Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Vì sao dối trá? - Con hổ và con ruồi

« Vừa hợp tác vừa đấu tranh » nhưng tại sao chưa kiện?

(VNTB) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khái quát mối quan hệ Việt – Trung bằng sáu chữ « Vừa hợp tác vừa đấu tranh ». Nhưng nếu giới lãnh đạo Việt Nam vẫn không kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế ngay từ bây giờ thì việc Việt Nam mất hẳn biển, đảo vào tay Trung Quốc sẽ là điều khó tránh khỏi.
Chứng cứ
Trung Quốc đã chiếm giữ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa sau trận hải chiến với Hải quân Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, và chiếm đóng một phần của Trường Sa từ năm 1988. Năm 2007, Quốc vụ viện Trung Quốc lại phê chuẩn việc lập thành phố Tam Sa, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa.
Đối với Trung Quốc, Biển Đông nói chung cũng như Hoàng Sa và Trường Sa là một vùng chiến lược quan trọng, là cổng của lục địa Trung Quốc đi ra thế giới bên ngoài. Đó còn là ngư trường phong phú và là nơi có trữ lượng dầu mỏ rất lớn. Mặt khác, 90% trao đổi hàng hóa của thế giới là trên đường biển và 60% các trao đổi này là qua Biển Đông.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại không thể chứng minh chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Bản đồ Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa.
Trong khi đó, Việt Nam lại có đầy đủ các chứng cứ lịch sử về chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Ít nhất từ 1816, dưới đời vua Gia Long, nhà Nguyễn Việt Nam đã chiếm cứ công khai và thực hiện chủ quyền một cách liên tục, hòa bình các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi chiếm Việt Nam, Pháp tiếp tục thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau này, theo Hiệp định Genève năm 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do có vĩ độ nằm phía Nam vĩ tuyến 17 vốn được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai, nên thuộc vùng tập trung của chính quyền Quốc Gia Việt Nam. Năm 1956, Việt Nam Cộng Hòa kế thừa chính quyền Bảo Đại (tức chính quyền Quốc Gia Việt Nam), tiếp tục quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.
Xuyên tạc trắng trợn
Cho tới nay Trung Quốc vẫn diễn giải bức công hàm của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi cho Chu Ân Lai năm 1958 là sự thừa nhận về chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Theo tuyên bố của Bộ ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì sự diễn giải như thế của Trung Quốc là một sự “Xuyên tạc trắng trợn trên tinh thần và ý nghĩa của bản công hàm chỉ có ý định công nhận giới hạn 12 hải lý của lãnh hải Trung Quốc”.
Về phương diện quốc tế từ năm 1958 tới 1975, Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc quyền quản lý của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên chính phủ này không có quyền hạn hành xử chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Hai quần đảo này lúc đó thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa. Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ (nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), nhìn nhận: “Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể chính trị, một chủ thể trong quan hệ quốc tế được quốc tế công nhận. Vì vậy, Việt Nam Cộng Hòa là đại diện cho đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam để quản lý và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam” (1)
Hiện nay Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ quần đảo Trường Sa, trong khi Brunei, Malaysia và Philippines mỗi nước tuyên bố chủ quyền nhiều phần. (2)
Nhiều nước tham gia tranh chấp này có quân đóng trên từng phần của quần đảo Trường Sa. Việt Nam hiện đang kiểm soát 21 đảo. Nhóm đảo này gộp vào thành huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Hiệp ước quốc phòng với Mỹ ?
Chính phủ Mỹ tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia đối với hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như an ninh hàng hải và tự do đi lại, và cho rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vượt quá những gì mà công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển Unclos cho phép. Những tuyên bố này đã làm Trung Quốc không hài lòng và chỉ trích “Chính sách can thiệp” của Mỹ. Trong thế kỷ 19, Mỹ đã tuyên bố học thuyết Monroe (Châu Mỹ của người châu Mỹ) để đẩy các cường quốc châu Âu ra khỏi Bắc Bán Cầu. Có lẽ, cũng chủ trương đó, Trung Quốc không muốn Mỹ can thiệp vào vấn đề Biển Đông, để Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc (trong quá khứ, vì cần chơi con bài Trung Quốc nhằm chống lại Liên Xô nên Mỹ đã bỏ mặc cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa).
Hiện Mỹ đang thắt chặt quan hệ đồng minh với Úc, Nhật, Hàn, Philippines. Nếu Bắc Kinh không vượt qua được áp lực của chủ nghĩa dân tộc (cực đoan) thì xung đột ở Biển Đông là khó tránh khỏi. Vấn đề là, nếu xung đột xảy ra, thì Philippines có một Hiệp ước quốc phòng với Mỹ, còn Việt Nam thì không. Việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam (tháng 10 – 2014) là nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trên biển của Việt Nam để ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc. Dù đây là một bước đột phá nhưng nó vẫn không thể giúp thay đổi cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và Việt Nam. Hải quân Trung Quốc vẫn sẽ áp đảo hải quân Việt Nam vì hạm đội của Trung Quốc được trang bị tốt hơn nhiều. Cái mà Việt Nam cần là một sự đảm bảo từ phía Mỹ rằng Mỹ sẽ giúp bảo vệ Việt Nam trong trường hợp Việt Nam bị Trung Quốc tấn công. Đây là điều Việt Nam không dễ nhận được sự đồng ý của Mỹ vì Mỹ vẫn muốn tránh đối đầu trực tiếp cới Trung Quốc do quan hệ Mỹ - Trung vẫn là mối quan hệ quan trọng hàng đầu. Vả lại, theo Mỹ, Việt Nam vẫn chưa mấy cải thiện vấn đề nhân quyền. Phải chăng vì thế mà Việt Nam cần đẩy mạnh quan hệ Việt – Nga.
Nhưng liệu Nga sẽ hết lòng với Việt Nam hay chỉ nước đôi?
« Người bạn không tử tế »
Khi xảy ra cuộc hải chiến Trường Sa năm 1988, Hải quân Liên Xô đóng ở Cam Ranh đã không hề can thiệp, dù Việt Nam và Liên Xô có ký riêng hiệp ước Liên minh Quân sự Đồng minh song phương (năm 1978), trong đó ghi rõ Liên Xô sẽ hỗ trợ Việt Nam hết mình về kinh tế, văn hóa và quốc phòng. Việc Nga liên minh với Trung Quốc sau khi bị phương Tây cấm vận (do xâm chiếm vùng Crimée của Ukraine) hứa hẹn Nga sẽ là người bạn không tử tế. Dù liên minh Nga – Trung có vẻ không bền vững, Nga khó trở thành chỗ dựa cho Việt Nam trước một Trung Quốc đang hung hăng ôm mộng bá quyền. Gấu Misha xem ra chẳng tốt gì hơn gấu Panda. Liên minh với một cường quốc khác đáng tin cậy hơn là một nhu cầu bức thiết đối với một Việt Nam đang cô đơn. Liên minh không phải để gây chiến tranh mà để làm chiến tranh không xảy ra vì Bắc kinh sẽ không dám mạo hiểm. Một thăm dò dư luận do Trung tâm nghiên cứu PEW tại Washington DC thực hiện cho biết đa số ở Việt Nam xem Trung Quốc là đe dọa số một và muốn Mỹ là đồng minh chủ yếu.
Tại sao chưa kiện?
Với chuyến thăm Việt Nam của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tháng 10-2013, một viện Khổng Tử sẽ ra đời ở Việt Nam. Đây được xem là một cách để Trung Quốc phát huy “sức mạnh mềm” (Hiện có hàng trăm viện Khổng Tử trên thế giới). Có người mỉa mai rằng chưa biết Trung Quốc sẽ phát huy “Sức mạnh mềm” ở Việt Nam như thế nào, nhưng ngư dân ở miền Trung Việt Nam thì đã biết quá rõ “Sức mạnh cứng” của các thuyền hải giám của Trung Quốc ở Biển Đông. Hàng chục tàu thuyền của ngư dân Việt Nam đã bị tàu hải giám của Trung Quốc đâm chìm giữa biển khơi. Việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan HD – 981 trong vùng biển Việt Nam với sự hỗ trợ của máy bay, tàu chiến chứng tỏ những cái đầu nóng ở Bắc Kinh không quen sử dụng sức mạnh mềm. Những áng thơ tuyệt vời của Bạch Cư Dị, Lý Bạch… làm người ta yêu Trung Quốc bao nhiêu thì chủ nghĩa bành trướng bá quyền mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đang theo đuổi lại khiến người ta ghê sợ Trung Quốc bấy nhiêu. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: “Không đánh đổi chủ quyền lãnh thổ để lấy một thứ hòa bình viễn vông, lệ thuộc”.
Trong khi chính phủ Việt Nam đang “cân nhắc kỹ lưỡng” thời điểm dùng biện pháp pháp lý để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông thì Trung Quốc hăm dọa Việt Nam “sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả do việc này gây nên”.
Nhận định về phản ứng không mấy quyết liệt của giới lãnh đạo Việt Nam trước hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, giáo sư Carl Thayer (chuyên gia về Việt Nam, từng làm việc cho Học viện Quốc phòng Australia) nói Việt Nam “Phải lên tiếng bây giờ, nếu không sẽ mất cơ hội mãi mãi. Trung Quốc muốn tăng mức độ uy hiếp cá nước ở Á Châu bằng cách trừng phạt và áp lực lên các nước này, để họ đừng lên tiếng phản đối những gì mà Trung Quốc đang làm. Nếu ngoan ngoãn im lặng thì có thể làm ăn hợp tác với Trung Quốc, nhưng đây không phải là một quan hệ bình đẳng giữa hai quốc gia ngang nhau mà phải trở về quan hệ giữa một nước lớn và chư hầu như thời phong kiến khi xưa”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khái quát mối quan hệ Việt – Trung bằng sáu chữ « Vừa hợp tác vừa đấu tranh ». Nhưng nếu giới lãnh đạo Việt Nam vẫn không kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế ngay từ bây giờ thì việc Việt Nam mất hẳn biển, đảo vào tay Trung Quốc sẽ là điều khó tránh khỏi.
     Trần Thế Kỷ
--------------------------------
(1) Theo giới nghiên cứu, bản Công hàm Phạm Văn Đồng dù sao vẫn là một điểm yếu của Việt Nam vì về nội dung, trong công hàm này không nói gì về Hoàng Sa, Trường Sa nhưng nó lại viết « ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc ». Mà bản tuyên bố này của Trung Quốc vốn cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa).

(2) Tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu quan chức cao cấp của Liên Hiệp Quốc là một trong các chuyên gia không ủng hộ cách tiếp cận Biển Đông của Việt Nam. Ông nói : « Trong Á châu ít nhất có 4 nước có lợi ích đối với Trường Sa, đó là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và một phần liên quan đến Indonesia. Ngoài lợi ích của mấy nước này còn có lợi ích của các cường quốc gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật và nhiều nước khác phải buôn bán, đưa hàng hóa qua Biển Đông. Do đó hòa bình ở khu vực là quan trọng, buộc các nước trong khu vực nếu có tranh chấp phải đặt lợi ích không chỉ của mình mà của nhiều người lên bàn cân. Cứ nêu khẩu hiệu Trường Sa là của Việt Nam thì còn gì mà nói chuyện với các nước khác ».
(Việt Nam Thời Báo)

Việt Nam không thể phát triển nếu năng suất lao động thấp

HÀ NỘI (NV) - Đó là nhận định của ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ. Theo ông Quân năng suất lao động của Việt Nam thấp là vì chính sách chứ không phải do người Việt quá tệ. 
Công nhân Việt Nam trong một nhà máy. Chế độ Hà Nội vẫn chủ trương cạnh tranh bằng việc giữ giá nhân công thấp. (Hình: TBKTSG)
Tổ chức Năng suất châu Á từng công bố một thống kê, theo đó, năng suất lao động của người Việt thấp hơn hai lần so với năng suất lao động trung bình của khu vực ASEAN. Nếu so sánh với từng quốc gia trong khối ASEAN thì sự thua kém còn xa hơn. Chẳng hạn so với Singapore, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn tới 14 lần.
Ông Quân cho biết, hiện có khoảng 40 triệu người Việt làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, mỗi năm làm ra khoảng 43 triệu tấn gạo, xuất cảng khoảng 7 triệu đến 8 triệu tấn. Trung bình, một lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ có thể làm ra khoảng một tấn gạo/năm, giá xuất cảng khoảng 400 Mỹ kim, chỉ bằng 1/1,000 so với một người làm việc tại Khu công nghệ cao Tân Trúc của Đài Loan.
Năm 2003, Khu công nghệ cao Tân Trúc của Đài Loan sử dụng 100,000 lao động nhưng khi xuất cảng, sản phẩm do họ làm ra giúp Đài Loan thu về 43 tỉ Mỹ kim. Tính ra mỗi lao động ở Khu công nghệ cao Tân Trúc làm ra được số sản phẩm trị giá hơn 400,000 Mỹ kim.
Sau khi nêu các ví dụ tương tự, ông Quân nhấn mạnh, nếu không thay đổi cơ cấu kinh tế, không nâng cao tỷ trọng của giá trị sản xuất công nghiệp trong GDP thì Việt Nam không thể tăng được năng suất lao động và không khá nổi.
Ông Quân cảnh báo, trong ba năm từ 2011 đến 2013, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chỉ khoảng 3%/ năm, trong khi GDP vẫn ở mức khoảng 5%. Nghĩa là năng suất lao động tăng chậm hơn cả tốc độ tăng GDP. Nếu không có chính sách thích hợp, năng suất lao động sẽ kéo tăng trưởng GDP xuống.
Hồi tháng 9, Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) cũng đã từng đính chính, năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương không đồng nghĩa với yếu tố người Việt kém khả năng hoặc thiếu chuyên cần.
ILO đưa ra “đính chính vừa kể sau khi chính quyền Việt Nam phản đối một báo cáo do ILO thực hiện, theo đó, năm 2013, năng suất lao động của người Singapore cao gấp 15 lần năng suất lao động của người Việt. Nếu so với người Mã Lai, năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 1/5. Còn so với người Thái thì năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 2/5.
Ông Malte Luebker, một chuyên gia cao cấp của ILO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giải thích, ILO dựa trên số lượng sản phẩm (GDP) được tạo ra trên một đơn vị, hoặc trên mỗi giờ lao động để tính toán năng suất lao động của một quốc gia. Nói cách khác, năng suất lao động của một quốc gia phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng lao động, kết hợp với các yếu tố khác như máy móc, công nghệ mà một công nhân của quốc gia đó sử dụng.
Bởi Việt Nam hiện có một số lượng lớn nhân công làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và trong khu vực kinh tế phi chính thức, nhân công không được tiếp cận với công nghệ mới hoặc hiện đại, thành ra năng suất lao động của Việt Nam thấp.
Sở dĩ năng suất lao động của Singapore cao gấp 15 lần năng suất lao động của Việt Nam vì kinh tế của Singapore dựa vào chế tạo và các dịch vụ cao cấp như tài chính và bảo hiểm.
Ông Luebker nhấn mạnh, năng suất lao động là một hàm số phản ánh cơ cấu kinh tế của một quốc gia. Muốn tăng năng suất lao động phải tăng hiệu quả của các ngành công nghiệp chính bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc và đầu tư vào đào tạo kỹ năng, đào tạo nghề.
Tuy nhiên theo ông Luebker, năng suất lao động có thể tăng nhanh, tăng nhiều nhất qua sự chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn. Thành ra cần chuyển dịch từ nông nghiệp và các dịch vụ cấp thấp sang lĩnh vực chế tạo và dịch vụ cao cấp. Muốn vậy, chính quyền phải cung cấp hạ tầng có chất lượng, cung cấp hệ thống giáo dục và phát triển kỹ năng tốt, các doanh nghiệp phải có khả năng đầu tư và nắm bắt cơ hội.
Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu càng ngày càng khốc liệt, năng suất lao động là vấn đề sống còn của một nền kinh tế. Trong khi nhiều quốc gia đã điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế và chọn việc tăng năng suất lao động là ưu tiên hàng đầu, từ đó hoạch định - thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thì Việt Nam vẫn kiên trì với “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, dồn toàn bộ nguồn lực cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
Cho đến nay, thay vì hoạch định chính sách để tăng năng lực cạnh tranh qua việc tăng năng suất lao động thì chính quyền Việt Nam vẫn chủ trương cạnh tranh bằng yếu tố lương nhân công thấp. (G.Đ)
(Người Việt)

Jonathan London - Con hổ và con ruồi

Trong một lúc mà dư luận ở Việt Nam đang quan tâm đến trường hợp của Ông Trần Văn Truyền xin chia sẻ một bài tôi có đọc sáng nay trên thời báo Financial Times, được xuất bản ngày 21/11.
Khi cảnh sát điều tra khám nhà Bắc Kinh của Xu Caihou, một trong những tướng hạng cao nhất trong quân đội Trung Quốc, họ đã tìm thấy rất nhiều tiền và đá quý — đến mức họ cần một tuần và cả 12 xe tải để chuyên chở nó đi.
Số tiền đã được xếp chồng lên nhau gọn gàng trong hộp, mỗi tên của người lính đã trả tiền hối lộ để đổi lấy quảng bá lên các chuỗi lệnh. Nhiều hộp, mỗi cái có hàng triệu nhân dân tệ, đã không bao giờ được mở ra, một người mà biết nhiều về vụ án này có nói…Các quan chức thực thi pháp luật của Trung Quốc cũng khẳng định tiền mặt trong tổng cân nặng hơn một tấn .
Tướng Xu Caihou là một trong những mục tiêu cấp cao nhất của chiến dịch chống tham nhũng, ra ​​mắt vào tháng 12 năm 2012 và đã xử lý kỷ luật hơn 74.000 người tính đến cuối tháng chín, theo trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa sẽ bẫy cả “những con hổ và ruồi” trong chiến dịch của mình, nhưng những mục tiêu đã được áp đảo chủ yếu là thuộc giống ruồi, vì những vi phạm như sử dụng xe của chính phủ sai mức đích.  Nhưng một con hổ bị mắc kẹt với một kho báu lớn là hoàn toàn hiếm hơn và khó khăn hơn cho các cơ quan chức năng để xử lý.
Vì tiền tệ của Trung Quốc đi kèm với các mệnh giá thấp – giá trị cao nhất là RMB100 , hoặc khoảng $16 đô – do đó, một tài sản lớn như này là thực sự nặng một tấn , theo tính toán của Guokr.com một trang web về khoa học và công nghệ .
Nhưng ‘tích trữ’ của Tướng Xu này chưa phải là lớn nhất. Trong tháng năm vừa rồi, các nhà điều tra bắt giữ Wei Pengyuan , Phó trưởng ban than cơ quan năng lượng quốc gia. Phải dùng 16 máy đếm để đếm hơn Rmb200 triệu mà ông đã cất trong nhà của mình, theo Tân Hoa Xã. Bốn trong số các máy đếm cháy ra do khối lượng công việc .
Một vụ án các là Ma Chaoquin, cựu tổng giám đốc của một công ty nước (công ty nhà nước) ở tỉnh Hà Bắc, mà đã giữ hơn Rmb100m bằng tiền mặt và 37kg vàng trong căn hộ của mình. Đến lúc Ông bị bắt đã tích lũy cả 68 nhà, Tân Hoa xã cho biết . Ông Ma là người phụ trách cung cấp nước tại Beidahe, khu nghỉ mát bên bờ biển ưa chuộng bởi các quan chức đảng cao cấp nhất từ trước đến nay.
Tướng Xu, người phụ trách về nhân sự trong Quân đội Giải phóng Nhân dân, đã chia một phần tiền của mình với người giúp việc và người lái xe của mình. Theo thông tin được biết, người giúp việc này đã sử dụng một phần tiền để xây nhà riêng … mà trong các bức tường của mình đã phát hiện những hộp tiền mặt bất hợp pháp.
Về Việt Nam, liệu trường hợp của Ông Trần Văn Truyền sẽ được xem là một sự kiến lớn trong quá trình chống tham nhũng còn quá sớm. Cùng tuần, tờ báo Financial Times đăng bài về Ông William Đudley, Tổng đốc của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tại New York. Dù ông là chính khách và (đến nay) chưa được thấy đã vi phạm luật nào thì chuyện của Ông cũng làm cho mình nghĩ đến tham nhũng chứ.
Trong một cuộc phiên điều trần, Ông bị tố cáo là quá thân thiết với Goldman Sách, ngân hàng mà chính ông đã quản lý trước đây và những ngân hàng không lổ khác, như JP Morgan, Credit Suisse v.v. Trong một trường hợp cụ thể, JPMorgan mất cả 8 tỷ đô mà chẳng có ai đi tù cũng như chẳng có ai đi tù sau những “con hổ tài chính” của Hoa Kỳ gây thiệt hại cho cả nước Mỹ lẫn thế giới. Con hổ và con ruồi? Nước nào đều có.
Jonathan London
(Blog Xin Lỗi Ông)

Nguyễn Thị Từ Huy - Vì sao dối trá ?

Trước những vấn nạn của đất nước, của dân tộc ngày hôm nay, những người Việt Nam nào còn một chút lương tri, còn có trách nhiệm và còn suy nghĩ đều tự đặt câu hỏi: « vì sao chúng ta đến nông nỗi này ? ». Và đã có không ít người đi tìm nguyên nhân trong căn tính của dân tộc.
Thế nhưng, nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của Phương Tây mà tôi từng có dịp tiếp xúc, trò chuyện và trao đổi, nói với tôi, với những cách diễn đạt có thể khác nhau, nhưng ý tưởng đều rất thống nhất : Đừng tìm nguyên nhân trong truyền thống dân tộc của các bạn. Vấn nạn của các bạn hiện nay đến từ một mô hình chính trị mà các bạn đã nhập khẩu hoàn toàn từ Phương Tây.
mnDĩ nhiên, mô hình nhập khẩu đó chính là chủ nghĩa cộng sản.
Theo tôi, điều này rất đáng để chúng ta cùng nhau suy nghĩ một cách thấu đáo.
Ở đây, tôi đưa ra một vấn nạn thôi : sự dối trá.
Chúng ta không phủ nhận được một thực tế là dối trá đang trở thành một hiện tượng phổ biến trong toàn xã hội. Ta có thể tìm thấy sự nhận xét đồng thuận về thực tế này trên báo chí cả lề phải và lề trái, hay lề đảng và lề dân, muốn gọi cách nào thì tùy.
Vậy dối trá có phải là truyền thống của người Việt Nam không, có bắt nguồn từ truyền thống của chúng ta không ? Câu trả lời của tôi là : KHÔNG !
Chúng ta hãy đọc câu này :
« … cách mạng cộng sản luôn luôn là một sự tình cờ có tính lịch sử và một sự lừa dối vĩ đại (tôi nhấn mạnh - NTTH). Theo một nghĩa nào đó thì lí do như sau: không có cuộc cách mạng nào lại đòi hỏi những hoàn cảnh đặc biệt đến như thế và cũng không có cuộc cách mạng nào hứa nhiều như thế mà lại làm ít đến như thế.
Thói mị dân, những lời nói quanh co, không nhất quán là đặc trưng của các lãnh tụ cộng sản, nhất là khi họ buộc phải hứa hẹn một xã hội siêu lí tưởng và “thủ tiêu tất cả áp bức, bóc lột”."
Người viết đoạn văn này là một lãnh tụ cộng sản cao cấp, đã phải vào tù vì chống lại chính chủ nghĩa cộng sản, vì đã sớm nhận thức được tính phi nhân và sự sụp đổ tất yếu của mô hình cộng sản chủ nghĩa. Đó là Milovan Djilas, cựu phó tổng thống Nam Tư, mà tôi từng nhắc đến vài lần.
Tôi dùng trích dẫn này để chúng ta thấy rằng chính những người cộng sản nói về chủ nghĩa cộng sản như vậy, chính những người cộng sản đã nhìn ra rằng chủ nghĩa cộng sản và sự dối trá là một ; và để chúng ta thấy rằng dối trá là hiện tượng thuộc về bản chất của các xã hội cộng sản trên toàn thế giới. Sự dối trá ấy hoàn toàn không liên quan gì đến truyền thống dân tộc của chúng ta. Trái lại sự dối trá nhập khẩu này đang làm biến dạng tính cách dân tộc của chúng ta. Chúng ta cần cứu lấy dân tộc tính và truyền thống của mình, trước khi quá muộn.
Nếu theo dõi các phân tích mà Djilas tiến hành trong cuốn « Giai cấp mới » ( mà tôi khuyến nghị là chúng ta nên đọc, đặc biệt là Hội đồng Lý luận Trung Ương và những người làm khoa học xã hội ở Việt Nam nên đọc, để hiểu thực chất của xã hội chúng ta) thì ta sẽ không ngạc nhiên trước những biểu hiện « lừa dối vĩ đại » (tôi dùng lại chữ của Djilas) của các lãnh đạo cao cấp.
Dối trá trở thành nguyên lý vận hành của toàn xã hội. Các lãnh đạo, dĩ nhiên, theo phân tích của Djilas, không còn cảm thấy xấu hổ khi nói dối. Lâu dần, không chỉ có các lãnh đạo, mà đến người dân bình thường cũng bị lôi vào và thích ứng với sự dối trá. Các quan hệ xã hội được xây dựng trên sự dối trá. Thậm chí các hiện tượng xã hội cũng được xây dựng trên nguyên lý dối trá này. Các khái niệm không cần phải trùng hợp với nội dung thực tế, nhưng điều đáng nói là tất cả mọi người đều thấy chuyện đó là bình thường. Mỗi người đều thấy việc người khác nói dối là bình thường, việc mình nói dối cũng là bình thường, việc tất cả tham gia vào tấn kịch dối trá của toàn xã hội cũng là bình thường.
Một trong những cách thức để bình thường hóa cái nguyên lý dối trá này là người ta cấp cho mọi sự dối trá cái nhãn hiệu : « kiểu Việt Nam ». Ví dụ nhan nhản, ai cũng có thể cung cấp ngay lập tức. Ở đây tôi chỉ lấy một sự việc : Quốc hội kiểu Việt Nam. Quốc hội có đấy, nhưng không phải do dân chọn (đảng đâu có giấu diếm việc « đảng cử dân bầu »), không làm việc vì lợi ích của dân, cũng không làm việc vì lợi ích của đất nước (hẳn chưa ai quên được rằng trong những ngày dàn khoan Trung Quốc cắm sâu vào lòng mẹ Biển Đông của chúng ta thì Quốc hội Việt Nam không ra nổi một nghị quyết về Biển Đông, họ nhường việc đó cho Quốc hội Mỹ). Rồi bây giờ Quốc hội lại chuyển sang họp kín !!! Vậy thì còn lý do gì cho sự tồn tại của Quốc hội ? Trên thực tế chỉ có cái xác chữ « Quốc hội » tồn tại, cái xác chữ đó không có nội dung. Hàng mấy trăm « đại biểu » ấy không làm nên một Quốc hội thực sự, họ cũng chẳng cần quan tâm xem thế nào là một quốc hội thực sự. Một sự dối trá như vậy được hầu như toàn xã hội chấp nhận một cách bình thường.
Sự dối trá mà chúng ta đang phải chịu đựng hiện nay chính là bản chất của mô hình chính trị mà chúng ta nhập khẩu từ Phương Tây : mô hình chính trị độc đảng cộng sản chủ nghĩa. Mô hình này đã bị chính phương Tây loại bỏ sau khi đã chứng kiến bao nhiêu tội ác, bao nhiêu sự trì trệ, đình đốn và phản tiến bộ do nó gây ra.
Nếu không quyết liệt chống lại sự dối trá đang trở thành phổ biến hiện nay, chúng ta sẽ đánh mất dân tộc tính, đánh mất bản sắc, đánh mất truyền thống, và mất nhiều thứ khác nữa. Và muốn chống lại sự dối trá trên phạm vi toàn xã hội, thì mỗi cá nhân phải có khả năng chống lại sự dối trá đã dần dần định hình trong tính cách của mình.
Chúng ta có làm được điều đó không ?
Paris, 23/11/2014
Nguyễn Thị Từ Huy
(Blog RFA)

Hãy đến cơ quan và... thiền

Thiền đã được khoa học chứng minh có tác dụng giảm stress và củng cố năng lượng
Bạn có đọc nghiên cứu mới nhất về thiền định chưa? Có lẽ là chưa. Bởi vì ngay khi bạn đọc những dòng này thì đã có công trình nghiên cứu mới được công bố. Luôn luôn lúc nào cũng có các nghiên cứu mới và tin tức về lợi ích của việc thiền định và các cách quán niệm hơi thở.
Theo kết quả các công trình nghiên cứu này, việc thiền định giúp củng cố năng lượng, giúp tập trung, giảm căng thẳng và lo lắng, tăng khả năng thích nghi với sức ép của cuộc sống và giúp cải thiện cuộc sống và bộ não của chúng ta.

Không có thời gian?

Đương nhiên, không phải ai cũng tin vào sức mạnh của sự thiền định. Nhưng một khi đã thay đổi suy nghĩ thì rào cản lớn là làm sao dành thời gian cho thiền định trong thời khóa biểu của chúng ta. Chỉ cần cái ý nghĩ phải nhét một thứ nữa vào quỹ thời gian của mình cũng khiến chúng ta căng thẳng.
Đây là đề xuất mang tính cách mạng: hãy bắt đầu thiền định trong công việc. Vâng, công việc. Văn phòng. Tối mắt tối mũi, đầy áp lực – một môi trường khó mà thiền định được.
Người ta phát hiện ra rằng nơi làm việc thật ra là nơi lý tưởng để hành thiền bởi vì những đặc điểm kể trên. Trong phim The Razor’s Edge mà diễn viên Bill Murry đóng vai đi tìm ý nghĩa cuộc sống, có một lời thoại rằng: “Lên đỉnh núi tu hành dễ thành đạo hơn”. Do đó, hành thiền ở nơi làm việc khó hơn nhưng bạn sẽ thấy lợi ích nhiều hơn.
Không chỉ vì công việc là một trong những nguyên nhân chính khiến bạn căng thẳng mà nó còn là nạn nhân của sự căng thẳng đó. Một nhân viên bị stress và tâm trạng không vui sẽ không làm việc hiệu quả.
Bạn có thể cân bằng lại mặt trái của nơi làm việc và thậm chí có thể khiến cho nơi làm việc trở nên bình yên, sáng tạo nơi mọi người làm việc chăm chỉ bằng tác động của việc hành thiền.
Công việc của bạn có quá áp lực?
Ngoài ra, nếu bạn khó có thời gian mà thiền định ở nhà nếu bạn có gia đình và con cái và chỉ có vài giờ đồng hồ để dành cho gia đình hay những sở thích khác thì giải pháp là hành thiền ở nơi làm việc - nơi chiếm hết năm ngày trong tuần của bạn và là nơi mà bạn cần thiền nhất.
Bạn không cần dành nhiều thời gian lắm đâu – chỉ cần 10 cho đến 15’ mỗi ngày đã là nhiều – và chậm chí chỉ một vài phút cũng là có ích. Điều then chốt là bạn phải thật sự tận tâm nếu không thì sẽ không hiệu quả.

Yêu cầu khác thường

Khi tôi còn sống ở San Francisco nơi tôi ở cách không xa lắm một Trung tâm Thiền rất nổi tiếng. Tôi đã thức dậy mỗi buổi sáng để ngồi thiền trước khi mặt trời mọc. Cách hành thiền này tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nhà Phật đến nỗi bước chân nào khi đi vào phòng cũng phải đúng.
Tôi rất thích hành thiền kiểu này và nhớ nó nhưng không bao giờ thực hành lại bởi vì rất khó để tôi tự mình thực hành.
Do đó thách đố đối với tôi là làm sao quay trở lại cách thực hành này mà không quá nặng nề khó khăn hay ảnh hưởng đến các công việc ưu tiên khác.
Nơi làm việc có thể là một nơi rất thích hợp để hành thiền
Người đầu tiên mà tôi chia sẻ ý định sẽ bắt đầu hành thiền nơi làm việc là người quản lý văn phòng.
“Đây có thể là một yêu cầu khác thường,” tôi viết trong email gửi ông ấy, “Nhưng tôi cần sự giúp đỡ của ông. Tôi cần một căn phòng không có kính 15’ mỗi ngày để ngồi thiền.”
Rất chuyên nghiệp nhưng có lẽ hơi bối rối, người quản lý đã dắt tôi đi xem một số phòng và phòng họp có kính nhìn xuyên thấu. Cuối cùng tôi chọn một căn phòng ít khi sử dụng. Đó là một lựa chọn hoàn hảo: nhỏ, yên tĩnh, hai chiếc ghế và không có điện thoại.
Mỗi ngày tôi đăng ký dùng căn phòng này trong 30’ mặc dù tôi không bao giờ dùng hết thời gian đó.
Đôi khi tôi đến muộn một tí. Tôi luôn luôn xong việc sớm. Đôi khi tôi phải hoãn lại một lúc. Nhưng nếu tôi có thể làm được thì tôi không bỏ lỡ. Dù tôi làm gì thì tôi cũng có thể hoãn lại 10, 15 phút mà không có ảnh hưởng gì nghiêm trọng. Trường hợp của các bạn cũng giống như thế trừ phi bạn là bác sỹ cấp cứu hay đang trông trẻ.

Nhiều sách hướng dẫn

Ngay cả khi tôi cảm thấy căng thẳng về việc gì đó mà tôi cần phải làm xong ngay lập tức, tôi luôn cảm thấy tinh thần tốt hơn sau khi quán niệm hơi thở.
Bây giờ hãy hành thiền. Hãy làm một cách đơn giản và dễ dàng. Ông Chade-Meng Tan, người dạy phép tập trung ở Google, đề nghị rằng chúng ta chỉ nên đặt mục tiêu ‘một lần quán niệm hơi thở’ mỗi ngày. Lý do ở đây là chỉ cần thực hành một ít thôi cũng tạo nên sự khác biệt.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết nhiều sách hướng dẫn Thiền
Dù là bạn chưa bao giờ hành thiền là bạn cần ôn luyện lại hay chỉ mới bắt đầu thì không bao giờ thiếu sách, các bài viết và video cho bạn tham khảo. Hãy bắt đầu tập từ đó. Tôi đã hành thiền trở lại bằng cách làm theo các sách sau:
Tìm về trong Thân (Search Inside Yourself) – tác giả: Chade-Meng Tan. Trong cuốn sách về sự tỉnh thức và an lạc này, Meng đã hướng dẫn các kỹ thuật thiền mà ông đã dạy ở Google từ cơ bản cho đến kỹ thuật bậc cao đòi hỏi bạn phải hình dung mình như là một lực cứu độ.
Ngừng nghỉ, Thở, và Suy nghĩ (Stop, Breathe and Think): tiện ích của Apple này ngày càng có nhiều bài tập thiền. Tất cả đầu bắt đầu giống nhau và lặp đi lặp lại trong khi giọng người dẫn thật êm ái khiến người ta buồn ngủ. Tuy nhiên cách hành thiền có hướng dẫn này có ích cho những người mới bắt đầu và tiện ích có thể theo dõi tiến bộ của bạn.
Phép lạ của Sự tỉnh thức (The Miracle of Mindfulness)– tác giả: Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Vị thiền sư nổi danh này đã viết nhiều sách nhưng tác phẩm kinh điển này có một chương tất cả về các phép thiền trong đó có những phép thiền kéo dài đến 10 hơi thở.
Thiền Trong Khoảnh khắc (One Moment Meditation)– tác giả: Martin Boroson. Quyển sách này bắt đầu với tiền đề rằng tất cả những gì mà bạn cần là một phút và sẽ giúp bạn sử dụng tối ưu một phút đó và áp dụng nó cho bất kỳ nơi đâu.
Bản gốc tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Capital.

Vì sao dầu hỏa mất giá?

Tờ báo thiên tả Libération hôm nay tìm hiểu vì sao giá dầu hỏa lại giảm 30% kể từ mùa hè năm 2014 và tìm cách giải thích nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này trong một hồ sơ dài, qua hàng tựa trên trang 2 : « Vì sao vàng đen không còn đáng giá hơn vàng ».
Xã luận Libération cho rằng, giá dầu hỏa giảm không phải là một tin tốt lành. Đó chính là triệu chứng của một hoạt động kinh tế đang trì trệ và nó lại không khuyến khích người tiêu dùng tiêu thụ dầu hỏa ít lại, một thói quen mà ta phải tập nếu chúng ta còn nghĩ về tương lai hậu thế.
media
Giá dầu thô giảm tác động mạnh đến các nước xuất khẩu - AFP
Vàng đen hạ giá cũng không kích thích các chính phủ đầu tư để tìm kiếm các nguồn năng lượng rẻ hơn và tôn trọng môi trường hơn. Hơn nữa, dầu thô giảm nhưng cũng không làm cho giá xăng tại các trạm bán lẻ giảm, do thuế vẫn còn cao.
Theo Libération, nguyên nhân của hiện tượng trên bắt nguồn từ khủng hoảng kinh tế, địa chính trị…, đồng thời cũng gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho một số quốc gia như Nga, vốn gặp khá nhiều khó khăn do bị phương Tây trừng phạt, hay Venezuela đang rơi vào suy thoái. Cũng chính vì dầu hỏa mà Libya rơi vào nội chiến.
Trước tiên, về nguyên nhân khủng hoảng kinh tế, Libération giải thích rằng, cũng giống mọi thị trường khác, thị trường dầu hỏa cũng tuân theo quy luật cung-cầu. Sự ham muốn dầu hỏa của Trung Quốc giảm. Các quốc gia mới trỗi dậy khác cũng đang chìm trong khó khăn kinh tế, như Brazil trước bờ vực suy thoái, Nga chìm trong khủng hoảng…
Libération đặt câu hỏi : vậy từ tháng Mười năm nay, quốc gia nào sản xuất dầu hỏa nhiều nhất ? câu trả lời là Hoa Kỳ đã soán ngôi của cả Ả Rập Xê út lẫn Nga. Với danh nghĩa tự chủ về năng lượng, Hoa kỳ đã sản xuất dầu hỏa từ đá phiến nhiều đến mức giờ đây có thể xuất khẩu.
Tờ báo quan ngại, dầu hỏa rẻ thì môi trường sinh thái sẽ bị lãng quên. Con người vẫn tiếp tục tiêu thụ loại năng lượng thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Quá trình chuyển đổi sang dùng các loại năng lượng tái tạo cũng sẽ gặp trở ngại.
Ông Thierry Salomon, phó chủ tịch hiệp hội négaWatt báo động : « dầu hỏa rẻ là một thiên tai. Đó là một tác nhân làm chậm trễ quá trình bảo vệ môi trường trong khi điều cấp bách hiện nay là không thải khí carbon vào môi trường nữa ». Tuy giới khoa học vẫn liên tục báo động về tình hình trái đất nóng lên, nhưng con người vẫn giả điếc làm ngơ, hơn nữa, dầu hỏa giảm thì việc gì con người phải mất công đầu tư tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo khác nhằm thay thế dầu hỏa. 
Phe Cộng hòa đối mặt với « bẫy nhập cư » của Obama
Nhìn sang Hoa Kỳ, cả ba tờ báo Paris đều quan tâm đến việc Tổng thống Obama quyết định hợp pháp hóa gần 5 triệu dân nhập cư trái phép. Nhật báo Le Figaro có bài viết : « Phe Cộng hòa đối mặt với quyết định nhập cư của ông Obama » mà phe Cộng hòa cho là một cái bẫy.
Phần đông chỉ trích nhắm vào ông Obama là vì Tổng thống Mỹ đã đưa ra sắc lệnh mà không thông qua ý kiến của Quốc hội, vốn không tán thành việc hợp pháp hóa thành phần nhập cư trái phép. John Boehner, dân biểu Cộng hòa phẫn nộ : « Tổng thống luôn nói rằng mình không phải vua hay hoàng đế, nhưng trong trường hợp này quả là trái với những gì ông nói ».
Charlie Dent, dân biểu bang Pennsylvania cảnh báo : « Đừng nên rơi vào bẫy mà tổng thống đang giăng ra. Ông ta muốn cho chúng ta công kích và phản ứng một cách tức tối, làm cho ai nấy đều nghĩ chúng ta sẵn sàng gây nên một cuộc khủng hoảng mới về ngân sách ».
Le Figaro nhận định, chỉ còn 14 tháng nữa là đến kỳ bầu cử bên phía đảng Cộng hòa để chọn ra ứng cử viên tranh cử tổng thống, đề tài đầy gai góc về nhập cư có thể sẽ xác định được tính cách của đối thủ của bà Hillary Clinton.
Trung Quốc tung “kế hoạch Marshall”
Liên quan đến Châu Á, tuần san Le Courrier international quan tâm đến Trung Quốc qua bài viết: “Trung Quốc tung ra kế hoạch Marshall” đượcdịch từ tờ The Wall Street Journal. Tờ báo cho biết, thông qua Thượng đỉnh Apec đã được tổ chức thành công tại Trung Quốc, Bắc Kinh đã bỏ thái độ tương đối nhún nhường trước đây trên trường quốc tế và từ nay, Bắc Kinh quyết định lột xác vượt mặt Hoa Kỳ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Tờ báo cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình dự định thiết lập khu vực tự do mậu dịch Châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn cả dự án hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ. Bắc Kinh còn tính lập hai ngân hàng phát triển mới trong khu vực cùng với một quỹ lên đến 40 tỷ đô la, được đặt tên là “Con đường tơ lụa”, nhằm xây dựng hải cảng, đường xá và nối liền các khu vực. Một số khác gọi dự án trên là “dự án Marshall Trung Quốc”.
Ý tưởng đưa ra một dự án hỗ trợ người dân nhằm kích thích tiêu dùng nội địa không hề mới: kinh tế gia Từ Sơn Đại (Xu Shanda) đã từ gợi ý dự án này vào năm 2009. Thoạt nhìn thì dựa án Marshall của Trung Quốc cũng dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi như Mỹ đã từng tung ra sau Đệ Nhị Thế chiến.
Câu hỏi thực sự đặt ra là liệu các quốc gia Châu Á có tán thành với việc đổi ngôi hay không, tức là từ nay, thế lực thương mại sẽ chuyển từ tay Mỹ sang Trung Quốc. Bài báo cho rằng chắc hẳn nhiều nước sẽ ngã vào lòng Trung Quốc, mặc dù không phải Trung Quốc không đòi hỏi điều kiện ngược lại. Giống như dưới thời chiến tranh lạnh, một số nước sẽ quyết định đứng giữa để làm “ngư ông đắc lợi”.
Bài báo nhận định, một ngày không xa, Trung Quốc sẽ buộc các nước láng giềng phải chọn lựa đứng về phe nào. Các quốc gia Đông Nam Á quan ngại về “một mô hình mới trong các mối quan hệ với các đại cường”. Họ đoán trước Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi khu vực Đông Á vào tay Trung Quốc.
“Mô hình mới này” làm cho nhiều người nghĩ rằng, Trung Quốc tìm cách tái lập hệ thống đế chế mà nước nhỏ phải cống nạp cho nước lớn. Theo đó, nhiều quốc gia Châu Á phải có bổn phận với đế vương để đổi lại quyền lợi thương mại.
Cựu Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã từng nói bóng gió vào năm 2012 khi ông mỉa mai các “nước nhỏ” Đông Nam Á phản đối việc Trung Quốc đòi chủ quyền tại biển Đông. Một minh chứng khác là các lãnh đạo Cam Bốt đã nhận thấy rằng, chấp nhận sự trợ giúp của Trung Quốc đồng nghĩa với việc phải tuân lệnh Bắc Kinh trên các diễn đàn quốc tế.
Tờ báo đặt câu hỏi: liệu Trung Quốc sẽ thắng trong ván cá cược này? Luôn tin rằng, sự phát triển và lợi nhuận là yếu tố chủ chốt trong các mối quan hệ quốc tế, lãnh đạo Trung Quốc quả quyết rằng Hoa Kỳ sẽ sớm bị cô lập trong khu vực. Các quốc gia cần phải đề phòng một quốc gia độc tài như Trung Quốc luôn tham vọng tìm lại vinh quang trong quá khứ. Tổng thống Obama có thể nắm lấy cơ hội này để lấy lại tầm ảnh hưởng ở Châu Á, nếu ông vẫn luôn kiên định tiến hành chiến lưọc “xoay trục sang Châu Á”, một hứa hẹn trung tâm trong chiến dịch của ông.
Thomas Piketty, kinh tế gia Pháp chinh phục thế giới
Đến với tuần san Le Nouvel Observateur, bạn đọc được biết kinh tế gia Pháp Thomas Piketty với thành công lẫy lừng của cuốn sách mà ông vừa cho xuất bản: “Tư bản ở thế kỷ XXI”. Tạp chí dành nhiều tranh phân tích làm cách nào, vị giáo sư tại trường đại học danh tiếng Pháp Science-Po đã chinh phục được cả thế giới.
Tạp chí đăng ảnh giáo sư Piketty cùng vợ trong một giảng đường của đại học nổi tiếng Thanh Hoa tại Bắc Kinh. Tại Thượng Hải cũng như tại Bắc Kinh vào giữa tháng 11, các giảng đường đại học danh tiếng đều không thể chứa hết lượng thính giả đến nghe kinh tế gia Pháp giảng. Tại Trung Quốc, ai cũng gọi ông là “Marx của thế kỷ XXI”. Một khán giả trong hội trường giành lấy micro và hô to: “Giáo sư, sách của ngài đáng giá giải Nobel!” trong tràng pháo tay giòn giã.
Chỉ trong vòng 2 tháng, 100 000 cuốn đã được bán sạch. Nhà xuất bản Citic Press cho biết, sách của ông được in y như nguyên tác, không hề cắt bỏ hoặc kiểm duyệt đoạn nào. Trong khi một số đồng nghiệp ông Piketty ca ngợi công trình làm việc của ông, một số khác lại tỏ ra khá khắt khe với ông. André Orléan trách ông Piketty đã có một cách tiếp cận khá chung chung và Philippe Aghion, giáo sư tại đại học Havard và Collège de France cho rằng, ông Piketty không am hiểu về sự thay đổi của xã hội và nhiều câu hỏi đặt ra về tính thích đáng của lý thuyết mà ông Piketty đưa ra. 
Khi các công ty Pháp bỏ xứ ra đi
Trên hồ sơ kinh tế, tuần san L’Express bình luận về hiện tượng ngày càng nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn của Pháp xuất ngoại và các công ty Pháp dời xưởng đi nơi khác, tìm đến những miền đất hứa, dễ làm ăn hơn, không chỉ vì hệ quả của sự toàn cầu hóa mà còn vì tại nơi đó, họ ít chịu áp lực thuế, thủ tục hành chính bớt nhiêu khê hơn.
Theo một chuyên gia, lãnh đạo của 40% các công ty trong nhóm 40 doanh nghiệp lớn hàng đầu của Pháp (CAC 40) sống tại nước ngoài. Không hẳn là lãnh đạo số một công ty mà trong số đó, có cả các cán bộ cấp cao, thành viên của ủy ban điều hành hay ban giám đốc.
Rất ít công ty dám nêu nguyên nhân đi khỏi Pháp là vì áp lực thuế khóa vì sợ động chạm đến giới chính trị và bị trã đũa qua các thủ tục hành chính. Tạp chí kết luận, chẳng có cách nào chấm dứt được tình hình này nhưng vẫn còn thời gian đưa ra các biện pháp nhằm làm chậm lại hiện tượng trên.
Tình sử Hollande-Gayet
Báo chí Pháp hôm nay trở lại với tình sử của Tổng thống Pháp Hollande-Gayet và về câu hỏi được đặt ra vào hôm qua : “ai đã chụp những tấm ảnh được đăng trên tờ báo bình dân Voici?”. Nhật báo Le Figaro đăng bài: “Bức ảnh bị đánh cắp: câu hỏi đặt ra về an toàn của Tổng thống”.
Số là có một tấm ảnh được chụp tổng thống và người tình trong vườn của điện Elysée được đăng trên tờ Voici. Ai nấy bàn tán sôi nổi về chủ đề này, duy chỉ có người trong cuộc dường như có vẻ không quan tâm mấy. Nhật báo Le Parisien trích lời của Tổng thống Hollande.
Ông cho là, thủ phạm chụp bức ảnh không phải là tay chuyên nghiệp mà là người của điện Elysée hoặc là một khách thăm quan qua đường, hẳn là chụp từ tầng một nên có cái nhìn xuống vườn. Tờ báo mỉa mai, khách tham quan mà đôi uyên ương Hollande-Gayat đều không phát hiện ra sao ? quả là khi yêu người ta trở nên mù quáng, tờ báo châm chọc. Tờ Figaro thì không loại trừ khả năng có một chiếc máy bay không người lái do thám nên chụp được tấm ảnh trên.
Trang nhất các nhật báo Paris ra ngày cuối tuần (22/11/2014) lưu ý đến những đề tài khá phong phú. Nhật báo Le Monde chạy tựa : « Obama muốn hợp pháp hóa hơn 3 triệu cư dân bất hợp pháp ». Nhật báo thiên hữu Le Figaro nhận định : « Bầu tổng thống 2017 : cả cử tri cánh tả cũng không muốn Hollande nữa ».
Lê Vy
(RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét