Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Bài viết đáng chú ý

TS. Hoàng Xuân Phú - Quốc hiệu nào hội tụ lòng Dân?

phu-2005Aug-a
S. Hoàng Xuân Phú
Lẽ ra ta không cần phải tốn quá nhiều thời gian để bàn luận về quốc hiệu, bởi đó là một chuyện đơn giản. Không gì đơn giản hơn việc chọn một tên thật… đơn giản và mộc mạc, để dễ được đa số Nhân dân chấp nhận, và bền vững với thời gian. Vấn đề chỉ trở nên rắc rối khi muốn dùng quốc hiệu để trang điểm, hay cố gói ghém vào đó thiên hướng chính trị, và trở thành phức tạp hơn vì phải né tránh những tì vết của lịch sử. Khi đã lâm vào trạng thái rắc rối và phức tạp, thì gỡ ra cũng không dễ. Mục đích của bài viết này là chia sẻ mấy ý kiến, nhằm góp phần lựa chọn một quốc hiệu hợp lý.
 1.  Tiêu chí cho quốc hiệu
 Để nội dung thảo luận không quá tản mạn, xin đề xuất bốn tiêu chí, mà quốc hiệu cần thỏa mãn.
 Tiêu chí 1: Quốc hiệu không được chứa đựng những khái niệm trái ngược với thực trạng của Đất nước. Yêu cầu tưởng chừng hiển nhiên này thường bị vi phạm, khi người ta muốn dùng quốc hiệu để trang điểm cho chế độ. Chọn tên thế nào cho hay là một chuyện thường tình, nhưng khi tên hay đến mức… trái ngược hẳn với thực trạng thì lại trở thành trớ trêu. Cũng giống như việc bố mẹ đặt tên con là “Thiên Tài” hay “Hoa Hậu”, trong khi đứa trẻ lại không may bị thiểu năng trí tuệ, hay bị dị tật giữa mặt, thì cái tên quá hay kia chỉ khiến nó càng hay bị người đời châm chọc mà thôi. Hai mĩ từ được ưa dùng để đưa vào tên nước là “Dân chủ”“Nhân dân”. Oái oăm thay, ở những quốc gia mà dân chủ đã trở thành hiển nhiên và Nhà nước thực sự là “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, thì hai từ “Dân chủ”“Nhân dân” không xuất hiện trong quốc hiệu – Điều đó cũng chẳng cần thiết vì “hữu xạ tự nhiên hương”. Ngược lại, ở nhiều quốc gia mà tính từ “Dân chủ” hay danh từ “Nhân dân” được gán vào quốc hiệu, thì dân chủ hay bị chà đạp và Nhân dân hay bị coi thường, mà một trong những ví dụ điển hình là chế độ diệt chủng mang tên Camphuchia Dân chủ của Khmer Đỏ. Những mĩ từ kiểu ấy không lừa được ai, không thể ngụy trang để che lấp thực tế phũ phàng. Chúng không chỉ gây cảm giác mỉa mai, mà còn làm cho người dân cảm thấy bị xúc phạm, như thể bị nhà cầm quyền coi thường và thách thức. Đưa vào tên nước những giá trị không tồn tại trên thực tế là giả dối. Khi giả dối tràn lan đến mức phơi ra cả tên nước, thì đạo đức càng dễ lụn bại, giáo dục càng dễ suy đồi, và Đất nước càng khó phát triển lành mạnh.
 Tiêu chí 2: Quốc hiệu không được gây ảnh hưởng xấu cho lợi ích của Dân tộc, của Nhân dân. Tiêu chuẩn này rõ ràng đến mức không cần phải giải thích thêm. Chỉ xin nhấn mạnh rằng: Để sớm đạt được mục tiêu Dân giàu, Nước mạnh, thì phải thực tâm đoàn kết toàn Dân, nhằm huy động sức mạnh của toàn thể cộng đồng người Việt. Chính vì vậy, quốc hiệu không được gây cản trở cho quá trình hòa giải và hòa hợp Dân tộc.
 
 Tiêu chí 3: Quốc hiệu cần tránh gây phản cảm. Phản cảm không phải do nó chứa đựng những từ có nghĩa xấu, vì thông thường chỉ những khái niệm được coi là tốt đẹp mới được lựa chọn để đưa vào quốc hiệu. Thế nhưng, nếu khái niệm đẹp đẽ nào đó đã bị gắn với một giai đoạn lịch sử bi thương, thì nó gợi lại những kỷ niệm buồn. Mặc dù “Nhân dân” là một trong những danh từ được trân trọng nhất, nhưng người dân các nước Ba Lan, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri… chẳng muốn tiếp tục lưu giữ nó trong tên nước, sau khi đã xóa bỏ các chế độ mang tên Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, Cộng hòa Nhân dân Bun-ga-ri, Cộng hòa Nhân dân Hung-ga-ri… Mặc dù “Dân chủ” là một trong những tính từ đẹp nhất, nhưng người Camphuchia khó có thể chấp nhận để nó tái xuất hiện trong tên nước của họ, sau khi đã trải qua thảm họa diệt chủng dưới chế độ Khmer Đỏ man rợ mang tên Camphuchia Dân chủ. “Xã hội chủ nghĩa” vốn là một từ đẹp, thể hiện giấc mơ về một xã hội công bằng, nhưng trên thực tế thì nó lại bị bôi nhọ bởi các chế độ độc tài chuyên chế, và bị nhuốm máu của hàng chục triệu người đã chết oan ức dưới thời Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot… Trải qua những cơn ác mộng như vậy, các nạn nhân sẽ cảm thấy rùng mình khi phải nghe lại những mĩ từ đã từng bị lạm dụng để hóa trang cho tội ác. Vì vậy, cần tránh dùng những từ đã trở nên phản cảm để đặt tên nước.
Tiêu chí 4: Quốc hiệu cần được Nhân dân chấp thuận. Đất nước là của chung, chứ không phải của riêng ai. Vì vậy không ai có đặc quyền đơn phương quyết định tên nước. Hiển nhiên là khó có thể chọn được một cái tên để tất cả mọi người đều thích, nên không thể cầu toàn. Nhưng nếu chỉ đưa vào quốc hiệu những giá trị phổ cập, những khái niệm mang tính hiển nhiên, thì dễ được đa số Nhân dân chấp nhận (ít nhất là không phản đối). Ví dụ: Có thể coi “Cộng hòa” là một khái niệm mang tính hiển nhiên (vì đa số nhân dân Việt Nam không muốn trở lại chế độ quân chủ), nhưng “Xã hội chủ nghĩa” thì không thuộc vào phạm trù ấy. Có thể “Xã hội chủ nghĩa” là tình yêu chân thành của một số người, nhưng tên nước không phải là nơi để thể hiện tuyên ngôn tình yêu của họ. Không nhất thiết phải trưng ra mọi thứ mình yêu, bởi điều đó cũng ngộ nghĩnh như việc in lên danh thiếp danh sách tình nhân. Mặt khác, họ yêu gì thì cứ việc yêu, nhưng không thể ép toàn Dân phải cùng yêu thứ đó, bởi điều ấy cũng phi lý như việc họ ép tất cả mọi người phải cùng yêu vợ hay tình nhân của riêng họ vậy.
 Thiết nghĩ, bốn tiêu chí kể trên là hợp lý, không hề quá cao, mà có thể coi là tiêu chuẩn tối thiểu đối với quốc hiệu. Sau đây, ta sẽ dựa vào chúng để đánh giá quốc hiệu hiện thời và đề xuất quốc hiệu thay thế.
 2.  Quốc hiệu hiện thời
 Năm 1976 nước Việt Nam tái thống nhất, lấy quốc hiệu là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ “Xã hội chủ nghĩa” được sao chép từ tên của một số quốc gia, như Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Romania, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc… Điều đó không chỉ để phân biệt với ba quốc hiệu đã từng tồn tại trên đất Việt là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòaCộng hòa Miền Nam Việt Nam, mà còn để thể hiện con đường do giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã chọn cho Dân tộc.
Có lẽ khi ấy không có nhiều người công khai phản đối sự lựa chọn này. “Bên thắng cuộc” thì tin tưởng vào sự sáng suốt của những người đã lãnh đạo thắng lợi hai cuộc chiến tranh chấn động địa cầu, và cuộc sống no đủ ở Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu (như đã được truyền tụng) là niềm mơ ước của hàng triệu người đã phải chịu đói khổ suốt mấy chục năm chiến tranh. “Bên thua cuộc” thì nghĩ mình buộc phải chấp nhận, chứ không được quyền tham gia lựa chọn.
 Cuộc sống khắc nghiệt đằng đẵng những năm 80 của thế kỷ 20 khiến người người bừng tỉnh khỏi giấc mộng, và thảng thốt tự hỏi: Chẳng nhẽ “Xã hội chủ nghĩa” là thế này sao?
Rồi Liên Xô và hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu đồng loạt sụp đổ. Chính Nhân dân (của các nước đó) đã đứng lên xóa bỏ cái chế độ mà họ từng kỳ vọng, nhưng rồi quá thất vọng. Đối với hầu hết các nước trên Thế giới, cuộc thí nghiệm quy mô, tốn kém mồ hôi và xương máu có một không hai trong lịch sử nhân loại đã kết thúc. Mấy chế độ mang danh “Xã hội chủ nghĩa” còn sót lại bơ vơ với câu hỏi “đi đâu, về đâu”.
 Thực tế phũ phàng có sức thuyết phục mạnh hơn mọi lý thuyết, khiến những người bảo thủ nhất trong bộ máy cầm quyền ở Việt Nam cũng phải nhận ra rằng lối thoát duy nhất là phải “đổi mới”, tức là phải dứt khỏi những ràng buộc lý luận quá giáo điều. Như người mới tập bơi, lúc đầu chỉ dám mon men cạnh con tàu đang chìm dần. Nhưng rồi chới với trong sóng nước, đành phải bám vào bất cứ vật nào trôi nổi trong tầm với, miễn là còn có thể lềnh bềnh trên mặt nước. Sau hơn hai mươi năm trôi dạt, giờ đây đã mất hút bóng tàu xưa, chỉ còn lại kẻ ngơ ngác kiếm tìm “định hướng”. Tuy điệp khúc “Xã hội chủ nghĩa” vẫn còn vang lên đâu đó, nhưng với lý lẽ vu vơ như trong cơn mê sảng. Nếu tỉnh táo tìm kiếm từ Bắc vô Nam, thì không thể tìm được bất cứ biểu hiện tích cực nào trong thực tế cuộc sống, để chứng tỏ rằng xã hội này cũng có những nét tốt hơn so với xã hội tư bản phát triển. Những giá trị tốt đẹp từng được gán cho “Xã hội chủ nghĩa” ngày càng vắng bóng, dần bị triệt tiêu. Thay vào đó, những biểu hiện vốn được coi là đặc trưng xấu của chế độ phong kiến và của chủ nghĩa tư bản hoang dã ngày càng lấn át: Tham nhũng lộng hành, bất công ngự trị, bóc lột trắng trợn, thất nghiệp tràn lan… Quốc hiệu hiện thời trở nên cô đơn giữa lòng Dân tộc, vì nó chứa đựng tính từ “Xã hội chủ nghĩa”, đã trở nên xa lạ và hoàn toàn trái ngược với thực trạng của Đất nước. Vì vậy, theo Tiêu chí 1, đã đến lúc chúng ta phải chia tay với quốc hiệu “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, để sống thật hơn với lòng mình. Nếu ai đó thực tâm yêu Chủ nghĩa xã hội với tư cách một lý tưởng tốt đẹp, thì lại càng phải đấu tranh đòi bỏ quốc hiệu hiện thời, bởi việc gắn tính từ “Xã hội chủ nghĩa” với tình trạng tệ hại hiện nay chỉ có tác dụng bôi nhọ Chủ nghĩa xã hội mà thôi.
 Có ý kiến chỉ đạo rằng cần tiếp tục duy trì quốc hiệu hiện nay để “thể hiện rõ mục tiêu phấn đấu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội”. Mục tiêu nào? Nếu là mục tiêu cuối cùng của ĐCSVN thì là tiến lên Cộng sản chủ nghĩa, vậy thì tại sao không đổi tên nước thành “Cộng hòa Cộng sản chủ nghĩa Việt Nam”? Nếu là mục tiêu trước mắt thì chỉ là “quá độ” hay “định hướng Xã hội chủ nghĩa”, vậy thì tại sao không đổi tên nước thành “Cộng hòa Quá độ Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay “Cộng hòa Định hướng Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”? Thực ra, mục tiêu hiện nay của giới cầm quyền chỉ đơn thuần là duy trì chế độ độc đảng bằng mọi cách. Vậy thì, nếu muốn “thể hiện rõ mục tiêu phấn đấu của Đảng”, tại sao không chọn quốc hiệu là “Cộng hòa Độc đảng Việt Nam” cho trung thực? Đặt các câu hỏi như vậy để thấy rõ hơn sự ngụy biện, khi vin vào mục tiêu phấn đấu để duy trì quốc hiệu hiện thời.
 Mục tiêu càng cao xa thì càng có thể sai, có thể nhầm. Nếu muốn thì cứ việc âm thầm mà theo đuổi, như người lính ra trận giữ bí mật mục tiêu. Tại sao cứ phải bô bô, nói thay làm, rồi gán cái mục tiêu đã lộ rõ là vô vọng vào cả tên nước, tạo cớ trói buộc quyền tìm tòi, lựa chọn và khả năng sáng tạo của Nhân dân, cản trở bước tiến của Dân tộc? 
 Chủ nghĩa xã hội chỉ là mục tiêu phấn đấu của ĐCSVN, nhưng lại được gán bừa cho nguyện vọng của Nhân dân. Đó là một sự xúc phạm, thể hiện tập quán coi thường Nhân dân. Khi cuộc thử sức đã ngã ngũ trên phạm vi Thế giới, mà vẫn dai dẳng bám lấy ảo vọng “Xã hội chủ nghĩa” được cóp nhặt từ con tàu đã chìm nghỉm mang tên Liên Xô, thì chẳng thể hiện được lòng trung thành, mà chỉ chứng tỏ sự trì trệ, bảo thủ và khả năng nhận thức thời cuộc quá kém cỏi. Điều đó chỉ khiến Dân thêm xa và càng coi thường giới lãnh đạo, ảnh hưởng xấu tới hiệu quả điều hành của chính quyền.
 Giờ đây, bao người sinh ra, lớn lên và được đào tạo trong chế độ này đã mất hẳn niềm tin vào Chủ nghĩa xã hội. Những người từng ở bên kia chiến tuyến và con em họ lại càng khó chia sẻ với lý tưởng “Xã hội chủ nghĩa”. Do đó, việc duy trì quốc hiệu hiện nay chỉ làm cho lòng người thêm li tán, gây cản trở cho quá trình hòa giải và hòa hợp Dân tộc.
Khi “Xã hội chủ nghĩa” đã trở nên tai tiếng, cả Thế giới chỉ có hai nước Việt Nam và Sri Lanka còn giữ tính từ ấy trong quốc hiệu, thì sự kiên định duy trì quốc hiệu hiện thời chỉ làm cho Đất nước thêm cô đơn trên trường quốc tế, và chứng tỏ rằng chính quyền này thuộc loại “khó hội nhập”.
“Tên gọi này có khả năng lôi cuốn, tập hợp đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận chung trong xã hội, đồng thời thuận lợi hơn cho ta trong quan hệ hợp tác với các nước trên Thế giới, góp phần phát huy và tranh thủ được các nguồn lực trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước.”
Đánh giá như vậy, trong mối so sánh với phương án tiếp tục duy trì tên nước là “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, thì có nghĩa là thừa nhận rằng quốc hiệu hiện thời không có những tác dụng ấy. Vậy thì, chiểu theo Tiêu chí 2, còn chần chừ gì nữa mà không chia tay với quốc hiệu “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, để “đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận chung trong xã hội”, để “thuận lợi hơn cho ta trong quan hệ hợp tác với các nước trên Thế giới”, và để “phát huy và tranh thủ được các nguồn lực trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước”?
 Cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống Xã hội chủ nghĩa, khái niệm “Xã hội chủ nghĩa” đã vương phải cái dớp đại bại. Đối với người Việt, từ “Xã hội chủ nghĩa” hay hiện hữu trong ký ức về những sai lầm của cuộc cải tạo tư sản ở miền Nam, về những năm tháng bế tắc và túng quẫn trước thời kỳ “đổi mới”, và đặc biệt hằn sâu trong tâm khảm của bao người đã bị cầm tù không án, vì từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, và những người đã phải mạo hiểm cả mạng sống để vượt biên đi tìm kiếm tự do. Mấy chục năm qua, từ “Xã hội chủ nghĩa” đã bị lạm dụng, để tô vẽ và biện hộ cho chế độ phi dân chủ, bị tham nhũng lộng hành từ trên xuống dưới. “Xã hội chủ nghĩa” bị gán cho một nền kinh tế lâm cảnh “cha chung không ai khóc”, với kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc… phung phí của cải của Nhân dân và dìm Đất nước ngập sâu trong nợ nần. “Xã hội chủ nghĩa” vang lên như một lời nói dối trơ trẽn đối với bao số phận bị vùi dập bất công, quanh năm lang thang vật nài công lý… Vậy là bốn chữ “Xã hội chủ nghĩa” không còn tạo ra được hưng phấn cho những tâm hồn đã một thời tràn trề hy vọng, mà trở nên phản cảm đối với hàng triệu trái tim. Thế thì, theo Tiêu chí 3, tại sao không tránh nhắc tới nó trong quốc hiệu cho đỡ đau lòng?
 Với những điều đã được trình bày ở trên, có lẽ đa số Nhân dân sẽ không chấp thuận gắn bó mãi với quốc hiệu hiện thời, tức là nó không thỏa mãn Tiêu chí 4. Nếu nhà cầm quyền muốn chứng minh điều ngược lại, thì phải tiến hành trưng cầu dân ý một cách thật sự dân chủ, thông qua hình thức bỏ phiếu kín, để người dân dám bầy tỏ chính kiến của mình, thay vì ép buộc họ phải điền hai chữ “đồng ý”, hay làm ngơ trước thực tế rồi kết luận bừa như mấy chục năm qua. Trước khi trưng cầu dân ý, giới lãnh đạo và bộ máy lý luận hãy ngồi lại với nhau, thảo luận cho ra nhẽ, để xác định rõ thứ “Xã hội chủ nghĩa” mà họ theo đuổi thực ra là cái gì. Chắc hẳn nó không thể là thứ “Xã hội chủ nghĩa quốc gia” (National Socialism, Nationalsozialismus), cái lý tưởng của tổ chức phát xít mang tên “Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa quốc gia Đức” (Nationalsozialistischen Deutschen Arbeiterpartei, mà người Việt quen gọi tắt là “Đức Quốc Xã”), đã gây bao tội ác ngút trời trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Liệu thứ mà họ theo đuổi có phải là kiểu “Xã hội chủ nghĩa” thuần túy lý thuyết của Marx và Engels, hay là kiểu “Xã hội chủ nghĩa” đã được hiện thực hóa bởi trường phái Lenin và Stalin? Tại sao càng phát triển theo định hướng “Xã hội chủ nghĩa” thì càng khác lạ so với nguyên mẫu? Xét cho cùng thì điều kiện kinh tế và xã hội Việt Nam có phù hợp với sản phẩm nhập ngoại ấy hay không? Cái gọi là “vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx – Lenin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam” chẳng qua là cố “gọt chân cho vừa giày”. Sư phụ có “chân vừa giày” mà còn phải “treo giày”, giữa đường bỏ cuộc, vậy thì đệ tử “gọt chân” có thể tập tễnh được bao lâu? Khi không còn ai thí thân đi trước làm hoa tiêu, thì kẻ mò mẫm cô đơn biết lẫm chẫm về đâu? Lấy đâu ra cái quyền để bắt cả Dân tộc phải lẽo đẽo đi theo trong cuộc tìm kiếm vô định, mịt mù tương lai? Bằng nào các nhà lý luận của ĐCSVN chưa tìm được câu trả lời thuyết phục cho chính bản thân mình, thì không nên đem câu hỏi lựa chọn hay không con đường “Xã hội chủ nghĩa” để đặt ra cho muôn dân, những người vốn chỉ lo làm ăn kiếm sống, chứ chẳng quan tâm đến chủ nghĩa này hay chủ nghĩa khác.
 
 Vậy là quốc hiệu hiện thời vi phạm cả bốn tiêu chí đã đặt ra trong Phần 1. Cho nên, tốt nhất là sớm đổi quốc hiệu “cho lành”.
 3.  Quốc hiệu đã qua
 Vốn dĩ, trong cả hai phiên bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIIIDự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đăng tải để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 2 tháng 1 năm 2013, chỉ có một phương án duy nhất về tên nước,là tiếp tục duy trì quốc hiệu “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ấy là thể hiện sự “kiên trì những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và Nhà nước ta, tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN khóa XI. 
 Sau ba tháng lấy ý kiến Nhân dân, trong Báo cáo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 11 tháng 4 năm 2013, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đề xuất thêm phương án thứ hai cho quốc hiệu là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa“. Đây là một động thái tích cực, không chỉ thể hiện thái độ tiếp thu ý kiến Nhân dân của những người tham gia viết Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, mà còn chỉ ra rằng tên nước không phải là thứ bất di bất dịch, và mọi người đều có thể tham gia góp ý để thay đổi cho hợp lý.
 Có dư luận cho rằng một trong những nơi đề nghị lấy quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòaKiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992, do nhóm 72 người ký ngày 19 tháng 1 năm 2013, nên thường được gọi tắt là Kiến nghị 72. Đó là một sự nhầm lẫn, bởi vì Kiến nghị 72 không hề đề cập đến tên nước! Có lẽ nhầm lẫn ấy bắt nguồn từ việc hiểu sai rằng Dự thảo Hiến pháp 2013 là một bộ phận của Kiến nghị 72. Thực ra, hai văn bản này hoàn toàn độc lập với nhau, và việc ký Kiến nghị 72 không có nghĩa là tán thành với nội dung của Dự thảo Hiến pháp 2013.*
 Là một trong những người đầu tiên đặt bút ký tên vào Kiến nghị 72, bản thân tôi không ủng hộ phương án lấy quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mặc dù chia sẻ quan điểm cho rằng đó là một giải pháp khả thi để giới cầm quyền chấp nhận bỏ từ “Xã hội chủ nghĩa” ra khỏi quốc hiệu. Xét theo bốn tiêu chí đã trình bày ở Phần 1, lý do khiến tôi không tán thành lấy quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là như sau:
 Thứ nhất, hiện nay và cả trong thời gian tới xã hội này vẫn chưa có dân chủ, vì giới cầm quyền chưa sẵn sàng chấp nhận quyền dân chủ của Nhân dân, trong khi đa số người dân cũng chưa quen thực hiện và bảo vệ quyền dân chủ. Tức là phương án Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chứa đựng yếu tố giả dối, trái ngược với thực trạng của Đất nước. Vậy là vi phạm Tiêu chí 1. Vả lại, kể cả khi xã hội đã thực sự có dân chủ, thì cũng chẳng cần phải khoe khoang, mà nên chọn quốc hiệu khiêm tốn như các nước dân chủ hàng đầu Thế giới.
 Thứ hai, nếu dùng tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòađể đặt cho nước Việt Nam thống nhất, thì hàng triệu người đã từng gắn bó với chế độ Việt Nam Cộng hòaở miền Nam sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng. Điều đó sẽ ảnh hưởng xấu cho quá trình hòa giải và hòa hợp Dân tộc. Hơn nữa, nếu sử dụng tên trùng thì nước Việt Nam thống nhất có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả xấu của những ký kết hay cam kết ngoại giao mà lãnh đạo của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành trong hoàn cảnh bị lệ thuộc thời chiến tranh. Như vậy, quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ gây ảnh hưởng xấu cho lợi ích của Dân tộc, của Nhân dân, tức là vi phạm Tiêu chí 2.
Thứ ba, quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gợi lại những sai lầm của cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc, mà cho đến nay các nạn nhân vẫn chưa được xin lỗi và bồi thường một cách thỏa đáng. Nó cũng gợi lại những đau thương và mất mát mà nhiều gia đình miền Nam đã từng phải hứng chịu trong cuộc chiến “nồi da nấu thịt”. Đối với những nạn nhân như vậy, quốc hiệu này đã trở nên phản cảm. Vậy là vi phạm Tiêu chí 3.
 Thứ tư, vì những lý do kể trên, quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khó có thể được đa số người dân chấp thuận. Vậy là có thể vi phạm cả Tiêu chí 4.
 Khi đã phải tránh quốc hiệu một thời của quốc gia phía bắc, thì cũng khó mà chấp nhận quốc hiệu của quốc gia ở phía nam vĩ tuyến 17. Quốc hiệu Việt Nam Cộng hòa tuy không vi phạm Tiêu chí 1 (vì không chứa từ nào trái ngược với thực trạng Đất nước), nhưng lại vi phạm Tiêu chí 2 (vì cũng gây bất lợi cho hòa hợp Dân tộc), Tiêu chí 3 (vì gây phản cảm với những nạn nhân của chế độ Việt Nam Cộng hòa) và Tiêu chí 4 (vì chắc nó không được giới cầm quyền và một bộ phận Nhân dân thuộc “bên thắng cuộc” chấp nhận). Vì vậy cũng không thể chọn Việt Nam Cộng hòa làm tên nước Việt Nam thống nhất.
 Có ý kiến đề nghị lấy lại tên Đại Việt. Đó là quốc hiệu của nước ta hơn 700 năm, trong khi tên nước “Việt Nam” mới có từ năm 1804. Tuy nhiên, tên xưng “tự đại” đó có thể gây phản cảm trong quan hệ quốc tế, và việc chọn tên Đại Việt đầy tự hào giữa thời buổi khủng hoảng trầm trọng về chính trị, kinh tế và xã hội dễ gây ra cảm giác khôi hài trong cộng đồng người Việt. Nó cũng tạo thêm duyên cớ để bên “Đại Bá” lên án chúng ta là “Tiểu Bá”. Do đó, theo Tiêu chí 3, không nên lấy lại tên Đại Việt.
 4.  Quốc hiệu thay thế
 Trong hai phần trên, ta đã đi đến kết luận là không nên dùng lại mấy quốc hiệu đã hoặc đang được sử dụng ở nước ta. Vậy thì chọn quốc hiệu nào? Hãy cùng nhau tham khảo danh sách tên (tiếng Anh) của các quốc gia trên Thế giới để tìm lời gợi ý.
 Trong số 206 nhà nước có chủ quyền được thống kê, thì có 153 nước (chiếm 74%) đưa danh từ (chỉ thể chế) “Cộng hòa” (Republic) hay “Vương quốc” (Kingdom) vào quốc hiệu. Trong số 136 quốc hiệu có danh từ “Cộng hòa”, thì 107 (chiếm 79%) chỉ kèm thêm địa danh, ví dụ như Cộng hòa Áo, Cộng hòa Ấn Độ, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia. Nếu noi theo đa số này, ta có thể chọn quốc hiệu là “Cộng hòa Việt Nam”. Phương án này ngắn gọn, giản dị, hòa nhập và không chứa khái niệm nào trái với thực trạng đất nước (tức là thỏa mãn Tiêu chí 1). Nhưng phải chăng “Cộng hòa Việt Nam” chỉ là cách viết ngược của quốc hiệu Việt Nam Cộng hòa? Băn khoăn này được củng cố khi dịch “Cộng hòa Việt Nam” ra các ngoại ngữ thông dụng, chẳng hạn như tiếng Anh hay tiếng Đức, và thu được Republic of Vietnam hay Republik Vietnam – đó chính là quốc hiệu (tiếng Anh hay tiếng Đức) của Việt Nam Cộng hòa. Nếu quả như vậy thì không nên chọn quốc hiệu “Cộng hòa Việt Nam”, vì những lý do như đã trình bày ở Phần 3 đối với quốc hiệu Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, có thể tránh yếu tố nhạy cảm do lịch sử để lại, nếu phân biệt giữa danh từ và tính từ. Trong số 107 quốc hiệu được tạo bởi danh từ “Cộng hòa” đi kèm với địa danh, thì 94 trường hợp (chiếm 88%) có địa danh xuất hiện với tư cách danh từ, ví dụ như Republic of Austria (Cộng hòa Áo), Republic of India (Cộng hòa Ấn Độ), và 13 trường hợp (chiếm 12%) có địa danh xuất hiện với tư cách tính từ, ví dụ như Argentine Republic (Cộng hòa Argentina), Czech Republic (Cộng hòa Séc), French Republic (Cộng hòa Pháp), Hellenic Republic (Cộng hòa Hy Lạp), Italian Republic (Cộng hòa Italia), Portuguese Republic (Cộng hòa Bồ Đào Nha). Như vậy, nếu coi “Việt Nam” là danh từ, thì tên tiếng Anh của “Cộng hòa Việt Nam” mới là Republic of Vietnam. Còn nếu coi “Việt Nam” là tính từ (thuộc về Việt Nam), thì tên tiếng Anh của “Cộng hòa Việt Nam” sẽ là “Vietnamese Republic”, không còn bị trùng với Republic of Vietnam, và đây là một phương án có thể chấp nhận được.
 Nếu không hài lòng với phương án vừa rồi, mà vẫn muốn ghép danh từ “Cộng hòa” với danh từ “Việt Nam”, thì phải bổ sung thêm vào đó một vài từ. Tất nhiên, không thể thêm những từ không phù hợp với hoàn cảnh của nước ta, như “Federal” (thuộc về liên bang), hay “Islamic” (thuộc về Islam), và cần chừa ra tính từ “Socialist” (Xã hội chủ nghĩa) mà ta đã xác định là nên chia tay với nó. Vậy thì, trong kho từ vựng của 206 quốc hiệu đang được sử dụng, chỉ còn lại danh từ “People” (Nhân dân) và hai tính từ “Democratic” (Dân chủ), “United” (Thống nhất, Liên hiệp, Hợp nhất…) là thích hợp.
 Nếu gia nhập cái gia đình gồm 5 quốc hiệu chứa danh từ “People” (Nhân dân), bao gồm Algérie, Bangladesh, Lào, Triều TiênTrung Quốc, thì quốc hiệu ngắn nhất của nước ta sẽ là “Cộng hòa Nhân dân Việt Nam” (People’s Republic of Vietnam). Phương án này vi phạm Tiêu chí 1, vì Nhà nước này quá xa Nhân dân, chưa phải là “của Nhân dân”, nên nếu nói “Cộng hòa (của) Nhân dân” (People’s Republic) là trái với thực trạng Đất nước. Nó cũng vi phạm Tiêu chí 3, vì bằng nào Nhân dân ta còn bị ức chế triền miên bởi cách cư xử của láng giềng phương bắc, thì bằng ấy tên gọi “Cộng hòa Nhân dân Việt Nam” còn gây phản cảm. Thậm chí, có thể nhiều người sẽ coi việc lựa chọn quốc hiệu này như một biểu hiện của sự theo đuôi ngoại bang để gây phương hại cho lợi ích của Dân tộc.
 Nếu gia nhập cái quần thể của 10 quốc hiệu chứa tính từ “Democratic” (Dân chủ), bao gồm Algérie, Cộng hòa Dân chủ Congo, Đông Timor, Ethiopia, Lào, Nepal, São Tomé và Príncipe, Cộng hòa Dân chủ Sahrawi Ả Rập, Sri Lanka Triều Tiên, thì quốc hiệu ngắn nhất của nước ta sẽ là “Cộng hòa Dân chủ Việt Nam”. Khi “Việt Nam” là danh từ, thì “Cộng hòa Dân chủ Việt Nam” chỉ là cách viết giao hoán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và nếu dịch ra tiếng Anh, thì kết quả của hai cách viết hoàn toàn trùng nhau: Democratic Republic of Vietnam. Kể cả khi coi “Việt Nam” là tính từ, để có tên tiếng Anh khác đi là “Vietnamese Democratic Republic”, thì phương án biến báo này vẫn vi phạm Tiêu chí 1, bởi vì trong thời gian tới xã hội ta vẫn chưa có dân chủ, nên từ “Dân chủ” trái với thực trạng của Đất nước.
 Ở trên, tôi đã cố ý chép ra đầy đủ danh sách của 5 quốc gia có danh từ “Nhân dân” và 10 quốc gia có tính từ “Dân chủ” trong quốc hiệu. Tại sao? Để bạn đọc có thể dễ dàng kiểm nghiệm điều đã được viết trong Phần 1: Những quốc gia mẫu mực về dân chủ và Nhà nước thực sự là của Nhân dân thì trong quốc hiệu không có hai từ “Dân chủ” và “Nhân dân”. Ngược lại, ở nhiều quốc gia mà tính từ “Dân chủ” hay danh từ “Nhân dân” được gán vào quốc hiệu, thì dân chủ hay bị chà đạp và Nhân dân hay bị coi thường. Nếu đã ngộ ra điều đó, thì chắc không mấy ai còn cảm thấy tự hào khi thấy hai từ “Dân chủ”“Nhân dân” xuất hiện trong quốc hiệu của nước mình.
 Có 5 quốc hiệu chứa tính từ “United”, đó là: United Arab Emirates (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất),United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland), United Mexican States (Liên bang Mexico), United Republic of Tanzania (Cộng hòa Thống nhất Tanzania) và United States of America (Hợp chúng quốc Hoa Kỳ). Nếu gia nhập gia đình này, hẳn ta sẽ không phải thấy xấu hổ vì các quốc gia “cùng hội cùng thuyền”. Lúc đó, quốc hiệu tiếng Anh của ta sẽ là “United Republic of Vietnam”, và quốc hiệu tiếng Việt sẽ là Cộng hòa Thống nhất Việt Nam. Rõ ràng là phương án này thỏa mãn Tiêu chí 1, vì Đất nước đã thống nhất. Nó thỏa mãn Tiêu chí 2, vì không gây ảnh hưởng bất lợi cho lợi ích của Dân tộc, của Nhân dân. Nó cũng thỏa mãn cả Tiêu chí 3, vì nó không chứa yếu tố nào gây phản cảm. Vì vậy, có thể hy vọng rằng nó sẽ được Nhân dân chấp thuận, tức là thỏa mãn Tiêu chí 4. Có thể bây giờ một số người không thích quốc hiệu Cộng hòa Thống nhất Việt Nam, nhưng nếu nó được chọn ngay sau khi thống nhất Đất nước vào năm 1976 thì có lẽ đã được đa số Nhân dân tán thành, và bây giờ cũng không cần phải bàn chuyện thay đổi tên nước.
Để xét hết mọi trường hợp, cần nhắc tới tính từ “Co-operative” (Hợp tác) được ghép với danh từ “Republic” (Cộng hòa), đó là trường hợp của Co-operative Republic of Guyana(Cộng hoà Hợp tác Guyana). Phương án này cũng tương tự như tính từ “United”, nhưng không hay bằng.
 Bây giờ ta xét đến các trường hợp quốc hiệu không chứa danh từ (chỉ thể chế) “Cộng hòa” (Republic) hay “Vương quốc” (Kingdom). Trong số này, nhóm đông đảo nhất là 25 quốc gia  có quốc hiệu chỉ bao gồm địa danh, không kèm theo danh từ hay tính từ nào nữa (chiếm 12% của 206 quốc gia được thống kê). Mấy nước tiêu biểu thuộc nhóm này là Canada, Hungary, Japan (Nhật Bản), Malaysia Ukraine (Ukraina). Hiển nhiên, ta cũng có thể chọn phương án đơn giản như vậy, nghĩa là chọn quốc hiệu “Việt Nam”. Rõ ràng là quốc hiệu này thỏa mãn cả bốn tiêu chí được đề ra ở Phần 1.
 Có 14 quốc hiệu chứa danh từ “State” (Nhà nước). Trong đó, có 3 trường hợp chữ “States” (được dùng ở dạng số nhiều) đi với tính từ “United” hay “Federated”, để tạo thành nghĩa “Liên bang” hay “Hợp chúng quốc”. Trong các trường hợp còn lại, chữ “State” (được dùng ở dạng số ít) thể hiện nghĩa “Nhà nước”, ví dụ như State of Israel (Nhà nước Do Thái), State of Kuwait (Nhà nước Kuwait)State of Libya (Nhà nước Libya). Theo cách này, ta có thể đặt quốc hiệu là “Nhà nước Việt Nam” (State of Vietnam). Tiếc rằng, ở nước ta giới cầm quyền đã quen với quan niệm cho rằng ĐCSVN đứng trên tất thảy, trên cả Tổ quốc và Nhân dân, và coi Nhà nước này thuộc về ĐCSVN, là cấp dưới của ĐCSVN. Cho nên, nếu chọn quốc hiệu – với tư cách là tên của Nước – là “Nhà nước Việt Nam”, thì họ dễ đồng nghĩa “Nước Việt Nam” với “Nhà nước Việt Nam”, và vì thế coi “Nước Việt Nam” cũng là của ĐCSVN… Ngộ nhận kiểu ấy sẽ gia tăng mức độ lộng quyền, chắc chắn không có lợi cho Dân tộc, cho Nhân dân. Nghĩa là phương án này không phù hợp với Tiêu chí 2.
 Có hai quốc hiệu dùng tính từ “Độc lập” (Independent) phối hợp với danh từ “Nhà nước” (State), đó là Nhà nước Độc lập Papua New Guinea” (Independent State of Papua New Guinea)Nhà nước Độc lập Samoa” (Independent State of Samoa). Mặc dù ta đã xác định là không nên đưa danh từ “Nhà nước” vào quốc hiệu nước nhà, nhưng vẫn nẩy sinh câu hỏi là: Có nên phối hợp tính từ “Độc lập” (Independent) với danh từ “Cộng hòa” (Republic) để tạo ra quốc hiệu “Cộng hòa Độc lập Việt Nam” (Independent Republic of Vietnam) hay không? Câu trả lời là không! Một mặt, việc đưa tính từ “Độc lập” vào quốc hiệu thể hiện sự tự ti hơn là tự tin. Mặt khác, sự nhún nhường của giới lãnh đạo trước những hành động lấn át triền miên của nhà cầm quyền Trung Quốc khiến dư luận hay phải đặt câu hỏi về tính độc lập của Nhà nước Việt Nam. Cho nên, tính từ “Độc lập” có thể trở thành phản cảm, tức là vi phạm Tiêu chí 3.
 Như vậy, ta đã rà xét hết danh sách 206 quốc hiệu đang được sử dụng và lọc ra được ba phương án cho quốc hiệu nước nhà. Tất nhiên, có thể dùng cả một số danh từ và tính từ không xuất hiện trong 206 quốc hiệu đã xét để tạo thêm những phương án mới. Nhưng điều đó là không cần thiết và cũng không nên, bởi từ nào mà các chính trị gia của 206 nước trên Thế giới không lựa chọn thì ta cũng không nên dùng. Không nên đem cả quốc hiệu ra làm thí nghiệm, vì Dân ta đã quá khổ vì các cuộc thí nghiệm rồi.
*
*      *
 Tóm lại, theo tôi thì quốc hiệu cần thỏa mãn bốn tiêu chuẩn tối thiểu sau đây:
-       Tiêu chí 1: Quốc hiệu không được chứa đựng những khái niệm trái ngược với thực trạng của Đất nước.
-       Tiêu chí 2: Quốc hiệu không được gây ảnh hưởng xấu cho lợi ích của Dân tộc, của Nhân dân, đặc biệt là không được gây cản trở cho quá trình hòa giải và hòa hợp Dân tộc.
-       Tiêu chí 3: Quốc hiệu cần tránh gây phản cảm.
-       Tiêu chí 4: Quốc hiệu cần được Nhân dân chấp thuận.
 Khi đã tán thành như vậy, thì hai hệ quả tất yếu là:
-       Cần sớm chia tay với quốc hiệu Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam“.
-       Không lấy lại các quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòaĐại Việt.
Dựa trên vốn từ và các cấu trúc ngữ pháp được sử dụng trong 206 quốc hiệu trên Thế giới, ta chỉ chọn được ba phương án quốc hiệu sau đây phù hợp với ba tiêu chí đầu và có thể thỏa mãn cả Tiêu chí 4:
-       Phương án 1: Việt Nam (tên tiếng Anh: Vietnam).
-       Phương án 2: Cộng hòa Việt Nam (tên tiếng Anh: Vietnamese Republic).
-       Phương án 3: Cộng hòa Thống nhất Việt Nam (tên tiếng Anh: United Republic of Vietnam).
Phương án 1 chỉ sử dụng địa danh “Việt Nam” làm quốc hiệu, giống như 25 nước khác (chiếm 12% quốc hiệu trên Thế giới). Phương án này ngắn gọn, giản dị và dễ được mọi người chấp nhận, vì nó không chứa bất cứ yếu tố nào khiến người ta phải tranh luận hay phản đối.
 Phương án 2 chỉ ghép danh từ “Cộng hòa” (Republic) với địa danh “Việt Nam” để tạo ra quốc hiệu, giống như 107 nước khác (chiếm 52% quốc hiệu trên Thế giới). Để tránh ấn tượng cho rằng “Cộng hòa Việt Nam” chỉ là cách viết ngược của Việt Nam Cộng hòa, cần xác định rằng hai quốc hiệu này khác nhau cả về thứ tự sắp xếp từ và cả về ngữ pháp: Từ “Việt Nam” trong “Cộng hòa Việt Nam” là tính từ, trong khi từ “Việt Nam” trong Việt Nam Cộng hòa là danh từ. Do đó, tên tiếng Anh của “Cộng hòa Việt Nam”“Vietnamese Republic”, trong khi tên tiếng Anh của Việt Nam Cộng hòaRepublic of Vietnam. Cách vận dụng ngữ pháp như vậy không phải là bất thường, vì trong số 107 quốc hiệu được ghép bởi danh từ “Cộng hòa” và địa danh, có 13 trường hợp mà địa danh là tính từ (giống như “Vietnamese”).
Phương án 3 sử dụng tính từ “Thống nhất” để tạo ra một quốc hiệu có chứa hai danh từ “Cộng hòa”“Việt Nam”, nhưng không trùng với hai quốc hiệu đã tồn tại ở hai miền Tổ quốc là Việt Nam Dân chủ Cộng hòaViệt Nam Cộng hòa. Tính từ “Thống nhất” không trái ngược với thực trạng, vì nước ta đã thống nhất. Tiếc rằng, đó mới chỉ là thống nhất theo nghĩa thông thường, tạm gọi là thống nhất về mặt vật chất, vì non sông tuy đã liền một dải, chịu sự quản lý của cùng một chính quyền, nhưng lòng người vẫn chia lìa trăm mối. Quốc hiệu “Cộng hòa Thống nhất Việt Nam” có thể là một lời nhắc nhở, thúc dục mọi người nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu hòa giải và hòa hợp Dân tộc, để sớm thống nhất Tổ quốc cả về mặt tinh thần.
 Vậy thì nên lựa chọn quốc hiệu nào để thay thế quốc hiệu hiện thời? Mỗi người đều có thể đề xuất và trao đổi ý kiến của mình. Nhưng quyền quyết định cuối cùng thuộc về tập thể Nhân dân, thông qua biểu quyết dân chủ, để đảm bảo rằng quốc hiệu thực sự được Nhân dân chấp thuận (Tiêu chí 4). Khi đã khẳng định rằng Nhà nước này là của Nhân dân, thì không ai, không một nhóm người nào có quyền đơn phương quyết định thay cho Nhân dân. 
 Hy vọng rằng những lý lẽ và tư liệu được trình bày trong bài viết này sẽ có ích cho mọi người trong quá trình tham gia thảo luận và lựa chọn cho nước nhà một quốc hiệu hợp lý, đáp ứng yêu cầu tối thiểu là: Quốc hiệu phải hội tụ lòng Dân!
 Hoàng Xuân Phú
--------------------------------------
Chú thích
*  Phần cuối của Kiến nghị 72 viết:
“Vì vậy chúng tôi kiến nghị gia hạn thời gian lấy ý kiến của nhân dân đến hết năm 2013, đồng thời khuyến khích đề xuất các dự thảo khác để Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cùng toàn thể đồng bào tham khảo, so sánh, thảo luận nhằm xây dựng một bản hiến pháp phù hợp nhất cho quốc gia.”
Để minh họa cho ý “khuyến khích đề xuất các dự thảo khác”, Kiến nghị 72 có thêm chú thích như sau:
“Theo tinh thần đó, một số chuyên gia luật ở trong nước đã soạn một dự thảo hiến pháp được gửi kèm Kiến nghị này như một tài liệu để tham khảo và thảo luận.”
Nghĩa là Dự thảo Hiến pháp 2013 được gửi kèm “như một tài liệu để tham khảo và thảo luận”, chứ nó không phải là một bộ phận cấu thành của Kiến nghị 72.
 Hà Nội, ngày 05-17/05/2013
(Blog Hoàng Xuân Phú)

Tư Ngộ - 'Hai phương án tên nước' chỉ là trò bịp

Vào kỳ họp Quốc hội khóa đầu năm ngày 20-5-2013, sẽ có 2 tên nước Việt Nam được đưa ra để thảo luận trong dự thảo sửa đổi lại bản hiến pháp 1992 của chế độ Hà Nội.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội CSVN, loan báo như vậy trong cuộc họp báo hôm Thứ sáu 17/5/2013.
Từ cuối năm ngoái đến nay, CSVN mở chiến dịch đại quy mô “lấy ý kiến nhân dân” để sửa lại bản hiến pháp đã lỗi thời. Tại rất nhiều địa phương, dân chúng được phát cho cả bản dự thảo hiến pháp mới cùng với một xấp giấy để “góp ý kiến”. Người ta có thể khỏi cần đọc mà ký tên ngay hay giữ lại rồi ngày hôm sau có nhân viên nhà cầm quyền địa phương tới lấy lại. Mấy ai đọc và bao nhiêu người hiểu? Đại đa số chọn thái độ ký đại cho đỡ bị phiền phức.
Những gì được nhìn thấy sửa đổi lại bản hiến pháp cũ là những chi tiết râu ria, một số từ ngữ, sắp xếp đảo lộn từ trước ra sau từ sau ra trước một số điều. Nhưng cái cốt lõi là điều 4 dành độc quyền cai trị đất nước cho đảng CSVN thì vẫn không đổi. Quyền tư hữu đất đai vẫn bị đảng CSVN cưỡng đoạt.
Cũng với chiến dịch sửa lại bản hiến pháp, có một số dạo đờn trong hàng ngũ đảng viên là đổi cả tên nước. Bây giờ, một cách chính thức, như cái ông Nguyễn Hạnh Phúc loan báo, sẽ có 2 tên nước sẽ được đưa ra để quốc hội “con dấu cao su” CSVN (rubber stamp - theo cách gọi chê bai của báo chí quốc tế) của chế độ biểu quyết.
Tức là giữ nguyên cái tên nước là “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay đổi thành “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Tương kế tựu kế với trò sửa đổi hiến pháp, nhiều trí thức trong nước đã cùng nhau ký tên trên một bản kiến nghị đòi đảng CSVN trả lại quyền tự do cho dân từ tự do ứng cử và bầu cử thay vì đảng cử dân bầu, tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng chứ không do đảng Cộng sản độc quyền, trả quyền tư hữu cho nhân dân thay vì cướp đất của dân như hiện nay.
Đồng thời, ngày 1/3/2013, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng gửi một thư góp ý với nội dung tương tự. Hàng chục ngàn người trên cả nước đã ký tên trên các kiến nghị và thư góp ý vừa nói nhưng chế độ Hà Nội lờ đi như không có. Một phái đoàn 16 người đại diện cho 72 nhân sĩ trí thức đầu tiên ký bản kiến nghị sửa Hiến Pháp đã tới Văn phòng Quốc hội Hà Nội trao cho một chức sắc ở đây, nhưng không ai tin nó sẽ được cân nhắc, nghiên cứu hay coi trọng.
Qua mấy chục năm, từ khi thành lập đảng CSVN đến nay, nó đã đổi tên đảng và tên nước mấy lần để lừa thiên hạ chứ không phải không có tiền lệ.
Ngày 11 tháng 11 năm 1945 Đảng Cộng sản Đông Dương (gồm 3 nước Việt-Miên-Lào) tuyên bố tự giải tán để che giấu sự liên hệ cộng sản với nhà nước Việt Nam mới thành lập, lấy tên gọi mới là Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Mọi hoạt động công khai của đảng từ đây đều thông qua Mặt trận Việt Minh (tên tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội) tức Đảng Cộng Sản trá hình. Núp dưới tên khác mà thực tế, đảng vẫn hoạt động và cầm đầu cuộc kháng chiến, một mặt đánh thực dân Pháp cũng như  đánh nhau với các tổ chức kháng chiến chống Pháp của người Việt không Cộng Sản. Sau đó Việt Minh biến thành Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam cùng với Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội...
Đến Tháng Hai năm 1951, Đảng CS đổi tên thành Đảng Lao Động Việt Nam khi xảy ra Chiến tranh Đông Dương cũng vẫn trong nhu cầu đánh lừa người quốc gia tham gia chống Pháp. Sau khi chiếm được nửa đất nước năm 1954 thì đến năm 1960, CSVN đổi tên nước thảnh Việt Nam Dân Chủ Công Hòa và đến năm 1976 tức sau khi cướp được một nửa đất nước ở phía Nam, thống nhất đất nước, thì đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nguyên hình là Đảng Công Sản Việt Nam, tên nước đổi thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho đến nay.
Dù tên nước đổi thế nào, trong sự cai trị của đảng CSVN, người dân đã bị lường gạt, bóc lột sức lao động, cướp đoạt tài sản và ngay cả niềm tin, theo mô hình “xã hội chủ nghĩa” đến nay không ai biết thật sự nó sẽ như thế nào ngoài cái lý thuyết Mác Xít.
Như trên nói, cả tên đảng Cộng Sản và tên nước được những kẻ cầm đầu đảng CSVN thay đổi tùy theo nhu cầu tình thế của hoàn cảnh. Bản chất của nó vẫn là Đảng Cộng Sản và chủ trương của những kẻ cầm đầu đảng CSVN.
Chế độ Hà Nội bị dư luận quốc tế chỉ trích mạnh mẽ về nhân quyền. Nay nếu đổi tên nước, có thể lấy cái tên “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” đánh tráo cho cái tên hiện nay “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” thì có thể có căn cứ để biện minh hay bịp tiếp dễ hơn. Chứ cứ ôm lấy cái “Xã hội Chủ nghĩa” thì lộ liễu quá.
Nhưng chỉ đổi tên nước mà bản chất vẫn là do đảng CSVN tham những, độc tài thối nát hiện nay cầm đầu thì nó vẫn chỉ là một thứ con tắc kè đổi màu tùy theo môi trường chung quanh cho dễ ẩn nấp mà rình mồi. Nó cũng vẫn chỉ là trò đánh bạc bịp, vừa đánh trống vừa ăn cướp. Con cáo ăn cắp gà dù gọi nó là con nai thì bản chất của nó không thay đổi. Con nai ăn cỏ chứ con cáo không ăn cỏ để sống.
Khi thông báo kết quả tổng kết nhân dân “góp ý kiến” sửa hiến pháp , riêng tỉnh Bình Dương loan tin đã có tới 44 triệu 500 ngàn ý kiến đóng góp. Tỉnh này chỉ có khoảng 1.5 triệu người, như vậy, mỗi người phải đóng góp tới 30 “ý kiến”, một sự tuyên truyền bịp bợm lộ liễu.
Tờ Sài Gòn Giải Phóng thì khiêm tốn hơn khi thuật tin từ “Ban Biên tập Dự Thảo Sửa đổi Hiến Pháp” nói đến cuối Tháng 3 vừa qua đã có 26 triệu ý kiến đóng góp của các tổ chức, cơ quan, và cá nhân. Nhưng tờ VietnamNet đến ngày 8/4/2013 thì nêu ra con số đến thời điểm này có hơn 20 triệu “lượt ý kiến của các tầng lớp nhân dân”. Không những các bản tường trình khác nhau về con số mà mỗi ngày một thun lại.
“Tôi cho rằng chiêu trò sửa đổi hiến pháp này chỉ là chiêu trò bài ba lá, tráo bài ba lá mà Đảng Cộng sản và một số người được trả lương để định hướng dư luận bày ra để lừa bịp nhân dân và dư luận quốc tế thôi, chứ chẳng sửa đổi để tốt hơn. Tôi chắc chắn sẽ không có gì thay đổi như trong phần đầu phiếu xin ý kiến tôi đã ghi.” Một cư dân thành phố Hà Nội tên  Nguyễn Doãn Kiên trả lời cuộc phỏng vấn của đài RFA ngày 9/4/2013.
Theo ông Kiên “Ở Việt Nam tất cả những cơ quan truyền thông đại chúng đều thuộc quyền của Đảng Cộng sản; cho nên con số thống kê chắc ai cũng biết là không đúng sự thật rồi.”
Ngày 9/1/2013 tờ TBKTVN và nhiều báo khác thuật lời phát biểu của ông Đinh Thế Huynh, trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương của đảng CSVN, nói rằng “Phải làm cho nhân dân tin tưởng những ý kiến đóng góp được trân trọng, được nghiêm túc tổng hợp, nghiên cứu và tiếp thu”.
Sau đó ít ngày, báo của chính phủ Hà Nội đưa tin “Thủ tướng yêu cầu tập hợp trung thực ý dân về Hiến pháp”.
Nhưng ngày 21/3/2013, báo điện tử của Dòng Chúa Cứu Thế (chuacuuthe.com) đưa tin “Công an Đồng Nai sách nhiễu các linh mục vì phổ biến Bản Nhận Định và Góp Ý sửa Hiến Pháp của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam”.
Những ai tham gia buổi “dã ngoại nhân quyền” ngày 5/5/2013 tại Sài Gòn, Hà Nội và Nha Trang do nhóm “Công dân tự do” tổ chức, đã bị Công an phá đám ngay từ đầu. Một số người đã bị bắt giữ và gia đình cô blogger Nguyễn Hoàng Vi đã bị cướp tiền bạc, điện thoại, máy ipad và bị hành hung dã man.
Vậy thì đổi tên nước có gì thay đổi ở Việt Nam hay không? Sửa hiến pháp có cải thiện nhân quyền hay không? Hỏi tức là trả lời vì bản chất của đảng CSVN vẫn không thay đổi.
Tư Ngộ
(Người Việt)

TRUNG QUỐC: NHỮNG TRANH CHẤP VỀ ĐƯỜNG BIÊN GIỚI PHẢN ÁNH LỊCH SỬ KHỐC LIỆT

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Năm, ngày 16/5/2013
TTXVN (Hồng Công 13/5) Trung Quốc hiện đang vướng vào những cuộc tranh chp lãnh hải, lãnh thổ đầy rc ri với các nước láng giềng như Nhật Bản và n Độ. Thời báo châu Á trực tuyến số ra ngày 3/5 đăng bài viết của tác giả Peter Lee, trong đó cho rằng những cuộc tranh chấp của Trung Quốc đã phản ánh lịch sử ác liệt trong khu vực. Dưới đây là nội dung bài viết:

Hai cuộc tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc đã mở ra cánh cửa dẫn tới hai hướng đi cạnh tranh đến tương lai của châu Á. Cánh cửa thứ nhất – cuộc đối đầu bất ngờ giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Ladakh – dẫn tới sự phát triển hơn nữa của cơ chế an ninh khu vực châu Á hiện nay như một mạng lưới các mối quan hệ song phương. Đằng sau cánh cửa thứ hai – cuộc khủng hoảng đang hết sức căng thẳng xung quanh tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông – có vẻ như dẫn tới một cơ chế đa cực với một bên tham gia độc lập mới đầy sức mạnh, sự bất ổn và cả sự nguy hiểm. Tương lai an ninh châu Á sẽ đi theo một trong những hướng đi này, nhưng là hướng nào?
Nhũng sự kiện ở khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc có hương vị riêng biệt thường thấy, như năm 1962 đã xảy ra căng thẳng ở Ladakh. Một lần nữa, Trung Quốc đang bị đổ lỗi là đã gây ra một vụ xâm nhập trái phép. Và lại một lần nữa, có vẻ như sức ép quốc tế đang khiến câu chuyện trở nên phức tạp hơn.
Báo chí Mỹ kể câu chuyện này là các lực lượng Trung Quốc đã xâm nhập quá Ranh giới Kiểm soát thực tế ở khu vực Depsung Bulge 19 km để dựng các lều trại tại một khu vực hoang vắng có độ cao khoảng 5.000m so với mực nước biển và nằm gần đèo Karakorum. Vụ xâm nhập này được coi là một phần chiến dịch của Trung Quốc nhằm chia cắt các vị trí của Ấn Độ ở Aksai Chin và vụ việc này đã cho thấy sự nhu nhược có xu hướng sẵn sàng nhân nhượng của Chính phủ Ấn Độ do Thủ tướng Manmohan Singh đứng đầu.
Vụ việc này được coi là không thể lý giải được khi Trung Quốc trở nên ngang ngược với Ấn Độ chỉ ngay trước chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Niu Đêli. Như thường lệ, khi đương đầu với một câu chuyện được tường thuật lại và có vẻ không hợp lý, phản ứng là “sự lệch pha” của các bên ở Trung Quốc đối với sự bất hợp lý, trong trường hợp này là việc các binh sĩ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) xâm nhập vào vùng đất của nước khác và gây rối. Điều này thể hiện sự bất lực của Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc trong việc kiểm soát quân đội của nước này.
Hãng tin AP của Mỹ đã cung cấp nội dung tóm tắt một cuộc phỏng vấn: Manoj Joshi, một chuyên gia phân tích quốc phòng thuộc Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên có trụ sở ở Niu Đêli, nói rằng thời gian xảy ra vụ xâm nhập đã làm dấy lên những câu hỏi về việc “liệu có một cuộc “nội chiến” bên trong ban lãnh đạo Trung Quốc hay không, hoặc liệu có ai đó đang tìm cách “chơi” Thủ tướng Lý Khắc Cường hay không”.
Trên thực tế, có vẻ như vụ lộn xộn này nằm trong sự soi xét của phương Tây chứ không phải trong sự soi xét của Đảng Cộng sản Trung Quốc và PLA.
Dựa vào một nguồn tin từ một cuộc họp quân sự của Ấn Độ, tờ Điện tín ở Calcutta đã đăng tải một đồ họa. Bức đồ họa này minh họa rằng dường như không có “Ranh giới Kiểm soát Thực tế” trong khu vực tranh chấp nói trên, một ranh giới đã được cả Ấn Độ và Trung Quốc thừa nhận. Thay vào đó, có hai “Ranh giới Nhận thức”. Trung Quốc tuyên bố họ kiểm soát một vùng đất rộng 10 km ở khu vực đó. Vì thế, có một dải đất rộng 10 km không có người ở và là vùng đất hoang vắng mà những người “kiểm soát thực tế” có thể chiếm lấy.
Trong quá khứ, cả hai bên đều đã tuần tra vùng đất hoang vắng không có người ở này nhưng không thiết lập các cơ sở lâu dài ở khu vực đó để vùng đất này không trở thành trọng tâm của một cuộc cạnh tranh trong việc khẳng định quyền kiểm soát, và là một phần của một cuộc tranh cãi lớn hơn.
Cho đến nay, vấn đề tranh cãi không phải là PLA đã điều chuyển quân đến khu vực đó mà là các binh sĩ Trung Quốc giờ đây đang dựng trại – những cơ sở không mang tính chất lâu dài – phù hợp với tiền lệ dĩ hòa vi quý truyền thống đối với khu vực này. Cùng thời điểm đó, Trung Quốc đang yêu cầu Chính phủ Ấn Độ dỡ bỏ những boongke và những kho quân sự lâu dài khác trong khu vực. Những cơ sở quân sự đó rất có thể thể hiện một nỗ lực của quân đội Ấn Độ nhằm chuyển “sự kiểm soát về mặt nhận thức” ở khu vực tranh chấp thành “sự kiểm soát thực tế”.
Trên mạng Internet đã xuất hiện những lời khẳng định rằng vụ xâm nhập của các binh sĩ Trung Quốc là nhằm ứng phó với việc quân đội Ấn Độ thiết lập một căn cứ lâu dài ở Rika Nullah, nằm trong khu vực tranh chấp. (Cần phải chỉ rõ là một “căn cứ lâu dài” ở khu vực Aksai Chin bị bao vây bởi sự hoang vắng lạnh lẽo có lẽ chỉ ỉà một số tấm mạ kim loại được đựng thành một căn lều.)
Nếu điều này là đúng thì một câu chuyện hợp lý hơn xuất hiện.
Như thông tin đăng tải trên tờ Thời báo Ấn Độ cho thấy, vụ tranh chấp xung quanh “quyền kiểm soát về mặt nhận thức” đối với khu vực Depsung Bulge giống như thứ gì đó bất đồng không thể tránh khỏi và cần được giải quyết bởi cả hai bên đã đổ tiền của, đầu tư cơ sở hạ tầng và đưa các lực lượng vào khu vực đó để thể chế hóa “sự kiểm soát thực tế” của họ, cũng như cuộc đua giành những vùng lãnh thổ “kiểm soát về mặt nhận thức” đầy hữu ích nhưng không quan trọng đến mức đặc biệt sống còn, trước khi tấm rèm che an ninh được hạ xuống vì những sự cai trị tốt đẹp và hy vọng là cả hòa bình đối với khu vực biên giới được xác định rõ ràng và được đảm bảo.
Cuộc tranh chấp đang tiếp diễn trong suốt nửa tháng qua giữa các binh sĩ ở độ cao 5.000 m so với mực nước biển, theo cách nào đó có thể gói gọn trong vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng dọc theo Ranh giới Kiểm soát Thực tế dài 4.057 km vốn chưa được giải quyết ổn thỏa. Trung Quốc đã cần mẫn tăng cường khu vực này trong hơn hai thập kỷ và giờ đây đã phản đối những nỗ lực muộn màng của Ấn Độ trong việc thực hiện các hành động đối nghịch lại.
Việc Ấn Độ tái kích hoạt các sân bay hiện đại ở Daulat Beg Oldie, Fukche và Nyoma, cũng như việc xây dựng một số đồn bốt quân sự tạm thời và các boongke ở Chumar và Fukche gần Ranh giới Kiểm soát Thực tế ở phía Đông Ladakh trong 4-5 năm qua trên thực tế đã khiến Trung Quốc nổi giận. Ví dụ, đường băng ở Daulat Beg Oldie nhìn ra khu Yực đèo Karakoram chiến lược, trong khi sân bay Fukche chỉ nằm cách Ranh giới Kiểm soát Thực tế có 5 km.
Là một phần của một chiến lược toàn diện nhằm chính thức hóa và khẳng định sự kiểm soát của mình đối với các khu vực biên giới, có lẽ Chính phủ Ấn Độ đã quyết định rằng đây là lúc chiếm trọn khu vực Depsung Bulge. Có hai khả năng, hoặc là quân đội Ấn Độ (không giống như PLA), có một lịch sử lâu dài và huy hoàng trong việc thúc đẩy những ưu tiên và đặc quyền của họ mà không đếm xỉa gì đến sự lãnh đạo dân sự, quyết định những mong muốn của họ trong việc tạo ra một “khoảnh khắc Senkaku” của riêng họ, với việc sử dụng tranh chấp khu vực Depsung Bulge như một canh bạc lãnh thổ. Hoặc là Trung Quốc đã quyết định thực hiện một vụ xâm nhập vô cớ vào khu vực Depsung Bulge để có một quân bài mặc cả nhằm buộc Chính phủ Ấn Độ lùi bước trong một số động thái tăng cường quân sự mạnh mẽ và đáng báo động ở Ladakh. Tuy nhiên, khả năng này là không nhiều, không phải bởi sự hào phóng của Chính phủ Trung Quốc trong việc tuân thủ luật pháp thiết yếu, mà bởi điều đó sẽ không đạt được hiệu quả. Quân đội Ấn Độ (và dư luận không thể tránh khỏi của họ – ý kiến công khai của những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ) sẽ không để cho Chính phủ Ấn Độ đánh mất những tài sản quân sự ở những vùng lãnh thổ biên giới rõ ràng của nước này.
Trong bất kỳ trường hợp nào, Chính phủ Trung Quốc, quan tâm đến việc đánh giá những ý định của Chính phủ Ấn Độ, đã cử 50 binh sĩ dựng 5 lều trại ở Rika Nullah. Quân đội Ấn Độ cũng đã cử các binh sĩ của họ dựng các lều trại đối diện.
Vụ rắc rối giờ đây khiến Thủ tướng Lý Khắc Cường phải tìm kiếm một giải pháp hợp lý trong cuộc gặp sắp tới với Thủ tướng Manmohan Singh để thoát khỏi cuộc tranh chấp lố bịch này.
Trong kế hoạch lớn về nhiều vấn đề, Trung Quốc có lẽ mong muốn có các mối quan hệ tốt đẹp với Ấn Độ. Nhật Bản lại là một vấn đề khác, và cuộc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông – một vùng đất khác không quan trọng nhưng đầy khó khăn – thì gây nhiều bối rối hơn.
Ngoại giao thế giới đang tập hợp lại trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Chiến lược dịch chuyển trọng tâm trở lại châu Á mang tính đối đầu của Mỹ là liều moócphin đối với “sự tái cân bằng,” một sách lược tạo ra một nơi mà Trung Quốc ở bên trong cấu trúc đó cùng với Ấn Độ với tư cách là các quan sát viên. Họ có thể suy tính về một trường hợp tương tự đáng báo động hơn so với khát vọng của những người dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ về một cuộc tấn công trong cuộc chiến tranh năm 1962: những nét tương tự giữa Đức trong những năm 1930 và Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe ngày nay.
Xét thấy vị trí của Nhật Bản trong trật tự thế giới ngày nay tốt hơn nhiều so với vị trí tương tự của Đức vào năm 1933: sẵn sàng xóa bỏ những hạn chế giải trừ quân bị được áp đặt bởi những kẻ chiến thắng Nhật Bản (Hiệp ước Véc-xây đối với Đức và Hiến pháp hòa bình đối với Nhật Bản) và lại đảm đương vai trò là một thành viên đầy đủ (không bị hạn chế) của cộng đồng toàn cầu.
Sự thiếu kiên nhẫn đối với những đòi hỏi quá đáng của nước ngoài bị làm trầm trọng thêm bởi sự bất ổn kinh tế được tạo ra bởi cùng một nhóm những người nước ngoài, những người đang làm cho hệ thống quân sự bị tê liệt (Đại Suy thoái đối với Đức; Đại khủng hoảng đối với Nhật Bản) và sự thay đổi tương đối trùng hợp từ một nước láng giềng lớn nhung bị kiệt quệ và tê liệt sang một nước tăng trưởng nhanh chóng và trở thành một lực lượng đầy đe dọa (Liên Xô với Đức; Trung Quốc với Nhật Bản).
Với trật tự cũ thiếu uy tín, sự tái sinh dân tộc trở thành một vấn đề mang tính khẩn cấp và được báo trước bởi một nhà lãnh đạo đã quyết tâm đánh đổ những sự kiềm chế đã gông cùm các lĩnh vực quân sự và kinh tế, và huênh hoang khắp nơi trên thế giới trong dáng vẻ làm hài lòng và kích động cả đất nước (Hitler ở Đức và Shinzo Abe ở Nhật Bản).
Những vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương được bảo vệ (Rhineland của Đức, Senkaku của Nhật Bản) và những vùng lãnh thổ đã mất nhưng đã giành lại được (Saar của Đức và có lẽ với Nhật Bản là quần đảo bị Liên Xô chiếm giữ mang tên Kurile, Tôkyô gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc). Một chương trình kích thích kinh tế đầy rủi ro (với một phần là các khoản chi lớn cho lĩnh vực quân sự) đã được đưa ra để chuyển sự toàn vẹn chủ quyền và tinh thần dân tộc sang sự sống còn của đất nước (Đức thực hiện ồ ạt chính sách kích thích kinh tế của Keynes và chương trình kinh tế “Abenomics” (kinh tế Abe) của Nhật Bản).
Một chính sách đối ngoại quyết liệt mới đòi hỏi những liên minh được tăng cường để đối phó với nước láng giềng lớn không thân thiện (Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản đối với Đức và sự xây dựng chiến lược dịch chuyển trọng tâm trở lại châu Á của Mỹ đối với Nhât Bản).
Dĩ nhiên, những điểm tương đồng còn lâu mới hoàn toàn giống nhau. Không giống như Đức Quốc xã, Nhật Bản mới không chuẩn bị để lao vào một cuộc tìm kiếm đầy tai hại đối với không gian sinh tồn (thuyết của Phát xít Đức) và sự tái hội nhập cấp tiến thông qua hoạt động xâm chiếm. Nhật Bản cũng không coi sự tồn tại của bản thân bị đe dọa bởi những lực lượng nước ngoài nằm trong thực thể xã hội của họ.
Những một lần nữa chủ nghĩa dân tộc mới đã được trao quyền và gây lo lắng thường xuyên tìm thấy một mục tiêu trong nước.
Ngày 30/4 vừa qua, nhật báo Asahi Shimbun đã nhắc lại về cuộc biểu tình đáng sợ ở Tôkyô – hồi tháng 1/2013 – để phản đối việc Mỹ đóng căn cứ ở đảo Okinawa. Vụ việc đó xảy ra khi những người biểu tình từ tỉnh Okinawa, bao gồm cả các Thị trưởng, các thành viên hội đồng lập hiến địa phương và các thành viên nghiệp đoàn lao động, tập trung biểu tình phản đối việc triển khai máy bay vận tải OsPrey MV-22 tới một căn cứ quân sự của Mỹ ở tỉnh miền Nam Nhật Bản này.
Trong cuộc tuần hành ngày 27/1 ấy, những người biểu tình đến từ Okinawa đã hô to: “Các người là những kẻ phản bội”. Những người khác thì gào lên: “Hãy cút khỏi Nhật Bản”.
Một nhóm phụ nữ có tên gọi là Soyokaze và những tổ chức khác đã kêu gọi người dân Nhật Bản ngăn chặn sự phản kháng của những người Okinawa. Những đoạn video về cuộc tuần hành sau đó nhanh chóng lan tràn trên mạng Internet, thu hút một làn sóng lớn những ý kiến bình luận của những người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và những người theo thuyết âm mưu.
Nhiều tấm áp phích nói rằng người Okinawa đang tìm cách tính toán làm suy yếu quốc phòng của Nhật Bản và tiếp tay cho Trung Quốc trong cuộc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Những bình luận điển hình nói rằng “những kẻ cánh hữu ở Okinawa là gián điệp của Trung Quốc” và những người biểu tình “đang nhận hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc”.
Một phụ nữ – người công kích cuộc biểu tình trong một bài viết trên mạng Internet, nói rằng trong suốt một khoảng thời gian khi những mối đe dọa bên ngoài đối với Nhật Bản đang gia tăng, những cuộc biểu tình như vậy đã phủ bóng đen lên quan hệ an ninh Nhật – Mỹ và phục vụ những lợi ích của Trung Quốc. Người phụ nữ này cũng nói bà tin rằng Trung Quốc đã tài trợ cho các hoạt động phản đối căn cứ quân sự Mỹ ở tỉnh Okinawa.
Những người khác thì tin rằng Bắc Triều Tiên đứng đằng sau phong trào phản đối căn cứ quân sự Mỹ ở tỉnh Okinawa. Một người đàn ông khoảng 40 tuổi bình luận rằng “những người đang phản đối máy bay OsPrey MV-22 là những người thuộc sắc tộc Triều Tiên ở Nhật Bản”.
Takeshi Taira, 51 tuổi, Phó Tổng Biên tập Thời báo Okinawa nói rằng ông có cảm giác Okinawa đã trở nên thù địch. Nhà báo kỳ cựu này nhận định: “Rõ ràng điều này hoàn toàn khác với những gì tôi nghĩ về những người ở đất liền của Nhật Bản”.
Thời báo Okinawa đã lên kế hoạch phân phát khoảng 1.000 bản sao của một ấn bản đặc biệt phản đối máy bay OsPrey MV-22 tại cuộc biểu tình ở Ginza. Tuy nhiên, cuối cùng tờ báo này đã hủy bỏ ý tưởng đó vì họ không thể đảm bảo an toàn cho các nhân viên của mình.
Trong khi chúng ta đang giải quyết vấn đề sử dụng tư tưởng vào việc tái xác định (nhưng vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi) những mục tiêu quốc gia, cũng cần phải nói điều này: Nhờ nhận được tỷ lệ ủng hộ cao trong các cuộc bỏ phiếu thăm dò ý kiến và được củng cố bởi những thành tích lớn của thị trường chứng khoán, Thủ tướng Shinzo Abe đã gia tăng mức độ thắng thắn hơn về chương trình nghị sự bảo thủ của ông, trong đó có việc sửa đổi Hiến pháp và ít thể hiện sự hối lỗi của Nhật Bản hơn về quá khứ chiến tranh – một lập trường gây nên những căng thẳng gay gắt trong quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc, nơi những ký ức về chủ nghĩa quân phiệt của Tôkyô vẫn còn hằn sâu.
Nhiều người bảo thủ ở Nhật Bản coi Hiến pháp hòa bình, không thay đổi kể từ khi được thông qua vào năm 1947 trong thời kỳ đồng minh xâm chiếm do Mỹ đứng đầu, là một sự hiện thân của phong cách phương Tây, có tính chất cá nhân chủ nghĩa hơn mà họ tin là đã làm xói mòn những truyền thống được định hướng theo nhóm của Nhật Bản.
Những ý kiến chỉ trích coi kế hoạch của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm giảm bớt những thủ tục cho việc sửa đổi Hiến pháp và sau đó tìm kiếm sự thay đổi Điều 9 Hiến pháp hòa bình là một chiến lược “lén lút” nhằm giúp ông này tránh xa hơn khỏi tầm theo dõi của công chúng.
Giáo sư Luật Bruce Ackerman thuộc Đại học Yale của Mỹ nhận định: “Quan ngại thực sự là khoảng hai năm sau, chúng ta chuyển sang một sự tái định nghĩa về một “Nhật Bản mới” là một nước độc tài, theo chủ nghĩa dân tộc”.
Các chuyên gia về Hiến pháp cho biết dự thảo Hiến pháp sửa đổi của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, được đảng này thông qua năm ngoái, sẽ phủ nhận khái niệm cơ bản về nhân quyền nói chung, điều mà những nhân vật bảo thủ ở Nhật Bản lập luận là một quan điểm phương Tây không phù hợp với văn hóa và những giá trị truyền thống của Nhật Bản.
Giáo sư Lawrence Repeta thuộc Đại học Meiji của Nhật Bản nhận xét: “Hiến pháp hiện nay bảo vệ một danh sách dài nhũng quyền cơ bản – tự do bày tỏ, tự do tôn giáo. Rõ ràng là các nhà lãnh đạo của LDP và các chính trị gia nào đó ở Nhật Bản phản đối một hệ thống bảo vệ các quyền cá nhân theo mức độ đó”.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của LDP đã xóa bỏ sự bảo đảm đối với các quyền con người cơ bản và quy định những nghĩa vụ, như sự phục tùng đối với một “lợi ích chung và trật tự chung” mơ hồ. Quân đội sẽ được trao quyền để duy trì “trật tự chung” đó.
Cần phải chỉ ra là Hiến pháp sửa đổi đặc biệt không được ưa thích ở Nhật Bản. Sự sửa đổi chủ chốt sẽ dẫn đến việc thay đổi Điều 9 thành cho phép “tự vệ tập thể”, nghĩa là thực hiện các hoạt động quân sự thay mặt một đồng minh khi bản thân Nhật Bản không bị tấn công, bị 56% số người được hỏi phản đối trong cuộc thăm dò của báo Asahi, và chỉ có 33% ủng hộ. (Nhật Bản dưới thời ông Shinzo Abe lãnh đạo đã tuyên bố quyền cử binh sĩ ra nước ngoài để sơ tán công dân Nhật Bản và để tham gia các cuộc tấn công trước nhằm mục đích phòng vệ quốc gia. May mắn là việc đưa “quyền xâm lược dù không bị gây hấn” vào Hiến pháp Nhật Bản không nằm trong nghị trình, ít nhất là cho đến thời điểm hiện nay”.
Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp là một vấn đề liên quan nhiều đến quyết tâm chính trị hơn là ý nguyện quốc gia.
Thủ tướng Shinzo Abe đang tìm kiếm một chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7/2013 để chuyển đổi sự ủng hộ của cử tri hiện nay đối với ông thành một sự ủng hộ đa số 2/3 đối với LDP. Khi đó LDP có thể thúc đẩy thông qua một dự luật cho phép Hiến pháp có thể được sửa đổi chỉ bằng đa số phiếu – một điều mà có lẽ sẽ có lợi cho LDP, đặc biệt là trong trường hợp chương trình kinh tế của ông Abe và vấn đề Senkaku thất bại sớm hơn dự kiến và sự thống trị chính trị của LDP bị suy giảm.
Dựa vào mức độ uy tín cá nhân cao và sự lộn xộn trong phe đối lập, ông Shinzo Abe không phải giải tán Quốc hội để giành được một vị thế chi phối trên chính trường Nhật Bản. Tuy nhiên, chiếc nồi chủ nghĩa dân tộc cần phải duy trì tình trạng sôi sục, vì thế đừng trông đợi mọi thứ sẽ lắng xuống trong các vấn đề Senkaku, Dokdo và Yasukuni trong thời gian trước khi diễn ra bầu cử Thượng viện Nhật Bản.
Vấn đề ở đây không phải là Nhật Bản của thế kỷ 21 là nước Đức của những năm 1930. Vấn đề là một sự kết hợp về thời gian, sự bất ổn, mối đe dọa, cơ hội, tình hình chính trị và tham vọng đã tháo sợi xích ràng buộc các lực lượng (tốt đẹp hoặc tồi tệ – thẳng thắn mà nói, chủ yếu là tốt đẹp) đã bị kiềm chế trong hơn một nửa thế kỷ.
Do sự lo lắng xuất phát từ thực tế đối với sự lớn mạnh của Trung Quốc và sự suy thoái tương đối của Nhật Bản, những kẻ bảo thủ ở Nhật Bản đang đi đầu trong một nỗ lực nhằm xác định lại chính thể quốc gia và vai trò quốc tế của Nhật Bản theo cách thức tiềm ẩn sự bất ổn định hơn so với vấn đề lo ngại truyền thống – một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Trong thời điểm đất nước ở vào tình thế cấp bách và chính trị có nhiều thay đổi, có một cơ hội cho các nhà lãnh đạo với những quan điểm mạnh mẽ và không nhất thiết được ưa chuộng để hành động một cách táo bạo (nếu không muốn nói là mạo hiểm) trong việc thực hiện sáng kiến chính trị, xác định chương trình nghị sự quốc gia và đặt ra phương hướng cho đất nước ở thời điểm trọng yếu trong lịch sử trước khi thời gian, hoàn cảnh và các cuộc bầu cử cùng đóng sập cánh cửa cơ hội.
Và một sự phối hợp những chính sách mạo hiểm, các nhà lãnh đạo chưa được kiểm chứng, ý kiến công chúng chưa trọn vẹn, những lợi ích quyền lực, và một môi trường kinh tế và chiến lược nguy hiểm có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn vượt ra ngoài giới hạn bất ổn mất phương hướng mà chúng ta kỳ vọng về Nhật Bản ở thập kỷ trước.
Vụ tai tiếng của Trung Quốc xung quanh sự kiện các binh sĩ nước này xâm nhập khu vực Ladakh có thể được xem là sự bất ổn tiềm tàng khi Trung Quốc và các nước láng giềng của họ phát triển các công cụ kinh tế, quân sự và ngoại giao để chính thức hóa việc kiểm soát những gì họ đã có và quản lý những tranh chấp đã sục sôi trong nhiều thập kỷ qua.
Tuy nhiên, nếu như Thủ tướng Shinzo Abe thành công trong việc tái định vị Nhật Bản trong vai trò là một nhà trung gian quyền lực độc lập ở châu Á – cụ thể là bằng cách gia tăng sự ủng hộ của Nhật Bản đối với sự kháng cự của Philíppin, Đài Loan và Việt Nam đối với những tham vọng của Trung Quốc, bao gồm cả ủng hộ quân sự – hiện trạng khu vực có thể bị xáo trộn và những tranh chấp này có khả năng dễ đổ vỡ hơn nhiều so với những va chạm song phương cũ, quen thuộc và thường vô nghĩa giữa Trung Quốc với các nước láng giềng của họ.
Trớ trêu thay, triển vọng của Nhật Bản – một nước sắp thành cường quốc vũ khí hạt nhân – trên thực tế phụ thuộc vào thái độ của Mỹ rằng những tranh chấp biển đảo của Trung Quốc nên được đa phương hóa khiến cho Chính quyền Obama và truyền thông Mỹ sôi sục.
Cho dù là Chiến tranh Thế giới lần thứ Ba không nằm trong nghị trình, sự bùng nổ của Nhật Bản với vai trò là một lực lượng độc lập ở châu Á là tin tức xấu đối với Mỹ và cuộc tìm kiếm của họ đối với sự can dự và kiểm soát ở Tây Thái Bình Dương. Kết quả là, chiến lược chuyển trọng tâm trở lại châu Á, tức là “những nền dân chủ châu Á – cộng thêm Việt Nam – tương đương với sự kiềm chế mềm đối với Trung Quốc nằm ngoài chương trình. “Tái cân bằng”, nghĩa là chế độ quản lý chung đối với các cường quốc khu vực bao gồm cả Trung Quốc, nằm trong chương trình. Tôi tin rằng “quản lý Nhật Bản” cũng nằm trong đó, như một lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có khả năng chia sẻ những mối quan tâm chung và nối lại tình hữu nghị giữa hai nước.
Thái độ quyết liệt của Nhật Bản đối với Hàn Quốc cũng là một điều may mắn bất ngờ đối với Trung Quốc trong nỗ lực của nước này nhằm hàn gắn những quan hệ kinh tế và quan hệ chiến lược với Hàn Quốc. Trung Quốc đang cảnh giác trong việc tiếp tục thực hiện ngoại giao phản công và thúc đẩy một sự thay thế cho câu chuyện không được ủng hộ về “kẻ bắt nạt Trung Quốc” đã chi phối sự đàm luận ở Đông Á trong những năm qua.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm 2/5 rằng “những diễn biến liên quan đến Nhật Bản được các nước láng giềng theo dõi chặt chẽ vì những lý do lịch sử”. Phát biểu này của bà Hoa Xuân Oánh là câu trả lời cho câu hỏi của một phóng viên về những bình luận của các nhà lãnh đạo Nhật Bản gần đây đối với các vấn đề lịch sử. Bà Hoa Xuân Oánh cũng bày tỏ hy vọng rằng Nhật Bản có thể trung thành với sự phát triển hòa bình và lấy lịch sử làm tấm gương. Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, “lịch sử giống như một tấm gương”, đồng thời nói rằng một nước có thể thực sự có tương lai chỉ sau khi đối diện trung thực với quá khứ.
Chúng ta hãy hy vọng và trông đợi rằng tấm gương của lịch sử trong thập kỷ sắp tới sẽ phản ánh điều gì đó tốt đẹp hơn những năm 1940./.

Quốc phòng : Nga ưu ái Việt Nam và nghi ngại Trung Quốc

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (Reuters)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (Reuters)

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa kết thúc chuyên công du Liên Bang Nga từ ngày 12 đến 15/05/2013. Nhân dịp này, chính phủ hai nước đã cam kết « hợp tác hơn nữa trong lãnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia ». Trong bối cảnh tân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng vừa đi thăm Nga vào tháng Ba vừa qua, giới phân tích không khỏi tự hỏi trở lại về trọng lượng của Hà Nội và Bắc Kinh trong chính sách đối ngoại quốc phòng của Nga.

Giáo sư Carl Thayer tại Học Viện Quốc phòng Úc đã ghi nhận rằng dù ảnh hưởng của Việt Nam không thể sánh bằng Trung Quốc, nhưng Việt Nam luôn luôn có một vị trí “đặc biệt” đối với Nga, trong lúc Trung Quốc luôn luôn tạo ra một tâm lý nghi ngờ nơi Mátxcơva.

Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Thayer trước hết nêu bật tính chất quan trọng của Việt Nam trong tư cách là đối tác mua vũ khí của Nga

Carl Thayer : Việt Nam là một trong những thị trường vũ khí lớn của Nga. Mối quan hệ này đã đi xa hơn việc bán hàng đơn thuần để bao gồm các lãnh vực đào tạo, bảo trì, sửa chữa và nâng cấp các thiết bị quan trọng hoặc hệ thống vũ khí. Quan hệ này cũng bao hàm việc đồng sản xuất tàu tuần tra và tên lửa. Với việc Việt Nam sẽ tiếp nhận sáu chiếc tàu ngầm lớp Kilo, quan hệ với Nga trong địa hạt quân sự quốc phòng sẽ mở rộng thêm với các cơ sở do Nga xây dựng ở Vịnh Cam Ranh và các dịch vụ giúp vận hành và bảo trì hạm đội tàu ngầm mới của Việt Nam.

Việt Nam sẽ bị lệ thuộc vào nguồn cung cấp quốc phòng từ Nga trong nhiều thập kỷ tới đây. Yếu tố quyết định cho vấn đề này là tính tương thích của thiết bị Nga với kho thiết bị và vũ khí hiện tại của Việt Nam, cũng như giá cả phải chăng và các điều kiện thanh toán linh hoạt.

Chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa rồi là một hoạt động bình thường trong bang giao Nga-Việt, một quan hệ chỉ mới được nâng lên gần đây từ đối tác chiến lược sang quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Chắc chắn là nhân dịp đó, phía Nga đã đưa các đề nghị bán vũ khí tương lai ra để xem xét.

Trong bối cảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng vừa đi thăm Nga vào tháng Ba, giáo sư Thayer đã phân tích thêm về vị trí của Bắc Kinh và Hà Nội trong chính sách đối ngoại của Mátxcơva.

Carl Thayer : Nga bán vũ khí cho cả Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng Trung Quốc bị cho là đã sao chép công nghệ và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Nga. Đây là một vấn đề khó chịu trong quan hệ giữa hai bên.

Trung Quốc hiện được quyền chế tạo một số vũ khí lớn của Nga như máy bay chiến đấu đa chức năng Su-30. Nga cũng có sức ép trên Bắc Kinh thông qua việc bán năng lượng cho Trung Quốc hiện thời và trong tương lai. Nga cũng đã cẩn thận không đưa vào Trung Quốc các loại công nghệ quân sự có khả năng gây mất ổn định cho tình hình an ninh khu vực. Ví dụ như mới đây, các nguồn tin công nghiệp Nga đã bác bỏ thông tin trên các phương tiện truyền thông Nga, cho rằng nước này sẽ bán máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm cho Trung Quốc.

Việt Nam sẽ không bao giờ cạnh tranh được với Trung Quốc về mặt quyền lực và ảnh hưởng trong khu vực. Thế nhưng Việt Nam sẽ luôn luôn giữ một vị trí đặc biệt đối với Nga vì quan hệ kinh tế và quốc phòng song phương, cũng như nhờ một cộng đồng người Việt to lớn ở Nga. Các liên doanh Nga Việt nhằm phát triển các nguồn năng lượng, từ dầu khí đến năng lượng hạt nhân, sẽ phát triển trong tương lai. Việt Nam cũng là một cửa ngõ chính trị hữu ích cho Nga trong quan hệ với ASEAN.

Theo quan điểm của Mátxcơva, các quan hệ với cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều có thể được theo đuổi cùng một lúc mà không cần phải lựa chọn. Trong trường hợp có xung đột, Nga hoàn toàn có khả năng đình chỉ việc cung cấp vũ khí và phụ tùng thay thế.

Sau cùng, cho dù quan hệ Nga Trung có trở thành gần gũi đến đâu chăng nữa, thì sẽ luôn luôn có một mối nghi ngờ dai dẳng của Nga đối với Trung Quốc và và sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Trọng Nghĩa (RFI)

Pv Nhà báo Hồng Ngọc - Tư pháp độc lập để kiểm soát quyền lực

Lãnh đạo Việt Nam
Một số lãnh đạo VN có vẻ chưa phân định rõ giữa trách nhiệm cá nhân và tập thể

Một cây bút quan sát thời sự chính trị trong nước đặt vấn đề Việt Nam cần tăng cường tính độc lập của tư pháp và Quốc hội, tôn trọng nguyên tắc tam quyền phân lập để vừa cải tổ thể chế vừa kiểm soát tốt hơn quyền lực, trách nhiệm của những người trong bộ máy lãnh đạo, cầm quyền, không riêng Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi với BBC hôm 18/5/2013, nhà báo Hồng Ngọc, cựu Trưởng Ban Kinh tế thuộc Báo điện tử VietnamNet nêu quan điểm cần làm gì để các giải pháp được đề xuất tăng cường trách nhiệm, kiểm soát quyền lực của cá nhân Thủ tướng, Nội các, đạt hiệu quả thực sự, mà không phải là những câu chữ, luật định suông?

Nhà báo Hồng Ngọc: Theo tôi, trong các nguyên tắc của chính trị học hiện đại, quyền lực chỉ có thể được kiểm soát bởi quyền lực, trên nguyên tắc độc lập và cân xứng. Với hầu hết các xã hội, ba nhánh quyền lực cơ bản là lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Nó độc lập với nhau và kiểm soát lẫn nhau, dựa trên việc thể chế hóa quy trình hoạt động của từng cơ quan quyền lực. Chính phủ, đứng đầu bởi Thủ tướng hoặc đôi khi là Tổng thống, về cơ bản, bị kiểm soát bởi hệ thống tư pháp độc lập trong việc hành pháp đúng khuôn khổ pháp luật. Nếu tham nhũng hay lạm quyền thì sẽ bị tư pháp luận tội. Chính phủ cũng bị kiểm soát bởi cơ quan lập pháp độc lập (Quốc hội hay Nghị viện) trong việc xây dựng chính sách, kế hoạch và chi tiêu ngân sách… Vấn đề đối với Việt Nam hiện tại là cơ quan tư pháp chưa độc lập. Quốc hội về nguyên tắc là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng tình trạng hầu hết đại biểu quốc hội hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm với các chức danh trong chính phủ hoặc chính quyền địa phương, và về nguyên tắc thì không thể trông đợi sự “độc lập” trong các quyết định của các đại biểu quốc hội như vậy.

Thủ tướng và các thành viên chính phủ ở Việt Nam trên lý thuyết là được Quốc hội bầu ra. Về nguyên tắc thì được ai bầu thì phải chịu trách nhiệm trước người đó. Tức là Thủ tướng và chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Chịu trách nhiệm trước tiên là ở việc giải trình, sau đó là bị kỷ luật – mà cao nhất là bãi chức – khi không hoàn thành nhiệm vụ. Thực tế ở Việt Nam, chưa có Thủ tướng nào bị bãi chức trước khi hết nhiệm kỳ. Vì như tôi đã nói ở trên, khó mà trông đợi điều đó khi Quốc hội chưa thật sự độc lập với Chính phủ.


"Điều trớ trêu ở Việt Nam là trên lý thuyết thì Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhưng trên thực tế thì đa số đại biểu quốc hội lại là nhân viên cấp dưới của Thủ tướng!"
Nhà báo Hồng Ngọc
Chính phủ chịu trách nhiệm trước nhân dân là một cách nói mị dân. Các công dân bình thường thiếu sự tiếp cận thông tin, đối thoại, và thậm chí thiếu cả sự quan tâm và hiểu biết đối với những vấn đề gây tranh cãi, nên “nhân dân” một cách chung chung là sự đối trọng không cân xứng với chính phủ (những “tinh hoa” của nhân dân theo cách này về lý thuyết chính là các đại biểu quốc hội rồi). Kênh duy nhất để những người dân thông thường có được tiếng nói và có cơ hội kiểm soát quyền lực chính phủ là truyền thông. Nhưng nếu truyền thông trực thuộc chính phủ thì kênh đó cũng bị vô hiệu. Một số xã hội thậm chí coi truyền thông đại chúng như một nhánh quyền lực độc lập, bên cạnh ba nhánh quyền lực mà tôi đã nói.

BBC: Việc kiểm soát quyền lực và trách nhiệm cá nhân này liệu chỉ nên tập trung vào một Thủ tướng, nội các, hay còn cần áp dụng cho ai khác nữa?

Mọi quyền lực được ủy nhiệm, theo tôi, đều phải được kiểm soát, để bảo đảm quyền lực đó được thực thi đúng với mong muốn của những người chủ đã ủy nhiệm quyền lực đó. Nếu coi nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, thì mọi nhà nước đều phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nhưng như tôi đã nói, “nhân dân” nói chung là một sự đối trọng bất cân xứng với chính phủ - đặc biệt khi thiếu truyền thông độc lập – nên lại phải quay về với Quốc hội. Điều trớ trêu ở Việt Nam, là trên lý thuyết thì Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhưng trên thực tế thì đa số đại biểu quốc hội lại là nhân viên cấp dưới của Thủ tướng! Sự giám sát, kiểm soát về nguyên tắc chỉ có thể được thực hiện hữu hiệu từ cấp trên đối với cấp dưới, hay ít nhất là từ một cơ quan độc lập, chứ không thể được thực thi hữu hiệu từ cấp dưới đối với cấp trên.


"Khi Thủ tướng, về nguyên tắc, không có toàn quyền lãnh đạo Chính phủ, thì cũng không phải chịu trách nhiệm tuyệt đối trước Quốc hội. Đó là sự bế tắc và rối rắm của cơ chế “lãnh đạo tập thể”, “trách nhiệm tập thể"
Nhà báo Hồng Ngọc
Thách đố của mọi thể chế là vừa bảo đảm sự kiểm soát đối với quyền lực, lại vừa bảo đảm quyền lực được thực thi và thông suốt. Để thông suốt thì trách nhiệm phải được quy cho cá nhân, và thường là cá nhân người đứng đầu. Những cá nhân khác sẽ chịu trách nhiệm trước cá nhân người đứng đầu. Sẽ là bế tắc nếu Thủ tướng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, nhưng các thành viên khác của Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Vì khi đó họ sẽ có quyền, trên nguyên tắc, không nghe lời Thủ tướng. Và khi Thủ tướng, về nguyên tắc, không có toàn quyền lãnh đạo Chính phủ, thì cũng không phải chịu trách nhiệm tuyệt đối trước Quốc hội. Đó là sự bế tắc và rối rắm của cơ chế “lãnh đạo tập thể”, “trách nhiệm tập thể”.

BBC: Làm gì để xử lý, phòng chống hiệu quả các hành vi chối tội, trốn tội, thoái thác trách nhiệm trong mối quan hệ giữa trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo Đảng, chính quyền, trong đó có Thủ tướng Chính phủ, với cơ chế nhiệm kỳ và thể thức lãnh đạo vẫn được cho là mang hình thức tập thể?

Theo tôi, để tránh chối tội, trốn tội thì lại phải quay về với các phương thức kiểm soát quyền lực cơ bản. Đó là tư pháp độc lập. Quốc hội cũng phải độc lập, với nguyên tắc mọi đại biểu quốc hội – hoặc ít nhất là đa số ¾ - phải là đại biểu chuyên trách, không phải là cấp dưới của Chính phủ.

Nếu Quốc hội có thẩm quyền bầu ra Thủ tướng, và xét duyệt các thành viên Chính phủ, thì Quốc hội cũng phải có quyền bãi miễn Thủ tướng Chính phủ trước thời hạn. Các thành viên chính phủ sẽ chịu trách nhiệm trướ Thủ tướng, còn Thủ tướng chịu trách nhiệm tuyệt đối trước Quốc hội.

Tuy nhiên, ngay cả khi đại biểu quốc hội là chuyên trách (không kiêm nhiệm chức vụ bên chính phủ hoặc chính quyền địa phương) thì cũng không phải là sự bảo đảm cho việc ra quyết định độc lập. Vì Thủ tướng thường có vị trí rất cao trong Đảng, và chừng nào hệ thống chính trị chỉ gồm một đảng, thì các đại biểu quốc hội thuộc Đảng đó vẫn là “cấp dưới” của Thủ tướng về mặt Đảng. Còn các đại biểu quốc hội ngoài Đảng thì yếu thế vì thiếu tính tổ chức và đường lối thống nhất để đối trọng với Chính phủ, được mặc định do một đảng kiểm soát. Đó là thách đố lớn nhất trong việc kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay.

Nhà báo tự do Hồng Ngọc, có bằng sau đại học về triết học và khoa học chính trị, từng làm việc tại các báo VietnamNet và Thể thao-Văn hóa, ông hiện đang sống và làm việc ở Sài Gòn.
(BBC)

'Trách nhiệm Thủ tướng chỉ là bước đầu'

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
TS Doanh cho rằng không riêng Thủ tướng, ai ra quyết định đều phải chịu trách nhiệm

Một nhà quan sát từ trong nước cho rằng việc xác định trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng chỉ mới là bước đầu và là một bước đi khiêm tốn về xác định trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo chính quyền, nhà nước.

Trao đổi với BBC hôm 18/5/2013 từ Hà Nội, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng về nguyên tắc bất cứ ai ra quyết định đều phải chịu trách nhiệm cá nhân, từ tài chính cho tới cả hình sự.

Nguyên thành viên Ban tư Vấn của Thủ tướng Chính phủ nói: "Xác định trách nhiệm cá nhân cần phải được xác định cho mỗi một người có liên quan đến quyền lực. Bất cứ một người nào, lớn hay nhỏ, có nhận quyền lực, ông Chủ tịch xã cũng phải chịu trách nhiệm cá nhân...

"Tôi nghĩ rằng việc xác định của ông Thủ tướng mới là bước đầu, và là bước tiến có tính chất khiêm tốn, để tiến tới xác định trách nhiệm cá nhân, nhưng về nguyên tắc, ai có quyền quyết định, người đó phải chịu trách nhiệm.

"Chịu trách nhiệm cá nhân về mặt tài chính, về mặt hành chính và nếu như có sai phạm, thì chịu trách nhiệm cả về mặt hình sự để Tòa án có thể phán xét."

Cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng đây là những vấn đề mà nền hành chính và thể chế, bộ máy của Việt Nam cần có những quy định kịp thời để xử lý.


"Một nền kinh tế có thể chuyển từ kinh tế nghèo lên kinh tế thu nhập trung bình, rồi lên thu nhập cao, chủ yếu nhờ vào bộ máy thể chế. Bộ máy phải trong sạch, phải có hiệu quả, phải được giám sát"
TS Lê Đăng Doanh
Tiến sỹ Doanh nhấn mạnh yếu tố quyết định để Việt Nam chuyển đổi thành công từ một quốc gia nghèo, thu nhập thấp, sang một quốc gia có thu nhập trung bình và đi tới khá giả phụ thuộc rất lớn vào việc bộ máy chính quyền trong sạch, hiệu quả và được giám sát.

Ông đặt kỳ vọng vào việc giải quyết vấn đề trong dịp Việt Nam sắp sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này. Ông nêu câu hỏi:

"Bây giờ việc sửa đổi Hiến pháp có thể hiện được và rút ra để sửa đổi, bổ sung, những vấn đề đang rất thời sự trong việc thể chế của Việt Nam hay không?

"Và chúng ta biết rằng một nền kinh tế có thể chuyển từ một nền kinh tế nghèo lên nền kinh tế thu nhập trung bình, rồi lên thu nhập cao, chủ yếu nhờ vào bộ máy thể chế.

"Bộ máy phải trong sạch, phải có hiệu quả, phải được giám sát và phải tránh hình thành những lợi ích nhóm, lạm dụng chức quyền tham nhũng."

Nhà phân tích cho rằng đây là những tật bệnh mà Việt Nam vừa qua đã phát hiện và kỳ vọng cuộc sửa đổi Hiến pháp sẽ diễn ra kịp thời để bổ sung, đáp ứng được những yêu cầu thay đổi mà xã hội Việt Nam đang mong đợi.

'Vì sao cần kiểm soát?'

Một nhà quan sát khác ở trong nước, thuộc thế hệ trẻ hơn, đưa ra gợi ý tham khảo về việc vì sao cần có sự kiểm soát quyền lực nhà nước và chính quyền.

Trả lời BBC từ Sài Gòn, nhà báo Hồng Ngọc, cựu Trưởng Ban Kinh tế của tờ báo Điện tử VietnamNet bình luận:

"Trong các nguyên tắc của chính trị học hiện đại, quyền lực chỉ có thể được kiểm soát bởi quyền lực, trên nguyên tắc độc lập và cân xứng. Với hầu hết các xã hội, ba nhánh quyền lực cơ bản là lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Nó độc lập với nhau và kiểm soát lẫn nhau, dựa trên việc thể chế hóa quy trình hoạt động của từng cơ quan quyền lực.

"Chính phủ, đứng đầu bởi Thủ tướng hoặc đôi khi là Tổng thống, về cơ bản, bị kiểm soát bởi hệ thống tư pháp độc lập trong việc hành pháp đúng khuôn khổ pháp luật. Nếu tham nhũng hay lạm quyền thì sẽ bị tư pháp luận tội.

Tuy nhiên nguyên tắc này chưa được hoặc khó được áp dụng ở Việt Nam, theo cây bút phân tích này, có lý do chính sau:

"Chính phủ cũng bị kiểm soát bởi cơ quan lập pháp độc lập (quốc hội hay nghị viện) trong việc xây dựng chính sách, kế hoạch và chi tiêu ngân sách… Vấn đề đối với Việt Nam hiện tại là cơ quan tư pháp chưa độc lập.

"Quốc hội về nguyên tắc là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng tình trạng hầu hết đại biểu quốc hội hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm với các chức danh trong chính phủ hoặc chính quyền địa phương, và về nguyên tắc thì không thể trông đợi sự “độc lập” trong các quyết định của các đại biểu quốc hội như vậy."

'Giải pháp cụ thể'



"Để tránh chối tội, trốn tội thì lại phải quay về với các phương thức kiểm soát quyền lực cơ bản. Đó là tư pháp độc lập. Quốc hội cũng phải độc lập, với nguyên tắc mọi đại biểu quốc hội – hoặc ít nhất là đa số ¾ - phải là đại biểu chuyên trách, không phải là cấp dưới của Chính phủ"
Hồng Ngọc - cựu Trưởng Ban Kinh tế báo VietnamNet
Khi được hỏi cần có giải pháp nào cụ thể để giải quyết được mối quan hệ giữa xác định trách nhiệm cá nhân lãnh đạo và cơ chế quyền lực lãnh đạo vận hành theo nhiệm kỳ, bên cạnh cơ chế 'quyết định tập thể' khá phổ biến ở trong nước lâu nay, Tiến sỹ Doanh nói:

"Việt Nam bây giờ cần phải nhìn vào thực tế để đảm bảo rằng Đảng ra nghị quyết, thì trách nhiệm của Đảng đối với việc đó như thế nào, ai chịu trách nhiệm về nghị quyết đó và nghị quyết đó có hiệu lực pháp lý đến đâu?

"Nếu Quốc hội ra nghị quyết thì Quốc hội chịu trách nhiệm như thế nào và nếu Chính phủ ra nghị quyết và quyết định, thì Chính phủ chịu trách nhiệm đến đâu? Chứ cho đến nay, hiệu lực pháp lý và vị thế của nghị quyết của Đảng là cao nhất, nhưng trách nhiệm thì không rõ. Đấy là vấn đề mà chúng ta cần xem xét."

Gần đây, nhiều ý kiến trong cộng đồng và các giới trong nước phản ánh Việt Nam vẫn còn tình trạng khá phổ biến các hành vi chối tội, trốn tội, thoái thác trách nhiệm của các quan chức cầm quyền, lãnh đạo ở nhiều cấp trong lúc mối quan hệ giữa trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo với cơ chế nhiệm kỳ và lãnh đạo tập thể còn chưa tường minh.

Bình luận về giải pháp xử lý vấn đề này, nhà báo Hồng Ngọc gợi ý:

"Để tránh chối tội, trốn tội thì lại phải quay về với các phương thức kiểm soát quyền lực cơ bản. Đó là tư pháp độc lập. Quốc hội cũng phải độc lập, với nguyên tắc mọi đại biểu quốc hội – hoặc ít nhất là đa số ¾ - phải là đại biểu chuyên trách, không phải là cấp dưới của Chính phủ.

"Nếu Quốc hội có thẩm quyền bầu ra Thủ tướng, và xét duyệt các thành viên Chính phủ, thì Quốc hội cũng phải có quyền bãi miễn Thủ tướng Chính phủ trước thời hạn. Các thành viên chính phủ sẽ chịu trách nhiệm trướ Thủ tướng, còn Thủ tướng chịu trách nhiệm tuyệt đối trước Quốc hội.

'Báo cáo trước dân'

Hôm 17/5, một quan chức thuộc Bộ Tư pháp của Việt Nam đã trao đổi với truyền thông trong nước tại một cuộc họp báo về kết quả chính quyền lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


"Thủ tướng có trách nhiệm báo cáo hoạt động của mình trước nhân dân và các bộ trưởng cũng vậy"
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên
Ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ này cho biết một trong các nội dung được Quốc hội và chính quyền tiếp thu là kiến nghị nêu trong chương 7 về tổ chức và trách nhiệm của Chính phủ. Về tăng cường trách nhiệm cá nhân các thành viên Nội các, ông Liên được báo chí trong nước trích lời nói:

"Thủ tướng có trách nhiệm báo cáo hoạt động của mình trước nhân dân và các bộ trưởng cũng vậy."

Chủ đề về xác định trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu Chính phủ đã không ít lần được các giới và các Đại biểu Quốc hội đề cập qua các khóa gần đây.

Trong một phiên họp Quốc hội khóa hiện nay, Đại biểu Dương Trung Quốc đã đưa ra gợi ý với Thủ tướng về văn hóa từ chức khi người lãnh đạo trong bộ máy chính phủ và nội các không hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ được giao phó, hoặc gây ra các sai phạm nghiêm trọng.

Trước đó, cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đã từng đề nghị đình chỉ chức vụ lãnh đạo Chính phủ và những ai có trách nhiệm liên đới trong vụ việc Tập đoàn công nghiệp đóng tàu biển của Việt Nam Vinashin bị thua lỗ, thất thoát vốn lớn và rơi vào bờ vực phá sản.

Gần đây, Thủ tướng Việt Nam đã ngỏ lời xin lỗi trước các Đại biểu và nhân dân về các hạn chế, khuyết điểm và bất cập của nội các của ông, nhắc lại việc ông chịu trách nhiệm chính trị trước các quyết định, nhưng không có ý kiến hay động thái gì cho thấy ông sẽ từ chức hoặc tiếp thu, thi hành văn hóa từ chức như được Đại biểu Quốc hội gợi ý.

Trong Hội nghị Trung ương 7 vừa bế mạc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, hai quan chức cao cấp miền Nam đã được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, một trong hai vị trí là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, người được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ cấu vào nội các của mình ngay từ nhiệm kỳ đầu.

Quốc Phương
BBC Việt ngữ
 

Hội chứng “bất động…”

Nhà báo Kim Dung ( Kỳ Duyên)
Nhà báo Kim Dung ( Kỳ Duyên)
Quản lý xã hội là việc nghiêm cẩn, mà cứ hệt như chuyện mấy anh xã trưởng thời xưa bàn chuyện “đụng độ” sau lũy tre làng!
Tuần qua, xã hội sôi động và râm ran chuyện sắp lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm, giữa lúc câu chuyện đầy kịch tính- giải cứu bất động sản với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã “mở màn”. Thì một vụ việc “giải cứu bất động sản” không kém kịch tính khác lại nổ ra.
Sáng đúng chiều sai, sáng mai- chưa biết!
“Sàn diễn” ở đây là vùng rừng Sóc Sơn, Ba Vì ( Hà Nội), với hàng loạt sai phạm về đất đai. Riêng huyện Sóc Sơn, Thanh tra Chính phủ phát hiện tại chín xã và Lâm trường Sóc Sơn, có 336 hộ dân chuyển nhượng đất lâm nghiệp, diện tích gần 300 hecta, 659 hộ xây dựng các công trình trên đất lâm nghiệp. Một con số sai phạm khổng lồ.
Hàng trăm ngôi biệt thự đẹp đẽ, trang trại hoành tráng mọc lên thấp thoáng giữa cảnh núi rừng phong thủy hữu tình. Tiếc thay, đó lại là bức tranh xấu xí và đáng buồn về quản lý chính quyền cơ sở, quản lý Nhà nước buông lỏng, mặc dân tự ý mua bán, chuyển nhượng đất rừng, chuyển đổi sai mục đích sử dụng.
Hai trường hợp điển hình được báo chí đưa ra, theo kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường HN. Đó là biệt thự của gia đình ca sĩ Mỹ Linh, và Việt phủ Thành Chương. Trớ trêu và hài hước nhất, Việt phủ Thành Chương nhiều năm qua, từng đón nhiều quan khách trong nước và quốc tế, được một số bảo tàng, tổ chức văn hóa ghi nhận như một địa chỉ văn hóa của VN, từng được “khảo sát” để làm điểm du lịch 1000 năm Thăng Long- HN.
Người viết bài cứ tự hỏi, không biết các quan chức HN, khi đến thăm Việt phủ, có ai băn khoăn đặt câu hỏi, vì sao Việt phủ lại được xây dựng hoành tráng đến vậy ở ngay trên đất rừng đặc dụng?
Để đến giờ, gần chục năm trôi qua, bao nhiêu cơn mưa rừng, bao nhiêu mùa hoa nở, Việt phủ Thành Chương và biệt thự gia đình ca sĩ Mỹ Linh bỗng nhiên trở thành “điều tiếng”- bởi họ vốn là những người nổi tiếng. Chứ còn “ăn theo” họ, có không ít biệt thự, nhà ở nữa, đâu phải chỉ có hai vị nghệ sĩ có đẳng cấp này. Như anh trai, chị gái ca sĩ Mỹ Linh cũng lại có những sai phạm tương tự được phát hiện trong quá trình thanh tra. Kéo theo hàng nghìn ý kiến của người dân ở hai phía- phía đòi xử lý nghiêm minh, phía bênh vực họ.
Vụ việc trở nên phức tạp, rối tinh rối mù, bởi ngay cơ quan chức năng, quản lý Nhà nước các cấp, còn mâu thuẫn nhau trong sự nhìn nhận một vụ việc, thì người dân làm sao hiểu đúng hay sai? Và ngay chính cơ quan quản lý còn sai phạm, nói gì đến người dân?
Bởi nếu Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường HN kết luận, vụ việc trên là xây sai phép, thì ông Chủ tịch UBND xã Minh Phú (xã có biệt thự của gia đình ca sĩ Mỹ Linh) lại bác bỏ ngay kết luận của Thanh tra Sở.
Khu biệt thự của ca sĩ Mỹ Linh
Khu biệt thự của ca sĩ Mỹ Linh
Còn ông Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ (nơi có Việt phủ Thành Chương) không thuộc quyền quản lý của UBND huyện, mà thuộc Công ty Lâm trường Sóc Sơn, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng. Thế nhưng Công ty Lâm nghiệp Sóc Sơn, cũng đang có nhiều sai phạm về sử dụng đất không đúng mục đích. Rõ là ốc không mang nổi mình ốc, lại mang cọc cho rêu.
Đáng chú ý nhất, những nội dung này đã được UBND TP chỉ đạo giải quyết tại Công văn số 2224/UB-NNĐC ngày 2-6-2005 và trên cơ sở kết luận của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP đã tiếp tục yêu cầu các ngành, các cấp tổ chức thực hiện tại các Văn bản số 122/TB-UB ngày 01-6-2006, số 159/TB-UB ngày 28-7-2006 và số 3750/UBND-TNMT ngày 21-5-2012.
Như vậy, từ năm 2005, UBND t/p HN đã có văn bản chỉ đạo giải quyết (trong khi biệt thự gia đình ca sĩ Mỹ Linh mãi năm 2009 mới xây). Tám năm trôi qua, không hiểu các ngành, các cấp quản lý chính quyền Sóc Sơn làm gì? Hay các bác mắc bệnh trên bảo dưới không nghe?
Nếu có bệnh thì cần “chữa trị” đến nơi đến chốn, chứ hội chứng “bất động sản” giờ đã thành hội chứng… “bất động” của không ít cấp quản lý chính quyền cơ sở? “Bất động” về trách nhiệm quản lý, về ý thức bổn phận cán bộ công quyền? Chả lẽ lại có cả ngành đào tạo những “nhà bất động học”?
Tại sao, hiện tượng xây biệt thự, xây phủ, xây nhà trên đất rừng ở Sóc Sơn, ở Ba Vì nhan nhản? Đằng sau những ngôi biệt thự lộng lẫy, đẹp đẽ đó, chuyện gì đã diễn ra? Xã hội nào cũng có luật pháp, tuy nhiên, phổ biến người Việt lại sống theo… lệ. Lệ làng, lệ xã, lệ phố, lệ phường, và giờ, có lệ… rừng? Còn nếu người dân phải theo luật, lại là thứ “luật” bất thành văn- phạt cho…tồn tại.
Hóa ra, cái “luật” này rất được…ưa chuộng. Từ thành thị đến miền rừng. Ngay ở t/p HCM chẳng hạn. Công trình cao ốc trên đảo Kim Cương (P. Bình Trưng Tây, Q2), tổng diện tích xây dựng trái phép lên đến gần 3000 m2. Tòa nhà cao ốc BMC trên đường Võ Văn Kiệt, xây trái phép hơn 270 m2… Tất cả vẫn bình an vô sự!
 Còn nếu xử lý cán bộ, hãy thử nhìn lên Ba Vì mà xem. Trung bình mỗi năm, Ba Vì có hơn 100 đảng viên bị xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo, khiến trách, kiểm điểm, trong đó sai phạm liên quan đất đai tới 40%. Một con số và hình ảnh thật ấn tượng. Cán bộ bị kỷ luật cứ kỷ luật, biệt thự cứ xây và cứ tồn tại trên đất rừng.
 Cũng tưởng cái “luật” bất thành văn- phạt cho… tồn tại, chỉ tồn tại trong bóng đêm, hóa ra sắp tới rất có thể nó được “chính danh, chính chủ” hẳn hoi. Một… tin mừng cho các công trình xây trái phép.
 Theo báo Tuổi trẻ (ngày 8/5), Bộ Xây dựng đang chuẩn bị đưa ra Dự thảo sửa đổi Nghị định 23 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản.
 Theo đó, nếu công trình xây trái phép là nhà ở riêng lẻ ở đô thị sẽ nộp 40% giá trị lợi nhuận phần trái phép. Nếu công trình xây trái phép thuộc các dự án đầu tư xây dựng thì phải nộp 50% lợi nhuận của phần công trình trái phép.
Việt phủ Thành Chương
Việt phủ Thành Chương
Thật lạ. Luật là để ngăn chặn, xử lý những việc vi phạm pháp luật. Nhưng Dự thảo này nếu thành hiện thực, quá bằng… xui con người ta nên làm trái luật, chỉ cần chạy bằng tiền là xong om!
 Đã thế, vị đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, xét về hiệu quả xã hội, nếu tháo dỡ phần diện tích vi phạm thì thiệt nhiều hơn lợi vì tốn tiền của chủ đầu tư cũng là tiêu tốn của cải xã hội. Nhưng để cho phần diện tích trái phép của các công trình tồn tại mà chủ đầu tư không phải nộp đồng nào trong số lợi nhuận họ thu được từ phần công trình bất hợp pháp trên, thì người đi sau sẽ nhìn người đi trước mà tiếp tục vi phạm.
 Một thứ tư duy ngụy biện và đánh tráo khái niệm kỳ cục. Vậy xin hỏi, Thanh tra Bộ Xây dựng tồn tại để làm gì? Hay các vị tồn tại chỉ để đi phạt tiền, chứ không phải để góp phần buộc con người tôn trọng luật pháp, cũng tức là tôn trọng trật tự an sinh xã hội.
 Và cũng xin thưa, sự bát nháo trong xây dựng, trong quản lý đô thị- “hiệu quả quản lý xã hội” không nằm ở sự “tháo dỡ phần diện tích vi phạm thì thiệt nhiều hơn lợi” đâu, mà nằm ở chính tư duy quản lý… “bất động” kiểu này, ở sự lười biếng, ngại khó trước trách nhiệm, bổn phận của mình.
 Không phải không có lý khi TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: Pháp luật phải nghiêm chứ không nên thỏa hiệp.
 Trong khi gói “bất động sản” Sóc Sơn, Ba Vì còn chưa tìm được đường giải cứu, đọc thông tin thấy nản quá. Quản lý xã hội, xã tắc là việc nghiêm cẩn, mà cứ hệt như chuyện mấy anh xã trưởng thời xưa bàn chuyện “đụng độ” sau lũy tre làng!
 Những nhà… “bất động học”?
Hội chứng “bất động” cũng thiên hình vạn trạng.
 Nếu ở Sóc Sơn, Ba Vì, đó là bệnh trên bảo dưới không nghe, thì ở những Di sản văn hóa quốc gia như Đường Lâm, Chùa Một Cột (Hà Nội), mà tiếng kêu thất vọng của người dân lẫn sư sãi trụ trì mới đây thức tỉnh cả xã hội, đó là sự…bất động trước nỗi khổ của người dân, dù phàm tục hay thoát tục.
 Gần chục năm trước đây, người dân làng cổ Đường Lâm hoan hỉ đón đợi danh hiệu Di sản văn hóa quốc gia. Họ không nghĩ rằng, sau những hoan hỉ về cái danh, là nỗi khổ của đời sống thực đang … đợi họ. Mới đây, gần trăm người dân Đường Lâm đồng tâm viết thư xin trả lại tên (danh hiệu) cho thành phố.
 Hơn nửa thế kỷ trước, Chùa Một Cột là một trong những di tích được công nhận Di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia (đợt đầu tiên- năm 1962). Hàng chục năm nay, từ 2002, vị Đại đức trụ trì ngôi chùa cổ kiên trì viết đơn cầu cứu ngành văn hóa các cấp, vì sự xuống cấp nghiêm trọng của ngôi chùa. Mới đây, bức xúc quá, ông đành viết “tâm thư” vì không hiểu nổi sự làm ngơ này.
Tượng Tổ mặc áo mưa, đội nón vì dột nát tại chùa Một Cột. Ảnh: Dân Việt
Tượng Tổ mặc áo mưa, đội nón vì dột nát tại chùa Một Cột. Ảnh: Dân Việt
 Nỗi khổ giữa làng cổ Đường Lâm và ngôi chùa cổ có cái tên độc đáo- Chùa Một Cột rất khác nhau, như giữa đời và đạo vậy. Làng là nơi sinh sôi, phát triển. Chùa là nơi hướng thiện, giải thoát tinh thần…
 Nếu như làng cổ Đường Lâm khổ vì các thế hệ nảy nở, chen chúc nhau trên một diện tích “cổ” không được phép cơi nới, mà người dân cũng không thể bồng bế nhau lên nó ở non, như gợi ý của cụ Trần Tế Xương năm xưa. Thì Chùa Một Cột xập xệ xuống cấp, trên ngấm dưới ngập. Mỗi lần mưa to, Tượng Tổ phải đội nón, mặc áo mưa như đang đi…khất thực.
 Nếu như làng cổ Đường Lâm, là nơi người dân- người “bảo vệ” đắc địa và tôn vinh văn hóa làng cổ bằng phong tục, tập quán sinh sống cha truyền con nối, thì lợi ích thực của họ lại rất…hư không. Khi mà hàng năm Đường Lâm có tới hàng chục vạn khách du lịch, nhưng đại đa số người dân ở đây không được hưởng đồng nào từ số tiền bán vé (?)
 Thì Chùa Một Cột, trước nguy cơ “rơi tự do” lại sẵn sàng làm cái việc nâng cấp nhà chùa bằng cách vận động xã hội hóa 50%, thậm chí cả 100%. Thế nhưng, ngay cả sự “sẵn sàng” của chùa, cũng rơi vào…hư không nốt.
 Sự bất công với người dân làng cổ Đường Lâm, là bên cạnh những ngôi nhà cơi nới vì điều kiện sống quá khổ, bị chính quyền xã lập tức cưỡng chế, đập bỏ không thương tiếc, lại là những căn nhà 2-3 tầng xây rất khang trang, thể hiện “đẳng cấp”.
1d_1368770674

Sự thất vọng của ngôi Chùa Một Cột, là mặc dù xuống cấp nghiêm trọng, mặc dù những lá đơn cầu cứu của Đại đức trụ trì, cứ sáu tháng lại một lần được gửi đi, để rồi, lãnh đạo ngành văn hóa t/p chỉ dành duy nhất được… hai phút kiểm tra ngôi chùa, rồi về.
 Nhưng nỗi khổ của làng cổ Đường Lâm, và Chùa Một Cột lại rất giống nhau. Đó là đều gặp những nhà “bất động học”- những quan chức Sở VH- TT- DL t/p. Có lẽ các vị đang mải ngồi…thiền?
 Bởi gần chục năm được công nhận Di sản văn hóa quốc gia, đến giờ, làng cổ Đường Lâm vẫn không hề có quy hoạch cụ thể, để người dân biết cách ứng xử với di sản làng mình ra sao, ngoại trừ duy nhất là sự cưỡng chế, đập phá, dỡ bỏ, kiểu không sờ vào hiện vật của cán bộ chính quyền xã, tuân theo Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng. Dù họ cũng khổ tâm, lúng túng và bối rối. Ngay cái văn bản quy chế tạm thời về “xây dựng, làm nhà cửa ở trong làng”, mà bẩy năm đã trôi qua, vẫn chưa xong (?)
 Trong khi có bao bài học về bảo tồn- phát triển hài hòa ba lợi ích giữa Nhà nước- chính quyền- dân sở tại ở tại các đô thị cổ trên thế giới như Thành cổ Lệ Giang (Vân Nam- Trung Quốc), Thành cổ Malacca (Malaysia), và gần nhất là Đô thị cổ Hội An, nào phải đâu xa. Nhưng làng cổ Đường Lâm cứ như… một mình một chợ.
 Trước sự bất bình, và phản ứng của xã hội, mới đây, vụ việc làng cổ Đường Lâm và Chùa Một Cột đã được đưa ra bàn luận, tìm kiến giải. Nhưng khởi đầu, phải là bàn luận đã.
 Có điều, một khi, hội chứng “bất động” trong tư duy, trong trách nhiệm và năng lực quản lý xã hội còn được… phổ cập ở không ít quan chức quản lý chính quyền, văn hóa các cấp, thì rút cục quy hoạch đô thị, đời sống người dân, cho tới các di sản văn hóa xã tắc, còn phải trả giá đắt!
 Vì thế, Sóc Sơn, Ba Vì, làng cổ Đường Lâm, hay Chùa Một Cột, hãy cứ “án binh …bất động” mà hy vọng!
 Kỳ Duyên ( Bản gốc)

Tác giả gửi Quê Choa
……………………………….
Tham khảo:
http://www.baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/201305/Chua-Mot-Cot-10-nam-tuong-phat-khoc-trong-mua-2346940/

Đông Phụng Việt - Trương Tấn Sang, hãy nhớ anh là “con nhà luật”!

Một người bạn vừa nhờ mình chuyển giúp vài dòng tâm sự của anh ấy tới ông Trương Tấn Sang (Tư Sang), hiện là Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng như bạn, mình không thể trao tận tay ông Tư Sang lá thư này, nên mình đưa nó lên blog, hy vọng ông Tư Sang có thể đọc thư qua Internet.
Bạn mình là đồng môn của ông Tư Sang khi cả hai là sinh viên lớp 5LHC, khóa 5LH, trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, giai đoạn 1990 – 1995.
Đây là khóa đầu tiên của chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật ở Đại học Tổng hợp TP.HCM. Chương trình đào tạo thử nghiệm này chỉ thực hiện được ba khóa thì người ta ra lệnh dừng. 
Để bạn đọc có thể hiểu thấu đáo tâm tình của bạn mình. Mình xin tóm tắt vài nét về lai lịch chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật của trường Đại học Tổng hợp TP.HCM.
Trước 1990, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ đào tạo Cử nhân Pháp lý tại trường Đại học Pháp lý. Mục tiêu đào tạo Cử nhân Pháp lý là cung cấp cán bộ thực thi pháp luật cho hệ thống tư pháp xã hội chủ nghĩa. Cũng vì vậy, lý lịch (nguồn gốc xuất thân) là tiêu chí đầu tiên trong việc xét tuyển sinh viên. Học lực, tư chất thuộc hang thứ yếu.
Không rõ là từ bao giờ và các diễn biến bên trong ra sao nhưng đến năm 1990, trường Đại học Tổng hợp TP.HCM được phép tuyển sinh cho chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật.
Chương trình này có vài điểm mới: (1) Người muốn học chỉ cần hội đủ điều kiện (tốt nghiệp trung học trở lên) là có thể ghi tên nhập học, không cần phải dự kỳ thi tuyển sinh đại học do Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức hàng năm, cũng do vậy, người học còn được gọi là sinh viên “hệ ghi danh” (bên cạnh các hệ đã có như: chính qui, chuyên tu, tại chức). (2) Chương trình đào tạo được xem là “bản sao” từ chương trình đào tạo Cử nhân Luật của hệ thống Đại học Luật khoa ở miền Nam trước tháng 4 năm 1975.
Nghe nói tác giả của chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật ở trường Đại học Tổng hợp TP.HCM là ông Triệu Quốc Mạnh. Ông Mạnh từng lấy Cử nhân Luật ở Đại học Luật khoa Sài Gòn. Từng học chương trình Tiến sĩ tại đại học này. Từng là công tố viên cao cấp trong hệ thống tư pháp của Việt Nam Cộng hòa và ông Mạnh còn là… “Việt cộng nằm vùng”. Tháng 4 năm 1975, ông Mạnh từng được ông Dương Văn Minh – Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia. Đây củng là lý do khiến ông Mạnh không được Đảng CSVN tin dùng sau khi Đảng đã “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Với lập luận đã “đổi mới” thì phải có một đội ngũ am hiểu “luật pháp tư sản”, giúp Việt Nam dễ dàng “hội nhập”, ông Mạnh thuyết phục được ông Nguyễn Ngọc Giao – lúc đó là Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp TP.HCM, đứng ra vận động Bộ Giáo dục Đào tạo cho phép thực hiện chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật.
Chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật khởi đầu vào năm 1990. Vì là thử nghiệm, Đại học Tổng hợp TP.HCM chỉ thành lập Bộ môn Luật, nằm trong Khoa Triết và tuyển sinh khóa đầu tiên, đặt tên là Khóa 5LH (1990-1995). Khóa 5LH có ba lớp: 5LHA, 5LHB và 5LHC. Nghe nói, có tới 3.000 người ghi danh theo học khóa 5LH. Trong đó có chừng 1/3 đã tốt nghiệp hoặc đang theo học một đại học khác. Người ghi danh theo học khóa này thuộc đủ mọi thành phần: thường dân, bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, tu sĩ Công giáo, tu sĩ Phật giáo, mục sư Tin Lành, viên chức chính quyền, cán bộ đảng, thẩm phán, thư ký tòa án, công tố viên, sỹ quan cảnh sát, sĩ quan an ninh, nhân viên hải quan,…  
Bởi chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật ở trường Đại học Tổng hợp TP.HCM là “bản sao” từ chương trình đào tạo Cử nhân Luật của hệ thống Đại học Luật khoa ở miền Nam trước tháng 4 năm 1975, nên gần như toàn bộ giảng viên của chương trình này là những vị đã từng làm giáo sư của các trường Đại học Luật Khoa, Hành chính Quốc gia của Việt Nam Cộng hòa hoặc đã từng theo học bậc Cao học (thạc sĩ) tại các trường này, hay đã từng du học ở phương Tây. Vì thời thế thay đổi, có vị quay trở lại bục giảng sau 15 năm ngồi sửa đồng hồ ở lề đường, có vị quay trở lại bục giảng sau hàng chục năm ngồi tù vì bị nghi là nhân viên C.I.A (do từng sang Mỹ du học)…
Cũng bởi chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật ở trường Đại học Tổng hợp TP.HCM là “bản sao” từ chương trình đào tạo Cử nhân Luật của hệ thống Đại học Luật khoa ở miền Nam trước tháng 4 năm 1975, nên nó khác hoàn toàn với chương trình đào tạo Cử nhân Pháp lý của trường Đại học Pháp lý. Sinh viên được dạy gần như tất cả những gì mà các trường luật trên thế giới đã và đang dạy sinh viên luật của họ (tất nhiên phải trừ ra các trường luật của những quốc gia cộng sản). Cũng nhờ vậy, sinh viên theo học chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật ở trường Đại học Tổng hợp TP.HCM được học nhiều thứ về khoa học pháp lý liên quan tới lập pháp, hành pháp, tư pháp, hình sự, dân sự, kinh tế, tài chính,… đúc kết từ tiến trình phát triển của nhân loại. Nhiều môn học như: dân luật, kinh doanh, thương mại, hợp đồng,… được dạy trước khi Quốc hội và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành những bộ luật đó.   
Đây cũng là lý do mà Lê Công Định, tuy đã từng tốt nghiệp Đại học Pháp lý, đang làm việc tại Phòng Công chứng TP.HCM, vẫn ghi danh theo học chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật ở trường Đại học Tổng hợp TP.HCM.
Vài người bạn của mình vốn là cựu sinh viên khóa 5LH kể thêm rằng, để bảo đảm chất lượng đào tạo và để có cơ sơ xin chuyển chương trình đào tạo Cử nhân Luật ở trường Đại học Tổng hợp TP.HCM từ thử nghiệm thành chính thức, Bộ môn Luật của Khoa Triết phối hợp với Phòng Đào tạo của trường Đại học Tổng hợp TP.HCM tổ chức thi cử hết sức khắt khe. Tuy chỉ là thi hết môn nhưng các đợt thi vẫn được thực hiện y hệt các kỳ thi đại học. Sinh viên được chia thành vài chục nhóm, mỗi nhóm chừng 20 người vào chung một phòng. Mỗi sinh viên phải ngồi đúng bàn mà giám thị đã ghi mã số sinh viên của họ…
Dẫu gian lận trong thi cử là chuyện không thể loại trừ nhưng không sinh viên nào được ưu ái để làm chuyện đó. Năm 1995, trong kỳ thi tốt nghiệp của khóa 5LH, một vị, lúc đó đang là đại tá, Phó Giám đốc Công an TP.HCM bị giám thị lập biên bản, đuổi khỏi phòng thi, cấm thi tốt nghiệp vì quay cóp.    
Tổ chức dạy và thi kiểu này nên nghe nói, từ 3.000 sinh viên ghi danh lúc đầu, sau 5 năm đào tạo, chỉ có chừng 500 sinh viên được nhận bằng tốt nghiệp. Không ít người trong số rơi rụng dọc đường là viên chức chính quyền, cán bộ đảng, thẩm phán, thư ký tòa án, công tố viên, sỹ quan cảnh sát, sĩ quan an ninh, nhân viên hải quan,…
Đáng tiếc là chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật ở trường Đại học Tổng hợp TP.HCM bị hủy khi vừa tổ chức tuyển sinh khóa thứ ba (khóa 7LH). Môt phần vì sự phản đối của Đại học Pháp lý, một phần vì “nội bộ lủng củng”. Khoảng năm 2004, trường Đại học Tổng hợp TP.HCM tách Bộ môn Luật ra khỏi Khoa Triết để thành lập Khoa Luật. Khoa Luật của trường Đại học Tổng hợp TP.HCM được bổ sung một Phó Tiến sĩ từng du học tại Liên Xô. Bà này tên là Mai Hồng Qùy, con dâu một vị lãnh đạo Bộ Giáo dục Đào tạo. Vì là Phó Tiến sĩ từ Liên Xô về, không tìm được chỗ trong chương trình đào tạo như chương trình đào tạo thử nghiệm Cử nhân Luật ở trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, bà Qùy bắt đầu “cảnh báo” về những “nguy cơ” khi “hệ thống đào tạo xã hội chủ nghĩa”, dung dưỡng chuyện đào tạo “tinh thần pháp luật tư sản”. Những “cảnh báo” này đi thẳng lên Bộ Giáo dục Đào tạo và đi ra… báo Sài Gòn Giải phóng. Nó được hệ thống báo Đảng lặp đi, lặp lại vài ba lần trong vài tháng.
Cuối cùng, Bộ Giáo dục Đào tạo quyết định rút Khoa Luật, nhập vào Đại học Pháp lý TP.HCM, đổi tên Đại học Pháp lý TP.HCM thành Đại học Luật TP.HCM. Nhờ có công phát hiện và “dũng cảm cảnh báo” các “nguy cơ”, bà Qùy được bổ nhiệm làm Hiệu phó Đại học Luật TP.HCM. Cũng từ đó, các giảng viên của Đại học Luật TP.HCM đổi đời, mỗi tháng có thể kiếm vài chục triệu, nhờ những khóa “liên kết đào tạo cử nhân luật hệ tại chức” với các ngành, các địa phương…       
Tới đây thì mình tin rằng, các bạn đã có đủ những thông tin cơ bản để hiểu lá thư mà bạn mình gửi đồng môn Trương Tấn Sang. Cũng xin nói thêm, những thông tin mà mình vừa kể chỉ là tóm tắt từ lời kể của vài cựu sinh viên khóa 5LH, những thông tin đó có thể chưa đầy đủ, toàn diện nên rất mong các vị là cựu sinh viên khóa 5LH bổ sung thêm. Nếu mình không lầm thì phần lớn các vị đều thành đạt trong nghề luật…
Đông Phụng Việt
---------------------------------
Sài Gòn ngày 18 tháng 5 năm 2013
Anh Tư thân mến,
Tôi là một cựu sinh viên lớp 5LHC, khóa 5LH của Đại học Tổng hợp TP.HCM.
Tôi suy nghĩ nhiều, đắn đo đã lâu và tới bữa nay thì quyết định phải viết cho anh vài dòng.
Chúng ta đã cùng ngồi với nhau một lớp, trong suốt năm năm. Tôi tin anh cũng như tôi và các bạn đồng môn, đồng khóa khác, vẫn cảm thấy tự hào bởi chúng ta nhờ may mắn mà được dạy dỗ tử tế hơn một chút.
Tôi tin sự tự hào và kết quả giáo dục mà chúng ta thụ hưởng vẫn còn nguyên vẹn trong anh, thành ra tôi quyết định chia sẻ với anh suy nghĩ của tôi.
Anh Tư thân mến,
Tôi vốn là kẻ không ưa Cộng sản nhưng tôi vẫn dành cho anh thiện cảm đặc biệt, bởi anh khác nhiều đảng viên, viên chức chính quyền Cộng sản mà tôi đã biết.
Tôi vẫn còn nhớ đồng môn Trương Tấn Sang, dẫu là Chủ tịch UBND TP.HCM, Phó Bi thư Thành ủy TP.HCM nhưng luôn đến trường bằng xe hai bánh gắn máy. Một đồng môn trầm lặng, không vênh váo, gần như không bao giờ bỏ học, trong lớp luôn nghe giảng, ghi chép hết sức nghiêm túc, thi cử ngay ngắn.
Tôi nhớ cả đồng môn Trương Tấn Sang thỉnh thoảng lại hỏi xin thuốc lá để hút trong giờ giải lao, vì sợ sẵn thuốc lá trong túi thì khó kiềm chế, bỏ dở giờ học ra ngoài hút thuốc như… tôi và nhiều anh em khác.
Tôi kính trọng đồng môn Trương Tấn Sang kiên nhẫn đeo đuổi khóa học kéo dài suốt năm năm, chấp nhận các thử thách để hoàn thành chương trình học vốn chẳng dễ dàng, nhẹ nhàng chút nào, dù rằng anh có thể chọn đường tắt để nhặt một hoặc vài mảnh bằng, dùng như “vé” trong chuyện “luồn sâu, leo cao”.
Tôi đánh giá anh rất cao khi là Chủ tịch UBND TP.HCM, Phó Bi thư Thành ủy TP.HCM nhưng anh vẫn lắng nghe các vị thầy của chúng ta phân tích, phê phán những nhược điểm, cảnh báo về các hệ quả của việc quản lý, điều hành xã hội theo kiểu Cộng sản.
Tôi nghe nói, anh từng là học sinh Petrus Ký – một trong những trường trung học danh gía nhất của miền Nam Việt Nam ngày xưa, nơi chỉ dành cho những đứa trẻ thật sự hiếu học và học lực thật sự xuất sắc.
Với những gì đã nghe và đã chứng kiến, tôi tin anh trọng sự học, yêu mến tri thức, tự trọng, biết giữ phẩm giá của mình. Song chừng đó chỉ đủ với cá nhân Tư Sang, chưa tương xứng với ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.        
Anh Tư thân mến,
Hẳn anh còn nhớ, nhiều vị là thầy của chúng ta đã cùng nhắc, cùng khuyên chúng ta về chuyện phải sống, phải hành xử sao cho xứng đáng là “con nhà Luật”.
Anh đã biết thế nào là “con nhà Luật” nhưng anh đã làm gì để xiển dương tư cách “con nhà Luật” như mong mỏi của các thầy, như khao khát và tâm niệm của chúng ta – những cựu sinh viên 5LH?
Một kẻ vừa là “con nhà Luật”, vừa là Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như anh, có nên ngồi im khi hệ thống tư pháp kết án những đứa trẻ như Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên? Đọc tới đây, có thể anh muốn nhắc tôi xem lại “tam quyền phân lập”, thành ra tôi xin thưa luôn, anh đang là Ủy viên Bộ Chính trị. Anh có thể làm được nhiều việc khi ở cương vị đó!
Một kẻ vừa là “con nhà Luật”, vừa là Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như anh, đã từng học đủ thứ về kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, hành chánh công quyền, tài chính công, dân luật, ngân hàng, thương mại, hình luật tổng quát, hình luật riêng biệt,… sao anh lại chấp nhận thực trạng kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục như hiện nay?
Nếu tôi nhớ không lầm, khi phân ban, đa số đồng môn chọn chuyên ngành kinh tế, tư pháp thì anh và một nhóm rất nhỏ các bạn khác chọn chuyên ngành công pháp. Học công pháp mà không nói gì, không làm gì trước thực trạng quản trị – điều hành hệ thống công quyền như hiện nay thì… kỳ quá anh Tư à!
Anh Tư thân mến,
Một vài bạn đồng môn, rành rẽ chính trường Việt Nam bảo tôi rằng, anh cô đơn lắm nhưng tôi thấy rất khó để đồng cảm với điều đó. Đến giờ, ít nhất, khóa 5LH cũng có Lê Công Định công khai thực hiện khao khát và tâm niệm của một “con nhà Luật”.   Gần đây, tôi tình cờ được biết, ngoài Định còn có một số bạn đồng môn khác, bằng cách này hay cách khác cũng đang cố gắng như vậy. Còn anh, Trương Tấn Sang, cựu sinh viên khóa 5LH thì sao?
Anh Tư thân mến,
Nhờ xem ảnh ông Trần Văn Huỳnh, cha của Trần Huỳnh Duy Thức trên Internet, tôi mới biết, ông chính là người đã dạy chúng ta “Thuật ngữ pháp lý”. Tôi không hiểu vì sao, ông chưa bao giờ nhắc tới điều đó. Tôi hy vọng không phải vì ông thất vọng về một thế hệ “con nhà luật” mà ông góp phần đào tạo.
Anh Tư thân mến,
Chúng ta là đồng môn, thành thử tôi thấy không cần phải đề nghị anh nên làm gì, làm như thế nào. Tôi tin anh đủ tri thức để nhận ra mọi thứ. Vấn đề chỉ là anh có dũng cảm hay không.
Với tình đồng môn, hãy cho phép tôi nhắc anh rằng, quỹ thời gian và cơ hội của anh không còn nhiều. Rằng, trước khi bắt đầu cuộc khởi nghĩa Yên Bái vào năm 1930, cụ Nguyễn Thái Học – lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng – bảo như thế này với các đồng chí của cụ: “Không thành công cũng thành nhân”. Khởi nghĩa Yên Bái không thành công nhưng Nguyễn Thái Học và những liệt sĩ Yên Bái đã trở thành một phần của lịch sử Việt Nam.
Làm gì đó thật sự có lợi cho xứ sở và tổ quốc của mình đi anh Tư!
Một cựu sinh viên khóa 5LH – “con nhà luật”   
(Blog Đông Phụng Việt) 

Trần Kỳ Trung - Hãy trở về đúng vị trí phù hợp với khả năng của mình, chị Doan ạ!

index
Thím Doan phó chủ tịch nước

Chị, với cương vị phó chủ tịch nước, có những lúc thấy chị phát biểu hay đi thăm thú chỗ này, chỗ kia, tôi lại giật mình. Hình như chị chưa hiểu đúng vị trí của mình, hay chính xác hơn, chức “ Phó chủ tịch nước” là việc làm quá sức.
 Ai đời, đến tận bây giờ, đến đứa trẻ con, nó chỉ một lần ra nước ngoài, nhất là những nước tư bản tiên tiến, đều hiểu rằng, có lẽ phải đến một trăm năm nữa, nước ta may ra mới tiến gần kịp các nước đó về tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến xã hội. Chẳng thế, không biết gia đình chị có thế không ? Chứ bất cứ gia đình nào ở trên lãnh thổ Việt Nam, có điều kiện kinh tế một chút, đều mong muốn gửi con cái của họ sang các nước tư bản lớn để học tập, lập nghiệp. Còn nói đến thành tựu khoa học kỹ thuật của các nước tư bản lớn, với chị, nguyên hiệu trưởng một trường đại học, chắc rõ hơn tôi, họ hơn chúng ta rất nhiều… Thôi, tôi không liệt kê nữa, ấy vậy có lần chị phát biểu “ Dân chủ nước ta hơn gấp triệu lần dân chủ tư bản”.
 Chị phát biểu như thế thì quá nguy!
 Nước ta lấy gì mà so sánh với các tư bản lớn. Sở dĩ các nước tư bản lớn có nền kinh tế phát triển vượt bậc vì các nước đó có nền dân chủ đúng nghĩa làm nền tảng. Họ có luật pháp nghiêm minh, từ tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng,,, dính vào tham nhũng đều phải ra trước tòa, trả lời những câu hỏi mà công luận đòi hỏi. Không hề có chuyện “ xử lý nội bộ”, “xét thành tích để chiếu cố” hay như “chờ ý kiến của trên” hoặc “ chưa có sự chỉ đạo của thường vụ”… Người dân các nước tư bản, họ được quyền biểu tình, ra báo, xuất bản tư nhân, quyền tự do bỏ phiếu bầu những vị lãnh đạo mà mình biết mặt, biết tên, chứ không phải như ở ở ta, mà chị là đại biểu quốc hội rõ nhất, người dân đi bỏ phiếu bầu đại biểu quốc hội, có khi không biết người đó là ai?
 Mới sơ qua như thế, thì thấy rằng, với cương vị phó chủ tịch nước, thường hiểu là người có trình độ, có hiểu biết, vậy chị phát biểu một câu cũ mèm, hay nói cách đây hơn ba chục năm, một nhận thức hết sức ấu trĩ, lạc hậu khi nước ta lúc đó bị bưng bít thông tin. Một câu nói rất sai lầm cả lý luận và thực tiễn, người dân không phục chị, trong đó có tôi và tôi càng thấy đảng đã đặt chị không đúng vị trí cần có của một người lãnh đạo.
 Đến vừa rồi, nhân đại lễ đền Hùng, một ngày quốc lễ, người dân cả nước hướng về đền Hùng mà vái vọng, người đi dự lễ, nhất là quan khách, họ ăn mặc lịch sự, có người còn khăn đóng, áo dài… thể hiện sự thành kính với tổ tiên thì chị đến đền Hùng mặc áo cộc tay, quần âu… coi như đây là cuộc thăm viếng bình thường.
 Thế là chị không hiểu vị trí của chị rồi.
 Về chức bên chính quyền, trong cả nước, chị chỉ đứng sau một người, còn đứng trên muôn triệu con người. Người dân nhìn chị không chỉ đơn thuần là một vị lãnh đạo, mà đó là hình ảnh của một nước, từng tự hào có truyền thống văn minh, lịch sự, gia giáo. Thế mà, đường đường là một phó chủ tịch nước, chị ăn mặc như vậy, như một sự coi thường tiên tổ để thắp hương, vái lạy trước bàn thờ ông bà. Người dân sẽ nghĩ thế nào, khi chị rao giảng về “ đạo đức lối sống của con người mới xã hội chủ nghĩa ”.
 …Mới chỉ một vài việc như vậy, tôi nghĩ rằng, chị không biết mình đang đứng ở vị trí nào, nhất là trong lòng người dân, để hành đạo, giúp đời!!!
 Nhưng vừa rồi, ngày 14/5 phát biểu tại phiên họp thường vụ Quốc hội, chị đã nói được những điều mà nhân dân thấy, chỉ có những người lãnh đạo có khi “ thấy” nhưng cố tình nhắm mắt như “ không thấy”: “ Tôi thấy nguy cơ lắm rồi các đồng chị ạ!” để nói về thực trạng kinh tế hiện nay của nước ta. Chị cũng phân tích nhiều điều “ trúng phóc” của một nền kinh tế, mà như nhiều nhà kinh tế nhận xét “ đang gặp khủng hoảng , chưa tìm thấy lối ra”. Chị còn chỉ rõ những nguyên nhân gây ra nên bế tắc của một nền kinh tế mất sự định hướng, rối loạn về sự chỉ đạo…
 Tôi đọc bài phát biểu của chị, mới nhận ra rằng, chỉ có thể một người làm kinh tế, hiểu kinh tế mới phát biểu được như vậy ( tại đây) và lý lịch của chị ( tại đây), cũng rõ ràng, chuyên nghiên cứu về kinh tế, mới có thể nói những điều chuyên ngành mình nắm.
 Cũng qua sự việc này, tôi đã nhìn chị với sự thông cảm lớn. Giá như … cứ để chị làm công việc giảng dạy kinh tế của một trường đại học, hoặc như yên vị ở một chức hiệu trưởng trường đại học thương mại, biết đâu nước ta lại có một cán bộ giảng dạy đại học giỏi, đào tạo ra nhiều chuyên gia kinh tế giúp ích cho nước nhà, hoặc giả như sẽ là một hiệu trưởng, giáo sư có uy tín biết nâng cao vị thế một trường đại học kinh tế có vị trí trong khu vực, tương lai không xa là một trường đại học được xếp hạng trong các trường đại học nổi tiếng thế giới. Nhưng đảng lại bố trí cho chị một chức vụ tưởng là “ quan trọng” lớn hơn chức vụ chị từng nắm, nhưng mọi người nhìn vào chức vụ đó, lại thấy, nó mang tính “hiếu hỷ” là chính, một việc mình không chuyên sâu, không phù hợp mà người ta bắt nói phải như thế, đi đứng phải như thế… làm sao không có lúc chị sai lầm.
 Cũng qua việc này, tôi cũng thấy rằng, sai lầm lớn nhất của một số vị lãnh đạo nước mình hiện nay là không biết vị trí mình đang đứng ở đâu trong lòng người dân.
 Có vị chỉ là một nhà lý luận đơn thuần, thủ đoạn không biết, ấu trĩ về nhìn nhận thời cuộc, tài không có, được bố trí vào vị trí lãnh đạo, không biết mình đang đứng ở đâu mà dám tuyên bố thế này, thế kia rồi đến khi thực hiện không ra đầu, ra đũa, lúng ta, lúng túng, rối như canh hẹ, chỉ tổ làm cho lòng người chán ngán, sân khấu chính trị ở Việt Nam, cũng vì thế mà rã như chợ chiều hết phiên. Giá như… cứ để ông ấy viết những bài báo lý luận có khi hay, vì đó là chuyên môn sâu của ông. Những bài báo đó giúp cho người đọc có chỗ để so sánh sự khác biệt giữa lý luận và thực tiễn để biết ai thắng, ai thua.
 Hay như có vị, đảng cử ra lãnh đạo kinh tế, mà không chuyên sâu kinh tế như chị, lại có máu tham, thừa thủ đoạn đục khoét… thì làm sao kinh tế đất nước không đi vào hồi bi bét…
 Một bài báo nhỏ, thực ra, tôi chỉ ao ước, nước ta có một hiến pháp tân tiến phù hợp với xu thế thời đại, một cuộc bầu cử thật dân chủ, tự do, để cho dân được thỏa mái lựa chọn, bầu ra các vị lãnh đạo như các nước tư bản lớn, tiên tiến. Tất lúc đó sẽ có những vị lãnh đạo tài giỏi, được đặt đúng vị trí của mình, phát huy hết khả năng, không có những sai lầm, ấu trĩ như chị đã mắc phải.
 Và cũng chỉ như vậy, tôi tin người dân sẽ không để chị làm một chức vụ lớn hơn, mà chị tự thấy không phù hợp, có khi lại hủy hoại thanh danh của mình. Lúc đó, chị vẫn yên vị một tiến sỹ kinh tế giảng bài giỏi, được mọi người kính nể, một hiệu trưởng tốt của một trường đại học danh tiếng mà sinh viên tự hào.
 Hãy trở về đúng vị trí phù hợp với khả năng của mình, chị Doan ạ!
Trần Kỳ Trung
(Blog Trần Kỳ Trung)

 

Đông A - Nhân dân lên giá ?!

Trong kiến nghị sửa đổi Hiến pháp của Chính phủ có đề xuất: "Thủ tướng và các thành viên Chính phủ có trách nhiệm báo cáo công tác của mình trước nhân dân". Từ đề xuất như vậy có người đã vội cho rằng đó là quan điểm mang tính cấp tiến, có khuynh hướng theo hướng tam quyền phân lập, một điểm son của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trái với những quan điểm như vậy, tôi cho rằng đề xuất như vậy vừa mị dân lố bịch, vừa ngớ ngẩn, thể hiện không có một tí hàm lượng chất xám nào trong đó.
Đề xuất như vậy mang tính mị dân bởi vì nó muốn phỉnh phờ để nhân dân cứ tưởng rằng mình làm chủ. Xem cung cách Thủ tướng hay Tổng Bí thư tiếp xúc với cử tri vừa mới đây thôi thì nhân dân là ai rất rõ ràng, và đại bộ phận dân chúng dường như không phải là nhân dân. Có bao nhiêu nhân dân từng được nghe Thủ tướng báo cáo công việc của mình? Đề xuất như vậy mang tính lố bịch vì Chính phủ báo cáo công tác của mình trước nhân dân như thế nào? Lên truyền hình đọc báo cáo là xong trách nhiệm? Nhân dân làm thế nào để bình chuẩn công tác của Chính phủ? Đề xuất như vậy mang tính ngớ ngẩn, bởi vì không một Chính phủ nào có thể báo cáo công tác của mình trước nhân dân. Họ chỉ có thể báo cáo công tác của mình trước đại diện của nhân dân, tức là trước Quốc hội. Hơn nữa, cái ngớ ngẩn còn nằm ở chỗ Chính phủ Việt Nam không phải do nhân dân bầu trực tiếp, mà là do nhân dân bầu gián tiếp thông qua các đại diện của mình tức là thông qua Quốc hội. Nhân dân không bầu trực tiếp Chính phủ thì hà cớ gì Chính phủ phải báo cáo trước nhân dân? Nhân dân bầu gián tiếp Chính phủ nên Chính phủ chỉ phải báo cáo gián tiếp trước nhân dân, tức là báo cáo trước Quốc hội.
Dường như gần đây nhân dân Việt Nam được lên giá. Kha khá nhiều người phát biểu lấy nhân dân làm chủ thể. Có những người về hưu giờ đây kể những câu chuyện rằng thì là hồi tại chức mình chưa bao giờ làm dân đổ máu. Không lẽ làm dân không đổ máu là chính tích của một sự nghiệp chính trị, trong khi phục vụ nhân dân mới thực sự là một chính tích, và không đổ máu là lẽ đương nhiên? Chằng bù mấy năm trước báo Quân đội nhân dân còn ra rả ai mới là nhân dân, đừng có tưởng bở nghiễm nhiên là nhân dân. Ôi nhân dân, đừng có thấy mấy chữ "nhân dân" mà hoa mắt lầm tưởng những thủ đoạn lấy nhân dân làm chiêu bài chính trị là vì nhân dân. Điểm dễ thấy nhất để tách chuyện vừa đá bóng vừa thổi còi là thành viên Chính phủ không được là đại biểu Quốc hội thì chẳng thấy Chính phủ đề xuất, mà cứ lôi nhân dân ra như thế thì mệt cho nhân dân lắm.
Đông A
(Blog Đông A)

Jonathan London - Một ngày đen tối, có những con đường nào đi tới?

Jonathan London
Jonathan London
Với những người trong thế giới nói tiếng Anh, hẳn các bạn biết tôi đã mở một trang blog bằng tiếng Việt tên là Xin lỗi Ông. Và tôi lấy làm vinh dự khi ban tiếng Việt của đài BBC đăng lại bài viết mới nhất của tôi trên trang mạng của họ. Tôi sẽ dịch bài đó [sang tiếng Anh] vào một thời điểm không xa. Khổ thay, bài đó tầm thường và đôi khi hơi dở, với một số ngôn từ dùng chưa được đắt cho lắm, có phần thiếu tế nhị, và nhiều lúc thậm chí còn lập luận chưa chặt chẽ … Nhưng nhìn chung, tôi nghĩ đó có một số ý tưởng quan trọng nhưng đó là một bài còn vài chỗ đáng bàn.
 Hôm qua quả là một ngày dài. Mà tôi lại chọn một ngày lạ lùng và xét về nhiều mặt không phù hợp để bàn chuyện quốc kì ở Việt Nam… Tùy theo góc nhìn của mỗi người, đó là ngày tệ nhất hay tốt nhất trong nhiều năm để bàn chuyện quốc kì. Tôi sẽ bàn thêm về ý này ở phần dưới. Suy cho tại sao lại bàn chuyện dễ bị ném đá này nhỉ?
 Từ khi tôi lập blog, rất nhiều người trên các diễn đàn mạng xã hội đã muốn kết nối với tôi, và nhiều người (thực ra là một tỉ lệ nhỏ) trưng lá cờ cũ của Việt Nam, vốn đã là / đang là cờ vàng ba sọc đỏ … đây là lá cờ có từ những năm cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn và về sau được Việt Nam Cộng Hòa sử dụng làm quốc kì. Cờ vàng ba sọc đỏ vẫn còn hãnh diện tung bay ở nhiều cộng đồng người Việt trên khắp thế giới, đặc biệt trong những người Việt đã rời bỏ Việt Nam trong những hoàn cảnh khó khăn, và vẫn kịch liệt chống đối chế độ cai trị kéo dài của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), vốn đã thành lập trong thập niên 1920, cầm quyền ở miền bắc Việt Nam kể từ thập niên 1940 và 1950 và cả nước kể từ 1975. Lá cờ do ĐCSVN chọn, cờ đỏ sao vàng, là tác phẩm của Đảng và có liên hệ đến sự cai trị của Đảng.
 Nhiều người ở Việt Nam, trong lẫn ngoài Đảng, có quan điểm, mà tôi ủng hộ cả hai tay, cho rằng Việt Nam cần có cải cách thật sự về các thể chế xã hội của mình, đặc biệt là về các thể chế chính trị, nhưng không chỉ riêng về các thể chế chính trị. Cũng có thể khi nói ra điều này tôi sẽ không còn được hoan nghênh ở Việt Nam, nếu vậy thì thật đáng tiếc, vì tôi đã và tiếp tục hết lòng mong muốn bàn luận một số vấn đề chủ chốt mà Việt Nam đang đương đầu, đặc biệt về các thể chế phúc lợi, trong đó có giáo dục, y tế, và bảo vệ xã hội. Tôi cũng muốn nói qua kinh nghiệm của mình tôi quen biết rất nhiều người thông minh, tận tụy có những mối quan hệ lâu đời với đảng hoặc vẫn còn đứng trong hàng ngũ đảng. Họ cũng là con người có những khát vọng và bao nỗi lo toan như tất cả chúng ta, nhưng họ bị trói mình trong các thể chế còn khiếm khuyết. Hẳn như chúng ta nghĩ, nhiều người trong số họ cũng có tình cảm sâu đậm với các lá cờ.
 Cờ, bất kể thế nào, là những biểu tượng chính trị mạnh mẽ. Luận điểm khiêm tốn, nếu không muốn nói là có phần diễn đạt vụng về, của tôi là cờ cũng có thể trở thành chướng ngại vật.
 Bài viết của tôi đề nghị người Việt nên quên chuyện vẫy những lá cờ đối nghịch nhau để cùng tiến tới, đừng tiếp tục bị lịch sử cầm tù, và tiến hành đẩy mạnh những cải cách thực sự … Tôi nghĩ có giả định ngầm rằng tất cả người Việt có vai trò trong tiến trình này và rằng các giới trong lẫn ngoài hàng ngũ đảng có thể gây áp lực (có lợi cho các cải cách) lên giới lãnh đạo đảng. Đây không phải là quan điểm chỉ của riêng tôi. Chỉ trong vài tháng qua một liên minh cải cách hùng mạnh đã tập hợp xung quanh lời kêu gọi có những cải cách căn bản. Tôi phần nào (có lẽ hơi ngây thơ) có quan điểm rằng tất cả người Việt (nếu có lẽ không phải tất cả những ai định cư ở nước ngoài) có thể đóng một vai trò mang tính xây dựng, mặc dù hiện nay cơ hội tạo ra áp lực mang tính xây dựng đó rất nhỏ nhoi.
 TUY NHIÊN… đúng vào hôm tôi chọn để gợi ý rằng Việt Nam cần tiến tới chứ đừng dừng lại ở chỗ vẫy cờ gì, tòa án Việt Nam đã kết án hai thanh niên với án tù khá lâu vì tội, chắc bạn đã đoán được, trưng cờ vàng.
 Rõ ràng, ngày hôm qua là một bước thụt lùi khá xa cho Việt Nam. Tuy nhiên xét trong bối cảnh những thay đổi đáng kể về văn hóa chính trị (nếu không nói là các thể chế chính thức) của đất nước … tôi đã bắt đầu bài tiếng Việt bằng cách nhắc lại chuyện chỉ mới vài ngày trước tôi đã viết (trong một bài khác đăng trên tờ South China Morning Post) rằng người ta “mới cảm nhận được” rằng sự thay đổi chính trị thực sự ở Việt Nam có thể diễn ra trong vòng 5 năm tới. Tôi kết thúc bài viết hôm qua với nhận định rằng, tuy những án tù đưa ra quá nặng, các kinh nghiệm lịch sử cho thấy cũng có lúc chuyện buồn biến thành nguồn cảm hứng. Nỗi đau sau khi cụ Phan Chu Trinh mất năm 1926 là một ví dụ đặc biệt nổi bật.
 Thực vậy, bất chấp diễn biến đáng tiếc không chối cãi được của ngày hôm qua, và không muốn đưa những tiên đoán ngớ ngẩn, tôi thật tình tin rằng về mặt chính trị Việt Nam sắp chứng kiến một biến chuyển quan trọng và có tính lịch sử do những áp lực từ bên trong và bên ngoài bộ máy nhà nước của đảng. Trong bài tiếng Việt, có lẽ, hay thậm chí có thể chắc chắn, tôi đã đưa ra một số phát biểu thiếu tế nhị, thậm chí ngu ngốc … nhận xét có phần ngớ ngẩn rằng lá cờ hiện tại là đủ ‘đẹp’ [pretty] (tôi không định nói là đẹp về thẩm mỹ [beautiful]) và đơn giản rồi … thế là tôi nhận được những phản ứng đúng y như tôi đã nghĩ.
 Vậy thì, xin nói với tất cả những người (đặc biệt là những ai yêu mến cờ vàng ba sọc đỏ) điên tiết với tôi vì đã nói giờ đây hãy quên đi chuyện lá cờ, đương nhiên tôi nghe rõ ý các bạn rồi! Và tôi thực sự hối tiếc đã xúc phạm các bạn. Tôi xin nói rõ tôi không phải là con rối, tôi có tiếng nói riêng của mình, cảm ơn các bạn. Và nếu tôi có sai lầm trong các lập luận của mình, tôi chấp nhận điều đó. Cảm ơn các bạn về những lời bình luận tử tế và không tử tế cho lắm. Tôi đã rút ra được những bài học quan trọng từ một số nếu không nói là tất cả những ý kiến đó. Ít nhất tôi cũng đã hiểu được rằng tầm hiểu biết của tôi về “Bên Kia” quả thực còn hạn chế. Điều này cũng chẳng đáng ngạc nhiên vì tôi đã dành nhiều thời gian làm việc với nhiều cơ quan nhà nước ở Việt Nam và gần như chẳng bao nhiêu thời gian nghiên cứu các cộng đồng người Việt hải ngoại.
 Có lẽ một ngày nào đó Việt Nam sẽ có một lá cờ mà tất cả mọi người cùng chấp nhận. Khổ nỗi cái ngày đó chưa đến. Phần lớn người Việt, ngay cả nhiều người trong đảng, có thể đồng ý rằng sau năm 1975, đảng cầm quyền của Việt Nam đã không làm tròn công việc tạo điều kiện thuận lợi cho hòa giải dân tộc. Muốn tìm bằng chứng cho điều này chỉ cần nhìn hai thanh niên bị tống vào tù hôm qua hay cuộc khẩu chiến ác liệt trên blog tiếng Việt của tôi. Vẫn còn những vết thương sâu mà xét về nhiều mặt chưa lành hẳn. Đó là điều đáng tiếc nhưng khách quan mà nói đúng là như vậy.
 Việt Nam có triển vọng đầy hứa hẹn. Đất nước càng sớm giải quyết được những thiếu sót về thể chế thì triển vọng đó càng nhanh trở thành hiện thực. Tôi thực sự tin rằng điều đó có thể diễn ra nhanh hơn nếu người Việt tập trung vào các thể chế trước rồi hẵng lo đến lá cờ.
 Tôi hy vọng rằng trong những năm sắp tới cách hành xử của bộ máy nhà nước sẽ có những thay đổi rõ rệt. Hàn Quốc là một mô hình đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa tìm ra được Kim Dae Jung của mình, để có thể có một tấm gương tạo nguồn cảm hứng nhiều hơn cái mà tôi đã nêu trong bài viết blog đang bàn. Dĩ nhiên những người như vậy rất quan trọng. Nhưng sự thay đổi theo kiểu tôi đang nghĩ đến có thể diễn ra nếu nhiều bộ phận trong xã hội Việt Nam quan tâm đến chính trị. Và đúng vậy, hãy tạm để các lá cờ sang một bên. Ngây thơ? Có thể. Gần đây tôi bị cáo buộc nhiều thứ còn tệ hơn nhiều.
Jonathan London
(Blog Jonathan London)

Bùi Văn Phú - Bất đồng là biểu hiện của lòng yêu nước

Lịch sử Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua cho thấy chế độ nào cũng có người bất đồng với chính sách của lãnh đạo. Nhưng cách nhà cầm quyền đối xử với thành phần đối lập nhiều khi rất thô bạo, thiếu tính văn minh và dân chủ.
Dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngoài Bắc có vụ án Nhân văn Giai phẩm trên mặt trận văn hoá, chính trị; có nông dân nổi loạn chống chính quyền qua Quỳnh Lưu Khởi nghĩa, có Vụ án Xét lại. Nhiều người phải đổ máu khi phản đối chính sách cải cách ruộng đất, nhiều văn nghệ sĩ bị trù dập, giam tù vì có suy nghĩ khác hơn tư tưởng chính thống của Đảng Cộng sản dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Chí Thiện, Vũ Đình Huỳnh đã phải vào tù vì bất đồng với nhà nước.
Thời Việt Nam Cộng hoà, trong Nam có nổi loạn Bình Xuyên, có vụ án trí thức Caravelle, có nhà văn Nhất Linh bị giam khiến ông uất ức tự tử trong tù và Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu cạo đầu, từ chức để phản đối chính sách của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Những năm cuối thập niên 1960 và đầu 1970 có Ngô Kha, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Nguyễn Công Khế, Ngô Lập, Tiêu Dao Bảo Cự và nhiều người khác đã mất mạng hay bị giam tù vì bất đồng với cách cai trị của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, dưới chế độ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng có phản kháng bằng bạo lực, như vụ án Vinh Sơn, vụ án hồ con rùa.
Việt Nam cần một hiến pháp mới thể hiện nguyện vọng toàn dân và hợp với xu thế dân chủ thời đại
Trong khi đó, những phát biểu bất đồng dù trong ôn hoà cũng được nhà nước đáp lại bằng xách nhiễu hay án tù. Thập niên 1990 có tiếng nói của Đoàn Viết Hoạt, Dương Thu Hương, Trần Xuân Bách, Phan Đình Diệu, Nguyễn Thanh Giang, Trần Độ, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Văn Lý, Thích Quảng Độ, Tiêu Dao Bảo Cự, Hà Sĩ Phu v.v…
Kế tiếp là Lê Quốc Quân, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Phạm Hồng Sơn, Điếu cày Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Tiến Trung, Tạ Phong Tần, Hồ Thị Bích Khương, Đỗ Thị Minh Hạnh v.v… cũng đã phải đối diện với những án tù nhiều năm vì lên tiếng đòi các quyền căn bản cho dân, vì có quan điểm bất đồng với nhà nước.
Khi đất nước còn chia đôi, Đảng Cộng sản với quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên mọi tiếng nói đối lập đều bị dập tắt ở miền Bắc.
Tại miền Nam, tuy nhiều thành phần chống chính quyền được hoạt động công khai nhưng không được ủng hộ hay tuyên truyền cho cộng sản. Ai hoạt động cho cộng sản thường bị an ninh theo dõi và nhiều người đã bị bắt, bị giam tù nhiều năm ở Tam Hiệp, Chí Hoà, Côn Sơn, Phú Quốc.
Điều 4 của Hiến pháp Đệ Nhị Cộng hoà ban hành ngày 1-4-1967 ghi:
“Việt Nam Cộng Hòa chống lại chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thức. Mọi hành vi nhằm mục đích tuyên truyền hay thực hiện chủ nghĩa cộng sản đều bị cấm chỉ.”
Điều này loại bỏ sự tham dự của thành phần cộng sản vào sinh hoạt chính trị miền Nam lúc bấy giờ. Tuy nhiên, những người ủng hộ cộng sản đã nhân danh quyền tự do phát biểu, hội họp, tự do báo chí ghi trong hiến pháp để xuống đường, để công khai đòi hỏi các quyền căn bản trên các phương tiện truyền thông.
Các vụ án gọi là “tuyên truyền cho cộng sản” hay “làm phương hại đến an ninh quốc gia” của sinh viên, của ký giả đã khiến chánh án khó xử vì họ chỉ tố cáo tham nhũng trong chính quyền, kêu gọi hoà hợp hoà giải, đòi quyền dân tộc tự quyết, đòi chấm dứt chiến tranh. Tạp chí Đối Diện của linh mục Chân Tín, các nhật báo Sóng Thần, Điện Tín, Đại Dân Tộc đã phải ra toà nhiều lần.
Sau ngày đất nước thống nhất, Hiến Pháp Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 1980 và 1992, lại cũng có Điều 4, nhưng mang một giá trị pháp lý ngược hẳn với Điều 4 của Hiến pháp Việt Nam Cộng hoà.
Điều 4 Hiến pháp 1992 ghi:
“Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Điều này mặc nhiên loại bỏ sự đóng góp vào tiến trình xây dựng đất nước của những thành phần cộng đồng quốc gia, chiếm đại đa số trong dân không phải là đảng viên cộng sản, không theo chủ nghĩa Mác-Lê.
Như thế trong lịch sử dân tộc đã có thời gian những người hoạt động cho cộng sản không được tham gia vào sinh hoạt chính trị của đất nước. Và ngày nay, với Điều 4 của Hiến pháp 1992, những người không phải đảng viên cộng sản không được tham gia vào việc lãnh đạo đất nước.
Bế tắc chính trị hiện nay nằm ở chỗ người dân thực sự không có cơ hội đóng góp vào sinh hoạt chính trị vì mọi chuyện đều do đảng quyết định từ trên đưa xuống. Ai không đồng ý thường bị xách nhiễu, trù dập hay trong nhiều trường hợp phải chịu án tù.
Người Việt hải ngoại lên tiếng đòi tự do cho những tù nhân lương tâm
Người Việt hải ngoại lên tiếng đòi tự do cho những tù nhân lương tâm
Gần đây nhà nước phát động góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, nhưng không muốn thay đổi Điều 4. Đã có nhiều góp ý cho rằng hiến pháp hiện nay lỗi thời và Việt Nam cần có những cải tổ chế độ chính trị cho hợp với xu thế và nhu cầu phát triển thời đại.
Nhưng làm sao để có một hiến pháp mới tổng hợp được nguyện vọng toàn dân. Để có điều này, người dân phải được tham gia vào việc thảo luận về hiến pháp, về các tu chính hay được quyền chọn một hiến pháp mới, qua trưng cầu dân ý, hay qua một cuộc bầu cử quốc hội lập hiến với sự tham gia của nhiều khuynh hướng chính trị để soạn một hiến pháp mới cho Việt Nam.
Đây là tiến trình dân chủ mà người dân Việt xứng đáng được hưởng sau bao năm đã đổ xương máu giành độc lập và xây dựng đất nước.
Để nguyện vọng của mọi thành phần được phản ánh, người dân cần có quyền phát biểu chính kiến mà không sợ bị giam tù; cần có quyền tự do báo chí để truyền đạt thông tin, quan điểm; cần tự do lập hội và tự do ứng cử để tham gia vào việc lãnh đạo và điều hành đất nước.
Tiến trình này nên được bắt đầu bằng việc bãi bỏ hay sửa đổi điều 79 và 88 luật hình sự để tránh trường hợp bắt giam những người chỉ vì bày tỏ chính kiến bất đồng mà bị ghép tội “chống lại tổ quốc Việt Nam” hay “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”.
Một lộ đồ dân chủ hoá cũng cần được đặt ra với việc quốc hội ban hành những đạo luật dân chủ cho dân được ra báo, được hội họp, biểu tình, lập đảng chính trị, tham gia ứng cử. Thời hạn một hay hai năm để dân chủ hoá đất nước là khoảng thời gian hợp lý để đưa Việt Nam hoà nhập với xu thế thời đại.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi còn sống đã từng phát biểu: “Chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng.”
“Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào”.
Ông Võ Văn Kiệt đã nói thế trong một cuộc phỏng vấn với BBCVietnamese.com ngày 19-04-2007.
Tôi tâm đắc với phát biểu của ông. Có như thế nhà nước mới tìm được sự đồng thuận của dân, cũng như của Việt kiều, để đóng góp vào việc xây dựng quốc gia. Vì có nhiều người Việt, trong cũng như ngoài nước, yêu nước mà không yêu chủ nghĩa xã hội, nếu không có đảng nào khác hơn Đảng Cộng sản thì ai sẽ là đại diện cho họ và chỗ đứng của họ là ở đâu trong sinh hoạt chính trị.
Điều mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu ra cũng chính là nền tảng cho sự hoà giải dân tộc đang rất cần có trong lúc này.
© 2013 Buivanphu
[Bài đã đăng trên BBCVietnamese.com 10.05.2013]

Đắng lòng vì một cách xài vốn ODA

Báo cáo Chính phủ tháng 12-2012, Ủy ban Dân tộc cho biết dự án Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc VN “đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, cấp điện cho UBND xã, trường học, trạm xá, các hộ dân xung quanh dự án”.
Thế nhưng, điều tra riêng của báo Tuổi Trẻ đã cho thấy tại thời điểm tháng 5-2013, vẫn còn ít nhất hai trong số 70 xã này hoặc là chưa lắp đặt hoàn chỉnh (thiếu trạm thu - phát truyền hình vệ tinh như ở xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, Sơn La), hoặc là vẫn còn nằm nguyên trong kho từ hai năm nay (như trường hợp ở xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, Sơn La). Ở một số xã khác tại miền Trung, hoặc vì đã có điện lưới quốc gia, hoặc vì không được chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng, nên có những trạm điện mặt trời bị bỏ không, thiết bị hư hỏng, xuống cấp, thậm chí trở thành nơi cho... bò dạo chơi.
Thật lạ lùng! Một dự án với tổng mức đầu tư gần 197,3 tỉ đồng (gần 8 triệu euro), trong đó có hơn 134 tỉ đồng là vốn hỗ trợ phát triển (ODA) vay từ Phần Lan và trên 63 tỉ đồng vốn đối ứng của VN, lại được quản lý, vận hành theo một cách dễ dãi và quan liêu đến vậy! Làm việc với Tuổi Trẻ, chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện đều nói cơ bản không biết dự án này, rằng người của ban dự án làm việc trực tiếp với xã, ở một vài nơi có phối hợp với phòng dân tộc huyện. Bởi vậy, mới có chuyện những thùng thiết bị hiện đại nhập từ nước ngoài trị giá tiền tỉ nằm phơi mưa, phơi nắng ở bên ngoài UBND xã Háng Đồng gần ba năm mà chủ đầu tư là Ủy ban Dân tộc không hề hay biết.
http://www.ictnews.vn/GetFiles/ImageView.aspx?PublishedFileId=52834
Hình minh họa
Theo lời ông giám đốc Ban quản lý dự án điện mặt trời (thuộc Ủy ban Dân tộc) Nguyễn Văn Thanh, dự án này ban bệ, thành phần cũng đủ cả. Với thành phần như vậy, lẽ ra dự án phải được vận hành chặt chẽ, trơn tru, đảm bảo tiến độ. Nhưng thực tế diễn ra không phải vậy. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: đơn vị giám sát này đã làm gì cho dự án khi mà ở Háng Đồng, thiết bị chất đống ngoài trời gần ba năm qua, hay nằm nguyên trong kho gần hai năm ở Chiềng Nơi? Phải chăng sự có mặt của đơn vị giám sát chỉ cho... “đẹp đội hình”?
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, vì tin tưởng cấp dưới báo cáo dự án đã hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao cho các xã, nên hết năm 2012, giám đốc ban quản lý dự án đã ký văn bản “trả lại 15 tỉ đồng” cho Nhà nước. Có đâu ngờ vẫn còn những xã thiết bị hoàn toàn chưa được lắp đặt như Chiềng Nơi, Háng Đồng...
Sau loạt bài điều tra, đã có đại biểu Quốc hội nói với Tuổi Trẻ sẽ gửi văn bản chất vấn ông Giàng Seo Phử, bộ trưởng - chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, về cách điều hành và trách nhiệm đối với những vấn đề báo chí nêu ra ở dự án này. Rồi đây, cơ quan chức năng cũng sẽ vào cuộc kiểm tra, giám sát. Nhưng dù thế nào, chuyện về một dự án sử dụng đồng vốn ODA như trường hợp dự án điện mặt trời này khiến người ta cảm thấy rất đắng lòng...
Số nợ công của Việt Nam đang ở mức cao. Góp phần lớn trong số nợ công này là các dự án vay vốn ODA kiểu như dự án điện mặt trời này. Một khi số vốn ODA không được sử dụng và phát huy một cách hiệu quả, tiết kiệm và hợp lý, sẽ gây nhiều tổn hại cho nền kinh tế và người dân Việt Nam. Bởi vay thì phải trả, vay mà sử dụng lãng phí càng nhiều thì con cháu chúng ta phải còng lưng gánh nợ càng lớn.
Hơn nữa, trong khi nhiều tổ chức, cá nhân đang nỗ lực chắt chiu, vận động từng đồng chung tay chăm lo cho đồng bào, học sinh vùng dân tộc miền núi khó khăn... thì một dự án hàng triệu euro như thế lại không được kịp thời lắp đặt và phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho bà con. Cứ nghĩ đến lại không thể không thấy chạnh lòng...
(Tuổi trẻ)

Gửi lo lắng đến Quốc hội vì biển Đông ngày càng phức tạp

Tình hình biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, kinh tế có những dấu hiệu xấu đáng lo ngại, dự án khai thác bô-xít tại Tây Nguyên rủi ro như… chơi với lửa… Cử tri TPHCM gửi đến Quốc hội nhiều bức xúc, tâm tư trước kỳ họp thứ 5.
Báo cáo về kết quả tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5 do Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM Trần Du Lịch ký, phản ánh rất cặn kẽ từng lĩnh vực người dân thành phố còn tâm tư cũng như kỳ vọng.
Đối với các hoạt động của Quốc hội, cử tri quan tâm nhiều đến việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ được tiến hành trong kỳ họp này. Cử tri đề nghị các vị ĐBQH thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc này, để thực hiện việc lấy phiếu đảm bảo khách quan, tiến hành công khai, minh bạch cho người dân được biết.
Tình hình biển Đông khiến nhiều cử tri lo lắng

Tình hình biển Đông khiến nhiều cử tri lo lắng
Cử tri cũng bày tỏ lo lắng về tình hình biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước cần có những động thái quyết liệt hơn, đẩy mạnh công tác ngoại giao, kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền biển đảo; tăng cường ngân sách cho an ninh quốc phòng, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển; quan tâm chăm lo đời sống, có giải pháp hỗ trợ cho ngư dân bám biển; tổ chức các lực lượng tuần tra trên biển nhằm kịp thời bảo vệ tài sản và tính mạng cho ngư dân.
Về lĩnh vực kinh tế, báo cáo kết quả nêu nhận định, cử tri bày tỏ sự lo lắng trước tình hình kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, tình trạng thất nghiệp tăng, giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn tiếp tục tăng cao.
Tình trạng giá xăng lên xuống bất thường, tăng cao nhưng giảm nhỏ giọt, giá xăng tăng kéo theo giá cả nhiều mặt hàng tăng, nhưng khi giá xăng giảm thì giá cả hàng hoá vẫn không giảm gây khó khăn cho người dân… vẫn là lỗi lo chung của cử tri.
Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đề ra các giải pháp phát triển kinh tế phù hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần kiềm chế lạm phát nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, có chính sách bình ổn giá cả thị trường nhằm chia sẻ khó khăn của người dân, nhất là công nhân, người lao động.
Về vấn đề tháo gỡ khó khăn, giải cứu doanh nghiệp, Phó trưởng đoàn ĐBQH thành phố phản ánh yêu cầu của người dân về một cơ chế mạnh hơn để tái cấu trúc lại món nợ ngân hàng của các doanh nghiệp, mạnh dạn khoanh nợ, giãn nợ để doanh nghiệp được vay vốn. Các doanh nghiệp đề nghị cho phép họ được đảo nợ thay cho chủ trương mua bán nợ, có chính sách giúp họ tiếp cận được nguồn vốn, giảm lãi suất cho vay xuống 8 - 10%/năm.
Ngoài ra, để khuyến khích doanh nghiệp vay vốn, phát triển đầu tư, nguyện vọng của nhóm cử tri này là nhà nước khống chế chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay chỉ vào khoảng 2,5 - 3% . Đồng thời, giảm bớt thủ tục không cần thiết; cho phép các doanh nghiệp thế chấp hàng hóa hoặc các dự án có tính khả thi....
Cũng có ý kiến đề nghị nếu doanh nghiệp có tài sản thế chấp, có phương án khả thi thì ngân hàng không dựa vào việc trước đây từng trả vốn chậm để không cho vay. Hoặc đối với những doanh nghiệp thực sự có tài sản thế chấp, có dự án khả thi thì dù đang lỗ vẫn xem xét giải quyết cho vay.
Bên cạnh đó, có không ít ý kiến lo lắng về tình hình bất ổn của thị trường vàng cũng như việc Ngân hàng Nhà nước tham gia bình ổn thị trường vàng nhưng chưa đạt hiệu quả cao, chưa rút ngắn được khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong nước và việc sử dụng vàng. Cử tri đề nghị Nhà nước cần có giải pháp hiệu quả để quản lý thị trường vàng trong nước với chủ trương không khuyến khích đầu tư vàng, kéo giảm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế; có kế hoạch dự trữ vàng quốc gia để dự phòng trong những trường hợp cần thiết
Cử tri cũng tiếp tục yêu cầu công khai hình thức xử lý trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu, cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trong vụ Vinashin, Vinalines.

Tình hình biển Đông khiến nhiều cử tri lo lắng

Sớm giám sát dự án bô xít Tây Nguyên

ĐB Trần Du Lịch cũng khái quát, cử tri phản ảnh nhiều ý kiến liên quan đến dự án khai thác bô xít tại Tây Nguyên về việc mặc dù dư luận vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng các dự án Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đắk Nông) và dự án xây dựng cảng vận chuyển Kê Gà vẫn đang triển khai thực hiện. Ông Lịch cho biết, có nhiều người dân đề nghị Quốc hội cần sớm tiến hành giám sát về các dự án này, đánh giá lại hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội của dự án; giám sát chặt chẽ việc tổ chức quản lý lao động người nước ngoài tại các dự án nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự xã hội.
Đối với một dự án riêng của khu vực TPHCM - dự án xây dựng sân bay Long Thành, cử tri thành phố cho rằng xây dựng sân bay trong thời điểm hiện nay là chưa hợp lý, gây lãng phí. Theo đó, việc làm cần thiết bây giờ là đầu tư mở rộng, nâng cấp các sân bay hiện có như  Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ, Liên Khương, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và phù hợp với phương hướng phát triển của TPHCM.
Bên cạnh đó, cử tri tiếp tục đề nghị xem xét lại tính khả thi khi xây dựng sân golf, nhà cao tầng tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vì sẽ ảnh hưởng đến an toàn bay.
Về chủ trương xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, cử tri đề nghị Chính phủ xem xét thật kỹ lợi ích và tác hại khi 2 công trình này có thể ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của khu vực, đời sống người dân, đồng thời ảnh hưởng đến vùng hạ lưu, trong đó có TPHCM. Nhiều cử tri đề nghị không nên tiếp tục thực hiện dự án thủy điện này nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên.
Ở góc độ rộng hơn, cử tri đề nghị không cho phép làm thuỷ điện ở khu vực vùng nguyên sinh. Ở các khu vực khác chủ đầu tư các dự án thuỷ điện cũng phải trồng lại rừng mới được phép thi công. Đồng thời Nhà nước cần có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn nữa về trách nhiệm của các nhà máy thủy điện trong vận hành, xả nước để không gây thiệt hại cho đời sống và hoạt động sản xuất của nông dân.
Đối với lĩnh vực xã hội, ông Trần Du Lịch cho biết, cử tri lo lắng trước tình trạng tội phạm gia tăng, nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là phạm pháp lứa tuổi vị thành niên đang có chiều hướng phức tạp, khó kiểm soát. Các công dân của thành phố đề xuất cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm để đảm bảo cuộc sống bình yên của người dân; xem xét điều chỉnh các quy định pháp luật có liên quan để xử lý nghiêm khắc hơn; tăng cường công tác giáo dục cho trẻ vị thành niên, giáo dục truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc cho học sinh, sinh viên…
Nhiều ý kiến khác đề nghị xem xét lại quy định thi hành án tử hình bằng phương pháp tiêm thuốc độc, vì hiện nay nước ta chưa sản xuất được thuốc độc, phải nhập thuốc độc từ các nước khác, dẫn đến nhiều trường hợp thi hành án phải chờ đợi, gây tâm lý không tốt trong nhân dân.
P.Thảo
(Dân trí)

Trần Đăng Khoa - Có một sự thật cay đắng

Tran-Dang-Khoa
Trần Đăng Khoa
Dư luận truyền thông mấy ngày qua đã thực sự xao động trước một việc làm rất đẹp của ông Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, khi ông thay mặt Tổng cục Du lịch xin lỗi một du khách nước ngoài, người Australia, vì một anh lái xích lô đã nâng giá xích lô cao hơn giá quy định nhiều lần. Hành động man rợ đó đã vấy bẩn Thủ đô Hà Nội và bôi nhọ du lịch Hà Nội và du lịch Việt Nam. Cùng với lời xin lỗi chân thành, ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã giải quyết ngay hậu quả sai sót: Hoàn trả bà Schultz Ilona Jane số tiền bị người đạp xích lô “cướp giật” và tặng bà món quà lưu niệm của ngành du lịch Việt Nam. Ông hứa sẽ xử lý nghiêm sự vụ và hy vọng việc làm không đẹp của người lái xe xích lô không làm mất đi vẻ đẹp của Việt Nam trong mắt bà Schultz Ilona Jane.
Đó là một việc làm đẹp, một cách ứng xử rất kịp thời và văn minh của ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, dù ông không hề có lỗi. Việc làm rất bình dị của ông đã thành một vẻ đẹp mới, gây xôn xao trong đời sống xã hội, cũng vì trước ông, hầu như chúng ta không có văn hóa xin lỗi. Bao nhiêu người từng bị oan khiên, thậm chí có người hóa thân tàn ma dại vì một việc làm vô trách nhiệm của một người hay một nhóm người, mà khi được minh oan, dù chỉ là chiếu lệ, cũng không bao giờ được nhận một lời xin lỗi, dù chỉ là một hình thức có tính xã giao.
Có lẽ cũng vì thế chăng mà việc làm của ông Nguyễn Văn Tuấn đã thành một hiện tượng, một hành động cao đẹp. Và rồi, từ việc làm cao đẹp ấy, có người lại gợi ý ngành du lịch “nên thành lập một đơn vị chuyên trách xin lỗi”, hay cao hơn thế, “Bộ Văn hóa cần phải có ngay một Ủy ban Xin lỗi” thì lại thành chuyện “quá mù ra mưa” rồi!
Sẽ ra sao nếu đất nước lại có cả một Ủy ban xin lỗi! Thật là một sáng kiến rùng rợn! Một việc làm tưởng văn hóa mà lại phi văn hóa. Bởi xin lỗi không phải câu nói chớt qua đầu lưỡi, mà là lời sám hối, rất cần đến sự thành tâm. Ai có lỗi, hay ngành nào có lỗi thì phải tự tìm đến người bị hại mà xin lỗi. Và cùng với lời xin lỗi là một việc làm cụ thể nhằm giải quyết hậu quả mà mình đã gây ra. Nếu có cơ quan xin lỗi chuyên trách, thì lỗi không thuyên giảm mà sẽ càng gia tăng gấp bội. Bởi kẻ gây ác lại rũ được trách nhiệm, nên cứ làm bừa, làm ẩu, vì đã có người khác giải quyết hậu quả. Và kẻ “giải quyết hậu quả” cũng chỉ làm chiếu lệ, làm mang tính hình thức, vì đó cũng không phải lỗi của mình.
Và vì thế, một việc làm tưởng như có trách nhiệm mà lại hóa vô trách nhiệm. Nó có gì kỳ khôi cứ như những anh khóc thuê trong các đám tang. Tôi dự nhiều đám tang quê và cũng được chứng kiến nhiều cảnh dở cười dở mếu.
Có người mẹ nhờ khóc bà hộ cô con gái còn đang ẵm ngửa của mình, bèn dúi vào tay ông thợ kèn 5 ngàn, và thế là ông sụt sịt nỉ non: “Ới bà ơi là bà ơi, cháu thương bà đứt ruột đứt gan, nhưng vì bận việc nước, lại không mua được vé máy bay về tiễn biệt bà, hợ hợ…”. Dù đang tang gia bối rối, phải có ý thức buồn rầu, nếu trong bụng không buồn thực, thì cũng phải cố làm ra vẻ buồn đau, nhưng cả đám tang vẫn không nhịn được cười, có người cười sặc sụa, vì cô cháu gái yêu “đang bận việc nước” của bà vẫn còn chưa biết ỉa cứt xu.
Có một sự thật cay đắng: Dù Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn và cả Tổng cục Du lịch của ông vẫn đang gồng mình giữ gìn và xây đắp vẻ đẹp du lịch Việt Nam, thì ngành du lịch của chúng ta vẫn đang xuống cấp trầm trọng. Danh lam, thắng cảnh của chúng ta vốn đã quá nghèo nàn, èo uột, không có gì hấp dẫn để thu hút du khách. Cách phục vụ và dịch vụ du lịch lại thiếu tính chuyên nghiệp, đã thế lại quấy quá, tạm bợ và mông muội. Không có cách nào đuổi khách du lịch hiệu quả bằng trò mè nheo, ăn cắp và “chặt chém”. Trò mọi rợ này đã diễn ra ở khắp mọi nơi, từ Hà Nội, Huế, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh thành và cả những vùng sâu vùng xa heo hút nhất. Cứ “chặt” được là “chặt”. “Chém” được là “chém”. Bất kể đối tượng nào. Dù ta hay Tây. Từ nâng giá xích lô, xe ôm, tăc xi, từ gian lận tính cước rất tinh xảo qua đồng hồ điều khiển từ xa bằng điện thoại di động, đến móc túi, cướp giật trắng trợn, rồi nâng giá món ăn, bắt chẹt cả chỗ ngồi. Không ở đâu như ở ta. Đến cả cái ghế ngồi trong nhà hàng cũng phải trả tiền. Mà trả với cái giá cắt cổ. Đó là những trò mọi rợ bức tử ngành du lịch một cách nhanh nhất và cũng hiệu quả nhất. Khi bị phát giác, hay bắt quả tang, cách làm phổ biến của ta là xin lỗi du khách rồi hoàn lại tiền. Việc làm đó cũng có thể chấp nhận được nhưng chưa đủ. Để chấm dứt vĩnh viễn những trò nhiễu nhương này, cần phải có một giải pháp mạnh. Đó là phạt thật nặng những kẻ phá hoại ngành du lịch và làm nhục quốc thể, nhất là những hành xử mọi rợ đối với khách quốc tế. Không phải chỉ sa thải, cắt giấy phép hoạt động, mà cùng hình thức đó, còn phải phạt tiền, không phải phạt gấp mười lần, mà hàng trăm lần, hoặc hơn thế nữa, nếu việc làm đó đã để lại một hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp của ngành du lịch hay danh dự của quốc gia.
Ở rất nhiều nơi, công tác du lịch người ta làm rất tốt. Ai đã một lần ghé qua, đều muốn được trở lại, không phải chỉ chiêm ngưỡng những cảnh quan, danh thắng, mà còn muốn được gặp lại những con người xởi lởi, chu đáo, lịch sự và tận tình. Không phải chỉ ở các nước có tiềm năng du lịch lớn, ở ngay bên cạnh ta như Trung Quốc, hay Thái Lan, ở đó, ngoài danh lam thắng cảnh phong phú, kỳ vĩ, mỗi người dân bình thường của họ cũng đều có thể là những hướng dẫn viên du lịch, mà ngay trên đất nước ta cũng có miền đất du lịch trong lành như Đà Nẵng, Hội An… Ở đó không có nạn móc túi, cướp giật, không có người ăn xin, kẻ lừa đảo. Không có cảnh chặt chém. Khách ta cũng như Tây. Tất cả đều một giá và được chỉ dẫn phục vụ rất tận tình, chu đáo. Tại sao người ta làm được mà mình lại không làm được? Lỗi do đâu?
Nước ta vốn đã nghèo, lại bị kiệt quệ bởi nạn tham nhũng, nạn ăn cắp vặt, những di sản văn hóa cũng không có bao nhiêu, lại còn bị tàn phá bởi chiến tranh, bởi những con người u tối. Vì thế, những hiện vật, hay cảnh quan, dù còn rất nhỏ nhoi cũng đã quý lắm rồi.
Nói đến Hà Nội, ta thường nghĩ đến Chùa Một Cột. Đó là một trong những kỳ quan tiêu biểu của Thủ Đô. Tôi không sao quên được câu chuyện của Giáo sư Trần Quốc Vượng. Ông kể rằng, một chính khách nước ngoài muốn tham quan Chùa Một Cột. Giáo sư đã bỏ ra cả buổi chiều dẫn ông đi rồi giới thiệu cho ông về lai lịch ngôi chùa nổi tiếng này. Hôm sau vị khách lại đòi ông đưa đến Chùa Một Cột. “Thì chiều qua ngài đã đến thăm rồi đó”. Bấy giờ vị khách mới ngớ ra. Ông đã đến thăm chùa mà lại cứ tưởng đấy mới là mô hình chùa.
Hà Nội đâu có nhiều cảnh quan cho du khách chiêm ngưỡng. May sao gần đây còn có thêm Việt Phủ Thành Chương. Đó là một quần thể văn hóa, một vùng tinh hoa của làng quê Bắc bộ kết tinh lại. Nhiều căn nhà truyền thống đã bị tiêu hủy hoàn toàn trong các cuộc bê tông hóa làng quê đã được lưu giữ nguyên vẹn ở đây. Việt Phủ Thành Chương là một công trình kỳ vĩ, một kỳ quan với rất nhiều những giá trị truyền thống, giá trị dân gian, những di sản, cổ vật mà chỉ có tiền bạc của Thành Chương, công sức của Thành Chương và tài năng của Thành Chương mới có thể sưu tầm, phục dựng được. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thành phố đã từng đến đó tham quan và phải thừa nhận nó như là một di sản văn hóa mới của Thủ đô. Phủ Thành Chương đã từng đón tiếp Vua, Hoàng hậu và các nguyên thủ của nhiều quốc gia khi đến thăm Việt Nam. Một số Bảo tàng, các Tổ chức văn hóa lớn trên thế giới đã có hồ sơ về Phủ Thành Chương như một địa chỉ văn hóa của nước Việt.
Gần đây, qua các kênh truyền thông, tôi mới biết khu di tích văn hóa này lại xây dựng trái phép. Một công trình nổi tiếng đến ai cũng biết như thế mà khi xây dựng các cơ quan chức năng lại không biết, kể cũng là chuyện lạ đời! Tôi không rõ rồi đây, các cơ quan chức năng sẽ xử lý ra sao? Chả lẽ lại phá hủy đi rồi cắm vào đó mấy thân cây tong teo, còi cọc để lại thành một khu đồi hoang hóa như hồi Thành Chương chưa đến? Tốt nhất là hợp thức hóa cho Thành Chương và tạo điều kiện để anh hoàn thiện nốt một công trình văn hóa có tầm cỡ quốc gia, thành một danh thắng độc đáo của Thủ Đô Hà Nội. Đó là cách xử lý đúng nhất và cũng văn hóa nhất!
Trần Đăng Khoa
(Blog Trần Đăng Khoa)
 

GS. Tương Lai - "Tội trung với nước với dân à?"


Câu thơ Hồ Chí Minh viết trong “Ngục trung nhật ký” cách nay đúng 70 năm bỗng ngân vang trong những ngày tháng Năm cháy bỏng qua lời của Phương Uyên trước tòa án Long An ngày 16.5 :  “Tôi yêu nước, tôi thể hiện lòng yêu nước. Tôi không ngờ tôi bị bỏ tù vì thể hiện lòng yêu nước ấy… Chúng tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm họa Trung Quốc xâm lược đất nước, chúng tôi làm xuất phát từ tấm lòng yêu nước nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp tươi sáng hơn”.
Nếu 88 năm trước, Nguyễn Ái Quốc đau đớn thốt lên :”Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh“ * thì hôm nay, những Phương Uyên, Nguyên Kha, và nhiều, rất nhiều bạn đồng trang lứa với họ không còn phải “hồi sinh” mà đang dõng dạc trước vành móng ngựa những lời đanh thép, biểu hiện ý chí, trí tuệ và khí phách của thế hệ trẻ trước cường quyền và tội ác. “Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi”, lời của Nguyên Kha đã khẳng định thế thượng phong của công lý và chính nghĩa trước sự chà đạp lên pháp luật của những thủ đoạn vu khống, lừa mị và tàn ác nhưng hết sức vụng về và mong manh!
Chỉ có một điểm khác, một điểm khác đau đớn và xót xa, oái oăm và uất ức là những lời đanh thép đó không nói trước tòa án của thực dân cướp nước, lại nói với tòa án của một nhà nước nhân danh là “của dân, do dân và vì dân” mà xương máu của bao thế hệ Việt Nam cha anh của thế hệ trẻ hôm nay đã đổ ra để có nó, nhưng rồi hôm nay kết án Phương Uyên, Nguyên Kha lại là một tòa án của chế độ toàn trị phản dân chủ, phản nhân dân .
Bằng bạo lực và những công cụ quen thuộc của cường quyền nhằm khuất phục ý chí, nguyện vọng và sức phản kháng quyết liệt của tuổi trẻ, phiên tòa đáng xấu hổ ở Long An và những người giật dây cho những “rô bốt” ngồi ghế quan tòa đã không lường được bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh của hai sinh viên, một nữ, một nam tuổi đời còn rất trẻ. Có thể nói, đó cũng là bản lĩnh và trí tuệ của tuổi trẻ Việt Nam trong thời đại của nền văn minh mới với cuộc cách mạng thông tin mà chuẩn mực chính là sự thay đổi.
Không một thế lực tàn bạo nào có thể ngăn cản được dòng thác của những biến động trong một thế giới không ngừng vận động mà kiểu tư duy tuyến tính tỏ ra bất lực và lạc hậu với tiến trình phi tuyến tính với những bước hợp trội nhằm tạo ra những đột phá không sao lường trước được. Sinh lực của tuổi trẻ đã đem lại cho họ khả năng nắm bắt được nhịp sống của thời đại để họ có thể vụt lớn lên, đủ sức đương đầu với mọi thử thách, đẩy tới sự phát triển của đất nước.
Hình ảnh sáng ngời của họ, tiếng nói dõng dạc của họ khác nào một tiếng sét giữa bầu trời u ám báo hiệu một cơn dông bão của lòng phẫn nộ đang dâng lên. Phẫn nộ của công luận xã hội về một bản án phi lý và bất công phơi bày đường lối sai lầm nhân danh ý thức hệ để biện hộ cho thái độ ngang ngược, xảo quyệt của Trung Quốc xâm lược. Phẫn nộ của giới trẻ tràn đầy xung lực muốn hiến dâng sức trẻ của mình cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc đang bị ngăn chặn, trấn áp và khủng bố dưới nhiều hình thức đê hèn và xảo trá. Phẫn nộ của giới trí thức đang ưu tư về vận nước, hiểu rõ đất nươc đang bị tụt hậu ra sao do duy trì quá lâu một mô hình thể chế lạc hậu phản dân chủ.
Càng xấu hổ và tệ hại hơn nữa khi cáo trạng nhân danh luật pháp luận tội các sinh viên yêu nước đã “nói những điều không hay về Trung Quốc”, phơi bày quá lộ liễu sự mờ ám trong việc câu kết với kẻ thù xâm lược bằng những cam kết dại dột về “giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị” với tập đoàn hiếu chiến Bắc Kinh đang thè cái lưỡi bò ham hố và bẩn thỉu mưu toan liếm trọn Biển Đông, ngang nhiên hoành hành trên vùng biển thuộc chủ quyền lãnh hải của tổ quốc. Trước phản biện quyết liệt của luật sư, tòa phải chống chế rằng truy tố các sinh viên không phải vì hành vi khẩu hiệu chống Trung Quốc để rồi buộc phải rút bỏ cáo buộc ê chệ và nhục nhã đó!
Trên cái nền của sự rút bỏ bất đắc dĩ cáo buộc dại dột ấy đã nổi rõ lên dòng chữ viết bằng máu của cô nữ sinh viên Phương Uyên chống Trung Quốc xâm lược. Màu máu đỏ của trái tim yêu nước của cô gái Việt Nam kiên cường và xinh đẹp ấy mạnh hơn bất cứ loại vũ khí nào. Sức vẫy gọi của khẩu hiệu viết bằng máu ấy nối liền với truyền thống quật cường của ông cha ta từng khắc trên cánh tay hai chữ “Sát Thát” thể hiện khí phách hiên ngang trước một kẻ thù từng làm bằng địa nhiều vùng lãnh thổ từ Á sáng Âu để rồi đánh cho chúng tan tác, không chỉ một mà là ba lần trong ba thập kỷ nửa sau thế kỷ XIII. Sức vẫy gọi của khí phách ấy sẽ vượt qua mọi rào cản được dựng lên khắp nơi nhằm ngăn chặn sức lan tỏa của tinh thần yêu nước “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn,lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” như Hồ Chí Minh đã từng viết.
Và cô gái mảnh mai ấy ngẩng cao đầu trước vành móng ngựa cường quyền phản dân chủ dõng dạc nhắc lại câu nói của Hồ Chí Minh : “Một năm bắt đầu từ mùa xuân, con người bắt đầu từ tuổi trẻ”. Để rồi hiên ngang tuyên bố : “Tôi là sinh viên có lòng yêu nước. Nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì mọi người trẻ sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước”. Đấy là một lời cảnh báo đanh thép của một cô gái từng bị đọa đày trong tù ngục không thiếu những thủ đoạn xấu xa nhằm lung lạc tinh thần và hành hạ thể xác, song đã không những không gục ngã mà còn sáng suốt chỉ ra được hệ lụy của những sai lầm không thể biện hộ của bạo quyền phản dân hại nước.
Không gì mỉa mai hơn ngày cô sinh viên yêu nước dũng cảm chống xâm lược ấy ra tòa để nhận lĩnh bản án khắc nghiệt cũng là ngày bắt đầu của lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông mà nhà cầm quyền Bắc Kinh công bố, một hành động ngang ngược xúc phạm đến lòng tự  tôn dân tộc, đòi hỏi phải dấy lên mạnh mẽ tinh thần yêu nước và ý chí chống ngoại xâm của mỗi người Việt Nam có lương tri, đặc biệt là của thế hệ trẻ. Và có lẽ phải nói thêm : ngày này cũng là ngày người ta long trọng trao giải thưởng sáng tác “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ“, không hiểu trong những sáng tác được trao giải ấy có nhắc đến điều cốt lõi nhất phải học tập và làm theo chính là ý chí “Hễ còn một tên xâm lược nào trên đất nước chúng ta, thì chúng ta còn phải chiến đấu, quét sạch nó đi”. Ở điểm cốt lõi này thì ai? Người vừa bị kết án tù do hành động yêu nước quyết “chiến đấu, quét sạch” quân xâm lược, hay người ngoan ngoản chăm chút trên trang giấy những lời tụng ca quen thuộc, cần được tôn vinh?
Bản án dành cho Phương Uyên và Nguyên Kha chính là bản án đối với truyền thống dân  tộc yêu nước chống ngoại xâm, cũng là bản án đối với khát vọng dân chủ và quyền con người đang là một đòi hỏi bức xúc của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của thế hệ trẻ Việt Nam. “Bản án này cho thấy sự phá sản của thành tích nhân quyền của Hà Nội. Trong khi nhà cầm quyền Việt Nam nói họ hành xử theo luật pháp và tôn trọng nhân quyền thì các bản án này chứng tỏ họ chỉ hành xử theo quyền lợi của đảng cộng sản cầm quyền, bất chấp quyền căn bản của con người bị chà đạp” như tổ chức Human Rights Watch cáo buộc.
Sự phẫn nộ dâng trào với bản án bất công, kết tội lòng yêu nước chống ngoại xâm, phản dân chủ, chà đạp lên quyền con người đang kết thành một làn sóng mà sức lan tỏa của nó sẽ vô cùng rộng lớn.  Khi phong trào dân chủ gắn làm một với tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, sẽ hình thành những bước hợp trội, tạo ra những đột phá như đã nói ở trên, đẩy tới những chuyển biến không thể tiên liệu được!
Kết thúc “Ngục trung nhật ký” có câu “Sự vật vần xoay đà định sẵn, Hết mưa là nắng hửng lên thôi.”. Quả có thế thật, nhưng hình như những ngày tháng năm nóng bỏng  này lại đang báo hiệu những cơn dông!
Nhân ngày 19.5
Tương Lai
Nguồn: BVN.

Nguyễn Quốc Quân - Xử án Uyên-Kha: Quẻ xấu cho chế độ

Kết quả vụ xử án hai em sinh viên Uyên và Kha ngày 16 tháng 5 vừa qua đang tạo nên một làn sóng phẫn nộ từ trong nước ra đến hải ngoại. Bộ sậu lãnh đạo Việt Nam càng hiện nguyên hình là những tên thái thú của thế kỷ 21. Chúng ta biết rất nhiều cán bộ lãnh đạo CS, kể cả ở cấp Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng, gần đây túa nhau đi lễ đình chùa, cầu đồng cốt, cậy tâm linh nhưng quả thật họ đã quên bốc quẻ trước khi xử Phương Uyên và Nguyên Kha. Đối với tôi, đây là một quẻ cực xấu cho chế độ.
Vì giới lãnh đạo đảng CSVN ngày nay thuộc sử Tàu hơn sử Việt, nên cho phép tôi nói bằng ngôn ngữ của họ. Chuyện kể rằng, ngày xưa...
    Nước Sở muốn đánh nước Ngô. Sứ của Ngô được cử sang Sở để tìm hiểu, tướng Sở muốn thị uy với quân Ngô nên giết luôn sứ thần nước Ngô để lấy máu bôi lên trống.

    Trước khi giết, tướng Sở hỏi:

    - Trước khi đến đây nhà người có xem bói chứ?

    Đáp:

    - Có

    Tướng Sở hỏi:

    - Bói quẻ có tốt không?

    Đáp:

    - Tốt
    - Nay ta muốn dùng máu ngươi để bôi trống trận, vậy quẻ tốt ở chỗ nào?

    Sứ nhà Ngô ung dung đáp:

    - Chính vì vậy mới là quẻ tốt đấy! Vua Ngô phái tôi sang đây vốn là để xem thái độ của tướng nước Sở như thế nào. Nếu tướng quân nổi giận thì nước Ngô sẽ đào hào cho sâu thêm, đắp luỹ cho cao thêm; nếu tướng quân không nổi giận thì nước Ngô sẽ thư thả. Nay tướng quân giết tôi, nước Ngô nhất định sẽ phòng thủ gắt gao. Hơn nữa quẻ đó bói cho cả nước, không phải bói cho riêng một bề tôi. Giết một bề tôi mà bảo toàn được một nước, thì sao không gọi là tốt được? Tướng quân có lấy máu tôi bôi lên trống, nếu chết rồi mà tôi còn biết được, thì tự khắc khi tác chiến tôi sẽ làm cho trống không kêu.

    Kết quả là tướng nhà Sở đã phải trả tự do cho sứ nhà Ngô.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-activ-on-trial-05162013084051.html/phuong-uyen-kha-305.jpg/image

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có truyền thống hào hùng chống ngoại xâm. Một ngàn năm Bắc thuộc với những hình phạt hà khắc như xẻ mũi thích chữ vào mặt còn chưa khuất phục được nhân dân Việt Nam. Nay qua bản án dành cho Uyên và Kha, lãnh đạo ĐCSVN đã ngang nhiên và công khai khoác lên mình bộ áo gấm làm tay sai cho Tàu! Tướng nhà Sở còn biết run tay trước chí khí của sứ nhà Ngô, thế mà bộ sậu lãnh đạo CSVN dám thị uy với 90 triệu người dân Việt Nam và đạp đổ mọi giá trị tốt đẹp của thế giới văn minh. Đây chính là bản án cáo chung của cả một chế độ.
Trong suốt phiên toà, cái gọi là nền tư pháp Việt Nam không hề dám nhắc đến cái lý do chính, đó là hai sinh viên Uyên và Kha chống Trung Quốc xâm lược. Trong khi đó, em Nguyễn Phương Uyên đã khẳng khái nhìn thẳng vào mắt từng viên thẩm phán: "Tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam tâm".
Cái bệnh sợ Trung Quốc đã được truyền nhiễm lây đến cả các viên công an cấp nhỏ “còn Đảng còn Mình”. Tôi còn nhớ trong những tháng ngồi tù, lúc chuyện vãn – sau mấy tiếng đồng hồ lấy “khẩu cung”, một thiếu úy an ninh điều tra nói: “Anh cứ đòi chống Trung Quốc, tẩy chay hàng Trung Quốc, … anh cứ thử tháo hết linh kiện làm từ Trung Quốc trong máy laptop xem nó còn lại gì; anh thử bảo một người dân cởi tất cả những gì làm ở Trung Quốc mang trên người như giày dép, áo quần, ... rồi xem họ có dám bước ra ngoài đường không!” Tôi phẫn nộ thì ít, mà ngạc nhiên thì nhiều, trước thái độ chủ bại tuyệt đối của anh ấy. Khựng lại một lúc, tôi hỏi mà như một lời than thở: “Thế các anh, chấp nhận Chết lâm sàng vì Trung Quốc hay là tình nguyện Sống đồng loã với Tội Ác!”
Riêng Đinh Nguyên Kha đã thẳng thắn trước toà: "Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội".
Chính chị Tạ Phong Tần đã bị đám Hội Đồng Xét Xử quyết định cưỡng chế ra khỏi phiên toà sơ thẩm của chị vì đã bắt bí Đảng Cộng Sản như em Nguyên Kha. Anh Điếu Cày kể lại rằng khi phiên toà bắt đầu, lúc được hỏi có ý kiến gì về các thẩm phán trong Hội Đồng Xét Xử (HĐXX) không; thì chị Tạ Phong Tần đã hỏi lại cùng với lập luận mang đại ý rằng: Không chấp nhận Đảng Viên ĐCS có mặt trong HĐXX; vì theo điều 88 bộ luật hình sự, đó là những người “bị hại” trong vụ án này. Những người “bị hại” không được tiến hành tố tụng để bảo đảm sự vô tư theo điều 14 bộ luật tố tụng hình sự. Chị thẳng thắn và cương quyết yêu cầu các đảng viên ĐCS rời khỏi vai trò trong HĐXX. Họ đã cứng họng và cưỡng chế chị rời khỏi phiên toà xử chính chị.
Luật Pháp Việt Nam luôn dành ưu thế tuyệt đối cho kẻ cầm quyền, thế mà chính họ cũng chẳng dám thực thi những điều do họ ghi ra trên giấy trắng mực đen! Bản án vô lý này rõ ràng là một thách thức đối với công luận, đối với những giá trị của thế giới văn minh, và cao hơn tất cả, nó là một thách thức đối với nhân dân Việt Nam.
Chắc chắn, 90 triệu người dân Việt và con cháu họ không thể chấp nhận sống hết đời này qua đời khác trong một hoàn cảnh như thế.
Và dân tộc Việt Nam đã trả lời ngay trước toà - qua các câu nói của Phương Uyên, của Nguyên Kha, và những giọt nước mắt hãnh diện của hai bà mẹ. Đây đúng là một quẻ cực xấu cho chế độ độc tài toàn trị./.
Nguyễn Quốc Quân
(Dân luận)

Thư của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi quan tòa "Bao Thanh Thiên"

Ông là Huỳnh Việt Thắng, còn gọi là Tư Thắng, Mười Qùy, sau khi hòa bình lập lại, thống nhất Tổ quốc, ông được bổ nhiệm làm Phó Chánh án Tòa án Tối cao phía Nam. Suốt 17 năm gắn bó với ngành tòa án, ông luôn công bằng, chính trực bảo vệ cho lẽ phải nên được Nhân dân và đồng nghiệp ưu ái đặt cho ông cái tên là “Quan tòa Bao Thanh Thiên”. Lá thư của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi cho ông 13 năm về trước vẫn còn nguyên tính thời sự: "...càng thấy căm ghét với thứ chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bè phái, không dân chủ, không công bằng, sống không trung thực, thủ đoạn, thiếu tình người…"
Những năm cuối đời, ông Huỳnh Việt Thắng thường gặp mặt bạn bè, đồng chí nhiều thành phần khác nhau. Trong đó, ngoài những đồng đội anh em cùng ông nhiều năm chia ngọt sẻ bùi, ông còn quen biết khá đông văn nghệ sĩ. Dường như trong nghiệp dĩ của ông máu nghệ sĩ luôn là một tư chất thường trực. Chuyện nghề chụp ảnh từ nhỏ, từng theo ông những năm sống giả dạng bên đất bạn Campuchia để hoạt động qua mắt địch. Ông từng viết hồi ký kể lại cuộc đời buồn vui của mình với những trải nghiệm thực tế rất sâu sắc, cảm động. Rất nhiều người thân quen chia sẻ với ông bằng những dòng thư viết rất cảm động, chân tình. Trong những dòng thư ấy, có bức thư của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – lúc ấy là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ.
Ông Tư Thắng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2006 - khi ấy là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ

Ông từng bộc bạch tâm sự: Từ khi về hưu, tự thấy không hổ thẹn vì mình đã sống tròn trách nhiệm một người dân yêu nước. Một đảng viên trung thành, trọn vẹn với tổ chức. Một người cha, người ông hết mực thương yêu con cháu. Một người bạn luôn giữ lòng trung thực, nghĩa khí, thủy chung với bạn bè, đồng đội. Đó cũng là một danh dự, một thứ tài sản tinh thần vô giá mà tôi đáp đền công ơn dưỡng dục, sinh thành.
.
Những dòng viết bày tỏ nổi lòng, tâm sự, khen ngợi Tư Thắng từ bạn bè, đồng chí,  anh em  con cháu, chứ ông chưa bao giờ tự khen mình bao giờ:
.
Họa sĩ Trịnh Cung
Họa sĩ Trịnh Cung viết về ông: “Nếu có một lời đề nghị, tôi xin nêu : chiến đấu với kẻ thù cho dù có ác liệt đến mấy vẫn rõ ràng hơn là với những cái ác ẩn mặt sau tình bằng hữu giả hiệu. Thời gian tuy làm phai đi những cái cũ nhưng nó cũng là một môi trường tốt cho những điều bịa đặt vô căn cứ nhưng lại khó chứng minh”.
.
Ông Nguyễn Phước Tân
Còn tướng Nguyễn Phước Tân – Nguyên Tổng Cục phó An ninh viết có đoạn: “Từ đầu kháng chiến chống Pháp cho mãi đến sau này, anh Tư có được quan điểm đúng đắn về Công an nhân dân là học theo các bậc tiền bối như Nguyễn Trãi, Bác Hồ…Lấy nhân nghĩa, thắng hung tàn”.
.
Nhà văn Lê Dụng tâm đắc khen: “Ông viết để nói về cuộc đời ông, nhưng đã vượt lên chuyện cá nhân ông. Đó còn là tư liệu quý về nhiều con người và sự kiện cách mạng trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, là những nhận xét, kinh nghiệm sống trên trường đời để làm một con người xứng đáng. Được như vậy, trước hết cũng vì ông có một cuộc đời và phẩm cách đáng quí trọng”.
.
Thiếu tướng Cao Đức Hoàn – Bộ Công an cho rằng: Cuộc đời của anh gắn bó với công an nhân dân dài nhất. Những năm sau các cuộc kháng chiến anh làm công tác tòa án cũng là một thể liên hoàn trong đấu tranh chống phản cách mạng và các loại tội phạm, giải oan cho những người bị bắt, xử oan sai. Vì vậy hồi ký của anh nếu được sử dụng trong CAND là thích hợp nhất.
.
Với đồng chí Phan Văn Trang (Năm Trang) nạn nhân vụ Mười Vân viết bằng tất cả tấm lòng về Tư Thắng: “với vợ chồng Năm Trang ghi nhận đội ơn anh Tư về sự góp sức làm rõ tội ác Mười Vân trước phiên tòa đặc biệt tại TP Biên Hòa. Mười Vân đã bịa đặt vu khống vợ chồng tôi, anh em tôi về tội phản quốc. Bắt vợ chồng tôi, em ruột tôi, em rể tôi và bắn chết anh ruột tôi sau một tháng tôi bị bắt. kết tội gia đình tôi phản quốc, giam cầm 64 cán bộ ở Biên Hòa, Vũng Tàu cùng kết tội phản quốc nay đã được giải oan trở về tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Họ là những cán bộ, đảng viên trung thành với tổ quốc, với Đảng và nhân dân.
Đồng chí Phan Văn Trang (Năm Trang) và ông Tư Thắng
Ngày Chủ nhật 2-4-2000, đọc xong hồi ký của Tư Thắng, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xúc động viết : “Đọc xong quyển hồi ký, cháu có nhiều suy nghĩ và càng thấy tâm đắc sâu sắc hơn nhiều điều. Nhất là về lòng yêu nước, thương dân, đức tính hết lòng phục vụ nhân dân, lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng cao đẹp của Đảng, tinh thần dũng cảm, sáng tạo trong gian nguy thử thách và tính tổ chức kỷ luật nghiêm túc trước nhiệm vụ được giao; sống thủy chung và có trách nhiệm đầy đủ với gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng đội…của người đảng viên cộng sản, của một con người. Cháu học tập nhiều ở chú qua những mẩu chuyện này. Và càng thấy căm ghét với thứ chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bè phái, không dân chủ, không công bằng, sống không trung thực, thủ đoạn, thiếu tình người…trong nội bộ ta, nó sẽ là tai họa hơn cho dân, cho nước, cho Đảng khi những khuyết tật này lại rơi vào những người đảng viên có chức có quyền. Hy vọng lịch sử sẽ tiến lên, cuộc đời này mọi việc rồi sẽ tốt đẹp hơn”.

Những dòng thư cảm động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về ông Tư Thắng
Tấm gương sáng về quan tòa Thanh Thiên đã làm cảm động sâu sắc tới Thủ tướng hơn 13 năm về trước. Điều không ai có thể phủ nhận đó là, những giá trị và sức sống của tình cảm, suy nghĩ qua bức thư của Thủ tướng, dường như vẫn còn nguyên giá trị hôm nay. Một sự nghiệp cách mạng, vì dân, vì nước.

Nguyễn Trần Châu
(TSNH)

Alan Phan - Đất Nước Cần Ta Ba Lô


“Tôi không biết những gì sẽ chờ đợi ở cuối đường, nhưng tôi sẽ đến với nụ cười trên môi” - Herman Melville (Moby-Dick)
Phải ra khỏi thiên đường
Trong những chuyến du hành liên lục địa, du khách người Úc chiếm số khá đông so với dân số khiêm tốn của xứ này, khoảng 23 triệu. Tôi tìm ra nguyên nhân khi qua Úc học hậu đại học vào năm 2002. Tại Tweed Heads và Coolangatta nơi trường Southern Cross tọa lạc, tôi tìm thấy một thiên đường tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban phúc và con người đã trân trọng. Biển xanh trong ngây ngất, không khí không một hạt bụi, khí hậu ấm áp, cảnh quan và kiến trúc hài hòa, không nhiều chênh lệch giữa giàu nghèo dù mức sống cao, tốn kém. Tuy nhiên, mỗi tuần, tôi háo hức chờ đến Thứ Sáu để bay về Hồng Kông... vì thiên đường Úc buồn không thể tả.
Có lẽ vì vậy, người Úc nào, dù già trẻ lớn bé, nam nữ hay đồng tính, đều thích du lịch thế giới mỗi khi có dịp, hay tìm một việc làm, một cô vợ hay một tấm chồng…ở một nơi nào khác. Họ sẵn sàng ra biển lớn để tìm cảm giác lạ, kiến thức mở, kinh nghiệm mới cho cuộc sống hay sự nghiệp của mình. Với tư duy này, có thể nói người Úc có chỉ số IQ hay EQ hay AQ rất tốt.
Nếu so sánh, tôi nghĩ sự sáng tạo trong nền kinh tế IT của 23 triệu dân Úc chắc phải hơn những thành quả thu nhặt của 1.2 tỷ dân Trung Quốc. Chỉ nhìn sĩ số sinh viên Tàu tại các đại học Úc chúng ta có thể mường tượng một nghịch lý nào đó về “sự thông minh của đám đông”. Nếu người Tàu hãnh diện về 5 ngàn năm văn hóa, họ sẽ nghĩ thế nào khi nhận biết rằng 200 năm trước, những tổ tiên sáng lập ra nước Úc là những tên tội phạm nguy hiểm bị Anh đầy qua một hòn đảo ngoài thế giới nơi chỉ có rừng thiêng nước độc?
Sự việc cũng cho ta chút hy vọng là nếu những tên đầu trộm đuôi cướp này có thể tạo nên một thế giới văn minh cho con cháu; thì bầy vượn của những khu rừng khác trên thế giới cũng có thể vượt qua chính mình để có được những Planet of the Apes thần kỳ trong phim ảnh?
Bài học của các anh chị Tây Ba Lô
Quay lại Saigon, mỗi khi đi ngang khu Phạm Ngủ Lão, Đề Thám…tôi nhìn các anh chị Tây Ba Lô với nhiều thán phục và hoài niệm. Họ là hình ảnh của Alan thời 60’s, vai nặng ba lô đầy đồ đạc, quần áo rẻ tiền, túi không bao giờ có nhiều hơn 50 đô, lang thang trên mọi nẻo đường của Âu Châu, thường không biết hôm nay sẽ ăn gì và ngủ ở đâu. Luôn an ủi mình bằng câu “tùy cơ ứng biến” và “trời sinh Alan sẽ sinh ra bánh mì”.
Những cuộc phiêu lưu vô định… đôi khi ngu xuẩn này đương nhiên cũng gây nhiều ngạc nhiên khó chịu và bực bội…vì Murphy có câu thành ngữ là nếu có gì sai trái, nó sẽ hiện thực và luôn luôn là vào thời điểm bất ngờ nhất. Tôi không quên lần tán tỉnh được 2 cô nàng ở Barcelona, nghĩ là tối nay sẽ có cuộc tình tay ba tuyệt diệu. Nào ngờ, nửa đêm, bị trói thúc ké trên chiếc ghế gỗ trong căn phòng khách sạn tồi tàn. Hai cô “người tình” lý tưởng thì đã biến mất với tiền bạc và quần áo của mình. Hay lần chiếc xe buýt cũ kỹ rơi xuống hố gần Qito (Ecuador). May mà chỉ bị thương nhẹ.
Nhưng những chuyến đi này là những kho tàng khi từ tương lai nhìn lại…chúng mở mang trí tuệ (một ngày đàng học một sàng khôn), chúng tăng lực tự tin cho tinh thần, và chúng giúp chúng ta có một tầm nhìn chính xác hơn về cái hư vô và nghiệp chướng của con người.
Tôi không biết là giữa những mảnh bằng đại học và những chuyến đi…cái nào đã thực sự đóng góp nhiều hơn trong quá trình làm người của mình.
Một đội ngũ… Ta Ba Lô
Trong cuộc hội thảo gần đây tại một trường đại học, tôi đã ngạc nhiên khi thấy quá ít sinh viên Việt có hộ chiếu và đã từng xuất ngoại. Tôi tin là hơn nửa số sinh viên có mặt hôm đó chắc có nhiều tiền hơn phần lớn các Tây Ba Lô tại Saigon. Điều họ thiếu sót lớn nhất là “ước muốn” và “can đảm”. Tiền tiêu cho những giờ chém gió và lảm nhảm tại các quán cà phê và các quán nhậu có thể nhiều hơn tiền tiêu mỗi ngày tại Thái Lan hay Myanmar. Vé máy bay đi nhiều nơi ở Asean rẻ hơn vé máy bay đi Hà Nội hay Đà Nẵng. Một chân làm bếp hay dọn dẹp trên một con tầu cho bạn một chuyến đi miễn phí qua Âu, Úc hay Mỹ. Phần lớn các bạn trẻ Việt ngày nay thông minh, sáng tạo và nếu biết tìm tòi trên mạng, sẽ tìm ra cả trăm cách thức để làm…Ta Ba Lô.
20 năm trước, tôi khó tìm ra một du khách từ Trung Quốc, Việt Nam hay Liên Xô. Hộ chiếu để xuất ngoại là một ân huệ và quyền lợi của các con ông cháu cha. Bây giờ, thì khắp thế giới, đâu cũng có dấu ấn của các công dân XHCN này. Tuy nhiên, phần lớn du khách thuộc hai loại: các tư bản đỏ với những tiêu xài hàng hiệu và khoe khoang thật “sốc” với dân địa phương và các ông bà già chắt chiu tiền tiết kiệm qua những tours rẻ tiền, bầy đàn, sợ sệt và thích phóng uế bừa bãi. Rất ít du khách là những…ta ba lô muốn đi tìm một kiến thức và kinh nghiệm về thế giới bên ngoài. Tôi chắc chắn là chúng hào hứng và quý giá hơn các lớp học Mác Lê buồn tè, nhìn qua lăng kính của những ông già gần đất xa trời.
Đòi hỏi của nền kinh tế kiến thức
Sự va chạm với thực tại, đôi khi khá đắng cay và tủi nhục, sẽ làm con người Việt trong bạn thức tỉnh: từ những bản lĩnh đáng tự hào đến những thói quen nhiều ngu muội. Tôi vẫn nghĩ cách duy nhất để thể hiện lòng yêu nước và đóng góp tích cực vào định mệnh tương lai của xã hội là thể hiện sự thăng hoa, tiến bộ hàng ngày của cá nhân mình. Chúng ta cần đổi mới, nhưng hãy đổi mới chính con người nội tại trước đã.
Hành trình dài cần những bước nhỏ đầu tiên. Hãy hứa với mình là sẽ đi xin một hộ chiếu ngày mai và suy nghĩ ra cách đi chơi Kampuchia hay Lào hay Thái Lan …trong tháng tới. Đơn giản thế thôi.
Hãy ra biển lớn… nhìn, nghe và suy nghĩ. Một lúc nào đó, mình sẽ biết làm gì với con người mới của mình…
Hãy nghe Eleanor Roosevelt thì thầm ”... Mục tiêu của đời sống là hãy sống, hãy tận hưởng kinh nghiệm, hãy lên đường tìm những phiêu lưu mới, hăng hái và không sợ sệt”….
Alan Phan
(Blog Alan Phan)

Hồ Chí Minh với việc khẳng định những giá trị cốt lõi trong mô hình CNXH ở Việt Nam

(chán thật, đến h này rồi mà vẫn cứ nhai mãi điệp khúc...)

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một trong những nội dung trung tâm của tư tưởng Hồ Chí Minh; trong đó, những luận giải rất phong phú của Người về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như một biểu trưng mẫu mực về sự nghiền ngẫm uyên bác những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê nin, về tinh thần sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê nin vào hoàn cảnh các nước thuộc địa. Đây là những luận điểm đặt tiền đề quan trọng và là kim chỉ nam cho cho hành trình tới tương lai tươi sáng của dân tộc, đặc biệt cho sự nghiệp đổi mới tư duy lý luận hiện nay.
Trong các di sản lý luận của mình, C. Mác và Ph. Ăng ghen đã nêu lên những dự đoán thiên tài về xã hội tương lai - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Hai ông đã có công biến Chủ nghĩa xã hội vốn là học thuyết không tưởng thành học thuyết có cơ sở khoa học. Tuy vậy, do điều kiện lịch sử, các nhà sáng lập ra Chủ nghĩa xã hội khoa học chỉ có thể dự đoán những nét chủ yếu, chứ không thể nêu lên một cách chi tiết những quan niệm của mình về xã hội tương lai. Hơn nữa, những dự đoán ấy được hình thành chủ yếu trên cơ sở nghiên cứu hiện thực xã hội tư bản chủ nghĩa phát triển tương đối cao ở một số nước Tây Âu. Có hai vấn đề đặt ra: Thứ nhất, chế độ cộng sản có thể áp dụng được ở châu Á nói chung và Đông Dương nói riêng không? Thứ hai, có thể có một mô hình chủ nghĩa xã hội chung cho mọi quốc gia, dân tộc không?
Về vấn đề thứ nhất: Chế độ Cộng sản có thể áp dụng được ở châu Á nói chung và Đông Dương nói riêng không? Vấn đề này được Hồ Chí Minh cùng những người cách mạng ở châu Á và Đông Dương quan tâm ngay từ năm 1921. Muốn hiểu biết vấn đề đó và muốn trả lời câu hỏi đó, Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh cho rằng cần phải xem xét tình hình cụ thể ở lục địa châu Á về mặt lịch sử và địa lý. Bằng nhãn quan chính trị sắc sảo và sự hiểu biết sâu rộng, trên cơ sở nghiên cứu, xem xét các nước châu Á một cách toàn diện cả về lịch sử xã hội - văn hoá, kinh tế, chính trị... Người đi đến kêt luận: "Bây giờ hãy xét những lý do lịch sử cho phép Chủ nghĩa Cộng sản thâm nhập dễ dàng vào châu Á, dễ dàng hơn là ở châu Âu"[1]. Bởi ở châu Á, tư tưởng về cộng đồng xã hội, bình đẳng, giáo dục và đề cao giá trị nhân văn; tư tưởng phải đấu tranh cho hạnh phúc của con người, đề cao nhân dân.v.v.. đã phát triển sớm, trở thành cơ sở thuận lợi để tiếp nhận tư tưởng của Chủ nghĩa Cộng sản. Cuối thế kỷ XX, một sự thật lịch sử là trong khi một mô hình chủ nghĩa xã hội tan rã ở các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu, thì chế độ xã hội chủ nghĩa lại được củng cố và phát triển ở các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc... Thực tế đó đã chứng minh nhận định thiên tài của Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh.
Về vấn đề thứ hai: Có thể có một mô hình chủ nghĩa xã hội chung cho mọi quốc gia, dân tộc không? Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê nin đã có những dự đoán thiên tài về xã hội tương lai, song chưa lúc nào các ông cho rằng, trong tương lai chủ nghĩa xã hội sẽ chỉ có một mô hình duy nhất. Chủ nghĩa xã hội về bản chất và mục tiêu là thống nhất, nhưng có nhiều mô hình khác nhau, thể hiện sự đa dạng, phong phú trong việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Mô hình chủ nghĩa xã hội ở mỗi quốc gia bao giờ cũng mang trong nó những nét đặc thù về lịch sử, văn hoá, dân tộc của quốc gia đó.
Hồ Chí Minh đã tiếp cận Chủ nghĩa xã hội từ nhiều phương diện khác nhau: Từ chủ nghĩa yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc, từ phương diện đạo đức, từ góc độ văn hoá... Trên các phương diện Người đều thấy rằng, về bản chất Chủ nghĩa xã hội là một chế độ mới khác biệt về chất, một chế độ thực sự ưu việt, đầy tính nhân văn cao cả. Người chỉ rõ: "Chỉ có Chủ nghĩa Cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hoà bình, hạnh phúc..."[2]. Đối với Việt Nam, Chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển tất yếu của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Sau này, trong lý luận nhận thức về Chủ nghĩa xã hội, Người khẳng định thêm nhiều luận điểm quan trọng: "Không có một chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và đảm bảo cho nó được thoả mãn bằng chế độ Xã hội chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa"[3]; Chủ nghĩa xã hội là "nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được no ấm và sống một đời hạnh phúc"[4]...

Bác Hồ nói chuyện với bà con nông dân Hùng Sơn - Đại Từ - Thái Nguyên năm 1954.
Giá trị xuyên suốt và đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về mô hình Chủ nghĩa xã hội gắn liền với khát vọng cháy bỏng của Người; đó là xã hội giải phóng thật sự con người, xã hội do nhân dân lao động làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Theo Hồ Chí Minh, xây dựng chế độ chính trị - xã hội ưu việt là nhằm giải phóng con người về mặt chính trị. Khi đó con người mới thực sự là mục tiêu theo ý nghĩa chân chính của nó. Mặt khác, giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột và nô dịch trong xã hội có giai cấp đối kháng là một động lực mạnh mẽ, là công cụ chủ yếu để khai thác và phát huy mọi khả năng vật chất và tinh thần của con người vào sự phát triển xã hội. Một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa theo Hồ Chí Minh quan niệm là một xã hội trong đó con người được tự do, bình dẳng, hạnh phúc. Con người có sự phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Hồ Chí Minh đã nêu những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cả sáu vấn đề người đưa ra đều liên quan đến con người và giải phóng con người. Đó là:
Nhân dân đang đói, làm gì để thoát khỏi nạn đói.
Nhân dân đang dốt, làm gì để thoát khỏi dốt.
Nhân dân chưa được hưởng dân chủ, làm gì để nhân dân được hưởng tự do.
Nhân dân bị đầu độc bằng rượu và thuốc phiện, phải làm gì để thoát khỏi nạn này.
Nhân dân phải chịu nhiều thứ thuế, phải bỏ ngay các thứ thuế đó cho dân.
Nhân dân bị thực dân chia rẽ, phải làm gì để đoàn kết nhân dân lại.
Trong suốt quá trình lãnh đạo công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Người thường xuyên nhắc nhở Đảng và Chính phủ phải luôn lo cho dân: Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Trước lúc đi xa, trong Di chúc Người lại nhắc: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân"[5]. Như vậy, yêu thương những con người lao động, đấu tranh nhằm giải phóng con người khỏi ách áp bức bóc lột, bất công, khỏi sự nghèo đói, dốt nát là điểm xuất phát trong cách tiếp cận mô hình chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong lịch sử Việt Nam, các triều minh quân đều nhận thức: Yêu thương nhân dân là việc đầu tiên của vương chính; có đặt dân sinh lên chốn chiếu êm mới làm cho thế nước vững như Thái sơn, bàn thạch. Tư tưởng ái dân, nhân hậu với nhân dân, mưu lo cho dân an cư lạc nghiệp được Trần Hưng Đạo nâng lên thành thượng sách giữ nước và Nguyễn Trãi coi như biểu trưng của việc nhân nghĩa. Chủ trương ái dân và đã có những chính sách "chăn dân", nhưng trên thực tế hầu như ở tất cả các triều đại xưa quyền làm chủ của người dân không được xác lập; có chăng nhân dân chỉ được hưởng cái "quyền" của mình khi đất nước lâm nguy, khi thái ấp của vua chúa có nguy cơ rơi vào tay giặc. Đặc biệt ở các triều đại vua chúa nhà Nguyễn (cuối thế kỷ XIX), "đức" thương dân của vương quan trong triều chỉ là đức thương của người cưỡi ngựa thương con ngựa; ái dân cốt để vinh thân, củng cố vương quyền. Và những khẩu hiệu: "Tự do, bình đẳng, bác ái" mà Chủ nghĩa tư bản rêu rao, được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khảo cứu bằng chính thực tế cuộc sống người lao động ở các nước: Pháp (1911), Hoa Kỳ (1912), Anh (1914)..., rốt cuộc chỉ là sự che đậy bản chất bất công tàn bạo và đê tiện của chủ nghĩa tư bản. Trên thực tế, ở đâu giai cấp công nhân và nhân dân lao động cũng bị áp bức bóc lột rất dã man. Cho đến nay, Chủ nghĩa tư bản đã kéo dài sự phát triển qua mấy thế kỷ, vẫn không thể xoá bỏ được những mâu thuẫn cố hữu giữa lao động và tư bản, giữa người bị áp bức, bóc lột và kẻ áp bức, bóc lột; sự phát triển ấy không những không thể khắc phục được mà ngày càng làm trầm trọng hơn sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội.

Bác Hồ nói chuyện với nông dân và xã viên HTX - NN Lai Sơn - Vĩnh Phúc ngày 30-3-1958.
Đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển, Chủ nghĩa xã hội là xã hội duy nhất mà ở đó quyền con người trở thành hiện thực, là xã hội có khả năng phát huy cao nhất mọi tiềm năng con người (cá nhân, tập thể, cộng đồng). Với Hồ Chí Minh, con người là chủ thể tích cực của lịch sử, nhân dân là giá trị quý báu nhất, cao nhất; của dân, tài dân, sức dân là nguồn lực quan trọng nhất của phát triển. Không có dân ủng hộ giúp đỡ thì cách mạng không có sức mạnh, không thể thành công. Không có dân thì Đảng không có lực lượng. Có dân, được dân tin, dân yêu, dân phục, lại có đường lối đúng để dẫn dắt dân tranh đấu thì việc khó mấy cũng giải quyết được.
Nói đến quyền con người trong Chủ nghĩa xã hội không thể không nói đến tư tưởng dân chủ. Dân chủ xã hội chủ nghĩa chính là sự thể hiện quyền con người của cá nhân và cộng đồng ở mức cao nhất. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nếu trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân thì dân chủ là của quý báu nhất trên đời của nhân dân; dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ[6]. Quan niệm đó thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa tính nhân văn và tính pháp lý của dân chủ, được thể hiện thống nhất trong nội hàm dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân và vì nhân dân. Nhưng để nhân dân thực hiện được vai trò cách mạng của mình, đem lại hạnh phúc cho chính mình cần phải có sự lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng tới công việc thực tế để xây dựng nền dân chủ tiến bộ nhất thực sự là của dân, do dân, vì dân. Suốt cuộc đời của mình, Người luôn quan tâm xây dựng Đảng trên cả ba phương diện: Tư tưởng, lý luận; đường lối chính trị; tổ chức cán bộ. Người đòi hỏi Đảng phải thực sự là đạo đức, là văn minh, cán bộ đảng viên phải "chính tâm", "nghiêm pháp"; phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp, của nhân dân, ngoài ra không còn lợi ích nào khác. Đảng và Nhà nước không phải là "cứu tinh" của nhân dân mà có trách nhiệm phụng sự nhân dân, là đày tớ của nhân dân. Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Đảng phải quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; chú trọng nâng cao dân trí; đặt dân sinh, dân trí, dân chủ trong quan hệ thống nhất.
Khi xác lập những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê nin cũng nhấn mạnh, chủ nghĩa xã hội không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải tuân theo, không phải là những sắc lệnh từ trên xuống, mà nó là một phong trào hiện thực, là sự nghiệp sáng tạo của bản thân quần chúng nhân dân. Vì thế, mọi sự gò ép, bất chấp hiện thực, công thức hoá những tư tưởng lý luận trên thực tế đều phải trả giá. Chủ nghĩa xã hội hiện thực luôn phát triển, do đó quan niệm về nó cũng phải được phát triển.
Chủ nghĩa xã hội và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thuộc phạm trù cách mạng vô sản nhưng được diễn ra ở một xứ thuộc địa không hoàn toàn giống một cuộc cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo ở phương Tây như các nhà kinh điển Mác - Lê nin đã chỉ ra. Vì vậy, tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê nin đòi hỏi sự vận dụng cần phải "Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông"[7]. Đồng thời, nó phải được cụ thể hoá, phát triển và hoàn thiện trong quá trình cách mạng. Hơn nữa, Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội có nhiều nội dung, mỗi nội dung có quy luật phát triển riêng và luôn mang tính khả biến, gắn với diễn trình lịch sử trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ cách mạng. Bởi vậy, để cách mạng thắng lợi đòi hỏi trong nghiên cứu, hoạch định đường lối cách mạng và chỉ đạo thực tiễn phải có quan điểm lịch sử cụ thể và phát triển; phải thấy rõ, phân tích và giải quyết tốt các mối liên hệ, có bước đi phù hợp, có những điều kiện cơ bản đảm bảo cho con đường cách mạng được hiện thực hoá. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ phát hiện ra con đường cách mạng Việt Nam mà Người đã không ngừng phát triển hoàn thiện nó qua những thời kỳ lịch sử với những quan điểm cực kỳ đúng đắn, sáng tạo, chẳng những chỉ đạo cách mạng Việt Nam lúc sinh thời của Người mà còn có giá trị xuyên suốt tới ngày nay và mai sau.
Tính cách mạng khoa học, đúng đắn, sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh trong xác định con đường cách mạng Việt Nam đã được lịch sử kiểm chứng. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc đi lên Chủ nghĩa xã hội, sau chiến thắng 30-4-1975 cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Sự phát triển không ngừng của đất nước trước những cam go, thử thách và biến động thăng trầm của lịch sử, những thành quả to lớn của cách mạng Việt Nam trong gần thế kỷ qua càng chứng minh giá trị và sức sống mãnh liệt của tư tưởng Hồ Chí Minh. Sự vận động của thực tiễn cách mạng đòi hỏi lý luận về mô hình chủ nghĩa xã hội phải có bước phát triển mới. Việc xác định những đặc trưng cơ bản trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (1991) và việc tiếp tục bổ sung, phát triển quan niệm về Chủ nghĩa xã hội trong Nghị quyết Đại Hội XI của Đảng ta là sự tiếp nối kiên định, sự hiện thực hoá tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới của đất nước.
Con người - cuộc đời - sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự hội kết, chiết suất các giá trị và trở thành hệ giá trị vĩnh hằng đi sâu vào tâm thức mỗi người, thành biểu tượng thiêng liêng của lớp lớp các thế hệ không dễ phai nhạt. "Trong mọi sự biến đổi cũng có một số điều quan trọng không thể thay đổi, đó là lý tưởng Chủ nghĩa xã hội, các tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa, tự do dân chủ và công bằng xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại, người theo chủ nghĩa quốc tế đã cống hiến trọn đời mình cho lý tưởng đó"[8]. Ai đó cố tình rêu rao cái gọi là "chọn sai đường" và "giá như"... là không thể chấp nhận với tất cả những ai có lương tri và biết trân trọng lịch sử.
Đại tá – Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường
--------------------
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H. 1995, tr.35.
2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H.1995, tr.461.
3 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H. 1996, tr.291.
4 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, H.1996, tr.17.
5 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H. 1996, tr.511.
6 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H. 1995, tr.515, 365
7 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H. 1995, tr.465.
8 Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (trích tham luận của đại biểu quốc tế UNESCO và Uỷ ban KHXHNV), H.1990, tr. 168.
(QĐND)

Lê Mai - Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh

I.

Căn nhà nhỏ những canh khuya vời vợi

Vẫn lo toan tháo cởi những bất hòa

Trái tim lớn đêm ngày quên mệt mỏi

Dệt dải hồng chắp nối bạn gần xa
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Việt Phương nói đến Hồ Chí Minh luôn “lo toan tháo cởi những bất hòa?”. Ta hiểu, bất hòa là nói về mâu thuẫn nội bộ, không phải mâu thuẫn địch – ta. Nội bộ “ta” có bất hòa sao?
Trên bình diện quốc tế, những năm tháng ấy, trong nội bộ phe XHCN, hai “ông anh lớn” là Liên Xô và Trung Quốc tranh cãi nhau kịch liệt, hơn thế, có khi còn đụng nhau sứt đầu, mẻ trán ở biên giới nữa. Hồ Chí Minh đã làm rất nhiều việc quên mệt mỏi nhằm đoàn kết Xô – Trung, đoàn kết quốc tế, giữ cho Việt Nam ở vị thế có lợi nhất.
Còn trong nước thì sao? Ý thơ Việt Phương dẫn tôi đến Hồi ký Những kỷ niệm về Bác Hồ được cho là của Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng. Hồi ký này có kể ra mười (thực ra chỉ kể 8) nỗi đau của Hồ Chí Minh.
“Nỗi đau thứ bẩy là sự bất hoà giữa mấy người lãnh đạo của ta. Không phải mọi việc đều êm đẹp cả. Họ nhất trí với nhau về quan điểm đánh Mỹ, nhưng quan điểm quốc tế không thống nhất, về quan hệ cá nhân với nhau không thuận lợi…Bác cho làm cơm và nói mấy chú cứ đến đây ăn cơm vui vẻ với nhau, có gì khúc mắc cứ nói hết ra, không nên để bụng… Họ cứ đến ăn cơm, chén hết rồi họ về, chẳng ai nói với ai điều gì. Nếu không biết việc này thì không hiểu hết tại sao trong di chúc Bác lại dặn phải đoàn kết toàn Đảng, từ Trung ương đến địa phương…Có thể có một vài hiện tượng, có đồng chí nào đó muốn vượt Bác, Bác biết hết, nhưng Bác không quan tâm…”
Không biết thực hư những chuyện đó như thế nào, nhưng trước mắt tôi là hai cuốn sách viết về Hồ Chí Minh. Tác giả hai cuốn sách này là Vũ Kỳ, người thư ký tuyệt đối trung thành và gần gũi – một “tiểu đồng” thực sự của Hồ Chí Minh.
Cuốn sách thứ nhất có tên Càng nhớ Bác Hồ, do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1999. Cuốn sách gồm ba phần. Phần thứ nhất: Bác Hồ từ Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc. Phần thứ hai: Bác Hồ viết Di chúc. Phần thứ ba: Những bức thư kể chuyện Bác Hồ. Cuốn sách thứ hai có tên Bác Hồ viết Di chúc, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 1999.
Ta thấy gì trong hai cuốn sách do hai Nhà xuất bản đã nói ở trên ấn hành?
Đây là một đoạn trong Bác Hồ viết Di chúc (Càng nhớ Bác Hồ, trang 152, Nhà xuất bản Thanh niên):
“Đúng hẹn, đồng chí Lê Duẩn sang gặp, cũng vừa lúc Bác đánh máy xong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” vào lúc 16 giờ ngày 14 tháng 5 năm 1965. Nhưng Bác đánh máy dòng chữ “Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 1965″ trước chữ ký Hồ Chí Minh. Bên cạnh, phía trái, là chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn.
17 giờ, anh Cả sang ăn cơm với Bác, báo cáo cụ thể về chuyến đi công tác ngày mai” (hết trích).
Cũng viết về nội dung trên, nhưng đây là đoạn trong Bác Hồ viết Di chúc (trang 34, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia):
“Đúng hẹn, đồng chí Lê Duẩn sang gặp, cũng vừa lúc Bác đánh máy xong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” vào lúc 16 giờ ngày 14 tháng 5 năm 1965. Nhưng Bác đánh máy dòng chữ “Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 1965” trước chữ ký Hồ Chí Minh.
17 giờ, anh Cả sang ăn cơm với Bác, báo cáo cụ thể về chuyến đi công tác ngày mai” (hết trích).
Ta đã rõ hai đoạn đó khác nhau chỗ nào?
Mấy câu thơ gợi ý cho tôi đọc lại những cuốn sách viết về Hồ Chí Minh, trong đó, tôi đọc rất nhiều lần những tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng. Có lẽ, không một nhà văn, nhà nghiên cứu nào viết về Hồ Chí Minh với một tấm lòng ngưỡng mộ, sùng bái, kính trọng, yêu thương Hồ Chí Minh như Sơn Tùng. Có thể nói không quá lời, Sơn Tùng đã dồn tất cả tình cảm của mình vào từng dòng, từng chữ ngợi ca Hồ Chí Minh. Điểm đặc biệt, Sơn Tùng để rất nhiều tâm huyết, công sức sưu tầm, gặp gỡ, nghiên cứu các tư liệu về Hồ Chí Minh.
Và đây là một đoạn trong cuốn Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh (Sơn Tùng, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, ấn hành năm 2005, trang 81):
“Sau phút thổn thức lắng vào, giọng nói anh Vũ Kỳ âm vang từ trái tim mình:
- Tối hôm ấy, mồng 1-9, Bác lại đau kịch liệt. Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp… ở bên giường Bác. Cấp cứu tận đêm khuya mà cơn đau chưa giảm! Đồng chí Lê Duẩn khẽ gọi anh Vũ Kỳ ra hành lang, đứng dưới hàng cây ảo mờ ánh đèn vàng vọt. Một bầu ẩm đạm trùm cả khu vườn, cây cối im phăng phắc, mặt ao tĩnh lặng không tăm cá!
Đồng chí Lê Duẩn hỏi:
- Bác có viết gì để lại không?
- Có ạ! Anh Vũ Kỳ đáp mà mắt vẫn hướng vào phía giường Bác!
Im lặng! Cái phút im lặng trong thời mệnh này như dài vô tận! Đồng chí Lê Duẩn lại hỏi:
- Bác có viết điều gì về Liên Xô, Trung Quốc và về quốc tế không?
- Có ạ! Anh Vũ Kỳ đáp lẹ và thầm nghĩ, nếu đồng chí Lê Duẩn đòi xem ngay Di chúc của Bác thì ứng xử thế nào…Nhưng đồng chí Lê Duẩn sau cái im lặng nặng nề nói:
- Hãy biết vậy. Ta đi vào…” (hết trích).
Ý thơ Việt Phương tiếp tục đưa tôi sang một chuyện khác. Nước Việt Nam vừa giành được độc lập ba tuần lễ thì thực dân Pháp trở lại đánh chiếm thành phố Sài Gòn. Hồ Chí Minh không chọn ai khác mà giao miền đất lửa của Tổ quốc cho Nguyễn Bình – thủ lĩnh đệ tứ chiến khu Đông Triều. Nguyễn Bình rất xúc động, thưa với Hồ Chí Minh rằng mình chưa phải là Đảng viên Cộng sản. Giọng Hồ Chí Minh như đanh thép: Đảng viên Cộng sản ư? Tổ quốc trên hết!
Năm 1948, Nguyễn Bình, Tư lệnh Nam Bộ, được phong Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, chỉ đứng sau Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Vẫn theo Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh (trang 18):
“Cụ Vũ Đình Huỳnh bùi ngùi nhớ lại:
- Vào một ngày mưa hạ tuần tháng 5.1951, mây mù ảm đạm cả núi rừng Tuyên Quang. Bác Hồ nhận một cái tin đau buồn: Trung tướng Nguyễn Bình bị phục kích chết tại chỗ trên đường ra Bắc theo điện của Bác Hồ và Trung ương gọi? Sau phút bàng hoàng, Bác nói với tôi “Lạ quá! Sao lại có chuyện gọi chú Nguyễn Bình ra Việt Bắc. Làm sao có chuyện một Trung tướng Nguyễn Bình tung hoành giữa Sài Gòn, lại bị bắn chết trên đường?” Và bên anh Năm (đồng chí Trường Chinh), anh Văn cũng không biết là ai điện vào Nam Bộ gọi Trung tướng Nguyễn Bình ra Trung ương?” (hết trích).
Đến đây, ta càng thấm thía lời dặn dò của Hồ Chí Minh trong Di chúc:
“Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” (hết trích).
Tư tưởng, tầm nhìn của Hồ Chí Minh cao đến thế!
Tôi xin kết thúc với câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”!
(Ngày 16.5.2010)
II.



Một người không Phật mà rất Phật

Không tắm Hoàng Hà tắm sông Lam



Một người rất Mác mà ngoài Mác

Nghèo như chút nhút ngọt như cam



Một người quốc tế vì dân tộc

Một lòng sau trước nghĩa kết đoàn



Một người hóa thân thành dân nước

Không là thần thánh chẳng vua quan



Một người ấp ủ bao khao khát

Như mọi con người ở trần gian



Cuộc đời vạn biến mà không khác

Một người toàn vẹn chỉ Việt Nam
(Người – Việt Phương)
Tôi xin tiếp tục với bài thơ Người của Việt Phương – một nhà thơ, một nhà thông thái, rất gần gũi Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Tôi nghĩ, Người là một tổng kết rất ngắn gọn, cô đọng, súc tích, đạt tới tầm khái quát cao về Hồ Chí Minh. Và cách diễn đạt, cách thể hiện của bài thơ cũng rất Việt Phương – nghĩa là đầy tính độc đáo và sự thông tuệ.
Vì sao “Một người rất Mác mà ngoài Mác”? Hồ Chí Minh, con người vừa kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đi khắp bốn biển năm châu, nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin rất sâu, ngay trên quê hương của các nhà sáng lập, đã rút ra kết luận của mình: “Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng”. Đó là cốt lõi của chủ nghĩa Mác. Có lần, Hồ Chí Minh hỏi Hà Huy Giáp, bấy giờ là Thứ trưởng Văn hóa, thế nào là chủ nghĩa Mác – Lênin ở VN, đã làm ông Giáp lúng túng. Chủ nghĩa Mác – Lênin ở VN là lý kết hợp với tình. Hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin? Như vậy, mọi sự kiên trì, sao chép máy móc, giáo điều về chủ nghĩa Mác – Lênin đều xa lạ với Hồ Chí Minh và điều đó chỉ gây hại cho dân tộc, cho đất nước.
Tôi không có ý định và càng không có khả năng phân tích toàn bộ bài thơ, chỉ hy vọng qua thơ để hiểu thêm về lịch sử.
Ý thơ Việt Phương tiếp tục đưa chúng ta đến tầm nhìn về dân tộc đi trước thời đại của Hồ Chí Minh. Như chúng ta biết, sau Hội nghị hợp nhất ngày 3.2.1930, Quốc tế Cộng sản coi quan điểm của Nguyễn Ái Quốc là phạm sai lầm hữu khuynh, dân tộc chủ nghĩa. Dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Trần Phú đã dự thảo Luận cương chính trị và đã được Hội nghị Trung ương tháng 10.1930 thông qua, đồng thời Hội nghị còn thủ tiêu Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Nguyễn Ái Quốc. Nhưng, thực tiễn lịch sử đã chứng minh quan điểm của Nguyễn Ái Quốc là hoàn toàn đúng đắn và ngày này chúng ta càng thấy rõ sự đúng đắn đó. Dân tộc phải hướng đến quốc tế, đến nhân loại nhưng quốc tế là để phục vụ dân tộc, vì dân tộc. Lợi ích dân tộc là lợi ích tối cao nhất.
Một người quốc tế vì dân tộc

Một lòng sau trước nghĩa kết đoàn
Ngày 19.5.1941, Hồ Chí Minh thành lập Mặt trận Việt Minh, đoàn kết mọi giai cấp, mọi tầng lớp, không phân biệt tôn giáo, chính kiến, giàu nghèo… Chỉ có duy nhất một người (đang bị giam ở nhà tù Sơn La) công kích: “Ông Nguyễn Ái Quốc chứ ông trời chăng nữa mà chủ trương đoàn kết với tất cả các giai tầng xã hội là mơ hồ giai cấp, là phi vô sản, là phi đấu tranh giai cấp. Tôi không thể tin được. Cái ông này hiện nay giữ chức quyền to trong ĐCS VN” (lời ông Vũ Đình Huỳnh). Tìm hiểu một chút về lịch sử, chúng ta sẽ biết “cái ông to” đó là ai.
Ý thơ ngắn gọn mà sâu lắng, càng đọc, càng thu hút chúng ta:
Một người ấp ủ bao khao khát

Như mọi con người ở trần gian
Để hiểu thêm thơ Việt Phương, chúng ta hãy đến với nhà văn Sơn Tùng – một nhà “Hồ Chí Minh học”, trong tác phẩm Bác về đã thuật lại rất hay và cảm động về cuộc gặp gỡ giữa hai chị em Hồ Chí Minh sau ngày độc lập.
Giữa những ngày sôi nổi ấy, bà Hàn Bình, mẹ của Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thị Quang Thái (vợ đầu của Võ Nguyên Giáp) nói với bà Nguyễn Thị Thanh, chị gái của Hồ Chí Minh rằng, Cụ Hồ đã đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Hà Nội, Chính phủ do Cụ Hồ đứng đầu và anh Võ Nguyên Giáp của chúng tôi cũng tham gia Chính phủ Cụ Hồ.
Nhìn thấy ảnh của Hồ Chí Minh trên báo, bà Thanh rất mừng, nhưng nửa tin nửa ngờ, đã bốn mươi năm rồi còn gì. Bà mua một vé tàu hạng nhất, hai con vịt bầu nhốt trong một cái lồng, xuống ga Vinh lên tàu ra Hà Nội để xem Cụ Hồ có phải là em trai của mình không. Trên tàu, cả nhân viên coi toa tàu và hành khách đều khó chịu vì cái lồng vịt của bà, nhao nhao đuổi bà ra khỏi toa hạng nhất. Bà đành nín nhịn đi xuống toa đen ngồi, suy tính xem tìm cách nào để có thể tựa lưng một chút cho mặt mũi đỡ bơ phờ khi đến Hà Nội.
Trong khi đó, UB hành chính tỉnh Nghệ An, biết tin bà Thanh ra Hà Nội thăm Cụ Hồ quá muộn, bèn cho một chiếc xe ô tô cấp tốc đuổi theo đoàn tàu và người được giao nhiệm vụ tháp tùng bà đã tìm được bà tại toa đen. Khi ông này mời bà lên toa hạng nhất, đã bị bà Thanh dạy cho một bài học: Các anh thấy người mặc đồ xuyềnh xoàng quê mùa thì khinh rẻ, xua đuổi như đuổi tà, nhưng lại sợ sệt người có chức có quyền. Các anh nên nhớ, Cụ Hồ có chức nhưng không cậy quyền với dân đâu. Tôi là chị Cụ Hồ thì cũng là người dân thôi. Bà Thanh nói như thế, song cũng thắc thỏm, không biết Cụ Hồ có phải là Tất Thành không?
Bà Thanh cảm thấy phiền hà, muốn quay về khi đám lính gác Bắc Bộ phủ – hình như toàn là người Nùng, người Tày, người Mường bắt bà đợi để đi báo cáo cấp trên. Lát sau, ông Vũ Đình Huỳnh, bí thư của Hồ Chí Minh ra gặp bà, dặn bà ngồi nghỉ ngơi, để ông đi báo cáo với Cụ Hồ. Một lần nữa, bà Thanh cảm thấy phiền phức và sốt ruột…
Khi ông Vũ Đình Huỳnh quay lại, báo với bà là Hồ Chí Minh đang bận, giao cho ông đưa bà về nghỉ ngơi tại gia đình người quen (giáo sư Đặng), Bác sẽ về gặp bà tại đó, bà Nguyễn Thị Thanh “đứng phắt dậy, sải bước đến góc phòng, xách lồng vịt lên, nghiêm giọng:
- Tôi trở về Nghệ An đây. Ông lên nói với ông Hồ: Tôi không ngờ đứa em trai Nguyễn Tất Thành của tôi bốn chục năm về trước hiếu với cha mẹ, thảo hiền với chị với anh trong nhà, kính yêu thầy bạn. Vậy mà…Bây giờ là ông Chủ tịch nước – Cụ đay nghiến – Chủ tịch nước là vua chứ còn gì? Vậy là em tôi đã thay đổi, đã “quan dân lễ cách” ngay cả với chị gái của mình. Hẹn gặp chị chỗ khác. Sợ gặp chị rách rưới nơi quyền cao chức trọng này xấu hổ cho em chăng”?.
Đợi cho bà bớt giận, ông Vũ Đình Huỳnh đến bên bà, “nói vừa đủ hai người nghe:
- Thưa cụ. Được tin cụ ra thăm, Bác mừng nước mắt nhòe cặp kính lão. Bác muốn chạy ngay xuống đây với cụ. Nhưng Bác đã phải níu chặt tay vào bàn để chịu nỗi nhớ nhung. Vì hiện giờ, chính quyền cách mạng còn trứng nước mà thù trong giặc ngoài như kiến cỏ, chúng đang truy tìm cho Hồ Chí Minh có phải là Nguyễn Ái Quốc không? Vì lẽ…”. Ông Vũ Đình Huỳnh đang nỏi dở dang, bà Thanh để lồng vịt xuống, mặt bà ngời ngấn lệ:
- “Tôi hiểu ra rồi. Vì nghĩa lớn…đã vì nghĩa lớn mà bấy lây xa cách, gác lại tình riêng…Chị em tôi…Thôi ông đưa tôi về nhà ông Đặng”.
Non buổi trưa, có tiếng xe hơi ngoài cửa. Tự nhiên, như có ai xoay người bà Thanh ngoảnh mặt vào tường. Bà lắng rõ tiếng chân của cậu Tất Thành đang bước, nhưng cái dỗi như tỳ kéo bà… Hồ Chí Minh ngồi khẽ khàng xuống mép giường, hai bàn tay ấp lên vai bà: “ Chị ơi, chị nỡ nào dỗi với em!”. Bà khó òa lên!
Không phải ngẫu nhiên mà bà Thanh cố tình mặc áo vá vai, xách theo lồng vịt ra thăm em. Câu chuyện có nguyên do của nó.
Người ta thường nhấn mạnh đến lai lịch chính trị mà ít nói đến lai lịch văn hóa của Hồ Chí Minh. Mà lai lịch văn hóa mới là quan trọng. Đến đây, tôi xin kết thúc Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh với lời của Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh là một con người, trước hết là một con người và sau cùng là một con người!
Ngày 16.5.2013
Lê Mai
(Blog Lê Mai)

Hồ Chí Minh sinh ngày 19.5?

Theo tài liệu của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), Hồ Chí Minh (HCM) sinh ngày 19-5-1890.  Tuy nhiên, trong đơn xin vào học Trường Thuộc Địa Paris (Pháp) năm 1911, lúc đó HCM có tên là Nguyễn Tất Thành, đã tự viết tay là ông sinh năm 1892.
Trong đơn gia nhập hội Tam Điểm Paris năm 1922, do một người thợ chạm tên là Boulanger giới thiệu, HCM lúc đó lấy tên Nguyễn Ái Quấc (Quốc), tự đề là sinh ngày 15-2-1895. (Jacques Dalloz, “Les Vietnamiens dans la franc-maçonnerie colonial”, Revue française d’Histoire d’Outre-mer, Tam cá nguyệt 3, 1998, Paris: Société Française d’Histoire d’Outre-mer, tr. 105.)  Những ngày nầy đều do HCM tự ghi theo từng giai đoạn trong cuộc đời ông.  Vậy thật sự khó biết HCM sinh ngày nào?  Một câu hỏi được đặt ra là tại sao cuối cùng HCM chọn ngày 19-5-1890 là ngày sinh của HCM?
1.-   NGÀY RA MẮT CỦA MẶT TRẬN VIỆT MINH
Trước hết, ngày 19-5 là ngày HCM và đảng Cộng Sản (CS) ra mắt công khai mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (VNĐLĐMH), gọi tắt là Việt Minh (VM) tại Cao Bằng.  Nguyên thủy, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội không do HCM thành lập mà do Hồ Học Lãm và Nguyễn Hải Thần thành lập năm 1936 tại Nam Kinh do nhu cầu liên kết những nhà hoạt động cách mạng Việt Nam ở Nam Kinh (Nanjing/Nan-ching, Trung Hoa) với sự giúp đỡ của Trung Hoa Quốc Dân Đảng (THQDĐ).  Ngoài Hồ Học Lãm và Nguyễn Hải Thần, các hội viên nòng cốt khác là Nguyễn Thức Canh, Đặng Nguyên Hùng, Hoàng Văn Hoan [bí danh là Lý Quang Hoa, thuộc chi bộ Vân Quý tức Vân Nam (Yunnan) và Quý Châu (Guizhou) của đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD).]
Năm 1937, Hồ Học Lãm đến hoạt động ở tỉnh Hồ Nam (Hunan, Trung Hoa), và lấy tên là Hồ Chí Minh.  (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu nhân vật chí, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 168.)  Cũng trong năm nầy, trước hiểm họa xâm lăng của Nhật Bản, hai phe Quốc-Cộng Trung Hoa liên minh lần thứ hai ngày 22-9-1937.  Trong khi đó, những hoạt động của VNĐLĐMH mờ lạt dần.  Hồ Học Lãm lại già yếu, di tản theo các đoàn quân Quốc Dân Đảng Trung Hoa chống Nhật, nên VNĐLĐMH chỉ còn trên danh xưng chứ không hoạt động gì nhiều.
Hình minh họa
Nhờ sự giới thiệu của Hồ Học Lãm, vào gần cuối năm 1940, một số đảng viên CSVN dưới lớp vỏ VNĐLĐMH đến Quế Lâm (Guilin/Kweilin) tỉnh Quảng Tây tiếp xúc với Lý Tế Thâm, một nhân vật cao cấp trong THQDĐ, thân cận với Tưởng Giới Thạch.  Theo lời một đảng viên CS có mặt trong cuộc tiếp xúc nầy là Lý Quang Hoa (Hoàng Văn Hoan), thì “Qua cuộc nói chuyện với Lý Tế Thâm như vậy, cái danh nghĩa Việt Minh thực tế đã được thừa nhận, và cái danh nghĩa Biện sự xứ Việt Minh cũng mặc nhiên thành ra hợp pháp.” (Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, hồi ký. Portland, Oregon: Nhóm tìm hiểu lịch sử, 1991, tr. 135.)  Các đảng viên nầy thuộc cơ sở hải ngoại của đảng CSĐD, liên lạc và hoạt động với Hồ Quang, một gián điệp mới được Đệ tam Quốc tế Cộng sản gởi trở lại Trung Hoa năm 1938.  Hồ Quang chính là HCM.
Sau đó, HCM về Việt Nam, tổ chức hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng CSĐD lần thứ 8  từ ngày 10-5-1941 tại lán Khuổi Nậm thuộc vùng Pắc Bó (Cao Bằng).  Ngoài HCM, hội nghị chỉ có bốn uỷ viên Trung ương đảng CSVN tham dự là Đặng Xuân Khu, Hoàng Quốc Việt (tức Hạ Bá Cang), Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, và một số đại diện các xứ ủy Bắc Kỳ và Trung Kỳ.  Không có đại diện Nam Kỳ.  Hội nghị kết thúc ngày 19-5-1941 với các quyết định sau đây:  1) Ra mắt công khai mặt trận VNĐLĐMH (tức VM), bao gồm các hội Cứu quốc, như Hội công nhân cứu quốc, Hội nông dân cứu quốc, Hội văn hóa cứu quốc… 2) Đưa Đặng Xuân Khu, sau có bí danh là Trường Chinh lên làm tổng bí thư đảng CSĐD. 3) Đề ra chủ trương chuẩn bị võ trang khởi nghĩa. (Nguyễn Khánh Toàn chủ biên, Lịch sử Việt Nam tập II, Hà Nội: Nxb. Uỷ ban Khoa học Xã hội, 1985, tt.320-323.)
Qua diễn tiến trên đây, rõ ràng Nguyễn Ái Quốc lấy tên HCM của Hồ Học Lãm làm tên của mình và lấy tên tổ chức VNĐLĐMH (tứcVM) làm tên mặt trận của đảng CSĐD và công khai hóa hoạt động của mặt trận nầy tại Cao Bằng ngày 19-5-1941.
2.-   TÌNH HÌNH DIỄN TIẾN
Tại Âu Châu, sau khi Đức thất trận và đầu hàng Đồng minh ngày 7-5-1945, đại diện Hoa Kỳ là tổng thống Harry Truman, đại diện nước
Anh lúc đầu là thủ tướng Winston Churchill, sau là Clement Attlee (lãnh tụ đảng Lao Động, thắng cử ngày 25-7, lên làm thủ tướng thế
Churchill), đại diện Liên Xô là Joseph Stalin, bí thư thứ nhất đảng CSLX, cùng họp hội nghị thượng đỉnh tại thị trấn Potsdam, cách 17 dặm về phía tây nam Berlin (Đức), từ ngày 17-7 đến 2-8-1945.  Hội nghị có mục đích bàn về các vấn đề hậu chiến tại Đức, chung quanh việc phân chia các khu vực chiếm đóng, việc tái thiết nước Đức và các điều kiện đưa ra cho nước Đức thất trận.
Bên cạnh đó, cũng tại Potsdam, đại diện các nước Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa (tổng thống Tưởng Giới Thạch không họp, nhưng đồng ý qua truyền thanh), không tham khảo ý kiến của Pháp, cùng gởi một tối hậu thư cho Nhật Bản ngày 26-7-1945.  Lúc đó, Nhật Bản còn tiếp tục chiến đấu ở Á Châu.  Liên Xô không tham dự vào tối hậu thư vì Liên Xô chưa tham chiến ở Á Châu và chưa tuyên chiến với Nhật Bản.  Tối hậu thư Potsdam
buộc Nhật Bản phải đầu hàng vô điều kiện, chấp nhận những điều kiện của Đồng minh, như chấm dứt quân phiệt, giải giới quân đội, từ bỏ đế quốc… Riêng về Đông Dương, tối hậu thư quyết định rằng quân Nhật sẽ bị giải giới do quân Trung Hoa ở bắc và do quân Anh ở nam vĩ tuyến 16(Spencer C. Tucker, Editor, Encyclopedia of the Vietnam War, Volume Two, Santa Barbara, California: ABC-CLIO, 1998, tr. 583.)
Tối hậu thư không đề cập đến ai sẽ cai trị Đông Dương sau khi quân đội Nhật bị giải giới và rút về nước, nghĩa là không đưa ra một giải pháp chính trị cho tương lai Đông Dương, ngầm mở đường cho Pháp trở lại Đông Dương.  Lúc đó, Truman (Hoa Kỳ) chủ trương tôn trọng chủ quyền của Pháp tại Đông Dương để Pháp ủng hộ Hoa Kỳ tại châu Âu. (Robert S. McNamara, In Restrospect, New York: Times Books, 1995, tr. 31. Spencer C. Tucker, sđd. tr. 888.)  Lợi dụng việc nầy, khi Trung Hoa và Anh đưa quân vào Việt Nam giải giới quân đội Nhật Bản, Pháp thương thuyết với Trung Hoa và Anh để trở lại Đông Dương.
Sau khi Nhật đầu hàng ngày 14-8-1945, HCM và mặt trận VM cướp chính quyền và thành lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2-9-1945. Trong khi đó, thi hành tối hậu thư Potsdam, ngày 13-9-1945, tướng Douglas Gracey chỉ huy lực lượng Anh giải giới quân đội Nhật, có mặt ở Sài Gòn.  Ngày 14-9-1945, tướng Lư Hán dẫn quân Trung Hoa đến Hà Nội.
Ngày 8-10-1945, tại London, đại diện hai chính phủ Anh và Pháp ký Tạm ước hành chánh và tư pháp phía nam vĩ tuyến 16 ở Việt Nam, theo đó, Anh quyết định: 1) Yểm trợ Pháp tái chiếm Việt Nam. 2) Chấp nhận chính quyền Pháp ở Sài Gòn. 3) Giao quyền cai trị Nam vĩ tuyến 16 cho Pháp. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, tập A, Houston: Nxb. Văn Hóa: 1996, tt. 275-276.)
Ngày 28-2-1946 tại Trùng Khánh (Chongqing, Trung Hoa), ngoại trưởng Trung Hoa là Vương Thế Kiệt (Wang Shih-chiek) và đại sứ Pháp tại Trung Hoa là Jacques Meyrier ký kết Hiệp ước Pháp-Hoa về việc quân Pháp thay thế quân Trung Hoa ở phía bắc vĩ tuyến 16 tại Đông Dương, theo đó Trung Hoa chịu rút quân ra khỏi Việt Nam từ ngày 1 đến 15-3, và chậm nhất là ngày 31-3-1946.  Ngược lại, Pháp trả về cho Trung Hoa các tô giới Pháp ở Thượng Hải, Hán Khẩu, Quảng Đông, Quảng Châu Loan, bán cho Trung Hoa thiết lộ Vân Nam, sửa đổi quy chế người Hoa ở Đông Dương, miễn thuế người Hoa ở Hải Phòng, và người Hoa chuyên chở hàng hóa ngang qua Bắc Kỳ sẽ khỏi phải chịu thuế. (Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, tái bản kỳ 2, Sài Gòn 1970, tr. 300.)
Sau khi ký kết tạm ước London với Anh, Pháp tái chiếm Nam Kỳ rồi đổ quân ra Bắc Kỳ.  Ký kết xong hiệp ước Trùng Khánh với Trung Hoa, hạm đội Pháp đưa quân đến Hải Phòng ngày 6-3-1946.  Quân Trung Hoa rút về nước, giao lại Bắc Kỳ cho quân Pháp.
Tại Hà Nội, được tin hạm đội Pháp xuất hiện ở ngoài khơi Hải Phòng vào chiều ngày 5-3-1946 và chuẩn bị đổ bộ vào sáng ngày hôm sau (6-3-1946), HCM báo cho Jean Sainteny, đại diện Pháp tại Hà Nội, biết là ông ta đồng ý ký hiệp ước với Pháp, mà Pháp đã bí mật giao bản dự thảo ngày 7-12-1945.  Vào chiều ngày 6-3-1946, tại số 38 đường Lý Thái Tổ, Hà Nội, HCM, với tư cách chủ tịch chính phủ Liên hiệp kháng chiến, ký thỏa ước Sơ bộ với Jean Sainteny.
Theo thỏa ước nầy:  Pháp thừa nhận Việt Nam là một quốc gia tự do (état libre), có chính phủ riêng, nghị viện riêng và tài chính riêng trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp;  Việt Nam sẵn sàng tiếp đón quân đội Pháp đến thay thế quân đội Trung Hoa để giải giáp quân đội Nhật. Bên cạnh đó, cũng trong ngày 6-3-1946, hai bên ký một phụ ước quân sự, minh định hoạt động quân đội mỗi bên.   Theo điều 1 của phụ ước nầy, VM đồng ý để quân đội Pháp thay quân đội Trung Hoa ở phía bắc vĩ tuyến 16, nghĩa là quân đội Trung Hoa sẽ rời khỏi Việt Nam, dầu Việt Nam không ký kết thỏa ước với Trung Hoa.  Lực lượng Pháp tại Bắc Kỳ lên đến 15,000 quân. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, tập A: 1939-1946, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1996, tt. 313-318.)
Như thế VM không chống Pháp mà lại chính thức hợp thức hóa sự hiện diện của quân đội Pháp tại Việt Nam.  Điều nầy hoàn toàn trái ngược
với lời thề chống Pháp của HCM khi trình diện chính phủ vào ngày 2-9-1945, gây sự bất bình trong các giới chính trị và trong đại đa số
quần chúng.  Dân chúng tố cáo rằng HCM và VM đã rước thực dân Pháp trở lại Việt Nam.  Nguyên văn lời thề cuối cùng trong ba lời thề ngày 2-9 như sau: “Nếu Pháp đến xâm lăng lần nữa thì chúng tôi xin thề: không đi lính cho Pháp, không làm việc cho Pháp, không bán lương thực cho Pháp, không đưa đường cho Pháp.” (Tô Tử Hạ và nhiều tác giả, 60 năm chính phủ Việt Nam [sách song ngữ Việt-Anh], Hà Nội: Nxb.Thông Tấn,2005, tr. 26.).
3.-   TẠI SAO SINH NHẬT NGÀY 19-5?
Sau khi tái chiếm Nam Kỳ, Pháp lần lượt tiến quân qua Cao Miên, Lào, lên phía trên vĩ tuyến 16 và Bắc Kỳ.  Ổn định xong tình hình các nơi, đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu, cao ủy Pháp tại Đông Dương, quyết định mở cuộc kinh lý khu vực phía bắc vĩ tuyến 16 ngày 14-5-1946. D’Argenlieu đến Vạn Tượng (Vientiane, Laos) ngày 17-5-1946, rồi đến Hà Nội chiều ngày 18-5-1946.
Lúc đó, nhà cầm quyền VM ra lệnh treo quốc kỳ (cờ đỏ sao vàng) trong ba ngày , từ ngày 18-5 đến hết ngày 20-5 nói là để mừng sinh nhật chủ tịch Hồ Chí Minh là ngày 19-5.  Ngày nầy khác với ngày tháng năm sinh trong các đơn HCM xin vào học trường Thuộc Địa Paris và đơn gia nhập Hội Tam Điểm Pháp.  Từ khi bước vào hoạt động chính trị, HCM hoàn toàn không đề cập đến sinh nhật của ông ta, thì tại sao nhân cuộc viếng thăm của D’Argenlieu lại có chuyện sinh nhật HCM ngày 19-5?
Vì vậy, dư luận dân chúng cho rằng HCM ngụy tạo sinh nhật để treo cờ, nhằm đón tiếp D’Argenlieu theo nghi thức ngoại giao.  D’Argenlieu là cao uỷ Pháp tại Đông Dương.  Hồ Chí Minh ký hiệp định Sơ bộ (6-3-1946), đặt Việt Nam nằm trong Liên Bang Đông Dương, thuộc Liên Hiệp Pháp. D’Argenlieu là đại diện của chính phủ Pháp tại Đông Dương, đứng đầu Liên bang Đông Dương, nên HCM phải treo cờ đón tiếp D’Argenlieu.
Nếu treo cờ để đón đại diện chính phủ Pháp thì HCM và nhà cầm quyền VM sợ dân chúng phản đối và kết tội phản bội, nên HCM mượn cớ treo cờ
mừng sinh nhật của mình, để tránh sự bất bình của dân chúng vì lúc đó tinh thần chống Pháp của dân chúng rất cao.  Cần chú ý, ngày 19-5 là ngày ra mắt công khai mặt trận Việt Minh năm 1941 ở Pắc Bó, Cao Bằng. (Đã viết ở trên.)
Như thế, ngày 19-5 không phải là ngày sinh của HCM mà vì lý do chính trị, HCM và nhà cầm quyền VM công bố ngày nầy để treo cờ, đón tiếp cao ủy Pháp tại Đông Dương, đô đốc D’Argenlieu.  Tư đó, CSVN chọn luôn ngày nầy làm lễ kỷ niệm sinh nhật HCM.  Xin để ý thêm là CSVN chỉ kỷ niệm sinh nhật HCM, nhưng không kỷ niệm sinh nhật của những lãnh tụ khác, kể cả Lê Duẫn, bí thư thứ nhất Trung ương đảng Lao Động từ 1960 đến 1976 và tổng bí thư đảng CSVN từ 1976 đến 1986, nghĩa là 26 năm cầm đầu đảng LĐ rồi đảng CSVN, hoặc Phạm Văn Đồng, thủ tướng CSVN từ 1955 đến 1987. (thủ tướng 32 năm.)
Ngày sinh HCM không rõ, mà HCM sinh năm nào cũng không rõ.  Trong đơn xin vào học trường Thuộc địa Paris, HCM tự viết tay ông sinh năm 1892. Khi gia nhập hội Tam Điểm Pháp, phiếu của ông đề sinh năm 1895.  Nay nhân dịp phải đưa ra ngày sinh để treo cờ, thì HCM lại cho biết ông ta sinh năm 1890?  Trong ba năm nầy, thì năm nào đúng, hay cũng không năm nào đúng cả?
Chỉ có một điều rõ ràng là HCM chết ngày 2-9-1969, trùng với ngày quốc khánh của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nên đảng Lao Động do Lê Duẫn đứng đầu, sợ xui xẻo, phải đổi ngày chết của HCM qua thành ngày 3-9-1969. Cho đến năm 1989, ba năm sau khi Lê Duẫn chết, bộ Chính trị đảng CSVN do Nguyễn Văn Linh lãnh đạo mới cải chính lại HCM chết ngày 2-9-1969. Cũng nhân dịp cải chính nầy, bộ Chính trị đảng CSVN công bố nguyên văn bản gốc di chúc của HCM, thay thế bản di chúc của HCM đã bị Lê Duẫn sửa sau khi HCM chết ngày 2-9-1969. (Nhà xuất bản Thanh Niên, Toàn văn di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh, không đề năm xuất bản.)
KẾT LUẬN
Lối giải thích thông thường của CSVN là vì HCM hoạt động chính trị nên phải nhiều lần thay đổi tên họ, thay đổi ngày tháng năm sinh.  Điều đó không có gì đáng nói.  Điều đáng nói là HCM thay đổi tên họ, ngày tháng năm sinh, để hoạt động gián điệp cho Đệ tam quốc tế cộng sản, phục vụ quyền lợi ngoại bang.
Con đường nầy đã đưa HCM trở thành nhà độc tài thứ 11 trong 13 nhà độc tài tàn ác nhất trên thế giới trong thế kỷ 20, gây ra cái chết của 1,700,000 người Việt, theo bảng sắp hạng của Polska Times tức Thời Báo Ba Lan ngày 5-3-2013. (Đàn Chim Việt Online Edition ngày 20-3-2013). Cũng chính con đường nầy đã đưa đất nước và dân tộc Việt Nam càng ngày càng suy vong, và nguy hiểm nhất hiện nay là hiểm họa xâm lăng và đồng hóa của kẻ thù truyền kiếp là bá quyền Trung Quốc.
Trần Gia Phụng
(ĐCV) 

Dự án trường bắn TB1: bao giờ dân biết kết quả thanh tra?

Mới đây, thanh tra chính phủ thông báo đã có kết luận thanh tra về việc quản lý sử dụng đất đai của dự án trường bắn quốc gia TB 1 ở tỉnh Bắc Giang, kiến nghị thu hồi hàng tỷ đồng về cho nhà nước. Vậy hàng trăm hộ người dân tộc Nùng đã theo đuổi vụ kiện đất đai liên quan đến trường bắn này từ hơn 6 năm nay đã nhận được gì từ kết luận của thanh tra?
Dân không được biết
Sau khi có thông báo trên báo chí về kết luận thanh tra quý 1 của thanh tra chính phủ, từ nhiều ngày nay, hàng trăm hộ dân xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn liên tục lên văn phòng thanh tra chính phủ ở Hà Nội để chờ đợi kết quả quyết định thanh tra mới đây về vụ kiện đất đai đã kéo dài từ nhiều năm liên quan đến trường bắn quốc gia TB 1 Bắc Giang. Tuy nhiên, câu trả lời duy nhất mà họ nhận được cũng không khác gì với những câu trả lời mà họ đã nghe từ năm 2007 trở lại đây.
t15t-305.jpg
Một người dân đang chỉ vào thửa đất thuộc dự án trường bắn quốc gia TB 1 ở tỉnh Bắc Giang, ảnh minh họa chụp trước đây.
Một người dân giấu tên bức xúc lên tiếng:
“Vừa rồi lên trên đấy, lên thanh tra thì thanh tra bảo là có công văn về tỉnh mà mình không lên tỉnh thì cứ chờ thôi. Mình không chờ thì lên tỉnh hỏi, không lên thì cứ chờ thôi. Dân cụ thể không biết thế nào. Chờ thì không biết bao lâu.”
Hôm 16 tháng 4, trong một cuộc họp báo định kỳ quý 1 năm 2013 của thanh tra chính phủ tại Hà Nội, đại diện của thanh tra chính phủ cho biết trong quý 1 năm 2013, thanh tra chính phủ đã ban hành kết luận 3 cuộc thanh tra về quản lý sử dụng đất đai, trong đó có 3 vụ việc của trường bắn TB 1 Bắc Giang. Thanh tra chính phủ kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 682 tỷ đồng, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền trên 134 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ việc thuộc dự án trường bắn TB1 Bắc Giang.
Để biết thêm thông tin cụ thể từ phía thanh tra chính phủ, chúng tôi liên hệ với thanh tra tiếp dân Nguyễn Hồng Điệp, người đã từng nhiều lần làm việc với các hộ dân ở xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn, Tỉnh Bắc Giang. Ông Điệp cho biết:
“Cái đấy thanh tra chính phủ đã kết luận rồi nhưng phải chờ ý kiến của Thủ tướng thì sẽ công khai…. Đợt trước, người dân có điện hỏi tôi nhưng chưa công bố còn nếu công bố thì tôi sẽ cho bà con biết.”
Khi được hỏi bao giờ có thể công bố kết luận thanh tra? Ông Điệp nói:
“Bao giờ tôi được pháp của cấp trên, họ chuyển cái bản đó thì tôi mới công bố cho đồng bào. Bây giờ mình chưa biết đến bao giờ, chắc cũng phải công bố nhưng còn thời gian thì tôi không biết đến bao giờ.”
Đền bù không thỏa đáng
Dự án trường bắn quốc gia TB 1 được bắt đầu vào năm 2003 trên địa bàn hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang. Để lấy đất cho dự án, gần 3.000 hộ dân thuộc 13 xã của hai tỉnh đã phải di dời trong nhiều đợt từ năm 2003 đến 2010. Phần đông những người dân bị dời là dân tộc Nùng và Dao.
Phần đông các hộ gia đình ở đây đều trồng vải để lấy thu nhập bên cạnh các hoa màu khác. Khi bị di dời, họ được nhận tiền đền bù theo khẩu và cây bị mất. Tuy nhiên nhiều hộ dân bị di dời cho rằng họ đã không nhận được đền bù thỏa đáng. Người dân giấu tên cho biết tiếp:
dan250.jpg
Người dân huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, ảnh chụp trước đây. File photo.
“Từ năm 2003, người Kinh tiền khẩu được 15 triệu đồng, còn tiền vải đường kính từ 20 đến 22 cm được 1 triệu 200 ngàn đồng. Lúc đó vải là 1.000 hay 1.500 đồng một kg. Nhưng đến năm 2006 thì vải lên đến 6.000 đồng, 7.000 đồng một cân, nhưng đường kính 20 đến 22 cm mà dân em được có 371.000 đồng, còn tiền khẩu là 15 triệu đồng. Theo công văn của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký vào tháng 12 năm 2004 thì mỗi khẩu là 26 triệu đồng rồi.”
Những người dân tộc nhận tiền khẩu và đền bù cây để chuyển đến nơi ở mới với hứa hẹn từ dự án là họ sẽ có đủ tiền để mua đất canh tác làm ăn bình thường, thậm chí còn tốt hơn. Nhưng thực tế lại khác hẳn. Người dân giấu tên cho biết tiếp:
“Trước thì bảo dân đi thì mức sống cao hơn thì dân đi, nhưng dân vừa đi, vừa làm nhà xong đã hết 40 triệu đồng, có người phải bán đất cũ đi… không như chính quyền nói, dân vừa đi đã thiếu mấy chục triệu làm nhà, làm xong thì nợ, lúc đó dân rất đói, vừa đi chưa ổn định mà đã nợ mấy chục triệu rồi.”
Theo người dân này thì, dự án đã lừa dân, giảm tiền bồi thường cho dân:
“Kiểu như thế thì dự án thấy dân tộc thiếu hiểu biết nên mới giảm xuống như thế. Giảm như thế thì dân vừa đi xong làm nhà 30 40 triệu thì thiếu nợ giờ trả chưa xong. Giờ thì toàn đi làm thuê, ruộng không lấy được, dân đói, rất khó khăn.”
Bản thân người dân giấu tên cũng bị thu hồi khoảng 10 hecta đất (khoảng 270 sào) cho trường bắn và bị mất khoảng 500 cây vải. Dọn về nơi mới, gia đình ông chỉ đủ tiền mau được 5 sào đất, trong đó có 1 sào đất ở và 4 sào vườn, chỉ đủ trồng 40 cây vải. Ông không có đủ tiền để xây nhà nên cả gia đình 4 người phải ở một căn nhà tạm của chủ cũ để lại.
Bị tù vì đòi đất
Chính vì khó khăn mà từ năm 2007, người dân hai huyện Lục Ngạn và Sơn Động thuộc tỉnh Bắc Giang đã nhiều lần tìm đến cơ quan thanh tra chính phủ để khiếu kiện về tiền bù đất đai và cây trồng. Ngày 27 tháng 10 năm 2010, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng quyết định giao Bộ Tài nguyên Môi trường, kết hợp với Bộ tài chính và Bộ Quốc phòng xem xét giải quyết, và ủy ban tỉnh Bắc Giang phải báo cáo trước ngày 15 tháng 11 năm 2010. Đến ngày 6 tháng 1 năm 2011, ông Nguyễn Sinh Hùng lại có công văn yêu cầu tỉnh Bắc Giang phải thực hiện đúng quyết định ký ngày 6 tháng 12 năm 2004 của Phó Thủ tướng về mức đền bù cho dân và giao Bộ Quốc phòng kết hợp giải quyết. Tuy nhiên đến tận tháng 4 năm 2011, người dân vẫn không nhận được câu trả lời rõ ràng từ chính quyền địa phương.
Không có đất canh tác, công ăn việc làm không đủ, đói ăn, không có câu trả lời từ chính quyền địa phương, từ khoảng giữa tháng 4 năm 2011, hàng trăm hộ dân thuộc xã Kim Sơn, Phong Minh và Phong Vân đã tự động quay lại vùng đất cũ canh tác. Việc này đã dẫn đến vụ đụng độ đẫm máu xảy ra vào ngày 11 tháng 8 cùng năm giữa khoảng 1000 công an cơ động, dân phòng và bộ đội với khoảng hơn 1000 người dân. Vụ đụng độ đã khiến hơn 20 người bị thương, chủ yếu là công an cơ động.
Sau vụ cưỡng chế, đã có khoảng 35 người dân huyện Lục Ngạn bị bắt và bị xử tù từ 12 đến 54 tháng tù giam vì tội gây rối trật tự công cộng.
Đùn đẩy trách nhiệm?
10  năm đã trôi qua kể từ khi dự án trường bắn TB1 bắt đầu, gần 600 hộ dân thuộc xã Kim Sơn vẫn tiếp tục tới gõ cửa thanh tra chính phủ và thanh tra quốc phòng để tìm câu trả lời cho những thắc mắc của họ. Tuy nhiên những thông tin mà họ nhận được vẫn rất chung chung. Lý do tại sao người dân không nhận được câu trả lời cũng có thể phần nào được giải thích trong trả lời của ông Nguyễn Văn Tám, giám đốc dự án di dân trường bắn TB 1 hồi giữa năm 2012 với đài Á châu Tự do:
“Theo kết luận của Thủ tướng chính phủ và văn phòng chính phủ vừa rồi thì dự án TB 1 là rất nhạy cảm. Có hai công văn liền, một của Phó Thủ tướng và của văn phòng chính phủ là thanh tra chính phủ đã thanh tra 5 tháng rồi trong khi chờ kết luận của thanh tra chính phủ thì không đăng tin và không cung cấp số liệu.”
Mới đây, chúng tôi liên hệ với ông Bùi Văn Hải, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang để tìm hiểu thêm về quyết định mới của thanh tra chính phủ được cho là đã gửi về tỉnh, thì nhận được câu trả lời ngắn gọn:
“Cái này trách nhiệm thông báo là do thanh tra trung ương, Đối với người dân, những câu trả lời này đã khiến họ thất vọng.”
Một người dân giấu tên cho biết.
“Đi đòi từ 2007 đến giờ mà cứ đùn đẩy hết từ trung ương về tỉnh, tỉnh về huyện rồi lại lên trung ương, cứ đùn đẩy thế này thì không biết bao giờ mới giải quyết cái này?”
Việt Hà, phóng viên RFA
2013-05-18 

Học trường tư: Có đáng tiền phải trả không?

Khi còn là cô gái 17 tuổi ở năm cuối bậc trung học, Jessica Assaf chỉ muốn được nhận vào đại học Brown University ở Providence, tiểu bang Rhode Island, một trong những trường đại học danh tiếng ở Mỹ, thành lập từ năm 1764.
Hai nữ sinh viên nằm đọc sách trên bãi cỏ trong khuôn viên Ðại Học Princeton, một trường tư nổi tiếng thế giới ở New Jersey. (Hình: William Thomas Cain/Getty Images)
Cùng với các trường khác trong nhóm Ivy League, đây cũng là một trong những nơi chọn lựa sinh viên kỹ càng nhất. Năm nay, trường Brown chỉ nhận 9.2% trong số khoảng 28,919 đơn gửi đến xin học cho khóa ra trường năm 2017. Khi cô Assaf còn là học sinh năm cuối bậc trung học năm 2007, mức thu nhận của trường Brown là 13.5%.
Tuy có nhiều thành tích về học vấn, điểm thi cao và có nhiều hoạt động ngoài lớp học, cô Assaf, xuất thân từ trường Branson School, một trường tư có tiếng, nằm bên ngoài thành phố San Francisco và có học phí hàng năm lên tới $29,800, đã không được nhận vào Brown.
Lúc đó, cô thú nhận, đã cảm thấy như là mình “thất bại.”
Nhưng, mấy năm sau lần gặp thất vọng đó, cô nay nhìn thấy rằng sự trở ngại tạm thời chỉ là khởi đầu của tất cả những gì cô đã đạt được cho đến nay.
“Không được nhận vào Brown là điều tốt đẹp nhất từng xảy ra cho tôi,” theo cô Assaf, nay là một VP về thương vụ ở S.W. Basics tại Brooklyn, sau khi theo học ở trường New York Univeristy (NYU) và được nhận vào chương trình cao học ở Harvard Business School.
Môi trường tư thục, theo cô Assaf, thường tạo cho cô và các bạn học “tinh thần cái gì cũng có sẵn cho mình.”
“Tại NYU, trong một thành phố như New York, không có gì tự nhiên mà có được,” cô nói. “Bạn phải giành lấy mọi cơ hội.”
Ở Branson “bạn không nghĩ mình phải cố gắng hết sức,” cô cho biết thêm. “Bạn nghĩ rằng, tôi đã vào được đây, tôi xứng đáng ở đây, và nay là lúc để tôi được 'hưởng' mọi thứ nơi đây.”
Cô Assaf cũng cẩn thận nói rõ rằng cô không có ý chê trách trường cũ hay coi thường các bạn học cũ của mình. Tuy nhiên, cô cũng phải thú nhận rằng không hài lòng với kinh nghiệm ở trường này vì quá mắc tiền và như chỉ chuyên chú vào việc làm sao để vào một đại học danh tiếng trong nhóm Ivy League.
Ở thời điểm mà nhiều người Mỹ không thấy có sự chọn lựa nào khác hơn là phải cần kiệm trong một nền kinh tế còn yếu kém, các bậc cha mẹ đang ngày càng chú ý nhiều hơn đến các quyết định mua hàng hóa, sản phẩm, gồm cả việc có nên mua nguyên giá hàng ở siêu thị, cho tới việc gửi con vào học ở trường nào.
Một số gia đình có thể chấp nhận trả tiền cho con vào các trường như Branson. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của các học sinh như Assaf, cộng với các dữ kiện về thành quả học sinh từ các trường công lập đạt được, đã khiến nhiều người phải đặt vấn đề về những gì con cái họ có được với mức đầu tư tài chánh lớn lao như vậy ở trường tư.
Và tuy hiện có nhiều người vẫn còn tin rằng cho con vào học một trường tư danh tiếng, nơi chi phí có thể vượt quá chi phí đại học, là sự bảo đảm để có một giá trị nào đó trong xã hội, các dữ kiện thu thập được gần đây cho thấy đây không phải là điều xác nhận rõ ràng.
Trường Poly Prep County Day School ở Brooklyn, học phí hàng năm vào khoảng $32,000, và các học sinh tốt nghiệp nơi này thường được nhận vào các trường đại học danh tiếng ở Mỹ, với hơn 20% học sinh tốt nghiệp năm ngoái được vào các trường thuộc nhóm Ivy hay Little Ivy.
Tuy nhiên, con số này cũng giống như tỉ lệ 25% của học sinh các trường trung học công lập chuyên về toán và khoa học ở New York, như Stuyvesant High School ở Manhattan. Ðiều này tạo câu hỏi là có đáng để các bậc phụ huynh đổ tiền vào các trường tư hay không.
Vậy thì đâu là lợi điểm của các trường tư?
Theo một số chuyên gia tư vấn trung học, các trường tư vẫn còn lợi thế là lớp học không quá đông, học sinh có nhiều cơ hội để có được sự hướng dẫn trực tiếp của thầy cô, và các trường tư cũng chú trọng nhiều hơn vào việc giúp học sinh chọn trường, chọn ngành học khi vào đại học.
Lê Tâm (theo CNBC)
 

“Bắc Kinh tung ra 1 chiêu thức hiểm với Philippines”

Bắc Kinh cứng rắn đe dọa Manila về cái chết của ngư dân Đài Loan trên Biển Đông. Vụ việc này tạo cho Trung Quốc cơ hội chiếm 8 hòn đảo do Philippines kiểm soát thuộc quần đảo Trường Sa. Đó là tuyên bố của Tướng Trung Quốc La Viện trên báo Wen Wei Po ở Hong Kong. Giới phân tích quốc tế đánh giá viên tướng này là một trong những nhà hoạch định chiến lược quân sự uy tín của quân đội Trung Quốc.
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, Bắc Kinh đã tung ra chiêu thức quân sự-chính trị rất hiểm - cả trong cuộc tranh chấp với Philippines xung quanh các đảo trên Biển Đông, cả trong việc lôi kéo Đài Loan xích lại gần mình. Bằng lời lẽ của viên tướng phát tín hiệu cho Manila, Trung Quốc đang xem xét tất cả phương tiện khả thi có thể để áp đặt chủ quyền đối với vùng biển đảo mà Bắc Kinh vẫn coi là của mình, trong đó không loại trừ phương án chiếm đoạt bằng vũ lực.
Có thể nói đây là bước ngoặt về nguyên tắc trong cuộc tranh chấp quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa giữa Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và cả Đài Loan. Trong đó, luận điệu rõ ràng là hiếu chiến, đậm nét tinh thần chủ nghĩa ái quốc và chủ nghĩa dân tộc. Việc người Philippines khai hỏa bắn vào tàu đánh cá Đài Loan tại khu vực tranh chấp Biển Đông và giết chết một ngư dân không chỉ đơn giản là sự khiêu khích chống Đài Loan, mà còn là sự khiêu khích chống lại toàn thể đại gia đình Trung Quốc, Tướng La Viện nhấn mạnh.
Chuyên gia Nga Andrei Vinogradov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Dự báo chính trị, cho rằng Bắc Kinh đã nắm lấy luận đề “đại gia đình” mà mỗi người Trung Quốc đều hiểu để ràng buộc Đài Loan vào trò chơi của mình một cách tinh vi.
Ông nhận xét: “Đối với Trung Quốc, trong tình huống này Đài Loan không chỉ thuần túy là một đồng minh tự nhiên, có quyền lợi máu thịt với việc làm cho những quần đảo này thuộc về Trung Quốc, như Bắc Kinh quan niệm. Đài Loan cũng có phần nhất định trong tham vọng hợp pháp hóa yêu sách chủ quyền đối với các đảo. Vì vậy, một cách tự nhiên là nếu Trung Hoa Đại lục và Đài Loan đạt thành công hợp nhất nỗ lực theo vấn đề với vùng lãnh thổ tranh chấp, thì hẳn cũng có khả năng đạt được giải pháp cho cuộc tranh chấp giữa họ với nhau, nghiêng về lợi ích cao hơn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Sự kiện một ngư dân Đài Loan bị giết chết đã tạo nguyên cớ cho Bắc Kinh cứng rắn ủng hộ tối hậu thư của chính quyền Đài Loan đòi hỏi Philippines đưa ra lời xin lỗi chính thức. Manila đã thực hiện động tác đó khá muộn màng, tới ngày 15/5 mới lên tiếng. Việc này lại càng tạo cớ cho Bắc Kinh cáo buộc Philippines là thiếu chân thành, còn vị tướng Trung Quốc này liền công bố một cơ chế chưa từng có tiền lệ nhằm “giúp đỡ Đài Loan.”
Cụ thể là việc nộp đơn kiện Philippines lên Tòa án Hình sự Quốc tế. Trung Quốc có quyền làm vậy với tư cách một thành viên của Liên hợp quốc. Còn Đài Loan không có qui chế đó. La Viện cũng đề nghị thiết lập sự hợp tác giữa đại lục và hòn đảo theo tuyến hiệp hội ngư nghiệp, cơ quan tuần duyên, cũng như thỏa thuận về các biện pháp xây dựng lòng tin ở vùng eo biển Đài Loan.
Tuy nhiên, chuyên gia Andrei Vinogradov lưu ý rằng Đài Loan chưa từng đáp ứng lại những toan tính cố gắng của Trung Hoa Đại lục về hiệp lực trong tranh chấp lãnh thổ. Ông phân tích: “Đối với Đài Loan bất kỳ hành động nào chung với Trung Quốc trên vũ đài quốc tế trước hết cũng sẽ là tín hiệu gửi cho Mỹ và các đồng minh của hòn đảo rằng đã diễn ra sự biến đổi nội hàm quan trọng nào đó trong quan hệ Đài Loan-Trung Quốc và chủ đề thống nhất đất nước. Thiếu sự hỗ trợ của Mỹ, vị thế của Đài Loan đơn giản là sơ hở dễ bị thương tổn và thiệt hại. Vì vậy, đối với Đài Loan, hiển nhiên, trên thực tế không được để dẫn đến bất kỳ hành động chung nào với Trung Quốc theo những vấn đề quốc tế bức thiết. Và hòn đảo vẫn đang phô trương điều đó.”
Bắc Kinh hiểu, nhưng dường như không muốn chấp nhận. Tuyên bố của viên Tướng Trung Quốc diều hâu là thêm một tín hiệu nữa phát ra cho Đài Loan./.
(TTXVN)

Cử chỉ thiếu văn hóa của du khách Trung Quốc

Ảnh minh họa (DR)
Ảnh minh họa (DR)

Nói to hay khạc nhổ nơi công cộng làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới. Đó là nhận xét của phó thủ tướng Uông Dương. Theo tờ Nhân Dân Nhật Báo, trong một cuộc họp ngày 16/05/2013 tại Bắc Kinh, lãnh đạo Trung Quốc xem đấy là những cử chỉ biểu thị sự « thiếu văn hóa, kém giáo dục » của một số người dân xứ này khi họ du lịch nước ngoài.

Theo lời phó thủ tướng Uông Dương, « thói quen khạc nhổ, nói chuyện ồn ào, khắc chữ lưu niệm tại các danh lam thắng cảnh, băng qua đường bừa bãi của một số người làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc và đem lại những hâụ quả tai hại ».

Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cho rằng chính quyền có trách nhiệm giáo dục công dân để họ biết tôn trọng « kỷ luật và trật tự nơi công cộng, tôn trọng môi trường và phong tục tập quán tại những nơi họ đến ».

Trung Quốc thường tự hào có một nền văn minh lâu đời, với 5000 năm văn hiến nhưng theo lời phó thủ tướng Uông Dương thì những cử chỉ khiếm nhã đó của một số du khách Trung Quốc chứng tỏ là những người này « chưa đủ trình độ » để du lịch ngoại quốc.

Năm ngoái, đã có tới hơn 83 triệu du khách Trung Quốc ra nước ngoài và họ đã chi ra 102 tỷ đô la trong những chuỗi ngày nghỉ phép đó. Quốc gia nào cũng muốn lôi cuốn du khách Trung Quốc và nhiều nước đã bắt đầu trở nên dễ dãi hơn trong việc cấp visa cho du khách Trung Quốc.

Nhưng, có nhiều tờ báo quốc tế không ngừng chỉ trích du khách xứ này « bất lịch sự ». Ngay cả tại Hồng Kông, hình ảnh của người ở Hoa Lục cũng không mấy được tốt đẹp. Du khách từ Hoa lục đến thường bị người dân Hồng Kông đặt cho biệt hiệu là con « cào cào » ngụ ý chúng bay qua đến đâu thì tàn phá hết cả hoa màu đến đó.
Thanh Hà (RFI)

Nga công khai tên trưởng nhóm CIA để trả đũa Mỹ

Nhân viên Mỹ Ryan C. Fogle bị cơ quan tình báo Nga FSB bắt hôm 14/05/2013 (DR)
Nhân viên Mỹ Ryan C. Fogle bị cơ quan tình báo Nga FSB bắt hôm 14/05/2013 (DR)

Hôm qua, 17/05/2013, cơ quan tình báo của Nga đã làm một việc được cho là không bình thường trong nghi thức ngoại giao. Đó là công khai cho truyền thông biết danh tính lãnh đạo nhóm CIA tại Matxcơva được bổ nhiệm vào năm 2011.

Đại diện của cơ quan mật vụ Nga (FSB) đã trao cho hãng thông tấn Nga Interfax tên tuổi của lãnh đạo nhóm CIA và tiết lộ là nhân vật này đã bị cảnh cáo nhiều lần vì ý đồ tuyển dụng gián điệp ngay trong hàng ngũ của FSB.
Washington chưa có phản ứng gì. Việc làm này của cơ quan mật vụ Nga được cho là hành động trả đũa vụ nhân viên CIA bị bắt giữ ngày 13/05 vừa qua tại Matxcơva vì có ý định chiêu dụ một nhân viên mật vụ Nga hoạt động cho CIA.

Thông tín viên Caroline Larson tường trình từ Matxcơva :

Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan mật vụ Nga bắt giữ và trục xuất một « gián điệp » của CIA. Hồi tháng Giêng vừa qua, FSB đã bắt giữ một nhân viên của Mỹ đang có ý định tuyển dụng một nhân viên phản gián của Nga. Theo kênh truyền hình Rossia 2, lần đó, phía Nga không thông tin gì về vụ việc.

Vụ bắt giữ Ryan Christopher Fogle trong đêm 13 rạng sáng 14/05 vừa rồi với lý do nhân viên CIA này đang định mua chuộc tuyển dụng một nhân viên của FSB có lẽ là quá đủ đối với Matxcơva.

Để trả đũa, cơ quan mật vụ Nga không ngần ngại cho công khai danh tính trưởng bộ phận CIA tại Matxcơva, nhận nhiệm vụ từ năm 2011. Vào thời điểm đó nhân vật này đã bị FSB cảnh cáo về các ý đồ chiêu dụ những nhân viên của cơ quan mật vụ Nga làm việc cho mình. Đồng thời FSB cũng đã đe dọa có biện pháp thích ứng đối với các nhân viên của CIA.

Theo đại diện của cơ quan mật vụ Nga thì số lượng các nhân viên CIA đang có hoạt động chống lại nước Nga không hề giảm đi từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh.

Quan chức này còn cho biết thêm là các gián điệp Mỹ hoạt động trong các nước thuộc khối Xô Viết cũ CEI nhằm gây phương hại đến lợi ích của Nga.
Anh Vũ (RFI)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét