Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Đèo Hải Vân – Vịnh Đà Nẵng qua lời triên tri của vua Trần Nhân Tông

Hà Văn Thịnh: Đèo Hải Vân – Vịnh Đà Nẵng qua lời triên tri của vua Trần Nhân Tông

Một khi đã đặt được chân lên đỉnh Hải Vân thì con đường đi tới, đi hết chiều dài đất nước chỉ còn là vấn đề thời gian.
Một khi đã đặt được chân lên đỉnh Hải Vân thì con đường đi tới, đi hết chiều dài đất nước chỉ còn là vấn đề thời gian.

Trần Nhân Tông không nói nên không ai biết cơ duyên nào cho ông tiên tri chính xác rằng một khi đã đặt được chân lên đèo Hải Vân thì con đường đi tới, đi hết chiều dài đất nước chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.
Việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đang cho các công ty Trung Quốc thuê hàng trăm ha đất ở Cửa Khẻm – mũi đất dài nhất của đèo Hải Vân, giống như cái yết hầu chắn ngang giữa Vịnh Đà Nẵng đang làm dậy sóng dư luận.
Những âu lo của hàng triệu người hoàn toàn có lý: Mới đây, Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN đã khẳng định rằng Bộ Quốc phòng sẽ phản đối “dự án TQ trên núi Hải Vân” (Motthegioi, 19:52, 19.11.2014)!
Trong lịch sử hàng ngàn năm Nam tiến, dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Đèo Hải Vân nói riêng, toàn bộ khu vực Vịnh Đà Nẵng nói chung, có một vị trí chiến lược đặc biệt.
du an khu nghi duong tren deo hai van hinh anh
Dự án khu nghỉ dưỡng quốc tế tại Cửa Khẻm (vùng khoanh đỏ) của đèo Hải Vân
Người đầu tiên có cái nhìn mẫn tiệp về vị trí xung yếu của Đèo Hải Vân là vị Cựu Hoàng anh minh Trần Nhân Tông. Là vị vua đã hai lần lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng giặc Nguyên Mông (1285 và 1288) nên Trần Nhân Tông hiểu rất rõ đòi hỏi về an ninh của vùng phên dậu phía Nam:
Chẳng phải một lần giặc ngoại xâm mượn đường qua Chăm Pa để tấn công nước ta từ phía Nam. Biết, nhưng khi đương là vua, Trần Nhân Tông không làm được vì nhiều lý do khác nhau. Chỉ sau khi rời bỏ ngai vàng, lên Yên Tử thành lập Thiền phái Trúc Lâm, Trần Nhân Tông mới có điều kiện để đi đây, đi đó – trong đó, chuyến du hành quảng bá Phật pháp bằng con đường Nam tiến đầu thế kỷ XIV, đã cho Phật Hoàng Trần Nhân Tông có cái nhìn đầy đủ hơn. Và thế là, một cuộc hôn nhân vô tiền khoáng hậu giữa hai nước Việt – Chăm đã đi đến một kết quả lịch sử, mang đến thay đổi có ý nghĩa quyết định đối với lịch sử dân tộc. Năm 1306, Công chúa Huyền Trân vào làm dâu Xứ Chăm, còn lãnh thổ Việt Nam được mở rộng thêm dải đất từ Quảng Bình đến Bắc Quảng Nam, tức là toàn bộ Đèo Hải Vân và thành phố Đà Nẵng bây giờ.
Có thể nói, Trần Nhân Tông đã đến Đèo Hải Vân và, từ đỉnh đèo, ông đã Thấy cả Mũi Cà Mau xanh vời vợi/ Nước mắt thương con gái lăn vòng cùng khát khao mở cõi/ Tiên tri số phận Lạc Hồng... Trần Nhân Tông không nói nên không ai biết cơ duyên nào cho ông tiên tri chính xác rằng một khi đã đặt được chân lên đỉnh Hải Vân thì con đường đi tới, đi hết chiều dài đất nước chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.
532 năm sau, ngày 30.8 năm 1858, đế quốc Pháp từ phương Tây xa xôi đã ‘chọn’ Vịnh Đà Nẵng làm nơi mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Những tính toán quân sự đan xen với mưu đồ chính trị chỉ ra rằng nếu chiếm được Đà Nẵng thì cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp sẽ diễn ra thuận lợi hơn vì lãnh thổ Việt Nam bị cắt ra làm hai và, từ Đà Nẵng ra kinh thành Huế chỉ hơn 100km.
107 năm sau khi người Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, ngày 8.3.1965, đế quốc Hoa Kỳ, một lần nữa lại ‘chọn’ Đà Nẵng để mở đầu chiến lược chiến tranh cục bộ (Local War): Ngày hôm đó, đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng, chính thức tiến hành cuộc xâm lược của quân đội Mỹ đối với đất nước ta.
Thời đại đổi thay, kẻ thù cũng đổi thay nhưng vị trí chiến lược xung yếu ngàn đời của Đèo Hải Vân, Vịnh Đà Nẵng thì không bao giờ thay đổi. Đó là khẳng định rõ ràng từ lịch sử mà không một ai có thể làm ngơ! 
Nếu bây giờ nói rằng có một cái gì đó rất chung trong cách nhìn về Đèo Hải Vân, Vịnh Đà Nẵng của Trần Nhân Tông cùng với các tướng lĩnh hàng đầu của nước Pháp, nước Mỹ thì sẽ bị coi là khiên cưỡng. Thế nhưng, phải khẳng định dứt khoát rằng không có chuyện ngẫu nhiên khi cả người Pháp và người Mỹ đều đã chọn nơi đây làm nơi bắt đầu những cuộc chiến tranh đầy tham vọng và toan tính.
Thời đại đổi thay, kẻ thù cũng đổi thay nhưng vị trí chiến lược xung yếu ngàn đời của Đèo Hải Vân, Vịnh Đà Nẵng thì không bao giờ thay đổi. Đó là khẳng định rõ ràng từ lịch sử mà không một ai có thể làm ngơ! Lẽ nào không thấy cái sự thật hiển nhiên đó khi tiền nhân biết rõ, kẻ thù nắm vững và, lịch sử thì minh định rõ ràng?...
Không thể đặt vận mệnh đất nước, nỗi lo có thật của giống nòi trước sự đã rồi. Dù có tốn kém, có phải bồi thường một số tiền không hề nhỏ cho đối tác thì cũng dứt khoát phải chấp nhận bởi sự sống còn của đất nước là chuyện không bao giờ có thể đổi trao.
Bài học về các cuộc chiến tranh có hàng ngàn dẫn chứng chỉ ra rằng, sự hung hiểm của những mưu đồ dài hạn là kẻ thù của mọi cách nhìn ngắn hạn, rằng nếu không tỉnh táo và không dũng cảm nhận sớm sai lầm thì đến khi hiểu ra, tất cả đã muộn quá rồi...
Hà Văn Thịnh
(Một Thế Giới)

Thu hồi tài sản ông Trần Văn Truyền: “Đáng nhẽ việc này phải làm sớm hơn!”

Thu hồi tài sản ông Trần Văn Truyền: “Đáng nhẽ việc này phải làm sớm hơn!”
Một trong những biệt thự của ông Trần Văn Truyền
"Đừng bao giờ để xảy ra những sự việc mà phải để dư luận công bố và làm ầm ĩ cả một thời gian dài rồi mới đi đến kết luận". 
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói với BizLIVE  về kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về tài sản của ông Trần Văn Truyền,
Theo ông Hùng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thực hiện nhiệm vụ của mình một cách đúng đắn. Tuy nhiên, việc này đáng phải được thực hiện sớm hơn, khi mà ông Trần Văn Truyền còn đương chức chứ không phải chờ đến khi ông ấy về hưu, và để dư luận ầm ĩ suốt cả năm trời rồi mới có kết quả.
“Vấn đề nhức nhối nhất hiện nay, chính là sao để cán bộ Đảng viên, nhất là các cán bộ cao cấp ngay khi đang đương chức mà có vấn đề hay sai phạm thì phải được nhắc nhở, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Bởi vấn đề không chỉ là giữ cái uy tín cho cán bộ mà còn là giữ uy tín cho Đảng, cho cả hệ thống chính trị”, ông Hùng nói.
Ông Vũ Quốc Hùng
Ông Hùng cho rằng, sau bài học của ông Trần Văn Truyền thì việc làm cần thiết là rà soát lại tất cả những cán bộ khi đương chức và cả những cán bộ đã về hưu trên cơ sở ý kiến của nhân dân.
“Đừng bao giờ để xảy ra những sự việc mà phải để dư luận công bố và làm ầm ĩ cả một thời gian dài rồi mới đi đến kết luận. Bên cạnh đó, việc quan trọng nhất vẫn là để phòng ngừa những chuyện tiêu cực xảy ra trong các cán bộ cao cấp của Nhà nước”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu ý kiến.
Thanh tra Chính phủ phải có trách nhiệm!
Kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ có rất nhiều nhà và tài sản, dư luận đặt câu hỏi, không biết với mức lương công chức, thì ông Truyền mất bao năm “tích góp” để có thể sở hữu khối tài sản khổng lồ như vậy?
Theo ông Vũ Quốc Hùng, bản thân ông cũng từng làm cán bộ nhưng cũng không thể lý giải được câu hỏi đó, cũng không hiểu tại sao chỉ bằng đồng lương và tất cả các khoản phụ cấp mà ông Trần Văn Truyền lại “giàu” thế.
“Trước tiên phải để ông Truyền trả lời nhân dân mất bao nhiêu năm thì nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ mới có khối tài sản như thế. Đó là những câu hỏi cần phải đặt ra để các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ” – ông Hùng nói.
Về vấn đề trách nhiệm trong sự vụ của ông Truyền, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: Trước tiên phải là bên Thanh tra Chính phủ - nơi ông Trần Văn Truyền làm việc.
“Đây là cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan phòng chống tham nhũng, là cơ quan giúp việc cho Chính phủ để thực thi pháp luật, là cơ quan kiểm tra, thanh tra. Lẽ ra phải là cơ quan gương mẫu nhất, trong sạch nhất, đi đầu trong việc nhắc nhở, giải quyết sai phạm của mọi người về sự nghiêm chỉnh của pháp luật. Vậy mà lại để một cán bộ cấp cao với sai phạm như thế trong hàng ngũ”, ông Hùng nói.
Tiếp đó, theo ông Hùng, phải là Ủy ban Kiểm tra các cấp, vì ngay Thanh tra Chính phủ cũng có Đảng bộ, có Ban cán sự Đảng, trong đó ông Truyền cũng là một Đảng viên. Ngoài ra, còn nhiều cơ quan chức năng liên quan phải tự nhận thấy trách nhiệm của mình
Trước đó, ngày 21/11, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã có thông cáo về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ.
Qua kiểm tra 6 trường hợp nhà, đất do ông Trần Văn Truyền và người nhà đứng tên, Ủy ban Kiểm tra trung ương nhận thấy ông Truyền đã thiếu trung thực, có vi phạm hoặc chưa gương mẫu thực hiện tốt quy định về những điều đảng viên không được làm.
Những việc làm của ông Trần Văn Truyền gây phản cảm, tạo dư luận xấu ở địa phương và lan rộng trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân và tổ chức Đảng. Do vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đồng thời thu hồi một trong số tài sản nhà đất của ông Trần Văn Truyền.
MẠNH NGUYỄN
(BizLIVE)

Văn Công Hùng - Phong bì nhẹ nợ...

Đồng tiền nó vô tri nhưng nó có thể đại diện giá trị con người. Cách đưa nhiều khi thể hiện văn hóa của người đưa và thể hiện giá trị của người nhận. Nó, cái phong bì ấy, nhiều khi làm người nhận rất đau lòng, băn khoăn, thậm chí tủi thân…
-----------
Các thầy cô giáo tự hát tặng nhau ngày 20/11 ở xã Ia Der, huyện Ia Grai
Cách đây hơn 40 năm, hồi ấy tôi đang học cấp 2 ở một xã của tỉnh Thanh Hóa mà gia đình tôi sơ tán về, nhân ngày 20 tháng 11, mẹ tôi kêu tôi lại và đưa 1 cái túi cói, trong ấy là… chè xanh, chừng một cân, nói con hãy xuống nhà thăm cô nhân ngày “hiến chương các nhà giáo”- hồi ấy còn gọi thế. Tôi rủ thêm mấy bạn trong lớp cùng đi, các bạn đều đi tay không, mỗi tôi có “quà”. Nhà cô cách nơi tôi ở 4 cây số, chúng tôi đi bộ xuống, cô rất vui, nhận “quà” mà nhắc đi nhắc lại lần sau chỉ xuống chơi thôi là cô vui rồi, đừng mang quà. Cô tên là Quyền, giờ về hưu ở tại xã Châu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, tôi vẫn thường xuyên điện thoại với cô, mấy lần có dịp qua Thanh Hóa đều về nhà thăm cô…
          Sau thời tặng cô cân chè xanh như tôi thì đến thời tặng… cam, đến nỗi có người đọc chệch “ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo” thành “ngày quốc tế hiến cam các nhà giáo”. Ở miền Bắc, tháng 11 hình như trùng với mùa cam?
          Giờ chắc chả bà mẹ nào chuẩn bị “quà” cho con như thế, và nếu có chắc một đứa trẻ cấp 2 cũng chả chịu mang đi.
          Chưa bao giờ mà cái sự tặng quà cho thầy cô nhân ngày 20 tháng 11 lại làm cho nhiều người băn khoăn đến thế. Tặng hoa ư, tất nhiên rồi, nhưng chả lẽ chỉ có hoa? Áo dài, vải may áo… nó cũng quá cũ, và có vẻ cũng chưa… thể hiện hết lòng mình, và quả là đã từng có cô giáo sau ngày 20/11 có đến cả chục miếng vải may áo dài cả đời không hết?
          Cuối cùng một ý kiến rất thông minh được gần như tất cả mọi người hân hoan chấp nhận: Phong bì.
          Và từ đấy chiếc phong bì vạn năng lên ngôi.
          Nó vô cùng tiện lợi cho cả người đưa và người nhận. Ngày này mà không có gì biếu thầy cô thì phụ huynh vô cùng áy náy. Giờ có cái phong bì, nó trở thành nơi, thành vật, để phụ huynh an tâm, hết áy náy. Đưa được phong bì là… nhẹ cả người.
          Các thầy cô, của đáng tội, cũng có không ít người thấy rằng, phong bì cũng… tiện. Thậm chí còn thể hiện đẳng cấp: ngày này ai có phong bì nhiều hơn thì là ở đẳng cấp cao hơn, là thước đo sự tín nhiệm chuyên môn và niềm tin của phụ huynh, xã hội đối với mình…
          Nhưng không phải ở đâu và lúc nào cũng có phong bì, cũng như không phải lúc nào cũng có sự trân trọng khi đưa. Đồng tiền nó vô tri nhưng nó có thể đại diện giá trị con người. Cách đưa nhiều khi thể hiện văn hóa của người đưa và thể hiện giá trị của người nhận. Nó, cái phong bì ấy, nhiều khi làm người nhận rất đau lòng, băn khoăn, thậm chí tủi thân…
          Rất nhiều thầy cô giáo vùng sâu vùng xa dạy học cả đời chưa bao giờ thấy cái phong bì. Ngay ở thành phố thì cũng rất nhiều thầy cô giáo ước ao “Giá đừng có ngày ấy”, nhiều người đến ngày ấy thì… đóng cửa đi chơi.
          Vì thế, năm nay, một số trường ra thông báo: trường xin phép không nhận quà trong ngày này. Một số sở, và cả bộ Giáo dục cũng thông báo chỉ xin được nhận thiệp mừng qua mail.
          Tôi hiểu sự muốn được thanh thản trong những thông báo ấy, bởi, từ bao giờ không biết, những món quà, những cái phong bì ấy, nó đã bị biến tướng, tình cảm chân thành, sự kính trọng vốn có… bị cái lạnh lùng của phong bì giết chết.
          Dân tộc ta có truyền thống hiếu học, và sự tôn sư trọng đạo nó cũng hun đúc từ đời này qua đời khác, cũng trở thành truyền thống. Nhưng đến lúc mà các nhà giáo phải từ chối nhận quà trong ngày vui của mình thì quả là bộ mặt thật của đời sống thị trường đã lộ diện một cách hết sức tàn nhẫn. Một cô giáo dạy ở PTTH Ia Ly, Gia Lai nói: “Chả được bao nhiêu mà mang tiếng, đừng có thì thanh thản hơn”. Một cô giáo trường Tô Hiến Thành, Thanh Hóa lên tiếng: "Các bậc phụ huynh, học sinh đến thăm thầy cô giáo với tấm lòng chân tình, tôn trọng từ trái tim mình. Chứ không phải là "khủng bố ", "tra tấn" bằng bom thư, vật dụng....Sau đó đầu xóm, cuối làng đàm tiếu tỏ vẻ khinh thường. Đó không phải là những phụ huynh chân chính". Và đây là một cô giáo trường Hùng Vương, Pleiku: “Với tư cách giáo viên, tôi căm ghét ngày 20/11, với tư cách phụ nữ, tôi căm ghét ngày 20/10, 8/3”. Và đây nữa,  một cô giáo tiểu học dạy tại điểm làng ở huyện Krông Pa, Gia Lai: “Cứ ở làng như em đâm ra lại lành. 20/11 toàn hoa nhà và hoa rừng”.
          Đồng tiền và phong bì không có tội, nhưng chính con người đã làm cho nó méo mó đi. Đưa tiền như một cách để… nhẹ nợ thì tức là trút nợ sang người nhận. Cuộc đời thèm biết bao những phút giây thanh thản…

   Văn Công Hùng
(Blog Văn Công Hùng)

Hiệu Minh - Vài bài học từ “Nhặt xương cho thầy”

Chẳng hiểu sao ngành Giáo dục gần đây lại dính chuyện xương xẩu. Từ vụ  “Canh gà Thọ Xương”  đến vụ bỏ phiếu tín nhiệm trong QH, Bộ trưởng ngành đứng gần cuối bảng. Mới hôm qua lại dính chuyện nhặt xương khác. Tuy nhiên, có vài bài học từ vụ “nhặt xương” này.
Tin cho hay, chương trình Quà tặng cuộc sống của VTV3 tối 19/11 phát câu chuyện Nhặt xương cho thầyđã làm dư luận nổi sóng. Nhiều người cho rằng, hình ảnh người thầy/cô bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đoạn phim hoạt hình này.
Do dư luận lên án, Bộ 4T đã phạt VTV3 và nhà đài đã phải xin lỗi khán giả và các thầy cô giáo.
Cảnh trong phim VTV3
Cảnh trong phim VTV3
Phim hoạt hình ngắn 3 phút 20 giây kể về một gia đinh tiếp đãi thầy. Theo thói quen giữ ý của người Việt (nhất là người Bắc), người thầy đã giả vờ từ chối món ăn chủ gắp vào bát vì “ông ăn uống đạm bạc quen rồi”. Gia chủ tưởng thật nên không mời nữa, nhưng thầy lại ấm ức, đây giả vờ mà người ta không biết.
Ông thầy tìm cách ăn cơm riêng với trò. Trong bữa đó, thầy ăn hết phần cá thịt, phần xương thì bỏ vào bát trò. Lúc thầy trò chia tay, trò chúc thầy thọ 100 tuổi còn mình sẽ thọ 101 tuổi, “để thu gom xương cho thầy “. Chuyện chỉ có thế. Trong các chuyện châm biếm, thầy tham hơn cô :)
Tôi xem qua, thấy hoạt hình buồn cười, kỹ thuật rất non, hình chạy giật cục, gà và cá để cả con thì gắp thế nào được, thầy cú là phải, các họa sỹ nên lưy ý chút. Phần ăn với trò, các đạo diễn đã chặt gà :razz:
Tuy vậy, lời thoại giọng miền Nam, có nhiều tứ đáng để ý một chút. Tác giả cũng có ý tốt cho ngành Giáo dục và nhiều ngành khác nữa, muốn người đứng ở vị trí cao cao tránh những ông thầy tham ăn như Thanh tra TVT, hoặc đạo đức giả “để tôi ăn rau”, “thức ăn ngon cho trẻ”, “ăn vụng xong chùi mép – (dọn xương)”.
Ý 100 tuổi (100 năm) cũng là ghê răng, lấy từ ý của bác Tổng. Nghĩ thấy thương cho người cầm bút, đạo diễn…VN, viết cũng thậm thụt như buôn ma phiến. Chả hiểu tôi đoán thế có đúng không.
Ở đây có vài bài học “nhặt xương” cho hang Cua
Đối với một đất nước có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư – một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, việc đưa lên VTV có hàng chục triệu người xem vào giờ vàng, đúng vào ngày vàng (tối 19/11) trước 20-11, ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo, sự bức xúc của người đứng trên giảng đường và bạn đọc là điều dễ hiểu.
Phạt báo chí và truyền hình phải dựa trên luật, phạm hay không phạm. Nếu chỉ là qui định chung chung “Vi phạm thuần phong mỹ tục…”, thì có thể phat bất kỳ ai, nếu muốn. Chỉ vì dư luận mà phạt tiền nhà đài, là không công bằng. Thượng tôn pháp luật không thể dựa vào bức xúc trong nhân dân. Quản lý kiểu “gom xương” để phạt này là không nên,
Nếu được mời và muốn ăn, hãy ngồi vào mâm, dùng cơm cùng gia đình. Nếu từ chối thì đừng mong người ta mời tiếp. Kiểu õng ẹo, giả vờ không muốn ăn, nhưng mắt vẫn nhìn đĩa thịt, phong bì lấp lánh, là hủ nho, nên tránh. Đối nội, đối ngoại cũng thế. Hãy bỏ thói đạo đức giả. Mời mà không ăn thì xương cũng chẳng còn mà gắp.
Các thầy cô cũng nên lưu ý đến đạo đức nghề nghiệp, không bày “dạy thêm học thêm”, nếu thấy không cần thiết. Làm kinh tế trong giáo dục phổ thông phải tránh tuyệt đối. Tâm hồn trẻ thơ bị bôi đen từ bé, lớn lên khó mà gột rửa. Ra đời, nếu giữ những trọng trách thì thảm họa quốc gia là khó tránh. Thầy cô tiếp tục các tiểu xảo để kiếm thêm, học trò và cả xã hội sẽ “nhặt xương” cho tương lai.
Nhà nước cần có chính sách sao cho người thầy cô đủ thu nhập, đủ sống, như chế độ lương bổng, hưu trí, bảo hiểm … để họ chuyên tâm vào nghề nghiệp cao quí của mình. Ngày lễ tết, 20-11, thường nghe phụ huynh bàn nhau một cách thực tế hơn “đừng tặng hoa, hãy gửi cho cô phong bì, vì bó hoa 500.000 cuối cùng sẽ vứt đi, nếu phong bì, cô có tiền đi chợ”. Nghèo mãi thì thầy lẫn trò và xã hội thay vì dùng hoa lễ nghĩa, dễ “nhặt xương” để sống.
Bộ Giáo dục nên cố gắng cải thiện hình ảnh. Trong 50 vị cao cao, vừa được QH bỏ phiếu tín nhiệm, hai ngành trồng người (GD) và cứu người (Y tế) đứng cuối bảng. Nếu tiếp tục quản lý và chiến lược giáo dục như hiện nay, thế hệ tương lai sẽ “nhặt xương” cho sự tụt hậu đó.
HM. 22-11-2014
(Blog Hiệu Minh)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét