Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ TRONG CÁC BÀI BÁO TRUYỀN THÔNG VÀ HỌC THUẬT CHỦ YẾU NĂM 2010: BIỂN ĐÔNG VÀ CÁC VÙNG BIỂN KHÁC

Tài liệu tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba, chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 4-5 tháng 11 năm 2011 TS. Koh Choong-suk và Ông Yearn Hong Choi
Tiến sĩ Koh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Cheju, là Chủ tịch của Hiệp Hội Nghiên cứu Ieodo (Society of Ieodo Research) và Tiến sĩ Choi là học giả cao cấp của Hiệp Hội Nghiên cứu Ieodo và Nghiên cứu viên của Hiệp hội Nghiên cứu của các chuyên gia tư vấn năm đại dương (Research Assoiate of Five Oceans Consultants), Hoa Kỳ.
Giới thiệu
Tất cả các quốc gia ven biển đều cố gắng mở rộng lãnh thổ biển của mình bằng cách kéo dài hoặc mở rộng vùng đặc quyền kinh tế đến tối đa có thể. Vùng đặc quyền kinh tế là một khái niệm mới và là một quy chế pháp lý cụ thể trong Công ước Luật biển, được xây dựng dựa trên khái niệm “vùng đánh bắt cá độc quyền” và “vùng bảo tồn đánh bắt cá”. Chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước chủ yếu nhằm vào tài nguyên sinh vật của các vùng nước phía trên đáy biển. Mặc dù Điều 56 (1) (a) quy định rằng trong vùng đặc quyền kinh tế, “Quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển”, nhưng Điều 56 (3) khẳng định rằng các quyền liên quan đến đáy biển và lòng đất nêu trong điều này sẽ được thực hiện theo phần VI của Công ước. Theo đó thì vùng đặc quyền kinh tế phải là một khái niệm mang ý nghĩa bảo vệ môi trường: Tuy nhiên, đây không phải là một khái niệm mới lạ trong thực tế. Nó được coi như hoặc giải thích như là một đặc quyền của các quốc gia ven biển để khẳng định chủ quyền trên biển. Các quyền không kèm theo nghĩa vụ hoặc trách nhiệm đã được tuyên bố, một cách khá mù quáng. Đây là điều sai trái hoặc rất vô lý. Trong những trường hợp này, tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý là vô lý.
Việc thăm dò và khai thác vô độ nguồn cá, dầu khí và các kim loại quý hiếm khác đã trở nên khả thi với công nghệ tiên tiến và lòng tham vô tận của con người vì sự thịnh vượng của quốc gia. Nỗ lực bảo vệ môi trường biển và bảo tồn các nguồn tài nguyên chưa được cân bằng hoặc tương xứng với việc khai thác và thăm dò các nguồn tài nguyên ở biển khơi. Ngoài vùng đặc quyền kinh tế, một quốc gia ven biển còn có thể tuyên bố Thềm lục địa là “phần kéo dài tự nhiên” lãnh thổ đất liền của quốc gia đó lên đến 350 hải lý. Ai mà biết được? Độ dài 350 hải lý này chắc chắn sẽ bị tranh cãi trong tương lai không xa.
Bài nghiên cứu này hướng đến tìm hiểu những phát hiện của giới học thuật tập trung vào vùng đặc quyền kinh tế trong năm 2011, từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 31 tháng tám. Những vấn đề nào liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế trong mối quan hệ với các vấn đề trên biển và đại dương đã được thảo luận? Điều gì đã được đề xuất để mang lại vùng biển và đại dương hòa bình và để bảo vệ môi trường biển và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển và đại dương? Cơ sở dữ liệu của công trình nghiên cứu này là ProQuest. Cơ sở dữ liệu này có sẵn trong hệ thống thư viện công cộng ở Hòa Kỳ, tập hợp 80 tạp chí chuyên ngành và các tờ báo lớn.
Cơ sở dữ liệu ProQuest là gì?
Dưới đây là thông tin về ProQuest tại Google:
ProQuest kết nối mọi người với những thông tin đáng tin cậy và đã được thẩm định. Nó được coi là chìa khóa đối với công tác nghiên cứu. Công ty đã với 70 năm danh tiếng được coi như một cánh cửa đối với tri thứ của thế giới bao gồm các bài luận văn, các tài liệu lưu trữ về văn hóa và chính phủ, tin tức về tất cả các lĩnh vực. Nó đóng vai trò cần thiết đối với các thư viện và các tổ chức có sứ mệnh phụ thuộc vào việc cung cấp các thông tin đầy đủ và đáng tin cậy.
Kho thông tin khổng lồ ProQuest, được xây dựng thông qua quan hệ đối tác với những người sáng tạo nội dung, thường xuyên được đổi mới công nghệ cho phép người dùng nhanh chóng tìm thấy thông tin chính xác. Công ty hiện đang tung ra tất cả các cơ sở dữ liệu ProQuest® mới, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu sử dụng, tạo ra, và chia sẻ nội dung qua đó thúc đẩy hiệu quả nghiên cứu.
Là một tổ chức năng động và phát triển nhanh chóng, trong năm 2009 ProQuest đã cho ra mắt dịch vụ tìm kiếm dữ liệu trên web SummonTM, mang lại lợi ích cho các thư viện đại học trên toàn thế giới. Trong năm 2010 ProQuest mở rộng vào thị trường doanh nghiệp và chính phủ, phát động dịch vụ Dialog ProQuestTM và giành được Dịch vụ Thông tin Quốc hội và Các ấn phẩm đại học của Châu Mỹ. Đầu năm 2011, công ty này cho ra đời thư viện điện tử, mở rộng nội dung của ProQuest bao gồm các sách điện tử và tuyển dụng thêm các nhân viên thành thạo công nghệ vào khắp tổng công ty, trong đó bao gồm các đơn vị như Serials Solution®, RefWorks-COSTM, và Bowker®.
Vùng Đặc Quyền Kinh Tế
Có rất nhiều bài viết bao gồm từ khóa “vùng đặc quyền kinh tế” trong cơ sở dữ liệu ProQuest. Vì vậy, người viết chỉ giới hạn các bài viết trong năm 2011. Vùng đặc quyền kinh tế đã tạo ra tranh chấp biên giới và các quan hệ quốc tế căng thẳng ở Biển Đông nhiều hơn ở bất kỳ vùng biển nào khác. Đối với nhiều nước ven biển, vùng đặc quyền kinh tế chỉ là một phần mở rộng của lãnh hải: EEZ 200 hải lý được coi là lãnh thổ của quốc gia, bởi vì nó là một vùng đặc quyền về kinh tế. Vùng kinh tế bao gồm tất cả những gì có ý nghĩa trong biển từ đường bờ biển của một quốc gia. Kinh tế có nghĩa là hầu như mọi thứ. Hai hay nhiều quốc gia có chung một phần biển tại Biển Đông (South China Sea) và Biển Hoa Đông (East China Sea) đã không thể giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp liên quan vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn. Vùng đặc quyền kinh tế có thể là một trong những khái niệm tồi tệ nhất trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Các quốc gia khác nhau sẽ có giải thích khác nhau về vùng đặc quyền kinh tế và việc này bắt nguồn từ Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Harry Truman. Có thể tìm hiểu tình hình hiện tại và các vấn đề của vùng đặc quyền kinh tế bằng việc xem xét các bài viết của các hãng truyền thông lớn có chứa từ khóa “vùng đặc quyền kinh tế” trong năm 2011. Nội dung của bài báo về vùng đặc quyền kinh tế có thể chia thành 10 nhóm chủ đề dưới đây:
1. Biển Đông và sức mạnh hải quân Trung Quốc.
2. Môi trường đại dương và vấn đề bảo vệ môi trường
3. Ấn Độ Duonwg
4. Hàn Quốc
5. Nhật Bản
6. Hòa Kỳ và vùng biển Caribê
7. Các đảo Thái Bình Dương
8. Biển Địa Trung Hải
9. Các đảo nhỏ của châu Phi ở Đại Tây Dương
10. Bắc Băng Dương
Biển Đông
Chủ đề có liên quan đến Vùng đặc quyền kinh tế được bàn đến nhiều nhất là về tình hình xung đột và căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN và giữa các quốc gia ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia. Có 43 bài báo về chủ đề này trong cơ sở dữ liệu ProQuest từ ngày 1 tháng 1 năm 2011 đến thời điểm hiện tại. Trung Quốc đã khiêu khích Việt Nam khi những chiếc thuyền đánh cá trá hình của Hải quân Trung Quốc quấy rối cuộc khảo sát dầu khí của Petro Việt Nam. Việt Nam đã quyết tâm đi đến chiến tranh chống lại Trung Quốc. Mặc dù lời tuyên bố về chiến tranh đã không trở thành cuộc chiến thực sự, nhưng Biển Đông đã thu hút sự chú ý rất lớn từ thế giới trong năm 2011. Trung Quốc đã cảnh báo Hoa Kỳ không can dự vào Biển Đông. Hai siêu cường này giải thích vùng đặc quyền kinh tế theo hai cách khác nhau: Mỹ cho rằng vùng đặc quyền kinh tế có nghĩa là sự tự do hàng hải, bao gồm sự tự do đi lại của các tàu Hải quân Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển độc quyền của quốc gia ven biển. Tuy nhiên, có một thực tế đã và đang xảy ra là các tàu hải quân Trung Quốc vẫn tự do đi qua các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác. Vẫn tồn tại sự khác biệt về không gian của vùng đặc quyền kinh tế giữa các quốc gia. Các quốc gia có chung biển như Biển Đông và Biển Hoa Đông vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về vấn đề này.
Các cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam đã được biết đến trong những năm qua và được các phương tiện truyền thông quan tâm theo dõi. Ngoài các cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam, các xung cuộc giữa Trung Quốc và Philippines trong tháng 6 năm 2011 (ngày 2 và 3 tháng sáu) cũng được Asian Pulse đưa tin. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Alberto del Rosario đã cảnh báo rằng “bất cứ trường hợp xây dựng nào của Trung Quốc tại vùng biển gần khu vực không có người ở Iroquois Bank tại Biển Đông đều vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) được Trung Quốc và các nước ASEAN ký kết năm 2002” và cáo buộc rằng tàu hải giám Trung Quốc đang đi lại trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines. Các tàu quân sự của Trung Quốc được đưa tin đã bắn vào các tàu đánh cá của Philippines tại bãi san hô Jackson, cách đảo Palawan 140 hải lý vào ngày 15 tháng hai năm 2011. Trong tháng 3 năm 2011, tàu tuần tra hải quân Trung Quốc bị cáo buộc quấy rối một tàu khảo sát dầu khí của Philippines tại khu vực Reed Bank (bãi Cỏ Rong), một phần của tỉnh Palawan và không thuộc Trường Sa. Trong tháng 5 năm 2011, các máy bay MIG được cho là của Trung Quốc đã tiến hành hoạt động quấy rối máy bay trinh sát của Không quân Philippines trên vùng trời Bãi Cỏ Rong. Tờ Malaya cho rằng công trình mà Trung Quốc xây dựng trên các rạn san hô của Trường Sa là một căn cứ quân sự chứ không phải là nơi trú ẩn cho ngư dân. Sự thiếu tin tưởng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng là điều đáng chú ý.
Tăng ngân sách quốc phòng lên hai chữ số và thực hiện chính sách ngoại giao thô bạo, Trung Quốc đã làm náo động các quốc gia láng giềng trong vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông. Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương cũng phải được một số bài báo đề cập đến. Căng thẳng tại Biển Đông không phải là một vấn đề pháp lý phức tạp, nhưng nó lại là một mối đe dọa cận kề và nguy hiểm đối với nền kinh tế toàn cầu và hệ sinh thái khu vực. Các tuyến đường hàng hải đi qua Biển Đông kết nối Châu Âu với Châu Á, đã giúp Biển Đông trở thành một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới. Gần một nửa thương thuyền của thế giới đi qua Biển Đông và vận chuyển từ Trung Đông một lượng dầu đáng kể cho Đông Bắc Á.
Biển Đông có một trữ lượng hydrocarbon dồi dào và phong phú, nhưng việc khai thác đầy đủ các nguồn tài nguyên này bị cản trở do các đường biên giới biển vẫn chưa được giải quyết và do sự đe dọa quân sự trắng trợn. Cuối cùng, việc đánh bắt quá mức dẫn đến đánh bắt cá ngày càng khó khăn, điều này càng khiến các ngư dân sử dụng các chiến thuật hiếu chiến hơn.
Một số nước ASEAN đề nghị đổi tên Biển Đông thành Biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea). Ben Bland đã đưa tin về tên gọi của vùng biển này trong bài viết trên tờ Financial Times ngày 21 tháng sáu 2011. South China Sea (biển Nam Trung Hoa) là Biển Đông (East Sea) đối với người Việt Nam, là Biển Tây Philippines (West Philippine Sea) đối với người Philippines và là Biển Nam Hải (South Sea) đối với người Trung Quốc. Tên gọi “South China Sea” đã được các nhà xuất bản bản đồ phương Tây sử dụng rất lâu mà không có sự đồng ý cũng như sự phản đối của người dân Châu Á. Nó có thể bắt nguồn từ việc các nhà làm bản đồ ở châu Âu đã không  ý thức về tác động lâu dài của nó có thể xảy ra sau đó. Việc đặt tên biển ngày càng trở nên nhạy cảm với các quốc gia ASEAN, vì việc đặt tên Biển Nhật Bản (Sea of Japan) đối với vùng biển giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã trở thành một vấn đề nhạy cảm với người dân Hàn Quốc. Tờ National Geographic đã đưa ra một tên kép “Biển Nhật Bản/Đông Hải (Sea of Japan/ East Sea)”. Một số đề xuất một tên biển trung lập chẳng hạn như biển Xanh (Blue Sea hoặc Green Sea) đối với vùng biển giữa hai quốc gia này.
Quần đảo Trường Sa với trữ lượng lớn hydrocacbon cũng là khu vực xung đột giữa các quốc gia ASEAN. Nó là một vùng biển phức tạp nhất vì những xung đột giữa các quốc gia có chung Biển Đông dường như không thể giải quyết. Tiêu đề chính của tờ Washington Post vào ngày 18 Tháng Chín năm 2011 là: Disputed Territory (Lãnh thổ tranh chấp). Bài viết tóm lại các cuộc xung đột trong một câu: Chính cơn khát dầu của Trung Quốc tại Biển Đông đã đặt Trung Quốc vào mâu thuẫn với các yêu sách của các quốc gia khác (Higgins, 2011).
Nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho xung đột Biển Đông đã được thể hiện thông qua Tuyên bố ứng xử Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc. Ngoài Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc, tôi còn chú ý đến một đề xuất mang tính học thuật Mark J. Valencia, Jon Van Dyke và Noel Ludwig của Trung tâm Đông-Tây, Đại học Hawaii đã đề xuất một đáy biển chung cho của tất cả các bên tranh chấp, trong đó các quốc gia cùng chia sẻ các nguồn tài nguyên. Cơ quan đảm bảo mục đích trên là Viện Quản lý tài nguyên Biển Đông (South China Sea Institute for Marine Resources Management), sẽ chịu trách nhiệm tiến hành một cuộc khảo sát chung và đánh giá tiềm năng khoáng sản và hydrocarbon, và cùng hợp tác thực hiện an toàn hàng hải và thực thi các biện pháp giám sát. Họ cũng đề xuất Cơ quan Hợp tác Trường Sa (Spratly Coordinating Agency) quản lý các khu vực chung và nguồn tài nguyên của các khu vực đó. Họ đề nghị chia 50% thành quả cho Trung Quốc và Đài Loan và 50% còn lại dành cho các quốc gia ASEAN. Điều này có thể bị phản đối bởi các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam. Họ cũng thảo luận về điểm mạnh và điểm yếu của các bên tranh chấp của quần đảo Trường Sa (Valancia, và các đồng nghiệp, 1997).
Sam Bateman đã chỉ ra các “vấn đề xấu” thách thức các giải pháp và đề xuất một diễn đàn khu vực để giải quyết vấn đề. Các vấn đề đó bao gồm cách giải thích khác nhau về Luật biển làm cơ sở cho an ninh hàng hải khu vực, sự thiếu trật tự trên biển, rất nhiều tuyên bố xung đột về thẩm quyền hàng hải, ẩn ý của hoạt động hải quân đang ngày càng gia tăng trong khu vực và thiếu ranh giới hàng hải. Ông đề xuất tạo ra một Viện nghiên cứu Hòa bình châu Á (Asian Peace Research Institute) theo mô hình Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm để thúc đẩy tư duy độc lập và hợp tác hơn nữa. Ông nhấn mạnh các kế hoạch hành động để thực hiện Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc vì Hòa bình và Thịnh vượng (2011-2015). Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng chỉ có ít tiến triển đã đạt được (Bateman, 2011).
Tuyên bố Hợp tác ASEAN-Trung Quốc 2002 (DOC) đã tạo điều kiện cho việc chuyển khu vực này thành một Khu vực Hòa bình, Hữu nghị, Tự do và Hợp tác (ZOPFF/C) thông qua tham vấn và đối thoại bền vững. ZOPFF/C cung cấp một khuôn khổ phân tách rõ các vùng biển tranh chấp và các vùng biển không tranh chấp tại Biển Đông. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa nhìn thấy tinh thần hướng tới việc đạt được các mục tiêu của DOC và ZOPFF/C. Chúng tồn tại như những cam kết hoặc những lời nói “sáo rỗng”.
Tựu chung lại, DOC, đề xuất của Trung tâm Đông Tây, Đại học Hawaii và bài viết của Bateman có thể coi là ánh sáng soi đường cho một Biển Đông hòa bình và thịnh vượng.
Ngày 28 tháng 7 năm 2011, tờ Asian Pulse thuật lại một câu chuyện, một câu chuyện rất thú vị với tôi. Câu chuyện này khiến tôi liên tưởng đến tình hình Biển Đông.
Vào mùa hè năm 2011, các công nhân Hàn Quốc đang cố gắng để kéo một tàu chuyên chở hàng hóa nặng 50.905 tấn, bị chìm vào tháng tư sau khi va chạm với một rạn san hô gần Ieodo, khoảng 150 km về phía tây nam của đảo Cheju. Theo các quan chức ngoại giao, Trung Quốc đã gửi tàu tuần tra tới nơi bị nạn vào tháng trước và đầu tháng này và yêu cầu Hàn Quốc ngừng mọi hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Các quan chức ở Seoul cho biết Trung Quốc đã yêu cầu Hàn Quốc tạm dừng việc kéo một con tàu thương mại bị chìm tại gần bãi đá đất ngầm Ieodo tại Nam Hải nơi mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Nhóm nghiên cứu này sau đó đã lên tiếng chỉ trích tham vọng biển của Trung Quốc trong tờ Korea Times và Korea Monitor trong số ra tháng 8.
Tham vọng biển của Trung Quốc
Trung Quốc đang mở rộng sức mạnh của mình sang Biển Đông và Biển Hoa Đông với các lý lẽ riêng của mình bao gồm: những lý do địa lý dựa trên lý thuyết rìa phía ngoài thềm lục địa và lý lẽ lịch sử về những hành trình cổ xưa tới các vùng biển xa. Trung Quốc đã đụng chạm với Việt Nam và Philippines. Trung Quốc cũng đưa ra yêu sách tại vùng biển của Malaysia và Indonesia.
Trung Quốc cũng đụng chạm với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông xung quanh việc thăm dò dầu, khí tự nhiên và các tài nguyên khoáng sản quanh quần đảo Senkaku. Gần đây nhất, thậm chí Trung Quốc còn can thiệp vào hoạt động cứu hộ mà Hàn Quốc tiến hành với một tàu vận chuyển than bị chìm ở khu vực đường trung tuyến trên vùng biển của Hàn Quốc. Biển Hoa Đông và Biển Đông không phải là các đại dương, mà là vùng biển hẹp có sự chia sẻ bởi nhiều quốc gia láng giềng. Trung Quốc không thể tuyên bố chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý hoặc thềm lục địa ở các vùng biển này.
Điều đó nghe có vẻ nực cười hoặc mang hơi hướng của chủ nghĩa đế quốc. Tòa án quốc tế từng sử dụng lý thuyết thềm lục địa để giải quyết tranh chấp giữa Đức – Đan Mạch và Hà Lan ở Biển Bắc. Trung Quốc đang sử dụng quyết định của tòa án này như một tiền lệ. Kể từ khi phán quyết được đưa ra, phần lớn các tranh chấp biên giới hàng hải được giải quyết bằng lý thuyết đường trung tuyến giữa hai quốc gia ven biển. Chính sách đường trung tuyến có thể khiến các quốc gia tuân thủ một cách mạnh mẽ, giản đơn và dễ dàng.
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa giải quyết được đường biên giới biển giữa hai quốc gia. Điều này không nên là cái cớ để Trung Quốc can thiệp một cách tùy tiện vào nỗ lực cứu hộ tàu chìm của Hàn Quốc. Trung Quốc đã từng làm một điều vô lý tương tự khi Hàn Quốc xây dựng tháp nghiên cứu đại dương ở đảo đá ngầm Leodo. Người phương Tây đặt tên đảo này là Socotra Rock vào năm 1900. Đảo nằm trong phạm vi đường trung tuyến của Hàn Quốc.
Trung Quốc đang khiêu khích các quốc gia láng giềng ở vùng biển hòa bình.
Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi xa của Việt Nam bằng các tàu đánh cá trá hình. Vào giữa tháng 6 vừa qua, các nhà chức trách Việt Nam đã cáo buộc một tàu đánh cá của Trung Quốc cắt cáp của tàu thăm dò của tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, Petro Việt Nam.
Trung Quốc tự mình đưa ra tuyên bố chủ quyền với toàn bộ Biển Đông, bằng cách trích dẫn những bản đồ cổ xưa với rìa phía nam kéo dài tới tận bờ biển phía bắc của Malaysia. Trong khi đó, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia đều có tuyên bố chủ quyền đối với nhiều phần khác nhau ở Biển Đông nhằm mục đích phát triển khu đặc quyền kinh tế của họ. Trong mùa hè năm 2011, Trung Quốc đã cho ra mắt tàu sân bay đầu tiên, đe dọa các quốc gia trong Biển Đông và Biển Hoa Đông. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã phát triển hai con số và chính sách đối ngoại Trung Quốc mang tính quyết đoán.
Sự ngờ vực và nỗi quan ngại của Châu Á về Trung Quốc là dựa trên các tham vọng lãnh thổ mà nước này đưa ra đối với Tây Tạng mà giờ đây là việc theo đuổi tham vọng lãnh thổ biển để có thể có nhiều hơn các nguồn dầu khí đốt, các kim loại quý dưới đáy biển và nguồn thủy sản.
Tham vọng của Trung Quốc cần được cân bằng bởi nước Mỹ như một đối tác của các nước châu Á – Thái Bình Dương và bởi một liên minh châu Á thống nhất được trang bị với công lý và sự công bằng trong cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra một tuyên bố căng thẳng với người dân của mình để chuẩn bị chiến tranh với Trung Quốc, bởi vì chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa là “không thể chối cãi”. Cuộc tập trận chung của quân đội Việt Nam và Hoa Kỳ đã khiến Trung Quốc có những lời chỉ trích gay gắt về sự can thiệp của Hoa Kỳ, nhưng nó đã ngăn cản một tình huống chiến tranh chó thể xảy ra. Sự đoàn kết mạnh mẽ của các quốc gia Đông Nam Á cũng góp phần làm giảm bớt sự hiếu chiến của Trung Quốc.
Hành vi thô bạo của Trung Quốc trong việc kiểm soát Tây Tạng bằng quân đội và dung dưỡng nhà độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong-il, người làm 20 triệu người dân Bắc Triều Tiên bị chết đói đáng bị khiển trách. Thế giới nên chú ý đến tuyên bố của Trung Quốc rằng vùng đặc quyền kinh tế của mình là vùng cấm đối với tàu hải quân nước ngoài, đây là một sự suy diễn Luật biển hết sức thâm độc hay sáng tạo của Trung Quốc. Tuy nhiên, tàu ngầm Trung Quốc vẫn đang đi lại một cách tự do hoặc kín đáo trong các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia lân cận.
Đã tới lúc xem xét một cách tổng thể vùng đặc quyền kinh tế và ranh giới ngoài thềm lục địa. Không  một quốc gia nào nên lạm dụng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Các vùng biển và đại dương về cơ bản nên là tài sản của nhân loại, không chỉ thuộc về một hay một vài siêu cường. Bảo vệ môi trường biển và đại duonwg và bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật ở biển và dưới đáy biển trước hết nên là nhiệm vụ cơ bản của nhân loại. Có một cách lựa chọn khác đó là phân định ranh giới biển duy nhất có thể chấp nhận được nên là một đường trung tuyến ở các vùng biển và nhỏ giữa các quốc gia ven biển.
Trung Quốc đã từng là nạn  nhân của chủ nghĩa đế quốc phương Tây và chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản trước và trong thế kỷ 20. Nhưng bây giờ, Trung Quốc lại hành động như một đế quốc đối với các quốc gia láng giềng. Đó có phải là một sự mỉa mai của lịch sử? Trung Quốc nên kiềm chế sức mạnh và sự tự tôn của mình. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phô diễn sức mạnh quân sự với mức chi tiêu quốc phòng khổng lồ 11,6% trong thực thế mỗi năm. Ngày càng có nhiều tàu thuyền, tàu ngầm và tàu sân bay hoạt động trong các vùng nước bị giới hạn một cách tương đối trong khu vực. Những vùng nước này được đánh dấu bằng các tranh chấp chủ quyền và các ranh giới hàng hải chưa được giải quyết. Tăng cường các hoạt động quân sự trên biển làm gia tăng nguy cơ xảy ra các sự cố tai nạn giữa lực lượng hải quân, đặc biệt là liên quan đến tàu ngầm. Sự gia tăng tàu ngầm trong khu vực đặt ra thách thức về ngoại giao phòng ngừa, xây dựng lòng tin hàng hải và bảo đảm sự an toàn của hoạt động tàu ngầm trong khu vực, nhưng những thách thức này chưa được giải quyết.
Dana Dillon lập luận trong bài viết của mình cho tờ Policy Review (tháng 6/ tháng 7 năm 2011) rằng: Mối nguy hiểm nhất là sự bất ổn ở châu Á là một Trung Quốc trỗi dậy đang tìm cách tái khẳng định bản thân, và nơi mà Trung Quốc có khả năng gây ra một cuộc xung đột quân sự nhất chính là Biển Đông. Trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, các vùng nước hiếm khi bình lặng của Biển Đông liên tục dậy sóng do các cuộc tập trận hải quân và những lời lẽ gay gắt.
2. Môi trường Đại dương và Năng lượng
Chủ đề liên quan đến Vùng đặc quyền kinh tế được bàn đến nhiều tiếp theo là về bảo vệ môi trường biển và bảo tồn nguồn tài nguyên biển. Có 23 bài báo thuộc nhóm này. Các vấn đề: bảo tồn sinh học, thủy sản trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia và vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn, bảo vệc các loài di trú và cá mập, nuôi trồng đánh bắt cá, tràn dầu và khôi phục thiệt hại về môi trường đã được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Phí dân sự và hình sự để các công ty sản xuất dầu ngoài khơi ở vùng Vịnh Mexico trong năm 2010 đã được thảo luận trong năm 2011. Các bài báo về môi trường trải rộng từ Thái Bình Dương đến vùng đặc quyền kinh tế của Hoa Kỳ, Canada và Mexico, vùng đặc quyền kinh tế của vùng biển Chile và Peru, biển Ca-ri-bê được chia sẻ bởi Bahamas, Honduras và Haiti, Ấn Độ Dương, Úc, New Zealand, vùng biển Đại Tây Dương của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ma-rốc, biển Beaufort của Hoa Kỳ và Canada, và các vấn đề hợp tác môi trường giữa Ý và Trung Quốc đã được thảo luận trên các tờ báo giấy khác nhau. Việc giảm khí thải CO2 từ các tàu cũng được thảo luận một cách hùng hồn để giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Laura Bush, đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ đã có một bài viết thú vị nhằm bảo vệ đại dương và các nguồn tài nguyên biển. Bài viết được đăng trên tờ Wall Street Journal như một lời nhắc nhở đối với phu quân của bà trong việc đặt tên cho bốn công trình hàng hải quốc gia ở Thái Bình Dương – công viên đại dương quốc gia năm 2006.
Công trình kỷ niệm hàng hải quốc gia Papahanaumokuakea,
Công trình kỷ niệm quốc gia kênh đào Marianas,
Các hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương, và
Đảo san hô vòng Rose Atoll tại vùng Samoa thuộc Mỹ.
Bốn công trình này có diện tích 330.000 dặm vuông và cộng thêm với khu vực biển được bảo vệ đầy đủ lớn nhất trên thế giới, lớn hơn tất cả các vườn quốc gia Hoa Kỳ và những người tị nạn có cuộc sống hoang dã kết hợp lại. Chúng nuôi dưỡng một số lượng lớn các loài cá, cung cấp môi trường sống cho những rạn san hô tuyệt đẹp, và vô số cá mập – được xem như yếu tố góp phần đảm bảo sức khỏe của hệ sinh thái.
Bảo vệ đại dương là sứ mệnh và nhiệm vụ của nhân loại cho các thế hệ hiện tại và trong tương lai. Gần một nửa dân số thế giới hiện đang sống trong vòng 60 dặm của một đại dương nào đó, và tỷ lệ này sẽ tăng lên vì ngày càng có nhiều người định cư tại các cộng đồng ven biển.
Laura Bush đã viết rằng:
Thế giới đại dương hoang dã của chúng ta đang dần biến mất và, như chúng ta đã làm công viên quốc gia Yellowstone, việc bảo tồn những khu vực hoang dã quan trọng nhất còn lại phụ thuộc vào chúng ta. Làm như vậy sẽ bảo vệ những cái có thể dễ dàng phá hủy nhưng không thể thay thế: các lồng ấp tự nhiên và không bị quấy rầy của sự sống. Đánh bắt quá mức và làm biến thoái các vùng nước đại dương gây hại cho những sinh vật cần thiết để duy trì số lượng các loài sinh vật biển đa dạng.
Dự án năng lượng ngoài khơi ở Biển Bắc và các biện pháp cấp vốn, thăm dò dầu khí và khí đốt của vùng thềm lục địa bên dưới đại dương, và việc khám phá nguồn dầu và khí đốt dưới nước của cơ quan Khảo sát Địa chấn Hoa Kỳ (US Geological Survey) cũng đã được thảo luận cùng với vụ tràn dầu năm 2010 tại Vịnh Mexico. New Zealand công bố chiến lược dầu mỏ của mình trong đó New Zealand sẽ là một nước xuất khẩu dầu thực sự trong vòng hai thập kỷ tới khi mà quốc gia này tăng cường tìm hiểu về các lưu vực dầu khí của mình vào tháng tám. Nước này cũng nhấn mạnh rằng những tác động của hoạt động thăm dò dầu đến môi trường sẽ được quan tâm, nhưng các đảng đối lập và các hiệp hội môi trường vẫn chỉ trích kế hoạch chiến lược này (Theo Asian Pulse, ngày 30 tháng 8).
3. Ấn Độ Dương
Chủ đề xuất hiện nhiều tiếp theo trong các bài báo về EEZ, bao gồm chín bài, là về Ấn Độ Dương, bao gồm thỏa thuận về khu vực đánh bắt cá Tây Sumatra Ấn Độ, thăm dò dầu ngoài khơi, thỏa thuận đánh bắt cá Ấn Độ-Sri Lanka, xuất khẩu hải sản ngày một tăng của Ấn Độ, hợp tác giữa Ấn Độ và các quốc gia châu Phi nhằm kiểm soát cướp biển, và nền kinh tế của vùng Seychelles dựa vào việc gia tăng đánh bắt cá ngừ. Những tên cướp biển từ Somali đã thu hút được sự chú ý trên toàn thế giới, và khả năng giám sát của Hải quân Ấn Độ đã được đưa tin kịp thời.
4. Hàn Quốc
Hàn Quốc là chủ đề của những bài báo khá lớn về vùng đặc quyền kinh tế, bao gồm bảy bài. Cái bài báo đưa tin về việc thuyền tuần tra của Trung Quốc yêu cầu các thuyền cứu hộ Hàn Quốc phải xin phép trước khi tiến hành hoạt động cứu hộ trong vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc gần đảo Ieodo hoặc đảo đá Socotra, việc đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc, ngành công nghiệp đánh cá của Hàn Quốc ngày càng phát triển, và các hiệp định đánh cá Hàn Quốc – Nhật Bản và thiết lập hạn ngạch trên vùng biển Hàn Quốc giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Trong đó có một bài báo thú vị viết về vấn đề nhân quyền của các công nhân Indonesia làm việc trên các tàu đánh cá Hàn Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của New Zealand.
5. Nhật Bản
Nhật Bản đối tượng nghiên cứu của sáu bài viết về: khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế chống lấn của Trung Quốc và Nhật Bản, Nhật Bản đánh bắt cá hợp pháp ở vùng biển của Nga, và hợp tác cứu trợ thiên tai biển giữa Nhật và Indonesia.
6. Mỹ
Bốn bài viết liên quan đến Hoa Kỳ và các quốc gia láng giềng trong vùng biển Caribê đã được đăng tải: Mỹ, Cuba và Bahamas trong việc xác định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế, Hoa Kỳ và New Zealand hợp tác an ninh biển, và các tranh chấp chủ quyền biển giữa các nước Columbia, Nicaragua, Honduras và Costa Rica. Tổng thống Barrack Obama đã kêu gọi những người đứng đầu của tất cả các phòng ban điều hành thiết lập một Nhóm công tác liên ngành về chính sách đại dương sau vụ tràn dầu của tập đoàn dầu khí Anh ở Vịnh Mexico là những thông tin đáng giá.
7. Các đảo của Thái Bình Dương
Các hòn đảo nhỏ của Thái Bình Dương đã được thảo luận về các vấn đề sau: khai thác biển khơi của Papua New Guinea, tranh chấp của Tonga và hợp tác giữa Tonga và Hàn Quốc trong khai thác biển khơi, và hợp tác đánh bắt cá của Fiji và Kiribati.
8. Biển Địa Trung Hải
Các bài báo về Vùng đặc quyền kinh tế của biển Địa Trung Hải viết về Thỏa thuận về vùng đặc quyền kinh tế giữa Israel và đảo Síp, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Síp, và thỏa thuận đường ống dẫn khí tại Biển Đen giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
9. Đại Tây Dương
Các hòn đảo nhỏ ở Đại Tây Dương gần lục địa Châu phi cũng là chủ đề của các bài báo liên quan đến EEZ: thỏa thuận đánh bắt cá của Cape Verde với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp, và Sao Tome và thỏa thuận về vùng đặc quyền kinh tế của Principe với Nigeria và các thỏa thuận thăm dò dầu khí với một công ty Nigeria.
10. Bắc Băng Dương
Có hai bài báo thảo luận về quyền sở hữu Bắc Băng Dương hay Bắc Cực và Hội đồng Bắc Băng Dương.
Kết luận
Vùng đặc quyền kinh tế đã thu hút sự quan tâm đa dạng từ các cơ quan truyền thông lớn và các tạp chí chuyên ngành. Thật không may là việc xem vùng đặc quyền kinh tế như là các di sản chung của nhân loại đã không được thảo luận một cách đầy đủ, mặc dù chúng đã được thảo luận trong giới trí thức. Không có bất cứ một bài viết nào bàn về thực tế rằng các quốc gia không có bờ biển thì sẽ không được hưởng lợi của các đại dương và biển. Thực tế là các quốc gia có chung biển, đặc biệt là các biển hẹp đã không tìm được cách phân định đường biên giới biển một cách hòa bình và hợp lý. Trung Quốc đang nổi lên như một đế quốc mới tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trung Quốc đang cố gắng sử dụng lý thuyết thềm lục địa từ phán quyết của vụ Biển Bắc để tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh thổ rộng lớn là Biển Đông và Biển Hoa Đông với các tài liệu lịch sử mơ hồ và xa xôi của nền văn minh Trung Quốc cổ đại đối với các quốc gia láng giềng. Các quốc gia đã không thể hiện hoặc không thực hiện nỗ lực chia sẻ biển với các quốc gia láng giềng. Chia sẻ các tài nguyên thiên nhiên và trách nhiệm bảo vệ biển và bảo tồn nguồn tài nguyên biển là nguyên tắc chi phối trong chính sách biển quốc tế. Điều đó sẽ mang lại hòa bình cho biển cả.
Các văn kiện hợp tác giữa ASEAN-Trung Quốc là nguyên tắc dẫn lối cho hòa bình tại Biển Đông. Tinh thần của DOC cần phải được khích lệ. Hiện tại vẫn đang thiếu điều đó.
Hạn chế và xóa bỏ thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế phải là nhiệm vụ của giới trí thức. Sứ mệnh của chúng ta là bảo vệ các đại dương và các vùng biển và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển cho nhân loại. Các bài viết trên các tờ báo và tạp chí nên tập trung thảo luận về môi trường biển và bảo tồn các nguồn tài nguyên Trái đất là hành tinh duy nhất trong vũ trụ có biển và sự sống. Khai thác và thăm dò các nguồn tài nguyên một cách vô trách nhiệm là điều không thể dung thứ. Khai thác là một từ không đúng đắn trong khái niệm vùng đặc quyền kinh tế, và không nên dùng trong khái niệm vùng đặc quyền kinh tế. Cần phải cấm tuyệt chiến tranh hủy diệt hàng loạt trên biển, bởi vì nó phá hủy đời sống của biển và đại dương. Cần trục xuất các tàu hạt nhân, tàu ngầm hạt nhân ra khỏi biển. Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển đưa ra khái niệm vùng đặc quyền kinh tế chính đáng, nhưng nó đã bị lợi dụng hoặc suy diễn theo hướng trái với mục đích ban đầu. Chúng ta cần bảo vệ thủy sản và tài nguyên thiên nhiên từ ven bờ cho đến biển cả. Điều này nghe có vẻ không tưởng, đó là điều cần phải làm. Biển, biên giới cuối cùng của Trái đất, cần phải được bảo vệ.
Các bài báo đăng trong tạp chí Marine Policy mô tả các hoạt động đánh bắt cá trong những thập kỷ gần đây nhắm mục tiêu vào các vùng biển cả không bị kiểm soát sau khi các nguồn cá gần bờ bị đánh bắt quá mức. Elliott Norse, chủ tịch của Viện Bảo tồn biển (Marine Conservation Institute) và chủ bút của bài báo, mô tả đại dương và thế giới như “sa mạc nước”. Thế giới đã chuyển sang đánh bắt cá ngoài khơi chỉ vì “tuyệt vọng” mà không nhận thức được rằng các đàn cá cần rất nhiều thời gian để có thể phục hồi. Khai thác và đánh bắt cá ngoài khơi đang làm suy giảm đời sống của biển, do đó, các nhà khoa học kêu gọi chấm dứt việc khai thác mỏ và đánh cá tại biển khơi (Eilperin, 2011).
Karen Sack, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn biển quốc tế thuộc Tập đoàn môi trường Pew (International Ocean Conservation at Pew Environmental Group), cảnh báo việc phá hủy biển khơi bằng trợ cấp đánh bắt cá của chính phủ. Bà kết luận: Chúng ta đang chi hàng triệu đô la công quỹ để phá hỏng cảnh quan biển – cái mà phải mất đến hàng thiên nhiên kỷ mới có thể hình thành. Chính phủ không chỉ phải thừa nhận rằng đánh bắt cá ngoài khơi lãng phí tiền của của những người phải chịu thuế mà việc phá hủy đời sống biển đặc thù để đánh bắt một lượng tương đối nhỏ các loài cá chậm phát triển là một sự đầu tư tồi tệ (theo Sack, 2011).
Biển Đông là mối quan tâm chính của tờ báo và tạp chí chuyên ngành trong năm 2011. Tôi đã tìm thấy bài viết hay nhất trên về Biển Đông trong cuốn sách của các học giả của trường đại học Hawaii. Dưới đây là phát biểu đáng chú ý trong công trình của họ mà nên được đưa thảo luận trong Hội thảo tới.
Việt Nam đã kiểm soát rất nhiều đảo ở Trường Sa từ năm 1973. Philippines đã kiểm soát một số hòn đảo kể từ năm 1978. Malaysia bắt đầu kiểm soát phía năm của khu vực này vào năm 1983, và Trung Quốc bắt đầu nỗ lực để chiếm các đảo vào năm 1988. Trong mỗi trường hợp, các quốc gia khác đều thiết lập sự chiếm đóng. Kết quả của việc này là một sự chồng chéo các khu vực chiếm đóng và một sự bế tắc không dễ giải quyết. Mặc dù sự chiếm đóng này trong một số trường hợp có thể là cơ sở cho một khẳng định chủ quyền hợp pháp, nhưng rõ ràng sẽ thích hợp hơn nếu các quốc gia thương lượng một số giải pháp công bằng cho các bế tắc (Valencia, cùng các đồng sự, 1997. Tr.40).
Việc thăm dò và thám hiểm biển của Chủ nghĩa đế quốc phương Tây đã không tồn tại trong lịch sử châu Á, do đó, phán quyết của Tòa án công lý quốc tế (ICJ) chỉ nên nằm ngoài lề và không nên áp dụng đối với tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Chúng tôi tin vào quy tắc xét xử chính là sự gần gũi về mặt địa lý và đường trung tuyến giữa hai hay các quốc gia có chung một biển nhỏ hẹp. Các quốc gia có chung Biển Đông và Biển Hoa Đông nên thảo ra Công ước luật biển dành riêng cho Biển Đông và Biển Hoa Đông. Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, một sản phẩm biện minh cho chủ nghĩa đế quốc phương Tây dựa trên quá trình thăm dò và khai thác của họ không nên là yếu tố tham khảo cho các công ước của Châu Á.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét