Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Tiến sĩ lái gỗ - Đại dịch PGS-TS-BS

“Cán bộ nguồn” bỏ trốn: Liệu sẽ có một phong trào đào thoát?

(VNTB) - Điều lạ lùng là vào những năm trước, thi thoảng mới nghe đến chuyện cán bộ Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài. Điển hình của hiện tượng này là vụ việc gây chấn động: nguyên ủy viên bộ chính trị, phó chủ tịch quốc hội Việt Nam Hoàng Văn Hoan đã bỏ trốn sang Trung Quốc nhân một chuyến đi chữa bệnh ở Đông Đức vào năm 1979. 
12/13 quán quân Olympia không muốn về nước sau khi đã học xong.
Trong nhiều năm sau đó, dường như vấn đề “tị nạn” của cán bộ được xem là “bí mật quốc gia” đến mức rất ít tin tức lọt ra ngoài, dù trong nội bộ vẫn xầm xì về chuyện “người ở kẻ đi”.

Nhưng chỉ trong tám tháng đầu năm 2014, lần lượt Bộ Công thương rồi chính quyền Cần Thơ buộc phải báo cáo về những “cán bộ nguồn” của các cơ quan này lưu lạc miền đất hứa ở Hoa Kỳ. Hiện tượng này phản ánh sắc thái nào và liệu có dẫn đến một làn sóng “di trú” ồ ạt công chức Việt Nam sang phương Tây trong những năm tới?

Bao nhiêu ngàn cho Việt Nam?

Cho tới nay, ở Việt Nam chưa có những biến động chính trị đủ lớn để có thể khuấy động một phong trào số đông dịch chuyển dân số sang “Thế giới tự do”.

Lý do còn lại hầu như thiên về kinh tế. Hiện tượng có đến phân nửa số du học sinh của Việt Nam tìm cách ở lại, và trong thực tế phần lớn trong số một nửa đó đã ở lại nước ngoài, là một minh chứng rất điển hình. Trong số đó, dư luận thường đong đếm không ít con cái của quan chức Việt Nam.

Không thể cho rằng xu hướng ở lại nước ngoài của du học sinh không ảnh hưởng đến tâm lý của diện công chức và viên chức nhà nước. Một hình ảnh rất gần gũi hoàn toàn có thể tham khảo là hiện tượng tương tự ở Trung Quốc. Vào năm 2011, lần đầu tiên cơ quan chức năng của quốc gia “đồng chí” với Việt Nam đã phải công bố về chuyện có đến 18.000 - 20.000 doanh nhân và cán bộ người Trung bỏ ra nước ngoài trong hai chục năm trước đó, làm chảy máu một lượng ngoại tệ lên đến khoảng 20 tỷ USD. Tổ chức tuyên giáo Bắc Kinh đã gầm gừ lên án số người đào thoát này là “không có lòng yêu nước”!

Thế nhưng khác hẳn với thái độ minh bạch dù là tối thiểu của người anh em “Mười sáu chữ vàng”, giới lãnh đạo Việt Nam lại hầu như không dám thống kê và công khai danh tính của số cán bộ mà có thể đã “di trú” trong rất nhiều năm trước, cho dù dư luận về hiện tượng “chảy máu nhân lực” là luôn ồn ã.

Song trùng với nhịp điệu suy sụp kinh tế trong ít nhất bảy năm qua, cũng không ít dư luận về việc các đại gia và giới quan chức Việt tìm nhiều cách đưa người thân và tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Những địa chỉ của người Việt tìm đến cũng khá tương đồng với giới quan chức Trung Quốc: Mỹ, Canada, Úc, Anh…

Làn sóng “đào ngũ” không còn xa?

Nguồn cơn bất ổn kinh tế và có thể dẫn đến xã hội loạn lạc thường là một lý do muôn thuở cho một phong trào di cư ra nước ngoài. Trên một phương diện nào đó, hiện tượng này cũng có thể so sánh với trào lưu thoái đảng đang lan tràn trong lớp đảng viên về hưu ở Việt Nam. Tuy con số công bố về ra đảng là rất thấp so với tổng số 3,7 triệu đảng viên còn trong danh sách, nhưng một số thông tin từ các nguồn khác nhau đánh giá phải đến 40% hoặc hơn số đảng viên về hưu đã và đang thoái đảng ở nhiều hình thức như không nộp hồ sơ đảng viên, không đóng đảng phí, không sinh hoạt đảng tại địa phương, âm thầm xin ra khỏi đảng… Tỷ lệ này lại khá tương hợp với số phần trăm du học sinh Việt Nam không quay về nước.

Lúng túng vẫn hoàn lúng túng. Tình trạng cán bộ công chức “đào ngũ”, trốn ra nước ngoài đã khiến cho các cơ quan nhà nước phải đối diện nhiều vấn đề đau đầu: ngoài bài toán lãng phí tiền của, vật lực mà nhà nước đã bỏ ra để đào tạo nguồn nhân lực này, còn có bài toán về quản lý con người, đặc biệt với những cán bộ, công chức đang đảm đương những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, giữ những đầu mối thông tin liên lạc không kém phần quan trọng, liên quan đến yêu cầu “bảo vệ bí mật nhà nước”. Dù đã có Luật Cán bộ công chức, nhưng chẳng cơ quan nào làm được gì để chế tài những cá nhân có thành động “xoay trục”, nhất là xoay sang “kẻ thù số một”.

Song trong thời gian tới, khác nhiều với lý do khó khăn và bất ổn kinh tế những năm trước đây, rối loạn chính trị có thể là một nguyên cớ hiện hữu ở Việt Nam. Có lẽ không ít quan chức đã chuẩn bị cho tâm thế “xử lý khủng hoảng” và tư thế sẵn sàng nhảy lên máy bay “biến” ra nước ngoài, dẫn đến một làn sóng “đào ngũ” trên diện rộng, tương tự hiện tượng từng xảy ra ở các nước Bắc Phi vào năm 2011 và Ukraine chỉ mới vào đầu năm 2014 này.
Viết Lê Quân
(Việt Nam Thời Báo)

Càng bị bài bác, chủ nghĩa Mác - Lê-nin càng chứng tỏ sức sống mãnh liệt

 Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã viết nên một câu chuyện điển hình thành công về xây dựng và phát triển đất nước. Đây là nhận định chung của hai học giả Sa-mi A-min (Samir Amin) và Phrăng-xoa U-ta (Francois Houtart) khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân nhân dịp hai ông đến Hà Nội dự hội thảo quốc tế “Các phương án tự chủ của các nước phương Nam trong thế giới toàn cầu hóa”.

Sự vận dụng linh hoạt
 
Chia sẻ với phóng viên về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, học giả Sa-mi A-min cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là một tấm gương tiêu biểu cho các Đảng Cộng sản khác trên thế giới. “Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong số những Đảng Cộng sản thành công nhất trong lịch sử hiện đại khi đã lãnh đạo nhân dân giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, trên cơ sở lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng. Câu chuyện lãnh đạo nhân dân  thu non sống về một mối của Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là một câu chuyện lịch sử tuyệt vời”, ông Sa-mi A-min đánh giá.  
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã viết nên một câu chuyện điển hình thành công về xây dựng và phát triển đất nước. Ảnh: Xuân Dũng
Để bổ sung cụ thể hơn cho nhận định của mình, học giả Sa-mi A-min còn lấy câu nói của người anh hùng  Chê Ghê-va-ra (Ernesto Che Guevara), làm dẫn chứng: “Cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam đã mang lại cho toàn thế giới một bài học thật vĩ đại! Việt Nam đã dạy cho chúng ta một bài học bất hủ về chủ nghĩa anh hùng... Trước mắt, chúng ta sẽ là một tương lai xán lạn và gần gũi như thế nào nếu hai, ba... nhiều Việt Nam nở hoa trên thế giới”.

Đồng tình với quan điểm của học giả Sa-mi A-min, học giả Phrăng-xoa U-ta nói thêm rằng, những gì Việt Nam đã và đang làm nhằm tái thiết xây dựng đất nước sau chiến tranh cũng mang tới một câu chuyện thành công khác. Theo học giả này, bằng sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin đúng đắn, sáng tạo và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước đạt được nhiều kết quả và thành tựu kinh tế. Việc thực hiện chính sách mở cửa, tích vực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam và mang lại cho Việt Nam một vị thế quốc tế mới. “Tôi nhất trí với đánh giá của Ngân hàng Thế giới mới đây khi cho rằng, Việt Nam là một điển hình thành công trong phát triển. Tuy nhiên, nếu như nói rằng chính sách mở cửa là “chìa khóa” cho thành công thì tại sao các nước khác ở châu Phi, Mỹ La-tinh  lại không đạt được thành tựu như Việt Nam. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là sự vận dụng linh hoạt, đổi mới tư duy bằng việc thực hiện mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN”, học giả Phrăng-xoa U-ta phân tích.

Sức sống của chủ nghĩa Mác Lê-nin

Là người có nhiều năm nghiên cứu về Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, học giả  Phrăng-xoa U-ta cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn không ngừng được đổi mới và phát triển. “Những quan điểm cho rằng học thuyết này đã trở nên lỗi thời, không còn phù hợp với xu thế thời đại là hoàn toàn sai lầm”, vị học giả người Bỉ lập luận. Theo học giả Phrăng-xoa U-ta, việc các thế lực bài bác chủ nghĩa Mác - Lê-nin chỉ càng chứng tỏ tính đúng đắn, tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và cứ mỗi lần phải đấu tranh chống lại các trào lưu tư tưởng đối lập thì chủ nghĩa Mác - Lê-nin lại một lần nữa tỏ rõ sức sống mãnh liệt của mình.

Nhiều học giả phương Tây, cả cánh tả và cánh hữu, từ tân bảo thủ đến tân tự do, vẫn tin rằng sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu đã đặt dấu chấm hết đối với chủ nghĩa Mác-Lê-nin sau hơn 150 năm tồn tại. Tuy nhiên, thành công của công cuộc cải cách ở hàng loạt các nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng, như Đổi Mới ở Việt Nam, cải cách mở cửa ở Trung Quốc, cập nhật hóa mô hình kinh tế ở Cu-ba… đưa các nước này không chỉ vượt qua được giai đoạn khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng, mà còn tạo được những bước đột phá phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, đã là những bằng chứng rõ ràng về sức sống của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Không những vậy, sự trỗi dậy mạnh mẽ trong hai thập niên qua của phong trào cánh tả ở nhiều nước Mỹ La-tinh là bằng chứng sống động về sự bền bỉ của lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu nổ ra đầu tiên tại Mỹ và các nước tư bản phát triển vào năm 2008 đã làm phơi bày sự thật của những bất công, những mâu thuẫn gay gắt trong lòng xã hội tư bản.

“Người ta đang tìm đọc những tác phẩm mà các nhà kinh điển đã viết ra cách đây hàng trăm năm để tìm câu trả lời cho những vấn đề hiện tại. Chẳng thế mà những năm qua, nhiều người ở phương Tây đã phải nghiên cứu bộ Tư bản luận của Mác, thậm chí các nhà xuất bản ở Đức, ở Anh còn ấn hành cả phiên bản sách nói (audio book). Tất cả những điều đó một lần nữa lại cho thấy sức mạnh khoa học của học thuyết Mác - Lê-nin. Tôi hoàn toàn lạc quan về sức sống của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong tương lai”, học giả Phrăng-xoa U-ta nói.

Theo học giả Phrăng-xoa U-ta, sức sống của học thuyết Mác - Lê-nin trong thời đại ngày nay thể hiện ở chỗ các giá trị bền vững trong những học thuyết cơ bản của các ông  vẫn sẽ là lý luận và phương pháp luận để nhận thức, cải tạo thế giới. Còn, với tư cách là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động thực tiễn của những người vô sản, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đòi hỏi phải luôn biết vận dụng sáng tạo để đi tới thành công./.
LÂM TOÀN – NGỌC THƯ
( Quân Đội Nhân Dân )

Viên đạn bọc đường bắn từ bên trong lãnh hải?

(Chuyện bây giờ mới kể)

Có lẽ nhờ “trận chiến pháp lý” của hai anh em chúng tôi với Cơ quan điều tra hình sự Bộ tư lệnh hải quân năm xưa mà cả hai đều nuôi hoài bão sẽ trở thành luật sư...

Năm 1978, từ thao trường là những cánh rừng bạt ngàn của đảo Phú Quốc, chúng tôi miệt mài ngày đêm với nhiều kỹ năng chiến thuật đặc biệt của “lính thủy đánh bộ”, chuẩn bị tham chiến tại Campuchia thì cả hai được tuyển chọn về Học viện hải quân (lúc đó gọi là Trường sỹ quan hải quân 2). Được đi học nhưng chúng tôi không hề vui. Bởi một lý do thật đơn giản, thật mộc mạc là phải xa anh em, đồng đội. Xa cái nắng, cái gió, xa con vắt, con muỗi rừng của Phú Quốc, xa căn bệnh “hắc lào” mà chúng tôi vẫn nói vui rằng ai không bị “hắc lào” thì không phải là lính Đảo!
 
http://vietnamdefence.com/Uploaded/TT/11-10/svetlyak-1.jpg

Tốt nghiệp ra trường, Trần Xuân Kính nhận công tác tại Hạm đội 171 (nay là Lữ đoàn 171). Còn tôi là giảng viên Trường kỹ thuật hải quân. Tôi “yên phận” trên giảng đường thì Trần Xuân Kính cũng “yên phận” trên biển cả. Dạo đó Việt Nam chưa phải là thành viên Asean. Mỹ và Phương Tây đang siết chặt cấm vận. Cuộc sống của người dân đã cực khổ với trăm bề thiếu thốn, thì cuộc sống và sinh hoạt của người lính xem ra còn vất vả hơn nhiều. Chiến hạm HQ01 của Trần Xuân Kính có nhiệm vụ bám biển, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các giàn khoan của Vietsovpetro ngoài khơi Vũng Tàu. Trong một lần ra khơi làm nhiệm vụ, HQ01 phát hiện thấy có tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải, gần khu vực giàn khoan. Trong chuyến ra khơi lần này, do bận công tác nên thuyền trưởng vắng mặt. Kính vừa phải đảm nhiệm công việc chuyên môn của mình là Trưởng ngành hàng hải, vừa thay thuyền trưởng chỉ huy tàu. Trần Xuân Kính ra lệnh tiếp cận tàu lạ. HQ01 tăng tốc. Chiếc tàu nước ngoài phát hiện được HQ01 đang tiếp cận nên tháo chạy. Quyền thuyền trưởng ra lệnh bắn cảnh cáo. Ba loạt đạn chát chúa vang lên. Chiếc tàu nước ngoài vẫn ngoan cố, bất chấp tín hiệu cảnh cáo. Lòng kiên nhẫn đã cạn kiệt, HQ01 nhả đạn tiêu diệt. Tàu lạ bốc khói và dừng hẳn. Sau khi áp mạn, cán bộ, chiến sỹ của HQ01 làm công tác cứu thương, và ướp lạnh thi hài của thuyền trưởng và máy trưởng của chiếc tàu lạ rồi lai dắt chiếc tàu này về căn cứ. Sự việc được báo cáo về Bộ tư lệnh hải quân và Bộ quốc phòng. Sau khi khám xét và lấy lời khai của những người còn sống trên tàu lạ, cơ quan chức năng của Việt Nam mới biết đây là tàu của Thái Lan. Bộ ngoại giao Thái Lan đề nghị Việt Nam cho điều tra làm rõ sự việc. Theo chỉ đạo của Bộ tư lệnh HQ, cơ quan điều tra hình sự của Quân chủng hải quân vào cuộc ...

     Thật may mắn là tôi và Trần Xuân Kính đã được nghiên cứu khá kỹ về Luật biển 1982 (Liên hợp quốc). Tuy nhiên, để chuẩn bị “chiến đấu” với các điều tra viên hình sự của Bộ tư lệnh, chúng tôi phải “ôn lại” đủ thứ. Từ đường cơ sở, vùng nước nội thủy, lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền về kinh tế v.v.. chúng tôi ôn hết! Phương tiện thông tin liên lạc hồi đó không cho phép chúng tôi có thể trao đổi nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn một cách dễ dàng, nhanh chóng như bây giờ. Mà chủ yếu là gửi thư qua bưu điện hoặc thư tay. Cuối cùng chúng tôi cũng thống nhất được nội dung của “Bài tự bào chữa” trước cơ quan chức năng. Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai. Quả đúng như vậy. Hành vi ra lệnh nổ súng của Trần Xuân Kính, tuy còn bị hạn chế ở một góc độ pháp lý nào đó, nhưng trên phương diện bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc, thì rất đáng được hoan nghênh.

Cái duyên trên mặt trận pháp lý có lẽ nảy sinh ra từ đó. Sau khi rời quân ngũ, chúng tôi mỗi người một ngả. Ít có dịp gặp nhau. Khi nghe tin “quyền thuyền trưởng” năm xưa đã trở thành luật sư của Đoàn luật sư TP.HCM thì tôi bắt đầu cắp sách tới Trường đại học luật TP HCM. Đó là năm 1998.

Nếu trước đây chúng tôi đã từng “chung chiến hào” thì bây giờ lại càng gắn bó. Chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở nhau rằng trước đây chúng mình đã cống hiến hết tuổi thanh xuân cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thì bây giờ hành nghề luật sư không chỉ đơn thuần là kiếm sống, mà phải tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng một nhà nước pháp quyền, một xã hội dân chủ. Góp phần tích cực trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải ...

Chúng tôi đã nhận nhiều vụ, việc của khách hàng. Đôi khi gặp trường hợp khách hàng quá khó khăn, chúng tôi còn “khuyến mãi” chi phí cà phê, thuốc lá cho thân chủ của mình trước giờ mở phiên tòa ! Có lúc tôi nói vui với luật sư Trần Xuân Kính rằng “hình như mình ăn cơm nhà mà đang vác tù và hàng tổng”.
Luật sư Cao Xuân Bái
Tác giả gửi BVN

Đào Tuấn - Tiến sĩ lái gỗ


Một trùm buôn gỗ từng theo học ngành y, với một trình độ “gần như không biết gì” khi mà “đi học thì thuê, đi thi thì chạy”. Bằng cao học cũng mua nốt. Chưa từng có bài báo hay công trình khoa học nào. Chưa một lần cầm tai nghe, chưa từng chích xilanh. Và anh trùm lái gỗ ấy có thể đàng hoàng trở thành một tiến sĩ y khoa, miễn là “có 200 triệu việc này mới xong”.
 
Đây không phải là chuyện đùa. Đây là những gì có trong một bài điều tra với nhân chứng, vật chứng hết sức rõ ràng. Thậm chí, cả kỹ nghệ để biến một anh lái gỗ thành tiến sĩ y khoa cũng hết sức rành mạch. Bài báo khoa học thì nhờ người viết thuê “đưa cho họ mấy đồng nhờ đăng bài”. Chạy để có tên trong một tổ chức phi chính phủ để hồ sơ đi lọt. Đề cương được nhờ làm. Ngay cả khi bảo vệ luận án, lỡ có không biết gì thì cũng “yên tâm, cái đó lo được”.
Và người có thể hô biến một anh lái gỗ, một viên thuốc không biết đọc tên, trở thành tiến sĩ y khoa, là đương kim Trưởng bộ môn Y học cộng đồng, Đại học Y Thái Nguyên, ông đương nhiên cũng là một... tiến sĩ.
Cách đây chưa lâu, báo chí phát hiện ra một tiến sĩ giám đốc sở lấy bằng tiến sĩ ở ĐH Nam Thái Bình Dương (Mỹ) trong khi một chữ hello không biết.
Rồi một tiến sĩ phó bí thư tỉnh ủy lấy bằng tiến sĩ, cũng ĐH Nam Thái Bình Dương, cũng Mỹ, trong chỉ 6 tháng và với giá 17.000USD.
Và đến giờ là tiến sĩ lái gỗ, với giá 200 triệu.
Cũng cách đây chưa lâu, một câu hỏi đã được đặt ra: Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ GDĐT, tính đến năm 2013 có 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học, vậy 15.000 tiến sĩ còn lại đang ở đâu?
Câu trả lời ít hại nhất, ít nguy hiểm nhất là họ đang không làm gì. Không nghiên cứu khoa học.
Thà để cái học vị tiến sĩ chỉ để trang trí tấm danh thiếp, còn hơn những tay lái gỗ phô phang tấm bằng vào việc nghiên cứu, hoặc thậm chí...cứu người.
Trở lại với bài điều tra 200 triệu lấy bằng tiến sĩ y khoa. Dư luận thật sự đã bừng bừng phẫn nộ, chủ yếu là vì mấy chữ tiến sĩ y khoa, bởi không thể đoán biết được điều gì xảy ra khi một tiến sĩ lái gỗ hành nghề kê đơn bốc thuốc dối trá ngụy tạo trên sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Nhưng vấn đề nghiêm trọng không phải chỉ ở chỗ đây là câu chuyện hoàn toàn có thể trở thành sự thật, mà là câu hỏi, vậy thì có bao nhiêu trong số 24.000 tiến sĩ là “những tay lái gỗ”.
Vấn đề ở chỗ, những tiến sĩ giám đốc sở, tiến sĩ phó bí thư nguy hiểm chẳng khác gì những tay lái gỗ trong y học. Bởi sự giả dối trong y học, dù phải trả bằng một cái giá đắt, thậm chí là sinh mạng người bệnh, nhưng còn dễ dàng phát hiện và chúng ít nguy hiểm hơn là những giả dối dốt nát được che đậy lấp liếm bằng quyền lực.
  Đào Tuấn
( Lao Động )

Bác sĩ Ngọc - Đại dịch PGS-TS-BS

Entry này có một tựa đề hơi bí hiểm. Nhưng những ai làm trong nghề y đều biết đó là viết tắt của Phó giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ. Chỉ có ở nước Nam. Chỉ có ở nước Nam dưới thời XHCN. Nó là biểu hiện của căn bệnh mới phát sinh trong ngành y. Đó là bệnh hám danh. Bệnh hám danh đang làm tan nát hệ thống y khoa và đang biến hóa thành một đại dịch nguy hiểm cho người bệnh.

Có mấy ai còn nhớ đến thầy Phạm Biểu Tâm, thầy Trần Ngọc Ninh? Thầy Phạm Biểu Tâm có sống lại bây giờ không thể là hiệu trưởng trường y. Thầy Trần Ngọc Ninh có ở Việt Nam giờ này cũng không bao giờ thành khoa trưởng, chứ nói gì đến chức danh giáo sư. Cả hai thầy đều không có bằng tiến sĩ. Cái bằng tiến sĩ ngày nay ở đất nước này là một cái bùa hộ mệnh. Nó cũng là cái vé xe cho những chuyến xe đò thăng quan tiến chức. Nó là cái boarding pass cho những phi vụ làm trưởng khoa, làm hiệu trưởng trường y. Đó là luật chơi mới do những người cách mạng đặt ra. Người cách mạng không nhất thiết phải là người trong y giới, cũng chẳng cần làm khoa học. Nhưng họ có giá trị hơn nhà khoa học. Bài giảng của người cách mạng có giá hơn bài giảng của giáo sư tiến sĩ. Ở đất nước này, chính trị thống lĩnh tất cả. Làm cách mạng là làm chính trị. Bởi vậy, người cách mạng chẳng cần phải có tấm bằng bác sĩ để đặt ra luật chơi mới cho ngành y. Họ đang hủy hoại nền y học.


Tuần rồi đi dự một hội thảo chuyên đề và gặp một anh bạn đồng môn trên bàn cà phê. “Ủa, ông chưa tiến sĩ hả? Sao không làm một cái”? Anh bạn tôi hỏi. Tôi ngạc nhiên về chuyện làm một cái. Tiến sĩ là một cái gì như đồ chơi. Tôi lắc đầu. Mình đã già. Mình không có khả năng làm nghiên cứu. Cũng chẳng có thầy đỡ đầu. Anh bạn tôi cười lớn nói: Ông mà già gì, đâu cần khả năng làm nghiên cứu, cũng không cần thầy hướng dẫn, chỉ cần bỏ tiền ra mua thôi. Tôi cám ơn tấm lòng của bạn cũ và vẫn thấy mình vui với việc giúp người mà không có những râu ria trước tên mình. Bạn cũ tôi bây giờ là một PGS-TS-BS.

TS-BS bây giờ nhan nhản trong các bệnh viện. Thử dạo một vòng các phòng trong bệnh viện ngoài Hà Nội, sẽ thấy trước cửa phòng ai cũng có danh xưng TS-BS in ngay chính giữa cửa phòng. Bảng hiệu đó cho chúng ta biết người đang ngự trị hoặc chiếm lĩnh căn phòng là một bác sĩ và có bằng tiến sĩ. Bằng tiến sĩ là học vị cao nhất trong thế giới khoa bảng. Tôi không có con số thống kê để nói, nhưng tôi cảm thấy số bác sĩ có danh hiệu TS-BS nhiều hơn bác sĩ trong các bệnh viện Hà Nội. Sài Gòn đang đuổi theo Hà Nội, sắp đến đích nay mai. Với đà này, một ngày không xa bệnh nhân sẽ không còn gặp bác sĩ nữa, họ chỉ gặp TS-BS.

PGS-TS-BS xuất hiện ngày càng dày đặt trong các hội thảo. Nhìn lên bàn chủ tọa chúng ta thấy gì? Có hoa tươi. Có chai nước lọc. Có laptop. Có microphone. Và, có tấm bảng nền trắng chữ đen in những từ viết tắt như PGS-TS-BS. Hoa tươi để làm màu mè. Chai nước lọc vì trí thức không quen uống nước máy sợ nhiễm khuẩn. Laptop để nói rằng ta đây có trình độ IT. Microphone để truyền bá lời vàng ý ngọc. Danh hiệu PGS-TS-BS để khoe thành tựu miệt mài làm khoa học. Một bức tranh đầy hoa sắc, màu mè. Có phần phần cứng (IT, microphone) lẫn phần mềm (hoa, trí lực, bằng cấp).

Danh và thực lúc nào cũng là hai khía cạnh nhức nhối trong y giới. Bao nhiêu tiến sĩ của nước ta là do thực tài, bao nhiêu là giả, dỏm. Không ai biết được, nhưng xã hội biết. Xã hội đã từ lâu phong danh tước “tiến sĩ giấy” cho những kẻ bất tài, hám danh, mua quan bán tước. Cụm từ “Tiến sĩ giấy” ngày càng xuất hiện nhiều trên báo chí, trong những câu chuyện thường ngày. Tức là xã hội biết rằng ngày nay chúng ta có nhiều tiến sĩ dỏm hơn là tiến sĩ thực.

Dỏm có nghĩa là những bằng cấp được mua bán, tiền trao cháo múc. Anh bạn tôi vừa đề cập trên đây không ngần ngại nói rằng để có cái bằng tiến sĩ, anh phải chi ra nhiều tiền. Hỏi bao nhiêu, anh chỉ cười. Nhưng xã hội biết. Những cái giá 5.000 USD, 10.000 USD, 20.000 USD đã được đề cập đến. 100 triệu đồng. 200 trăm triệu đồng. 400 triệu đồng. Có khi 500 triệu. Có nhiều lò sản xuất văn bằng tiến sĩ và mỗi lò có biểu giá riêng. Quân y nổi tiếng là một trong những lò đào tạo đắt tiền. Các trường y thì rẻ hơn nhưng không rẻ bao nhiêu. Nhiều đồng nghiệp tôi mua bằng như thế. Đó là những con số chóng mặt cho bệnh nhân nghèo. Ai trả tiền? Xin thưa không phải bác sĩ, mà là bệnh nhân. Họ sẽ ăn tiền các hãng dược. Hãng dược nâng giá thuốc. Bệnh nhân là người cuối cùng trong vòng tròn này. Bệnh nhân lãnh đủ. Vì thế, mua bán bằng cấp là một trong những yếu tố làm cho giá thuốc cao đến mức “cắt cổ” như ở nước ta.

Những kẻ hám danh và bất tài xem chuyện mua bằng tiến sĩ là một đầu tư. Họ có thể chi ra vài trăm triệu hôm nay, nhưng nay mai thì sẽ được chức quyền. Trường khoa. Giám đốc bệnh viện. Hiệu trưởng. Tất cả đều mua, đều chạy. Một khi đã ngồi vào vị trí quyền lực, họ ra sức vơ vét tiền của người dân để trả lại chi phí mua bằng, mua chức vụ. Người dân cũng chính là đối tượng sau cùng trong đường dây này. Đừng trách tại sao dân mình nghèo vẫn hoàn nghèo. Cái cơ chế này làm cho họ nghèo. Đã nghèo thì thường chịu phận hèn. Cái cơ chế này làm cho người dân vừa nghèo và vừa hèn.

Dỏm có nghĩa là làm nghiên cứu ma, giả tạo số liệu. Báo chí đã nêu nhiều vấn đề đạo văn. Nhưng báo chí không hề biết những chuyện động trời hơn đạo văn. Đó là chuyện giả tạo số liệu. Những tiến sĩ dỏm chẳng bao giờ làm nghiên cứu cho tốn công. Họ chỉ ngồi đâu đó giả tạo ra số liệu. Có người làm nghiên cứu nghiêm túc, nhưng khi kết quả không đúng ý, họ sửa số liệu. Chẳng ai hay biết. Thầy cô hướng dẫn chỉ là những người mù vì bất tài, hoặc giả mù vì họ đã ăn tiền. Giả tạo số liệu xong, họ mướn một người nào đó làm phân tích thống kê. Giá phân tích cũng không rẻ chút nào, từ 500 USD đến 2000 USD. Có cậu nọ nay làm chức cao trong trường y từng làm phân tích mướn như thế. Chẳng cần biết đúng sai vì chính người làm mướn cũng mù mờ mà cũng chẳng quan tâm. Phân tích xong, họ mướn người viết luận án. Giá viết cũng từ 500 USD đến 2000 USD. Người viết chỉ cần có bằng cử nhân cũng viết được. “Viết” ở đây có nghĩa là cắt và dán. Hỏi google, dịch, cắt, dán. Vâng, luận án là dịch-cắt-dán. Thế là xong luận án. Thầy dỏm thì làm sao biết được đó là luận án thật hay dỏm. Có thể nói rằng đại đa số những nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện nay đều làm theo quy trình như thế. Không có đạo đức khoa học. Không có tinh thần khoa học. Đừng nói đến văn hóa khoa học. Đọc những lời tâm huyết có khi mang tính hô hào của Gs Tuấn về nghiên cứu khoa học mà tôi thấy tội nghiệp cho ông. Ông đâu biết rằng ở trong nước người ta đâu có quan tâm đến nghiên cứu, những lời ông nói ra chỉ là nước đổ đầu vịt mà thôi, chẳng ai nghe đâu.

Dỏm có nghĩa là làm nghiên cứu chất lượng còn thấp hơn luận văn cử nhân của các thầy trước 1975. Nếu có dịp đọc những luận án tiến sĩ của các bác sĩ, người có kiến thức không biết nên cười hay nên khóc. Cười vì những đề tài nghiên cứu như là đề tài của sinh viên học làm nghiên cứu. Khóc vì trình độ thấp đến mức thê thảm. Những đề tài nghiên cứu kinh điển mà thế giới đã làm từ ngày tôi còn ngồi trong trường y cũng được biến hóa thành đề tài tiến sĩ. Có đề tài đánh giá phẫu thuật nội soi mà người đánh giá cũng chính là người thực hiện. Không có cái gì là mới. Không có cái gì để gọi là khoa học. Số liệu đã giả thì làm sao có kết quả thật được. Bản thân thầy hướng dẫn chẳng hiểu tường tận vấn đề thì làm sao có được đề tài mới. Họ để cho trò tự “bơi”. Bơi bằng cách lên mạng, xem người ta ở ngoài làm gì rồi cố gắng làm giống như thế ở Việt Nam. Đại đa số bắt chước mà vẫn còn sai. Sai vì không hiểu vấn đề đến nơi đến chốn. Không có sáng tạo thì làm sao gọi là tiến sĩ được. Cả một nền học thuật chỉ bắt chước mà cho ra lò cả ngàn tiến sĩ mỗi năm. Đó là một nền học thuật ăn theo, dỏm.

Còn luận án thì thế nào? Cũng công thức nhập đề – thân bài – kết luận như ai. Nhưng đọc kỹ thì không khỏi phì cười. Phần nhập đề thí sinh hay nói đúng hơn là người viết mướn tha hồ dịch-cắt-dán từ các nguồn trên internet, có khi đem cả kiến thức từ sách giáo khoa thế kỷ 19, những mớ thông tin chẳng liên quan gì đến đề tài. Dân gian có câu “nói dai, nói dài, nói dở” thật là thích hợp cho luận án tiến sĩ. Phần phương pháp thì chẳng có gì để đọc, vì họ chủ yếu là ngụy tạo. Ngụy tạo số liệu thì làm sao dám viết chi tiết phương pháp được. Vả lại, người viết mướn cũng đâu có trình độ chuyên môn để đi chuyên sâu vào phương pháp. Đến phần kết quả là khôi hài nhất. Một chuỗi bảng số liệu. Một chuỗi đồ thị. Điều khôi hài là đồ thị làm từ bảng số liệu. Hai cách trình bày một thông tin! Chưa hết, thí sinh còn bồi thêm câu diễn giải dưới bảng số hay đồ thị. Tức là 3 cách trình bày chỉ nói lên một thông tin. Người ta cần số trang sao cho đủ nên phải làm như thế. Thừa thải? Không thành vấn đề. Vấn đề là làm cho đủ số trang theo quy định của Bộ. Sai sót? Đây đâu phải là công trình khoa học mà quan tâm đến sai sót. Đến phần bàn luận là một tràng từ ngữ bay múa, những ý tưởng hỗn độn, chẳng đâu vào đâu. Những gì Gs Tuấn chỉ cách viết bài báo khoa học không áp dụng ở đây. Không cần đến logic luận. Nó y như là cái thùng lẩu thập cẩm. Có lẽ vài bạn đọc chưa quen sẽ nói tôi cường điệu hóa vấn đề. Các bạn hãy vào thư viện trường y mà đọc xem các luận án tiến sĩ có xứng đáng cái danh xưng cao quý đó hay không. Người ta xem đó là những “luận án tiến sĩ” có mã số, có bìa đỏ, được lưu giữ cẩn thận. Nhưng tôi xem đó là những chứng cứ hùng hồn nhất cho một thời đại nhiễu nhương trong học thuật. Những kẻ đã, đang và sẽ có bằng tiến sĩ từ những cách học dỏm đó sẽ đi vào lịch sử nước nhà như là những tiến sĩ giấy, những con vi khuẩn làm ô uế nền học thuật nước nhà.

Dỏm có nghĩa là người thầy hướng dẫn cũng dỏm. Sự suy thoái của giáo dục y khoa là một chu kỳ bắt đầu từ người thầy. Sự suy đồi của người thầy bắt đầu từ những ông quan cách mạng. Dưới mắt của quan cách mạng, hồng quan trọng hơn chuyên, đảng viên quan trọng hơn người ngoài đảng. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên sau 1975 có những vị mang danh “giáo sư” mà kiến thức còn thua cả bác sĩ gia đình, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy có “giáo sư” đi tuyên truyền cho xuyên tâm liên trị bá bệnh, bo bo bổ dưỡng hơn gạo. Ngày nay, kẻ bất tài nhưng có đảng tịch thì vẫn được cất nhắc làm thầy, được “tạo điều kiện” làm tiến sĩ. Có người được “cơ cấu” (một danh từ mới) chức trưởng khoa, giám đốc bệnh viện rồi, “tổ chức” (cũng là một từ mới) sẽ tìm cho họ cái bằng tiến sĩ. Bằng tiếng sĩ vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh trong cái nền học thuật nhếch nhác hiện nay. Bằng tiến sĩ nó tầm thường đến nỗi người ta nhạo báng ra đường gặp tiến sĩ. Nó rẻ tiền vì chúng ta biết rằng bằng tiến sĩ của Việt Nam chỉ là bằng dỏm, không bao giờ xứng đáng với danh vị đó. Không dỏm thì cái bằng đó cũng chỉ là thứ được cấu thành từ những giả tạo, những “nghiên cứu” loại rác rưởi khoa học, những dữ liệu có được từ vi phạm y đức. Bằng tiến sĩ của Việt Nam chỉ là thứ rác rưởi trong thế giới học thuật ngay chính trên đất nước Việt Nam. Thế là chúng ta có thầy dỏm. Thầy dỏm đào tạo ra trò dỏm. Trò dỏm đào tạo tiếp trò dỏm. Sẽ không lâu chúng ta sẽ có nhiều thế hệ tiến sĩ dỏm, giáo sư dỏm. Và chúng ta sẽ phải trả giá cho những cái dỏm đó. Thực ra, bệnh nhân đang trả giá cho cái dỏm.

Cái giá mà bệnh nhân phải trả cho hệ thống y khoa hám danh này là cái chết. Nhiệm vụ của người bác sĩ lâm sàng trước hết là chữa trị bệnh nhân. Nhiệm vụ đó đòi hỏi kỹ năng lâm sàng tốt. Ngoài ra, còn có sự cảm thông, chia sẻ với bệnh nhân. Nhưng bác sĩ hám danh ngày nay chỉ chạy theo bằng cấp dỏm, làm nghiên cứu dỏm, gây tác hại cho bệnh nhân. Họ không trao dồi kỹ năng lâm sàng. Họ không có thì giờ để đọc sách. Họ thừa thì giờ đi nhậu để làm “ngoại giao”. Thiếu kiến thức lâm sàng. Chẩn đoán sai. Làm xét nghiệm không cần thiết. Đối diện với bệnh nhân thì chỉ hách dịch ra lệnh chứ không biết nói. Hậu quả là chẩn đoán sai, điều trị sai, bệnh nhân chết. Nếu còn sống thì gặp biến chứng, hoặc thương tật suốt đời. Dỏm trong các ngành khác như khoa học xã hội thì có thể không gây tác hại nguy hiểm, nhưng dỏm trong y khoa thì hậu quả khôn lường. Rất tiếc là các quan cách mạng không nhìn thấy hay không nhìn thấy điều hiển nhiên đó để cho sự hám danh và dỏm lên ngôi. Họ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử nước nhà.

Bệnh hám danh trong y giới ngày nay đã trở thành đại dịch. Có lần trong một hội thảo chuyên môn, một anh kia tên là D, học y trước 1975 nhưng ra trường sau 1975, thuộc thành phần răng đen mã tấu – “cách mạng 75″ như người Sài Gòn vẫn nói, được người ta giới thiệu anh ta là TS, nhưng khi anh ta lên bục giảng câu đầu tiên anh ta nói là chỉnh người giới thiệu, rằng chức danh của anh ta bây giờ là PGS. Chính xác hơn là PGS-TS-BS. Cả hội trường có phần sững sờ trước sự khoe khoang hợm hĩnh. Tôi cũng ngạc nhiên khi biết anh ta có bằng tiến sĩ và càng sững sờ khi biết anh ta là PGS. Hỏi đồng nghiệp làm cùng bệnh viện với anh ta, ai cũng cười. Nghiên cứu là con số 0. Lâm sàng? Đã có nhiều bệnh nhân thành nạn nhân của anh ta. Thế là biết. Tất cả chỉ là mua bán. Thế mới biết cái cơ chế có khả năng nhào nặn một con người có tư cách thành một kẻ háu danh hợm hĩnh. Và chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng trường hợp của anh D chỉ là một hạt cát trong sa mạc y giới. Ngày nay có hàng chục ngàn người như thế. Nó đã thành một đại dịch. Dịch hám danh. Dịch hám bằng cấp. Đại dịch hám danh và hám bằng cấp còn nguy hiểm đến bệnh nhân hơn các đại dịch H1N1 nhiều.

Đại dịch hám danh không chỉ trong y giới mà còn lan tràn ra các địa hạt khác ngoài xã hội. Ai cũng cố gắng tạo cho mình một cái danh xưng trước tên. Ngày nào xã hội biết đến bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư … nhưng ngày nay người ta còn gắn CN và Master trước tên mình. CN là cử nhân. Master là cao học. Chưa bao giờ tôi thấy một sự háu danh quái đản như hiện nay. Trong y giới, người ta còn gắn thêm TS-BS, hoặc PGS-TS-BS. Nếu có danh xưng gì khác như thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, người ta cũng gắn vào luôn. Nếu một người nông dân không có bằng cử nhân thì họ được gọi là gì. Không là gì cả. Do đó, đại dịch dịch hám danh nó phân chia xã hội thành những người có và những người không có. Nó dẫn đến nạn kỳ thị. Kẻ có danh xem thường người không có danh. Vì thế người ta phải chạy theo danh, phải mua danh bán tước. Đại dịch hám danh tạo ra một thị trường mua bán tước danh, bằng cấp. Từ cấp trung ương đến địa phương, hiện tượng mua bán bằng cấp xảy ra hàng ngày. Mua bán tước danh và bằng cấp là hành động xem thường kỷ cương phép tắt trong học thuật. Vì thế dịch hám danh không chỉ làm phân hóa, kỳ thị xã hội, mà còn làm hủy hoại nền học thuật quốc gia.

Sau khi gặp bạn tôi gặp trong hội thảo tuần qua làm tôi có cảm hứng viết entry này tôi lên taxi về nhà. Trên đường về nhà bị kẹt xe, anh tài xế phải vất vả nhích từng cm. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Đường xá ngập nước như trong cơn bão lụt. Ngay giữa thành phố có thời mang danh Hòn ngọc viễn đông. Anh tài xế cùng độ tuổi tôi lắc đầu ngao ngán. Anh nhìn tôi ái ngại vì quá trễ giờ. Chúng tôi nói chuyện đời. Anh chỉ vào con đường ngập nước và nói họ đang phá nát thành phố này. Tôi đồng ý. Nhưng tôi muốn thêm rằng họ cũng đang hủy hoại nền học thuật nước nhà bằng cách tạo ra một đại dịch PGS-TS-BS.
Bác sĩ Ngọc
(Blog Nhật ký của Ngọc)

Săn hổ ở Trung Quốc

Trong một hành động táo bạo kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng, Trung Quốc đã chính thức công bố bắt đầu các cuộc điều tra liên quan đến những “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” đối với nhân vật cao cấp nhất bên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Chu Vĩnh Khang. Mặc dù những tin đồn về sự sụp đổ chính trị của ông Chu đã được lan rộng gần một năm nay nhưng bất cứ ai quen thuộc với những âm mưu chính trị của Trung Quốc đều biết rằng các nhóm thân cận và phe cánh vẫn có thể cứu được ông Chu nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa chính thức công bố hạ quyết ông. Bây giờ thì việc này đã trở nên chính thức: một con “siêu hổ” đã bị quật ngã. Nhưng liệu đây có phải là những gì mà Trung Quốc thực sự cần trong lúc này?
zhou-yongkang-xi-jinping

Từ năm 2012, khi Tập Cận Bình bắt đầu “săn hổ” – theo như đúng lời ông nói – thì đã có ba bộ trưởng, tỉnh trưởng và các quan chức cấp cao khác đã bị rơi vào lưới. Nhưng ông Chu không phải là một con hổ bình thường. Ông từng là ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyết định cao nhất của ĐCSTQ. Ông Chu từng được xem như một nhân vật bất khả xâm phạm.

Kể từ những năm cuối thời kỳ Cách mạng Văn hóa, ĐCSTQ đã tôn trọng các quy tắc ngầm rằng các thành viên trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, đương nhiệm hoặc nghỉ hưu, đều được hưởng quyền miễn trừ truy tố hình sự. Tất nhiên cũng có một số người bị thanh lọc trong cuộc đấu tranh quyền lực, chẳng hạn như sự sụp đổ của Hoa Quốc Phong, người kế nhiệm của Mao Trạch Đông, vào đầu thập niên 1980. Tuy nhiên, những nhân vật bị đánh bại thường được đưa về nghỉ hưu trong thầm lặng và không bao giờ phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng.

Cho nên việc truy tố ông Chu là một bước ngoặt – còn xa hơn các phiên tòa của cựu Bí thư Chi bộ ĐCSTQ Bạc Hy Lai ở Trung Khánh bị thất sủng một năm trước đây. Việc này thể hiện một cách rõ ràng quyết tâm cá nhân và chính trị của Tập Cận Bình. Nhưng câu hỏi được đặt ra là: Ông Tập hy vọng sẽ đạt những gì với chiến dịch chống tham nhũng đáng sợ nhất của Trung Quốc trong hơn ba thập kỷ qua?

Sự khôn ngoan đầu tiên là việc truy tố sẽ giúp phục vụ mục tiêu củng cố quyền lực của Tập Cận Bình và buộc bộ máy chính quyền đầy quan liêu phải thực hiện cải cách kinh tế vốn đi ngược lại lợi ích của chính mình. Hai ngạnh trong chiến lược chính trị của Tập Cận Bình là làm sạch ĐCSTQ và tiếp thêm sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Việc này có nghĩa rằng hai ngạnh sẽ tự bổ sung và phụ thuộc lẫn nhau.

Chiến lược này có thành tích đáng kể. Nhưng ngay cả câu châm ngôn xảo quyệt mà người cai trị thường khuyến khích sự sở hãi thay vì lòng yêu thương trong dân chúng cũng chỉ có thể đi đến một giai đoạn nào đó thôi. Các nhà lãnh đạo chính trị thành công nhất phải có kỹ năng xây dựng các liên minh.

Hãy xem Đặng Tiểu Bình, nhân vật cải cách thành công nhất của Trung Quốc (mặc dù chính ông ra lệnh vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989). Liên minh lớn nhất mà ông đã tạo dựng thành công, trong đó ông vượt qua tất cả các âm mưu chính trị khác, là mang lại sự chuyển đổi kinh tế sau khi ông trở lại nắm quyền vào năm 1979.

Câu hỏi hiện nay không phải là liệu Tập Cận Bình đã tích lũy được đủ thẩm quyền để thực hiện những thay đổi cần thiết ở Trung Quốc hay không, mà liệu ông đã xây dựng được một liên minh có khả năng thúc đẩy mục tiêu phục hồi cũng như cải cách nền kinh tế thị trường hay chưa. Và cho đến nay thì câu trả lời dường như là không có.

Từ khi nắmchức chủ tịch nước, những hành độngcủaTập Cận Bìnhđã trở nênkiên quyết hơn nhưng cũng không kém phầnmâu thuẫn.Một mặt,ông đãtích cực săn”hổ” và “ruồi” (các quan chức cấp thấp hơn), trong khi kiềm chếcác đặc quyền mà giới quan chức Trung Quốc đang được hưởng. Mặt khác, ông đã đưa rachiến dịchmạnh mẽ chống lạitự do hóachính trị, bắt giữ vàbỏ tùcác nhà hoạt độngnhân quyềnhàng đầu vàđàn áp thẳng tay cácphương tiện truyền thôngxã hội vốn hoạt động rấtsôi độngở Trung Quốc.

Những rủi ro trong việc tiến hành một cuộc chiến tranh hai mặt trận ngày càng trở nên rõ nét hơn. Nếu cuộc chiến chống tham nhũng của Tập Cận Bình có thật thì việc này sẽ tạo ra sự sợ hãi và oán giận trong bộ máy quan liêu của Trung Quốc. Trong khi các quan chức giả vờ đồng tình với chương trình cải cách kinh tế của Tập Cận Bình thì cùng lúc họ sẽ tìm mọi cơ hội để cản trở nó. Việc thiếu vắng những thành công cụ thể kể từ khi Tập Cận Bình công bố chi tiết kế hoạch cải cách kinh tế hồi cuối tháng Mười một cho thấy rằng điều này đã xảy ra.

Đồng thời, lập trường cứng rắn của Tập Cận Bình trong việc chống lại những cải cách chính trị đang làm giới cấp tiến mất hết hy vọng. Tất nhiên, nhóm này – bao gồm cả trí thức, các nhà hoạt động xã hội, nhà báo và doanh nghiệp tư nhân – có rất ít quyền lực trong thể chế chính trị ở Trung Quốc. Điều họ có là khả năng gây ảnh hưởng đến những người Trung Quốc bình thường – giúp bổ sung lực lượng vào liên minh ủng hộ cải cách. Đặng Tiểu Bình đã nhận ra tiềm năng của các nhóm này vào những năm 1980. Nếu Tập Cận Bình không theo gót Đặng Tiểu Bình thì việc tập hợp công chúng để ủng hộ kế hoạch cải cách kinh tế cũng như viễn tượng tương lai của Trung Quốc do ông đề ra sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Đây chưa kể đến bắt nhốt Chu Vĩnh Khang không hẳn là một bước đi sáng suốt. Nhưng bây giờ Tập Cận Bình phải thay đổi kế hoạch từ việc bắt các nhóm tham nhũng sang liên minh với những đồng minh chính trị khác, thậm chí những đồng minh mà ông chưa từng nghĩ đến. Sự thành công lâu dài của Tập Cận Bình – cũng như cả nước Trung Quốc – phụ thuộc vào sự liên minh đó.
 
Đặng Khươngchuyển ngữ, CTV Phía Trước
Minxin Pei, Project-Syndicate
Minxin Pei là giáo sư ngành Quản lý Chính phủ tại Đại học Claremont McKenna và là nghiên cứu viên cao cấp, không thường trú tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ.
© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Nhà giàu Trung Quốc di cư ồ ạt

TT - Giới nhà giàu Trung Quốc đang di cư ồ ạt ra nước ngoài bất chấp nền kinh tế phát triển mạnh và chủ nghĩa dân tộc đang lên ngôi.
Ô nhiễm là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người Trung Quốc di cư - Ảnh: SCMP
Ô nhiễm là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người Trung Quốc di cư - Ảnh: SCMP
Theo khảo sát năm 2014 của hãng nghiên cứu thị trường Thượng Hải Hurun Report và Visas Consulting Group, 64% nhà giàu Trung Quốc (có tài sản trị giá từ 1,6 triệu USD) đang di cư ra nước ngoài hoặc có kế hoạch làm như vậy. Điểm đến phổ biến nhất là Mỹ (52%), Canada (21%), Úc (9%) và châu Âu (7%).

Làn sóng di cư ồ ạt này bắt đầu từ vài năm qua. Một số nhà quan sát nhận định đây là hiện tượng gây ngạc nhiên bởi nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển mạnh và ổn định. Chủ nghĩa dân tộc cũng đang sôi sục tại quốc gia này.

Vì không khí và thực phẩm sạch
Được thở thoải mái không khí trong lành là một nhu cầu tối thiểu

Một cư dân Bắc Kinh

Hồi tháng 11-2011, Nhân Dân Nhật Báo đã đăng bài viết kêu gọi chính quyền Bắc Kinh siết chặt các quy định để chặn làn sóng di cư ra nước ngoài.

Bài báo với tựa đề “Chúng ta cần khiến giới nhà giàu khó di cư” gây sốt trên các trang mạng xã hội Trung Quốc với đề xuất nhà giàu ra nước ngoài sống phải đóng “thuế di cư”. Trên trang Sina Weibo, nhiều cư dân mạng Trung Quốc bình luận khi có tiền, giới nhà giàu không còn yêu nước và là “những kẻ phản quốc thời bình”.

Tại sao người có tiền ở Trung Quốc không sống yên ổn trong nước mà lại đi Mỹ hay Canada? Khảo sát của Hurun Report và Visas Consulting cho biết phần lớn quyết định di cư vì không chịu nổi bầu không khí ô nhiễm ở Trung Quốc và rất lo ngại với hàng loạt xìcăngđan thực phẩm độc hại.

Nhiều bậc phụ huynh còn muốn con cái mình được hưởng một môi trường giáo dục hiệu quả hơn thay vì chế độ kiểm tra, thi cử nặng nề, mang tính chất nhồi nhét kiến thức của Trung Quốc.

Thống kê cho thấy trong năm 2013, Chính phủ Mỹ cấp 6.895 thị thực cho công dân Trung Quốc theo chương trình EB-5, nghĩa là người nước ngoài được định cư lâu dài ở Mỹ nếu đầu tư tối thiểu 500.000 USD.

Nhà giàu Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng các thành phố Los Angeles, San Francisco và New York (Mỹ), tiếp theo là Vancouver (Canada). Điều đáng chú ý là 2/3 số người trả lời phỏng vấn Hurun Report tiết lộ họ sẽ xem xét bỏ quốc tịch Trung Quốc.

Báo Wall Street Journal dẫn lời cô Tôn, một cư dân Bắc Kinh 34 tuổi, tiết lộ con gái 6 tuổi của cô bị hen suyễn nên việc tiếp tục sống ở thủ đô Trung Quốc đầy khói bụi là một hiểm họa chết người. “Được thở thoải mái không khí trong lành là một nhu cầu tối thiểu” - cô Tôn nhấn mạnh.

Cô cũng cho biết con gái cô có khiếu nghệ thuật và cô muốn con được phát triển một cách tự nhiên thay vì phải gồng mình học trong nhà trường Trung Quốc đặt nặng thi cử và thành tích.

Cảm giác an toàn

Doanh nhân Rupert Hoogewerf, người sáng lập Hurun Report, nhận định việc giới nhà giàu và có thế lực tìm cách “rút êm” khỏi Trung Quốc còn cho thấy họ không có đủ niềm tin vào tương lai kinh tế của đất nước. Tỉ phú địa ốc nổi tiếng Nhâm Chí Cường cho rằng nguyên nhân lớn nhất của làn sóng di cư khỏi Trung Quốc là cảm giác thiếu an toàn.

“Đó là sự an toàn trong cuộc sống đối với tài sản, thực phẩm, không khí, giáo dục và quyền lợi - tỉ phú Nhâm Chí Cường khẳng định - Việc thiếu cảm giác an toàn là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự bất ổn xã hội. Chỉ khi đem lại cho công dân cảm giác an toàn thì Trung Quốc mới có thể thiết lập một xã hội ổn định”. Việc tăng trưởng của Trung Quốc bắt đầu giảm, giá địa ốc sụt khiến cảm giác thiếu an toàn càng gia tăng.

Theo Wall Street Journal, hiện Văn phòng vấn đề Hoa kiều Quốc vụ viện Trung Quốc đang giám sát chặt chẽ làn sóng di cư và tổ chức các chiến dịch tuyên truyền để đảm bảo những người ra đi không lãng quên đất nước.

Mới đây, chuyên gia về Trung Quốc John Fitzgerald thuộc Đại học Swinburne (Úc) cảnh báo: “Người Úc gốc Trung Quốc đang bị giám sát, tổ chức theo chỉ đạo của Bắc Kinh ở mức chưa từng thấy”. Tại Mỹ, hồi tháng 6 hàng loạt thành viên Hiệp hội Giáo sư đại học Mỹ (AAUP) kêu gọi các trường đại học ngừng hợp tác với những Viện Khổng Tử mà Trung Quốc dựng lên ở nước ngoài để truyền bá các quan điểm chính thống của Bắc Kinh.

Quan tham bỏ trốn

Ra nước ngoài định cư còn là cách để giới nhà giàu và quan chức Trung Quốc tẩu tán tài sản kiếm được từ tham nhũng. Theo Reuters, các luật sư và chuyên gia tư vấn Úc nhận định chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh đang khiến nguồn tiền từ Trung Quốc đổ vào địa ốc Úc tăng vọt. Tính trên thị trường địa ốc toàn cầu, trong thời gian qua khách hàng Trung Quốc đã mua nhà đất trị giá 22 tỉ USD. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ước tính từ giữa thập niên 1990 đến nay, các quan chức tham nhũng đã bòn rút khoảng 123 tỉ USD.

HIẾU TRUNG
( Tuổi Trẻ )

Nguyễn Văn Tuấn - Hoa hoè màu mè

Tướng Phùng Quang Thanh tiếp tướng Martin Dempsey
Tôi để ý thấy một trong những điểm VN không giống ai là … màu mè. Nói theo cách nói dưới quê tôi là hoa hoè. Hãy xem những buổi tiếp kiến ông Đại tướng Mĩ Martin Dempsey. Đi đâu cũng thấy bông (hoa). Xuống phi trường Đà Nẵng ông bị tống ngay một bó bông chình ình. Còn mấy cô gái trông xinh xinh đứng đó cầm bông chẳng biết để làm gì?

 Quân đội thì cần gì bông với hoa? Màu mè một cách không cần thiết. Màu mè đến độ … chướng mắt. Định làm ra vẻ văn minh, nhưng chắc gì người nhận xem đó là văn minh.

Chẳng những buổi đón ở phi trường, mấy hình khác cũng cho thấy bất cứ chỗ nào ông có tiếp kiến trên bàn đều có bông. Chẳng biết bó bông để làm gì. Tôi không suy nghĩ ra ý nghĩa của mấy bông hoa này. Trước mắt, nó tốn tiền một cách không cần thiết. Thật ra, ở nhiều nơi tôi thấy toàn bông giả làm bằng cao su. Loại bông giả này càng vô duyên và cho thấy thói giả dối của vài người Việt.

Cá nhân tôi cũng nhiều lần được tặng bông sau những buổi nói chuyện. Nói thật tôi không thích, vì nó cồng kềnh và mình thì vừa mệt vừa nhận mấy món quà khác, tay chân đâu mà giữ bó bông? Bực mình lắm nhưng không thể nói ra hay thể hiện vì dù sao đó là tấm lòng tốt của người ta. Thông thường tôi cho người khác, hay khách sạn và cho mấy cô tiếp tân, hoặc cũng có khi phải vứt bỏ khi chẳng biết cho ai và làm gì với nó. Có lần tôi cho cô tiếp viên hàng không một bó bông, cô ấy thích lắm tưởng là tôi “để ý” đến cô ấy, nên đi ngang cứ liếc cười hoài. Sự thực là tôi chẳng cần bông. Tôi nghĩ rất có thể ông Dempsey cũng vứt bỏ mấy bó bông vô duyên đó.

Tôi liên tưởng đến những kẻ trưởng giả học làm sang. Người nghèo và ở giai tầng xã hội thấp thường hay thích màu mè, diêm dúa. Chúng ta có thể xem những người da đen sống ở những vùng nghèo nàn mà đi xe hơi đắt tiền và ăn mặc thì biết. Chẳng nói đâu xa, vào thời thập niên 1980 khi mới sang nước ngoài định cư, nhiều người Việt làm công nhân trong hãng dù rất nghèo nhưng cũng cố gắng vay tiền để mua một chiếc xe rất xịn [mà chỉ có người có tiền mới dám mua] để lấy le. Tôi nghĩ mấy bó bông trong phòng tiếp khách có thể ví như sự trang trí diêm dúa của người có văn hoá thấp nhưng muốn học làm quí phái. 
Ông Patrick Leahy tiếp ông Phạm Quang  Nghị
Còn người giàu và có văn hoá cao, họ lúc nào cũng tỏ ra đơn giản và thân mật. Đối với họ, diêm dúa và màu mè là cái gì đó buồn cười, học đòi, không thuộc giai tầng của họ. Thật sự, nhìn thấy mấy người ăn mặc diêm dúa và trang trí hoa hoè phải nói là đáng tội nghiệp cho họ vì có thể đó cũng là một mặc cảm tự ti.

Tôi thấy chính khách Mĩ họ tiếp khách tự nhiên hơn. Chẳng hạn như buổi tiếp kiến giữa ông Patrick Leahy và Phạm Quang Nghị rất “ấm cúng”, giống như phòng khách ở nhà, có lò sưởi, cái bàn café, và hai cái ghế. Chẳng cần hoa hoè gì cho chướng mắc. Đó là cách tiếp khách văn minh, rất tiêu biểu ở Mĩ và Úc. Biết chừng nào VN học cách tiếp khác mà không có bông hoa.
( Theo FB Nguyen Tuan )
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét