Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

NÊN ĐẶT CƠ QUAN ĐẶC TRÁCH CHỐNG THAM NHŨNG TRỰC THUỘC CHỦ TỊCH NƯỚC

Phạm Viết Đào.
Theo dõi hoạt động của các vị “ tứ trụ triều đình “ thấy sau chuyến đi thăm Cu Ba, có vẻ TBT Nguyễn Phú Trọng đang bị suy giảm “ phép thông công “, giảm thiêng, ông Trọng ít thấy xăng xái xuất hiện đây đó để phát biểu những điều như sách, như nghị quyết; ông Nguyễn Tấn Dũng thì vẫn hăng hái, phòng ngự bằng phương pháp tấn công…Hiện nhiều chuyện tai tiếng đều dính đến bàn tay của chính phủ nên dư luận cảm thấy ông Dũng phải gồng lên, ông Dũng có vẻ cũng nhận ra được: nao núng mất tinh thần, giao động, lùi lúc này là nguy, là hỏng nên cứ ào ạt xô quân xông lên bất kể thua được, phải trái biến thua bại thành thắng, biến tai tiếng thành nổi tiếng, tưởng sa vào thế yếu lại thành mạnh…Còn ông Nguyễn Sinh Hùng thì có vẻ kín tiếng, phải chăng ông Hùng đang nín thở xem phe nào mạnh để mà ngả theo, ít thấy xuất hiện, ít bày tỏ thái độ…
Chỉ còn mỗi ông Trương Tấn Sang là vẫn thấy chịu khó xuất hiện đều đều chỗ này chỗ kia, đề xuất điều này, khuyến khích cái nọ…Giới bình luận vỉa hè cho rằng: Trong tứ trụ, vào thời điểm hiện tại ông Trương Tấn Sang là người ít bị tai tiếng, ít dính dáng đến những chuyện lèm nhèm, chỉ có điều ông này có vẻ lực yếu; Lực ở đây là việc nắm quân quyền, với vị trí Chủ tịch nước ông chỉ có danh còn quyết về nhân sự lại do Đảng; Quyết về tiền danh nghĩa do Quốc hội nhưng thực ra trong tay Thủ tướng…Chỉ cần lèo lái xê dịch một dấu chấm, dấu phẩy trong chuyện chi tiêu tiền là đã trở thành cả một vấn đề…
Dư luận vỉa hè đang bàn tán rôm rả về cuộc tiếp xúc cử tri mới đây vào ngày 3/5, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã công khai đúc kết:” Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận về vai trò của Quốc hội trong giám sát tham nhũng tại kỳ họp vào cuối tháng 5 sắp tới. Chủ tịch nước chia sẻ các quan ngại của cử tri khi người phụ trách phòng chống tham nhũng hiện nay lại được giao cho thủ trưởng các cơ quan công quyền, vốn được coi là đối tượng phát sinh tham nhũng cao nhất. “Hiện nay, tổ chức bộ máy chống tham nhũng có 3 luồng ý kiến khác nhau: Thứ nhất là giữ nguyên bộ máy chống tham nhũng như hiện nay nhưng tăng thêm quyền lực và quyền hạn; thứ hai là bộ máy chống tham nhũng phải trực thuộc Quốc hội hoặc giao cho Đảng trực tiếp chỉ đạo; thứ ba là thành lập một Ủy ban độc lập phòng chống tham nhũng. Do đó, trong tháng 5 này, Quốc hội sẽ thống nhất về vấn đề này”,…
Cái cơ chế giao Chống tham nhũng cho Chính phủ hình thành thời ông Nguyễn Văn An làm Chủ tịch Quốc hội; hồi đó đã có ý kiến đại biểu cho rằng nên để cơ quan đặc trách chống tham nhũng tại Quốc hội nhưng ông Nguyễn Văn An nhất quyết đẩy sang Chính phủ. Không rõ bây giờ ông Nguyễn Văn An có cảm thấy sai, hối hận về việc này không khi mà từ khi cơ quan này về sân chính phủ đến nay, việc chống tham nhũng chẳng thấy tiến triển gì mà ngày càng tệ hơn, các vụ tham nhũng ngày càng to hơn? Điều này dễ hiểu vì làm sao khách quan được khi mà Thủ tướng vừa đá bóng, lại vừa thổi còi…
Về các mô hình về cơ cấu tố chức cơ quan phòng chống tham nhũng phải căn cứ vào Hiến pháp và căn cứ vào tình hình thực tế Việt Nam; Hình như Trung Quốc người ta sát nhập cơ quan chống tham nhũng của Chính phủ với Đảng làm một, tức là sát nhập cơ quan Thanh tra Chính phủ với Ủy ban Kiểm tra của Đảng làm một…Mô hình này thực ra là duy ý chí và không thật chuẩn về cơ sở pháp lý vì dù là Đảng cầm quyền như Trung Quốc, Việt Nam nhưng Điều lệ Đảng đều ghi cầm quyền ở đây là quyền lãnh đạo về đường lối, là cử người vào các cương vị chủ chốt còn không cầm tay chỉ việc.
Hợp lý và hợp pháp nhất đó là cách mà nhiều nước phương Tây vẫn làm: Hình thành Tòa án Hiến pháp, Tòa án này sẽ phán xét tất cả các thành viên của bộ máy nhà nước, trừ Tổng thống, Chủ tịch nước được miễn trừ trong thời gian tại chức; còn sau khi mất chức thì lúc đó cơ quan này sẽ ra tay nếu Cựu Tổng thống có chuyện…Ở ta muốn theo mô hình này thì phải sửa lại Hiến pháp.
Trở lại việc ở ta nên để cơ quan Chống tham nhũng ở đâu ? Nếu để tình trạng như hiện nay thì rõ ràng là bất ổn vì nhiều lý do trong đó lý do lớn nhất đó là tâm lý e ngại, nể nang, tâm lý làng xã vốn ăn sâu trong tâm thức của những kẻ “ đã trót tương phùng trong một quán; dẫu trà ôi rượu nhạt vẫn là duyên…”
Còn đặt trực tiếp tại cơ quan Đảng thì đây là một mô hình đang bị tẩy chay khắp thế giới: Đảng không nên can thiệp quá sâu vào công việc của nhà nước; Nhà nước của dân và do dân bấu còn Đảng chỉ là một nhóm người có cùng một chí hướng chính trị nào đó…Vả lại Đảng xưa nay quen nói chuyện cao đạo, đường lối, bây giờ lao vào việc đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành là việc Đảng sẽ không làm được, có khi lại hỏng, lại bị mua làm Đảng thối…
Mô hình thích hợp nhất, hợp pháp nhất theo người viết bài này nên đặt dưới quyền chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch nước; Nếu đặt cơ quan này tại Phủ Chủ tịch vừa đúng Hiến pháp pháp luật, vừa tăng thêm quyền lực cho Chủ tịch nước… Thủ tướng Chính phủ điều hành, Chủ tịch nước làm trọng tài, kiếm tra giám sát việc sử dụng tiền…
Các triều đại phong kiến thịnh trị xưa để lành mạnh bộ máy nhà nước thì Vua phải đứng ra mà giám quản các quan, Vua phải đứng ra mà chống tham nhũng; vua mà lơ mơ, hỏi gì cũng không biết, chỉ trị vì không thì Tể tướng, quần thần sẽ làm loạn…
P.V.Đ.

 Khủng khiếp ngôi làng chết hàng trăm người vì ung thư

04/05/2012
(VTC News) – Chị bán nước bảo: “Bệnh đấy có là gì đâu anh? Làng em chết hàng trăm người vì bệnh ung thư anh ạ. Giờ người ta không gọi làng là Tử Lạc nữa, mà gọi là Tử Tiệt anh ạ”.
Kỳ 1: Tử Lạc thành… Tử Tiệt
Mấy năm trước, người dân cả nước choáng váng vì phát hiện ra “xã ung thư” ở Phú Thọ. Ấy là xã Thạch Sơn, thuộc huyện Lâm Thao, nằm ngay cạnh nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao. Mỗi năm, xã này có vài người chết vì ung thư, thậm chí cả chục người. Tổng số có cả trăm người chết trong mấy chục năm.
Khủng khiếp ngôi làng chết hàng trăm người vì ung thư
Nhà máy xi măng nằm ngay bên đường ở Kinh Môn. 
Thế nhưng, trong chuyến công tác về xã Minh Tân (Kinh Môn, Hải Dương), tìm hiểu về đàn khỉ lông vàng cuối cùng của vùng đất, đang bị con người phá núi, tiêu diệt, tôi đã phát hiện ra một vùng đất khủng khiếp chưa từng thấy: Cả xã có vài trăm người chết vì ung thư, một làng có cả trăm người chết vì căn bệnh quái gở này trong 10 năm trở lại đây.
Tôi chỉ còn biết thốt lên rằng: Quá khủng khiếp! Có lẽ không ở đâu mà tình trạng chết ung thư khủng khiếp đến như thế.
“Tử Lạc thành… Tử Tiệt”
Tôi ngồi uống nước ở gốc đa đầu làng Tử Lạc (xã Minh Tân) vào giữa trưa nắng chang chang. Con đường vào Tử Lạc lúc nào cũng bụi mù trời. Buổi trưa là lúc cánh đồng Tử Lạc vắng tanh, người dân đóng cửa kín mít. Đó là thời điểm các đơn vị khai thác đá đánh mìn, phá núi.
Những tiếng nổ ùng ục vang lên, những chuyến xe tải ra vào, chở ật ưỡng đá từ núi về Nhà máy xi măng Hoàng Thạch và các nhà máy xi măng trong vùng. Bụi đá, bụi xi măng trắng xóa, bao phủ khắp làng, biến màu xanh cây cối thành màu bàng bạc. Cả làng Tử Lạc chìm trong màu bàng bạc của bụi đá.
Khủng khiếp ngôi làng chết hàng trăm người vì ung thư
Đường vào Tử Lạc bụi mù trời. Màu xanh của cây cối biến thành màu bàng bạc.  Cành lá rũ đi vì bụi.
Tôi trò chuyện với chị bán nước: “Bụi bặm thế này chắc cả làng bị bệnh hô hấp chị nhỉ?”. Chị bán nước bảo: “Bệnh đấy có là gì đâu anh? Làng em chết hàng trăm người vì bệnh ung thư anh ạ. Giờ người ta không gọi làng là Tử Lạc nữa, mà gọi là Tử Tiệt anh ạ”.
Tôi tiếp chuyện: “Chết thế nào hả chị? Có bằng làng Thạch Sơn ở Phú Thọ không?”. Chị bán nước: “Em không biết làng Thạch Sơn chết thế nào, nhưng quá nửa số người chết ở làng em là ung thư. Chẳng tháng nào không có người về với đất vì bệnh ung thư”.
Khủng khiếp ngôi làng chết hàng trăm người vì ung thư
Cổng làng Tử Lạc.
Nói rồi, chị chỉ cái nghĩa địa xa xăm ngoài cánh đồng và bảo rằng: “Anh cứ ra cái nghĩa địa đó mà xem, toàn người chết trẻ, chết vì ung thư đấy. Làng em chết trẻ nhiều hơn chết già”.
Nói rồi, chị thống kê cho tôi hàng loạt trường hợp trong làng chị đang sống dặt dẹo vì căn bệnh ung thư quái ác. Chị kể từ đầu làng đến cuối xóm, tôi chép mỏi cả tay. Thống kê lại, thì thấy sơ sơ có 15 trường hợp đang ngược xuôi chữa bệnh giành giật sự sống với căn bệnh quái ác này.
Khủng khiếp ngôi làng chết hàng trăm người vì ung thư
Cuốn sổ ghi người chết, toàn bị K.
Ở đầu làng thì có ông Phúc chồng bà Huê, bị ung thư phổi, bệnh viện trả về, gia đình mới dựng dậy chụp ảnh để làm ảnh thờ, chờ ngày ông đi; rồi bà Lúa, vợ ông Thiện, ung thư vú, vừa lên Hà Nội cắt một bên vú; rồi anh Minh, ung thư dạ dày, đang xạ trị, hóa trị rụng hết tóc; rồi anh Khối ung thư vòm họng, vừa điều trị hóa chất mấy tháng trước, tóc đang mọc lại; rồi chị Hợi, mới 27 tuổi đầu, đã bị ung thư phổi, tình hình nghiêm trọng lắm…
Khủng khiếp ngôi làng chết hàng trăm người vì ung thư
Cảnh tượng điều trị ung thư ở Bệnh viện K Hà Nội.
Ở cuối làng thì có vô số, nào anh Đào Văn Tỵ, 46 tuổi, bị ung thư não rất trầm trọng; rồi chị Nguyễn Thị Mận, ung thư vú; anh Hướng ung thư vòm họng, vừa mổ và xạ trị về, vẫn đang đeo băng rô ở cổ; bà Cúc, bà Chung, chị Hà, bà Phách… cũng đều đang chống chọi, giành giật sự sống từng ngày với căn bệnh ung thư quái ác.
“Chồng chết nên tôi được sống”
Đang liệt kê danh sách những người mắc bệnh ung thư trong làng, chị bỗng rầu rĩ mặt mũi, thông báo người tiếp theo đang khổ sở với căn bệnh này, ấy là… mẹ đẻ chị.
Chúng tôi đang trò chuyện, thì bà Vũ Thị Miền đạp chiếc xe không phanh lọc cọc từ trong làng Tử Lạc ra. Con gái có việc, nên bà chạy ra trông nom hàng nước vắng tanh vắng ngắt này giúp con.
Khủng khiếp ngôi làng chết hàng trăm người vì ung thư
Bà Vũ Thị Miền đang chống chọi với căn bệnh ung thư cổ tử cung.
Nhắc đến chuyện bệnh ung thư, bà Miền bức xúc lắm. Bà Miền tuy mắc trọng bệnh, nhưng tính bà ăn sóng nói gió, cứ oang oang, chẳng sợ thứ gì trên đời. Bà bảo: “Thú thực với chú, tôi là người từng có cả năm trời đi kiện khắp nơi. Tôi bị làm khó nhiều lắm, nhưng tôi không chùn bước, tôi quyết tâm đi kiện.
Tôi mắc bệnh rồi, treo án tử rồi, tôi chết thì đành một nhẽ, nhưng con, cháu tôi thì sống thế nào ở cái ngôi làng mà không khí bụi mù trên trời, rồi hóa chất chảy đen đặc trên mặt đất, dưới lòng đất thế này?”.
Khủng khiếp ngôi làng chết hàng trăm người vì ung thư
Cảnh tượng bụi mù trời ở công trường khai thác đá làng Tử Lạc.
Chuyện là, mấy năm trước, có nhà máy thép, chở phế thải đổ ở hồ nước đầu làng, cá chết hàng loạt, cỏ vàng héo khô, bốc mùi khủng khiếp. Không chịu nổi cảnh ấy, bà đã đội đơn đi kiện. Kết cục dân làng thắng. Nhà máy thép kia buộc phải đóng cửa bãi rác.
Nhưng theo bà, thủ phạm lớn nhất, đem đến tai họa cho dân làng mấy chục năm nay, là những ống khói khổng lồ, cao bằng ngọn núi của các nhà máy xi măng trong vùng. Mà chềnh ềnh ngay cạnh làng, là nhà máy xi măng lớn nhất Việt Nam – nhà máy xi măng Hoàng Thạch.
Khủng khiếp ngôi làng chết hàng trăm người vì ung thư
Một ngôi làng nằm cạnh nhà máy xi măng Phúc Sơn (Phú Thứ, Kinh Môn) chìm nghỉm trong bụi bặm.
Chưa có chứng cứ gì để kết luận thủ phạm gây nên thảm họa chết hàng loạt ở ngôi làng này là Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, nhưng không chỉ bà Miền, mà cả làng Tử Lạc, cả xã Minh Tân này đều khẳng định phần nhiều là do mấy cái ống khói khổng lồ của nhà máy ấy.
Thảm họa xảy đến với bà Miền vào năm 2009. Khi ấy, thấy ở phần kín của mình ra máu, bà đã thốt lên: “Thôi chết tôi rồi!”. Ở ngôi làng này, hễ ai có biểu hiện lạ, người ta đều nghĩ đến kẻ thù mang tên “ung thư”. Và sự thực xảy ra đúng như nghi ngờ của bà.
Bệnh viện Hải Dương siêu âm, lấy tế bào xét nghiệm. Bác sĩ bảo: “Nghi bà bị ung thư rồi”. Họ lập tức chuyển bà lên Bệnh viện K Hà Nội. Bà bị ung thật, là ung thư cổ tử cung.
Bà được các bác sĩ mổ, cắt tử cung, rồi xạ trị, hóa trị suốt một năm trời. Giờ bà được về, nhưng cứ độ một tháng bà lại phải lên Hà Nội kiểm tra, lấy thuốc về uống.
Bà Miền bảo: “Chồng tôi chết nên tôi mới được sống đấy chú ạ. Tôi là vợ liệt sĩ, nên có bảo hiểm y tế, được miễn viện phí. Nếu không có bảo hiểm y tế, tôi lấy đâu ra hàng trăm triệu mà điều trị. Chắc chắn là con cháu khênh về chờ chết”.
Nói rồi, bà Miền đạp chiếc xe tồng tộc dẫn tôi về ngôi nhà giữa làng, nơi mỗi mình bà ở. Đó là một ngôi nhà nhỏ xíu, nằm tênh hênh giữa mảnh đất nhỏ, không tường bao, không cổng rả. Căn nhà cũng không có đồ đạc gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ và bộ bàn ghế mọt.
“Tôi chẳng biết sống được bao ngày nữa. Nhưng còn sống, tôi sẽ còn đấu tranh, để con cháu tôi không phải chịu thảm cảnh căn bệnh ung thư treo trên đầu nữa” – bà nói với giọng rất quyết tâm. Nhưng bà chợt thở dài khi nhìn ống khói nhà máy xi măng to như con tàu vũ trụ khổng lồ đang nằm trên bệ phóng ngay rìa làng.
Còn tiếp…
Phạm Ngọc Dương 

-Ý NGHĨA CỦA LÁ CỜ PHẬT GIÁO

Phamvietdao
http://suoinguontinhthuong.vn/UserFiles/image/cophatgiao.gifI. NGUỒN GỐC: Người phát họa ra lá cờ Phật Giáo Thế Giới là ông Henry Steel Olcott, sinh ngày 2-8-1832 tại New Jersey, Hoa Kỳ và mất ngày 17-2-1907 tại Adgar, Ấn Độ.
Ông nguyên là Đại Tá Hải Quân của Quân Đội Hoa Kỳ. Khoảng năm 1875, ông chưa hề học hỏi về giáo lý nhà Phật, nhưng khi cơ duyên đã tới, ông là phóng viên của tờ báo The New-York Daily Graphic, đã giao cho ông nhiệm vụ gặp một phụ nữ người Nga tên là Helena Petrovna Blavatsky (1831-1891), để viết bài về trường hợp bà nầy có những sự kiện huyền bí. Tại nông trại của Eddys ở New-York, hai người đã gặp nhau, từ đó bà Blavatsky đã hướng dẫn ông trên con đường đạo. 
Bà H.P. Blavatsky, ông H.S. Olcott, ông W. Q. Judge là những người đã thành lập Hội Thông Thiên Học Mỹ Quốc ngày 17-11-1875, nay trở thành Hội Thông Thiên Học Quốc Tế, có 60 nước hội viên và trụ sở đặt tại Adgar, Ấn Độ.
Ông có công lớn nhất trong công cuộc chấn hưng Phật Giáo Tích Lan, từ đó nhà Phật học uyên thâm Anaragika Dharmapala người Tích Lan, môn đệ của Olcott, đã khôi phục nền Phật Giáo Ấn Độ ngày 21-1-1891, và cũng từ đó dần dần Phật Giáo truyền bá sang phương Tây, rồi lan tràn khắp thế giới.
Ông và bà Blavatsky thọ trì tam quy, ngũ giới với Thượng Tọa Bulatgama tại chùa Wijayananda có sự hiện diện của hàng ngàn chư Tăng, Ni, Phật Tử và gây xúc động mạnh mẻ cho những Phật Tử đã chứng kiến, vì đây là lần đầu tiên Giáo Hội Tăng Già Tích Lan làm lễ quy y cho hai người Phật Tử Âu Mỹ.
Sự nghiệp truyền bá và chấn hưng Phật Giáo của ông không thể nói hết trong khuôn khổ bài nầy. Ông đã tổ chức những trường học Phật Giáo khắp xứ sở Tích Lan, từ thành thị tới thôn quê hẻo lánh.
Số trường học lúc ban đầu chỉ có 46 trường (năm 1897) và 6 năm sau (1903), số trường học đã lên đến 174 trường, và đến năm 1940 đã có 429 trường, trong đó có 12 Trường Trung học được chính phủ tài trợ . Không chỉ riêng ở Tích Lan, ông còn vận động để mở các trường học Phật Giáo ở các quốc gia khác như Nhật Bản, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ.
Năm 1889, ông cùng Thượng Tọa Susmangala, Tích Lan, phỏng theo sáu mầu hào quang của Đức Phật (xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, cam và mầu tổng hợp của năm mầu này), đã phác họa ra mẫu cờ Phật Giáo.
Về ý nghĩa, ông phát biểu như sau : “Nó có thể được các quốc gia Phật Giáo chấp nhận như một biểu tượng quốc tế cho tín ngưỡng của họ, giống như cây thánh giá đối với tín đồ Thiên chúa giáo .”
Lá cờ này được Tích Lan công nhận và treo tại các chùa ở xứ này trong ngày lễ Phật Đản từ năm 1889, và 61 năm sau, tại Đại hội Phật Giáo Thế Giới lần đầu tiên, tổ chức tại Colombo, thủ đô Tích Lan, từ ngày 25-5-1950 đến 8-6-1950 có 26 nước tham dự (1), phái đoàn Phật Giáo Việt Nam do Thượng Tọa Tố Liên, Trụ trì chùa Quán Sứ Hà Nội làm đại biểu (2), Hội nghị đã thành lập Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (The World Fellowship of Buddhists), và chọn lá cờ Phật Giáo Tích Lan làm cờ Phật Giáo Thế Giới.
Đến ngày 6-5-1951, tại chùa Từ Đàm, cố đô Huế, một Đại Hội Phật Giáo ba miền Bắc Trung Nam, gồm 51 đại biểu Tăng già và cư sĩ, sau 4 ngày họp, đã thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Trong dịp nầy, Thượng Tọa Tố Liên đã tặng Đại Hội lá cờ Phật Giáo Thế Giới, và đại hội đã chấp nhận lá cờ nầy cũng là cờ Phật Giáo Việt Nam.
Bằng một tâm hồn thiết tha với Đạo Pháp, ròng rã suốt 38 năm, Phật tử Henry Steel Olcott đã dùng quãng đời quí báu của mình, để phục vụ tha nhân và ông mất ngày 17-2-1907 tại Adgar, quê hương Đức Phật. Lúc đó ông 75 tuổi.
II. Ý NGHĨA CỦA LÀ CỜ PHẬT GIÁO
Cờ Phật Giáo, trước hết là biểu trưng tinh thần thống nhất của PhậtTử trên toàn thế giới. Cờ Phật Giáo còn tượng trưng cho niềm Chánh tín và sự yêu chuộng hòa bình của mọi người con Phật .
Ngoài ra, cờ Phật Giáo còn có ý nghĩa cắt bỏ quan niệm cố chấp các ranh giới địa phương, gia tăng niềm hăng hái đoàn kết để phụng sự cho Đạo Pháp và dân tộc.
Năm sắc theo chiều dọc : Xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, cam, tượng trưng cho hào quang chư Phật.
Năm sắc theo chiều ngang ( chiếm diện tích 1/6 lá cờ ) là mầu tổng hợp tượng trưng cho ánh sáng hào quang chư Phật. Ý nghĩa của màu sắc phân biệt là :
1.- Xanh đậm : Tượng trưng cho Định căn. Màu xanh tượng trưng cho sự rộng lớn, sáng suốt .
2.- Vàng lợt : Tượng trưng cho Niệm căn, vì có Chánh Niệm mới sanh Định và phát Huệ.
3.- Đỏ : Tượng trưng cho Tinh Tấn căn. Có tinh tấn mới khắc phục được mọi trở ngại, nghịch cảnh .
4.- Trắng : Tượng trưng cho Tín căn, niềm tin không lay chuyển, và có tín căn là có Nhân Duyên với chư Phật và nguồn gốc sanh ra muôn hạnh lành.
5.- Da cam : Tượng trưng cho Huệ căn. Khi có Tín, Tấn, Niệm, Định đầy đủ thì Tuệ sẽ phát sanh.
6.- Màu tổng hợp : Tượng trưng cho tinh thần đoàn kết của Phật giáo đồ trên toàn thế giới.
II. KẾT LUẬN:
Là Phật Tử, chúng ta luôn luôn tôn trọng và bảo vệ lá cờ Phật Giáo, vì trên hết, nó tượng trưng cho Phật Giáo, và cho tinh thần đoàn kết, bất phân biệt của tín đồ Phật Giáo trên toàn thế giới .
Ghi chú :
(1) 26 nước tham dự Đại Hội và trở nên Hội viên sáng lập Hội Phật Giáo Liên Hữu Thế Giới là : Anh, Ấn Độ, Bhutan, Đức, Hawai, Hong Kong, Kampuchea, Lào, Mã Lai, Miến Điện, Mỹ, Na Uy, Nam Dương, Nhật Bản, Nepal, Pháp, Phi Luật Tân, Sikkim, Tân Gia Ba, Tây Tạng, Thái Lan, Thụy Điển, Tích Lan, Triều Tiên, Trung Hoa và Việt Nam. 
(2) Phái đoàn Việt Nam chỉ có 2 người: Thượng Tọa Tố Liên — đại biểu chánh thức, và ông Phạm Chữ — công chức Bộ Ngoại Giao Quốc Gia Việt Nam, tháp tùng theo làm Thông dịch viên. 
Minh Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét