Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Bài viết đáng chú ý

Kẻ thù lớn nhất là sự tha hóa

“Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn gấp bội. Luận đề này như một châm ngôn, đúng với mọi thời đại, mọi chế độ chính trị, mọi cuộc cách mạng”
Thiếu tướng PGS-TS Lê Văn Cương chia sẻ với phóng viên NTNN sự nhìn nhận của mình về dựng nước, giữ nước nhân dịp Quốc khánh 2.9.
Vào mỗi dịp Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2.9, cảm xúc nào đến với ông đầu tiên, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn và xung đột những năm gần đây, thưa ông?

Sự tha hoá của cán bộ công quyền là nguy cơ lớn đối với sự phát triển của đất nước. Ảnh: nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) hầu toà vì tham nhũng đất đai.
Sự tha hoá của cán bộ công quyền là nguy cơ lớn đối với sự phát triển của đất nước. Ảnh: nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) hầu toà vì tham nhũng đất đai.

- Về cảm xúc của tôi trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, tôi cảm nhận 2 điều: Thứ nhất, sự tác động của phong trào “Mùa xuân Ả rập” 2 năm gần đây khiến tôi suy nghĩ rất nhiều xung quanh một luận đề của Lenin, đó là: Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn gấp bội - Luận đề này như một châm ngôn, đúng với mọi thời đại, mọi chế độ chính trị, mọi cuộc cách mạng.
Cảm nhận thứ hai, đặt trong mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và thế giới, tôi nghĩ rằng cuộc cách mạng của chúng ta đi được một chặng đường dài nhưng chưa tới đích. Ý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh đuổi thực dân để giành độc lập dân tộc, đem lại ruộng đất cho nông dân chỉ là mục tiêu trước mắt, là cái phải đạt tới. Nhưng vượt qua mục tiêu đó, cao hơn, xa hơn là mục tiêu xây dựng Việt Nam thành một đất nước độc lập, tự do, người dân phải được thụ hưởng một đời sống thực sự ấm no, hạnh phúc. Điều đó thì tôi cho rằng, chúng ta chưa đạt được, mới đi được nửa đường thôi.
Liên quan tới luận điểm của Lenin, Bác Hồ cũng đã từng căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Theo ông, để giữ nước trong thời bình, chúng ta phải chiến thắng kẻ thù nào?
- Lịch sử đã mách bảo chúng ta, nguy hiểm lớn nhất chính là sự tha hóa của cơ quan công quyền. Vì thế, Đảng ta cũng đã nói trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đại ý rằng: Quan liêu, tham nhũng, sự tha hóa về chính trị, đạo đức lối sống đã làm giảm lòng tin của nhân dân, là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Như vậy, chúng ta nhận thức rất rõ nguy cơ này. Nhưng từ nhận thức đến hành động bao giờ cũng có khoảng cách. Tôi đã từng viết rằng: Hóa ra con đường xa nhất không phải con đường từ Trái đất đến sao Kim, sao Hỏa, mà là con đường từ lời nói tới việc làm.
Vậy theo ông, điều mà chúng ta gặp phải là chúng ta chưa dám nhìn vào những sai lầm nội tại để sửa chữa, khắc phục?
- Thật ra thì Đảng ta đã nhận thức cơ bản đầy đủ và đúng đắn về những mặt tồn tại, hạn chế, khuyết điểm chứ không phải không nhận thức ra. Nhưng vấn đề như tôi đã nói, từ nhận thức đúng đến hành động đúng lại có một khoảng cách xa. Khó khăn nhất là ở chỗ này. Việc chúng ta chưa quyết tâm hành động lại hoàn toàn phụ thuộc vào lý do chủ quan là chủ yếu.
Nên nhớ, sự nghiệp cách mạng là một cuộc khám phá, đúng ra là vừa thiết kế vừa thi công, vừa chạy vừa xếp hàng chứ làm gì sẵn có mô hình nào để chúng ta làm theo. Khi giai cấp tư sản đập tan chế độ phong kiến mấy trăm năm trước, họ cũng phải trải qua bao nhiêu thăng trầm mới phát triển như bây giờ. Quan trọng là mỗi lần khủng hoảng, họ lại nghiến răng chịu đau, nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân để khắc phục.
"Chúng ta có quyền tự hào và phải tự hào về sự lãnh đạo của Đảng trong hơn 80 năm qua. Nhưng rõ ràng chúng ta chưa làm được đầy đủ nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người cả cuộc đời đấu tranh vì độc lập, hạnh phúc, tự do của dân tộc – là đem lại sự ấm no, hạnh phúc trọn vẹn cho nhân dân”.
Ông Lê Văn Cương
Như ông từng nói, trong một thế giới toàn cầu hóa, không có quốc gia độc lập hoàn toàn mà chỉ là tương đối bởi tất cả đều phụ thuộc lẫn nhau. Nhưng dường như độc lập của một quốc gia lại phụ thuộc vào tiềm lực của quốc gia đó?
- Đúng thế, quốc gia có kinh tế phát triển, sự cạnh tranh của nền kinh tế cao thì quốc gia đó có đủ sức mạnh để bảo vệ chủ quyền. Còn nền kinh tế còi cọc thì không thể bảo vệ quốc gia, không rơi vào sự lệ thuộc của nước này thì cũng lệ thuộc vào nước khác, ở khía cạnh này hay khía cạnh khác. Thậm chí, độc lập chỉ còn là cái vỏ bên ngoài, còn thực chất bên trong đã bị nước khác chi phối. Đó là lời cảnh báo đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Ông có thể lý giải tại sao dân tộc Việt Nam khi có ngoại xâm thì phát huy sức mạnh to lớn của mình, nhưng đến thời bình thì dường như sức mạnh không còn được phát huy ở mức cao nhất?
- Các nhà sử học cũng đã chứng minh rằng, dân tộc ta có truyền thống yêu nước cao độ nên mỗi khi có giặc ngoại xâm, như bản năng của miếng cao su, cứ đụng vào là bật trở lại. Còn đúng là sau khi độc lập thì tính cấu kết trong cộng đồng dân tộc có phần suy giảm. Nhưng cần nhớ rằng, trong lịch sử cũng có những giai đoạn sau khi độc lập, dân tộc Việt Nam cũng phát triển thăng hoa rực rỡ như thời Lý, Trần, thời Vua Lê Thánh Tông… Điều này nói lên rằng, lịch sử để lại dấu ấn đâu đây, sau khi độc lập rồi, bao giờ dân tộc ta cũng gặp phải những vấn đề về nội bộ. Nhưng vượt qua sự khó khăn, thử thách đó rồi thì chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ.

Xin cảm ơn ông!
(Dân Việt)

Nguyễn Đình Ấm - Ông Trần Công Trục có bị oan không?

Hôm nay lại giật mình tình cờ đọc được tin ông TS Trần Công Trục nguyên trưởng ban biên giới quốc gia trả lời báo chí về việc đàm phán biên giới giữa VN và Trung Quốc năm 1999 với tiêu đề: “Sòng phẳng khi đàm phán biên giới”.
3

Trong bài này, ông Trục nói dư luận nghi ngờ các ông đàm phán không sòng phẳng với Trung Quốc (chịu thiệt với TQ).Ông nói “…ngay cả nhiều người làm việc cho chính phủ VN vẫn mơ hồ, lăn tăn về các hiệp định với TQ…”,“ Thế nhưng những tiếng nói chỉ chích đặc biệt trong giới bất đồng chính kiến vẫn nói rằng không tin về đường biên giới Việt –Trung rất mờ mịt…Luồng thông tin này cũng cáo buộc đảng CSVN dường như tìm cách che giấu tình hình đường biên giới mới…Tôi từng bị chửi là bán đất ông cha cho TQ”….

Đặc biệt, ông nói chỗ cụ thể về thác Bản Giốc và ải Nam Quan(Hữu nghị quan): “ Chính phủ VN nói phần thác phụ của thác Bản Giốc hoàn toàn thuộc phía VN, còn phần thác chính đổ thẳng xuống sông Quây Sơn là sông chung biên giới, hai nước đã tiến hành phát triển du lịch, kinh tế tại khu vực thác” và ông giaỉ thích về hiện nay một nửa thác Bản Giốc và ải Nam quan không phải của VN là: “Xuất phát từ tài liệu lịch sử, văn học, sách giáo khoa, đã đi vào tiềm thức người VN rằng thác Bản Giốc là của VN, nước VN kéo dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu, đó là văn chương còn về mặt pháp lý khi hai bên đàm phán không thể quay lại văn chương những yếu tố mơ hồ để khẳng định…”.

Theo tôi, ông TCT cũng như nhà cầm quyền VN không thể trách “ nhóm CBNV quan tâm lo lắng chủ quyền” hay nhóm thứ hai“ những đối tượng, thế lực muốn lật đổ, bôi nhọ chính thể thông qua câu chuyện về chủ quyền lãnh thổ…” nghi ngờ các ông là phải, bởi vì:

 - Việc liên quan đến cương thổ quốc gia ngàn đời cha ông để lại thuộc lĩnh vực thiêng liêng nhất của dân tộc nhưng việc đàm phán, ký kết, phân định danh giới cụ thể, sự thay đổi lãnh thổ ở từng địa phương như thế nào mà hầu hết người dân-chủ nhân đất nước- có  được biết, được hỏi ý kiến hay chưa? Nếu như việc này là sòng phẳng, minh bạch thì không có lý gì lại không công khai rộng rãi thậm chí nếu có sự nhường, đổi chác với nước ngoài (là việc bình thường trong hoạch định lại biên giới) thì cần phải trưng cầu dân ý. Việc các ông ký hoạch định biên gới với nước đã nhiều lần xâm lược nước ta, có nhiều tin đồn năm 1979 TQ còn chiếm nhiều cao điểm của ta, có việc đó hay không, nếu có, họ có trả cho ta hay không…mà hầu hết dân không được biết kết quả cụ thể như thế nào là chuyện không bình thường. Đặc biệt, sau khi tàu thăm dò dầu khí Bình Minh02 của VN đang hoạt động trong lãnh hải của ta bị tàu TQ quấy nhiễu, cắt cáp…ông Nguyễn Duy Chiến phó chủ nhiệm ủy ban biên giới- đồng nghiệp của ông- nói: “Hành động đó của TQ chỉ là thương cho roi cho vọt”, tức coi TQ như bố, mẹ VN. Đặc biệt TQ liên tục quấy phá biển Đông, đốt phá tàu thuyền, bắt bớ hành hạ dân ta, liên tục xây công trình  trên đảo Hoàng Sa, Trường Sa, làm tem, sách nhận…hai quần đảo là của mình nhưng ta vẫn chỉ phản ứng yếu ớt, chiếu lệ, không dám gọi tên TQ mà phải “tàu lạ, tàu nước ngoài…”; các ngày lịch sử chống Pháp, Mỹ ta tuyên truyền rùm beng cả những trận đánh nhỏ còn những trận lớn TQ xâm lược giết hại dã man bao đồng bào, chiến sĩ ta thì không dám nhắc đến… Vậy VN ký biên giới trong hoàn cảnh “khốn khổ” với một kẻ đã xâm lược, luôn quấy nhiễu VN lại bị chính đại diện người VN( trong lĩnh vực biên giới) nhận thân phận như con cái họ lại không công khai rộng rãi…thì dư luận nghi ngờ sự sòng phẳng cũng là điều dễ hiểu.

- Đặc biệt nữa, trong bài trả lời phỏng vấn ông lẩn tránh không nói rõ ải Nam Quan, thác Bản Giốc trước kia của ai, nay của ai mà lại lửng lơ: “Chính phủ VN nói phần thác phụ của thác Bản Giốc hoàn toàn thuộc phía VN còn phần thác chính đổ xuống sông Quây Sơn là sông chung biên giới, nay hai nước tiến hành du lịch, kinh tế”. Cái mà dư luận đòi hỏi thác BG trước kia và bây giờ ai sở hữu nhưng ông lại đi mô tả trạng thái dòng sông rồi nói như hai nơi này không phải của VN mà do văn chương, sách giáo khoa “nhận vơ”…

Tôi khẳng định với ông từ xưa không có ai nói TQ có phần ở thác Bản Giốc, nhiều người ở địa phương khẳng định từ trước 1999 chưa bao giờ TQ người ở hoặc có hoạt động gì ở thác này ngoài người VN, chỉ sau khi ký hiệp định họ mới ồ ạt xây nhà cửa, công rình…Có thật sách giáo khoa bao nhiêu năm qua dạy các thế hệ người VN sai sự thật, “nhận vơ” thác Bản Giốc , ải Nam Quan…của “bạn 4 tốt”?

Về ải Nam Quan, trước năm 1999 cũng chưa có ai nói là của TQ, sách trắng “Vấn đề biên giới giữa VN và TQ” do nhà xuất bản sự thật HN năm 1979 vẫn khẳng định “…ở cửa khẩu Hữu nghị quan, (ải Nam Quan) thuộc tỉnh Lạng Sơn. Vậy tỉnh Lạng Sơn là của VN hay TQ? Thực tế, đã biết bao người qua bao thế hệ từng công tác, đến, đi qua ải này thì hỏi họ xem ải đó là của ai?

Ngoài ra, còn rất nhiều điểm trên thực địa và tài liệu chưa rõ ràng gây nghi ngờ khác, ví dụ: Trong bài “Kết quả hiệp định biên giới năm 1999” bách khoa toàn thư tiếng Việt nêu rõ: “Một nhượng bộ lớn của VN là khoảng cách 300 m cuối tuyến đường sắt từ Đồng Đăng đến đường  biên giới cũ đã phải cắt cho TQ”.

Vậy ông giải thích về các điểm trên như thế nào?

Như thế, việc “thế lực bất đồng chính kiến” hoặc không bất đồng nghi ngờ các ông trong hiệp định biên giới thì có oan không?
Nguyễn Đình Ấm
(Blog Badamxoe)

Võ Văn Tạo - Xỏ xiên

“Xỏ xiên!” - câu bình luận ngắn ngủi và bột phát mà tôi nhận được từ hầu hết những người có dịp nghe tôi ca tụng Đảng CSVN như hai mẩu chuyện dưới đây. Xin thề, đó là sự thật 100%.

Quái lạ! Với những người xưa nay không ưa Đảng CSVN thì đã đành. Các đảng viên, cán bộ tận trung của Đảng CSVN, cũng nói y như vậy.

Mười mấy năm trước, cha tôi còn sống. Một lần, sau bữa cơm chiều, cha con cùng uống trà, xỉa răng, xem thời sự trên tivi. Thấy  VTV1 đang nói về Hàn Quốc, với những thành tựu xuất sắc về công nghiệp như đóng tàu biển trọng tải cả trăm nghìn tấn, làm xe lửa cao tốc… Có vẻ ngạc nhiên, cha tôi buột miệng: “Giỏi dữ ta! Thằng Hàn Quốc này coi vậy mà giỏi dữ ta!”.
Tính tôi ưa hài hước tếu táo, nên khi bất chợt nghe ông khen bọn tư bản, bèn chớp cơ hội: “Đấy là Hàn Quốc còn đang do đảng của bọn tư sản tệ hại lãnh đạo đấy. Nếu được đảng cộng sản thiên tài cỡ đảng CSVN lãnh đạo, chắc họ đã tự chế tàu vũ trụ lên tới Sao Hỏa(!)”. Lập tức cha tôi lừ mắt: “Xỏ xiên! Chỉ được cái xỏ xiên”. Tôi vẫn chưa buông: “Đấy là con quán triệt rất nghiêm chỉnh lập trường đảng ta. Chẳng phải đảng ta lúc nào cũng đề cao thiên tài lãnh đạo của mình đó sao? Đi đâu chẳng thấy pano đỏ rực “Đảng Cộng sản Việt Nam, người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam quang vinh muôn năm!”?(!)”…
Cha tôi hoạt động cách mạng từ thời kỳ bí mật, trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Trước Hiệp định Giơnevơ, cụ là cán bộ tuyên huấn huyện ủy. Tập kết ra Bắc, cụ chỉ làm công tác đảng chuyên trách. Sau 1975, về Nam, lại chuyên trách công tác đảng đến khi nghỉ hưu ở cương vị Phó Bí thư thường trực đảng ủy khối khoa giáo tỉnh ủy. Không một ai dám ngờ cụ có chút lăn tăn về đảng. Lẽ ra, khi tôi nói câu trên, với niềm tin mãnh liệt và và lòng thiết tha yêu đảng, cụ phải khen tôi “chỉ được cái nói đúng”. Sao lại bảo tôi “xỏ xiên”? Không lẽ cụ cũng biết thực chất cái gọi là “thiên tài” của đảng ta?
Mới đây đọc bài viết của đạo diễn Song Chi, có đoạn nói về cuộc sống ở Na Uy – nơi bà đang sống:
Sống ở Na Uy một thời gian, tôi có thể hiểu vì sao người dân ở xứ này thường cảm thấy hài lòng, hạnh phúc. Không chỉ vì Na Uy cũng là một quốc gia tự do dân chủ, có đời sống kinh tế cao và ổn định, có chế độ an sinh xã hội rất tốt, một đất nước bình yên với tỷ lệ tội phạm rất thấp…

Người Na Uy sướng vì ít phải lo nghĩ, nói đúng như ngôn ngữ của người Việt “cái gì cũng có nhà nước lo”, nhưng ở đây là nhà nước lo thật sự. Con cái sinh ra có nhà nước phụ nuôi đến năm 18 tuổi, đi học tiểu học, trung học miễn phí, lớn lên học đại học bất kể cha mẹ giàu nghèo, kinh tế như thế nào đều có thể mượn nợ ngân hàng, sau ra đi làm trả. Một khi đã có việc làm thì trong suốt cuộc đời bất cứ việc gì cần như lập gia đình, mua nhà, sắm xe…đều có thể vay ngân hàng trả dần vào lương. Thất nghiệp có nhà nước nuôi một thời gian. Đau ốm vào bệnh viện miễn phí. Già cả có lương hưu, có tiền già đủ sống thong thả không phiền đến con cái. Còn nếu chẳng may mới sinh ra đã tàn tật thì nhà nước sẽ nuôi cả đời v.v…
Tôi bèn mail bài viết trên của Song Chi cho bạn bè, với tựa đề (tôi đặt): “Ở xứ giãy chết”. Bạn tôi – một trí thức ngoài đảng, có óc phản biện, bèn mail trả lời. Thật lạ, cũng hai chữ: “xỏ xiên”(!).

Tôi bỗng hoang mang. Không lẽ nói theo lập trường của đảng ta, đại loại: “CNTB thối nát đang giãy chết”; “Thiên tài lãnh đạo của Đảng CSVN”, là xỏ xiên?

Võ Văn Tạo
(Quê Choa)
 

Tội ác đằng sau tội ác chôn thuốc trừ sâu

Tội ác đằng sau tội ác chôn thuốc trừ sâu
Nhiều thùng hóa chất bị Nikotex chôn còn dưới lòng đất, chòi miệng lên khỏi mặt đất. Ảnh: Anh Tuấn
 Công ty CP Nikotex Thanh Thái chôn hàng chục tấn thuốc trừ sâu xuống đất suốt hơn 10 năm qua, đến nay mới bị phanh phui. Người dân cả nước phẫn nộ vì tội ác ghê gớm này, thảm họa môi trường từ thuốc trừ sâu còn khủng khiếp hơn vụ Công ty Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải.
Vì không muốn bỏ tiền tiêu hủy các loại hóa chất bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng theo đúng quy định về xử lý chất thải độc hại theo pháp luật về bảo vệ môi trường, họ đã ác tâm chôn xuống đất. Họ coi đồng tiền lớn hơn sinh mạng của con người, nhiều người, nhiều thế hệ. Điều đáng sợ nhất, ghê rợn nhất chính là họ biết rất rõ điều đó nhưng vẫn cả gan làm liều.

GS-TSKH Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Trường Đại học Công nghiệp TPHCM) - khẳng định: “Rò rỉ gây nhiễm độc nguồn nước dưới đất, ảnh hưởng nguy hiểm đến thủy sinh và lan truyền theo mạch nước ngầm vào nguồn nước cấp sinh hoạt cho dân cư cả vùng rộng lớn. Nhiễm độc thuốc trừ sâu - nhất là những kho thuốc không xử lý tiêu hủy đúng cách - có thể gây nguy hiểm lâu dài, nhiều thế hệ”.

Chưa có kết quả cụ thể từ các cơ quan khoa học, nhưng người dân bị ung thư và các bệnh hiểm nghèo rất nhiều ở các xã thuộc hai huyện Yên Định và Cẩm Thủy (Thanh Hoá) cho thấy có hiện tượng bất thường và cái bất thường đó do những thùng phuy thuốc trừ sâu của Cty Thanh Thái tạo ra.

Chưa có tính toán cụ thể, nhưng để xử lý triệt để với hàng chục tấn thuốc trừ sâu này vẫn biết sẽ tốn rất nhiều tiền, nhưng nếu để chậm trễ, dân còn lâm đại nạn.

Tội ác “giết người” nhiều năm đã bị lộ diện. Chính người dân địa phương nổi giận xông vào quật các thùng phuy thuốc trừ sâu chôn dưới lòng đất lên. Dân biết chắc Cty này chôn thuốc trừ sâu, gây ra những bệnh tật cho bà con, nhưng nhiều năm kêu cứu mà không được cứu xét.

Cho nên, Cty Thanh Thái gây tội ác là quá rõ, nhưng tội ác đằng sau tội ác chôn thuốc trừ sâu là ai? Hàng chục tấn thuốc trừ sâu- được chôn trong những thùng phuy lớn- đâu phải cây kim sợi chỉ mà khó phát hiện.

Hãy nghe ông Phạm Quốc Bảo - Chánh Văn phòng UBND huyện - nói: “Tôi là người địa phương đó, tôi biết rõ chứ. Người dân bức xúc đã lâu, nhưng huyện cũng chỉ biết đề xuất các cơ quan có chuyên môn về kiểm tra, nhưng lần kiểm tra nào các cơ quan hữu quan cũng đều có báo cáo là môi trường tốt. Bây giờ người dân bức xúc đào lên, chúng tôi mới biết”.

Cả chục năm nay, biết bao nhiêu đoàn đến kiểm tra Cty Thanh Thái, tại sao không phát hiện việc chôn thuốc trừ sâu? Tại sao dân trong vùng bị bệnh ung thư nhiều mà chính quyền địa phương không đặt nghi vấn về một doanh nghiệp sản xuất thuốc trừ sâu đang hoạt động trên địa bàn? Những ai đã ký biên bản xác nhận môi trường đảm bảo khi thanh tra doanh nghiệp này?

Không thể để cho những kẻ gây ra tội ác thoát lưới pháp luật, đó là mệnh lệnh của dân. 
(Lao động)

Kinh tế Việt Nam còn khó khăn ít nhất hai năm nữa

Năm nay là đáy tăng trưởng của 13 năm gần đây, chưa bao giờ nền kinh tế khó khăn như bây giờ kể từ khi đổi mới, đây là thời điểm mang tính thách thức rất lớn, việc tái cơ cấu nền kinh tế không thể chậm hơn được nữa.


“Theo tôi dự đoán thì kinh tế Việt Nam còn khó ít nhất hai năm nữa”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên nói tại cuộc tọa đàm “Doanh nhân trẻ Việt Nam 20 năm đi lên cùng đất nước”, diễn ra chiều 1/9 tại Hà Nội.

Quả quyết là “không tin năm nay tăng trưởng tốt”, Viện trưởng Thiên nhấn mạnh tình hình ngân sách đang gay go nhưng không có cách gì bù được, vì “doanh nghiệp hy sinh nhiều quá”.

“Không biết Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp “chết sớm”, còn cả nước trong 6 tháng đầu năm 2013 có 25 nghìn doanh nghiệp đã đóng cửa”, ông Thiên thông tin.

Phân tích tình hình doanh nghiệp trong ba năm gần đây, ông Thiên cho rằng, “năm 2011 khoảng 50 nghìn doanh nghiệp chết cũng tiếc, nhưng tiếc vừa vừa thì đó là những anh quá yếu. Năm 2012 có 51 nghìn doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh tương tự, nhưng cũng chỉ khóc thương một lúc. Còn đến nửa năm nay 25 nghìn doanh nghiệp ra đi thật sự là tổn thất to lớn vì đó là số đã cầm cự được đến tận bây giờ. Và từ giờ đến cuối năm có thể chỉ 15 - 20 nghìn doanh nghiệp tiếp tục rời thị trường nhưng đó là những doanh nghiệp có chất lượng”.

“Doanh nghiệp “đi” nhiều thế lấy đâu ra tăng trưởng GDP”, ông Thiên nói.

Nhìn lại quá trình 20 năm - bằng số tuổi của phong trào doanh nhân trẻ, Viện trưởng Trần Đình Thiên nhấn mạnh sự say sưa trong tăng trưởng đã dẫn đến sự chậm trễ nhìn ra những vấn đề cơ cấu của nền kinh tế.

Và từ năm 2007 đến nay, sau khi gia nhập WTO, hội nhập sâu rộng thì nền kinh tế sinh chuyện ngay lập tức với bất ổn liên tục, và đến nay vẫn chưa thể gượng dậy được.

Trong bối cảnh đó, ông Thiên cho rằng cách thức điều hành vĩ mô là một nguyên nhân, khi chủ yếu vẫn trong khuôn khổ hành chính ngắn hạn. Ba năm nay, tuyên ngôn tái cơ cấu nền kinh tế được đưa ra rất nhiều, nhưng kết quả chưa có bao nhiêu.

“Tôi có nói thẳng với các vị lãnh đạo cao cấp là tái cơ cấu tầm chiến lược vẫn chưa diễn ra”, ông Thiên chia sẻ.

Năm nay là đáy tăng trưởng của 13 năm gần đây, chưa bao giờ nền kinh tế khó khăn như bây giờ kể từ khi đổi mới, đây là thời điểm mang tính thách thức rất lớn, việc tái cơ cấu nền kinh tế không thể chậm hơn được nữa.

Điểm tên các doanh nhân trẻ thành đạt đang có mặt tại buổi tọa đạm như Chủ tịch Tập đoàn  FPT Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải Trần Bá Dương…, Viện trưởng Thiên cho rằng, vinh quang của doanh nhân trẻ thế hệ đầu tiên chưa đủ đưa kinh tế đất nước đến vinh quang. Và doanh nhân cần làm gì cho đất nước là chủ đề mà theo ông Thiên cần được thảo luận.

“Với tất cả năng lực và phẩm chất của doanh nghiệp Việt bây giờ, có chiến đấu được trong môi trường hội nhập hay không, có đủ năng lực cạnh tranh hay không, tầm nhìn có đủ cho cạnh tranh toàn cầu hay không, là những vấn đề chúng tôi cũng phải nghiên cứu mà không cần Nhà nước đặt hàng”, ông Thiên chia sẻ.

Mong muốn doanh nhân trẻ sẽ tiên phong cho các định hướng để tạo ra những doanh nghiệp thật lớn, ông Thiên nói thêm rằng, có thể khi doanh nghiệp lớn thì doanh nhân không còn trẻ, nhưng vẫn phải tiến tới mục tiêu đó, còn nếu không chỉ là vai phụ.

“Tôi chúc doanh nhân trẻ bay lên và chuẩn bị tư thế đàng hoàng để tiến lên, còn lúc tiến về phía trước thì ngoảnh lại ít thôi”, Viện trưởng Trần Đình Thiên nói.
  (VnEconomy)
 

Nhiếp Vĩnh Trang - Cuộc so găng lịch sử [kết]

Theo thông lệ của đảng CSVN, mượi năm trở lại đây, cứ ai là Chủ tịch Quốc hội khóa trước sẽ là người được cấu tạo làm TBT khóa tiếp theo (trừ trường hợp TBT tái đắc cử). Điều này đã được minh chứng tạo ra tiền lệ qua 3 kì đại hội:
- Nông Đức Mạnh đang làm chủ tịch Quốc hội (Khóa VIII) – được bầu làm TBT ĐCSVN khóa IX. (tái đắc cử khóa X).
- Nguyễn Phú Trọng làm chủ tich Quốc hội (khóa X), được bầu làm TBT (khóa XI).
Còn khóa Đại Hội XII sắp tới (2016) chủ tịch Quốc hội đương nhiệm Nguyễn Sinh Hùng đã không theo tiền lệ. (…). ĐCSVN đã có câu trả lời: Người được dự kiến vào chức TBT khóa XII, TBT Nguyễn Phú Trọng đã chọn Phạm Quang Nghị hiện đang là Bí thư thành ủy TP Hà Nội – kế nhiêm mình.
Tại sao có sự’’đột biến’’ này?
sogang

Dư luận trong nước râm ran – Nguyễn Sinh Hùng thuộc họ Nguyễn Sinh, cùng phả hệ với cụ Nguyễn Sinh Nhậm, bố của cụ Nguyễn Sinh Sắc, sinh ra cụ Nguyễn Sinh Cung (Công) – tức là Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, cố chủ tịch đảng, chủ tịch đầu tiên của nước VNDCCH, ngày nay là nước CHXHCN VN (*).
Theo diễn giải của từ điển điện tử Wikipedia, NSH chẳng có gì đặc săc trong quá trình phấn đấu để vào tốp’’Tứ trụ triều đình’’. Từ câu học sinh tiểu học, trung học, đại học rồi đi tu nghiệp tiến sĩ ở Bulgaria, trở về, từng bước đi lên tới dỉnh cao quyền lực : Chủ tịch Quốc hội – một điều không thể nào đến với một con em nông dân bình thường trên đất VN thời đại này, nếu không phải anh ta có dây mơ, rễ má với…’’Vua’’!
Qua bản tóm tắt’’sơ yếu lí lịch’’ và nhất là qua dư luận, người ta không thấy ở NSH những khả năng vượt trội bẩm sinh của một’’thần đồng’’ để anh hoa phát tiết ra ngoài thời niên thiếu, trai trẻ. Ngay cả đên khi được chọn vào chức phó thủ tướng thường trực, NSH cũng không thấy biểu hiện gì đặc biệt của tài năng lãnh đạo. Trái lại, dân Việt chỉ nhớ những câu nói đầy ’’phản cảm’’, điển hình là vài ba câu trong số nhiều câu, nói kia:
- Không thể không làm Đường sắt cao tốc’’. (vung tay chém gió – Phiên chất vấn của Quốc hội sáng 12-06-2010) hoặc :
- Hôm nay thấy sai một chút chỗ này xử lý, “cách chức đi, kỷ luật đi”, ngày mai thấy sai chỗ kia, “cách chức đi, kỷ luật đi”, lấy ai mà làm việc các đồng chí ? (Phiên chất vấn của Quốc hội sáng 12-06-2010.
Cũng theo dư luận đang lan tỏa trong chính giới chóp bu : NSH được ngồi ở chiếc ghế này là do ông Ba mặc cả với phe nhóm… nhằm cài – cắm người để thực hiện mục đich của mình!
Còn theo dư luận’’bên lề’’: Khi vụ bỏ phiếu trong BCT và BCHTƯ nhằm kỉ luật’’Đồng Chí X’’ (ĐCX), NSH’’có một phiếu’’ làm cho tỉ lệ đồng ý phê truất rút đi, tỉ lệ không đồng ý tăng lên thành quá bán khiến hội nghị TƯ 7 đã không thể thực hiện được mục đích của ông TBT Trọng và… ĐCX thoát nạn!
Một hiện tượng làm dư luận chú ý nữa: Trên cương vị Chủ tịch Quốc hôi –’’Cơ quan quyền lực cao nhất’’ (CQQLCN), người lãnh đạo – phải chủ động đề ra chủ trương đường lối: Giám sát cac bộ máy Hành pháp, Tư pháp, Lập pháp, Tòa án tối cao – thực hiện đúng Hiến pháp nhằm phục vụ nhân dân và sự phát triển lành mạnh của đất nước. Thế nhưng Quốc hội, CQQLCN – như bộ máy tuyên truyền của chế độ vẫn thường lớn tiếng quảng bá ! Trên thực tế, những nguyện vọng bức thiết của nhân dân đều không được CQQLCN đáp ứng, điển hình là vấn đề’’cướp đất’’, luật đất đai, các khiếu kiên oan ức của’’Dân oan’’ và nhân quyền….đều không được QH quan tâm, tác động giải quyết kịp thời…
Khi ông chủ tịch QH chỉ thị cho thuộc ha hô hào nhân dân đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp (dù trước nay chỉ là hình thức)… Dân Việt tưởng có cơ hội mở miêng nên’’rào rào’’ phát biểu!… Ngay lập tức ông TBT ĐCSVN đã nhẩy dựng lên, quằn quại như’’đỉa phải vôi’’, rồi mắng nhiếc nhân dân như ông chủ mắng lao công, chúa đất mắng tá điên ! Chủ tịch QH NSH chỉ phụ họa theo ông TBT… Lúc này cái QH của nước CHXHCN đã hiên rõ nguyên hình: Chỉ là phương tiện để trang trí cho’’bức tranh dân chủ’’ của ĐCSVN. Mọi tuyên truyền cho nó – thành công với số lượng cử tri đi bầu đông’’nhất thế giới’’ – đã bị phơi bầy bản chất trước bàn dân thiên hạ và dư luận thế giới!
Phát biểu tại lễ nhận chức vụ Chủ tịch Quốc hội, ông Hùng hùng hổ tuyên bố: “Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 sẽ luôn nâng cao trình độ, kiên quyết phòng chống quan liêu, chống tham nhũng, lãng phí, gắn bó và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân”.. Thế mà thực tế lại trái ngược hẳn.
Nguyễn Sinh Hùng là như thế!
Người dân tự hỏi: Liệu có nên để NSH tái nhiệm kì CTQH khóa tới không, đừng nói đến cấu tạo làm TBT cho ĐCSVN khóa XII! TBT Nguyễn Phú Trọng không chọn NSH là đúng, nếu chỉ xét thuần túy về mặt trình độ, huống hồ chủ tịch Quốc hội dường như còn là, trong… ê kíp của phe đối lập!
Đó chính là nguyên nhân Nguyễn Phú Trọng giới thiệu TBT’’tương lai’’ – Phạm Quang Nghi cho Đảng CSVN khóa XII !
Ông TBT tương lai là người xứ Thanh . Dân Bắc có câu cửa miệng’’Xứ Thanh xanh vỏ đỏ lòng’’(tất nhiên chỉ ám chỉ đám chính khách có quyền thế).Trên cương vị BTTU Hà Nội, PQN chua làm được gì nổi đình đám cho Thủ đô Ngàn năm văn hiến. Nếu mở Google, đánh dòng chữ tên PQN, đọc được mấy chục bài: Tin tức về chủ đề “Phạm Quang Nghị” – kể xấu ông Chủ Tịch, Bí thư thành ủy…
Ngoài ra – phe đối lập còn xì xèo: Khi còn trên cương vị là Chủ tịch UBND HN (dưới thời NPT làm Bí Thư) đã cùng ê kíp làm thất thoát hơn 3000 tỉ và nhận hối lộ ’’ngôi nhà triệu đô’’… (Đảng X vẫn treo, dứ đòn này trên đầu cả ê kíp)…
Dân thủ đô còn’’nhớ’’ ông Bí thư nhân một lần TP ngập lụt, thay vì nhận trách nhiệm về mình, ông lại…đổ tội cho dân ! Với một người trình độ, tư cách như vậy mà TBT đương nhiệm lại đề cử kế nhiệm mình , thử hỏi có’’được mắt ta – ra mắt người’’, không ? Sao TBT vẫn cứ chủ quan – tưởng rằng mọi ý kiến cuả mình đưa ra sẽ được cấp dưới răm rắp làm theo, nhưng sau mấy lần thử nghiêm đã thất bại ê chề, thế mà vẫn chưa tỉnh người . Theo ông Trọng, Đảng CSVN đã cạn nguồn cán bộ có đức có tài nên ông đành nhắm mắt, bịt tai chọn một đệ tử ruột ít’’Xì căng đan’’ mà dưới mắt dư luận, trình độ, uy tín quá thấp. Chọn cho có lệ để vớt vát chút quyền lợi sau này về vườn có cơ nhờ vả, chứ không vì tương lai của đất nước, dân tộc mà chọn một TBT có bản lĩnh để chèo chống, lèo lái con thuyền trước sóng to, bão cả !…
Chưa nói đến thực lực bên trong của phe cánh, năng lực, uy tín của PQN, việc làm này khiến đối thủ’’ngứa mắt’’ sẽ quậy tung giời! Lần quậy này sẽ càng làm TBT mất mặt: Đến giờ cuối, trên hội trường ĐH XII, đảng X sẽ’’phá’’ rồi đưa người của mình ra – đọat vị!
Vậy thì ai – trên chính trường VN – sẽ có khả năng đảm trách đươc vị trí này ? Thủ lĩnh phe Y – với não trạng hạn hẹp, sach vở, xơ cứng đã không chọn được người , (trên thực tế đã hết người để chọn).
Tuy nhiên có một người nếu TBT tinh tường, có nhãn quan chính trị, ’’dám chơi’’ – sẽ rất thích hợp trong vai trò ứng cử viên chức TBT khóa 12 : Đó là CTN Trương Tấn Sang!
Trên chính trường VN hôm nay- cả 2 phe – không có ai’’sánh’’ được với TTS bởi mấy lẽ:
1 – Ông có bề dầy công tác lãnh đạo. Đang trong tốp’’Tứ trụ’’. Trong cuộc bỏ phiếu thăm dò vừa qua, Ông là người đạt phiếu tín nhiêm nhiều, cao nhất…
2- Ông xuất hiện trước cử tri nhiều lần, phát ngôn có vẻ chân thành, được nhân dân đồng tình…
3 – Có biểu hiện rõ rệt trong cuộc chiến chống tham nhũng – điều này phù hợp lòng mong muốn của nhân dân !
4 – Chuyến đi thăm nước Mỹ, gặp TT B.Obama gây dư luận tốt, tạo cho nhân dân niềm tin về một tương lai sáng sủa của đất nước… Đặc biệt thể hiện rõ quan điểm quyêt tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ – điều không có ai trong giới lãnh đạo chóp bu ĐCSVN dám công khai nói, nhất là lại nói trên diễn đàn của nước Mỹ ! TBT NPT đã không nhìn, nhận ra người đồng minh này mà đề củu cho chữ ứng cử viênTBT đảng khóa 12. Đây mới là người có thể xem ƯCV’’sáng giá’’, trong khi lại chọn Phạm Quang Nghị!
Còn phe ông X thì sao? Ai sẽ được nhắm tới vị trí này?
Trước hết chính ông X. Trên dư luận và dưới mắt nhân dân, tuy ông X bị mất khá nhiều niềm tin và tình cảm tốt đẹp của họ bởi ông đã điều hành guồng máy nhà nước quá’’tồi’’ khiên đất nước rơi vào hoàn cảnh vô cùng bi đát trên mọi lĩnh vực : Chính trị, Kinh tế, Quốc phòng, Văn hóa, Y tế, Giáo dục và đặc biệt trong quan điểm’’An ninh quốc gia’’, ông đã bỏ tay lái để thế lực lợi ích nhóm’’ lôi đi’’ nhằm phục vụ cho họ khiến nền dân chủ của chế độ – (được bà phó…Doan) gọi là’’hơn gấp vạn lần nền dân chủ tư sản’’ đi xuống một cách tệ hại khiến nhân dân VN bất bình, phản đối, làm’’bức tranh dân chủ’’ của chế độ hoen ố trước dư luận của thế giới !… Ông có thể biện minh rằng, là một đảng viên nên phải thực hiện nghị quyết của đảng. Đó là sự trốn tránh trách nhiệm nên phải gặt hậu quả. Nếu không có bước đột biến nào đó, việc ông muốn ngồi vào chiếc’’ghế nóng’’ này sẽ vô cùng khó khăn.
Tất nhiên có ngoại lê : Những UVTUW đương chức, những UVTUW đang và sẽ cấu tạo, sắp vào hội nghị BCHTUW khóa XII, sẽ bất chấp tất cả bầu cho ông làm TBT, vì họ đã chịu nhiều ‘’ân huệ’’ mà ông ban phát ! Đó là chuyện có thể xẩy ra và khi đó đất nước, dân tộc này chua biết sẽ gặp tai kiếp gì tiếp theo!?
Nói gì thì nói : Chỉ ông Ba, mới đủ cân lượng’’So găng’’ với ông Tư .
Nhưng!
Lại nhưng:
Nếu Ông Ba đưa đệ tử ruột của mình : Nguyễn Thiện Nhân ra thay ông gánh vác trọng trách này làm ƯCV TBT khóa XII, thì sao? Vói cái made từng du học ở một trường ĐH danh giá nhất thế giới của nước Mỹ… mới đây, (nghe đâu) lại được lòng Trung Nam Hải… ứng cử viên này cũng đáng gờm cho các UCV khác, cho dù ông ta còn ít bề dầy lãnh đạo, uy tín chính trị chưa cao, năng lực chưa bộc lộ hết!
Mọi chuyện vẫn còn đang ở phía trước.
Hi vọng các cuộc’’So găng’’ diễn ra trong hòa bình, không có ai ngấm ngầm’’chích Đô ping’’ hay chơi xấu, bất chấp thủ đoạn để đạt mục đích! Mọi người VN đang chờ xem cuộc đấu’’sống mái’’ của những người CSVN , luôn tư coi là dân chủ, văn minh, thống nhất, đoàn kết – tranh giành quyền lực sẽ diễn ra thế nào và kết quả ra sao?!
Có điều : Nhân dân VN thực sự mong muốn có một TBT Đảng, hay một Tổng thống (kiêm luôn cả Chủ tịch nước) có khả năng, có bản lĩnh đảm trách được sứ mạng nặng nề trứơc những thử thách cam go đang de dọa sự tồn vong của đất nước, dân tộc !
Hi vọng này liệu có quá viển vông chăng?
30.8.2013
©Nhiếp Vĩnh Trang
© Đàn Chim Việt
——————————–
(*) – Mời đọc bài kí của nhà văn xứ Nghệ Hồ Sĩ Sênh – bút danh Trường Lam (hậu duệ của cụ tổ Hồ Sĩ Tạo) : ’’Chuyện ở sân sau: Về ông nội và người cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh’’ – theo đường link dưới đây : http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12725&rb=0302
Trường Lam
Chuyện ở sân sau: Về ông nội và người cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Năm 1993, trong tập Trong cõi [1] xuất bản tại Hoa Kì, Giáo sư Trần Quốc Vượng (1934-2005), một trong những sử gia nổi tiếng nhất tại Việt Nam, đã công bố ghi chép của mình từ "Lời truyền miệng dân gian về nỗi bất hạnh của một số nhà trí thức Nho gia!", trong đó phần liên quan đến dòng dõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây nhiều dư luận. Theo đó, tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thêm một phần không được nhắc đến trong sử sách chính thống: Thân sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn là con đẻ nhưng không được thừa nhận của ông cử Hồ Sĩ Tạo, thuộc dòng họ Hồ ở Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Nghệ An. Hồ Chủ tịch, nổi tiếng với tên gọi Nguyễn Ái Quốc trong thời kì hoạt động tại nước ngoài, tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung [2] , tự là Nguyễn Tất Thành, song từ năm 1945 cho đến khi qua đời năm 1969 lại được người Việt Nam và toàn thế giới biết đến với tên là Hồ Chí Minh.

Mới đây, một nhà thơ xứ Nghệ đã nhiệt tình dẫn một cộng tác viên talawas từ Vinh về vùng sơn cước, đến xóm Nghĩa Thái, xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn để tìm gặp ông Hồ Sĩ Sênh (bút hiệu Trường Lam, hội viên Hội Văn nghệ Nghệ An), một người cháu mà theo gia phả họ Hồ, gọi cụ Hồ bằng bác. Khi nghe khách bày tỏ nguyện vọng, ông đến tủ sách, lục đưa cho khách xem bản phô-tô bài bút ký viết tay của ông, nhan đề “Chuyện ở sân sau”, kể về sự thật cuộc đời của ông Hồ Sĩ Tạo, ông Nguyễn Sinh Sắc và hậu duệ. Bài ký này được viết ở Trại viết văn của Hội Văn nghệ Nghệ An đầu năm 2007. Ông Trường Lam cho biết, trong buổi tổng kết trại viết, người ta đã đánh giá rất tốt bài ký này, đã đọc bài ký cho các trại viên nghe. Nhưng là chuyện “huý kỵ”, nên không có báo nào trong nước dám in. Ông Trường Lam đã đồng ý cho chúng tôi công bố nguyên văn bài ký trên talawas. Chúng tôi chân thành cảm ơn ông Trường Lam và hân hạnh giới thiệu cùng độc giả.

talawas
Mọi điều tưởng như đã vĩnh viễn chìm vào bóng đêm của quá khứ mông lung, huyền ảo, có hồn ma bóng quỷ, có những hình nhân vật vờ, thấp thoáng, bỗng rơi vào quên lãng, lặng im…

Người ta thở dài, tiếc những sự thật, hoặc giả là những lời đồn đại không thể xác minh, sẽ mãi mãi chôn vùi… Đột nhiên, một ngọn đèn le lói thắp lên, xua đi bao điều huyễn hoặc, mơ hồ.

Đầu tháng Bảy nhuận (Bính Tuất), quê tôi trời bỗng ào ạt tuôn mưa. Những tưởng mùa thu này rồi vẫn vời vợi cao xanh, nắng đẹp cứ dịu dàng trôi, ai ngờ lại có tuần mưa gió sụt sùi! Giữa ngày mưa như vậy, tôi nhận được tin: Có một vị sư đạo cao đức trọng từ miền Nam ra, đã tìm đến và thắp hương viếng mộ cụ Cố chúng tôi, một Giải nguyên xứ Nghệ. Cụ là người đầu tiên giành được thứ hạng này ở tổng Võ Liệt (Thanh Chương). Thật là may, ngôi mộ mới được xây lại cách đây chưa lâu. Ông bác của chúng tôi, nguyên Giám đốc Học viện An ninh Khu vực II, sau khi nghỉ hưu đã tìm về lo lắng, sửa sang. (Bác là Hồ Nhã Chương, khi làng quê không tồn tại [3] đã đổi tên là Hồ Thanh Chương, cháu nội cụ Hồ Sĩ Tạo, bắt đầu từ bà thứ tư ở Quảng Trạch, Quảng Bình, hiện trú tại 257A, đường Nguyễn Trãi, phường Cư Trinh, TP Hồ Chí Minh).

Vị sư đó là Thượng toạ Thích Chân Quang, sư trụ trì chùa Phật Quang, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông xưng danh là Hồ Chí Việt, chắt nội của cụ Giải nguyên, một đứa con lạc loài, nay tìm về với tổ tông. Đội mưa gió, theo sau xe Thượng toạ là bảy xe chở Phật tử, trong đó có hai xe ca… Chuyện đó thật không ngờ!

Mãi sau ít lâu tôi mới được biết Thượng toạ cũng đã về thăm nhà bia tưởng niệm Đức nguyên tổ Hồ Hưng Dật tại Quỳnh Lâm, thăm nhà thơ họ Hồ tại Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu). Ghi vào sổ vàng lưu niệm của dòng họ, Thượng toạ đã nói rõ mình là: “đứa con lạc loài” nay mới tìm về với gia tộc… Ngoài ra Thượng toạ còn thắp hương viếng mộ cụ Hà Thị Hy và bà Hoàng Thị Loan…

Những điều đột ngột diễn ra khiến tôi không khỏi suy nghĩ về những mối quan hệ huyết thống, dòng tộc đang bền bỉ, âm thầm bén rễ sâu trong tiềm thức con người. Và những kỷ niêm tuổi ấu thơ đã xa lắc xa lơ, đang chìm dần vào bóng tối bỗng nhiên chậm chạp hiện về, hệt như những cuốn phim quay chậm, có quãng mơ hồ, quãng lại hiện rõ như in.


*


Làng Lai Nhã quê tôi nay đã không còn tên trên bản đồ hành chính. Nó bị xoá sổ từ năm 1978 khi người ta tiến hành cuộc cách mệnh “thay trời đổi đất, xếp đặt lại giang sơn”. Ngót ba mươi năm trôi qua bóng dáng làng xưa đâu có dấu ấn gì với thế hệ con cháu bây giờ! Nhưng đối với chúng tôi, những ông già cổ hủ, đêm nó vẫn hiện về trong mơ. Và riêng tôi: một làng Lai Nhã cổ truyền tươi xanh, vẫn nguyên lành bóng dáng êm đềm, hiện hữu đời đời…

Từ nửa cuối Hậu Lê, một nhánh họ Hồ Quỳnh Lưu lập làng ở vùng Cương Gián (Nghi Xuân) cảm thấy thiên nhiên quá khốc liệt, đe doạ cuộc sống, phải bỏ đất tìm nơi khác định cư. Một gia đình họ Hồ như vậy theo ông Đậu Quận Công đến vùng Lòi Nhã, xã Thất Thôn dựng nhà sửa cửa, khai phá đất đai, lập thành một trong bảy thôn của Đậu Quận Công (vùng đất ngày trước đã có người thiểu số sinh sống. Bà nội tôi gọi họ là người Mường. Những địa danh còn lại như Bến Mường, Động Mường… nói lên điều đó. Khi người Kinh tiến vào, họ lập tức rút lui đi.)

Thế hệ sau, họ có con cháu là cụ Hồ Yên Định, làm quan đến hàm tứ phẩm (không qua thi cử) mới đổi thôn thành Lai Nhã, xã Thất Thôn thành Thái Nhã. Con cháu li tổ phải lấy chữ Nhã đệm vào để luôn nhắc nhớ tới quê hương. Khi vua Quang Trung ra Bắc diệt quân Thanh, họ có cụ Hồ Hữu Tiềm đầu quân giết giặc và hi sinh tại Thăng Long (mùng 5 tháng Giêng âm lịch là ngày giỗ). Nhà thờ họ Hồ được cất lên thời đó. Khi giác móng và lấy hướng, ông thầy địa lý người Tàu phán rằng: “Thuỷ đáo từ đường. Hồ gia vi vương”. Ông ta bảo đây là thế đất “Phượng Hoàng ẩm thuỷ”. Thời bấy giờ sông Rộ còn ngoằn nghèo chảy bên phía núi xa, cách nhà thờ chừng non cây số. Biết khi nào nước sông chảy đến cho chim Phượng Hoàng uống?

Trước Cách mạng tháng Tám, họ Hồ Lai Nhã cũng mới chỉ vài chục gia đình nhưng đã có bốn cử nhân và khá nhiều tú tài. Có người khá nổi tiếng như cụ Giải nguyên Hồ Sĩ Tạo.

Làng Lai Nhã với con sông Rộ chảy vòng ôm lấy những vườn cây quả mướt xanh như một nét chấm phá thật thơ mộng và dịu dàng. Tôi có ông chú, con cô của bố tôi, làm chủ nhiệm Khoa Sinh vật, kiêm Bí thư Đảng uỷ Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (chú là Phạm Đức Dục, quê xã Thanh Long, Thanh Chương, cháu ngoại cụ Cử Hồ Sĩ Hạp, gọi Thị lang Phạm Hoàn là bác). Chú bị bệnh tâm thần phân liệt, vợ con nhốt vào một xó… Vậy mà khi tôi tới thăm, ông vẫn còn ước ao được về làng Lai Nhã để đi câu cá. Ông kể chuyện cụ Phủ Tạo và ông ngoại là cử nhân Hồ Sĩ Hạp, nhưng lẫn lộn lung tung… (Về làng Lai Nhã, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Hữu Dụng, cháu ngoại cụ Cử Hồ Sĩ Huấn cũng có ấn tượng rất đẹp.)

Làng tôi có những khu vườn um tùm, rập rạp với vòng ngoài chen đặc song mây, tre nứa và cây cọ cùng những cái tên đặc trưng như: Vườn Cụ Phủ, Cụ Huyện, Cụ Cử, ông Tú, ông đồ… đầy cây ăn quả và bốn mừa líu ríu tiếng chim. Cụ Tạo về hưu đã trồng bốn cây đa ngoài cổng đoài của làng. Có hai cây sau này thành tam quan nhờ một rễ phụ căng ngang, nom rất kỳ thú. Đây là nơi ông Tạo mắc võng nằm vào những trưa hè.

Sau này tôi mới biết, nhờ những khu vườn này mà các bậc cha chú có tiền trọ học thành tài, bởi ruộng đất ở đây rất xấu, chưa nắng đã khô, chưa mưa đã lụt, có thu hoạch được là bao!

Ôi, những khu vườn trong mơ và làng xưa cũng chỉ còn lại trong mơ, nơi đã bay bỗng tuổi thơ tôi, nơi chúng tôi tha hồ quậy phá: trèo bắt tổ chim, tìm hái những chùm quả chín và cắp sách tới trường…

Khoảng mấy năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước, nước sông Rộ vòng về, xói lở một góc vườn nhà thờ và nhà thờ họ Hồ Lai Nhã thấp thoáng soi bóng xuống mặt nước sông trong. Chim Phượng Hoàng ơi! Hãy uống nước đi…



*


Cụ Hồ Sĩ Tạo tự Tiểu Khê, sinh năm 1834 (Tổng tập Văn học Việt Nam tập 19 nói cụ Tạo sinh năm 1831. Cụ Cao Xuân Dục, học trò ông Tạo, trong sách Nghệ An khoa bảng nói ông Tạo sinh năm 1841. Chúng tôi theo người già trong họ nói ông Tạo thọ 73 tuổi và bà Hồ Thị Từ, con út ông Tạo nói bà ra đời lúc cha đã 70 tuổi, lên 3 thì cha mất…, mà suy ra), mất năm 1907, là người tài hoa nổi tiếng cả vùng. Theo gia phả nói thì cụ thuộc phe chủ chiến, chủ trương đánh Pháp tới cùng, nên bị vua Tự Đức đánh hỏng (?).

Trong cuộc đời làm quan, dạy học, giao du với bạn bè khắp vùng, ông Tạo đã có quan hệ gắn bó với năm người phụ nữ. Theo các cụ trong họ (trong đó có cụ Hồ Sĩ Huề) từng kể với cháu con thì:

Người phụ nữ thứ nhất chính là người vợ cả của cụ được gia đình cưới cho ngày còn trẻ. Bà người họ Phan ở xã Xuân Trường (Thanh Chương) và đã cho ông Tạo hai người con trai trưởng thành.

Người phụ nữ thứ hai là bà Hà Thị Hy, còn gọi là cô Đèn, quê ở làng Sài, Nam Đàn. Ông Tạo nổi tiếng khẩu khí, đam mê hát phường vải, ứng đối nhanh và giỏi. Bà Hy là người hát hay, giọng tốt và rất đỗi xinh đẹp. Tài tử gặp giai nhân cũng ví như cá gặp nước, rồng gặp mây. Khi họ quen biết nhau, tuy ông Tạo ít tuổi hơn nhưng đã có vợ và đang dạy học trong nhà họ Hà. Vì quá tài hoa nên mãi năm cô Đèn ba mươi vẫn chưa có đám nào lọt vào mắt xanh… Trai làng không với tới nên họ phong toả, hình thành thế bao vây, không cho con trai nơi khác đến. (Theo bác Hồ Thanh Chương, ông Tạo yêu cô Đèn trước khi có vợ. Bà Hy có thai, ông Tạo về xin cha mẹ được cưới, nhưng gia đình không đồng ý vì đã dạm hỏi đám khác. Cụ Hà Văn Cẩn đành ngậm ngùi gả bà Hy cho ông Nhậm, một ông già lụ khụ.)

Vậy là cái gì phải tới đã tới. Cô Đèn mang thai và ông Nguyễn Sinh Nhậm mồ côi vợ, cheo cô về làm mọn. Năm 1863, bà Hy sinh con trai. Cậu con ông Hồ Sĩ Tạo mang họ Nguyễn Sinh được ông Nhậm đặt tên là Sắc. Nguyễn Sinh Sắc lên 3 tuổi thì ông Nhậm chết. Bà Hy vốn bị người nhà họ Nguyễn Sinh coi là dân “xướng ca vô loài”, nên họ buộc hai mẹ con phải ra sống trong một căn lều ngoài đồng khoai, cạnh làng. Chỉ hơn một năm sau, bà Hy cũng bỏ cậu Sắc mà ra đi. Bà chết trong khổ cực âm thầm và trong sự hắt hủi của gia đình nhà chồng! Con trai làng Sài hối hận, thương người con gái mệnh bạc, đã kéo sang làng Sen làm lễ chôn cất. Chính ông Tạo là người đọc điếu văn.

Cậu Sắc đành phải về dựa vào anh cả để khỏi chết đói. Và dần dà, lên thêm một tí cũng được anh cả cho một buổi chăn trâu, một cuổi cắp sách tới trường. Việc cậu Sắc được đi học cũng nhờ phần lớn ở thầy Tú Vương. Thầy xin anh Thuyết cho Sắc đến lớp mà không phải chịu khoản phí nào. Thầy Vương đã xem tướng tay, xem chữ viết và tấm tắc khen là con nhà nòi: “Nòi xướng ca và nòi nhả ngọc phun châu cô Đèn thầy Tạo… Con hãy cố lên, tài hoa lắm, thầy sẽ giúp…”

Rồi một hôm ông họ Hoàng bên làng Chùa sang làng Sen thăm thầy Tú Vương. Học trò được ra chơi. Đôi bạn trò chuyện với nhau rất lâu. Ngoài chuyện thơ phú, văn chương, thi cử… còn có chuyện cậu bé Sắc. Họ bàn với nhau những gì không rõ. Chỉ biết rằng ít lâu sau, ông Tú Hoàng Đường đến nhà Nguyễn Sinh Thuyết xin được nhận chăm nuôi cậu bé Sắc. Vợ chồng Thuyết mừng rơn. Thuyết còn chút tình người, song vợ Thyết từ lâu hậm hực, căm ghét, sợ phải chia gia tài, phải nuôi tốn kém… nên đã đồng ý liền, coi như trút được hết gánh nặng tội nợ… Ông Hoàng Đường vội mang cậu bé Sắc về ngay.

Ngày xưa, người hiểu biết cũng thường quan tâm tới nòi giống. Ngày nay lại nói tới nguồn gien và tin theo thuyết di truyền. Nguồn gien quý thường được nuôi dưỡng, giữ gìn. Thấy lúa tốt phải hỏi giống gì, thấy con tốt phải xem cha mẹ chúng…

Từ ngày ông Tú Hoàng Đường mang Sắc về, ông trở thành cha nuôi và là thầy giáo của cậu bé. Năm Sắc mười tám tuổi, cậu được ông Đường gả con gái đầu lòng của mình là bà Hoàng Thị Loan, mươì ba tuổi, cho. Ba năm sau bà Loan sinh cô Thanh, bốn năm tiếp sinh cậu Khơm (Khiêm) và vài năm sau nữa lại sinh cậu Côông (Công)…

Người phụ nữ thứ ba (của ông Hồ Sĩ Tạo) là bà vợ kế ở quê nhà. Khi bà cả qua đời, gia đình không người chăm lo, ông Tạo đã cưới người vợ thứ. Bà sinh hạ cho ông một con trai rất thông minh, học giỏi, nhưng chỉ đi thi hộ người khác lấy tiền cờ bạc rượu chè, không màng tới tiến thân.

Người phụ nữ thứ tư là cô gái quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình. Ông nói dối là ông không còn vợ để được cưới bà. Bà con nhà gia thế, nên về sau, khi chuyện vở lỡ, gia đình đã kiện quan về chuyện này. Bà sinh hạ được hai người con trai. Thời gian sau đó, ông Tạo cáo quan về nhà dạy học.

Người phụ nữ thứ năm là một cô gái nghèo ở thôn Nam Lĩnh, cùng xã, nơi ông Tạo dạy học những ngày cuối đời. Hàng ngày cô vẫn thường đi bán chổi đong gạo. Khi có một con gái với ông Tạo, người ta gọi là cô Chổi. Lúc này ông Tạo đã bảy mươi tuổi. Ba năm sau, ông Tạo qua đời. Nhà cũng chẳng có gì, con trai cờ bạc, rượu chè phá phách hết, ông chỉ để lại cho con gái một chiếc áo bông cũ, đắp lấy hơi cha!

Người con gái út này của ông Tạo là bà Hồ Thị Từ (tên khai sanh là Thuyến). Hoà bình lần thứ nhất, bà vẫn sống khoẻ mạnh. Bà lấy chồng họ Tôn. Ông là bác ruột của giáo sư Tôn Tích Thạch. Và vì không có con trai nên đã coi Thạch là con, cho tới 1955, Thạch qua Lien Xô du học. Hơn 7 năm sau trở về thì ông bà đã qua đời. Ông Tôn Quang Phiệt cũng họ này.

Tôi còn nhớ như in mỗi lần bà về quê là đi khắp bà con xóm làng, ăn trầu luôn miệng và nói cười ha hả, rất vui. Bà kể biết bao nhiêu là chuyện, trong đó có chuyện cái huyệt mộ ông Tạo được cải táng. Ông Tạo bị cảm bệnh tại thôn Nam Lĩnh trong xã, con cháu đưa về nhà thì ông qua đời. Ông chết trong lặng lẽ, giữa ngày thời tiết không thuận nên chỉ có xóm giềng biết với nhau. Chỉ khi cải táng (1911) học trò mới làm lễ lớn. Cái huyệt mộ cải táng là do ông Tạo chọn cho mình ngày còn dạy học ở quê vợ, xã Xuân Trường.

Theo bà Từ: Mộ được táng dưới một khối đá ngầm, phải đào hố sâu bên cạnh, khoét ngang rồi đun tiểu sành đựng hài cốt vào, nén đất lại, trên dựng một mộ chí đơn sơ. Bà bảo đó là cái hàm dưới của Miệng Rồng (Chuyện này, khi xây dựng đường điện siêu cao thứ nhất, bác Hồ Nhã Đỉnh, ở Viện Năng lượng, về vùng Nam Đàn giám sát, bác cháu gặp nhau, trò chuyện, bác còn nhắc lại cho nghe lần nữa). Nay bia mộ ông Tạo chỉ là một mảnh đá nhỏ. Phía trên bị đập vỡ chỉ còn lại một chữ thiếu nét và một chữ “Nhã”. Đọc bên phải: “Mậu Thìn Giải nguyên” (ông Hồ Sĩ Tạo đậu Giải nguyên triều Nguyễn, Huế, khoa Mậu Thìn (1868), cùng khoa thi này Hoàng Cao Khải đậu cuối bảng. Theo cụ Hồ Sĩ Huề kể: Có lần ông Tạo ra Hà Nội. Hoàng Cao Khải đã tự tay bưng nước đến để ông Tạo rửa mặt mũi, tay chân. Có lẽ ngoài việc trong vọng, đây còn nhằm mực đích mua chuộc sĩ phu…). Dọc bên trái bia mộ: “Tri phủ Quảng Trạch”. Chính giữa phía dưới: “Hồ Tiểu Khê chi mộ”. Việc cải táng hoàn toàn do học trò ông Tạo tuân theo di huấn của thấy mà làm, rất long trọng, có nhiều vị khoa bảng của hai huyện Thanh Chương, Nam Đàn tới dự (nhưng chắc chắn là không có ông Nguyễn Sinh Sắc. Bởi ông đã vào Kinh nhậm chức theo lệnh vua).

Năm người đàn bà gắn bó với một người đàn ông, chuyện thật khó tin. Chắc ông Tạo tài hoa lắm và cũng đa tình lắm mới cuốn hút được như vậy.

Sách vở ông Tạo để lại đã bị đốt hết trong Cải cách Ruộng đất. Còn sót một tập thơ nhỏ ở nhà cụ Hồ Sĩ Huề, phó giáo sư Ninh Viết Giao đã mượn, nay chắc còn chỗ ông ấy!


*


Cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu cử nhân khoa thi Hương năm Ngọ (1894) tại Trường Nghệ, nhưng trượt khoa thi Hội tiếp theo. Để chuẩn bị cho Sắc vào tiếp khoa thi năm Tuất (1898), ông Tạo suy nghĩ rất nhiều. Các con trong giá thú ở quê chẳng đứa nào nối được chí cha. Thông minh thì cũng có đủ, nhưng lười học, chỉ thích cờ bạc, rượu chè. Duy chỉ có đứa con ngoài giá thú là Nguyễn Sinh Sắc lưu tâm tới việc học hành, không thể để nó bỏ dở sự nghiệp và phụ lòng mong mỏi của bao người. Nghĩ tới đây, ông sai người mài mực, lấy giấy bút viết thư. Ông nhớ tới ông Thượng thư họ Hồ ở An Truyền đã nhận đồng tông với mình. Nhớ tới ông Cao Xuân Dục, một học trò, đang là quan to của triều đình. Đằng nào cũng phải nhờ họ giúp. Xưa nay mình đã nhờ vả họ gì đâu!

Vậy là nhờ có bức thư ấy, mà các vị đại thần họ Hồ, họ Cao ra tay giúp đơc để ông Sắc được vào học Trường Quốc Tử Giám. Đó là việc rất dễ nhận biết: Trường Giám là trường của Hoàng gia, quý tộc, con dân làm sao mà vào nổi?

Ông Sắc vào Trường Quốc Tử Giám mang cả gia đình đi theo, chỉ trừ cô Thanh ở nhà với bà ngoại, làm phận sự thay cho bố mẹ. Vào Huế, ông đổi tên là Nguyễn Sinh Huy. được sự giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần của các vị đại thần quen biết ông Tạo, cùng các quan khác người Nghệ Tĩnh. Bà Loan dệt vải nuôi con. Ở chốn Kinh thành, cuộc sống có dễ dàng gì đâu!

Khoa thi Mậu Tuất, ông Sắc lại rớt. Bà Loan sinh thêm cậu Xin. Và vì quá kham khổ, lao động quá sức, bà lâm bệnh và qua đời cuối năm Canh Tý (1900). Chỉ ít lâu sau, cậu Xin cũng quy tiên theo mẹ. Ba cha con ông Sắc lại dắt díu nhau về Nghệ.

Khoa thi năm Tân Sửu (1901) ông Sắc trúng Phó bảng nhưng không ra làm quan mà xin ở nhà nuôi mẹ già yếu. Thời kỳ này ông lên dạy học ở Thanh Chương. Ông nghĩ mình trước hết phải trọn đạo hiếu với cha mẹ. Nếu không, sao đáng làm người. Giai đoạn đầu ông Sắc dạy học ở nhà thờ họ Lê ở Nguyệt Bổng (nhà thờ này nay vẫn còn ở chân cầu Rộ), sau chuyển sang nhà ông Hàn Kháng, họ Phan ở Võ Liệt - là một họ khoa cử, có người nổi tiếng như tiến sĩ Phan Sĩ Thực - Ngôi nhà này đã bị tịch thu chia cho nông dân trong Cải cách Ruộng đất). Chỗ ở này cách nhà ông Tạo có con sông Rộ nhỏ thó, xắn quần là có thể lội qua. Như các cụ trong dòng họ kể lại thì ông Sắc đã dẫn cậu Công qua chơi với ý định nhận cha, nhưng việc đó chưa kịp làm thì năm 1904 bà đồ An qua đời. Đầu năm 1905, ông Sắc được triệu vào kinh nhậm chức Thừa biện Bộ Lễ do cụ Phan Chu Trinh giao lại. (Việc chưa nhận cha còn có thể do quy ước khắt khe của dòng họ – Ví như cụ Hồ Sĩ Tôn, 2 lần đậu đầu khoa: “Thiên hạ sĩ vọng vã”, “Thiên hạ cống sĩ”, là bố ông nghè Hồ Sĩ Tân. Thời trẻ dạy học ở Hưng Nguyên, có một con trai với cô con dâu nhà ho Bùi. Về sau anh này cùng con mình đều đậu tiến sĩ. Hai cha con về Quỳnh Đôi nhận họ, nhưng vì quy định đó mà không thành. Hai cha con đành đứng ngoài cổng nhà thờ họ, vái lạy rồi quay về. Nên đến nay con cháu vẫn mang họ Bùi…)

Cuộc đời làm quan và phiêu bạt của ông Sắc tính từ đây. Năm 1907, ông Sắc được bổ Tri huyện Bình Khê và chỉ bốn năm sau đã vướng vào trọng tội…

… Bữa đó, ông Sắc đang ngồi tự lự, mượn chén rượu giải sầu, lòng tràn nỗi niềm thương cảm đối với vợ con. Ông tuy làm quan nhưng nhà vẫn nghèo khổ, mái tranh, vách đất, chẳng chút tài sản nào dư dả để nuôi con… Bỗng có lính bẩm báo:

“Thưa quan, mấy gã chống thuế hôm qua lại đến.”

Ông lập tức truyền cả bọn vào và giữa lúc ngà ngà say, ông bảo:

“Bọn bây phải biết rằng, chỉ có vua mới miễn được thuế. Còn ta chỉ có đồng lương ít ỏi phải bù cho số thuế thiếu kia. Ta đã cho người dò la kỹ rồi: Nhà tụi bây còn giàu hơn cả quan đây. Làm ruộng thì phải đóng thuế, chống lại là cớ làm sao?”

Cả đám lập tức nhao nhao nói hỗn, chửi bới, chỉ trích quan tham nhũng, ông Sắc nổi cáu, truyền:

“Lôi ra ngoài đánh bọn chúng cho ta.”

Bọn lính lôi cả đám ra ngoài đánh đập thỏa sức. Bất đồ một người trong bọn trúng chỗ hiểm, lăn ra chết… Lệnh ông ban quên không hạn chế mấy roi, nên bọn lính đã quá tay. Triều đình triệu ông về Kinh chịu tội. Vua phê: “Trảm!”. May nhờ có các ông Thượng thư họ Hồ, họ Cao và Đào Tấn cùng rập đầu xin vua tha chết. Cả ba ông đều tâu vua: “Nguyễn Sinh Huy làm quan thanh liêm, xử án công minh, bốc thuốc chữa bệnh người rất tận tâm… Việc xảy ra chỉ là do sơ suất và bọn lính đã quá tay…”

Vua cũng biết Nguyễn Sinh Huy là quan thanh liêm, không hề có tư túi gì, nên sau một lúc suy nghĩ đành giảm xuống “Trảm giam hậu!” (giam chờ chém sau) và phạt đánh 100 roi. May nhờ có Thượng thư Bộ binh Đào Tấn lo lót cho bọn lính nên được nhẹ đòn và ông Huy thoát chết. “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”. Nhân buổi lộn xộn chưa quyết, nhờ có người ngầm giúp, ông Huy chuồn thẳng! Các cụ già quê tôi, người thì bảo ông cải trang làm phu xe theo đoàn khách thương chở hàng vô Nam, kẻ lại bảo ông xuống một thuyền buôn dông thẳng vào Gia Định. Mỗi người một phách, nhưng cũng chẳng sao. Điều cơ bản là ông Huy đã thoát khỏi cái lưỡi dao thái thịt người đang lơ lửng trên đầu và có thể hạ xuống bất ký lúc nào…



*


Cậu Công gặp lại cha ở một địa điểm kín ở Gia Định, trong một buổi, trước khi cậu xuống tàu đi xa. Dặn dò con xong ông Huy lặn sâu vào giữa vùng Đồng Tháp Mười, chẳng để lại dấu vết nào với người đời, rằng mình đã từng là một Phó bảng thứ thiệt, là ông Huyện Bình Khê…

Ngày ấy Đồng Tháp Mười còn rậm rì năn lác, đường bộ chưa có là bao. Giao thông chủ yếu là nhờ vào những chiếc xuồng tam bản tự tạo của đồng bào sống ở miệt sình lầy. Ông Nguyễn Sinh Huy lặn lội đến vùng Cao Lãnh ngày nay thì dừng lại, ở nhờ một ngôi chùa. Nơi đây ông giấu biệt tông tích của mình, tự xưng là Cụ Vương, hành nghề bốc thuốc chữa bệnh.

Nhà Phật vốn chủ trương “cứu nhân độ thế”, các sư cũng luôn làm nhiệm vụ bốc thuốc chữa bệnh cho dân. Bấy giờ làm gì có bệnh viện hay hiệu thuốc ở những vùng sâu, xa như thế. Thấy Cụ Vương giỏi y thuật, lại sống độc thân nên các sư rất mừng, lưu cụ ở luôn tại chùa để giúp đỡ bao nông dân nghèo khó đang hàng ngày vất vả kiếm sống và cũng vất vả chống lại tật bệnh, ốm đau. Phong trào chống thuế ở miền Trung đang nổi lên rần rần, nên nhà vua cũng làm ngơ luôn cái án của ông Tri huyện Bình Khê. Vậy là ông Nguyễn Sinh Huy được triều đình “bỏ quên”.

Chẳng bao lâu, cái tiếng của vị thầy thuốc giỏi, lại nhân từ, sẵn sàng chữa bệnh không công cho người nghèo, theo những chiếc xuồng nhỏ, len lỏi trên sông nước, trên kênh rạch lan truyền đi khắp vùng. Người ở xa chở con bệnh tới để chữa trị hoặc mua thuốc mang về. Người gần mời cụ ngồi xuồng tới nhà bắt mạch điều trị. Nhà nghèo cụ miễn luôn mọi khoản. Đức độ của cụ hoà vào nước Đồng Tháp Mười, thấm sâu vào đất đai, tạo nên vựa lúa bạt ngàn hôm nay…

Có lần chữa trị dài dài, cứu được mấy mạng người trong một gia đình, giúp họ thoát khỏi dịch bệnh, ông già Mai Nhuận trả ơn bằng cách gả cô con gái út của mình cho ông Vương.

“Không dám…”, Ông Vương cười. Chữa bệnh cứu người là công việc hàng ngày, tôi đã nguyện theo đuổi suốt đời, đâu dám mong có ân huệ đền đáp. Cô nhà đây còn nhỏ tuổi hơn cả con trai út của tôi. Nhận lời cụ chẳng hoá ra tôi là thằng khốn nạn hay sao?

“Chúng tôi không quan tâm tới việc thiên hạ dư luận, chỉ cần cụ nhận lời và nuôi cháu là nhất định gia đình sẽ có ngày mở mày mở mặt. Nó đến với cụ cũng đã sung sướng cho bản thân nó. Công việc nấu nướng, chợ búa… giúp cụ chuẩn bị thuốc men, so với việc đồng áng khác nhau một trời một vực, việc gì nó chẳng làm được. Cụ đừng lo…”

Năm ấy, ông Sắc đã ngoại lục tuần. Cô gái họ Mai mới ngoài hai mươi, nhỏ hơn cậu Công.

Ít lâu sau cuộc tình duyên muộn mằn ấy, cậu Vương Chí Nghĩa chào đời (1927). Ông Vương Chí Nghĩa là bố của Vương Chí Hùng và Vương Chí Việt cùng năm người con gái khác. Theo Thượng toạ Thích Chân Quang, khai sinh lấy họ Vương, nhưng trong tiềm thức, trong gia phả là họ Hồ. Cụ Vương dặn như vậy. Lấy họ Vương là để che mắt kẻ thù. Việc rời Đồng Tháp lên Tây Nguyên cũng là vậy. Phải tránh sự khủng bố, truy bắt, bảo vệ mình và mở ra con đường kiếm sống lâu dài. Thượng toạ Thích Chân Quang sinh ở Tây Nguyên tháng 12.1959. Tốt nghiệp đại học Khoa tiếng Anh, xuất gia năm 1980 cùng chị gái là Hồ Thị Minh Nguyệt, hơn ông hai tuổi.

(Ngày làm lễ Nhập hồn Tượng cho vua Hồ Quý Ly và nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại nhà thờ họ Hồ Quỳnh Đôi, Thượng toạ Thích Chân Quang cười nói với tôi: “Em viết việc tìm họ của anh đơn giản và dễ dàng quá! Thật ra là bọn anh phải dằn vặt, đau khổ, đi xác minh cẩn thận, có thu âm, ghi hình đầy đủ, người ta mới công nhận. Những người trông coi Khu di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp cứ một mực bảo ông Sắc không có vợ lẽ ở đây! Anh sẽ ghi lại cụ thể chuyện này gửi em sau. Báo để em biết, anh đã đến thăm chú Hồ Thanh Chương, tình cảm của chú cháu là vô cùng nồng ấm.” Thượng toạ đã đối chiếu gia phả và gọi tôi là em, mặc dù tôi nhiều tuổi hơn.)


*


Việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lấy họ Hồ làm họ mới của mình có gì giống với con cháu cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp nhận mình là dòng dõi họ Hồ không? Điều đó chắc chắn chúng ta đã vĩnh viễn không còn được biết. Trong mịt mờ quá khứ xa xăm, trăm ngàn mối quan hệ chằng chịt, đan xen, không ghi âm, chụp ảnh, không quay phim, ghi chép… làm sao lần mò ra được?

Cuốn Ngục trung nhật ký của Bác với 132 bài thơ (từ số 1 đến 133, nhưng bài số 100 chỉ có tên bài đề “Liễu Châu ngục” mà không có thơ), mở đầu bằng bài “Khai quyển”, kết thúc là bài “Kết luận” (Nay sách in mới, bài “Kết luận” được thay bằng bài “Mới ra tù tập leo núi”, một bài Bác ghi bên lề tờ Nhật báo Quảng Tây, không phải làm ở trong tù). Bài “Kết luận”, Bác viết:

Hạnh ngộ anh minh hầu chủ nhiệm
Như kim hựu thị tự do nhân
“Ngục trung nhật ký” tòng kim chí
Thâm tạ hầu công tái tạ ân.

(Tạm dịch: May mắn được gặp Chủ nhiệm họ Hầu sáng suốt. Mà nay tôi lại là người tự do, “Ngục trung nhật ký” từ nay chấm dứt. Cảm tạ sâu sắc ơn tái tạo của ông Hầu.)

Hầu công mà Bác nhắc ở đây là ông Hầu Chí Minh, thiếu tướng, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Hoa Nam của Quốc dân Đảng, người rất mực mến phục Bác, đã can thiệp tích cực để Bác thả ra, trở về lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. Điều đó cũng chứng minh rằng, nơi nào trên trái đất này cũng có người tốt!

Cái tên mới của Bác, ta có thể đoán mò một cách không chắc chắn rằng, Bác lấy tên người đã dũng cảm cứu mình để làm kỷ niệm. Tên ông là “Sáng Suốt” và việc làm của ông dành cho Bác cũng rất sáng suốt. Còn cái họ thì xin chịu. Liệu có sự dặn dò nào của cụ Phó bảng từ một ngày rất xa, khi hai cha con còn sống bên nhau không?

Bác đi bôn ba thế giới “tìm đường cứu nước”, trải qua một vòng trái đất và mãi hơn 50 năm sau mới về lại quê nhà. Ý định nhận cha, nhận họ của cụ Phó bảng ngày dạy học ở nhà ông Hàn Kháng… cũng chưa thực hiện được. Vào Huế làm quan rồi trốn mãi vào miệt sình lầy Đồng Tháp, cụ không có điều kiện trở về. Ông Hồ Chí Nghĩa cũng vậy, không thể về bởi binh lửa liên miên và đất nước chia cắt. Chỉ mãi hôm nay Thượng toạ Thích Chân Quang mới hoàn thành việc đó.

Từ ngày cụ Phó bảng đi làm quan đến ngày Thượng toạ Thích Chân Quang tìm về, thời gian dài hơn thế kỷ. Chúng tôi lấy làm tiếc, nhà thờ họ Hồ Lai Nhã đâu còn ở chốn xưa! Ngày di dân, lòng tôi như vừa chịu một trận động đất mạnh 9 độ rich-te. Dân quân cả huyện ào ào đến dỡ làng kéo đi, hệt như chạy loạn. Hàng chục chiếc máy ủi màu đỏ son gầm gừ húc cây cối đổ ngổn ngang, san phẳng mọi vườn tược mà không có pháp luật nào giải thích, không một xu đền bù giải toả!... Cha con, anh em, họ hàng phải chia lìa nhau. Người bốc được thăm ở cuối rừng, kẻ bốc được thăm nằm đầu xã, cách nhau ba bốn cây số là chuyện bình thường. Mối quan hệ tộc họ từ ngàn xưa bị rạn vỡ. Nhà thờ họ vốn có vườn riêng đầy cây trái, nay đột nhiên không có đất đứng, phải hốt vào trong hẻm núi sâu, nơi bác tộc trưởng bắt được thăm, phong cảnh thật u ám, thê lương. Thật tiếc, trong thời khắc bối rối ấy, con cháu ở quê cũng không dám đấu tranh đòi cho nhà thờ họ một chỗ xứng đáng! Con cháu đi xa muốn tranh thủ về thăm quê cũng khó khăn. Vùng chân Trường Sơn mưa nhiều hơn nơi khác, đường sá không một tấc nhựa, lầy lội, nhớp nháp bởi thứ đất mến người, lại trèo đèo lội suối quanh co, khúc khuỷu. Anh em bà con nghèo túng hơn, về vài ngày là không thể đi thăm hết được, mà có về cũng vất vả lắm! Thôi đánh chịu lỗi với Tổ Tiên!

Thượng toạ Thích Chân Quang về đúng những ngày mưa tháng bảy. Sau khi dâng hương viếng mộ cụ Hồ Sĩ Tạo xong, mấy chú cháu trong họ, những người đi đón bàn nhau: Xin Thượng toạ hoãn việc về thăm nhà thơ họ Hồ Thanh Khê lại, vì đường quá xấu, xe không vào được. Nếu đi lỡ gặp tai nạn, thật là không nên… Và Thượng toạ đã đồng ý.

Chúng tôi chép toàn là chuyện ở sân sau. Người ta nói: Đời là một sân khấu lớn với hàng ngàn vở diễn, bi có, hài có… ồn ào và sôi động trải ra. Đó là ở sân trước. Sân sau khác hơn. Nó âm thầm, lặng lẽ… Nhưng có lẽ xin được dừng lại ở đây. Dã sử vốn có chỗ dị đồng với chính sử là thế! Cũng với khoảng thời gian chưa xa, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có buổi trò chuyện thân mật với một số con cháu họ Hồ. Chắc rằng mọi chuyện vẫn chưa phải đã hết. Còn có những điều sâu kín, dài dài, chưa thể nói ra, nhưng cũng rất con người, đang ở sân sau…

Mong ông bà, chú bác, anh em… cùng hương hồn Liệt Tổ Liệt Tông tha thứ cho.

Mùa xuân Đinh Hợi (2007)

(Địa chỉ: Hồ Sĩ Sênh, xóm Nghĩa Thai, xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn, Nghệ An. ĐT: 0383 785248)

© 2007 talawas



[1]Trăm Hoa xuất bản, California 1993, 288 trang (các chú thích trong bài đều của talawas)
[2]Các cách ghi âm khác: Nguyễn Sinh Côông, Nguyễn Sinh Côn, Nguyễn Sinh Công
[3]Do dời làng lên núi để làm kinh tế
Hồ Sĩ Sênh
Về bài kí “Chuyện sân sau”
 
Bài kí “Chuyện ở sân sau: Về người cha và ông nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của ông Trường Lam Hồ Sĩ Sênh được talawas chọn đăng, sau khi toà soạn được biết rõ bối cảnh của bài viết và tác giả. Chúng tôi đánh giá bài kí này là một nỗ lực nghiêm túc và chân thành nhằm tìm hiểu thêm về những chi tiết có thể còn chưa sáng tỏ trong tiểu sử của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những nhân vật lịch sử quan trọng của Việt Nam mà thân thế còn những mảng chưa được chính thức công khai trước công luận. Về một số phản hồi sau bài kí này, chúng tôi xin giới thiệu sau đây ý kiến của ông Trường Lam Hồ Sĩ Sênh.
talawas
Nam Đàn, 01/ 11/ 2007

Thân ái cùng độc giả talawas,

Bài kí “Chuyện ở sân sau: Về người cha và ông nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh” được giới thiệu trên talawas chưa lâu thì tôi đã nhận được nhiều cú điện thoại của bạn bè gần xa nhắn về. Qua điện thoại, tôi thấy có một số bạn đọc qua loa nên hiểu sai vấn đề.

Vì vậy tôi xin trình bày lại một số ý sau:

1.

Tôi là con cháu họ Hồ, từ bé đã được nghe kể khá nhiều chuyện của họ tộc và một số nhân vật liên quan, nhưng khi tất cả đang chìm vào dĩ vãng, không còn được ai nhắc đến thì thượng toạ Thích Chân Quang tìm về... Những gì tôi viết hoàn toàn nghiêm túc và đúng đắn.

2.

Có người hỏi căn cứ vào đâu mà nói ông Nguyễn Sinh Sắc là con ông Hồ Sĩ Tạo? Thưa, thượng toạ Thích Chân Quang đã ghi vào sổ vàng lưu niệm tại nhà thờ đại tộc Hồ ở Quỳnh Đôi: Ông là con cụ Hồ Chí Nghĩa, cháu nội cụ Nguyễn Sinh Sắc, chắt cụ Hồ Sĩ Tạo... Bút tích này đã có ở thị trường băng đĩa và nội san họ Hồ in ở Vinh đã chụp lại rõ ràng.

Đầu tháng Bảy Đinh Hợi này, thượng toạ lại ghi vào sổ vàng lưu niệm tại nhà thờ họ Hồ Thanh Khê, nhà thờ cụ Hồ Sĩ Tạo lần nữa... Trước tôi chỉ nghe kể nên không thể viết, nhà văn Sơn Tùng cũng dừng lại... không thể viết ra cụ thể.

Nay tôi ghi lại thì có gì là quan trọng?

3.

Tôi là con rể làng Sen, bà mẹ vợ người họ Nguyễn Sinh. Ông bà sinh sau thời điểm Bác rời Bến Nhà Rồng, chỉ cách nhà Bác 300m, và đã qua đời. Nhưng mấy chục năm qua không phải không được nghe kể đôi điều về gia đình Bác, huống nữa nhà văn Sơn Tùng đã viết nhiều trong Búp sen xanh.

4.

Có người nói tôi nói xấu Bác Hồ? Thưa rằng: Bác là vĩ nhân, là cha già dân tộc, người sáng lập Đảng, mặt trận, nhà nước, quân đội, là người cầm lái xuất sắc nhất con thuyền cách mạng Việt Nam. Kẻ thù trước đây cũng không nói xấu được, huống chi tôi? Trước Bác tôi đâu dám nhận quàng làm người họ tộc? Mà chỉ nêu hai điểm:
  • Về họ: Tôi nói điều này đã vĩnh viễn không còn được biết, chẳng có sự dặn dò nào của cụ Phó bảng.
  • Về tên: Tôi đoán mò rằng Bác lấy tên người đã dũng cảm cứu mình ra khỏi nhà tù... để làm kỉ niệm và chỉ có vậy thôi!
5.

Về thượng toạ Thích Chân Quang: ông là nhà sư đức cao vọng trọng, là người truyền giảng đạo Phật trên nhiều vùng đất nước, luôn gắn đạo với đời và mong cuộc đời ngày một tốt hơn. Người như vậy làm sao có sự khuất tất? Thanh Khê chúng tôi là vùng nghèo, miền núi đi lại khó khăn vậy mà thượng toạ vẫn tìm về dâng hương ở nhà thờ họ và nhà thờ cụ Giải nguyên Hồ Sĩ Tạo. Con cháu trong họ rất trân trọng và quý mến cái tâm của thượng toạ.

6.

Kí của tôi là dã sử, nó có chỗ khác với chính sử. Dã sử chỉ để tham khảo mà thôi!

7.

Những bạn đọc góp ý, khen ngợi, bổ sung... tôi xin trân trọng ghi nhận. Tôi là một “phó thường dân”, ai gọi tôi bằng gì cũng được, tôi không hề nhận một xu nào của ai... Nhưng những kẻ gọi vị giáo sư sử học tên tuổi, đáng kính là “thằng này, thằng nọ, đồ này đồ nọ”... “nhận đôla rồi bịa đặt...” thì tôi coi là thiếu giáo dục, là vô học và xin được miễn tranh cãi và trả lời.

8.

Bài kí của tôi chỉ giới thiệu duy nhất trên talawas. Những báo và những ai không có sự đồng ý của tôi đã trích đăng, nhào nặn, bóp méo, thêm thắt... kí tên tôi để phục vụ cho những mưu đồ đen tối và mục đích chính trị bẩn thỉu, tôi cực lực phản đối.

Tôi viết sự thật không chứa đựng một ý đồ nào. Vì uy tín của tờ báo, tôi kính đề nghị talawas phát biểu chính kiến của mình.

Lần nữa xin chân thành. Cảm ơn bạn đọc

Trường Lam Hồ Sĩ Sênh 
 

Hết thời Chu Vĩnh Khang?

Chu Vĩnh Khang
Chu Vĩnh Khang được cho là đồng minh thân cận nhất của Bạc Hy Lai trong Thường vụ Bộ Chính trị

Rất ít nhân vật gây chia rẽ ở Trung Quốc như ông Chu Vĩnh Khang, ông hoàng phụ trách bộ máy an ninh của nước này.

Ông Chu, vốn là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa trước hiện đã nghỉ hưu, được cho là đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc điều tra về tội tham nhũng.

Thậm chí ngay cả ông Bạc Hy Lai, người vừa ra tòa hồi tuần trước về tội tham nhũng, nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực, cũng không khiến người ta có những cảm nghĩ sâu sắc như trường hợp của ông Chu.

Trùm an ninh

Từ những giếng dầu ở miền đông bắc lạnh giá của Trung Quốc, ông Chu đã leo dần lên đến Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyết sách tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Khi còn ở đỉnh cao quyền lực, ngân sách nhà nước chi tiêu cho bộ máy an ninh và tư pháp của ông Chu còn nhiều hơn chi tiêu cho quốc phòng, y tế và giáo dục.

“Trong nội bộ Đảng, ông ấy (Chu Vĩnh Khang) được cho là có công đảm bảo ổn định và giúp cho Đảng tránh bị sụp đổ,” một nguồn tin giấu tên thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc nói với hãng tin Anh Reuters.

Trong khi đó, ông Hồ Giai, một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Trung Quốc, thì nhận xét hoàn toàn trái ngược: “Không ai có thể kiểm soát ông ta. Không ai có thể đụng đến được ông ta.”

Hồ Giai bị kết tội hoạt động lật đổ chính quyền hồi năm 2008. Một trong số các nguyên do là ông đã có một loạt bài viết kêu gọi đem Chu Vĩnh Khang đi treo cổ vì bị một loạt cáo buộc vi phạm nhân quyền.
"Trong nội bộ Đảng, ông ấy (Chu Vĩnh Khang) được cho là có công đảm bảo ổn định và giúp cho Đảng tránh bị sụp đổ."
Một nguồn tin giấu tên thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc
Hôm thứ Sáu ngày 30/8, nhật báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng có trụ sở ở Hong Kong đưa tin ông Chu đang bị điều tra về tham nhũng.

Mặc dù thông tin này khó lòng kiểm chứng nhưng chính quyền Trung Quốc cho thấy họ đang xử lý người từng được ông Chu đỡ đầu tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).

Ông Chu đã thăng tiến dần qua các chức vụ trong ngành dầu khí cho đến khi lên đến chức giám đốc điều hành của CNPC vào giữa những năm 1990.

Hôm Chủ nhật ngày 1/9, chính quyền loan báo rằng ông Tưởng Khiết Mẫn, chủ tịch của CNPC cho đến tháng Ba năm nay, đang bị điều tra vì ‘vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng’. Đây là cách nói của Đảng Cộng sản Trung Quốc thường dùng cho tội tham ô.

Ông Tưởng hiện đang là người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các doanh nghiệp nhà nước.

‘Số phận chấm hết’

Bất kỳ hành động điều tra nào nhằm vào ông Chu cũng là một việc chưa từng xảy ra ở Trung Quốc bởi vì chưa có bất cứ một ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị nào, dù là đang tại nhiệm hay đã về hưu, từng bị ngồi tù vì các tội danh kinh tế kể từ khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền tại Trung Quốc vào năm 1949.

Chu Vĩnh Khang khi còn tại vị
Chu Vĩnh Khang từng là một trong 9 thành viên lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc

“Tôi nghĩ Chu Vĩnh Khang rõ ràng là đã gặp chuyện. Chính xác là chuyện gì thì tôi không biết nhưng người ta nói với tôi rằng số phận ông ấy là chấm hết,” ông Tony Saich, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Quản lý Kennedy của Đại học Harvard.

Sinh trưởng ở tỉnh Giang Tô gần Thượng Hải vào lúc mà cuộc xâm lược của Nhật Bản đang ở cao trào vào năm 1942, Chu Vĩnh Khang gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc khi còn là sinh viên tại Học viện Dầu khí Bắc Kinh.

Sau nhiều năm công tác trong lĩnh vực dầu khí và các bộ có liên quan, Chu được giao cho cai quản tỉnh Tứ Xuyên rộng lớn ở tây nam trước khi được cất nhắc lên làm bộ trưởng công an vào năm 2002 và sau đó vào Thường vụ Bộ Chính trị năm năm sau đó để phụ trách Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Đảng.

Các lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đã rất ấn tượng trước thành tích phụ trách an ninh của Chu mặc dù các cuộc nổi loạn và biểu tình vẫn lan rộng ở Trung Quốc do sự bất mãn với hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng rộng, ô nhiễm môi trường, cưỡng chế đất và tình trạng tham nhũng của các quan chức.

Ông Hạ Quốc Cường, người từng đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương Đảng, hồi năm 2002 đã từng nhận xét ông Chu là ‘sáng suốt, sáng tạo, táo bạo và tập trung’

Cho đến năm 2007, ông Lý Nguyên Triều, người lên kế nhiệm ông Hạ, đánh giá tình hình an ninh dưới thời của ông Chu là ‘một trong những thời kỳ tốt nhất trong lịch sử’.

Bạc Hy Lai ra tòa
Sau Bạc Hy Lai, sẽ đến lược Chu Vĩnh Khang bị điều tra?

“Công lao của Chu Vĩnh Khang không nhỏ,” nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc nói.

Ông Chu từng cảnh báo rằng quá trình phát triển của Trung Quốc cần sự ổn định và trật tự. Ông nói rằng giữ gìn ổn định là ‘nhiệm vụ số một của chính phủ’.

Liên hệ với Bạc?

Chính vì vậy mà ông Chu đã tạo ra rất nhiều kẻ thù trong cộng đồng nhân quyền mặc dù nhỏ nhưng rất quyết liệt của Trung Quốc.

Ông truy tố bất cứ ai mà ông cho rằng có thể gây hại đến ổn định, trong đó có các thành viên Pháp Luân Công và các nhà hoạt động dân chủ như ông Lưu Hiểu Ba, người đạt giải Nobel Hòa bình.

“Chu phải chịu phần lớn trách nhiệm cho việc các vấn đề pháp lý dậm chân tại chỗ trong vòng 10, 20 năm qua. Thật ra, mọi thứ đã đi lùi,” Ngãi Vị Vị, nhà bất đồng chính kiến bị bắt giữ suốt 81 ngày mà không có cáo trạng hồi năm 2001, nói.

Ông Chu vẫn duy trì mối liên hệ gần gũi với ngành công nghiệp dầu khí ngay cả khi ông vào Thường vụ Bộ Chính trị.

Trong những năm gần đây ông cũng góp phần trong việc thúc đẩy và điều phối các thỏa thuận về đường ống cung cấp khí đốt từ các nước láng giềng Trung Á như Tukmenistan và Kazakhstan.

“Ông Chu luôn dõi theo các hoạt động trong ngành. Ông ấy quan tâm và ủng hộ ngành từ vị trí cao,” một quan chức dầu khí giấu tên nói.
"Tôi nghĩ Chu Vĩnh Khang rõ ràng là đã gặp chuyện. Chính xác là chuyện gì thì tôi không biết nhưng người ta nói với tôi rằng số phận ông ấy là chấm hết. "
Tony Saich, chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Quản lý Kennedy của Đại học Harvard
Rắc rối bắt đầu xảy đến với ông Chu hồi năm ngoái.

Các tin đồn cho rằng ông đã do dự trong việc trừng phạt Bạc Hy Lai, cựu bí thư Thành ủy Trùng Khánh.

Trước khi ông Bạc sa cơ, Chu Vĩnh Khang đã đề xuất cho Bạc lên thay ông ở Ủy ban Chính pháp, một số nguồn tin ẩn danh trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết.

Bộ máy an ninh của ông Chu cũng hứng chịu một thất bại ê chề hồi năm ngoái khi nhà hoạt động khiếm thị Trần Quang Thành có thể trốn thoát khi đang bị quản thúc tại gia và bỏ chạy đến Tòa đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh.

Vụ tai tiếng đó đã khiến cho chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào và người kế nhiệm ông là ông Tập Cận Bình, phải đặt bộ máy an ninh và tình báo dưới sự kiểm soát chặt chẽ hơn.

Khi ông Chu kết thúc nhiệm kỳ tại Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng hồi tháng 11 năm ngoái, vị trí của ông cũng bị giáng cấp.

Mạnh Kiến Trụ, bộ trưởng Công an khi đó, đã lên thay ông Chu. Tuy nhiên ông Mạnh chỉ là ủy viên Bộ Chính trị chứ không được vào Thường vụ Bộ Chính trị.
(BBC)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét