Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Có thực sự tín nhiệm được cuộc "Bỏ phiếu tín nhiệm"?

Có thực sự tín nhiệm được cuộc "Bỏ phiếu tín nhiệm"?

Các quan chức lãnh đạo nhà nước tham gia bỏ phiếu tín nhiệm
Các quan chức lãnh đạo nhà nước tham gia bỏ phiếu tín nhiệm (15 tháng 11, 2014)
Quốc hội Việt Nam vừa công bố kết quả tín nhiệm đối với 50 chức danh chủ chốt và trong ba ngày 17,18 và 19 tháng 11 cơ quan này cũng tiến hành chất vấn một số bộ trưởng và thủ tướng chính phủ về công tác điều hành đất nước.

Đối với người dân thì các hoạt động như thế có thực sự hiệu quả không và cần phải làm gì hiện nay để đưa đất nước vượt qua những khó khăn để phát triển.
Hoạt động hình thức
Truyền thông trong cũng như ngoài nước đều loan tin nhanh chóng kết quả bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra tại Quốc hội Việt Nam vào chiều ngày 15 tháng 11 vừa qua ở Hà Nội. Có nhận định cho rằng việc làm đó là vô nghĩa vì hai lý do thứ nhất hầu hết những đại biểu tham gia đều là đảng viên cộng sản và thứ hai trong ba lựa chọn bỏ phiếu không có lựa chọn ‘không tín nhiệm’.
Giáo sư- Tiến sỹ y khoa Nguyễn Văn Tuấn tại Australia trên trang blog cá nhân có bài phân tích về kết quả bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội Việt Nam vừa qua. Ông viết ‘Kể ra cách thức soạn thang điểm như thế này chẳng những phi khoa học mà còn thể hiện một sự ngạo mạn và khinh thường công chúng. Ngạo mạn vì thang điểm là cách nói ‘Chúng tôi làm như thế các anh làm gì được tôi. Khinh thường là vì có thể người soạn thang điểm có thể nghĩ rằng công chúng đều ngu dốt nên mới dám cho ra thang điểm một chiều’.
Nhà báo Phạm Thành tại Hà Nội thì cho rằng lần thứ hai quốc hội Việt Nam bỏ phiếu tín nhiệm như vừa qua cũng chỉ là một việc làm hình thức nhằm chứng tỏ cơ quan lập pháp này của chính phủ Việt Nam có hoạt động. Tuy nhiên ông đánh giá:
Về mặt hình thức trên bề nổi thì có thể mới: mới ở việc tiến hành một số nội dung, và mới ở phát biểu của đại biểu này, đại biểu kia. Ví dụ như trước đây chỉ có mỗi ông Nguyễn Tiến Dũng đưa ra thông điệp dân chủ, đổi mới, hội nhập với thế giới văn minh phương Tây. Bây giờ thêm được ông nữa là ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư. Ông này có tư tưởng mới nói rằng muốn thay đổi thể chế mà cứ giữ con người như thế này thì chẳng thay đổi được.

Rồi việc lấy phiếu tín nhiệm đương nhiên không có gì mới, cũng như mọi khi thôi. Có thể những người còn đang gắn bó với với đất nước này như ông Lê Đăng Doanh, bà Phạm Chi Lan theo dõi rất sát các diễn biến của những ông ấy, cũng như tình hình kinh tế. Họ phân tích ngược, phân tích xuôi để tìm ra sự thật, nhưng theo tôi nghĩ những điều đó cũng chẳng đi đến đâu, chẳng tác động gì đến các ông ở trên đó hoặc các nguyên thủ lãnh đạo. Họ có những chủ đích rõ ràng của họ, cho nên bản thân tâm thế của tôi cũng rất chán nản vì bản chất của họ cũng chẳng có gì thay đổi đâu. Như ngày xưa người ta nói ‘voi bắn súng sậy’ thế thôi. Bản chất họ không thay đổi đâu!
Chị Lê thị Kim Thu, một dân oan khiếu kiện đất đai và bị tù tội do phản ứng trước cách làm trái luật của chính quyền địa phương, cho rằng những đại biểu quốc hội đang họp ở Hà Nội không hề được người dân bầu lên một cách tự nguyện nên hoạt động của họ cũng không đại diện cho quyền lợi người dân. Chị này bày tỏ:
Họ phân tích ngược, phân tích xuôi để tìm ra sự thật, nhưng theo tôi nghĩ những điều đó cũng chẳng đi đến đâu, chẳng tác động gì đến các ông ở trên đó hoặc các nguyên thủ lãnh đạo. Họ có những chủ đích rõ ràng của họ, cho nên bản thân tâm thế của tôi cũng rất chán nản vì bản chất của họ cũng chẳng có gì thay đổi đâu
Nhà báo Phạm Thành
Tôi hoàn toàn không còn tin tưởng nữa, từ năm 2006 tôi không hề cầm phiếu đi bầu họ. Vì từ năm 2001 tôi đã ra Hà Nội để kêu oan. Trong một ngày từ 7 giờ sáng chúng tôi phải ‘đón’ đoàn xe đại biểu quốc hội đi dự họp tại quảng trường Ba Đình Hà Nội. Rồi trưa 11 giờ họ trở ra ăn cơm và 1:30 trở lại họp; một ngày chúng tôi đón bốn lần như thế. Quốc hội (nguyên tắc) do dân bầu nhưng họ đâu làm gì được cho dân đâu. Một năm quốc hội họp hai lần nhưng họ cũng không giải quyết được gì cho dân. Nếu họ giải quyết thì những người dân như tôi ở lâu ngày, lâu năm tại Hà Nội khiếu kiện về đất đai đã được giải quyết lâu rồi. Họ đâu giải quyết, mà ‘tàn nhẫn’ hơn nữa khi họ ngồi trên xe, nhìn xuống thấy công an đánh dân đi ‘đón’ đại biểu quốc hội, họ cười.
Trong khi đó thì một trí thức lớn tuổi như giáo sư Nguyễn Đình Cống, thuộc Đại học Xây Dựng Hà Nội thì cho rằng việc quốc hội Việt Nam tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm không thu hút được sự quan tâm của bản thân ông. Ông nói:
Xin lỗi, tôi không quan tâm, không quan tâm chuyện phiếu tín nhiệm. Trên facebook của tôi, tôi có viết một bài ngắn nói về cách đưa tin thế thôi, chứ còn nội dung, kết quả ông này được bao nhiêu phần trăm tôi không quan tâm lắm. Tôi cũng chỉ biết rằng có một số ông như ông Đinh La Thăng có tăng lên, rồi Nguyễn Kim Tiến vẫn ở hạng bét, một số người làm bên Quốc hội có vẻ cao, còn bên này ( chính phủ) thì thấp… Tôi xem chuyện đó không đáng quan tâm.
Khả năng và yêu cầu thay đổi
Trước tình hình đất nước hiện nay, nhà báo Phạm Thành đưa ra nhận định về khả năng dẫn đến những thay đổi cho tình hình tại Việt Nam hiện nay:
Thứ nhất là sự đấu đá trên thượng tầng phải quyết liệt hơn nữa, các phe nhóm phải phân rã mạnh hơn nữa thì mới dẫn đến một sự thay đổi thực sự. Hai nữa là nguyên nhân đấu đá đó phải là một nền kinh tế bị khủng hoảng, bị be bét đẫn đến đời sống của người làm công ăn lương, nông dân cùng cực thì mới có thể thay đổi được. Đó là một trong những đặc điểm của dân Việt Nam, không bị dồn đến chân tường thì không vùng lên. Chứ còn người ta không khao khát đấu tranh cho một xã hội tiến bộ, dân chủ của của xã hội Việt Nam ngày càng tốt hơn thì tâm lý đó của người Việt Nam còn rất ít. Bản chất của họ là mưu cầu đời sống vật chất tối thiểu thôi; chứ để lý tưởng hóa đưa dân tộc Việt Nam lên, ý thức về quyền của mình thì dân Việt Nam ít lắm.
Chị Lê thị Kim Thu thì cho rằng cần phải có những người đại biểu thực sự do dân bầu ra thì những người đó mới làm việc vì quyền lợi của dân:
Phải thay đổi từ bộ máy đảng cộng sản. Tất cả quyền lực đều do đảng nắm, đảng chỉ đạo hết nên cơ quan quốc hội cũng không phải là cơ quan độc lập, cũng phải dưới sự chỉ đạo của đảng vì ‘đảng cử, dân bầu’; nên đảng cử ra, dân không bầu họ vẫn ngồi được ‘ghế’ đó. Chỉ khi nào họ là người được thực sự dân cử, dân bầu thì lúc đó họ mới làm được theo tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định chủ nghĩa cộng sản Mác- Lê ninh đã lỗi thời cần phải bỏ đi, ông phát biểu:
Càng ngày càng thấy rõ con đường mà đảng theo, chủ nghĩa mà đảng theo; nói toẹt ra chủ nghĩa Mác- Lê nin, con đường cộng sản sai quá rồi. Có dám thay đổi không, có dám đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hay không?
Trong thời gian qua, một số quan chức Việt Nam như thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng lên tiếng thừa nhận những khuyết điểm trong điều hành đất nước; thế nhưng việc sửa chữa những khiếm khuyết như thế vẫn không hiệu quả. Chưa có cá nhân quan chức nào phạm khuyết điểm, làm sai tự giác từ chức. Mọi lỗi phạm đều bị quy cho cơ chế, nhưng rồi cơ chế gây ra bao sai phạm như lâu nay vẫn tồn tại không được thay đổi.
Gia Minh
(RFA)

15/11 – Phép thử xoa dịu và PR chính trị

Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 15/11 đã diễn ra “thành công tốt đẹp”, theo đúng nghĩa mà các vị đại biểu quốc hội (ĐBQH) và bản thân phần lớn các vị lãnh đạo chủ chốt kỳ vọng.
Lấy phiếu chính là xoa dịu
15/11 là kết quả của việc Nghị quyết 35 không được “sửa, bổ sung, và thông qua” tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2014) trước đó vì “những bất cập, hạn chế vướng mắt” khiến cho các “ĐBQH thấy cần có thời gian để nghiên cứu kỹ hơn”, dù rằng, Nghị quyết 35 là cơ sở văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất cho việc lấy phiếu tín nhiệm.
Nhưng rõ ràng, đã có sự thống nhất cao trong việc bỏ phiếu tín nhiệm.
Ít nhất, một số dư luận cho là vài con chốt đã được thí. Điển hình là trung tâm của bão dư luận – Bộ trưởng Bộ Y tế!
Như việc Bộ trưởng Ngoại giao có số phiếu “tín nhiệm cao” cao hơn Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Công an.
Nhiều cơ quan truyền thông cho đó là “kết quả rất hay”. Điều này không thể chối bỏ, bởi nó phản ánh đúng sự kỳ vọng của ĐBQH đối với các chức danh lãnh đạo trong việc xử lý các vấn đề của đất nước. Tất nhiên, đều trên nền tảng quán triệt tinh thần mà ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở vào chiều ngày 6/6/2014 rằng: “Lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò, tham khảo trong đánh giá cán bộ. Bỏ phiếu tín nhiệm là bỏ phiếu bất tín nhiệm, làm tiếp hoặc thôi.”
Và quan trọng hơn cả là, thuật ngữ “lấy phiếu tín nhiệm” bắt đầu từ hội nghị TƯ 4 với ý muốn thường xuyên có những động tác cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa, để cho mỗi cán bộ khi làm chức trách của mình thì tự soi, tự sửa là chính.”
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương, cũng đã từng đọc tờ trình về sửa đổi, bổ sung nghị quyết của QH lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong tháng 6 trước đó, nhấn mạnh ưu điểm của lấy phiếu tín nhiệm chính là “tạo được cơ chế giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm có thời gian, điều kiện để khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác”.
Chính điều đó đã bác bỏ cái đa số “đề nghị 2 mức độ” trong lấy phiếu tín nhiệm là: tín nhiệm và không tín nhiệm. Dù gọn gàng, rõ ràng, nhưng lại thiếu tính thực tế, ít nhất là nó trái cái tinh thần của Nghị quyết Hội nghị TƯ 4. Điều đó thật khôi hài, nhưng biết làm sao được, khi “Cương lĩnh Đảng quan trọng hơn cả Hiến pháp”.
Việc làm đó là bình thường, đặt trong thể chế Việt Nam. Và không nên hóa lạ nó.
Cái hay nữa của cuộc lấy phiếu tín nhiệm là 15/11 đã thể hiện sự nhanh nhạy của các ĐBQH, thông qua việc xoa dịu tạm thời đối với các nỗi bức xúc xã hội trong thời gian qua. Và cũng là để báo chí nhà nước có cơ hội biện bạch rằng, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đã diễn ra công bằng, công tâm và dân chủ.
Do đó, ở một mức độ nào đó, hãy nhìn 15/11 bằng cái nhìn “tích cực” thay vì “hình thức”. Đừng kỳ vọng một cái gì đó đột phá, tất cả buộc phải theo một quy trình cho phép, đảm bảo sự an toàn về mặt nhân sự cấp cao. Đó cũng là lý do vì sao, dù quyền bỏ phiếu tín nhiệm được bổ sung vào điểm 7, Điều 84 của Hiến pháp 1992, nhưng đến năm 2013, mới bước đầu đi vào “hiến định”.
Lại nhân chuyện cao thấp, qua kỳ lấy phiếu tín nhiệm này. Nó cho thấy một khía cạnh lý tình của các ĐBQH.
Nếu tháng 6/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình với 209 phiếu. Người đứng thứ hai về số phiếu tín nhiệm thấp là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận với 177 phiếu và bản thân ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đội sổ thì năm nay, hai ông đã vượt lên.
Tại sao lại thế? Lý do không nằm ở các ĐBQH có xu hướng đánh giá theo chiều hướng tích cực – nghĩa là sửa sai của các chức danh lãnh đạo hơn là cách họ điều hành công việc. Cái lý của ĐBQH cao hơn cái tình. Thực vậy, giả như các ĐBQH cho ông Thủ tướng thấp, thì chẳng những không kiềm chế được ông ta, mà ngược lại một số người e rằng càng thúc đẩy ông ta phá nát chế độ. Do đó, “động viên, khuyến khích” đối với những tín hiệu khả quan, dù nhỏ, là một sự lựa chọn đúng đắn.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nhận định, “Mỗi ĐBQH thể hiện chính kiến của mình trong phiếu tín nhiệm, nhưng thái độ chung là sự động viên và mong muốn QH, cử tri sẽ hỗ trợ để mỗi ngành đó sẽ có chuyển biến trong thời gian tới”.
Nói đi cũng phải nói lại, cái quy trình chính là đi từng bước, chậm mà chắc, “gỡ dần chứ không thể gỡ ngay”, như ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nhận xét. Trong tình trạng hình thức lấy phiếu, thời điểm lấy phiếu, cũng như quy trình xử lý hệ quả của việc lấy phiếu vẫn giữ nguyên trạng.
Ngay như việc các vị ĐBQH thể hiện sự tín nhiệm với Thống đốc NHNN, cũng là thể hiện cái nhu cầu muốn có sự cải thiện dần về nợ công và nền tài chính quốc gia, vốn gây nóng trên bàn nghị trường thời gian qua mà thôi.
Trong hoàn cảnh mà đến bản thân các vị ĐBQH cũng chưa được thông tin đầy đủ về cá nhân lãnh đạo thì làm sao họ có thể đánh giá đầy đủ, khách quan, công tâm cho được.
Do đó, không lạ khi các ĐBQH lắng nghe ý kiến cử tri, “rồi những người ở gần những vị ấy”, sau cùng mới tới “sự quan sát của bản thân”, như ĐB Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) thừa nhận khi đánh giá những người được lấy phiếu.
Suy cho cùng, tự trọng đối với chức danh chủ chốt không bằng trách nhiệm và lương tri của ĐBQH.
Lấy phiếu tín nhiệm là PR chính trị
Câu hỏi được đặt ra tiếp sau cuộc lấy phiếu tín nhiệm ngày 15/11/2014 có “phản ánh đúng” tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, mong đợi của cử tri không?
Có, nhưng không thực chất và thiếu tính lâu dài. Bởi kết quả của số phiếu trồi sụp phiếu tín nhiệm có thể được định hướng bởi yếu tố chính trị gia quyền lực nhất Việt Nam (Nguyễn Tấn Dũng) và sức mạnh của truyền thông, khả năng PR chính trị của mỗi người, trong đó ông tư lệnh ngành GTVT quá tài, trong khi “O Tiến” thì quá kém. Sự định hướng truyền thông chính trị phát huy tác dụng mạnh mẽ trong môi trường mà các vị ĐBQH trở nên “phụ thuộc” vào nó, ngay như ĐBQH Dương Trung Quốc cũng chia sẻ rằng, nguồn đánh giá của mình là thông tin qua báo chí, dư luận xã hội.
Nó cho thấy rằng, tính trách nhiệm hay không trách nhiệm trong lá phiếu cũng phụ thuộc một phần vào tính đúng sai của truyền thông.
Ai làm chủ được truyền thông, người đó sẽ nắm một phần cơ hội thắng. Bộ trưởng Thăng đã làm rất tốt điều đó, khi ông từng có vết chàm khi làm bên Tập đoàn dầu khí, nhưng từ khi làm tư lệnh ngành GTVT, ông đã “ý thức” bằng sự năng nổ trong công tác kiểm tra, giám sát ngành. Ở góc độ nào đó, thì đấy chính là sự PR chính trị trước thềm Đại hội Đảng hơn là một sự quan tâm thực sự. Nó giống như việc ông kiểm tra đường bằng tay, để rồi sau đó, con đường ấy nứt toác ra.
Ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là người “được lòng” các vị đại biểu quốc hội (ĐBQH) lẫn những người dân, bởi những lời nói hoa mĩ vì dân, vì nước của ông. Nhưng cái địa vị hữu danh vô thực không cho phép ông làm được nhiều như thế. Dù sao ông cũng đem lại chút hứng khởi tạm thời trong lòng dân đang ly tán.
Một ông Thủ tướng Chính phủ với sai phạm hàng loạt về điều hành kinh tế và cuộc chiến chống tham nhũng, cam kết nợ công dưới mức trần 65%, nhưng ngay sau đó đã có cảnh báo nâng mức trần lên 67%. Nhưng có sao đâu, vì ông ta vẫn là chính trị gia quyền lực nhất Việt Nam hiện nay.
Tất cả cho thấy tính tạm thời, nhưng dù sao, “những hình thức gì mà nó có một chút tiến bộ, thì đó là một điều chúng ta nên hoan nghênh,” ông Alan Phan nói.
“Các vị ĐBQH đã thực hiện trọng trách cao cả của mình, vừa mang ý nghĩa chính trị, vừa mang ý nghĩa pháp lý, làm việc thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác khi tiến hành lấy phiếu”, ông Chủ tịch Quốc Hội nhấn mạnh.
Chúng ta đã chờ hơn 70 năm để thấy cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên, thì chờ thêm một thời gian nữa cũng không có gì quá đáng. Nhất là sự thay đổi của Nghị Quyết 35 trong kỳ họp lần sau.
Trong gian phòng mang cái tên kiêu hãnh một thời – Diên Hồng, nằm trong tòa nhà Quốc Hội trị giá 7.000 tỷ, người ta tiến hành vở kịch công phu có tên “lấy phiếu tín nhiệm”. Nhưng kịch cũng đem lại những tiếng cười sảng khoái, chứ không đến nỗi vô dụng lắm. Điều đó tốt trong tình trạng mà sức người tàn, lực nước kiệt qua nền kinh tế với nạn thất nghiệp tràn lan, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, nợ công nâng trần…
Liên Sơn
(Việt Nam Thời Báo)

Lá phiếu tín nhiệm: Đại biểu Quốc hội sao ông dốt thế?

Trước một ngày khi tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm 50 lãnh đạo cao cấp tại Nghị trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có đăng đàn phát biểu với nội dung mang đến cảm giác là “răn đe” các ông nghị.
Nhạy cảm nên cấm cửa truyền thông
Theo đó, “các vị đại biểu cần cảnh giác với thông tin không chính thức, loại ra thông tin chưa đủ căn cứ để đánh giá tín nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, “các chức danh được lấy phiếu do Quốc hội bầu và phê chuẩn là những đồng chí được Quốc hội tin tưởng giao nhiệm vị lãnh đạo nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của chúng ta nên có thể nói là rất nhạy cảm”.
“Do tính chất nhạy cảm như vậy, nên đồng bào cử tri cả nước đặt niềm tin ở từng vị đại biểu, nên phải tiến hành rất thận trọng khách quan, công tâm”, Chủ tịch nói.
Đầu giờ sáng ngày 15-11, có lẽ do khuyến cáo “nhạy cảm” của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nên trong một thông cáo báo chí được phát đi từ trung tâm báo chí kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, các cơ quan thông tấn báo chí được đề nghị không tham dự và đưa tin khi ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu lấy phiếu tín nhiệm sẽ diễn vào chiều 15-11. 
Chỉ sau ít phút các báo đưa tin về đề nghị không đưa tin khi công bố kết quả kiểm phiếu lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, đề nghị này đã được gỡ khỏi thông cáo báo chí của Trung tâm Quốc hội.
Đổi mới… như cũ
Nhắc lại vụ việc trên để bình tâm thấy rằng kết quả về những con số “tín nhiệm thấp” cao nhất với 192 phiếu là Bộ trưởng Bộ Y tế, thấp nhất là Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với 9 phiếu, Chủ tịch Quốc hội nhận 52 phiếu “tín nhiệm thấp”, Thủ tướng nhận 68 phiếu còn Chủ tịch nước là 20 phiếu…, đều mang tính… “tham khảo”, chứ không mấy liên quan đến năng lực của từng cá nhân mang trọng trách.
Trước tiên, với việc cả ba khối hành pháp – tư pháp – lập pháp được “trộn chung” cho lá phiếu tín nhiệm, thì góc nhìn khác nhau, yêu cầu khác nhau, nên so sánh “20 phiếu tín nhiệm thấp” của Chủ tịch nước với “68 phiếu tín nhiệm thấp” của Thủ tướng, rồi tạm kết là chức trách công vụ của Thủ tướng kém hơn Chủ tịch nước là một khập khiểng.
Đó là chưa nói đến chuyện lấy phiếu vẫn… “đổi mới như cũ”, tức là vẫn đánh giá tín nhiệm theo ba mức, thì có thể cử tri sẽ ngần ngại khi dành phiếu “tín nhiệm cao” cho Quốc hội.
Không nghe cử tri lẫn đại biểu Quốc hội thì làm sao tín nhiệm?
Trước khi diễn ra phiên họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có một tháng để tiếp xúc cử tri nơi ứng cử. Ghi nhận từ báo chí cho thấy, vấn đề chủ quyền quốc gia, vấn nạn tham nhũng – đặc biệt là tham nhũng chính sách thể hiện ở lợi ích nhóm, luôn được cử tri lên tiếng và đòi hỏi Chính phủ lẫn Đảng Cộng sản phải quyết liệt hơn trong đối sách và biện pháp hữu hiệu.
Tuy nhiên khi nhìn vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm 50 đại biểu cao cấp, tỷ lệ được ra khó thuyết phục đây chính là đại diện cho tiếng nói của cử tri.
Đơn cử Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, 340 phiếu “tín nhiệm cao”. Bốn tháng trước, phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng ngày 19-6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) tha thiết đề nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết về Biển Đông và “tha thiết đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ quan điểm của mình”.
“Nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố nào về Biển Đông thì nhân dân sẽ rất hoang mang, còn dư luận thế giới thì sẽ băn khoăn về việc này và đặt ra câu hỏi tại sao nghị sĩ các nước lại phải lên tiếng về các vấn đề trên Biển Đông” - đại biểu Nghĩa bày tỏ.
Ông Nghĩa cho biết là toàn bộ chương trình ở Nghị trường không có mục nào dành cho Biển Đông.
“Tôi tin rằng nhân dân sẽ rất thất vọng nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông. Không riêng tôi mà rất nhiều cử tri và các tầng lớp đồng bào, từ người dân bình thường đến cán bộ lão thành đều mong Quốc hội phải có một động thái chính thức”. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thiết tha “năn nỉ”.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) và Bùi Thị An (Hà Nội) bày tỏ đồng tình với kiến nghị của luật sư Trương Trọng Nghĩa. Theo bà An, vừa qua có nhiều vấn đề lớn Thường vụ Quốc hội đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến đại biểu. Vì vậy, bà hy vọng Thường vụ sẽ lắng nghe đề xuất của ông Nghĩa, nếu cần có thể phát phiếu thăm dò đại biểu.
Tuy nhiên người đứng đầu Quốc hội Việt Nam đã từ chối. Trong lúc đó, ngày 10-7, với toàn bộ phiếu thuận, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua Nghị quyết mang mã số S.RES.412 về Biển Đông yêu cầu Trung Quốc quay lại nguyên trạng trước ngày 1-5-2014.
Đại biểu Quốc hội sao ông dốt thế?
Cũng nói thêm, trên cương vị là người đứng đầu Quốc hội, cho thấy tiếng nói của cử tri thông qua người đại diện của mình ở Nghị trường cũng chưa được Chủ tịch Quốc hội lắng nghe.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nói rõ rất đồng tình với nhiều đại biểu chỉ nên để hai mức. “Tôi không thể nào thông suốt được đối với giải thích việc để ba mức tín nhiệm nhằm thể hiện tính thận trọng trong công tác cán bộ”. Cũng theo đại biểu Cương, thận trọng hay không là ở mỗi đại biểu, mỗi người.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) kể là cử tri rất khen việc lấy phiếu tín nhiệm, đây là bước tiến mới, thể hiện rõ quan điểm của Quốc hội để đánh giá, nhận xét cán bộ. Còn lấy phiếu tín nhiệm với ba mức thì cử tri rất chê, “có cử tri nói với tôi rằng là đại biểu Quốc hội sao ông dốt thế? Tôi hỏi tại sao dốt, cử tri trả lời phiếu nhiều là cao, phiếu ít là thấp, có gì đâu phải ghi tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp ở đây”.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho biết, qua tiếp xúc cử tri, đại đa số ý kiến cho rằng chỉ lấy phiếu ở hai mức, nếu để 3 mức thì chỉ là cách dung hòa, “không ông nào quá 2/3 tín nhiệm thấp hết”. “Đại đa số cử tri cho rằng làm như thế không thực chất, chỉ nên để hai mức tín nhiệm và tín nhiệm thấp thôi”, Phó chủ tịch Quốc hội nói. Đề xuất này cũng nhận được sự tán thành của Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không chỉ vẫn quyết “3 mức”, mà còn cho rằng “rất nhạy cảm” và xuýt chút nữa đã là trong nhà đóng cửa dạy nhau…
Người ta có quyền nghi ngờ lá phiếu tín nhiệm của các dân biểu trên Nghị trường.
    Nguyễn Cao
(Việt Nam Thời Báo)

Trung Quốc trấn đèo Hải Vân: Trách nhiệm Thủ tướng

danang.gov.vn.jpg
Hầm Hải vân
Thừa Thiên-Huế đẩy quả bóng trách nhiệm cho Thủ tướng về việc cho phép nhà đầu tư Trung Quốc khai thác 200 ha đất ở vị trí chiến lược trên đèo Hải Vân.
Nhà phản biện độc lập TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS cho rằng, cho dù Thủ tướng chịu trách nhiệm vì đã phê duyệt qui hoạch, thì nay cũng là lúc phải thu hồi ngay lập tức giấy chứng nhận đầu tư cấp cho doanh nghiệp Trung Quốc, trao quyền cho họ thực hiện dự án nghỉ dưỡng nằm ở vị trí chiến lược, có thể khống chế vịnh Đà Nẵng và chia cắt đất nước. Từ Hà Nội TS Nguyễn Quang A nhấn mạnh:
“Chắc chắn phải như vậy nếu ông ấy đã ký thì phải có trách nhiệm, về việc không nhìn ra thì có thể có nhiều lý do, một lý do là do sơ xuất vì sơ xuất là chuyện con người. Nếu mà là sơ xuất thì có thể bỏ qua mà chỉ có thể đánh giá là năng lực hơi kém. Còn nếu không phải là sơ xuất mà biết mà vẫn làm như thế thì trách nhiệm càng nặng hơn.”
Phát biểu gay gắt của TS Nguyễn Quang A được ghi nhận tiếp sau thông tin: ngày 14/11/2014 ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định với VnExpress rằng Thừa Thiên-Huế làm đúng qui định của Nhà nước. Suốt hai tuần qua trên báo chí, Thừa Thiên-Huế đã lập luận rằng, dự án 200 ha ở mũi cửa Khẻm, nơi núi Hải Vân vươn xa nhất ra biển Đà Nẵng là nằm trong Qui hoạch chung về xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế đến hết năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1771 ngày 5/12/2008.
Chính quyền Thừa Thiên - Huế không trả lời dư luận về việc Dự án mũi Cửa Khẻm giao cho nhà đầu tư Trung Quốc nằm ở vị trí chiến lược khống chế vùng trời, vùng núi, vùng biển Đà Nẵng và nếu xảy ra chiến tranh sẽ chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 16. Chính quyền Thừa Thiên-Huế chỉ biện giải về khu vực tranh chấp địa giới giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Theo các chuyên gia địa phương nào quản lý mũi Cửa Khẻm không phải là điều quan trọng, cốt lõi ở đây Thừa Thiên-Huế đã bỏ qua vấn đề an ninh quốc phòng trao quyền khai thác 200 ha cho nhà đầu tư nước ngoài trong vòng 50 năm, mà cụ thể là doanh nghiệp Trung Quốc.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc hiện nghỉ hưu ở Hà Nội đã phản ứng mạnh mẽ về điều ông là góp phần làm tăng nguy cơ mất nước. Ông nói:
“Những chỗ tốt đẹp có vị trí chiến lược lại cứ bán cứ để cho Trung Quốc làm dự án trong khi mình có thể làm được, như thế là các anh ấy không suy nghĩ và chỉ thấy có tiền thôi. Tôi cho là chỉ thấy có tiền, nhiều tỉnh cũng thế thôi nghĩa là chỉ thấy có tiền mà không thấy cái nguy hiểm cho đất nước.”
Từ đầu tháng 11, chính quyền Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng rút giấy phép đầu tư mà Thừa Thiên-Huế cấp cho Công ty Thế Diệu của Trung Quốc từ năm 2013 để xây dựng một quần thể nghỉ dưỡng du lịch chiếm 200 ha ở mũi Cửa Khẻm, nơi núi Hải Vân vươn ra xa nhất trên biển Đà Nẵng. Hai lý do Đà Nẵng đưa ra là vị trí chiến lược ảnh hưởng an ninh quốc phòng và dự án nằm trên vùng tranh chấp địa giới giữa hai địa phương.
Ngày 17/11/2014, Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5 được VnExpress trích lời khẳng định đèo Hải Vân là khu vực trọng điểm quân sự  cấp độ 1 được Chính phủ quy định. Đất tại khu vực này muốn  làm bất cứ việc gì phải báo cáo và được sự nhất trí của Bộ Quốc Phòng để xin ý kiến của Thủ tướng. Tướng Chiêm nhấn mạnh, Thừa Thiên - Huế tự động cho doanh nghiệp nước ngoài vào xây dựng khu nghỉ dưỡng là “dứt khoát không được”.
Chuyện thu hồi giấy phép
31102-a2740-400.jpg
Vị trí dự án khu nghỉ dưỡng World Shine
Đáp câu hỏi của chúng tôi là chính quyền Việt Nam có vẻ không chú ý tới yếu tố an ninh quốc phòng khi kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế và để đến khi dư luận lên tiếng lúc đó mới tính chuyện sửa sai. Nhà phản biện TS Nguyễn Quang A nhận định:
“Tôi nghĩ cũng không hẳn hoàn toàn như vậy. Nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam rất quan tâm tới vấn đề an ninh quốc gia, người ta có những qui trình rất chặt chẽ về những chuyện như vậy. Nhưng thực tế người ta có thể lách những qui trình ấy một cách rất ngoạn mục, hoàn toàn do ý định của người ta mà thôi. Ngay cả việc hủy một dự án, bất kỳ dự án nào cũng có hàng trăm điều kiện mà tôi tin là không có nhà đầu tư nào không vi phạm đến khoảng 30% các điều kiện qui định trong giấy phép. Nếu người ta muốn thì có thể dẫn chiếu bất kể một cái lỗi nào đấy của nhà đầu tư và người ta có thể hủy cái giấy phép ấy mà chẳng cần phải đền bù gì cả, bởi vì ông đã vi phạm qui định.”
Việt Nam có chính sách trải thảm đỏ mời gọi đầu tư để phát triển kinh tế, người Trung Quốc chọn được nhiều vị trí mà dư luận cho là nhạy cảm về an ninh quốc phòng là vì nhờ các mánh lới đặc biệt. Làm thế nào để giảm bớt tình trạng nguy hiểm này. TS Nguyễn Quang A trả lời câu hỏi này:
Nếu chúng ta kỳ vọng vào những người cánh hẩu với Trung Quốc để người ta bớt đi thì không bao giờ cả, số người như thế ở Việt Nam không phải là ít. Chỉ có mỗi một cách như vừa rồi là dư luận của công chúng, của các giới khác nhau, kể cả những người đương quyền mà còn thực sự lo lắng cho vận mệnh đất nước. Những người ấy, các thế lực ấy phải lên tiếng và chỉ có như thế mới có thể chặn được những sự móc ngoặc với những thế lực nước ngoài mà để làm tổn hại đến đất nước mà thôi.”
Được biết, Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và giao 200 ha đất ở mũi Cửa Khẻm cho Công ty Trung Quốc Thế Diệu từ tháng 10/2013 với thời hạn 50 năm. Thế Diệu đã giải ngân 80 tỷ để khởi sự thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng du lịch có tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Tại Cửa Khẻm nơi núi Hải Vân vươn ra biển xa nhất, nhà đầu tư Trung Quốc sẽ xây dựng khu nghỉ mát tiêu chuẩn 5 sao với 450 phòng, một trung tâm hội nghị quốc tế 2.000 chỗ ngồi, khu nhà nghỉ dưỡng năm tầng với 220 căn hộ cao cấp, 350 biệt thự và khu du lịch, nhà hàng bãi tắm. Dự án này được triển khai theo ba giai đoạn từ 2013 đến 2023, Thế Diệu đã xây dựng trụ sở điều hành dự án tại khu vực Cửa Khẻm. Còn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết đã chi 50 tỷ đồng mở con đường 5 km vào Cửa Khẻm.
Cho tới ngày 17/11/2014 chưa có thông tin về việc thu hồi giấy phép dự án đầu tư trên núi Hải Vân của doanh nghiệp Trung Quốc. Nhưng báo chí phản ứng dư luận hết sức gay gắt đòi dừng ngay dự án vì ảnh hưởng an ninh quốc phòng, đặc biệt có yếu tố Trung Quốc. Theo ý kiến chuyên gia một quyết định hợp lòng dân là điều Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải tính tới trong giai đoạn này.
Nam Nguyên
(RFA)

Lê Diễn Đức - Công Lý chỉ là diễn viên hài thật

Cuốn sách "Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014", của Nhà xuất bản Lao Động -Xã Hội, phát hành năm 2014, có trang bìa được minh hoạ bằng ta61m hình photoshop một người đàn ông cơ bắp mặc quần sà lỏn được ghép khuôn mặt của diễn viên hài Công Lý, tay cầm cán cân công lý, đã làm xôn xao lư luận xã hội.
Khi có sự phản ứng của dư luận, người chịu trách nhiệm xuất bản, ông Nguyễn Huy Chánh, Trưởng đại diện Nhà xuất bản Lao động - Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cuốn sách đã có lệnh thu hồi từ cách đây mấy tháng!
Còn ông Nguyễn Hoàng Cầm, Giám đốc Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, cho hay cuốn sách này do chi nhánh Nhà xuất bản ở thành phố Hồ Chí Minhthực hiện, nên ông đang chờ báo cáo của lãnh đạo chi nhánh phía Nam.
Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản cho biết, đây là lần đầu tiên Cục Xuất bản xử lý sự cố kiểu này và đã yêu cầu Nhà xuất bản Lao động - Xã hội thu hồi toàn bộ những cuốn sách đã in, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đội ngũ biên tập và sẽ ra văn bản kết luận xử lý vụ việc này trong ngày 18 tháng 11, 2014.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Giám đốc NXB Lao động – Xã hội cho biết, Nhà xuât bản Lao động - Xã hội có liên kết với Nhà sách Lao động để xuất bản và phát hành cuốn: “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành”. Ngay sau khi nhận được bản lưu chiểu thì phát hiện ra các sai sót nên đã yêu cầu Nhà sách Lao động không được phát hành và thu hồi toàn bộ sách hồi bằng văn bản ngày 22/7
Thế nhưng cuốn sách đã in vẫn ung dung có mặt trên thị trường 1.000 cuốn và đến ngày 17 tháng 11 chỉ mới thu hồi được 270 cuốn.
Của cấm là của ngon, càng cấm người ta càng háo hức muốn biết. Chỉ cần tới tay người đọc, dù chỉ một ngày cũng đã đạt mục đích.
Trong hệ thống kiểm duyệt khắt khe của chế độ cộng sản Việt Nam vẫn thường có những lỗ hổng mà một số người trong ngành xuất bản tận dụng được.
Nhiều tờ báo có bài về chủ đề nhạy cảm, đụng đến "vật thiêng" của chế độ, ví dụ như tờ Tuổi Trẻ từng nói Hồ Chí Minh có vợ, hoặc một lần khác công bố một cuộc thăm dò dư luận xã hội cho thấy giới trẻ yêu thích Bill Gates nhiều hơn hắn Hồ Chí Minh hay tướng Giáp, phát hành ra, báo đã nằm trên các quầy bán lẻ, mới có lệnh thu hồi.
Nhiều cuốn sách cũng có số phận tương tự, ví dụ như "Xách ba lô lên và đi" của Huyền Chip, "Sát thủ đầu mưng mủ", "Đồng dao dành cho trẻ mầm non" hay thậm chí “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất.
Một số sách có nhiều liên hệ xấu đối với chính sách của đảng Cộng sản Viêt Nam, thuộc vùng cấm, cũng lọt lưới kiểm duyệt, được đưa ra thị trừơng vài ngày mới có lệnh thu hồi, ví dụ như "Thời của thánh thần" của Hoàng Minh Tường.
Tôi không cho đây là một "tai nạn nghề nghiệp" như vị lãnh đạo nhà xuất bản nói, mà là một việc làm có chủ tâm rõ ràng. Tác giả của trang bìa cuốn sách muốn biến văn bản pháp luật của nhà nước Việt Nam thành một trò cười, mỉa mai vào cái thứ công lý chẳng bao giờ thấy trên mảnh đất này.
Nụ cười châm biếng cũng là thứ vũ khí sắc bén mà người dân thường vận dụng trong các chế độ toàn trị. Nó cũng tựa như những câu thơ dân gian, những bài hát đồng giao hoặc chuyện tiếu lâm.
Chả thế mà trên Facebook bạn "Mai Hằng" chia sẻ: "Hay ý nhà xuất bản là 'Công Lý' ở nước ta chỉ là diễn viên hài". 
"Minh Nguyen" rất ủng hộ ý tưởng độc đáo này: "Hay quá! Người biên tập chọn một danh hài để làm bìa cho công lý ở nước ta, ai cũng chê, còn mình thì thấy được cái tâm của người biên tập. Rất cám ơn!".
"V. Nguyễn" lại cho rằng người biên tập đã "quá dũng cám, dám nói lên sự thật"!
Công lý của nhà nước cộng sản VIệt Nam là cái án tù chung thân về tội giết người "có tính chất côn đồ" bằng tra tấn, ép cung cho ông Nguyễn Thanh Chấn của Toà án tỉnh Bắc Giang. Sau 10 năm ngồi tù ông mới được minh oan. Không có sự thật nào bi hài hơn!
Công lý là tất cả các phiên toà xét xử những người tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, được thông báo công khai nhưng an ninh mật vụ dày đặc ngăn chặn, đánh đập, bắt giữ những người muốn đến tham dự, thậm chí cả người thân trong gia đình. Các bản án thì tuỳ tiện với cùng một tội danh bị áp đặt, được quyết định trước cho từng trương hợp cụ thể, đưa từ trên xuống!
Công lý ở đâu khi những người nông dân bị mất đất không nơi ăn ở, khốn khổ đi khiếu nại và trở thành nhửng kẻ ăn mày (công lý) chuyên nghiệp!
Luật sư Ngô Bá Thành, cựu Phó Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam, Uỷ viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Vịet Nam, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Quốc hội, Đại biểu Quốc hội từ 6, khóa 8 và khóa 10 đã có một câu nói nổi tiếng mô tả một thứ công lý man rợ của nhà nước cộng sản Việt Nam: "Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!".
Còn cựu Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Trịnh Hồng Dương, cựu Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, đại biểu Quốc hội Việt Nam khoá IX và khoá X, đã từng phát biểu trước Quốc hội rằng: “Luật của ta xử thế nào cũng được”. Câu phát biểu này đã đi vào huyền thoại trong nền pháp lý cộng sản Việt Nam.
Vậy, bìa của cuốn sách muốn nói Công Lý là diễn viên hài, đã thể hiện rõ thực chất nền tư pháp của chế độ, chính xác 100% cả nghĩa đen và nghĩa bóng!
© Lê Diễn Đức
(Blog RFA)

Trần Vinh Dự - Bong bóng chứng khoán trở lại?

Thị trường chứng khoán ở Việt Nam còn khá non trẻ so với thế giới và quy mô của thị trường này còn rất nhỏ (khoảng trên dưới 50 tỷ USD so với con số này ở thị trường chứng khoán Hong Kong là 3150 tỷ USD). Thế nhưng nó cũng đã trải qua một số thời kỳ thăng giáng rất mạnh, và rất đặc trưng ở những thị trường mới nổi.
Nếu như những năm 2004-2007 là những năm “vàng” của chứng khoán Việt Nam thì 2008-2012 là những năm đen tối. Sau khi bị cú sụp đổ ngoạn mục khiến VnIndex giảm từ hơn 1000 điểm về chỉ còn hơn 200 điểm, trong suốt 5 năm trời, chỉ số này chỉ loanh quanh ở ngưỡng 350 tới 500. Gần đây nhất là vụ suy sụp của thị trường năm 2012 trực tiếp do vụ bắt nhà tài phiệt Nguyễn Đức Kiên và cựu Tổng Giám đốc ngân hàng ACB ông Lý Xuân Hải. Các vụ bắt giữ này khiến chỉ số VnIndex trên thị trường chứng khoán Việt Nam chìm sâu dưới mức 400 điểm trong một thời gian dài.
Giờ đây, có vẻ như các nhà đầu tư đã lấy lại được sự bình tĩnh và lạc quan vốn có. Thị trường chứng khoán trong 2 năm 2013 và 2014 đã tốt lên rất nhiều, đặc biệt là năm 2014. Từ đầu năm đến nay tốc độ tăng trưởng của thị trường đạt 19% (VN-Index) và 28% (HNX-Index), đưa VN vào top đầu các thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nhất thế giới của năm 2014.
Sự phục hồi cũng thể hiện qua mức tăng giá trị giao dịch với giá trị giao dịch bình quân mỗi ngày trong 9 tháng đầu năm của toàn thị trường đạt 2.900 tỷ đồng/ngày, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã dẫn đến sự bứt phá ngoạn mục về doanh thu của các công ty chứng khoán. Đơn cử như công ty chứng khoán SSI trong 9 tháng đầu năm 2014 đã đạt mức doanh thu 1.300 tỷ đồng, tăng 134.2% so với cùng kỳ năm 2013. Tỷ lệ này ở công ty chứng khoán HSC cũng đạt 47%.
Nhiều nhận định cho rằng lực đẩy của TTCK của giai đoạn này là các nhà đầu tư nước ngoài. Số tiền nước ngoài đổ thêm vào TTCK VN đang tăng lên nhanh chóng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, tổng khối lượng mua ròng của khối ngoại đã đạt tới 328 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị mua ròng đạt hơn 7.084 tỷ đồng (hơn 337,35 triệu USD), gấp 2,8 lần so với mức mua ròng 2.472 tỷ đồng của 6 tháng cuối năm 2013, và tăng 62,6% so với mức 4.356 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2013.
Theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, thí dụ Mark Mobius, TGĐ của Templeton Emerging Market Group (hiện đang quản lý khoảng 40 tỷ USD đầu tư, trong đó có 7% ở Việt Nam) thì lý do chính của sự hứng khởi trên thị trường chứng khoán VN là, thứ nhất, giá cả rẻ hơn tương đối so với các thị trường trong khu vực, thứ hai, kinh tế vĩ mô ổn định và tốt dần, và thứ ba, doanh nghiệp trả cổ tức cao.
Thế nhưng nếu nhìn vào thực lực của khu vực doanh nghiệp “nội”, kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, thì điều dễ thấy là “sức mạnh” của các doanh nghiệp này chưa được cải thiện là bao. Vì thế khó lý giải việc giá chứng khoán ở VN tăng nhanh trong thời gian qua từ nguồn gốc sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp niêm yết. Đặc biệt từ đầu năm 2014 trở lại đây, sự thăng giáng mạnh của giá cổ phiếu trở nên thường xuyên hơn. Có vẻ như TTCK Việt Nam đang hướng vào một thời kỳ bong bóng mới.
Một quan sát khác là trong số 3 khu vực kinh tế (tư nhân, nhà nước, và nước ngoài), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là khu vực khởi sắc nhất. Thế nhưng tại chính khu vực này, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) lại giảm so với các năm trước (mặc dù số vốn FDI giải ngân thực tế tăng). Điều này trong ngắn hạn chưa có gì phải lo nhưng nếu kéo dài thành xu thế thì chắc chắn sẽ là một mảng tối cần phải khắc phục của kinh tế Việt Nam.
Trần Vinh Dự
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)

Đại Vệ Chí Dị - Ném xương cho chó cắn nhau

Đại tướng phủ Vương là Trăm Xanh, đương tung hoàng mãnh liệt trên mọi chiến trường, bỗng nhiên bị đổ bệnh. Bệnh vừa hiểm nghèo lại vừa nghi nguyên nhân do thích khách gây ra. Vệ Kính Vương bèn bí mật nhân lúc đêm không trăng cho người đưa Trăm Xanh đi sang nước Cờ Hoa chữa bệnh.
 Trăm Xanh lâm bệnh, khiến triều thần ai cũng e dè. Vệ Vương không chọn được ai làm đại tướng công phá nhà Chúa. Bấy giờ quân Tề lại hoành hành ngoài khơi, Vương thấy bất lợi nếu tấn công Chúa lúc này nên đóng cửa nghĩ mưu, người rạc cả đi. Mới dăm bữa mà mắt mũi lờ đờ, nói năng phều phào, đi lại khó nhọc.
Đại thần trấn thủ kinh thành là Sáng Quyết, mặt mũi vuông vắn, sáng sủa vốn là kẻ đa mưu túc trí. Thu nạp được nhiều bầy tôi trong thiện hạ về dưới trướng làm môn khách. Quyết nuôi mộng lớn làm chủ thiên hạ, nhưng không ra mặt đua tranh đấu đá trong triều. Chỉ lặng lẽ tích trữ lương thảo, rèn luyện quân lính, chọn những chỗ ngon lành để lập chiến công. Quyết âm thầm kết giao với đai thần bộ binh là Quảng Phệ, mặt khác lại kết giao với bọn đại thần tuyên huấn Đường Hoang. Hòng mưu định việc lớn.
Vốn lo xa, Quyết còn sai phó tướng là Không Trận ra hải ngoại, công du đến đất Bá Linh chiêu mộ bọn tay chân, lập mạng lưới thân cận để sau này trong ngoài nhất hô bá ứng.
Quyết cũng đón ý được của Vệ Kính Vương, nên cũng hay chọn việc gì vừa lòng Tề để làm. Lại còn xây chùa trên núi thiêng ở quê nhà để giữ  long mạch, mọi việc đều chu đáo, cặn kẽ.
Việc lớn cũng đã hòm hòm, chỉ tội kinh tài trong thiên hạ chúa Bạo còn nắm giữ nhiều khoản. Đại tướng Trăm Xanh đánh mấy trận mở màn, thế đang công như vũ bão. Đánh xong thành nào bọn Điền Lan đi theo tiếp quản kho lương thảo nhà Chúa. Nhưng Trăm Xanh bị hành thích bất ngờ đổ bệnh, mạng sống lay lắt chưa biết ra sao, lòng quân trễ nải. Việc lớn đình trệ cả ở đó.
Quyết nóng lòng ngày đêm lo nghĩ, ngày đại hội nhân sự chả còn là bao. Uy tín nhà Chúa vẫn mạnh. Không khéo gần ngày việc lớn lại hỏng vì không đâu. Có kẻ bầy tôi mới hiến kế '' ngao cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi ''. Quyết mừng lắm, mang kế ấy vào tâu với Vệ Kính Vương. 
Lại nói về Vệ Kính Vương đang ủ rũ lo lắng cho cơ nghiệp nhà Sản mai đây rơi vào tay nhà Chúa ắt sẽ phai nhạt lý tưởng của Tiên Đế, lòng Vương đau như cắt. Gặp được kế hay, mới bàn thực hiện cả đêm. Vương nói.
- Kế ngao cò tranh nhau dễ lộ mặt ngư ông, thêm nữa là kế này hợp tính khí người Tề, không hợp tính khí người Vệ. Nay ta tiếp thu kinh nghiệm của họ, nhưng phải sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh nước mình. Dựa trên kế sách này ta đổi thành kế '' ném xương cho chó cắn nhau''.
Quyết hỏi.
- Thế nào mà lộ mặt ngư ông.?
Vương đáp.
- Ngao cò tranh nhau thì ầm thầm, êm ả. Người ngoài dễ nhìn thấy ngư ông trên bờ đang trông. Chứ chó cắn nhau thì ầm ĩ, tiếng sủa kinh động thiên hạ, người ta bị thu hút vào tiếng sủa, tiếng gầm gừ, tiếng bị cắn đau kêu oăng oẳng. Ai mà để ý đến người nào ném xương. Kế này lại hợp tính tranh giành khốc liệt của người Vệ ta, cứ thế  tìm người mà làm.
Quyết về sai bọn sư sãi bấm độn tìm người. Sau tìm được người mênh Bính Tuất, tính khí phù hợp với kế sách, dâng lên cho Vệ Kính Vương. Vương xem ra là đại thần quản bọn dân biểu tên là Sanh Hường ưng lắm.
Sanh Hường tính nết tham lam , háo sắc vô độ. Ỷ thế dòng dõi Nguyễn Sinh ở Châu Hoan nên giữ chức đại thần nghị chính mấy khoá. Được Vệ Kính Vương gọi tới mật đàm, hứa hẹn kỳ tới sẽ không sắp được chức tốt thì cũng được chia phần của cải, kho tàng nhà Chúa.
Hường về phủ, kiểm điểm binh mã, cầm ấn tổng quản dân biểu, gióng trống , phất cờ ra trận. Đích thân Hường kéo  quân đến phủ Chúa bày trận '' tín phiếu '', khai tên bắn rào rào.
Bữa ấy Chúa đi xa về, mệt mỏi đang nghỉ, nghe quân báo, bèn ra trên cổng thành ngắm. Thấy Hường đi lại múa may như phường chèo. Chúa cười nhạt nói.
- Cái thằng môi mỏng, già dái non hột này làm được tích sự gì. Liệu được ba cái sóng cồn.
Nói rồi hạ lệnh cho quân sĩ phòng bị cẩn mật, không được mở cổng thành nghênh chiến. Đêm ấy Chúa vạch kế '' rút củi đáy nồi '' sai một toán quân âm thầm bí mật lẻn về hậu phương của Hường, tóm sống tên thủ hạ lo việc binh lương là Sông Đỏ.
Sáng sau cơm nước no nê, nai nịt người ngựa, giáp đen hùng vĩ, giáo nhọn sáng ngời. Hường dẫn quân đến phủ Chúa tìm chỗ yếu để đánh. Nào ngờ khi trời vừa rõ mặt người, trên cổng thành phủ Chúa có kẻ bị trói kêu thảm thiết.
- Tướng công, về lo  cho hiền muội kẻo không kịp.
Hường thấy giọng quen, lại gần nhìn rõ thì ra tâm phúc Sông Thắm, chân tay rụng rời, lòng như lửa đốt, quay ngoắt ngựa chỉ kịp nói với lại.
- Ngươi cứ im miệng, có gì ta sẽ lo.
Nói rồi chạy miết ngày đêm về phủ, đóng cửa chặt lại. Sai người đưa quân đến phủ hiền muội canh phòng cẩn mật ngày đêm.
Chúa bấy giờ ung dung đi vào giữa trận '' tín nhiệm '' nhếch mép cười hỏi các tướng dân biểu.
- Nào thì khởi trận cho sớm, về còn làm việc khác chứ.
Các tướng dân biểu tâm phục, khâủ phục trước oai của Chúa, nhất loạt chống giáo, cài gươm. Tôn Chúa '' tín nhiệm cao ''
Hường bỗng dưng mang hoạ, đang lúc yếu thế lo lắn đủ bề, bọn bộ binh biết thóp ấy, bèn dâng biểu đòi phong tướng, danh sách dài lê thê. Hường cực chẳng đã phải phê duyệt để lấy lòng chúng cho yên, không bọn chúng lại '' tâm tư '' theo kẻ khác thì hoạ càng thêm hoạ.
Chúa thắng trận '' tín phiếu '' danh tiếng vang lừng trong thiên hạ. mở tiệc khoản đãi bầy tôi có công. Có kẻ tâu.
- Bọn Sanh Hường chỉ là lũ chó cắn càn, sủa bậy không thâm sâu. Tất cả chỉ do bọn kinh thành xui vương phủ mà ra. Sao chưa trị bọn ấy.?
Chúa cười nhạt nói.
- Bọn ấy dựa thế Tề bấy lâu nay, lực chúng còn mạnh,đánh thẳng vào chúng chưa phải lúc. Giờ phải cho thiên hạ thấy bộ mặt xâm lược của bọn Tề, qua đó mà người ta oán bọn thân Tề. Lúc đó mới tính chuyện tiếp được.
Chúa phái đại thần sang Cờ Hoa bàn chuyện mua vũ khí, mặt khác thân chinh đi các nước có hiềm khích với Tề kết giao hữu hảo. Lại cho người vạch các thủ đoạn, tội ác của bọn Tề.
Bọn Sáng Quyết, Vệ Kính Vương thấy Sanh Hùng thất trận, bên ngoài Tề lại lăm le chiếm biển đảo, bèn bàn nhau rằng vận chưa đến, thua keo này sẽ bày keo khác. Nhưng trước mắt không vì tan vỡ âm mưu mà lại trễ nải việc thờ phụng thiên triều, nhất quyết xác định mục tiêu chiến lược là gắn bó với Đại Tề để làm chỗ dựa. Bởi thế lại âm thầm cho người đi ca ngơi Tề và hăm doạ những ai trong dân đen chỉ trích phê phán Tề.
Chưa biết nhà Sản thế nào, xin đợi hồi sau sẽ rõ.
Người Buôn Gió
(Blog Người Buôn Gió)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét