Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Tin ngày 30/7/2013 - tiếp

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI

TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

Quan chức Việt nào cũng xứng là ’Công bộc Nhân dân’

canbo-quanlieu


Để trở thành nhà lãnh đạo đã khó, trở thành một nhà lãnh đạo được dân tin yêu, kính phục lại càng không dễ dàng. Chính vì vậy hầu hết những người đã lên đến cấp thứ trưởng, bộ trưởng đều là những người giỏi giang, năng lực chuyên môn cao, phẩm chất tốt, ít nhất là trong một vài lĩnh vực nào đó.
Chính vì vậy mà sau khi nghiên cứu hết những bài viết khen ngợi, viết về thành công của các vị bộ trưởng ở nước ta hiện nay để lựa chọn những vị ‘công bộc’ ưu tú, người viết bỗng nhận ra một thực tế rất rõ ràng là nếu chúng ta tiến hành trao giải thưởng ‘Công bộc Nhân dân’ thì ai cũng xứng đáng được nhận, bởi tất cả mọi người đều rất xuất sắc, đều là những nhà quản lý tài ba.
Có lẽ nhiều người sẽ không tin và cho rằng kết luận nêu trên chỉ là võ đoán, không thực tế bởi trong công tác quản lý của nước ta hiện nay còn rất nhiều vấn đề bất cập khiến người dân gặp phải không ít bức xúc. Tuy nhiên, những bất cập trong quản lý mà mọi người nhìn thấy chỉ là bề nổi của vấn đề, bản chất của sự việc là lãnh đạo tốt, quản lý giỏi, nhưng đôi khi chỉ do sơ xuất của cấp dưới tại các khâu yếu như đánh máy, dán nhãn, thư ký, nhân viên tiếp xúc trực tiếp với nhân dân… nên mới dẫn đến những hiểu lầm như vậy.
Nếu bạn đọc không tin, người viết có thể dẫn ra đây hàng loạt các ví dụ mà chắc chắn mọi người đọc xong sẽ phải ồ lên và gật gù, không hề có chuyện nói chơi ở đây.
Này nhé, với những sự việc ầm ĩ, gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian vừa qua như việc sách giáo khoa cho trẻ em in sai cờ Trung Quốc của một số nhà xuất bản, hay dán cờ Trung Quốc vào nho Việt Nam ở siêu thị Big C, rõ ràng là lỗi của họa sĩ và nhân viên dán nhãn. Bởi trong lúc Việt Nam đang giữ thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo trước những tuyên bố phi lý của Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa và đường lưỡi bò, chả có nhà quản lý nào lại chỉ đạo in nhầm, dán nhầm cờ Trung Quốc cả.
Với những vụ văn bản lỗi gần đây như văn bản của Bộ xây dựng về việc không xây các công trình nhại kiến trúc cổ điển kiểu Pháp – châu Âu, hay văn bản của Bộ Công an quy định cấm đọc báo, xem tivi, cấm các thành viên của gia đình ra khỏi nhà, xử phạt nếu chì chiết lẫn nhau… khiến người dân không biết phải hiểu ra sao, và rất nhiều văn bản khác… thì tất nhiên lỗi phải thuộc về nhân viên đánh máy và thư ký.
Có một thực tế dễ nhận thấy là các lãnh đạo chỉ cần từ cấp phòng trở lên thôi là đã bận trăm công, nghìn việc, họp hành liên miên làm sao có thể đủ thời gian mà kiểm tra từng câu, từng chữ, soát từng từng lỗi chính tả, vì vậy, tất nhiên việc soát lỗi là việc của nhân viên, của thư ký. Nên trong việc văn bản của các bộ, ngành ban hành chưa đúng chuẩn, đúng chính tả thì cũng không thể trách cứ bộ trưởng được.
Tương tự như vậy, trong trường hợp sai số điện thoại ứng cứu nạn nhân trên biển như vụ việc số điện thoại cứu hộ của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II bị đăng tải sai trên trang điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam, dẫn đến việc người dân không thể liên lạc khi có nhu cầu hỗ trợ giúp đỡ, thì còn là lỗi của ai nữa ngoài nhân viên kỹ thuật phụ trách trang điện tử.
Và mới đây nhất, vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong do tiêm vắc xin tại Quảng Trị, lỗi cũng không phải là của các lãnh đạo bệnh viện hay của Bộ Y tế mà là do nhân viên trực tiếp tiêm cho trẻ. Trách nhiệm này đúng là không thể quy cho ai ngoài các cán bộ trực tiếp làm việc với trẻ bởi Bộ trưởng, thứ trưởng ngành y tế hay gần hơn là giám đốc bệnh viện đâu phải là người trực tiếp cầm kim tiêm.
Ngay với cả việc cập nhật tình hình số lượng người được vay vốn, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng giải cứu bất động sản mới đây hay những số liệu báo cáo của các bộ ngành nói chung có sai số, nhầm lẫn cũng là do nhân viên thống kế đánh máy làm việc chưa tốt, chưa kiểm tra và báo cáo đầy đủ để lãnh đạo có số liệu chính xác báo cáo lên cấp trên và trả lời báo chí.
Và còn nhiều, rất rất nhiều những ví dụ khác mà người viết có thể nêu ra đây để chứng minh cho mọi người thấy làm lãnh đạo khổ lắm, trăm công nghìn việc đổ lên đầu, trên ép xuống, dưới đẩy lên đã không hết việc lại còn bị hiểu nhầm, bị đổ lỗi nhầm vì những sai sót của nhân viên cấp dưới. Quả thật là trăm dâu đổ đầu tằm, quýt làm cam chịu phê bình, chê trách.
Thế cho nên như đã trình bày ở trên, tất cả các cán bộ lãnh đạo nước ta hoàn toàn xứng đáng nhận danh hiệu ‘Công bộc Nhân dân’ không chỉ bởi năng lực quản lý tốt mà còn bởi họ phải chịu quá nhiều áp lực, thậm chí bị dư luận phê phán, chê trách vì những lỗi mà chẳng phải do họ gây ra.
Theo Phụ nữ Today

’Công bộc nhân dân’ phải biết buồn như Bộ trưởng Luận



Mấy ngày gần đây, trên báo chí, các diễn đàn hay trang mạng xã hội dường như đang có một trào lưu nhìn nhận, đánh giá vai trò, năng lực của người đứng đầu các Bộ ở nước ta hiện nay. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tất nhiên đã vô cùng nổi tiếng với những phát ngôn đanh thép và hành động kiên quyết, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được thương yêu vì thật thà và giàu cảm xúc, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thì nói giỏi làm nhanh…

Tuy nhiên, còn một nhân vật vô cùng quan trọng mà dường như mọi người đã mắc phải thiếu sót lớn vô cùng khi không đề cập đến đó là bộ trưởng bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.
Nhắc đến bộ trưởng Luận không ít người sẽ nghĩ ngay đến một vị bộ trưởng với khuôn mặt hiền từ, phúc hậu và đặc biệt là có tình thương bao la với rất nhiều đối tượng trong xã hội. Là vị lãnh đạo quản lý lĩnh vực giáo dục đào tạo, ngành có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội của nước ta, bộ trưởng Luận dường như đã không ngại cụ thể hóa tình thương của mình bằng các văn bản.
Với tấm lòng yêu thương và trân trọng sâu sắc những đóng góp của các mẹ Việt Nam anh hùng, Bộ trưởng Luận đã có một hành động đền ơn đáp nghĩa vô cùng thực tế và thuyết phục là quy định cộng 2 điểm ưu tiên cho các mẹ khi đi thi đại học. Cụ thể, ngày 4/7 Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên dự thi đại học, cao đẳng chính quy, trong đó có điều khoản bổ sung đối tượng ưu tiên vào đối tượng 03 (cộng 2 điểm thi đại học), gồm: Bà mẹ Việt Nam anh hùng;Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/8/2013.
Trong khi cả xã hội bị căn bệnh hình thức bủa vây, làm gì cũng là để cho có, kể cả các hoạt động đền ơn đáp nghĩa vô cùng cần thiết, thì bộ giáo dục đã đi đầu trong việc có những hành động rất cụ thể.
Tuy nhiên, đúng 12 ngày sau đó, chiều 16/7, Bộ GD&ĐT lại ra Thông tư số 28 thông báo bãi bỏ đối tượng ưu tiên thi tuyển sinh là 3 nhóm đối tượng trên. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/8/2013. Đến lúc này người ta còn nhận ra ở Bộ trưởng Luận một phẩm chất vô cùng đáng quý mà không nhiều vị lãnh đạo nước ta hiện nay có thể sở hữu được đó là ‘luôn lắng nghe, mới nghe đã hiểu’ khi nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ phía dư luận về sự ưu tiên này, mà sau khi nhận được phản ứng, bộ trưởng đã không ‘cãi chày cãi cối’, hứa hẹn rồi để đấy mà giải quyết ngay sự việc.
Trong khi bộ giáo dục hướng tới những hành động cụ thể để thiện lòng biết ơn đối với những người có công với cách mạng thì dư luận lại chỉ nhìn vào tính khả thi của quy định, có sự vênh nhau trong cách nhìn nhận vấn đề ở đây nên mới gây ra dư luận gay gắt xung quanh việc cộng điểm chứ thật ra quy định này là rất rõ ràng, với mục đích tốt.
Bên cạnh việc thể hiện lòng biết ơn, ghi nhận với các mẹ Việt Nam anh hùng, bộ trưởng Luận còn dành một tình thương yêu vô bờ bến với các em học sinh. Đây có thể nói là phẩm chất vô cùng đáng quý bởi làm giáo dục là tiếp xúc với học sinh sinh viên, nếu không yêu thương, quan tâm lo lắng cho những thế hệ tương lai của đất nước thì không thể có những chính sách thiết thực và hiệu quả, mang lại điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên.
Vậy biểu hiện của tình thương ấy ở đâu nhỉ? Nó được thể hiện rất rõ ràng trong các quy định, chỉ đạo chống tiêu cực của ngành giáo dục nói chung và Bộ trưởng nói riêng. Bộ trưởng không chỉ thương học sinh sốc nên không dám cho các em nghe về hiện tượng tiêu cực trong thi cử, trong môi trường dậy và học bởi điều đó không khác nào có hành động làm vấy bẩn vào tâm trí của các em vốn vẫn trong sáng như tờ giấy trắng. Đấy là còn chưa kể đến mục đích của việc chống tiêu cực là để các em được hưởng một môi trường giáo dục công bằng, loại bỏ hoàn toàn gian lận, dối trá.
Tình yêu thương ấy hàng năm còn được thể hiện rất rõ ràng qua các chương trình ‘Nói không với tiêu cực trong thi cử’ được tổ chức rầm rộ vào mỗi mùa thi và kết quả tỷ lệ tốt nghiệp chỉ được giảm chứ không được tăng bằng việc ‘ép’ thành tích đậu tốt nghiệp xuống các trường các tình năm sau không được cao hơn năm trước.
Một biểu hiện nữa của tình thương lớn trong lòng bộ trưởng Luận đó là việc khi trường tư gặp khó khăn, kêu cứu Bộ giáo dục đã không ngại khó, ngại khổ ra tay giúp đỡ ngay lập tức như ban hành đề dễ để học sinh có điểm cao nhằm nâng đầu vào cho các trường tư hay có thế giảm bớt các trường đại học và giảm thuế cho các trường…
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng được ghi nhận là lãnh đạo ngành chăm chỉ, nhiệt tình gửi tâm thư giãi bày cảm xúc nhất. Từ thư cảm ơn ngay sau khi nghe tin các em thí sinh ở Thái Nguyên được đưa đến địa điểm thi bằng xe thiết giáp, thư biểu dương tinh thần dũng cảm lao xuống hồ nước sâu cứu được 5 em nhỏ khỏi chết đuối, hay thư thăm hỏi, động viên, chia buồn đến các gia đình giáo viên, thân nhân bị nạn trong vụ tai nạn giao thông xảy ra với đoàn tham quan, nghỉ hè của tập thể cán bộ Trường Tiểu học Hòa Phước 2…
Lá thư thể hiện tình cảm, ý nguyện của Bộ trưởng không chỉ có người nhận được nó cảm kích mà ngay cả dư luận cũng cảm thấy được động viên phần nào. Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, Bộ trưởng Luận đang hướng thế hệ học sinh đang ngày càng vô cảm quay trở về tình cảm uống nước nhớ nguồn có từ lâu của người Việt Nam.
Có thể gần đây đang có một thực tế là không ít người dân đã và đang bày tỏ sự thất vọng lớn đối với ngành giáo dục nói chung cũng như chất lượng giáo dục nước ta nói riêng, tuy nhiên, chúng ta không thể vì như thế mà phủ nhận sạch trơn vai trò cũng như những đóng góp to lớn của bộ trưởng Luận. Bộ trưởng dường như đang ngày càng khẳng định mình là một nhà chuyên môn, nhà hoạch định chính sách mà thể hiện tình thương yêu và tâm huyết với ngành một cách lặng thầm chứ không như các chính sách lúc nào cũng phát biểu, hứa hẹn thật nhiều để lấy lòng dân rồi lời hứa cứ theo gió bay ngay sau đó.
Có lẽ chính vì nỗi buồn khó giãi bày ấy mà ngay sau khi nghe kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc Hội không được cao, với 177 phiếu tín nhiệm thấp, 86 phiếu tín nhiệm cao và 229 phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng Luận đã không giấu được nỗi buồn, đi bộ một mình ra sau hội trường và từ chối trả lời phỏng vấn nhà báo…
Mặc dù chịu thiệt thòi khi không như các chính khách thực thụ cả khả năng giành được tình cảm từ phía dư luận nhưng Bộ trưởng Luận vẫn luôn nhiệt tình, âm thầm cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục nhằm xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, vững mạnh. Chính vì vậy, bộ trưởng Phạm Vũ Luận hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu ‘Công bộc Nhân dân’.
Theo Phụ nữ Today

Ông Đoàn Văn Vươn: ‘Đạn bắn chim không thể làm chết người’

Khẳng định loại “đạn bắn chim” dùng chống trả lực lượng cưỡng chế không thể làm chết người, ông Đoàn Văn Vươn xin đứng ra làm thí nghiệm để bắn loại đạn này. Tuy nhiên, phía giám định kết luận, đạn này có thể gây sát thương.

Chiều 29/7, phiên phúc thẩm vụ Đoàn Văn Vươn tiếp tục với phần thẩm vấn các bị hại trong vụ án. Chủ tọa Vinh Quang cho hay, các bị hại không kháng cáo nhưng để làm rõ các vấn đề liên quan nên đã triệu tập đến phiên toà.
Ông Lê Văn Mải, người bị thương khi chỉ huy các tổ công tác cưỡng chế khu đầm nuôi tôm của bị cáo Vươn cho rằng, mình đang thi hành công vụ. Còn bị hại Vũ Anh Tuấn, thành viên tổ công tác số 3 tiên phong vào khu vực cưỡng chế cho biết, sau khi quả mìn nổ ở hàng rào thứ nhất, đã cùng đồng đội tiến sát hàng rào thứ hai. Gần đến căn nhà hai tầng của ông Quý, ông Tuấn bị trúng đạn.
“Qua khe hở, tôi thấy rõ trong nhà còn 2 – 3 người khác”, bị hại Tuấn trình bày. Tuy nhiên, ở phần thẩm vấn, bị cáo Quý cho rằng lúc đó chỉ có mình đứng trong nhà nổ súng ra.
v3-1375110034_500x0.jpg
Ông Đoàn Văn Vươn và các anh em tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Việt Dũng.
Phiên xử phúc thẩm vắng mặt hai bị hại công tác trong quân đội nên Hội đồng xét xử đã thông báo lời khai của họ. Nội dung lời khai thể hiện lại việc tham gia buổi cưỡng chế nhằm đảm bảo an toàn cho lực lượng chức năng. Tham gia đoàn cưỡng chế, họ được phân công đi đầu dò mìn, tiếp đó là lực lượng công an.
Sau vụ nổ, tổ công tác vẫn tiến lên dò mìn và hai người bị thương ở mặt. 6 bị hại được xác định tổn thương sức khoẻ 11 – 36%.
Đại diện Viện KSND Tối cao hỏi bị cáo Vươn về việc, ông này cho rằng khi bị xâm phạm quyền và lợi ích nên đã lên kế hoạch chống trả tổ cưỡng chế, đồng thời chất vấn quyền và lợi ích của các bị cáo Vệ và Sịnh. Theo quan điểm của cơ quan công tố, hai bị cáo này không liên quan đến khu vực cưỡng chế bởi hơn 20 ha đầm được chính quyền giao cho bị cáo Vươn.
Trong khi đó, các luật sư của bị cáo Vươn, Quý tập trung vào việc xác định loại đạn được sử dụng có thể gây sát thương với người hay không. Ông Vươn nói: “Tôi khẳng định đạn bắn chim bắn khoảng 20 – 30 m không thể làm chết người. Tôi xin đứng ra làm thí nghiệm để bắn loại đạn này”. Do các vết thương có đường kính là 5 mm nên luật sư cho rằng loại đạn bắn ra phải nhỏ hơn 5 mm.
Tuy nhiên, giám định viên Lê Tuyết Cẩn cho hay, sau khi công an gửi các mẫu vật gồm 3 loại đạn (2,5 mm, 3,5 mm và 8,5 mm) đã làm các giám định và kết luận chúng có thể gây sát thương, tử vong. “Chúng tôi dựa vào các phương tiện máy móc khoa học cùng với việc dựa trên nhiều thực nghiệm”, ông Cẩn cho biết.
Tại toà, một lần nữa luật sư tiếp tục đưa ra hai bức ảnh, trong đó có việc trên các bức tường trong và ngoài nhà ông Quý đều có vết lỗ chỗ. Bị cáo Quý khai trước đó không hề có, và khẳng định vết lõm này do lực lượng cưỡng chế gây nên. Nhân chứng Vũ Văn Thuỷ tham gia tổ cưỡng chế khẳng định mình cầm theo khẩu K54 nhưng “chỉ bắn chỉ thiên khi thấy anh Tuấn dính đạn, máu mê đầy mặt”.
Theo vnexpress

Tranh luận gay gắt về phát súng của em trai Đoàn Văn Vươn

Trong phiên xử chiều nay 29.7, chủ tọa phiên tòa đã cho luật sư và các giám định viên tranh luận thẳng thắn, rõ ràng về tác động của các phát súng do Đoàn Văn Quý, em trai Đoàn Văn Vươn, bóp cò khiến 7 cán bộ công an, quân đội bị thương.

Trong vụ cưỡng chế sáng 1.5.2012, khi đoàn cưỡng chế tiến vào khu nhà của Đoàn Văn Quý, Quý đã cho nổ mìn. Lực lượng công an, quân đội H.Tiên Lãng tiếp tục tiến vào, Quý đã bắn 2 phát súng hoa cải từ 2 khẩu súng khác nhau, khiến 7 cán bộ công an, quân đội bị thương, tỷ lệ thương tật từ 1-43% sức khỏe.
Về phát súng của Quý, bản kết luận giám định được công bố tại tòa đã nêu rõ: Với loại súng và loại đạn Đoàn Văn Quý sử dụng, ở khoảng cách 30 mét có thể gây sát thương.
Tranh luận gay gắt về phát súng của em trai Đoàn Văn Vươn 1
Giám định viên Lê Viết Cần (trái) trả lời khá rành rọt về các vấn đề kỹ thuật giám định – Ảnh: Thiên BìnhTranh luận gay gắt về phát súng của em trai Đoàn Văn Vươn 2
Xe đưa các bị cáo rời tòa cuối giờ chiều nay – Ảnh: Thiên Bình
Luật sư Trần Vũ Hải, bào chữa cho bị cáo Đoàn Văn Vươn hỏi giám định viên Lê Viết Cần: Xin ông cho biết, dựa vào căn cứ nào mà ông có thể kết luận khẩu súng và viên đạn bắn ra từ khẩu súng đó, nếu bắn ở tầm 30 mét thì có thể gây thương tích, thậm chí tử vong cho nạn nhân.
Giám định viên Lê Viết Cần trả lời: Chúng tôi đã có rất nhiều lần thực nghiệm, đã có đề tài nghiên cứu khoa học, có đủ căn cứ khoa học để khẳng định như chúng tôi đã kết luận.
Luật sư Hải hỏi tiếp: Đây là súng tự chế, không có tiêu chuẩn sản xuất, nên nếu không thực nghiệm bắn từ chính khẩu súng này thì không thể có căn cứ chính xác để khẳng định tầm bắn bao nhiêu thì có thể sát thương. Vậy việc kết luận tầm bắn 30 mét có thể khiến nạn nhân bị thương, thậm chí tử vong có đủ căn cứ xác định?


Luật sư Trần Vũ Hải, bảo vệ cho bị cáo Đoàn Văn Vươn, hỏi ông Lê Văn Mải, nguyên Trưởng công an H.Tiên Lãng: Xin ông cho biết đoàn cưỡng chế chia làm mấy mũi đi vào khu vực cưỡng chế? Ông Mải đáp: Kế hoạch của chúng tôi là kế hoạch của lực lượng vũ trang, đó là tài liệu mật, chúng tôi không thể trả lời tại tòa.


Giám định viên Lê Viết Cần cho biết: Chúng tôi đã giám định viên đạn mà công an TP.Hải Phòng trưng cầu giám định là viên đạn bắn ra từ súng Kalip 12, chúng tôi đã có những thực nghiệm rất cụ thể, ở nhiều tầm bắn, nhiều vị trí, chúng tôi có cả máy đo gia tốc để đo, nên việc kết luận là dựa trên cơ sở khoa học.
Luật sư Nguyễn Việt Hùng, bảo vệ cho bị cáo Đoàn Văn Vươn hỏi ông Lê Viết Cần về khoảng cách bao xa thì có thể dẫn tới chết, bao xa có thể bị thương?
Ông Lê Viết Cần giải thích: Tôi không khẳng định được, vì nếu bắn gần mà vào chỗ không hiểm thì có thể không chết, bắn xa có thể vẫn chết nếu vào chỗ hiểm.
Khi luật sư yêu cầu đưa ra các căn cứ khoa học về việc giám định, tính toán mức độ sát thương của các loại đạn, ông Cần trả lời, chúng tôi có đủ tài liệu, nếu hội đồng xét xử yêu cầu, chúng tôi sẽ cung cấp.
Lúc 17 giờ 15 cùng ngày, chủ tọa phiên tòa tuyên bố tạm dừng, ngày mai sẽ tiếp tục với ý kiến của đại diện Viện kiểm sát.
Theo Thanh Niên

Dịch vụ công chỉ cho người giàu là không công bằng



“Lấy tiền Ngân sách để cung ứng dịch vụ công chỉ cho một bộ phận người giàu là không công bằng” – TS. Nguyễn Sĩ Dũng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.
PV:- UBND TP. Hà Nội vừa quyết định cho xây 35 trường công chất lượng cao, thu học phí cao. Chủ trương này phải chăng Hà Nội đang mở đường cho sự phân biệt giàu nghèo, tạo ra sự bất bình đẳng ngay trong hệ thống trường công. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề trên?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: – Tôi nghĩ Hà Nội chưa cân nhắc thật kỹ chủ trương này. Có thể, ý đồ chỉ là nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố và đáp ứng nhu cầu của một bộ phận dân cư. Tuy nhiên, rủi ro của sự bất bình đẳng mà phóng viên nêu ra là có thật.
Trước đây, chúng ta cũng đã từng tạo ra sự bất bình đẳng khi hình thành nên hệ thống trường chuyên, lớp chọn. Tuy nhiên, đây chỉ là sự bất bình đẳng giữa những học sinh có năng khiếu so với những học sinh ít có năng khiếu hơn. Và có vẻ như xã hội chấp nhận một sự phân biệt đối xử như vậy.
Lần này câu chuyện lại khác. Lần này là sự phân biệt đối xử giữa những người giàu có và những người nghèo khó. Tôi nghĩ, một sự phân biệt đối xử như vậy rất khó được chấp nhận, đặc biệt trong một nước mà công bằng xã hội được coi là một trong những giá trị lớn nhất của chế độ.
PV:- Lập luận được Hà Nội đưa ra là, một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế muốn cho con được học ở những môi trường đẳng cấp. Nếu Hà Nội không đáp ứng nhu cầu đó thì họ sẽ chuyển con ra nước ngoài, gây chảy máu ngoại tệ. Quan điểm của ông như thế nào?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: – Tôi nghĩ hiện tượng chảy máu ngoại tệ là có thật. Và ngoài tệ bị chảy máu do các cơ sở giáo dục trong nước không đáp ứng được nhu cầu của một bộ phân dân cư giàu có cũng là có thật.
Tuy nhiên, xử lý vấn đề bằng việc xây dựng hệ thống trường công chất lượng cao để phục vụ những người này chưa chắc đã có được sự đồng thuận xã hội. Bởi vì rằng lấy tiền Ngân sách để cung ứng dịch vụ công chỉ cho một bộ phận người giàu là không công bằng.
Trước đây, UNDP có một nghiên cứu về dịch vụ công ở Việt Nam. Theo nghiên cứu này, thì đa số các dịch vụ công ở nước ta đều rơi vào tay những người giàu. Có thể, chúng ta không bao giờ có ý đồ như vậy, nhưng do khả năng thiết kế chính sách hạn chế, sự thiếu công bằng đã xảy ra ngoài ý muốn của chúng ta.
Chủ trương xây dựng hệ thống trường công chất lượng cao không khéo sẽ củng cố thêm cho xu hướng chi tiêu ngân sách cho dịch vụ công kém lành mạnh nói trên.
Theo tôi, cách làm đúng đắn hơn là tạo điều kiện cho hệ thống trường tư đáp ứng nhu cầu của bộ phận dân cư giàu có. Cả thế giới đều phải làm như vậy, thì chúng ta cũng không nên làm ngược lại. Tất nhiên, phải có cơ chế thật sự thông thoáng cho các trường tư, đặc biệt là chính sách về đất đai và về học phí.
Nghịch lý hiện nay là về cơ bản trường công đang thật sự đẳng cấp hơn trường tư. Mà như vậy thì người giàu sẽ tìm mọi cách để gửi con vào trường công. Cứ tin tôi đi, người giàu có thể làm điều này dễ hơn người nghèo rất nhiều. Đây có thể cũng là lý do giải thích tại sao UNDP lại cho rằng dịch vụ công đang rơi vào tay người giàu nhiều hơn.
PV:- “Chẻ” trường công thành trường công chất lượng cao cho con nhà giàu và trường công cho con nhà nghèo. Lối suy nghĩ này có phải Hà Nội đang dần từ nhiệm Nhà nước về mặt trách nhiệm đối với nền giáo dục, thưa ông?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: – Tôi nghĩ không nên buộc tội Hà Nội một cách cực đoan như vậy. Có thể, Hà Nội chỉ muốn tìm cách tạo ra đột phá trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mà thôi. Tuy nhiên, có thể, Hà Nội đã chưa cân nhắc thật kỹ chủ trương này.
PV:- Thưa ông, ông có thể cho biết kinh nghiệm của các nước phải giải quyết yêu cầu tương tự như Hà Nội hiện nay như thế nào?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: – Câu hỏi này tôi đã trả lời ở phần trên. Tôi chỉ xin nhấn mạnh thêm ở đây là: trên thế giới các dịch vụ chuyên biệt, cao cấp phải là dịch vụ tư. Dịch vụ công thì phải đạt chuẩn và phải mở ra cho tất cả mọi người.
Ngoài ra, dịch vụ công còn phải tuân thủ một loạt các nguyên tắc khác, như phải bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng của mọi công dân; phải có giá cả phù hợp và xã hội chấp nhận được; phải bảo đảm tính liên tục (không bị gián đoạn) của dịch vụ…
Xin cảm ơn ông!
Theo Đất Việt

Màng bọc thực phẩm Trung Quốc chứa chất gây vô sinh

Kênh truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 28/7 công bố 15 trong số 16 loại màng bọc bảo quản thực phẩm PVC có chất dẻo cấm sử dụng DEHA – chất phá hỏng hệ sinh dục và hệ nội tiết.
Khảo sát của các phóng viên nước này cũng cho thấy, một nửa số đặc sản đóng gói trong siêu thị sử dụng màng bọc PVC.
Được sử dụng phổ biến để bao gói thực phẩm, màng nhựa trở thành vật dụng có mặt trong hầu hết các gia đình vì tính tiện dụng. Một người dân Bắc Kinh – được gọi là chị Bi – gần đây phát hiện, sau khi dùng màng bọc thịt chín vài hôm, trên lớp màng có một lớp mỡ dày trông không giống với dầu mỡ của thức ăn. CCTV điều tra và biết chị Bi đã dùng loại màng bọc PVC.
trungquoc-vesinh
Ảnh minh họa: Aliexpress.com.
Theo thành viên Hội đồng đào tạo chuyên gia về bao bì Trung Quốc, Yang Weimin, màng bọc PVC thường có thêm chất dẻo. Chất dẻo này không tan trong nước lạnh nhưng khi ở nhiệt độ 60 độ C trở lên hoặc trong môi trường dầu mỡ sẽ kết tủa. Thứ mà chị Bi phát hiện – lớp mỡ dầu không giống mỡ thức ăn – chính là chất dẻo trong màng bảo quản.
Yang Weimin cũng cho biết, màng bọc PVC trong suốt, bám dính tốt, giá rẻ nên được nhiều người ưa dùng, chiếm 60-70% thị trường. Tại một số siêu thị ở thành phố Quảng Châu, những người bán hàng cũng không biết loại màng bọc bán tại siêu thị của họ là PE hay PVC, đồng thời khẳng định thức ăn “tuyệt đối an toàn” dù được gói bằng loại màng bọc nào.
Năm 2005, Trung Quốc đã cấm các doanh nghiệp sử dụng chất dẻo DEHA để sản xuất màng bảo quản thực phẩm. Trung tâm tư vấn kỹ thuật bảo vệ môi trường Bắc Kinh lấy 16 mẫu màng bảo quản PVC với các thương hiệu khác nhau từ các siêu thị của Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu… gửi đến cơ quan chức năng phân tích.
Kết quả: 16 thương hiệu ở 15 quốc gia chứa chất dẻo bị cấm DEHA. Màng bọc PVC của những thương hiệu lớn nhất đều chứa DEHA. Trong số đó, loại thấp nhất vượt ngưỡng 98 lần, cao nhất vượt ngưỡng 472 lần, còn trung bình đều vượt quá mức cho phép 200 lần.
Dong Jinshi, chuyên gia về an toàn thực phẩm cho biết: “Sự nguy hại chính là ảnh hưởng tới hoóc môn, làm rối loạn hệ thống nội tiết, khiến estrogen tăng, nội tiết tố nam giảm. Kết quả, nữ sớm dậy thì, nam vô sinh, đặc biệt là sự phát triển bộ phận sinh dục của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị ảnh hưởng”.
3 cách nhận biết màng bọc chứa nhựa PVC độc hại
Các chuyên gia khuyên người tiêu dùng tốt nhất nên sử dụng màng bọc PE, nếu sử dụng màng bọc PVC thì không nên trực tiếp bọc đồ chín và không nấu trong lò vi sóng.
Có 3 cách phân biệt màng bọc PVC và màng bọc PE. Thứ nhất là nhìn màu sắc: cuộn màng bọc màu vàng là PVC, màu trắng là PE. Thứ hai là sờ bằng tay. Màng bọc PE nhìn chung ít dính tay khi sờ vào, dễ dàng bóc ra, còn màng PVC thì dính chặt, không dễ dàng bóc ra. Thứ ba là thử bằng cách đốt cháy. Màng PE đốt cháy nhanh, còn màng PVC sẽ khó bắt lửa hơn và khi cháy có mùi hắc.
Theo vnexpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét