Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

VN coi tử vong vì sởi như bị thiên tai? - Nhận thức tháng Tư

Nhận thức tháng Tư

Procontra

Dạ Ngân
Tháng Tư đến rồi đó. Không phải từ một câu hát nào. Không phải sắp rợp trời hoa phượng mùa thi. Chỉ vì đó là thời điểm lịch sử, nhức nhối nhiều hơn là sướng vui. Ngày càng xa, thời gian ở đây không làm lành lòng người, như đất đã lành.
39 năm trước, số đông nói thời điểm ấy chói sáng, nổ trời, thế giới ngả nghiêng. Dần dần những người từng hoan ca ấy hạ nhiệt. Bắt đầu có hoài nghi. Cũng bắt đầu xuất hiện những tiếng nói khẽ khàng của phe “giải phóng”: gọi là kết thúc chứ đừng gọi là chiến thắng; ừ thì ai thống nhất cũng đáng khen đi, không thì dân miền Bắc chắc phải ăn cỏ như dân Bắc Triều Tiên rồi!

Giá như hậu chiến được xử lý minh bạch, khoan hòa, thấu đáo hơn. Có lúc những người của phe buông súng đã ao ước như vậy. Giờ thì không ít những người của phe thắng cuộc cũng nghĩ như vậy. Sự nghĩ gặp nhau, sao bao nhiêu năm bị khoét sâu thêm hào hố cách ngăn. Nhưng không vì vậy mà người ViệtNamcủa hai bên dễ nhìn vào mắt nhau. Hình như càng lúc càng khó có ngôn ngữ chung mặc dù kiều hối càng ngày càng dồn dập hơn.
Chỉ mấy ngày nữa thôi thì lại trống giong cờ mở. Cả một trời đỏ lòe băng rôn, áp phích và mọi thứ. Năm nào cũng hừng hực như vậy. Để làm gì? Trong khi rất đông người của phe thắng cuộc đã thấy thấm đau. Trong khi nhiều người muốn có cách diễn giải khác. Trong khi nhiều người muốn một lễ tưởng niệm chung. Trong khi đa số đã hiểu “có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn”.
Thực sự không ai có thể xem mãi một vở diễn trong khi chiến tranh chưa bao giờ là một vở cả. Có thể có cách tránh đi, hoặc nhẹ hơn, hoặc ngắn hơn, kết thúc sớm hơn. Nhưng cuộc chiến thứ hai quá dài, núi xương sông máu. Nó dài đến mức cả hai bên đều dễ đồng lòng với Trịnh Công Sơn. Vì vậy mà đề cập mãi về chuyện chiến tranh là khơi lại vết thương. Và hãy nói nó được kết thúc chứ đừng nói rằng chúng ta đã chiến thắng.
Trịnh Công Sơn đã được những người kháng chiến lén nghe nếu sở hữu một chiếc radio. Sau “Bảy Lăm” thì miền Bắc tràn ngập ca khúc nhạc Trịnh dù còn phải nghe kín, nghe khẽ. Thời nhạc Trịnh đã được cất lên bởi giọng rền của Khánh Ly thì đúng là âm nhạc đã thiêng liêng hơn ở sứ mệnh an ủi, nâng đỡ.
Thích Trịnh Công Sơn và Khánh Ly là một chuyện. Nhưng có lẽ ấy là thường dân và trí thức, hai đối tượng đều nhiều tổn thương vì cách hành xử của những người nắm quyền sinh sát họ. Duy nhất nhạc Trịnh được xuất hiện ở những ngày lễ đỏ hoặc sinh hoạt của đoàn thể đỏ, ấy là khi người ta cần “Nối vòng tay lớn”.
Rồi sẽ có lúc tất cả mọi người của phe thắng cuộc, từ người chí cao đến người sát đất muốn ngân nga, muốn cất lên những câu hát kinh kệ về cuộc chiến thứ hai đã xa. Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày, gia tài của mẹ để lại cho con, gia tài của mẹ một nước Việt buồn…
Vâng, phải nhìn nhận ấy là cuộc nội chiến thì người ta sẽ có cách xử sự khác và nếu đã được vậy, thì chắc hiện tình quốc gia giờ cũng đã khác.
© 2014 Dạ Ngân & pro&contra

Nghịch lý văn chương và thông điệp đẫm máu


(Nhân đọc “PGS.TS. Phan Trọng Thưởng: Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn” đăng trên vanvn.net ngày 19.4.2014)

Bài nhận xét luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan do PGS.TS Phan Trọng Thưởng viết khá dài, ước chừng khoảng 10 trang A4. Đọc đi đọc lại thì thấy có nhiều chỗ “bi hài thống thiết” nên phải viết ra đây, coi như lời tản mạn, nhàn đàm của một “thảo dân” biết chữ.

1. Nghịch lý thứ nhất: Luận văn phức tạp, còn lời nhận xét thì đơn giản ngoài sức tưởng tượng. Tôi cho rằng luận văn của Đỗ Thị Thoan rất phức tạp trên nhiều phương diện: vấn đề phức tạp, phương pháp phức tạp, câu chữ phức tạp, kết luận phức tạp, dư luận phức tạp.
  • Vấn đề phức tạp: vì đối tượng nghiên cứu không chỉ là nhóm Mở Miệng và thơ của nhóm này mà là vấn đề “thực hành thơ” dưới góc nhìn “văn hóa”. Không thể phiên dịch “thực hành thơ” chỉ là làm thơ (bởi nội hàm nó rộng hơn, còn có nghĩa là “nghịch thơ”, “chơi thơ”, v.v…), ở đây cần hiểu là một hành vi sáng tạo chưa định danh, một xu thế về thể loại. Nghiên cứu một xu thế văn chương cũng giống như giải một bài toán về quĩ tích, tìm một điểm M vô hình nào đó luôn động của một tập hợp điểm, phức tạp quá chứ còn gì.
  • Phương pháp phức tạp: cách tiếp cận và giải quyết vấn đề trong trường hợp này đòi hỏi một phương pháp liên ngành ở chiều sâu (đòi hòi quá nhiều tri thức vệ tinh như lý thuyết thơ đương đại, lý thuyết hậu hiện đại, triết học hậu hiện đại,…), đồng thời phải có bản lĩnh về loại hình học. Chỉ cần đặt câu hỏi thơ nhóm Mở Miệng có phải là thơ không, thì toàn bộ luận văn đã có nguy cơ đổ. Vì thế, cô Thoan thông minh đã đặt “Mở miệng” vào “góc nhìn văn hóa”, vào thế “thực hành”. Đó là cách “thoát” của cô. Xét về bản lĩnh học thuật, cách thoát đó cũng đã đủ làm chứng cho trình độ thạc sĩ của cô rồi.
  • Câu chữ phức tạp: Cô Đỗ Thị Thoan dùng rất nhiều câu ghép, câu phức, phương tiện liên kết câu linh hoạt, trích dẫn trùng điệp, trộn lẫn câu nghi vấn và câu khẳng định khiến người không quen đọc rất khó tiếp cận. Chưa kể những dẫn chứng về tác phẩm của nhóm Mở Miệng cũng thuộc loại ngôn từ khó đọc.
  • Kết luận phức tạp: Tuy cô Thoan có viết phần kết luận trong luận văn (theo nguyên tắc trường qui đối với luận văn cao học) nhưng vấn đề về Mở Miệng không thể kết luận, vì tính đương đại của nó, và vì bản chất khoa học xã hội, nhân văn không phải là thứ dễ đi đến một kết luận cuối cùng. Cái thông minh của cô Thoan lại nằm ở mấy câu hỏi.
  • Dư luận phức tạp: Cô Thoan viết luận văn khi mà trước đó, trong khi đó, và sau này, những đánh giá về nhóm Mở miệng vẫn còn phân hóa cao độ.
Với một núi phức tạp xoay quanh đề tài, có thể nói rằng, luận văn của cô Thoan được viết bằng tất cả sự “ngây ngô chính trị” của một người trẻ ham hiểu biết, ham đọc, ham nghĩ, ham trình bày và diễn giải, ham đặt vấn đề, ham ngắm mình qua vấn đề mà mình tâm đắc đến cao độ. (Tôi phải dùng từ “ngây ngô chính trị” trong ngoặc kép để đối lập cái nhận xét của ông Thưởng dành cho cô Thoan là “kích động chính trị”. Nếu muốn kích động, thì hỡi ôi, Thuyên ơi là Thuyên, dại gì mà viết hàng trăm trang trong một bài tập luận văn để người ta đánh giá, chấm điểm, công bố?). Cô Thoan nói về chính trị bằng sự ngây ngô trong thái độ (sống) và sự già dặn trong nhận thức học thuật (trong tình huống nghiên cứu của cô). Cái “ngây ngô” của cô Thoan rất gần với sự hồn nhiên. Cô không biết (hoặc không chú ý rằng) việc chọn lựa đối tượng nghiên cứu và cách viết của mình sẽ “chạm nọc” một thiết chế cằn cỗi, một hệ thống báo động thuần thục, một cảm hứng “truy xét” vốn tràn trề trong cái bầu khí quyển xứ này.

Ngược lại, người nhận xét (là Phó Giáo sư Phan Trọng Thưởng) lại có vẻ “già dặn” trong thái độ (sống) và “ngây ngô” trong nhận thức học thuật. “Già dặn” vì ông chấm luận văn nhưng toàn nói chuyện “quốc gia đại sự”, ngỡ như giọng của một người “ưu dân ái quốc” xa xưa. “Ngây ngô” vì chỗ cần phân tích thì ông không nói, chỗ cần lý luận thì không bàn, ông chỉ nói cái ông đã “đinh ninh”, cái ông nghĩ trước rồi đặt vào “cho tiện” (một phong cách rất chuẩn “quan cách”). Ông trích dẫn nhiều nhưng không mổ xẻ (chắc ông cũng ngại!), trích dẫn nhiều đến nỗi thi thoảng người đọc có cảm giác ông cũng… ngầm thích mấy cái dẫn chứng đó hay sao (?!), hoặc không đủ sức phân tích cái đống ngôn từ ngồn ngộn mà ông trót trích ra. Thế không “ngây ngô” thì gọi là gì?

Cô Thoan không thể nhân danh một quyền lực chính trị nào để viết (vì làm sao có được một quyền lực nào?). Cô Thoan lập luận nhiều hơn kết luận (vì cô phải cố gắng viết để còn ra bảo vệ trước hội đồng học thuật). Còn ông Thưởng thì không nhận xét mà phán xét (vì ông được cho và tự cho mình quyền đó), không lập luận mà kết luận (vì ông không có thời gian và trình độ để thông diễn). Thái độ hai chiều trong tương quan người viết-người đọc ở đây là rất “bí hiểm”. Mà mấy cái câu kết luận của ông, hình như câu nào cũng có vấn đề. Ví dụ: “Với quan điểm lựa chọn như trên, có thế nói luận văn đã tập trung nghiên cứu một hiện tượng nổi loạn, không chính thống, một hiện tượng bên lề, một dòng ngầm không chỉ mang ý nghĩa văn chương đơn thuần mà còn mang ý nghĩa chính trị phản kháng, phản động”. Sao vậy? Sao “một hiện tượng nổi loạn, không chính thống, một hiện tượng bên lề, một dòng ngầm” thì lại “mang ý nghĩa chính trị phản kháng, phản động”? Chắc ông lo làm chính trị nên quên cách viết văn sao cho có nghĩa. Viết như thế làm gì có nghĩa gì. Một số kết luận khác trong bài nhận xét của ông Thưởng:
  • “Đó là những luận điểm sai trái mang tính kích động chính trị rõ rệt”
  • “đây là chương được xem như cơ sở lý thuyết, như là khung lý luận của luận văn”
  • “Về thực chất đây là một luận văn chính trị trá hình, văn chương chỉ là cái cớ”.
  • “Trong bối cảnh cuộc đấu tranh tư tưởng đang diễn ra khá phức tạp hiện nay, nếu để lưu hành luận văn này sẽ gây tác hại không chỉ đến văn học, nghệ thuật mà còn gieo rắc những tư tưởng nổi loạn, chống đối, gây mất bình ổn trong đời sống chính trị, tư tưởng, tác động tiêu cực tới thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong nhà trường”.
  • Về mẫu câu, ta thấy chủ yếu ông dùng mẫu: “Đây là”, “Đó là” (vì nó rất dễ dùng). Ở câu cuối cùng, ngữ pháp tiếng Việt được ông sử dụng “loạn xạ”, ai hiểu được thì hiểu.
Viết như thế, hoặc là ông không thể suy nghĩ được nữa, do tuổi tác, do lạm dụng hay ám ảnh quá khứ quyền lực, hoặc là ông quen với một số “mẫu câu cơ bản” được rèn luyện qua mấy đợt học chính trị cao cấp, dùng để đọc người khác, cái khác, hoặc ông mất khả năng liên tưởng về ngôn từ. Cái nào cũng nguy hại quá chừng!

Dùng một cách viết đơn giản, ngây ngô như một nắm tay sắt để đối chọi lại một hiện tượng học thuật vô cùng phức tạp, đó là “bản lĩnh chính trị” của PGS Thưởng hay thói quen “viết lách” của ông từ trước đến nay? Câu hỏi này làm tôi nghĩ mãi.

2. Nghịch lý thứ hai: Luận văn viết theo phong cách khá nghệ sĩ, bản nhận xét thì có màu sắc lời nghị án của tòa.

Luận văn được viết trong tâm thế cho một người đọc lý tưởng - người đọc được đón đợi nhiều nhất trong tâm lý người viết. Điều này cũng là bình thường. Ai cũng biết đó là qui luật của tâm lý tiếp nhận, mỹ học hồi đáp. Nói như thế để thấy sự đam mê quá đà của cô Thoan trong quá trình viết luận văn. Nhưng đọc kỹ luận văn thì mới thấy là không phải cô đam mê chính nhóm Mở miệng mà cô đam mê những hiện tượng tinh thần và các rắc rối của nhóm Mở miệng xoay xung quanh những dự cảm và hệ lụy của kiểu sáng tác này. Cô đam mê đến mức viết luận văn mà như viết thơ, viết tùy bút, nhiều chỗ phóng bút mạnh mẽ, liều lĩnh để chờ đợi những tri âm của mình. Và đó cũng là điều mà Hội đồng chính thức cách đây hơn 3 năm đã trân trọng đánh giá cô. Điểm 10 của cô là điểm 10 của tiềm năng, hứng khởi chứ không phải là một sự xác quyết về tài năng tuyệt đối hay sự xác lập thái độ phe cánh chính trị. Đó là cái lý của Hội đồng chính thức lần 1. Họ có quyền nghiêng về quan điểm phóng khoáng, nghệ sĩ hay chặt chẽ, kín kẽ trong quá trình đánh giá, phản biện. Sự chênh lệch về điểm khi nghiêng về quan điểm này hay quan điểm khác hoàn toàn nằm trong cái khung đảm bảo những đúng đắn về tiêu chí đào tạo sau đại học; cho nên kết quả của Hội đồng lần 1 không có bất kỳ lý do gì để bị phủ quyết. Họ còn xa lắm mới “thấp xuống” thành cái gọi là “ổ phản động” như nhận định của ai đó trong cuộc chiến nóng hổi “đánh Nhã Thuyên” đã (và đang) diễn ra.

Nhưng có vẻ như ông Thưởng không thuộc vào số người đọc lý tưởng của cô Thoan (đương nhiên, mà ông cũng không muốn thế chút nào!). Ông thuộc vào “số khác”.

Tôi rất lấy làm lạ kỹ năng “đọc nhanh”, “đọc lướt” của PGS Phan Trọng Thưởng (và ngờ ngợ hay giáo sư không quen đọc tiếng Việt, nhất là mấy câu phức khó, dài?). Cô Đỗ Thị Thoan chưa bao giờ từ nhận mình là “chính trị đội lốt văn chương”. Nhưng ông Thưởng thì chắc như đinh đóng cột: “Như tác giả luận văn đã tự xác nhận, đây là một luận văn “chính trị đội lốt văn chương””. Nguyên văn đâu phải thế, cô Thoan viết là: “Câu hỏi đây là sự cách tân văn chương mang tính chính trị hay là hành vi chính trị đội lốt văn chương thấm đẫm nguyên lý ý thức hệ và sự lệ thuộc vào một từ chính trị được cắt nghĩa hẹp hòi: Tại sao các anh không cứ cách tân đi, bởi văn chương mới chính là lĩnh vực của anh? Tại sao phải lên tiếng về chính trị và bình luận xã hội? “Nay ở trong thơ nên có thép” có chính trị không? Không phải chúng ta đã bội thực thứ văn chương (phục vụ) chính trị rồi sao?”. Ôi ông Thưởng ơi, đời thuở nhà ai lại có người ngu dại thế, lại tự nhận mình là “chính trị đội lốt văn chương” làm gì cho khổ. Cô Thoan cô ấy nói rằng nếu như đặt hai câu hỏi đối với hiện tượng nhóm Mở Miệng: 1 là “cách tân văn chương mang tính chính trị”, 2 là “chính trị đội lốt văn chương” thì cả hai câu hỏi đó đều bị hạn hẹp bởi cách hiểu thô thiển về chính trị. Sau đó, cô ấy đặt ra mấy câu hỏi mở rộng. Mà mấy câu đó đều xoay quanh vấn đề bản chất của văn chương là gì? Mối quan hệ giữa văn chương và chính trị thực chất là gì? Cô Thoan quan tâm điều đó, chứ cô Thoan không gọi làng nước tới hoặc be be lên chứng minh mình là cừu đen lạc trong đám cừu trắng đâu.

Cái nghịch lý bi hài cao độ của vụ Nhã Thuyên là: Hội đồng chấm luận văn lần thứ nhất (chính thống về học thuật) là một sự hợp nhất của cái nhìn nghệ sĩ (tất nhiên nghệ sĩ tuyệt đối trong học thuật thì cũng có mặt hay dở của nó). Hội đồng thứ hai (chính thống về chính trị) là một sự “thăng hoa” của uy quyền. Điểm 10 được biểu quyết là sự cộng hợp các trạng thái nghệ sĩ của người viết, người chấm. Còn kết luận hủy diệt là sự đồng tình nhất trí của những người “bảo hoàng hơn vua”, quyết tâm sống mái chấm dứt những “thăng hoa” … không giống mình.

3. Nghịch lý thứ ba: Luận văn thực sự là một hiện tượng trong nghiên cứu và giảng dạy văn học đương đại, bản nhận xét là một “hiện tượng ăn theo” có khả năng “nổi tiếng” hơn “chính chủ”.

Có thể nói, đến giờ phút này, PGS. TS. Phan Trọng Thưởng “nổi tiếng ngoài dự kiến”, đi vào lịch sử ngoài dự kiến. Ông có đến mấy cái nổi tiếng hơn người. Trong danh sách tham gia “thẩm định lại” luận văn cô Đỗ Thị Thoan, ông là người từng có địa vị danh giá nhất (Viện trưởng Viện Văn học). Đó là cái nổi tiếng thứ nhất. Danh giá thế mà lại dự phần vào cái “cuộc nhiễu nhương” này. Đó là cái nổi tiếng thứ hai. Tham gia chấm lại xong, ông rất bình tĩnh đưa bài nhận xét lên báo mạng (tất nhiên là báo chính thống của Hội Nhà văn Việt Nam). Đó là cái nổi tiếng thứ ba. Bài nhận xét, đứa con tinh thần của ông, giờ phiêu bạt chân trời nào, bị thiên hạ đối xử ra sao, chắc ông không thể lường nổi, không thể lường hết. Đó là cái nổi tiếng thứ tư của ông. Và chắc là ông còn được nhắc đến nhiều nữa như một “huyền thoại” của “kỳ tích” đào tạo đại học xứ Việt.

4. Nghịch lý thứ tư: Người viết luận văn thì say cuồng văn chương, người viết nhận xét thì mê mẩn uy quyền

Cô Đỗ Thị Thoan quả là say nghề say chữ. Có lẽ phong cách viết của cô Thoan đã chiếm được cảm tình Hội đồng lần 1 bởi tính chuyên nghiệp và bản lĩnh ngôn từ. Cô Thoan không viết luận văn như học trò làm bài tập mà viết như một trí thức có nhiều suy nghĩ trưởng thành, sắc sảo, có một trình độ diễn đạt nhuần nhuyễn. Đó là một sự khác biệt không thể bỏ qua. Nhưng cô cũng là nạn nhân của chính mình. Cái sai lớn nhất của Nhã Thuyên là (có lẽ do quá say viết) đã chọn nhầm điểm-rơi-thái-độ với đối tượng nghiên cứu của mình: đẩy thực hành thơ của Mở miệng lên góc nhìn mỹ học (Không phải bất kỳ một hiện tượng thực hành thơ nào cũng có một nền tảng mỹ học hoặc có khả năng xây dựng một mỹ học cho mình. Ngay nhóm Xuân Thu nhã tập với hoài bão làm nên một mỹ học về Đạo, về sự trong sáng của thơ, cũng chấp nhận dở dang và không thể xem là đã có một mỹ học, huống gì những bước đi tìm kiếm và bề bộn của Mở miệng). Đó mới là cái lệch lớn nhất của luận văn. Cái lệch ấy, nếu có thể gọi là sai, thuộc về cái sai của một đẳng cấp học thuật, chứ không phải cái sai của tư cách công dân.

Thế nhưng, trong khi người viết say mê văn chương bao nhiêu thì người chấm lại mê mẩn việc tiêu diệt văn chương bấy nhiêu. Cái uy quyền mà PGS Thưởng thể hiện trong bài nhận xét thể hiện ở lượng từ vựng “an ninh” được dùng một cách hào hứng và kiên trì. Đặc biệt, như trên đã phân tích, luận văn được trích trong bài nhận xét rất nhiều (chắc là phải đến gần 80% lượng chữ), không cân đối một chút nào với mấy lời điểm chú rất “quái dị”, tối tăm của ông giáo sư.

Chỉ có sự uyên bác, tài năng và niềm tin vào chân lý học thuật mới là quyền lực cao nhất và cần có nhất ở môi trường trí thức. Ngoài ra, mọi “quyền lực khác” đều là lố bịch.

Trong cuốn tiểu thuyết Vạn Xuân viết về Nguyễn Trãi của một tác giả người Pháp Yveline Féray, tôi nhớ có một câu như thế này: “Bi kịch của Nguyễn Trãi là bi kịch của một vĩ nhân sống trong một xã hội nhỏ bé”. Cái thước thì ngắn mà đo những thứ quá cao quá dài – sự thật đó là bi kịch của cái thước hay bi kịch của cái thứ cao dài kia? Nguyễn Trãi bi kịch vì sinh ra ở Việt Nam, hay Việt Nam bi kịch vì đã giết Nguyễn Trãi? Một môi trường học thuật mà quan hệ giữa thầy và trò trở thành quan hệ dân – quan, quan hệ tử tù và thẩm phán thì hỡi ôi, trước khi cái thước ngắn cũn cỡn kia lâm vào bi kịch bất lực, nó cũng giết đi bao nhiêu thứ dài cao vô hạn; nó đo hết và trảm hết những cái vượt ra ngoài cái nó đo. Ai đã đẻ ra cái thước đó, và ai cho nó quyền được đo tất cả?

5. Nghịch lý thứ năm: Nhan đề phản chủ

Có lẽ ông Phan Trọng Thưởng suy nghĩ rất cẩn trọng để chọn một nhan đề rất nhã nhặn, lịch sự trong bối cảnh “dầu sôi lửa bỏng” hiện nay: “để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn”. Song, chẳng hiểu thế nào mà nội dung bài viết ấy lại làm người đọc hiểu rõ hơn thực chất về… PGS.TS Phan Trọng Thưởng! Đó là sự diễn tiến của chữ nghĩa ngoài đoán định của PGS. Nếu như thế thì chính chữ nghĩa của ông đã nổi loạn với chính ông. Vậy, chẳng phải “nổi loạn là điều kiện để sáng tạo hay sao”, thưa ông? Vậy, sao ông lại bức xúc khi người khác nói về sự “nổi loạn”?

6. Nghịch lý thứ sáu: Viết về “Mở miệng” nhưng bị bắt “Im mồm”

Cô Đỗ Thị Thoan hẳn không thể tưởng tượng nổi một kết cục cười ra nước mắt: luận văn viết 3 năm được thông qua bây giờ bị hủy, hào hứng viết về “Mở miệng” thì bị tịch thu, đuổi việc và bắt “im mồm”…

Khi viết bài này, tôi luôn ám ảnh trong đầu ông Phan Trọng Thưởng là một “thiên sứ”, hoặc một “sứ giả” mang thông điệp từ một Đấng nào đó để đáp xuống cái Khoa Ngữ văn của Đại học Sư Phạm Hà Nội đang bề bộn bao nhiêu vấn đề… Đúng như cái tên ông vậy, một sự “trọng thưởng” từ phía nào đó vô hình trên cao dành cho cương vị ông có, cho tiếng nói ông nói. Ông viết nhận xét như dạo một bản “nhạc thánh”, tuyên bố về luận văn như tung chiếu chỉ!

Không một trí thức đích thực nào ở nước Việt Nam này không biết đến vụ án Nhân văn Giai phẩm hồi giữa thế kỷ XX; Gọi là một cuộc chơi cũng đúng, một cuộc chiến cũng đúng, một lỡ lầm, một quá đáng, một ăn năn, một uất nghẹn…, đều đúng! Chắc chắn rằng bao nhiêu con người ngậm khối tinh thần đau đớn đem chôn xuống ba tấc đất ngày ấy cũng đã thấm thía những tờ “thánh chỉ” có một không hai kiểu như “bản nhận xét thẩm định” của ông Thưởng. Những thông điệp bên ngoài có vẻ lịch sự, nhã nhặn, trịnh trọng tựa như lời của kẻ “cầm cân nảy mực” cho sơn hà lại chứa đựng nhiều dự cảm đẫm máu (như đã từng xảy ra).

Văn chương, nghệ thuật không nhất thiết phải trở thành nạn nhân trong bất cứ thời đại nào, cũng như không có quy luật nào cho phép khoa học là nạn nhân của thần học cực đoan. Nhưng sự thật là: khoa học vẫn từng chết dưới tay thần học, văn chương vẫn bị chính trị hành quyết. Những cuộc “tuẫn tiết” diễn ra trong quá khứ đã chứng minh rằng khi một nền văn nghệ sống trong sự kiểm duyệt của “văn hóa công an” thì bề nào nó cũng trở thành nạn nhân. Hoặc là nó “vinh dự” trở thành một nạn nhân tự nguyện, tự mình cắt cụt chiếc cánh tự do vô tận, hoặc là nó cam khổ trở thành một nạn nhân bị cưỡng bức, mọc chiếc cánh tự do như một “quái thai” bay tới một chân trời mà điểm dừng của nó là những song sắt nhà tù lè tè dưới mặt đất.

PGS.TS Phan Trọng Thưởng thật “dũng cảm” khi công bố bản nhận xét của ông (“Dũng cảm” trong nhiều nghĩa!). Vậy là vẫn còn những bản nhận xét khác nữa (vì Hội đồng thẩm định đâu chỉ một người). Ai quyết được rằng hàng tá lời thẩm định trong bóng tối kia sẽ không dắt díu tới những ngày buồn đẫm máu một thời của “nạn chữ nạn văn”…?
22.4.2014
Hà Nhân
(Viet-studies)

Đã có kết luận về các sai phạm của ông Vũ Trọng Kim lâu rồi sao chưa thấy xử lý?

Ngày 12/12/2013, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng được Ủy Ban Kiểm tra Trung ương mời lên nghe thông báo số 528-TB/UBKTTW ngày 3/12/2013 về việc giải quyết đơn tố cáo của tôi đối với ông Vũ Trọng Kim - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo đó, nhiều nội dung tố cáo các sai phạm của ông Kim đã được kết luận là đúng. Thế` nhưng, nhiều tháng trời đã trôi qua, vẫn chưa thấy cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp, hình thức xử lý nào đối với các sai phạm này của ông Kim. Trong khi cđó, người đứng dơn tố cáo thì đã bị trù dập thảm hại.

http://dantri4.vcmedia.vn/VLEfzoZuPAIveDWb3xCC/Image/2011/11/vu-trong-kim_cb412.jpg
Ông  Vũ Trọng Kim
Sau đây là đơn khiếu nại của ông Nguyễn Mạnh Thắng về tình trạng phi lý nói trên:

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
ĐƠN KHIẾU NẠI LẦN 2
(Thông báo số 528-TB/UBKTTW ngày 3/12/2013
của Ủy Ban Kiểm tra trung ương)
        
         Kính gửi:  - Ủy Ban Kiểm tra trung ương
Tôi là: Nguyễn Mạnh Thắng – Nhà báo - Nguyên Phó Trưởng ban Văn hóa – Nghệ thuật báo Đại Đoàn Kết. Nơi cư trú: *** ĐT: ***.
Kính thưa quý vị lãnh đạo!
       Ngày 24/1/2014, tôi đã có đơn khiếu nại gửi Ủy Ban Kiểm tra trung ương về bản Thông báo số 528-TB/UBKTTW ngày 3/12/2013 về việc giải quyết đơn tố cáo của tôi  đối với ông Vũ Trọng Kim - Ủy viên trung ương Đảng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
       Vì đến nay, chưa nhận được hồi âm, nên căn cứ theo Điều 27 Luật Khiếu nại, tôi tiếp tục làm đơn khiếu nại lần thứ 2 kính gửi tới quý vị lãnh đạo đề nghị được giải quyết.
Kính thưa quý vị lãnh đạo!
       Ngày 12/12/2013, tôi được Ủy Ban Kiểm tra Trung ương mời lên nghe thông báo số 528-TB/UBKTTW ngày 3/12/2013 về việc giải quyết đơn tố cáo của tôi đối với ông Vũ Trọng Kim - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
       Tôi nhận thấy nội dung bản Thông báo số 528-TB/UBKTTW ngày 3/12/2013 hoàn toàn khác với nội dung thông tin trên truyền hình và báo chí ngày 22/11/2013.
        Theo thông tin trên truyền hình và báo chí thì đơn của chúng tôi: có nội dung không đúng và có nội dung chưa có cơ sở để kết luận”.
        Tuy nhiên, theo Thông báo số 528-TB/UBKTTW thì ông Vũ Trọng Kim đã mắc rất nhiều sai phạm.
         Xin đơn cử một số ví dụ.
         Nội dung tố cáo:  Ông Vũ Trọng Kim bổ nhiệm Tổng biên tập cho ông Đinh Đức Lập trái trái Khoản 2 Điều 6 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 75-QĐ/TW của Ban Bí thư.
         Thông báo số 528-TB/UBKTTW kết luận: Việc bổ nhiệm ông Đinh Đức Lập đã được Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin truyền thông đồng ý. Đáp ứng tiêu chuẩn về bằng cấp như quy định như quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 75-QĐ/TW của Ban Bí thư. Ông Lập có thời gian là Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương Đoàn. Tuy nhiên cần rút kinh nghiệm trong việc đơn giản trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm ông Lập. Trong quá trình bổ nhiệm ông Lập làm Tổng biên tập không có ý kiến bằng văn bản của Ban Thường vụ Đảng ủy Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Việc bổ nhiệm thuộc thẩm quyền của ông Vũ Trọng Kim. Ông Kim thực hiện theo ý kiến của Đảng đoàn MTTQ nên đơn tố cáo này không đúng.
        Tôi xin khiếu nại nội dung này như sau:
 Trong đơn tôi tố cáo và bản cung cấp bằng chứng cho cán bộ điều tra của Ủy Ban Kiểm tra trung ương, tôi nêu rõ: Việc ông Vũ Trọng Kim ký Quyết định bổ nhiệm ông Đinh Đức Lập là tráiKhoản 2 Điều 6 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 75-QĐ/TW của Ban Bí thư. Thế nhưng, kết luận chỉ nêu phần trước của Khoản 2 Điều 6 chứ không đề cập đến đoạn sau của Khoản 2 nêu rõ điều kiện bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí (bao gồm cả Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập): “Có thời gian hoạt động trong lĩnh vực báo chí  ít nhất là 3 năm”. Việc từng làm Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Đoàn không phải là hoạt động trong lĩnh vực báo chí. 
Việc ông Vũ Trọng Kim biết quy định của Quyết định số 75-QĐ/TW của Ban Bí thư nhưng vẫn cố tình gửi công văn đề nghị tới Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin truyền thông đã “gây khó dễ” cho hai cơ quan quản lý báo chí này. Thế nhưng, cho dù có sự đồng ý của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin truyền thông thì Quyết định 2732/QĐ-MTTW-BTT ngày 3/7/2009do ông Vũ Trọng Kim ký bổ nhiệm ông Đinh Đức Lập làm Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết vẫn trái quy định của quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 75-QĐ/TW của Ban Bí thư. Bởi lẽ rất đơn giản: Ban Bí thư là cấp lãnh đạo Đảng cao hơn Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin truyền thông.
Việc lấy phiếu tín nhiệm trong quy trình để bổ nhiệm không chỉ “đơn giản” mà còn sai khi do chính ông Lập đề nghị lên lãnh đạo MTTQ, rồi chính ông Lập đứng ra triển khai thực hiện chứ Vụ Tổ chức cán bộ của MTTQ Việt Nam không về báo Đại Đoàn Kết để triển khai.
Tại buổi thông báo, vị cán bộ chủ trì cuộc gặp của Ủy Ban Kiểm tra nói: Đảng có quyền điều động luân chuyển cán bộ. Tôi trao đổi lại rằng: Đảng có quyền nhưng phải điều động, luân chuyển đúng quy định của pháp luật và quy định của Đảng. Và tại sao lại không điều động người có đủ tiêu chuẩn và năng lực?.
Nội dung tố cáo: Phê duyệt cấp thẻ nhà báo trái quy định tại Điểm b, Khoản 1 Quy định cụ thể  số 2 của Thông tư 07/2007/TT-BVHTT ngày 20/3/2007 của Bộ Văn hóa – Thông tin.
Thông báo số 528-TB/UBKTTW kết luận: Ngày 10/9/2013, Bộ Thông tin truyền thông có văn bản gửi Ủy Ban Kiểm tra trung ương cho biết: ông Lập là Tổng biên tập nên thuộc đối tượng xét cấp thẻ.
Việc xét cấp thẻ nhà báo cho ông Lập thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin truyền thông.
Do công văn đề nghị xét cấp thẻ nhà báo cho ông Lập của Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi Cục Báo chí Bộ Thông tin truyền thông không phải do ông Vũ Trọng Kim ký nên nội dung tố cáo này chưa có bằng chứng để kết luận.
Công văn gửi Cục Báo chí do Trưởng Ban tổ chức cán bộ của MTTQ Việt Nam ký nhưng không ghi rõ họ tên.
Tôi xin khiếu nại nội dung này như sau:
Khi ông Lập được cấp thẻ ông chưa phải là Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết (Ngày 21/6/2009, ông Lập được cấp thẻ nhà báo, trong khi đến ngày 3/7/2009 ông Lập mới được bổ nhiệm làm Tổng biên tập). Hơn nữa, việc bổ nhiệm ông lập làm Phó Tổng biên tập phụ trách đã trái với quy định của quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 75-QĐ/TW của Ban Bí thư như đã phân tích ở trên.
Thẩm quyền ký công văn đại diện cho Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi Cục Báo chí Bộ Thông tin truyền thông xét cấp thẻ nhà báo cho ông Đinh Đức Lập năm 2008 không phải của Trưởng Ban tổ chức cán bộ của MTTQ Việt Nam (Chưa nói đến sai phạm về quy cách văn bản).
 Thẩm quyền xét cấp thẻ nhà báo cho ông Lập thuộc về Chủ tịch Huỳnh Đảm hoặc ông Vũ Trọng Kim - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam – Phụ trách khối báo và Tạp chí của MTTQ Việt Nam.
Nhưng dù ai ký đi chăng nữa thì  việc cấp thẻ cho ông Đinh Đức Lập vẫn trái Điểm b, Khoản 1 Quy định cụ thể  số 2 Thông tư 07/2007/TT-BVHTT ngày 20/3/2007 của Bộ Văn hóa – Thông tin,quy định:  Điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp Thẻ nhà báo“Có thời gian công tác liên tục theo chế độ biên chế hoặc hợp đồng dài hạn tại cơ quan báo chí đề nghị cấp Thẻ từ ba (3) năm trở lên, tính đến thời điểm xét cấp Thẻ”. Trong hồ sơ cán bộ của ông Lập thể hiện: ông Lập chưa từng làm ở một cơ quan báo chí nào trước khi về báo Đại Đoàn Kết. Tờ Thông tin Công tác Mặt trận mà ông Lập có thời gian ngắn phụ trách nội dung không phải là cơ quan báo chí vì tờ thông tin này không có Tổng biên tập, không trụ sở, không con dấu tài khoản riêng.
Trong sự việc xét cấp thẻ nhà báo này, sai phạm ban đầu thuộc về ông Đinh Đức Lập khi ông biết mình không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn cố tình làm công văn số 07/CV.ĐĐK ngày 23/3/2009 gửi Ủy Ban trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị duyệt cấp thẻ nhà báo.
Liệu Cục báo chí - Bộ Thông tin truyền thông có xét cấp thẻ nhà báo cho ông Lập không nếu như không có sự cố tình làm sai của ông Lập và đại diện Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam?.
Nội dung: Sai phạm trong việc ký Quyết định số 322/QĐ-MTTW-BTT ngày 13/5/2010 chỉ định hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng địa ốc Đông Dương để đầu tư và quản lý sau đầu tư xây dựng khai thác tòa nhà trụ sở báo tại 66 Bà Triệu, Hà Nội, trái Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và Thông tư số 03/2009/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất.
Thông báo số 528-TB/UBKTTW kết luận: Ông Vũ Trọng Kim không vi phạm Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và Thông tư số 03/2009/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất.
Tuy nhiên, Thông báo số 528-TB/UBKTTW nêu rõ: Việc ông Vũ Trọng Kim ký Quyết định số 322/QĐ-MTTW-BTT ngày 13/5/2010 là vi phạm Khoản 4 Điều 44 Nghị định Số: 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Khoản 4 Điều 44 Nghị định Số: 52/2009/NĐ-CP nêu rõ việc xác định giá trị tài sản để liên doanh, liên kết phải đảm bảo nguyên tắc sau: “a) Đối với tài sản là quyền sử dụng đất, giá trị quyền sử dụng đất được xác định sát với giá thực tế trên thị trường tại thời điểm liên doanh, liên kết; không thấp hơn giá đất cùng loại do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định;
b) Đối với tài sản gắn liền với đất, giá trị tài sản được xác định phù hợp với giá trị thực tế còn lại theo kết quả đánh giá lại;
c) Đối với tài sản nhà nước không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này, giá trị tài sản được xác định phù hợp với giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ với tài sản để liên doanh, liên kết”.
       Chưa hề thực hiện các trình tự, thủ tục nêu tại khoản 4 Điều 44 của Nghị định Số: 52/2009/NĐ-CP, chưa có văn bản trình Bộ Tài chính (cơ quan có thẩm quyền) nhưng ông Vũ Trọng Kim đã ký Quyết định số 322/QĐ-MTTW-BTT ngày 13/5/2010.
       Hợp đồng mà báo Đại Đoàn Kết ký với Công ty CP đầu tư địa ốc Đông Dương có nhiều điểm chưa hợp lý, chưa đúng quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản Nhà nước và quy định của Nghị địnhSố: 52/2009/NĐ-CP, chưa thực hiện các thủ tục của các sở, ngành theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội; chưa được các cơ quan có thẩm quyền xác định tài sản để liên doanh liên kết; chưa có quyết định giao tài sản của cơ quan chủ quản cho báo Đại Đoàn Kết.
        Tôi xin khiếu nại nội dung này như sauÔng Vũ Trọng Kim đã làm sai Khoản 4 Điều 44 Nghị định Số: 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, thì cần bị xử lý kỷ luật chứ không thể cho rút kinh nghiệm. Tại sao lại để cho một cán bộ của Mặt trận – nơi am hiểu và giám sát luật pháp cố ý làm trái như vậy? Cố ý làm trái vì động cơ gì?. Và tại sao cán bộ lãnh đạo làm sai như thế lại được rút kinh nghiệm trong khi chúng tôi – những người tố cáo lại bị trả thù dã man: bị vu khống, bị cắt lương mấy năm trời, bị sa thải… mà không được bảo vệ?. Cho dù Kết luận số 42 KL/MTTW – ĐĐ ngày 7/1/2013 và Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ ngày 8/1/2013 của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đều kết luận nội dung tố cáo Tổng biên tập Đinh Đức Lập cắt lương, điều chuyển công tác người tố cáo là có cơ sở.
     
         Nội dungÔng Vũ Trọng Kim vi phạm pháp luật về giải quyết tố cáo, kéo dài thời gian giải quyết tố cáo, không thông báo cho người tố cáo kết quả giải quyết bằng văn bản.
         Thông báo số 528-TB/UBKTTW kết luận: Theo quy định, việc xem xét, giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên Đảng đoàn MTTQ Việt Nam yêu cầu Tổ công tác báo cáo và kết luận là không đúng thẩm quyền, trái quy định tại khoản 1.2.2 Điều 30 Hướng dẫn các quy định về kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng tại chương 7 chương 8 Điều lệ Đảng khóa 11.  
         Việc giải quyết kéo dài là không đúng khoản 5 Điều 32 Hướng dẫn các quy định về kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng tại chương 7 chương 8 Điều lệ Đảng khóa 11 và Điều 21 Luật tố cáo (thời hạn giải quyết là 60 ngày, trường hợp phức tạp được gia hạn nhưng không quá 30 ngày ).
         Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam không giải quyết và trả lời kết quả giải quyết tố cáo bằng văn bản cho người tố cáo là không đúng với Khoản 2 Điều 26 Luật tố cáo.
        Ủy Ban Kiểm tra kết luận: Cho ông Vũ Trọng Kim và Đảng đoàn, Đảng ủy, Ban Thường trực MTTQ Việt Nam rút kinh nghiệm trong các sai phạm, nhưng phải chỉ đạo và giải quyết dứt điểm những sự việc phức tạp về tố cáo, về tổ chức  ở báo Đại Đoàn Kết trong quý I/2014.
       
       Kính thưa quý vị lãnh đạo!
       
       Trong quá trình công tác, khi làm Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị, ông Vũ Trọng Kim đã từng bị kỷ luật Khiển trách vì đã làm cho tình hình mất đoàn kết trong nội bộ kéo dài. Thiết tưởng, sau khi bị kỷ luật này ông Kim sẽ sửa chữa khuyết điểm và thực hiện tốt quy định của Đảng, quy định của pháp luật Nhà nước, nhưng ông Kim vẫn cố tình mắc nhiều sai phạm. Những sai phạm này của ông Kim nhằm mục đích che dấu sai phạm cho ông Đinh Đức Lập – Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết. Đối chiếu với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì với những sai phạm của mình căn cứ theo Kết luận (số 42 và 43) của Đảng đoàn Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Đinh Đức Lập – Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết phải chịu hình thức kỷ luật: Khai trừ Đảng, cách chức Tổng biên tập. Thế nhưng, ông Lập chỉ bị xem xét kỷ luật Khiển trách. Trong khi  nhiều nội dung tố cáo chưa được giải quyết thì ông Vũ Trọng Kim cố tình làm lơ không có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo như luật quy định, đồng lõa với ông Lập đuổi việc những người tố cáo.
      
       Thêm nữa, khi Ủy Ban Kiểm tra trung ương chưa xử lý thì có vẻ rất bất bình thường, ông Vũ Trọng Kim đã để cho toàn bộ phòng làm việc của mình bị cháy. Chúng tôi đề nghị Ban Bí thư và Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam có công văn đề nghị tới cơ quan chức năng làm rõ sự việc này.
              
       Kính thưa quý vị lãnh đạo!
      Chỉ vì niềm tin vào Đảng, vào pháp luật Nhà nước, chúng tôi đã mạnh dạn tố cáo những sai phạm của ông Đinh Đức Lập và Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết. Tuy nhiên , với vai trò là Thủ trưởng cơ quan, ông Vũ Trọng Kim đã cố tình giải quyết sai luật tố cáo, bao che, không bảo vệ người tố cáo, đồng lõa với người bị tố cáo để trả thù, vu khống, cắt lương, buộc thôi việc người tố cáo trong khi sự việc chưa được giải quyết. Nay, Ủy Ban Kiểm tra trung ương đã có nhiều kết luận khẳng định sai phạm của ông Vũ Trọng Kim (tuy nhiều nội dung khác chúng tôi không đồng ý).
     
       Vì vậy, chúng tôi kính đề nghị các đồng chí lãnh đạo xem xét và có hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Trọng Kim. Không có lẽ một Ủy viên trung ương Đảng, một Ủy viên của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng lại được miễn kỷ luật, được rút kinh nghiệm, còn hậu quả ông ta gây ra thì sao?. Trụ sở Văn phòng thường trú của báo Đại Đoàn Kết tại 82 Trần Quốc Toản, TP. Đà Nẵng đã bị bán sai luật pháp cho tư nhân, và trụ sở 66 Bà Triệu – mảnh đất vàng đã bị ông Kim làm trái quy định của Nhà nước theo kết luận của Thông báo số 528-B/UBKTTW ngày 3/12/2013 của Ủy Ban Kiểm tra trung ương.
      
       Tài sản Nhà nước, trụ sở 66 Bà Triệu, Hà Nội của báo Đại Đoàn Kết sẽ ra sao nếu ông Kim được “tạo điều kiện” để “chạy bằng được” việc hợp tác với công ty tư nhân nhằm trục lợi? Ông Kim sẽ còn gây mất đoàn kết, giảm uy tín của Đảng, MTTQ, và thất thoát tài sản Nhà nước nếu tiếp tục lãnh đạo Mặt trận tổ quốc.
        Nhiều sai phạm của Tổng biên tập Đinh Đức Lập và vụ cháy phòng làm việc của ông Vũ Trọng Kim đã được báo chí phản ánh. Dư luận hiện đang rất quan tâm về kết quả xử lý dứt điểm đối với ông Vũ Trọng Kim và ông Đinh Đức Lập như thế nào.
      
       Bao giờ những người tố cáo bị trả thù buộc thôi việc oan sai được phục hồi công việc ở báo Đại Đoàn Kết?.
       Rất mong nhận được sự trả lời của quý Ủy Ban kiểm tra trung ương!
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn!
                                                                          Hà Nội ngày 6 tháng 3 năm 2014
Nơi nhận:                                                                                    Người làm đơn
-Tổng Bí thư
-Chủ tịch nước
-Thủ tướng chính phủ
-Chủ tịch Quốc hội
-Ban Bí thư
-Văn phòng trung ương Đảng
-Ủy Ban Kiểm tra trung ương (để giải quyết)
- Ông Ngô Văn Dụ - Chủ nhiệm UBKTTW                                          Nguyễn Mạnh Thắng
- Ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Đảng đoàn –
Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam                                                          
-Ông Mai Thế Dương – Phó Chủ nhiệm UBKTTW
-Ban Tổ chức trung ương
-Ban Nội chính trung ương
-Ban Tuyên giáo Trung ương

-Ông Lê Bá Trình – Phó Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam  
(Blog Hữu Nguyên)         

 VN coi tử vong vì sởi như bị thiên tai?

Nguyễn Giang -BBC

Dư luận rùng mình vì dịch sởi gây tử vong cao ở Hà Nội
Câu chuyện cả trăm trẻ em chết vì dịch sởi ở Việt Nam cho thấy một xu hướng rất đáng ngại tại quốc gia đông dân đang trên đà phát triển này: tính chịu trách nhiệm của giới chức rất yếu, gần như không có.
So với một nước như Ả Rập Saudi thì làm quan ở Việt Nam là nghề dễ hơn nhiều: quyền chức lớn, lợi ích cao nhưng tính giải trình thật thấp.

Vì cùng thời gian, Bộ trưởng Y tế của Ả Rập Saudi, nước vẫn còn theo chế độ phong kiến, đã bị cách chức chỉ vì virus Mers làm 81 người dân nước này tử vong.
Theo tin tức từ Trung Đông hôm nay 22/4/2014, chỉ vài ngày sau khi thăm các bệnh viện ở Jeddah để “trấn an dư luận” về vụ virus đường hô hấp gây chết người, Bộ trưởng Bấm Abdullah al-Rabiah đã bị nhà vua cách chức.
Cho đến nay, có 261 vụ nhiễm virus này được ghi nhận ở Vương quốc Hồi giáo gần 30 triệu dân.

Đổ tại thời tiết

Còn tại Việt Nam, báo chí đưa tin hôm 21/4 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng “đi thị sát một số bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc sởi tại Hà Nội”.
Bà chẩn thật đúng bệnh:

Bộ trưởng Y tế của Ả Rập Saudi bị cách chức vì dịch virus làm chết hơn 80 người dân

"Bệnh nhi dồn vào một chỗ, thời tiết miền Bắc ẩm ướt thuận lợi cho virus phát triển là hai trong số nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát mạnh."
Nhưng sự chẩn bệnh quá đúng này nghe lại cứ như từ miệng một người ngoài cuộc, không hề liên quan gì tới nạn quá tải ở các bệnh viện vốn không phải là chuyện mới và những gì Bộ Y tế đã có thể làm những tuần qua.
Bà Tiến còn nói: "Giá mà truyền thông từ mấy tháng trước thì tốt," theo trang VnExpress tường thuật lại câu chuyện.
Như thế, lỗi hóa ra là ở chỗ báo chí chưa đưa tin nhanh kịp để Bộ Y tế có hướng giải quyết, giãn các ca nhập viện ồ ạt vào vài bệnh viện chính ở Hà Nội.
Bộ Y tế hóa ra vô can và lỗi chính nay chỉ còn thuộc về thời tiết.
Quan chức né trách nhiệm trong ngành của mình không phải là chuyện gì mới nhưng điều đọng lại là vị đắng của câu chuyện hơn 100 trẻ em chết vì dịch sởi ở Hà Nội.
Đắng vì cả sự bất lực của nhiều người không làm gì để thay đổi cơ chế và thái độ coi mạng người không ra gì kiểu như vậy.
Thông thường, ngoài lỗi chuyên môn, quan chức ở đâu cũng còn phải chịu trách nhiệm để uy tín của ngành mình, của chính quyền bị tổn hại.
Và ở cả hai điểm này, không chỉ so với Ả Rập Saudi mà so với Trung Quốc, tính chịu trách nhiệm của quan chức Việt Nam cũng quá thấp.
Chẳng hạn Bộ trưởng Y tế Trương Văn Khang và Thị trưởng Bắc Kinh, Mạnh Học Nông đều bị cách chức hồi tháng 4/2003 vì "xử lý kém" các diễn biến của dịch SARS, gây ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền.
Còn so với các nước như Anh thì ngành y tế ở Việt Nam ngay từ nền tảng đã thiếu một số tiêu chuẩn cơ bản để tăng tính chịu trách nhiệm của cả hệ thống.
Chuyện bệnh nhân chết ở đâu cũng xảy ra.
Nhưng theo những gì tôi biết ở Anh thì các vụ chết trong bệnh viện và chết sau khi xuất viện 30 ngày đều được thống kê đầy đủ, công khai.
Các ngành khác cũng có quyền giám sát ngành y tế.
Chẳng hạn như ở Anh, sau vụ bệnh nhân chết tại bệnh viện Stafford, giới chức tư pháp đã mở cuộc điều tra mang tên Stafford Hospital Inquiry vì lợi ích công chúng.
Họ đã ra một loạt khuyến nghị bắt buộc hệ thống bệnh viện phải thống kê đầy đủ những vụ chết tương tự để ngăn ngừa chúng xảy ra nữa.
Các bệnh viện cũng được xếp hạng ‘rủi ro’ theo bảng mà trang Bấm BBC News đăng tải dưới ở đây:
Anh Quốc có bảng thống kê các vụ tử vong ở tất cả các bệnh viện

Việt Nam rất cần những số liệu như thế và trách nhiệm của quan chức y tế, giới bác sỹ cần được ràng buộc vào những con số cụ thể như vậy.
Ngoài ra, thân nhân người bệnh cũng cần được nói rõ rằng họ hoàn toàn có quyền kiện dân sự đòi bồi thường trong trường hợp có người nhà tử vong.
Ở Anh cũng mới trong tháng này có thêm một vụ như vậy.
Gia đình bà Bấm Sheila Acott , 67 tuổi vừa kiện ngành y tế sau vụ bà chết vì bị ngã mà không được trợ giúp kịp thời khi đang ở trong bệnh viện Maidstone, quận Kent hồi tháng 2/2013.

Bò cừu và báo chí

Cũng tại Anh, không chỉ chuyện con người mà dịch bệnh xảy ra với bò và cừu cũng tạo trách nhiệm cho chính quyền.
Hồi năm 2001, bệnh lở mồm long móng (foot and mouth disease – FMD) đã khiến chính phủ Tony Blair gặp khủng hoảng.
Về mặt chính trị, đảng Lao Động cầm quyền khi đó phải cho hoãn bầu cử toàn quốc vì nhiều vùng nông thôn Anh bị phong tỏa, và nền kinh tế bị thiệt hại hàng tỷ bảng vì 3,5 triệu đầu cừu, bò và lợn bị chết.
Nhưng về cơ chế, tổ chức, Anh Quốc cũng đã có những quyết định cụ thể, dứt khoát.
Bộ Nông nghiệp – Ngư nghiệp và Thực phẩm (Ministry of Agriculture, Fisheries and Food - MAFF) bị giải thể và chính phủ lập ra Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn (Defra) để thay thế.
Nhiều nhân vật cao cấp trong ngành thú y bị cách chức và một hệ thống giám sát hoàn toàn mới được đưa vào áp dụng.
Giới y tế và đại học cho đến nay vẫn có các nghiêm cứu về chuyện chỉ liên quan đến gia súc này.
Dù ở Việt Nam, bà Bộ trưởng Y tế có vẻ trách cứ báo chí, tôi nghĩ truyền thông đã đóng vai trò tốt trong việc báo động về dịch sởi ở Hà Nội.

"Vụ Hoài Đức làm mất mặt ngành y tế nhưng các quan chức cao cấp của ngành này vẫn không sao"
Thực ra chính phủ nào cũng khó chấp nhận ‘tin dữ’ nhưng nghề báo ở đâu cũng thế, người đưa tin cần nhìn nhận lợi ích của công chúng cao hơn của quan chức.
Chẳng hạn như BBC hồi 2001 đã có vai trò lớn trong việc buộc chính phủ Anh vào cuộc ngăn khủng hoảng bệnh dịch lở mồm long móng.
Vào lúc nhà chức trách vẫn nghĩ số bò và cừu ‘chết chính thức’ mới chỉ có 773 ca nên chuyện chưa nghiêm trọng, phóng viên BBC Robert Hall đã bay trực thăng qua vùng nông thôn ‘tan hoang vì dịch’ và phóng sự truyền hình của anh hôm 29/3/2001 đã làm thay đổi toàn bộ cách nhìn của dân Anh và chính phủ về chuyện này.
Không có báo chí Việt Nam, người dân cũng không thể biết được vụ nhân bản kết quả xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức.
Cũng chính báo chí trong nước viết rằng vụ Bấm Hoài Đức làm 'mất mặt ngành y tế' thế nhưng các quan chức cao cấp của ngành này vẫn không sao và các bị cáo cấp thấp chỉ bị án treo hoặc cảnh cáo.
Như thế ở Việt Nam không phải là báo chí không nói đủ, mà vì có một hệ giá trị coi nhẹ các chuyện gây tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng con người.
Nhưng để xã hội tiến lên, ta không thể để các chuyện 'nhân tai' được coi như thiên tai, rơi vào ai thì ráng chịu.
Nếu như quan chức y tế vẫn tiếp tục bình chân như vại, giới chức các ngành khác ở Việt Nam vẫn có thể vào cuộc như tại Anh Quốc vì sự an toàn chung của cộng đồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét