Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Ai chui vào cái thòng lọng đầu tiên?

Ai chui vào cái thòng lọng đầu tiên?

Ngô Nhân Dụng _ Nguoiviet
Tại hội nghị Thành Ðô giữa hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, Nguyễn Văn Linh, Lê Ðức Anh và Ðỗ Mười đã “tuyên bố đầu hàng,” tình nguyện đem cả đảng và nhà nước “chui đầu vào thòng lọng” cho Trung Cộng thao túng, lũng đoạn.
Hà Sĩ Phu nhận định: “Từ đấy trở đi, chỉ cần 4 năm một lần Trung Quốc khống chế người cầm đầu Việt Nam, tức tổng bí thư đảng, là đủ cho kế hoạch xâm lược tiến hành trôi chảy.”
Thực ra, đảng Cộng sản Trung Hoa đã nắm lấy cái đầu của Cộng sản Việt Nam từ năm 1950. Sau đó, họ tiếp tục nắm cái đầu “bằng con đường đi qua bao tử” trong suốt thời chiến tranh xâm chiếm miền Nam. Trong thời gian đó, mỗi năm ông Lê Thanh Nghị sang Bắc Kinh đưa một danh sách những món cần “chi viện” kinh tế; từ cơm sấy, cá khô cho đến từng cây kim, sợi chỉ. Bởi vậy khi Lê Duẩn trở mặt quay sang thần phục Liên Xô hoàn toàn, chống “Trung Quốc xâm lược,” gọi Ðặng Tiểu Bình là “Ðặng Lưu Manh,” thì Bắc Kinh nổi giận, cho “bọn phản phúc” một bài học năm 1979. Bài học đó được trả bằng xương máu của dân và bộ đội bị quân Tàu giết. Lê Duẩn đã gieo tai họa cho đám đàn em, cả bọn bơ vơ sợ hãi khi nhìn cảnh Liên Xô sụp đổ cùng với các đảng cộng sản chư hầu Ðông Âu. Vì thế, sau cùng họ phải quay đầu 180 độ, quy phục Trung Cộng. Nước cờ ngoại giao liều lĩnh và tai hại của Lê Duẩn có thể được thúc đẩy vì chứng kiến “Bác” lúi cúi theo Trung Cộng quá đáng cũng cảm thấy nhục lây; lại vì ông ta muốn chứng tỏ mình giỏi hơn họ Hồ.
Sở dĩ Hồ Chí Minh trung thành với các đường lối của Mao Trạch Ðông từ năm 1950 cho tới khi chết là vì ông muốn chứng tỏ mình là một người cộng sản trung kiên. Từ thập niên 1930, Hồ Chí Minh về Moscow (MatxCơva) đã bị Stalin nghi ngờ, và suýt bị xử tử, thì mối lo lớn nhất của Hồ Chí Minh là sợ bị ông Trùm Ðỏ thanh trừng. Hồ đã có kinh nghiệm cá nhân: Chính mình lập ra đảng Cộng sản Việt Nam nhưng ngay lập tức bị Stalin bắt đổi tên, và đặt Trần Phú lên thay làm tổng bí thư. Những năm 1930, Hồ Chí Minh ở thủ đô Nga cũng chứng kiến cảnh Stalin đã lần lượt giết hết các đồng chí trong Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô. Và sau đó, còn biết Stalin đã cho tay chân đuổi theo Trotsky khắp thế giới, sau cùng ám sát được nhà lãnh tụ Cộng sản Ðệ tứ Quốc tế. Năm 1946 sở dĩ Hồ Chí Minh phải sai giết những nhà cách mạng Cộng sản Ðệ tứ Việt Nam như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, vân vân, cũng vì nếu để cho những người yêu nước này sống thì lại lo sẽ bị Stalin nghi ngờ ăn ở hai lòng.
Cho nên, năm 1950, khi Stalin nói giao đảng Cộng sản Việt Nam cho Mao Trạch Ðông chỉ đạo, thì từ đó Hồ Chí Minh hoàn toàn tuân theo chỉ thị này. Ðến lúc Stalin chết, năm 1953, thì Mao Trạch Ðông đã nắm được cái đầu của đảng Cộng sản Việt Nam trong thòng lọng từ lâu rồi.
Tháng Giêng năm đó, Hồ Chí Minh sang Bắc Kinh; thấy Mao Trạch Ðông đã đi Moscow rồi, nên xin Lưu Thiếu Kỳ giúp đỡ di chuyển sang Nga. Ở thủ đô Nga, Hồ Chí Minh bị Stalin tỏ vẻ khinh thường: Không đến dự tiệc do ông Hồ tổ chức khoản đãi; không có một hình thức tiếp đón chính thức để chụp hình. Stalin lại từ chối không viện trợ, và lắc đầu khi Hồ Chí Minh xin cho ký một thỏa hiệp hữu nghị, như Stalin đã ký với Mao Trạch Ðông. Hồ Chí Minh chỉ xin được Stalin ký tên trên một bức hình xé từ một tạp chí hình ảnh; làm kỷ niệm. Stalin ký tên cho, nhưng sau đó sai mật vụ KGB bí mật đến tận phòng, lục va li, lấy lại. Mỗi lần Hồ Chí Minh ngỏ ý xin chi viện, Stalin đều nói: các đồng chí Trung Quốc hiểu rõ người Châu Á hơn; mọi việc hãy hỏi họ, tôi sẽ ủng hộ. Stalin đã gán Hồ Chí Minh cho Mao Trạch Ðông từ đó.
Trên xe lửa trở về Bắc Kinh, Hồ đã nhắc với Mao về việc bị Stalin bỏ rơi, và nói: Chúng tôi chỉ còn dựa và Trung Quốc. Từ năm đó, các đoàn cố vấn Trung Cộng bắt đầu xâm nhập nước ta từ trên xuống dưới, trong chiến trận cũng như trong chính trị, đặc biệt là cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu hoàn toàn theo khuôn mẫu của các cố vấn.
Khi tái lập đảng Cộng sản dưới tên mới là đảng Lao Ðộng, Hồ Chí Minh cố chứng tỏ mình là một con người cộng sản hoàn toàn. Tạp chí Học tập Liên khu 4, Tháng Tư năm 1951 đã viết (trang 1 đến trang 8) bài tường thuật “Ðại hội Ðảng Toàn quốc lần thứ hai tại Việt Bắc vào tháng 3 năm 1951, do một phóng viên của tờ Học tập ghi lại.
Hồ Chí Minh tán dương các chiến sĩ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp lúc đó; nhưng ông không đề cao lòng yêu nước của họ mà lại giải thích họ hy sinh chỉ vì chủ nghĩa Cộng sản. Bài báo ghi nguyên văn lời ông Hồ giải thích các hành động anh dũng của các người lính Việt Nam:
“Ðó là vì đâu? Là vì trong chính trị, cũng như trong mọi mặt công tác khác, Ðảng ta có một chủ nghĩa cách mạng nhất, sáng suốt nhất, đó là chủ nghĩa của ba ông kia kìa (Hồ-Chủ-tịch vươn tay chỉ và hướng mặt về phía chân dung 3 vị lãnh tụ: Marx, Engels, Lénine)
Sau khi chỉ tay lên hình Staline (tên viết theo lối Pháp), Hồ lại ca ngợi công ơn đảng Cộng sản Trung Quốc “đã thấm nhuần chủ nghĩa Marx-Lénine…” Hồ Chí Minh biện minh: “Nếu không thấm nhuần như thế, thì sao lại có bộ đội nhịn đói hơn 4 ngày, vẫn cứ bám lấy giặc mà đánh và đánh thắng giặc! (Ðại hội vỗ tay dài). Thì sao có những cử chỉ oanh liệt như ở một trận đánh nọ có chiến sĩ bị thương ở tay nói với người bên cạnh “Cậu chặt tay cho mình cái” vì thấy cánh tay gãy vướng, chặt đi cho dễ đánh, thế rồi lại cứ xung phong? Nếu không thấm nhuần chủ nghĩa Marx-Lénine thì làm sao có được những cử chỉ oanh liệt như thế?” (Ðại hội vỗ tay).”
Hồ Chí Minh lại giải thích tiếp: “Chúng ta lại nhờ có ông anh này! (Hồ-Chủ-Tịch vươn tay chỉ và hướng mặt về phía chân dung đồng chí Mao-Trạch-Ðông) (Ðại hội vỗ tay vang dậy – và đứng dậy hô lớn đồng chí Mao-Trạch-Ðông muôn năm!)
Ðó là nguyên văn những lời ông Hồ đã nói. Không nói gì đến lòng yêu nước của người Việt Nam; không hề nói đến Tổ tiên đã noi gương tranh đấu chống xâm lăng. Chỉ biết ơn ông Xít, ông Mao. Hồ Chí Minh nộp dân Việt Nam lên bàn thở chủ nghĩa cộng sản.
Muốn chứng tỏ công ơn của MaoTrạch-Ðông đối với cuộc kháng chiến của người Việt Nam, Hồ Chí Minh kể lể: “Ông Mao ở cách đây mấy nghìn dặm… Ông theo dõi từng bước cuộc chiến đấu cách mạng của chúng ta. Như lúc quân đội và nhân dân ta giải phóng biên giới, như lúc chúng ta mở chiến dịch Trung-du có thể đêm ông không ngủ mà chờ tin tức…”
Như các cố vấn Trung Cộng ở Việt Nam lúc đó thuật lại, thì Mao-Trạch-Ðông đã chỉ thị đến từng chi tiết các trận đánh; vì Mao cũng là một lý thuyết gia quân sự, và ông rất thích điều khiển để thí nghiệm các khẩu hiệu trong binh pháp của ông.
Tinh thần lệ thuộc của Hồ Chí Minh đối với Cộng sản Trung Quốc đã rõ ràng, không ai chối cãi được. Sau đó, những gì xẩy ra thì chúng ta đã biết. Năm 1958, khi Phạm Văn Ðồng ký văn thư đồng ý với chính phủ Bắc Kinh về vấn đề lãnh hải, mặc nhiên công nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc, lúc đó Hồ Chí Minh vẫn còn nắm toàn quyền, sau khi Trường Chinh đã mất chức, mà Lê Duẩn thì mới lên.
Năm 1961, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Ðảng Cộng sản Trung Quốc, Hồ Chí Minh viết một bài ca tụng “40 năm vẻ vang, 40 năm thắng lợi”… “viết những trang lịch sử vĩ đại của Ðảng Cộng sản Trung Quốc,” đăng trên nhật báo Nhân Dân ở Hà Nội ngày 1 Tháng Bảy năm 1961.
Trong bài báo đó (in lại trong Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập X, NXB Chính Trị Quốc Gia, năm 2000, trang 365-368), Hồ Chí Minh đã kể rõ công ơn của Cộng sản Trung Quốc đối với đảng Cộng sản Việt Nam. Công ơn đầu tiên là “Ảnh hưởng Cách Mạng Tháng Mười Nga và lý luận Mác-Lênin phần lớn kinh qua Trung Quốc mà truyền đến Việt Nam.” Nói cách khác, ngay trên mặt lý thuyết căn bản, cộng sản nước ta chịu ơn của cộng sản Tầu dạy dỗ.
Trong Hồ Chí Minh Toàn Tập, cuốn số 11, từ trang 64 đến trang 76, có đăng bốn bài diễn văn của Hồ Chí Minh khi đón tiếp Lưu Thiếu Kỳ tới Hà Nội năm 1963. Trong lời chào đón phái đoàn Lưu Thiếu Kỳ và Trần Nghị ở sân bay Gia Lâm, Hồ Chí Minh đã đọc hai câu thơ: “Mối tình thắm thiết Việt-Hoa; Vừa là đồng chí vừa là anh em.” Trong bài diễn văn tại buổi tiệc chiêu đãi phái đoàn nước đàn anh, ông Hồ đã nhắc lại một câu ngạn ngữ của người Tầu để nói tới “…tình đoàn kết như môi mới răng giữa hai nước và hai đảng chúng ta…” Ðây là những bản văn chính thức được Hồ viết ra, đăng trên báo Nhân Dân, đặt tiền lệ cho các khẩu hiệu “đồng chí-anh em” và “như môi với răng.”
Hai khẩu hiệu đó được hai đảng cộng sản dùng mãi sau này, chỉ ngưng dùng mươi năm sau cuộc chiến biên giới 1979 khi răng cắn môi chẩy máu. Nhưng sau cuộc đầu hàng ở Thành Ðô năm 1992, các khẩu hiệu đó lại được các đồng chí Trung Quốc nhắc nhở. Vì chính ông Hồ đã nói những khẩu hiệu đó trước, cho nên đảng Cộng sản Việt Nam không thể từ chối được! Trung Cộng bèn “triển khai” ra 16 cái chữ vàng để cái thòng lọng thắt chặt hơn.
Hiện nay ở trong nước, các tay đầu sỏ trong đảng cũng không mấy khi nhắc đến Hồ Chí Minh nữa, trừ mấy dịp lễ lạt. Các “cháu” chắc cũng biết cái bùa đó hết thiêng rồi. Hà Sĩ Phu tiết lộ:
“Một blogger tối thân cận với trùm chuyên chính vô sản đã gọi Hồ Chí Minh là ‘Ku Nghệ’ mà không bị khiển trách; thì đủ biết trong hậu trường họ đối với cụ Hồ cũng chẳng thành kính gì.”
Vì họ biết Ku Nghệ là người đầu tiên dẫn cả đảng, cả nước chui đầu vào cái thòng lọng Tân Ðại Hán.

 

Tàn sát chim trời bằng máy nhử chim của Trung Quốc

Liêu Thái/Người Việt (cứ cái gì tàn hại nhất thì đều xuất hiện thằng bạn vàng)
QUẢNG NAM (NV) – Chưa bao giờ phong trào chơi chim, hốt ổ chim, bẫy chim, ăn thịt chim… lại phát triển đến độ đi đâu ở Việt Nam cũng thấy như vậy!
Chỉ cần một cây chói tre có bôi keo dính chuột, rồi mở máy có tiếng kêu, có thể cả hàng ngàn con chim sa bẫy! (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Ðặc biệt, trò bẫy chim bằng máy nhử chim do Trung Quốc sản xuất đang rất thịnh hành, kiếm tiền mau chóng và vô tâm nhất mà con người có thể làm được.
Với một cây chói rào có nhiều nhánh tua tủa, một ít keo dính chuột bôi lên cây chói rào và một cái máy phát âm có cài âm cố định tiếng của từng loài chim trong đó, người ta có thể mặc sức hái ra tiền từ sinh mệnh nhỏ bé của những con chim tội nghiệp.
Ðạt, người gốc Bình Ðịnh, hiện sống tại Quảng Nam, thuộc hàng nhà nghề trong việc kiếm tiền bằng bẫy chim công nghệ Trung Quốc, cho biết: “Ngày xưa, muốn bẫy chim thì ông bà mình phải nấp trong lùm cây, phải bủa chim mồi, phải ngồi cả buổi mà chờ để khi bẫy được cũng chỉ là một con chim, nhưng bây giờ, tiến bộ rồi, tranh thủ đi chừng nửa buổi, có vài trăm con chim là chuyện bình thường!”

Một chiếc máy được ngụy trang dưới màu lá xanh. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Vừa nói chuyện, vừa bôi keo dính chuột lên cây chói tre, Ðạt kể: “Bây giờ ngoài thị trường bán máy phát âm tiếng chim kêu này nhiều lắm, chừng ba trăm ngàn đồng (tương đương $15) đến năm trăm ngàn đồng ( $25) là có thể khởi nghiệp.”
“Mấy ông cán bộ, đại gia bây giờ thích uống rượu máu chim, ăn thịt chim sẻ và các loại chim lạ lắm, có con vài chục ngàn đồng, có con lên vài triệu đồng, nói chung là đủ hạng, tui bẫy chim sẻ, bán giá sỉ mỗi con năm ngàn đồng (tương đương $0.24), mỗi ngày bán chừng một trăm con, có khi trúng vài trăm con, kiếm cũng khá.”
“Thời buổi bây giờ, nếu cứ sợ sát sanh thì lấy gì nuôi vợ nuôi con, Trung Quốc nó vừa sản xuất máy tụng kinh, vừa sản xuất máy bẫy chim bán cho mình đó thôi. Vả lại, hiền quá, sống trong xã hội này, tụi nó cũng nhai xương mình như xương chim vậy thôi, nên chi miễn bàn chuyện nhân đạo, cứ có tiền trước đã…”
Chúng tôi ngồi quan sát thêm một chút nữa, với chưa đầy 20 phút mà lượng chim sẻ sa bẫy lên đến gần 30 con. Hễ cứ nghe tiếng kêu, đậu lên cây chói là dính vào đấy. Ðạt chỉ tốn công đến vặt lông lấy ra nhúng nước và bỏ vào lồng.
Hùng, người Ðại Lộc, Quảng Nam, vừa làm nghề bẫy chim công nghệ Trung Quốc vừa bẫy chim cảnh theo kiểu người Việt lâu nay, cho biết: “Nhu cầu sử dụng thịt thú rừng, thịt chim rừng, nói chung là sử dụng hàng độc của mấy ông nhà giàu, mấy ông cán bộ đang ngày càng cao, nên mình cũng tranh thủ kiếm chút tiền.”

Những con chim phơi mình chờ chết. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
“Tụi tui làm nghề này cũng khổ tâm lắm, mình dạy con mình sống đạo đức, yêu thương muôn loài mà mình lại đi giết hại sinh cầm như thế thì quá nghịch lý, nhưng vào nghề rồi thì kẹt đủ thứ, vì đi bẫy ít cũng không được, lỡ gặp tay công an nào nó chặn bắt, lấy hết, xem như xong!”
“Mình phải bẫy cho nhiều, chấp nhận đi lâu, đi xa, để có chi còn chung chi cho mấy ổng, nói là lãi nhiều, chứ số tiền còn lại trong túi chẳng bao nhiêu cả. Mà mình bẫy cho nhiều thì chim mau hết, mai mốt không có để bẫy, như vậy, tự mình làm khổ mình thôi! Suy cho cùng, kẻ có tiền, có quyền bao giờ cũng sướng!”
“Bẫy chim, như tụi tui, lâu lâu kiếm mối cho bán cho họ phóng sanh, thì có mua phóng sanh phải có bán, muốn có bán thì bẫy, bây giờ mấy ông bà giàu có mới phóng sanh chứ dân nghèo tiền ăn còn không có lấy đâu mà phóng với sanh! Mấy ông bà cán bộ hay hay hối lộ, tham nhũng là ưa phóng sanh nhất.”
Chao ôi là chim!
Ông Tuấn, một cán bộ ngành quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường ở Quảng Nam cho biết: “Làm sao mà quản lý được hả ông, chim trời cá nước mà, thôi kệ, rừng nằm một chỗ đó mà càng siết chặt quản lý thì càng mau hết, huống chi chim!”
“Ông thử coi có bao nhiêu ông cán bộ, công chức không đi nhậu mỗi chiều? Chắc chắn là không có ông nào không đi nhậu, đã làm cán bộ thì phải biết nhậu mới giữ được ghế, mà đi nhậu thì ít ra cũng vài lần uống máu chim, ăn cháo chim, chim ram, chim nướng, chim chiên mắm, chim chiên xù, chim rô ti, chim nướng lá chanh, lá nghệ… Chao ui là chim!”
Nói đến đây, ông Tuấn chép miệng, lắc đầu.
Huy, dân chuyên bẫy quốc (chim đỗ quyên) bằng công nghệ Tàu, cho biết: “Nói về máy phát ra âm thanh chim đang thách bạn đến đá nhau thì không có ai qua mặt Trung Quốc, tụi này giỏi chuyện này đáo để, bình thường, chim quốc mồi kêu cả buổi nó không tới, nhưng chỉ cần mở máy lên là nó tuông ào ra, sa vào bẫy của mình.”
“Thì ông thấy đó, tụi Trung Quốc nó qua bên mình thuê đất nuôi yến sào, mà thực ra có nuôi cái thá gì đâu, nó xây một căn phòng, có những cái lỗ thông gió cho chim bay vào, sau đó mở máy phát âm tiếng chim yến kêu suốt ngày đêm, riết rồi chim cũng tới đậu, làm tổ trong nhà nó cả bầy này bầy khác!”
“Thật ra thì tụi nó ăn cắp tài nguyên của mình thôi, ông thử xem, đất nước này có 63 tỉnh thành, nó chỉ thuê có mấy chỗ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, để nuôi. Vì sao? Vì những nơi này đều có các đảo có hang chim yến, ví dụ như Quảng Nam, tụi nó thuê gần Hội An, thì có chim từ Cù Lao Chàm bay vào.”
“Với cái đà nhà nước tiếp tay cho tụi Tàu nó qua ăn cắp, khai thác tài nguyên của mình rồi đi đêm với nó… Vậy thì mình chẳng dại gì mà không xào một miếng để có chết cũng thỏa cái chí ông à!”

Mỗi con quốc (đỗ quyên) bị mất tự do và mất mạng, sẽ đổi được 30 ngàn đồng (tương đương $1.5) cho người đàn ông này. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Chuyện bẫy chim và phong trào chơi chim, ăn chim ở Việt Nam hiện nay có thể nói là phì đại và thiên hình vạn trạng, nhưng, nổi cộm nhất vẫn là những thủ đoạn, công nghệ do bàn tay Trung Quốc nhúng vào. Dường như, không có một con chim nào có thể thoát được thứ công nghệ này.
Có thể nói, với đà bắt chim nuôi, bẫy chim ăn thịt, nhử/lừa chim lấy tổ (yến sào) như hiện nay, sẽ không bao lâu nữa, trong câu chuyện cổ của con cháu mai hậu, sẽ có câu mào đầu: “Ngày xửa ngày xưa, nước ta có một loài rất hiền, nó hát rất hay, nó biết bay, ông bà ta gọi nó là chim!”
Và, trong câu chuyện cổ đó cũng có câu: “Có một thời, một giai đoạn lịch sử mà nhà nước chìa tay đón mừng người đến từ nước lạ. Những người từ nước lạ mang đến những phép lạ khiến cho những con chim không lạ có thể bay từ trời cao bay thẳng vào nồi một cách rất lạ!”

 

Nguyễn đạt Thịnh :Nước cờ thế Tam Sa


alt
Nguyễn đạt ThịnhThoibao
Trên bình diện chính trị quốc tế, việc người Tàu làm ngày 24 tháng Bảy 2012 – thành lập “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm – phải được chính danh gọi là một nước cờ thế ngang ngược, và vô cùng khó phá.
Phú Lâm là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung Cộng đã tấn công và cưỡng chiếm từ tay Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa năm 1974.
Đảo hình bầu dục, chiều đông-tây dài 1,950 thước, chiều bắc-nam rộng 1,350 thước, diện tích 2.1 cây số vuông. Đảo Phú Lâm địa thế bằng phẳng, chiều cao trung bình 5 thước trên mực nước biển, điểm cao nhất nằm ở phía tây-nam, cao khoảng 8 thước rưỡi.
Rặng san hô bao quanh đảo rộng 1,200 thước; bãi cát dọc theo chu vi đảo rộng 100 thước có đê cát cao từ 6 tới 8 thước bao quanh. Phần trung tâm của đảo là vùng đầm cạn, với loại đất “đá vôi” được hình thành từ phân chim. Mặc dù giếng đào có lượng nước phong phú nhưng vì nước có chứa vôi nên không uống được mà chỉ dùng để tắm rửa.
Trước ngày bị quân Trung Cộng đánh chiếm, đảo Phú Lâm được một đại đội Địa Phương Quân và một lực lượng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ. Việc người Tàu tấn công quân đội Việt Nam Cộng Hòa, chiếm quần đảo Hoàng Sa, được thủ tướng Việt Nam cộng sản Phạm Văn Đồng nhìn nhận.
Mới đây người Tàu xây một đường đáp ngắn cho loại máy bay nhỏ, xây dựng một số cơ sở hành chánh, không cần viên chức, vì không có việc làm; nhưng họ vẫn trịnh trọng treo đèn, kết hoa, giăng khẩu hiệu, rình rang tổ chức một cuộc bầu cử chọn những nhân vật quản trị thành phố Tam Sa, không chỉ mới toanh, mà còn là sản phẩm vô tưởng.
Cử tri cũng là yếu tố chưa từng có trong sinh hoạt chính trị Trung Quốc, và bầu cử trực tiếp chọn người cầm quyền chỉ là hình thức gần với sinh hoạt của Âu Mỹ, được người Tàu chọn để người Âu, người Mỹ dễ hiểu giá trị của những nhân vật được bầu lên cai trị Tam Sa, hầu nhìn nhận giá trị pháp lý của đơn vị hành chánh này.
Phải gọi việc Trung Quốc tạo dựng lên một thành phố Tàu giữa Biển Đông là nước cờ thế khó phá, vì trong giả thuyết thế giới không phản đối để mặc Tam Sa trở thành một thực tế -dù không được ai nhìn nhận, nhưng cũng không bị ai phủ nhận- thì Tam Sa cũng có vùng biển 200 hải lý đặc quyền kinh tế (ĐQKT) của riêng nó, vùng này sẽ rộng 2 triệu cây số vuông, chồng chất lên vùng ĐQKT của Việt Nam, Phi Luật Tân, Borneo, Mã Lai, Nam Dương, để Biển Đông trở thành tài sản chung của tất cả những nước này và nước Tàu.
Hoa Kỳ nhìn thấy dã tâm này; ngay trong ngày 24 tháng Bảy -ngày thành lập Tam Sa- bà Victoria Nuland, phát ngôn viên của bộ ngoại giao, lên tiếng: “Chúng tôi rất quan ngại trong trường hợp xảy ra bất kỳ động thái đơn phương nào gây ảnh hưởng một cách không thỏa đáng đối với vấn đề mà Mỹ đã nhiều lần khẳng định là chỉ có thể giải quyết bằng đối thoại, thương lượng, và hợp tác ngoại giao giữa tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”.
Mỹ muốn nói kịch bản “thành phố Tam Sa” là một tác phẩm đơn phương của Trung Quốc, áp đặt chủ quyền của họ trên vùng 2 triệu cây số vuông Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ còn nhắc lại chính Ngoại trưởng Hillary Clinton, trong những chuyến công du Châu Á gần đây, vẫn thường “bày tỏ quan ngại trước mọi trường hợp cưỡng chế về kinh tế, quân sự”.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ được cả Việt Nam lẫn Phi Luật Tân hưởng ứng.
Từ mùa hè 2011, Hà Nội vẫn thẳng tay đàn áp mọi cuộc biểu tình chống Trung Quốc, nhưng trong tháng Bảy này, họ đã đổi thái độ, để mặc 3 cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra tại thủ đô.

Hà Nội và Manila biểu tình phản đối… Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị còn nói, “việc Trung Quốc thành lập cái gọi là ‘Thành phố Tam Sa’ đã vi phạm luật quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.
Phi Luật Tân còn quyết liệt hơn, họ đòi đại sứ Trung Quốc tới trụ sở Bộ Ngoại Giao của họ nhận kháng thư phản đối việc Trung Quốc đơn phương thành lập thành phố Tam Sa. Người phát ngôn ngoại giao Phi, ông Raul Hernandez, nói Manila mạnh mẽ phản đối quyết định của Tàu thành lập đơn vị hành chánh, quân sự trên đảo Tam Sa.
Hernandez nói: “Phi Luật Tân không công nhận thành phố Tam Sa và phạm vi tài phán của thành phố này và coi nhiều hành động gần đây của Trung Quốc là đơn phương, không thể chấp nhận được”.
Tổ chức International Crisis Group (ICG), trụ sở tại Bruxelles, hôm 24/7/2012, cũng lên tiếng báo động những căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông có thể leo thang thành xung đột quân sự, do các nước có liên hệ đang gia tăng trang bị vũ khí.
Theo nhận định của ICG, khả năng giải quyết ôn hòa mọi tranh chấp có vẻ đã giảm đi sau khi Bắc Kinh mua được Nam Vang đóng vai trò phá đám hội nghị ASEAN không cho tổ chức này đề ra một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Giám đốc chương trình về châu Á của ICG, ông Paul Quinn-Judge, cho rằng, “vì không có đồng thuận về một cơ chế giải quyết tranh chấp, căng thẳng trên Biển Đông có thể dễ dàng biến thành xung đột vũ trang”.
Trong báo cáo công bố hôm 24/7/2012, ICG cho rằng Trung Quốc đang tích cực khai thác những chia rẽ họ tạo ra trong nội bộ ASEAN, bằng cách ưu đãi những thành viên ASEAN nào ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
ICG còn ghi nhận Trung Quốc và các nước tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, đặc biệt là Việt Nam và Phi Luật Tân đã tiếp tục phát triển lực lượng hải quân và tuần duyên, một phần là do áp lực chính trị trong nước, một phần là do tinh thần dân tộc chủ nghĩa dâng cao trong người dân hai nước này.
Tuy Việt Nam và Phi Luật Tân cùng ở trong thế đối đầu trực tiếp với nước cờ Tam Sa, nhưng Việt Nam yếu hơn Phi trên 2 điểm, và có thể sẽ phải nhượng bộ hầu thỏa hiệp với Trung Cộng.
Điểm yếu thứ nhất của Việt Nam là tương quan giữa hai chính sách của Hà Nội và của Hoa Thịnh Đốn: nhiều lần Hoa Thịnh Đốn đã nói thẳng với Hà Nội là việc Hà Nội muốn mua loại vũ khí tối tân của Hoa Kỳ để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược trên Biển Đông phải là việc đi sau những cải cách nhân quyền và dân chủ.
Đòi hỏi này không dễ thỏa mãn, vì việc trả tự do cho những chiến sĩ dân chủ đang bị Hà Nội giam giữ, việc chấm dứt chính sách đàn áp tự do ngôn luận, tự do biểu tình, trừng phạt tham nhũng, v.v… là những bước đưa Việt Nam đến rất gần với một cuộc đảo chính chắc chắn không an toàn tí nào cho những nhân vật đang cầm quyền tại Việt Nam.
Vì lý do an toàn bản thân và an toàn cho gia đình họ, các lãnh tụ chính trị Việt Nam sẽ hy sinh mọi quyền lợi của dân tộc trên Biển Đông, chứ không hy sinh chỗ họ đang ngồi. Thái độ tử thủ, đánh cho đến lúc chết trên ngôi vị, của hai nhà lãnh tụ Trung Đông Muammar Gaddafi và Bashar Assad cho chúng ta thấy những tiền lệ khó tránh do nhược điểm của con người tạo ra.
Nhược điểm thứ nhì là các thái độ thân Trung Cộng của các tướng lãnh Việt Nam. Thái độ này có thể thấy rất rõ trong buổi họp mặt kỷ niệm của các tướng lãnh cao cấp Việt Nam, nhân ngày thành lập Giải phóng quân Trung Quốc lần thứ 85.
Bộ Quốc phòng Việt Nam đã triệu tập hàng trăm sĩ quan thuộc các cơ quan của Bộ, các binh chủng và các quân khu đã từng được phía Trung Quốc đào tạo qua các thế hệ cho cuộc gặp gỡ mang tính kỷ niệm này hôm thứ Bảy ngày 28/7 – bốn ngày sau ngày thành lập Tam Sa.
Chủ trì buổi gặp mặt là Đại tướng Phùng Quang Thanh, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam, và Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, chủ nhiệm Tổng cục chính trị của quân đội đồng thời là ủy viên trung ương Đảng.
Ngoài ra, buổi họp mặt còn có sự tham dự của ít nhất ba ủy viên trung ương Đảng khác, bao gồm hai thứ trưởng là Thượng tướng Nguyễn Thành Cung và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Trung tướng Mai Quang Phấn, người phó của ông Lịch tại Tổng cục chính trị.
Mục đích của cuộc hội ngộ này, theo Thông tấn xã Việt Nam, là ‘dịp thể hiện lòng biết ơn’ sự giúp đỡ của Trung Quốc đã ‘đào tạo cán bộ’ cho quân đội Việt Nam.
“Chúng tôi luôn trân trọng, ghi nhớ và mãi biết ơn sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, to lớn có hiệu quả mà Đảng, Chính phủ, nhân dân và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã dành cho Việt Nam,” Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại buổi họp mặt có sự tham dự của đại diện lâm thời Trung Quốc Khương Tái Đông và tùy viên quân sự của nước này.
Cuộc gặp mặt diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tục leo thang các hành động đòi hỏi chủ quyền của họ trên các vùng đảo có tranh chấp với Việt Nam trên Biển Đông, trong khi giới chức Việt Nam có các hoạt động nhắc nhở công chúng trong nước về ‘tình hữu nghị Việt-Trung’.
Thay mặt quân đội Việt Nam, ông Thanh gửi tới Quân ủy Trung ương và toàn bộ Giải phóng quân Trung Quốc ‘lời chúc mừng tốt đẹp nhất’ nhân ngày thành lập.
Báo Quân đội nhân dân, cơ quan ngôn luận của quân đội Việt Nam, viết bài tường thuật chi tiết về ‘tình cảm biết ơn’ của quân đội Việt Nam đối với Trung Quốc trong buổi gặp mặt này với tiêu đề ‘Khắc ghi tấm lòng nhường cơm xẻ áo’.
Đáp từ đại diện lâm thời Trung Quốc Khương Tái Đông nói ‘quan hệ hai nước đang có bước phát triển tốt đẹp’. Ông nhắc lại quan hệ Hoa-Việt là ‘núi liền núi, sông liền sông’ và ‘vừa là đồng chí vừa là anh em’.
Bên cạnh những lập luận phản kháng của Bộ Ngoại Giao, lời tri ân nồng nhiệt, cắn cỏ, ngậm vành của đại tướng Tổng Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh có mang giá trị đính chánh, xí xóa những gì ông Lương Thanh Nghị nói không?
Trước sự mất còn của toàn bộ hải phận Việt Nam, Hà Nội vẫn không có được thái độ rõ rệt cộng tác với Hoa Kỳ và Phi Luật Tân để cùng phá vỡ nước cờ thế Tam Sa.
Nguyễn đạt Thịnh
http://thoibao-online.com/the-gioi/binh-luan/8018-nc-c-th-tam-sa

 Thông báo số 2 của 42 công dân kêu gọi Nhà nước tổ chức biểu tình

Thanh Trúc, phóng viên RFA – 2012-08-19
Tập thể bốn mươi hai nhân sĩ trí thức, từng có văn thư đề nghị chính quyền thành phố Hồ Chí Minh tổ chức biểu tình chống Trung Quốc, vừa gởi thêm thông báo số 2 đến báo chí cũng như chính quyền các cấp.
Photo courtesy of danlambao – BS Huỳnh Tấn Mẫm (ngoài cùng bên phải) trong lần biểu tình chống Trung Quốc ngày 05/6/2011 tại Sài Gòn.
Thông báo viết rằng trong khi chờ đợi văn bản trả lời của lãnh đạo thành phố mà nếu Trung Quốc tiếp tục khiêu khích gây hấn thì mọi người sẽ có quyết định kịp thời để bày tỏ thái độ yêu nước phù hợp của mình.
Thanh Trúc phỏng vấn một thành viên trong nhóm, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, người đứng tên trong bản thông báo số 2 này:
Thanh Trúc: Thưa bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, ông là người soạn bản thông báo số 2 này cũng như là thay mặt tập thể bốn mươi hai công dân, nhân sĩ trí thức, để gởi thông báo này phải không?
BS Huỳnh Tấn Mẫm: Đúng ra thông báo này là soạn tập thể chứ không phải cá nhân, ý kiến của anh em. Nhiều anh em sửa đi sửa lại chứ không phải chỉ mình tôi soạn ra, nhưng mà trong đó có phần đóng góp ý kiến quan trọng của tôi.
Chúng tôi gởi cho các báo trước, sau đó rồi các anh em có gởi trên mạng, nhưng mà chủ yếu và trước hết là phải gởi cho các báo dù cho các báo không đăng đi nữa chúng tôi cũng phải gởi. Thành Ủy, Ủy Ban, Hội Đồng Nhân Dân đều có gởi.
thong-bao-2-250.jpg
Bản thông báo số 2 của tập thể 42 công dân gởi văn bản đề nghị tổ chức biểu tình đến thành ủy ĐCS, hội đồng nhân dân & UB TPHCM. Photo courtesy of blog Huỳnh Ngọc Chênh.
Tôi gởi một cách công khai, không có gì phải dấu diếm và sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai. Tại vì chúng tôi nghĩ đây là phản ứng của dư luận quần chúng chứ không phải là một tổ chức bí mật, không phải một tổ chức để mà trực diện với chính quyền. Chúng tôi chỉ là bức xúc mà nói lên chuyện Trung Quốc xâm lấn Việt Nam.
Thanh Trúc: Xin ông trình bày qua về bản thông báo số 2 này?
BS Huỳnh Tấn Mẫm: Nội dung là yêu cầu chúng tôi gởi bằng văn bản thì phải trả lời bằng văn bản. Đó là cách làm việc theo văn hóa. Người ta yêu cầu bằng văn bản thì phải trả lời bằng văn bản. Đó là điều thứ nhất.
Thứ hai, chúng tôi muốn nói việc số người được hỏi còn đa số còn lại thì không hỏi gì. Trong cách hỏi cũng làm cho người ta khó hiểu, hỏi có phải đúng chữ ký không, ai đưa ký, ai soạn. Điều đó để làm gì, đâu có ích lợi gì. Người ta là người lớn rồi, người ta ký vào nghĩa là người ta chấp nhận, cớ gì phải hỏi những điều chi tiết như vậy. Có vẻ tra hỏi thì cái đó không hay lắm.
Điều thứ ba, chúng tôi thấy thời gian mà chúng tôi chờ đợi cũng phải có một thời gian nhất định nào đó, không để lâu được và không thể kéo dài được. Nếu như có tình hình mới là Trung Quốc xâm chiếm thêm nữa, có động thái thêm nữa ở biển Đông, thì dứt khoát là chúng tôi phải có thái độ ngay lập tức, không chờ đợi nữa.
Vì nếu chờ đợi một thời gian mà không được thì chúng tôi phải có một cách khác để hành động. Chuyện im lặng tôi thấy là một điểu dở, tại sao ba tuần rồi mà không trả lời, đối xử với nhau như vậy là không tốt. Tôi nghĩ phải đối xử với nhau tốt hơn, khi người ta hỏi thì mình phải trả lời. Có thể trả lời là không đồng tình hoặc thế này thế khác nhưng mà phải trả lời.
Tại sao phải im lìm như vậy, tại sao phải nói là tàu lạ mà không nói thẳng là tàu Trung Quốc? Tại sao không nói những điều mà Trung Quốc quấy phá chúng ta một cách công khai trong đảng và trong nhân dân?
BS Huỳnh Tấn Mẫm
Thanh Trúc: Thông báo số 2 được gởi ra ngày 15 tháng Tám 2012 nhưng các báo đã không đăng lại và chỉ xuất hiện trên các blogs, các trang mạng xã hội mà thôi, ông nghĩ thế nào?
BS Huỳnh Tấn Mẫm: Chắc là có sự kiểm duyệt nào đó, chắc có lịnh chỉ đạo nào đó của cấp trên, của Ban Tuyên Huấn, của Trung Ương hoặc của Thành Ủy. Như hồi đó tới giờ chúng tôi có ý kiến này ý kiến nọ nhưng mà có được đăng đâu. Điều đó cho thấy cũng là điều không hay của cơ quan Tuyên Huấn của nhà nước, cơ quan Tuyên Huấn của đảng.
Nếu người ta nói mà mình không được trả lời, nếu người ta nói mà mình không được thông tin, thì thông tin một chiều đó chẳng ích lợi gì cả. Người dân không biết thì sẽ hiểu như thế nào đây? Tại sao phải im lìm như vậy, tại sao phải nói là tàu lạ mà không nói thẳng là tàu Trung Quốc? Tại sao không nói những điều mà Trung Quốc quấy phá chúng ta một cách công khai trong đảng và trong nhân dân?
Một nhà nước có thực quyền thì phải tỏ ý chí mạnh mẽ, chứ không để tình trạng úp mở làm người ta không hiểu gì hết. Ngay cả trong đảng cũng không hiểu rồi nhân dân cũng không hiểu thì làm gì mà thuyết phục được nhân dân. Làm sao thuyết phục được dư luận trong đảng chứ đừng nói chi là dư luận quốc tế. Chúng tôi thấy đó là điều không hay, không tốt và cần phải sửa chữa.
de-nghi-bieu-tinh-250.jpg
Trang mạng Bauxite với lời kêu gọi Nhà nước tổ chức biểu tình. Screen captured by RFA.
Thanh Trúc: Thưa trong một số đề nghị của tập thể bốn mươi hai công dân thì có một phần là “bày tỏ lòng yêu nước của công dân là đa dạng như biểu tình, mít tinh, hội thảo trong các cơ quan xí nghiệp, ra tuyên ngôn tuyên cáo vân vân… Phải chăng quí ông quan niệm rằng một cuộc mít tinh năm trăm một ngàn người thì quan trọng hơn một cuộc biểu tình chỉ có mấy chục người?
BS Huỳnh Tấn Mẫm: Theo nhận định thì đảng và nhà nước rất lo lắng một cuộc biểu tình thì sẽ có sự phá hoại hoặc có âm mưu gì đó. Vì lo ngại đó mà chúng tôi thấy rằng nếu biểu tình không được thì mít tinh được không, hội thảo được không, ra tuyên ngôn tuyên cáo được không?
Tất cả những cái chúng tôi biết hiện nay là đảng và nhà nước cũng không dám làm gì hết. Điều đáng lo ngại ở chỗ là dù cho có ra tuyên ngôn tuyên cáo của đoàn thể ban ngành, đoàn thể chính quyền, hay là Mặt Trận… đều cũng không thể thực hiện được. Vì sao? Vì sự chỉ đạo quá khắt khe đối với các tổ chức hay đoàn thể, cho nên họ không thể thực hiện được những ước nguyện hay nguyện vọng của họ.
Tôi nói như vậy có nghĩa là gì? Nghĩa là dù hình thức nào, từ nhỏ đến lớn, tôi thử coi chính quyền và cơ quan Tuyên Huấn của đảng có dám thực hiện không, có dám chỉ đạo thực hiện không? Nếu mà dám thực hiện thì đó là điều tốt. Nhưng mà tôi vẫn còn ngờ chuyện đó là khó thực hiện lắm.
Thanh Trúc: Một lần nữa xin cảm ơn bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm về thời giờ của ông.


Tiền thuế của dân là ‘tiền chùa!’

Song Chi/Người Việt
Tình trạng lãng phí tràn lan trong đầu tư công, hay chất lượng kém do nạn tham nhũng, “rút ruột công trình” ở VN là “chuyện biết rồi, nói mãi.”
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, chi phí xây dựng hơn $3 tỉ nhưng liên tiếp phải dừng hoạt động vì trục trặc kỹ thuật. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Nhưng điều quan trọng hơn, báo chí, dư luận “nói hoài, nói mãi” mà qua năm tháng, cũng chẳng thấy có gì thay đổi!
Chỉ riêng từ đầu tháng 8 năm 2012 đến nay, tức là mới hơn hai tuần, ai có theo dõi báo chí thường xuyên đã thấy nổi lên nhiều vụ.
Nào vụ “Nhà máy lọc dầu Dung Quất lại dừng hoạt động” (báo Người Lao Ðộng) để xử lý lỗi kỹ thuật. “Liên quan đến khớp nối giãn nở nhiệt trên đường xả khí CO của phân xưởng RFCC.”
Lần tạm dừng này kéo dài hơn một tuần, từ ngày 8 đến ngày 17 tháng 8.
Cũng theo bài báo, “trước đó, trong hai tháng 5 và 7 vừa rồi, nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng đã dừng hoạt động để xử lý các lỗi kỹ thuật.”
Tháng 7 năm 2011, nhà máy cũng đã tạm dừng 2 tháng để tiến hành bảo dưỡng đợt 1 và khắc phục những điểm tồn tại kỹ thuật.
Một công trình được đánh giá là “một trong những dự án kinh tế lớn, trọng điểm quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ 21… Ðược khởi công xây dựng từ năm 2005, tổng mức đầu tư là hơn 3 tỉ USD (khoảng 40,000 tỉ đồng)…” (theo trang Wikipedia tiếng Việt)
Nhưng khi đưa vào vận hành chưa được bao lâu thì cứ trục trặc, hoạt động cà giựt, mỗi lần sửa chữa tốn kém cả đống tiền.
Ðó là chưa nói công trình này ngay hồi đầu đã bị quốc tế chỉ trích và tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả, khả năng kinh tế do được đặt ở một địa điểm không thuận lợi.
Nhưng “với quyết tâm chính trị của đảng và nhà nước” nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế ở tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền Trung nói chung, dự án này vẫn được tiến hành. (Làm kinh tế mà lại được xét đoán theo quyết tâm chính trị thì sợ thật!)
Tất nhiên, những người chịu trách nhiệm tiếp tục khẳng định với người dân “sự cố của nhà máy Dung Quất trong tầm kiểm soát” (theo VNMedia).
Cũng trong tháng 8, báo chí đưa tin vụ đường hầm sông Sài Gòn bị nứt, thấm nước.
Bài “Vừa sử dụng, hầm vượt sông Sài Gòn đã thấm, nứt?” trên VTC News viết: “Hầm Thủ Thiêm (TPHCM), một trong những hầm vượt sông lớn và hiện đại nhất khu vực Ðông Nam Á đã xuất hiện những vết trám trét và có dấu hiệu bị thấm nước…”
Ðây là hàng loạt các bài báo khác về vụ này: “Sửa chữa các vết thấm đường hầm sông Sài Gòn” (báo Tuổi Trẻ), “Ðẻ con ‘khuyết tật’ thì phải chăm sóc suốt đời(?!),”báo Lao Ðộng), “Cận cảnh hầm sông Sài Gòn chi chít ‘vết thương’ (báo Dân Trí)…
Công trình này cũng mới được khánh thành long trọng và đưa vào sử dụng vào tháng 11, 2011.
Cũng như vụ nhà máy lọc dầu Dung Quất nói trên và những trường hợp tương tự khác, chủ đầu tư và những người chịu trách nhiệm lại lên tiếng trấn an rằng hiện tượng thấm nước là bình thường, “trong giới hạn cho phép.”
Nhưng những nhà chuyên môn thì bẻ lại “thấm trong giới hạn cho phép” chỉ là cách nói trấn an dư luận. (phát biểu của Thạc sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, báo Dân Trí).
Còn người dân thì tất nhiên chả mấy tin tưởng vào những lời nói nghe… rất quen này.
Ngoài ra còn những thông tin khác như “Cảng quốc tế hơn 36 tỷ đồng bỏ hoang” (báo VNExpress) nói về cảng Phú Hữu ở quận 9, Sài Gòn bị bỏ hoang vì “không có đường dẫn cho container ra vào.”
“Gần 70 tỷ đồng và trạm bơm… Ba Giọt” (Báo Dân Trí) nói về trạm bơm Ba Giọt ở xã Phú Vinh, huyện Ðịnh Quán, tỉnh Ðồng Nai do Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đầu tư, mới đưa vào vận hành đã liên tục hư hỏng.
“Nhà văn hóa cộng đồng biến thành nơi… nhốt trâu bò!” (báo Tin Tức) nói về việc “tỉnh Ðắk Lắk đã đầu tư trên 60 tỷ đồng để xây dựng 554 nhà văn hóa cộng đồng ở các thôn, buôn, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.” Nhưng sau khi xây dựng xong, phần lớn các nhà văn hóa này đều không hoạt động, đóng cửa hoặc để nhốt trâu bò, làm sân đá bóng cho trẻ em. v.v…
Ðó là mới điểm báo sơ sơ trong vòng hai tuần lễ.
Còn vô số vụ lãng phí kinh khủng mà dư luận vẫn còn nhớ, liên quan đến những “công trình cấp quốc gia, công trình trọng điểm, thế kỷ” nhưng mới xây xong, đưa vào hoạt động là xuống cấp rất nhanh hoặc đủ thứ “vấn đề kỹ thuật” xảy ra.
Như vụ cầu cao tốc Sài Gòn-Trung Lương hay đường Láng-Hòa Lạc (đại lộ Thăng Long) bị hỏng, cầu Cần Thơ – cây cầu lớn nhất Ðông Nam Á bị lún, nứt, thủy điện Sông Tranh 2 bị rò rỉ nước do lỗi thiết kế… Hay những “công trình bề thế” chào mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Tờ Petrotimes hồi đó đã làm một loạt bài về “Những công trình ‘nghìn năm Thăng Long’ bây giờ ra sao?”
Liệt kê từ “Quốc lộ 32 – Cung đường ‘vô địch’ về số lần gia hạn,” “Ðại lộ Thăng Long – Cung đường nghìn tỉ giả vờ khánh thành,” “Công viên trăm tỷ-có cũng như không” (về công viên Hòa Bình, Hà Nội), “Bảo tàng Hà Nội-Công trình ‘điển hình’ cho sự lãng phí,” “Con đường gốm sứ – kỷ lục gia đang kêu cứu”…
Có thể kể một danh sánh dài dằng dặc không biết bao nhiêu công trình kiểu như vậy.
Sự lãng phí diễn ra ở khắp mọi nơi, từ những công trình cấp quốc gia cho đến những công trình cấp tỉnh, huyện, xã… Hoặc do tham nhũng, nạn “rút ruột công trình.” Hoặc do đầu tư không đúng địa điểm, chủ quan quyết mọi chuyện theo nhãn quan chính trị mà không xét đến khía cạnh kinh tế, các yếu tố lợi hại. Hoặc thiếu chiến lược, chính sách phát triển tiếp theo v.v…
Tóm lại, có muôn vàn lý do khác nhau. Nhưng nguyên nhân chính là do lối làm ăn gian dối, thiếu trách nhiệm và nạn tham nhũng nghiêm trọng, có hệ thống, từ trên xuống dưới, trong mọi lĩnh vực, ở đất nước này.
Bao nhiêu tiền của đổ sông đổ bể. Mà đó là tiền thuế mồ hôi nước mắt của người dân.
Trong hàng trăm hàng ngàn vụ việc như vậy chỉ có một số ít được xử lý, một số cá nhân bị cách chức, thuyên chuyển chức vụ hay thậm chí ra tòa. Còn lại cả hệ thống đẻ ra cái cung cách làm ăn tham nhũng ấy vẫn còn nguyên.
Riết rồi người dân cũng đâm ra chán!
Những con số thiệt hại hàng tỷ đô la Mỹ nghe riết rồi quen, xem nhẹ tựa như lông hồng (!).
Ðối với dân đen, một phần do số tiền lớn quá họ không hình dung nổi. Họ còn phải tối mắt tối mũi làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối mịt để kiếm từng đồng bạc lẻ.
Lương công nhân, giáo viên, công nhân viên bình thường hay thu nhập của người nông dân, dân nghèo thành thị một tháng trên dưới một vài triệu đồng VN làm sao hình dung được số tiền hàng triệu, hàng tỷ đô la là bao nhiêu.
Thứ hai, ai cũng nghĩ nó như chuyện của chung, chuyện của… ai đó chứ không phải của mình (!).
Từ người dân bị móc túi từng đồng thuế đóng góp cho những cái công trình bị ăn cắp trắng trợn kia cho đến những người chịu trách nhiệm trực tiếp. Và cao hơn nữa, là những người đứng đầu các bộ ngành, đứng đầu đảng và nhà nước.
Họ cũng có ý nghĩ trách nhiệm là… trách nhiệm chung, lãnh đạo tập thể mà, nghĩa là chẳng có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cụ thể cả. Cùng lắm thì “nghiêm khắc kiểm điểm, phê và tự phê” rồi đâu lại vào đó.
Như những con nghiện quen thuốc, nhờn thuốc.
Người Việt Nam cứ tiếp tục sống với những con đường vừa xây xong đã lún, những cây cầu mới khánh thành đã gãy, những đường hầm bị nứt, những sân golf, dự án “đắp mền” bỏ hoang trong lúc dân thiếu đất trồng trọt, canh tác…
Lại giật mình nghĩ đến hàng loạt những dự án, công trình đang triển khai có ảnh hưởng đến hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu con người nếu lỡ có sự cố gì xảy ra. Như các công trường khai thác bauxite ở Tây Nguyên hay các nhà máy điện hạt nhân… Ðã và đang được “bảo đảm an toàn bằng mồm” của các quan chức.
Ai cũng biết thừa rằng khi cái cơ chế này vẫn tồn tại, trong đó sự minh bạch hay pháp luật chỉ là trò đùa, những loại quan chức đẻ ra từ chế độ này vẫn còn ngồi đầy ra đó thì nạn tham nhũng, rút ruột công trình, làm ăn gian dối sẽ vẫn còn, chất lượng các công trình sẽ vẫn tệ hại… Và chuyện gì cũng có thể xảy ra!
Nhưng thôi, mọi chuyện đã có “đảng và nhà nước lo,” người dân cũng chả nên lo làm gì!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét