Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Sau scandal mới đề nghị đình chỉ công tác hàng loạt cán bộ

Minh Tâm - “3 trong 1”: Xử “Đảng viên” hay “công dân”?

(VNTB) - Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng ghi: “Đảng không cho phép bất cứ ai dựa vào quyền thế để làm trái luật; mọi vi phạm đều đưa ra xử lý theo pháp luật, không được giữ lại để xử lý nội bộ, không được làm theo kiểu phong kiến, dân thì phải chịu hình phạt, quan thì xử theo lễ. Phải nghiêm trị tất cả những kẻ phạm tội bất kỳ ở cương vị nào và phải đảm bảo công bằng về nghĩa vụ và quyền lợi của công dân” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 121.).


“3 trong 1”: Đảng là ông quan tòa?
Như vậy, nên hiểu thế nào khi chỉ bằng một “Thông cáo báo chí về “Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ” của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, là đã coi như đây là “3 trong 1”: Kết luận điều tra - Cáo trạng – Án tuyên.
Nói mọi người dân, kể cả quan chức các cấp đều bình đẳng trước pháp luật mà cứ ông này thì thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Bí thư, ông kia thuộc Trung ương thì làm gì có “nhà nước pháp quyền”, làm gì có “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”?
Theo Hiến định và pháp luật liên quan, đến nay chỉ có thể nói rằng “Thông cáo báo chí…” mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra hôm 21-11, mang giá trị “thi hành án” đối với “Đảng viên Trần Văn Truyền”. Với tư cách “công dân Trần Văn Truyền”, thì các cáo buộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là… vô nghĩa – nói nhẹ nhàng hơn là “có giá trị tham khảo”; thậm chí còn có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật.
Đừng đứng trên pháp luật
Bởi ai cũng biết, một nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa của nó không thể thiếu được một nền tư pháp độc lập, bởi lẽ tính tối thượng của pháp luật chỉ có thể được thực hiện khi có các vị quan tòa áp dụng pháp luật một cách độc lập.
Các quyền cơ bản của mỗi con người trong xã hội sẽ được bảo đảm khi những người cầm cân nảy mực thực sự độc lập xét xử những hành vi vi phạm các quyền đó. Độc lập xét xử cũng là điều rất quan trọng để bảo đảm sự thành công của việc phòng và chống tham nhũng, bởi lẽ những kẻ tham nhũng sẽ không có cơ hội được bao che bởi sự can thiệp hoặc tác động vào quá trình xét xử của Tòa án.
Quyền tư pháp là quyền xét xử được giao cho Tòa án. Nguyên tắc xét xử xuyên suốt trong tổ chức thực hiện quyền này là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, mọi cơ quan, tổ chức, các nhân không được phép can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án, nghiêm cấm mọi hành vi cản trở Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ. Nguyên tắc này đã được khẳng định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự… “khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Như vậy – giả dụ trường hợp công dân Trần Văn Truyền bị cáo buộc phạm tội, thì khi những người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ theo tố tụng, dứt khoát không chịu sự tác động của bất kỳ hành vi can thiệp của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào; và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những đánh giá, phán quyết của mình. Mọi hành vi cản trở, can thiệp vào việc thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân là hành vi trái pháp luật, bị nghiêm cấm. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng không là ngoại lệ.
Sao không dọn rác nhà mình?
Vì sao “Đảng viên Trần Văn Truyền” nghỉ hưu từ tháng 10/2011 mà đến năm 2014 mới chịu trả lại nhà công vụ sau khi có dư luận phản ứng? Vì sao suốt 3 năm “Đảng viên Trần Văn Truyền” không ở trong căn nhà công vụ đó mà không ai đòi lại được? Cái này – nếu đó là “công dân Trần Văn Truyền” chứ không phải là “Ủy viên Trung ương Đảng Trần Văn Truyền”, chỉ cần áp dụng luật, thì bất kỳ nhân viên nào cũng đến niêm phong và thu hồi căn nhà này từ lâu.
Tương tự, vì sao người bình thường muốn vay tiền trong gói 30.000 tỷ đồng để mua nhà cũng gặp đủ thủ tục nhiêu khê mà “Ủy viên Trung ương Đảng Trần Văn Truyền” chỉ cần xin một cái là được cấp đất, cho nhà? Lỗ hổng ấy tại sao Ủy viên Trung ương Đảng không chịu đòi bịt lại?
Tiên không trách kỷ thì…
Minh Tâm
(Việt Nam Thời Báo)

-Quay lưng với sự nghèo khó của dân

Laodong / PLTP

Chị Đinh Thị Ơn đang làm rẫy trên đồi cao, bỗng giật mình khi có người gọi to: “Ơn ơi, ơi Ơn… nhà mày bị cán bộ dỡ rồi”. Ơn chạy thục mạng về đến nhà, nền đất đã trống hoang.
Cán bộ xã, huyện nói, phải dỡ nhà vì thủy điện Đắc Đrinh đang ngăn đập ở Sơn Tây (Quảng Ngãi), nước ngập lút trong vài ngày tới. Chị ngước mắt nhìn quanh, 195 hộ dân với 817 con người của xã đang hò hét, hỗn loạn, cuốn gói vật dụng sinh hoạt, trâu bò, gà heo, tháo chạy lên đồi cao dựng nhà tạm tránh “thủy điện”. Đó là ngày 8-7-2013.

Người dân Đắc Nên kêu cứu đến báo.
Oán thủy điện Đắc Đrinh

Cái ngày di cư ép buộc để nhường đất cho công trình thủy điện Đắc Đrinh (do Cty CP thủy điện Đắc Đrinh, thuộc Tổng công ty Điện lực dầu khí VN làm chủ đầu tư, nằm trên địa bàn huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đấy, đến giờ vẫn ám ảnh bà con Đắc Nên, bởi họ đang phải “sống mòn” trong đói nghèo. Khu tái định cư (TĐC) không đất sản xuất, nước sinh hoạt, chủ đầu tư lại lơ là việc đền bù, khiến chính quyền tỉnh Kon Tum đang đau đầu.
Phó Chủ tịch huyện Kon Plông Lê Đức Tín nhìn tôi rầu rĩ, thở hắt: “Công tác tái định cư – tái định canh ở Kon Tum chưa thỏa thuận được, thế nhưng họ lại cho xây dựng đập ngăn nước ở dưới Quảng Ngãi. Sai trước mắt là của dự án thủy điện Đắc Đrinh gây ra. Nguyên tắc Chính phủ quy định rồi, khi anh làm tốt công tác di dân, đền bù, tái định canh, định cư thì mới được phép thi công dự án. Họ triển khai dưới kia là ở Quảng Ngãi, mình chỉ là lòng hồ. Nếu đập đầu mối ở trên này thì mình sẵn sàng yêu cầu họ dừng ngay rồi”. Và, cũng vì cái “sự đã rồi” ấy, đã đẩy chính quyền huyện Kon Plông vào thế khó, chạy đua với thủy thần để đưa hết 817 con người lên đồi cao trú ẩn. Nước ở lòng hồ, cuồn cuộn dâng lên ầm ầm, gào rú liên hồi. Trên bộ, người dân hò hét tháo dỡ nhà cửa cùng bộ đội, dân quân tự vệ và chính quyền tỉnh Kon Tum vào cuộc di dân “ép buộc”. Nhớ lại thời khắc vô cùng gian nan, khó khăn ấy, ông Tín bức xúc: “Nếu mình không di dời dân lên khỏi cốt ngập thì không có mưa lũ vẫn bị ngập dân. Về mặt chính quyền, bằng mọi cách phải đưa dân lên bằng được, để đảm bảo an toàn tính mạng cho dân”.
Người dân không chịu nhận nhà TĐC vì thiếu các điều kiện sống tối thiểu, đành quay về chỗ ở cũ dựng nhà tạm.
Trưởng công an xã Đắc Nên – ông Đinh Văn Tuân – vò đầu bứt tai, nói người dân đang yên ổn sinh sống, sản xuất, bị ép di dời, họ yêu cầu chủ đầu tư phải xây nhà cửa kiên cố, cung cấp đất sản xuất, đền bù hỗ trợ thỏa đáng mới chịu đi. Ban vận động di dời của huyện Kon Plông, trong đó có cả Phó Chủ tịch MTTQ, bối rối, hết cách đành bắt tay, “hứa” với dân là chủ đầu tư sẽ đền bù hết cho dân trong cuối tháng 8-2013. Giờ tiền đâu chẳng thấy, chỉ thấy người dân trách ngược xã, huyện thất hứa với dân, không chịu bồi thường. Đau hơn, có người đổ thừa chính quyền ăn chặn tiền hỗ trợ, bồi thường từ dự án thủy điện. “Không một chính quyền nào bỏ rơi dân đâu, và không chính quyền nào lại hại dân”, nghe câu nói của Phó Chủ tịch huyện Lê Đức Tín, tôi ngầm hiểu thủy điện Đắc Đrinh đã làm niềm tin giữa người dân vào chính quyền rạn nứt khá nhiều.
Kêu cứu vì tận khổ
Theo kế hoạch, mỗi hộ dân khi di dời được chủ đầu tư hỗ trợ một căn nhà trị giá 300 – 350 triệu đồng cùng 400m2 đất vườn, 1ha đất rẫy, 4 sào lúa nước. Ngoài ra, sẽ nhận thêm hàng trăm triệu đồng tiền đền bù, hỗ trợ đời sống. Thủy điện Đắc Đrinh phát điện từ lâu lắc, thu hợi hàng ngàn tỉ đồng, thế nhưng, không hiểu lý do gì mà đến tận giờ người dân chỉ nhận được những số tiền ít ỏi. Như anh A Diêng (sinh năm 1984) chỉ nhận được 40 triệu đồng, thay vì 230 triệu trong bảng áp giá bồi thường; anh A Khoàng (sinh năm 1980) nhận 70 triệu đồng trong 320 triệu; anh Ó (sinh năm 1990, cùng thôn Xô Luông) nhận được 36 triệu đồng thay vì 113 triệu… Rồi khu TĐC không đất sản xuất, nước sinh hoạt, đất rẫy thì ở tít xa hun hút toàn sỏi, đá nên không thể trồng trọt được gì.
Những ngôi nhà tái định cư bỏ hoang.
Công ty cổ phần thủy điện Đắc Đrinh còn hứa một đằng, làm một nẻo khi “đẩy” 133 người dân thôn Xô Lương “sống chênh vênh bên sườn núi”. Già làng A Đích (sinh năm 1954) nói: Trước khi dời dân, thay vì xây khu TĐC như công ty đã cùng ông, A Diêng (nguyên trưởng thôn) và chính quyền xã ký giao kèo, thỏa thuận, thì họ lại “lén lút” tự san ủi đất, xây nhà cửa ở khu vực cách chỗ đã thỏa thuận mười mấy cây số, lại nằm ở tít trên đồi cao, hay sạt lở. Chỉ vào những ngôi nhà bỏ hoang xập xệ, xuống cấp, chị Đinh Thị Thanh (sinh năm 1987, thôn Xô Lương) ngao ngán: “Người dân không chịu ở vì thứ nhất, không có nước sinh hoạt; thứ hai, bị sạt lở; thứ ba, do chủ đầu tư không hỏi ý kiến dân có đồng ý ở trên này không; thứ tư, không có đất làm vườn, trồng cây gì cũng không lên”. Và cũng vì không có những điều kiện sinh sống tối thiểu, 133 người dân thôn Xô Luông đành phải dắt díu nhau về dựng những căn nhà tạm ở chỗ cũ sinh sống. Phó trưởng CA xã Đắc Nên kiêm trưởng thôn Xô Lương Đinh Văn Tang than: “Người dân gửi đơn cầu cứu đã mấy tháng nay, giờ chưa thấy ai trả lời”.
Ngày 16-10 mới đây, Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại miền Trung tiếp một phụ nữ khắc khổ cùng những tập đơn kêu cứu trên tay. Chị tên Đinh Thị Ơn (SN 1986, trú thôn Xô Luông, xã Đắc Nên, huyện Kon Plông) – một hộ dân của khu TĐC thủy điện Đắc Đrinh, đang sống trong cảnh “sống mòn” vì cuộc sống bỗng dưng đảo lộn. Chị trình bày, từ khi thủy điện Đắc Đrinh – do công ty cổ phần thủy điện Đắc Đrinh làm chủ đầu tư – ngăn đập, tích nước năm 2009, đời sống dân bản nghèo lại thêm nghèo. “Họ hứa sẽ bồi thường cho dân nhưng hứa đâu bỏ đó, chẳng có kết quả gì. Dân chúng tôi ở vùng xâu, vùng xa, nhận thức kém bị họ lợi dụng, chặn ép nên quyết định viết đơn gửi đến Báo Lao Động” – đơn viết. Chị Ơn – phụ nữ dân tộc Ca Dong – được dân bản “gửi gắm” nỗi bức xúc và cả tiền đi đường đến báo Lao Động tại Đà Nẵng kêu cứu. Một thân một mình, chị đi nhờ xe máy bạn ra khỏi vùng núi heo hút Đắc Nên, đi tắt qua huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), rồi từ đó bắt xe đò xuống Đà Nẵng với những tập đơn trên tay trình bày tâm tư, nguyện vọng thay cho hàng trăm con người Đắc Nên khốn khổ.
Hết tiền, hay không chịu đền bù?
Sau khi báo đăng bài “Thủy điện Đắc Đrinh làm khổ dân”, ngày 31-10, UBND tỉnh Kon Tum đã ra văn bản số 2812/UBND-KTN gửi huyện Kon Plông đề xuất các hướng xử lý. Trao đổi với phóng viên, ông Trương Văn Minh – Phó Chủ tịch Hội đồng đền bù kiêm Phó trưởng ban di dân huyện Kon Plông – cho hay, những khó khăn tồn tại, vướng mắc trên cũng chỉ vì công ty thuỷ điện Đắc Đrinh hết tiền. Còn Phó Chủ tịch huyện Lê Đức Tín thì nói thẳng: “Sau khi tích nước xong thì họ làm lơ. Đầu năm 2014, lãnh đạo huyện mời họp liên tục, ít nhất 5 lần. Mỗi lần làm việc đều có biên bản ký kết ghi nhớ, cam kết thực hiện. Tinh thần lên đây làm việc họ đồng ý ghi nhận, nhưng về dưới công ty là họ lại phớt lờ”. Ông Tín nói thêm, hiện nay nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản ở khu TĐC là cần số tiền 80 tỉ đồng, số tiền đền bù là 50 tỉ, nhưng chủ đầu tư không chịu bàn giao dù trước đó đã ký kết.
Đáng nói là sau khi báo phản ánh sự việc, mục đích nhân văn là để phía công ty CP thủy điện Đắc Đrinh cùng “ngồi lại” với chính quyền tìm hướng giải quyết, tháo gỡ các khó khăn. Tuy nhiên, Tổng công ty Điện lực dầu khí VN lại thông tin cho tờ báo ngành thuộc Hội Dầu khí Việt Nam miêu tả cuộc sống “đổi đời” của người dân từ khi có thủy điện Đắc Đrinh. Để “sinh động”, bài báo lấy hình ảnh những căn nhà khu TĐC thủy điện Đắc Đrinh ở xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) “minh họa” cho khu TĐC xã Đắc Nên. Mô tả khu TĐC “sầm uất, khang trang, an cư lạc nghiệp”, người dân không chịu nhận nhà vì muốn đòi thêm tiền đền bù.
Theo ĐÌNH VĂN (Lao Động)
 

Sau scandal mới đề nghị đình chỉ công tác hàng loạt cán bộ

QUẢNG NINH 24-11 (NV) - Cả Bí thư Tỉnh ủy lẫn Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cùng đề nghị đình chỉ công tác lãnh đạo Đồn Biên phòng Hải Hòa và lãnh đạo phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái.
Đề nghị vừa kể được đưa ra sau khi Bộ Công an CSVN tổ chức một đợt bố ráp lớn ở thị xã Móng Cái, Quảng Ninh vào thượng tuần tháng này và khám phá nhiều kho chứa hàng của hai nhân vật được cho là trùm buôn lậu hàng Trung Quốc. 
Theo báo chí Việt Nam thì ông Lưu Văn Thắng, người được cho là nhân vật điều hành một tổ chức chuyên buôn lậu hàng Trung Quốc, với số lượng lên tới hàng ngàn tấn/năm đã ra đầu thú.
Hải quan Quảng Ninh kiểm kê hàng lậu bị tịch thu. (Hình: Tiền Phong)
Công an CSVN đã tịch thu hơn 100 tấn hàng lậu bao gồm: đồ điện tử, đồ gia dụng, vải, sữa cho trẻ em nhái nhãn hiệu của nhiều hàng sữa nổi tiếng,…từ những kho chứa hàng nằm dọc biên giới Việt – Trung và một số nhà kho của Công ty Thương mại Móng Cái, chợ Cây Dừa, chợ ASEAN mà ông Thắng thuê để chứa hàng. Tổng giá trị toàn bộ số hàng lậu bị tịch thu được ước đoán phải tới vài chục tỉ đồng.
Công an còn thu giữ 12 chiếc đò mà ông Thắng sử dụng để đưa hàng lậu băng qua sông Ka Long vào Việt Nam. Vào thời điểm Công an thực hiện đợt bố ráp, hàng chục người là nhân viên của ông Thắng đã bị bắt giữ nhưng không hiểu vì sao ông Thắng lại có thể đào thoát.
Công an CSVN cũng đã khám xét tư gia của ông Trần Văn Lai, 52 tuổi, thu giữ lô hàng lậu gồm 3,000 bộ quần áo, 1,000 vỉ đồ chơi trẻ em, khoảng 3,000 món phụ tùng xe hai bánh gắn máy, cùng với gạch men và một số loại hàng hóa khác...
Trong khi các viên chức phụ trách hải quan, công an, quản lý thị trường ở Móng Cái và Quảng Ninh mô tả hoạt động của các tổ chức buôn lậu hàng Trung Quốc rất “tinh vi” nên hết sức khó khăn trong việc phát giác, bắt giữ thì báo chí Việt Nam mô tả, trước nay, hoạt động buôn lậu ở Móng Cái nói riêng và Quảng Ninh nói chung vẫn diễn ra công khai.
Mỗi khi xe hoặc sà lan chở hàng lậu từ Trung Quốc đến điểm tập kết hay cập bờ phía Việt Nam là phu khuân vác đổ đến bốc dỡ, xếp lên những phương tiện vận chuyển khác mang về kho cất giữ, trước khi các xe vận tải tới tiếp nhận, phân phối khắp Việt Nam.
Ai cũng biết nhờ mua bán hàng Trung Quốc nhập lậu và nhận vận chuyển hàng lậu cho nhiều nhóm buôn lậu khác, ông Lưu Văn Thắng, 36 tuổi, trở thành chủ một biệt thự trị giá hàng chục tỉ ở thành phố Móng Cái. Bây giờ, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh mới làm ra vẻ “cương quyết”.
Trong hai thập niên vừa qua, hàng hóa Trung Quốc vẫn ồ ạt chảy vào Việt Nam. Lúc đầu là buôn lậu, kế đó là đường tiểu ngạch và sau này là nhập cảng chính ngạch.
Hàng hóa Trung Quốc đã bóp chết nhiều doanh nghiệp Việt Nam và gần đây, nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu Trung Quốc đã cột chặt các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vào Trung Quốc. Nếu Trung Quốc ngừng xuất cảng, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp hấp hối vì không kịp ứng phó.
Một chuyên gia tên là Võ Trí Thành từng than rằng, do khả năng cạnh tranh và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam quá yếu nên Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cả về hàng trung gian lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng.
Cuối tháng trước, khi Quốc hội CSVN thảo luận về tình hình hình kinh tế - xã hội, ông Trương Trọng Nghĩa, một luật sư và là thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố Sài Gòn đã nêu ra hàng loạt thắc mắc về quản trị quốc gia trong tương quan Việt – Trung.
Chẳng hạn, tại sao trong vòng mười năm qua, kinh tế Việt Nam càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc và sự lệ thuộc đó diễn ra gần như trong tất cả các lĩnh vực? Tại sao một quốc gia có tiềm năng nông nghiệp lớn như Việt Nam mà lại phải nhập cảng nông sản và đủ loại nguyên liệu làm thực phẩm lớn, kể cả rau, trái, trứng gà từ Trung Quốc? Tại sao buôn lậu và thực phẩm chất lượng kém vẫn ồ ạt tràn qua biên giới theo đường tiểu ngạch?..
Ông Nghĩa nhấn mạnh, đừng xem sự lệ thuộc Trung Quốc là vì “âm mưu, thủ đoạn”.  Theo ông Nghĩa, sự lệ thuộc Trung Quốc là vì “đầu óc cũ kỹ”, kém và tham. Nếu quyền lực được giao cho những kẻ kém cỏi cả về năng lực lẫn đạo đức, người ta chưa mua thì đã chủ động chào bán, thậm chí dùng hối lộ như một điều kiện để làm ăn với mình thì không chỉ lệ thuộc mà sẽ mất nước. (G.Đ)
(Người Việt)

-Chuyên chế độc tài & Dân chủ đa nguyên: Mô hình nào tốt nhất cho Việt Nam? – Phần 1: Thực chất mô hình XHCN

VNTB

Thiên Điểu
(VNTB) - Nền tảng lý luận CNCS đã bị biến tướng ngay từ đầu, làm nảy sinh một thế hệ các lãnh đạo với mô hình tổ chức nhà nước nửa phong kiến độc tài, nửa quân chủ nghị viện.

Nhắc lại một vài quan điểm về CNCS

Trong Tuyển tập Mark- Engels (Mác-Ăng ghen), luận thuyết cơ bản để hình thành hệ ý thức Chủ Nhĩa Cộng sản  (CNCS – xã hội sở hữu tài sản chung) được giải thích rằng: Con đường phát triển đi lên CNCS được hình thành dựa trên các tiến bộ vượt bậc về mặt khoa học. Khi nhân loại đạt đến đỉnh cao của khoa học, mọi quy trình sản xuất hàng hóa đều được tự động hóa. Khi đó, con người không cần phải thực hiện bất kỳ hình thức lao động chân tay nào nhằm tạo ra của cải, vật chất. Sản phẩm dư thừa đủ cho con người “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.
Trong quá trình soạn thảo học thuyết của mình, Các-Mác khi luận giải về các hệ tư tưởng, cơ sở giải quyết quan hệ giữa con người với con người bị bế tắc trong nội dung giải quyết các mâu thuẫn trong quản lý xã hội, đặc biệt là trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo và đời sống tinh thần trong chế độ cộng sản nên ông đã phải dừng lại một khoảng thời gian khá dài cho đến khi gặp Ăng-Ghen.
Trên thực tế, chính Ăng-Ghen mới là người hoàn thiện học thuyết về CNCS khi đưa ra thang bậc phát triển nhu cầu về tinh thần của con người: Nhu cầu tự thỏa mãn (làm theo sở thích của mình). Lý giải này được Ăng-Ghen phát triển và lý giải rằng: Do tâm lý con người không còn nhu cầu về vật chất để thỏa mãn các nhu cầu thông thường (nhu cầu thông thường – nhu cầu sinh lý), nên sẽ tự phát triển tới nhu cầu làm để đạt được mục đích thỏa mãn theo sở thích cá nhân. Sự tích lũy tư bản trở thành vô nghĩa khi mọi thứ đều dư thừa bởi tiến bộ của tự động hóa, vượt qua nhu cầu của con người. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: Để đạt được xã hội cộng sản. Nhân loại phải đạt được hai điều kiện cơ bản tiên quyết: Văn hóa cộng đồng và trình độ khoa học, công nghệ tự động hóa hoàn toàn. Nghĩa là con người phải có nhận thức và văn hóa thích hợp với lối sống có trách nhiệm, sẵn sàng chia sẻ với người khác và một nền kỹ thuật tự động hóa toàn diện.
Đề cập về văn hóa, Ăng-ghen đã phân tích khá sâu về vấn đề tôn giáo. Ông cho rằng tôn giáo vẫn tồn tại trên vai trò là công cụ giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội trên góc độ “là một chuẩn mực đạo đức tích cực, một ước mơ vươn tới sự hoàn thiện tuyệt đối  mà con người hướng tới” (Friedrich Engels). Cũng ở phần này, ông chỉ ra rằng: CNCS chỉ  hình thành khi nhân loại đã đạt đến đỉnh cao của Chủ nghĩa tư bản (CNTB) – Mô hình xã hội mà trong đó con người chú trọng tạo ra thặng dư (tư bản) bằng sự phát triển của khoa học. Văn hóa cộng đồng được xây dựng và đề cao sự tôn trọng đối với mọi cá nhân trên mọi phương diện.
Trong đó, Mark và Engels có nói tới việc hình thành quan hệ các nước giàu – phát triển – sẽ tác động, giúp đỡ các nước nghèo (chậm phát triển) hướng tới thịnh vương chung, còn gọi là giai đoạn quá độ.
Sai lầm khi vận dụng học thuyết CNCS
Khi phong trào Quốc tế cộng sản (QTCS) ra đời, cuộc cách mạng tháng 10 Nga đặt dấu chân hình thành chế độ theo tư tưởng cộng sản đầu tiên trên thế giới và sau đó kéo theo sự hình thành khối Cộng sản (Xã hội chủ nghĩa sau này). Sự bùng nổ phong trào cộng sản xuất phát từ khao khát với cái mới, sự thỏa mãn trong mong muốn về một thay đổi trong mối quan hệ còn nhiều bất công của xã hội phong kiến, chủ nghĩa đế quốc… đang trong giai đoạn chuyển  sang xã hội tư bản đã mang lại cho QTCS sự thành công mạnh mẽ ở khía cạnh thay thế quyền lực -“phong trào giải phóng dân tộc”.
Việc thay đổi chế độ, dẫn đến một lực lượng khác, một ý thức hệ khác lên cầm quyền. Trong bối cảnh văn hóa cộng đồng và nền văn minh nhân loại chưa đạt đến một nhận thức và chuẩn mực phù hợp, nền tảng lý luận CNCS đã bị biến tướng ngay từ đầu, làm nảy sinh một thế hệ các lãnh đạo với mô hình tổ chức nhà nước nửa phong kiến độc tài, nửa quân chủ nghị viện.
Nét tư tưởng phong kiến độc tài thể hiện ở chính sách độc tôn về chính trị. Áp đặt xã hội lệ thuộc vào quan điểm duy ý chí – ở mô hình XHCN là một nhóm lãnh đạo (Bộ chính trị). Không cởi mở trong việc tiếp nhận cái mới. Đố kỵ với các quan điểm tự do, quan điểm đối lập…
Mô hình nửa quân chủ nghị viện thể hiện trong cấu trúc bộ máy quản lý nhà nước. Mặc dù có Quốc hội là cơ quan lập pháp, trên danh nghĩa là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng định hướng, quyết sách thực thi cả trong lập pháp lẫn hành pháp (các cơ quan nhà nước) lại chịu sự chi phối của Đảng, là tổ chức chính trị đại diện cho một nhóm mang một hệ ý thức trong xã hội.
Vô hình chung, quyền lực thật sự tập trung vào tay một nhóm lãnh đạo là Bộ chính trị (tương tự Vua trong chế độ quân chủ). Từ đó, mô hình nhà nước XHCN thay vì chỉ có một lãnh đạo tối cao (trong chế độ quân chủ độc tôn) lại là một nhóm quyền lực chi phối cả lập pháp lẫn hành pháp. Đây chính là nguyên nhân xâu xa nhất, căn bản nhất dẫn đến vấn nạn tham nhũng, tạo nên các hệ thống quyền lực mà người ta gọi là “lợi ích nhóm”, khiến cho giai cấp lãnh đạo trong các nhà nước XHCN sa vào tham nhũng dễ ràng và tham nhũng bậc nhất trong tất cả mọi mô hình nhà nước khác.
Tại nước Nga, sau này là Liên bang Xô-Viết (Liên Xô) – cái nôi của chủ nghĩa cộng sản, sau khi giành được quyền lực, tham vọng quyền lực nhanh chóng khiến các lãnh đạo cộng sản sớm nhận ra việc nếu tiếp tục trung thành với học thuyết Mác-Ăng Ghen thì bắt buộc sẽ hình thành nền chính trị gần giống với mô hình cộng hòa, dân chủ, làm chia sẻ hoặc mất đi ngôi vị quyền lực tối cao, nên đã từng bước thay vào các tư tưởng tiến bộ của Ăng Ghen. Người ta biến thành Mác-Ăng Ghen – Lê Nin, và cuối cùng chỉ còn là Mác-Lê Nin như ngày nay. Nó thể hiện cả ra ngoài khá rõ khi hàng loạt các nước phe cộng sản lúc đầu lấy tên là Cộng hòa Dân chủ nhân dân (Việt Nam, Trung Quốc, Bungari, Triều Tiên..) Hoặc đơn giản là Cộng hòa nhân dân ..A,B,C (Ba Lan, Anbani, Séc, Slovakia…). Sau này lại đồng loạt đổi thành Xã hội chủ nghĩa.
Để che giấu lỗ hổng trong việc giải thích mối quan hệ nhà nước pháp quyền với công dân, quan hệ phân chia quyền lợi kinh tế  và giá trị thực tế hình thành trong thời kỳ quá độ, khái niệm “Xã hội chủ nghĩa” ra đời, nhằm tạo ra ảo giác rằng nó là một mô hình mới, hợp lý… Tuy nhiên, ngay cụm từ XHCN vô hình chung đã thể hiện một chế định không rõ ràng khi nó không chỉ ra cấu trúc cụ thể là gì, cấu trúc và các quan hệ giữa nhà nước pháp quyền và người dân ra sao…, từ đó dẫn đến việc điều hành nhà nước rơi vào hỗn loạn, lúng túng và thụ động. Các cấu trúc phân chia quyền lực, quyền lợi trong xã hội bị phá vỡ, bất bình đẳng, dẫn đến việc thực thi chính sách theo kiểu ngẫu hứng, đụng đâu làm đó. Không có nền tảng vững chắc và cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu, các tác động bởi khủng khoảng kinh tế, lòng tin và nhận thức xã hội là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ mang tính tất yếu của khối XHCN mà nhân loại đã chứng kiến trong hơn 30 năm qua.
Việc một số nước vẫn cố giữ danh nghĩa cộng sản, CNXH, thực chất là sự thể hiện mong muốn níu giữ quyền lực của giai cấp lạnh đạo đương quyền. Sợ thay đổi, từ bỏ danh nghĩa chính trị thì sẽ mất hết quyền lợi đang có, nhưng thay đổi theo hệ tư tưởng dân chủ, đa nguyên thì không theo kịp, không nhận thức đầy đủ được nền tảng lý luận của một thể chế khác hoàn toàn với nhận thức hiện tại. Vô hình chung, nhà nước XHCN trở thành lực cản, là trở ngại ngăn chặn con đường phát triển. Các nhà nước XHCN – trong đó có Việt Nam – về thực chất không phải là mô hình đúng hoặc gần đúng với mô hình nhà nước cộng sản. Có chăng, ngay cả cái tư tưởng chính trị cũng chỉ còn là gắn cái danh nghĩa cộng sản vì không có danh nghĩa nào khác hợp lý mà thôi.
(Phần 2: CNXH  ở Việt Nam – Thụ động và mù quáng )
 

-Đánh giá thành quả đạt được sau 39 năm xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở Việt nam -Bài I & II.

Bài 1: Về Đặc Trưng Thứ Nhất và Đặc Trưng Thứ Hai

Trần Quí Cao – 141112
* Tác giả gửi bài cho VNTB

Đảng Cộng Sản Việt Nam hạ quyết tâm tiến hành việc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam dù phải trả bất cứ giá nào và dù chưa một lần trưng cầu dân ý để biết lòng dân có thuận hay không. Ngày 14/1/2011 ông Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, có bài tham luận cho rằng (1):

  1. a) Xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được xây dựng dựa trên thành quả của đổi mới nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
  2. b) Xã Hội đó có 8 đặc trưng thể hiện tính ưu việt của nó. Tám đặc trưng đó là:
1)  Đặc trưng thứ nhất: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
2)  Đặc trưng thứ hai: do nhân dân làm chủ
3)  Đặc trưng thứ ba: có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu
4)  Đặc trưng thứ tư: có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
5)  Đặc trưng thứ năm: con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện
6)  Đặc trưng thứ sáu: các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển
7)  Đặc trưng thứ bảy: có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo
8)  Đặc trưng thứ tám: có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới
Từ sau năm 1975, khi toàn thể đất nước thu về một mối và toàn dân tộc Việt Nam nằm dưới sự lãnh đạo của đảng duy nhất của nước Việt Nam là đảng Cộng Sản Việt Nam (thực ra trước khi khối Cộng Sản Đông Âu sụp đổ, Việt Nam cũng có 2 đảng làm kiểng là đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội, tuy nhiên quyền lãnh đạo cũng hoàn toàn trong tay đảng Cộng Sản), cho đến nay đã hơn 39 năm, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại xem Việt Nam đã đạt được những thành quả nào trong tám đặc trưng nói trên. Trong bài này chúng ta sẽ xét đặc trưng thứ nhất, và chỉ đánh giá thành quả chứ chưa thảo luận nguyên nhân của các thành quả đó.
Đặc trưng thứ nhất: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Dân Giàu:
Năm 2012, tính trong các nước ASEAN, GDP/đầu người của Việt Nam nằm ở vị trí thứ 7 theo thứ tự như sau (2):
Brunei, Singapore, Mã Lai, Thái Lan, Indonexia, Phi Luật Tân, Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia.
Trong đó, GDP/đầu người của Việt Nam xấp xỉ bằng 1/7 của Mã Lai, bằng 1/4 của Thái Lan, bằng 1/2,5 Indonesia. Bằng 1/15 của Hàn Quốc, bằng 1/30 của Nhật.
Vậy, Việt Nam có Giàu không?
Nước Mạnh:
Bàn về nước Mạnh hay Yếu, ta cần xét trên hai mặt:
  1. Thứ nhất, Mạnh là bảo vệ được chủ quyền, được tính tự chủ của quốc gia đối với kẻ đang muốn xâm chiếm đất nước. Luxembourg không có nguy cơ bị xâm lấn nên Luxembourg không cần mạnh. Với Luxembourg, chỉ cần Giàu là Mạnh. Với Việt Nam thì khác, Mạnh có nghĩa là Trung Hoa không dám lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam dù đó là đất liền hay hải đảo.
  2. Thứ hai, Mạnh ở đây nên hiểu theo nghĩa tổng hợp, nghĩa là mạnh trên nhiều mặt: quân sự, ngoại giao, kinh tế, chính trị, nội trị… Sức mạnh tổng hợp của các mặt đủ khiến kẻ có dã tâm không dám lấn chiếm hay can thiệp vào chủ quyền của ta.
Ngoại giao: Việt Nam giao thiệp rộng, nhưng yếu vì không có bạn sống chết, nghĩa là không có đồng minh chí cốt. Không là Đối Tác Chiến Lược, không có Hiệp Ước Phòng Thủ chung với một đại cường quốc nào. Khi Trung Hoa tiến công lãnh thổ đất liền Việt Nam, không một quốc gia nào đứng cạnh Việt Nam. Khi Trung Hoa tiến chiếm biển đảo Việt Nam, không một quốc gia nào đứng cạnh Việt Nam. Chỉ khi Trung Hoa lộ rõ ý đồ độc chiếm biển Đông thì thế giới mới phản đối, nhưng để bảo vệ tự do hàng hải, chứ không phải vì VN là đồng minh chí cốt của họ. Về mặt này, so sánh Việt Nam với Nhật hay với Phi Luật Tân, Hàn Quốc, ta thấy rõ rằng Việt Nam rất yếu ớt vì cô đơn ngoại giao.
Kinh tế: Việt Nam nằm ở vị trí thấp về thứ bậc kinh tế tính theo tổng hợp (composite) hay tính theo từng tiêu chí khác nhau. Hệ số ICOR là một trong các ví dụ rõ nét. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng và độ lớn của nợ công là những thí dụ khác. Nền kinh tế của VN càng yếu ớt hơn vì tính mất cân bằng và, do đó, tính lệ thuộc của nó. Sự lệ thuộc này, tai hại thay, lại là lệ thuộc Trung Hoa, nước ngàn năm nay luôn muốn chiếm nước ta, và hiện đang bộc lộ rõ ý đồ không chế Việt Nam!
Chính trị: Sự đoàn kết toàn dân làm nên sức mạnh của quốc gia, nhất là một quốc gia bên cạnh Trung Quốc to lớn và luôn mang ý đồ bành trướng. Chính thể độc tài và toàn trị đã phá hỏng nền tảng sức mạnh này của Việt Nam vì nó liên tục khiến lòng dân bất an và bất mãn. Do đó, nội trị tất phải dựa trên công an trị. Dưới bề mặt có vẻ như ổn định, xung đột sâu sắc giữa giới cầm quyền và dân chúng luôn trong trạng thái âm ỉ và có nguy cơ bùng phát. Sinh lực của dân tộc thay vì dành cho phát triển và bảo vệ tự chủ của quốc gia, lại bị dốc vào đàn áp và trấn áp. Sự hao tổn sinh lực này có thể so sánh với một cuộc nội chiến giới hạn cho dù chưa xảy ra chiến tranh giữa các thành phần dân tộc.
Một đất nước có nền Ngoại Giao cô đơn, Kinh Tế lệ thuộc, Chính Trị không phù hợp, Nội Trị bất an và tiềm ẩn nội loạn, thì vũ khí hiện đại nào có thể giúp chống ngoại xâm và giữ chủ quyền? Huống chi, sức mạnh kho vũ khí ta đang có cũng rất giới hạn so với kho vũ khí của nước đang uy hiếp chúng ta! Vậy thì, đối diện với Trung Hoa, nước duy nhất trên thế giới có ý đồ và khả năng xâm lược Việt Nam, Việt Nam chẳng những không Mạnh mà còn rất YẾU so với họ.
Dân Chủ:
một nước mà người dân không có quyền tự do ứng cử, bầu cử, không có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, không có quyền tự do lập hội, lập đảng, một nước chỉ có một đảng độc tài và toàn trị, không có Tam Quyền Phân Lập,
Nước đó có làm gì có Dân Chủ!
Bình Đẳng:
Một nước chỉ có một đảng độc tài và toàn trị, và danh sách ứng cử viên vào Quốc Hội phải được đưa ra bởi đảng độc tài đó, người dân trong nước có Bình Đẳng trong việc tiếp cận quyền lực không? Một nước mà, trong thực tế, người đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam không thể bị đưa ra tòa án (ngoại trừ khi đảng viên đó đã bị khai trừ khỏi đảng), thì dân chúng có Bình Đẳng trước Pháp Luật không?
Công Bằng:
Chính thể Độc Tài và Toàn Trị khiến quốc gia suy thoái mọi mặt, tầng lớp cầm quyền tham nhũng “không thứ gì không ăn” tạo thành một “bầy sâu tham nhũng lúc nhúc”, họ nắm hàng tỉ đô la trong một đất nước mà mức thu nhập trung bình trên đầu người khoảng hai ngàn đô la/năm. Đất nước có Công Bằng không? Một nước mà các cơ quan chính quyền cấp bộ nắm các Tổng Công ty hay Công ty rất lớn, hoạt động kinh doanh trong nhiều lãnh vực kinh tế không liên quan hay liên quan rất ít với các lãnh vực then chốt về an ninh, quốc phòng… dân chúng trong nước có được tiếp cận nguồn lực phát triển tổ quốc một cách Công Bằng không?
Một nước không Giàu Mạnh, không Dân Chủ, không Bình Đẳng, không Công Bằng, nước đó không thể gọi là Văn Minh!?
TÓM LẠI:
Nước Việt Nam không đạt một tiêu chí nào trong 5 tiêu chí của đặc trưng thứ nhất là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
————————–
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Lê Hữu Nghĩa. “Những Đặc Trưng Thể Hiện Tính Ưu Việt Của Chủ Nghĩa Xã Hội Mà Nhân Dân Ta Đang Xây Dựng”, Tham Luận tại tại phiên họp sáng 14/1 Đại hội XI của Đảng. (TTXVN/VIETNAM+) LÚC : 14/01/11 16:52.
  2. Wikipedia. List of ASEAN countries by GDP (nominal). http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_ASEAN_countries_by_GDP_(nominal)
  3. Wikipedia. Dân Chủ. http://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%A2n_ch%E1%BB%A7
____________________________________________

Đánh giá thành quả đạt được sau 39 năm xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (bài 2)

Bài 2: Về Đặc Trưng Thứ Hai và Đặc Trưng Thứ Ba

Trần Quí Cao – 141116
* Tác giả gửi bài cho VNTB
Tiếp theo bài 1 đánh giá các thành quả Việt Nam đã đạt được sau 39 năm xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, xét theo các tiêu chí của đặc trưng 1, bài này đánh giá theo các tiêu chí của đặc trưng 2 và đặc trưng 3 (1).
Đặc trưng thứ hai: do nhân dân làm chủ
Chúng ta đã minh định trong bài 1 rằng nước ta không Dân Chủ. Nay ta phân tích chi tiết hơn trong mục này.
Hiểu theo nghĩa thông dụng, Dân Chủ là Nhân Dân là Chủ của xã hội, của quốc gia. Khái niệm người chủ bao hàm ý: có các quyền tự do đương nhiên của người chủ.
Hiểu theo khía cạnh học thuyết chính trị thì:
Dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, trong đó thừa nhận Nhân Dân là nguồn gốc của quyền lực, thông qua một hệ thống bầu cử tự do. Có hai nguyên tắc mà bất kỳ một định nghĩa dân chủ nào cũng đưa vào. Nguyên tắc thứ nhất là tất cả mọi thành viên của xã hội (công dân) đều có quyền tiếp cận đến quyền lực một cách bình đẳng và thứ hai, tất cả mọi thành viên đều được hưởng các quyền tự do được công nhận rộng rãi (2).
Như vậy, hiểu theo cách thông dụng hay theo khía cạnh học thuyết chính trị, Dân Chủ luôn gắn liền với Tự Do. Không có các quyền Tự Do căn bản, Dân Chúng không thể thực hiện quyền, chức năng làm chủ của mình. Nói cách khác: nếu Dân Chúng không được hưởng các quyền tự do được công nhận rộng rãi trên thế giới thì quốc gia không có Dân Chủ. Các quyền Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Báo Chí, Tự Do Ứng và Bầu Cử, Tự Do Lập Hội, Lập Đảng là các quyền Tự Do chính yếu trong một nền Dân Chủ.
Trên thực tế, dân Việt Nam không có bất kỳ một quyền nào trong các quyền kể trên.
Ngoài ra, các nhà chính trị học còn nêu lên một thuộc tính của thể chế Dân Chủ là Tam Quyền Phân Lập. Đây là một đặc điểm chính yếu của chính thể Dân Chủ, đặc điểm này phân biệt chính thể Dân Chủ xứng danh với chính thể Dân Chủ mạo danh.
Nhà cầm quyền Việt Nam luôn khẳng định không có Tam Quyền Phân Lập. Như vậy, rõ ràng là, cùng với các quyền tự do căn bản mà người dân không được hưởng, nước Việt Nam không có Dân Chủ, không do Nhân Dân Làm Chủ.
Đặc trưng thứ ba: có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu
Đặc trưng này nói về nền kinh tế với 2 tiêu chí: lực lượng sản xuất hiện đạichế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.
Nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại.
Hãy so sánh với các nước có trình độ phát triển kinh tế xấp xỉ Việt Nam vài thập niên trước.
Chúng ta đã so sánh với Hà Quốc bên trên. Trong các tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc (SamSung, Hyundai, LG…), tập đoàn nào cũng có sản phẩm được sản xuất bởi công nghệ hiện đại, cạnh tranh ngang tay với các tập đoàn lừng danh của Nhật và Âu Mỹ… Các tập đoàn này là đối tác kinh doanh toàn cầu được nể trọng của các tập đoàn có truyền thống hùng mạnh của thế giới như General Electric (Mỹ), General Motor (Mỹ), DuPont (Mỹ), Exxon Mobile (Mỹ), BASF (Đức), Siemens (Đức), Total (Pháp)… Khi SamSung triển khai chương trình đầu tư vào Việt Nam, SamSung dành ưu tiên cho các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam cung cấp cho họ 170 sản phẩm chưa phải là cao cấp, thì Việt Nam không thể cung cấp được một sản phẩm nào!
Hãy so sánh thêm với Thái Lan, một nước có nền kinh tế phát triển chưa cao lắm. Năm 2012, ngành công nghiệp xe hơi của họ đứng thứ 9 trên thế giới, một năm sản xuất khoảng 1 triệu rưỡi chiếc xe trong khi Việt Nam sản xuất khoảng 50,00 chiếc, chỉ khoảng ba bốn phần trăm của họ (3). Với Mã Lai, một nước có nền công nghiệp phụ trợ điện tử được ưa chuộng trong khu vực, với Đài Loan, vùng lãnh thổ kinh tế có vị trí thứ tư trên thế giới về nền công nghiệp phụ trợ cung cấp linh kiện cơ khí cho thế giới… So với các nước đó, thì vị trí Việt Nam chúng ta nằm ở đâu?
Trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chúng ta xuất khẩu ở dạng thô chứ không ở dạng tinh chế. Chúng ta xuất ở vị trí thấp, thậm chí rất thấp, chứ không ở vị trí cao trên chuỗi giá trị gia tăng. Theo những đánh giá về công nghệ cao, phần đóng góp của công nghệ cao vào nền sản xuất của Việt Nam là rất nhỏ, vài phần trăm.
Việt Nam đã có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại chưa?
Nền kinh tế phát triển cao dựa trên chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu
Trên lý thuyết, Việt Nam có chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. Quả thật, các Tổng Công Ty, các Tập Đoàn Kinh Tế nhà nước bao trùm mọi mặt kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, lợi nhuận từ các tổng công ty, tập đoàn đó rơi vào túi một thiểu số cá nhân quyền lực mà người ta thường gọi là “nhóm lợi ích”. Điều quan trọng là lợi nhuận tìm được bởi các biện pháp độc quyền (thí dụ trong các ngành Điện, Nước, Xăng Dầu, Than, Khoáng Sản…), bằng các biện pháp hành chánh ưu tiên hay cưỡng bức (thí dụ trong ngành Lúa Gạo), bằng các biện pháp tham nhũng, hối lộ (thí dụ được thấy rõ trong các vụ án Vinashin, Vinalines…) chứ không phải bằng cạnh tranh bình đẳng. Lợi thì vô túi riêng của nhóm lợi ích, Lỗ thì dân gánh chịu.
Có phải những sự việc kể trên chỉ là khuyết điểm của phân bổ không công bình, không quan hệ gì với tính công hữu? Thực ra thì mục tiêu của công hữu là nhằm lo cho số đông dân chúng, nếu công hữu chỉ để một thiểu số vơ vét tài sản của số đông thì chế độ công hữu đó chỉ là chiếc áo thầy tu khoác lên mình tướng cướp. Chế độ công hữu vận hành phối hợp với chế độ độc tài sẽ gây tai hại khủng khiếp cho số đông, người dân làm ra đồng nào sẽ bị gỡ tay lấy hết đồng đó.
Hiện nay, chính sách tư nhân hóa, cổ phần hóa các công ty nhà nước đang được đầy mạnh. Trong hoàn cảnh người dân không có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, không được tiếp cận quyền lực, rất nhiều người lo ngại rằng một phần lớn “tư liệu sản xuất chủ yếu” trước đây thuộc “công hữu” và đã được tận dụng tạo “giá trị thặng dư” cho “nhóm lợi ích”, nay sẽ được “tư hữu hóa” để cho “các nhóm lợi ích” chia chác thêm nữa tài sản quốc gia.
Và như vậy, mục tiêu của công hữu nhằm, như lý thuyết nói, ngăn cản, hạn chế sự bất công, lại có tác dụng đẩy bất công và bóc lột lên một mức cao chưa từng thấy.
Xét trên khía cạnh này, Việt Nam hoàn toàn không có chế độ công hữu xứng danh, nghĩa là không có sự công hữu được thực hiện và quản lý theo những chuẩn mực xã hội văn minh hiện đại.
TÓM LẠI:
Nước Việt Nam không đạt tiêu chí duy nhất trong đặc trưng thứ hai là do nhân dân làm chủ. Và cũng không đạt hai tiêu chí của đặc trưng thứ ba là có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.
————————–
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Lê Hữu Nghĩa. “Những Đặc Trưng Thể Hiện Tính Ưu Việt Của Chủ Nghĩa Xã Hội Mà Nhân Dân Ta Đang Xây Dựng”, Tham Luận tại tại phiên họp sáng 14/1 Đại hội XI của Đảng. (TTXVN/VIETNAM+) LÚC : 14/01/11 16:52.
  2. Wikipedia. Dân Chủ. http://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%A2n_ch%E1%BB%A7
  1. Wikipedia. Automotive Industry In Thailand. http://en.wikipedia.org/wiki/Automotive_industry_in_Thailand

-ĐÁNH GIÁ THÀNH QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU 39 NĂM XÂY DỰNG XÃ HỘI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM – Bài 3

Bài 3: Đặc Trưng Thứ Tư

Trần Quí Cao
18-11-2014
Bài 1 và bài 2 đã đánh giá nước Việt Nam không đạt một tiêu chí nào trong 5 tiêu chí của đặc trưng thứ nhất là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; không đạt tiêu chí duy nhất của đặc trưng thứ hai: do nhân dân làm chủ; không đạt hai tiêu chí của đặc trưng thứ ba là có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu

Bài này sẽ đánh giá các tiêu chí của đặc trưng thứ tư (1).
Đặc trưng thứ tư: có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Đặc trưng này nói về văn hóa và có 2 tiêu chí: nền văn hóa tiên tiến, và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Nói tới Văn Hóa là nói tới một khái niệm rộng và phức tạp. Theo ông Federico Mayor, Tổng giám đốc UNESCO: “Văn Hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động”.
Nhiều nhà sử học đồng ý rằng tại Việt Nam có 3 lớp văn hóa chồng chất lên nhau, trong đó văn hóa Đông Sơn là văn hóa bản địa hấp thu văn hóa Trung Hoa và văn hóa Tây phương tạo nên văn hóa Việt Nam hiện nay.
Nền văn hóa tiên tiến
Theo ông Bùi Minh Huệ: Văn Hóa tiên tiến là chống lại tất cả những gì trái khoa học, phản tiến bộ (2).
Nói tới Khoa Học là nói tới tính rộng mở đón nhận luận điểm trái chiều, đa chiều, là nói tới tinh thần “hoài nghi khoa học”. Tinh thần “hoài nghi khoa học” cho phép một cá nhân thách thức tính đúng đắn của bất kì luận điểm, chủ thuyết nào. Một cá nhân có tinh thần và thái độ khoa học luôn đặt câu hỏi trên những gì đang có, rồi đề ra giả thuyết giải thích, vạch ra chương trình thí nghiệm hay thăm dò dư luận tìm xem giả thuyết đó đúng hay sai. Nếu giả thuyết đó đúng, nhà khoa học đóng góp vào sự tiến bộ của tri thức. Bản chất của khoa học là bản chất đa nguyên. Độc quyền tư tưởng là phản khoa học. Cấm đoán đa nguyên là phản khoa học. Bắt mọi người theo một triết thuyết và chỉ triết thuyết đó thôi là phản khoa học.
Nền Văn Hóa của Việt Nam hiện nay phản khoa học, phản tiến bộ, do đó không Tiên Tiến.
Nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc
Nước Việt Nam thuộc nhóm các nước Đông Nam Á, nền văn minh lúa nước nên có văn hóa trồng trọt, lối sống định cư, tâm lý cộng đồng nghiêng hơn về hướng nội, trọng tĩnh (so với văn hóa chăn nuôi du mục, du cư, nghiêng hơn hướng ngoại, trọng động) [xem: Trần Ngọc Thêm. Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam. Chương 2: Loại Hình Văn Hóa]. Nền văn hóa này, do nếp sống quần cư ổn định từ rất sớm, có đặc trưng nổi bật là cấu trúc làng xã, xây dựng nên “Tình Làng Nghĩa Xóm”. Trong các bậc thang giá trị tinh thần của nếp sống làng xã đó, người Việt đề cao chữ Nhân, kết hợp chặt chẽ Nhân với Nghĩa, Nhân với Đức. “Có Đức mặc sức mà ăn” hay “Kiến Nghĩa bất vi vô dõng giả”…
Người Việt nâng tục “Thờ Cúng Tổ Tiên” lên hàng tôn giáo: Đạo Thờ Ông Bà (3). Từ góc độ này, chữ Hiếu rất được coi trọng, “Công Cha như núi Thái sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn đổ ra, Một lòng thờ Mẹ kính Cha, Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con”.
Từ khi Ngô Quyền dựng nền độc lập tới nay, Trung Hoa đã chín lần đem quân xâm chiếm ta. Việc liên tục phải chống Trung Hoa đã tạo một đặc trưng văn hóa nổi bật của Việt Nam là tư tưởng chống ngoại xâm “giặc tới nhà đàn bà cũng đánh”. Giặc đây là bất cứ kẻ xâm lăng nào, hễ chiếm đất, chiếm nước, chiếm đảo ta đều là giặc. Từ thế kỉ thứ XIX trở đi, Việt Nam bị Pháp xâm chiếm. Tuy nhiên, Pháp ở xa, và với phong trào giải thực trên thế giới sau thế chiến thứ 2, sẽ không còn một quốc gia Tây phương nào tới xâm chiếm ta nữa. Trái lại, việc Trung Hoa xâm chiếm vừa là nguy cơ ngàn đời, vừa là nguy cơ trước mắt, ông cha chúng ta luôn nhắc nhở không được quên mối nguy này. Hiện nay, các quốc gia hùng mạnh như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật… đã đạt trình độ văn minh vượt lên trên các quan niệm cũ kĩ lấn chiếm đất đai, tranh giành cai trị. Họ đang sống hợp tác và cạnh tranh bằng các biện pháp “mềm” (văn hóa, chính trị, giáo dục…). Trung Hoa, trái lại, vẫn còn ở trình độ dùng các biện pháp quân sự “cứng” lấn át và xâm chiếm lân bang, một quan niệm ngoại giao chiếm đất rất lỗi thời. Cho nên dân ta càng nên giữ gìn truyền thống văn hóa “chống ngoại xâm” để giữ độc lập và tự chủ nhằm xây dựng một một nước Việt Nam dân chủ, văn minh, cường thịnh.
Như vậy tóm lại, “nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc” Việt Nam phải tôn quí các giá trị sau: a) Tình Làng Nghĩa Xóm kết hợp với Nhân Nghĩa, Nhân Đức, b) Chữ Hiếu quyện trong Đạo Ông Bà, c) Lòng Yêu Nước quyện với tinh thần Chống Ngoại Xâm.
Trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất ở Bắc Việt, nơi có văn hóa làng xóm vững chắc và đặc trưng nước ta, bà con được chính quyền tổ chức tố cáo, nhục mạ và giết nhau một cách dã man trước mắt toàn thể dân làng già trẻ gái trai và cả lứa tuổi nhi đồng! Khoảng 160-180 ngàn người chết trong các cuộc đấu tố tàn bạo.
Con cái gọi cha mẹ là mày, tố cáo cha mẹ trong các buổi đấu tố. Con cái “thành khẩn” nói xấu cha mẹ trong các bản kiểm điểm cách mạng.
Trong xã hội hiện nay, không còn hiếm nữa các hiện tượng con giết cha, giết mẹ, giết anh em, giết ông bà vì xin tiền không được, vì tranh giành tài sản, vì bị trách mắng, vì say, vì nóng giận; bạn bè giết nhau, người yêu giết nhau rồi phân thây ra nhiều mảnh bỏ từng góc phố; tài xế đụng người bị thương thì cố ý cán lên mình cho nạn nhân chết luôn để khỏi trả tiền nằm bịnh viện cho nạn nhân; cướp bóc giết người tràn lan…
Nguy cơ Trung Hoa thống trị Việt Nam ngày càng rõ rệt. Trung Hoa xua quân vào lãnh thổ Việt Nam giết gần trăm ngàn dân chúng, chiến sĩ Việt Nam. Trung Hoa xua quân chiếm đảo Việt Nam, giết gần trăm chiến sĩ hải quân Việt nam. Trước hoàn cảnh đó chính quyền lại gởi công hàm dâng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Hoa; bí mật họp với Trung Hoa tại Thành Đô hứa hẹn nhượng bộ chủ quyền thêm nữa cho họ; bào chữa cho các hành động dã man của giặc, xóa đi chứng tích chiến tranh của giặc còn tươi máu trên tấc đất và kí ức người dân; đàn áp tàn nhẫn các cuộc biểu tình ôn hòa trong nước phản đối Trung Hoa xâm lược; công khai xem giặc đang lấn chiếm biên cương là bạn…
Rõ ràng, trong xã hội Việt Nam hiện nay, các giá trị Tình Làng Nghĩa Xóm, Nhân Nghĩa, Nhân Đức, lòng Tôn Kính Tổ Tiên, Hiếu Để với Cha Mẹ, Lòng yêu Nước và Tinh Thần Chống Ngoại Xâm… đã bị tàn phá nặng nề, tàn phá tận gốc rễ. Các lời nói của giới cầm quyền về những giá trị truyền thống kể trên chỉ còn là những lời chót lưỡi đầu môi!
Người viết vẫn tin rằng các giá trị văn hóa Việt Nam vẫn còn bền chặt nơi tầng sâu tinh thần, phong tục, tập quán, tín ngưỡng… của dân tộc. Tuy nhiên, rất nhiều biểu hiện cho thấy các giá trị bị đảo lộn, bóp méo hay đánh tráo. Nếu người Việt không đấu tranh để bảo tồn, dưỡng nuôi, phát triển các giá trị đó, thì tới một ngày không xa có thể chúng ta sẽ mất tất cả.
Rõ ràng nền văn hóa chính thống trong xã hội Việt Nam hiện nay là văn hóa mất gốc, xa lạ với truyền thống dân tộc.
TÓM LẠI:
Nước Việt Nam không đạt một tiêu chí nào trong 2 tiêu chí của đặc trưng thứ ba là có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. Và cũng không đạt tiêu chí nào trong 2 tiêu chí của đặc trưng thứ tư: có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
—————-
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Lê Hữu Nghĩa. “Những Đặc Trưng Thể Hiện Tính Ưu Việt Của Chủ Nghĩa Xã Hội Mà Nhân Dân Ta Đang Xây Dựng”, Tham Luận tại tại phiên họp sáng 14/1 Đại hội XI của Đảng. (TTXVN/VIETNAM+) LÚC : 14/01/11 16:52.
  2. Bùi Minh Huệ. Tính Dân Tộc, Khoa Học, Đại Chúng Của Văn Hóa. http://baohatinh.vn/news/van-hoa-nghe-thuat/tinh-dan-toc-khoa-hoc-dai-chung-cua-van-hoa/72094.
  3. Bộ Văn Hóa Thông Tin. Nền Văn Hóa Việt Nam Đậm Đà Bản Sắc Dân Tộc. Vietnam+. 01/03/2010
http://hanoi.vietnamplus.vn/Home/Nen-van-hoa-Viet-Nam-dam-da-ban-sac-dan-toc/20103/422.vnplus
  1. Trần Đình Hượu. Đặc Sắc Văn Hóa Việt Nam. http://huc.edu.vn/chi-tiet/451/Dac-sac-van-hoa-Viet-Nam.html

-ĐÁNH GIÁ THÀNH QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU 39 NĂM XÂY DỰNG XÃ HỘI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM – Bài 4

Bài 4: Cái Nhìn Tổng Quát Về Tám Đặc Trưng

Trần Quí Cao
20-11-2014
Trong ba bài trước, chúng ta đã cùng xem xét các thành quả đã đạt được theo các tiêu chí của đặc trưng thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư (1). Và chúng ta cũng đã thấy nước Việt Nam không đạt được một tiêu chí nào của các đặc trưng nói trên. Nếu phân tích từng tiêu chí cho 4 đặc trưng còn lại, chúng ta cũng sẽ thấy thành quả đạt được rất kém.

Mục tiêu của bài này là phân tích nhanh về đặc trưng thứ 5 và đặc trưng thứ 7, để từ mở đầu đó, trình bày một cái nhìn tổng quát về tám đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà đảng Cộng Sản đang ép dân chúng phải xây dựng theo ý muốn riêng của đảng.

Đặc trưng thứ năm: con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện
Ấm No: Dân không giàu sao cuộc sống có thể ấm no? Và càng không thể ấm no khi sự phân phối của cải trong xã hội quá thiếu công bằng như đã thấy trong đánh giá về đặc trưng thứ nhất.
Hãy về nông thôn nhìn hàng vạn gia đình cha mẹ nắng mưa, con cái nheo nhóc, thu nhập trung bình hàng tháng khoảng 1,5 triệu/gia đình, hãy nhìn hàng trăm lượt người hằng ngày vượt sông bằng dây đu đánh cuộc với tính mạng; hãy quay lại thành phố ngồi ở một quán cà-phê vĩa hè để thấy hàng trăm lượt người tới van vỉ mua một tấm vé số, một cái bánh tráng nướng; hãy đến các khu nhà trọ không xa trung tâm Tp HCM, trong đó mỗi gia đình 3-4 người chen chúc trên 6-8 mét vuông, hàng chục gia đình dùng chung một nhà vệ sinh; hãy nhìn cảnh nhếch nhác đói nghèo ngay trung tâm hay rất gần trung tâm thành phố…
Tự Do: Nước Việt Nam bị đặt dưới một chính thể độc tài, không có tự do. Và số rất đông dân chúng thì nghèo khổ. Chính thể đã không có tự do, cuộc sống cá nhân lại bị trói trong vòng nghèo đói, làm sao cuộc sống có tự do?
Có Điều Kiện Phát Triển: Kinh nghiệm thế giới chỉ rằng chỉ có xã hội dân chủ tự do mới có tính khai phóng, do đó mới tạo điều kiện phát triển toàn diện cho người dân. Không ai có thể phát triển toàn diện trong điều kiện mất tự do. Hơn nữa, mất cả tự do tìm tòi học hỏi và suy nghĩ vì bị bịt mắt bởi dãy khăn đen dầy của chủ nghĩa xã hội.
Đặc trưng thứ bảy: có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo
Hai mươi bốn chữ diễn tả đặc trưng thứ bảy này chứa các mâu thuẫn không thể dung hòa nhau được.
Mâu thuẫn nội tại của cụm từ: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Nhà nước pháp quyền: là nhà nước ít nhất phải có hai đặc trưng: các cá nhân, các pháp nhân bình đẳng trước pháp luật, và Tam Quyền Phân Lập (2).
xã hội chủ nghĩa: khi có tính từ này, có nghĩa là: a) Chỉ có một đảng chuyên chính, nghĩa là độc tài, và kèm theo nó là toàn trị. Từ đó không hề có bình đẳng trước pháp luật. Người đảng viên, trên thực tế, khi chưa bị đảng khai trừ thì không thể bị đưa ra xét xử, và b) Không có Tam Quyền Phân Lập.
Có nghĩa là một đảng cai trị trên tất cả các mặt của chính quyền, cả Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp. Và quốc gia cũng cũng chỉ có một đảng này chớ không có một đảng đối lập hay cạnh tranh nào hết.
Vậy thì hai tính từ Pháp Quyền và Xã Hội Chủ Nghĩa, khi dùng chung để bổ nghĩa cho danh từ Nhà Nước, là hoàn toàn mâu thuẫn với nhau. Không khác gì mâu thuẫn giữa Dân Chủ với Không Có Tự Do.
Và như vậy thì rõ ràng không thể có một Nhà Nước vừa có tính cách Pháp Quyền vừa có tính cách Xã Hội Chủ Nghĩa, hay không thể có một Nhà Nước Pháp Quyền có tính cách Xã Hội Chủ Nghĩa.
Mâu thuẫn nội tại của cụm từ: Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo
Đã nói Nhà Nước của Nhân Dân thì Nhân Dân có quyền tối thượng. Khi Nhân Dân không muốn nhà nước của mình bị đảng Cộng Sản lãnh đạo thì giải quyết như thế nào? Muốn biết rõ ý dân, phải Trưng Cầu Dân Ý. Các chủ trương, chính sách lớn như sửa đổi Hiến Pháp, sở hữu đất đai toàn dân, định hướng xây dựng và phát triển tổ quốc… được soạn thảo rồi thực thi vội vã, khuất tất, áp đặt mà không qua trưng cầu dân ý, bất chấp ý kiến phản đối của các thành phần khác nhau trong dân chúng, cho thấy rõ thực chất nhà nước này là nhà nước của đảng, không phải của dân.
Đã nói Nhà Nước do Nhân Dân thì Nhân Dân phải có quyền chọn người mình tin yêu, tín nhiệm làm thành viên nắm các vị trí chủ chốt của nhà nước. Việc ứng cử và bầu cử được tổ chức theo cách đảng cử là hoàn toàn tước đi của Nhân Dân quyền chọn người lãnh đạo. Nhà nước này thực chất là nhà nước do đảng Cộng Sản sắp đặt, không phải do dân bầu chọn ra.
Nhà nước của đảng, do đảng thì nhà nước đó vì dân hay vì đảng? Hiện nay lòng dân và ý đảng đã rất xa nhau. Dân muốn xây dựng chính thể theo hướng Dân Chủ Tự Do và Pháp Trị, đảng Cộng Sản Việt Nam kiên quyết bảo vệ chính thể Độc Đảng Độc Tài và Toàn Trị. Dân muốn bỏ điều 4 Hiến Pháp, đảng kiên quyết giữ lại. Dân muốn Đa Nguyên, đảng muốn Nhất Nguyên, áp đặt chủ nghĩa Cộng sản trên toàn dân tộc. Dân muốn quốc gia tự chủ, không bị lệ thuộc vào Trung Cộng, đảng muốn trói buộc Việt Nam vào vòng ảnh hưởng của Trung Cộng. Dân uất ức nhìn Trung Cộng xâm lấn đất liền biển đảo, xây dựng căn cứ quân sự trên mảnh đất, mà nó mới giết dân chiếm lấy hôm qua, để làm đà uy hiếp toàn bộ nước Việt Nam, đảng xun xoe xem giặc dữ là bạn, rước giặc dữ vào nhà, nhượng thêm chủ quyền cho giặc và đàn áp tàn nhẫn những thành phần dân chúng muốn Việt Nam tự chủ…
Những gì đã xảy ra từ năm 1975 liên tục tới hôm nay cho thấy khi lòng dân và ý đảng khác nhau, Nhà nước chỉ chọn giải pháp vì quyền lợi đảng. Việc sửa đổi Hiến Pháp trong năm 2013 là một thí dụ rõ ràng cho thấy nhà nước này không vì dân, chỉ vì đảng. Do đó không thể có Nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo mà lại của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân
Cái Nhìn Tổng Quát Về Tám Đặc Trưng
Như vậy, qua các từng tiêu chí của 6 đặc trưng đã phân tích, có thể tóm tắt rằng nước Việt Nam không đạt một tiêu chí nào trong 6 đặc trưng 1, 2, 3, 4, 5 và 7. Thật ra thì cả 8 đặc trưng đều không đạt được cả. Tại sao vậy?
Bởi vì các tiêu chí đó chỉ là khẩu hiện sáo rỗng, rất xa cách với thực tế. Chắc chắn rằng ngoại trừ một con số rất rất ít, đại đa số dân chúng Việt Nam, kể cả các đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam, không ai tin rằng xã hội Việt Nam hiện nay là Dân Chủ, Công Bằng, Văn Minh (đặc trưng thứ nhất) hay Do Nhân Dân Làm Chủ (đặc trưng thứ hai), trong đó con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện (đặc trưng thứ 5). Cũng không ai tin rằng quốc gia của mình có Nhà Nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Nhưng, hơn cả sáo rỗng, các đặc trưng trên mâu thuẫn nhau, hay các tiêu chí trong một đặc trưng mâu thuẫn nhau. Và đây là mâu thuẫn loại trừ, nghĩa là có cái này thì không thể có cái kia. Nói một cách khác, cái này diệt cái kia.
Các bài trước và phần trên của bài này đã đề cập tới một số mâu thuẫn loại trừ trong tám đặc trưng này. Nếu đi tới tận cội nguồn, ta sẽ thấy cái mâu thuẫn chung nhất, cái mâu thuẫn là nguồn gốc của các mâu thuẫn loại trừ khác chính là mâu thuẫn giữa:
Dân Chủ, Tự Do và Pháp Trị với Độc Đảng, Độc Tài và Toàn Trị
Trong tám đặc trưng trên, có những tiêu chí mà nhiều nước theo thể chế Dân Chủ, Tự Do và Pháp Trị đã đạt, dân chúng các nước đó từ lâu đã được hưởng như một quyền tự nhiên của con người sinh ra là có. Các quốc gia đó có nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dân chúng thực sự là Chủ Đất Nước sống trong xã hội Dân Chủ, Công Bằng, Văn Minh, trong đó con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Tại sao sau 39 năm kêu gọi toàn dân góp sức, trong vận hội hòa bình với các thời cơ phát triển rộng mở, nước Việt Nam không đặt được tiêu chí nào trong các tiêu chí đó?
Bởi vì chính thể Độc Đảng, Độc Tài và Toàn Trị đã loại trừ, tiêu diệt các nguồn lực quan trọng của dân tộc để xây dựng và phát triển. Không chỉ tiêu diệt nguồn lực hữu hình và vô hình thông thường, nó còn tiêu diệt cả ước mơ sống và phát triển của một phần lớn dân chúng.
Sau năm 1975, các chính sách bỏ tù công chức và quân nhân chế độ Sài Gòn, triệt hạ tư sản miền Nam, triệt hạ giới công thương nghiệp, đẩy dân thành phố về vùng kinh tế mới, chế độ lí lịch nghiệt ngã trong tuyển sinh đại học… là những thí dụ cho thấy tính loại trừ, tiêu diệt đó.
Các cuộc di tản của hàng triệu người Việt Nam đánh đổi sinh mạng cả gia đình mình nhắm đào thoát khỏi chế độ này những năm 1979-1983 là một thí dụ khác.
Những cơ hội cực kì lớn lao cho sự phát triển đất nước những năm 1978 (tái lập bang giao với Hoa Kì), 1990 (đưa đất nước vào hội những quốc gia tự do dân chủ văn minh giàu mạnh)… bị bỏ lỡ không hối tiếc là thí dụ khác.
Sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Cộng, cực kì nguy hiểm cho sự tồn vong của tổ quốc, là một thí dụ khác nữa.
Trong 40 năm, đã tận diệt bao nhiêu nguyên khí tổ quốc, bao nhiêu cơ hội phát triển? đã tròng lên đầu dân tộc này bao nhiêu nguy cơ?
Đó chính là nguồn gốc của vô vàn thất bại đắng cay của dân tộc!
————————–
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Lê Hữu Nghĩa. “Những Đặc Trưng Thể Hiện Tính Ưu Việt Của Chủ Nghĩa Xã Hội Mà Nhân Dân Ta Đang Xây Dựng”, Tham Luận tại tại phiên họp sáng 14/1 Đại hội XI của Đảng. (TTXVN/VIETNAM+) LÚC : 14/01/11 16:52.
  2. Pháp Quyền. http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C%Áp_quy%É%BB%81n
Wikipedia. Rule Of Law – http://en.wikipedia.org/wiki/Rule_of_Law


-Vì sao Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa??? (*)

Nguyễn ngọc Như Quỳnh FB ( Menam)

Theo tin của Asahi Shimbun ngày 23/11, thì trong một dịp hiếm hoi, một sĩ quan cao cấp của Trung Quốc đã tiết lộ mục tiêu xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa.

Đại tá Jin Zhirui, thuộc Bộ Tư lệnh Không quân PLAAF đã nói trước Diễn đàn Hương Sơn rằng “Chúng tôi cần có căn cứ để đặt trạm radar và để thu thập thông tin tình báo”.

Tạp chí IHS Jane’s ngày 20/11 đã có bài tường thuật về tiến trình biến đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo dài tới 3’000 mét, rộng từ 200-300 mét để làm đường băng sân bay của Trung Quốc.Sinodefense trong vài ngày qua cũng đã có thành viên đưa ảnh dự án căn cứ Đá Chữ Thập lên diễn đàn để cùng bàn luận, trong đó có một đường băng, một âu thuyền cùng với kho bãi và các khu vực hỗ trợ.

Như thế, đảo Đá Chữ Thập sẽ có vai trò như là căn cứ tiền tiêu của Trung Quốc ờ biển Đông nhằm thu thập thông tin về hoạt động của tàu chiến — máy bay của nước ngoài trong khu vực.
Đối với Việt Nam, một khi căn cứ này đi vào hoạt động, thì căn cứ Cam Ranh sẽ bị án ngữ ngoài khơi, mọi hoạt động từ Cam Ranh đều có thể bị theo dõi chặt chẽ 24/24.
Bài cùa Asahi Shimbun: http://bit.ly/11Tl5Sm
Bài của IHS Jane’s: http://bit.ly/1rfroet
Nguồn : FB Hưng Phạm Ngọc
(*) Tựa mình dẫn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét