Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Đảng phải tự giải thoát chính mình

  • 'Khó ai thay đổi được lập trường TQ' (BBC) - Ngay cả cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng khó làm Trung Quốc thay đổi lập trường 'bành trướng' trên Biển Đông, theo nhà phân tích Đinh Hoàng Thắng.
  • Libya bên bờ vực thẳm, Mỹ sơ tán toàn bộ sứ quán (RFI) - Phải chăng Libya là một điểm yếu trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama ? Hôm qua, 26/07/2014, Hoa Kỳ đã rút toàn bộ các nhân viên sứ quán Mỹ ở Tripoli, nơi đang diễn ra các vụ đụng độác liệt giữa các phe nhóm đối địch. Toàn bộ số nhân viên ngoại giao Mỹ được đưa sang Tunisia. Washington khẳng định sứ quán Mỹ tại Tripoli chỉ tạm thời ngừng hoạt động chứ không phải đóng cửa cơ quan ngoại giao tại Libya.
  • Anh đòi truất quyền tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới 2018 của Nga (RFI) - Hôm nay 27/07/2014, khi trả lời phỏng vấn của báo Sunday Times, Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg đã lên tiếng tán đồng đề nghị của nhiều chính trị gia Đức, đòi truất quyền tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới 2018 của Nga, sau vụ chiếc máy bay của hàng không Malaysia MH17 bị bắn rơi ở miền đông Ukraina.
  • Đức Giáo Hoàng kêu gọi ngưng mọi cuộc chiến (RFA) - Sáng hôm qua trong bài giảng nhân dịp đánh dấu 100 năm ngày thế chiến thứ Nhất diễn ra, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên tiếng kêu mọi mọi người đừng lập lại sai lầm của quá khứ vì chiến tranh
  • Trái cây Việt Nam và thị trường Trung quốc (RFA) - Trái cây do nông dân Việt Nam trồng ra lâu nay chủ yếu được xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, sự lệ thuộc vào thị trường này dẫn đến bao đợt ách tắc, gây thiệt hại lớn cho người nông dân và doanh nghiệp.
  • Tản mạn cùng NS. Tuấn Khanh và Bảo Chấn về âm nhạc VN hiện đại (RFA) - Âm nhạc Việt Nam giai đoạn gần đây dường như đang đi vào bế tắc, không chỉ từ phía người sáng tác mà ngay cả thị hiếu của người nghe. Và hôm nay, chúng tôi mời quí vị cùng nghe ý kiến của một vài nhạc sĩ, những người đã và đang chứng kiến sự đổi thay trong âm nhạc Việt Nam.
  • ‘Đền ơn, đáp nghĩa’ chính sách và thực tế (RFA) - Chính sách ‘đền ơn, đáp nghĩa’ luôn được chính phủ Hà Nội nhắc đi nhắc lại, đặc biệt vào dịp Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27 tháng 7 hằng năm. Tuy nhiên thực tế đối xử với những người từng toàn tâm, toàn ý đi theo ‘chính quyền cách mạng’ ra sao?
  • Israel tấn công trở lại ở Gaza (BBC) - Quân đội Israel nối lại các hành động quân sự ở Gaza sau khi lệnh ngừng bắn đổ vỡ vì Hamas tiếp tục bắn hỏa tiễn.
  • Hamas chấp nhận 24 giờ hưu chiến với Israel (RFI) - Vài giờ sau khi quân đội Israel khởi động trở lại các chiến dịch quân sự tại dải Gaza, lực lượng Hồi giáo Hamas của người Palestine đã loan báo chấp nhận đề nghị ngừng bắn 24 tiếng đồng hồ vào hôm nay, 27/07/2014 vì lý do nhân đạo. Cuộc hưu chiến bắt đầu từ 14g00, giờ địa phương.
  • Hàng ngàn người biểu tình ở Paris ủng hộ Palestine bất chấp lệnh cấm (RFI) - Cho dù cảnh sát Paris đã ra lệnh cấm, nhưng vào hôm qua 26/07/2014, hàng ngàn người đã tập hợp tại Quảng trường Cộng hòa (Place de la République) để bày tỏ lòng ủng hộ đối với người dân Palestine tại Gaza đang phải sống dưới bom đạn của Israel.
    Đáng tiếc là tương tự như vào tuần trước cũng tại Paris và tại thị xã Sarcelles vùng ngoạiô, một số vụ xung đột đã nổ ra giữa một số thanh niên biểu tình và lực lượng cảnh sát.
  • COMMENT VONT LES AFFAIRES: Bài 22 : Nghỉ bệnh (RFI) - Mời quý thính giả theo dõi chương trình học tiếng Pháp trong kinh doanh :"Comment vont les Affaires ?", tìm hiểu công ty Paragem, một công ty Pháp và làm quen với Đăng Minh.
  • Bắc Triều Tiên tiếp tục bắn tên lửa tầm ngắn để thị uy (RFI) - Bình Nhưỡng vào hôm qua 26/07/2014, đã lại phóng hỏa tiễn tầm ngắn ra biển. Đây là đợt bắn lần thứ 15 trong năm nay. Trong một bản thông cáo, Bộ Tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc cho biết là Bắc Triều Tiên đã bắn tên lửa tầm ngắn, tình nghi là loại Scud - ra biển Nhật Bản vào 21g40, hôm qua, giờ địa phương.
  • Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo vào vùng biển Nhật Bản (BaoMoi) - Theo Japan Times, Nhật Bản ngày 27-7 đã gửi kháng nghị tới Triều Tiên thông qua Đại sứ quán ở Bắc Kinh (Trung Quốc) sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ bờ biển phía Tây vào vùng biển Nhật Bản (biển Đông Hàn Quốc) tối 26-7.
  • Tàu Costa Concordia về bến đỗ cuối cùng (VOA) - Tàu Costa Condordia bị rỉ sét đã về bến đỗ cuối cùng sau một quá trình trục vớt dài 2 năm qua ở ngoài khơi đảo Giglio, nơi chiếc du thuyền bị lật cách đây 2 năm, khiến 32 người thiệt mạng
  • Trung Quốc tập trận lớn ở Vịnh Bắc Bộ (BaoMoi) - Quân đội Trung Quốc tổ chức hai cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn trên Biển Đông và biển Hoa Đông từ cuối tuần, khi căng thẳng trong khu vực gia tăng vì tranh chấp lãnh thổ.
  • Không nên lấn át các quốc gia nhỏ trong khu vực (BaoMoi) - QĐND - Trong bài phát biểu mới đây tại tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc), cựu Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn (Bill Clinton) đã chỉ trích việc Trung Quốc muốn giải quyết song phương với các nước láng giềng về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
  • Những ký ức về các chiến sĩ Gạc Ma ngày ấy và bây giờ (BaoMoi) - (VOH) - Ngày 27/7 hàng năm được dành để tri ân, tưởng vọng đến những người con ưu tú đã ngã xuống vì sự bình yên của tổ quốc. Trong số hàng triệu vong linh những người lính đã chết trận, không thể không nhắc tới 64 liệt sĩ đã ngã xuống trong trận hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988 trước hàng loạt đạn pháo của Trung Quốc. Sự hy sinh anh dũng của các anh đã biến địa danh Gạc Ma trở thành bất tử.
  • Kiện Trung Quốc ra tòa là cách tự bảo vệ cuối cùng (BaoMoi) - “Việt Nam có những chứng cứ mạnh nhất về chủ quyền với các quần đảo. Đã đến lúc các bạn phải nghĩ đến việc sử dụng những bằng chứng này ở một phiên tòa quốc tế” , đó là ý kiến trao đổi của Giáo sư Carlyle Thayer với Phóng viên Lao Động tại Hội thảo quốc tế về tranh chấp trên biển Đông diễn ra tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong 2 ngày 25 – 26.7.2014.
  • Sau khi rút giàn khoan, TQ tập trận ngay sát VN (BaoMoi) - Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 27/7 thông báo nước này đang tiến hành tập trận bắn đạn thật rầm rộ ngoài khơi vịnh Bắc bộ, tại khu vực giáp ranh với vùng biển Việt Nam. Theo dự kiến đợt tập trận này sẽ kết thúc vào ngày 1/8.
  • Việt Nam cần chủ động ứng phó với tình huống tương tự giàn khoan 981 (BaoMoi) - ANTĐ - Các học giả quốc tế nhấn mạnh, dù giàn khoan Hải Dương - 981 đã được di dời ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nhưng hành động này đã tạo ra một tiền lệ xấu trong quan hệ pháp lý quốc tế. Vì thế, Việt Nam cần chủ động ứng phó với những tình huống tương tự có thể xảy ra.
  • Cựu Tổng thống Bill Clinton chỉ trích Trung Quốc về chính sách Biển Đông (BaoMoi) - Trong bài phát biểu mới đây tại tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc), cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã chỉ trích việc Trung Quốc muốn giải quyết song phương với các nước láng giềng về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Ông Clinton vừa có chuyến thăm Việt Nam trong khuôn khổ chương trình vận động cho "Quỹ Clinton phòng chống AIDS".
  • “Quyền lực mềm” của ASEAN (BaoMoi) - Hội thảo quốc tế về Biển Đông khai mạc tại TPHCM ngày 26-7, đã thu hút sự quan tâm của nhiều thẩm phán, luật sư đại diện cho các Tòa án quốc tế, Tòa án Công lý quốc tế, Tòa quốc tế về Luật Biển.
  • Do thám đúng luật! (BaoMoi) - (PetroTimes) - Ngày 21/7, Hãng CNN dẫn lời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton nhận định, yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, đã gây ra tình trạng leo thang căng thẳng với các nước láng giềng. Động thái của Trung Quốc đã khiến các nước châu Á cảm thấy lo ngại bởi chính sách đối ngoại ngày càng cứng rắn và hung hăng hơn cùng sự tăng cường sức mạnh quân sự.
  • Hội thảo quốc tế về sự kiện Giàn khoan Hải Dương 981 (BaoMoi) - Ngày 26-7, tại Dinh Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam”.

Hiệu Minh - Mẹ anh hùng phải giữ lấy…trinh

Một bà mẹ VN anh hùng. Ảnh: Báo TTO
Một bà mẹ VN anh hùng. Ảnh: Báo TTO

Có lẽ từ lâu lắm rồi, chúng ta thường nghe truyền thông viết về vẻ đẹp của những anh hùng. Từ Cù Chính Lan, Phan Đình Giót, đến Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, rồi sau này là chị Tuyển, chị Hằng ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) vác hòm đạn cao xạ nặng gấp đôi số cân của mình. Hình như sau này nhờ có công lao vác đạn mà chị Hằng lên tới hàm Bộ trưởng.

Thật ra, thời chiến cần những hình tượng anh hùng để cả nước học tập và làm theo, mục đích là thắng giặc Mỹ. Nếu có nói quá một chút cũng là bình thường. Chiến tranh mà.

Thời bình có của ăn của để, thế hệ sau biết ơn bằng cách phong anh hùng cho các bà mẹ có chồng con hy sinh. Đó là cách làm rất nhân văn, động viên được bao bà mẹ, bà vợ có người thân ngã xuống.

Theo nghị định 56/2013, tiêu chuẩn mẹ anh hùng ghi rõ, có từ hai con hy sinh trở lên, hoặc là con một, hoặc có một con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ.

Nghị định 31/2013 cũng nói, vợ liệt sĩ tái giá không được xem xét giải quyết các quyền lợi khác ngoài trợ cấp tiền tuất hằng tháng. Có lẽ dựa vào đó mà cấp trên chưa xem xét diện bà mẹ anh hùng cho một cụ gần đất xa trời.

Báo Tuổi trẻ có một bài viết về cụ Trần Thị M. (83 tuổi, nguyên quán Đức Phổ, Quảng Ngãi, hiện ngụ ở P.12, Q.Bình Thạnh, Sài Gòn) có chồng và con trai là liệt sĩ nhưng chưa được phong tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng chỉ vì bà…tái giá.

Bài báo cho biết, trong chiến tranh cụ mất 3 người thân: năm 1962, ông Võ Mười, chồng bà, hi sinh khi bà mới 30 tuổi; năm 1964, con trai út Võ Danh của bà bị bắn chết khi vừa 6 tuổi, đang được giao việc cảnh giới cho các chú cán bộ họp; năm 1971, con trai lớn Võ Thái làm giao liên cho ban binh vận Khu ủy Khu V hy sinh ở tuổi 16.

Còn lại một mình giữa đạn bom, hai lần bị bắt, giam cầm tra khảo ở nhà lao Quảng Ngãi, năm 1974 bà gá nghĩa với một người đồng đội, ông Thái Văn Thới. Như vậy cụ M. cũng cắn răng tới 10 năm sau mới tái giá.

Hôm nay, ngày thương binh liệt sỹ 27-7, viết câu chuyện này không phải chút nào. Có bao nhiêu người chồng ra trận đều hẹn ngày về với vợ, nhưng lời hẹn ước ấy bị chiến tranh cướp mất. Người ngã xuống không muốn người ở lại phải “cắm sào” đợi ai về. Ở thế giới bên kia, chắc họ cũng mong người thương tìm được hạnh phúc trong phần đời còn lại.

Thời của thiếu niên của tôi (1960-1970) ai chả nhớ chị Phan Thị Quyên, vợ mới cưới được gần một tháng của anh Nguyễn Văn Trỗi, người định giật mìn giết chết McNamara trên đường Công Lý. Anh Trỗi bị bắt và xử bắn (1964) lúc chị mới 19-20 tuổi.

Khi được đưa ra Bắc, chị đi nói chuyện khắp nơi, được báo đài đưa tin. Nhưng khi chị Quyên đi lấy chồng khác, tuyệt nhiên không còn bài báo nào viết về chị nữa. Vợ của anh hùng thì cũng phải khác người.

Ở một đất nước mà anh hùng được dựng lên không tỳ vết. Lãnh tụ phải suốt đời cô đơn không một chút riêng tư, sống như những vị thánh.

Não trạng người có quyền thế đã quen thế rồi. Cộng thêm “công dung ngôn hạnh”, “tam tòng tứ đức” ở một xã hội nửa phong kiến, nửa văn minh, nửa lạc hậu, các bà mẹ có chồng con là liệt sỹ hy sinh cho đất nước bị xét nét không khác được.
Muốn làm mẹ Việt Nam anh hùng nhất định giữ lấy…trinh.
 HM. 27-7-2014
( Hiệu Minh Blog )

Tuấn Khanh - Sài Gòn run rẩy trong tiếng máy cưa

Tặng tất cả những ai nhớ về một Sài Gòn thơ mộng
Này, tôi tin là bất kỳ ai trong số các bạn, kể cả tôi, những người đang nhớ về Sài Gòn trong những ngày buộc phải rũ chiếc áo xanh thay vào một bản vẽ tương lai, đều có quyền đặt ra một vài câu hỏi, dù là thì thầm hay hỏi thật to.
Vì sao phải thương nhớ một hàng cây, thương nhớ một hình dáng cũ?
Trong những bức ảnh thời sự cuối tháng 7/2014, có thể thấy rất nhiều người đứng lại, tần ngần ngắm nghía Sài Gòn, chụp ảnh kỷ niệm với những chiếc lá xanh không quen biết. Chắc họ cũng đã không thể trả lời được rõ ràng cho câu hỏi này, vì ít có ai chuẩn bị đủ tâm lý cho một cuộc chia ly như vậy.
Sài Gòn tháng 7 bỗng không nóng bức như thường lệ. Cái lạnh đến sớm một cách khó hiểu, từng chiều, làm hiu hắt thêm một thành phố toác rộng, nhấp nhô với bê-tông. Tại vòng xoay phun nước, hai cụ già đang lóng ngóng thay phiên chụp ảnh nhau làm kỷ niệm. Trước đây, nơi này nhộn nhịp người qua lại bên hàng liễu xanh, giờ hoang vắng lạ. Chụp giùm cả hai cụ một tấm ảnh, nhân tiện hỏi vui “Chỗ này có kỷ niệm riêng của hai bác?”. Ông cụ cười, không trả lời mà lại hỏi “Người ta không chọn được một nơi nào khác để làm nhà ga sao cậu?”.
Câu hỏi đó tôi lại không thể trả lời, cũng như hàng triệu người thương mến thành phố của mình cũng không thể trả lời. Thậm chí, nhà ga hiện đại, to đẹp tương lai sắp tới, hầu như cũng không ai nhìn thấy được mô hình hay một bản vẽ giới thiệu về nó rõ ràng ở đâu, để mọi người có thể hình dung về sự đánh đổi này. Đây là điều tối thiểu mà bất cứ một cuộc làm mới nào ảnh hưởng đến con người, trên mọi quốc gia văn minh đều phải thực hiện.
20140727-115129-42689750.jpg

Thành phố hơn 300 năm tuổi, được liệt vào hàng kỷ vật của cả thế giới đã đột ngột biến dạng trong mắt nhiều người. Nhìn những chiếc cưa máy gầm rú vật ngã từng cái cây đã đứng đó, lá cây rơi vãi như những trang nhật ký của đời, từng ghi lại bao thăng trầm của thành phố này mà lòng khó tả. À, vì sao chúng ta không thể chọn một vài phương án, và người dân ở thành phố này sẽ cùng bỏ phiếu chọn lựa cho con đường phát triển của chính mình? Chắc chắn London, Paris hay Moscow… hay bất cứ đâu, khi xây một ga xe điện ngầm ở ngay một di tích nhiều tuổi của họ, người dân chắc cũng sẽ muốn được bỏ phiếu, thể hiện tâm nguyện như vậy. Và thôi, đừng nói với tôi về biểu quyết Hội đồng Nhân dân TP, tôi không biết gì về họ, ngoài những hình ảnh vỗ tay nhiệt liệt và chơi game khi nhấn nút biểu quyết.
Tôi nhìn thấy những cái cây được bọc rễ cẩn thận, khi được nhổ ra nơi cư trú của nó giữa Sài Gòn. Chắc chắn đã có ai dặn dò việc chuyển giao nó về một nơi nào đó để giữ lại trong tiếc nuối. Nhưng tôi cũng nhìn thấy những cái cây được kéo xuống, cưa nhỏ và mang đi. Cây và cũi là hai ý nghĩa khác nhau, nhưng cũi có tuổi 100 năm lại là một khái niệm khác. Đại lộ Lê Lợi, một trong những đại lộ đẹp nhất Việt Nam với gió, nắng và lá… được thay vào đó bằng điện, sắt và hầm ngầm, dù gọi là để phát triển, thì dĩ nhiên cũng phải có chút chạnh lòng.
Ai cũng muốn đất nước mình đẹp hơn, hiện đại hơn. Việc xây dựng và buộc phải hy sinh một điều gì đó, đôi khi là điều cần thiết, không thể chối cãi. Nhưng với những gì lâu nay mà từng người dân Việt được biết, thì việc tiếc nuối pha lẫn sự lo âu là một điều có thật.
Ai cũng nhớ rằng Sài Gòn là một vùng đất lún, cần hàng ngàn tỉ để phục hồi nhưng vẫn chưa làm được. Ai cũng nhớ rằng cả nước đã có những công trình kéo dài ngày này qua ngày khác và xuống cấp do thiếu tổ chức và đồng bộ. Nhưng điều đó không quan trọng rằng, ai ai cũng nhớ rằng trên đất nước này, đã có rất nhiều công trình được gắn mác hạng mục quốc gia, quan trọng hơn cả ga xe điện ngầm này, được ca ngợi hết mực, nhưng bị đục ruỗng, chỉ vài tháng, hoặc một năm đã hư hỏng, đã rời rã. Thậm chí những con đường sinh lộ của cả quốc gia được tìm thấy cốt tre pha xi-măng dỏm. Một cái cầu vừa xây xong, tháng sau đã không dùng được nữa…v.v nhưng không hề thấy có ai phải chịu trách nhiệm. Những câu chuyện có thật và liên tục như vậy đã hoang phí ngân khố và niềm tin của cả quốc gia đến tận cùng.
Tất cả những điều đó xảy ra, buộc người dân có quyền bồi hồi và lo sợ cho cái sẽ đến, đánh đổi, rằng liệu có thật sự đáng giá hay không? Họ cũng cần được nghe một ai đó nói cho họ, quả quyết về tương lai hoặc có ai đó chịu trách nhiệm rõ ràng cho những bất cập sẽ tới. Đơn giản vì họ là cư dân, là chủ nhân của thành phố này. Nhưng tiếc là, chỉ có tiếng gầm rú của cưa máy, của những công nhân hò nhịp thay cho tiếng nói của họ, hạ gục từng cái cây quen thuộc và tin cậy của họ gục xuống.
Cây có linh hồn không? Thật ngớ ngẩn cho câu trả lời, nhưng nếu như hàng cây đã từng ngắm nhìn thành phố qua bao thế hệ, chắc chắn đã chia sẻ cùng con người nơi này những điều bí ẩn, nhưng đủ để hồi sinh nhau qua nhiều khốn khó.
Nếu nhắc lại, có thể chúng ta sẽ bật cười khi nhớ đến nhiều bài báo lo về sinh mạng của một con rùa già ở Hồ Gương, Hà Nội. Thậm chí đã có các báo cáo khoa học đòi cải thiện tình trạng ô nhiễm của nước hồ để cứu con rùa đó. Người ta ca ngợi đó là di vật, là niềm tin. Nhưng hạ gục thật nhiều hàng cây trăm tuổi, lấy đi lá phổi của hàng triệu người thì đã chẳng có một sự chất vấn nào xứng đáng cho di vật hay niềm tin.
Một người bạn trên Facebook, anh Alvin Tango, nhắc tôi về câu chuyện được đăng trên báo Trung Quốc, rằng có người đàn ông đã bán một trái thận để mua Ipad, để sống với đời hiện đại của mình. Người Sài Gòn khi chịu cắt đi hơi thở quen và lịch sử của mình, chắc cũng cần nghe một lời giản thích chân tình hơn là một mệnh lệnh.
Tất cả mọi người hiện chỉ nhìn thấy những tiếng thở dài về một Sài Gòn quen thuộc. Phải chăng thói quen nhẫn nại chịu đựng và chấp nhận mọi thứ, việc tăng liên tục xăng, điện… cho đến những cuộc tấn công máu lạnh của công an vào dân thường ngay trên đường phố, mỗi ngày nhìn thấy trên báo chí, đã khiến mọi người chỉ còn khả năng đóng kín cửa, thì thầm và sụp đổ khả năng tư duy phản biện về điều thiết thân của mình?
Và có thể vì vậy, lặng lẽ thương nhớ những hàng cây cũ giữa tiếng máy cưa, là điều duy nhất những người yêu Sài Gòn có thể thấy được vào lúc này.
Tuấn Khanh
(Blog Tuấn Khanh) 

Châu Phi và giấc mơ Trung Hoa

Trong khi phương Tây còn đang bận rộn với vùng Trung Đông, Trung Quốc đã nhanh chóng tiếp cận châu Phi. Ảnh từ Wordpress

Sau tin về công ty Trung Quốc đề nghị tuyển 2.100 lao động Trung Quốc sang làm dự án ở Trà Vinh gần đây, bức tranh về người lao động Trung Quốc tại châu Phi, nơi mối quan hệ hợp tác giữa hai bên đã được các nghiên cứu và tư liệu báo chí mô tả, có thể là một tham khảo đáng lưu ý.

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, nhiều nước châu Phi đã không còn có được sự hỗ trợ từ bên ngoài. Dù giàu có về tài nguyên, nhưng nền kinh tế kiệt quệ do chiến tranh và quản lý nhà nước kém cỏi khiến các nước châu Phi thèm khát đầu tư phát triển từ nước ngoài. Vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, khi phương Tây còn đang bận rộn với vùng Trung Đông, Trung Quốc đã nhanh chóng tiếp cận châu Phi.

Một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi đã chỉ ra rằng các hoạt động của Trung Quốc không hoàn toàn theo kiểu thực dân chủ nghĩa. Khác với đầu tư từ phương Tây thường đi kèm với các điều kiện về thể chế chính trị và luật pháp, các gói đầu tư từ Trung Quốc thường mang tính nhượng bộ và không can thiệp vào nội bộ quốc gia sở tại. Vì thế, những nhà lãnh đạo châu Phi đã dễ dàng dang rộng tay mời chào các công ty Trung Quốc đến đất nước họ. Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn nhất của châu Phi. Theo tờ The Wall Street Journal, cam kết đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi năm 2014 là 27,7 tỉ đô la Mỹ.

GS. Ian Taylor từ Đại học St. Andrews, Scotland, nhận định trong cuốn sách “Vai trò mới của Trung Quốc ở châu Phi” là những hoạt động đầu tư kinh tế của Trung Quốc tại châu Phi đã mở ra nhiều cơ hội cho lục địa này nếu các nước châu Phi biết tận dụng một cách thận trọng.

Lời khuyên về sự thận trọng là có cơ sở nếu nhìn vào khía cạnh xã hội của những nước châu Phi đã nhận đầu tư và viện trợ. Cùng với các dự án khai thác dầu khí, khoáng sản và xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ, các công ty Trung Quốc còn đem theo một số lượng lớn lao động của họ đến châu Phi. Hàng trăm ngàn lao động Trung Quốc đã được gửi đến đây để làm những công việc khác nhau, từ chuyên gia hóa dầu cho đến lao công cuốc đường. Chỉ riêng ở Sudan, con số lao động Trung Quốc trong năm 2006 đã là 24.000 người. Con số này chắc không dừng lại ở đó với đà tăng trưởng đầu tư vào châu Phi của Bắc Kinh. Các chính sách và hệ quả của nguồn lao động Trung Quốc vào châu Phi đã gây ra những tranh cãi lớn tại lục địa già này.

Mặc dù có vài công ty Trung Quốc tuyển dụng lao động châu Phi, đa số rất hạn chế sử dụng người bản địa. Các quan chức chính phủ và ông chủ công ty Trung Quốc giải thích cho chính sách này là vì có sự khác biệt trong văn hóa, ngôn ngữ và kỷ luật giữa người Trung Quốc với người bản địa, nên tốt nhất là để người Trung Quốc làm việc cùng với nhau. Giải thích này ám chỉ là lao động Trung Quốc làm việc năng suất và hiệu quả hơn những người châu Phi, và qua đó các khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc có thể được phát huy tối đa.

Sự bất mãn của nhiều người châu Phi ngày càng tăng, họ yêu cầu được hưởng lợi từ việc khai thác tài nguyên tại đất nước của mình. Cựu Bộ trưởng thương mại Zambia, Dipak Patel, khi còn tại nhiệm đã phải thốt lên: “Lao động Trung Quốc làm cả những việc như đẩy xe vật liệu. Đó không phải là loại đầu tư mà chúng ta muốn. Tôi hiểu là họ có tới hơn 1,2 tỉ người nhưng họ không cần phải gửi dân mình tới châu Phi”.

Cùng chia sẻ lo lắng với người lao động bản địa là các tiểu thương người Phi. Ví dụ như ở Cameroon, thương nhân người Hoa đã trở thành đối thủ cạnh tranh chính trong các lĩnh vực buôn bán nhỏ lẻ. Đến cả những quầy bán bánh rán trên đường phố cũng đang dần chuyển sang tay thương nhân Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các tổ chức lao động và môi trường ở châu Phi đang gia tăng sức ép lên chính phủ của họ để đòi hỏi sự minh bạch trong các chính sách đầu tư của Trung Quốc. Robert Rotberg, Giáo sư Đại học Harvard, đã nhận xét: “Khi các nước châu Phi không xây dựng được những luật lệ nền tảng có tính phối hợp chung và cải thiện khả năng quản trị, Trung Quốc sẽ tiếp tục tận dụng khai thác các quốc gia yếu thế hơn trong công cuộc tìm kiếm tài nguyên và xác nhận quyền lực kinh tế mà hầu như không để ý đến các giá trị và nhu cầu của người dân châu Phi” (trong cuốn sách China into Africa: Trade, Aid, and Influence do Robert I. Rotberg năm 2008.

Paolo Woods, phóng viên ảnh kỳ cựu cộng tác với nhiều tờ báo có tiếng như Time, Newsweek và Le Monde, đã có bộ ảnh tư liệu nổi tiếng phản ảnh sự bùng nổ đáng kinh ngạc của cộng đồng người Trung Quốc tại châu Phi vào năm 2008. Dựa trên các bức ảnh đó, Woods đã cùng với hai nhà báo khác xuất bản cuốn sách ảnh có tên là Hành trình Trung Hoa: Con đường bành trướng của Bắc Kinh tại châu Phi. Woods cũng kể lại khi ông dự hội nghị thượng đỉnh Phi - Trung vào tháng 11-2006, lúc Bắc Kinh công bố số tiền khổng lồ mà họ sẽ đầu tư vào châu Phi, một đại biểu châu Phi ngồi cạnh ông đã thì thầm “Ngay lúc này, chúng tôi cần các lãnh đạo của mình phải thật sáng suốt”.
     Huế Dương
( Kinh Tế Sài Gòn )

Vinaconex lại được giao làm đường nước: Vì sao không đấu thầu?

"Vinaconex đang là đối tượng trong quá trình điều tra, thanh tra mà lại được giao làm tiếp việc mà chính Vinaconex đã làm sai. Việc kinh doanh như thế này thì không đâu trên thế giới làm thế", ĐBQH Cao Sỹ Kiêm nêu quan điểm và đặt câu hỏi: Vì sao không tổ chức đấu thầu công khai mà lại giao cho Vinaconex?

Sau 9 lần vỡ đường ống nước sông Đà liên tiếp, TP Hà Nội vẫn quyết định để Vinaconex làm chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến ống số 2, khiến dư luận hết sức nghi ngại. Xung quanh vấn đề này, báo Đời sống và Pháp luật có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Vinaconex lại được giao làm đường nước: Vì sao không đấu thầu? - Ảnh 1
Ông Cao Sỹ Kiêm
Vinaconex vẫn được giao làm đường ống nước, lý do là Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội đã nghe doanh nghiệp nhận lỗi "thành thật" và tin Vinaconex làm tốt hơn đơn vị khác. Ông có nhận định thế nào về vấn đề này?

Trước hết phải khẳng định rằng đường ống dẫn nước Sông Đà về Hà Nội đang vận hành do Vinaconex là chủ đầu tư quá kém chất lượng. Nếu như lần vỡ thứ nhất, thứ hai thì còn có lý do để thanh minh, giải thích nhưng hiện nay đã có đến 9 lần vỡ liên tục gần nhau như thế thì trong thi công có vấn đề.

Về việc này, Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ đang vào cuộc và khi nào có kết luận về sai phạm thì chắc chắn phải xử lý. Tôi cho rằng ngoài việc phải xử lí trách nhiệm về kinh tế thì cũng có thể khởi tố vụ án hình sự. Rõ ràng đây là việc làm thiếu trách nhiệm và quản lý yếu kém, gây hậu quả nghiêm trọng, tốn kém về chi phí và ảnh hưởng đến đời sống của hơn 70.000 hộ dân không có nước sử dụng.

Hiện nay, Vinaconex đang là đối tượng trong quá trình điều tra, thanh tra mà lại được giao làm tiếp việc mà chính Vinaconex đã làm sai; việc kinh doanh như thế này thì không đâu trên thế giới làm thế. Thường thì không bao giờ họ chọn đơn vị có sai phạm như thế để tiếp tục giao một công trình vừa có giá trị kinh tế cao, mà lại ảnh hưởng đến đời sống nhân dân như vậy. Bởi lẽ, đơn vị đó đã không còn được tín nhiệm, hơn nữa, với quy trình, cách thức như thế mà công trình liên tiếp bị hỏng hóc thì không thể chấp nhận được.

Việc UBND TP Hà Nội vẫn chọn Vinaconex là đơn vị thi công với lý do là đơn vị có vốn, công nghệ, trình độ quản lý và không có đơn vị nào khác ngoài Vinaconex làm được... là không đúng, cần phải xem xét lại.

Để thuyết phục Bộ Xây dựng và TP Hà Nội, Vinaconex "lý sự" rằng họ làm tốt hơn các doanh nghiệp khác, vì đã biết quy trình, công nghệ phù hợp... Ông thấy như thế có hợp lý hay không?

Một gói thầu thi công lớn như thế này thì theo tôi hoàn toàn có thể mở thầu quốc tế vì có nhiều công ty quốc tế có kinh nghiệm, trình độ quản lý cũng như có sẵn vốn, họ hoàn toàn có thể làm tốt công việc này.

Tôi cho rằng, trong việc này UBND TP Hà Nội phải giải thích lụ thể và có sức thuyết phục, tại sao cứ phải chọn Vinaconex mà không chọn nhà thầu quốc tế, hay tại sao không thực hiện đấu thầu công khai.

Ngay cả trong nước, nhiều đơn vị có thể làm được công trình này, chứ không riêng gì Vinaconex. Thực tế là ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiều đơn vị đã làm công trình dẫn nước rất lớn và có chất lượng tốt cho TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Do vậy, nếu không giải thích rõ việc này thì người dân có quyền nghi vấn có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. 
Vinaconex lại được giao làm đường nước: Vì sao không đấu thầu? - Ảnh 2
Kể từ cuối năm 2012 đến nay, đã có 9 lần đường ống nước sông Đà bị vỡ.
Đã 9 lần đường ống nước vỡ, cuộc sống của 70.000 hộ dân nội thành khốn khổ, song Vinaconex mới chỉ nói xin lỗi. Theo ông, nếu tiếp tục giao Vinaconex, có nên ràng buộc trách nhiệm cụ thể của cá nhân liên quan, nếu làm kém, để xảy ra sự cố sẽ phải đi tù, bỏ tiền túi ra đền không thưa ông?

Việc điều tra của các cơ quan chức năng cần phải có thời gian, nhưng phải đảm bảo sự minh bạch, nếu không, tôi khẳng định rằng dư luận sẽ không để yên. Họ sẽ không chỉ giám sát việc xử lý những sai phạm trong việc hỏng hóc đường ống dẫn nước lần thứ nhất; dư luận, nhân dân họ không thể tin được là Vinaconex làm có chất lượng.

Nếu Vinaconex lý giải một cách thuyết phục về những sai phạm trong đợt thi công đường ống dẫn nước lần thứ nhất có thể chấp nhận được. Hơn thế UBND TP Hà Nội vẫn quyết đinh giao cho Vinaconex làm tuyến đường ống dẫn nước thứ hai thì tôi nghĩ cần phải có biện pháp giám sát đặc biệt.

Ngay từ đầu phải có một hội đồng, có một quy chế và có cách kiểm tra rất ngặt nghèo. Có sự vào cuộc của Bộ Xây dựng, Bộ tài chính, khoa học công nghệ, cơ quan chức năng nhà nước, Thanh tra, kiểm toán, giám sát thi công…

Đây là một công trình rất lớn, tốn kém và có tiền lệ nhỡn tiền như thế rồi mà bây giờ cố làm theo cách gượng ép như thế rồi thì trước mắt người dân sẽ phảm ứng và sau này xảy ra sai sót thì rất khó quy trách nhiệm. Muốn hay không muốn lần này phải thi công không để cho có sự cố, cho nên không thể làm đơn giản theo kiểu chỉ định thầu như thế được.
SƠN HÙNG
(Đời Sống Pháp Luật)

Nghĩ về tâm sự của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

“Muốn nghe được lời nói thật là phải công phu lắm, phải thành tâm lắm. Hãy rửa tai để nghe lời nói thật vì không có lời nói thật nào mà không có vị chua chát” – Nhà báo Hữu Thọ.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, bài “Làm dân mới được nghe thật lòng” ngày 9/7 đã có những dòng tâm sự rất hay: “Khi về “làm dân”, có thể tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội khác nhau nên nghe được tiếng nói thật lòng”.

Câu nói này là chiêm nghiệm của một cuộc đời quan chức cộng với 7 năm về hưu mà không tham gia bất cứ một công việc gì để được… làm dân, để được nghe những lời nói thật từ nhân dân.

Nói lên điều này, cũng là day dứt, trăn trở của một người rất nặng lòng với đất nước.

Đọc câu nói trên của ông Vũ Khoan, không thể không nhắc đến một câu nói khá nổi tiếng của GS Hoàng Tụy, một nhà khoa học tài năng và trung thực, một nhân cách đầy tự hào của trí thức Việt Nam về bệnh dối trá trên Dân trí năm 2011: “Sự dối trá đang là mối nhục lớn”.

Lời nói của một nhà khoa học tầm cỡ thế giới, một người nổi tiếng bởi sự thẳng thắn không thể không làm mỗi chúng ta suy nghĩ. Sự dối trá thời nào và ở đâu cũng có nhưng vấn đề là nó xuất hiện với cường độ như thế nào và sự “lan tỏa” đến đâu.

Có thể nói, sự dối trá hiện nay trong xã hội không phải là hiếm mà nó là nhiều, thậm chí rất nhiều. Nó xuất hiện bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu dưới đủ mọi hình thức. Từ những việc đơn giản như buôn gian, bán lậu đến dối trá, lọc lừa, tham ô, tham nhũng và cao hơn là “tham nhũng chính sách” của lợi ích nhóm.

Muốn chống được sự dối trá, tất nhiên phương thuốc hữu hiệu trước hết là phải được nghe lời nói thật.

Thế nhưng, để được nghe những lời nói thật không phải dễ bởi muốn được nghe lời nói thật thì bản thân người nghe phải cầu thị và thật tâm muốn nghe. Nghe theo kiểu lấy lệ, đối phó thì sẽ nhận câu trả lời đối phó, lấy lệ. Đó là lẽ đời. 

Tiếp đến, như người xưa đã đúc kết, sự thật thường hay trái tai “Trung ngôn nghịch nhĩ” hay “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”.  Người muốn nghe sự thật ngoài nhu cầu mong muốn tự thân, có tâm thì còn phải có bản lĩnh tiếp nhận những lời “nghịch nhĩ”. Bởi “Lời nói thật đã hơn một lần chết chém”. Những người thiếu bản lĩnh cũng không bao giờ được nghe những lời nói thật.

Song, tất cả những điều trên vẫn chưa đủ nếu như chưa có được sự tin cậy để sẻ chia. Người muốn nghe những lời trung thực trước hết phải là người trung thực, đáng tin cậy. Lời nói thật quý như vàng bạc, chẳng ai dại lại trao vào tay kẻ lừa đảo và dối trá.

Những người dối trên, lừa dưới, nói một đằng làm một nẻo càng không bao giờ được nghe những lời nói thật.

Có lần mình hỏi một bạn trẻ vì sao có thể nói dối trắng trợn như vậy thì nhận được câu trả lời rằng bởi ông ta thích nghe những điều đó và ông ta xứng đáng nhận những điều dối trá đó.

Mình chợt nhớ câu nói của Nhà báo Hữu Thọ trả lời trên báo Nhà báo & Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam nhân dịp đầu năm mới Kỉ Sửu: “Sự thật nó không tự đến mà anh phải tìm đến nó. Rồi anh phải đủ niềm tin ở người ta thì người ta mới nói sự thật với anh. Anh cũng phải có đủ bản lĩnh để sàng lọc, tìm ra những thông tin chính xác. Muốn nghe được lời nói thật là phải công phu lắm, phải thành tâm lắm. Hãy rửa tai để nghe lời nói thật vì không có lời nói thật nào mà không có vị chua chát”.

Để được nghe những lời nói thật của dân hôm nay, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan không chỉ về “làm dân” mà ông còn nhận được sự tin cậy của dân.

Xin chúc mừng ông Vũ Khoan vì ông đã “rửa tai” để tiếp cận sự thật.
Bùi Hoàng Tám
( Dân Trí )

"Hoàng Hậu Ki", câu chuyện về lòng tự tôn dân tộc và những âm mưu chính trị

Dạo gần đây bộ phim “Hoàng hậu Ki” (do đài MBC ở Hàn Quốc sản xuất) đang được lăng xê nhiệt tình ở Việt Nam trên khắp các kênh truyền hình hay từng chiếc xe bus. Bộ phim khai thác các khía cạnh về cuộc đời và tình yêu có kèm chi tiết hư cấu của một nhân vật lịch sử người Cao Ly cuối đời nhà Nguyên là Kỳ Hoàng hậu. Đây là nhân vật đã có ảnh hưởng trực tiếp đến lịch sử 37 năm của triều đại nhà Nguyên.

Thời ấy xứ Cao Ly thần phục nhà Nguyên nên hàng năm phải nộp cống nữ. Một số quan lại Cao Ly cấu kết với triều Nguyên khiến nhân dân rơi vào cảnh lầm than, nhà cửa ly tán.

Mẹ của Yang-I đã chết trên đường khi bị bắt sang nước Nguyên làm cống nữ nên Yang-I đã thề sẽ làm mọi cách cứu nhân dân Cao Ly thoát khỏi luật lệ khắc nghiệt này. Cô đã giúp thế tử Wang Yu đập tan âm mưu bán đứng đất nước của một vị vương gia. Người này vì muốn ngồi lên ngai vàng xứ Cao Ly nên đã đang tâm bán rẻ tổ quốc và sinh mạng người nhân cho nhà Nguyên. Cũng từ đó tình yêu giữa Yang-I và thế tử Wang Yu nảy nở.

Một thời gian sau đó không may Yang-I cũng bị bắt sang nước Nguyên. Tại đây cô được hoàng đế nước này là Nguyên Huệ Tông sủng ái. Yang-I được thăng từ hàng tài nhân lên tiệp dư và hoàng quý phi rồi sau này là hoàng hậu. Trong suốt quãng thời gian sống trong cung đình Yang-I vẫn luôn nhớ về quê hương và tìm mọi cách để giúp đất nước của mình bất chấp những hiểm nguy đang rình rập xung quanh bởi thế lực của gia tộc nhà thừa tướng nhà Nguyên là Yến Thiết. Yang-I đã chống lại hoàng hậu Tanasili (con gái của Yến Thiết) để bảo vệ tài nhân Park và các cung nữ là đồng hương của mình. 


Về phần Wang Yu lúc này đã là phế vương phải lưu vong sang nước Nguyên nhưng không vì thế mà mất đi ý chí của mình. Mặc dù được đối đãi rất tốt ở đây nhưng vị vua mất ngôi này (cùng với sự giúp đỡ của Yang-I) luôn nung nấu ý định phục vị để quay trở về xây dựng đất nước Cao Ly những mong thoát khỏi ảnh hưởng của nhà Nguyên.

Khi mới phát sóng được vài tập, “Hoàng hậu Ki” nhận được rất nhiều lời phản đối từ khán giả vì họ cho rằng đạo diễn và biên kịch làm như vậy là xúc phạm đến lịch sử của Triều Tiên, coi triều đình Cao Ly xưa là những kẻ bạc nhược và hèn kém trước ngoại bang. Tôi thì không nghĩ vậy, xuyên suốt cả bộ phim không chỉ có những cuộc tranh đấu hay thanh trừng đẫm máu mà còn là lòng tự tôn dân tộc của hai nhân vật chính là Wang Yu và Yang-I, một đất nước với ngôn ngữ riêng, văn hóa riêng nổi tiếng với cây nhân sâm quý giá. Hai người họ Wang Yu và Yang-I đã làm mọi cách để ngăn chặn việc buôn lậu muối qua nước Nguyên khiến giá mặt hàng này bị đẩy lên cao hay việc chặn đứng nguồn tiền giả tràn vào Cao Ly từ những kẻ thân Yến Thiết và cuối cùng là ngăn chặn việc nhà Nguyên đem quân sang chinh phạt Cao Ly với mục đích sát nhập hai nước làm một… Nếu đó không phải là niềm tự hào về đất nước hay lòng yêu nước thì thật khó lý giải đâu là động lực để họ vượt qua muôn vàn khó khăn như vậy. Không biết bao nhiêu lần Wang Yu đã phải đổ máu để giành lại từng tấc đất cho Cao Ly và cũng chừng ấy lần Yang-I phải khóc thương đồng bào mình bị sát hại.


[Liệu xem đến đây liệu người dân VN có chút liên hệ nào với tình hình hiện tại ở Việt Nam hay không? Trong khi người dân bày tỏ thái độ chống (lại ảnh hưởng của) Trung Quốc thì chính quyền Hà Nội lại đi ngược lại với ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Phải chăng ĐCSVN đã quá lệ thuộc vào Trung Quốc về mọi mặt để giữ chế độ khiến tình hình chính trị - kinh tế ở Việt Nam ngày càng phức tạp? Ai là người đã cho phép các mặt hàng hay giống nông sản Trung Quốc tràn vào Việt Nam khiến nông dân điêu đứng còn người tiêu dùng tổn hại sức khỏe? Ai là người đồng ý triển khai dự án bauxite bất chấp những hệ lụy và sự ngăn cản của hàng chục ngàn người dân? Ai là người đẩy những ngư dân không được vũ trang ra đối đầu với tàu quân sự của Trung Quốc? Phải chăng chính quyền Hà Nội đã mất hết liêm sỉ, không còn chút nào về khái niệm “dân tộc”, “quốc gia”, “đồng bào” nên để Trung Quốc mặc sức giày xéo lên người dân Việt Nam?]


Quay trở lại với chuyện tình tay ba Wang Yu – Yang-I – Nguyên Huệ Tông. Nếu phế vương Wang Yu là người đứng đắn, trầm tĩnh, bản lĩnh và quyết đoán thì Nguyên Huệ Tông, ngược lại, không khác gì một đứa trẻ con bị ép phải lớn, bị ép phải ngồi vào ngai vàng dù không biết chữ. Đặc điểm chung của cả hai người này đều là yêu nàng Yang-I say đắm. Wang Yu là người đến với nàng trước, luôn âm thầm hy sinh để bảo vệ nàng; còn Nguyên Huệ Tông mặc dù là người đến sau nhưng lại là người có được Yang-I cuối cùng.

Chính sức nặng của trách nhiệm quốc gia, dân tộc đã chia cắt Wang Yu - Yang-I và đẩy người con gái xinh đẹp, thông minh này về phía Nguyên Huệ Tông. Wang Yu đã không thể ở bên Yang-I trong lúc nàng gặp khó khăn hay đau khổ tột cùng nhưng Nguyên Huệ Tông thì có. Đối với Wang Yu, ngoài Yang-I, chàng còn cả đất nước Cao Ly phải gánh vác. Còn Nguyên Huệ Tông, Yang-I là tất cả đối với chàng. Quyền lực hay ngai vàng chẳng là cái quái gì hết. Dù người xem có thể tiếc cho Wang Yu – Yang-I nhưng thực chất đây là chi tiết hợp lý bởi trong chính trị, không có chỗ cho tình yêu. Không ai có thể nắm cả thiên hạ trong tay mà vẫn được ở bên người mình yêu thương. Và quả thật, cuối cùng Nguyên Huệ Tông đã phải chết và để lại Yang-I một mình trên đỉnh cao của quyền lực. 

Athena
(Dân luận) 

Xã Hội Chủ Nghĩa và Nói Dối [1]

Bốn kinh tế gia Lars Hornuf của đại học Munich, Đức, và Dan Ariely, Ximena Garcia-Rada, và Heather Mann của Đại Học Duke, Hoa Kỳ, làm một nghiên cứu kinh tế thực nghiệm [2](experimental economics) ở Đức và cho thấy rằng những người từng sống lâu ở Đông Đức có khuynh hướng nói dối nhiều hơn để đạt mục đích cá nhân.

Thí nghiệm đơn giản như sau. 250 người sống ở Berlin được chọn ngẫu nhiên. Mỗi người được tung con xúc xắc 40 lần, rồi tính cộng điểm, điểm càng cao thì càng được trả tiền thưởng cao.
Ở đây, trước khi tung con xúc xắc mỗi lần, người tung phải tự hứa với chính mình là sẽ chọn điểm của mặt trên hay mặt đáy của con xúc xắc để tính cho lần tung đó. Điểm mỗi lần tung sẽ được ghi ra giấy và sau 40 lần như vậy, cộng lại ra tổng điểm để tính thưởng.
Ví dụ, tôi tự hứa trong đầu trước 1 lần tung là chọn mặt trên của con xúc xắc để tính điểm, khi tung con xúc xắc xuất hiện 2 điểm ở mặt trên, nếu tôi là người ngay thẳng, tôi sẽ ghi là 2; còn nếu tôi là người gian dối thì tôi sẽ ghi điểm của đáy con xúc xắc là 5. Việc chọn mặt tính điểm của con xúc xắc là tự nguyện và không ai kiểm tra được.
Thêm vào đó, người chơi có quyền chọn tung một lần 1 con, 2 con, 3 con, 4 con, 5 con hay 6 con xúc xắc cùng lúc. Nếu như người lương thiện thì việc chọn mặt tính điểm trước rồi chọn quay 1 con hay 2, 3, 4, 5, 6 con cùng lúc không ảnh hưởng mấy đến kết quả, vì theo thống kê thì các biến cố này là độc lập lẫn nhau, và do đó, số người chọn quay 1 con sẽ bằng số người chọn quay 2, 3, 4, 5, 6 con. Còn nếu người không lương thiện, họ sẽ chọn 6 con xúc xắc quay cùng một lúc và sau đó chọn mặt nào điểm cao thì tính điểm, ghi vào sổ để được hưởng tiền thưởng cao.
Kết quả cho thấy có một tỉ lệ lớn người chọn quay nhiều con xúc xắc cùng lúc. Người tổ chức bảo họ ghi nơi sinh sống trước đây ở Đức và độ tuổi. Kết quả cho thấy trung bình những người có gốc gác ở Đông Đức có xu hướng nói dối gấp hai lần người lớn lên ở Tây Đức, và người sống càng lâu dưới chế độ “xã hội chủ nghĩa” thì càng nói dối.
Kết quả cho thấy có một sự liên hệ giữa “xã hội chủ nghĩa” và sự thiếu thành thật.
Nguyễn Huy Vũ
------------------------
[1] Phỏng dịch bài “Lying commies”, The Economist 19-7-2014
[2] The (True) Legacy of Two Really Existing Economic Systems:
(Viet-studies) 

Vương Trí Dũng - Đảng phải tự giải thoát chính mình

Phát sinh, phát triển, diệt vong là quy luật muôn đời của tạo hóa. Từ các sinh linh bé nhỏ cho đến các thiên hà khổng lồ, không đối tượng nào có thể thoát khỏi sự diệt vong.

Nhưng có sự diệt vong trong hào quang, có sự diệt vong trong nguyền rủa, có sự diệt vong thúc đẩy nảy nở, có sự diệt vong kìm hãm tiến bộ. Chọn cách diệt vong nào để toát lên cốt cách thánh nhân?


Với đảng hiện nay, tất cả rõ như ban ngày, đảng đang phải đối mặt với hai câu hỏi số phận đá tảng: đảng còn tồn tại được bao nhiêu năm nữa? và hậu thế sẽ phán xét thế nào về đảng?

Vấn đề tồn vong của đảng khẩn cấp đến mức mà bản thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải nói về sự tồn vong của chế độ.

1. Một số người có quyền hành nhân danh đảng luôn hô hào vì quyền lợi Dân tộc, nhưng trên thực tế, chính họ đang kìm hãm bước tiến của Dân tộc. Không chỉ thế, trước hết chính họ là những người đang giam cầm sự phát triển của đảng.

Nhiều người có quyền hành trong đảng đều thấy rõ sự lỗi thời phi khoa học của mô hình đảng và mô hình thể chế mà đảng đang cố gắng kéo dài. Điều đáng nói là chính bản thân họ biết rằng mô hình mà đảng đang áp đặt cản trở bước tiến của Dân tộc. Nhưng tất cả họ đều chưa dám công khai từ bỏ nó. Tại sao vậy?

Một là vì quyền lực và lợi ích cá nhân. Khi đã nắm được quyền lực rồi thì chẳng ai dại gì mà cải cách để mất đi quyền lực và mất đi lợi ích kèm theo. Muốn cải cách có chăng là những người chưa nắm được hay bị mất quyền lực.

Hai là sợ đối thủ tiêu diệt loại bỏ. Với bộ máy toàn trị hiện nay, một tư tưởng cải cách có thể bị chụp mũ ngay là tội chống phá đảng, chống phá nhà nước và dễ dàng bị đối thủ bỏ tù hay loại bỏ. Tội chống phá đảng, chống phá nhà nước đã là một nỗi kinh hoàng cho bất cứ ai trong suốt mấy chục năm qua từ khi thể chế này ra đời. Đó là thứ vũ khí thanh trừng ghê gớm mà ngay cả những người đang ngồi trên ghế quyền lực cũng phải sợ hãi.

Ba là không đủ năng lực chuyên môn. Cách thức bổ nhiệm cán bộ của thể chế hiện hành đã sản sinh ra một hàng ngũ lãnh đạo thiếu năng lực, lớp sau kém hơn lớp trước. Chính năng lực yếu kém đã làm cho con người không tự tin, không dám hành động và thậm chí không biết phải làm gì.

Bốn là cốt cách sâu mọt nhuệ khí bạc nhược. Không phải tất cả, nhưng xã hội hiện nay làm xấu đi cả những người tốt. Điều xấu hành hoành tràn lan làm nhụt khí tất cả. Cốt cách con người bị sâu mọt. Nhuệ khí quật cường bị rỉ cùn. Ai cũng muốn cầu an yên phận.

Năm là xã hội không có cơ chế khoa học để bảo vệ cho lẽ phải và công lý. Đây là một nhân tố vô cùng quan trọng. Khi mà trắng đen lẫn lộn, khi mà phải biến thành trái, trái biến thành phải thì con người sợ hãi cuộn mình trong tổ cũng là lẽ thường tình.

2. Muốn giải thoát cho Dân tộc, trước hết phải giải thoát cho đảng khỏi hệ thống cầm quyền yếu kém. Nhờ thế đảng mới có cơ may lột xác để tồn tại.
Bản thân đảng cũng đang bị một bộ phận lãnh đạo yếu kém thâu tóm lũng đoạn, không cho các đảng viên có năng lực hơn được tham gia lãnh đạo đảng, đảng không tự giải cứu được chính mình thì làm sao giúp ích được cho Dân tộc? Bởi vậy muốn giải thoát sự cản trở phát triển của Dân tộc thì trước hết phải giải thoát cho chính đảng.

3. Để giải thoát cho đảng khỏi hệ thống cầm quyền yếu kém, đảng phải tổ chức bầu cử dân chủ tự do trực tiếp trong toàn đảng. Như vậy đảng mới có được một đội ngũ lãnh đạo tốt hơn, giúp cho đảng sống sót.
Phương thức mà đảng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trong nhiều năm qua là một phương thức phi khoa học, phi dân chủ. Chính phương thức đó đã làm cho đảng mỗi ngày một yếu kém và liên tục mắc những sai lầm. Làm sao vấn đề chọn cán bộ đứng đầu đảng trên toàn quốc và đứng đầu bộ máy nhà nước lại chỉ do một nhóm người đếm trên đầu ngón tay quyết định? Thậm chí trong nhiều trường hợp chỉ có một hay hai người quyết định. Xin chỉ nêu ra một số hệ quả nguy hiểm từ cách bổ nhiệm cán bộ hiện nay.

Một là, sự bổ nhiệm cán bộ cao cấp chỉ do một số người trong BCT và BTC TƯ quyết định. Chưa nói đến tính chủ quan, cá nhân thiên vị của phương thức bổ nhiệm cán bộ này, mà cần nhấn mạnh rằng phương thức này tạo nên những lỗ hổng rất nguy hiểm.

Trước hết đó là cơ sở để tạo nên sự thâu tóm quyền lực. Bổ nhiệm cán bộ để khống chế cán bộ. Bằng cách này, một nhóm người có thể khống chế cả BCT, khống chế cả BCH TƯ, khống chế cả đại hội đảng, khống chế cả chính phủ, khống chế cả các tỉnh thành. Nguy cơ này ai cũng thấy rõ. Mối hiểm họa này đã xẩy ra ở tất cả các nước thuộc phe XHCN trước đây.

Tiếp đến, đây là công cụ để thanh trừng đối thủ vì những toan tính cá nhân. Thực tế lịch sử ở Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam đã minh chứng sự kinh hoàng của những chiến dịch thanh trừng đối thủ. Đáng sợ nhất là Stalin và Mao Trạch Đông. Ở Việt Nam ta, đến hàng bậc nhất công thần như Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không tránh được sự thanh trừng.

Sau nữa, đây là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng những kẻ cơ hội. Tuy không có năng lực chuyên môn, nhưng giỏi luồn cúi, giỏi đút lót, giỏi nịnh bợ, họ tìm được cửa sống sót và từng bước leo lên bậc thang quyền lực. Những kiểu người này khi đạt được đỉnh cao quyền lực thì vô cùng nguy hiểm và tai hại.

Một hệ lụy nguy hiểm không thể không nhắc đến, rằng đây là một trong những cội nguồn của tham nhũng hối lộ. Ở bình diện này Việt Nam đã trở thành một thí dụ điển hình.

Thứ hai là, bốn chức vụ chủ chốt lãnh đạo đất nước nằm trong số các UV BCT nhiệm kỳ thứ hai. Chưa nói đến tính phi dân chủ của “Luật bất thành văn này” mà chỉ bàn đến hậu quả nguy hiểm tự nó gây ra.

Trước hết đây là lỗ hổng tạo nên sự mặc cả thỏa hiệp. Điều này ai cũng thấy rõ. Hệ lụy nguy hiểm là do thỏa hiệp nên sẽ không có đổi mới. Và chẳng ai dại gì mà đổi mới khi đã ngồi vào nhóm ghế quyền lực.

Tiếp theo là hậu quả trì trệ già nua bảo thủ. Theo cách xếp hàng từng bước, phải vào TƯ, phải vào BCT, rồi mới được lựa chọn vào các chức vụ cao nhất thì tài năng đột xuất sẽ không có chỗ đứng ở Việt Nam. Chưa nơi nào như ở Việt Nam, lãnh đạo cao nhất của đất nước lại đã biết trước, trước cả lúc bàu cử diễn ra.

Ba là, Tổng bí thư của đảng được bầu từ BCH TƯ chứ không phải trực tiếp từ toàn đảng. Đây là một vấn đề sống còn của đảng. Đã có đại hội bàn về người đứng đầu đảng phải được bàu trực tiếp từ các đại biểu dự đại hội đảng nhưng không thành. Thế cũng chưa đủ. Chỉ xin văn tắt mấy điểm cốt yếu.

Trước hết là không chọn được người thực tài. Muốn chọn được người thực tài phải bầu cử trực tiếp trong toàn đảng, theo hình thức loại trực tiếp từng cặp ứng cử viên từ từng vùng địa phương cho đến mức độ toàn quốc. Chỉ có những người “sống sót”qua những cuộc đối đầu trực diện khắp các vùng miền đất nước từ phiếu bầu của tất cả các đảng viên mới xứng đáng là thủ lĩnh của đảng.

Tiếp đến, Tổng bí thư sẽ không thực hiện được hết ý đồ chiến lược của mình. Do được bầu từ một số lượng hạn chế các UVBCHTƯ, người đứng đầu đảng quan ngại về các quyết định của mình có thể động chạm đến một nhóm người quyền lực. Cách thức các lãnh đạo đảng các nước thuộc phe XHCN trước đây bị phế truất đã nói lên tất cả. Thỏa hiệp hay mặc cả một nhóm người thì có thể, nhưng thỏa hiệp và mặc cả hàng triệu người thì không thể. Bởi vậy khi được bầu trực tiếp từ toàn đảng, người đứng đầu đảng sẽ không sợ hãi ảnh hưởng quyền lợi của một nhóm người nào trong BCHTƯ.

Hơn ba triệu đảng viên là một lực lượng rất lớn. Để tránh cho đảng một hệ thống lãnh đạo yếu kém, nhất thiết phải tiến hành bầu cử tự do trực tiếp trong toàn đảng. Lúc đó ắt đảng sẽ có những nhà lãnh đạo xuất sắc.

4. Giải thoát cho đảng chưa đủ để giải thoát cho Dân tộc. Muốn giải thoát cho Dân tộc cần phải có bầu cử tự do dân chủ trong toàn dân. Một hình thức bầu cử tự do trực tiếp toàn dân để chọn ra một vị nguyên thủ quốc gia và một quốc hội đa đảng sẽ là con đường đúng đắn đưa Đất nước thoát khỏi cảnh tụt hậu yếu nghèo lệ thuộc.

Hình thức bầu cử tự do toàn dân là điều mà các quốc gia văn minh tiến bộ đã thực hiện. Thể thức này đã được kiểm nghiệm ở nhiều nước qua nhiều thế kỷ. Nếu đảng tự nguyện làm được điều này thì chính nhân dân sẽ là người vinh danh đảng trong lịch sử Dân tộc.

5. Đảng hãy tự giải thoát chính mình để mở đường giải thoát cho Dân tộc.
Không ít người trong đảng hiện nay đang cố gắng kéo dài sự cầm quyền của đảng bằng những biện pháp độc tài phi dân chủ hơn. Họ tưởng rằng làm như thế là có thể kéo dài tuổi thọ cho đảng, không ngờ rằng đó chính là cách làm cho đảng trượt nhanh về đích cáo chung. Điều đáng tiếc hơn đó là sự cáo chung kìm hãm tiến bộ của Dân tộc, sự cáo chung khó tránh khỏi trách cứ của hậu thế.

Còn những người yêu đảng thiết thực sẽ biết kéo dài tuổi thọ của đảng bằng cách biến đổi đảng biện chứng, phù hợp với thời cuộc, thuận theo tiến bộ văn minh. Khi cần phải lột xác, thậm chí phải biến thân để được kiếp ba sinh.

Đảng đã có những thời khắc hào hùng, có những phút giây đen tối. Đảng đã nhiều lúc hy sinh vì quyền lợi Dân tộc nhưng đảng cũng đã nhiều lần làm chậm bước tiến của Dân tộc. Không ai có thể thay đổi lại lịch sử, nhưng điều quan trọng là phải biết rút ra bài học từ lịch sử.

Không ai có thể cứu đảng ngoài đảng cả. Đảng đã tự cứu mình nhiều lần để tồn tại. Thậm chí đảng vì quyền lợi Dân tộc đã rút vào bí mật bằng cách tuyên bố giải tán đảng. Đó là giai đoạn mà đảng có những nhà lãnh đạo xuất chúng. Xuất chúng bởi trước hết là họ vì Dân tộc chứ không phải vì đảng, cũng không phải vì lợi ích cá nhân họ.

Những người có quyền hành hiện nay trong đảng không được sống bằng hào quang quá khứ, không được nhân danh cha ông. Mỗi thế hệ, mỗi cá nhân phải sống bằng chính sức lao động của mình, và phải chịu trách nhiệm về mọi hành động do mình tiến hành. Lợi dụng danh tiếng của cha ông để mưu cầu quyền lợi riêng, dùng bạo lực để kéo dài quyền lực bất chấp lợi ích Dân tộc, là một tội lớn trước cha ông và trước Dân tộc.

Chính các đảng viên của đảng sẽ tự thay đổi đảng. Khi các đảng viên trong đảng biết đặt quyền lợi Dân tộc trên quyền lợi cá nhân, dám rời bỏ bổng lộc chức quyền, dám từ bỏ sự toàn trị, thì tức khắc nền dân chủ đích thực sẽ ngự trị trên toàn đất nước. Đó chính là lúc đảng lại biết hiến dâng cho Dân tộc. Đó chính là lúc đảng đã tự giải thoát cho chính mình.

Chỉ bằng một quyết định giản đơn: tự do bầu cử trong toàn đảng và tự do bầu cử trong toàn dân, đảng đã vĩnh cửu chính mình và vĩnh cửu vai trò lịch sử của đảng trước hậu thế. Đi xa hơn, đảng đã cùng một lúc giải quyết xong tất cả các vấn đề trọng đại nan giải mà ngày đêm đảng trăn trở. Trong số đó có các vấn đề: “Thoát Trung”, “Độc lập dân tộc” và “Hạnh phúc của toàn dân”.

Vấn đề chỉ là thời gian. Nhưng càng sớm ngày nào càng phúc đức ngày ấy cho Dân tộc. Sứ mạng lịch sử đang đặt lên vai đảng. Hãy tự giải thoát cho chính mình. Hãy dũng cảm trút lên vai nhân dân.
Vương Trí Dũng
Tác giả gửi BVN
(

Quan chức thích đi xe công vì oai - quyền - lợi

"Không nhiều người mặn mà với việc khoán xe. Bởi đi xe công thì oai. Oai thì người ta sợ. Sợ vì phải có quyền mới oai thế. Mà có quyền ắt phải có lợi".
Tôi đã nói thì sẽ làm!
Năm 2006, được biết ông là người đầu tiên thực hiện khoán xe công, câu chuyện ấy thực hư thế nào thưa ông?
Chủ trương khoán tất cả các chi phí cho cán bộ công chức nhà nước để tính vào lương là chủ trương của Đảng, Quốc hội đặt ra. Lúc đó tôi là Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội, tôi đã chủ trì xây dựng một chế độ chi tiêu cho Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trong đó có việc khoán đi lại bằng phương tiện ô tô.
Kết quả thế nào ạ?
Sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết về việc khoán chi tiêu xe công, nó có giá trị như một văn bản pháp luật nhưng chưa có giá trị bắt buộc mà chỉ khuyến khích tự nguyện. Khi có nghị quyết, tôi là người đề xuất, xây dựng thì đương nhiên tôi phải là người thực hiện đầu tiên. Tôi không phải là loại người nói một đằng làm một nẻo. Lúc đó tôi lấy tiền khoán là 4,5 triệu đồng/tháng và tự lo phương tiện. Ngày mưa thì đi taxi, ngày thường thì đi xe ôm.
Mức khoán đó là nhiều hay ít so với số tiền ông phải bỏ ra để tự di chuyển?
Tôi thấy mức đó cũng là nhiều quá. Tôi chỉ dùng hết khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng. Vậy là mỗi tháng để dành được 3,5 triệu đồng. Trong khi lương của tôi lúc đó chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng.
Hành động này của ông có được nhiều người ủng hộ không?
Lúc đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã có phát biểu ủng hộ hành động của tôi, nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng lên tiếng ủng hộ tôi. 
Vì sao ông lại làm vậy?
Hành động đó của tôi làm cho những người sử dụng xe biển số 80B để giải quyết khâu oai, đẹp cả hình thức và nội dung cảm thấy ngại. Lúc đó, chính Bộ trưởng Bộ Tài chính nói rằng, nếu không mua xe công thì mỗi năm ngân sách thừa ra hàng nghìn tỷ đồng. Đến giờ, với sự trượt giá của đồng tiền thì con số này lên tới 9 - 10 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tiền đó làm được biết bao nhiêu cây cầu treo, bao nhiêu trường học, mua được bao nhiêu áo ấm cho trẻ em nghèo.

Tham nhũng chen lẫn trong chủ trương chính sách
Việc đầu tiên ông nhận thấy khi thực hiện khoán xe công là gì?
Ngoài tiết kiệm ngân sách thì việc đó giúp cán bộ gần dân hơn. Ngồi trong cái xe sang trọng, đẹp đẽ mà không làm được điều gì cho dân thì tự lương tâm mình cũng cảm thấy xấu hổ. Việc khoán đó giúp thay đổi nhận thức của cán bộ, những người nhận lương từ tiền đóng thuế của người dân phải nhận thức được nhiệm vụ, vị trí của mình, cán bộ không phải là "quan cách mạng" như lời dạy của Bác Hồ.
Vì sao lúc đó chỉ có một mình ông áp dụng hình thức khoán này?
Ở Văn phòng Quốc hội lúc đó thì chỉ có một mình tôi. Lúc đó mọi người không mặn mà, nhưng kệ người khác thế nào, tôi vẫn thực hiện. Sau đó tôi nghe nói có một số cán bộ ở miền Tây, Khánh Hòa, Lâm Đồng cũng thực hiện chế độ khoán.
Đến nay thì tình hình sử dụng xe công như ông được biết thế nào rồi ạ?
Bây giờ việc sử dụng ô tô riêng đại trà hơn trước đây rất nhiều, ai là đại biểu Quốc hội chuyên trách đều có xe riêng hết. Điều đó gây lãng phí rất lớn, làm cho bộ máy phình to hơn, chi phí cho bộ máy lớn hơn.
Hình như ông có nói đến chủ trương khoán, không chỉ là xe công mà khoán nhiều khoản khác?
Đúng, khoán ô tô, khoán tiền nhà, tất cả cho vào lương thì lương của một vị bộ trưởng sẽ là hơn trăm triệu đồng mỗi tháng. Hết một nhiệm kỳ, người đó có khoảng 6 - 7 tỷ đồng, trừ đi ăn tiêu thì vẫn đủ tiền để mua nhà. Tiền đó thì chắc chắn không ai nói gì được. Chứ còn cứ nói lương tôi mỗi tháng chỉ có hơn chục triệu đồng nhưng ông lại có cái nhà mấy trăm tỉ đồng thì không ai biết nó từ đâu ra. Tham nhũng chen lẫn trong chủ trương chính sách là vì vậy. Nếu tất cả đều từ lương hết, không ai có đặc quyền gì thì đương nhiên đồng tiền của cán bộ là đồng tiền trong sạch rồi. Còn như ông Trần Văn Truyền, làm cái nhà to thế, tiền ở đâu ra, người ta đặt câu hỏi là đúng rồi.
Ở nhiều nước kiểm soát được nạn tham nhũng tốt, hẳn là họ cũng có bộ công cụ kiểm soát tài sản của cán bộ?
Ở các nước nghèo nhất trên thế giới họ cũng đã thực hiện hoán xe công rồi, chưa nói gì đến các nước phát triển.
Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Kế hoạch phá sản vì cán bộ thích oai!
Từ thời điểm ông thực hiện khoán đó đến giờ, dường như vẫn chỉ là những lý thuyết có trên giấy?
Không thực hiện được đại trà vì nhiều cán bộ thích khâu oai. Sau đó một vị đại biểu Quốc hội khi được hỏi có thực hiện khoán không thì vị này còn phát biểu là ông ấy không biết chủ trương này. Ông làm như đây là nghị quyết lậu vậy. Tôi liền photo các bản góp ý trực tiếp vào Nghị quyết thì thấy chính vị ấy đã góp ý nhiều lần vào bản này. Thật buồn cười!
Đến nay thì nghị quyết đó của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bị bỏ quên?
Đến tháng 9/2007 thì Bộ Tài chính đã ban hành thông tư quy định về cơ chế và cách tính phí khi thực hiện khoán xe công. Nhưng đến nay, số người thực hiện là rất ít.
Theo ông thì ngoài việc "oai" ra thì vì sao nhiều người không đồng tình giải pháp này?
Ngồi trên chiếc xe công thì oai, từ oai sinh ra quyền, từ quyền sinh ra lợi. Một cán bộ bước xuống từ chiếc xe công thì ắt hẳn cũng không nhiều người dám dòm ngó. Sau chiếc biển số 80B thì có biết bao nhiêu thứ đi kèm. Cán bộ ngồi trên chiếc xe đó chắc chắn sẽ xa dân. Mà như thế làm sao đại diện cho ý chí nguyện vọng của người dân được. 
Lúc ông thực hiện khoán, có ai nói gì phản đối hành động đó của ông không?
Khi tôi đi công tác một số tỉnh, cũng có nhiều người nói rằng: "Anh ơi anh làm thế thì tụi em cũng ngại mỗi khi đi xe công lắm".
Ông thấy mình được gì từ quyết định đó?
Được việc, được tiền, được tôn trọng. Đồng tiền mình tiết kiệm được đó là tiền chính danh, là đồng tiền hợp pháp. Lúc đó tổng thu nhập của tôi được khoảng gần 15 triệu đồng và tôi công khai hết. Thực ra các nước văn minh họ làm cái này từ lâu rồi, chẳng có lý gì nhà nước cho mình tiền đi học hỏi, nghiên cứu của nước ngoài mà trở về mình lại không áp dụng cái hay, cái tốt của họ cả.
Một vị thứ trưởng mà lếch thếch đi xe ôm, liệu có bị mất hình ảnh quá không?
Đó là cách hiểu sai. Hồi đó tôi sang Thụy Điển, bà chủ tịch Quốc hội ở đó vẫn đi xe buýt. Lếch thếch hay không là ở trong hành xử, trong tác phong, trách nhiệm với công việc chứ không phải là việc đi xe gì. Tự mình đi xe thì tự mình tiết kiệm được tiền, đó là những đồng tiền chính danh, không phải là đồng tiền trong những bữa tiệc, đồng tiền bất chính trong tham nhũng. 
Đến nay, số cán bộ chấp nhận khoán xe công không nhiều?
Việc triển khai thất bại hay thành công là do những người đứng đầu triển khai hay không triển khai. Không nên coi việc này là tự nguyện nữa mà nên coi đó là việc làm bắt buộc. Toàn bố số xe hiện nay tập hợp lại thành các đội xe công. Nếu tất cả các cán bộ đều thực hiện khoán xe công thì sẽ tiết kiệm được không biết bao nhiêu mà kể.
Xin cảm ơn ông!  
 Đội xe công được thành lập sẽ vừa giảm biên chế, vừa tiết kiệm ngân sách, vừa khiến cán bộ gần dân, lại tiết kiệm được tiền cho chính bản thân mình. Lúc tôi thực hiện khoán, thậm chí có người đề xuất mua xe cho tôi, nhưng tôi không phải là người như thế. Tôi tiết kiệm mấy năm mà được hơn trăm triệu đồng, đủ tiền sang sửa nhà cửa đấy.
  Tô Hội
( Kiến Thức )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét