Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Hoa Mắt Với Chuyện Hoa-Mỹ


Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt ngày 20 110815
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Sức nặng tương đối – nhìn từ giác độ khác....



Có những ngày mà chúng ta bần thần tự hỏi là "chuyện gì đang xảy ra vậy?" Có lẽ thời sự tuần qua là trường hợp ấy. Khi bần thần như vậy, cách hay nhất là... lùi lại để khỏi bị cuốn vào cơn lốc. Lùi lại rồi mới hiểu vì sao lại bị hoa mắt! Đương thấy tối thì hãy nói chuyện tương đối, và tỉnh táo đặt mọi sự lên bàn cân....

Biết đâu sẽ chẳng sáng ra khi thấy Thiên triều Trung Quốc ra mặt hù họa!

***

Chính trường hóa dại làm thị trường hoảng loạn

Số là kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm từ Tháng 12 2007 đến Tháng Bảy 2009.

Vài đề nghị về cách dùng chữ: "Suy trầm" (recession) là khi đà tăng trưởng sản xuất sút giảm liền trong hai tam cá nguyệt (quý). Nặng hơn thì gọi là "suy thoái" (depression); nặng hơn nữa và kéo dài lan rộng thì gọi là "khủng hoảng" (crisis). Nhớ lại thì đà tăng trưởng quy ra toàn năm của Quý II 2007 là 3,6%, Quý III là 3,0%, đến Quý IV chỉ còn 1,7%. Vì vậy mới gọi là suy trầm, theo định nghĩa của cơ quan nghiên cứu tư nhân có thẩm quyền đo đếm về suy trầm (NBER).

Thời ấy, mọi người đều nói theo các chính khách, rằng Mỹ bị khủng hoảng chưa từng thấy, kể từ vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933. Chỉ vì năm 2008 đó có bầu cử nên các chính trị gia được mùa dọa nạt để kiếm phiếu.

Lùi lại mà nhìn thì qua bốn năm bảy tháng của trận Tổng khủng hoảng 29-33, sản lượng Mỹ bị sụt 26,7% với thất nghiệp 24,9% vào năm 1933. Trong vụ "Tổng suy trầm 2008-2009", sản lượng bị sụt 5,1%, với thất nghiệp cao nhất là 10,1% vào Tháng 10 2009.

Nói về tương đối thì vụ suy trầm này chưa bằng hai tai họa kinh tế năm 1937, năm 1945. Và chỉ mấp mé các đợt suy trầm năm 1972-1975, năm 1980, hoặc 1981-1982, khi lạm phát vượt 10%, lãi suất gia cư (mortgage) lên quá 20% và thất nghiệp có lúc lên tới 10,8%. Thành ra, dù có là nạn nhân của suy trầm ta cũng không quên rằng các thế hệ đi trước còn khốn đốn gấp bội.

Nhưng, nhồi trong một chu kỳ suy trầm nhẹ là vụ khủng hoảng tài chánh tháng Chín năm 2008. Và nhồi trong vụ khủng hoảng tài chánh đó là cuộc bầu cử năm 2008.

Từ đó, chính trường Mỹ hóa dại và gây nhiều tai họa kinh tế khác cho đến cao điểm là sự hoảng loạn tuần qua.

Cái "nhân" có thể là nỗi lo kinh tế lại bị suy trầm sau hai năm phục hồi uể oải, trong khi khủng hoảng Âu Châu chưa tan mà còn lan rộng. Cái "duyên" có thể là vụ công trái Mỹ bị Standard & Poor's hạ từ hạng "thượng đẳng" AAA xuống hạng "có giá trị" là AA+ vào mùng năm Tháng Tám. Lý do bị hạ điểm chính là tình trạng hóa dại của chính trường với trận đánh về ngân sách kéo dài sáu tháng, bất chấp lời cảnh báo mà S&P nêu ra hôm 18 Tháng Tư, khi hạ điểm trái phiếu của Mỹ xuống hạng AAA "tiêu cực".

Từ Thứ Hai mùng tám, thị trường qua một tuần hoảng loạn đến Thứ Sáu 11 mới nguôi. Trong ba ngày đầu tuần, chỉ số Kỹ nghệ Dow Jones (DJIA) tăng hay giảm 400 điểm nội trong ngày, là điều chưa từng thấy. Cả thế giới đã chứng kiến và bị ảnh hưởng bởi tình trạng hoảng loạn đó, khiến Bắc Kinh thừa cơ lên lớp thiên hạ. Và tắt đèn dẹp loạn ở nhà.

Đấy là lúc chúng ta nhìn sang chuyện thứ hai, nếu đừng bị cuốn trong cơn bão tâm lý.


***


Trái táo và thùng dầu

Từ sau Thế chiến II, Hoa Kỳ bị nhiều trận suy trầm nghiêm trọng mà rồi vẫn đứng dậy. Dân Mỹ vốn ưa hốt hoảng nhưng vẫn lạc quan và tự tin vùng lên. Vụ thị trường phát cuồng khiến ta có thể không chú ý một biến cố có ý nghĩa về khả năng vùng dậy.

Tuần qua, lần đầu tiên, tài sản của công ty Apple Inc. vượt qua tổ hợp Exxon Mobile thành doanh nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ và thế giới. Hiện nay, hai doanh nghiệp đang ngang ngửa trong cuộc đua với khoảng 350 tỷ Mỹ kim tài sản: ta nhân trị giá cổ phiếu trong ngày với số cổ phiếu  thì ra trị giá tài sản theo mệnh giá của thị trường (xin tạm gọi là "kết giá thị trường" để dịch chữ market capitalization).

Nhìn lại thì Thứ Năm 11 vừa qua, chẳng có biến cố gì làm tài sản của Apple bỗng lên giá 36 tỷ và đoạt ngôi vô địch của Exxon Mobile! Nhưng nếu lùi lại một chút thì ta có thể nhìn ra một chuyển động lớn của Hoa Kỳ, và thế giới sau này.

Sau khi xoá chữ "Computer" trong thương hiệu Apple Computer Inc. Apple đã mở rộng lãnh vực kinh doanh và chuyên trị về một loạt những sản phẩm xin gọi là "trí tuệ trong mảnh nhựa". Exxon hay các tổ hợp dầu khí hoạt động với rất nhiều thiết bị tốn kém trải rộng khắp nơi, mà sản phẩm chủ yếu là dầu thô và khí đốt. Đây là loại sản phẩm bị hủy diệt sau khi được tiêu thụ. Sản phẩm của Apple chủ yếu là trí tuệ, là sáng kiến. Với đặc tính là sau khi được sử dụng và tiêu thụ thì vẫn tồn tại - mà lại còn có giá trị hơn!

Từ hai chục năm trước, ta nghe nói đến nền "kinh tế tri thức". Apple và hàng loạt công ty mới xuất hiện sau này như Yahoo, Google, Facebook, v.v... đã minh chứng hình thái kinh tế ấy. Và làm thay đổi lề lối sinh hoạt, từ học hỏi, suy nghĩ, giải trí đến sản xuất của nhân loại....

Nói đến chuyện đứng dậy, nếu theo dõi thì ta biết những hoạn nạn của Apple sau khi xuất hiện tại Cupertino ở miền Bắc California vào năm 1976, khi nước Mỹ... vừa bại trận tại Việt Nam.

Mà khu vực này không chỉ có "phép lạ" Apple. Nhìn lại thì nhiều thành tựu kinh doanh từ Thung lũng Silicon này còn là đóng góp của di dân, đến từ Âu Châu, Á Châu hoặc Trung Đông. Nhân vật kỳ tài của Apple, Steve Jobs, là người gốc Syria được một gia đình Mỹ nhận làm con nuôi... Lập ra công ty rồi bị đuổi rồi quay về cứu lấy trái táo. Được đối thủ là Microsoft cho vay 150 triệu, Apple thoát xác và mở ra chân trời khác.

Mà cái gì khiến những di dân ấy thành nhân tài của Hoa Kỳ? Điều kiện gì giúp họ phát huy trí tuệ và cống hiến những sản phẩm hay dịch vụ mà trước đó thị trường và giới tiêu thụ chưa nghĩ ra? Nếu còn ở lại cố quốc, họ có cơ hội như vậy không?

Những câu hỏi ấy mới đáng nêu ra trong cơn hốt hoảng. 

Thành thử, giữa những bất cập của chính trường làm thị trường hoảng loạn, xã hội Mỹ vẫn tiếp tục vận hành và tạo ra phép lạ. Sau này, nếu có nhớ lại trận khủng hoảng vừa qua thì ta thấy... hào hứng như khi Tổng thống Richard Nixon bị đàn hặc và từ chức vì vụ Watergate!

Nhìn cho gần trong từng gia đình, phép lạ ấy là khi trẻ em Mỹ đang sống trong một thế giới khác, hoàn toàn thoải mái với đồ chơi và học cụ điện tử. Chúng vận dụng tri thức theo những quy luật mà nhiều khi ta chỉ mường tượng ra đã chóng mặt. Từ đó, các thế hệ tiếp nối còn làm ra nhiều điều kỳ diệu hơn. Một hình thái sinh hoạt khác đã xuất hiện.

Mà trong thế giới đó của Mỹ, không có chuyện... kiểm soát Internet, đầu cơ kiến thức! Hoặc đàn áp đối lập. Ta trở lại với chủ nợ số một của Hoa Kỳ. Trung Quốc!


***



Chuôi dao nằm đâu?

Chỉ vì trong khi nước Mỹ hoảng loạn chuyện nợ nần thì Bắc Kinh – và cả thế giới – cứ nói đến việc Hoa Kỳ bị nhập siêu khi buôn bán với Trung Quốc. Nhờ vậy mà các đấng con trời tích lũy được khối dự trữ ngoại tệ trị giá tương đương với 3.200 tỷ đô la và là chủ nợ số một của Mỹ.

Với kho bạc ấy, tính đến Tháng Bảy, Bắc Kinh cho Hoa Kỳ vay 1.160 tỷ bằng cách mua Công khố phiếu Mỹ. Nếu kể thêm các công ty bình phong khác, số tiền cho vay có thể lên tới 1.200 tỷ. Ngoài ra còn nhiều ngả đầu tư khác. Vì thế Bắc Kinh có thể làm chủ một lượng tài sản Mỹ trị giá tổng cộng là 2.000 tỷ. Một số nguồn tin khác nói đến tỷ lệ 70% của số dự trữ 3.200 tỷ này (2.240 tỷ). Trong khi ấy, người dân Trung Quốc vẫn nghèo mạt.

Nhìn từ bên ngoài, ta nên xoay ngược bài toán tích/tiêu hay tá/thải của trương mục kế toán này.

Dân Mỹ nổi tiếng là ưa tiêu thụ và mang tiếng là ưa mua sản phẩm "chế tạo tại Trung Quốc" thật ra lại chuộng hàng... nội hóa! Năm 2010, nhập cảng chỉ chiếm 16% Tổng sản lượng Nội địa GDP: 84% còn lại là sản phẩm "Made in USA".

Trong năm qua, số tiêu thụ của tư nhân Mỹ dành cho hàng nội hóa lên tới 88,5%. Chỉ có 11,5% là hàng nhập. Mà hàng hóa hay dịch vụ "Made in China" chỉ bằng 1/4 tổng số nhập cảng đó - là 2,7% mà thôi.

Về kế toán mà nói, khi bút ghi là mua 11,5% hàng ngoại, người ta kể luôn mọi loại chi phí như vận chuyển, quảng cáo, phân phối và bán lẻ, tính chung lên tới 4,2%, thật ra do doanh nghiệp Mỹ thực hiện. Phí tổn nhập cảng thật chỉ lên tới 7,3%: khi mua hàng ngoại, giới tiêu thụ Mỹ chi cho doanh nghiệp Mỹ 36% của ngạch số 11,5% nói trên.

Với hàng "Made in China" thì còn ly kỳ hơn, vì Thiên triều ngửi hoa giả.

Trong số 2,7% gọi là "mua của Trung Quốc", có 55% là trả cho doanh nghiệp và công nhân Mỹ đã chở hàng về và quảng cáo rồi phân khối khắp nơi: khi mua một đô la hàng Trung Quốc, có 55 xu là vào túi doanh nghiệp Mỹ nhận hàng bên Mỹ. Thiên triều chỉ xuất cảng được 1,2% số hàng tiêu dùng của dân Mỹ. Mà việc sản xuất ra lượng hàng ấy ở tại gốc thì còn có sự tham gia của... nhà đầu tư Mỹ tại Hoa lục. Con số là bao nhiêu thì ta chưa rõ, có nhiều nơi nói đến tỷ lệ 60%....

Dù có kể thêm các loại bán chế phẩm mà Hoa Kỳ phải nhập từ Trung Quốc để sản xuất ra hàng "Made in USA" thì sức bán tổng cộng của Thiên triều chỉ lên tới 1,9% (1,2% + 0,7%). Nôm na là Bắc Kinh khó làm mưa làm gió trên một thị trường mà thị phần của mình chỉ có chưa đầy 2%.... Vậy mà nước Mỹ cứ rên như sắp bán hết gia sản cho Trung Quốc vì bị nhập siêu nặng!

Hay là "đại bá" gặp "đại điếm"?

Sang chuyện nợ nần....

Bộ Ngân khố Mỹ cho biết là tính đến hôm 11 vừa qua, Hoa Kỳ mắc nợ 14,588 tỷ đô la, trong đó 4.667 tỷ là công quyền nợ nhau. Phần nợ công chúng trong và ngoài nước là 9.921 tỷ. Nếu Thiên triều có nắm 1.200 tỷ trong số nợ ấy thì cũng chỉ là 12,1%. Chủ nợ lớn nhất thật đấy, nhưng chỉ cỡ một phần tư số nợ của công chúng Mỹ (46%)!

Mà khách nợ càng luống cuống thì Mỹ kim càng mất giá làm chủ nợ càng lỗ.

Ngân hàng Trung ương Mỹ thông báo hôm Thứ Ba mùng chín là sẽ giữ lãi suất gần số không hiện nay cho tới năm 2013 (sau bầu cử!) và thị trường nói đến một đợt gia tăng mức lưu hoạt có định lượng (quantitative easing) thứ ba. Cổ phiếu Mỹ bèn tăng vọt, Mỹ kim mất giá và Thiên triều mất ngủ! Vậy mà hôm sau Bắc Kinh còn thả cái phà Thi Lang để uy hiếp lân bang! Rõ khỉ.

Nếu lùi lại nhìn trên toàn cảnh, có lẽ, ta đang chứng kiến một vụ lịch sử sang trang - trong tiếng thở dài ồn ào về sự suy tàn của nước Mỹ! Đúng là chuyện Hoa-Mỹ làm ta hoa mắt....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét