Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Tin ngày 26/8/2013 - tiếp theo

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI

TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

Tự do tàn phá núi rừng để… “làm giàu”. PHẦN 1

Tôi sinh ra và lớn lên cùng núi rừng. Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù trong những năm tháng chiến tranh có phần của quê hương tôi. Từ khi giải phóng cho đến 20 năm sau, núi rừng quê tôi vẫn còn giữ vẻ đẹp nguyên sơ với thảm thực vật, thú rừng, chim chóc đa dạng, mặc dù dân quanh đây sinh sống hoàn toàn nhờ vào núi rừng tự nhiên. Thế mà bây giờ, trước mắt tôi, núi rừng bị chặt phá và thiêu cháy rụi hàng ngàn hecta mà không ai đếm xỉa.
Từ quốc lộ 1 nhìn lên dãy núi Đại Sơn (xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, Bình Định) cách 5 cây số vẫn có thể thấy núi rừng nghi ngút khói lửa. Từng đoàn xe ùn ùn ngày đêm chở củi gỗ lên xuống một cách hiên ngang mà không thấy bóng dáng một anh kiểm lâm, một cán bộ công quyền can thiệp. Cái lòng hồ với dự án nâng cấp vay vốn ODA của vương quốc Bỉ tốn hàng chục tỉ trơ ra khô khốc. Cái thác Suối Tiên bốn mùa với dòng nước trắng xóa cùng với những con suối từ các khe núi đổ ra hồ cũng biến mất. Lòng hồ trơ ra dấu vết bánh xe của những chiếc xe tải ngày đêm chở gỗ.
Đồng ruộng mênh mông của 6 thôn trong vùng phần lớn bỏ hoang cả 2 vụ vì thiếu nước…
1. Uống máu dân để làm giàu?
Mấy ngày xây mộ cho cha và tổ tiên mà ruột đau như cắt. Cả trăm nấm mộ của cha ông đã bị xích xe sắt của giặc Mỹ thời chiến tranh cày nát không còn dấu tích, chỉ còn lại chưa đầy chục nấm, bây giờ lại không yên ổn, có nguy cơ bị “giặc Việt” tàn phá. Đó là khu triền đất giáp núi phía Nam cách chân bờ hồ, đất của tổ tiên, ông bà của những người dân ở đây có trích lục hẳn hoi, dân đang canh tác và bảo tồn mồ mả tổ tiên không ảnh hưởng gì đến hồ nước. Khi dự án nâng cấp hồ được triển khai, máy ủi, máy xúc đổ đất thừa một cách tùy tiện, đè lên làm mất mất dấu phần lớn các mồ mả, xâm phạm một cách ngang ngược, bất chấp luật pháp. Sinh thời cha tôi đã phải ngày đêm gối đất nằm sương, đóng cọc để giữ lấy phần còn lại của mồ mả ông bà. Cả chục hecta đất hoa màu đang canh tác bị đổ đất ùn lên từng đống. Chính quyền xã hứa sau đó sẽ trả lại mặt bằng cho dân sản xuất, nhưng vài năm nay vẫn để nguyên. Đùng một cái, ông phó chủ tịch xã Mỹ Hiệp: Nguyễn Bá Thơ tuyên bố, toàn bộ khu đất này là của ông, xã giao cho ông chăn nuôi, trồng trọt. Ông Thơ đòi dân sơ tán mồ mả và trả đất cho ông, còn nếu không, ông sẽ trồng cây và nuôi heo trên những nấm mồ đó???
Tôi thật sự ngạc nhiên bởi đám cường hào thời thực dân phong kiến ở đâu lại tái sinh trên mảnh đất mà cha ông của chúng tôi qua hai cuộc kháng chiến đã đổ máu chồng chất trên mảnh đất này!
Mà nói thẳng luôn, cường hào ngày xưa cướp đất của dân thì có chứ chuyện mồ mả thì chưa bao giờ dám xâm phạm!
Bao nhiêu đơn kiện dân phát đi nhưng trở thành giấy chùi trôn cho đám quan lại kia.
Chẳng lẽ họ đang cần quả bom Đoàn Văn Vươn thứ hai???
Dân quê tôi đại đa số hiền lành. Họ sẵn sàng chấp hành lệnh quan nếu những mệnh lệnh ấy ích nước lợi dân. Cái bờ hồ dài 5 cây số vắt ngang qua từ núi Đầu Voi sang eo Cổ Cò của Núi Chóp Vung được đắp lên từ máu và nước mắt của dân từ thời hợp tác xã đói khát để tưới tiêu cho đồng ruộng 6 thôn trong vùng. Từ năm 2008, khi có dự án hỗ trợ nâng cấp của vương quốc Bỉ, dân sẵn sàng chấp hành lệnh cấm khai thác rừng và tăng gia sản xuất dưới chân núi để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước, mặc dù thu nhập chính của mỗi hộ gia đình sinh ra từ vùng đất mầu mỡ đó.
Dân Đại Sơn thà chịu nghèo để nuôi dưỡng tài nguyên thiên nhiên và phúc lợi cho cả vùng.
Trước đây dân đã từng bức xúc với chính quyền thôn xã khi cán bộ thôn xã cho con em của họ lén lút đấu giá để chiếm cứ lòng hồ nuôi cá. Một lòng hồ mênh mông nước đột nhiên sau một đêm bị xả sạch để thu hoạch cá làm cho đồng ruộng thiếu nước triền miên. Nhưng sự bức xúc lên tiếng phản đối ấy chỉ như đàn gảy tai trâu, thậm chí còn bị đe dọa trả thù. Máu và nước mắt của dân đổ xuống trên từng tấc đất của cái hồ thủy lợi này cho một nhóm người thu lợi bất chính.
Từ khi dự án nâng cấp bờ, lòng hồ hoàn thành (2009) đến nay, theo yêu cầu của nhà đầu tư về việc quản lí, bảo tồn rừng đầu nguồn và chấm dứt việc đấu giá nuôi cá, một vùng mênh mông của núi rừng quanh hồ tươi tốt mơn mởn, thảm thực vật đang sinh sôi, động vật hoang dã kéo về đông đúc. Lại đùng một cái, từ mấy tháng nay, toàn bộ núi rừng khu vực lòng hồ chìm trong biển lửa.
Không biết thông tin từ đâu đến, rằng có cái dự án của Nhật Bản nào đó mà “cán bộ huyện” đã tung ra cho phép dân khai thác rừng để trồng cây nguyên liệu, thế là những kẻ có máu mặt ở đây hùa nhau chiếm cứ, chặt phá và kể cả phun xăng đốt rừng để mơ “làm giàu” một cách tự do tùy tiện.
Tiếp xúc với người dân ở đây, họ cho biết đám phá rừng này rất côn đồ, có vai vế, chúng tự do chiếm đất, chiếm rừng và sẵn sàng tấn công những ai cản trở. Một cụ ông chăn bò cho biết, chúng từng chặt chân bò, đuôi bò và đe dọa phun thuốc độc cho bò ăn chết, nếu thả bò lên vùng đất bất khả xâm phạm của chúng. Không biết chúng dựa vào đâu mà độc chiếm núi rừng, lòng hồ để làm vua một cõi như thế?
Đọc tiếp:
2. Đích danh thủ phạm là ai?
Lều canh nuôi cá và phá rừng
Lều canh nuôi cá và phá rừng

Dựng lều trong rừng sâu
Và những cái lều ẩn trong rừng sâu để phá rừng
Khu đồi trung tâm lòng hồ bị chặt phá và phun xăng đốt

Suoitien
Suối Tiên cạn khô nước mắt

phiabac
Phía Bắc lòng hồ cũng bị chặt và phun xăng đốt

Phía Nam hồ, lửa cháy lên gần đỉnh núi
Phía Nam của hồ, lửa cháy lên gần đỉnh núi. Phá núi đào đường để xe tải, xe máy leo lên được!

Lòng hồ in vết xe tải cày xéo
Lòng hồ in vết xe tải chở gỗ cày xéo

hinh12
Đường xe leo lên đèo núi, lâm tặc phóng xe bỏ chạy

hinh32
Xe chở củi, gỗ hiên ngang cày xéo trên đường dưới chân triền hồ

hinh29
Biển cấm không hiểu sao bị bôi trắng để tàn phá tự do

hinh27
Một người dân chăn bò đang bức xúc trước nhóm phóng viên

hinh28
Bia dự án Việt – Bỉ

hinh31
Nhà bảo vệ hồ lúc nào cửa cũng đóng im ỉm mà cán bộ giữ hồ vẫn ăn lương từ thuế của nhân dân
THEO CHU MỘNG LONG

Đình chỉ phát hành bộ tiểu thuyết Đại gia vì lý do ‘nhạy cảm’


Theo Cục Xuất bản, “nhận định, đánh giả chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội”.
Ông Nguyễn Cảnh Bình, giám đốc công ty cổ phần sách Alpha (Alpha Books), đơn vị liên kết với NXB Lao động đầu tư in hai tập tiểu thuyết Đại gia (tác giả Thiên Sơn) vừa gửi thông báo đến các đối tác phát hành trong nước đề nghị ngưng phát hành, gỡ bỏ quảng cáo và thu hồi tác phẩm trên về kho Alpha Books.
Trước đó, công văn số 2896 / CXB – QLXB ngày 31.7.2013 do ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản ký, gửi đến NXB Lao Động và Alpha Books, đã đề nghị hai đơn vị này “đình chỉ phát hành để tổ chức thẩm định nội dung bộ tiểu thuyết Đại gia”, “chủ động đề xuất phương án xử lý đối với cuốn sách trên” và yêu cầu “có văn bản gửi về Cục Xuất bản trước ngày 25.8.2013”.
Theo công văn trên, sau khi “kiểm tra nội dung” bộ tiểu thuyết Đại gia (gồm 2 tập: Tam giác vàng và Quyền lực đen).
Cục Xuất bản đưa ra ý kiến:
“Nội dung bộ tiểu thuyết miêu tả những mối “quan hệ” làm ăn kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các quan chức cấp cao của nhà nước và những thủ đoạn, mánh khóe trong công tác tổ chức cán bộ.
Cùng với đó là sự tha hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng của bộ máy quan chức các cấp từ Trung ương đến địa phương. Qua tác phẩm, người đọc thấy một “tam giác ngầm” mà ở đó, quyền lực, tiền bạc và gái gú câu kết với nhau để bòn rút của cải xã hội, làm mục rỗng đạo đức xã hội.
Việc phản ánh hiện thực xã hội và đề cập đến một số vấn đề “nhạy cảm” hiện nay với tính chất cường điệu quá mức, cùng với những nhận định, đánh giả chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội”
Hai tập tiểu thuyết Đại gia của nhà văn Thiên Sơn dày hơn 1.100 trang, được in với số lượng 1.000 bản theo quyết định xuất bản của giám đốc NXB Lao động số 77/QĐLK-LĐ ngày 28.5.2013; sách in xong và nộp lưu chiểu quý 3/2013.
Theo nhận định của nhà văn Võ Thị Hảo được trích dẫn trên bìa 4 của hai tập sách: “Tác giả đã đau đớn để nhận biết, để đồng hành, để cập nhật với nỗi đau của những phận người đông đảo mà bé nhỏ, bị bóp nghẹt trong thế giới của quyền lực đen. Một khát vọng cháy bỏng muốn hành động để sự bóp méo này, ung hoại này được cắt bỏ và những vết thương lành lại”.
Tác giả Thiên Sơn, tên thật Nguyễn Xuân Hoàng, sinh năm 1972 tại Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An, là hội viên Hội nhà văn VN, hiện công tác tại Tạp chí Điện Ảnh Việt Nam. Trước tiểu thuyết Đại gia, ông đã có 2 tập thơ, 2 tập truyện ngắn và 4 tiểu thuyết đã được xuất bản và từng dành giải C cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà văn VN (2006-2010) với tiểu thuyết Dòng sông chết.
Theo Sài Gòn Tiếp thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét