Lê Ngọc Thống – Cựu sỹ quan Hải quân VN
Lịch sử các cuộc chiến tranh chống ngoại
xâm của dân tộc ta luôn luôn chịu một bất lợi, đó là địch lúc nào cũng
chiếm ưu thế về số lượng. Tổ tiên, ông cha có lẽ vì thế nên phải sáng
tạo ra một lối đánh thích hợp: Lấy ít địch nhiều. Trải qua ngàn đời, đời
cha truyền lại cho đời con lối đánh đó được nâng lên thành nghệ thuật.
Đặc biệt trong hai cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ, Việt Nam không những
bất lợi về số lượng mà còn bất lợi rất lớn về chất lượng vũ khí trang
bị. Chính qua hai cuộc chiến tranh này, nghệ thuật lấy ít địch nhiều
được nâng lên tầm cao mới: Nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong bảo vệ
Tổ quốc.
Một điều thú vị là nếu như từ quy luật
chiến tranh ông cha ta đã nắm bắt để tạo nên nghệ thuật chiến tranh phù
hợp thì nghệ thuật chiến tranh mà ông cha ta sáng tạo ra đó có lẽ cũng
bắt đầu từ quy luật thiên nhiên: Bão tố. Khi bão từ biển Đông tràn vào
bờ thì rất khủng khiếp, nhưng sức khủng khiếp sẽ giảm hẳn và tan khi vào
sâu trong đất liền. Chống giặc ngoại xâm cũng thế, không dưới 8 lần
giặc phương Bắc tràn xuống. Ông cha ta chưa một lần chặn đứng được chúng
từ biên giới (biết thế nên ông cha ta chỉ đánh ghìm chân chiến thuật
chúng thôi), và khi chúng vào sâu trong lãnh thổ thì… như thế nào chúng
ta đã biết.
Nghệ thuật
chiến tranh nhân dân trong bảo vệ Tổ quốc là nghệ thuật siêu đẳng, không
một kẻ xâm lược nào có thể hóa giải (tất nhiên nó phải lấy dân làm gốc,
còn dân không theo thì vô nghĩa). Tính đặc biệt của Nghệ thuật chiến
tranh nhân dân Bảo vệ Tổ quốc thì nhiều, ở đây ta chỉ quan tâm một vấn
đề thôi, đó là: Tạo nên những lối đánh độc đáo và do đó có cách sử dụng vũ khí sáng tạo.
Tàu ngầm Việt Nam – Coi chừng không giống ai!
Trung Quốc có 12 chiếc Kilo, Ấn Độ,
Indonesia…. đều có, Việt Nam cứ tạm coi có 6 chiếc. Tính năng kỹ chiến
thuật của Kilo giống nhau, nhưng khi sử dụng thì do tính chất cuộc chiến
của hai bên tham chiến khác nhau nên họ sẽ khai thác, sử dụng và phát
huy tính năng kỹ chiến thuật của tàu ngầm Kilo khác nhau. Nếu anh đi xâm
lược thì tàu ngầm Kilo thực hiện chức năng chủ yếu là tìm, vận động
tiếp cận mục tiêu (mà không để đối phương phát hiện) để tiêu diệt. Vì
thế bài toán về “tìm” như thế nào; “vận động tiếp cận” mục tiêu ra sao
để đối phương không phát hiện bắt buộc phải đặt ra. (Có lẽ vì thế nên
Kilo trở nên nguy hiểm vì tiếng ồn mà nó gây ra khi “săn” là nhỏ nhất so
với các loại tàu ngầm khác).
Tàu ngầm chỉ thực sự nguy hiểm khi nó
giữ được yếu tố bí mật, còn khi mà đi đâu đối phương biết đấy thì đó là
mục tiêu dễ tiêu diệt nhất. Bản thân tàu ngầm là bí mật, nếu sử dụng tàu
ngầm trong hình thái tác chiến bí mật như phục kích, phòng ngự thì nó
sẽ trở thành một phương tiện, vũ khí rất cực kỳ nguy hiểm.
Tất cả từ chiến lược cho đến vũ khí
trang bị của Việt Nam đều phục vụ cho mục đích phòng thủ đất nước nên
khi lãnh hải bị xâm phạm thì phạm vi và không gian xảy ra tác chiến
thường trong vùng biển của ta. Vì thế tàu ngầm Kilo của Việt Nam chủ yếu
nằm đợi giặc đến. Di chuyển ngầm dưới nước hay nổi, di chuyển độc lập
hay bên cạnh tầu nổi… trong vùng biển của ta thì ta tùy chọn. Nằm đợi
giặc ở đâu, phục kích vị trí nào, dưới, sau dãy đá ngầm san hô hay cạnh
một hòn đảo nào đó vv…vv mấy ông ở Bộ Tham mưu Hải quân Việt Nam thừa
sức biết. Và với những cách sử dụng đó, đối phương phát hiện ra Kilo của Việt Nam chỉ khi đã phải ôm phao cứu sinh.
Ưu điểm vượt trội của Kilo là ít tiếng
ồn nhưng trong tay Việt Nam thì tiếng ồn của Kilo sẽ được hạn chế ở mức
thấp nhất hơn nữa có khi bằng 0. (Dân Việt sẽ “kéo” nó đến chỗ cần thiết
thì tiếng ồn chẳng phải là 0. Chuyện không tưởng? Điện Biên Phủ, pháo
binh Việt Nam có trên núi cao, chuyện không tưởng. Cuối cùng ông chỉ huy
trưởng pháo binh Tập đoàn cứ điểm Pháp – Trung tá Pirot phải tự sát
bằng lựu đạn vì chuyện không tưởng này. Trong cuộc chiến từ 1965 – 1975
cũng có rất nhiều chuyện không tưởng. Nghệ thuật chiến tranh nhân dân
bảo vệ Tổ quốc luôn là tác giả độc quyền của những chuyện không tưởng).
Như vậy trong tay Việt Nam tàu ngầm hoạt
động rất ít giống với quy ước, nó được sử dụng, biến đổi thành rất
nhiều chiêu thức nguy hiểm. Nhà sản xuất cũng không nghĩ ra là có lúc nó
sẽ như thế. Cũng là giống Hổ, Hổ ở châu Phi có cách săn mồi với những
pha rượt đuổi đầy ngoạn mục nhưng Hổ ở Việt Nam không săn mồi như thế vì
không có đồng cỏ rộng để rượt đuổi, không có hàng trăm con mồi mà tha
hồ lựa chọn. Hổ Việt Nam chỉ rình mồi ở những vị trí mà con mồi hay đi
qua và bắt buộc phải đi qua. Và khi con mồi đã trong “tầm vồ” thì … mới
gọi là Chúa sơn lâm.
Hiện nay việc bố trí, kết hợp các loại
vũ khí hiện đại trong phòng thủ biển với nhau là rất quan trọng. Nếu bố
trí hợp lý, khoa học các loại vũ khí hiện đại với nhau thì chúng sẽ
triệt tiêu các điểm yếu hệ thống mà bất kỳ loại vũ khí nào dù tinh xảo
đến đâu cũng mắc phải nhưng đồng thời nó phát huy tối đa uy lực từng
loại. Với tàu ngầm chỉ cần 3 chiếc Kilo trong tình trạng luôn luôn sẵn
sàng tác chiến (kết hợp với các loại vũ khí khác) là quá đủ đáng gờm để
làm nguội đi không ít những cái đầu nóng hiếu chiến. Khả năng bảo vệ
vững chắc vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc là hiện thực. Tuy
nhiên bảo vệ lãnh thổ phải là ưu tiên hàng đầu. Không nên để bọn chúng
hút về hướng biển rồi bất ngờ lật cánh vào trên bộ. Trên bộ là nguy cơ
nhất. Mất lãnh thổ thì không còn gì hết. Nếu có xảy ra chiến tranh thì
trên bộ là trọng điểm của quân xâm lược. Xung đột trên biển có xảy ra
trước đi nữa cũng chỉ là mũi nghi binh.
Quốc phòng là toàn dân. Bài viết này với
mục đích chỉ trình bày ý tưởng của người dân trong bảo vệ Tổ quốc. Biết
đâu có một trong hàng ngàn ý tưởng đánh giặc của dân được quan tâm nó
trở thành cơ sở khoa học thực tiễn. Bài viết này không phải là để phản
ứng với một số “cư dân mạng” Trung Quốc bình luận về tàu ngầm Việt
Nam…vì họ không phải là đối tượng của tác giả bài viết quan tâm.
Bài tác giả gửi cho viet-studies ngày 15-8-11
Nguồn: viet-studies
Xem thêm:
- Các bài viết cùng một tác giả + Lúc nào thì Trung Quốc khiến Mỹ bất an? + Liệu Trung Quốc có tấn công xâm lược Việt Nam lần thứ hai không? + Thôn tính Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian, nếu… + Hãy còn đó Hoàng Sa! (viet-studies).
- ‘Tàu ngầm VN đe dọa Trung Quốc’ (BBC).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét