Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Sau Cộng sản, sẽ có tự do dân chủ ?

Sau Cộng sản, sẽ có tự do dân chủ ?

Tác giả: Từ Thức

Muốn xây dựng lại một đất nước đổ vỡ , phải chấm dứt chế độ Cộng sản. Sự tồn tại của một chế độ kỳ quái như vậy là một hiện tượng bất bình thường, trong một quốc gia bất bình thường , trong thế kỷ 21. Nhưng khi chế độ kỳ quái đó sụp đổ, có chắc chắn sẽ có tự do dân chủ ?

Theo nhà văn Nga Svetlana Alexievitch , dân chủ , tự do đã không thực hiện ở Nga sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ những năm 1990, vì ‘’chúng tôi, giới trí thức tiến bộ, đã có một thái độ lãng mạn ‘’, trong khi xây dựng dân chủ là một tiến trình lâu dài, phải chuẩn bị . Muốn có dân chủ, phải có tổ chức dân chủ, có người dân chủ ( démocrates), văn hoá dân chủ . Dân chủ không từ trên trời rơi xuống

Svetlana Alexievitch, tác giả chiếm giải Médicis-Essai 2013, trong một cuôc phỏng vấn dành cho tập san Philosophie, số Đặc biệt (1), nói ‘’ chúng tôi tưởng tự do nằm sau cửa sổ, muốn có , chỉ việc dẹp chế độ Cộng Sản. Khi chúng tôi ngồi thảo luận với nhau trong phòng ăn, chúng tôi nhìn sự việc như vậy. Những người Cộng sản đã ra đi dễ dàng một cách đáng ngạc nhiên, không hề chống cự. Chỉ sau này, chúng tôi mới hiểu họ chỉ cần hoạt động ngầm cũng đủ để trở lại nắm quyền.’’

Bà Alexievitch, một nhà văn có cái nhìn sắc bén, là tác giả của nhiều cuốn sách về xã hội hậu Cộng sản ở Nga (2)  mà những người tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam nên đọc , để tránh khỏi cái bi kịch dã tràng, bao nhiêu hy sinh, tù đầy mà cuối cùng dân chủ vẫn chỉ là một ảo tưởng.

‘’ Chúng tôi đã có ảo tưởng về một dân tộc chống Cộng, khao khát tự do, dân chủ. Điều đó chỉ có trong đầu chúng tôi ( giới trí thức ). Khi tự do rơi xuống đầu dân tộc đó , những năm 1990, họ không đổ xô tìm đọc Soljenitsyne hay tìm hiểu sự thực về goulag như chúng tôi tưởng tượng. Họ muốn , trước hết , sống và tiêu thụ. Một số người, mà chúng tôi không nghĩ tới, đã lợi dụng, bám vào trào lưu này đẻ leo lên cầm quyền, như Loukachenko ở Biélorussie năm 1994 hay Poutine ở Nga năm 2000. Tóm lại, chúng tôi đã hoàn toàn không chuẩn bị cho đời sống thực tế. Bởi vì dân chúng không muốn kinh tế tự do (libéralisme). Hãng xưởng đóng cửa, tình trạng thất nghiệp khiến chúng tôi, những người trí thức tự do, đã rất sớm trở thành thiểu số. Hơn nữa, chúng tôi không có chương trình hành động gì cụ thể, ngoài chuyện đẩy Cộng Sản ra khỏi chính quyền. Chúng tôi nghĩ chỉ việc dẹp CS là một bảo đảm cho tự do. Chúng tôi không có một kinh nghiệm gì trong việc xây dựng một xã hội bình thường ; chúng tôi chỉ có kinh nghiệm bạo lực .’’

Svetlana Alexievitch giải thích tại sao ngày nay vẫn còn những người Nga tưởng nhớ chế độ Cộng sản : Khi một nhóm chính trị và kinh tài cướp đoạt , vơ vét hết tài nguyên của đất nước, dân chúng trở thành tay trắng, không nghề nghiệp, không tương lai, họ mơ tưởng trở lại chế độ bao cấp của Cộng sản. Nhất là từ những năm 1990, người ta không còn bị gởi đi goulag, không còn những vụ đàn áp đẫm máu, và đa số dân Nga sống trong xã hội tương đối bình đẳng- tất cả đều nghèo như nhau, lối sống đó thích hợp với nhiều người Nga.

Theo Alievitch, vài năm sau khi chế độ CS bị lật đổ , người Cộng Sản có thể trở lại cầm quyền nếu họ muốn. Trong cuộc bầu cử 1996, bà tin rằng đã có thoả hiệp giữa Eltsine với những người Cộng Sản . CS có thể thắng cử nếu họ muốn, vì họ vẫn chiếm đa số cử tri. Nhưng họ không muốn công khai nắm chính quyền một lần nữa , họ lựa chọn đứng đằng sau đẻ giật dây và trên thực tế vẫn nắm vận mệnh nước Nga. Đó là một chế độ Công sản ‘’ giả dạng thường dân, ‘’ communisme de seconde main, đề tài của cuốn sách La fin de l’homme rouge (3) của Alievtch. Người Cộng sản không mặc áo đỏ nữa, nhưng vẫn nắm quyền.

Thực trạng nước Nga cho thấy những quan sát của Svetlana Alievitch không sai sự thực. Quyền lực nằm trong tay Poutine, một cựu trùm KGB. Tất cả sinh hoạt chính trị, kinh tế đều nằm trong tay những tay cưu KGB đồng lõa với Poutine. Dân chủ Nga chỉ là dân chủ giả hiệu. Tham nhũng cao độ, bất công xã hội cùng cực, kinh tế thị trường man rợ. Những người lợi dụng được chế độ lao đầu vào phong trào tiêu thụ , những người bị gạt ra ngoài xã hội ngồi hối tiếc một xã hội Công sản trong đó không có thất nghiệp và những nhu cầu tối thiểu được nhà nước bao cấp. Trong bối cảnh đó, xây dựng một xã hội dân chủ, tự do là một ảo tưởng, một tiếng kêu giữa sa mạc, một trò giải trí của một thiểu số.

Đó là hiện tượng chung ở những nước hậu Công Sản nghèo, dân trí thấp, như những quốc gia trước đây thuộc liên bang Xô Viết. Hiện tượng đó không có ở Đức hay Ba Lan.

Hiện tương đó không xẩy ra ở Đức bởi vì Đông Đức được Tây Đức gồng mình xây dựng lại theo mô hình Tây Đức, một quốc gia tiến bộ và thịnh vượng nhất Âu Châu. Nhất là một văn hóa dân chủ cao, cao hơn nhiều nước Âu Châu khác , bởi vì họ còn ám ảnh bởi những kỷ niệm đen tối, ghê rợn của những năm độc tài Phát xít, ý thức rằng dân chủ là con đường sống duy nhất . Dân tộc Đức đã đạt một thành quả vĩ đại : đưa một nưả quốc gia từ xã hội độc tài, nghèo đói tới một xã hội dân chủ đích thực.

 Hiện tượng đó không xẩy ra ở Ba Lan bởi vì Ba Lan, với trợ cấp khổng lồ của Cộng Đồng Âu Châu, đã xây dựng một nền kinh tế lành mạnh và có khả năng phát triển. Người dân tin ở tương lai . Khi người ta tin ở tương lai, người ta không hối tiếc quá khứ. Adam Michnik, một trí thức đấu tranh cho dân chủ  Ba Lan viết: nếu bạn ghé thăm Ba Lan , sẽ thấy ít có chuyện hồi tưởng chế độ CS. Không có ai muốn quay lại với quá khứ (1).

Chính mô hình Ba Lan hậu Cộng Sản đã khiến những người tranh đấu ở Ukraine nổi loạn.

Ở những xứ khác, dân trí thấp, càng thay đổi càng giống như cũ. Đó là trường hơp những nước cựu Liên bang Xô Viết. Đó là trường hợp của những nước Cách mạng Ả Rập. Cách mạng bùng nổ nhờ những người đầy thiện chí, muốn cải tạo đất nước, nhưng khi cách mạng thành công, chính quyền đều rơi vào tay Hồi giáo (hay Hồi giáo và quân phiệt thay nhau như ở Ai Cập), là những giới có tiền, có người, có tổ chức.  Những nhà tranh đấu bị loại ra ngoài lề không thương tiếc, bằng bạo lực, bằng thủ đoạn gian manh , ngay cả bằng lá phiếu. Những nhóm trí thức tiến bộ thua trong tất cả những cuộc bầu cử vì họ nói một ngôn ngữ mà dân chúng không hiểu. Sau khi Moubarak bị lật đổ, những người đã thăm viếng Ai Cập đều biết tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo sẽ thắng cử , mặc dầu họ không có công trạng gì trong việc lật đổ độc tài. Chỉ cần ghé qua những khu bình dân, sẽ thấy những bệnh xá, những quán cơm bình dân rẻ tiền hay miễn phí đều do tổ chức này điều hành.Tunisie, quốc gia có hàng ngũ trung lưu đông đảo, nhờ chính sách giáo dục tiến bộ từ thời Bourguiba, sau khi dành độc lập, nhờ một giới trẻ, nhất là phụ nữ can đảm , đầy nhiệt huyết đã tránh cho Tunisie một hiến pháp sặc mùi Hồi giáo trung cổ, nhưng cuối cùng, quyền hành chính trị hay tài chánh cũng rơi vào tay những nhóm Hồi giáo. Những nhóm khác chỉ còn đôi mắt để khóc.

Những gì xẩy ra ở Nga có thể lập lại ở Việt Nam .  Chế độ CS đổ nhưng vẫn không có dân chủ và người CS vẫn nắm quyền , mặc dầu không mặc áo đỏ nữa. VN có đầy đủ những yếu tố của xã hội Nga  : một giai cấp trí thức lãng mạn, (cộng thêm cái thói chia rẽ khủng khiếp, bệnh hoạn độc quyền của dân tộc ta), không chuẩn bị, không tổ chức, một văn hóa dân chủ mơ hồ trong quần chúng, một hàng ngũ Cộng Sản có tổ chức, có lâu la, dư tiền bạc để lũng đoạn các sinh hoạt chính trị . Việt Nam không có Gorbachev, nhưng sẽ có những Poutine, Loukachenko, những tay cựu công an không còn vẽ sao vàng trên trán, nhưng sẽ đổi dạng, complet, cà vạt, xách Samsonite dẫn đầu một lực lượng đáng sợ là tư bản đỏ.

Dân chủ là một tiến trình lâu dài, đòi hỏi những điều kiện khách quan. Một trong những nguyên tắc căn bản : muốn có dân chủ (démocratie), phải có người dân chủ (démocrates). Hàng ngũ những người dân chủ phải đông đảo để bảo vệ khi dân chủ đang thành hình, để những người tranh đấu cho dân chủ không bị cô đơn, những lực lượng phản dân chủ không thể lộng hành.

Muốn có một hàng ngũ những người dân chủ, phải có một giai cấp trung lưu. Bởi vì giai cấp thượng lưu thường thường đồng loã với chính quyền đẻ bảo vệ quyền lợi. Giai cấp bình dân chỉ nghĩ đến nhu cầu thực tiễn trước mắt là lo ăn, kiếm sống. Giai cấp trung lưu có ý thức, có nhu cầu tự do dân chủ, là giường cột cho bất cứ một xã hội dân chủ nào.

Huấn luyện, đào tạo một văn hoá dân chủ trong giai cấp trung lưu là chuyện cần thiết , lâu dài và cấp bách. Vừa lâu dài vừa cấp bách. Cấp bách vì nước đã đến chân, nếu không muốn nói đã tới cổ. Lâu dài vì nếu La Mã không được xây trong một ngày, xây dưng văn hóa dân chủ còn nhiều đường đất hơn nưã. Một thí dụ : những người cổ võ cho dân chủ không thể chỉ thoả mãn với những lời hô hào suông, những khẩu hiệu rỗng tuyếch đã nhắc đi nhắc lại ngàn lần. Phải có những bài, những sách mổ xẻ cụ thể dân chủ là gì, cần những điều kiện khách quan nào, phải tránh những cạm bẫy nào, tại sao không thể xây dưng lại đất nước nếu không có dân chủ…

Đó là chỉ là một thí dụ nhỏ trên mặt lý thuyết, chưa nói đến vấn đề tổ chức vốn là yếu điểm của người Việt. Nhưng lý thuyết không phải là chuyện vô bổ . Trái lại , đó là nền tảng cho việc xây dựng sau này. Việt Nam, mặc dù với một nền giáo dục ngu dân, lạc hậu, giáo điều, nhờ Internet, du lịch, du học đã có một giai cấp trung lưu. Vấn đề là làm thế nào để biến hàng ngũ trung lưu càng ngày đông đảo trở thành nền móng cho một xã hội dân chủ, trước khi họ trở thành những cái máy tiêu thụ. Đó là vai trò của sách vở, báo chí, truyền thông, và một xã hội dân sự tích cực .

Những nhận xét rất thực tế của những người trong cuộc như Svetlana Alexievitch khiến người Việt phải suy nghĩ . Nếu không muốn đi vào bánh xe đổ. Công sản đổ, chưa chắc đã có ngay dân chủ nếu không chuẩn bi, không có tổ chức, không có ý thức chính trị đứng đắn. Con đường sẽ còn nhiều chông gai.

Đó là một cái nhìn thực tiễn, không phải một cái nhìn bi quan. Dân chủ không ở trên trời rơi xuống, nhưng mặc dù dân chủ chưa thành hình, mặc dù những người cựu CS sẽ còn lộng hành, điều chắc chắn là chủ nghĩa CS đã chết. Svetlana Alexievitch trích dẫn một câu của sử gia Nga Serguei Averintsev : chế độ Cộng Sản "đã xây dựng những cái cầu trên một con sông cuả ngu dốt, nhưng dòng sông ngày nay đã hoàn toàn là dòng sông khác". Bao nhiêu nước đã chẩy dưới cầu, dòng sông không còn là dòng sông cũ, vấn đề là phải xây những cái cầu mới.

 TỪ THỨC ( Paris, tháng 4 .2014 )
( 1 ) PHILOSOPHIE Magazine . HORS SERIE Avril 2014. Paris.  La philosophie et le communisme
( 2 ) Svetlana ALEXIEVITCH : La guerre n’a pas un visage de femme ( Ed.La Renaissance.Paris), La fin de l’homme rouge (Ed. Actes Sud, Paris ), Les Cercueils de zinc ( Ed. Christian Bourgeois),  La Supplication. Tchernobyl,chroniques du monde après  l’apocalypse ( Ed. Lattès.Paris
( 3 ) La fin de l’homme rouge ( Actes Sud. Paris )
FBSong Chi

Vỡ trận!

Vỡ trận!

Motthegioi

Bộ Y tế phải nhận lỗi vì sự chậm trễ và thiếu minh bạch trong công bố những trường hợp tai biến sau chích ngừa thời gian qua, sự thiếu chuyên nghiệp trong truyền thông nguy cơ từ chuyện công bố con số tử vong do sởi khác xa sự thật.
1.Có lẽ chẳng có từ nào chính xác hơn để chỉ về số 108 trẻ tử vong do bệnh sởi tính đến thời điểm này tại ba bệnh viện lớn của Hà Nội, bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. 
Dùng từ ngữ như thế dễ gây lo lắng, hoang mang cho công chúng, nhưng không thể không dùng vì chính người trong cuộc,  những bác sĩ đang “chiến đấu” với  dịch sởi tại phía Bắc cũng thừa nhận… thua trắng!
Trở về sau cuộc họp khẩn với hội đồng chuyên môn bộ Y tế ngày 15.4 về kiểm soát dịch sởi và sau khi tìm hiểu thực tế tại các bệnh viện trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng 1 – TP.HCM, cho biết: “Đó thật sự là một cuộc chiến, nhưng phần thắng lúc này đang nghiêng hẵn về dịch bệnh. 
Dù làm hết mình, nhưng những đồng nghiệp của tôi gần như bó tay vì bệnh viện tràn ngập bệnh nhân sởi. Ít nhất phải cần gấp đôi nhân lực y tế hiện nay và tăng cường thêm trang thiết bị họa may mới lật ngược được tình hình”.
Nghe ghi nhận tại chỗ của một trong những bác sĩ đầu ngành nhi nhiễm Việt Nam, rồi đọc thông tin trên báo và theo dõi chia sẻ bạn bè trên facebook, tôi thật sự cảm nhận sức nóng hầm hập của dịch sởi đang phả vào gáy của nhiều gia đình có trẻ nhỏ ở phía Bắc. Một người có nickname Táo Thơm viết trên facebook của mình: 
“Trời ơi tôi không thiết sống nữa! Không hiểu bộ Y tế thế nào. Mình có hai người bạn làm bác sĩ nhi đều nói: Chưa bao giờ bệnh viện trong tình trạng như thế này. Chết nhiều lắm các mẹ ạ. Đến nỗi bác sĩ giao ban còn phải khóc vì chết quá nhiều mà không làm gì được”.
2. Trong bóng đá, một đội bóng rơi vào tình thế “vỡ trận” khi đối phương tràn ngập phần sân nhà, lưới bị rung lên liên tục, không thể xoay chuyển được tình hình và chỉ còn nước mong cho trận đấu mau hết giờ. 
“Vỡ trận” trong dịch sởi lần này cũng thế. Theo nhận định của bác sĩ Trương Hữu Khanh, “vỡ trận” ở đây vì tuyến trước điều trị nhi ở các tỉnh phía Bắc quá mong manh, từ đó bệnh nhi mắc sởi cứ đổ dồn về tuyến sau, tràn ngập bệnh nhẹ lẫn bệnh nặng. Thiếu nhân viên y tế, thiếu trang thiết bị cần thiết, trẻ mắc biến chứng  và tử vong là hiển nhiên.
Khi một đội bóng “vỡ trận”, người bị quy trách nhiệm đầu tiên không ai khác hơn là huấn luyện viên. Dịch sởi lần này cũng thế, người đứng đầu bộ Y tế phải nhận trách nhiệm. Thật lạ lùng là trong cảnh “dầu sôi lửa bỏng” với 108 ca tử vong vì sởi như thế, từ đại bản doanh của bộ Y tế, cách các bệnh viện nhi độ 15 phút đi xe máy, trước đây vài ngày người ta vẫn phát đi con số tử vong là 25 ca!
Vì sao có sự chênh lệch quá lớn như thế? Lẽ nào các bệnh viện báo sai con số cho phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong chuyến thị sát thực tế của ông tại bệnh viện Nhi Trung ương vào chiều ngày 15.4? Hay con số 25 được quy cho một nhân viên hành chính nào đó cập nhật sai, ghi nhầm? Hay lẽ nào bộ Y tế… “giấu dịch” như giới truyền thông nghi ngờ? Nhưng thực tế đã lên tiếng. Chiều ngày 15.4, cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế Trần Đắc Phu phải thừa nhận có 108 trẻ tử vong, chưa tính các trẻ bệnh nặng xin về và tử vong do sởi tại các địa phương. Con số thực là bao nhiêu?
3. Bộ Y tế phải nhận trách nhiệm cao nhất về dịch sởi nặng nề hiện nay. Họ có thể đổ lỗi cho giới truyền thông làm công chúng hoang mang, tẩy chay chích ngừa sởi vì thông tin quá nhiều và chưa chính xác (cần chứng minh bằng nghiên cứu) về những ca tai biến sau chích ngừa. 
Nhưng trước khi làm điều này, bộ Y tế phải thừa nhận rằng họ không có những giải pháp hữu hiệu cần thiết giúp báo chí hợp tác trong truyền thông nguy cơ sức khỏe, qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức, đi chích ngừa và chung tay phòng chống dịch bệnh. 
Bộ Y tế phải nhận lỗi vì sự chậm trễ và thiếu minh bạch trong công bố những trường hợp tai biến sau chích ngừa thời gian qua, sự thiếu chuyên nghiệp trong truyền thông nguy cơ từ chuyện công bố con số tử vong do sởi khác xa sự thật. 
Và Bộ Y tế phải nhận lỗi khi dịch sởi “rục rịch” từ cuối năm qua, nhưng họ đã chậm triển khai các biện pháp chuyên môn - như cập nhật kiến thức điều trị sởi cho tuyến trước  - khiến thế phòng thủ từ xa bị khoang thủng và dẫn đến “vỡ trận”.
Bộ Y tế cần đứng ra nhận lỗi cho cảnh “vỡ trận” dịch sởi lần này!
Phan Sơn

Cánh đồng mẫu lớn có chưa?

Quechoa

Dạ Ngân 
Nam bộ những năm năm mươi của thế kỷ trước, có những cánh đồng từng lưu dấu trong văn chương Nam bộ. Cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi, màu mạ lẫn với chân trời…Rất nhiều điền chủ nổi tiếng và manh nha có giai cấp quý tộc nông thôn.

Người Pháp đã mang đến xứ thuộc địa máy móc để xẻ kênh và cách thức làm ăn lớn. Chiếm hữu rõ rồi, nhưng cũng khai phá và khai sáng. Kênh xáng Xà No là một đơn cử, một vùng đồng lúa bát ngát mở ra và con đường lúa gạo hình thành. Song song là hệ thống mạng nhện kênh cho lưu vực sông Tiền, cho vùng trũng Phụng Hiệp và dưới nữa là Sóc Trăng, Bạc Liêu. Rạch Giá.
Hồi ấy làm gì có định nghĩa “cánh đồng mẫu lớn”. Cánh đồng là cánh đồng, thế thôi. Cánh đồng có từ thời nhà Nguyễn chủ trương cho lính tráng ở lại đất mới và những người giàu từ miền Trung nam tiến lập ấp, mộ đinh, thỏa sức. Bá hộ ra đời, cùng với sự sáng suốt của một triều đình bắt đầu lực lưỡng. Một khi chủ trương đã vững thì dân cứ thế làm ăn, không giới hạn, không rào cản. Dĩ nhiên người giàu thì ít mà người nghèo lại đông nên quá trình dung nạp và thuê mướn đã sinh ra nhiều bất công và nước mắt.
Nhiều cánh đồng làm nên vựa lúa. Máy cày xuất hiện khoảng thập kỷ sáu mươi. Chưa có thị trường toàn cầu nên lúa cũng chưa tăng vụ làm chi. Nói cách khác, con người khi ấy còn ít, nhu cầu gạo cho thế giới chưa bức xúc và công nghệ về gene cũng chưa phát triển, nhà nông đồng bằng sông Cửu Long chỉ canh tác 1 vụ lúa dài 9 tháng mỗi năm. Nhà nông nói chung, bao gồm cả điền chủ, phú nông và người diện tích ít đều chung thói quen phơi lúa thật khô và tự trữ. Vì vậy mà có những “lẫm” lúa của nhà giàu to vật như cái nhà lồng chợ, bồ lúa của những điền chủ nhỏ cũng tính bằng đơn vị thiên, muôn (tức ngàn giạ hoặc chục ngàn giạ, mỗi giạ lúa 20 ký).
Bắt đầu những “tập đoàn mễ cốc”, chủ yếu của người Hoa Chợ Lớn. Họ tổ chức hệ thống mạng nhện “chành” lúa khắp nơi, để người dân đưa lúa đến bán hoặc gửi. Hoàn toàn tư nhân, chi phối bởi cung cách làm ăn lớn. “Chành” thực sự là nhà kho của những nhà máy xay xát, nếu nông dân muốn bán lúa ngay họ cũng chiều, và nếu muốn lưu kho chờ giá lên thì phải trả tiền thuê chỗ. Nhịp nhàng, từ người làm lúa đến người mua trữ, không nghe kêu rớt giá hay ép giá, chỉ là quy luật cung và cầu, nhiều thì lúa đọng và rẻ, ít thì lúa hút giá lên, thế thôi. Có không những lão cá mập trong lĩnh vực phân phối? Có nhiều, những gã Chợ Lớn giàu sụ ăn chơi vương giả trên mồ hôi và nước mắt nhà nông. Ấy là thời tư bản sơ khai, nông dân chưa được bao tiêu đầu ra và đoạn giữa ấy là nước đục béo cò.
Chiến tranh khiến cho mọi thứ bị đứt gãy và sau đó thì là một chế định chưa có tiền lệ. Tịch thu và tập đoàn hóa hợp tác hóa thực chất là để nhà nước động tay vào để không còn chế độ tư hữu theo lý thuyết. Bao nhiêu năm đau khổ cho nông thôn miền Bắc mà khi thống nhất đất nước, người nông dân Nam bộ vẫn không tránh được vết xe đổ hợp tác. Câu chuyện có lẽ bắt đầu từ đây. Cánh đồng manh mún, kênh tiếp tục được xẻ thêm vừa làm thủy lợi vừa để giãn dân. Mà dân đã nhiều đến mức phải giãn ra đâu, cái chính là nhà nhà đều phải có ruộng nên ruộng đâu nhà đó, giăng giăng nhà, nát vụn đất đai. Chấm dứt những cánh đồng cò bay thẳng cánh, lúa bồ, lúa chành và những tập đoàn mễ cốc tư nhân năng nổ.
Mấy chục năm đã trôi qua. Nhà nhà có ruộng nhưng nhà nhà kêu ca, chết vì hạt lúa. Đáng lý làm 2 vụ để người nghỉ và đất nghỉ, bệnh thành tích đã khiến các địa phương hô hào dân chúng vụ ba đi, 3 vụ lúa tổng cộng cả năm thế nào cũng có lãi. Nhiều vùng rốn lũ, vẫn say mê lúa vụ ba, cảnh báo của các nhà khoa học đều bị bỏ ngoài tai. Dân chúng đã kiệt sức lâu rồi, nông thôn điêu đứng lâu rồi, hạt lúa bị rẻ rúng lâu rồi, chỉ có các “tập đoàn mễ cốc” quốc doanh và hình như là của bè nhóm là ở giữa ăn đủ. Vì họ được quyền ép giá, được xuất khẩu, được vu vi nước ngoài với những hợp đồng có trời mới biết hại hay là lợi cho nông dân và cũng chính họ được nhập khẩu và làm ra vật tư nông nghiệp với giá cắt cổ!
Bây giờ dân chán ruộng lắm rồi. Nhưng không phải ai cùng đành đoạn hay là dám bỏ ruộng. Làm lại cánh đồng mẫu lớn bằng cách nào nếu không chấp nhận có giai tầng hữu sản lớn, tức là có điền chủ và người làm công? Sở hữu toàn dân, không ai dám chắc con cháu mình sẽ được sở hữu ruộng trăm như người xưa, dại gì bỏ tiền ra thâu tóm ruộng, mà thâu tóm cũng có giới hạn chứ nào được phỉ chí. Không thay đổi tư duy điền địa thì sẽ không có kinh tế thị trường đúng nghĩa cho nông thôn. Và Cánh đồng mẫu lớn cũng chỉ là cách nói. Dồn điền đổi thửa ở miền Bắc thực chất là lại làm xáo trộn nông thôn một lần nữa. Làm gì có đủ đất ở đồng bằng Bắc bộ để có Cánh đồng mẫu lớn? Xin đừng làm khổ người nông dân vùng đất đã nhiều khổ đau ấy nữa./.
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
...................
Tác giả cho biết: “Bài gửi mấy báo lề phải, không báo nào dám in”.
 

Viện Văn hóa - Trường ĐH Văn hóa Hà Nội: Sốc vì vụ "đạo văn" lớn trong giới học thuật

Những ngày qua, "nghi án" hàng trăm triệu đồng kinh phí Nhà nước cấp phục vụ nghiên cứu khoa học, đã bị chi sai mục đích để "tư túi", đã gây xôn xao dư luận tại Viện Văn hóa - Trường ĐH Văn hóa Hà Nội. Mặc dù Viện không có chức năng xuất bản, nhưng từ nhiều năm nay một cán bộ trẻ được "chỉ thầu" dịch hàng chục tác phẩm lớn từ tiếng Trung, tiếng Anh ra tiếng Việt. Và rồi hàng nghìn trang sách mang tính học thuật cao, đã được chuyển ngữ với một tốc độ "chóng mặt", gây sửng sốt cho các GS, TS bậc thầy.
Té ra các đề tài đó được "copy - paste" không sai dấu chấm, dấu phẩy từ công trình của nhiều học giả tên tuổi. Vậy dòng tiền chi cho các hợp đồng dịch thuật đã "chảy" đi đâu? Phải chăng "nhóm lợi ích" cũng hiện diện trong "lâu đài khoa học"?
"Dịch" sách siêu tốc
Gửi đơn tố cáo tham nhũng đến báo CAND, bà Trần Bình Minh - Trưởng Ban Văn hoá thế giới, Viện Văn hoá -Trường ĐH Văn hoá Hà Nội, cùng một cây "đại thụ" trong làng Sử học, đã không giấu được sự bức xúc: "Gian dối trong khoa học là không thể chấp nhận được. Sao chép dù chỉ một bài báo khoa học, đã đủ giết chết một tên tuổi, nhưng ở đây là hàng chục đề tài, được cóp nguyên xi từ các công trình đã công bố, cho nên sự gian dối này đã mang tính hệ thống, và nếu không có sự bảo kê, chống lưng của người có trách nhiệm, thì chuyện động trời này làm sao có thể kéo dài suốt những năm qua".
Bà Nguyễn Thùy Vân - cán bộ Ban Văn hoá thế giới, người bị tố cáo là "đạo văn chuyên nghiệp" tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Trung tại trường ĐH Dân lập Phương Đông Hà Nội, vào làm việc tại Viện Văn hóa chưa lâu. Đọc danh mục các đề tài nghiên cứu khoa học của Viện Văn hoá, thấy từ năm 2006 đến năm 2013, bà Vân đã thực hiện được 17 đề tài, trong đó có 14 đề tài theo loại hình dịch thuật từ chữ Hán sang chữ Việt, 1 đề tài dịch tiếng Anh sang tiếng Việt và 2 đề tài nghiên cứu. Vì các "sản phẩm" của bà Vân sau khi "ra lò", đều được cất kỹ trong kho, nên đến nay chưa có thống kê chính xác về số lượng trang và chữ của 14 đề tài này.
Trường Đại học Văn hoá Hà Nội.
Nhưng theo người tố cáo cho biết, thì quy mô các đề tài khoa học tối thiểu là 200 - 300 trang, đề tài có số trang hơn 1.000 khá phổ biến. Tính bình quân đề tài mà bà Vân thực hiện có độ dày khoảng 500 trang. Với số trang như vậy, thì 7 năm qua Vân đã chuyển ngữ khoảng 7.000 trang sách từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, với hơn 3 triệu chữ. Tốc độ dịch sách như vậy có thể nói là "thần kỳ", vì mỗi ngày cán bộ này sẽ dịch không dưới 3 trang sách (khổ A4) với 1350 chữ.
Trong khi đó, theo một học giả chuyên dịch sách tiếng Hán ra tiếng Việt, thì để chuyển ngữ được một công trình khoa học, nhất là để chuyển ngữ được các tác phẩm mang tính học thuật cao, cần phải có kiến thức nền tảng về lĩnh vực đó, còn để dịch hay, buộc phải có sự am hiểu sâu sắc, tinh thâm và một phông văn hóa đủ lớn, cần phải có một đội ngũ chuyên gia làm nhiệm vụ cố vấn, hiệu đính, thì tác phẩm dịch mới có thể được công bố.
Bản kiểm điểm bước đầu thừa nhận sai phạm của bà Vân.
Do đó, việc một cán bộ trẻ, trình độ tiếng Trung hệ đại học, kinh nghiệm công tác và trải nghiệm cuộc sống chưa nhiều, lại thường xuyên xin nghỉ việc để sinh con, nghỉ ốm, nghỉ ôn thi Cao học… nhưng vẫn thường xuyên cho ra đời các đề tài khoa học mang tính chuyên khảo đồ sộ, khiến các vị "mũ cao, áo dài" trong làng học thuật không khỏi kinh ngạc. Từ chỗ thán phục, sửng sốt về lao động của bà Vân, họ đã tìm đọc, rồi bàng hoàng nhận ra các đề tài mà bà này đã "nộp quyển", phần nhiều là "đạo", mà là "đạo" một cách trắng trợn, từ các công trình mà các GS,TS, các học giả đã công bố, xuất bản.
Xin đơn cử, vào năm 2010, bà Vân "trúng" hợp đồng dịch thuật hai tác phẩm có tên: "300 vấn đề văn hoá sử Trung Hoa" (phần kinh tế) và: "300 vấn đề trong văn hoá sử Trung hoa" (phần đời sống) viết bằng tiếng Hán. Đối chiếu giữa công trình bà Vân đã bàn giao lại cho Viện Văn hóa, với tác phẩm của nhóm dịch giả Trần Ngọc Thuật, Đào Huy Dật, Đào Phương Chi dịch và công bố năm 1999, thấy giống nhau một cách bất thường, giống cả đến dấu chấm, dấu phẩy. Hay tại các đề tài mà bà Vân được giao thực hiện trong các năm 2009-2010 như: "Ý nghĩa văn hoá của thành ngữ tiếng Hán có yếu tố chỉ con số (đối chiếu với thành ngữ tiếng Việt có yếu tố con số", và: "Văn hoá xưng hô trong gia đình người Việt có so sánh với gia đình người Hán".
Kết quả đối chiếu với Luận văn Thạc sĩ của Giang Thị Tám và Luận án Tiến sĩ của Phạm Ngọc Hàm, Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, thấy Vân đã sao chép cẩu thả đến mức không phát hiện ra lỗi chính tả. Không chỉ "copy - paste" nguyên văn, bà Vân còn "lập lờ đánh lận con đen", khi biến tên của tác giả thành tên chủ biên, tác phẩm 100% của người Việt, lại biến thành sách dịch từ tiếng nước ngoài. Chẳng hạn, năm 2008, bà Vân dịch cuốn: "Văn hoá cổ điển Trung hoa", ở ngoài bìa đề tài bà Vân ghi chủ biên là Nguyễn Tôn Nhan (một học giả người Việt đã mất).
Công văn số 397 ngày 5/7/2013 của Trường ĐH Văn hóa Hà Nội chỉ đạo giải quyết vụ việc.
Thực tế, đây chính là cuốn sách tiếng Việt do ông viết có tên: "Bách khoa thư văn hoá cổ điển Trung Quốc". Hay cuốn: "Điển cố Trung hoa" dịch năm 2009 của bà Vân cũng là một tài liệu có bản gốc bằng tiếng Việt. Mặc dù chỉ được đào tạo tiếng Trung, nhưng bà Vân vẫn "dịch" sách tiếng Anh ra tiếng Việt "ngon ơ", trong đề tài: "Tiếng nói của quá khứ - lịch sử truyền miệng"...
Bà Trần Bình Minh cho biết: "Chúng tôi đã phát hiện 6 trong số 15 đề tài dịch của bà Vân là sự sao chép nguyên bản các đề tài, luận văn, công trình nghiên cứu của các tác giả lớn. Nếu kiểm tra hết, chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số 6. Vụ việc đang tiếp tục được xác minh làm rõ".
Hé lộ những khuất tất
Viện Văn hoá, Trường ĐH Văn hoá Hà Nội không có chức năng xuất bản, việc chuyển ngữ tài liệu tiếng nước ngoài ra tiếng Việt, chỉ để tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu của Viện. Tuy nhiên, trong những năm qua bà Đỗ Thị Minh Thuý - Viện trưởng đã giao cho bà Vân dịch 15 công trình khoa học. Theo quy định, khi cán bộ nhân viên có đề tài nghiên cứu sẽ đề xuất lên lãnh đạo. Căn cứ báo cáo đề xuất, lãnh đạo Viện sẽ tổ chức một hội đồng khoa học để xét duyệt đề tài. Nếu đề tài được duyệt, cá nhân đó tiếp tục lập đề cương trình hội đồng thẩm định và triển khai thực hiện đề tài. Khi hoàn thành, đề tài phải qua bước trình hội đồng khoa học nghiệm thu.
Thông báo số 543 ngày 23/9/2013 của Trường ĐH Văn hóa Hà Nội xác định bà Vân có sai phạm.
Quy trình là thế, nhưng việc giao đề tài và nghiệm thu đề tài của bà Thúy đối với bà Vân theo cách "chẳng giống ai". Trong đơn tố cáo, bà Minh cho biết: "Hội đồng khoa học của Viện có như không, bởi nhiều đề tài bà Thúy tự ý giao cho bà Vân thực hiện, phớt lờ Hội đồng. Nếu có đưa ra mà bị phản đối, thì bà Thuý vẫn cứ giao bà Vân thực hiện. Thành thử, hầu hết các đề tài mà bà Vân đã thực hiện, đều không báo cáo đề cương và thông qua nghiệm thu đánh giá chất lượng trước Hội đồng khoa học. Chỉ khi bà Vân "nộp quyển", chúng tôi mới biết".
Vẫn theo tố cáo, bà Minh cùng một số nhà khoa học trong Viện đã chịu áp lực buộc phải ký vào phiếu nghiệm thu đề tài khi mà bà Vân đã lấy tiền công, với lý do để hợp thức hóa chứng từ trước các đợt kiểm toán. Ước tính số tiền thực hiện đề tài mà bà Vân được trả đã lên đến hàng trăm triệu.
Năm 2009 - 2010, việc bà Vân sao chép công trình của người khác đã bị phát giác, lãnh đạo ban yêu cầu kỷ luật, nhưng trong các cuộc họp bà Vân thường vắng mặt, nếu có thì quanh co, không thừa nhận khuyết điểm.
Bức xúc trước những vi phạm của bà Vân, ngày 28/1/2013 và ngày 24/6/2013, bà Trần Bình Minh đã có đơn kiến nghị gửi lên Ban Giám hiệu Trường Đại học Văn hóa, đề nghị cho thẩm định lại toàn bộ số đề tài của bà Vân và xem xét các biểu hiện sai phạm của bà Thúy trong quản lý khoa học, quản lý cán bộ, quản lý tài chính.
Ngày 5/9/2013 tại Thông báo số 543 của Trường ĐH Văn hóa Hà Nội đã xác định: "Qua một vài cuốn được kiểm tra, bước đầu đã phát hiện có hiện tượng sao chép, trong đó cuốn bà Nguyễn Thuỳ Vân dịch nhưng bản gốc lại được viết bằng tiếng Việt và của tác giả Việt Nam".
Được biết, trong Bản kiểm điểm ngày 4/11/2013, bước đầu bà Vân thừa nhận đã "dịch" sách từ tác phẩm "Điển cố Trung Hoa" sang tiếng Việt. Hiện Tổ Thanh tra của nhà trường đã thu giữ, niêm phong toàn bộ "đề tài khoa học" của bà Vân để thẩm tra, còn bà Thúy bị yêu cầu giải trình thành khẩn sai phạm của bản thân.
Ngày 9/1/2014, chúng tôi đã liên lạc với bà Nguyễn Thùy Vân qua điện thoại đề nghị được gặp để hỏi về việc có liên quan. Tuy nhiên bà Vân đã từ chối gặp với lý do bận việc riêng.
Trung Hiếu - Ngọc Trâm
(CAND)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét