Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Bài đáng chú ý: ‘Đảng đang thụt lùi hơn là cải cách’ - Rủi ro nhất của khủng hoảng kinh tế là để xã hội bất ổn

Võ Văn Tạo - Đâu chỉ chuyện thay tên nước?


Chuyện tên nước
Tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 28-9, Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng nói: “Có ý kiến muốn lấy lại tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhưng tuyệt đại đa số nhân dân vẫn chọn tên nước là Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Theo Tổng Bí thư Trọng, giữ tên nước như hiện nay để “phòng bên ngoài, thế lực xấu lợi dụng đổi tên nước để làm việc khác, chứ không phải muốn trở lại với Bác Hồ”(!), và “đây là một bước tiến, vì chúng ta đang đi lên CNXH, chứ không dừng lại ở cách mạng dân tộc dân chủ”, và “chỉ có con đường CNXH mới giải phóng dân ta khỏi ách nô lệ”(?!).
Thật lạ! Chẳng lẽ “vốn liếng tư duy” của một GS-TS từng cầm chịch Hội đồng lý luận quốc gia chỉ sơ sài có vậy.
Những người có tìm hiểu lý luận Mác – Lê Nin đều biết câu kinh điển: “thực tiễn là thước đo chân lý”. Một phần tư thế kỷ trước, người dân (trong đó có không ít lãnh đạo cộng sản) Liên Xô và Đông Âu – “quê hương của Cách mạng Tháng Mười”, “cái nôi, thành trì của phe XHCN” – quá ngán ngẩm cái gọi là “con đường XHCN” (theo tiếng Việt, phải nói là con đường XHCN mới chuẩn, không phải con đường CNXH như cử nhân văn chương Nguyễn Phú Trọng nói) sau nhiều thập niên chịu đựng và trả giá, đã bừng tỉnh và đoạt tuyệt mê lộ này. Hơn nửa thế kỷ bị cưỡng bức theo con đường XHCN, đời sống kinh tế - xã hội ở các quốc gia này bỗng chốc thay đổi 180 độ, thời kỳ đầu không tránh khỏi xáo trộn, khó khăn. Nhưng chỉ có rất ít những kẻ hưởng đặc quyền đặc lợi thời XHCN, hoặc lẩm cẩm, trì trệ, quen dựa dẫm… nuối tiếc cái quá khứ đầy rẫy dối trá và nghẹt thở ấy. Chỉ sau khoảng một thập niên thoát khỏi “vòng kim cô” của điện Cremlin, nhiều quốc gia Đông Âu tiến bộ rõ rệt về đời sống kinh tế - xã hội – chính trị, đủ điều kiện gia nhập Liên minh châu Âu; các đảng cộng sản ở các nước này (ban đầu một số nước cấm hoạt động để tránh bất ổn) hiện nay vẫn teo tóp tồn tại, nhưng chẳng kiếm được mấy lá phiếu qua các kỳ bầu cử dân chủ và minh bạch. Chính việc đảng cộng sản và nhiều đảng đối lập khác vẫn tồn tại và hoạt động công khai cho thấy các quốc gia này về cơ bản mang bản chất dân chủ.
Trừ CNXH kiểu trại lính theo mô hình và ý đồ của Polpot, xã hội bao giờ cũng gồm nhiều giai tầng khác nhau, có quyền lợi và tư tưởng, khát vọng phong phú. Một đảng phái chính trị chỉ đại điện cho một giai tầng nhất định. Vì vậy, làm sao có thể nói có bản chất dân chủ ở một quốc gia với thiết chế chỉ duy nhất một đảng chính trị được hoạt động?
Việc Pháp, Nhật chấm dứt ách cai trị, Mỹ rút khỏi Việt Nam chỉ thuộc phạm trù độc lập hay lệ thuộc, không thuộc phạm trù dân chủ hay độc tài. Theo quan niệm phổ cập của nhân loại, một quốc gia chỉ có thể được coi là dân chủ khi pháp luật quy định và việc thực thi pháp luật luôn đảm bảo các đảng phái chính trị, các tôn giáo, các tổ chức nghiệp đoàn, các hội đoàn nhân dân được tự do thành lập và hoạt động; việc bầu cử và quá trình xây dựng luật pháp cơ bản phản ánh trung thực nguyện vọng của đa số cử tri; tự do báo chí, tự do tư tưởng và ngôn luận được tôn trọng; trong khuổn khổ pháp luật, bộ máy công quyền phục vụ lợi ích và ý chí của các tầng lớp nhân dân, dễ dàng bị dân phế truất nếu hoạt động kém hiệu quả.
Căn cứ các đặc điểm trên, đối chiếu với thực tiễn ở ta, một cách trung thực và thẳng thắn, chỉ có thể nói nền dân chủ như nhân loại quan niệm đang là khát vọng cần vươn tới của Việt Nam. Chưa nói toàn xã hội, ngay trong nội bộ Đảng CSVN, không phải hiện nay không ít lãnh đạo cấp cao vẫn khẳng định tệ mất dân chủ trong đảng là phổ biến đó sao?
Về độc lập dân tộc, từ Hội nghị Thành Đô tháng 9-1990, lãnh đạo Đảng CSVN tự ngả vào vòng tay Bắc Kinh (biện bạch cho chủ trương tệ hại ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và nhiều lãnh đạo Đảng CSVN biện bạch để giữ XHCN), mà theo nhận định của người trong cuộc là Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ là “mở ra một thời kỳ Bắc thuộc mới đầy nguy hiểm”. Mỗi dịp dự kiến nhân sự chủ chốt trước đại hội đảng, Hà Nội đều phải dò ý Bắc Kinh. Sau đại hội, lại tức tốc sang bẩm báo. Chỉ ai thần kinh “có vấn đề” mới nói Việt Nam thật sự có độc lập. Chưa mấy người quên sự kiện Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch – một trong rất ít nhân sự cấp cao của Đảng CSVN có tư duy thực tế, tầm nhìn xa trông rộng và sáng suốt - bị loại khỏi Bộ Chính trị để vừa lòng Bắc Kinh. Lúc ấy, máu đồng bào, chiến sĩ Trường Sa và biên giới phía Bắc chưa khô. Lãnh đạo quốc gia còn chẳng thoát ách nô lệ, nói chi đến dân đen?
Thời Pháp thuộc, chỉ có vài chục nghìn người phải đi lính cho Pháp trong chiến tranh thế giới thứ nhất và tha hương cầu thực. Trong khi đó, từ khi tên nước đổi thành Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1976, theo đường “xuất khẩu lao động” (người dân huỵch toẹt: “vì đô, nên mới phải làm la”), hàng triệu người tha hương cầu thực, hàng triệu người vượt biên, hàng trăm nghìn phụ nữ bôn ba bán mình làm dâu xứ người (ngôn ngữ bất đồng, làm sao có tình yêu?).
Rõ ràng, trước thực tế hiển nhiên ấy mà vẫn nói “chỉ có CNXH mới giải phóng dân ta khỏi ách nô lệ”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quả có biệt tài hài hước!
Đâu chỉ chuyện thay tên nước?
Tên nước có cần gắn với CNXH hay không, là điều phải bàn.
Nhưng vấn đề cốt tử lại không nằm ở đó.
Xét trình độ phát triển và hiệu quả sản xuất, năng suất lao động, thu nhập quốc dân và bình quân đầu người, giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo, tạo công bằng qua tái phân phối thu nhập, đảm bảo phúc lợi công cộng và an sinh xã hội, mức độ minh bạch và dân chủ trong đời sống chính trị - xã hội… nhiều quốc gia Bắc Âu rõ ràng mang đậm đặc điểm XHCN (theo lý thuyết Mác - Lê Nin) hơn hẳn Việt Nam bội phần. Nhưng tên nước của họ đâu có gắn với cụm từ XHCN? Thậm chí một số nước còn mang cái tên có vẻ khá “lạc hậu” như “Vương quốc Na Uy”, “Vương quốc Thụy Điển”, “Vương quốc Đan Mạch”… Dám chắc một điều, nếu tổ chức trưng cầu dân ý một cách tự do và trung thực sau khi có tự do ngôn luận, dân ta (tất nhiên, trừ quan chức hủ bại, tham nhũng) chắc chắn sẽ chọn con đường các nước Bắc Âu đã và đang đi.
Lại nữa, nghèo đói lạc hậu, nghẹt thở dưới ách tập đoàn quân phiệt suốt nhiều thập niên, Miến Điện lúc nào chẳng kè kè kèm cụm từ XHCN trong tên nước đó sao?
Đất nước tiến nhanh hay chậm, ngoài nhận thức và thái độ của nhân dân, tư duy chính trị của giới cầm quyền có ảnh hưởng rất lớn. Theo cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu – một chính khách luôn thiện chí với Việt Nam - , “Việt Nam đang bị nhốt trong ý thức hệ XHCN”. Cái ý thức hệ XHCN mà ông Lý Quang Diệu nói ở đây là cái vòng kim cô đang thắt trên đầu nhiều lãnh đạo Đảng CSVN, bóp nghẹt mọi tư duy sáng tạo. Theo đó, để duy trì thể chế XHCN, Việt Nam phải giữ độc quyền lãnh đạo của Đảng CS bằng mọi giá, kiên quyết không chấp nhận đa nguyên, đa đảng, không chấp nhận tự do tư tưởng. Hậu quả là triệt tiêu nhiều nguồn lực tư duy xã hội lẽ ra có thể đóng góp tích cực cho đất nước. Không có đối thủ chính trị, không cần phải cạnh tranh, Đảng CSVN không có nhu cầu tìm người xuất chúng cho vai trò thủ lĩnh. Theo quy luật tâm lý, lãnh đạo kém cỏi, tham nhũng chẳng dung nạp người dưới quyền giỏi giang, trong sạch. Không một ai trong lãnh đạo Đảng CSVN phủ nhận tình trạng tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm tệ hại đã thành quốc nạn trong giới đảng viên chức quyền. Nhưng Đảng CSVN lại khăng khăng không chấp nhận tam quyền phân lập để có thể giám sát, chế ước quyền lực nhằm hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Một số vị trông mong ở phê bình và tự phê bình có thể cứu đảng, khác nào hy vọng con người ta có thể tự túm tóc mà nhấc mình khỏi bùn lầy? “Chiến dịch” phê và tự phê, lấy phiếu tín nhiệm trong lãnh đạo vừa qua đang biến thành những câu chuyện tiếu lâm khôi hài trong nhân dân. Báo chí, ngôn luận chỉ được phép một chiều tụng ca đảng, tô hồng chế độ, Đảng CSVN làm sao thấy được vết nhọ trên mặt? Thông tin bị bưng bít, kiểm soát, định hướng khắc nghiệt, không chỉ nhân dân mà ngay chính lãnh đạo Đảng CSVN cũng khó biết được sự thật mọi vấn đề. Sự thật đôi khi là liều thuốc đắng. Nhưng dân ta từ lâu đã chẳng sáng suốt đúc kết: “thuốc đắng dã tật” đó sao?
Bao giờ thoát vòng kim cô?
Nghiền ngẫm lịch sử hình thành và sụp đổ của hệ thống phe XHCN trên quy mô toàn cầu, người viết bài này cho rằng, chính tư duy sai lầm và xơ cứng về CNXH của lãnh đạo các đảng cầm quyền là nguyên nhân cơ bản, chứ chẳng phải thế lực thù địch trong ngoài nào gây ra. Suy ngẫm đó cũng phù hợp với triết học (trong đó có triết học Mác – Lê Nin) khi quả quyết rằng bản thân sự vật tự thân vận động là chính, là cơ bản; yếu tố khách quan bên ngoài, có chăng, chỉ là xúc tác.
Muốn phát triển kinh tế, phải tuyệt đối tuân thủ các quy luật kinh tế, chớ có “thêm nếm” “gia vị” quan điểm chính trị, xã hội… như món “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Chỉ khi kinh tế thật sự giải phóng được mọi nguồn lực, vận hành đúng quy luật, cho hiệu quả tốt, mới có tiền đề để thực hiện các mục tiêu chính trị - xã hội tốt đẹp như công bằng và an sinh xã hội. Bản chất chế độ tốt đẹp hay không, chính là đây.
Thời chống Mỹ, người Việt Nam không mấy ai không biết câu nói nổi tiếng của Fidel Castro: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Thế nhưng giờ đây, dù biết là Cuba đang khó khăn thiếu đói lương thực lắm đấy, nhưng thi thoảng Việt Nam cũng chỉ giúp được mỗi bận dăm ba nghìn tấn gạo. Có thấm tháp là bao so với viện trợ không hoàn lại của các quốc gia giàu mạnh và các định chế tài chính quốc tế (thành viên chủ yếu là các nước phi XHCN) cho quốc gia “thù nghịch” Việt Nam? Nếu Việt Nam cũng giàu mạnh như Mỹ, Nhật, Đức… hay chí ít cũng như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan… có lẽ chẳng muối mặt giúp Cuba chỉ “tượng trưng” có vậy. Chính phủ Việt Nam cũng muốn người dân vùng sâu, vùng xa sớm có đời sống khấm khá, mọi trẻ em đủ cơm ăn, áo mặc và được đến trường. Nhưng kinh tế bết bát, tham nhũng, lãng phí tràn lan, tiền đâu?
Một khi cứ khư khư kinh tế nhà nước (cha chung chẳng ai khóc) là chủ đạo, làm sao kinh tế tránh khỏi bết bát? Những Vinashin, Vinalines… “ăn hại đái nát, phá gia chi tử”, chẳng lẽ chưa đủ sáng mắt?
Một khi cứ khư khư độc quyền cai trị hà khắc, trấn áp nghiệt ngã tự do và nhân quyền, làm sao tháo ngòi nổ bức xúc xã hội? Tất cả những chủ trương, biện pháp phản khoa học ấy đều từng được Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu khác vận dụng, thậm chí một số nước như CHDC Đức, Rumani, Liên Xô… còn “bàn tay sắt” chẳng kém Việt Nam, nhưng kết cục thế nào thì mọi người đều biết.
Người viết bài này đã từng đề cập trong bài “Bức tranh CNXH giàu sinh lực của ông Trần Hữu Phước”, nêu rõ tư duy sai lầm về CNXH theo khuôn mẫu của điện Cremlin tại Đại hội 81 đảng cộng sản và công nhân thế giới (Matxcova – 1960). Theo đó, một quốc gia chỉ được coi là mang bản chất XHCN khi có các đặc trưng cơ bản: do đảng cộng sản (hoặc dưới các tên khác, nhưng đều lấy chủ nghĩa Mác – Lê Nin làm hệ tư tưởng thống soái) cầm quyền; mọi công cụ và tư liệu sản xuất chủ yếu thuộc sở hữu nhà nước; xóa bỏ giai cấp bóc lột (chủ thuê lao động), xã hội chỉ tồn tại giai hai cấp công nhân và nông dân; tổ chức và điều hành nền kinh tế theo phương thức chỉ huy, kế hoạch hóa, tập trung; làm theo năng lực, hưởng theo lao động; không có sự đối lập, khác biệt giữa thành thị với nông thôn, giữa lao động chân tay với lao động trí óc.
Hơn nửa thế kỷ đã qua, thế giới trải bao biến động kinh thiên động địa, hệ thống phe XHCN đã sụp đổ hoàn toàn gần ¼ thế kỷ, nhưng có vẻ như không ít lãnh đạo cấp cao của Đảng CSVN vẫn còn mắc kẹt trong cái tư duy cũ kỹ và sai lầm ấy, giam hãm đất nước trong vòng tụt hậu, độc đoán.
Chẳng lẽ chỉ khi bị thực tiễn câu thúc, dồn sát bờ vực thẳm như trước Đại hội VI -1986, hoặc bức xúc xã hội bùng phát như Liên Xô và Đông Âu hồi thập niên 1980, họa chăng các lãnh đạo thủ cựu trong Đảng CSVN mới tỉnh cơn mê?
Võ Văn Tạo
(Quê Choa)

Giáo sư Ngô Vĩnh Long - ‘Đảng đang thụt lùi hơn là cải cách’

(Phần bóc tiếng phỏng vấn GS Ngô Vĩnh Long)

Giáo sư Ngô Vĩnh Long
Lời dẫn của BBC: Đảng Cộng sản Việt Nam đang thụt lùi hơn là đổi mới và tiến bộ qua cách thức mà Đảng và chính quyền sắp công bố bản Hiến pháp sửa đổi cũng như điều hành đất nước giai đoạn hiện nay, theo nhà nghiên cứu Việt Nam học từ Hoa Kỳ.

Trao đổi với BBC hôm 28/9/2013, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, từ Đại học Maine, cho rằng Đảng đang làm ‘mất thời gian’ của nhân dân và các giới trong xã hội khi cố tình trì hoãn cải tổ thể chế, chính trị qua việc tiếp tục không “gạt bỏ” điều 4 về vai trò độc tôn của Đảng Cộng sản lãnh đạo nhà nước và toàn thể xã hội ra khỏi Hiến pháp.
Cách làm mà theo nhà quan sát là vừa ‘thiếu tính chân thực’ và có dấu hiệu ‘mị dân’ làm cho Việt Nam tiếp tục thụt lùi.
Học giả từ Hoa Kỳ cũng đưa ra bình luận về sự ra đời của bản “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị” mới đây của một nhóm trí thức, nhân sỹ, quần chúng và các nhà hoạt động.
Ông cho rằng tuy chưa phải là hình thức của một tổ chức xã hội dân sự, tuyên bố là một dấu hiệu cho thấy một bước tiến, phong trào và đòi hỏi mạnh mẽ về nhu cầu của một xã hội dân sự đích thực ở Việt Nam.
Mở đầu cuộc trao đổi, GS Ngô Vĩnh Long bình luận về việc liệu bản Hiến pháp sửa đổi sắp được Quốc hội Việt Nam thông qua tới đây có mang tính chất cải tổ thực sự, căn bản hay là không.
——–
Dưới đây là phần bóc tiếng, do Diễn đàn Xã hội Dân sự thực hiện.
GS Ngô Vĩnh Long (NVL): Hiến pháp tôi nghĩ nó sẽ không có một cái thay đổi gì cơ bản thật sự nếu không gạt bỏ cái Điều 4 Hiến pháp. Mà cái vấn đề này chúng tôi đã nói trước khi cái Hiến pháp năm 1992 ra đời và sau đó tôi cũng đã có những ý kiến về vấn đề đó. Bởi vì nếu mà để Đảng trên Hiến pháp, để Đảng trên tất cả các tổ chức khác ở trong nước thì không có thể sửa đổi được bởi vì đảng viên tất cả mọi cấp sẽ dùng cái quyền lực của mình để mà đẩy mạnh cái quyền lợi cá nhân của họ hay là lợi ích nhóm của họ. Cho nên nếu mà kỳ này Quốc hội mà thông qua một cái sửa đổi mới mà không thực chất thay đổi như tôi mới vừa nói thì tôi nghĩ rằng là nó không đi đến đâu.
PV: Thưa giáo sư, nếu như mà không có cái sự thay đổi cơ bản then chốt mang tính chất đột phá như vậy thì trên dưới một năm qua người ta tiến hành những cái cuộc thăm dò này nọ kia khác về những sửa đổi như thế bản Hiến pháp thì liệu có làm mất thời gian của nhân dân và trong xã hội hay là không, hay là họ có dụng ý gì ạ?
GS NVL: Tôi nghĩ rằng là họ trước hết mất thì giờ của nhân dân và tưởng rằng là qua cái vấn đề đó là mị dân được nhưng mà tôi nghĩ rằng là làm như vậy thực ra càng làm cho nhân dân thấy rằng là họ không được tôn trọng. Cho nên theo tôi nghĩ rằng là nếu mà không thay đổi thực sự thì nên hoãn lại, hoãn lại để cho có thể có những cái tranh luận sâu sắc hơn chứ còn mà đi ra làm cái vấn đề lấy ý kiến theo cái kiểu như họ đã làm rất là tốn công mà thực chất là không có cái gì mà có vẻ là dân chủ.
PV: Thưa giáo sư, có ý kiến của một số những nhà quan sát họ cho rằng có thể là trong cách làm về Hiến pháp lần này là có thể Đảng đã có sẵn một cái bản Hiến pháp ở trong túi của mình rồi nhưng mà họ mở ra cái cuộc Hiến pháp sửa đổi như thế này thực chất ra là lấy một cái cớ thôi sau đó thì họ vẫn công bố cái kịch bản mà họ đã có thì bình luận của giáo sư như thế nào?
GS NVL: Tôi thì thực chất tôi cũng không hiểu rõ rằng là có như thế hay là không nhưng mà tôi nghĩ rằng là nếu mà người ta thăm dò ý kiến và nếu mà thấy không có một cái sự phản đối ý … mà tôi nghĩ rằng là họ có nhiều bản khác nhau chứ không phải chỉ có một bản. Thành ra nếu mà cái sự tranh đấu của nhân dân đó đến mức nào đó thì họ sẽ tùy đưa ra những cái bản mà họ thấy rằng là thích hợp với hiện tại. Nhưng cái vấn đề Hiến pháp không phải vấn đề thích hợp với các ý kiến của người dân hay là ý kiến của những người trong …(không nghe rõ, phổ thì phải) hiện tại. Vấn đề Hiến pháp là vấn đề lâu dài cho đất nước, không ai làm về Hiến pháp chỉ một hay là hai thập kỷ là phải thay đổi bởi vì như vậy nó là vô ích.
PV: Gần đây trong một cái bình luận ở trên BBC về câu chuyện quyền lực và chính trị ở Việt Nam đó thì một giáo sư sử học Việt Nam là ông Vũ Minh Giang có nói rằng là một trong những chìa khóa then chốt của đổi mới Việt Nam những cải tổ hiện nay đó là cái vấn đề về kiểm soát quyền lực. Nhưng theo ông nếu như mà cái Điều 4 vẫn không thay đổi trong Hiến pháp thì cái câu chuyện về cái kiểm soát quyền lực thực sự đó nó có hiệu quả hay là không?
GS NVL: Tôi nghĩ rằng là hiệu quả nó không có, trước hết vấn đề kiểm soát cái quyền lực là phải để cho người dân kiểm soát. Mà người dân kiểm soát thì người dân phải có tự do để mà nói lên cái ý kiến của họ. Mà không những cái tự do mà nói lên ý kiến bởi vì nói mà không có cái quyền lực để bắt các cơ quan chính phủ thi hành thì không đến đâu. Cho nên là phải làm sao cho người dân có thể thiết lập các cơ chế dân sự để có thể kiểm soát được các cái cơ quan chính quyền. Mà trong đó báo chí nữa, bởi vì báo chí thật ra là nhiều nước trên thế giới nói là báo chí là một cái gì giúp cho dân chủ. Nhưng nếu mà báo chí bị các cơ quan chính quyền dùng để mà đánh nhau thì cái đó vấn đề cũng không phải là dân chủ, tưởng là của dân chủ nhưng không phải là dân chủ. Thành ra cuối cùng có thể nói báo chí ở các nước Tây phương như là Mỹ, Pháp này kia là có chức năng kiểm soát nhưng mà tôi nghĩ báo chí ở Việt Nam bây giờ chưa có chức năng kiểm soát. Có thể một vài báo, tờ báo họ muốn làm như thế nhưng họ làm tất nhiên những người ký giả, chủ bút sẽ bị đuổi đi ngay nên trong hiện tại báo chí không có chức năng làm như vậy. Khi mà báo chí không có chức năng làm như vậy người dân phải có cái quyền qua các thiết lập các xã hội dân sự.
PV: Thưa giáo sư, vừa rồi cũng xuất hiện ở trong nước và trên mạng đấy một cái tuyên bố về thực thi cái quyền dân sự và chính trị với chữ ký của rất nhiều người thuộc các giới khác nhau tham gia. Theo giáo sư cái sự kiện này nó có một cái ý nghĩa gì, nó có một cái tác động gì đối với tình hình chuyển biến về chính trị xã hội Việt Nam và cải tổ Việt Nam hay không thưa giáo sư?
GS NVL: Cái sự kiện này tôi nghĩ rằng là nó là một cái bước đầu, trước hết là những người ký cái bản này là những người đã có một cái tiếng nói nào đó ở trong xã hội, nếu không ở Việt Nam thì ở nước ngoài. Cho nên khi mà họ ký vào đây thì tôi nghĩ rằng là họ rất là cẩn thận và họ nghĩ đây là bước đầu để tranh luận, để nói lên những cái gì mà người dân muốn phát biểu. Nhưng mà như tôi vừa mới nói nó chỉ là một bước đầu thôi là bởi vì đấy là một diễn đàn, nó chưa phải là một tổ chức dân sự có thể dần dần đưa đến các tổ chức dân sự để mà người dân có thể bảo vệ quyền lợi của họ nhưng mà bây giờ chưa có.
PV: Thưa giáo sư, gần đây một thời gian thì cũng có một hội thảo của một nhóm cá nhân đấy của học giả về nghiên cứu Việt Nam trong đó họ có đặt vấn đề cải tổ của Việt Nam thực sự nó đi về đâu. Thì qua những quan sát tới nay thưa giáo sư, riêng phần cải tổ về mặt chính trị và thể chế Việt Nam nó có tiến được thêm bước nào không, nó có nhúc nhích hay không hay là nó vẫn giẫm chân tại chỗ hay thậm chí tụt lùi thưa giáo sư?
GS NVL: Những người mà tổ chức hội thảo tôi nghĩ rằng là họ nghĩ rằng là có cái thụt lùi. Thật ra thì ở trong nước có một cái thời gian có một cải tổ đặc biệt là từ năm 86 hay có thể nói năm 1989 trở đi, một phần là lý do lúc đó tình hình xã hội và kinh tế trong nước rất là khó khăn nhất là vì cái áp lực của Trung Quốc cũng như chiến tranh ở Campuchia. Cho nên Đảng và Nhà nước nghĩ rằng là phải cải tổ thì lúc đó thì nhiều người ở trong nước tranh thủ và như anh đã thấy từ năm 1989 cho đến năm 2004, 2005 thì có những cái tiến bộ rõ ràng. Nhưng tiến bộ đó là vì chính phủ nghĩa là thối lui và không đẩy những cái chính sách mà nó cản trở vấn đề phát triển trong đất nước. Nhưng mà thực sự thì cái thời gọi là thời đổi mới đó là không đưa ra được những cái cơ chế gì mới để có thể bảo vệ cái quyền lợi của người dân trong lâu dài. Đáng lý ra những cái thời đổi mới từ năm 1989 cho đến năm 2005 ý là phải có thiết lập những cái cơ chế để có thể bảo vệ cái quyền lợi của người dân. Nhưng mà thực ra cái lúc đó là không làm được cái vấn đề đó, lúc đó chỉ là cái chính sách của chính phủ cởi mở hơn thôi là bởi vì áp lực của người dân thì họ cởi mở. Nhưng mà sau khi cái áp lực của người dân nó ít đi nhất là bởi vì vấn đề kinh tế thì nó tăng trưởng lên thì các nhóm lợi ích trong nước bắt đầu hình thành với sự liên kết, với các quyền lợi của các nước ngoài thành ra họ bắt đầu họ không để ý đến người dân nữa bởi vì quyền lợi của họ như họ nói là dính với người nước ngoài, càng ngày họ càng đi ngược lại với lợi ích của dân chúng. Thành ra từ năm 2006 đến nay thì đúng là có sự thối lùi và bây giờ phải cần có một đổi mới nếu mà không thì tôi nghĩ rằng là sẽ gây rất là khó khăn cho xã hội, các cơ chế, nhiều cơ chế ở trong nước có thể bị tan rã.
PV: Giáo sư có nghĩ rằng là ekip lãnh đạo hiện nay của Đảng và chính quyền Việt Nam dường như là cố gắng nhiều hơn để Đảng có thể trì thủ cái quyền lực của mình hơn là đổi mới thực sự về dân chủ cho đất nước?
GS NVL: Thật ra bây giờ có nhiều phe nhóm lắm cho nên nói như vậy cũng rất là khó. Nhưng mà tôi nghĩ rằng là những cái người mà lo toan cho đất nước thì chia ra làm 2 nhóm, những người mà không vì lợi ích cá nhân của họ hay là lợi ích nhóm của họ thì cái chuyện đó khác nhưng mà những người mà lo cho đất nước thì tôi thấy là có 2 nhóm chính. Một nhóm là muốn làm sao đổi mới cho nhanh và một nhóm kia thì là muốn đổi mới nhưng mà sợ đổi mới nhanh quá nó dẫn đi đến loạn hay là đổ vỡ thì bây giờ họ cùng phân vân. Nhưng mà tôi nghĩ thời gian rất là ít cho nên 2 nhóm mà tôi nghĩ có thể đổi mới đó mà muốn đổi mới thì tôi nghĩ rằng là họ phải cùng nhau sớm đưa đến những cải cách có lợi cho đất nước và cho khu vực nữa. Bởi vì nếu mà Việt Nam bị loạn lên hay là bị khó khăn thì toàn khu vực cũng sẽ bị khó khăn nhất là trước cái sự đe dọa của Trung Quốc.
PV: Vừa nãy giáo sư có nói áp lực của đổi mới Việt Nam năm 1986 đấy thì chính là cái áp lực trong nước. Đối với hiện nay thì nó có cái áp lực gì không từ phía của nước ngoài, của môi trường quốc tế đó đối với Việt Nam. Hay là quốc tế cũng thấy rằng đấy chỉ là câu chuyện nội bộ Việt Nam thôi, Việt Nam muốn giải quyết cái gì là do Việt Nam và quốc tế không nên can thiệp?
GS NVL: Nó tùy quốc tế là như thế nào? Nếu mà mình nói quốc tế trong đó có Trung Quốc hay Campuchia hay một vài nước khác thì những cái nước đó muốn làm áp lực với Việt Nam không đổi mới để họ có thể đẩy mạnh cái lợi ích của họ mà nhiều nhóm và nhiều người trong nước lại nghĩ rằng có cái quan hệ với Trung Quốc thì giữ được cái lợi ích của họ còn các cái nước khác thì họ không muốn Việt Nam bị khó khăn nhưng mà đằng khác đi nữa thì họ sợ rằng nếu mà đẩy Việt Nam vào một cái tình trạng mà nó bị động mà Việt Nam yếu đi thì cũng có thể là xảy ra khó khăn cho toàn khu vực.  Cái chính sách ví dụ như chính sách của Mỹ chẳng hạn là muốn có Việt Nam hợp tác với các nước khác trong ASEAN để mà làm sao cùng chung bảo vệ cái an ninh của khu vực thì cái đó là cái chính sách mà tôi nghĩ là của Mỹ khi Mỹ nói về vấn đề xoay trục trở lại vùng Đông Nam Á. Mà Mỹ không thể nói thẳng với Việt Nam được vì giữa Mỹ với Việt Nam có vấn đề lịch sử, có vấn đề chiến tranh, mà vấn đề chiến tranh là cả 2 bên vẫn còn nhớ, nhất là dân chúng 2 bên vẫn còn nhớ cho nên vấn đề này rất là tế nhị cho nên Mỹ muốn làm sao có một cái tổ chức ASEAN có sự hợp tác của các nước lớn ở trong đó chứ không hẳn tất cả mọi nước. Nếu mà như vậy được thì nghĩa là sẽ giúp cho Mỹ và một số nước khác như là Nhật hay là Hàn Quốc để có thể là cùng chung với các nước ASEAN này, bảo vệ cái an ninh ở trong khu vực. 

Ai là lãnh đạo Việt Nam?


Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xác định quyền lãnh đạo đất nước nằm trong tay Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng này đã cai trị đất nước từ năm 1945, khi Việt Nam tuyên bố độc lập và một thời gian đã có chính phủ liên hiệp do Hồ Chí Minh thành lập với nhiều đảng tham gia nội các.
Nhưng cách tổ chức nhà nước hiện nay thì ba lãnh đạo to nhất nước, Chủ tịch Nước, Tổng Bí thư, Thủ tướng, cũng như các bộ trưởng đều là lãnh đạo cao cấp trong Đảng Cộng sản.
Ở miền Bắc, trước đây có Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ít nghe đến Tổng Bí thư. Chỉ có Lê Duẩn là Bí thư thứ Nhất cùng với người nắm chức Thủ tướng là Phạm Văn Đồng.
Sau khi ông Hồ qua đời năm 1969, Lê Duẩn trở thành Tổng Bí thư, một chức vụ quyền hành nhất, giống như cách tổ chức nhà nước ở Liên bang Xô Viết, mà thời Chiến tranh Lạnh thế giới nghe nhiều đến các Tổng Bí thư Nikita Khrushchev, Leonid Brezhnev, Yuri Andropov và Mikhail Gorbachev.
Việt Nam trong giai đoạn từ 1969 đến 1986 vai trò của Chủ tịch Tôn Đức Thắng hay Trường Chinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng lu mờ trước Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Khi Lê Duẩn qua đời, Đại hội VI của Đảng vào năm 1986 công bố chính sách đổi mới với bộ ba lãnh đạo có quyền ngang nhau. Có giai đoạn việc phân chia quyền hành còn căn cứ vào yếu tố Bắc Trung Nam để ba miền đều có đại diện trong thành phần lãnh đạo cao nhất nước.
Vai trò của Chủ tịch Quốc hội cũng đang được nâng tầm. Trước đây quốc hội chỉ như con mộc cao su đóng vào những nghị quyết hay dự luật do Đảng đưa xuống.
Nay Quốc hội đã có những đòi hỏi thanh tra công việc của cơ quan nhà nước và gần đây đã thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số bộ trưởng do những sai phạm trong công việc, nổi cộm nhất là vụ tổng công ty Vinashin.
Trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, mà thực tế không có lựa chọn “bất tín nhiệm”, đã có kêu gọi đòi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức vì cách điều hành yếu kém đưa đến thất thoát hàng trăm triệu đô-la trong Vinashin. Nhưng ông Dũng không từ chức, mà qua vụ bỏ phiếu này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã củng cố lại vị trí của mình.
Có nhận định rằng văn hoá từ chức không có trong giới lãnh đạo Việt Nam. Điều này đúng với lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Dũng không từ chức vì Đảng không muốn. Cũng như trước đây Thủ tướng Phan Văn Khải đã muốn từ chức vì những chính sách cải cách của ông đề ra không được đẩy mạnh thực hiện. Nhưng Đảng cũng không cho ông từ chức.
Như thế hiện nay ai thực sự có quyền tại Việt Nam: ông Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Tấn Dũng hay ông Nguyễn Phú Trọng? Câu hỏi này có lẽ lãnh đạo của nhiều quốc gia cũng đặt ra. Vì có đến ba người đồng quyền hành chính trị, lãnh đạo các nước sẽ không biết phải mời ai hay tiếp xúc với ai nếu có những quan hệ cần bàn giữa hai quốc gia.
Tại những nước không cộng sản mà theo chế độ tổng thống hay chế độ đại nghị thì vai trò của người lãnh đạo rất rõ.
Ở Mỹ, Pháp, Nam Hàn, Philippines, Mexico, Indonesia thì tổng thống có quyền hành cao nhất. Trong khi đó ở hệ thống đại nghị như Đức, Nhật, Anh, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ thì quyền hành trong tay thủ tướng.
Với tổ chức lãnh đạo của Việt Nam cũng như ở các nước cộng sản còn lại, lãnh đạo các quốc gia không cộng sản khó có thể mời Tổng Bí thư vì không phải người tương nhiệm.
Tổng thống Mỹ đã mời Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, nhưng chưa bao giờ mời Tổng Bí thư vì Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh hay Nguyễn Phú Trọng vì chỉ là người đứng đầu đảng, không phải đại diện cho một quốc gia.
Năm 2000 Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sang Pháp và được Tổng thống Jacques Chirac chính thức đón tiếp long trọng khiến có dư luận phản đối vì không đúng với nghi thức ngoại giao.
Dù không là người đại diện quốc gia nhưng vai trò của các Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu đã có tính lấn át quyền hành của Chủ tịch hay Thủ tướng, điển hình như khi Thủ tướng Phan Văn Khải muốn ký kết giao thương với Hoa Kỳ đã bị Tổng Bí thư Đỗ Mười cản.
Đến nay Đảng Cộng sản đã cầm quyền 58 năm, dài gần bằng cả một đời người.
Trong hơn nửa thế kỷ đó lãnh đạo cộng sản đã làm được những gì? Kể ra thì nhiều thành tích chiến thắng quân sự: đánh đuổi người Pháp năm 1954, đánh bại người Mỹ năm 1975 và chống lại Trung Quốc xâm lược năm 1979.
Đạt thành công chiến trường, nhưng xây dựng đất nước thì chưa được bao nhiêu. Gần bốn mươi năm từ ngày thống nhất, nước Việt Nam vẫn ì ạch sau nhiều nước lân bang về nhiều mặt từ kinh tế, giáo dục, công nghệ cho đến văn hoá, xã hội, chính trị.
Chậm phát triển có lẽ vì Việt Nam thiếu một người lãnh đạo giỏi và có quyền trong thời bình. Trong thời chiến chỉ một người quyết định chính sách là Lê Duẩn với quyết tâm giải phóng miền Nam bằng quân sự đã thành công.
Sau hai thập niên bị cô lập vì Hoa Kỳ cấm vận, Việt Nam đang trên đường hội nhập kinh tế toàn cầu và nay đang có những đòi hỏi cải cách chính trị hầu nâng cao vị thế Việt Nam trên chính trường quốc tế.
Tuy nhiên Hà Nội thường biện luận rằng duy trì độc đảng sẽ có ổn định để đất nước phát triển hơn là đa đảng gây xáo trộn và có nhắc đến thời độc tài ở Nam Hàn với Park Chung Hee, Singapore với Lý Quang Diệu hay Đài Loan với họ Tưởng.
Nhưng Park Chung Hee với Đảng Tân Dân chủ, Lý Quang Diệu với Đảng Nhân dân Hành động hay Tưởng Giới Thạch, Tưởng Kinh Quốc với Quốc Dân đảng là những lãnh đạo có nhiều quyền nên những quyết sách của họ đã đưa đất nước tiến lên và chuyển hoá sang tự do dân chủ.
Còn Việt Nam trong những thập niên qua nếu có lãnh đạo nào đưa ra những quyết sách thay đổi thì lại gặp lực cản ngay trong Bộ Chính trị vì ý thức hệ, vì tranh giành lợi ích cá nhân nên đẻ ra tham nhũng như Lý Quang Diệu đã có nhận xét về Việt Nam trong cuốn sách “One Man’s View of the World” của ông mới xuất bản năm nay.
Thời đại toàn trị tại Việt Nam kéo dài đã hơn nửa thế kỷ. Đã đến lúc nên có cải tổ cơ chế cho Việt Nam.
Một thể chế mới với quyền hành dành cho Thủ tướng là đại diện đảng chiếm đa số trong một một Quốc hội do toàn dân bầu chọn, trong đó có đại biểu của ít nhất hai đảng đối lập nhau, giống như ở các nước theo dân chủ đại nghị. Thủ tướng cũng kiêm luôn vai trò chủ tịch của đảng cầm quyền. Còn Chủ tịch Nước là vị Nguyên thủ, đại diện cho quốc gia trong các nghi lễ, ký kết các qui ước ngoại giao với bên ngoài.
Một nước Việt Nam tự do dân chủ sẽ hoà nhập với xu thế thời đại và được thế giới nể trọng.
Bùi Văn Phú
© 2013 Buivanphu
(Blog Bùi Văn Phú)

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Sâu tham nhũng đang biến thành bạch tuộc

Gs Nguyễn Minh Thuyết
Đại hội XI của Đảng đã xác định “tích cực phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng” là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và nêu nhiều biện pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) còn rất hạn chế. Vậy, nguyên nhân từ đâu và cần có những biện pháp như thế nào để thực hiện nhiệm vụ Đại hội XI đã chỉ ra? Hà Nội Ngày nay có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.


Tham nhũng… cơ chế, chính sách

* Tham nhũng đang làm chậm sự phát triển kinh tế-xã hội, làm suy giảm giảm nghiêm trọng lòng tin của nhân dân vào nhà nước. Giáo sư đánh giá thực trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay như thế nào?

- Tham nhũng ở nước ta đang diễn ra phức tạp. Quy mô các vụ tham nhũng ngày càng lớn, thể hiện ở lượng tài sản bị chiếm đoạt và số người vi phạm ngày càng tăng. Tính chất tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, thể hiện ở xu hướng liên kết, hình thành tổ chức phạm tội ngày càng rõ rệt. Việc PCTN ngày càng bộc lộ những lỗi hệ thống khó khắc phục. Bất chấp các biện pháp tổ chức và tuyên truyền – giáo dục, số vụ việc tham nhũng được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra còn rất ít. Các vụ việc được vạch ra chủ yếu nhờ báo chí, nhờ người dân hoặc bị vỡ lở do ăn chia không đều, khiến nội bộ mâu thuẫn, “vạch áo cho người xem lưng”. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng không chỉ lúng túng mà còn chưa nghiêm… Đó là những nét chính về tình trạng tham nhũng hiện nay.

* Vì sao việc tố cáo tham nhũng ở nước ta còn rất hạn chế, thưa giáo sư?

- Theo khảo sát mới đây của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, số người Việt Nam khẳng định sẵn sàng tố cáo tham nhũng thấp nhất Đông Nam Á. Đó là vì số người mất niềm tin vào quyết tâm phòng chống tham nhũng của nhà nước ngày càng tăng lên. Người ta mất lòng tin vì thấy tuyên truyền rầm rộ nhưng kết quả chỉ bắt được mấy con mèo; trong khi người đấu tranh chống tham nhũng thì bị trả thù, không biết tránh đâu cho thoát. Quan sát một số quyết định bất hợp lý từ các cơ quan nhà nước, người ta cũng thấy thấp thoáng hình bóng của các nhóm lợi ích. Nếu tham nhũng đã là con đẻ của cơ chế thì chống nó có nghĩa là lấy trứng chọi với đá. Đó là những lý do khiến ít người muốn mua dây buộc mình.

* Một hình thức tham nhũng rất khó phát hiện đó là tham nhũng cơ chế, chính sách. Giáo sư nhận định thế nào về hành vi tham nhũng này?

- Hai năm liền, kết quả khảo sát dư luận người dân của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đều xếp cảnh sát giao thông đứng đầu danh sách tham nhũng. Nhiều anh em trong lực lượng cho rằng điều đó không công bằng. Nói như thế cũng đúng, vì tuy có gây bức xúc cho dân nhưng tham nhũng của mấy anh cảnh sát ngoài đường làm sao so được với tham nhũng của những anh ngồi phòng máy lạnh vạch chính sách. Tham nhũng chính sách, tức là ban hành chính sách, pháp luật vì lợi ích nhóm, chính là loại tham nhũng lớn nhất, tệ hại nhất. Nếu ví cán bộ tham nhũng với những con sâu làm rầu nồi canh thì tham nhũng chính sách cho thấy con sâu đã trở thành con bạch tuộc chi phối kinh tế và tác động vào chính trị.

Chính vì đánh giá được mối nguy từ loại tham nhũng này mà tại phiên họp cuối tháng 8 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Chu Sơn Hà (Hà Nội) đã chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường về vấn đề ban hành chính sách, pháp luật vì lợi ích nhóm. Điều đó cho thấy tham nhũng chính sách không chỉ là dư luận mà đã được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Hà Hùng Cường không khẳng định, cũng không phủ nhận sự tồn tại của loại hình tham nhũng mới, mặc dù câu hỏi của đại biểu chỉ gói gọn trong phạm vi ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài các văn bản trao đặc quyền, đặc lợi cho nhóm lợi ích của mình, những người tham mưu, người có quyền còn có thể đưa ra những dự án béo bở cho người thân, người cùng phe lợi ích với họ.

Cái nguy của tham nhũng chính sách là nó bóp méo chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước, đi ngược lại quyền lợi của đông đảo nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước. Nó còn đẩy nhanh sự suy thoái của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và làm mất lòng tin của nhân dân.

* Chuyện các sếp ở doanh nghiệp nhà nước nhận “lương khủng” được phát hiện vừa qua liệu có phải là tham nhũng cơ chế hay không và nguyên nhân để xảy ra việc này từ đâu, thưa giáo sư?

- Đối chiếu những gì đã được phát hiện với quy định của pháp luật thì đây đúng là tham nhũng, mà có nhiều dấu hiệu tham nhũng tập thể, tức là có những “anh” chống lưng để đẻ ra cơ chế phục vụ lợi ích nhóm.

Có hai nguyên nhân dẫn đến chuyện này: Thứ nhất, nhà nước đang “ôm” các doanh nghiệp và từ “sở hữu chung” đến “cha chung không ai khóc” là điều không tránh khỏi. Nguyên nhân thứ hai là xử lý không nghiêm. Chính vì không nghiêm nên chuyện “lương khủng” ở nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn cứ tiếp diễn.

Tôi nhớ là trước đây các đại biểu Quốc hội đã chất vấn việc người đứng đầu Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lương cao gấp cả chục lần lương Chủ tịch nước. Người có trách nhiệm cũng đã hứa kiểm tra nhưng chuyện đó được kết luận thế nào, có ai bị xử lý kỷ luật không và bây giờ lương Tổng giám đốc SCIC ra sao thì không ai rõ. Những chuyện không bình thường ở cơ quan cấp trung ương còn chưa được xử lý nghiêm chỉnh, thì ở địa phương làm ăn xằng bậy là điều dễ hiểu.

Tiếp “lửa” chống tham nhũng

* Theo giáo sư, chúng ta cần phải có biện pháp thiết thực gì để ngăn chặn, loại trừ tham nhũng có hiệu quả?

- Theo tôi, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là công khai, minh bạch ở tất cả các lĩnh vực, tất cả các hoạt động và xác định thật rõ trách nhiệm công vụ của mỗi vị trí công tác trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị. Đây là điều không mới, nhưng vấn đề là chúng ta phải triển khai thực hiện thật.

Thực tế cho thấy tự kiểm tra là khâu yếu, chỉ khi có mâu thuẫn nội bộ, tố cáo lẫn nhau mới phát hiện được tham nhũng. Vì vậy, công khai là giải pháp tốt nhất để dân giám sát và để ai đó muốn nhắm mắt làm ngơ hay ém nhẹm cũng không làm ngơ, ém nhẹm được.

Cùng với các biện pháp trên, phải chú trọng bố trí, sử dụng, đãi ngộ đúng mức đội ngũ thanh tra, kiểm toán, điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán có năng lực và bản lĩnh nghề nghiệp phát hiện, xử lý và làm án tham nhũng; cần phải có những chế tài nghiêm khắc liên quan giữa trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền trong phát hiện và xử lý tham nhũng.

Vấn đề tiền lương với công chức, viên chức nhà nước cũng là việc đáng quan tâm. Nhà nước sẽ phải sớm giải quyết dứt điểm vấn đề này, bởi nếu cắt đi được khoảng 40% số công chức, viên chức đang “ăn bám” thì sẽ có thêm một khoản kinh phí đủ lớn để trả cho những người thực sự xứng đáng. Đây cũng là một nút cởi cho bài toán chống tham nhũng.

* Thực tế rất nhiều vụ tham nhũng bị người dân và báo chí phát hiện. Chúng ta phải làm gì để tạo điều kiện cho người dân cùng báo chí tích cực tham gia vào công tác chống tham nhũng?

- Người dân và anh em báo chí không được đào tạo bài bản về điều tra nhưng họ lại là những người phát hiện cho cơ quan nhà nước rất nhiều vụ việc tham nhũng. Hầu hết những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực nảy sinh ở các cơ quan, đơn vị, địa phương khó qua khỏi tai mắt của nhân dân. Để công tác PCTN được hiệu quả hơn nữa, cần phải sử dụng báo chí để tạo sức ép dư luận, răn đe, ngăn chặn. Có một thực tế là chúng ta rất lúng túng với việc nội bộ che giấu cho nhau. Trong khi đó, nguồn tin của báo chí là khách quan, được người dân tin tưởng. Rất nhiều vụ do báo chí, dư luận phanh phui ra, chứ không phải do các cơ quan chức năng. Vì vậy, tôi cho rằng bất kể một biện pháp nào nhằm kiểm soát, bưng bít nguồn tin báo chí sẽ hạn chế công tác PCTN và sự phát triển của xã hội.
Bên cạnh đó, chúng ta cần phải triển khai nhiều việc góp phần vào công tác PCTN như: Nâng cao dân trí thông qua các hoạt động truyền thông; điều tra nghiên cứu; cung cấp thông tin PCTN nhằm phát huy vai trò của báo chí trong việc phản ánh dư luận xã hội. Vai trò của các tổ chức phi chính phủ, các đoàn thể xã hội, các tổ chức cộng đồng… trong công tác PCTN cần phải được quy định chi tiết trong các văn bản pháp luật hiện hành.

* Cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng, tiêu cực nên được xây dựng như thế nào, thưa giáo sư?

- Trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người đấu tranh chống tham nhũng bị trù dập, thậm chí bị trả thù dã man… Người tố cáo tham nhũng nếu không được bảo vệ thì sẽ bị chùn bước vì họ rất ngại bị trả thù.

Luật Tố cáo, có hiệu lực thi hành ngày 01-7-2012, đã quy định việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại tất cả những nơi có thể ảnh hưởng đến người tố cáo. Đối tượng bảo vệ không chỉ có người tố cáo mà còn cả những người thân thích của người tố cáo như vợ hoặc chồng, con cái, bố mẹ, anh em ruột thịt… Luật xác định trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo; đồng thời, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người tố cáo được bảo vệ như bảo vệ bí mật thông tin; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo…

Tin rằng với những quy định này, những chiến sĩ dũng cảm trên mặt trận đấu tranh PCTN sẽ có thêm sự hỗ trợ đắc lực để đấu tranh chống giặc nội xâm một cách mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, tôi vẫn phải nhắc lại một điều đã nói không ít lần: Quan trọng nhất là lãnh đạo phải thực sự quyết tâm chống tham nhũng. Lãnh đạo quyết tâm thì đấu tranh mới thắng lợi. Và nếu không may có chiến sĩ nào bị thương vong trong cuộc đấu tranh, họ vẫn có thể an lòng với niềm tin vào thắng lợi cuối cùng.

* Trân trọng cảm ơn giáo sư!
  Vương Tuấn Anh thực hiện

Trần Tiến Dũng - Quyền công dân trong công nghệ di động


Sự kiện Apple công bố sản phẩm mới làm nhiều người ở Việt Nam cũng lên cơn sốt

Khi iPhone 5s khai màu lên sóng tin tức, các tín đồ công nghệ Việt Nam cũng lên cơn sốt.

Tuy Việt Nam không phải là quốc gia được đại công ty Apple chọn mở hàng sản phẩm mới, nhưng không vì thế mà những "tín đồ" của cố "giáo chủ" Steve Jobs không hướng về "thánh đường" công nghệ di động thông minh để ngóng chờ hàng xách tay.

Trong một quán cà phê trên đường Điện Biên Phủ, quận 3 Sài Gòn, điện thoại di đông reo liên tục. Những cú điện thoại miễn phí thông qua Viber, Tango... vẫn luôn nôn nóng tìm kiếm iPhone đời cũ rớt giá, cũng như tìm kiếm cả những ai đầu tiên chơi trái táo cắn dở 5s để nghe tường thuật cảm giác về "cục sắt" thông minh mới ra lò.

Hiện nay, trên tay người Việt gần như đủ cả mọi thương hiệu điện thoại di động và máy tính bảng. Có vẻ thị trường này không hề bị ảnh hưởng bởi kinh tế nội địa suy thoái hay toàn cầu bất thường. Thị trường hàng xách tay smartphone, thực chất là buôn lậu, còn cho thấy miếng bánh lợi nhuận khổng lồ thuộc hệ thống đặc quyền đang ở trên mọi sự kiểm soát

Có thể dễ hiểu khi người nông dân vùng sâu đến người mua bán ve chai ở phố đều sẵn sàng móc túi chi trả cho nhu cầu a lô di động. Nhưng vẫn luôn là chuyện bí hiểm khi nhìn thấy giới trẻ, có người còn sống nhờ gia đình, vẫn sẵn sàng chi từng xấp ngoại tệ mạnh để đua theo các dòng công nghệ smart phone.

Bước vào quán cà phê sang trọng, các tụ điểm giải trí, hình ảnh dễ thấy nhất là giới trẻ "nói, rờ, quẹt, bấm" với cục sắt thông minh nhiều hơn là tán chuyện với người cùng bàn, cũng như quan tâm đến những vấn đề xã hội, chính trị...

Hiện tượng "yêu" điện thoại thông minh và không tiếc thời gian mơ màng giải trí với thế giới ảo là hiện tượng có tính toàn cầu. Giới yêu công nghệ di động cá nhân thông minh ở Việt Nam cũng tự hào cập nhật đủ vẻ đẹp trí tuệ để xứng đáng yêu các "nàng smart phone".

Một sinh viên năm 3 ngành sinh học nói. "Tôi chắng mấy khi coi tivi cùng gia đình, mấy ông lớn quán triệt hay định hướng gì là việc của mấy ổng."

"Nhưng chuyện bà Tập Cận Bình cầm điện thoại iPhone đi công du làm ồn ào dân mạng Trung Quốc thì tôi biết. Nếu một ngày nào đó nước mình có thương hiệu điện thoại thông minh riêng, tôi cũng mong có ngày đó để được mắng các ông to, khi các ông ấy không xài dế thông minh made in Việt Nam."

Không có thăm dò dư luận nào làm rõ giá trị yêu nước của giới yêu công nghệ Việt Nam thông qua việc khao khát đươc sử dụng các dòng smart phone có chất lượng mang thương hiệu nội địa. Nhưng giới trẻ Việt Nam đã cảm nhận được rất rõ "quyền công dân" với iPhone, tablet.

Trung tuần tháng 9/2013, qua sự kiện công ty Apple nâng cấp hệ điều hành lên iOS7, cho thấy "quyền công dân Apple" được tôn trọng.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh kể. "Một giờ khuya đêm qua, nhà nhiếp ảnh Trần Việt Đức gọi cho Khanh nói rằng sau khi cài iOS7, cái iPhone 4s của anh sạc điện không vô. Khanh vào diễn đàn của Apple để thăm hỏi, và lập tức được hướng dẫn".

Thật không dễ mà có mà có được sự minh bạch và nhanh chóng đáp ứng như vậy, nếu như bạn thắc mắc một điều gì đó ở Việt Nam, với tư thế là một công dân.

Có thể sự kiện điệp viên Mỹ Edward Snowden tố cáo chương trình nghe lén điện thoại của Mỹ làm giá trị quyền tự do cá nhân bị lem luốt. Nhưng thông qua chuyện bảo mật cá nhân bằng dấu vân tay và từ chối quyền sử dụng nếu gõ sai vài lần password lại được giới yêu công nghệ cá nhân thông minh Việt Nam đắc ý, yên tâm.

Nếu nói để chống ăn cắp, ăn cướp thì ai cũng biết là không thể trước tay nghề bẻ khoá của thị trường hàng gian, hàng giả; và cũng là vô phương để thoát sự kiểm tra kiểm duyệt rất rát của hê thống an ninh mạng.

Đẳng cấp?

Vậy thì giới giàu có và cả giới mê công nghệ thông minh cá nhân đuổi theo các dòng mốt smart phone để làm gì?


Nhiều thông tin về lãnh đạo Việt Nam được lan truyền qua mạng

Có dư luận cho rằng, trong đám đông, việc ai đó cầm trên tay một sản phẩm điện thoại di động hoặc máy tính bảng đời mới của Apple hay Samsung thì được nhìn nhận đẳng cấp xã hội, chính trị, văn hoá... không khác với công dân các quốc gia phát triển. Chỉ với một cục sắt di động thông minh là có thể nâng cấp "hệ điều hành" của mình, quên đi thân phận và vấn nạn công dân xứ đang phát triển.

Một dân nhậu lúc nào tay cũng iPhone, nách cặp iPad nói. "Sài Gòn quán nào cũng có wireless, chỉ cần rờ, quẹt một cái là ok."

"Gõ tiếng Việt thì còn biết chút chút chuyện tham nhũng với cướp, giết, hiếp trong nước, gõ tiếng Anh thử coi, nói gì việc là dân Anh hay Mỹ, một phát một bay lên đỉnh công dân thế giới văn minh luôn."

Hiện tượng sử dụng công nghệ cá nhân thông minh để trực tiếp hưởng thụ tinh hoa nhân loại là một dạng quyền con người mới. Nhưng nếu thành tựu công nghệ cá nhân ở các nước dân chủ phát triển là động lực chính, để ngày một hoàn thiện và vinh danh các giá trị về quyền con người thì hẳn nhiên, ở các xứ bị lên án vi phạm quyền con người, thành tựu này cũng là phương tiện hiệu quả để đấu tranh.

Có người bạn mới quen, anh khoe một tính năng mới trong phần mềm Google của cái Ipad. Anh nói với giọng rất vui." Ông coi, tiếng Việt mình đã được nhận diện, trên thế giới chỉ có một số tiếng được nhận diện bằng giọng thôi nhé."
Rồi anh cầm iPad gọi tên Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. "Nàng Google" trở thành cô thư ký tốc ký gõ ra tên ông Thủ Tướng, sau đó lập tức hiện ra tất cả các trang mạng có liên quan đến ông.

Anh bạn này hứng khởi nói tiếp. "Ông tin không, tôi thì tin với đà thông minh của phương tiện di động, tương lai ông chỉ cần vỗ tay, thở dài hay hét vì giận với nhân vật nào đó thì lập tức lịch sử sẽ trình bày minh bạch cho ông."

Bài phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả, hiện sống tại Sài Gòn.
Trần Tiến Dũng (BBC)

Hôm nay, xét xử vụ ông Đoàn Văn Vươn kiện UBND huyện Tiên Lãng

Hôm nay, xét xử vụ ông Đoàn Văn Vươn kiện UBND huyện Tiên Lãng
Đoàn Văn Vươn (giữa).
 Hôm nay (30.9), TAND huyện Tiên Lãng đưa ra xét xử sơ thẩm vụ ông Đoàn Văn Vươn kiện UBND huyện Tiên Lãng vụ “khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai”. 
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là bà Đỗ Thị Xuyến. Ông Vũ Văn Luân - Thư ký Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng - là người đại diện theo ủy quyền cho ông Đoàn Văn Vươn. Đại diện cho UBND huyện Tiên Lãng là ông Phạm Văn Trống - Phó trưởng phòng TNMT huyện Tiên Lãng.

Năm 2009, ông Đoàn Văn Vươn khởi kiện ra tòa, yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng thu hồi quyết định 461 về việc thu hồi diện tích đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông vì cho rằng, chưa hết thời hạn sử dụng và xin được tiếp tục sử dụng dưới các hình thức giao hoặc cho thuê đất, khi thu hồi phải bồi thường... Tháng 1.2010, TAND huyện Tiên Lãng  bác đơn khởi kiện của ông Vươn, ông Vươn kháng cáo, sau đó, ông Vươn có đơn xin rút kháng cáo và TAND TP.Hải Phòng quyết định đình chỉ vụ án.

Tháng 2.2012, Chánh án TAND Tối cao quyết định kháng nghị tái thẩm đối với quyết định đình chỉ vụ án của TAND TP.Hải Phòng và bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng. Sau đó, tòa hành chính, TAND Tối cao ra quyết định hủy quyết định đình chỉ vụ án của TAND TP.Hải Phòng và bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng, giao TAND huyện Tiên Lãng giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật.
(Lao động)

Câu chuyện của anh em Đinh Nhật Uy-Đinh Nguyên Kha


Bà Nguyễn thị Kim Liên và 2 con Đinh Nhật Uy, Đinh Nguyên Kha

29.09.2013
Một bà mẹ Việt Nam tự tìm cách vượt ra giới hạn của bờ rau, ao cá ở một vùng quê nghèo hẻo lánh để tiếp cận, kết nối với thế giới bên ngoài qua các phương tiện truyền thông xã hội, kêu gọi công lý cho hai người con đang bị giam cầm vì các hoạt động cổ võ đa đảng, dân chủ, và công bằng xã hội.

Đinh Nguyên Kha đang thọ án tù 4 năm về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ sau khi cùng Nguyễn Phương Uyên rải truyền đơn, dán khẩu hiệu chống đảng cộng sản Việt Nam “tham nhũng, bán nước” và phản đối Trung Quốc xâm lược Trường Sa-Hoàng Sa.

Hiện anh tiếp tục bị truy tố về tội danh ‘khủng bố’ sau khi công an tìm thấy một số hóa chất lưu giữ trong nhà.

Anh trai Kha, Đinh Nhật Uy, cũng sắp bị đưa ra xét xử với cáo buộc ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ vì các bài viết trên Facebook cá nhân phản đối bản án của em mình và chống Trung Quốc xâm lấn Biển Đông.

Vụ bắt giữ Uy và Kha khiến công luận quốc tế mạnh mẽ lên án thành tích nhân quyền của Việt Nam và chỉ trích các điều luật có nội dung mơ hồ như 88 hay 258 bị Hà Nội lạm dụng để bịt miệng những tiếng nói chỉ trích nhà nước.

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay về câu chuyện của Uy và Kha, bà Nguyễn Thị Kim Liên khẳng định quyết tâm đấu tranh theo đuổi công lý đến cùng và kêu gọi sự quan tâm của công luận khắp nơi thúc đẩy Việt Nam tôn trọng nhân quyền, phóng thích những nhà bất đồng chính kiến, những người chống chế độ cai trị độc tài và giặc ngoại xâm phương Bắc, trong đó có con của bà.

Sau cuộc thăm gặp gần đây nhất với cả Uy và Kha hôm 13/9, bà Kim Liên cho biết:

Bấm vào để nghe cuộc phỏng vấn bà Kim Liên thân mẫu Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy
VOA
 

Các diễn đàn xã hội dân sự ở Việt Nam

Ngày 23/09/2013, một số nhà hoạt động dân chủ trong và ngoài nước đã tập hợp lại trong phong trào mang tên "Diễn Đàn Xã hội Dân Sự" và ra một "Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị".
Sự ra đời của "Diễn đàn Xã hội Dân sự" là một hình thức phản biện công khai Nghị định 72 ngăn cấm thông tin và sự phát triển của xã hội dân sự.
Mục đích của diễn đàn này, theo Tuyên bố, là "trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa". Một trang mạng của diễn đàn sẽ được thành lập để nhưng người cùng chia sẻ mục đích gửi bài vở, ý kiến tham gia tranh luận nhằm nâng cao kiến thức.
Đây không phải là lần đầu tiên một diễn đàn xã hội dân sự được ra đời. Ngay từ sau khi chính quyền cộng sản được thiết đặt tại miền Bắc năm 1954 và tại miền Nam năm 1975, nhiều diễn đàn xã hội dân sự đã được thành lập và bị chính quyền cộng sản dập tắt trong bạo lực. Ngày nay không ai quên những đóng góp của hai tập san Nhân Văn và Giai Phẩm trong giai đoạn 1955-1958 tại miền Bắc trong phong trào đòi tự do dân chủ của những văn nghệ sĩ và trí thức miền Bắc. Tại miền Nam, do không bị luật pháp cấm đoán, những diễn đàn xã hội dân sự được tự do phát triển, cụ thể là báo chí và các đài truyền thanh tư nhân.
Sau tháng 4/1975, tất cả những diễn đàn xã hội dân sự tư nhân tại miền Nam đều bị cấm hoạt động và bị quốc hữu hóa. Mặc dù vậy, một số cá nhân và tổ chức vẫn tiếp tục phát hành dưới hình thức "chui" (lén lút) như tuần san Toàn Dân Vùng Dậy (1977-1979) của Mặt trận Dân tộc Tiến bộ do bác sĩ Nguyễn Đan Quế chủ xướng, tập san Diễn đàn Tự do (1989-1990), nhưng tất cả những người chủ xướng và hợp tác đều bị bắt giam sau một thời gian phát hành. Những bài viết trong những tập san này, tuy không phải là những diễn đàn xã hội dân sự bởi vì xã hội dân sự phải được hiểu là những kết hợp công khai độc lập với chính quyền của những người dân nhưng cũng có tác dụng thay thế tiếng nói của xã hội dân sự. Chúng chỉ được in trên giấy và chỉ được phổ biến một cách giới hạn trong vòng đai quen biết. Nhưng từ sau khi kỹ thuật mạng internet phát triển mạnh mẽ từ sau thập niên 1990, sự xuất hiện của những diễn đàn xã hội dân sự ngày càng đông đảo và tiếp cận đến mọi người, cả trong lẫn ngoài nước.
Tìm hiểu sự hình thành và phát triển của những diễn đàn xã hội dân sự là rất hữu ích, vì qua đó người ta có thể đoán trước tương lai của xã hội Việt Nam như thế nào. Trước khi đi sâu vào chi tiết, trước hết phải hiểu thế nào là xã hội dân sự và sau đó là ảnh hưởng của những diễn đàn xã hội dân sự đối với người Việt Nam.
Sự cần thiết của xã hội dân sự
Những hình thức của diễn đàn xã hội dân sự
Xã hội dân sự là toàn thể những kết hợp công dân ngoài chính quyền như giáo hội, hiệp hội, câu lạc bộ, tổ chức thiện nguyện, nghiệp đoàn, hợp tác xã, công ty, xí nghiệp. Nói chung, đó là tất cả các kết hợp của người dân, được thành lập để cùng theo đuổi một số mục đích xã hội dân sự vì lợi ích của những người cùng chia sẻ mục đích chung đó. Tại Việt Nam, những kết hợp mang tên xã hội dân sự, như các công đoàn, hội phụ nữ, đoàn thnh niên, hội nhà văn, v.v. đều đặt dưới quyền quản lý của Mặt Trận Tổ Quốc nên không thể được coi là những xã hội dân sự, vì Mặt Trận Tổ Quốc chỉ là một công cụ của Đảng Cộng Sản Việt Nam và hoạt động của Mặt trận được ghi trong Điều 9 của Hiến pháp.
Cũng nên biết ý niệm xã hội dân sự đã được xuất hiện cùng một lúc với các xã hội văn minh. Đó là những sợi dây chằng chịt gắn bó những con người với nhau và gắn bó con người với xã hội. Những sợi dây liên lạc đan xen đó tạo sự bền chắc của quốc gia. Các kết hợp công dân tạo thành xã hội dân sự đó là những cái nôi phát sinh ý kiến, sáng kiến và tiến bộ. Một xã hội dân sự mạnh bảo đảm các ý kiến mới được nảy sinh nhanh chóng, các mâu thuẫn được phát hiện và giải quyết kịp thời, xã hội không ngừng tiến hóa trong hòa bình và trật tự. Tại những quốc gia phát triển phương Tây, xã hội dân sự còn được giao phó một vai trò quan trọng là thực hiện liên đới xã hội, giúp đỡ và bênh vực những người yếu kém và thiếu may mắn.
Đã xảy ra một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc mặc dù Việt Nam không cho phép
Như mọi tổ chức, những kết hợp dân sự đều tạo ra sức mạnh. Sức mạnh của xã hội dân sự là sức mạnh tổng hợp, nhưng không bao giờ thống nhất, nghĩa là có khi cùng hướng với nhau, có khi biệt lập với nhau và cũng có khi đối chọi với nhau. Trên bình diện quốc gia, sức mạnh của xã hội dân sự cũng từng lúc và từng cơ hội hòa nhập với nhà nước hay đối lập với nhà nước, nhưng lúc nào cũng ảnh hưởng trên nhà nước và không bao giờ có tham vọng tranh quyền với nhà nước bởi vì nó không có và không thể có tham vọng chính trị. Tranh giành quyền lực chính trị thuộc về những đảng phái chính trị.
Những tổ chức xã hội dân sự đảm bảo sự năng động của công dân và đồng thời cũng bảo đảm tự do, dân chủ, nhân quyền, ngăn chặn mọi ý đồ độc tài chuyên chính. Những chế độ độc tài bạo ngược đều nhắm trước hết tiêu diệt xã hội dân sự. Bản chất của các chế độ độc tài là dựa trên một thiểu số để khống chế một xã hội phân hóa. Các bạo quyền không cần dân chúng tin yêu mình mà chỉ cần người dân đừng gắn bó với nhau để không có sức đề kháng. Không gì thỏa mãn các tập đoàn độc tài hơn là sự thờ ơ và bất lực của quần chúng. Triết lý của một chế độ dân chủ, trái lại, coi xã hội dân sự là thành tố áp đảo và nền tảng của quốc gia, vì thế vai trò của nhà nước là làm cho các kết hợp công dân ngày càng đông đảo, không ngừng tiến lên và mạnh lên để đóng góp tích cực cho sự phồn vinh của xã hội. Nhà nước phục vụ chứ không khống chế xã hội dân sự.
"Người dân chỉ ràng buộc với đất nước vì ít nhất một trong ba lý do: vì đất nước bảo đảm cho mình những che chở và quyền lợi đặc biệt, vì đất nước đem lại cho mình một nguồn hãnh diện hay, một cách giản dị, vì đất nước là của mình."
Việt Nam, cũng như nhiều dân tộc không may khác, đã thua kém bởi vì chúng ta không có được những nhà nước như thế. Ngược lại, ở mỗi giai đoạn, dân tộc Việt Nam chỉ có những nhà nước của riêng một tập đoàn cầm quyền thay vì của mọi người. Những nhà nước đó có quyền lợi của riêng mình và chỉ biết quyền lợi của riêng mình cho nên chỉ có ưu tư giữ lấy quyền lực của mình bằng mọi giá ngay cả nếu phải gây những thiệt thòi lớn cho dân tộc. Đó là những nhà nước khống chế coi dân chúng là đối tượng để kiểm soát và sử dụng thay vì là những đối tượng để bảo vệ và phục vụ.
Với sự bùng nổ của các phương tiện giao thông và truyền thông, đồng thời với những trao đổi dồn dập và sự bành trướng của những tư tưởng mới, những yếu tố cấu tạo truyền thống của tinh thần quốc gia dân tộc và những lý do ràng buộc con người với đất nước cũng đã thay đổi. Người dân chỉ ràng buộc với đất nước vì ít nhất một trong ba lý do: vì đất nước bảo đảm cho mình những che chở và quyền lợi đặc biệt, vì đất nước đem lại cho mình một nguồn hãnh diện hay, một cách giản dị, vì đất nước là của mình.
Ngày nay, một quốc gia chỉ có thể tồn tại nếu được quan niệm không phải như một chủng tộc hay một quá khứ mà như một không gian liên đới giữa những con người hiểu nhau, quí trọng nhau và hợp tác với nhau để xây dựng và chia sẻ một tương lai chung. Quốc gia như thế chủ yếu là xã hội dân sự với ký ức của nó, với những vấn đề phải giải quyết của nó và với những dự định tương lai của nó. Nhà nước ở trong và ở dưới quốc gia với sứ mạng bảo vệ quốc gia cho nên nhà nước có vai trò phục vụ chứ không khống chế xã hội dân sự. Một đất nước như thế phải là của mọi người chứ không phải là của riêng của một thế lực hay đảng phái nào.
Trước những vấn đề lớn đó, các diễn đàn xã hội dân sự có chức năng đào sâu, giải thích và trao đổi rộng rãi những vấn đề cốt lõi và nhạy cảm của đất nước hiện nay, như bảo vệ chủ quyền, sửa đổi hiến pháp, xóa bỏ bất công, tố cáo tham nhũng, chống ô nhiễm xây dựng dân chủ, phát huy các quyền tự do cơ bản của con người… mà các cơ quan truyền thông do nhà nước nắm giữ không dám đăng tải.
Nguyễn Văn Huy
Gửi đến BBC từ Paris, Pháp
(BBC)

Nguyễn Trần Bạt - Rủi ro nhất của khủng hoảng kinh tế là để xã hội bất ổn

Trao đổi của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt với PV báo Đại Đoàn Kết, xoay quanh câu chuyện về những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó nổi lên việc đánh giá thế nào về nền kinh tế đất nước hiện nay.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt được bắt đầu về những nhận định về thực trạng nền kinh tế, được đưa ra tại Hội thảo đánh giá nửa chặng đường thực hiện kế hoạch kinh tế 5 năm 2011 - 2015 và Diễn đàn kinh tế Mùa Thu. Không một chút bi quan, ông Nguyễn Trần Bạt muốn qua báo Đại Đoàn Kết gửi thông điệp: Chỉ trích thì dễ, vấn đề là giải pháp nào để đất nước chúng ta đi qua những nguy cơ ấy. Bởi vì nếu không giải quyết được việc yên dân thì ngay lập tức mọi khó khăn kinh tế sẽ chuyển sang khó khăn chính trị. Nếu thay cho chỉ trích, ở các cuộc hội thảo chúng ta đi tìm kiếm giải pháp, sáng kiến, lối thoát thì các cuộc hội thảo sẽ trở thành những cuộc hội thảo lịch sử.
Cầu Rồng Đà Nẵng, công trình hiện đại mới được xây dựng
                                                                             Ảnh: Lê Minh
Tôi tham gia vào đời sống chính trị, tham gia vào hệ thống chính trị như là một yếu tố phù hợp với địa vị cũng như quyền lực của tôi. Tôi phải nói thẳng rằng tôi không thích những ý kiến luôn luôn chỉ trích và đòi thay thế thể chế. Bởi vì chỉ trích dễ lắm, nhưng làm thì khó.
Tôi thấy lo lắng
PV: Thưa ông, dư luận đang rất chú ý tới những nhận định được đưa ra tại hai cuộc hội thảo kinh tế lớn gần đây. Không chỉ các chuyên gia mà ngay cả các nhà lãnh đạo cấp cao cũng đã thẳng thắn thừa nhận, nhiều mục tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm 2011-2015 có khả năng không thực hiện được, những cảnh báo về một nền kinh tế ẩn chứa nhiều rủi ro, tụt hậu và một triển vọng tăng trưởng không mấy tươi sáng đang có nguy cơ trở thành hiện thực, đời sống của nhân dân vẫn còn rất khó khăn...Với tư cách là một chuyên gia được coi là bình luận khá độc lập, ông có ý kiến gì về những vấn đề này?
Ông Nguyễn Trần Bạt
Ông Nguyễn Trần Bạt:
Cám ơn báo Đại Đoàn Kết đã hỏi tôi những việc hệ trọng như thế này. Những nhà lãnh đạo cấp cao đã đưa ra những nhận định không mấy sáng sủa về thực trạng nền kinh tế thì buộc những người làm nghiên cứu khoa học như chúng tôi phải suy nghĩ. Còn các chuyên gia thì vừa mới hôm qua, tại Diễn đàn kinh tế Mùa Thu một nhà nghiên cứu hàn lâm là anh Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế cũng đã có những bình luận bi quan, như ví von hình ảnh nền kinh tế Việt Nam đang nằm bẹp ở dưới đáy và không đi lên được. Như vậy, phải chăng nền kinh tế của đất nước đang rơi vào một thực trạng nguy cấp và đã được báo động từ các nhà lãnh đạo cấp cao đến các chuyên gia kinh tế?
Những nhận định của những nhân vật rất có trách nhiệm và có uy tín ấy đem lại cho tôi cảm giác lo lắng, bởi tôi thấy đến lúc thực trạng nền kinh tế đã được thừa nhận công khai, không còn những lời nói xa xôi nữa. Tuy nhiên tôi còn nỗi lo nữa là ngay cả khi đã có những mô tả về thực trạng rồi thì chúng ta tìm giải pháp nào, con đường nào để đất nước đi ra khỏi những nguy cơ ấy.
Muốn nền kinh tế sống thì phải tái cấu trúc toàn diện
- Trong những ý kiến chỉ ra rất nhiều thực trạng, nguy cơ của nền kinh tế, cá nhân ông thấy đâu sẽ là nguy cơ lớn nhất?
Tôi cho rằng cái đau khổ lớn nhất là chúng ta nhìn ra rằng, chúng ta chưa có nền kinh tế như chúng ta đang nghĩ. Vì chúng ta không chỉ ra được nguy cơ thật sự của nền kinh tế của chúng ta là gì. Đối với các ngành công nghiệp thì ngành công nghiệp nào trong cấu trúc công nghiệp sa sút? Cơ khí có vấn đề gì, điện tử có vấn đề gì? Đối với nông nghiệp thì bao gồm những vấn đề gì? Chúng ta không có các đối tượng cụ thể của nền kinh tế để chỉ ra rằng nó có vấn đề ở chỗ nào. Chúng ta chỉ mới nói chung chung về một nền kinh tế.
Qua các phân tích ở các hội thảo vừa rồi, bỗng nhiên tôi thấy rằng hình như ta chưa thực sự có nền kinh tế đúng nghĩa. Bởi vậy nỗi lo nhất là chúng ta trống rỗng, chúng ta nói rất hay, rất sang, rất cao nhưng tất cả những gì mà chúng ta đang nhìn thấy là sự chênh lệch giữa lời nói và thực tế.
- Và thưa ông, như nhiều chuyên gia vừa nhận định tái cấu trúc cũng đang được làm một cách hình thức?
Tái cấu trúc là một cách nói hợp lý. Tái cấu trúc là sắp xếp lại để tìm một lối thoát. Dùng cách mô tả như vậy, dùng thuật ngữ như vậy hoàn toàn không sai. Trong lần trả lời phỏng vấn Đại Đoàn Kết trước đây, tôi đã nói chúng ta không tái cấu trúc kinh tế được nếu không tái cấu trúc tất cả các điều kiện để hình thành một nền kinh tế của chúng ta.
Ví dụ nếu lấy các xí nghiệp quốc doanh, các công ty nhà nước là chủ đạo chẳng hạn, thì phải tái cấu trúc cách nghĩ, ví dụ ta không theo đuổi nền kinh tế thị trường nữa. Nhưng vẫn đang đưa ra những đề nghị đối với Mỹ và một số quốc gia quan trọng khác là các anh công nhận chúng tôi là nền kinh tế thị trường đi. Tiêu chuẩn của một nền kinh tế thị trường chính là bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, tức là mọi đối tượng làm ăn đều bình đẳng trước pháp luật, và hệ thống pháp luật ấy phải tương thích với hệ thống pháp luật quốc tế để có thể hội nhập được. Tức là phải tái cấu trúc cả pháp luật, cả quan điểm, cả các đối tượng doanh nghiệp cụ thể.
Nếu muốn tái cấu trúc thì phải làm toàn diện. Tôi nghĩ rằng, Chính phủ đúng khi đưa ra chính sách tái cấu trúc lại các doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp nhà nước. Nhưng không tái cấu trúc được. Lý do là để tái cấu trúc đối tượng ấy đòi hỏi phải tái cấu trúc những vấn đề không đơn thuần là quyền lực hay trách nhiệm, mà là tái cấu trúc các quan điểm cơ bản đối với nền kinh tế và đối với các đối tượng cụ thể của nền kinh tế. Các công ty nhà nước sử dụng khoảng 70 - 80% lượng tài nguyên, 70 - 80% lượng tín dụng của đất nước, của xã hội, bây giờ nếu không tái cấu trúc được nó thì 70 - 80% tiềm lực của một nền kinh tế bị chôn vùi.
Muốn nền kinh tế sống thì phải tái cấu trúc toàn diện, không chỉ tái cấu trúc mỗi doanh nghiệp nhà nước được, mặc dù việc ấy vô cùng quan trọng.
                                                                     Ảnh: Hoàng Long

Chúng ta mới hội nhập nên chưa lường trước được khốc liệt của xu thế hội nhập
- Thưa ông, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại hội thảo có cho rằng, chúng ta không thể đổ lỗi cho khó khăn chung của kinh tế thế giới và tồn tại nội tại của nền kinh tế. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Cương vị của tôi quá thấp nên không đi làm việc "hòa giải", tuy nhiên, tôi cho rằng cả 2 quan điểm đều không sai. Có lẽ chỉ có cách diễn đạt của truyền thông chưa chính xác về sự khác nhau giữa các ý kiến. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói không đổ tại nguyên nhân khách quan được, phải cho rằng nó là yếu kém chủ quan của hệ thống chúng ta. Còn nhận định của Chính phủ cho rằng, do tình trạng khó khăn của quốc tế mà làm bộc lộ tất cả mọi thứ, nếu không có khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ không có cơ hội để thấy được tất cả các yếu kém của hệ thống chúng ta. Tôi không nhìn thấy sự khác nhau giữa các ý kiến đó.
Cái gì cũng thế, kể cả khó khăn bên ngoài đi nữa thì bản chất của sự sáng suốt chính trị là nhìn thấy trước nó. Chúng ta phải nhìn thấy, phải tổ chức những yếu tố để chuẩn bị đối phó với những khó khăn từ bên ngoài. Khó khăn từ bên ngoài xuất hiện lâu rồi, không phải 2008 mới bắt đầu bộc lộ. 2008 là sụp đổ, là khủng hoảng. Dấu hiệu của sự khủng hoảng xuất hiện đã từ lâu, ta đã có kinh nghiệm của khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997. Ta thấy nó khủng khiếp như thế nào đối với các quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng của khủng hoảng. Chúng ta có kinh nghiệm nhưng không để ý đến, vì ta tưởng rằng ý chí chính trị cũng như sức mạnh bên trong là đủ để chống đỡ. Ta không thấy trước được cái khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới, bởi chúng ta vẫn tưởng rằng mình có đủ sức mạnh để chịu đựng những tai họa tầm cỡ như vậy. Có thể cái áo mưa của anh lành hơn cái áo mưa của tôi cho nên mưa ít lọt vào anh hơn tôi, nhưng nếu bão đến thì cả tôi lẫn anh đều bị thổi bay cả.
Chúng ta mới hội nhập nên chưa đủ kinh nghiệm để lường trước tất cả những sự khốc liệt của xu thế hội nhập và chúng ta phải trả giá cho chuyện ấy.
Đoàn kết, sáng suốt và lựa chọn một chính sách ngoại giao thích hợp, chúng ta sẽ ra khỏi khó khăn. 
- Nghĩa là theo quan điểm của ông tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới là có thật nhưng lỗi chủ quan là không lường trước được?
Nhưng chúng ta cũng đừng đau khổ và đừng ngại vì thất bại trong việc không lường được chuyện ấy. Tất cả các nhà lãnh đạo của chúng ta phải tự tin và không nên né tránh chuyện ấy làm gì, bởi toàn thể nhân loại đều không lường trước được chứ không phải chỉ có chúng ta. Alan Greenspan khi trình bày trước Quốc hội Hoa Kỳ nói rằng: Tôi nói thật với các ngài tôi vẫn không hình dung được tại sao nó lại khủng hoảng. Người Đan Mạch, người Hy Lạp, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Tây Ban Nha, người Bồ Đào Nha, người Pháp, người Anh… đều rơi vào tình trạng như vậy. Bởi thế giới ổn định về kinh tế quá lâu rồi, các thế hệ cầm quyền sau này quên mất những bài học, những kinh nghiệm của thời kỳ đại khủng hoảng vào năm 1929. Thế giới đua nhau phát triển nhanh quá, đốt hết tất cả mọi thứ để phát triển cho nên nó phải trả giá cho sự đi nhanh quá. Không phải chỉ có chúng ta, phương Tây cũng khủng hoảng. Vì phương Tây khủng hoảng cho nên phương Tây cũng không tự tin lắm trong các hội nghị quốc tế hay trong bàn thảo quốc tế về vấn đề này, đó là tâm lý có thật và tâm trạng có thật của các nhà điều hành những nền kinh tế khác nhau ở trên thế giới.
Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo không việc gì phải cường điệu hóa hay bi quan quá về chuyện này. Chúng ta có khủng hoảng mấy, chúng ta có khó khăn mấy thì khó khăn của chúng ta hiện nay cũng không bằng khó khăn trước năm 1986. Tôi nghĩ rằng chỉ cần một sự thống nhất chính trị hợp lý, chỉ cần một sự sáng suốt và chỉ cần lựa chọn một chính sách ngoại giao thích hợp chúng ta sẽ ra khỏi khó khăn.
Nhiều người không làm ăn kinh doanh thật, không hiểu cái khốc liệt của sự làm ăn
- Ông có vẻ lạc quan khác với nhiều chuyên gia và các nhà trí thức khác?
Những năm mở cửa vừa qua đã giúp một bộ phận dân chúng đô thị có điều kiện sống tốt hơn nên bây giờ khó khăn một chút là bất mãn. Họ bất mãn bởi đã lạc quan nghĩ rằng chúng ta có thể có những triển vọng to lớn hơn. Nhưng không phải như thế. Ta đi sau thế giới, ta hứng bụi, chuyện ấy là đương nhiên. Nhiều người không làm ăn kinh doanh thật, không hiểu cái khốc liệt của sự làm ăn. Một số quan chức trong bộ máy nhà nước cũng có kinh nghiệm về quản lý, điều hành, kinh doanh nhưng trong sự thuận lợi của độc quyền và của quyền lực cũng không hiểu khó khăn thật ở ngoài đời.
Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo, nhất là những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, của Nhà nước, của Chính phủ nên tự tin. Tự tin, đoàn kết lại và tìm giải pháp. Giải pháp gì cũng phải lấy yên dân làm gốc. Nếu không giải quyết được việc yên dân thì ngay lập tức mọi khó khăn kinh tế sẽ chuyển sang khó khăn chính trị. Tất cả các bi đát của khó khăn kinh tế không phải là sự sụp đổ của các tập đoàn hay các công ty, mà là sụp đổ lòng tin vào đời sống của đại bộ phận dân chúng. Rủi ro quan trọng nhất của khủng hoảng kinh tế chính là để nó chuyển sang khủng hoảng chính trị.
Không có khủng hoảng cũng khó có cách trở thành nước công nghiệp hóa vào 2020
- Ông có thể cho biết ý kiến về việc để tạo cảm giác yên dân, có ý kiến đề nghị hạ các chỉ tiêu kinh tế xuống, nhất là mục tiêu để đạt tới công nghiệp hóa năm 2020?
Tôi nghĩ có lẽ nói năm 2020 chúng ta về cơ bản trở thành một nước công nghiệp là một thông điệp lạc quan. Phải nói rằng chúng ta quan niệm chưa đúng về công nghiệp hóa, hiện nay không có các xí nghiệp đáng kể, không có mặt hàng công nghiệp đáng kể. Tôi đã từng đến một nước Áo nhỏ bé ở châu Âu, đến một cái làng để thăm một gia đình chuyên sản xuất đầu khoan của máy khoan đá. Đầu khoan ấy người ta mua để khoan đường hầm đi từ châu Âu lục địa sang nước Anh. Công nghiệp hóa là như thế.
Công nghiệp hóa là mỗi một hộ gia đình phải có lực lượng trí tuệ tiềm năng về mặt công nghiệp, phải có những người thạo tay nghề đủ để thực hiện các dự án công nghiệp. Chúng ta chưa có, tức ta chưa có nền sản xuất cứng. Xã hội chúng ta là xã hội chưa có kỷ luật công nghiệp. Xã hội công nghiệp hóa là một xã hội vừa có kỷ luật công nghiệp, vừa có nền công nghiệp thực và vừa có địa vị trong thị trường quốc tế về nền công nghiệp của mình. Về bản chất, công nghiệp hóa là xây dựng một nền công nghiệp và một nền văn hóa công nghiệp.
Đến năm 2020, tức là còn 7 năm nữa có cách gì để làm được việc ấy. Không phải khủng hoảng kinh tế làm chúng ta phải chậm lại. Nếu không gặp khủng hoảng từ năm 2008 cho đến bây giờ thì năm 2020 chúng ta cũng khó trở thành một nước công nghiệp được. Đặt ra mục tiêu phải chặt chẽ, trở thành nước công nghiệp hóa bằng nội hàm nào, bằng phương tiện gì, bằng cách gì?
Tôi tham gia vào đời sống chính trị như một người đi tìm giải pháp
- Ở trên ông có nói các ý kiến đưa ra đang ở mức kêu ca, chưa đưa ra giải pháp. Nếu ông là người được hỏi ý kiến để tham vấn về giải pháp cho nền kinh tế thì ông sẽ nêu ý kiến gì?
Tôi có một quyển sách đến bây giờ có nhiều người bắt đầu phân tích, đó là quyển Cải cách và sự phát triển, trong đó tôi nói hết về điều kiện văn hóa, điều kiện chính trị, điều kiện kinh tế của sự phát triển là gì. Trong một loạt các bài trả lời phỏng vấn, trong đó có cả những bài trên Đại Đoàn Kết tôi nói rất rõ, phát triển là gì và chúng ta phải đi qua cái gì và phải đi đến đâu. Tôi không lấy mục tiêu là chỉ trích, mà tôi muốn tìm một số giải pháp, một số biện pháp, một số gợi ý, một số sáng kiến.
Nếu xã hội chúng ta kêu gọi sự phát huy, đi tìm kiếm giải pháp, sáng kiến, lối thoát mà không chỉ trích nữa thì tôi nghĩ rằng tất cả các cuộc hội thảo sẽ trở nên những cuộc hội thảo lịch sử. Bởi đấy là lúc xã hội ghé một vai gánh với Đảng và Chính phủ để chứng minh rằng xã hội chúng ta là một xã hội hòa bình, mọi người đều làm chính trị theo địa vị của mình chứ không đòi thay thế vị trí các nhà lãnh đạo. Tôi không phải là người làm chính trị nhưng tôi tham gia vào đời sống chính trị như một người đi tìm một số giải pháp, đi tìm một số ý kiến hợp lý.
Tôi tham gia vào đời sống chính trị, tham gia vào hệ thống chính trị như là một yếu tố phù hợp với địa vị cũng như quyền lực của tôi. Tôi phải nói thẳng rằng tôi không thích những ý kiến luôn luôn chỉ trích và đòi thay thế thể chế. Bởi vì chỉ trích dễ lắm, nhưng làm thì khó.
- Thật thú vị về tâm thế của một trí thức như ông...
Trí thức Việt Nam sau đổi mới, không biết vì lý do gì chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất, là những người tận dụng được cơ hội đổi mới và nhanh chóng trở thành những nhà kinh doanh. Lớp già như tôi thì nửa cũ nửa mới, còn những lớp sau này đã trở thành những nhà kinh doanh ghê gớm, thậm chí có những người rất liều và đã phải trả giá cũng khá đắt. Trí thức nào mà có kinh nghiệm và có năng lực thức tỉnh về kinh tế và hoạt động kinh tế, thì trí thức ấy trở thành những người đưa được các yếu tố tri thức vào nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù những yếu tố tri thức ấy không phải là hoàn toàn sâu sắc, cũng không phải là sành điệu nhưng là yếu tố tri thức thật, và họ được hưởng lợi, họ trở thành những người giàu có và thành đạt trong điều kiện mở cửa của đất nước. Gần 30 năm sau đổi mới chia ra làm hai thế hệ, tạo ra một tốc độ phát triển khác với quá khứ rất xa.
Thời kỳ đổi mới được chia ra làm hai thế hệ các nhà kinh doanh, và phải nói rằng thế hệ sau phát triển nhanh hơn thế hệ trước với một tốc độ khá lớn. Và đó phản ánh một thực trạng là tốc độ phát triển, kinh nghiệm cũng như trí tuệ hay tham vọng của trí thức Việt Nam là rất lớn.
- Ông đang nói đến những doanh nhân trí thức, còn...
Tôi đã nói đến nhóm thứ nhất là những người đón và nắm bắt được cơ hội. Còn lại cũng có những người nhìn cuộc đời qua tâm trạng của mình. Nguyễn Du đã rất tài tình khi nói về tâm trạng: Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình lại thấy thương mình xót xa.
Trí thức đến như Nguyễn Du thì Việt Nam hiện đại tôi chưa thấy ai. Có tài thì thành Nguyễn Du, bởi vì Nguyễn Du viết Truyện Kiều là nói đến những oan khuất của toàn bộ đời sống, còn những người chưa thực tài thì thường nhiều tâm trạng.
Mọi nhà nước đều phải sửa chữa thường xuyên
- Thưa ông, trở lại với ý kiến lúc nãy ông có nói về đóng góp của trí thức, chuyên gia là giải pháp, sáng kiến?
Đối với người Việt Nam, thể chế chính trị mà chúng ta đang có cho dù còn có những khiếm khuyết thì nó vẫn là một thể chế mà mỗi một người đã cam kết sống với nó. Tôi sinh năm 1946, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời năm 1945. Phải nói cho sòng phẳng, nền cộng hòa này đối với tôi là nền cộng hòa của tôi, tôi phải chăm chút giống như ngôi nhà của tôi, dột thì tôi phải lợp lại. Tôi nghĩ rằng mọi nền cộng hòa đều phải sửa chữa. Tôi đã nghiên cứu và rút ra một kết luận là mọi nền cộng hòa đều phải sửa chữa thường xuyên. Nền Cộng hòa của Hoa Kỳ cũng đang phải sửa, tại sao chúng ta không sửa mà chúng ta đòi thay nó. Thay bằng cái gì?
Phân tích thì được nhưng chỉ trích, bêu riếu thì không nên
- Cụ thể hơn, thưa ông, ý kiến của ông về cách tiếp cận để xử lý những khó khăn hiện nay?
Cần phải học cách cải cách của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ở đấy người ta thuê người viết tổng phổ hiện đại và người ta thuê người chỉ huy hiện đại. Bây giờ để mua được một vé vào Nhà hát Lớn xem Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn phải mất từ 1-2 triệu. Từ chỗ đuổi ruồi không ai xem mà bây giờ bỗng nhiên nó có giá, bởi vì họ biết tạo ra tổng phổ và tạo ra nhạc trưởng. Đôi khi tổng phổ tạo ra nhạc trưởng, và đôi khi nhạc trưởng tạo ra tổng phổ. Kinh nghiệm của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam là một kinh nghiệm tốt.
Chúng ta phải tìm cách tốt nhất đưa đất nước ra khỏi khó khăn như hiện nay. Tất cả những ý kiến chỉ trích cá nhân những nhà lãnh đạo, chỉ trích thực trạng kinh tế, xã hội tôi nghĩ đều không tích cực. Phân tích nó thì được, nhưng đem chỉ trích, bêu riếu nó thì không nên.
Phản biện là một biện pháp để xây dựng thể chế
- Ở trên ông có nói về việc an dân, theo ông vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở đâu trong việc ổn định kinh tế, để tránh dẫn đến những khủng hoảng chính trị?
Trong hệ thống chính trị của chúng ta muốn có tiếng nói thì phải có địa vị chính trị. Địa vị chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tăng lên bằng việc tăng cương vị của người đứng đầu. Cho nên tôi kỳ vọng sắp tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ nâng được vai trò phản biện nhưng không phải theo ý nghĩa như là một sự đối lập mà một số ý kiến mong muốn. Tôi nghĩ chắc chắn là Mặt trận sẽ đưa ra một khuynh hướng phản biện như một biện pháp xây dựng thể chế, xây dựng chính trị, xây dựng kinh tế, xây dựng xã hội.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải trở thành tổ chức phản biện có cơ sở khoa học, một tổ chức tham vấn chính trị, một tổ chức hiệp thương.
Tôi nói ví dụ làm thế nào để chống được tham nhũng là cả một vấn đề. Phải phân tích cả những biện pháp lý luận để xử lý chuyện này. Chúng ta tổ chức rất nhiều hội thảo, nhưng có rất ít hội thảo bàn về nội chính và chống tham nhũng. Tôi nghĩ là báo chí, nhất là báo Đại Đoàn Kết của Mặt trận Tổ quốc là cơ quan rất thuận lợi để đưa ra các phương thuốc, mà phương thuốc ấy là phương thuốc giải độc cho mọi quá trình điều trị. Bởi vì bác sĩ nào tiêm thuốc gì là tùy theo quan điểm y học của anh ta, nhưng tiêm thuốc gì thì cũng đều phải thải độc. Mặt trận Tổ quốc và báo Đại Đoàn Kết có thể trở thành nhà chuyên môn chế thuốc giải độc. Và tôi sẵn sàng nhận lời làm cộng tác viên trong việc chế thuốc giải độc đó.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo nên tự tin. Tự tin, đoàn kết lại và tìm giải pháp. Giải pháp gì cũng phải lấy yên dân làm gốc. Nếu không giải quyết được việc yên dân thì ngay lập tức mọi khó khăn kinh tế sẽ chuyển sang khó khăn chính trị. Tất cả các bi đát của khó khăn kinh tế không phải là sự sụp đổ của các tập đoàn hay các công ty, mà là sụp đổ lòng tin vào đời sống của đại bộ phận dân chúng. Rủi ro quan trọng nhất của khủng hoảng kinh tế chính là để nó chuyển sang khủng hoảng chính trị.
Cẩm Thúy (thực hiện)
(Đại Đoàn Kết)

Đại gia số 1 Việt Nam: Thâu tóm ngân hàng, mua 100 máy bay

Chỉ trong một ngày, hai thương vụ trị giá hàng tỷ USD là thông qua việc sáp nhập hai ngân hàng và mua 100 máy bay mới đã gây rung động thị trường Việt Nam. Điều đáng nói, cả hai đều liên quan đến một tập đoàn lớn và doanh nhân thành đạt, kín tiếng. Chỉ với hai thương vụ nay, Dn và doanh nhân này đã xứng là đại gia số 1 của năm 2013.
Sovico ai biết đều nể
Trong giới đầu tư, cái tên Sovico Holdings đã rất nổi tiếng với khá nhiều vụ đầu tư lớn trong lĩnh vực BĐS và liên quan tới nhiều ngân hàng. Tuy nhiên, tên tuổi của một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam này chưa thực sự được biết đến trên diện rộng cho đến khi DN này lấn sân sang lĩnh vực hàng không.
Hôm 25/9, hãng hàng không tư nhân Việt Nam VietJetAir đã ký kết thỏa thuận mua 92 chiếc A320 của hãng Airbus tại Paris trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thương vụ trị giá khoảng 9 tỷ USD của VietjetAir gây chấn động ngành hàng không không chỉ trong nước mà cả quốc tế và nó được xem như một cú bứt phá mạnh mẽ muốn vươn rộng hơn ra các thị trường quốc tế của hãng hàng không giá rẻ mới vài năm tuổi đời này. 


VietJetAir, HDBank, Sovico Holdings, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Thị Phương Thảo, đại gia, học tập, làm việc, Nga

Thông tin ban đầu cho thấy, số tiền khổng lồ dùng để mua 92 máy bay (62 chiếc sẽ được giao cho VietJetAir trong vòng 8 năm) và thuê 8 chiếc nói trên chủ yếu sử dụng vốn vay từ các ngân hàng nước ngoài.

Cũng giống như đại đa số các hãng hàng không giá rẻ khác, VietJetAir dùng tiền vay để tài trợ cho đội bay của mình. Tuy nhiên, quyết định trang bị thêm 100 máy bay cùng với số tiền bỏ ra rất lớn cho thấy thực lực cũng như vị thế của các ông chủ VietJetAir quả là to lớn.

Vậy ai là ông chủ của hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, mới chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2011 và đã bất ngờ ước lãi khoảng 120 tỷ đồng trước thuế trong 7 tháng đầu năm 2013; dự kiến IPO, niêm yết trên TTCK nước ngoài trong vòng 18 tháng tới này?

Cho tới thời điểm hiện nay, thông tin đầy đủ về cổ đông VietJetAir chưa có nhưng giới đầu tư đã biết đến tập đoàn tư nhân Sovico Holdings có vai trò là cổ đông cổ đông lớn của hãng hàng không này. Và như thế, thương vụ của VietJetAir là một sự bất ngờ về vị thế của tập đoàn Sovico.

Cùng ngày với thương vụ “trăm tỷ USD” nói trên, giới đầu tư còn đón nhận thông tin Đại hội cổ đông bất thường Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) đã thông qua các văn kiện quan trọng để sáp nhập vào HDBank.

Thông tin về vụ sáp nhập này đã được nói đến nhiều và đã được NHNN chấp thuận từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, đại hội của DaiABank hôm 25/9 mới là câu trả lời cuối cùng của cổ đông của ngân hàng có vốn điều lệ 3.100 tỷ và mạng lưới gần 70 điểm giao dịch trên cả nước, chấp nhận xóa sổ tên tuổi để sáp nhập vào HDBank. Gần đây, 2 vị trí cao nhất tại DaiABank đều là người từ HDBank sang.

Điều mà nhiều người quan tâm là HDBank và DaiABank có quan hệ mật thiết với Tập đoàn Sovico Holdings. Ông Chu Việt Cường vừa được bầu vào vị trí chủ tịch HĐQT DaiABank là thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc điều hành của Sovico Holdings. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - cổ đông sáng lập, chủ tịch điều hành của Sovico Holdings là phó chủ tịch HDBank.

Gương mặt đại gia bí ẩn

Nói đến VietJetAir và HDBank gần đây nhiều người mới biết đến Sovico Holdings nhưng với giới đầu tư tài chính, cái tên này khá quen thuộc. Chủ nhân của tập đoàn tư nhân này là vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thanh Hùng-Nguyễn Thị Phương Thảo, là 2 trong 3 sáng lập viên xây dựng Sovico (cùng ông Nguyễn Cảnh Sơn) từ những ngày đầu thành lập - năm 1992.

Ông Hùng hiện là chủ tịch HĐQT Sovico Holdings, trong khi bà Thảo là chủ tịch điều hành.
VietJetAir, HDBank, Sovico Holdings, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Thị Phương Thảo, đại gia, học tập, làm việc, Nga
Vợ chồng doanh nhân Hùng - Thảo.
Ông Hùng được biết đến là thành viên Hội đồng tư vấn doanh nghiệp của APEC (ABAC) do Thủ Tướng phê chuẩn; là phó chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản; uỷ viên BCH Hội Hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ; thành viên duy nhất của DN Việt Nam tại Diễn đàn kinh tế thế giới và được diễn đàn này họp tại Davos Thụy Sĩ năm 2007 bầu chọn là Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu.

Ông là kỹ sư năng lượng, tiến sỹ chuyên ngành tự động hóa, viện sỹ Viện Hàn Lâm Nghiên cứu Hệ thống Quốc tế Liên bang Nga. Còn bà Thảo là cử nhân kinh tế và tín dụng - ngân hàng, tiến sỹ kinh tế, ủy viên sáng lập Viện Hàn Lâm Nghiên cứu Hệ thống Quốc tế Liên Bang Nga.

Với năng lực cá nhân và uy tín ở trong nước và quốc tế, ông Hùng và bà Thảo đã cùng Sovico đầu tư vào nhiều DN trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tập đoàn này hiện là cổ đông chính của HDBank, Chứng khoán Phú Gia, Công ty Quản lý Quỹ Tài chính Dầu khí PVFC Capital. Trong lĩnh vực BĐS, Sovico Holdings đã mua lại khu resort Furama ở Đà Nẵng; rót vốn vào Khách sạn Hồ Gươm tại Hà Nội, Dự án Ariyana ở Đà Nẵng, CTCP Địa ốc Phú Long (dự án Dragon City), Abacus Tower tại Quận 1, TP.HCM… Trước đó, theo thông tin từ Sovico, tập đoàn này là một trong những cổ đông sáng lập của Techcombank và VIB Bank.

Trong lĩnh vực hàng không, Sovico Holdings là cổ đông sáng lập và cổ đông lớn nhất của hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam - VietJet Air. Ngoài ra, Sovico còn rót vốn vào những lĩnh vực khác như thủy điện, cao su, giáo dục, thương mại...

Giống như đại gia “gốc” Nga khác, ông Hùng đã xây dựng cơ nghiệp ban đầu của mình tại Liên bang Nga từ cuối thập kỷ 80 với các ngành hàng như tiêu dùng, nhu yếu phẩm, hàng thực phẩm, điện tử, may mặc… Chủ trường quay về thị trường Việt Nam bắt đầu tư giữa những năm 2.000 đến nay và tập trung trong hai lĩnh vực chính là BĐS, tài chính ngân hàng.

Riêng với ông Hùng, mảng hàng không là một sự khác biệt và là dấu mốc quan trọng thể hiện định hướng chiến lược phát triển của Sovico.

VietJetAir, HDBank, Sovico Holdings, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Thị Phương Thảo, đại gia, học tập, làm việc, Nga

Trong khi rất nhiều DN từ nhỏ tới lớn đang vật lộn trong khó khăn vì đầu tư dàn trải, đa ngành, tập đoàn của ông Hùng-bà Thảo lại đang đầu tư rất lớn ở rất nhiều lĩnh vực. Nhiều người cảm giác e ngại về sự phát triển mạnh mẽ của tập đoàn này. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, những dự án mà Sovico triển khai, trong đó có VietJetAir - một dự án rất mạo hiểm trong một thị trường “tồn tại đã khó” - lại rất tích cực.

Hãng hàng không tư nhất duy nhất của Việt Nam hiện còn bay hồi đầu tháng 9 cho biết, DN đã có lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm (thay vì dự kiến lỗ 3 năm) và dự định sẽ IPO và niêm yết ở TTCK nước ngoài trong vòng 18 tháng tới. Tới cuối tháng 8 vừa qua, VietJetAir đã nâng thị phần ở thị trường nội địa lên 20% bằng việc mở thêm các đường bay mới, vượt qua Jetstar Paciffic - một hãng hàng không giá rẻ khác thuộc quyền sở hữu của Vietnam Airlines (hiện nắm 12%).

Mạnh Hà
  (VNN)

Việt Nam bắt đầu có ý thức bảo vệ môi trường


Vườn Quốc gia Cát Tiên
Vườn Quốc gia Cát Tiên Vyacheslav Stepanyuchenko/Wikipedia

Tại Việt Nam, một số trí thức trẻ bắt đầu quan tâm đến vấn đề môi trường, mà ví dụ minh chứng là một làn sóng nhỏ đang nổi lên phản đối dự án xây đập thủy điện tại Cát Tiên. Đối với tác giả bài viết trên tờ The New York Times, được tuần san Courrier International trích dịch lại qua hàng tựa “Việt Nam bắt đầu có ý thức bảo vệ môi trường ”, sự việc cho thấy có thay đổi dần dần trong tâm thức người dân ở một đất nước quá quen thuộc với quan niệm « Cha chung không ai khóc ».
Việt Nam bắt đầu có ý thức bảo vệ môi trường
« Vì lợi ích mười năm, phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm, phải trồng người ». Đây là câu châm ngôn rất phổ biến của Hồ Chí Minh, xuất hiện tại hầu hết các lớp học ở Việt Nam. Thế nhưng, ngày càng có nhiều trí thức trong nước bắt đầu tự vấn phải chăng là vế đầu của câu châm ngôn đó đã không được quan tâm đúng mức.
Như ý thức được vấn đề đó, một số trí thức trẻ bắt đầu quan tâm đến vấn đề môi trường, mà ví dụ minh chứng là một làn sóng nhỏ đang nổi lên phản đối dự án xây đập thủy điện tại Cát Tiên. Đối với tác giả bài viết trên tờ The New York Times, được tuần san Courrier International trích dịch lại qua hàng tựa “Việt Nam bắt đầu có ý thức bảo vệ môi trường ”, sự việc cho thấy có thay đổi dần dần trong tâm thức người dân ở một đất nước cộng sản quá quen thuộc với quan niệm là « Cha chung không ai khóc ».
Tác giả ký tên Liên Hoàng (một nữ ký giả và là nhà văn Việt Nam sinh sống tại New York) cho biết vừa qua tại Việt Nam, hơn 4700 người đã ký vào một bản kiến nghị trên trang mạng change.org, đề nghị chính phủ Việt Nam ngăn cấm dự án xây dựng hai đập thuỷ điện do tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư.
Vấn đề ở chỗ là để thực hiện dự án trên, tập đoàn này phải cho san bằng khoảng 400 ha đất rừng thuộc khuôn viên vườn quốc gia Cát Tiên, cách thành phố Hồ Chí Minh 150 km về phía đông bắc. Đây lại là một khu bảo tồn thiên nhiên có hệ sinh thái đa dạng nhất tại Việt Nam, nơi trú ngụ nhiều loài sinh vật quý hiếm như các loại lan rừng và gấu mã lai.
Từ năm 2006, nhà nước Việt Nam đã vận động để UNESCO xếp khu vực này vào danh mục Di sản Thế giới. Những người phản đối còn gởi một thư ngỏ lên chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Phong trào phản đối còn nhận được sự ủng hộ từ nhiều chính quyền địa phương cũng như báo giới trong nước.
Xét từ bên ngoài, sự việc cũng có vẻ rất tầm thường : Một doanh nghiệp lớn đe dọa nguồn tài nguyên thiên nhiên, các nhà bảo vệ môi sinh phản đối, và chính phủ phải chọn lựa giữa lợi nhuận và bảo vệ môi trường. Hơn nữa, người Việt Nam còn có một đặc tính khá đặc biệt, họ chỉ phàn nàn về các vấn đề môi trường nếu có đụng chạm đến quyền lợi của mình.
(RFI) 

Tình trạng thực tập sinh bỏ trốn: Nguy cơ mất hợp đồng cung ứng lao động sang Nhật Bản

Trong 8 tháng đầu năm 2013, Nhật Bản đã tiếp nhận gần 5.700 thực tập sinh Việt Nam sang làm việc, với mức thu nhập bình quân khoảng 1.500 USD/tháng. Các doanh nghiệp phái cử trong nước không cần phải quảng cáo nhiều để thu hút lao động bởi sự ổn định về công việc và mức thu nhập của thị trường tiếp nhận lao động này đã là sức hút cực lớn đối với lao động.
Dẫu hàng năm, phía Nhật Bản vẫn tiếp nhận từ 5 ngàn đến gần 10 ngàn thực tập sinh Việt Nam qua các doanh nghiệp (DN) dịch vụ nhưng điều mà các DN luôn nơm nớp lo lắng sau mỗi chuyến xuất cảnh là chuyện lao động bỏ trốn. Phải mất nhiều thời gian, thậm chí nhiều năm, một DN phái cử mới tìm được đối tác tiếp nhận lao động lâu dài, công việc ổn định tại Nhật Bản, nhưng chỉ cần 1, 2 lao động bỏ trốn thì DN đôi khi vừa bị phạt tiền, có trường hợp lên tới 10.000 USD/lao động bỏ trốn, vừa bị mất luôn đối tác.


Đầu tháng 8/2013, Chi nhánh XKLĐ của một công ty trong ngành may mặc tại Hoàng Mai (Hà Nội) tiếp nhận thông báo của Công ty Kawamoto (nghiệp đoàn FJB) tại Nhật về việc thực tập sinh Mai Hồng Quân (28 tuổi) ở tổ 3 đường Nguyễn Hữu Tiến, Đồng Văn (Hà Nam) do công ty đưa sang đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc từ ngày 1/8/2013. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, ngày 2/8, đại diện công ty đã lập tức về nhà của thực tập sinh Mai Hồng Quân để tìm hiểu và vận động gia đình khuyên nhủ Quân trở lại nhà máy làm việc. Với đầy đủ các điều kiện, đã tốt nghiệp Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội, Quân hội tụ đủ điều kiện để sang tu nghiệp tại Nhật Bản từ cuối tháng 12/2012.
Cho đến thời điểm bỏ trốn, Quân đã làm việc được 8 tháng, với mức thu nhập ổn định, đúng theo hợp đồng đã ký kết. Trong thời gian này, thực tập sinh Quân cũng không có bất kỳ khiếu nại gì về công việc làm gia công cơ khí, mức lương tại nhà máy ở Nhật Bản. Bản thân bố mẹ Quân ở nhà cũng cho rằng chỉ biết nhờ công ty liên lạc để Quân quay lại làm việc hợp pháp, việc bỏ trốn là ngoài mong muốn của gia đình. Bản thân Quân đối diện với những rủi ro khi ra ngoài làm việc bất hợp pháp, không được bảo vệ quyền lợi. Ngoài ra nghiệp đoàn Nhật Bản sẽ phát lệnh truy nã trên toàn nước Nhật, có thể bị bắt và chịu các mức bồi thường lớn.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Long, phụ trách Ban Xử lý phát sinh của công ty đưa Quân sang tu nghiệp tại Nhật Bản cho biết, để một thực tập sinh bỏ trốn, không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn cá nhân Quân mà còn gây ra rất nhiều thiệt hại cho DN về quan hệ với đối tác, đặc biệt ảnh hưởng đến thị trường tiếp nhận lao động đang được thực hiện rất bài bản, ổn định như Nhật Bản.
Không bị ép làm việc sai hợp đồng, nhưng thực tập sinh vẫn bỏ trốn. Đây là tình trạng mà hầu hết DN phái cử thực tập sinh sang làm việc tại Nhật Bản đều gặp phải. Những DN làm lâu năm cũng nhiều phen “ngậm đắng nuốt cay”. Ông Vũ Công Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực LOD cho rằng, cho dù các DN phái cử trong nước có làm cẩn thận, chu đáo đến đâu, thậm chí như công ty của ông đã phải về tận địa phương, tận nhà của thực tập sinh, lo công ăn việc làm, giới thiệu tiếp cho người nhà của thực tập sinh đi làm việc tại Nhật Bản, nhưng có điều kiện trốn là họ vẫn trốn.
“Với mỗi lao động bỏ trốn, tùy theo từng lỗi vi phạm của lao động mà DN phái cử bị phía đối tác phạt từ 4.000 – 5.000 USD, thậm chí có trường hợp mà DN phải chịu trận tới 10.000 USD. DN làm gì bù lại được”, ông Bình cho hay. Tuy nhiên đối với DN làm Nhật Bản thì thiệt hại lớn nhất là mất uy tín với đối tác và rất khó ký được hợp đồng cung ứng lao động tiếp theo.
Theo đánh giá của các DN dịch vụ đưa thực tập sinh sang Nhật Bản, từ tháng 7/2010, phía Nhật Bản bắt đầu thực hiện quy định mới, DN phái cử ở Việt Nam không được thu tiền đặt cọc của thực tập sinh, thì số thực tập sinh mới sau này có dấu hiệu bỏ trốn nhiều hơn trước. Biện pháp nào để chống trốn vẫn chỉ phụ thuộc và cách làm của DN, còn các quy định, chế tài được quy định tại Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, quy định về Xử phạt hành chính trong lĩnh vực XKLĐ đã có nhưng chưa được thực thi một cách nghiêm túc, quá ít trường hợp bỏ trốn được xử lý nghiêm, nên người lao động vẫn cứ thấy có cơ hội trước mắt là bỏ trốn, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và thị trường XKLĐ của Việt Nam.
Từ trường hợp bỏ trốn của thực tập sinh Mai Hồng Quân, ông Trần Văn Long rút ra bài học cần phải thẩm tra kỹ hơn về lý lịch, nguồn gốc của người lao động, thậm chí ngay cả khi đối tác Nhật Bản đã đồng ý tuyển, trong quá trình đào tạo 3 tháng về ngoại ngữ, kỹ năng, tác phong tại Việt Nam, DN phái cử nếu phát hiện dấu hiệu “không an toàn” của thực tập sinh thì cũng nên thông báo cho phía Nhật Bản để tìm sự lựa chọn khác. Sáng kiến này cũng có thể có ích cho các DN phái cử lao động của Việt Nam
Thu Uyên
(CAND)
 

Nhà báo Phạm Chí Dũng: Có nên tham gia Xã Hội Dân Sự? (Video)


“Mục tiêu thì vô cùng lớn lao, nhưng thực tế thì vô cùng khó khăn”

“Sau tất cả những hình thức hoạt động công khai trên mạng, người ta cần phải hoạt động công khai trong đời sống”.
Truyền thông Chúa Cứu Thế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét