Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

XAYABURI: CON CỜ DOMINO TRONG CHUỖI ĐẬP Ở KHU VỰC HẠ LƯU SÔNG MÊ CÔNG

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ sáu, ngày 9/12/2011
(Đài RFA 4/12)

Nếu không trì hoán được ít nhất một thập niên, Xayaburi như con cờ Domino đầu tiên đổ xuống, sẽ kéo theo những bước khai thác ồ ạt các con đập hạ lưu khác và hậu quả tác hại trước mắt và lâu dài trên toàn hệ thống sinh thái của sông Mê Công và đồng bằng sông Cửu long là không thể lường trước được.
Lịch sử chuỗi đập ở hạ lưu sông Mê Công

Từ những năm 1940, các nhà xây đập Mỹ đã quan tâm tới tiềm năng thủy điện của con sông Mê Công. Năm 1957, giữa thời kỳ Chiến tranh lạnh, với sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, một Ủy ban sông Mê Công thành lập bao gồm 4 nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam với văn phòng thường trực đặt tại Băng Cốc. Ủy ban sông Mê Công thời đó đã có một kế hoạch vĩ mô phát triển toàn diện nhằm cải thiện cuộc sống cho toàn thể cư dân sống trong lưu vực, trong đó phải kể tới chuỗi những con đập thủy điện trên vùng hạ lưu sông Mê Công. Cho dù có một nửa chiều dài sông Mê công chảy qua Vân Nam nhưng Trung Quốc lúc đó còn là một quốc gia khép kín và đã không được nhắc tới.
Nhưng rồi, Chiến tranh Việt Nam đã lan rộng ra cả ba nước Đông Dương qua hơn ba thập niên, nên kế hoạch xây dựng các đập thủy điện lớn chắn ngang sông Mê Công vùng hạ lưu và các chương trình khai thác đã phải gián đoạn, khiến cho sông Mê Công còn giữ được sự nguyên vẹn thêm một thời gian nữa.
Ngày 5/4/1995, tại Chiang Rai của Thái Lan, bộ trưởng Noại giao Nguyễn Mạnh Cầm đại diện cho Việt Nam đặt bút ký tên trên bản “Hiệp ước hợp tác phát triển bền vững hạ lưu sông Mê Công” với một tên mới là Ủy hội sông Mê Công là không một quốc gia nào có quyền phủ quyết như quy định của Ủy ban sông Mê Công trước kia. Tác giả cũng đưa ra nhận định cách đây hơn một thập  niên là Ủy hội sông Mê Công có thể được coi là một “biến thể và xuống cấp” so với Ủy ban sông Mê Công.
Sau đó những con đập hạ lưu từ thời Ủy ban sông Mê Công đã được các cơ quan tham vấn Canađa và Pháp tái đề xuất và được Ban Thư Ký sông Mê Công chấp thuận năm 1994. Nhưng rồi toàn thể các dự án ấy bị gác lại vì quá tốn kém và cả do mỗi e ngại về tác hại rộng lớn về môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới các cộng đồng cư dân ven sông.
Kể từ đầu năm 2006, các công ty Thái Lan, Malaixia và Trung Quốc lại được phép tiếp tục thực hiện những cuộc khảo sát về tính khả thi của những con đập thuộc hạ lưu sông Mê Công.
Thứ tự những dự án đập ấy từ Bắc xuống Nam: Đập Pak Beng, Lào 1320 MW; bảo trợ dự án: công ty Trung Quốc Datang Iternational Power Generation Co. Và chính phủ Lào. Đập Luang Prabang, Lào 1410 MW; bảo trợ bởi Petro Vietnam Power Co. Và chính phủ Lào. Đập Luang Prabang, Lào 1410 MW; bảo trợ bởi Petro vietnam Power Co. Và chính phủ Lào. Đập Xayaburi, 1260 MW, tỉnh Xayaburi, Lào; bảo trợ bởi công ty Thái Lan Ch. Karnchang và Chính phủ Lào. Đập Pak Lay, Lào, 1320 MW, tỉnh Xayaburi; bảo trợ bởi công ty Trung Quốc Sinohydro Co. Đập Xanakham, Lào. 1000 MW; bảo trợ bởi công ty Trung Quốc Datang International Power Generation Co. Đập Pak Chom, biên giới Lào – Thái Lan, 1079 MW. Đập Ban Koum, biên giới Lào – Thái Lan, 2230 MW, tỉnh Ubon Ratchathani: bảo trợ bởi Italian – Thai Development Co. Ltd và Asia Corp Holdings Ltd. Và chính Phủ Lào. Đập Lat Sua, lào, 800 MW; bảo trợ bởi Charoen Energy and Water Asia Co. Ltd./ Thái Lan và chính phủ Lào. Đập Don Sahong 360 MW, tỉnh Champasak, Lào: bảo trợ bởi công ty Malaixia Mega First Berhad Co. Đập Sambor, Campuchia; bảo trợ bởi công ty Trung Quốc China Southern Power Grid Co./CSGP.
Bắc Kinh đã sở hữu 14 con đập thuộc lưu vực trên ở Vân Nam trên, nay lại có mặt thêm 4 dự án thuộc vùng hạ lưu, Chính công ty Trung Quốc Datang Iternationnal Power Generation Co. đã có liên hệ trong công trình xây con đập Myitsone 6,000 MW ở Mianma trên sông Irrawaddy lớn nhất Đông Nam Á gây rất nhiều tranh cãi. Riêng Việt Nam là quốc gia ở cuối nguồn nhưng vì lợi ích, cũng bảo trợ cho dự án đập Luang Prabang 1.410 MW lớn hơn đập Xayaburi.
Xayaburi: con đập đầu tiên

Là con đập chính đầu tiên vùng hạ lưu sông Mê Công, cách thủ đô Viêng Chăn 350 km về phía Bắc, cách con đập Cảnh Hồng trong chuỗi đập bậc thềm Vân Nam của Trung Quốc 770 km và cách cố đô Luang Prabang 150 km về phía Nam. Xayaburi được coi là một trong số 300 con đập lớn của toàn cầu.
Xayaburi có chiều rộng 830m, cao 32m, với hồ chứa diện tích 49 km2. Phí tổn xây dựng đập là 3,5 tỉ USD với công xuất 1.260 MW, dự trù hoạt động vào năm 2019 với 95% lượng điện sản xuất sẽ được chuyển về tỉnh Loei của Thái Lan qua một đường dẫn dây cáp dài 200km. Tiềm năng hoạt động lâu dài của đập Xayaburi đang còn là một dấu hỏi lớn do lượng phù xa quá lớn bị giữ lại có thể mau chóng làm cạn hồ chứa.
Diễn tiến các bước triển khai dự án Xayaburi:
- tháng 5/2007, Chính phủ Lào ký kết với công ty Ch. Karchang Thái Lan để thực hiện dự án đập Xayaburi
- Tháng 11/2008, công ty AF Calenco Thụy Sĩ kết hợp với đoàn tham vấn Thái Lan khảo sát tình hình khả thi của con đập.
- Tháng 2/2010, bản tưởng trình đánh giá ảnh hưởng môi sinh (EIA) được đệ trình cho chính phủ Lào
- Tháng 7/2010, Chính phủ Lào chính thức ký kết hợp đồng bán điện từ đập Xayaburi cho Thái Lan qua công ty/Electricity Generating Authority of Thailand (EGAT).
- Tháng 4/2011, Ủy ban Liên hợp Ủy hội Mê Công ra thông cáo báo chí là các thành viên chưa đạt được một thỏa thuận để tiến hành dự án Xayaburi.
- Tháng 6/2011, chính phủ Lào đơn phương “bật đèn xanh” cho công ty Thái Lan Ch.Karnchang triển khai dự án.
Một khủng hoảng niềm tin trong nỗ lực hợp tác khu vực giữa các thành viên để bảo vệ hệ sinh thái của con sông Mê Công bắt đầu. theo nội dung của Hiệp định 1995 của Ủy hội sông Mê Công (MRC) tuy không một thành viên nào có quyền phủ quyết (như quy định của Ủy ban sông Mê Công trước kia) nhưng các dự án trên sông Mê Công cũng phải trải qua ba giai đoạn: (1) Thủ tục thông báo, (2) Tham vấn trước, (3) Thỏa thuận viết tắt là PNPCA. Có thể nói, Xayaburi thực sự là dự án đầu tiên phải trải qua tiến trình quyết định PNPCA trên quy mô khu vực.
Cũng nói thêm về những quy định và khung thời gian cho từng bước trong tiến trình PNPCA theo tinh thần Hiệp định Ủy hội sông Mê Công 1995: khi có một dự án sông Mê Công, quốc gia thành viên sẽ phải đệ trình và thông báo cho Ủy hội sông Mê Công để khởi đầu tiến trình PNPCA; (1) Ủy hội sông Mê Công đã được Chính phủ Lào thống báo chính thức về đề án Xayaburi từ tháng 9/2010. (2) bước thứ hai là Tham vấn trước. theo điều lệ 5.5.1 thì thời gian giành cho Tham vấn trước là 6 tháng kể từ ngày nhận được Thông báo. Nhưng cũng có thêm một điều khoản khác 5.5.2 là nếu các nước thành viên chưa đạt được đồng thuận thì khung thời gian 6 tháng có thể được Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công gia hạn thêm.
Chính phủ Lào cho rằng các tác động xuyên biên giới của đập Xayaburi đối với các quốc gia hạ lưu không chắc sẽ sảy ra nên cũng không thực tế và cần thiết khi yêu cầu kéo dài thời gian Tham vấn trước và cho dù có thêm thời gian lâu hơn nữa, thì cũng không thể nào thỏa mãn hết các mối quan tâm của mỗi thành viên. Viraphonh Viravong, trưởng phái đoàn Lào phát biểu : “Chúng tôi ghi nhận mọi ý kiến đóng góp, chúng tôi sẽ xem xét nhằm có thể đáp ứng tất cả những mối quan ngại”.
Phái đoàn đại diện Lào đã đưa ra cam kết: Sẽ tuân thủ những hướng dẫn thiết kế sơ khởi của Ban Thư Ký Ủy hội sông Mê Công, và sẽ thực hiện tối ưu theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng trên mọi khía cạnh như giao thông đường thủy, các đoàn cá di cư, lượng phù sa, chất lượng nước, hệ sinh thái nước và cả mức an toàn của con đập ở mức độ có thể chấp nhận được.
Nhưng các quốc gia thành viên khác như Việt Nam, Campuchia và cả Thái Lan thì vẫn bày tỏ mốii quan ngại về những khiếm khuyết kỹ thuật của dự án, chưa tiên liệu được ảnh hưởng ra sao đối với môi trường và đời sống của cộng đồng cư dân trong lưu vực; do đó cần có thêm những cuộc tham khảo rộng rãi trong dân chúng. Phái đoàn Việt Nam thì cho rằng thì chưa có những đánh giá thỏa đáng về những tác động tích lũy và xuyên biên giới trên vùng hạ lưu, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long. do đó thời gian 6 tháng là không đủ để các quốc gia ven sông có thể tiến hành những cuộc ngiên cứu toàn diện mang tính định lượng về những tác hại tích lũy có thể có từ con đập Xayaburi. Và Việt Nam đã đưa ra đề nghị hoãn dự án Xayaburi cùng với những dự án đập hạ lưu khác ít nhất 10 năm.
Phái đoàn Campuchia cũng cho rằng phải cần nhiều thời gian hơn nữa cho giai đoạn Tham vấn trước với các nước thành viên và cả với các cộng đồng cư dân sao cho có hiệu quả. Ngoài phần phát biểu về sự cần thiết phải có những cuộc nghiên cứu và đánh giá toàn diện về tác động đối với môi trường và ảnh hưởng tích lũy của con đập Xayaburi; điểm rất đặc biệt mà phía Campuchia nêu ra là “phần chia sẻ lợi nhuận” từ con đập đối với các quốc gia bị ảnh hưởng, cho vấn đề bảo vệ môi trường liên quốc gia cũng như lập những quỹ xã hội.
Phái đoàn Thái Lan, tuy cùng với lào hưởng lợi nguồn điện từ con đập Xayaburi, nhận định rằng đập thủy điện Xayaburi có tầm quan trọng trong kế hoạch phát triển của quốc gia Lào, nhưng đồng thời cũng gây mối quan ngại vê suy thoái môi trường với các vùng đất ngập và mất đi nguồn cá, và như vậy sẽ ảnh hưởng tới các cộng đồng cư dân sống ven sông Mê Công. Jatuporn Buruspat, Tổng giám đốc Vụ Tài nguyên nước Thái Lan đã có một phát biểu thể hiện mối quan tâm tới xã hội công dân Thái Lan: “Chúng tôi muốn biết quan điểm của dân chúng và đặc biệt chú ý tới những mối quan tâm của họ”.
Xayaburi là dự án đập được khởi động đầu tiên trong chuỗi 12 con đập hạ lưu trên dòng chính sông Mê Công, cũng là con đập thứ nhất nằm bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Theo đánh giá ban đầu thì sẽ có hơn 200.000 người trực tiếp bị ảnh hưởng vì con đập, trong đó 2.100 dân làng trên vùng xây đập bị cưỡng bức di dời và phải tái định cư. chứa kể tới ảnh hưởng đối với hàng chục triệu cư dân Lào, Campuchia và Việt Nam từ bấy lâu phụ thuộc vào nguồn nước, nguồn cá của sông Mê Công như mạch sống của họ.
Trước những bất trắc và thiệt hại hiển nhiên ấy, câu hỏi được đặt ra là ai đứng phía sau thúc đẩy dự án Xayaburi? Đó chính là thế lực tài phiệt và các công ty năng lượng Thái Lan. Thế lực tài chính thì gồm 4 ngân hàng lớn: Kasikorn Bank, Bangkok Bank, Krung Thai Bank và Siam Commercial Bank. Công ty xây đập là Thai Construction Company Ch. Karnchang. Khi con đập hoàn tất, thì 95% lượng điện sẽ chuyển về Thái Lan bán cho công ty EGAT.
Hãy cứu lấy sông Mê Công
Tháng 3/2011: quyết liệt nhất phải kể tới thỉnh nguyện thư của tổ chức SavetheMêCông.org gửi tới 2 Thủ tướng Lào và Thai Lan với yêu cầu “hủy bỏ” chữ không phải trì hoãn, toàn bộ dự án đập Xayaburi với mối quan ngại về sự hủy hoại hệ sinh thái trong vùng, và những tàn phá do đập Xayaburi gây ra sẽ là một tổn thất vĩnh viễn đối với nguồn sống của cư dân trong vùng và cũng là đối với một trong những con sông quý giá nhất của hành tinh này.
Nguồn cá phong phú của sông Mê Công chỉ đứng thứ hai sau sông Amazon, với hơn 1.000 chủng loại cá, và con đập Xayaburi sẽ ngăn chặn các đoàn cá di cư (hơn 23 chủng loại), đe dọa làm tuyệt chủng thêm 41 loại cá khác, trong đó phải kể tới cá Pla Beuk, cùng với cá Irrawaddy Dophin, được coi là chủng loại quan trọng biểu tượng cho sự lành mạnh của hệ sinh thái Mê Công. Ame Trandem, giám đốc Chương trình Đông Nam Á của tổ chức Mạng lưới sông quốc tế (IRN) có một nhận định tương tự: “Nếu đập Xayaburi được xây song, nó sẽ mở cửa cho hàng loạt những đập khác gây tổn hại không thể đảo ngược trên toàn hệ sinh thái của con sông”.
Tháng 4/2011: do sự phản đối rộng rãi của cư dân trong vùng hạ lưu sông Mê Công và các tổ chức môi sinh địa phương và quốc tế, các chính phủ trong vùng đã phải hoãn đi tới quyết định về con đập Xayaburi. Nhưng từ đó tới nay, Lào và công ty xây đập Thái Lan vẫn cứ âm thầm đơn phương cho tiến hành dự án. Bằng chứng là mới đây (19/9/2011), phóng viên tờ Bangkok Post trở lại hiện trường xây đập Xayaburi đã thấy rằng mọi trang thiết bị nặng kể cả những giàn máy đào xới vẫn liên tục hoạt động, với hơn 90% công trình làm con đường dẫn tới vùng xây đập đã hoàn tất. Viraphonh Viravong, Tổng giám đốc điện lực của nhà nước Lào, đã cố gắng giải thích và bào chữa cho sự kiện rất nghịch lý và như một sự vi phạm này: “Dĩ nhiên là chỉ khi nào công trình đập Xayaburi được khởi động, con đường dẫn mới được sử dụng. Bằng không thì mọi tiện nghi sẽ thuộc về chính quyền sở tại, giúp họ có đường xá đi tới những làng mạc thôn bản”.
Đánh giá môi sinh thiên lệch

Mới đây, vào tháng 5/2011, Chính phủ Lào đã lại thuê công ty Thụy Sĩ có tên là Poyry Energy AG thực hiện “chỉ trong vòng 3 tháng” một cuộc khảo sát đánh giá Ảnh hưởng Môi sinh (EIA) của con đập Xayaburi, như thêm một đáp ứng chiếu lệ theo yêu cầu của MRC, chuẩn bị cho bước “quyết định cấp vùng” nên hay không nên khởi công xây dựng con đập Xayaburi vào cuối năm nay.
Chỉ trong thời gian ngắn ngủi ấy, tuy phải đối đầu với bao nhiêu bất trắc, với những vẫn nạn chưa có câu trả lời nhưng Poyry đã đi tới ngay kết luận mang tính phỏng đoán rằng tác hại của con đập là không đáng kể trên cư dân Lào và các quốc gia kế cận và cho rằng Lào có thể tiến hành xây con đập. Poyry đã tự quảng cáo là một công ty tham vấn và kỹ thuật toàn cầu, với phẩm chất cao nhất đưa tới giải pháp toàn diện; có khả năng chuyên sâu trong các lĩnh vực năng lượng, kỹ nghệ, Thiết kế đô thị, nước và môi trường. Poyry có tới 7.000 chuyên viên với mạng lưới văn phòng trên 50 quốc gia. Trị giá cổ phiếu của công ty năm 2010 lên tới 682 triệu euro.
Lào chọn thuê Poyry do công ty này đã có một công trình liên hệ với các dự án đập trong vùng Hạ lưu sông Mê Công. Poyry cũng đã và đang có liên hệ với công ty xây đập Thái Lan Ch. Karnchang trong dự án đập Nam Ngum – 2 và cũng dễ hiểu là tại sao Poyry luôn luôn đưa ra những “đánh giá thuận lợi” cho người bạn đối tác làm ăn lâu dài của mình, cho dù có những bằng chứng hiển nhiên là trái ngược. Nam Ngum-2 là con đập thứ hai trên sông Nam Ngum, một phụ lưu chính của sông Mê Công, công suất 615 MW, cách đập Nam Ngum-1 35km về phía thượng nguồn, cũng do công ty Poyry đánh giá ảnh hưởng môi sinh và tính khả thi của con đập. Toàn thể lượng điện từ Nam Ngum-2 cũng sẽ được chuyển nhượng cho Thái Lan/EGAT.
Năm 1971, đập Nam Ngum-1 (1971 – 2011), Lào vẫn là đất một nước kém phát triển và nghèo nhất so với các quốc gia trong vùng. Chiến lược của Lào là sẽ trở thành một “nước Côoét thủy điện Đông Nam Á”. Nam Viyaketh, Bộ trưởng Công Thương của Chính phủ Lào tuyên bố: “Nếu mọi nguồn năng lượng được khai thác, Lào sẽ trở thành Bình Ácquy của Đông Nam Á, chúng tôi sẽ bán nguồn điện ấy cho các nước láng giềng và Lào sẽ trở nên giàu có”.
Nhưng còn rủi ro đối với sông mẹ – Mae Nam Khong – như mạch sống của người dân Lào thì vẫn là những ẩn số.
Xayaburi và hiệu ứng Domino
Hiệu ứng domino là một chuỗi phản ứng tiếp theo một biến động đầu tiên tạo nên những chuyển biến tương tự nơi vùng kế cận và cứ tiếp tục phản ứng như vậy theo chuỗi. Tượng hình là một chuỗi những con cờ domino, được xếp thẳng đững và khi quân cờ Domino đầu tiên bị đổ xuống sẽ tạo hiệu ứng sô ngã những con cờ tiếp theo và cứ tiếp tục một chuỗi phản ứng như vậy cho tới con cờ Domino cuối cùng.
Đập Xayaburi sẽ là quân cờ Domino đầu tiên ấy, nếu không trì hoãn ít nhất một thập niên tới năm 2020, theo như khuyến cáo của Ủy hội sông Mê Công, sẽ có hiệu ứng kéo theo những bước triển khai ồ ạt của chuỗi những con đập hạ lưu khác và hậu quả đối với hệ sinh thái sông Mê Công và đồng bằng sông Cửu Long phải nói là không lường trước được.
Làm gì trong mười năm tới 2010-2020?
Một năm qua đi kể từ ngày Ủy hội sông Mê Công ra khuyến cáo về đánh giá Môi trường Chiến lược 2010: sẽ không có con đập hạ lưu nào khởi công trong vòng 10 năm tới để có thêm thời gian cho những cuộc khảo sát nghiên cứu. Tiến sĩ Lê Đức Trung, trưởng đoàn Việt Nam trong thông cáo báo chí 14/4/2011, cũng chính thức đề nghị trì hoãn dự án Xayaburi và các dự án thủy điện khác trên dòng chính sông Mê Công ít nhất là 10 năm cho dù Chính phủ lào vẫn nhấn mạnh quá trình PNPCA đã hoàn chỉnh.
Mười năm (2010-2020) không phải là một thời gian dài cho một chiến lược môi sinh nhằm bảo vệ sông Mê Công và Đồng bằng sông Cửu Long. Cách đây gần một thập niên, khi viết về Đại học Cần Thơ, tác giả đã nhận định là không thể thụ động ngồi chờ nguồn thông tin do bên ngoài tùy tiện cung cấp mà vì lý do sống còn, chúng ta phải hết sức tích cực và trực tiếp đi tìm kiếm những gì mà chúng ta cần biết, đó là những dữ kiện khách quan. Điều đấy đòi hỏi cho một chiến lược bảo vệ môi sinh với tầm nhìn xa, với một đội ngũ chuyên viên không những có trình độ mà còn nhiệt huyết vối công việc chuyên môn của họ.
Tác giả sau đó cũng đưa ra những đề xuất, đến nay tuy đã hơn 10 năm nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự và cấp bách đối với tình hình hiện tại. Đại học Cần Thơ từng được mệnh danh là ngọn hải đăng của đồng bằng sông Cửu Long, rất cần có phân khoa sông Mê Công như một tổ chức tư vấn chiến lược, một trung tâm nghiên cứu giảng dạy và là nguồn cung cấp chất xám. Ban tư vấn ngoài các cán bộ của nhà trường, sẽ bao gồm các chuyên gia của Ủy hội sông Mê Công, Ủy hội sông Mississippi, nhóm chuyên viên Tham vấn quốc tế bên cạnh MRC. Họ sẽ được mời như những Giáo sư thỉnh giảng. Tài liệu giảng của họ sẽ là nguồn thông tin vô cùng quý giá do từ những đúc kết qua thực tiễn. Chọn lọc tuyển sinh không phải chỉ chỉ có Việt Nam mà cả từ các quốc gia trong khu vực, hướng tới đào tạo các thạc sĩ khoa học được tiếp cập với thực tiễn bằng những chuyến du khảo qua các trọng điểm của con sông Mê Công, qua các con đập, và không thể thiếu một thời gian thực tập tại các cơ sở của Ủy hội sông Mê Công. Họ sẽ ra trường với một đồ án tốt nghiệp về những đề tài khác nhau liên quan tới sinh thái của con sông Mê Công.
Về phương diện chính quyền, cần thiết lập ngay một mạng lưới “Tùy viên Môi sinh” (Đã có những tùy viên quân sự, tùy viên văn hóa, tại sao không thể có tùy viên môi sinh) đặc trách sông Mê Công trong các đại sứ quán và lãnh sự quán tại các quốc gia trong lưu vực: như tòa lãnh sự Việt Nam ở Côn Minh của Vân Nam, bốn tòa đại sứ cử Việt Nam ở Mianma, Thái Lan, Lào và Campuchia. Họ sẽ là tai mắt, là những trạm quan sát sống cho phân khoa Sông Mê Công, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và bộ tài nguyên và môi trường.
Trong một cuộc phỏng vấn 2/10/2010 của Đài RFA, trả lời câu hỏi là chính phủ các nước hạ nguồn sông Mê Công cần phải làm gì để cứu vãn môi sinh và sinh kế cho toàn bộ dân cư trong khu vực hạ lưu? Kỹ sư Phạm Phan Long, thuộc Hội Sinh thái Việt đã phát biểu: ngoài quyết định ngưng xây đập Xayaburi và các con đập khác trên sông Mê Công cần thêm những biện pháp khác mà các nước hạ lưu có thể làm,bao gồm: thiết lập quỹ “Mê Công Fund” bảo vệ môi trường và cứu trợ hạn hán, lũ lụt; phục hồi rừng và thảm thực vật; phát triển nông ngư nghiệp, sống với hạn hán và sống với mặn như đã sống với phèn và sống với lũ; phát triển hoạt động kinh tế bớt dựa vào thiên nhiên sông hồ; trong 10 năm tới nghiên cứu thủy điện theo tiêu chuẩn quốc tế và cần có dung tích hồ chứa dành riêng cho ưu tiên chống lụt và giảm hạn.
đây cũng là quan điểm của phái đoàn Campuchia khi nói tới “chia sẻ lợi nhuận” từ các con đập như một sự đền bù cho những thiệt hại đối với cộng đồng cư dân ven sông. “Mê Công Fund” sẽ là một quỹ bảo hiểm cho mọi rủi ro cho dù lớn hay nhỏ, trong tiến trình khai thác nguồn tài nguyên từ sông Mê Công trong đó có tài nguyên nước và những con đập thủy điện. Một câu hỏi cấp thiết đặt ra cho Ủy ban sông Mê Công Việt Nam là làm sao để kịp thời  đưa ra những tiêu chuẩn cơ bản, những thông số khoa học không phải chỉ riêng cho đập Xayaburi mà cho cả những con đập khác trong tiến trình PNPCA như (1) bảo đảm lưu lượng tối thiểu trong mùa khô hạn, (2) lưu lượng tối đa trong mùa lũ với con sông Tonle sáp chảy hai chiều, (3) bảo đảm nguồn cá và đường di chuyển của các đoàn cá di cư, (4) chất lượng nước và trữ lượng phù xa cho đồng bằng sông Cửu Long, (5) và quan trọng và sự cam kết tuân thủ cùng với những biện pháp theo dõi và chế tài khi bất cứ một thành viên nào vi phạm các tiêu chuẩn cơ bản ấy.
Cũng vẫn câu hỏi ấy, đặt ra cho Ủy ban sông Mê Công Việt Nam là: tiến trình PNPCA sẽ diễn tiến ra sao nếu đó là dự án đập Luang Prabang 1.410 MW  của Petro Vietnam Power Co, thay vì là con đập Xayaburi với công ty Ch. Karnchang Thái Lan; tác giả có cho rằng Việt Nam cũng đang liều lĩnh đi trên những tảng băng mỏng, và với tiêu chuẩn nước đôi, Việt Nam sẽ không dễ giàng gì để có những câu trả lời thuyết phục và thỏa đáng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét