Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Phác họa 12 bức tranh ảm đạm của Việt Nam 2013 - Nỗi đau “thập kỷ” và tiếng gọi đáy sông…

Phác họa 12 bức tranh ảm đạm của Việt Nam 2013



1. Đầu năm ăn bánh vẽ cuối năm húp cháo lừa

Phát động từ ngày 2/1/2013, bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 “được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân”. Tuy nhiên, chiêu bài dân chủ cuội này là một nước đi sai lầm của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Ngày 19/1/2013, bảy mươi hai nhân sĩ trí thức cùng đứng tên trong bản “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992” (gọi tắt là kiến nghị 72), đã đến trao trực tiếp cho Văn phòng Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nội dung bản kiến nghị gồm 6 điểm chính:

- Loại bỏ Điều 4 HP để thực sự trao quyền cho nhân dân Việt Nam

- Yêu cầu tôn trọng các giá trị Nhân quyền phổ quát theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền năm 1948 và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia

- Sở hữu đất đai toàn dân là khái niệm mơ hồ tạo điều kiện cho quan chức các cấp chính quyền tham nhũng, lộng quyền, bắt tay với nhiều tư nhân, doanh nghiệp cùng trục lợi, gây thiệt hại cho nhân dân, đặc biệt là nông dân

- Thực thi tam quyền phân lập để xây dựng một nhà nước pháp trị

- Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc, nhân dân (không phải trung thành với bất cứ đảng phái chính trị nào)

- Đòi hỏi một cuộc trưng cầu dân ý công khai đối với bản Hiến pháp sửa đổi.

Dự kiến thời hạn góp ý sửa đổi ban đầu là ngày 31/3/2013 phải dời đến cuối năm. Ngày 28/11/2013, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua bản Hiến pháp sửa đổi 2013 với tỷ lệ hơn 97%!!! Về tổng thể nội dung, không có gì thay đổi mang tính đột phá so với quy mô huy động trí tuệ 90 triệu dân trải dài trong hơn 11 tháng ròng rã, đó là một kết quả đáng hổ thẹn. Về mặt hình thức, hành văn của bản Hiến pháp sửa đổi còn nhiều chỗ luộm thuộm, rườm rà, thậm chí còn chưa rõ nghĩa gây hiểu nhầm. Điều này chứng tỏ đội ngũ gần 500 người tham gia bỏ phiếu (bấm nút) trực tiếp chưa phải là thành phần tinh hoa của dân tộc Việt.

2. Bóng tối và Ánh sáng

Khi ánh sáng sự thật được soi tỏ bởi ngọn đèn truyền thông sử dụng nguồn lực Internet được chiếu rọi khắp nơi nơi, quyền lực bóng tối bắt đầu rung rinh. Nỗi lo sợ ánh sáng buộc nhà cầm quyền Cộng sản phải gia tăng đàn áp tiếng nói trái chiều.

Mở đầu là quyết định buộc thôi việc đối với nhà báo Nguyễn Đắc Kiên vào cuối tháng 2/2013. Lý do chỉ vì nhà báo này đã bày tỏ công khai việc phản đối quan điểm coi thường ý kiến nhân dân của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (Ông Nguyễn Phú Trọng đã chụp mũ "suy thoái" cho các nhân sĩ trí thức đòi loại bỏ Điều 4-HP và sự độc quyền lãnh đạo của Đảng CSVN).

Tiếp đến là các quyết định "bắt khẩn cấp" đối với hai nhà báo tự do Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào. Mong muốn gieo rắc nỗi sợ hãi tù tội cho giới cầm bút theo tư tưởng phóng khoáng đã bất thành khi ngay sau các sự việc đó, nhóm Công dân Tự do ký các bản Tuyên bố ủng hộ PV Nguyễn Đắc Kiên, nhóm Blogger Tự do ra Tuyên bố 258 để phản đối Điều 258 - Bộ luật Hình sự dùng làm cớ bắt giam tùy tiện người cầm bút.

Phong trào lập hội nhóm cũng được phát triển mạnh mẽ, với sự ra đời của Mạng lưới Blogger Việt Nam và Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam vào ngày 10/12/2013. Các đội banh No-U (phản đối đường lưỡi bò của Trung cộng) ban đầu chỉ có ở Sài gòn và Hà nội, nay cũng đã xuất hiện ở các tỉnh miền Trung. Các hội nhóm như Hội Anh Em Dân Chủ, Hội Bầu Bí Tương Thân, phong trào Xã Hội Dân Sự cũng bắt đầu định hình.

Sự phản kháng ôn hòa không chỉ diễn ra bên ngoài xã hội mà còn phát triển ở sau chấn song nhà tù. Các vụ tuyệt thực của TS Cù Huy Hà Vũ, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, LS Lê Quốc Quân, Thanh niên Công giáo Paul Trần Minh Nhật... để phản đối tình trạng xâm phạm nhân quyền trong các trại giam.

Trong các phiên tòa sơ và phúc thẩm ở Long An, sinh viên Nguyễn Phương Uyên đã công kích thẳng vào sự nhập nhằng của các quan tòa khi đánh đồng Đảng Cộng sản với Nhà nước và dân tộc Việt Nam.

Phiên tòa phúc thẩm ở Phú Yên đã y án sơ thẩm ông Ngô Hào 15 tù và 5 năm quản chế vì "hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Tuy nhiên, các chứng cớ chỉ là "tàng trữ, viết bài, phát tán và chuyển tiếp nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chế độ, nói xấu lãnh tụ ..."

Tình trạng dân oan khiếu kiện vẫn không dứt trước các cơ quan công quyền, tiếp sau vụ anh em ông Đoàn Văn Vươn là chuyện người thanh niên Đặng Ngọc Viết dùng súng bắn chết một người trong đội cưỡng chế đất rồi sau đó tự sát.

Thế giới vẫn theo sát thực trạng của xã hội Việt Nam và có những hành động cụ thể ủng hộ xu hướng Tự do Dân chủ và Nhân quyền:

- Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2013, Hoa Kỳ đã vinh danh blogger Tạ Phong Tần cùng 8 phụ nữ khác là trên thế giới vì lòng can đảm và khả năng lãnh đạo xuất chúng trong việc cổ vũ cho các quyền của phụ nữ và Nhân quyền nói chung.

- Cũng trong tháng 3/2013, Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF và Google đã trao giải Công dân Mạng Netizen 2013 cho blogger Huỳnh Ngọc Chênh tại Paris, Pháp.

- Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 65, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã vinh danh LS Lê Quốc Quân, nhà dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức, và nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi công nhân Nguyễn Hoàng Quốc Hùng.

3. Lương y như phù thủy

Nghề y bốc thuốc cứu người xưa nay được xem là ngành nghề cao quý nhất trong xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản quang vinh suốt 68 năm ở miền Bắc và 38 năm trên toàn cõi Việt Nam, những ung nhọt trong ngành này đang bùng phát như một thứ bệnh dịch nguy hiểm. Ngoài vấn nạn chung là thiếu thốn giường bệnh, phong bì hối lộ, bảo hiểm y tế bất cập... thì năm 2013 có ba khối u ác tính nổi cộm:

- Nhiều trẻ sơ sinh chết oan sau khi tiêm ngừa, đến nay vẫn chưa được xử lý làm rõ.

- Nhân bản kết quả xét nghiệm ở BV Đa khoa Hoài Đức dấy lên hoài nghi liệu còn cơ sở y tế nào chưa bị lộ việc "nhân bản" này hay không?

- Thẩm mỹ viện Cát Tường giải phẫu làm bệnh nhân tử vong rồi phi tang luôn xác, cơ quan điều tra tự hào "giỏi bậc nhất thế giới" bó tay không tìm được tung tích.

4. Tư pháp và hành pháp cùng thi thố trên đường đua vô pháp

Tòa án và cơ quan điều tra Công an Bắc Giang đã cùng nhau tạo nên kỳ án oan sai có một không hai trong lịch sử. Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tử hình, sau đó giảm xuống chung thân với cáo buộc giết người. Trong các phiên xét xử và suốt thời gian thụ án 10 năm, ông Chấn và gia đình liên tục kêu oan, nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng cho đến khi hung thủ ra đầu thú! Ông Chấn khai vì đã bị ép cung và nhục hình trong quá trình điều tra nên đã nhận tội giết người.

Thế giới bất bình trước việc tòa án xử LS Lê Quốc Quân 30 tháng tù giam về tội "trốn thuế", thực chất đó chỉ là cái cớ để đàn áp tiếng nói trái chiều.

Phiên tòa xử Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc trong vụ án tham nhũng thì các phóng viên báo chí chỉ được xem qua màn hình TV. Và án tử hình được cho là quá vội vã trong khi nhiều tình tiết và nhân chứng có liên đới vẫn chưa được đưa ra ánh sáng.

Việc tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Trúc - kẻ cầm đầu băng cướp chuyên chém người (chưa có án mạng) - đã gây nên cảnh hỗn loạn trước sân tòa.

Tình trạng công dân tử vong trong trụ sở công an vẫn tiếp diễn và gia tăng với 7 vụ được biết đến trong năm 2013:

- Nạn nhân Trần Thị Hải Yến chết tại nhà tạm giữ Công an huyện Tuy An, Phú Yên (7/10/2013)

- Nạn nhân Cao Văn Tuyên chết tại Công an xã Khánh Trung, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa (5/7/2013)

- Nạn nhân Y Két Byă chết tại Công an xã Ea Bhốk, Cư Kuin, Daklak (27/11/2013)

- Nạn nhân Hoàng Văn Ngài chết tại Công an Thị xã Gia Nghĩa, DakNong (22/3/2013)

- Nạn nhân Trần Văn Tân chết tại trụ sở UBND xã Kim Xuyên, Kim Thành, Hải Dương (2/1/2013)

- Nạn nhân Đinh Ngọc H. chết tại Công an phường Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương (21/12/2013)

- Nạn nhân Đỗ Duy Việt chết tại phòng tạm giam Công an huyện Thường Xuân, Thanh Hóa (25/12/2013)

Ngoài ra, chuyện nhân viên công lực lạm dụng quyền hạn để bạo hành người dân cũng gia tăng. Vụ điển hình là 9 nhân viên TTĐT + Dân phòng cùng hùa vào đánh hội đồng người bán hàng rong Trịnh Xuân Tình tại phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM.

Vụ nổ súng do mâu thuẫn cá nhân tại trạm CSGT Suối Tre ngày 26/9/2013 khiến một CSGT chết và 2 CSGT khác bị thương nặng.

5. Đạo đức băng hoại, xã hội suy đồi

Có thể nói Việt Nam là đất nước của khẩu hiệu đạo đức lối sống, nào là "Sống, Chiến đấu, Lao động và Học tập theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại", "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM"... Nhưng thực tế xã hội ngày càng điên đảo với những câu chuyện quặn lòng hoặc cười ra nước mắt:

- Cuồng sát, loạn sát: Cuồng yêu đâm và thiêu chết bạn gái, vợ giận chồng ném con xuống sông, đâm chết bạn nhậu vì sàm sỡ bạn gái, tỏ tình thất bại rút dao đâm thủng tim thiếu nữ 18, chồng giận vợ thiêu luôn 2 đứa con nhỏ...

- Bạo hành trẻ thơ: Bảo mẫu giẫm đạp chết cháu bé 18 tháng tuổi, clip quay được cảnh 2 bảo mẫu bạo hành nhiều cháu bé ở trường mầm non tư thục...

- Mạt pháp: "Sư" đem tượng mình vào chùa, "sư" ăn mặn uống bia hại đời thiếu nữ 16 tuổi đến có bầu, "sư" giết người tình yểm bùa rồi chôn xác phi tang...

- Cướp cạn: kề dao vào cổ cháu bé 2 tuổi để kiếm tiền tiêu, trấn lột lão ăn xin 86 tuổi...

- Văn hóa nơi công cộng: Chen lấn xô đẩy để ăn sushi miễn phí, hôi bia bị rơi xuống đường...

- Nhảm nhí: Mr. Đàm hôn sư thầy, bà Tưng tung clip gây sốt cộng đồng mạng, Ký sự "Xách ba lô lên và đi" với quảng cáo 100% "sự thật" của Huyền Chíp...

6. 'Kẻ chuyên phóng hỏa đứng đầu Sở cứu hỏa'

Với hồ sơ Nhân quyền tệ hại, Việt Nam vẫn được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu rất cao. Bình luận về nghịch lý này, Tổ chức UN Watch có trụ sở ở Geneva, cơ quan theo dõi các hoạt động toàn diện của LHQ, nói kết nạp các quốc gia vi phạm nhân quyền có tiếng như Việt Nam, Trung Quốc làm thành viên Hội đồng Nhân quyền chẳng khác nào cho ‘kẻ chuyên phóng hỏa đứng đầu sở cứu hỏa’.

Ngay trong dịp kỷ niệm 65 ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12/2013, các hoạt động đàn áp, sách nhiễu giới blogger đã xảy ra ở TPHCM, Hà nội, Đà nẵng, Nghệ an... dưới nhiều hình thức khác nhau, kể cả việc sử dụng côn đồ và an ninh mặc thường phục gây sự đánh đập gây thương tích cho các thành viên của MLBVN.

Mặt khác, còn ra quyết định xử phạt hành chính 35 triệu đồng đối với công dân Đỗ Anh Tuấn vì "hành vi tàng trữ trái phép các bản in Tuyên ngôn Nhân quyền LHQ và Hiến pháp 1992".

7. Xả lũ đúng quy trình, dân chết sai quy cách!

Tháng 11/2013, miền Trung Việt Nam may mắn thoát hiểm khi cơn cuồng phong Haiyan đổi hướng chạy dọc bờ biển theo hướng Bắc. Tuy nhiên, những trận mưa lớn khiến các hồ thủy điện xả lũ đồng loạt. Cao điểm nhất vào ngày Thứ Bảy 16/11/2013 đã có tới 15 hồ thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên đồng loạt xả tràn, với 9 hồ xả có lưu lượng lớn từ trên 650 m³/giây tới 2.500 m³/giây, trong đó có các hồ, đập như Bình Điền, Hương Điền ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, Sông Tranh 2 (Quảng Nam), Sông Ba Hạ (Phú Yên – Gia Lai), PlaiKrông (Kon Tum)...

Hậu quả: Bình Định là tỉnh có số người thiệt mạng nhiều nhất với 14 nạn nhân; tiếp đến là các địa phương Quảng Ngãi với 13 người, Quảng Nam 5 người, Phú Yên 2 người, Gia Lai 2 người; Kon Tum 1 người mất tích. Hàng ngàn nhà cửa, gia súc gia cầm bị cuốn trôi.

Tuy nhiên, các quan chức có liên đới đã phát biểu hết sức vô trách nhiệm rằng, việc xả lũ là đúng quy trình!

8. Cơ đồ sắp hưng?

Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thọ 103 tuổi) được xem là lớn nhất từ trước đến nay đã diễn ra trên phạm vi toàn quốc. Hàng chục ngàn người đã xếp hàng dài nhiều giờ đồng hồ bên ngoài tư gia của Tướng Giáp tại trung tâm Hà Nội chờ đến lượt vào viếng ông và bày tỏ lòng thương tiếc một trong những vị anh hùng được kính trọng nhất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bên lề sự kiện này cũng có những chi tiết đáng chú ý.

- Thứ nhất, là câu hỏi vì sao một vị công thần tầm cỡ như vậy lại bị giới cầm quyền gạt bỏ ngoài tai về những lời can ngăn tiến hành dự án khai thác Bauxit Tây Nguyên?

- Thứ hai, trong khi lễ hạ quan còn đang tiến hành ở Quảng bình thì tại Hà nội, cờ rủ được hạ xuống để treo cờ nghinh đón Thủ tướng Trung Quốc. Với quy mô của một lễ đại tang, người ta có thể đánh giá vị thế và mối quan hệ cũng như ứng xử ngoại giao của hai quốc gia vẫn tự tán xưng nhau là "anh em láng giềng" này!

- Cuối cùng, câu sấm truyền trong dân gian đem lại chút ít niềm tin cho những ai theo xu hướng thay đổi:

Bao giờ Đồng cạn Hồ khô,
Chinh rơi Giáp rớt cơ đồ sẽ hưng!

9. Nhà ngoại cảm và xương động vật

Tháng 10/2013, sau khi tiến hành giám định hài cốt liệt sĩ do "nhà ngoại cảm" tìm thấy, Viện Pháp y Quân đội xác định là răng lợn, xương động vật và đất đá.... Một sự thật phũ phàng bị lật tẩy gây rúng động dư luận. Điểm lại các sự kiện có liên quan, người ta giật mình khi thấy Việt Nam sở hữu một lượng rất lớn (vài chục người) có khả năng "ngoại cảm", đồng thời thành tích phát hiện ra hài cốt của họ cũng cao ở mức khủng khiếp. Niềm tin tâm linh của các gia đình liệt sĩ càng bị khủng hoảng mạnh khi một tiết lộ cho hay các "chương trình đi tìm hài cốt" (với sự trợ giúp của "nhà ngoại cảm") có quy mô lớn thực chất chỉ là giải pháp tình thế để xoa dịu nỗi đau của quá nhiều gia đình không tìm được tông tích người thân. Chưa hết, một vị luật sư đã trưng ra các bằng chứng để tố cáo việc ngụy tạo khi làm chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" được phát sóng nhiều kỳ trên VTV.

Khả năng của các "nhà ngoại cảm" càng thực sự phơi bày khi hàng loạt "thầy/bà ngoại cảm" chỉ sai vị trí thi thể của nạn nhân trong vụ TMV Cát Tường.

10. Con voi chui lọt lỗ kim

Chuyện 600 bánh heroin (229 kg) đi trót lọt qua cửa khẩu TSN đến tận Đài Loan đặt một dấu hỏi to tướng về thực trạng an ninh hàng không và công tác phòng chống ma túy. Hiện tại vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm về sự việc này.

11. Xu hướng bỏ Đảng (Cộng sản) và một chuyện muốn vào Đảng hy hữu

Ngày 5/12/2013, luật gia Lê Hiếu Đằng, một đảng viên kỳ cựu, tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam để phản đối sự suy thoái biến chất của đảng đang nắm quyền lãnh đạo đất nước mà ông gọi là lực cản cho sự phát triển của dân tộc.

Cùng ngày, nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng - xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo từ môi trường quân đội và nhiều năm công tác trong hệ thống chính quyền - cũng tuyên bố ra khỏi đảng. Ông viết: 'Tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn diện” trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm'.

Trong khi đó, doanh nhân Lê Thăng Long, một trong những sáng lập viên của phong trào Con Đường Việt Nam, lại muốn xin vào đảng với ý định "để giúp cho ĐCSVN tiếp tục cải cách, cải cách triệt để, cải cách toàn diện để giúp cho ĐCSVN cống hiến được nhiều lợi ích cho dân tộc Việt Nam".

12. Đỉnh cao phát ngôn ấn tượng 2013

Người cộng sản Việt Nam thường tự hào là "đỉnh cao trí tuệ" loài người. Trong giai đoạn xế chiều này, những phát ngôn của họ càng khẳng định rõ "tầm cao" ấy:

- Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giành ngôi quán quân với 3 phát ngôn ấn tượng: "Tăng viện phí là thành tựu y tế"

"Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin; lỗi do người tiêm thì xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật"

"Bệnh nhân nào cũng là bệnh nhân, không có bệnh nhân thì không có bác sỹ. Bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT) càng phải thương họ hơn vì họ không có tiền"

- Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng giành ngôi á quân với 2 phát ngôn ấn tượng: "Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa."

"Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh. Cho nên chúng ta phải xem xét bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt. Phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng."

- Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền: "Cơ quan điều tra Việt Nam giỏi nhất thế giới"

- Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh: "Các trường hợp án oan như của ông Nguyễn Thanh Chấn muốn được bồi thường phải chứng minh được thiệt hại thực tế."

- Đại biểu quốc hội Lê Như Tiến lo ngại trước tình trạng lãnh đạo các địa phương “vận động” đại biểu QH trước mỗi kỳ họp: "Có thể chất vấn, nói về bất cứ vấn đề gì, trừ tham nhũng ra, bởi việc đó chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng."

- Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang Lý Quang Thái: "Những người đó có tội thì rõ rồi. Nhưng vì... đại cục, vì cái to lớn hơn nên hai ngành kiểm sát, công an đã họp, thống nhất không khởi tố hình sự như chúng tôi đã đề nghị"

- Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: "Đây là quy hoạch của cả nước chứ không riêng của Chính phủ, hay của Bộ Công Thương. Chúng ta đang nói về chúng ta, chứ không phải nói về Chính phủ hay về bộ ngành này, bộ ngành khác."


Việt Man
Theo FB Việt Man

Đấu thầu kiểu…EVN

Đã có những tín hiệu đáng tin cậy, ngành điện sắp tăng giá. Lý do thì vẫn “cũ rích”: đưa giá điện sát giá thị trường để khuyến khích đầu tư. Ẩn chứa đằng sau đó vẫn là mục đích “cũ rích”, bù lỗ do kinh doanh ngoài ngành, và làm ăn kém hiệu quả. Cách làm thì “vũ như cẩn”: úp úp, mở mở, không công khai minh bạch nhằm lừa gạt, đánh úp công luận và người tiêu dùng.

Lần tăng giá tới đây, EVN về cơ bản vẫn bổn cũ soạn lại. Dù rằng, cách nói khác đi. Đại thể, mỗi năm EVN cần khoảng 4 tỷ USD để đầu tư nguồn và lưới điện (Chiếm 35 % vốn đầu tư toàn xã hội), trong khi EVN chỉ bảo đảm được 20% số đó. Còn lại phải thu xếp qua các khoản vay trong nước và Quốc tế. Nhưng để vay được thì giá điện phải tăng bởi đơn giản, nếu giá điện không tăng, EVN không có lãi thì không ai cho vay…Có điều, vì sao cứ phải tăng giá thì EVN mới có lãi, EVN đã và đang sử dụng nguồn vốn vay khổng lồ như thế nào thì quyết không nói ra. Ví dụ nhỏ sau đây sẽ góp phần vén lên bức màn bí mật đó.
    Để đầu tư dự án đường dây 500 kV Pleiku – Mỹ phước – Cầu bông, EVN phải sử dụng nguồn vốn vay của cơ quan phát triển Pháp (AFD) theo thoả ước số CVN 1155 01 G. Thoả ước này quy định EVNNPT có quyền lựa chọn đơn vị trúng thầu và AFD là bên cho vay không có quyền lựa chọn đơn vị trúng thầu. Vậy nhưng, cách thức đấu thầu của EVN từ trước đến nay vẫn vậy, thích thì tuân thủ, không thích thì ngang ngược bỏ qua. Tại gói thầu số 28 là gói thầu cung cấp vật tư thiết bị cho dự án đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông, hồ sơ mời thầu của EVNNPT quy định, kháng điện 500kV có thể là đơn pha hoặc ba pha; khoảng cách phóng điện không khí pha – pha ≥ 7.400mm, vừa phải đáp ứng theo tiêu chuẩn IEC (tiêu chuẩn của Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế). Khi mở thầu thì hai nhà thầu Isolux – Comin và ALSTOM GRID được lọt vào “chung kết” để EVNNPT lựa chọn. Tổ chuyên gia đấu thầu đã xem xét cẩn thận tiêu chuẩn kỹ thuật, đã có văn bản đề nghị tư vấn làm rõ và được trả lời: “Khoảng trống (clearance in air) pha – pha ≥ 7.400mm được yêu cầu trong hồ sơ mời thầu để lắp đặt thiết bị. Việc áp dụng khoảng trống này cho thiết bị không phải là điều kiện bắt buộc, mà được quy định bởi thử nghiệm cách điện (IEC 71-2-Annex A)” và khoảng trống áp dụng cho thiết bị theo yêu cầu đối với mức cách điện…, được áp dụng theo tiêu chuẩn IEC 60076-3 – table 7 như sau: Pha – pha ≥ 4.200mm”. Như vậy, nhà thầu Isolux – Comin chào thầu khoảng trống 6.400mm không vi phạm điều kiện kỹ thuật bắt buộc. Về giá cả, nhà thầu Isolux – Comin chào 18.860.000 USD trong khi nhà thầu ALSTOM GRID chào 20.940.000 USD, đắt hơn 2.000.000 USD, tương đương 44 tỷ đồng. Căn cứ vào đó, lúc đầu EVNNPT thống nhất chọn Isolux – Comin trúng thầu, với nhận xét: Để tận dụng nguồn vốn vay của AFD, rút ngắn tiến độ của dự án và mặt khác nhà thầu  (Isolux – Comin) có giá chào hợp lý. Vì thế kết luận nhà thầu trúng thầu là liên danh Isolux – Comin.  EVNNPT còn nhấn mạnh “Hồ sơ dự thầu của nhà thầu chào 6.400mm không đáp ứng yêu cầu 7.400mm, tuy nhiên vẫn đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn IEC-60076-3 (là 4.200mm) – đánh giá chấp nhận”.  (Tờ trình 808 TTr/AMT ngày 8 tháng 3 năm 2012 của Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung – Đơn vị được EVNNPT uỷ quyền quản lý dự án).
    Thế rồi, chẳng hiểu loby, vận động thế nào, kết luận này ký chưa ráo mực thì EVN lại đưa ra quyết định khác, quay ngoắt 180 độ để lựa chọn nhà thầu ALSTOM GRID với giải thích: Isolux – Comin trượt thầu là do không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, cụ thể: Khoảng cách phóng điện không khí pha – pha không đạt giá trị ≥ 7.400mm. Bất nhất đến thế là cùng.
    Đáng kinh ngạc hơn, khi Phóng viên Báo Lao Động lật lại hồ sơ thầu mà bài thầu EVNNPT đặt ra tương tự dự án đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông và phát hiện trong dự án đường dây  500kV Quảng Ninh – Hiệp Hòa, hồ sơ thầu mà EVNNPT đặt ra yêu cầu khoảng cách pha – pha cho kháng điện phải là ≥ 7.400mm. Thậm chí trong phần yêu cầu kỹ thuật chi tiết, EVNNPT có thêm ghi chú rằng “nếu nhà thầu nào không đáp ứng một trong các thông số yêu cầu trong hồ sơ kỹ thuật (trong đó có yêu cầu khoảng cách pha-pha là 7.400mm) sẽ bị đánh giá là không đáp ứng và sẽ bị loại”. Vậy nhưng, EVN nói vậy mà không phải vậy, nhà thầu Alstom Grid chào thầu khoảng cách pha-pha là 4.300mm vẫn được NPT chấp nhận cho trúng thầu.
    So sánh với dự án đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông, bài thầu NPT đặt ra cũng là khoảng cách kháng điện pha-pha ≥ 7.400mm, nhưng nhà thầu  Isolux – Comin đáp ứng khoảng cách này là 6.400mm lại không được EVNNPT chọn trúng thầu, làm Nhà nước gánh thêm hơn 44 tỉ đồng tiền đi vay. Vấn đề được đặt ra là với một tiêu chí xét thầu được EVNNPT đặt ra lại có hai sự lựa chọn, đây là sự tùy tiện trong chọn thầu cần phải được xem xét lại! (http://laodong.com.vn/kinh-doanh/vu-chon-thau-o-tcty-truyen-tai-dien-quoc-gia-hai-du-an-su-khuat-tat-140862.bld).
Chỉ một dự án nhỏ, khi thích thì giải thích cách này, khi không thì nói theo cách khác, lại còn đổ vấy cho nước ngoài để trốn tránh trách nhiệm. Theo giới lọc lõi trong đấu thầu, đây chẳng qua là trò ăn hai mang của chủ đầu tư ấy mà, ai chịu chi nhiều là chiến thắng. 44 tỷ đồng vốn vay, năm này, năm khác, chẳng mấy chốc phổng phao tới hàng trăm tỷ. Người dùng điện lại phải nai lưng ra trả nợ cho EVN thôi. Thế thì vốn nào cho đủ để EVN đầu tư, giá nào cho đủ để EVN bù lỗ…
Đào Lê Tố

Người Hà Nội gốc: “Chúng tôi lạnh lùng, thờ ơ vì người ngoại tỉnh”

Từng có lối sống rất “chân – thiện – mỹ” nhưng vì từng nhìn thấy những hành vi không đẹp của người ngoại tỉnh, người gốc Hà Nội dần dần đề phòng, thờ ơ với những người xung quanh và có thành kiến với người ngoại tỉnh.

Vài năm trở lại đây, câu chuyện văn hóa của người Hà Nội đang có sự xuống cấp trầm trọng được chắc đến nhiều. Từng được ví “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” nhưng giờ đây, cái thơm của “hoa nhài”, cái thanh lịch của người Tràng An đó dường như đang mất dần và trở nên mờ nhạt. Cuộc sống vội vã nơi thành thị, họ phải lo toan nhiều về kinh tế, các mối quan hệ xã hội… đã khiến cho nhiều người Hà Nội sống “chỉ biết mình”, thiếu đoàn kết và thờ ơ với những người xung quanh.
Vậy nguyên nhân vì đâu?
Trò chuyện với ông Trần Thiện Căn, nhà ở phố Hàng Đồng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, một người Hà Nội chính gốc. Ông Căn cho biết, tổ tiên ông đã là người ở phố cổ này, không rõ đã bao nhiêu đời, chỉ biết cho đến bây giờ gia đình ông vẫn giữ nguyên nét “thanh lịch” của người Hà Nội xưa.

Đúng là văn hóa người Hà Nội giờ có nhiều điều không ổn quá! Ông Căn than thở. Ông cho biết, người Hà Nội gốc được đào tạo bài bản, ảnh hưởng từ nền văn hóa Á Đông sâu thẳm rồi sau đó được thẩm thấu bởi nền văn hóa của phương Tây, thời Pháp vào Việt Nam. Những con người đó lối sống rất chân thành, thanh lịch.
Theo lời ông Căn, năm 1986 là thời kỳ “mở cửa”, đất nước chuyển từ bao cấp sang nền kinh tế thị trường thì tất cả bung ra và văn hóa của người Hà Nội đã bị ảnh hưởng. Nhưng từ năm 2000 trở về đây bắt đầu có sự suy thoái mạnh mẽ, trầm trọng. Lúc này trong con người đã mất đi suy nghĩ, tư duy về “thuyết nhân quả”, “luật luân hồi”. Nhiều người, họ không còn biết sợ, họ bất chấp tất cả trong cuộc “đấu tranh sinh tồn”.
Nguyên nhân nữa mà ông Căn lí giải là do một lượng người ngoại tỉnh vào Hà Nội quá nhiều. Ông nói: “Những người đã trụ ở Hà Nội thì thường rất khôn, rất giỏi nhưng cũng không kém phần ghê gớm. Nhiều người ngoại tỉnh họ “cố sống, cố chết” trụ lại thủ đô, họ chà đạp lên nhau, sát phạt, lừa đảo nhau để tồn tại”.
Tuy nhiên ông cũng cho rằng, cần phải phân biệt rạch ròi giữa dân các tỉnh lên Hà Nội. Dân đồng bằng Bắc Bộ, trung du miền núi và dân miền Trung đều có đặc điểm riêng về tính cách và nó tác động rất lớn đến tính bản tính con người Hà Nội.
Theo quan điểm của ông, chính vì phải bon chen sinh tồn ở thủ đô nên người ngoại tỉnh nảy sinh nhiều tính xấu. Trong văn hóa bán hàng, người gốc Hà Nội rất thật thà, khéo léo. Ông ví dụ. Họ nhập đôi giày 8 đồng, khách đến mua họ nói thật là “em nhập đôi này 8 đồng, em để lại cho bác 9 đồng, em chỉ lãi có 1 đồng thôi”. Trong khi đó nhiều người ngoại tỉnh thì khác, họ lấy về 8 đồng thì họ bán 12 đồng nhưng lại nói với khách là nhập về đã 11 đồng.
Nói thêm về văn hóa bán hàng, ông Căn kể một câu chuyện mà trước đây ông từng được chứng kiến. Trước kia, hằng ngày có một người đàn bà bán rau đi qua nhà ông. Và để cho rau tươi, người đàn bà này thường lấy nước ở dưới rãnh chảy qua vẩy lên rau.
Ông bình luận: “Nếu là người có lối sống nhân văn và có tâm với nghề thì không bao giờ làm thế. Cần nước thì bà ấy có thể hỏi tôi và những nhà xung quanh “bác cho em xin xô nước để em ngâm rau thì có ai nỡ từ chối, nhưng đằng này họ lại làm một việc rất thất đức”,
Ông so sánh. Người Hà Nội gốc trước kia làm trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước, về già họ mở thêm của hàng ăn uống, họ làm rất sạch sẽ, gọn gàng. Nhưng nhiều người ngoại tỉnh lên đây mở hàng ăn thì ngược lại, làm bẩn, bát đũa khách ăn xong có khi họ chỉ tráng qua một lượt rồi thản nhiên úp vào kệ.
“Nhiều người Hà Nội chúng tôi nhìn thấy được việc đó nên dần dần có cái nhìn không thiện cảm về người ngoại tỉnh. Suy nghĩ đó cứ ăn sâu vào tâm khảm và đây là nguyên nhân nữa dẫn đến việc vì sao người Hà Nội thờ ơ khi thấy người bị cướp giật ở ngoài đường”, ông Căn trăn trở.
Theo ông, khi thấy có ai đó bị cướp giật ngoài đường, người Hà Nội sẽ có tư duy như thế này: “Người bị cướp đó không biết có phải là người Hà Nội không hay là người ngoại tỉnh. Là người ngoại tỉnh thì kệ nó, phải thế nó mới chừa”.
Lí giải vì sao người gốc Hà Nội lại có phần “cay nghiệt” với người ngoại tỉnh như vậy, ông Căn cho rằng, vì nhiều người Hà Nội đã từng bị lừa, bị người ngoại tỉnh đối xử tệ.
Ông nói: “Người Hà Nội gốc trước đây lối sống rất “chân – thiện – mỹ”, tức chân thành, cởi mở, thiện cảm với mọi người và biết cảm thụ âu sắc về cái đẹp. Nhưng khi người ngoại tỉnh vào, nhiều người trong số họ chà đạp lên những cái tốt đẹp đó để sống. Không ít người Hà Nội đã bị lừa, bị lật lọng, bị cướp giật và từ đó họ lạnh lùng hơn, đề phòng hơn với tất cả những người xung quanh. Và khi mà niềm tin, sự chân thành cởi mở bị xúc phạm, họ sẽ thay đổi bản tính con người”./.
Theo Giáo Dục

Nỗi đau “thập kỷ” và tiếng gọi đáy sông…

Cái chết của Lê Thị Thanh Huyền, sự tự do tạm thời của Nguyễn Thanh Chấn không thể coi là kết thúc. Nó phải được coi là sự “kích hoạt” của những cải cách dài hơi và kiên trì- cải cách tư pháp, cải cách hành chính, của luật chính quyền địa phương, nhằm xây dựng một nền quản lý xã hội, nền tư pháp khoa học, khách quan, bất vị thân, bất vị tiền và bất vị quyền.
Năm 2013 cũng là năm đời sống nước Việt đương đại liên tiếp xảy ra những vụ việc- những nỗi đau của con người làm chấn động cả nhân tâm.
Những cố gắng của một quốc gia trên hành trình hội nhập là đáng ghi nhận, nhưng trên hành trình đó, số phận con người với những tai họa, rủi ro khôn lường cũng lại phản chiếu một loạt vấn đề nóng bỏng khác- “lỗi hệ thống” của quản lý xã hội nói chung, của pháp luật nói riêng- cho thấy sớm muộn nước Việt phải có sự quyết liệt thay đổi, để phù hợp với văn minh, văn hóa hiện đại, đem lại sự bình an, an lành cho chính tâm hồn người Việt.
Điển hình của những nỗi đau đó, là câu chuyện thương tâm về số phận một người đàn ông và một người đàn bà. Người đàn ông giờ đã tạm trở về với cuộc sống đời thường, nhưng ký ức 10 năm bị tù tội oan uổng hẳn còn ám ảnh ông suốt cuộc đời. 10 năm đó, là “phép thử” lạ lùng cho ông thấy rõ sự tồi tệ, vô cảm của con người, và ở phía bên kia của đời sống, là vẻ đẹp tuyệt vời của tình yêu thương. Vẻ đẹp đó, vực ông dậy sau những ngã quỵ oan trái, an ủi và nâng đỡ ông, cho ông tái sinh, không phải sự sống, mà chính là sự tự tin làm người.
Còn người đàn bà, tội nghiệp thay, chỉ vì mong muốn làm đẹp, chị đã phải chết oan uổng. Sự oan uổng nhất là cho đến giờ phút này, chị vẫn ở đâu đó dưới dòng sông lạnh giá. Tiếng gọi đau thương, tuyệt vọng của chị dưới đáy sông liệu có thấu đến những người ruột thịt đang đau đớn, nỗ lực để tìm thấy chị.
Cầu mong một phép lạ cho họ “gặp” được nhau, khi năm cũ thương đau sắp kết thúc, để hy vọng mở ra một năm mới 2014 an lành hơn, nhiều may mắn hơn và bớt đi nỗi đau của người Việt, bớt đi sự tổn thương của cả xã hội những năm tháng này, vì những sự lởm khởm, bất cập của quản lý xã hội và của ngành tư pháp.
I- Cái “chết oan” tức tưởi của người đàn bà mang tên Lê Thị Thanh Huyền, hẳn sẽ còn ám ảnh rất lâu những người ruột thịt của chị, còn với xã hội nó khiến ai nấy bàng hoàng, kinh sợ, đau đớn thay cho chị. Bởi sự sống và cái chết với người đàn bà trẻ ham muốn làm đẹp này, sao mong manh thế, bất ngờ thế. Chỉ cách nhau vài phút.
Giá như sự rủi ro chỉ dừng ở cuộc phẫu thuật thẩm mỹ bất thành, thì dẫu ruột thịt của chị rất đau khổ, theo thời gian sẽ nguôi ngoai, vì cái chết đó quá bất khả kháng, nằm ngoài sự kiểm soát và khả năng cứu giúp của họ. Nhưng số phận khắc nghiệt, ở đây, chính bởi hành vi mù quáng, tồi tệ và cũng lạnh lẽo, vô cảm đến mức khó có thể hiểu nổi của Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường. Để rồi, từ một “tai nạn nghề nghiệp” trở thành một vụ án hình sự kinh hoàng- cách nhau chỉ có mấy tiếng đồng hồ. Khi vị bác sĩ này cùng một nhân viên dưới quyền vứt xác chị Lê Thị Thanh Huyền xuống sông Hồng, nhằm phi tang.
Tồi tệ, vô cùng bất nhẫn và cũng mù quáng ngu xuẩn, bởi một hành vi phi nhân tính đến vậy làm sao có thể che giấu mãi?
Chỉ có mấy tiếng đồng hồ- một “tai nạn nghề nghiệp” đã biến thành một tội ác. Chưa hết. Giờ đây, nó còn kéo theo nỗi đau đớn bi thảm của cả hai dòng họ tốn công, tốn của, tốn sức, tốn thời gian vô kể, hàng mấy tháng trời, tìm kiếm xác của chị Huyền, không biết khi nào mới kết thúc. Mọi phương cách đều đã được huy động. Lúc nhờ vào các nhà ngoại cảm, lúc trông vào các nhà khoa học kỹ thuật. Hơn hai tháng qua, sức kiệt, lực kiệt, chỉ nỗi đau của họ là vô hạn, bởi sự tìm kiếm vẫn rơi vào vô vọng.
Sự không may đó chứa đựng những rủi ro của kiếp người, quá cay đắng và đau thương, nhưng có nguồn gốc từ nhiều căn nguyên trong quản lý xã hội.
Rủi ro, bởi chị Lê Thị Thanh Huyền đã gửi gắm sự làm đẹp, mà hóa ra thành gửi gắm… sinh tử của mình cho một kẻ chưa đủ tư cách phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng vẫn ngang nhiên hành nghề, hệt cái biển quảng cáo TT phẫu thuật thẩm mỹ Cát Tường trưng ra giữa thanh thiên bạch nhật giữa phường sở tại, bất cần giấy phép và chứng chỉ chuyên môn.
Sự rủi ro của chị, còn bắt nguồn từ một loạt những điều mà trong xã hội này, tiếc thay, sự vi phạm pháp luật của con người đã thành nếp sống bình thường, nhan nhản.
Vì sao vậy? Nói cho cùng, nó là hệ lụy của sự điên cuồng kiếm tiền, hệ lụy của nhu cầu phát triển với sự quản lý của ngành dọc, của quản lý xã hội vừa không theo kịp, vừa tắc trách, thả nổi.
Nếu biết rằng ngành y tế có tới 30 ngàn cơ sở khám chữa bệnh, 39 ngàn cơ sở bán thuốc mà cả nước chỉ có 250 thanh tra y tế. Với một mạng lưới thanh tra mỏng hơn… mạng nhện đó, việc kiểm soát làm sao xuể? Nhất là với một “thói quen” quản lý, chỉ cần cơ quan chức năng cấp phép là “xong om”. Anh đi đường anh, tôi đường tôi. Tình nghĩa đôi ta có thế thôi!
cái chết, bác sĩ, Nguyễn thanh Chấn, Lê Thị Thanh Huyền
Vụ bác sĩ vứt xác bệnh nhân gây chấn động dư luận
Còn nếu đưa cấp phường vào quản lý các cơ sở y tế, các TT thẩm mỹ thì sao? Phường không đủ sức, đủ trình độ để các phòng mạch, các TT khám chữa bệnh, thẩm mỹ tâm phục khẩu phục…, mặc dù theo như quy định lâu nay, các văn bản quy phạm pháp luật của ngành đều nói rõ vai trò của chính quyền địa phương. Thế nên, khi một vụ việc bất trắc xảy ra, chính quyền sở tại luôn im lặng … vô can. Còn các cơ sở khám chữa bệnh trước đó cứ nhởn nhơ hành nghề
Sự phạm luật của Nguyễn Mạnh Tường, cùng với nỗi hoảng hốt, thói sĩ diện, âm mưu xóa dấu vết “tai nạn nghề nghiệp” đã dẫn ông ta đi quá xa, trở thành tội phạm. Từ sự kém cỏi, coi thường luật pháp trở thành tội ác- sai một ly đi một dặm, câu thành ngữ linh nghiệm một cách cay đắng vào số phận ông bác sĩ vô lương tâm này.
Chưa biết cuộc tìm kiếm của họ hàng, gia đình chị Lê Thị Thanh Huyền đến bao giờ thì kết thúc? Nhưng với cung cách quản lý ngành dọc, quản lý xã hội như hiện nay, liệu Lê Thị Thanh Huyền đã phải là người rủi ro cuối cùng “chết oan” chưa? Tiếng gọi dưới đáy sông của Lê Thị Thanh Huyền, liệu có thức tỉnh ý thức tôn trọng pháp luật của con người, thức tỉnh bổn phận trách nhiệm quản lý xã hội của chính quyền các cấp không? Hay đó chỉ là số phận không may của một người đàn bà đi làm đẹp, rồi tử vong? Và… hết chuyện.
Chả lẽ, sự sinh tử của người Việt trong thời kim tiền này nó rẻ rúng đến vậy sao?
* * *
II- Sau cái sự “chết oan” là cái sự “sống oan” trong tù chẵn một thập kỷ của người đàn ông, có tên Nguyễn Thanh Chấn, từ đây, rất có thể cái tên riêng Nguyễn Thanh Chấn sẽ đi vào lịch sử ngành tòa án, gắn với khái niệm những vụ án oan sai, bởi tính chất điển hình, cay đắng của nó. Dù bản chất “vụ giết người”, mà vô tình Nguyễn Thanh Chấn là nạn nhân rơi vào tầm ngắm của cơ quan điều tra, không phải quá rắc rối, phức tạp.
Nó điển hình cho tính chất xâm phạm hoạt động tư pháp của các điều tra viên khi tiến hành điều tra vụ án. Một cung cách điều tra thiếu rất nhiều chứng cứ, nghiệp vụ khoa học, lại thừa sự sai phạm. Một cung cách “điều tra ngược”- dùng nhục hình, ép Nguyễn Thanh Chấn thực nghiệm hiện trường, nói như… con vẹt theo nội dung các điều tra viên tưởng tượng ra. Một sự ép cung thô bạo, tàn nhẫn mà khi vụ việc vỡ lở, kẻ giết người Lý Nguyễn Chung buộc phải ra thú tội, nó là nỗi hổ thẹn không chỉ thuộc về nghiệp vụ kém cỏi, mà còn là nỗi hổ thẹn của sự… vô lương tâm.
Nó điển hình cho sự sai phạm trong hoạt động xét xử của tòa án các cấp. Vi phạm nguyên tắc bất di bất dịch của tòa án “trọng chứng hơn trọng cung”. Cái nguyên tắc đó đã bị chính tòa án các cấp giẫm đạp không thương tiếc, khi “chứng cứ” thì do các điều tra viên bày đặt, còn “cung” do người bị bắt bị ép khai theo cách của các điều tra viên. Vậy mà cuối cùng, án vẫn xử, tòa vẫn tuyên. Nỗi hổ thẹn khi vỡ lở vụ án không chỉ thuộc riêng các điều tra viên, mà thuộc cả về tòa án các cấp.
Nó hổ thẹn như câu hỏi thâm thúy của ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) trong phiên chất vấn Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình: Liệu còn bao nhiêu con thỏ tuyên là …con gấu?Ngược lại, điều này càng trở nên mỉa mai hơn khi người ta nhìn vào các vụ án tham nhũng, có bao nhiêu con gấu được tuyên là …con thỏ?
Nó điển hình cho việc thể hiện chân lý thuộc kẻ mạnh, không ở thực tiễn, kể cả khi xử các vụ án. Khi luật sư của ông Nguyễn Thanh Chấn đã nêu ra 04 điểm chứng minh trước tòa cho thấy những chứng cứ quá lỏng lẻo của vụ án, cho thấy Nguyễn Thanh Chấn là ngoại phạm, thì tòa án vẫn bác bỏ, và Nguyễn Thanh Chấn trở thành tội phạm theo phán quyết cuối cùng của tòa.
Nó điển hình cho việc dối trá của các điều tra viên, khi họ phủ nhận sạch trơn những nội dung ông Nguyễn Thanh Chấn tố cáo. Nhưng “lời nói dối”… chưa phải cuối cùng của họ, lại vô tình tố cáo chính họ- hoặc ông Nguyễn Thanh Chấn phạm tội vu khống- hoặc ông này mắc bệnh tâm thần, muốn được tù tội,nên dựng chuỵện. Vậy, xã hội sẽ tin ai hơn?
Dân gian có câu khôn ngoan chẳng lọ thật thà. Còn ở đây, các điều tra viên chẳng ngoan đã đành, mà cũng chả ra… khôn.
Nó điển hình cho sự vô trách nhiệm của các vị chủ tọa, thẩm phán phiên xét xử sơ thẩm vụ án, khi các vị này đều nhanh chóng “quên hẳn” một phiên tòa oan sai do chính các vị xử, “đá trách nhiệm” lẫn cho nhau, và cho cả… Quốc hội. 10 năm trời chịu đựng tù tội, bởi sai lầm tệ hại của các vị quan tòa, điều tra viên, đâu chỉ có Nguyễn Thanh Chấn bị oan uổng, mà còn kéo theo cả một gia đình nông dân lương thiện bỗng sạt nghiệp, sa sút một cách oan uổng, tai tiếng oan uổng sau lũy tre làng.
Còn ở mặt bên kia của đời sống, đối lập với sự vô cảm của không ít vị “công bộc”, là câu chuyện cảm động và cũng rất điển hình về con tim, về tình yêu thương tuyệt vời của một người đàn bà- vợ ông Nguyễn Thanh Chấn. Tình yêu thương sâu sắc cho bà niềm tin tuyệt đối về sự vô tội của chồng. Niềm tin đó cho bà sự can đảm, sự kiên nhẫn vô hạn và dũng khí trên hành trình đường trường suốt 10 năm cầm đơn kêu oan cho chồng. Niềm tin đó đã biến bà- một người đàn bà quê mùa chỉ biết ruộng đồng, chồng con, thành một “thám tử tư” bất đắc dĩ trực tiếp “điều tra vụ án”. Sự bi hài và đáng buồn cho hoạt động điều tra một vụ án nổi tiếng, và… tai tiếng.
Có điều, số phận Nguyễn Thanh Chấn, sau giây phút vỡ òa khóc cười vì tủi thân xen lẫn hạnh phúc đoàn tụ, tưởng được tự do, thì thật ra cho đến giờ phút này vẫn treo lơ lửng. Dù theo ông Vũ Đức Khiển, nguyên chủ nhiệm UBPL của QH khẳng định, kháng nghị và xét xử tái thẩm là sai, nếu đưa ra tái thẩm, (mà không xử giám đốc thẩm- KD) là các cơ quan tố tụng đang cố tình lấp liếm đi cái sai của mình trước đó, dễ bề phủi trách nhiệm đã gây oan cho ông Chấn (Lao động, ngày 06/11).
Bởi mới đây, Viện KSND Tối cao ra quyết định chuyển vụ án Nguyễn Thanh Chấn đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an để điều tra lại. Tại sao? Hay bởi tư pháp nước Việt mình… nó thế?
Số phận những Lê Thị Thanh Huyền, Nguyễn Thanh Chấn… không còn thuộc về cá nhân họ nữa. Những rủi ro, tai họa của họ vô tình phản chiếu cung cách quản lý xã hội, phản chiếu sự bất cập với những cái lỗi khó tha thứ của hệ thống tư pháp. Và vì thế, cái chết của Lê Thị Thanh Huyền, sự tự do tạm thời của Nguyễn Thanh Chấn không thể coi là kết thúc.
Nó phải được coi là sự “kích hoạt” của những cải cách dài hơi và kiên trì- cải cách tư pháp, cải cách hành chính, của luật chính quyền địa phương, nhằm xây dựng một nền quản lý xã hội, nền tư pháp khoa học, khách quan, bất vị thân, bất vị tiền và bất vị quyền, những điều kiện cần cho sự hội nhập.
Khi mà bắt đầu ngày 01/01/2014, ngày đầu năm mới, cũng là ngày đầu tiên nước Việt thực hiện Hiến pháp mới.
Kỳ Duyên
(VNN)

“thủ trưởng” cưỡng dâm

Chỉ trong vòng một tuần lễ, báo chí Việt Nam bỗng nhiên bán chạy như tôm tươi, đặc biệt là tờ nào có loan nơi trang nhất vụ kiều nữ Hải Dương cưỡng dâm tài xế taxi của các hãng Mai Linh, Hoàng Hải, Hoàng Minh. . .
Bài báo đầu tiên đưa tin này là tờ Người Đưa Tin của Hội Luật gia Việt Nam, có văn phòng tại Hà Nội và bài viết này của tác giả Diệu Nam. Bài báo viết:
“Tại bãi đỗ xe của hãng Mai Linh trước cửa Bệnh Viện đa khoa tỉnh Hải Dương, tài xế X chia sẻ: “Ban đầu, thủ đoạn của N hết sức đơn giản. Khi tài xế lái xe đến đón, N thường yêu cầu đánh xe vào trong sân của biệt thự. Sau đó yêu cầu tài xế lên phòng ngủ xách hàng loạt đồ nặng từ phòng ngủ của ả từ tầng 3 xuống. Lúc đó ả đã ra khóa cửa và cho thuốc kích dục vào nước mời tài xế. Xách quá nhiều đồ, mệt, nên hầu như tài xế nào cũng uống vài ngụm nước. Sau những câu chuyện tếu táo, thuốc kích dục trong nước ngấm, tài xế đờ đẫn, kiều nữ này bắt đầu thỏa mãn dục vọng của mình”.
Như để chứng minh là câu chuyện có thật, Diệu Nam đưa ra một nhân vật có tên là D với các chi tiết như sau:
“Sáng sớm, ả kiều N gọi cho D vào đón, nhưng đã vào chẳng có đường ra. Sau 2 ngày bị N lạm dục, D lê lết bò ra cửa kêu cứu. Do nhà rộng, cửa đóng kín, chẳng ai nghe tiếng D. Phải gắng hết sức D mới bấm được số của quản lý cầu cứu. Khi quản lý đến, D như kẻ mất hồn, thều thào: "Cứu em với, em chết mất, nó bắt em quan hệ hơn 30 lần rồi".
Ảnh rút từ bài báo của Xuân Ba: Thủ tướng Hun Sen thăm " thủ trưởng" cũ Lê Khả Phiêu và Lê Đức Anh
Vấn đề đặt ra: Tuy tờ báo chụp tấm ảnh căn nhà của người bị tố cáo là dâm nữ tên Ngọc (hay nạn nhân) tuy nhiên bài báo không chứng minh được tài xế tên gì, chạy cho hãng nào, thời gian cụ thể bị cưỡng dâm và nhất là anh ta có báo cáo vụ việc cho công an hay không nếu sức khỏe bị suy kiệt như “nạn nhân” D như mô tả.
Hậu quả nhãn tiền: Căn nhà trong tấm hình đã được nhận dạng là của bà Phạm Thị Thanh N. (mà bài báo của Diệu Nam viết là Ngọc) một Việt kiều Mỹ, chủ căn nhà trong ảnh mà bài báo đăng tải. Bà Thanh N đã gọi cho hãng tin VTC sau khi đọc được bài này và cho biết bà đã sang Mỹ được 14 năm, có chồng và hai con, hiện sống tại Texas. Bà N khẳng định không hề có bất cứ một tài xế taxi nào bị cưỡng dâm như vậy cả. Bà nói sẽ về Việt Nam và làm cho rõ chuyện này và có thể sẽ khởi tố tờ báo về tội mạ lỵ công dân.
Câu chuyện chưa ngã ngũ nhưng người ta có thể nhìn thấy những yếu tố lá cải quá lớn trong bài báo của Người Đưa Tin. Kích động dục tính qua câu chuyện không khác mấy với những mẩu chuyện dâm thư đầy dẫy trên mạng Internet. Nhưng khác với Internet, vốn khó truy được người viết hay post lên mạng, nếu được cũng mất khá nhiều thời gian và công sức, nhưng đối với một tờ báo, dù là của nhà nước hay một hội lớn như Hội luật gia Việt Nam thì cơ quan chủ quản không còn đường thoát, ngoại trừ con đường hối lộ để chạy tội.
Qua câu chuyện này người đọc báo có quán tính bầy đàn sẽ rung đùi thích chí. Người đứng đắn sẽ lắc đầu ngao ngán, người ưu tư cho văn hóa Việt sẽ tuyệt vọng vì một nền báo chí đã bị tinh trùng và nội y bao phủ.
Còn người trong nghề thì sao?
Họ sẽ theo gương nhà báo cung đình Xuân Ba viết bài phóng sự chuyến viêng thăm các nhân vật đỉnh cao của Việt Nam trên tờ Tiền Phong để tránh mang tiếng là lá cải chăng?
Nếu Người Đưa Tin giật tít: “Hoang mang kiều nữ có sở thích... cưỡng hiếp lái xe taxi” đang dậy sóng dư luận thì một bài khác của Xuân Ba trên tờ Tiền Phong lại có vẻ hiền lành, ngoan ngoãn với cách viết rất kinh điển của một nhà báo có kinh nghiệm viết cho cung đình nhiều chục năm qua.
Vấn đề đặt ra là cái tít: Thủ tướng Hun Sen thăm “thủ trưởng” cũ Lê Khả Phiêu và Lê Đức Anh ( Xem tại đây!). Hai chữ thủ trưởng được báo Tiền Phong cẩn thận đặt trong ngoặc kép.
Nhưng dù bị đặt bên trong ngoặc kép như vậy hai chữ này cũng “bức xúc” tung ngoặc chạy ra. Vừa chạy vừa la to: “Ối làng nước ơi Việt Nam sỉ nhục Thủ tướng Hun Sen của Campuchia”!
Bài viết của Xuân Ba khó thể được gọi là một bài báo. Nó là một bài “tán” đúng nghĩa khi mặc dù được nằm nơi trang nhất của tờ báo, thay vì viết theo thể phóng sự của báo chí tác giả đã sử dụng những câu văn mà khi đọc lên người đàng hoàng không thể không nhăn mặt.
Với một lô một lốc những gì ông Hun Sen được đào tạo, giúp đỡ từ Việt Nam để leo lên ghế thủ tướng, nhà báo Xuân Ba đã giúp cho nhân dân Campuchia vốn đang biểu tình chống ông vì đã cầm quyền quá lâu, quá lệ thuộc vào Việt Nam và nhất là đã thỏa thuận cho Việt Nam lấn chiếm biên giới ở các tỉnh Tây Nam biết thêm những gì mà có thể họ còn lờ mờ vê ông Thủ tướng thân “duồn” nầy.
Là nhà báo nhưng ông Xuân Ba không ý thức được sự cao đạo, khiêu khích thậm chí khinh bỉ khi dùng từ “thủ trưởng” để nói về một thủ tướng đương nhiệm của nước bạn.
Cái sự nhơn nhơn vô ý thức đó của ông đã di truyền từ hệ thống mà ông là cây viết cốt lõi của nó. Ông có thể biết nhưng bất cần. Ông cần hai ông Phiêu và Anh hơn vì hai ông này sẽ vỗ đầu ông mà kêu lên “ngoan đấy” nhưng ông Hun Sen thì không thể ban cho ông chút lợi lộc nào.
Bài báo của ông Xuân Ba toát lên một sự thật: Việt Nam luôn coi Campuchia là nước chịu ơn vì lãnh đạo của nó thừa nhận và hành động công khai như vậy. Tuy nhiên là báo chí, tờ Tiền Phong không thể giật một cái tít có thể gây chiến tranh và chí ít có thể gây bạo loạn trong đất nước Campuchia.
Lãnh tụ đối lập Sam Rainsy của Campuchia đã bỏ bao nhiêu tiền cho nhà báo Xuân Ba để ông này giật cái tít và viết một bài báo sặc mùi quỳ gối của Hun Sen như thế?
Báo chí là khuôn mặt văn hóa một quốc gia nên khi đọc bài của tờ Người Đưa Tin người ta thấy Việt Nam khó thoát ra khỏi căn nhà thổ mang cái tên rất mỹ miều: thuần phong mỹ tục.
Báo chí là khuôn mặt chính trị của một quốc gia nên qua bài báo của Tiền Phong khuôn mặt chính trị ấy đã lộ ra sự lỗ mảng khó tha thứ. Khi đặt một nguyên thủ quốc gia nước bạn trong vai trò một “anh lính” dưới quyền thì nó không còn là khiếm khuyết nữa. Nó đại diện cho một thứ quyền uy mà nhiều người, cũ cũng như mới, trong Bộ chính trị thèm khát: Thủ trưởng của chư hầu.
Cánh Cò
(RFA Blog's) 

Đối lập Cuba được tự do đi lại, nhưng mất dần ảnh hưởng

Lần đầu tiên kể từ nửa thế kỷ qua, trong năm 2013, các nhà đối lập Cuba đã được tự do xuất cảnh, thế nhưng theo các nhà quan sát, ảnh hưởng của phe đối lập Cuba trong nước đã giảm đi.
Trong suốt nhiều thập niên, người dân Cuba mỗi khi muốn ra nước ngoài đều phải xin một giấy phép đặc biệt và các nhà đối lập Cuba lúc nào cũng bị từ chối. Nhưng ngày 14/01 năm nay, chủ tịch Raoul Castro đã bãi bỏ quy định đó, nhờ vậy mà số người Cuba xuất ngoại đã gia tăng rất mạnh, chỉ trong vòng 10 tháng năm 2013 đã có hơn 250 ngàn người ra nước ngoài, tăng 35% so với cả năm 2012.
Trong năm 2013, nhiều nhà đối lập Cuba như Yoani Sanchez, Guillermo Farinas, Berta Soler, Elizardo Sanchez đã rất bận rộn ở nước ngoài, được tiếp đón long trọng tại Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và những nước khác. Thậm chí, hai người trong số họ đã được hội kiến tổng thống Mỹ Barack Obama.
Blogger Yoani Sanchez, một trong những nhà đối lập nổi tiếng Cuba - REUTERS /U. Marcelino
Blogger Yoani Sanchez, một trong những nhà đối lập nổi tiếng Cuba - REUTERS /U. Marcelino
Một trong những nhà đối lập đầu tiên xuất ngoại là blogger nổi tiếng Yoani Sanchez. Cô đã đi một vòng các nước châu Âu và châu Mỹ trong suốt ba tháng. Trên trang blog của cô, Sanchez đã viết : « Trong không gian bé nhỏ của cuộc sống cá nhân tôi, mọi chuyện đã thay đổi với tốc độ khác thường. Tháng giêng đã bắt đầu với việc cải cách quy định xuất nhập cảnh và trong những tháng sau đó, chúng tôi thường chào « tạm biệt » nhau, mà không còn cảm giác lo sợ « một đi không trở lại » như trước đây, khi mà xuất ngoại đồng nghĩa với lưu vong. »
Theo lời nhà đối lập Guillermo Farinas, những chuyến xuất ngoại như vậy rất có ích, vì họ có thể tiếp xúc trực tiếp với các tổ chức người Cuba lưu vong hoặc các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Nhưng khác với những năm trước, trong năm 2013, ở trong nước các nhà đối lập Cuba hầu như không có hành động gây chú ý của dư luận quốc tế. Không hề có các vụ tuyệt thực, chiếm đóng các nhà thờ hay những hành động khác gây khó khăn cho chính quyền La Habana.
Chỉ có những người trong nhóm Phụ nữ áo trắng, tức là vợ của các cựu tù chính trị, là vẫn tuần hành vào mỗi Chủ nhật, như họ vẫn được phép làm từ năm 2010. Ngoài ra, các nhà đối lập Cuba chỉ có một số bài viết trên các trang blog.
Vì sao những hoạt động ở nước ngoài của nhiều nhà đối lập Cuba lại không có tác động gì đến tình hình trong nước ? Phải chăng đó là do chính quyền La Habana vẫn đàn áp dữ dội, như khẳng định của các nhà bất đồng chính kiến ?
Theo nhà phân tích Arturo Lopez-Levy, thuộc trường đại học Denver ( Colorado, Mỹ), có những lý do khác mà các nhà đối lập Cuba cần phải suy nghĩ. Ông Lopez-Levy nói : « Các nhà đối lập ra nước ngoài vẫn cứ lặp lại những lời chỉ trích quen thuộc đối với chế độ, mà không đưa ra những giải pháp khả thi nào cho các vấn đề căn bản của đất nước. Ngoài ra, họ lại còn ngả theo lập trường của những người Cuba lưu vong ».
Về phần ông Carlos Alzugaray, cựu đại sứ và cựu giáo sư Đại học La Habana, các nhà đối lập Cuba muốn được quốc tế biết đến nhiều hơn là trong nước, bởi vì họ nghĩ rằng như thế sẽ đạt được mục tiêu đấu tranh của họ, tức là nhờ nước ngoài gây áp lực lên chính phủ Cuba.
Nhưng đối với ông Peter Hakim, chủ tịch danh dự của trung tâm nghiên cứu Đối thoại liên Mỹ tại Washington, thật ra có rất nhiều trở ngại khiến ở Cuba khó hình thành một lực lượng đối lập đủ mạnh, chẳng hạn như không có tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp.
Ông Peter Hakim cho biết giới trẻ Cuba hiện nay chỉ thể hiện sự phản kháng bằng cách bỏ nước ra đi, chứ không hề tìm cách tập hợp lực lượng, viết bài chỉ trích hay tuần hành. Ông nhắc lại rằng mỗi năm vẫn có khoảng 40 ngàn người Cuba ra định cư ở nước ngoài.

Thanh Phương
(RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét