Martin Petty - Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Việt Nam không chỉ là một màn kịch chính trị
(Reuters) – Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của quốc hội đối với các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam dường như là một việc làm vô nghĩa, vì các đại biểu tham gia bỏ phiếu hầu hết đều là đảng viên Cộng sản, và trong các lựa chọn để bỏ phiếu không có lựa chọn nào là "không tín nhiệm".Mặc dù sẽ chẳng có ai bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cuộc bỏ phiếu hôm thứ Bảy nhằm đánh giá hoạt động của của khoảng 50 quan chức hàng đầu cũng bắt đầu cho thấy trách nhiệm giải trình, đồng thời hé lộ chút thông tin hiếm hoi về những động thái bên trong của một đảng đang tự tìm lại chính mình sau gần bốn thập niên kiểm soát chặt chẽ .
Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng, và người ta đang đồn rằng có sự chia rẽ nội bộ trong quan điểm phải làm gì trong tình hình hiện nay để vẫn giữ nguyên thể chế. Theo các nhà phân tích, sự chia rẽ này tồn tại giữa một bên là phe giáo điều bảo thủ và bên kia là những cán bộ nghiêng về tư bản và tự do hơn, trong nội bộ của một đảng vốn có truyền thống đồng thuận.
"Cuộc bỏ phiếu này tạo ra một sự cởi mở nhằm giảm bớt căng thẳng, nhưng rốt cuộc nó chỉ làm cho ta thấy có sự đấu đá nội bộ giữa các phe phái khác nhau," nhà phân tích chính trị nổi tiếng Nguyễn Quang A nhận định.
Dân chúng lâu nay đã âm ỉ bất bình về nạn tham nhũng, chiếm đoạt đất đai và một nền kinh tế nhà nước là chủ đạo nhưng kém hiệu quả. Những vấn đề này đã trở thành cố hữu trong nền kinh tế của Việt Nam sau một thời kỳ tăng trưởng bùng nổ, và giờ đây đang mưng mủ như muốn vỡ ra trên diện rộng, đòi hỏi phải có các biện pháp cấp thiết nhằm khắc phục chúng.
Các chuyên gia cho rằng không có thách thức nào đối với quyền lực của đảng Cộng sản trong tương lai gần. Quỹ đạo của nền kinh tế có quy mô 178 tỷ đô la này, cùng khả năng nó hiện thực hóa được tiềm năng trở thành một ngôi sao thị trường mới nổi, hoàn toàn phụ thuộc vào phe nào sẽ nắm thế thượng phong.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra chỉ hơn một năm trước một đại hội được tổ chức năm năm một lần, khi đảng Cộng sản lựa chọn người sẽ lãnh đạo bộ máy trong giai đoạn Việt Nam đang theo đuổi việc tham gia sâu hơn với thế giới phương Tây thông qua một loạt các hiệp định thương mại có tiềm năng làm thay đổi luật chơi, và đòi hỏi những nhượng bộ có thể sẽ không làm hài lòng các nhóm lợi ích khác nhau.
"Tôi không nghĩ có bất kỳ sự bất đồng nào trong việc theo đuổi các thỏa thuận thương mại lớn", ông Nguyễn Quang A nói. "Sự bất đồng chủ yếu liên quan đến việc các thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi ích của các cá nhân và các nhóm đang nắm quyền mà thôi."
Sự chia rẽ trong quốc hội
Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu tiên diễn ra vào năm trước có thể đã phản tác dụng, vì kết quả của cuộc bỏ phiếu này càng củng cố những đồn đoán về sự cạnh tranh ngấm ngầm giữa Chủ tịch nước và Thủ tướng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ giành được sự ủng hộ của 42% tổng số các đại biểu quốc hội và bị gần 1/3 tổng số đại biểu chọn mức "tín nhiệm thấp”. Kết quả này trái ngược với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người giành được 330 phiếu tín nhiệm cao trên tổng số 498 đại biểu và chỉ nhận có 28 phiếu tín nhiệm thấp.
Các nhà phân tích tin rằng ông Dũng sẽ tìm cách đưa ra một người kế nhiệm trước khi nghỉ hưu trước đại hội năm 2016, và có lẽ tăng cường ảnh hưởng của mình trong năm nay bằng việc thúc đẩy cải cách ngành ngân hàng đang gặp khó khăn vì nợ xấu, đồng thời tư nhân hóa một phần hàng trăm doanh nghiệp nhà nước đang thua lỗ trầm trọng.
"Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm năm nay diễn ra trong bối cảnh đang có tranh cãi nặng nề trong giới lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam trước Đại hội Đảng sắp đến ... như vậy, kết quả sẽ làm sáng tỏ ít nhiều về tình hình hiện nay của nền chính trị phe phái này", Phương Nguyễn, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Washington cho biết.
"Người ta tin rằng Thủ tướng đã hồi phục từ cú đánh của năm ngoái, nếu không phải là đã củng cố được quyền lực của mình. Chúng tôi sẽ chờ xem kết quả bỏ phiếu tín nhiệm có phản ánh điều đó hay không."
Ông Dũng vừa gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ Năm, và có thể đã đạt được một số đòn bẩy quan trọng trong kế hoạch theo đuổi một mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Mỹ và thách thức Trung Quốc trong cuộc tranh chấp về chủ quyền hàng hải gần đây.
Bế tắc với Trung Quốc có vẻ đã làm sâu sắc thêm cuộc tranh luận trong nội bộ đảng về sự phụ thuộc vào nước láng giềng Trung Quốc. Điều này đã bộc lộ ra trong tháng Sáu vừa qua, khi 61 đảng viên và cựu đảng viên đã gửi một bức thư ngỏ đến Trung ương đảng Cộng sản và cho rằng sự thất bại trong việc thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc sẽ là "một tội ác đối với đất nước ".
Martin Petty
Vũ Thị Phương Anh (dịch)
(Editing by Robert Birsel)
(Việt Nam Thời Báo)
Kami - Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm: Việc làm chẳng giống ai?
Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn của truyền thông nước ngoài, GS.
Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh
niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có nói đại ý rằng: ở Việt nam
cái gì mấy ông lãnh đạo cũng làm ngược với thế giới, đó là nguyên nhân
chính làm cho dân mình cứ phải khổ mãi.
Liên hệ với việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội trong hai lần vừa qua
thì thấy, việc này cũng thấy đã và đang tiến hành chẳng giống ai. Điều
đó đã làm sai mục đích của việc đánh giá tín nhiệm các chức danh lãnh
đạo do Quốc hội bầu hoặc chỉ định là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả
hoạt động giám sát của Quốc hội đối với bộ máy nhà nước.
Vài nét về việc đánh giá tín nhiệm
Các khái niệm bỏ phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu bất tín nhiệm hay lấy phiếu
tín nhiệm... là những thuật ngữ để chỉ các hoạt động nghị trường ở các
quốc gia theo chế độ dân chủ nghị viện. Đó là việc làm mang tính tổng
kết sự đánh giá tín nhiệm của cơ quan Lập pháp - Quốc hội đối với cơ
quan Hành pháp - Chính phủ trong một nhiệm kỳ của Quốc hội. Việc làm
này được tiến hành thông qua một cuộc họp các Đại biểu Quốc hội chất vấn
và bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ. Việc làm này là những hoạt động
nhằm đảm bảo việc giám sát và điều chỉnh quyền lực trong cơ chế tam
quyền phân lập. Nguyên tắc đó là "Cơ quan Hành pháp - Chính phủ chỉ có thể tồn tại khi có sự đồng thuận và tín nhiệm của cơ quan Lập pháp - Quốc hội".
Mục đích lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực,
hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, giúp người được lấy phiếu tín
nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng
cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Và kết quả tín nhiệm cũng là cơ sở
cho việc đánh giá cán bộ của cơ quan có thẩm quyền và việc miễn nhiệm
chức vụ đối với người mà Quốc hội không còn tín nhiệm. Nói đơn giản là,
sau một thời gian Quốc hội giám sát hoạt động của Chính phủ, thì đến lúc
Quốc hội sẽ chỉ ra các khiếm khuyết để buộc Chính phủ phải tự xem xét
và sửa đổi đổi cách làm việc, kể cả việc thay đổi người đứng đầu hoặc
nhân sự của Chính phủ.
Việc đánh giá tín nhiệm các chức danh lãnh đạo cao cấp do Quốc hội bầu
hoặc chỉ định là một công việc hoàn toàn mới, xuất hiện lần đầu tiên vào
tháng 6 năm 2013, đó là lần đầu tiên Quốc hội Việt nam tiến hành lấy
phiếu tín nhiệm. Tuy vậy, ít ai biết rằng, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
đầu tiên trên thế giới đã từng diễn ra cách đây 232 năm tại Anh, vào
tháng 3.1782. Việc làm này của Quốc hội Việt nam dù cho đã quá chậm,
nhưng cũng vẫn được coi là một tín hiệu tốt, là điều đáng mừng thể hiện
cho sự thay đổi. Cho dù nó vẫn mang phong cách của lãnh đạo Việt nam, đó
là làm chẳng giống ai.
Ở xứ người...
Ở các quốc gia theo chế độ dân chủ nghị viện, Quốc hội là cơ quan lập
pháp, chịu trách nhiệm xây dựng và thông qua các dự luật. Thông thường,
trong Quốc hội chia làm hai phe, phe chiếm đa số bao gồm các dân biểu
của một (hoặc các) đảng cầm quyền nắm quyền thành lập Chính phủ để điều
hành hoạt động của đất nước. Và phe còn lại nắm số dân biểu của các đảng
còn lại giữ vai trò kiểm soát hoạt động của phe Chính phủ gọi là phe
đối lập. Phe đối lập đóng vai trò cốt lõi trong Quốc hội để tiến hành
giám sát các hoạt động của Chính phủ. Hoạt động bỏ phiếu bất tín nhiệm
Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ là vũ khí hết sức lợi hại của
phe đối lập, đồng thời cũng là điều bất cứ Chính phủ cầm quyền cũng luôn
luôn phải hết sức lo ngại.
Trong nhiệm kỳ của Quốc hội, thường khi nào có tối thiểu 20% dân biểu
phe đối lập không hài lòng với cách làm việc và điều hành của Chính phủ,
đặc biệt khi họ nắm được các bằng cho thấy có sự hoạt động bất minh,
trái luật hoặc có biểu hiện tham nhũng của Chính phủ. Lập tức phe đối
lập sẽ trình Quốc hội một nghị quyết, yêu cầu Quốc hội tổ chức cuộc họp
để chất vấn và bỏ phiếu bất tín nhiệm các thành viên Chính phủ bị nghi
ngờ. Công việc này thuộc thẩm quyền của phe đối lập, không bị giới hạn
về số lần hoặc bị hạn chế thời gian (số ngày họp chất vấn) cho một lần.
Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm là thủ tục cuối cùng của cuộc họp, thông qua
việc bỏ phiếu công khai (bấm nút) với các nội dung: tín nhiệm, bất tín
nhiệm, bỏ phiếu trắng (no vote).
Nội dung của cuộc họp chất vấn trước đó phải được phe đối lập gắn cùng
với nghị quyết để nghị mở phiên chất vấn Chính phủ, đó là yêu cầu chất
vấn thành viên X,Y, Z.... về các nghi vấn cụ thể A, B, C... Trên cơ sở
đó phe đối lập và phe Chính phủ sẽ trao đổi và thảo luận để đi đến thống
nhất sẽ chất vấn ai, về vấn đề gì? Song vấn đề quan trọng nhất là các
tài liệu, chứng cứ tố cáo của phe đối lập có đủ căn cứ, chứng lý đáng
phải bỏ phiếu bất tín nhiệm hay không? Cũng có trường hợp không quan
trọng thì Quốc hội chỉ chất vấn Chính phủ mà không kèm theo việc bỏ
phiếu bất tín nhiệm. Trên cơ sở đó, hai bên thống nhất cụ thể thời gian
dành cho việc chất vấn của phe đối lập, thời gian trả lời chất vấn của
phe Chính phủ. Tất cả các điều nêu trên phải được một Uỷ ban của Quốc
hội thông qua và chuẩn thuận.
Cuộc họp chất vấn này kéo dài nhiều ngày và thường kết thúc bằng việc bỏ
phiếu bất tín nhiệm cho một số thành viên của Chính phủ, kể cả Thủ
tướng. Trong trường hợp nếu các chứng cứ buộc tội của phe đối lập quá
chặt chẽ và rõ ràng thì ngay sau cuộc họp đảng cầm quyền phải cải tổ nội
các, thay các Bộ trưởng đó. Tuy vậy, kết quả để dẫn tới việc phế truất
hoặc thay thế các thành viên Chính phủ là rất hãn hữu, ít xảy ra vì số
phiếu bất tín nhiệm của phe đối lập thường không quá bán (do luôn chiếm
thiểu số). Trừ trường hợp dân biểu của một hay vài đảng trong liên minh
cầm quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm, đưa tỷ lệ bất tín nhiệm lên quá bán
thì sẽ dẫn đén việc thay đổi chính phủ. Khi đó đảng cầm quyền cũ sẽ trở
về làm vai trò đối lập trong Quốc hội.
Các cuộc họp chất vấn Chính phủ và bỏ phiếu bất tín nhiệm là sinh hoạt
chính trị quan trọng, sẽ thu hút sự chú ý và theo dõi của một bộ phận
lớn dân chúng. Do vậy, sự kiện này luôn được truyền hình trực tiếp và
đây cũng là cơ hội lấy điểm của cả phe đối lập lẫn Chính phủ. Cái quan
trọng nhất của vấn đề này là ở chỗ có tác dụng răn đe đối với các chính
trị gia nói chung và những người đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo nói riêng.
Phe đối lập thì bằng các chứng cứ, tài liệu bằng hình ảnh, âm thanh ra
sức cáo buộc và chứng minh phe chính phủ có các việc làm phi pháp và vi
phạm pháp luật, ngược lại phe Chính phủ cũng cố gắng chứng minh được
rằng, mọi cáo buộc của phe đối lập là vu cáo, giả tạo nhằm mục đích hạ
uy tín của chính phủ. Việc này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của
đảng cầm quyền và đảng đối lập, điều có ý nghĩa và sẽ ảnh hưởng rất lớn
cho cuộc bầu cử nhiệm kỳ sắp tới. Và cuối cùng, vấn đề ai đúng, ai sai,
ai là người có lỗi hay ai là người vu khống quyền phán xét cuối cùng là
thuộc về cử tri. Họ sẽ trả lời rằng họ tin ai, không tin ai qua lá phiếu
bầu của họ.
Và ở xứ mình
Việc đánh giá tín nhiệm ở Việt nam thông qua 02 bước: lấy phiếu tín
nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội thăm
dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê
chuẩn làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ của
cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Việc lấy tín nhiệm gồm 03 mức: tín
nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp. Còn việc bỏ
phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín
nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ
sở cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách
chức người không được Quốc hội tín nhiệm. Bỏ phiếu tín nhiệm có hai
mức: tín nhiệm và không tín nhiệm. Theo Nghị quyết số 35 của Quốc
hội thì lấy phiếu tín nhiệm là bước đi thứ nhất hoặc là bước đệm cho
việc bỏ phiếu tín nhiệm. Đáng tiếc là rất nhiều người trong số chúng ta
nhầm lẫn và cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là
một công việc chung với hai tên gọi khác nhau. Mà không hiểu rằng đây là
02 bước riêng biệt để phục vụ cho việc đánh giá tín nhiệm các chức danh
lãnh đạo do Quốc hội bầu hoặc chỉ định.
Hiện nay, với cách lấy phiếu tín nhiệm với 03 mức lấy phiếu tín nhiệm,
đó là tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp là cách để chọn lựa các
đối tượng yếu kém để dành cho bước tiếp theo là bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy
nhiên, cách lấy phiếu tín nhiệm ở 03 mức tín nhiệm như trên cho thấy
việc những người tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm ngay từ đầu có ý đồ
nhằm làm cho là tất cả đều được tín nhiệm, chỉ khác nhau ở mức độ cao
hay thấp. Nói một cách khác, nếu lấy phiếu tín nhiệm ở 03 mức như kể
trên thì hoàn toàn triệt tiêu cơ hội cho việc bỏ phiếu tín nhiệm, nghĩa
là việc làm theo kiểu "Đầu Voi, đươi Chuột".
Lần đầu tiên Quốc hội Việt nam đánh giá tín nhiệm các chức danh do Quốc
hội bầu hoặc chỉ định vào tháng 6 năm 2013 và chỉ dừng lại ở bước lấy
phiếu tín nhiệm. Ngay sau đó, trước ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội
cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm ở 03 mức tín nhiệm là việc làm mang
tính hình thức, không thực chất và không có tác dụng răn đe hay cảnh báo
đối với các đối tượng bị lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội đã dừng việc này
để xem xét và nghiên cứu một phương án khả thi hơn. Tiếc rằng, thay cho
việc có một giải pháp tối ưu hơn thì Quốc hội đã thay việc lấy phiếu
tín nhiệm hàng năm bằng việc chỉ lấy phiếu tín nhiệm cho một lần vào
giữa kỳ nhưng 03 mức tín nhiệm thì vẫn giữ nguyên. Không những thế việc
lấy phiếu tín nhiệm là được tổ chức trong một phiên họp kín, điều mà
được dư luận coi là một bước thụt lùi của Quốc hội Việt nam.
Việc Quốc hội chỉ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm mà không tổ chức họp chất
vấn, để các Đại biểu Quốc hội có điều kiện chất vấn các vấn đề mà họ có
nghi ngờ đối với các đối tượng lấy phiếu tín nhiệm. Đặc biệt là tổ chức
họp kín không tường thuật trực tiếp phiên họp là một thiếu sót lớn cần
được khắc phục. Nếu không sửa đổi thì mục tiêu răn đe của việc đánh giá
tín nhiệm sẽ hoàn toàn mất tác dụng.
Kết
Trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm của Đại biểu Quốc hội đối với 50 vị
lãnh đạo cao cấp của bộ máy nhà nước, thì Tổng BT Nguyễn Phú Trọng,
người được coi là nhân vật nắm quyền lực cao nhất trong bộ máy chính
quyền Việt nam không có tên trong số 50 vị lãnh đạo chủ chốt. Đây được
coi là bằng chứng ở Việt nam Đảng CSVN đứng trên tất cả, không ai giám
sát quản lý họ, kể cả Quốc hội. Điều đó cho thấy việc đánh giá tín nhiệm
đối với các chức danh lãnh đạo do Quốc hội bầu hoặc phê duyệt thực sự
đang có vấn đề.
Cách tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội Việt nam có quá nhiều điều
bất cập, có lẽ đấy chính là nguyên nhân khiến cho kết quả việc lấy
phiếu tín nhiệm của Quốc hội là một việc làm vô ích và không có hiệu quả
như mong muốn. Kết quả cuối cùng thì cũng đã thấy, tức là chẳng có ai
mất chức, hay bị cách chức như nhiều người kỳ vọng, nghĩa là mọi cái vẫn
giữ y nguyên. Đây cũng chính tồn tại lớn nhất, khi những người lãnh đạo
cũng chính là những đối tượng để lấy và bỏ phiếu tín nhiệm, còn tránh
né đến vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất đối với họ, đó là vấn đề quyền
lực.
Nguyên nhân sâu xa là do thiếu một thiết chế Tam quyền phân lập và sự
lãnh đạo toàn diện của Đảng CSVN về mọi mặt, là điều đã khiến cho Quốc
hội, Chính phủ hay các cơ quan Tư pháp cũng chỉ là một bộ phận chịu sự
lãnh đạo của Đảng CSVN. Điều đó đã làm tê liệt toàn bộ cơ chế giám sát
và điều chỉnh quyền lực đối với bộ máy nhà nước hiện nay.
Ngày 17 tháng 11 năm 2014
© Kami
(Blog Kami)
Đề nghị công khai trước dân vụ ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ
Trước Quốc hội ngày 17/11, đại biểu Lê Nam đề nghị Tổng Thanh tra
Chính phủ Huỳnh Phong Tranh làm rõ những vấn đề liên quan đến ông Trần
Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.
Thảo luận tại hội trường về việc thực hiện các Nghị quyết Quốc hội, kết
luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của
các thành viên Chính phủ, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, với
những thông tin liên quan đến cán bộ cao cấp, cần phải kịp thời công
khai cho nhân dân nắm được.
Đại biểu Lê Nam tiếp tục nói về vụ việc liên quan đến ông Trần Văn Truyền |
Vì vậy, ông Nam cho biết, buổi chất vấn tài kỳ họp trước ông có nêu ra
những vấn đề liên quan đến ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng thanh tra
Chính phủ - nhưng chưa thấy báo cáo với Quốc hội. “Nếu chỉ làm từ vai
trở xuống thì dân không tin đâu. Do vậy, khi đã đụng tới cán bộ càng cao
thì càng cần phải công khai minh bạch”, ông Nam nói.
Trả lời đại biểu tại buổi chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong
Tranh đề cập đến các vấn đề liên quan đến tố cáo, khiếu nại nhưng không
trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Nam. Ngay sau khi ông Tranh trả lời
xong, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị nói thêm về trường
hợp của ông Truyền mà đại biểu trước đó đã đề cập.
Tiếp tục phần trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho
biết, vụ việc liên quan đến ông Trần Văn Tuyền thuộc thẩm quyền quản lý
của Ban Bí thư. Tại kỳ họp 7, ông Tranh đã báo cáo trước Quốc hội, vụ
việc này Ban kiểm tra đã kiểm tra và báo cáo Ban Bí thư. Đến nay chưa có
kết luận để báo cáo Quốc hội. Sau này, nếu có kết luận và chỉ đạo của
Ban Bí thư thì Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội.
Liên quan đến khiếu nại đất đai, theo ông Truyền, nguyên nhân ở các quy
định chưa phù hợp với thực tiễn. Công tác quản lý đất đai còn nhiều yếu
kém, trình độ ý thức của một số cán bộ chưa tốt, công tác tiếp công dân,
đối thoại, làm rõ vấn đề chưa được kịp thời. Bên cạnh đó ý thức chấp
hành luật của người dân chưa tốt, nhiều trường hợp khiếu nại sai, khoảng
60%.
QUANG PHONG
(Dân Trí)
Nhức nhối sai phạm kéo dài ở Trường đại học Ngoại thương
Nhà A của Trường đại học Ngoại thương, công trình có nhiều khuất tất, đưa vào sử dụng khi chưa được quyết toán, nghiệm thu về PCCC, đã bị cháy ngày 11-1-2014. |
Thời gian qua, Báo Nhân Dân tiếp tục nhận được nhiều ý kiến bạn đọc phản
ánh và đề nghị làm rõ sự việc một số cơ quan chức năng "làm ngơ" và bao
che cho những sai phạm nghiêm trọng ở Trường đại học Ngoại thương
(ÐHNT), tác động tiêu cực đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ nhà trường và
dư luận xã hội. Ðáp ứng nguyện vọng của bạn đọc, chúng tôi tiếp tục
thông tin về xử lý vụ việc sai phạm này.
Ðể bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi xin điểm lại phần đã trình bày ở kỳ
trước. Ở các bài viết kỳ trước đã chứng minh, làm rõ những sai phạm hết
sức nghiêm trọng ở Trường ÐHNT, điển hình là sự mất dân chủ, độc đoán,
tùy tiện của Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu; sai phạm nghiêm trọng trong
thu, chi, tài chính, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sử dụng tiền thuộc
ngân sách mang dấu hiệu của tội phạm tham ô, tham nhũng, cố ý làm trái
các quy định của Nhà nước; những sai phạm trắng trợn và nghiêm trọng
trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ và quản lý học sinh, sinh
viên; sự thiếu nghiêm túc và trung thực trong thực hiện kiểm điểm theo
tinh thần Nghị quyết T.Ư 4; sai phạm nghiêm trọng trong quá trình liên
kết đào tạo, thực hiện các dự án với nước ngoài. Trong phạm vi bài viết
này, chúng tôi tập trung trình bày về việc một số cơ quan chức năng "làm
ngơ", bao che cho những sai phạm ở ÐHNT và tổng hợp những kiến nghị,
giải pháp của bạn đọc đề xuất góp phần ổn định tình hình ÐHNT trong thời
gian tới.
"Làm ngơ" và bao che sai phạm
Trao đổi với chúng tôi về tình hình Trường ÐHNT sau khi Bộ Giáo dục và
Ðào tạo thanh tra và xử lý bằng biện pháp "kiểm điểm" một số cá nhân sai
phạm, một số cán bộ của nhà trường cho rằng: Tình hình Trường ÐHNT chưa
ổn định, những người tố cáo sai phạm chưa cung cấp được đầy đủ chứng cứ
cho Thanh tra Bộ Giáo dục và Ðào tạo, vì vậy nhiều sai phạm chưa được
làm rõ và xử lý. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy, bởi lẽ đến nay
những sai phạm nghiêm trọng ở ÐHNT đã rõ, nhưng Bộ Giáo dục và Ðào tạo
vẫn chưa xử lý.
Trước, trong và sau khi đoàn Thanh tra Bộ Giáo dục và Ðào tạo làm việc
tại Trường ÐHNT, nhiều cán bộ, giáo viên nhà trường, cũng như dư luận đã
phản ánh đầy đủ những sai phạm nghiêm trọng ở Trường ÐHNT. Vì vậy,
trách nhiệm trong việc tìm hiểu làm rõ những sai phạm thuộc về Bộ Giáo
dục và Ðào tạo, chứ không phải là của những cán bộ, giáo viên tố giác
sai phạm. Hiện nay, tình hình tại Trường ÐHNT vẫn đang "nóng" bởi các
quyết định thanh tra, kiểm tra của Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu, Hiệu phó
Ðào Thị Thu Giang đối với hầu hết những đơn vị trước đây có cán bộ đấu
tranh, tố giác sai phạm (Khoa Tài chính - Ngân hàng, Khoa Ðào tạo tại
chức, Trung tâm Phát triển quốc tế, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế,
Cơ sở 2 tại TP Hồ Chí Minh).
Như vậy, ở Trường ÐHNT đang xuất hiện một "nghịch lý" là những người có
sai phạm nghiêm trọng (trong đó có Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu, Hiệu phó
Ðào Thị Thu Giang) đang chỉ đạo thanh tra, kiểm tra những người đang đấu
tranh, tố giác sai phạm của họ. Rõ ràng, tại đây đang xuất hiện dấu
hiệu của việc trả đũa, trù dập người đấu tranh chống tiêu cực!
Ngay sau khi Kết luận thanh tra số 548/KL-TTr ngày 16-7-2013 của Thanh
tra Bộ Giáo dục và Ðào tạo về việc thanh tra một số hoạt động của Trường
ÐHNT được công bố, thì đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của dư luận
và những người trong cuộc, đặc biệt là của ba trong số năm thành viên
Ban Giám hiệu và lãnh đạo hai khoa lớn nhất trường của Trường ÐHNT (Khoa
Tài chính - Ngân hàng và Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế). Bởi lẽ,
quá trình thực hiện thanh tra, Thanh tra Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã không
thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, bỏ qua những tài liệu chứng cứ,
không gặp những người tố cáo và một số cơ quan chức năng cung cấp theo
đúng quy định pháp luật, bao che một số sai phạm nghiêm trọng của lãnh
đạo Trường ÐHNT trong thu, chi tài chính, công tác cán bộ, thực hiện
nguyên tắc tập trung dân chủ.
Một trong những cơ quan đã nhiều lần "làm ngơ" trước những sai phạm ở
Trường ÐHNT, đó là Ðảng ủy Khối các trường cao đẳng và đại học, khi cơ
quan này hoàn toàn đứng ngoài cuộc, bàng quan trước những sự việc sai
phạm xảy ra ở trường này. Ngay cả sau khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
có ý kiến chỉ đạo về việc làm rõ những sai phạm ở Trường ÐHNT (Công văn
số 966/VPCP-TH ngày 30-1-2013 gửi Bộ Giáo dục và Ðào tạo), Thanh tra Bộ
Giáo dục và Ðào tạo kết luận về nhiều sai phạm tại Kết luận thanh tra
số 548/KL-TTr ngày 16-7-2013, nhưng Ðảng ủy Khối các trường cao đẳng và
đại học vẫn không thể hiện quan điểm của mình, mặc nhiên công nhận kết
quả kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng ở Trường
ÐHNT, mà không thực hiện trách nhiệm của mình trong việc yêu cầu Ðảng bộ
nhà trường và một số cá nhân thực hiện kiểm điểm lại theo tinh thần
Nghị quyết T.Ư 4.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, PGS, TS Bùi Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng
Trường ÐHNT bức xúc nói: "Thanh tra Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã bao che
cho các sai phạm một cách trắng trợn, hầu hết những nội dung trong kết
luận thanh tra là không đúng với sự thật". Ðiển hình là việc trường có
rất nhiều nguồn thu, hiện nay mỗi năm thu về gần ba trăm tỷ đồng. Ðang
nổi lên việc Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu và Hiệu phó Ðào Thị Thu Giang bí
mật các khoản chi tiền lớn đối với cả các thành viên ban giám hiệu,
xuất hiện dấu hiệu của tham ô, tham nhũng và lợi ích nhóm; để ngoài sổ
sách nhiều tỷ đồng thu được từ luyện thi sau đại học, phạt tiền sinh
viên chậm nộp học phí, tiền thu được từ một số dự án liên kết đào tạo và
khai khống tiền tỷ trong chi tiêu ngân sách Chương trình tiên tiến,...
nhưng Thanh tra Bộ Giáo dục và Ðào tạo vẫn cố tình "làm ngơ", đi đến kết
luận trường đã thực hiện công khai thu, chi tài chính cơ bản đúng theo
quy định (?).
Sự bao che của Thanh tra Bộ Giáo dục và Ðào tạo thể hiện rõ hơn ở việc
thanh tra, kiểm tra chứng từ thu tiền của giảng viên trong Chương trình
tiên tiến và Dự án Mutrap. Thời điểm lãnh đạo nhà trường thu tiền trái
phép của các giảng viên (2008-2012) thì có một số giảng viên đang học
tập ở nước ngoài (Vũ Ðức Cường, Phạm Thanh Hà, Lê Thị Thu Hường) bị làm
giả chữ ký trong phiếu thu tiền. Về việc này, đã có nhiều đơn, thư phản
ánh với thanh tra, dư luận đã nêu rõ, nhưng Thanh tra Bộ Giáo dục và Ðào
tạo vẫn cố tình "làm ngơ", bỏ qua để đi đến kết luận rằng các phiếu thu
bảo đảm đúng quy định của chế độ kế toán !?
Những sai phạm trong công tác quản lý và điều hành của lãnh đạo Trường
ÐHNT xảy ra trên tất cả các lĩnh vực quản lý, điều hành nhà trường.
Nhiều sai phạm nghiêm trọng đã được dư luận phản ánh, nhiều cán bộ và
giáo viên tố cáo thì vẫn chưa được Bộ Giáo dục và Ðào tạo quan tâm giải
quyết. Ðiển hình là: Vi phạm trong sử dụng xe ô-tô trái quy định của
Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu có dấu hiệu của tội tham ô tài sản; sai phạm
của Trưởng khoa Ðào tạo sau đại học Tăng Văn Nghĩa về việc chuyển đề thi
cao học qua in-tơ-nét; sai phạm trong việc thanh quyết toán công trình
xây dựng nhà A; sai phạm vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy ở
nhà A bị phát hiện sau vụ cháy nhà A (tháng 1-2014), sai phạm trong
việc ra quyết định đuổi học bốn sinh viên, sau đó một năm lại cho vào
tiếp tục học (2014)... Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất là vi phạm về thu
chi tài chính, sử dụng tiền ngân sách nhà nước, vi phạm nguyên tắc tập
trung dân chủ trong công tác bổ nhiệm hơn 100 cán bộ trái với các quy
định của Ðảng, Nhà nước về công tác bổ nhiệm cán bộ, nhất là sai phạm
trong bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo Phòng Thanh tra của trường.
Ðối phó đến bao giờ?
Trước những lá đơn khiếu nại và tố cáo tội phạm hình sự khẩn thiết của
các cán bộ, giáo viên Trường ÐHNT, đã có hàng chục công văn, phiếu
chuyển đơn và yêu cầu trả lời của các cơ quan Trung ương, các đoàn đại
biểu Quốc hội đến Bộ Giáo dục và Ðào tạo, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi
âm từ phía Bộ. Việc thanh tra và xử lý sau thanh tra ở Trường ÐHNT không
nghiêm túc đã gây nên dư luận cho rằng, sự việc này có khả năng sẽ
"chìm xuồng", khiến cho tình trạng khiếu nại, tố cáo hình sự ngày càng
phức tạp, gây tác hại nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển của
Trường ÐHNT.
Ðể Trường ÐHNT ổn định và tiếp tục phát triển, cần có sự vào cuộc thật
sự của các cơ quan hữu quan, khắc phục hậu quả của tình trạng thanh tra
thiếu khách quan, báo cáo, kiểm điểm theo kiểu đối phó với cấp trên và
công luận. Vấn đề đang đặt ra ở Trường ÐHNT hiện nay là còn có nhiều sai
phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu của tội phạm hình sự chưa được làm rõ và
xử lý nghiêm minh, tập trung vào dấu hiệu của tham nhũng, tham ô trong
thu chi tài chính; tiêu cực, sai phạm nghiêm trọng trong công tác bổ
nhiệm, tuyển dụng cán bộ. Vì vậy, đã đến lúc đề nghị các cơ quan bảo vệ
pháp luật vào cuộc làm rõ những hành vi sai phạm ở Trường ÐHNT.
Quốc Cảnh
(Nhân dân)
Nhật ký Lý Bằng viết về Hội nghị Thành Đô
[Năm 1986]
Ngày 26 tháng 12, Thứ Sáu, trời âm u, có mưa
Tại Đại hội VI Đảng Cộng Sản Việt Nam [ĐCSVN], Nguyễn Văn Linh được bầu
làm Tổng Bí thư Đảng, thay cho nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời hồi
tháng 7.
[Năm 1989]
Ngày 26 tháng 8, Thứ Bảy, trời âm u, có mưa
Hôm nay Việt Nam tuyên bố đã “rút toàn bộ quân đội” từ Campuchia. Điều
đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vấn đề Campuchia, cũng
quét sạch trở ngại cho việc bình thường hóa mối quan hệ Trung Quốc-Việt
Nam.
Bước ngoặt trong mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam —Hội nghị Thành Đô
[Năm 1990]
Ngày 6 tháng 6, Thứ Tư, trời hửng.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hội kiến Đại sứ Trương Đức Duy tại Bộ Quốc
phòng Việt Nam. Nguyễn hy vọng thực hiện bình thường hóa quan hệ hai
nước, hai đảng và mong muốn sớm đi thăm Trung Quốc.
Ngày 26 tháng 8, Chủ Nhật, trời âm u có mưa.
Tôi nói với đồng chí Giang Trạch Dân về việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản
Việt Nam [ĐCSVN] Nguyễn Văn Linh và những người lãnh đạo chủ yếu phía
Việt Nam đến thăm Trung Quốc với tính chất nội bộ, đồng chí Giang Trạch
Dân tỏ ý hoàn toàn tán thành.
Ngày 27 tháng 8, Thứ Hai, trời mưa.
Tôi đã báo cáo đồng chí Đặng Tiểu Bình về việc đồng chí Giang Trạch Dân
và tôi sẽ hội kiến Nguyễn Văn Linh. Xét thấy Á Vận Hội sắp cử hành tại
Bắc Kinh, mà lần gặp gỡ này bàn đến việc bình thường hóa quan hệ hai
nước Trung-Việt, là chuyện trọng đại, để tiện giữ bí mật, địa điểm hội
đàm thu xếp tại Thành Đô.
Ngày 30 tháng 8, Thứ Năm, trời hửng.
Việc đồng chí Giang Trạch Dân và tôi đi Thành Đô hội đàm với Tổng Bí thư
ĐCSVN Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, đã gửi lời
mời cho phía Việt Nam. Giờ đây hãy xem Việt Nam trả lời thế nào.
Ngày 2 tháng 9, Chủ Nhật, trời hửng.
Ba giờ rưỡi chiều, tôi đáp chuyên cơ cất cánh từ sân bay Tây Giao Bắc
Kinh, khoảng 6 giờ đến sân bay Thành Đô. Chúng tôi đi ô tô, sau 20 phút
đến Nhà khách Kim Ngưu, Bí thư Tỉnh ủy Dương Nhữ Đại đang chờ. Đồng chí
Giang Trạch Dân đáp một chuyên cơ khác đến Thành Đô sau tôi nửa giờ.
Buổi tối từ 8 giờ rưỡi đến 11 giờ, tôi và đồng chí Giang Trạch Dân trao
đổi ý kiến về phương châm hội đàm với phía Việt Nam ngày mai.
Ngày 3 tháng 9, Thứ Hai, Thành Đô, trời hửng.
Buổi sáng, tôi đến chỗ đồng chí Giang Trạch Dân cùng đồng chí tiếp tục
nghiên cứu phương châm hội đàm với phía Việt Nam chiều nay.
Buổi chiều khoảng 2 giờ, Tổng Bí thư Trung ương ĐCSVN Nguyễn Văn Linh,
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và Cố vấn TƯ ĐCSVN Phạm Văn Đồng đến
Nhà khách Kim Ngưu. Giang Trạch Dân và tôi đón họ tại nhà trệt số 1.
Nguyễn Văn Linh mặc âu phục màu cà phê, có phong thái học giả. Đỗ Mười
còn khỏe mạnh, tóc bạc phơ, mặc âu phục màu lam. Hai người này đều ở độ
tuổi 73-74, còn Phạm Văn Đồng hai mắt bị đục thủy tinh thể, thị lực rất
kém, mặc bộ đại cán màu lam, giống cán bộ lão thành Trung Quốc.
Buổi chiều, hội đàm bắt đầu, trước tiên Nguyễn Văn Linh phát biểu một
bài dài. Tuy đã tỏ ý muốn giải quyết thật nhanh vấn đề Campuchia và nói
thành lập Hội đồng Tối cao Campuchia là nhiệm vụ cấp bách trước mắt,
không nên loại bỏ bất cứ bên nào, nhưng lại tỏ ý không muốn can thiệp
vào việc nội bộ của Campuchia. Xem ra trên vấn đề Campuchia, Nguyễn Văn
Linh chỉ muốn tỏ thái độ về nguyên tắc, mà đặt trọng điểm vào mặt bình
thường hóa quan hệ Trung-Việt.
Hội đàm kéo dài một mạch đến 8 giờ tối. 8 giờ rưỡi mới bắt đầu tiệc
chiêu đãi tối. Trên bàn ăn, tôi và đồng chí Giang Trạch Dân từng người
làm việc với Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười.
Ngày 4 tháng 9, Thứ Ba, trời âm u.
Buổi sáng, chúng tôi tiếp tục họp với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam.
Đến giờ này, nên nói là các vấn đề hội nghị nêu ra đã đạt được sự đồng
thuận tương đối trọn vẹn, quyết định dự thảo biên bản hội nghị.
Hai giờ rưỡi chiều, hai bên Trung Quốc-Việt Nam làm lễ ký biên bản ở nhà
trệt số Một nhà khách Kim Ngưu, Tổng Bí thư và Thủ tướng mỗi bên đều
ký. Đây là bước ngoặt có tính lịch sử trong mối quan hệ Trung Quốc-Việt
Nam. Ngay tại lễ ký, đồng chí Giang Trạch Dân tặng các đồng chí Việt Nam
câu thơ “Độ tận kiếp ba huynh đệ tại, tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu
[Tạm dịch : Qua hoạn nạn, anh em còn đó. Gặp nhau cười, hết sạch ơn thù]
”. Đây là câu thơ của Lỗ Tấn.[1] Các đồng chí Việt Nam tỏ ý vui mừng
với việc tặng thơ này.
4 giờ chiều, chuyên cơ cất cánh về Bắc Kinh, Khoảng 6 giờ 10 đến nơi.
Đảng Cộng sản Việt Nam họp Đại hội VII
[Năm 1991]
Ngày 29 tháng 6, Thứ Bảy.
Đại hội VII ĐCSVN bế mạc, Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư, Nguyễn Văn
Linh, Phạm Văn Đồng là Cố vấn. Tinh thần cơ bản của Đại hội VII ĐCSVN là
kiên trì chủ nghĩa xã hội, cải cách kinh tế, chủ trương hữu nghị Việt
Nam-Liên Xô, Việt Nam-Trung Quốc. Tinh thần này có lợi cho việc cải
thiện quan hệ Trung-Việt.
Ngày 30 tháng 7, Thứ Ba, Bắc Kinh, trời hửng.
Buổi chiều tôi hội kiến với Đại biểu đặc biệt Trung ương ĐCSVN Lê Đức
Anh và Hồng Hà. Họ yêu cầu tổ chức cuộc gặp cấp cao Trung-Việt. Tôi nói
là để cho nhân dân hai nước có chuẩn bị, để các nước khác trong ASEAN
không đến nỗi có lo ngại, Trung Quốc-Việt Nam trước tiên nên tiến hành
gặp gỡ cấp Thứ trưởng và Bộ trưởng Ngoại giao. Còn nói về gặp gỡ cấp
cao, phía Trung Quốc cho rằng trên nguyên tắc không có vấn đề gì. Ngày
mai Tổng Bí thư Giang Trạch Dân sẽ chính thức trả lời họ. Về việc bình
thường hóa quan hệ kinh tế Trung-Việt, có thể trên nguyên tắc bình đẳng
cùng có lợi, các đơn vị đối tác của hai bên sẽ bàn bạc giải quyết, Trung
Quốc đều có thái độ tích cực đối với các vấn đề nối lại thương mại, bưu
chính, hàng không, quyết toán ngân hàng, khôi phục giao thông trên bộ.
Thực hiện bình thường hóa mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam
Ngày 5 tháng 11, Thứ Ba, trời hửng.
5 giờ chiều, đồng chí Giang Trạch Dân và tôi làm nghi thức đón Tổng Bí
thư ĐCSVN Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt thăm Trung
Quốc tại quảng trường Đông Môn bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân. Tiếp đó
chúng tôi hội đàm. Trên vấn đề Đài Loan, Đỗ Mười có thái độ rõ ràng.
Đồng chí Giang Trạch Dân nói, sau khi mối quan hệ hai nước trải qua một
khúc quanh co, hôm nay người lãnh đạo hai nước Trung-Việt có thể ngồi
với nhau làm cuộc gặp gỡ cấp cao, điều này có ý nghĩa quan trọng. Đây là
cuộc gặp kết thúc quá khứ, mở ra tương lai, đánh dấu sự bình thường hóa
mối quan hệ hai nước, nó ắt sẽ có ảnh hưởng sâu xa đối với sự phát
triển mối quan hệ giữa hai nước. Đỗ Mười nói, việc bình thường hóa mối
quan hệ Việt-Trung phù hợp nguyện vọng và lợi ích căn bản của nhân dân
hai nước, cũng có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực này và thế giới.
Tiếp đó vào tiệc chiêu đãi.
Ngày 6 tháng 11, Thứ Tư, trời hửng.
Buổi chiều, tôi hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt,
không khí hội đàm rất tốt. Trước hết tôi nói, sáng nay Tổng Bí thư Giang
Trạch Dân và Tổng Bí thư Đỗ Mười đã tiến hành cuộc hội đàm rất tốt, hai
bên đã gắng sức trao đổi mọi ý kiến. Võ Văn Kiệt có thái độ đúng trên
vấn đề Đài Loan. Trong hội đàm, tôi đã nêu ra các vấn đề nợ, biên giới,
nạn dân v.v… Hai bên đồng ý sau này sẽ bàn lại. Về việc Việt Nam đề xuất
vay tiền cho các dự án mới, tôi nhận lời trước hết sẽ khảo sát các dự
án của Việt Nam. Về vấn đề Campuchia, tôi nói hiệp định giải quyết chính
trị toàn diện vấn đề Campuchia đã ký tại Paris, việc thi hành hiệp định
này còn cần tới sự tiếp tục cố gắng của các bên.
Ngày 7 tháng 11, Thứ Năm, trời hửng.
Buổi chiều, hiệp định thương mại Trung-Việt và hiệp định tạm thời về
việc giải quyết công việc ở biên giới hai nước được ký tại Nhà khách
quốc tế ở Điếu Ngư Đài. Lãnh đạo Đảng và Chính phủ hai nước dự lễ ký
kết. Sau đó tôi và đồng chí Giang Trạch Dân nói lời tạm biệt với Đỗ Mười
và Võ Văn Kiệt. Họ sẽ đi thăm Quảng Châu, Thâm Quyến.
Tác giả: Lý Bằng | Biên dịch : Nguyên Hải
—————
Bài viết trích từ nhật ký của cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng. Nhật
ký của Lý Bằng được in thành sách dưới tên “Hòa bình Phát triển Hợp tác —
Lý Bằng ngoại sự nhật ký”, Tân Hoa xuất bản xã.
Nguồn: 李鹏日记披露1990年代中越关系正常化始末 2012年05月03日 人民网 李鹏
Đọc thêm:
Nội tình cuộc gặp lãnh đạo Trung – Việt tại Thành Đô
Hồi ký Trần Quang Cơ
Hồi ký của ĐS Trương Đức Duy về Hội nghị Thành Đô
————————
[1] Giang Trạch Dân nói câu thơ này là của Giang Vĩnh (1681-1762), nhà
thơ đời Thanh. Giang Trạch Dân quê ở Giang Loan, Vụ Nguyên (nay thuộc
Giang Tây), mà Giang Vĩnh là danh nhân lịch sử vùng này, chắc hẳn ông
biết rõ về Giang Vĩnh. Như vậy có thể Lỗ Tấn đã mượn câu thơ ấy của
Giang Vĩnh đưa vào bài thơ “Đề Tam Nghĩa Tháp ” Lỗ Tấn làm năm 1933. Ông
Cổ Tiểu Tùng Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Quảng Tây cũng nói
như Giang Trạch Dân (ND).
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
Nancy Nguyễn: '... để mỗi người có quyền bảo vệ lá cờ của mình'
WESTMINSTER, California (NV) - Một buổi chuyện trò nhỏ cùng Nancy
Nguyễn, người đã trải qua một tuần đến Hồng Kông để tìm hiểu phong trào
đấu tranh của học sinh sinh viên nơi đó, được Nhóm Đồng Hành tổ chức tại
Viện Việt Học, Westminster, vào tối Thứ Bảy, 16 Tháng Mười Một.
Nancy Nguyễn được một người biểu tình ở Hồng Kông gắn chiếc nơ vàng. (Hình: Facebook Nancy Nguyễn) |
Trong gần 2 giờ, cô Nancy Nguyễn, một người trẻ sinh sống tại miền Nam
California, tốt nghiệp đại học UCI, đã chia sẻ những điều cô nhìn thấy,
cảm nhận từ Hồng Kông trong tâm tình của một người có sự trăn trở, suy
tư về phương thức đấu tranh cho nền tự do dân chủ tại Việt Nam.
Việt Nam không thể có cuộc xuống đường như Hồng Kông
Điều được Nancy nhắc đi nhắc lại nhiều lần là, “Nếu hỏi Việt Nam có thể
có cuộc xuống đường giống như Hồng Kông hay không thì theo tôi có lẽ là
không có.”
“Mình có thể học được từ họ những điều hay gì đó nhưng cuộc xuống đường ở
Việt Nam, nếu có, sẽ khác hơn rất nhiều. Mình nhìn vào Hồng Kông bởi nó
gần với mình quá, nhưng thực tế thế giới đã có nhiều cuộc xuống đường
rồi, ở Ukraine, ở Tunisia, mới đây nhất là ở Mexico... Mỗi cuộc xuống
đường màu sắc đều rất khác nhau,” Nancy giải thích thêm.
Cũng theo cô, “Con đường đấu tranh sẽ phải do mình chọn lấy, còn cách
làm thì học hỏi từ những cuộc xuống đường khác để từ đó mình biết mình
có đặc điểm gì, có sở trường sở đoản gì để mình xác định con đường đi
cho mình, chứ mình không thể đi theo đúng con đường của họ.”
Qua những trải nghiệm từ Hồng Kông, cũng như bằng kinh nghiệm bản thân
trong kinh doanh, Nancy nhận xét, “Thực sự Hồng Kông đã xuống đường rất
nhiều lần, trải dài suốt mười mấy năm nay nhưng không thành công. Mình
thấy thế giới thực sự chỉ biết đến một sự kiện khi nó đã ở đến tầm vóc
quốc tế, thành ra khi mình nhìn thấy nó tức nó đã ở chặng cuối cùng
rồi.”
“Xuống đường là giải pháp cuối cùng của đấu tranh. Bởi khi đã nhắm vào
việc xuống đường thì mình phải sẵn sàng mọi thứ hết rồi, nghĩa là phải
có tổ chức, đoàn thể, có xã hội dân sự để mình hướng dẫn cho người dân
hiểu hơn về những điều mình quan tâm, để đến khi mình kêu gọi xuống
đường thì tất cả đều đã sẵn sàng, chứ không phải kêu gọi biểu tình mà
mình chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Thêm nữa, khi nền kinh tế còn nghèo
nàn và lạc hậu thì có dân chủ không có nghĩa là có sự thịnh vượng, nên
phải chuẩn bị cho những điều như vậy.”
Biểu tượng đấu tranh: Sẽ nảy sinh một cách tự nhiên khi sự kiện xảy ra
Nói về biểu tượng của “chiếc dù” trong cuộc biểu tình tại Hồng Kông,
Nancy giải thích theo những điều cô biết, “Lúc đầu cảnh sát dùng hơi cay
để tấn công người biểu tình, nên dù đã được dùng để che. Chiếc dù được
dùng làm biểu tượng từ đó, mặc dù về sau những hóa chất mà cảnh sát dùng
để trấn áp người biểu tình thì dù không còn có tác dụng bảo vệ được
nữa.”
Với chiếc nơ vàng được đeo trên áo những người biểu tình thì theo Nancy,
“Nơ là biểu tượng chung của quốc tế về niềm hy vọng (hope), còn màu
vàng từ xưa giờ là biểu tượng của dân chủ (democracy). Nơ vàng tức là
'Hope for Democracy.'”
“Điều khâm phục ở đây chính là tinh thần sáng tạo của họ. Cái gì cũng có
thể trở thành công cụ tuyên truyền được hết, từ cây dù cho đến cái nơ,”
Nancy nêu cảm nghĩ.
Với thắc mắc của một thính giả tham dự về việc “người biểu tình Hồng
Kong có khẩu hiệu không?” cô nói, “Có hay không tôi không dám đoan chắc
nhưng suốt một tuần ở đó thì tôi không thấy họ hô khẩu hiệu, cũng không
có cờ xí gì hết.”
Cô tâm sự, “Trước khi sang Mong Kok, tôi luôn nghĩ một cách hiển nhiên
là đi biểu tình phải có cờ, phải hô khẩu hiệu, không nghĩ gì có thể khác
hơn. Tôi cũng nghĩ đến ngày Việt Nam cùng nhau xuống đường thì sẽ như
thế nào? Cờ vàng cờ đỏ đứng chung nhìn có vẻ không đẹp mắt. Suy nghĩ
hoài nhưng khi qua tới nơi thì hoàn toàn không thấy người ta phất cờ. Họ
chọn một biểu tượng hoàn toàn mới cho cuộc đấu tranh. Mình thấy đó là
một hướng mở, một hướng đi mới.”
Một thính giả khác góp ý, “Trước 75 khi xuống đường người ta không cầm
cờ, vì chỉ có một lá cờ duy nhất thôi thì họ đâu cần cầm nữa. Ra đến hải
ngoại khi đi biểu tình, chúng ta luôn cầm cờ vì đó là biểu tượng cho
chúng ta là người lưu vong.”
“Vấn đề cờ cần được xác định trong mục tiêu đấu tranh. Đó là biểu tình
đấu tranh cho mục tiêu sinh tồn của dân tộc hay mục tiêu đấu tranh cho
một thể chế chính trị,” một vị khác nêu suy nghĩ.
Nancy cho rằng, “Trước khi cuộc biểu tình xảy ra, không ai nghĩ đến biểu
tượng của cái dù. Cũng như mình từng nghĩ khi Việt Nam có cuộc biểu
tình tương tự thì mình sẽ chọn biểu tượng gì đây. Nhưng từ Hồng Kông
mình thấy, khi cuộc biểu tình nổ ra thì tự nó sẽ nảy sinh ra biểu tượng
một cách rất tự nhiên và được sự ủng hộ của tất cả mọi người tham gia.”
Thông điệp từ một người trẻ gốc Việt
Trả lời câu hỏi của nhật báo Người Việt về việc “Nancy Nguyễn sang Hồng
Kông cũng như những gì chia sẻ trong cuộc trò chuyện này là với tư cách
cá nhân hay thuộc về một tổ chức nào?” Cô cho biết, “Tôi không dám đại
diện cho bất cứ ai và cũng không là thành viên của tổ chức nào. Tôi chỉ
có thể nói với tư cách cá nhân - cá nhân một người trẻ, tiếng nói của
một người trẻ mà tôi ví như một chiếc lá, nhưng cũng có thể còn hàng
triệu chiếc lá khác cũng muốn cất lên tiếng nói của mình.”
Và trong tinh thần của cá nhân một người trẻ có nhiều tâm tư về đất
nước, quê hương, Nancy cũng có những thông điệp muốn được gửi đến mọi
người, “Thứ nhất, dân chủ không có nghĩa là thịnh vượng. Thứ hai, cần
phải tập trung hơn nữa để phát triển xã hội dân sự, bởi vì đó là nền
tảng của xã hội dân sự sau này. Chúng ta không thể nào đòi hỏi dân chủ
mà chúng ta không có một nền tảng. Khi đã có xã hội dân sự rồi thì việc
đạt được dân chủ sẽ dễ dàng hơn, vững vàng hơn.”
“Điều cuối cùng,” cô nhấn mạnh. “Nếu chúng ta là người Việt quốc gia,
chúng ta tôn trọng cờ vàng, chúng ta nghĩ cờ vàng đại diện cho tự do,
đại diện cho dân chủ thì tôi thiết tha mong mỏi chúng ta đấu tranh cho
dân chủ, cho tự do! Chúng ta không đấu tranh để bảo vệ tư tưởng của mình
mà hãy đấu tranh để mỗi người có quyền bảo vệ tư tưởng của họ.”
“Không nên đấu tranh để chỉ bảo vệ cho lá cờ của mình mà nên đấu tranh
để mỗi người đều có quyền bảo vệ lá cờ của mình. Đó là tự do, đó là dân
chủ,” cô kết thúc buổi trò chuyện khi đồng hồ điểm 9 giờ tối.
Ngọc Lan
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét