậy, phần nói về nguyên tắc ở trên phải có đoạn loại trừ (để loại trừ tên gọi của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước ra, áp dụng quy định ở đoạn sau). Cái này cũng là nguyên tắc soạn văn bản pháp luật sơ đẳng. Còn soạn ở mức cao cấp hơn, phần tên gọi nói trên phải quy định rất rõ (tên đầy đủ, tên tắt, tên tiếng Anh, tên tắt tiếng Anh, phần phân biệt trong tên…) thì mới tránh được các tranh cãi sau này.
Nói chung đây là cách làm không vì người dân mà chỉ muốn sao cho thuận lợi trong công tác quản lý; khi soạn văn bản, cái mục đích luôn hiện trước mắt là sao cho xong việc của mình chứ không bao giờ nghĩ đến lợi ích, nhu cầu, suy nghĩ hay cuộc sống người dân nói chung. Cứ giữ cách nghĩ như thế thì sẽ còn sai sót dài dài. Phần sau là một đoạn tôi viết trước nay bỏ vào đây vì cùng chủ đề này.
* * *
Một cách khá ngẫu nhiên hai ngành giáo dục và y tế trong thời gian qua có nhiều chính sách mà chỉ vừa mới ban hành đã gặp phải sự phản đối của công luận. Có thể thấy cái chung nhất của những chính sách hay chủ trương này là không xuất phát từ lợi ích của người dân mà nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước hay do quán tính muốn đối phó với dư luận.
Khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo muốn giám đốc sở ở 63 tỉnh thành cùng cam kết không để tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông cao hơn những năm trước, mục đích chưa chắc đã là chống tiêu cực như giải thích. Rõ ràng mục đích là không để địa phương nào bỗng có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn hẳn năm trước, khơi gợi sự tò mò của báo chí và công luận sẽ vào cuộc, lên án tình hình tiêu cực trong thi cử dẫn tới sự dễ dãi cho tốt nghiệp cao này. Mục đích rõ ràng là tạo sự bình thường, và từ đó sự yên thân không bị công luận quá chú ý đến kết quả thi tốt nghiệp.
Giả thử lãnh đạo Bộ trước khi đưa ra chủ trương này, đặt mình vào vị trí của người học sinh sắp thi tốt nghiệp. Các em đâu cần biết bức tranh tổng quát tỉnh mình sẽ đỗ bao nhiêu, so với năm trước là như thế nào. Các em chỉ muốn bài thi được chấm một cách khách quan trung thực nhất. Điểm các em như thế nào các em mong muốn được thừa nhận như thế đó. Trong bối cảnh có cái cam kết lạ đời không để tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn năm trước, thử hỏi ai mà không lo lắng chủ trương này sẽ ảnh hưởng đến việc chấm điểm như thế nào, chặt hơn, dễ dãi hơn, so đo, tính toán hơn? Toàn là những nghi ngại rất có cơ sở mà lãnh đạo Bộ phải hiểu và ý thức được cái tác hại của một chủ trương gây ra.
Một dẫn chứng khác. Khi Bộ trưởng Y tế đề nghị công an vào cuộc, điều tra nguyên nhân gây ra cái chết của 3 trẻ sơ sinh sau khi tiêm chủng ngừa viêm gan B tại Quảng Trị, chủ trương này xuất phát từ lợi ích của ai - người dân hay của bản thân lãnh đạo Bộ? Nếu mục đích của việc công an điều tra là nhằm làm rõ ai chịu trách nhiệm để trừng phạt thì nó chỉ phục vụ cho việc quản lý của Bộ, hay đúng hơn là để tìm ra chỗ trút trách nhiệm gây ra sự việc.
Nhưng đòi hỏi của công luận hiện nay không phải là tìm ra địa chỉ chịu trách nhiệm như thế. Các bậc cha mẹ có con phải tiêm chủng đều mong muốn mọi việc sáng tỏ: chủng ngừa có an toàn không, việc sản xuất vaccine có đúng quy trình, quy chuẩn không, có gì sai sót trong quá trình vận chuyển, bảo quản và sử dụng vaccine không, quy trình chủng ngừa có đúng không, người tiêm chủng cần được huấn luyện gì trước và sau khi tiêm chủng cho trẻ… Mục đích của chủ trương điều tra vụ việc phải là như thế và khi đó vai trò chủ chốt không phải là công an nữa mà vai trò chính là ngành y tế với đầy đủ thẩm quyền về chuyên môn.
Nếu Bộ trưởng Y tế xuất phát từ lợi ích thật sự của người dân khi cân nhắc chủ trương, sẽ thấy ngay việc gì nên làm, việc gì không nên làm chứ không cần sự thúc ép của dư luận.
Có thể khái quát: các quan chức trong bộ máy quản lý nhà nước nên dùng phép thử để đo lường mức độ tiếp nhận của xã hội đối với các chủ trương, chính sách mà mình sắp đưa ra. Nếu họ xuất phát từ lợi ích cục bộ, của cơ quan hay bản thân họ, chắc chắn các chủ trương chính sách này sẽ bị phản ứng. Ngược lại, nếu họ dựa trên lợi ích chính đáng của người dân, họ có thể yên tâm công luận sẽ đón chào những gì họ đưa ra và ủng hộ hết lòng.
Nguyễn Vạn Phú
 

Đảng đã can thiệp vào việc xét xử như thế nào?

Việt Nam là một nhà nước theo thể chế toàn trị, đảng CSVN tự cho mình quyền lãnh đạo toàn diện mọi mặt của nhà nước và xã hội. Vì thế việc các cơ quan tư pháp phải chịu sự chỉ đạo của đảng trong công tác xét xử với các bản án bỏ túi được chuẩn bị sẵn là điều hết sức phổ biến. Sự thực của vấn đề này thế nào?
Xét xử mang tính hình thức
Ngày 17.7.2013 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tại hội nghị này người đứng đầu của đảng CSVN đã đề nghị cần phải phát huy vai trò cơ quan thường trực của Ban Nội chính Trung ương. Mà theo ông Nguyễn Phú Trọng thì quan điểm nhất quán là Đảng lãnh đạo việc phòng, chống tham nhũng nhưng: “Đảng không làm thay cơ quan chức năng, không can thiệp vào công tác xét xử”.
Nguyên tắc của ngành tòa án, khi xét xử thì thẩm phán không nhân danh cá nhân hay Hội đồng xét xử, mà phải nhân danh Nhà nước để định tội danh và hình phạt trong các vụ án. Tuy nhiên, nếu khi căn cứ vào điều 4 Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 khẳng định rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” thì việc đảng CSVN chỉ đạo việc xét xử các vụ án được hiểu là điều đương nhiên đối với các cơ quan trong ngành tư pháp. Và câu phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng được hiểu, rằng lâu nay Đảng đã can thiệp vào công tác xét xử, làm thay cho cơ quan chức năng trong công tác xét xử.
Thực tế lâu nay về vấn đề này được nhà văn Vũ Thư Hiên cho biết:
“Cái này thì rõ ràng, rằng là những gì tôi biết tới nay thì đảng đều có sự can thiệp vào công việc của tòa án cả. Cho nên nó có những bản án gọi là bản án đã soạn sẵn, án bỏ túi ra đấy chỉ có rút ra mà đọc thôi, ông ấy nói như thế là cái sự chối cãi không thuyết phục được ai. Tức là một thứ mà ai cũng biết (nên) khi ông ta nói ra thì người ta cười, vì vậy có chuyện phản ứng là đương nhiên. Không có cái gì là lạ cả”.
Việc các phiên tòa chỉ xét xử mang tính hình thức, thậm chí nhiều lúc không cần quan tâm đến các chứng cứ, các tình tiết mang tính chất pháp lý… kể cả lời bào chữa của luật sư là hiện tượng phổ biến. Tất cả cũng vì Hội đồng xét xử đã có một bản án do tập thể lãnh đạo chỉ đạo, định sẵn và Tòa án chỉ làm công việc công khai phán quyết định sẵn đó.
Một dẫn chứng gần nhất là phiên phúc thẩm gia đình ông Đoàn Văn Vươn hồi hai ngày 29 và 30 tháng 7 vừa qua. Chính các luật sư bào chữa cho biết, tất cả các luận cứ của họ đưa ra không hề được phía Viện Kiểm sát tranh luận tại tòa và được Hội đồng xét xử lắng nghe để đưa ra bản án phù hợp.
Nhận xét về vấn đề này, Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí cho chúng tôi biết:
“Vấn đề căn bản, trong một nhà nước toàn trị thì cơ quan tư pháp đều phụ thuộc vào sự lãnh đạo của đảng hết, nên không có sự độc lập mà Việt Nam ta gọi là bản án bỏ túi.Ví dụ như vụ Đoàn Văn Vươn chẳng hạn, vụ Cù Huy Hà Vũ cũng vậy, mặc dầu dư luận phản đối rất nhiều nhưng vẫn y án. Do có những cái án bỏ túi của tập thể Bộ Chính trị và Tòa án chỉ là người phán quyết. Còn vai trò của luật sư thì tôi biết trong cơ chế này thì luật sư chả có cái quyền gì, đó là đặc trưng của thể chế toàn trị, Việt Nam hay Trung quốc cũng chỉ thế thôi”
000_Hkg4765495-250.jpg
TS luật Cù Huy Hà Vũ ở phiên tòa xét xử tại Tòa Án Nhân Dân Hà Nội vào ngày 04 tháng 4 năm 2011. AFP PHOTO.
Ban Nội chính Trung ương để làm gì?
Sự can thiệp và chỉ đạo của đảng cũng được phân cấp, tùy theo mức độ và cấp xử lý của các vụ án. Từ trung ương, đến các tỉnh thành, tới cấp quận huyện thì Bí thư đảng ở các cơ quan Viện Kiểm sát hay Tòa án các cấp đều là người đứng đầu các cơ quan đó. Nhà văn Vũ Thư Hiên cho biết:
“Đã gọi là đảng lãnh đạo toàn diện thì có nghĩa là chẳng có thừa một lĩnh vực nào mà đảng không muốn lãnh đạo cả. Thậm chí cả lãnh đạo trẻ con thì cũng phải có cái (hội) đoàn thiếu nhi của đảng thì đấy là những cái can thiệp chứ sao lại bảo là không can thiệp?
Riêng về lĩnh vực luật pháp thì cái nguyên tắc đảng lãnh đạo có những cái được lãnh đạo từ trung ương, nó khác với cái lãnh đạo của đảng ở địa phương. Như mấy anh bắt (trộm) vịt, 14 năm tù cho hai anh thì phải, thì cái đó không thể nói là trung ương đảng chỉ đạo cái việc xử mấy anh bắt vịt. Nhưng mà đảng bộ địa phương là có chỉ đạo, cho nên nó mới có các hiện tượng như vậy. Vì thế nói đảng không lãnh đạo là hoàn toàn nói sai ”
Khi có những vấn đề khó khăn, vướng mắc, các bộ, các ngành phải báo cáo Ban Nội chính Trung ương để xin chủ trương xử lý, vì thế có người cho rằng nếu đảng không can thiệp vào công tác xét xử thì sinh ra cái Ban Nội chính để làm gì? Thực tế cho thấy, Ban Nội chính Trung ương là cơ quan quản lý các cơ quan như là Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao… để chỉ đạo việc xét xử. Ở các cấp tỉnh cũng có các cơ quan tương đương do cơ quan Đảng đoàn ở cấp đó trực tiếp quản lý và chỉ đạo. Còn ở cấp huyện thì sẽ do thường vụ huyện ủy trực tiếp chỉ đạo. Và Bí thư Đảng đoàn thường là người đứng đầu các cơ quan Viện Kiểm sát hay Tòa án, nhân danh đảng để chỉ đạo vụ án.
Nhà báo chống tham nhũng Trần Quang Thành, người từng bị tạt át xít vì chống tham nhũng nói với chúng tôi về thủ tục, cách thức và trình tự việc đảng can thiệp vào các vụ án nói chung và án tham nhũng nói riêng. Nhà báo Trần Quang Thành cho biết:
“Nói chung cái gì cũng phải có đảng có ý kiến hết. Đảng chỉ đạo (thông qua) Ban Nội chính, là một cơ quan để tập hợp các cơ quan tư pháp và một số đơn vị khác. Ở trên trung ương thì là Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao. Ở cấp tỉnh thì có các cơ quan tương tự ở cấp tỉnh, còn ở cấp Huyện không có Ban Nội chính thì thường vụ Huyện ủy họ chỉ đạo. Ở mọi cấp các cơ quan đó đều có cái Đảng đoàn thì Đảng đoàn họ chỉ đạo. Bí thư Đảng đoàn thường là người đứng đầu các cơ quan Viện Kiểm sát hay Tòa án thì họ chỉ đạo nhân danh đảng chỉ đạo luôn vụ án”
Muốn công lý được thực thi để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, thì bắt buộc “Thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” là điều có tính nguyên tắc bất khả xâm phạm trong một nhà nước pháp quyền. Còn một khi trong một phiên tòa xét xử, thẩm phán lại nhân danh một tổ chức tự cho mình quyền lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội, với các bản án bỏ túi để tuyên án, thì khi đó công lý và pháp luật sẽ không bao giờ hiện hữu.
Anh Vũ, thông tín viên RFA
2013-08-03

Văn học trung tâm: động cơ của phê bình chỉ điểm?

nha-thuyen-305.jpg
Thạc sĩ Đỗ Thị Thoan
tức nhà văn Nhã Thuyên
Vụ án Văn học Nhã Thuyên tức Đỗ Thị Thoan bước vào tuần lễ thứ ba với hàng chục bài viết dồn đẩy bài luận văn thạc sĩ vào chân tường qua cái nhãn phê bình văn học. Những luận điểm phê bình này được GS Trần Đình Sử gọi là “Phê bình kiểm dịch” còn nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên gọi thẳng là “Phê bình chỉ điểm”.
Kiểm dịch hay chỉ điểm cũng đều đe dọa sự vận động của nền văn học Việt Nam do đó qua sự quan trọng của bản thân sự kiện văn học này Mặc Lâm xin được một lần nữa trao đổi với nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên trước cái tựa ấn tượng và rất “hiện thực” của ông.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên hiện giữ chức chủ tịch Hội Văn Học Nghệ Thuật thành phố Hà Nội trong nhiệm kỳ mới nhất này.
Trước tiên ông Phạm Xuân Nguyên lý giải tại sao rất nhiều nhà lý luận phê bình văn học Việt Nam vẫn chưa thoát ra được lý thuyết văn học hiện thực Xã hội chủ nghĩa, mặc dù cố tìm cách tiếp cận với nền phê bình văn học Tây phương.
Phạm Xuân Nguyên: Cùng với sự chuyển đổi của công cuộc đổi mới có nhiều thay đổi cách nhìn nhận từ kinh tế thị trường, về dân chủ về nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự. Nó đang tiệm cận với thế giới với giá trị cốt lõi căn bản của nhân loại. Trong văn học, do chiến tranh do những việc trong thời kỳ bao cấp mà theo một loại hình khác và cho đến bây giờ khi trở lại cuộc sống bình thường thì văn học cũng có một sự chuyển đổi nội tại. Bên phê bình cũng thế thường được gọi là phê bình Văn học Xã hội chủ nghĩa. Cụm từ ấy trước đây coi như cụm từ thống soái trong mọi bài viết, trong mọi nghị quyết, chỉ thị hay trong mọi bài phê bình văn học không thể không nhắc tới phê bình văn học xã hội chủ nghĩa.
Nó áp dụng lên tất cả thực tế sáng tác, phê bình hay giảng dạy nhưng cho đến bây giờ không ai nói hay nhắc tới nữa. Tất nhiên không phải không nói đến thì tự nhiên nó mất. Những di hại hay tác động tiêu cực của nó vẫn còn rơi rớt trong tư duy của nhà quản lý hay nhiều người khá sâu đậm. Nói ngay như chuyện bản luận văn của cô Nhã Thuyên: những bài phê phán có thể gọi là đánh đập giống như trước đây khiến người ta liên tưởng đến vụ án văn chương trước đây nhưng tôi tin là có sự chuyển đổi trong hệ hình trong văn học.
pham-xuan-nguyen-250.jpg
Nhà phê bình văn học
Phạm Xuân Nguyên
Xung đột hay tiêu diệt?
Mặc Lâm: Theo ông các lý thuyết văn học nước ngoài được giới phê bình trong nước tiếp cận ra sao?
Phạm Xuân Nguyên: Những lý thuyết, trường phái nước ngoài cả cũ lẫn mới thí dụ như là lý thuyết của Bắc kinh chẳng hạn. Về thi pháp tiểu thuyết những quan niệm đối thoại từ đó ra liên văn bản được giới thiệu và áp dụng tại Việt Nam. Cũng có những lý thuyết mà đối với phuơng Tây hay châu Âu gọi là cũ như “cấu trúc”, “hậu cấu trúc”, “hiện thực học”... lần lượt được dịch được giới thiệu cũng như được vận dụng tại Việt Nam và điều này là có. Do đó mà bao giờ cũng có cái cũ và cái mới. Mới thì đi theo thế hệ mới họ vận dụng vào đời sống văn học cả đương đại lẫn trung đại.
Nếu chỉ thuần về chuyên môn thì hai hệ mỹ học hoàn toàn khác nhau, cách tiếp cận khác nhau vì từ lý thuyết đã khác nhau nên nhẹ thì va chạm xung đột mà nặng thì có thể tiêu diệt nhau.
Mặc Lâm: Theo như anh vừa nói thì do hai hệ mỹ học xung đột nhau gây ra sự tiêu diệt lẫn nhau. Hệ quả hiện nay là có nhiều nhà phê bình đánh nhóm Mở Miệng qua bài luận văn của Đỗ Thị Thoan. Tuy nhiên nhiều người không đồng tình với ý kiến này mà họ cho là sâu xa hơn, đàng sau đó là các động cơ chính trị không được trong sáng lắm anh nhận thấy ý kiến này ra sao?
Phạm Xuân Nguyên: Tôi muốn nói là “chưa nói đến” những yếu tố có chính trị can thiệp vào. Tôi chỉ nói xét theo chuyên môn thì cái cũ cái mới đứng trên bình diện lý thuyết, trên những phuơng pháp khác nhau nó cũng đưa đến sự khác nhau rồi. Nhẹ thì có thề va chạm ý kiến mà nặng thì va chạm quan điểm và hệ thống lý thuyết. Cho đến bây giờ cái dòng chủ lưu vẫn thường là phê bình trên mặt báo vẫn nặng tính chính trị. Vẫn phê bình văn học dưới lăng kính chính trị cho nên thình thoảng lại có một vụ việc gì đấy. Một cuốn sách này bị cấm, một bài báo kia bị phê phán... thường là có yếu tố chính trị, hoặc là bị quy kết yếu tố chính trị. Chẳng hạn như cuốn tiều thuyết “Thời của thánh thần” của Hoàng Minh Tường chẳng hạn. Người ta nói cuốn này nói về cải cách ruộng đất, nói về một thời kỳ lịch sử nên nó bị cấm.
“Trung tâm/ngoại biên” đang được áp dụng?
Mặc Lâm: Xin lỗi phải cắt ngang anh chỗ này, những người tấn công Nhã Thuyên và cuốn Thời Của Thánh Thần có khác nhau, thay vì phải tấn công nhóm Mở Miệng vì họ là người sáng tác còn Nhã Thuyên chỉ là người làm luận văn một trào lưu văn học mà chị gọi là “bên lề” do đó người ta có quyền nghĩ rằng nhóm người phê bình Nhã Thuyên có động cơ khác ngoài động cơ văn học?
Phạm Xuân Nguyên: Trong vụ Nhã Thuyên này thì nhiều người tự hỏi vì sao như vậy? Rõ ràng ở đây người ta đánh giá có một cái gì khác ngoài vẩn đề của một bản luận văn, nhất là bản luận văn này đã được bảo vệ cách đây ba năm và được hội đồng cho điểm 10. Tự nhiên bây giờ có ai tung nó ra lấy nó như một cái cớ để nhằm mục đích gì? Cho đến bây giờ đã có khoảng 20 bài viết với những lời quy kết rất nặng nề tuy chưa biết đúng sai thế nào mà đòi phải đuổi việc cô Nhã Thuyên, kỷ luật người hướng dẫn rồi báo động phải xem lại việc đào tạo khoa văn của trường Đại học Sư phạm... thì rõ ràng đây là ý đồ ngoài văn học.
Mọi người khi quan sát hiện tượng này thì đều thấy rất rõ như vậy cho nên anh không thể quy kết một cách xằng bậy như vậy. Rõ ràng nhóm Mở Miệng họ có một quan điểm và họ có những tuyên ngôn của họ để nhằm đạt tới vấn đề mỹ học, tư tưởng hay quan điểm. Cô Nhã Thuyên lấy đó làm đối tượng và khảo sát nó, xử lý văn học và dùng lý thuyết “trung tâm/ngoại biên” khai thác lý thuyết “Kẻ bên lề”...để soi chiếu vào.
Nó thật sự khoa học và được một hội đồng chấp nhận. Quy trình làm luận án cao học cũng như luận án tiến sĩ tại Việt Nam phải qua rất nhiều công đoạn vì đây là một quy trình khoa học. Vì vậy nếu ông Nguyễn Văn Lưu hay là ai khác khi đọc có thể không đồng ý với nó nhưng ông phải trình bày nó như một cách đọc luận văn và từ đó phải đưa ra một cách đọc về nhóm Mở Miệng dưới một góc độ khác để so sánh, đối chiếu những quan niệm này với nhau.
Người ta đã chụp cho nó chiếc mũ phản động. Đã lớn tiếng động chạm đến sinh mệnh chính trị và cả nghề nghiệp, cuộc sống của người ta nữa.
Mặc Lâm: Nhóm Mở Miệng đã xuất hiện từ nhiều năm qua chứ không phải mới đây. Tuy nhiên người ta chưa thấy bất cứ một bài phê bình văn học nào viết về nhóm này một cách khoa học. Câu hỏi đặt ra là phải chăng vì họ sáng tác theo dòng văn chương hậu hiện đại khiến cho giới phê bình e dè vì họ không đủ lý luận lẫn lập luận để đụng tới lĩnh vực này hay chính nhận thức thẩm mỹ trong văn học xã hội chủ nghĩa đã cản trở họ làm công việc này?
Phạm Xuân Nguyên: Có cả hai. Một là họ không đứng trong hệ thống mỹ học mới và họ không chấp nhận hệ thống mỹ học này, ta tạm gọi đó là lý do “văn học” và bên cạnh đó là lý do “giải thiêng”. Thật ra trong vụ đánh đấm, phê phán  này thì nó càng chứng tỏ đúng là có trung tâm và ngoại biên. Họ càng muốn phủ nhận điều đó thì càng rõ ràng bởi những phê phán này dù tự giác hay không tự giác, ý thức hay không ý thức thì họ đã tự đặt mình vào vị trí trung tâm và chế áp ngoại biên. Bản thân những người bị phê phán trong cuộc tôi cho đó là sự dũng cảm của tổ Văn học Việt Nam Hiện đại đã hướng dẫn cho bài luận văn này. Bởi vì khi làm như vậy họ biết là sẽ bị đặt vào vị trí bên lề, và từ đó sẽ bị coi là không chính danh, không thuộc trung tâm.
Toàn bộ cuộc phê phán này đã chứng tỏ có trung tâm và ngoại biên đúng như lý thuyết. Trung tâm này có đầy đủ những áp chế những cái ngoại biên hay bên lề. Phải nói thật rằng những người viết bài phê phán vừa rồi là những người không nắm được lý thuyết. Họ không lập luận và cũng không đi vào lý thuyết vì họ biết đó là điểm yếu của họ cho nên họ phải đẩy sang phía chính trị, tư tưởng và giọng điệu của họ là giọng điệu quy kết chứ không phải phân tích.
Mặc Lâm: Cho tới nay sự lên tiếng bênh vực cho bản luận văn này trên phương tiện truyền thông chính thống vẫn còn quá thưa thớt ngoại trừ bài viết “Phê bình chỉ điểm” của ông xuất hiện trên tờ Pháp Luật Thành phố. Trong khi đó các tờ báo lớn và chính quy như Quân Đội Nhân Dân, Nhân Dân, Văn Nghệ, Thanh Tra và hàng chục tờ báo khác viết bài tấn công  đả kích... sự chênh lệch này sẽ dẫn tới hậu quả gì thưa ông?
Phạm Xuân Nguyên: Nó sẽ tác hại đến nền phê bình văn học Việt Nam. Qua vụ Nhã Thuyên này người ta thấy y hệt những vụ xảy ra từ trước tới nay, tức là chỉ có một chiều. Báo chí chính thống chỉ đăng những bài phê mà không đăng những bài lại (bênh vực). Người bị hại cũng không được lên tiếng để bảo vệ mình tức là không có sự trao đổi bình đẳng. Rõ ràng ở đây chưa có một điều gì rõ ràng mà chỉ là áp lực nhưng Hội đồng chấm luận văn phải họp lại thì đủ thấy sức mạnh của phía trung tâm như thế nào và điều này đã khiến mọi người lo sợ cho một vụ Nhân văn Giai phẩm mới.
Đúng là bổn cũ soạn lại y hệt như mọi thao tác như từ trước tới nay. Nhiều bài, nhiều báo ra dồn dập luận điệu giống như nhau. Quy kết về chính trị, quy kết về tư tưởng và không chứng minh, lẫn lộn mọi thứ. Lẫn lộn giữa đối tượng và người nghiên cứu đối tượng.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-08-03

Phạm Vương Lê Các - Vì sao bạn chọn đi con đường này?

Đó là câu hỏi của một ông anh vừa mới quen ngồi nhậu chung dành cho tui cách đây độ 10 ngày. Anh ấy tự giới thiệu là "người có miệng nhưng lại bị câm", nên thấy những người dám "mở miệng" như tui thì anh ấy thắc mắc nên hỏi vì sao tui chọn đi con đường đầy rủi ro này?
Thấy câu hỏi này cũng khá lý thú nên lúc đó tui cũng bộc bạch về một quá trình "giác ngộ" của mình. Mấy hôm nay nghe cái nghị định 72 làm tui sợ quá, nên tui tự giác chấp hành trước, bằng cách không lấy thông tin từ báo chí nữa, mà chỉ kể lại "chuyện của mình" cho các chiến hữu trên FB nghe chơi.
Vì sao bạn chọn đi con đường này? Tui đã trả lời với ổng: đó là lý tưởng!
Nhưng để lý tưởng hình thành thì đó là cả một quá trình đau đớn và dằn vặt từ trong suy nghĩ, phải đi từ nhiều trạng thái khác nhau, và đôi khi có thể lệch lạc và hoang tưởng.
Câu chuyện của tui bắt đầu vào thời điểm khi vùng quê tui ở có mạng Internet . Cũng như bao người vào lứa tuổi đó, tui lên mạng chat chít để cua gái. Cua mấy em Việt nam chán thì tui nhảy qua cua mấy em nước ngoài và cũng là để rèn Anh Văn. Không biết xui hay hên mà tui làm quen được một người Anh sống ở Newcastle. Tám một hồi thì tui bị hố hàng, phát hiện ra "em" này là Gay. hic.hic
Đề tài tình cảm nham nhở được xếp lại vì tui chẳng còn hứng thú gì, nhưng tui cũng hỏi em này rằng: “What do you think about Vietnam?”.
Ngay lúc ấy, em liền gửi cho tui một đường link, tui click vào thì vào trang BBC Tiếng Việt.
Tại đây, tui được đọc bài viết nói về báo cáo nhân quyền gì đó ở Việt Nam. Thú thật là lúc đọc tui cũng chả hiểu nhân quyền là cái gì, nên cũng chẳng biết bài viết nói về cái gì, nhưng nó gây ấn tượng cho tui vì tui được đọc những vấn đề mà hồi giờ tui chưa từng đọc trên bất kỳ trang sách nào, và đặc biệt là tui cảm nhận được cái trang này nó dám “nói xấu” nhà nước.

Thế là vốn có sẵn tính tò mò, nên mấy ngày sau tui lại mon men mò vào đọc BBC. Đọc độ khoảng 1 tuần thì tui bắt đầu ngộ ra nhiều vấn đề. Lúc này tui mới hiểu ra rằng “đây là chính trị - ở tù chứ chả phải chơi”.
Và thế là tui bắt đầu sợ khi vào đọc BBC, sợ đến nỗi tối đến đang ngủ mà có tiếng chó sủa là tui lo công an đến bắt mình vì tội đọc bài nói xấu nhà nước. Nhưng dường như đối với tâm lý của con người, khi người ta sợ một vấn đề gì đó thì lúc ấy cơ thể sẽ tiết ra một chất nghiện cái chứng sợ ấy.
Và thói quen đọc BBC hình thành nên cho tui từ lúc nào không hay. Vào đọc BBC mỗi ngày làm tui nhìn ra được nhiều vấn đề mà trước đây mình không thể lý giải được hay những câu hỏi thắc mắc mà không có lời giải đáp.... Bắt đầu từ vấn đề căn bản nhứt là đói nghèo.
Còn nhớ khi tui đang học lớp 10, tui được thầy dạy Văn giao cho nhiệm vụ viết bài tham dự cuộc thi viết thư do UPU (tổ chức Liên minh Bưu Chính Thế giới) tổ chức với đề tài “hãy kể cho một người bạn ở nước ngoài về đất nước của bạn”.
Vì lúc đó tui ở Miền Tây, nên tui miêu tả đúng với những gì mà mình thấy, đó là cảnh những ngôi nhà lá sập xệ, xen kẽ lác đác là vài căn nhà tường mà tui biết là con gái nhà đó có chồng Đài Loan, trẻ con thì biết mò cua, bắt ốc và giăng lưới bắt cá, tuổi 16-17 như tui tối đến là đã ngồi nhậu lai rai, con gái lớn lên thì đi bán café ở gần nhà, nếu đi làm xa lâu lâu về có chút son phấn là người ta hay nói là “lên Thành phố bán bia ôm v.v...
Qua những hình ảnh đó tui đã kể cho một người bạn ở Mỹ về tình hình đói nghèo của Việt Nam, và qua đó ao ước rằng đất nước của tui được như đất nước của bạn ấy.
Sau nhiều đêm hì hục thì tui cũng có bài nộp cho thầy. Vài ngày sau thầy gọi tui lên và nói với ý rằng viết như thế này là không được, đọc vào thấy đất nước tối tăm quá, mà phải viết cho đất nước tươi sáng lên. Thầy đã gạch bỏ bằng bút đỏ khoảng nửa bài biết, và bắt tui về viết lại...
Về viết lại làm tui có suy nghĩ tại sao thầy không chấp nhận những vấn đề đó, có sao tui nói vậy mà, còn văn phong và câu cú rất xúc động vì toàn kể chuyện nghèo khó không mà???
Kể từ đó tui bắt đầu để tâm hơn đến vấn đề đói nghèo, cố gắng truy tìm nguyên do của đói nghèo, nhưng vẫn không tự tìm ra cho mình những câu trả lời thỏa đáng.
Cho đến khi gã Gay người Anh đó gửi trang BBC cho tui, tui bắt đầu tiếp cận với những ý niệm về chế độ chính trị, về đảng cầm quyền, về đường lối phát triển... sâu chuỗi tất cả vấn đề đó lại một cách có hệ thống thế là sau vài tháng tui đã lý giải tất cả các vấn đề và truy tìm ra nguyên nhân của nó . Càng về sau cho đến bây giờ khi nhìn lại, tui thấy mình đã nhận định đúng bản chất của vấn đề ngay từ khi tui chưa trưởng thành về mặt pháp lý.
Phát hiện ra vấn đề là điều khó khăn, tìm cách giải quyết các vấn đề đó lại càng khó khăn hơn. Sau nhiều năm phải mất ngủ hằng đêm vì suy nghĩ nhiều, tui nhận ra rằng lối thoát cần bắt đầu từ Dân Chủ.
Thế là ông anh đặt câu hỏi đã biết vì sao tui chọn đi con đường đó.
Như có người sẽ hỏi rằng: vì sao Tam Tạng đi Tây Trúc thỉnh kinh lại gặp phải nhiều Yêu quái?
Câu trả lời đơn giản nhất là: ai biểu Ông ta lại chọn đi con đường đó.
Dù biết con đường đó vô cùng khó khăn và đầy rủi ro nhưng vì sao Tam Tạng vẫn cứ đi?
Đơn giản vì: “Ông ấy biết Quan thế âm Bồ tát luôn phù hộ độ trì ra tay cứu giúp khi gặp khó khăn và hiểm nguy.”
Con đường đi đến Dân chủ cũng vậy, tất yếu sẽ gặp phải khánh cự từ Độc tài. Những ai đi trên con đường này đều ý thức được khó khăn và rủi ro có thể đến với mình. Nhưng họ vẫn đi, nên tui cũng đi theo, không phải vì có thánh nhân phò trợ, mà vì chúng ta có được lý tưởng.
Phạm Vương Lê Các
(FB Phạm Vương Lê Các)

Tại sao gạo Việt Nam rẻ như bèo?

Giá gạo Việt Nam đã tách ra khỏi mặt bằng giá gạo thế giới và trở thành nguồn cung cấp rẻ nhất. Phát biểu của ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam được thông tấn xã Nhà nước và báo chí đưa tin hồi đầu tháng 7, thoạt nghe tưởng đâu gạo Việt Nam cạnh tranh tốt vì giá rẻ. Nhưng không phải vậy, phẩm chất gạo Việt Nam đã xuống thấp đến mức độ khách hàng chỉ chịu mua vì giá quá rẻ.
Chất lượng xuống thấp
Theo các báo điện tử Pháp Luật TP.HCM và Saigon Tiếp Thị bản tin trên mạng ngày 29/7, ngay cả nước láng giềng Campuchia, hồi sinh từ diệt chủng, nay mới bắt đầu xuất khẩu gạo mà giá gạo 5% tấm còn cao hơn của Việt Nam tới 75 USD/tấn, cụ thể có thời điểm Xứ Chùa Tháp bán gạo 5% giá 480 USD/tấn so với 405 USD/tấn của Việt Nam. Tờ báo trích lời GSTS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Tân tạo Long An mô tả, gạo Campuchia có tỉ lệ gạo đồng nhất, loại nào ra loại đó, không phải như Việt Nam một bao gạo 5% tấm nhưng trộn đủ loại trong đó.
Trong thí dụ điển hình, một nông dân làm lúa thơm ở Cần Thơ mô tả việc thương lái và doanh nghiệp đấu trộn lúa để có lời nhiều hơn.

“Lúa Jasmine 85 so với Thái Lan cũng không thua gì bao nhiêu, thơm ngon dẻo có đủ, nhưng mấy ‘cha’ tham ăn quá xem dân không ra gì hết. Dân sạ giống chất lượng cao, sạ độ thuần rất là thuần, giống nó bằng, nó rặc, không bị lỏng, nhưng mua về mấy ‘cha’ đấu trộn bậy bạ mang tiếng dân, đổ thừa cho dân làm giống không chất lượng cao. Thương lái đấu một mớ, doanh nghiệp đấu một mớ nữa.”
Những năm thị trường gạo thế giới cung thấp hơn cầu, thì gạo Việt Nam còn dễ bán. Nhưng nay thị trường thừa cung, nhiều nước tạm ngừng xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Pakistan từ năm ngoái đã tham gia thị trường trở lại. Đó là chưa kể những đối thủ tiềm năng như Cămpuchia và Myanmar. Vào đầu tháng 7 vừa qua, gạo 5% tấm của Việt Nam đã rơi xuống đáy phải chào bán với giá 365 USD/tấn, hiện nay tuy báo giá của doanh nghiệp Việt Nam cho thấy giá gạo các loại đã tăng hơn trước nhưng vẫn kém gạo cùng phẩm cấp của Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan từ 50 tới 75 USD/tấn.
Quá nhiều nguyên do dẫn tới thực tế hiện nay cho nông nghiệp Việt Nam, quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới nhiều năm liền. Năm 2012 cả nước xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo nhưng thu nhập bình quân của nông dân vựa lúa xuất khẩu đồng bằng sông Cửu Long chỉ hơn 500.000 đồng/người/tháng. Nông dân làm lúa phát biểu:
“Nông dân quá bức xúc năm nay làm ruộng lời chưa được 10% làm sao mà sống nổi. Trong khi phân bón thuốc trừ sâu của mấy ‘cha’ sản xuất ra thì nhìn ra theo giá thế giới không biết sao, giá trong nước thậm chí còn mắc hơn giá u-rê Trung Quốc nhập vô. Nông dân kiểu này nghèo suốt đời luôn, bộ chế độ này không cho nông dân làm giàu, đè đầu không cho ngóc đầu lên. Vậy là nói dân giàu nước mạnh cái nỗi gì, nước giàu dân mạt thì có…xã hội công bằng dân chủ văn minh, dân chủ  chưa thấy chỗ nào, văn minh thì dân thu nhập không cao làm gì phát triển trí thức được…”
Nhà nước Việt Nam có thể đã hài lòng về việc từ chỗ thiếu lương thực mà trong vòng 20 năm trở thành nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới và chẳng lắng nghe trước những khuyến cáo rất sớm, đối với vấn đề thay đổi tư duy tiểu nông. TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế từ Hà Nội nhận định:
“Nông nghiệp là một trong các trụ đỡ rất quan trọng đối với nền kinh tế của Việt Nam. Còn việc Việt Nam đã khắc phục được nạn thiếu lương thực phải nhập khẩu, rồi phải bán theo định lượng, thậm chí phải bán bo bo để thay gạo thì đã qua rồi và đấy là những thành tựu rất đáng kể. Tuy vậy việc sản xuất lương thực của Việt Nam hiện nay đang có vấn đề là chưa kết hợp được giữa khâu sản xuất với khâu thu mua lưu thông chế biến và xuất khẩu. Giữa khâu sản xuất, khâu thu mua và khâu xuất khẩu này lại chưa có hợp đồng một cách ổn định, vì vậy bị cắt đứt đoạn và hạt gạo Việt Nam phải qua quá nhiều tay thì mới đi đến xuất khẩu được. Cứ mỗi lần như vậy thì những cá nhân thu mua, công ty thu mua đều có một phần lãi, nhưng người nông dân thì ít được lãi. Tôi nghĩ vấn đề ở đây trước hết Việt Nam sẽ phải tổ chức lại sản xuất, phải ký kết hợp đồng giữa người sản xuất và người tiêu thụ, người chế biến và người xuất khẩu.”

024_1696531-250.jpg
Một cánh đồng trồng lúa ở Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, Việt Nam hôm 17/02/2013. AFP PHOTO.

Chính sách cản trở công nghiệp hóa

Chính sách chia đều ruộng đất ở Việt Nam vô hình chung lại là một trong những nguyên nhân cản trở sản xuất nông nghiệp công nghiệp hóa. Trong một lần trả lời chúng tôi, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn từng đề cập tới nhu cầu cấp thiết phải đổi mới, tái cơ cấu thay đổi thể chế nông thôn. Ông nói:
“… Nếu người nông dân Việt Nam với qui mô 0,6 héc-ta mà lại chia thành 5 tới 15 mảnh ruộng nhỏ và chia nhỏ thành hơn 10 triệu hộ riêng lẻ như hiện nay thì không có tài gì có thể tập hợp lại, có thể đưa ra khối lượng sản phẩm hàng hóa với chất lượng cao và ổn định, đưa đến tay khách hàng đúng hạn và đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, cũng như không có tài gì mà các ngân hàng, các tổ chức khuyến nông có thể bù đắp nổi chi phí để đưa các dịch vụ phục vụ cho đến tận làng bản xa xôi cho từng người nông dân nhỏ lẻ như thế cả. Đấy không thể là kết cấu của một nền sản xuất hàng hóa lớn được…”
Chất lượng lúa gạo tất nhiên liên quan đến công nghệ sau thu hoạch mà Việt Nam sẽ phải mất nhiều thời gian và tiền bạc nếu muốn tái cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt về sản xuất lúa gạo.
TS Phạm Văn Tấn chuyên gia công nghệ sau thu hoạch ở các tỉnh phía nam từng nói với chúng tôi, Việt Nam làm ra hạt gạo theo qui trình ngược làm giảm chất lượng và thất thoát. Doanh nghiệp mua gạo nguyên liệu của thương lái rồi mới chà bóng để xuất khẩu, thay vì phải mua lúa để có thể trữ lâu dài. TS Phạm Văn Tấn nhận định:
“Có khoảng 2,5 triệu tới 3 triệu tấn kho hai mái cũng như nhà bình thường, hầu hết những kho đó đều không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để chứa lúa quá 6 tháng mà chỉ có thể chứa dưới ba tháng. Như thế không thể đáp ứng chiến lược lúa gạo, vì phải chứa lúa hơn 6 tháng mới có thể dự kiến sự biến động của gía cả lúa gạo trên thị trường thế giới, thì lúc đó mới có thể điều tiết được lúc nào bán ra lượng nhiều, lúc nào cần hạn chế, như thế thương mại lúa gạo của Việt Nam mới không bị khách hàng quốc tế ép giá.”
Chủ trương đẩy mạnh trồng lúa mà không kèm theo phát triển công nghệ sau thu hoạch, hoặc thực hiện rất chậm chạp, đã đưa đến nhiều hậu quả nhất là khi thị trường thế giới suy giảm.
Tuy vậy, vấn đề để lại nhiều hậu quả nhất lại chính là chính sách tiêu thụ và xuất khẩu gạo mang tính độc quyền. GSTS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo Long An vạch rõ điều này trên báo mạng Phunutoday.  Theo đó từ chính phủ đến Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT dù có chính sách tự do mậu dịch, nhưng trong thực tế lại giao tất cả quyền hành xuất khẩu cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Chủ tịch của VFA là ông Trương Thanh Phong lại đồng thời là Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2). Trong VFA hai Tổng Công ty Lương thực Nhà nước Vinafood 1 và Vinafood 2 chiếm lĩnh 60% tới 70% thị phần xuất khẩu gạo của cả nước. Các Tổng công ty này luôn luôn có lời vì xuất khẩu gạo giá thấp thì mua vào thấp hơn và hưởng chênh lệch.
Báo điện tử Đất Việt ngày 24/7 dẫn lời Phó Giáo sư TS Nguyễn Văn Nam nguyên  Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) nhận định rằng: “Chính sách hỗ trợ thu mua tạm trữ gạo đang góp phần làm giá gạo Việt Nam rẻ nhất thế giới, danh nghĩa là hỗ trợ nông dân nhưng thực tế  doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi lớn, còn người nông dân chỉ được chút ít lợi ích gián tiếp.” Theo lời ông Nguyễn Văn Nam, chính phủ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp  xuất khẩu giúp họ giảm chi phí cho việc thu mua gạo, tức là mua được giá rẻ, và đương nhiên doanh nghiệp cũng sẵn sàng xuất khẩu với giá rẻ mà lợi nhuận không suy giảm. Thêm nữa, nhà xuất khẩu sẵn sàng bán rẻ vì họ có một chân hàng rất dồi dòa trong nước, và họ sẽ tiếp tục xuất khẩu lô thứ 2, thứ 3, tổng hợp lại là lợi nhuận của họ cao hơn nhiều so với dự trữ  và chờ giá cao mới xuất hàng. Vì vậy, chính sách hỗ trợ tạm trữ gạo lại vô tình  đẩy giá xuất khẩu gạo VN xuống thấp. Vơi gía thấp đó lợi ích nhà xuất khẩu không  hề suy giảm, còn người nông dân chịu mọi thua thiệt, càng làm càng lỗ.
Vẫn theo Đất Việt Online, PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh, bản than nông dân cần bán lúa, còn chương trình lại hỗ trợ mua gạo, như vậy điều gọi là ‘lợi ích cho người nông dân’ chỉ là một con bài chính trị nhằm thực hiện lợi ích thiết thực và lớn lao cho các doanh nghiệp xuất khẩu.  Mặt khác xưa nay chỉ có thể  dự trữ thóc lúa thì mới có thể duy trì  được chất lượng hạt gạo, còn dự trữ gạo chỉ có làm cho chất lượng hạt gạo giảm, dự trữ càng lâu chất lượng càng giảm, kéo theo giá trị giảm.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-08-02

Tâm sự một cô giáo trẻ từng tham gia biểu tình chống xâm lược

Tâm sự một cô giáo trẻ từng tham gia biểu tình chống xâm lược hay câu chuyện "tà áo dài đầu tiên xuống đường"
Cũng như số mệnh của bao nhiều người xuống đường chống Trung Quốc xâm lược trong những năm vừa qua, tôi đây may mắn hơn! Có người bị vứt mắm tôm vô nhà, bị an ninh theo dõi, bị an ninh mách cha mách mẹ, bị an ninh cho côn đồ hăm dọa ngăn đe, bị an ninh cho cồn đồ quẹt xe, “được” an ninh mời cafe an ủi khuyên răn, “được” hầu chuyện vui vẻ với an ninh, (nói chung tốt xấu gì cũng có)... Tôi thì hên nhiều hơn xui… “được” mời làm việc mấy lần, “được” họ quan tâm khuyên nhủ, “được” họ đến thăm ba mẹ (họ nói gì với ba mẹ tôi, tôi cũng không biết, nhưng mà tôi đã bị mắng tơi bời). Gần đây, họ làm việc với cả ban lãnh đạo của ông chồng tôi (người không liên quan gì đến việc làm yêu nước của tôi). Cơ quan của chồng tôi đã yêu cầu ông chồng tôi là phải quan tâm khuyên bảo vợ…
Quá bức xúc vì những việc làm của mình không hề chống đối nhà nước, mà chỉ một lòng vì muốn noi gương các tiền nhân dẹp giặc tàu, giặc đói, giặc dốt và vì một Việt Nam tiến bộ mà tôi phải gặp những hệ lụy kéo dài như thế, liên quan đến cả công ăn việc làm của chồng mình mà tôi viết bài viết này để một lần nói hết tất cả những suy nghĩ thật lòng của tôi cũng như giải bày các lý do vì sao tôi lại làm thế, cũng như trả lời câu hỏi đầy lo lắng của ông chồng tôi “Em có nhận tiền khi đi biểu tình hay không?”
- Trong những năm 2011, đặc biệt vào khoảng tháng 6 tháng 7 năm 2011, tôi tình cờ kết bạn và đọc được nhiều thông tin từ các tờ báo từ nhiều lề về tình hình Trung Quốc lấn át và ức hiếp ngư dân Việt Nam. Tin tức lúc đó rất nóng và sôi sục tinh thần căm giận sự bành trướng của Trung Quốc. Tôi là người cẩn thận, tôi cũng có rà soát cả các tờ báo chính thống ở trong nước như Thanh Niên – Tuổi Trẻ... và tôi tin tưởng là tình hình biển đảo Việt Nam ta đang hồi bị Trung Quốc lăm le xâm chiếm.
Đây là những bài mà tôi đã xem:
Chính trị - Xã hội
*Trung Quốc lộ ý đồ xâm lấn biển Đông
30/05/2011 23:57
* Chèn ép láng giềng
* Đường lưỡi bò thách thức dư luận
Rất nhiều tàu cá Trung Quốc đồng loạt xâm chiếm, tranh giành ngư trường thuộc chủ quyền Việt Nam. Theo các lão ngư, tàu cá Trung Quốc đi theo từng nhóm 20-30 chiếc là một hiện tượng bất thường so với lối đánh bắt truyền thống.
(Đình Phú - Hiển Cừ - Đức Huy)
==> Và bài này nữa:
*http://www.mattran.org.vn/home/TapChi/so%2093/nvdqt.htm
Trên truyền hình Trung Quốc, ngày 3-6-2011, một bình luận viên nói phải tát cho Việt Nam…
(Trích đoạn)
- Tôi đã đọc rất nhiều bài viết thời điểm đó, mà tại thời điểm đó thì tin như thế này rất là nhiều. Như Vietnam Net có nhiều tin - bài như: Philippines phản ứng thế nào với Trung Quốc về Biển Đông? (ngày 1-6), Trung Quốc lại ngang ngược phá cáp khảo sát của Việt Nam (9-6), Biển Đông: Trung Quốc từ "quả quyết" đến "gây hấn" (14-6)... VietNamNet còn giới thiệu để bạn đọc thấy rõ hơn những vấn đề xã hội phức tạp của Trung Quốc qua loạt bài do Tuần báo Courrier International của Pháp số ra cuối tháng 6, với 7 trang trích dịch các bài báo từ Bắc Kinh, Hồng Kông và Singapore.
Báo Thanh niên, Tuổi trẻ và nhiều tờ khác cũng có nhiều tin-bài. Trên nhiều mạng cũng có những phản ứng mạnh mẽ... Nhiều báo đã kịp thời đưa tin những cuộc họp báo thể hiện sự phản ứng, công khai vấn đề biển Đông của Việt Nam thời điểm đó.

Đài ABS CBN News của Philippines dẫn lời phó giáo sư Li Mingjiang của Trường nghiên cứu các vấn đề quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nangyang (Singapore) cho rằng: đường chữ U trên biển Đông là do Trung Quốc tự vẽ ra, chứ không dựa theo luật lệ quốc tế nào;...
- Tôi nhớ mình đã xem một cái ảnh. Ảnh của các ngư dân Việt Nam ra khơi… rồi về lại đất liền với những thùng muối to thay vì để ướp cá, họ ướp xác ngư dân Việt Nam ta bị Trung Quốc bắn chết vào đó. Tôi nhìn bức ảnh ấy và đã rơi nước mắt, tôi xót xa cho họ như những thùng muối đó đang ướp chính trái tim tôi!
- Tóm lại là từ báo chí trong và ngoài nước, những bài viết rất cụ thể chân thật, từ những trang báo đáng tin tưởng đã thật sự hướng được sự quan tâm của tôi về vấn đề chủ quyền – điều mà bấy lâu nay tôi không hề có hứng thú. Mặc dù đã trở nên hết sức thận trọng, không có gan làm loạn ngoài đường, nhưng cái chết của các ngư dân làm tôi không thể không bức xúc. Nếu bạn có người thân bị giết chết vì đánh cá trên chính đất đai của ông bà tổ tiên mình để lại, bạn có bức xúc không? Tôi thì có, vì tôi vốn rất cảm tính, tôi là người thích sống có tình cảm, và rất dễ xúc động!
- Thời điểm đó, một số trang facebook của bạn bè chia sẻ những thông báo rủ nhau đi biểu tình chống Trung Quốc tại hai đầu Hà Nội và Sài Gòn, trong đó có một trang web là NguyenXuanDien - Bauxit - Ba sam,... Họ thông báo cho các nhân sĩ tri thức hãy làm gì để kịch liệt phản đối, hãy lên tiếng, hãy xuống đường giơ cao biểu ngữ ngăn chặn bọn tàu …. Thế là tôi đã đi và làm cái việc mà tôi cho là hết sức bình thường, mà một công dân có trách nhiệm với chủ quyền phải làm!
- Kết quả: Ghét bọn tàu thì đã hét cho đã rồi đó. Muốn đưa hình ảnh của chính mình là một người Việt Nam bình dị chống tàu thì tôi cũng đã làm được qua cách mà tôi mặc chiếc áo dài … Tôi là người đầu tiên mặc áo dài đi biểu tình chống tàu.
- Cũng muốn cho nhà nước thấy sự ôn hòa và không hề phá rối hay thù hận công an, vì vậy mà tôi đã tự nguyện chụp ảnh với một anh công an, người khuyên tôi giải tán bằng tình cảm chân thành của anh ta (đã làm tôi xúc động!!). Khi anh công an này bảo:”Anh thương em nên anh mới muốn em giải tán đó!”. Nhìn đôi mắt anh ấy ướt ướt muốn nói thêm điều gì mà không nói được, tôi đã cảm nhận ra nguy hiểm sắp kề cận, và tôi quyết định cuốn cờ, cuốn biểu ngữ giải tán!
- Cuối cùng thì có ngoan đến thế thì tôi cũng bị bắt! Họ vật bạn bè tôi xuống đất, khiêng như khiêng heo một số bạn quăng lên thùng xe. Tôi bị xố đẩy, trầy chân, bầm chân, bầm mình, rồi còn bị chửi “Đụ má, đụ mẹ” rùm beng từ miệng của những an ninh mặc thường phục … rồi tôi cũng bị quăng lên thùng xe như các bạn trẻ khác. Chưa bao giờ ngồi trên một chiếc xe của công an kiểu như vậy. Xe rú còi chạy rất nhanh, chúng tôi phải bám chặt vào thành xe để không rớt xuống đường. Ngay lúc đó mà một bạn còn ráng hô lên “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam”. Tà áo dài của tôi bay phấp phới!
- Sau đó thị bị làm việc tại đồn, lúc đầu thì căng thẳng, nhưng sau đó thì khá thân thiện. Họ lo ăn lo uống và chở tôi ra bến xe tiễn tôi về Cần Thơ.
An ninh ở Cần Thơ tiếp tục mời tôi làm việc và anh này rất tốt. Tôi cảm nhận thế chứ không thể giải thích được. Sau đó tôi về Phụng Hiệp – Hậu Giang cho con trai vào lớp một, thì được an ninh Hậu Giang làm việc vài lần … Nghĩ mà buồn bực, vì chỉ một lần bị bắt thì họ theo dõi, quản lý, nhắc nhở tôi hoài đến tận bây giờ, kể cả ông chồng tôi là đảng viên hơn 10 năm tuổi đảng không liên quan đến việc này cũng bị làm phiền…
- Ngày xưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tham gia làm cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954). Bác còn khổ tâm hơn tôi nhiều. Tôi không dám so sánh mình như bác, mà thật ra tôi bị ảnh hưởng bới Bác Hồ. Tôi không thần tượng Hồ Chí Minh như những bạn trẻ cuồng đảng, nhưng tôi thật sự bị ảnh hưởng bởi những câu nói quá hay từ Bác.
+ Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. (Toàn tập, ST, 1984, tập 4, trang 35)
+ Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. (Toàn tập, ST, 1986, tập 6, trang 286)
+ Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. (Toàn tập, ST, 1985, tập 5, trang 299) - Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. (Toàn tập, ST, 1985, tập 5, trang 299)
+ Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do... Ðối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. (Toàn tập, ST, 1987, T7, trang 482)
+ Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. (Toàn tập, ST, 1987, T7, trang 50)
(Hồ Chí Minh)
Nói ra mấy câu này, bao lần tôi bị các bạn chống cộng ném đá tơi bời, cũng như mấy bạn cờ đỏ không thích tôi nói về HCM vì các bạn ấy không thích tôi chống TQ anh em của họ, nhưng tôi thích các tư tưởng ấy của Bác thì nói là thích.
- Dù các an ninh cố làm giảm nhẹ quy mô, mức độ các cuộc tuần hành biểu tình để làm yên lòng Trung Quốc làm Việt Nam an ninh ổn định thì bọn Trung Quốc họ có thèm để tâm đến đâu, lâu lâu chúng vẫn ức hiếp ngư dân đấy thôi. Bây giờ tôi không có đi biểu tình nữa. An ninh Sài Gòn ép tôi ký một cam kết “không đi biểu tình chống TQ nữa” và tôi đã ký rồi. Còn lưu tờ cam kết đó ở Quận I. Sao làm phiền tôi hoài vậy? Đừng dồn tôi vào bước đường cùng đến nỗi tôi không còn gì để mất và trở thành một thành viên của một nhóm đối lập nào đó.
- Có lẽ đã bao nhiêu năm rồi Việt Nam mới có những cuộc biểu tình như thế. Không những ở trong nước là Hà Nội và Sài Gòn mà biểu tình đã đồng loạt nổ ra tại nhiều nước khác … Tôi tự hào vì mình đã góp phần làm nên một điểm nhấn trên một trang lịch sử vẻ vang của quê hương. Chống ngoại xâm thì không bao giờ là sai trái, mà đó là vì lòng yêu nước tự nhiên trong tôi nổi lên vào thời điểm đó mà thôi. Tôi không làm thế để được nổi tiếng, và cũng không dự trù được hết những tai hại mà nó sẽ xảy ra cho mình cho đến ngày hôm nay. Chỉ có thể nói gọn như thế này: Lòng yêu nước của tôi lúc ấy là theo bản năng vựt đậy, nó là một thứ tình cũng như tình yêu đôi lứa, không ai có thể mua chuộc – xúi giục – chỉ đạo,… không có ai trả tiền gì đâu,… tôi thề là ko hề có ai trả tiền cả, mà tôi lại còn tốn tiền đi đứng nữa cơ!
"Tôi yêu đất nước này chân thật, như yêu anh nụ hôn ngọt trên môi…"
- Yêu nước có phải là một cái tội không?! Có ai đó lôi kéo xúi giục tôi hay không … tôi xin thưa là nếu lôi kéo thì tôi sẽ không đi, vì tính tôi thích làm cái gì thì hãy để cho tôi tự nguyện. Tôi coi điều lôi kéo xúi giục đó chỉ dành cho trẻ con.
- Các bạn an ninh bảo tôi hãy để nhà nước lo. Tôi lúc đầu không thích vậy, nhưng bây giờ thì tôi cũng đã đồng ý để nhà nước lo rồi mà. Tuy nhiên tôi cũng nói là lịch sử đã ghi lại rất nhiều vết nhơ của nhiều ông như Trần Ích tắc, hay Trọng Thủy rồi đó .vv. Tóm lại tôi cũng đã giao cho nhà nước lo rồi. Tôi sẽ ráng mà tin nhà nước. Tôi vẫn xem báo đài và dò xét từng động thái nhỏ của nhà nước mỗi ngày. Nhà nước chỉ là một dạng chính thể, được sinh ra để làm công tác quản lý. Còn “Tổ quốc” thì thuộc về Nhân Dân.
- Những việc mà tôi làm tóm lại đó là những cư xử rất có tính xây dựng chứ không phải phá hoại. Bởi khi có sự tương tác giữa các bên có liên quan về quyền lợi và nghĩa vụ thì kết quả bao giờ cũng tốt hơn.
- Biểu tình có đòi lại được đảo không? Trước mắt thì là không. Chẳng hay ho gì khi phải lang thang hò hét trên đường phố, nhưng tôi không biết có cái gì đó cứ thúc giục tôi đi … Giờ tôi mới khổ như vầy, thôi thì tôi chịu thôi, mấy anh có làm gì tôi thì tôi cũng ráng mà chịu, nhưng tôi sẽ chia sẻ trên facebook với bạn bè và gia đình tôi để được họ nắm bắt tình hình khó khăn của tôi và nếu tôi và chồng tôi có chuyện xui rủi gì thì họ biết mà giúp chúng tôi.
- Yêu nước thì có dám cầm súng ra trận không? Xin trả lời là ai có việc nấy, tôi chuyên về chống giặc dốt (dạy học) nhưng khi súng giặc kề vào đầu thì ai cũng phải phản vệ, và tôi lúc ấy cũng sẽ vơ hốt bất kỳ cây súng nào mà bóp cò đại thôi chứ sao giờ!! Còn bộ đội nữa mà, họ dạo này làm kinh tế dữ lắm, như anh Viettel đó, sao họ ko dẹp kinh tế để lo cầm súng bắn tụi tàu đi, mà bắt tôi một phụ nữ gầy nhom 42 kg phải lo? Tôi không biết bắn súng, nhưng nếu cho tôi đi giặt đồ nấu cơm khi có chiến tranh thì tôi sẽ đi. Chỉ sợ tôi bị chê mà trả về.
- Khi tôi gõ những dòng chữ tâm sự này thì hình ảnh các anh chị bạn bè năm 2011 đang hiện về trong ký ức của tôi. Dù là tôi không quen biết tất cả bọn họ. Cám ơn số mệnh đã thắp sáng lên trong tôi niềm tin vào lòng yêu công lý và yêu quê hương Việt Nam.
Chúng ta – những bóng ma
từ thuở mang gươm đi mở cõi
ngón chân Giao Chỉ đã cày sâu
như những mũi kim khâu chặt người vào đất
Chúng ta – những bóng ma đi giữa phố hôm nay với tình yêu ngây ngất
mồ hôi quyện vào xương máu cha ông
mặn hơn bất kỳ thứ nước mắt cá sấu nào
đã từng than thở trước vong hồn dân tộc
thứ nước mắt nuốt sống niềm tin
thứ nước mắt ăn mòn sự thật
Chúng ta – bóng ma của những cuộc tuần hành giữa trưa
ai thấy không dám tin, ai tin không dám nói
ai nói không dám nhận, ai hận không dám kêu
những dấu chân Giao Chỉ đã vẽ nên biên cương lãnh thổ
qua vài ngàn năm bỗng dưng mất tích
bốc hơi như một cơn thở hắt của mùa hè
(thơ sưu tầm)
Phan Thị Thùy Linh - Cần Thơ
(Con Đường Việt Nam)

Ngô Nhân Dụng - Nhờ đâu vẫn còn nước Việt Nam?

Các nhà nghiên cứu lịch sử nước ta, sau khi viết về thời Bắc thuộc ai cũng muốn giải thích tại sao dân Việt Nam không bị Hán hóa sau một ngàn năm bị đô hộ. Trần Trọng Kim viết chương “Kết quả của thời Bắc Thuộc” trong Việt Nam Sử Lược nhấn mạnh đến ý chí của tổ tiên: “Hết thời Bắc thuộc rồi thì người Giao Châu ta có một cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng để độc lập, chứ không chịu lẫn với người Tàu.” Sử gia Lê Thành Khôi trong Histoire du Việt Nam giải thích rằng hiện tượng người Việt bảo tồn được tiếng nói là một sức mạnh đề kháng bền bỉ nhất. Sử gia Keith Taylor, trong cuốn The Birth of Vietnam, đồng ý về yếu tố ngôn ngữ; ông ghi nhận thêm sự phát triển của Phật Giáo trong thời Bắc thuộc là một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự hình thành nước Việt Nam. Trong cuốn Nhìn Lại Sử Việt (tập I) Lê Mạnh Hùng nêu thêm các yếu tố kinh tế, xã hội. Ông nhắc tới tình trạng tập trung dân số rất đông ở vùng Ðồng Bằng Sông Hồng, với nền tảng kinh tế vững chắc; dựa trên hai lợi thế đó, tổ tiên chúng ta bảo vệ được một nền văn minh cổ truyền trong hai thế kỷ đầu tiếp xúc với người Hán; nhờ thế về sau khả năng đề kháng càng vững mạnh hơn. Tất cả những ý kiến trên đều có lý. Nhưng người Việt học sử dân tộc vẫn còn tò mò muốn biết rõ hơn. “Cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng” mà Trần Trọng Kim nói, thực ra đó là gì, nhờ đâu tổ tiên chúng ta có được, và đã được thể hiện như thế nào?
Yếu tố quan trọng nhất giúp tổ tiên người Việt không bị Hán hóa có lẽ là, trước khi người Hán tới, dân Việt đã có sẵn một nền nếp trong cuộc sống chung, gọi là văn minh. Tổ tiên chúng ta đã có bản sắc văn hóa đủ vững chắc, nhiều đời trước khi bị chiếm đóng rồi bị đô hộ trực tiếp. Tổ tiên người Việt đã xây dựng một đời sống xã hội đủ chặt chẽ để họ có thể tự hào về chính mình. Nhờ thế họ không bị hấp dẫn, không bị cuốn chìm vào lối sống mà người phương Bắc đem tới, bắt phải theo. Ngoài những yếu tố chủ quan, như ngôn ngữ, chủng tộc, phong tục riêng, tinh thần bất khuất, vân vân, chúng ta còn thấy những điều kiện khách quan cũng thuận lợi cho ý thức dân tộc thành hình và phát triển. Có nhiều yếu tố bên ngoài hỗ trợ dân tộc Việt Nam. Vị trí nước ta ở ngã ba Châu Á, giữa Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương giúp cho dân Việt tiếp nhận nhiều nguồn văn minh trước khi gặp người Hán; cho nên bản sắc thêm vững chắc và bền bỉ đủ để tự vệ. Nhiều biến cố chính trị, kinh tế vào mỗi thời, ở Trung Quốc hay trong vùng Ðông Nam Á, cũng tình cờ tạo cơ duyên thuận lợi cho các cố gắng giành tự chủ của người Việt. Các điều kiện địa dư, khí hậu do thiên nhiên cống hiến góp thêm những hàng rào ngăn cản khiến người Hán bành trướng xuống tới biên giới nước Việt thì bị ngăn lại.

Chúng ta càng thấy rõ sức đề kháng mạnh tiềm ẩn trong dân tộc Việt khi hiểu những “sức mạnh mềm,” với chữ viết và các định chế chính trị, luân lý, tư tưởng của nền văn minh Trung Hoa mà họ dùng để đồng hóa sau khi chinh phục. Họ đã Hán hóa bao nhiêu sắc dân khác sống ở phía Nam Trường Giang, còn gọi là sông Dương Tử; vùng đất trước đời Tần còn đứng ngoài Trung Quốc. Khác với tổ tiên người Việt, các nhóm dân cư miền Hoa Nam nay đã hoàn toàn hòa nhập vào một quốc gia với khối người Hán từ phương Bắc. Con cháu họ bây giờ tự nhận là người Hán, hãnh diện là thành phần của một quốc gia đông dân nhất thế giới, với một nền văn minh cổ và tồn tại liên tục nhất trong lịch sử nhân loại. Còn người Việt Nam thì nuôi niềm hãnh diện khác: Họ giữ được một quốc gia độc lập không chịu biến thành người Hán. Có người sẽ hỏi: Giữa hai con đường này, làm dân một nước nhỏ độc lập, hay làm dân của một nước lớn như Trung Quốc, con đường nào tốt hơn, nghĩa là giúp cho người dân sống yên lành, hạnh phúc hơn? Tổ tiên người Việt Nam chọn con đường độc lập vì đã gây nên ý thức dân tộc và quyết tâm tự chủ. Lựa chọn đó có thể gọi là “phúc ấm” do tổ tiên để lại, cho chúng ta bây giờ hãnh diện nhận mình vẫn là dân Việt.
Việc tìm hiểu các nhân duyên khiến dân tộc Việt Nam vẫn còn độc lập sẽ giúp chúng ta hiểu công trình của bao nhiêu thế hệ trước, sẽ biết ơn tổ tiên và tin tưởng ở tương lai dân tộc. Nếu sau một ngàn năm Bắc thuộc dân Việt vẫn tồn tại, thì bây giờ cũng không lo sẽ mất. Ðã không bị đồng hóa thành người Hán, tổ tiên chúng ta còn thu hút được các di dân từ miền Bắc tới học sống theo mình, trở thành người Việt. Chúng ta sẽ thấy biến chuyển quan trọng nhất trong thời Bắc thuộc không phải là hiện tượng người Việt chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa. Các nước khác ở Á Ðông không bị đô hộ ngày nào mà cũng vẫn tự nguyện tìm học những điều hay của nền văn minh đó. Ảnh hưởng Khổng Giáo trên nước ta không phải là một điều đáng ngạc nhiên. Nếu nước Việt Nam không bao giờ bị lệ thuộc người Hán thì chắc chắn tổ tiên chúng ta cũng vẫn tìm học; không khác gì các dân tộc Triều Tiên và Nhật Bản. Khổng Giáo chỉ được triều đình nhà Lê đề cao từ những thế kỷ 15.
Hiện tượng đáng kể nhất trong một ngàn năm Bắc thuộc là quá trình chuyển hóa các di dân người Trung Hoa sang nước ta, bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất, họ đã dần dần hòa nhập vào khối người Việt ở địa phương; chính họ cũng góp phần bảo vệ và xây dựng nước Việt. Lâm Ngữ Ðường từng công nhận chính các di dân thuộc các sắc tộc “Rợ Hồ” từ phương Bắc tràn xuống vùng sông Hoàng Hà trong nhiều thế kỷ đã “góp máu,” giúp cho dân tộc Trung Hoa cường tráng, hùng mạnh gấp đôi. Người Hoa di dân sang nước ta trong một ngàn năm cũng đóng góp cho dân tộc Việt nhiều như vậy.
Tại sao chúng ta vẫn tiếp tục làm người dân Việt, tiếp tục bảo vệ một nước Việt Nam?
Tìm hiểu niềm bí nhiệm đó, chúng ta càng thông được “cái nghị lực riêng và tính chất riêng” của tổ tiên mình, như Trần Trọng Kim nhận xét. Tổ tiên không những để lại một mảnh đất và một nền nếp văn hóa để chúng ta sống với nhau; mà còn để lại cả cái nghị lực và tính cách riêng mà họ đã nung nấu suốt ngàn năm Bắc thuộc.
Ngẫm nghĩ về lịch sử thời Bắc thuộc thì phải tin là nước Việt sẽ không bao giờ mất được. Ngàn năm trước đã không mất thì ngàn năm sau chắc chắn sẽ không mất. Ngàn năm trước, tổ tiên từng chịu đựng những áp lực lớn, nghĩ đã thấy rợn mình. Thế mà vẫn đứng vững. Bây giờ dân mình đông hơn, ý thức dân tộc vững chắc hơn, kinh nghiệm dày dạn hơn. Loài người bây giờ cũng văn minh hơn và liên đới chặt chẽ với nhau hơn, không để cho nước lớn hiếp nước nhỏ.
Hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa có thể sống bên nhau trong hòa bình và lòng tôn kính nếu nước Việt Nam vẫn giữ được chủ quyền của mình, không quá tùy thuộc vào Trung Quốc. Khi hai quốc gia đều sống trong dân chủ tự do thì những xung đột biên giới, biển, đảo, cũng sẽ được giải quyết một cách ôn hòa. Trên thế giới, chưa thấy hai quốc gia tự do dân chủ gây chiến tranh với nhau bao giờ. Vì khi người dân nắm quyền quyết định những việc quan trọng, thì bình thường họ sẽ thấy gây chiến tranh chỉ có hại, bên nào cũng bị thiệt. Trên quan điểm kinh tế, chiến tranh không bao giờ đạt được những lợi ích đủ lớn để bù lại những phí tổn phải chịu đựng. Hiện nay, bên cạnh nước Việt Nam cũng không phải chỉ có một cường quốc duy nhất, như thời Bà Trưng hay thời Ngô Quyền. Trên thế giới sẽ không còn nước lớn nào đi chiếm các nước nhỏ mà các nước khác đứng ngoài coi; vì quyền lợi kinh tế đều dính líu đến nhau.
Nước Việt Nam sẽ không bao giờ mất. Ðiều đáng lo không phải chỉ là mình còn được độc lập hay không. Ðáng lo hơn nữa là nước mình chậm tiến quá, trong khi những nước chung quanh, kể cả Trung Quốc, đang tiến rất nhanh. Ðáng lo hơn hết, là dù nước mình vẫn còn nhưng dân mình không đuổi kịp các nước trên thế giới về kinh tế, chính trị và cả văn hóa. Làm sao để kinh tế nước ta có thể tiến lên; để dân mình được sống tự do; để nền nếp đạo lý trong xã hội không tiếp tục suy đồi; để nước mình có thể so sánh ít nhất cũng ngang hàng với các nước đã phát triển vùng Á Ðông?
Nghiền ngẫm lại lịch sử ngàn năm Bắc thuộc chúng ta càng thấy rõ bổn phận của mình đối với các thế hệ tương lai.
Ngô Nhân Dụng
(Diễn đàn Thế kỷ)

Dương Đình Giao - Có nên bỏ Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thổng

Gần đây, bà Nguyễn ThDoan, Phó chủ tịch nước đã đưa ý kiến cần bỏ kỳ thi tốt nghiệp Phổ thông trung học hàng năm với lý do “toàn đỗ 95 – 100% thì thi làm gì”. Trong một bài viết trước đây, tôi cũng đã từng nói: nếu không tổ chức thi nghiêm túc được để tình trạng gian lận lan tràn như hiện nay thì nên xem xét bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Ý kiến của bà Doan và ý kiến của tôi giống nhau về việc bỏ kỳ thi, nhưng vì hai nguyên nhân khác nhau.
Chúng ta có nên duy trì một việc làm mà trong đó gian dối tràn lan, tác dụng tích cực đâu chưa thấy. chỉ thấy trường thi như cái chợ, phao thi trắng sân trường. (gần đây các vị còn học một trường ở phía nam biện minh đó là những tờ giấy quảng cáo tiếp thị của mấy cơ sở luyện thi, chứ không phải phao thi. Các vị thật là “những người thích đùa”. Người ta phân phát quảng cáo nhiều như thế để mà sạt nghiệp sao?) Con em chúng ta ngay từ khi bước vào đời đã thấy ngôi trường của mình ngập tràn những sự dối trá. Vì thế, không nên treo một cái gương quá xấu, một việc làm vô cùng đáng xấu hổ trước mắt các em. Đây cũng có thể là một cách nói để chứng tỏ rằng, cách tổ chức kỳ thi tốt nghiệp hiện nay là không thể chấp nhận được. Bỏ kỳ thi là chứng tỏ sự bất lực của toàn bộ hệ thống chính trị, của đảng và nhà nước, những người hàng ngày hưởng lương từ tiền thuế một sương hai nắng của người dân mà một việc cần thiết tối thiểu trong giáo dục cũng không làm được.
Kỳ thi của chúng ta không có mục đích đánh trượt học sinh, học sinh đỗ càng nhiều, tỷ lệ đỗ càng cao thì càng quý, càng chứng tỏ chất lượng học sinh cao, giáo dục của chúng ta có hiệu quả. Vì thế, đây không thể là lý do để bỏ kỳ thi. Ở ta, nếu không có thi, chắc khá nhiều học sinh sẽ không học, thầy cũng sẽ không dạy. Bằng chứng rõ nhất là cứ đến cuối tháng 3 hàng năm, khi Bộ Giáo dục thông báo các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp thì chỉ chậm nhất là một tuần lễ sau, các môn không thi sẽ hoàn thành tất cả các loại điểm số trong sổ điểm, kể cả điểm trung bình môn cuối năm. Và từ đó, thời khóa biểu được sắp xếp lại để toàn bộ thời gian dành cho 6 môn sắp thi. Cho nên, nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp, chắc rất nhiều trường, nhiều lớp, nhiều học sinh sẽ chẳng học hành gì cả.
Chắc có người nói “kỳ thi trung học cơ sở cũng đã bỏ rồi đấy, sao học sinh vẫn học, thầy vẫn dạy”? Đó là vì gần như 100% số học sinh này còn tiếp tục học lên trung học phổ thông. Nhưng sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, bao nhiêu phần trăm học sinh có thể có cơ hội vào đại học? Cho nên gần như chắc chắn, chỉ có những ai có nhu cầu và điều kiện thi vào các trường đại học mới học thật sự. Ba năm trời với bao nhiêu tiền của, công sức của nhiều triệu con người ở cái tuổi lập thân lập nghiệp sẽ trôi xuống sông xuống biển.
Cho nên, trong hoàn cảnh hiện nay, nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông thì phải nói rõ là do chúng ta không có khả năng tổ chức nghiêm túc kỳ thi này. Đây là một vết nhơ mà ngành giáo dục nói riêng và toàn bộ hệ thống chính trị nói chung phải nhanh chóng rửa sạch để rồi sau một thời gian ngắn, kỳ thi này phải được thực hiện. 12 năm học mà chẳng có được một kỳ thi, cái bằng tốt nghiệp ấy có đáng tin cậy không? Toàn bộ ngành giáo dục, hàng năm hưởng ngần ấy phần trăm ngân sách từ tiền thuế của dân có đáng để tồn tại?
Dương Đình Giao

Mỹ : Nhân quyền đang xuống dốc tại Trung Quốc

Uzra Zeya, Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về dân chủ và nhân quyền - Reuters
Uzra Zeya, Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về dân chủ và nhân quyền - Reuters

Trưởng đoàn Hoa Kỳ trong cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Mỹ-Trung, bà Uzra Zeya hôm qua 02/08/2013 tại Bắc Kinh đã khẳng định, tình hình nhân quyền đang trở nên tồi tệ tại Trung Quốc. Những người đấu tranh cho các quyền tự do căn bản cũng như thân nhân của họ đang là nạn nhân bị chính quyền Trung Quốc đàn áp.

Trước báo chí, bà Uzra Zeya, Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về dân chủ và nhân quyền tuyên bố : « Chúng tôi tiếp tục nhận thấy một sự xuống dốc đối với tình hình chung về nhân quyền tại Trung Quốc ».

Bà nêu ra trường hợp gia đình của giải Nobel hòa bình đang bị cầm tù, ông Lưu Hiểu Ba, mà vợ ông là bà Lưu Hà hiện vẫn bị quản thúc tại gia trong khi không hề bị cáo buộc một tội danh nào. Hoặc luật sư khiếm thị Trần Quang Thành, hiện đang tị nạn tại Hoa Kỳ và thân nhân ông tại Trung Quốc tiếp tục bị sách nhiễu. Bà Zeya nói : « Đây là một xu hướng đáng lo ngại mà chúng tôi đã nêu lên với các quan chức cao cấp của Trung Quốc ».

Bà Uzra Zeya là trưởng đoàn Mỹ đã tham gia cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Mỹ-Trung tại Côn Minh trong hai ngày 30 và 31/7 vừa qua. Washington và Bắc Kinh đã bắt đầu tiến hành đối thoại nhân quyền hàng năm kể từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, nhưng bị đứt quãng từ 2002 đến 2008 do Trung Quốc bất bình trước những chỉ trích của Mỹ.

Còn theo bản tin Tân Hoa Xã hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một thông cáo báo chí đã cho rằng cuộc đối thoại trên đây là « thẳng thắn, sâu sắc, thấu đáo và mang tính xây dựng ». Phái đoàn Trung Quốc đã kêu gọi « phía Mỹ tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc trong lãnh vực tư pháp, và ngưng gây phiền nhiễu cho Trung Quốc đối với một vài trường hợp cá biệt ».

Theo bà Uzra Zeya, đánh giá tiêu cực của Hoa Kỳ về nhân quyền tại Trung Quốc còn được dựa trên các chính sách của Bắc Kinh nhắm vào các dân tộc thiểu số, « đặc biệt là các biện pháp đàn áp đối với việc hành đạo » của người Tây Tạng theo đạo Phật và người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi.

AFP nhận định, bà Uzra Zeya thực ra chỉ làm công việc khẳng định những kết luận trong bản báo cáo mới nhất về nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, theo đó các điều kiện đang trở nên tồi tệ tại Tây Tạng và Tân Cương.

Washington thường xuyên lên án Bắc Kinh vi phạm nghiêm trọng nhân quyền. Trung Quốc luôn trả đũa ngay các chỉ trích này bằng cách yêu cầu phía Mỹ « hãy sờ lên gáy mình trước đã », và công bố bản báo cáo của chính Bắc Kinh than phiền về tình trạng nhân quyền tại Hoa Kỳ. Các tiêu chuẩn đánh giá về nhân quyền của Trung Quốc có gồm cả những nhân tố được các nước phương Tây cho là ngoài lề như mức sống.
Thụy My (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét