Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Việt Nam không chỉ là một màn kịch chính trị

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ Hai, ngày 17 tháng 11 năm 2014

(Reuters) – Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của quốc hội đối với các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam dường như là một việc làm vô nghĩa, vì các đại biểu tham gia bỏ phiếu hầu hết đều là đảng viên Cộng sản, và trong các lựa chọn để bỏ phiếu không có lựa chọn nào là "không tín nhiệm". 

Mặc dù sẽ chẳng có ai bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cuộc bỏ phiếu hôm thứ Bảy nhằm đánh giá hoạt động của của khoảng 50 quan chức hàng đầu cũng bắt đầu cho thấy trách nhiệm giải trình, đồng thời hé lộ chút thông tin hiếm hoi về những động thái bên trong của một đảng đang tự tìm lại chính mình sau gần bốn thập niên kiểm soát chặt chẽ.

clip_image002Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng, và người ta đang đồn rằng có sự chia rẽ nội bộ trong quan điểm phải làm gì trong tình hình hiện nay để vẫn giữ nguyên thể chế. Theo các nhà phân tích, sự chia rẽ này tồn tại giữa một bên là phe giáo điều bảo thủ và bên kia là những cán bộ nghiêng về tư bản và tự do hơn, trong nội bộ của một đảng vốn có truyền thống đồng thuận.

"Cuộc bỏ phiếu này tạo ra một sự cởi mở nhằm giảm bớt căng thẳng, nhưng rốt cuộc nó chỉ làm cho ta thấy có sự đấu đá nội bộ giữa các phe phái khác nhau", nhà phân tích chính trị nổi tiếng Nguyễn Quang A nhận định.

Dân chúng lâu nay đã âm ỉ bất bình về nạn tham nhũng, chiếm đoạt đất đai và một nền kinh tế nhà nước là chủ đạo nhưng kém hiệu quả. Những vấn đề này đã trở thành cố hữu trong nền kinh tế của Việt Nam sau một thời kỳ tăng trưởng bùng nổ, và giờ đây đang mưng mủ như muốn vỡ ra trên diện rộng, đòi hỏi phải có các biện pháp cấp thiết nhằm khắc phục chúng.

Các chuyên gia cho rằng không có thách thức nào đối với quyền lực của đảng Cộng sản trong tương lai gần. Quỹ đạo của nền kinh tế có quy mô 178 tỷ đô la này, cùng khả năng nó hiện thực hóa được tiềm năng trở thành một ngôi sao thị trường mới nổi, hoàn toàn phụ thuộc vào phe nào sẽ nắm thế thượng phong.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra chỉ hơn một năm trước một đại hội được tổ chức năm năm một lần, khi đảng Cộng sản lựa chọn người sẽ lãnh đạo bộ máy trong giai đoạn Việt Nam đang theo đuổi việc tham gia sâu hơn với thế giới phương Tây thông qua một loạt các hiệp định thương mại có tiềm năng làm thay đổi luật chơi, và đòi hỏi những nhượng bộ có thể sẽ không làm hài lòng các nhóm lợi ích khác nhau.

"Tôi không nghĩ có bất kỳ sự bất đồng nào trong việc theo đuổi các thỏa thuận thương mại lớn", ông Nguyễn Quang A nói. "Sự bất đồng chủ yếu liên quan đến việc các thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi ích của các cá nhân và các nhóm đang nắm quyền mà thôi".

Sự chia rẽ trong Quốc hội

Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu tiên diễn ra vào năm trước có thể đã phản tác dụng, vì kết quả của cuộc bỏ phiếu này càng củng cố những đồn đoán về sự cạnh tranh ngấm ngầm giữa Chủ tịch nước và Thủ tướng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ giành được sự ủng hộ của 42% tổng số các đại biểu quốc hội và bị gần 1/3 tổng số đại biểu chọn mức "tín nhiệm thấp”. Kết quả này trái ngược với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người giành được 330 phiếu tín nhiệm cao trên tổng số 498 đại biểu và chỉ nhận có 28 phiếu tín nhiệm thấp.

Các nhà phân tích tin rằng ông Dũng sẽ tìm cách đưa ra một người kế nhiệm trước khi nghỉ hưu trước đại hội năm 2016, và có lẽ tăng cường ảnh hưởng của mình trong năm nay bằng việc thúc đẩy cải cách ngành ngân hàng đang gặp khó khăn vì nợ xấu, đồng thời tư nhân hóa một phần hàng trăm doanh nghiệp nhà nước đang thua lỗ trầm trọng.

"Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm năm nay diễn ra trong bối cảnh đang có tranh cãi nặng nề trong giới lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam trước Đại hội Đảng sắp đến ... như vậy, kết quả sẽ làm sáng tỏ ít nhiều về tình hình hiện nay của nền chính trị phe phái này", Phương Nguyễn, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Washington cho biết.

"Người ta tin rằng Thủ tướng đã hồi phục từ cú đánh của năm ngoái, nếu không phải là đã củng cố được quyền lực của mình. Chúng tôi sẽ chờ xem kết quả bỏ phiếu tín nhiệm có phản ánh điều đó hay không".

Ông Dũng vừa gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ Năm, và có thể đã đạt được một số đòn bẩy quan trọng trong kế hoạch theo đuổi một mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Mỹ và thách thức Trung Quốc trong cuộc tranh chấp về chủ quyền hàng hải gần đây.

Bế tắc với Trung Quốc có vẻ đã làm sâu sắc thêm cuộc tranh luận trong nội bộ đảng về sự phụ thuộc vào nước láng giềng Trung Quốc. Điều này đã bộc lộ ra trong tháng Sáu vừa qua, khi 61 đảng viên và cựu đảng viên đã gửi một bức thư ngỏ đến Trung ương đảng Cộng sản và cho rằng sự thất bại trong việc thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc sẽ là "một tội ác đối với đất nước ". Martin Petty  
Vũ Thị Phương Anh (dịch)
(Editing by Robert Birsel)

TS. Lê Đăng Doanh: Cần “bắt đúng bệnh” của các ngân hàng

BizLIVE - “Đã có những hiện tượng không bình thường, như chủ tịch một ngân hàng vay một lượng lớn tín dụng của ngân hàng mình làm chủ tịch để đầu tư dự án; sở hữu chéo giữa các ngân hàng và doanh nghiệp; “tay không bắt giặc”, dùng vốn đi vay để chiếm đoạt ngân hàng…”, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh ...
TS. Lê Đăng Doanh: Cần “bắt đúng bệnh” của các ngân hàng 
TS. Lê Đăng Doanh.
Liệu khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% năm nay có khả thi không, theo đánh giá của ông?
Tăng trưởng tín dụng đã giảm mạnh từ mức tăng trưởng quá mức 54%/năm (2007) xuống mức 7%/năm (2012) và 12%/năm (2013), thể hiện tình trạng thăng giáng thất thường trên thị trường tín dụng mấy năm vừa qua, khi thì bơm tín dụng ra quá mức, gây ra lạm phát và tín dụng chất lượng thấp, khi thì tạo ra sự “thiếu máu” trong nền kinh tế.
Tín dụng tuy tăng trưởng rất chậm trong 9 tháng đầu năm 2014, song đến cuối năm vẫn có khả năng đạt mức 12-14%/năm, tức là trong 3 tháng cuối năm lượng tín dụng gần như tăng gấp đôi so với cả 9 tháng trước đó.
Tín dụng có thể dễ dàng bơm ào ạt cho một số công trình đầu tư, cho một số tổng công ty nhà nước để đạt chỉ tiêu đề ra, song câu hỏi cần đặt ra, theo tôi là chất lượng tín dụng.
Trong bối cảnh kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều ngân hàng thương mại hiện nay đang thừa vốn, các doanh nghiệp có lãi chỉ đạt khoảng 31%, cầu có khả năng thanh toán trên thị trường rất thấp, hàng tồn kho công nghiệp ở trên 13%, cũng cần đặt ra câu hỏi khối lượng tín dụng này cần chảy vào đâu, chất lượng tín dụng thế nào và tác động đối với nền kinh tế tích cực đến đâu.
Ông đánh giá thế nào về lời hứa đưa giá vàng trong nước về sát với thế giới của Ngân hàng Nhà nước một năm về trước, nhất là trong bối cảnh giá vàng SJC chênh tới 5 triệu trong những ngày gần đây?
Ngân hàng Nhà nước đã hạn chế kinh doanh vàng, chấm dứt tình trạng chen nhau mua vàng khi có biến động giá vàng, độc quyền việc nhập khẩu vàng và đấu thầu mua bán vàng trên thị trường trong nước và coi đó là một thành tựu góp phần ổn định thị trường ngoại hối.
Thống đốc cũng hứa sẽ mau chóng đưa chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới về mức xấp xỉ 500 nghìn VND/lượng, được coi là mức hợp lý. Tuy vậy, điều này cho đến nay chưa thực hiện được, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức rất cao, khoảng từ 4-5 triệu VND/lượng.
Chênh lệch lớn này là một cám dỗ cho buôn lậu vàng qua biên giới. Buôn lậu vàng sẽ gây ra tiêu hao ngoại tệ và hoạt động phi pháp.
Ngân hàng Nhà nước thu lãi từ độc quyền nhập khẩu vàng, và từng thông báo toàn bộ số lãi từ nguồn kinh doanh vàng được chuyển cho ngân sách. Song, thông tin về lượng vàng nhập khẩu, giá nhập khẩu, chi phí, cơ cấu giá, tỷ giá... chưa được công khai, minh bạch và hoạt động này chưa được giám sát độc lập từ Quốc hội. Việc Ngân hàng Nhà nước tự mình giám sát việc nhập và kinh doanh vàng, theo tôi là chưa hợp lý, có biểu hiện “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, nên được khắc phục.
Ngân hàng Nhà nước cũng chưa cho biết lộ trình khôi phục sàn vàng theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, khắc phục tình trạng độc quyền kinh doanh vàng như hiện nay.
Việc hạ lãi suất huy động ngắn hạn vừa qua khiến lựa chọn gửi tiền VND vào ngân hàng đã bớt đi hấp dẫn, vậy các nhà đầu tư nên bỏ vốn vào kênh nào trong thời điểm này, từ góc nhìn của ông?
Việc hạ lãi suất gửi tiết kiệm vừa qua là biện pháp giảm bớt sức ép lên các ngân hàng thương mại đang ứ thừa vốn không cho vay được, và là cơ hội mở ra cho các hướng đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ và kinh doanh.
Hướng tích cực nhất, tôi nghĩ là đầu tư vào sản xuất kinh doanh những lĩnh vực đang rất cần đầu tư như xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, du lịch, nghỉ dưỡng hay đào tạo nghề, công nghiệp và dịch vụ trợ giúp cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như Samsung... Muốn vậy, môi trường đầu tư phải được cải thiện rõ rệt như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều vụ bắt giữ những doanh nhân từng có một thời "tiếng tăm" lại rơi vào giới chủ ngân hàng, theo ông thì hệ lụy đó có nguyên nhân từ đâu, và cần làm gì từ góc độ cơ quan quản lý ngành?
Theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến nay đã có 400 nhân viên và chức sắc lãnh đạo ngân hàng trong nước bị bắt giam, khởi tố và kết án, trong khi không có nhân viên ngân hàng nước ngoài nào bị bắt giam.
Sự tương phản đau lòng này cho thấy chất lượng kinh doanh ngân hàng, vấn đề đạo đức kinh doanh là đáng báo động.
Thực trạng này cũng đặt ra câu hỏi chính đáng về chất lượng giám sát và quản lý ngành, và cũng đòi hỏi phải bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan, kể cả pháp luật về các thể chế tín dụng.
Có doanh nghiệp, cá nhân vẫn nắm quá tỷ lệ quy định về sở hữu cổ phần ngân hàng, ông nghĩ sao khi hiện tượng này vẫn tiếp diễn?
Đã có những hiện tượng không bình thường, như chủ tịch một ngân hàng vay một lượng lớn tín dụng của ngân hàng mình làm chủ tịch để đầu tư dự án; sở hữu chéo giữa các ngân hàng và doanh nghiệp; “tay không bắt giặc”, dùng vốn đi vay để chiếm đoạt ngân hàng... Tôi nghĩ, cần có sự điều tra độc lập của Quốc hội về tình trạng này để làm rõ sự thật, bắt đúng bệnh và có phương thuốc thích hợp. Càng để lâu càng phải trả giá đắt hơn. 
Nhật Vy

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI

TIN KINH TẾ

TIN DIỄN ĐÀN

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

2782. Vài đặc điểm trong các phát biểu của lãnh đạo Việt Nam

GS Nguyễn Văn Tuấn
21-07-2014
Những người lãnh đạo giỏi và có bản lĩnh họ không chỉ nói, mà còn thực hiện những gì họ nói. Ngay cả cách nói, mỗi một lần phát biểu họ đều để lại những câu mà báo chí có trích trích dẫn (quotable words) hay làm cho người nghe phải suy nghĩ vì nó có cái wisdom trong đó. Chẳng hạn như khi nói về những việc làm liên quan đến tai nạn máy bay MH17, thủ tướng Úc nói “Mục tiêu của chúng ta là đảm bảo phẩm giá, sự tôn trọng, và công lí cho người quá cố và người đang sống.” Đó là một câu có thể trích dẫn.
Nhìn lại giới lãnh đạo VN, tôi thấy hình như họ không có cái tư chất về ăn nói của chính khách phương Tây. Chính khách VN quen với đường mòn chữ nghĩa mang đậm bản chất XHCN nên họ chỉ loanh quanh những câu chữ quen thuộc. Họ không nói được cái gì cụ thể, mà chỉ xoay quanh các khẩu hiệu quen thuộc, kiểu như “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.” Đọc qua nhiều bài phát biểu của các lãnh đạo VN tôi nhận ra vài đặc điểm chính (có thể chưa đủ) như sau:

Thứ nhất là tính chung chung, không có một cái gì cụ thể. Có thể nói rằng thói quen phát biểu chung chung là đặc điểm số 1 của chính khách VN, họ không có khả năng nói cái gì cụ thể, tất cả chỉ chung chung, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Ví dụ như phát biểu “Đặc biệt là, tình hình Biển Đông hiện đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, tăng cường đoàn kết, cả nước một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.” Đọc xong đoạn văn chúng ta chẳng có thông tin nào, mà tất cả chỉ là những rhetoric tầm thường, giống như những khẩu hiệu được nối kết với nhau. Chúng ta cũng không có thêm thông tin, ngoại trừ một chữ rất chung chung là “phức tạp”. Hai chữ “phức tạp” có thể nói là rất phổ biến ở VN, đụng đến cái gì họ không giải thích được, không mô tả cụ thể được, thì họ bèn thay thế bằng hai chữ “phức tạp” mà chẳng ai hiểu gì cả. Cả một đoạn văn 74 chữ, chúng ta không thấy một ý nào cụ thể và không thể trích dẫn bất cứ câu nào.
Thứ hai là dùng nhiều sáo ngữ. Ví dụ tiêu biểu cho đặc điểm này là bài nói chuyện nhân kỉ niệm 40 năm ngày kí Hiệp định Paris: “Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.” Chú ý những chữ “mốc son”, “sử vàng”, “mặt trận ngoại giao”, tất cả đều là những sáo ngữ. Có một loại sáo ngữ khác là chúng mang tính tích cực nhưng không có ý nghĩa thực tế. Vì dụ như bài diễn văn nhân dịp kết thúc một đại hội đảng, có đoạn: “Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, tư duy lý luận về văn hóa của chúng ta đã có bước phát triển …. Nhiều phong trào văn hóa đem lại hiệu quả thiết thực. Truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng… được phát huy.” Chúng ta chú ý thấy nào là “phát triển”, “phát huy”, “hiệu quả thiết thực”, nhưng vì chúng không có một dữ liệu cụ thể nào nên tất cả chỉ là rỗng tuếch về ý nghĩa. Thật vậy, đọc xong đoạn phát biểu này chúng ta không thấy bất cứ một điểm cụ thể nào để nhớ hay để làm minh hoạ. Chẳng có một ý tưởng nào để đáng nhớ.
Một trong những sáo ngữ chúng ta hay thấy trong các bài phát biểu là “đánh giá cao”. Ví dụ như “tôi cám ơn và đánh giá cao bài phát biểu rất tốt đẹp của Ngài Thủ tướng Hà Lan”, “tôi đánh giá cao và chân thành cám ơn sự hỗ trợ của Chính phủ …”. “Đánh giá cao” hình như là một thuật ngữ đặc thù xã hội chủ nghĩa nó vẫn còn sống sót đến ngày hôm nay. Thoạt đầu nghe qua “đánh giá cao” thì cũng hay hay, nhưng nghĩ kĩ thì thấy câu này chẳng có ý nghĩa gì cả. Thế nào là đánh giá cao, cao cái gì? Tôi thấy nó là một sáo ngữ cực kì vô duyên và vô dụng.
Thứ ba là không có thông tin (lack of information). Có nhiều lãnh đạo VN quen tính nói rất nhiều, nhưng nếu chịu khó xem xét kĩ chúng ta sẽ thấy họ chẳng nói gì cả. “Chẳng nói” vì những gì họ nói ra không có thông tin, tất cả chỉ là những câu chữ lắp ráp vào nhau cho ra những câu văn chứ không có dữ liệu. Do đó, có khi đọc xong một đoạn văn chúng ta chẳng hiểu tác giả muốn nói gì. Chẳng hạn như phát biểu về hiến pháp, ông chủ tịch QH nói: “Chúng tôi cũng hiểu rằng một bộ phận, một số người trong các tầng lớp nhân dân và ngay một số ĐBQH cũng còn ý kiến khác. Tuy nhiên tuyệt đại nhân dân và Quốc hội có thể khẳng định đã đồng tình cao với bản Hiến pháp thông qua lần này. Với quyền năng nhân dân trao cho Quốc hội, chúng ta đã thể hiện được đại đa số nguyện vọng của toàn dân, của Quốc hội với tinh thần làm chủ của nhân dân, chúng ta sẽ biểu quyết theo tinh thần đó.” Câu cú và cấu trúc ý tưởng chẳng đâu vào đâu. Lúc thì quyền năng nhân dân trao cho Quốc hội, lúc thì nguyện vọng của toàn dân, của Quốc hội, lại còn đèo theo một câu “tinh thần làm chủ của nhân dân”. Câu chữ cứ nhảy nhót loanh quanh, chẳng đâu vào đâu, và cuối cùng là chẳng có gì để nói!
Thứ tư là ngôn ngữ khẩu hiệu. Có thể nói rằng rất rất nhiều bài nói chuyện và diễn văn của các lãnh đạo VN chỉ là những khẩu hiệu được lắp ráp vào với nhau. Có những khẩu hiệu quá quen thuộc nên chẳng ai chất vấn tính chính xác của nó. Ví dụ như câu “Trong niềm tự hào, chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới …”, có lẽ chẳng ai để ý đến chữ “danh nhân văn hóa thế giới”. Nếu người bình thường phát biểu như thế thì chắc người ta cũng lắc đầu bỏ qua, nhưng lãnh đạo mà phát biểu như thế thì chẳng có gì sáng tạo, chỉ lặp lại những câu chữ đã có trước đây.
Một loại ngôn ngữ khẩu hiệu khác mang tính tự hào. Tự hào là một “đặc sản” của các vị lãnh đạo VN, đi đâu cũng nghe họ nói về tự hào. Điều này cũng hiểu được, vì làm lãnh đạo thì phải gieo niềm tự hào vào người dân. Nhưng gieo không đúng chỗ và gieo mãi thì có thể trở thành phản tác dụng. Thử đọc bài diễn văn có đoạn “Chúng ta tự hào về đất nước Việt Nam anh hùng, nhân dân Việt Nam anh hùng, tự hào về những con người giản dị bằng những việc làm tốt của mình ở mọi lúc, mọi nơi đã góp phần làm nên vẻ đẹp văn hóa của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam; góp phần quyết định để xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh.” Tôi tự hỏi có cần quá nhiều tự hào như thế. Đất nước anh hùng, con người anh hùng, vẻ đẹp văn hoá, v.v. nhưng tại sao đất nước vẫn còn nghèo và phải “ăn xin” hết nơi này đến nơi khác và ăn xin kinh niên, con người vẫn còn đứng dưới hạng trung bình trên thế giới. Thay vì tự ru ngủ là anh hùng và giàu mạnh, tôi nghĩ lãnh đạo phải nói thẳng và nói thật là đất nước vẫn còn rất nghèo, tài nguyên chẳng có gì, và cả nước đang phải đương đầu với ngoại xâm.
Thứ năm là loại ngôn ngữ hành chính hoá. Nếu chú ý kĩ chúng ta sẽ thấy phần lớn những bài nói chuyện, bài diễn văn các lãnh đạo đọc là họ nói với đảng viên, với quan chức, công nhân viên, với quân đội, v.v. chứ không phải nói với người dân. Có lẽ chính vì thế mà ngôn ngữ của họ thường mang tính hành chính. Có những chữ mà hình như họ sử dụng quá nhiều nên chẳng ai để ý ý nghĩa thật của nó, như “Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đối ngoại phải tiếp tục là mặt trận quan trọng góp phần phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.” Đối với người dân bình thường, ít ai hiểu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế là cái gì. Có thể nói đó là những ngôn ngữ xa lạ đối với người dân.
Những bài diễn văn của các chính khác phương Tây thường rất sinh động, thực tế, và có khi … vui. Khán giả cảm thấy gần gũi với diễn giả. Ngược lại, những bài diễn văn của lãnh đạo VN thường cứng nhắc, công thức, và lúc nào cũng tỏ ra hết sức nghiêm trọng (dù sự việc chẳng có gì nghiêm trọng). Khán giả nghe họ đọc hơn là diễn. Một phần có lẽ do lãnh đạo VN chưa quen với văn hoá hài, và họ cũng muốn tỏ ra là người quan trọng. Dù gì đi nữa thì những bài nói chuyện của lãnh đạo VN rất khó gần với người dân do ngôn ngữ cứng đơ và kém thân thiện, và cách họ triển khai bài nói chuyện quá xa rời công chúng.
Dĩ nhiên, những đặc điểm này không phải là độc quyền của các lãnh đạo VN, mà thỉnh thoảng các chính khách phương Tây cũng vướng phải. Khi họ vướng phải, người dân biết vị chính khách đó có vấn đề, hoặc là không nắm vững vấn đề, hoặc là lúng túng. Vì không nắm vững vấn đề nên họ nói chung chung. Có người nghĩ nói chung chung là nói “đa tầng”, nhưng thật ra đó chỉ là cách nguỵ biện thô thiển. VN nói về hội nhập quốc tế, nhưng với loại ngôn ngữ đặc thù XHCN trên đây, tôi nghĩ các lãnh đạo VN sẽ rất khó gần với lãnh đạo thuộc thế giới văn minh.
Nguồn: FB Nguyen Tuan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét