Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Bài viết đáng chú ý

Hoàng Sa bị thế giới bỏ quên?

Ngày hôm qua, nhật báo Người Việt đã loan tin về việc Trung Cộng đang xây dựng các bãi đá ngầm chiếm của Việt Nam thành những pháo đài kiên cố trên biển; đó là một phần của quần đảo Trường Sa mà Trung Cộng đánh chiếm từ năm 1988 đến 1995. Trong thời gian đó, báo chí của chính quyền cộng sản nước ta không cho dân chúng biết gì về các hành động xâm lăng này.
Tin này được hãng thông tấn Kyodo tiết lộ ngày Thứ Hai, 5 tháng 8 năm 2013, dựa trên bản phúc trình quân sự của chính phủ Nhật, vẫn giữ bí mật. Bảy bãi đá san hô ngầm người không thể tới đó sống được, nay đã trở thành các căn cứ và pháo đài tối tân, kiên cố, nổi trên mặt nước. Cũng không thấy chính quyền cộng sản trong nước nói một lời nào về các hành động gây hấn mới nhất của Trung Cộng; trong cuộc gặp gỡ Trương Tấn Sang, Tập Cận Bình vào tháng trước.
Thứ Năm tuần trước, ở Việt Nam nhiều nhân vật đã tập họp tại một trụ sở của Bộ Kế Hoạch và Ðầu Tư trên đường Văn Miếu, Hà Nội để “tôn vinh” những “hành động vì biển đảo Việt Nam.” Trong số những người được vinh danh có cựu Trung Tá Vũ Hữu San, hạm trưởng chiến hạm Trần Khánh Dư từng tham gia trận hải chiến Hoàng Sa chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1974. Trung Tá San hiện định cư ở Mỹ và trở thành một nhà nghiên cứu Biển Ðông có tiếng; ông đã viết những bài tường thuật về trận hải chiến Hoàng Sa.
Cũng trong tuần này, một tờ báo mạng lớn ở Mỹ, tờ The Christian Science Monitor, đã viết một bài về “Năm vụ tranh chấp gay gắt nhất về hải đảo ở Á Ðông” (East Asia's top 5 island disputes). Ký giả Leigh Montgomery của báo này kể lần lượt về năm quần đảo đang gây xung đột như sau.
http://giaoduc.net.vn/Uploaded/buikhuong/2013_04_04/images474339_2.jpg

Thứ nhất là vụ tranh chấp về quần đảo gọi tên Dokdo trong tiếng Ðại Hàn hoặc Takeshima trong tiếng Nhật. Dokdo chỉ gồm hai đỉnh núi từ biển nhoi lên thành hai hòn đảo, ở cách nhau có 150 mét, với 35 hòn đảo rất nhỏ khác, diện tích tổng cộng chưa tới 400 ngàn mét vuông. Quần đảo này nằm xa bờ biển Hàn Quốc 215 cây số, cách bờ biển Nhật 250 km. Năm 1905 Nhật Bản đã chiếm đóng hòn đảo này trước khi xâm lăng Hàn Quốc.
Vụ tranh chấp thứ nhì được nêu ra là quần đảo Trường Sa (Spratly) với 190 hòn đảo trong một vùng biển rộng 150 ngàn dặm vuông, các nước Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Ðài Loan, Việt Nam và Brunei đang tranh giành chủ quyền.
Nơi thứ ba gây xung đột là quần đảo Yeonpyeong, giữa Nam Hàn và Bắc Hàn, ngay dưới vùng chia đôi hai nước, cách bờ biển Bắc Hàn 8 cây số. Vì Bắc Hàn không chấp nhận vĩ tuyến 38 phân chia hai quốc gia cho nên họ vẫn nói các đảo này thuộc miền Bắc.
Thứ tư là vụ Nhật và Nga vẫn tranh nhau quần đảo Kuril bị Nga chiếm đóng từ năm 1945, căn cứ vào những quyết định trong các hiệp định Yalta và Potsdam, giữa các cường quốc đồng minh thắng trận.
Sau cùng, cuộc tranh chấp gần đây rất ồn ào giữa Nhật Bản và Trung Quốc về quần đảo Ðiếu Ngư, tên tiếng Trung Hoa, hay Senkaku trong tiếng Nhật.
Ðiều đặc biệt là bản danh sách trên không hề nhắc đến quần đảo Hoàng Sa mà Trung Cộng đã chiếm của Việt Nam từ năm 1974!
Tại sao ký giả báo The Christian Science Monitor bỏ sót tên Hoàng Sa? Ðó là nơi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã đặt quân đồn trú và lập đài khí tượng mỗi ngày thông báo tin tức thời tiết cho tàu biển khắp vùng Ðông Nam Á. Trong khi đó họ lại nhắc đến tên những mỏm đá nho nhỏ trong các quần đảo Dokdo, Kuril và Senkaku, coi đó là nơi diễn ra những xung đột hàng đầu ở Á Ðông?
Lý do dễ hiểu: Chính ký giả Leigh Montgomery và ban biên tập báo The Christian Science Monitor không được nghe bản tin nào về vụ xung đột trên quần đảo Hoàng Sa, trong gần 40 năm qua! Thế giới đã quên Hoàng Sa. Công ty Google có lúc cũng ghi trên bản đồ họ vẽ là quần đảo này thuộc Trung Quốc; cho tới khi người Việt khắp thế giới cùng nhau yêu cầu họ mới sửa.
Tại sao số phận Hoàng Sa lại hẩm hiu như thế? Vì chính quyền đang cai trị nước Việt Nam lẳng lặng đẩy Hoàng Sa chìm vào quên lãng! Sau khi các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam đã bỏ mình vì bảo vệ mảnh đất nhỏ của quê hương, đảng cộng sản đã “đánh chìm” các hòn đảo này trong trí nhớ của người dân Việt suốt ba thập niên, mãi đến khi người dân phẫn uất biểu tình hô lớn khẩu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam!” thì cái tên Hoàng Sa mới được sống lại trong mạch máu và trái tim của dân Việt.
Tại sao chính quyền Việt Nam có thể bưng bít dân về cuộc tranh chấp trên các quần đảo trong một thời gian dài như vậy?
Vì đảng cộng sản nắm độc quyền cai trị. Báo The Christian Science Monitor cũng viết một bài giải thích lý do tại sao các cuộc tranh chấp về các hòn đảo lại trở nên sôi nổi trong các năm qua. Họ nhận thấy dư luận thế giới sôi nổi về các hòn đảo này trong những thời gian có các cuộc tranh cử ở Nhật Bản, Nam Hàn và Ðài Loan. Chính quyền các nước đó đều được dân bầu lên, họ đều chịu trách nhiệm với dân. Cho nên họ làm bổn phận với dân, luôn luôn xác định chủ quyền trên từng hòn đảo nhỏ được tổ tiên để lại. Ở nước ta, đảng cộng sản độc quyền cai trị cho nên vừa bịt tai dân lại vừa bịt mồm bịt miệng không cho ai nói tới.
Nhưng đảng Cộng sản Việt Nam không thể tiếp tục bịt mồm bịt miệng dân chúng mãi. Bịt mồm bịt miệng là hình ảnh trong một bài thơ của cụ Phan Khôi, cụ tự ví mình như con heo sắp bị chọc tiết, khi sống dưới chế độ cộng sản:
Ðánh đùng một cái
Kêu éc éc ngay
Bịt mồm, bịt miệng
Trói chân, trói tay...
Người dân Việt Nam đã lên tiếng, không chấp nhận bị bịt mồm bịt miệng mãi mãi.
Cuộc gặp gỡ nhằm “tôn vinh” những “hành động vì biển đảo Việt Nam” ở Hà Nội vào ngày 1 Tháng Tám 2013 là một biến cố đáng khen ngợi. Ðiều đáng tiếc là trong buổi gặp gỡ đó mọi người không để một phút tưởng niệm anh linh Ðại Tá Hà Văn Ngạc, người đã hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa. Người ta cũng không nhắc tới những blogger đang bị tù vì đi biểu tình đòi Hoàng Sa. Nhất là anh Nguyễn Văn Hải, tức Ðiếu Cày, mà trong ngày gặp mặt đó mọi người biết anh đang tuyệt thực vì đòi hỏi hỏi ban giám đốc trại giam Thanh Chương, tỉnh Nghệ An phải giải quyết cách đối xử với tù nhân chính trị theo đúng pháp luật. Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần, và bao nhiêu người khác đã bị tù chỉ vì những hành động yêu nước, đòi Trung Cộng trả lại Hoàng Sa cho Việt Nam. trong cuộc họp trên, ông Nguyễn Thanh Bình, tổng giám đốc công ty Gafim đã kêu gọi phải quan tâm tới vai trò của lớp trẻ trong hoạt động vì chủ quyền biển đảo; vì ông thấy trong buổi gặp mặt hầu hết là các gương mặt lớn tuổi, trong suốt bốn giờ đồng hồ chỉ có hai bạn trẻ được phát biểu ý kiến.
Nhưng giới trẻ dân Việt Nam sẽ lên tiếng. Chúng ta đang chứng kiến các hoạt động đòi tự do dân chủ của họ. Ðã có135 blogger Việt Nam ký tên vào bản tuyên bố đòi hủy bỏ điều 258 Bộ Luật Hình Sự, nói về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước...” một điều luật được dùng để bịt mồm bịt miệng nnng người yêu nước. Sáu blogger Việt Nam, trong đó có các bạn trẻ Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Nữ Phương Dung và Nguyễn Thảo Chi, Phạm Ðoan Trang, Nguyễn Lân Thắng đã gặp bà Maria Isabel Sanz Garrido, đại diện Văn phòng Ðông Nam Á của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, tại Bangkok, Thái Lan để đưa một bản tuyên bố nhờ chuyển tới Liên Hiệp Quốc. Các anh chị Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Vũ Hiệp, Lê Dũng và Lã Việt Dũng gặp nhân viên Ðại Sứ Quán Mỹ ở Hà Nội để thông báo về bản tuyên bố này để họ biết dân Việt Nam không chịu bị bịt mồm bịt miệng.
Những ý kiến đòi chủ quyền trên các quần đảo ở Biển Ðông đều xuất phát từ các blog trong nước. Chính các blogger đã phát động các cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lược. Truyền thống này sẽ được giới trẻ tiếp tục.
Chúng ta có bổn phận nhắc nhở cả thế giới, họ sẽ không thể quên rằng Hoàng Sa thuộc đất nước Việt Nam.
Ngô Nhân Dụng
(Người Việt)

Nghĩ về hiện tượng Trần Độ

Áp phích cổ động
Người viết muốn nhìn ra ở đây "một hiện tượng lịch sử" có ‎ nghĩa biểu tượng.

Lịch sử đi tới theo đội hình hình thoi chứ không "dàn hàng ngang mà tiến". Bao giờ những người đi trước cũng thuộc số ít. Càng ít hơn nữa là những ngươi có tầm mắt vượt lên phía trước, nhìn thấu được những điều mà nhiều người đồng hành chưa nhìn ra, hoặc nhìn nhưng chưa thấy, hoặc thấy nhưng chưa rõ. Và càng sát cái điểm đầu chóp hình thoi ấy thì càng đơn độc!

Trần Độ là một hiện tượng, đúng hơn, là một bằng chứng rất sống động về sự "đơn độc của tia chớp" đang dẫn dắt suy tư của người viết nhân ngày mất của ông, 9/8/2002.

Nhận thức là một quá trình. Có những con người đã trở thành một hiện tượng lịch sử vì nó là biểu tượng sống động về sự oái oăm của lịch sử trong nhận thức về lịch sử. Mà trớ trêu thay, chính sự oái oăm đó làm nên lịch sử.

Làm nên bằng chính cái tầm vượt lên phía trước ấy.

Liệu dưới tác động nào đó, trong một thời đoạn đau thương nào đó, có thể có quá trình ngược lại, một cơ chế phi lý‎ đẩy con người đi từ trạng thái văn minh trở lại với trạng thái man rợ? Trần Độ có bốn câu thơ dưới dạng "tự bạch" :

Những mơ xoá ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện
Ai hay, biến đổi, ác luân hồi.

Liệu nỗi niềm "ai hay, biến đổi, ác luân hồi" có chút bóng dáng nào của cái cơ chế phi lý kia không?

Vì rằng, nếu cứ nhìn về nhân thân và sự nghiệp theo một nếp hằn rất chi là "lập trường quan điểm" từng chi phối đời sống tinh thần xã hội gần hai phần ba thế kỷ nay, thì con người này là một mẫu mực sáng giá, một điểm son chói lọi trong những trang sử hiện đại : Đi làm cách mạng từ năm 16 tuổi, vào đảng năm 17 tuổi, vào tù, cắn răng chịu tra tấn trong các nhà tù đế quốc , vượt ngục về hoạt động bí mật vào những ngày "tiền khởi nghĩa", góp phần vào Cách Mạng tháng 8/1945, đảm nhiệm vai trò chính ủy Mặt trận Hà Nội "cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh" những ngày Thủ đô rực lửa năm 1946, tiếp đó là chính ủy trung đoàn, chính ủy đại đoàn, chính ủy quân khu, rồi phó chính ủy và phó bí thư quân ủy, được phong hàm thiếu tướng rồi trung tướng, được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội, ủy viên Trung ương Đảng CSVN, Trưởng ban văn hóa văn nghệ Trung ương.
"Những mơ xoá ác ở trên đời Ta phó thân ta với đất trời Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện Ai hay, biến đổi, ác luân hồi."
Trung tướng Trần Độ
Dù được quy chiếu theo những hệ thống giá trị nào thì cuộc đời dấn thân hết mình cho Tổ quốc, nằm gai nếm mật, vào tù ra tội, luôn đứng ở mũi nhọn của cuộc chiến tranh cứu nước, con người này có một cuộc sống thật đẹp!

Ấy thế mà khi con người ấy nằm xuống, người ta quyết không cho cuộc đời "thương tiếc" ông. Dùng một con rô bốt vô hồn để thực hiện một công vụ táng tận lương tâm là kể tội ông trong điếu văn đọc trước linh cữu người quá cố, người ta đã chà đạp lên truyền thống "nghĩa tử là nghĩa tận" trong đời sống dân tộc. Cái đáng sợ nhất, khủng khiếp nhất chính ở chỗ này đây.

Một giải pháp vô văn hóa, phản tâm linh được thực thi một cách triệt để theo lối "đào tận gốc, trốc tận rễ" khi người ta "trả nghĩa" cho ông "Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương" của ̣ảng bằng hành động vô văn hóa đó. Một hành động được hoạch định kỹ càng và đóng dấu ở nơi cao cấp nhất!

Từ cách công bố tin ông mất sát kề ngày tang lễ để đồng chí, đồng đội của ông không đến kịp nhằm giảm tối đa số người "thương tiếc" ông tại nhà tang lễ, đến chuyện xé bỏ băng tang đính trên vòng hoa nếu có chữ "vô cùng thương tiếc", và rồi bài điếu văn phản nhân văn, ráo cạn nhân tình không tiền khoáng hậu đi vào lịch sử như một vết nhơ không sao xóa mờ đi được!

Vòng hoa tang

Xin chen vào đây một mẩu chuyện: vòng hoa của người viết bài này nhờ một người bạn vốn là "quân của tướng Độ" mang đến nhà tang lễ. Hai vị Công an chặn lại, yêu cầu gỡ bỏ mấy chữ "Vô cùng thương tiếc". Vị cựu chiến binh là thương binh chiến đấu ở chiến trường Miền Tây cố làm nhẹ sự căng thẳng bằng một đề nghị hóm hỉnh :"Thế tôi sửa lại là Thương tiếc vừa vừa đồng chí Trần Độ nhé? ".

Công an trừng mắt, quát. Xô xát có cơ xảy ra vì anh thương binh "quân của tướng Độ" đã xắn tay áo. Ánh mắt đang đổ dồn về đây. Một vị đeo lon trung tá vừa lịch lãm vừa xử sự rất "có nghề" đã nhanh chóng xin lỗi người cựu chiến binh, vừa gạt tay thuộc cấp định gỡ vòng hoa, rồi mời người cựu chiến binh mang nó cùng đi. Nhưng khi đến gần bậc thềm nhà tang lễ thì anh ta nói " theo quy định, chúng tôi phải trực tiếp chuyển vòng hoa, đồng chí cứ đứng đây". Thế rồi y nhấc bổng vòng hoa đi vòng ra phía sau, mất hút!

Gọi điện kể lại, người cựu chiến binh tự hào là "quân của tướng Độ" đó an ủi : "Thôi chú ạ, thế là mình cũng đã thể hiện được tấm lòng và ý chí trọn nghĩa vẹn tình với ông ấy, người sẽ đi vào lịch sử. Đến vòng hoa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà chúng nó cũng đòi bóc, đại tá Huyên quyết liệt đấu tranh, cuối cùng cũng đành chỉ còn hai chữ "thương tiếc", phải bỏ hai chữ "vô cùng" trên vòng hoa tang của bậc công thần, người anh cả của quân đội cụ Hồ gửi viếng một vị tướng từng chỉ huy Mặt trận quyết tử của Hà Nội mở đầu cuộc chiến tranh giữ nước để rồi có mặt trên tất cả các mặt trận nóng bỏng nhất cho đến khi kết thúc chiến tranh, mà chú!"

Có thể ai đó khi hạ lệnh gỡ bỏ những dòng chữ "vô cùng thương tiếc" trên vòng hoa tang đã cạn nghĩ, hoặc mê muội trong nguyên lý khủng khiếp từng thuộc nằm lòng về sự chuyên chính đối với kẻ thù giai cấp, đã không lường trước được hệ lụy cũng khủng khiếp không kém của quyết định dại dột bất cận nhân tình ấy.
Xét cho cùng, vết nhơ lịch sử này chính là nỗi đau văn hóa.

Tướng Trần Độ
Tướng Trần Độ qua đời năm 2002

Trong một bài gần đây trên tạp chí Văn Hóa Nghệ An ngày 31/7/2013, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lưu ý‎ rằng : "Quan sát trong xã hội, đạo đức suy thoái, đúng là chưa bao giờ đất nước ở vào tình trạng như hiện nay. Nói cách khác, trong lịch sử chỉ thời mạt mới xuất hiện những chuyện như thế...".

Những con rô bốt vô hồn, dù là cao sang quyền quý, danh gia vọng tộc hay lưu manh chính trị mạt hạng, đang nhan nhản khắp nơi, hoặc tác oai tác quái với dân, hoặc lên mặt đạo đức giả đi rao giảng đạo đức lấy đó làm cái lá nho để che đi những xấu xa thối nát quá lộ liễu, hoặc nói một đằng làm một nẻo mất hết liêm sỉ mà dân gian gọi là đã đứt dây thần kinh xấu hổ ... xét đến cùng chính là vì "được" một điều gì đó! Ngay cả những người đang theo lý thuyết "mắc-kê-nô", tạm bằng lòng với ngôi nhà vừa tậu, chiếc ô tô đời mới hay cái công ty của con đang làm ăn yên ổn đang xua tay "không muốn động đến chuyện chính trị" thì trong sâu thẳm tâm hồn họ, cái động cơ mãnh liệt kia vẫn đang khởi động.

Xét đến cùng, vâng, xét đến cùng, cái "được" kia, nói chữ nghĩa ra là lợi ích nhận được từ cái cơ chế sản sinh ra những rô bốt vô hồn kia, chính là chất xi măng gắn kết chúng với nhau vì lợi ích, và cái đem lại lợi ích nhanh chóng nhất chính là quyền lực.

Trong bài viết cách đây chưa lâu, người viết này đã nói về quy luật này : "Quyền lực thúc đẩy việc mở rộng vô hạn độ quyền lực, và hầu như không có điểm dừng. Nhưng "quyền lực lại có xu hướng tha hóa và quyền lực tuyệt đối thì tha hóa cũng tuyệt đối” (Power tends to corrupt and absolute power corrupts absolutely, có người dịch từ "corrupt" là "tham nhũng" trong những văn cảnh nhất định nào đó).

Chế độ toàn trị phản dân chủ là nguyên nhân sâu xa cho cái chuyện "quyền lực tuyệt đối thì tha hóa cũng tuyệt đối " ấy. Liệu lịch sử loài người đã biết có bao nhiêu thứ "quyền lực tuyệt đối" như chế độ toàn trị hiện hành?

"Hiện tượng Trần Độ" liệu có phải là minh chứng sống động về"những người vẫn còn tin vào lý tưởng" bị đẩy ra một cách quyết liệt, quá sức phũ phàng, cạn tàu ráo máng? Mà phải đẩy ra bằng được, vì lý tưởng cao đẹp của con người ấy đang là vật cản cho quá trình "củng cố giai cấp mới ở bên trong cũng như trên đỉnh quyền lực của đảng, cũng như của bộ máy nhà nước".

Chẳng có gì khó hiểu và bí ẩn trong chuyện phũ phàng, cạn tàu ráo máng với Trần Độ. Đây là diễn biến logic về sự tha hóa của quyền lực.

Nó đồng thời cảnh báo nguyên lý này sẽ được đẩy tới ngày càng hung dữ và bất chấp đạo lý cũng như luật pháp: quyền lực tuyệt đối thì tha hóa cũng tuyệt đối! Chuyện chà đạp lên đời sống tâm linh trong đạo lý nghĩa tình dân tộc chẳng là gì so với chuyện củng cố bộ máy quyền lực.


Thế thì làm sao chấp nhận được một ủy viên Trung ương Đảng, một phó chủ tịch Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, lại đòi hỏi :"Đảng Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội, Chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến pháp, tức là sửa chữa các đạo luật chưa đúng tinh thần Hiến pháp. Đó là phải có những đạo luật ban bố quyền tự do lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận, luật báo chí, xuất bản. Sửa chữa các luật bầu cử ứng cử tự do, từ bỏ quyền quyết định của cơ quan tổ chức Đảng...".

Chính quyền cách mạng

Càng không thể nào dung nạp được một cách tư duy quyết liệt khi vạch ra rằng: "Không nên lạm dụng chữ cách mạng. Ta bây giờ không phải là cách mạng chống ai cả, không phải đánh đổ ai cả. Xây dựng hoà bình thì phải đoàn kết, có gì trở ngại thì hoá giải nó để tiến lên...không thể lúc nào cũng phải có chương trình hoạt động cách mạng, lúc nào cũng phải hành động cách mạng...

Chính quyền bây giờ không phải là chính quyền cách mạng. Điều đó chỉ có ý nghĩa khi cách mạng vừa mới thành công... Ngày nay chính quyền phải là chính quyền xây dựng.

Chính quyền xây dựng thì phải có những chủ trương, chính sách làm cho mọi người dân đều được tự do làm ăn. Và từ đó người dân phải có tự do nói, tự do tìm thông tin và trao đổi thông tin. Như thế tự do làm ăn mới thực hiện được... Ở rất nhiều nơi, nhiều lúc, không cần đến cách mạng. Nhưng ở tất cả các nơi đều cần có tự do, và lớn nhất là “tự do làm ăn” phải có tự do hưởng lợi ích của kết quả sự làm ăn đó.

Nhân dân chỉ muốn tiến hóa, chứ không muốn cách mạng bạo lực! Đất nước ta đã trải qua một thời kỳ lịch sử kéo dài gồm những cuộc chiến đấu chống xâm lược giành độc lập, hoà bình xây dựng, rồi lại bị xâm lược. Và lại chiến tranh chống xâm lược. Qua quá trình đó mà đất nước ta trưởng thành và phát triển. Cho đến nay, đất nước đã được hoà bình độc lập, thống nhất.

Không biết tương lai loài người sẽ phát triển, tiến bộ thế nào và do đó đất nước ta sẽ gặp những tình huống thế nào? Nhưng chắc chắn là những bước đi sắp tới của ta cũng không có thể lặp lại y nguyên những tình hình trước đây".

"Động trời" hơn nữa khi Trần Độ tuyên bố không úp mở : "Chiến tranh lớn và các hoạt động bạo lực, lật đổ càng ngày càng trở nên lạc hậu lỗi thời...Để có tự do và hạnh phúc, không nhất thiết phải có bạo lực, không nhất thiết phải đánh đổ ai. Thậm chí ngày nay có những nền độc lập giành được cũng không cần có bạo lực và chiến tranh"!

Và rồi, người đứng đầu cơ quan lãnh đạo văn hóa văn nghệ mà lại công khai nói thẳng cái sự thật nghiệt ngã mà hơn nửa thế kỷ qua người ta cố né tránh, bưng bít: "Văn hóa mà không có tự do là văn hóa chết. Văn hóa mà chỉ còn có văn hóa tuyên truyền cũng là văn hóa chết. Càng tăng cường lãnh đạo bao nhiêu, càng bóp chết văn hóa bấy nhiêu, càng hiếm có những giá trị văn hóa và những nhà văn hóa cao đẹp". Những ý tưởng này ghi rành rọt trong "Nhật Ký Rồng Răn".
"Chính quyền bây giờ không phải là chính quyền cách mạng. Ngày nay chính quyền phải là chính quyền xây dựng. Chính quyền xây dựng thì phải có những chủ trương, chính sách làm cho mọi người dân đều được tự do làm ăn. Và từ đó người dân phải có tự do nói, tự do tìm thông tin và trao đổi thông tin."
Trung tướng Trần Độ
Cách chức, khai trừ Đảng là chuyện quá dễ hiểu, không thế mới lạ!
Là người lăn lộn ở chiến trường cùng với chiến sĩ, lặng lẽ ghi những hiện thực thất đáng buồn ở hậu phương, câu chữ ngọn bút ghi lại chạy trên trang giây mỏng hoàn toàn là sự thật, tướng Trần Độ day dứt : "Nếu sự thật này ở tiền tuyến người lính biết được hoàn cảnh sống của cha mẹ vợ con thì cấp trên biết nói thế nào với họ"? ( trích "Chuyện Tướng Độ" của Vũ Bá Cường, NXB Quân Đội Nhân dân)

Trung thực với chính mình, trung thực với cuộc sống, trung thực với lịch sử, chính cái đó tạo ra "hiện tượng Trần Độ", ở đây "sức hấp dẫn vĩnh hằng đối với những chiến sĩ tranh đấu cho tự do và tiến bộ. Sức hấp dẫn mang tính nhân bản của những lý tưởng đó" bị chính sự dối trá lọc lừa của "quyền lực bị tha hóa" làm cho băng hoại. Bằng sự trải nghiệm của cả cuộc đời dấn thân trọn vẹn cho lý‎ tưởng nhân văn cao đẹp, Trần Độ tỉnh táo nhận ra sự băng hoại khủng khiếp đó.
Trong Nhật ký viết vào những năm cuối đời mà ông gọi "đây là một tấc lòng “để tặng người đời và cuộc đời”. Đây là những ý nghĩ nung nấu trong những tháng cuối năm Rồng và đầu năm Rắn, và cũng là những ý nghĩ nung nấu trước đó hàng chục năm và sẽ còn nung nấu tiếp đến cả khi sang thế giới bên kia. Đây là nỗi niềm cay đắng của một cuộc cách mạng, và của một kiếp người".

Vấn đề Trần Độ đặt ra đâu chỉ là ý nghĩ của riêng ông. Một xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật, nhà văn cũng không được quyền bộc bạch tâm sự riêng tư của mình trên trang giấy là một xã hội không có chân móng.

Nhà thơ Chế Lan Viên trong bài Trừ Đi cũng từng nói lên nỗi đau dằng xé tâm can :

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu! Một nửa
Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi
Giết một tiếng đau - giết một tiếng cười
Giết một kỷ niệm - giết một ước mơ - tôi giết
Cái cánh sắp bay - trước khi tôi viết
Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời lên trên biển - Giết mưa
Và giết cả cỏ trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi.
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi - Người có lỗi
Đã phải giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình

Chính vì thế, Trần Độ thẳng thắn chỉ rõ: "Tự do là chìa khoá của phát triển. Tôi nghĩ thế này: nước Việt Nam ta hiện nay, sau bao nhiêu năm đấu tranh và chiến tranh gian khổ, cần phải hoà bình phát triển và cần phải phát triển nhanh, để bù lại những thời gian đã mất, và để theo kịp các nước chung quanh. Đó là mục đích và yêu cầu quan trọng nhất của đất nước. Những cái khác là phụ. Do đó, để phát triển đất nước thì rõ ràng ta phải tìm đường lối nào, học thuyết nào phục vụ được yêu cầu đó.

Nếu thật sự coi phát triển đất nước là quan trọng nhất thì Đại đoàn kết dân tộc là quan trọng hơn đấu tranh giai cấp; trí thức quan trọng hơn công nhân và nông dân; phát triển sức sản xuất là quan trọng hơn mọi thứ; để dân làm chủ mọi lĩnh vực quan trọng hơn các trò chuyên chính đàn áp; nghe và thu thập được nhiều ý kiến khác nhau và trái ngược nhau kể cả về đường lối chính sách, quan trọng hơn là bắt mọi người phải tuân theo một quan điểm, một ý kiến".

Cho nên, đúng là không có gì khó hiểu khi người ta phải khai trừ Trần Độ ra khỏi Đảng. Đây là kế tục thực hiện một nguyên lý‎ cai trị. Thì chẳng thế sao ? Từ những năm 1955, ngay sau giải phóng Thủ đô, thay vì "Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần" như Văn Cao mơ ước, người ta đã "... đem bục công an đặt giữa tim người/ Bắt tình cảm ngược xuôi/ theo luật đi đường nhà nước". [Thơ Lê Đạt]

Ông Trần Độ
Ông Trần Độ từng là Phó Chủ ṭch Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng

Chẳng những thế, phải tạo ra một tình hình chính trị luôn căng thẳng (một cuộc chiến tranh có thể xảy ra, một cuộc bạo loạn có thể xảy ra) để buộc các công dân phải sống trong những quy chế nghiêm ngặt của thời chiến, ở các chế độ toàn trị chỉ có hai cơ quan mà quyền uy bao trùm cả xã hội. Đó là cơ quan tư tưởng, tuyên truyền và cơ quan công an. Một để chặn, một để chống.

Còn khi đã có chuyện bất thường xảy ra thì chỉ có một biện pháp: đàn áp, bắt giữ, lập toà án xét xử những kẻ cầm đầu. Cách giải quyết vừa nhanh gọn lại mau ổn định, không dây dưa, phiền toái vì có quá nhiều luật lệ, qua nhiều lý lẽ như ở các nước tư bản. Những rối loạn vặt vãnh thật ra là nước là không khí của các nhà cầm quyền độc tài.

Nhà văn Nguyễn Khải đau đớn đặt ra một câu hỏi : "Một môi trường xã hội ngột ngạt vì cái bóng quyền lực phủ lên tất cả, quyết định tất cả thì số phận những cá nhân sẽ ra sao?" Vị tướng Trần Độ trả lời câu hỏi đó trong những trang Nhật ký viết ở chặng sắp kết thúc một cuộc đời dấn thân trọn vẹn cho lý tưởng cao cả từ thuở đầu xanh cho đến lúc tóc bạc, để đúc kết vào chỉ mỗi một câu thôi :

"Đây là nỗi niềm cay đắng của một cuộc cách mạng, và của một kiếp người".

Tôi mượn câu này làm một nén hương lòng thắp trước di ảnh của ông nhân ngày Giỗ của người mà tôi kính mến.

Tôi là kẻ hậu sinh, quen biết ông quá muộn, được ông xem là bạn vong niên đã là một niềm cảm kích lớn.

Sực nhớ đến Lời trong Bơ vơ Đông đảo của Việt Phương :

Những người lính trẻ ngã xuống ở Lạng Sơn
không liên quan gì đến ngày hôm nay nữa
Chỉ còn lo toan những ghế nhỏ lên ghế to
xe Cúp lên ô tô chung cư lên biệt thự
trong cuộc đời bơ sữa mà thôi.

Vậy thì người lính Trần Độ, tướng Trần Độ, nhà văn hóa Trần Độ liệu có "bơ vơ" giữa cuộc đời "đông đảo" này không nhỉ?

Tôi tìm thấy trong tập thơ "Nắng" của Việt Phương với đề từ "Đời đang đón đợi để đong đầy", vừa nhận được hôm qua, hai câu:

Mong sao được là người mê muội
Lặn xuống sâu đắm đuối gặp chân trời.

Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học. BBC đã rút gọn cho hợp với khuôn khổ quy định, mong tác giả thông cảm.

Giáo sư Tương Lai
Gửi cho BBC từ TP HCM (BBC)

Triển vọng nào cho Quy tắc Ứng xử?


Philippines đã đệ đơn kiện tranh chấp biển với TQ ra tòa án quốc tế

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario vào cuối ngày hôm thứ Tư nói ông hy vọng có được "kết luận nhanh chóng" đối với Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), là văn bản được trông đợi sẽ điều chỉnh hoạt động của các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.

Trang tin sunstar.com của Philippines nói Del Rosario thừa nhận ông không rõ Trung Quốc có ý gì khi Ngoại trưởng Vương Nghị trước đó nói việc hoàn tất COC cần phải được thực hiện từng bước, nhưng Ngoại trưởng Philippines nói "chúng ta sẽ chờ xem".

Theo kế hoạch, đại diện các nước trong khối Asean, trong đó có ông Del Rosario, sẽ gặp gỡ các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng Chín tới.
Trước đó, các ngoại trưởng thành viên Asean sẽ nhóm họp tại Bangkok vào hôm 14/8 để thảo luận trong khối về mục tiêu Asean muốn đạt được trong phiên họp tham vấn với Trung Quốc.

Truyền thông Philippines nói trước đó, ông Del Rosario nói ông muốn có "các cuộc đàm phán" với Trung Quốc chứ không chỉ đơn thuần là "tham vấn" trong tháng Chín này, thuật ngữ mà giới phân tích cho rằng thể hiện thái độ không sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc xúc tiến đàm phán về COC.

Theo Tuyên bố về Quy tắc Ứng xử trên biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh và khối Asean ký kết hồi năm 2002 thì COC nhằm giảm căng thẳng chính trị ở khu vực giàu trữ lượng tài nguyên này.

Nguy cơ xung đột

"Với việc gửi lực lượng tuần tra tới các điểm trên biển nhạy cảm, Trung Quốc cho các nước láng giềng thấy Trung Quốc sẽ bảo vệ quyền lợi của mình ở ngoài các vùng biển của Trung Quốc, và rằng Trung Quốc muốn xây dựng một lực lượng hải quân thực sự đủ sức mạnh trên đại dương"
Jonathan Holslag từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc Hiện đại ở Brussels
Bất đồng đã dâng cao và trở thành nguy cơ làm bùng nổ xung đột quân sự ở Đông Nam Á.

Gần đây, giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh hải quân và phạm vi hoạt động trên Thái Bình Dương, cùng lúc với việc Nhật Bản và Philippines củng cố các đội tàu của mình.

Theo hãng tin AFP, năm tàu chiến của Trung Quốc đã hoàn tất chuyến đi đầu tiên vòng quanh Nhật Bản hồi tuần trước, trong một động thái rõ ràng là nhằm phô trương lực lượng.

Các tàu thuyền khác cũng thường xuyên tuần tra ở các vùng lãnh hải khác nhau, nơi mà Tokyo và các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền, khiến Nhật hôm thứ Năm phải triệu Đại sứ của Bắc Kinh lên để phản đối.

Hiện Trung Quốc đã có chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên đi vào hoạt động, và các chỉ huy hải quân hàng đầu của nước này cam kết sẽ có thêm những chiếc khác nữa.

Chủ tịch Tập Cận Bình trong những tuần gần đây tái xác nhận mục tiêu của Trung Quốc là muốn khẳng định vị thế cường quốc hải quân.

Cùng lúc, Washington, vốn có các căn cứ quân sự quanh khu vực và có mối quan hệ mật thết với Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan và Philippines, cũng muốn tỏ rõ mối quan tâm của mình đối với Á châu.

Phô trương sức mạnh


Hồi 2007, Trung Quốc thiết lập đơn vị hành chính Tam Sa ở quần đảo Hoàng Sa, điều bị Hà Nội phản đối là vi phạm chủ quyền của Việt Nam

Trong vụ đi vòng quanh Nhật Bản, các tàu Trung Quốc đã đi qua eo biển Soya nằm giữa Nhật Bản và Nga để tới tham dự cuộc tập trận chung tại Vịnh Peter Đại Đế của Nga, và eo biển Miyako gần Okinawa, theo AFP.

Bản thân hành trình này không phải là một thách thức về mặt thực tế, nhưng trong bối cảnh hiện thời thì nó tạo một biểu tượng không thể hiểu nhầm.
Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc viết rằng các lực lượng nước này đã "bẻ vụn" cái mà Bắc Kinh gọi là "chuỗi đảo đầu tiên", là vùng đất trải dài từ đỉnh phía bắc của Nhật Bản tới Philippines, ngăn cách Trung Hoa lục địa với Thái Bình Dương.

"Với việc gửi lực lượng tuần tra tới các điểm trên biển nhạy cảm này, Trung Quốc cho các nước láng giềng thấy Trung Quốc sẽ bảo vệ quyền lợi của mình ở ngoài các vùng biển của Trung Quốc, và rằng Trung Quốc muốn xây dựng một lực lượng hải quân thực sự đủ sức mạnh trên đại dương," AFP dẫn lời Jonathan Holslag từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc Hiện đại ở Brussels nhận xét.

Hành động của Trung Quốc khiến các nước láng giềng cảnh giác và có nguy cơ dẫn đến cuộc đua vũ trang trong khu vực.

Tuần này, Manila nhận từ Hoa Kỳ một tàu cỡ lớn-lớp Hamilton, vài ngày sau khi tuyên bố đặt mua hàng từ Pháp.

Tokyo thì ra mắt tàu chiến lớn nhất của mình kể từ sau Thế chiến thứ hai, một tàu có bãi đáp cho trực thăng và có thể chuyển đổi thành bãi đáp lên xuống cho các loại máy bay lên thẳng khác.

Bên cạnh việc tăng sức mạnh hải quân, Bắc Kinh trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough đang có tranh cãi từ tay Philippines hồi năm ngoái, và gây áp lực hầu như hàng ngày trên biển Đông, nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ khu vực.

Trung Quốc cũng tổ chức các chuyến du lịch tới quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam và cả Đài Loan tuyên bố chủ quyền, đồng thời cho tàu tuần tra quanh khu đảo Điếu Ngư/Senkaku hiện đang do Nhật kiểm soát.
(BBC)

An ninh Việt Nam tới nhà mẹ blogger Đoan Trang

Blogger Đoan Trang và mẹ
Blogger Đoan Trang và mẹ (danlambao)

Mạng lưới Blogger Việt Nam hôm qua 08/08/2013 ra thông báo về khả năng công an Việt Nam gây áp lực đối với blogger Phạm Đoan Trang, thành viên của Mạng lưới, sau khi blogger này tham gia trao bản Tuyên bố 258 về nhân quyền ở Việt Nam cho các tổ chức quốc tế ở Bangkok và kêu gọi ủng hộ cô. Sáng nay, 09/08, một nhân viên an ninh đã tới nhà mẹ của blogger Phạm Đoan Trang. Một số blogger đã có mặt vào thời điểm đó để hỗ trợ tinh thần mẹ cô Phạm Đoan Trang.

Mẹ blogger Phạm Đoan Trang là bà Bùi Thị Thiện Căn, 73 tuổi, một giáo viên về hưu, hiện sống một mình tại Hà Nội. Sau khi có tin về việc công an sẽ đến nhà mẹ Phạm Đoan Trang, rất nhiều blogger đã lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ và sẵn sàng tham gia bảo vệ hai mẹ con nhà báo Đoan Trang.

Sau đây là tiếng nói của blogger Lê Thiện Nhân, một trong những người chứng kiến sự việc này.

Blogger Lê Thiện Nhân : Hôm qua, cô Phạm Đoan Trang có thông báo là cơ quan an ninh muốn gặp mẹ của cô ấy. Thì chúng tôi - những người blogger chúng tôi đã biết sự phiền nhiễu của chính quyền, chúng tôi chỉ muốn xuất hiện để có mặt thôi. Thì nếu như mà có chuyện gây áp lực, hoặc tâm lý, hoặc vũ lực thì họ sẽ không dám. Chúng tôi chỉ đến ngồi để nghe họ nói chuyện thôi.

Thì cô này giới thiệu cô ấy là Tuyết, ở Tổng cục 2 Bộ Công an. Khi cô ấy đến là lúc 9 giờ và chúng tôi ngồi trò chuyện vào khoảng 45 đến một tiếng gì đó. Thái độ của cô ấy cũng rất là hòa nhã thôi. Cô ấy cũng chỉ hỏi thăm về sức khỏe của bác, về sức khỏe của những người con trai bác và sức khỏe của các cháu. Chúng tôi cũng không hề có một sự than phiền nào cả.

Trong quá trình nói chuyện giữa hai người, thì cô ấy có một, hai lần, cô ấy dò hỏi việc Trang ra nước ngoài. Tất cả những điều đó, thì mẹ của Trang cũng trả lời rất thẳng thắn, là việc Trang đi học, thì mẹ không biết, và cái nguồn tiền thì do gia đình chu cấp, chứ không có một tổ chức nào hay người nào đứng đằng sau.

Trong quá trình trò chuyện, cô ấy đưa hai ý kiến ra, mà chúng tôi cảm thấy rất là nực cười. Thứ nhất là, cô ấy nói cô ấy là người rất là tốt, và cô ấy muốn kéo những người đang bị lung lay trở về với lại xã hội. Ý này mẹ Trang phản đối luôn, mẹ Trang có nói là Trang là người tốt.

Chi tiết thứ hai là, sau khi cô ấy đi về, thì cô ấy có gọi điện lại và nói với mẹ Trang là : Chúng tôi, những người bạn của Đoan Trang có mặt ở đó, thì chỉ có gây điều không tốt cho Đoan Trang mà thôi. Ý của cô ấy muốn đe dọa, ý của cô ấy muốn nói rằng là không nên để những người khác biết.

Hai điều này, thì tôi cũng đã đưa thẳng lên Facebook và chia sẻ hết với tất cả mọi người rồi. Còn tinh thần của cuộc gặp ngày hôm nay cũng rất là thân thiện, cũng rất là thoải mái, cũng không có áp lực nào cả.

RFI : Xin cảm ơn anh Lê Thiện Nhân rất nhiều.

Blogger Lê Thiện Nhân : Chúng tôi cũng cảm ơn Đài đã quan tâm đến các blogger để cho chúng tôi có tiếng nói ra ngoài thế giới. Trong quá trình hoạt động mà chúng tôi có các áp lực nào đó, thì mong các Đài cũng lên tiếng để bảo vệ các blogger.
Trọng Thành (RFI)
 

Nga phản đối cáo buộc của SQ Việt Nam

Đặc nhiệm Nga kiểm tra người nước ngoài trong một khu chợ ở Moscow
Đặc nhiệm Nga kiểm tra người nước ngoài trong một khu chợ ở Moscow

Nga đã bác bỏ chỉ trích của Sứ quán Việt Nam về điều kiện tại các khu lều tạm giữ người Việt bị bắt vì nghi nhập cư bất hợp pháp.

Nhà báo Phúc Nguyên từ Moscow cho BBC hay rằng hãng Interfax của Nga hôm 5/8 đã cho đăng tải phản ứng của Phó Chủ tịch ban Xã hội thuộc Sở Nội vụ Moscow Anton Svetkov với Đại sứ quán Việt Nam.

Ông Svetkov đã nặng lời khi cáo buộc ngược lại rằng Đại sứ quán Việt Nam có những hành động “giống như” khiêu khích khi phát ngôn về điều kiện sống của những người Việt bị bắt vừa qua trong khu trại tập trung.

Trước đó Trưởng phòng Lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, ông Lê Hồng Trường, khi trả lời phỏng vấn Interfax đã nói rằng: “Điều kiện sống trong khu trại rất tồi tệ. 40 người ở trong một lều 50m2, đó thực sự là những điều kiện vô nhân đạo”.

Ông cũng nói rằng cho tới sáng ngày 5/8 các cơ quan thực thi luật pháp Nga vẫn chưa có thông báo chính thức cho đại sứ quán Việt Nam những thông tin chính xác liên quan tới tình hình trong khu trại tập trung và số lượng người Việt chính thức bị bắt giữ.

Phản bác lại, ông Anton Svetkov nói: “Tại sao trong vòng 1,5 năm qua họ không một lần tới thăm các trung tâm dành cho người nước ngoài, mà lại đưa ra thông tin rằng người của họ bị giam giữ trong trại với những điều kiện vô nhân đạo?”

“Những người Việt Nam thực sự làm việc trong hoàn cảnh như nô lệ mà không được trả công xứng đáng. Nếu có sự phản đối từ phía Đại sứ quán thì những tình trạng như vậy đã không thể xảy ra”.

Ông Svetkov nói: “Tôi đã đề nghị đại diện đại sứ quán thu xếp chỗ ăn ở cho tất cả phụ nữ Việt Nam ở đây tại khuôn viên đại sứ quán, nhưng họ không sẵn sàng làm điều này”.

Hoạt động ráo riết của cảnh sát và giới chức Nga bắt giữ những di dân bất hợp pháp tại nước này đã diễn ra hơn một tuần qua.

Mở đầu là đợt bắt giữ vào hôm thứ Hai, 29/7 sau khi giới chức trách phát hiện một khu định cư trái phép với 1.200 người Việt Nam và 200 người nhập cư lậu từ Hy Lạp, Morocco, Syria, Kyrgyzstan, Azerbaijan và Uzbekistan sinh sống.

Nhân viên đại sứ quán Việt Nam tại Nga cho biết, họ đang làm việc với phía chính quyền của nước sở tại trong nỗ lực để đưa số người hiện đang bị tạm giữ về Việt Nam.
(BBC)

TQ khai trừ Đảng quan chức cao cấp

Ông Lưu Thiết Nam
Ông Lưu Thiết Nam từng lãnh đạo Ủy ban Cải cách và Phát triển

Quan chức cấp cao trong lĩnh vực kinh tế, ông Lưu Thiết Nam, bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và cũng mất luôn chức vụ.

Tân Hoa Xã nói ông Lưu, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc, "đã nhận hối lộ những khoản tiền lớn".

Cáo giác về ông xuất hiện trên các trang mạng từ hồi tháng 12, khi một nhà báo có tiếng cáo buộc ông tội tham nhũng.

Quyết định kỷ luật ông đươc đưa ra trong khi Trung Quốc đang có chiến dịch chống tham nhũng do lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc khởi xướng.

Tân Hoa Xã dẫn nguồn quan chức Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng CS nói ông Lưu Thiết Nam đã "lợi dụng chức vụ để làm lợi".

Hãng tin này cũng nói ông đã làm lợi cho doanh nghiệp của người thân và "vi phạm quy định hiện hành", "nhận hối lộ tiền và quà".

Ông Lưu còn bị kết luận là "suy thoái đạo đức".

Lạc Xương Bình, phó tổng biên tập Tạp chí Tài chính có tiếng, lần đầu tiên đã đưa ra các cáo buộc đối với ông Lưu hồi tháng Mười Hai năm ngoái.

Trong các tin ngắn đăng trên weibo, một trang mạng xã hội của Trung Quốc tương tự như Twitter, ông Lạc nói rằng quan chức này có liên quan tới các giao dịch tài chính đáng ngờ, bịa đặt về hồ sơ học vấn và đã đe dọa giết một người tình cũ.

Tháng Năm vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định điều tra sai phạm của ông.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi bài trừ tham nhũng từ những tầng lớp cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước.

Hồi tháng Sáu, Lôi Chính Phú, cựu quan chức Trùng Khánh bị liên quan bê bối băng sex, đã lãnh án tù vì nhận hối lộ.

Tháng Bảy, cựu bộ trưởng bộ Đường sắt Lưu Chí Quân bị án tử hình treo vì tham nhũng và lợi dụng chức quyền.
(BBC)
 

Tham vọng kiểm soát Thái Bình Dương của Bắc Kinh làm Á châu dậy sóng

Người dân Philippines biểu tình chống yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông trong « Ngày hành động toàn cầu » ở Manila 24/07/2013.
Người dân Philippines biểu tình chống yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông trong « Ngày hành động toàn cầu » ở Manila 24/07/2013. (REUTERS/Romeo Ranoco)

Biểu dương lực lượng trên biển, xâm nhập Senkaku, tổ chức du lịch tại Hoàng Sa, đánh chiếm đảo đá ngầm Scarborough, từ Hoa Đông xuống Biển Đông, Trung Quốc phô trương tham vọng làm cường quốc đại dương. Giới phân tích không loại trừ viễn ảnh Bắc Kinh sử dụng vũ lực để thống trị khu vực.

Thứ Năm hôm qua 08/08/2013, quyền đại sứ Trung Quốc tại Tokyo bị Bộ Ngoại giao Nhật Bản triệu tới để nghe Nhật Bản phản đối về vụ việc bốn tàu « hải cảnh » của Trung Quốc xâm nhập lãnh hải quần đảo Senkaku hơn một ngày. Trước đây, các tàu « hải giám » Trung Quốc chỉ kéo đến gần hoặc chỉ biểu dương đi vào vùng biển mà Bắc Kinh cho là thuộc « chủ quyền quốc gia » chừng đôi ba tiếng đồng hồ.

Thế nhưng từ khi « thống hợp » toàn bộ lực lượng hải thuyền « dân sự » dưới tên mới là « hải cảnh » vào đầu tháng 7 và được võ trang vũ khí, thì Trung Quốc dường như muốn gia tăng áp lực tại Senkaku.

Theo các nhà phân tích Tây phương, Bắc Kinh từng bước tăng cường lực lượng, gia tăng áp lực cho đến khi cảm thấy thời cơ chín muồi thì ra tay thống lãnh vùng Tây Thái Bình Dương.

Trả lời phỏng vấn của AFP, ông Rick Fisher, chuyên gia về ảnh hưởng Trung Quốc trong khu vực nhận định : ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đang tìm cách sử dụng sức mạnh quân sự hiện có để ghi điểm thắng chính trị chiến lược.
Khi lên cầm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố tham vọng biến Trung Quốc thành « cường quốc hải dương ».

Đầu tháng 8, báo chí Trung Quốc tập trung tuyên truyền cổ vũ cho sự kiện mà họ gọi là đã đủ sức « đập tan » chuỗi hàng rào án ngữ ngõ ra Thái Bình Dương : năm chiến hạm và hộ tống hạm Trung Quốc đi một vòng quanh quần đảo Phù tang vượt qua hai eo biển La Pérousse ở phía bắc và Miyako ở phía nam.

Từ trước đến nay, chế độ Trung Quốc vẫn cảm thấy bị bao vây bởi một hàng rào thù địch gồm Hàn Quốc, Nhật Bản , Đài Loan và các căn cứ quân sự Mỹ.

Chuyên gia Jonathan Hoslag, thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc cận đại (BICCS) tại Bỉ phân tích : Khi cho tàu chiến đi ngang qua hai « hổ huyệt » mà họ không kiểm soát, Bắc Kinh muốn gửi thông điệp « sẵn sàng bảo vệ quyền lợi ra tận ngoài khơi của Thái Bình Dương chứ không chỉ giới hạn trong ao nhà là biển Hoa Đông và biển Hoa Nam ».

Giới phân tích nghi nhận thêm là Trung Quốc không còn tôn trọng tình trạng nguyên thủy trong vùng biển đảo có tranh chấp chủ quyền.

Năm 2012, hải quân Trung Quốc đã ngang nhiên đánh chiếm bãi đá ngầm Scarborough của Philippines mà họ gọi là Hoàng Nham.

Năm nay, Trung Quốc phô trương chương trình “du lịch tại Tây Sa » tức là Hoàng Sa mà họ chiếm lấy bằng vũ lực sau trận hải chiến với hải quân Việt Nam Cộng Hòa vào tháng Giêng năm 1974.

Cùng lúc đó, trên các trang mạng quân sự, Trung Quốc cố ý cho thấy một góc của một hàng không mẫu hạm mới trong một công xưởng gần Thượng Hải. Chuyên gia của tạp chí quốc phòng Anh Jane’s nghĩ rằng đây là một đoạn vỏ tàu nhưng cũng có thể là mẫu mô hình.

Theo AFP, trên bức ảnh, người ta có thể phân biệt được sàn đáp có thể sẽ được trang bị bệ phóng từ trường, một kỹ thuật tối tân mà chỉ có Mỹ và Pháp biết được.

Tham vọng và những động thái xác định tham vọng này của Hoa Lục đã gây lo ngại cho nhiều nước trong khu vực và mở đầu cho một kế hoạch võ trang khẩn cấp để phòng thủ biển đảo.

Trong những ngày gần đây, Philippines thông báo mua đặt hàng loạt chiến hạm của Mỹ, Pháp và Ý. Nhật Bản cho hạ thủy tàu « khu trục » chở trực thăng mà thực chất là hàng không mẫu hạm trá hình. Do vậy, giới phân tích không loại trừ viễn ảnh xẩy ra một cuộc đụng độ mà họ gọi là « chiến tranh hàng không mẫu hạm » trong tương lai.

Hoàn cầu Thời báo của đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi « Trung Quốc cần phải đóng thêm nhiều hàng không mẫu hạm ».
Chuyên gia Rick Fischer nhận định là cho đến bây giờ đảng Cộng sản Hoa lục chỉ mới tiến hành « chiến tranh ảo với hạm đội tuần duyên chống tuần duyên », nhưng « xung đột sẽ xảy ra nếu Trung Quôc gây sức ép quá đà ». Cho đến khi « có nhiều hàng không mẫu hạm và hạm đội hộ tống mà Trung Quốc cho là đủ sức chiến thắng , thì họ sẽ gây chiến ».
Tú Anh (RFI)

Khi Ngân hàng Nhà nước trở thành “lái vàng”

Thị trường vàng vẫn rối sau hơn một năm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao đặc quyền cho Ngân hàng Nhà nước và sau 51 phiên đấu thầu bán ra hơn 52 tấn vàng, giá vàng ở Việt Nam vẫn luôn cách biệt rất xa so với giá vàng thế giới.
Mục tiêu chống vàng hóa
Sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước đã quản lý chặt thị trường vàng, độc quyền nhập khẩu vàng thoi, độc quyền chế tác thành vàng miếng, áp đặt thương hiệu SJC là thương hiệu quốc gia duy nhất, Ngân hàng Nhà nước còn độc quyền ấn định giá vàng và phân phối ra thị trường dưới hình thức đấu thầu cho các ngân hàng và doanh nghiệp được tái cấp phép kinh doanh vàng. Khoảng 5.000 cửa hàng vàng trên toàn quốc bị đóng cửa.
Mục đích của Nghị định 24 là chống vàng hóa nền kinh tế, ổn định thị trường vàng và giảm chênh lệch giá vàng giữa Việt Nam và thế giới. Vậy sau 1 năm độc quyền và bán ra hơn 52 tấn vàng Ngân hàng Nhà nước đã đạt được những mục đích vừa nêu hay không. Trả lời chúng tôi vào tối 8/8/2013, Phó Giáo sư Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế từ Hà Nội nhận định:
“Theo quan điểm của tôi về cơ bản là chưa đạt mục tiêu. Chống vàng hóa là làm sao người ta không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán cũng như không để lượng vàng vật chất lớn. Đặc biệt lượng vàng trong dân Việt Nam hiện nay là rất lớn, anh phải có giải pháp thu hút về phục vụ cho quốc kế dân sinh. Nhưng thông qua 51 phiên đấu thầu đưa ra hơn 52 tấn thì vô hình chung vàng vật chất lại tăng lên, đấy là sự bất cập.
000_Hkg5200567-305.jpg
Một cửa hàng kinh doanh vàng nữ trang ở Hà Nội AFP photo
Một trong những mục tiêu Quốc hội đặt ra là làm sao giá vàng trong nước phải liên thông với giá vàng thế giới, hay nói cách khác giá vàng Việt Nam phải sát với giá thế giới. Nhưng thực tế qua 51 phiên đấu thầu thấy rằng mục tiêu này theo Nghị quyết của Quốc hội đã chưa thực hiện được. Có những thời điểm giá vàng chênh lệch khoảng 7 triệu đồng/lượng, tại thời điểm hôm nay (8/8) giá vàng chênh khoảng gần 5 triệu. Từ chênh lệch lớn này nếu không quản lý tốt thì sẽ tạo ra kẽ hở rất lớn tạo ra hiện tượng buôn lậu vàng, ngươi ta sẽ tuồn vàng từ nước ngoài về để hưởng chênh lệch nhất định.”
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, cùng về vấn đề này chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh ở Hà Nội phân tích,  Hội đồng vàng thế giới và Ngân hàng Nhà nước ước đoán hiện nay trong dân ở Việt Nam phải có khoảng từ 400 tấn đến 500 tấn vàng. TS Doanh nhận định là do quá trình thăng trầm của lịch sử, ở Việt Nam ngay cả người nghèo cũng thấy là cần phải giữ vàng. Đã có giai đoạn mỗi lần thay đổi  chính phủ  là lại đổi tiền và thực tế người dân thấy là vàng bao giờ cũng có giá trị. Do vậy vàng đã trở thành vật cất giữ và có một giá trị đặc biệt tại Việt Nam.
Theo TS Lê Đăng Doanh, trước đây Nhà nước đã cho phép ngân hàng được kinh doanh vàng, Ngân hàng ACB đã mở sàn vàng và nhận gởi tiết kiệm bằng vàng. Sau đó Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định độc quyền vàng thoi, rồi giảm bớt các cửa hàng buôn bán vàng, NHNN độc quyền nhập khẩu vàng, độc quyền đưa vàng ra thị trường với mục tiêu đến 30/6/2013 thì tất cả ngân hàng thương mại đều đã tất toán được số vàng mà họ đã nhận gởi cho dân và bây giờ phải hoàn trả lại. TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh:
“Đến sau 30/6 Ngân hàng Nhà nước thấy vẫn có nhu cầu và vẫn phải tiếp tục đấu thầu và cho đến nay đã bán ra 52 tấn vàng rồi, chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng từ 4 triệu cho đến khoảng 7 triệu, có những thời điểm lên đến 7 triệu, thì NHNN nói là đã nộp đầy đủ vào Kho bạc Nhà nước. Tuy vậy chưa thấy có con số nào công bố lên về việc đó.
Cho đến nay có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, một là tại sao giá vàng còn chênh lệch đến như vậy và bao giờ giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có thể tiếp cận được với nhau. Điều thứ hai là, số vàng trong dân thì để làm gì và thứ ba là NHNN bán vàng ra thì phần lớn do các ngân hàng thương mại mua, còn số vàng ra được thành vàng trang sức hoặc vàng miếng đến tay người dân thì ít thôi, thế thì số vàng đó đi đâu và nên xử lý cái đó như thế nào. Tôi nghĩ rằng, đây là một trong các vấn đề cần phải được thảo luận và xem xét thêm trong thời gian tới.”
Còn nhiều bất cập
Báo Tiền Phong Online ngày 29/7 trích lời Đại tá Vũ Hồng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Quản lý Kinh tế và Chức vụ, Công an TP.HCM phát biểu rằng, hiện nay 1kg vàng tức 26,6 lượng khi nhập lậu có thể thu lãi 100 triệu đồng. Chính vì vậy dù tăng cường ngăn chặn nhưng vàng lậu vẫn xâm nhập bằng nhiều đường khác nhau. Vẫn theo Tiền Phong, hàng chục kg vàng lậu đã bị bắt giữ ở các cửa khẩu, đặc biệt khu vực biên giới Tây Nam. Bọn buôn lậu còn nghĩ ra cách cắt nhỏ vàng miếng và giao cho nhiều người cất giữ vận chuyển nên rất khó phát hiện.
Đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện độc quyền thị trường vàng trong thời gian vừa qua, Phó Giáo sư Ngô Trí Long nói với chúng tôi là ông giữ nguyên phản biện ban đầu từ cách nay một năm. Ông nói:
“Nghị định 24 của Chính phủ ban hành về quản lý kinh doanh vàng còn rất nhiều bất cập, quan điểm này của tôi đã được chứng minh rất cụ thể. Ví dụ nó thể hiện ở tính chất một mình một chợ, nó khác với thông lệ quốc tế, với các nước. Hay là chỉ qui định một thương hiệu vàng độc quyền, hay một số bất cập mà tôi đã nêu lên rất cụ thể, quan điểm của tôi cho tới nay vẫn là cần sửa đổi gấp NĐ 24 mà vấn đề này Diễn Đàn Kinh Tế Mùa Thu sắp tới, tôi được Ban Tổ chức đặt một bài liên quan đến điều hành thị trường giá vàng thời gian 1 năm qua. Chắc chắn tôi sẽ nêu lên rất cụ thể và định hướng sửa đổi, còn nếu cứ tồn tại cơ chế quản lý vàng như thế này, thì chắc chắn những mục tiêu ban đầu chính phủ đặt ra thì không bao giờ có thể thực thi được.”
Hé lộ những đề nghị liên quan đến vấn đề quản lý thị trường vàng Việt Nam, Phó Giáo sư Ngô Trí Long nói rằng, không thể chỉ có một thương hiệu SJC độc quyền và buộc mọi thương hiệu khác phải trả phí để chuyển đổi. Ông nhấn mạnh:
“Ngân hàng Nhà nước phải nên đi vào chức năng, nhiệm vụ chủ yếu Nhà nước phân công cho là quản lý tiền tệ, quản lý về vàng chứ không phải đi làm nhiệm vụ kinh doanh….thực tế không có một đất nước nào mà Ngân hàng Nhà nước lại đi mua vàng và chế tác sản xuất đem ra bán trên thị trường. Đây là điều mà thông lệ quốc tế và các nước theo mô thức kinh tế thị trường không bao giờ có.”
Trong bối cảnh Việt Nam mong muốn được các quốc gia có quan hệ thương mại nhìn nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ, tư duy độc quyền thị trường vàng, can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính có thể gây ảnh hưởng trái chiều hay không. Phó Giáo sư Ngô Trí Long nhận định:
"Đã là một nền kinh tế thị trường thì phải hoạt động theo những tiêu chí nhất định. Việt Nam đang trong xu thế hội nhập thì phải chứng minh cho quốc tế thấy được mình vận động và hành động đúng theo những qui luật của kinh tế thị trường. Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo phải xem xét nghiên cứu làm sao để đưa tất cả các hoạt động đặc biệt là thị trường vàng đi theo đúng quĩ đạo, vì nó là một bộ phận của thị trường tiền tệ tài chính.”
Chúng tôi xin trích nhận định của TS Lê Đăng Doanh trên báo Người Lao Động Online: “ Thị trường vàng nào đang được hình thành và vận hành ở Việt Nam….Độc quyền sẽ luôn áp đặt giá độc quyền cao nhất có thể để thu siêu lợi nhuận, đó là nhận thức từ sách giao khoa và không sai với đối với các hành vi độc quyền ở Việt Nam. Hy vọng rút ngắn giá trong nước bằng với giá thế giới xem ra còn xa vời.”
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-08-09
 

Vụ mua lại Washington Post : Tân Hoa Xã lại đưa nhầm tin vịt

Ảnh chụp màn hình Tân Hoa Xã "tin vịt" về vụ mua lại Washington Post, đang được "bêu" trên nhiều tờ báo quốc tế.
Ảnh chụp màn hình Tân Hoa Xã "tin vịt" về vụ mua lại Washington Post, đang được "bêu" trên nhiều tờ báo quốc tế. (DR)

Theo AFP hôm nay 09/08/2013, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc lại đưa thêm một « tin vịt » vì tưởng một bài viết khôi hài trên trang web của tờ New Yorker là thật.

Tân Hoa Xã đã đăng trên trang mạng của mình « thông tin » do cây bút châm biếm Andy Borowitz viết, tựa đề là « Người sáng lập Amazon thú nhận đã mua Washington Post vì click nhầm ».

Hôm thứ Hai 5/8, tập đoàn báo chí Washington Post đã chấp nhận bán đi các tờ báo trực thuộc, kể cả tờ báo nổi tiếng Washington Post, cho ông Jeff Bezos, nhà sáng lập trang web bán hàng trên mạng Amazon.com.

Nhấn mạnh vào sự tương phản về văn hóa giữa một không gian hết sức năng động của internet (mà Amazon đã trở thành một người khổng lồ), và thế giới êm ả hơn của báo viết truyền thống, nhà báo Borowitz mô tả rằng ông Jeff Bezos đã hăng hái nhấp chuột trên mạng trong lúc tâm hồn đang phiêu du nơi khác.

Cây bút khôi hài này đặt vào miệng ông chủ Amazon câu nói : « Tôi cho là tôi đang lướt trên trang web Washington Post mà không để ý đến rằng mình đang làm gì. Tôi không hề có ý định mua bất kỳ thứ gì cả ». Và như vậy vụ mua lại tờ Washington Post là kết quả của « một vụ nhầm lẫn khổng lồ », mà ông Jeff Bezos chỉ nhận ra được khi đọc thấy trong bản kê chi tiết hoạt động thẻ tín dụng của ông có khoản chi lên đến 250 triệu đô la.

Cho dù tính chất khôi hài của bài viết rất rõ, nhưng Tân Hoa Xã vẫn không nhận ra. AFP nhận định, các phương tiện truyền thông Trung Quốc vốn bị kiểm soát chặt chẽ, đôi khi không hiểu được chất mỉa mai trong một số tin bài của báo chí phương Tây. Rất nhiều tờ báo trên thế giới hôm nay cũng đã đưa lại vụ hố to này của hãng thông tấn Nhà nước Trung Quốc, như tờ Forbes chạy tựa : « Bezos mua lại Washington Post vì nhầm lẫn ? Chỉ là chuyện đùa thôi, Tân Hoa Xã à ! »

Cũng trong tuần này, như tin chúng tôi đã đưa hôm 7/8, Tân Hoa Xã cùng với Global Times, khi muốn miêu tả cảnh thi hành án tử hình ở Mỹ, đã phổ biến các hình ảnh cho thấy một phụ nữ bị trói vào giường bằng dây da, mà thực ra đây là cảnh trong một cuốn phim « con heo » mang tên « Tử hình bằng thuốc độc ».

Năm ngoái, Nhân dân Nhật báo cũng đã cho đăng một bài báo ca ngợi lãnh tụ Bắc Triều Tiên, « người đàn ông sexy nhất thế giới », kèm theo hơn năm chục tấm hình Kim Jong Un khổ lớn, mà không biết tin này chỉ là trò đùa của tờ báo châm biếm Mỹ The Onion.

Còn mục « Borowitz Report » trên đây cũng đã từng lừa được một tờ báo Trung Quốc khác là tờ 21th Century Business Herald. Tờ này đã đăng lại tin vịt Bắc Triều Tiên phải hoãn lại một vụ bắn hỏa tiễn vì « gặp vấn đề với Window 8 », và do đó Kim Jong Un muốn « gây chiến với Microsoft ».

Bài viết liên quan:
Báo chí Trung Quốc nhầm lẫn video sex với tử hình
Thụy My (RFI)

Tiêu Dao Bảo Cự - Hai tiểu đoạn về Tướng Trần Độ

1. Người không chịu im lặng

Trông bề ngoài ông Trần Độ không có vẻ một vị tướng mặc dù ông đã từng đi qua suốt hai cuộc chiến tranh và làm chính ủy những đơn vị lớn. Có lẽ do ông là tướng chính trị và những năm gần đây ông lại chuyên làm công tác chính trị và văn hóa văn nghệ. Ông đã gần bảy mươi, nói năng chậm rãi nhưng có trí nhớ rất tốt và ông có thể kể liên miên chuyện này chuyện khác xảy ra từ hàng mấy chục năm qua. Chỉ cần hỏi ông một câu là ông có thể trả lời hàng giờ liền, với những dữ kiện và phân tích rất sắc sảo. Nói chuyện với ông cũng thú vị vì được nghe nhiều điều mới lạ và bổ ích.
Tôi mới quen ông nhưng có lẽ Bùi Minh Quốc đã biết ông từ xưa. Hồi chúng tôi tổ chức đại hội thành lập hội văn nghệ, chúng tôi mời ông và ông đã từ Hà Nội cất công vào tham dự và dành thời gian giới thiệu nghị quyết về văn hóa văn nghệ của Trung ương. Lúc đó ông đang phụ trách lãnh vực này và chính ông là tác gỉa soạn dự thảo nghị quyết, một nghị quyết tiến bộ nhất của Trung ương về văn hóa văn nghệ từ trước đến nay. Tuy nhiên chẳng bao lâu nghị quyết đó và cả chính bản thân ông cũng bị vô hiệu hóa vì nghị quyết đã phê phán đảng quá nặng nề, đòi hỏi đảng quá nhiều, bớt quyền lực của đảng trong khi tăng cường tự do dân chủ cho văn nghệ sĩ trong lãnh vực sáng tác. Người ta cho ông là hữu khuynh, làm yếu đi vai trò lãnh đạo của đảng. Đảng phải lãnh đạo triệt để, toàn diện và tuyệt đối mặc dù đôi khi có nhiều”ông đảng” chẳng hiểu gì về lãnh vực mình đang lãnh đạo. Trong văn nghệ đã có biết bao trường hợp một tác phẩm, một tác gỉa bị cấm, bị trù dập vì bị một ông lãnh đạo nào đó phê phán dù ông này chẳng bao giờ đọc tác phẩm mà chỉ nghe qua ý kiến người lái xe hay ai đó nói. Ông tướng Trần Độ đã kịch liệt phê phán tình hình đó và rất được anh em văn nghệ sĩ đồng tình ủng hộ.
Điều này chính lại là một mối lo cho Trung ương nên dần dần ông đã bị loại bớt ảnh hưởng, mất dần thế lực, mất luôn cả những chức vụ quan trọng trong đảng và quốc hội. Tôi còn nhớ hồi đó hội nghị tổng kết toàn quốc do Ban Văn hóa Văn nghệ triệu tập, mời đại biểu tất cả các Hội Văn nghệ địa phương về dự, phút chót đã bị đình hoãn vô thời hạn. Người ta sợ một cuộc gặp gỡ đông đảo các đại biểu văn nghệ tỉnh, thành ở Hà Nội sẽ gây nên một trận cuồng phong, nhất là sau khi đoàn văn nghệ Langbian của chúng tôi trong chuyến đi xuyên Việt đã gây sóng gió khắp các tỉnh miền Trung và Tây nguyên. Kể cũng tiếc vì chắc chắn hội nghị đó sẽ làm nên một cơn đại náo. Chúng tôi đã nhận giấy mời, chuẩn bị lên đường nhưng phút cuối nhận được thông báo hủy bỏ hội nghị. Không những thế, sau đó Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương do ông Trần Độ phụ trách cũng bị xóa sổ luôn, sát nhập vào ban khác, do người khác phụ trách. Đúng những người Cộng sản là bậc thầy về tổ chức. Chỉ cần một vài động tác kỹ thuật nhỏ là những người bị coi là nguy hiểm như tướng Trần Độ bị “knock out” ngay.
Có thể vì những kinh nghiệm đó mà sau này ông tỏ ra dè dặt. Có lần Hà Sĩ Phu và tôi nói chuyện với ông khá lâu về tình hình thời sự. Tôi hỏi ông ở Trung ương có thể có những cán bộ lãnh đạo cao cấp tuyên bố ra khỏi đảng như ở Liên xô thời cải tổ không và riêng ông, ông nghĩ như thế nào về điều này. Ông suy nghĩ rất lâu rồi nói: “Tôi cho là không có, còn riêng tôi, tôi chỉ có thể thôi không ra ứng cử ban chấp hành trung ương nhiệm kỳ tới. ” Quả thực sau đó ông không ứng cử hay dù ông có muốn ứng cử cũng không được. Chuyện này đều do tổ chức sắp xếp, không ai có thể tự ứng cử trong bộ máy dân chủ tập trung này được. Với tinh thần phản kháng cố hữu của mình, tôi nghĩ nhiều chuyện có thể làm khác đi nhưng thực tế không như thế. Quả thực tôi chưa hiểu nhiều về cộng sản mặc dù đã là đảng viên gần hai mươi năm trước khi bị khai trừ. Trong cơ chế và bộ máy này, mọi người đã bị điều kiện hóa. Những đảng viên kỳ cựu như Trần Độ, Nguyễn Hộ, Hồ Hiếu, Đỗ Trung Hiếu, khi có tư tưởng tự do, sớm muộn sẽ bị đào thải.
Từ khi thôi giữ các chức vụ quan trọng, thỉnh thoảng tướng Trần Độ vào Đà Lạt chơi, lần nào ông cũng nhắn chúng tôi, nhóm bốn người ở Đà Lạt, đến gặp nói chuyện. Chúng tôi nói chuyện không có chủ ý gì, chỉ cốt thông tin cho nhau và bày tỏ suy nghĩ về những vấn đề thời sự. Có lẽ ông có nhu cầu được trao đổi thoải mái với những người có tự do tư tưởng như chúng tôi, cũng là một kiểu “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Đôi khi tôi nghĩ có thể ông có dụng ý gì chăng nhưng qua mấy lần gặp gỡ thấy ông quả không có chủ ý gì. Chúng tôi nói đủ mọi chuyện tùy hứng. Ông cũng hay kể lại những kỷ niệm xưa trong quá trình hoạt chính trị và văn hóa văn nghệ của mình. Nói chung chúng tôi trao đổi cởi mở và thoải mái, không e dè giữ ý.
Thường ông ở lại nhà nghỉ của Việt Nga. Hình như ông có mối quan hệ thân thiết với thân phụ Việt Nga và chị đối xử với ông như người chú trong gia đình. Việt Nga là một chủ nhà hiếu khách, lại có điều kiện nhà nghỉ nên chúng tôi gặp gỡ ở đây thoải mái. Sau này chúng tôi biết mỗi lần tướng Trần Độ đến Đà Lạt gặp chúng tôi đều bị công an theo dõi giám sát nhưng chúng tôi phớt lờ, vẫn gặp gỡ trò chuyện bình thường.
Gần đây sức khỏe của ông kém hẳn. Ông bị bệnh tiểu đường làm cụt một ngón chân cái và tiếp tục bị hoại thư nên lúc nào cũng phải băng chân, đi cà nhắc và chống gậy. Mắt ông tự dưng mờ đi không đọc được sách báo, phải nhờ người khác đọc. Ông bảo nghe radio cũng không thể tìm đài nên nhờ người nhà dò sẵn vị trí các đài thích nghe, đến giờ ông chỉ việc bật máy lên. Trong hoàn cảnh đó tưởng ông suy sụp, nào ngờ tư tưởng ông lại phấn chấn lên. Ông viết mấy bài ngắn gởi cho Trung ương Đảng để bày tỏ quan điểm của mình về đảng và về tình hình đất nước một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn bao giờ đã gây tiếng vang chấn động trong đảng, trong và ngoài nước. Có thể ông nghĩ mình chẳng còn gì để phải sợ hãi và phải làm nốt những gì cần làm trong giai đoạn cuối của cuộc đời. Điều này làm tôi quý ông dù trước đây có lúc tôi đã hơi thất vọng về ông. Tôi đã nghĩ ông có thể làm được nhiều hơn nhưng ông đã không làm. Suy nghĩ của tôi thật quá chủ quan.
Lần mới đây nhất khi lên Đà Lạt, mặc dù đi lại rất khó khăn, ông Trần Độ đã nhờ người đưa tới thăm tôi. Đây là lần đầu tiên ông đến nhà tôi. Cuộc nói chuyện của ông lần này có nhiều ngụ ý. Ông kể chuyện ở Hà Nội hình như mới đây ông bị giăng bẫy. Ông nhận được nhiều tài liệu chống đối nhà cầm quyền gởi qua đường bưu điện. Một vài người quen cũ, không thân lắm, lâu ngày không gặp, bỗng dưng đến rủ ông tham gia vào một tổ chức nghiên cứu gì đó phê phán chủ nghĩa Mác-Lênin. Ông đã từ chối thẳng thừng. Ông khuyên tôi nên hết sức thận trọng về những việc liên quan đến pháp luật. Hình như ông cảm thấy có cái gì đó đang đe dọa chúng tôi nhưng ông không nói thẳng. Ông còn đề nghị tôi suy nghĩ viết bài về công nghiệp hóa, hiện đại hóa là vấn đề mà nhiều trí thức ở Hà Nội đang chú ý nghiên cứu. Tôi cảm thấy ông chân thành và có sự quan tâm đặc biệt đối với tôi.
Ít lâu sau, tôi thấy ông xuất hiện trên truyền hình trong một buổi lễ, ông được trao huân chương cao quý gì đó, có vẻ hơi buồn bã. Tôi biết đây cũng là một cách làm cho ông im lặng. Nhưng tôi tin rằng người như ông không chịu im lặng khi chưa nói hết ra những điều tâm huyết của mình trong những ngày tháng cuối của đời dù cho phải trả gía đắt.
 2. Dấu hỏi về một nhân vật
Mấy năm gần đây, mỗi lần lên Đà Lạt, tướng Trần Độ thường đi với một người hơi kỳ lạ tên là TCĐ[1]. Ông khá cao lớn, nổi bật với chiếc đầu to kỳ lạ. Trên đầu ông cái gì cũng như quá khổ. Trán cao và hói lên tận đỉnh đầu, mắt lộ với đôi mày rậm, chiếc mũi dài với cánh mũi nở lớn, miệng rộng với hàm răng thưa và to. Thoạt nhìn ông khó có cảm tình.
Ngay từ đầu, tuy ông đi với tướng Trần Độ nhưng chúng tôi cũng cảnh giác vì ông là người lạ. Khi hỏi riêng, tướng Trần Độ cho biết ông TCĐ trước là thư ký của một cán bộ lãnh đạo cao cấp nổi tiếng – nguyên trí thức miền Nam đi theo cách mạng, nay ông CĐ chuyển sang làm kinh tế, không có vấn đề gì, có thể tin cậy được. Tuy chúng tôi không có gì bí mật bàn bạc với tướng Trần Độ mà chỉ nói những chuyện chung chung nhưng hầu như ai cũng có ý nghĩ cần phải cảnh giác với nhân vật hơi lạ lùng này.
Ông TCĐ thường đưa tướng Trần Độ từ Sài Gòn lên bằng xe riêng của mình và lo hết mọi chi phí ăn ở. Ông đang là cố vấn cho một công ty lớn do vợ ông làm giám đốc. Đây là một công ty tư vấn đầu tư, kiêm dịch vụ du lịch và nhiều hoạt động khác, có đội xe hàng trăm chiếc. Nghe nói công ty có chi nhánh ở nhiều tỉnh và cả văn phòng đại diện ở nước ngoài. Ông CĐ tuy danh nghĩa là cố vấn nhưng thực chất điều hành mọi hoạt động của công ty. Mỗi lần đưa tướng Trần Độ lên Đà Lạt, ông thường cùng đi với bà vợ và cô thư ký, chắc là để vừa đi chơi, vừa kết hợp công tác. Tôi thấy ông nhận fax và trả lời điện thoại liên tục. Chắc công việc làm ăn của công ty ông cũng khấm khá.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi biết ông CĐ hồi còn ở Hà Nội đã chủ trì làm kinh tế cho một cơ quan Trung ương, nơi ông làm thư ký cho người lãnh đạo cao cấp, không hiểu vi phạm gì mà đã hai lần ở tù. Bây giờ ông ra ngoài kinh doanh với tư cách tư nhân. Quá trình đó và quy mô kinh doanh của ông hiện nay, cộng với sự gần gũi với tướng Trần Độ đã làm chúng tôi thắc mắc. Tuy nhiên chúng tôi vẫn bảo nhau mình chẳng làm gì phi pháp nên không cần phải quá cảnh giác. Chúng tôi vẫn tiếp xúc với ông bình thường và nói chuyện với tướng Trần Độ khi có ông cũng không có gì dè dặt.
Ông CĐ tự giới thiệu đã từng làm báo, viết văn và cũng là một nhiếp ảnh gia chuyên về chân dung. Ông thường mang theo máy ảnh, hiệu gì đó có vẻ rất hiện đại. Mỗi lần chúng tôi họp mặt ông thường chụp hình chung và nhân đó chụp chân dung của từng chúng tôi. Chúng tôi nói đùa riêng với nhau là ông CĐ đã có đủ bộ sưu tập hình ảnh của chúng tôi để báo cáo cho Bộ Nội vụ. Ngoài bốn người chúng tôi ở Đà Lạt, có lần Trần Minh Thảo ở xa được báo lên dự gặp mặt cũng được chụp chân dung cẩn thận. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ rằng Bộ Nội vụ muốn có ảnh của chúng tôi cũng đâu cần tới ông này vì không ai hoạt động gì bí mật và tất cả chúng tôi đều có hồ sơ trong ban tổ chức vì đã từng là cán bộ, đảng viên.
Ông CĐ tỏ ra hào phóng. Mỗi lần gặp mặt trò chuyện xong, ông thường mời tất cả đi ăn nhà hàng. Có lần ông đưa cả gia đình bà con đông đảo cùng đi, thuê phòng ở khách sạn Dinh 2, khách sạn thuộc loại sang trọng nhất ở đây, tổ chức ăn uống chiêu đãi như một đại tiệc. Ông còn giúp vợ Bùi Minh Quốc trong việc chào hàng búp bê len là một mặt hàng do chị sản xuất. Ông lấy cả trăm con, trả tiền trước và nói sẽ đưa đi giới thiệu ở các nơi ông có quan hệ làm ăn.
Ông CĐ còn có một cái thú mà chính ông nói ra. Đó là sưu tập bài viết của những nhân vật bất đồng chính kiến để làm tư liệu lịch sử. Ông khoe đã có phần lớn bài viết của chúng tôi và nhiều người khác đăng trên các báo nước ngoài. Mỗi lần gặp ông đều hỏi thăm ai có bài gì mới cho ông xin để đưa vào bộ sưu tập. Chúng tôi lại cười riêng với nhau chắc ông CĐ muốn có một hồ sơ đầy đủ để báo cáo. Nhưng chúng tôi viết bài và phổ biến công khai với tên họ, địa chỉ đầy đủ, đâu cần dấu giếm ai.
Không phải chỉ có thế. Thỉnh thoảng ông CĐ còn cung cấp cho chúng tôi một vài tài liệu nước ngoài chống đối chế độ mà chúng tôi không có. Một lần ông thông báo sắp đi nước ngoài lo việc kinh doanh, ai cần gởi gì ông sẽ mang giúp. Đồng thời ông cũng đề nghị chúng tôi giới thiệu ông với những người phụ trách các đài, báo nước ngoài mà chúng tôi có quan hệ để ông tiếp xúc làm quen. Đến đây thì chúng tôi không đùa được nữa.
Rõ ràng là một ý đồ xuyên suốt. Tuy ông che dấu nhưng không qua được mắt chúng tôi. Mỗi lần chúng tôi gặp nhau riêng đều phân tích về trường hợp của ông. Vài lần ông đã bảo chúng tôi là khi ông cùng tướng Trần Độ gặp chúng tôi, ông cũng ngại và biết công an có thể theo dõi nên rất cảnh giác. Điều nói đó đối với chúng tôi là một thái độ che dấu không khôn ngoan lắm dưới cặp mắt quen phân tích suy luận của chúng tôi. Làm sao một người đã từng ở tù, đang làm kinh tế phát đạt, thích sưu tầm bài viết của những người bất đồng chính kiến, lại công nhiên đi với tướng Trần Độ gặp chúng tôi mà không ngại nếu không phải đã làm theo chỉ thị của ai đó. Một nguồn tin chưa xác minh cho biết hình như ông có dính líu đến một vài vụ bị bắt bớ của một số người bất đồng chính kiến ở Sài Gòn.
Dấu hỏi về ông TCĐ đã rõ dần. Chúng tôi đã gián tiếp cảnh báo tướng Trần Độ nhưng ông hình như không quan tâm lắm. Dấu hỏi này chắc chắn một ngày nào đó sẽ có lời đáp.
 Tiêu Dao Bảo Cự
(Trích trong tác phẩm “Mảnh trời xanh trên thung lũng” viết năm 1996, Nhà Xuất bản Văn Mới, California, Hoa Kỳ in năm 2007).
(BVN) 

Bs Lê Đình Phương - Cười buồn về y đức

Báo Tuổi Trẻ, mấy ngày nay khá nóng về cuộc tranh luận chung quanh cái gọi là lương tâm chức nghiệp của giới thầy thuốc ở các bệnh viện công. Khen có, chê cũng kha khá. Lại có một ý kiến của đồng nghiệp HT bị ném đá tơi bời. Nó như thế này:

Tôi là một BS làm việc ở một bệnh viện công của TP.HCM.
Đọc bài “Bác sĩ công và bác sĩ tư” của bạn Hoàng Mai, tôi thấy chạnh lòng vì tôi từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp đối xử như vậy với bệnh nhân (tâm trạng của tôi lúc đó cũng rất mâu thuẫn).

Tôi biết cư xử như thế là không đúng, nhưng thực tế có bao nhiêu phần trăm BS thật sự xem công việc ở bệnh viện là quan trọng trong cuộc đời, toàn tâm toàn ý cho công việc? Dù không thể đổ lỗi cho thu nhập, nhưng thật sự chúng tôi đi làm vì cái gì, chỉ vì lương tâm thôi sao, chỉ để được xã hội công nhận là từ mẫu thôi hay sao?

Chúng tôi cũng cần phải sống, con của chúng tôi cũng cần phải ăn, phải học. Mà thử xem Nhà nước trả cho chúng tôi lương tháng được bao nhiêu? Tôi đã học sau đại học mà lương 3 triệu đồng, tiền cơm 500.000 đồng nữa là 3,5 triệu đồng. Rồi bị trừ tiền bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp, công đoàn… thì làm sao tôi có thể sống ở thành phố này?
Tôi cũng không thể trách đồng nghiệp sao nhăn nhó với bệnh nhân vì biết BS ấy đang lo lắng bố mẹ ốm mà không có đủ tiền. Tôi nghĩ cũng khỏi phải bắt chúng tôi học những lớp giao tiếp với bệnh nhân làm gì, chuyện quan trọng đầu tiên là phải trả công cho chúng tôi xứng đáng với trách nhiệm mà chúng tôi đảm đương, và đủ để chúng tôi sống đã.

Không phải lo lắng về tiền bạc quá nhiều như hiện nay thì chúng tôi có thể yên tâm lo cho chuyên môn. Còn như hiện nay thì vấn đề đó sẽ tiếp tục như thế và rất khó để giải quyết bạn ạ. Bạn cứ chờ xem.

Lời phân trần này làm tôi nhớ lại một câu chuyện cách đây 20 năm, mà tôi là nhân chứng. Hôm đó, tôi đưa cháu vào cấp cứu ở một BV lớn ở TP. Cháu tôi bị tiêu chảy mất nước nặng. Dưới con mắt nhà nghề, tôi biết cháu tôi đang trụy mạch, cần được cấp cứu. Vậy mà chờ mãi, vẫn không thấy động tĩnh gì. Biết thân biết phận, biết câu rừng nào cọp ấy, tôi rón rén gõ cửa phòng trực BS. Đây rồi, một đồng nghiệp rất trẻ, đang cắm cúi trên một cuốn sách dày cộp. Chỉ vừa mới mở miệng bẩm báo về tình trạng mạch nhanh không bắt được, da tím, lạnh… của cháu, tôi nhận được một ánh mắt lạnh như băng, quét từ đầu xuống chân, qua một cặp kính trắng lấp lánh rất trí thức, và một câu nói cũng lạnh tanh: “Có biết học BS là khó lắm không?” (??????)
Không cần bình luận gì thêm về tính chất khiếm nhã và cực kỳ ngạo mạn của câu nói này, mà nên thấy, xã hội chúng ta đang sống, đã sản sinh ra một tầng lớp, tạm gọi là trí thức, không tim, thiếu một căn bản tối thiểu về giáo dục và giao tế xã hội (social etiquette). Không thể đổ lỗi cho đồng lương, cho sự thiếu thốn vật chất để gật gù thông cảm cho sự phi nhân, nhất là sự phi nhân đó xảy ra trong ngành giáo dục và y tế. Nói được một câu “xuất sắc” như đồng nghiệp trẻ năm xưa, chắc không phải vì lương thấp, vì bức xúc mà bật ra (?)
Tôi cười nhạt, khi nghe đồng nghiệp HT than vãn về thu nhập. Giấy trắng mực đen, thì BS công nào cũng nghèo. Trà dư tửu hậu, thì các BS công thường dè bĩu các BS tư là chạy theo đồng tiền, bỏ quên nghiên cứu khoa học (?). Nhưng thực tế, trừ một số BS trẻ vừa chân ướt chân ráo vào nghề, các BS công hiện tại đang giàu, rất giàu. Cứ nhìn các dãy xe hơi đời mới trong sân các BV lớn thì rõ.
Chẳng nên đổ tại tiền! Mà không lẽ vì tiền, tôi có quyền hạ thấp phẩm giá, sự cao quí của nghề nghiệp, bằng những hành vi cục súc (xin lỗi, tôi không tìm được từ nào văn hoa hơn), mà các đồng nghiệp của tôi cư xử với bệnh nhân, và cả với nhau (?) Làm thầy thuốc, không lẽ cứ ít tiền thì có quyền hỗn xược với người bệnh (?). Phải đợi đến lúc nhiều tiền mới lễ độ, vồn vã, thì có khác chi bà phở chưởi học nghề chiều khách?
Tuy nhiên, con người là sản phẩm của xã hội. Nói đi thì cũng phải nói lại, cho nó công bằng. Hệ thống y tế của chúng ta là cha đẻ của một tầng lớp học cao hiểu rộng, hợm hĩnh, kiêu căng và …dùi đục như thế.
Còn nhớ, khi mới ra trường, lọ mọ đến Sở Y tế một tỉnh nọ có việc, tôi phải bỏ dép, đi chân không vào phòng ông Giám đốc. Chẳng khác gì một chị Dậu với nón mê, váy đụp khúm núm chốn công quyền, mặc dù tôi đi bán tôi (xin việc), không phải đi bán chó, thưa các bạn! Tại sao, một BS trẻ như tôi hồi ấy, không được quyền có một việc làm đúng sở học, một cách đường hoàng, tự tin, mà phải hèn hạ đến thế?
Điều ấy, nó tổn hại cho phẩm giá!
Còn nhớ, chúng tôi, hơn 30 BS nam, phải nhường WC cho các BS nữ, nên phải vừa tiểu tiện, vừa rửa mặt trong một cái lavabo suốt 10 năm trời ở một BV lớn nhất nước. Chuyện ấy, giờ còn hay không, tôi không biết! Nhưng, nó cũng làm tổn hại phẩm giá. Nó làm con người ta, mất dần dà đi cái ý thức về lịch sự, riêng tư, nhân cách…, từ những điều nhỏ nhặt như vậy!
Còn nhớ, chúng tôi phải đi vận động, hay nói trắng là đi ép buộc, bệnh nhân chúng tôi phải mua, phải ăn những suất cơm tồi tệ, nuốt không trôi của BV. Chỉ vì ông giám đốc khả kính một thời của BV đó, có mối quan hệ rất đáng ngờ với công ty cung cấp khẩu phần bệnh viện. “Không ăn ư, cứ cho ra viện. Vì ăn cũng là một cách điều trị! Không ăn, là chống đối chế độ điều trị, cho ra viện”.
Còn nhớ, cũng chính ông GĐ đó, ép buộc và ra chỉ tiêu chúng tôi phải kê toa một loại thuốc cực kỳ nhảm nhí, chỉ vì ông ta và gia đình vừa mới được mời đi du hí châu Âu về. Ai mời? Câu trả lời là một cái cười nụ. Mà cũng chính ông ấy, lại nói về y đức rất dõng dạc, rất tự tin, ai nghe cũng phải giật mình kính phục.
Còn nhớ, khi mới ra trường, lòng còn nhiều mộng ước, gặp ngay gã y tá chuyên tu, phó phòng tổ chức. Béo tốt, vênh váo (tuy còn rất trẻ): “ĐM, BS trẻ chúng mày ngu bỏ mẹ. Khoa ấy có đ. gì để ăn mà cứ xin vào đấy?” Sau đó là những chầu nhậu, những tăng 2, tăng 3…để được việc. Về nhà, nhục nhã, uất ức, nhìn con thơ đang ngủ mà phải cắn răng lại để khỏi trào nước mắt vì tủi nhục. Không chìu lòn chúng nó, bố tìm đâu ra việc để kiếm tiền mua sữa cho con. Tội nghiệp con, và tội nghiệp cả bố nữa, con trai ạ!
Một gã thất phu như thế, lại được trọng dụng, cất nhắc nắm sinh mệnh khoa học (và cả sinh mệnh chính trị) của hơn ngàn BS, bạn có tin nổi không?
vân vân và vân vân…
Thế đấy, người thầy thuốc VN tội nghiệp, sau bao nhiêu năm tháng sống trong một hệ thống kém văn hóa, hỗn xược như thế, đã bị vùi dập, thui chột những tố chất bắt buộc phải có của người thầy thuốc: sự lễ độ, lòng thấu hiểu, phong cách thanh lịch văn minh…mà ta vẫn thường thấy trong các phim Âu Mỹ. Nó là sự thật, không phải là phim giả tưởng đâu, thưa các bạn. Nó là kết quả của một xã hội tôn trọng người đọc sách, coi thầy thuốc là tầng lớp quí tộc, ưu tú. Và huấn luyện, đòi hỏi người thầy thuốc phải xứng đáng với những phẩm chất đó. Dĩ nhiên, không chỉ bằng những lời hô hào suông, bằng các loại giấy khen thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú,  mà bằng nhiều cách khác. Không nói ra thì ai cũng biết những cách đó là gì!
Thiếu căn bản giáo dục cá nhân, gia đình. Thiếu một nền tảng văn hóa tối thiếu từ xã hội, cơ quan (ở đây là BV), thì dù một số không nhỏ BS dù đã rất giàu, họ vẫn không thể hành xử ‘xứng với kỳ đức’ mà nghề nghiệp và xã hội mong đợi. Chung qui, thì cũng nên nghĩ ngợi về cách chúng ta đào tạo trí thức. Và cách chúng ta đối đãi (không phải là đãi ngộ) với người trí thức! (Lại hoan hô Marx một cái cho đúng lề phải, khi ổng phán thế này: “con người là tổng hòa các quan hệ xã hội”)
Chưa một lần, tôi dám hô hào y đức. Vì nó thâm sâu chẳng khác gì tôn giáo. Nhìn vào y đức, để thấy thẹn với lòng, vì không bao giờ vươn đến được cái nghĩa lý cao quí của hai từ đó. Nhớ lại y đức, để răn mình, chứ chẳng dám răn ai như các quan chức trơn lông đỏ da vẫn thường rao giảng. Y đức cao quí (nhưng không cao xa), nên xin các quan chức, thôi hô hào, thôi khuấy động các phong trào thi đua chấn hưng y đức để tự đánh bóng bản thân. Y đức nào tồn tại được, theo cái cách chúng ta đang vận hành guồng máy y tế như bây giờ? Bộ máy y tế ấy, đã phản y đức về cơ bản, khi phân loại bằng giấy trắng mực đen, các quyền lợi và hệ thống khám chữa bệnh của nó theo chức vụ, cấp bậc, mức lương. Lẽ nào, một người dân đen, không được quyền chăm sóc ngang bằng một cán bộ cao cấp?
Tôi may mắn, tự thoát ra được khỏi hệ thống ấy, cũng hơn 10 năm có lẻ. Nhưng thỉnh thoảng, nhớ lại một thời cay đắng ấy, không khỏi ngậm ngùi mà lẩy một câu Kiều: “chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa”.
Lại thêm một lý do, để tôi mong ước con trai tôi về, sau khi ăn học thành tài ở xứ người.  Chẳng để trả thù ai, mà làm gì được cho dân mình bớt khổ thì làm!
Về mà thay thế, về mà chấn hưng lại cái hệ thống y tế nhàu nát mà bố phải chịu đựng ngần ấy năm để nuôi con, con ạ!

Bs Lê Đình Phương
(FB Lê Đình Phương

Bầu Kiên có thể lãnh án tối đa chung thân

Ông Nguyễn Đức Kiên, còn được gọi là Bầu Kiên, nguyên Phó Chủ tịch và cũng là sáng lập viên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB)
Một trong 100 người giàu nhất Việt Nam trong năm 2010 có thể lãnh án tối đa là chung thân với 4 tội danh vừa bị đề nghị truy tố gồm kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, và cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 
Ông Nguyễn Đức Kiên, còn được gọi là Bầu Kiên, nguyên Phó Chủ tịch và cũng là sáng lập viên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB)

Báo chí trong nước ngày 9/8 đồng loạt đưa tin ông Nguyễn Đức Kiên, còn được gọi là Bầu Kiên, nguyên Phó Chủ tịch và cũng là sáng lập viên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), và 7 đồng phạm cùng bị truy tố 4 tội danh vừa kể sau cuộc điều tra kéo dài gần 1 năm về vụ bê bối gây thiệt hại nhiều chục triệu đô la.
Trong số các bị can còn lại có ông Trần Xuân Gía, nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, người từng giữ ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB.
Ông Kiên bị bắt hồi tháng 8 năm ngoái. Vụ án Bầu Kiên gây xôn xao công luận giữa lúc tín nhiệm của quốc tế đối với Việt Nam đang bị tuột dốc với các vụ tiêu cực kinh tế, tham nhũng lớn trong các doanh nghiệp nhà nước. Vụ này cũng khiến ACB cùng các ngân hàng khác của Việt Nam bị Fitch Ratings đánh giá tín nhiệm tiêu cực.
Giới phân tích cho rằng vụ việc của ông Kiên có thể được đảng cộng sản sử dụng như một biểu hiện chứng tỏ nỗ lực bài trừ nạn tham nhũng ở cấp cao và cũng có thể là dấu hiệu của cuộc đấu đá chính trị giữa các thế lực trong nội bộ đảng cầm quyền.
Đề nghị truy tố ông Kiên đang chờ quyết định chung cuộc từ Viện Kiểm Sát.
(VOA)
 

Nguyễn Tấn Dũng 'dằn mặt' Nguyễn Bá Thanh

Ông Nguyễn Bá Thanh, người mới được cắt đặt làm Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương của đảng CSVN, có thể bị hạ uy tín sau khi Thanh Tra Chính Phủ, dưới quyền của ông Nguyễn Tấn Dũng, cáo buộc Ủy Ban Nhân Dân thành phố Ðà Nẵng, gây thất thu cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 3,434 tỉ đồng (khoảng 165 triệu USD) trong suốt một thời gian dài.

Ông Nguyễn Bá Thanh khi còn ở Ðà Nẵng là bí thư thành ủy, chủ tịch Hội Ðồng Nhân Dân (HÐND) và trước đó nữa là chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân. Còn chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân (UBND) hiện nay là ông Văn Hữu Chiến.
Một bản “Thông Báo” của Thanh Tra Chính Phủ đề ngày 17 tháng 1, 2013 do Phó Tổng Thanh Tra Nguyễn Ðức Hạnh ký tên, nói về “Kết luận thanh tra trách nhiệm của chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, thanh tra một số dự án đầu tư có liên quan đến việc sử dụng đất...” được phổ biến trên trang mạng của Thanh Tra Chính Phủ CSVN.
Trong đó nêu ra rất nhiều sai phạm về việc quy hoạch đất đai, giao đất cho nhà đầu tư cũng như đề bù và trợ cấp cho các người dân bị mất đất.
Ðặc biệt là trong giai đoạn từ 2003 đến 2011, thành phố Ðà Nẵng đã “thu hồi, giao đất, cho thuê đất đối với 1,061 công trình, dự án với diện tích 17,534 ha. Tổng số tiền thu được cho nhà nước chỉ có hơn 25,271 tỉ đồng.
Khi kiểm tra 41 trên 1,061 công trình thì thấy các tổ chức và cá nhân được UBND thành phố “chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đã “không tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, vi phạm các điều 5, 15, 31, 41, 58, 122 Luật Ðất Ðai năm 2003.”
Văn bản của Thanh Tra Chính Phủ nói trên nêu ra 6 trường hợp điển hình nhà nước bị mất tiền vì UBND thành phố cướp đất của dân rồi chuyển nhượng “quyền sử dụng đất” với giá rất rẻ.
Ngay sau đó không bao lâu, những kẻ vừa được quyết định “giao đất” đã bán sang tay cho người khác hay công ty khác để thu tiền lời từ hàng trăm triệu đến hàng trăm tỉ đồng.
Khu đất 29 ha thuộc dự án khu đô thị Ða Phước (quận Hải Châu, Ðà Nẵng) là một trong những dự án bị Thanh Tra Chính Phủ thanh tra. (Hình: Tuổi Trẻ)
Thanh Tra Chính phủ CSVN nói rằng, đúng ra, số tiền phải thu “quyền sử dụng đất” lên đến hơn 2,120 tỉ đồng nhưng đã không có.
“Trách nhiệm để xảy ra các vi phạm trên thuộc lãnh đạo UBND thành phố thời kỳ 2003-2011, Văn phòng UBND thành phố, Sở Tài Chính, Sở Tài Nguyên và Môi Trường, Sở Xây Dựng, Hội Ðồng Thẩm Ðịnh Giá Thành Phố, Ban Quản Lý dự án công trình đường Bạch Ðằng Ðông, Công ty Quản Lý Và Khai Thác Ðất thành phố.”
Bản thông báo của Thanh Tra Chính Phủ CSVN không hề nêu đích danh tên ông Nguyễn Bá Thanh nhưng trong thời gian đó, ông Thanh lúc đầu chỉ làm chủ tịch UBND sau làm bí thư và kiêm nhiệm chức chủ tịch HÐND.
Bản thông báo cáo buộc nhà cầm quyền Ðà Nẵng đã giảm tiền sử dụng đất cũng như gia hạn thời gian nộp tiền cho các nhà đầu tư xây dựng “không đúng đối tượng và trái với quy định” nên đã “gây thất thu ngân sách nhà nước.” Có 20 trên 46 dự án đầu tư xây dựng được kiểm tra đã được cấp cho thời gian sử dụng quá quy định.
Thanh Tra Chính Phủ CSVN đề nghị “kiểm điểm chủ tịch, phó chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng, các tổ chức và cá nhân liên quan” ở thời kỳ nói trên. Ðồng thời đề nghị “thu hồi” những khoản bị thất thu.
Ngoài đề nghị “kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật” đối với tất cả giám đốc các sở của thành phố Ðà Nẵng liên quan tới sai trái quy hoạch và sử dụng đất, Thanh Tra Chính Phủ CSVN đề nghị “Giao Bộ Công An xác minh, làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái, vi phạm các quy định của pháp luật đất đai và đầu tư xây dựng, hành vi chuyển nhượng đất trái pháp luật thu lợi số tiền lớn, gây thất thu ngân sách...” và đe dọa “nếu cấu thành tội phạm thì xử lý theo Bộ Luật Hình Sự.”
Từ ngày 19 tháng 11, 2012, Văn Phòng Chính Phủ CSVN đã có văn thư gửi Thanh Tra Chính Phủ, các Bộ Công An, Bộ Tài Nguyên & Môi Trường, Bộ Tài Chính, Bộ Ðầu Tư và UBND thành phố Ðà Nẵng thông báo “chỉ đạo” của ông Nguyễn Tấn Dũng “tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm và có hình thức xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, thực hiện các kiến nghị của Thanh Tra Chính Phủ, thu hồi triệt để về ngân sách số tiền phải nộp” như bản kết luận thanh tra của Thanh Tra Chính Phủ đề ngày 2 tháng 11, 2012.
Ông Nguyễn Bá Thanh, 60 tuổi, được đưa lên làm chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng từ năm 1996. Ðến năm 2003 thì ông Thanh được nâng lên làm bí thư thành ủy Ðà Nẵng thay cho ông Nguyễn Ðức Hạt về trung ương.
Trong cuộc bầu cử Quốc Hội CSVN khóa 12 hồi năm 2011, ông Nguyễn Bá Thanh từng bị tố cáo tham nhũng và vi phạm quản lý đất đai nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông vẫn trúng cử vì ủy ban tổ chức bầu cử của chế độ nói 8 điều tố cáo ông “không đúng sự thật.”
Nay bản “kết luận thanh tra” của nhà nước bị “đóng dấu mật” và không công bố mà chỉ công bố một bản “thông báo” được tóm tắt một vài nét chính ở trên.
Dù không nêu đích tên Nguyễn Bá Thanh, bản “thông báo” cũng cho người ta hiểu là nhắm vào ông là người chịu trách nhiệm cao nhất cho những sai trái ở Ðà Nẵng vì ông ôm cả hai chức vụ, bí thư thành ủy lẫn chủ tịch Hội Ðồng Nhân Dân.
Ðiều đáng nói là ngày 2 tháng 1, 2013, hầu hết các báo ở Việt Nam đều đưa tin ông Nguyễn Bá Thanh được “điều” về Hà Nội làm “Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương của Ðảng CSVN.
Ngày 10 tháng 1, 2013, trong hội nghị “Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố” do UBND thành phố Ðà Nẵng tổ chức, ông bắn tiếng cho những “con sâu” ở hệ thống ngân hàng vốn nhiều tai tiếng là “tôi sẽ rà vô ngân hàng, cho hốt liền.”
Dịp này, ông cũng nêu ra những cái lối “vừa ăn vừa phá” khác như tại tổng công ty tàu thủy “Chừ ôm đống sắt vụn bán cũng không có người mua.”

Nguyễn Bá Thanh, trưởng Ban Nội Chính Trung Ương của đảng CSVN. (Hình: VietNamNet)
Liệu ông Nguyễn bá Thanh tránh được các trách nhiệm và truy tố hình sự được nêu ra trong bản “thông báo” của Thanh Tra Chính Phủ? Ðiều này tùy thuộc vào sự đấu đá và điều đình giữa các phe cánh trong chế độ Hà Nội.
Một số dư luận cho rằng người bới móc các sai trái của ông Nguyễn Bá Thanh là ông Nguyễn Tấn Dũng, nhằm bắn tín hiệu mạnh mẽ cho phe ông Thanh trong Ðảng biết là ông cũng cũng có những món võ để trị lại các đòn nhắm vào phe của ông.
(Người Việt)

Mỹ - Việt: 'Nhân quyền trước, vũ khí sau'

David Shear
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear trong buổi họp báo tại Hà Nội ngày 7/8
Đại sứ Mỹ nói Việt Nam cần có những bước tiến về nhân quyền nếu muốn Hoa Kỳ xem xét việc tháo gỡ cấm vận bán vũ khí sát thương, hãng thông tấn AFP đưa tin.
"Phía Việt Nam đã bày tỏ nguyện vọng muốn Hoa Kỳ tháo gỡ cấm vận [vũ khí sát thương], và chúng tôi sẽ xem xét yêu cầu này một cách nghiêm túc," ông David Shear nói trong buổi họp báo ngày 7/8 tại Hà Nội.
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng tin rằng để có được sự ủng hộ chính trị nhằm tháo gỡ cấm vận ... chúng tôi cần thấy được những tiến bộ về vấn đề nhân quyền từ phía Việt Nam."
Trước đó, trong một thông cáo đăng tải trên trang web ngày 6/8, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã "bày tỏ quan ngại sâu sắc" trước Nghị định 72 của chính phủ Việt Nam về quản lý Internet, đồng thời kêu gọi chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do ngôn luận.
Vật cản ngoại giao
Hoa Kỳ hiện vẫn chưa sẵn sàng gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, mặc dù chính quyền ông Obama xem nước này là một đồng minh quan trọng trong việc tái cân bằng chính sách đối ngoại tại Châu Á, AFP nhận định.
Việt Nam đã bắt giữ và buộc tội hơn 40 nhà bất đồng chính kiến trong năm nay, nhiều hơn so với cả năm 2012.
So với các nước khác trên thế giới, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về số lượng các blogger và nhà báo bị bắt giữ.
Mặc dù cho rằng Việt Nam cần có những cải thiện về nhân quyền, ông David Shear cũng nhận xét chuyến công du sang Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang hồi tháng Bảy là một "sự thành công".
"Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa qua là một chuyến thăm thành công. Việc hai bên tuyên bố xác lập quan hệ đối tác toàn diện thể hiện tầm mức mới của mối quan hệ song phương," ông Shear được trang VietnamNet dẫn lời phát biểu.
"Trong những năm qua, hai bên cũng phát triển hợp tác trên những khía cạnh ngoại giao, an ninh… Chúng tôi tin rằng, khuôn khổ ‘đối tác toàn diện’ phản ánh những bước phát triển tích cực của mối quan hệ giữa hai bên."
Vị đại sứ cũng nhắc đến những lợi ích mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang đến cho Việt Nam.
"Việt Nam sẽ gia tăng được xuất khẩu vào các nền kinh tế trong TPP như Mỹ, Nhật Bản, thu hút nhiều hơn FDI từ các nước trong hiệp định. Theo nhận định của tôi, mối quan tâm của nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam đang tăng lên," ông nói.
"Quy chế kinh tế thị trường có ý nghĩa biểu tượng đối với Việt Nam, là cơ sở cho việc đánh giá trong giải quyết các vụ kiện chống bán phá giá."
"Việc công nhận quy chế này là một quy trình gồm nhiều bước về hành chính, pháp lý, do Bộ Thương mại Mỹ đảm trách. Phương thức tốt nhất để Việt Nam có được quy chế kinh tế thị trường, đó là thông qua đàm phán hiệp định TPP."
(BBC)

Thu nhập 12 nghìn đồng/ngày, nông dân Việt cán đích nghèo nhất

Báo Dân Việt dẫn nguồn tin tại Hội thảo công bố “Báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam - kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh” cho biết hiện nay, mức thu nhập của hộ nông dân chỉ đạt gần 50.000 đồng/ngày; 41,5% số hộ không hài lòng về cuộc sống.
Báo cáo này có số liệu từ cuộc điều tra của Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Bản chi tiết cho thấy thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình ở nông thôn đang giảm dần và tỷ lệ hộ nghèo không giảm trong giai đoạn 2010 – 2012, tương ứng số hộ tái nghèo tăng lên. Theo đó, thu nhập trung bình của hộ thuần nông chỉ đạt 48.618 đồng/ngày, tức khoảng 1.458.000 đồng/tháng. Điều đáng chú ý là trong số các hộ tham gia điều tra, có tới 50% hộ phải vay nợ, và chủ yếu là vay ngoài với lãi suất cao (số tiền nợ từ vay tư nhân, tín dụng ngân hàng chỉ chiếm hơn 13%).
Người nông dân Việt đang ngày càng nghèo đi
Người nông dân Việt đang ngày càng nghèo đi
Nghe những số liệu trên, dư luận không khỏi buồn vì cuộc sống của người nông dân Việt nghèo vẫn nghèo. Còn nhớ, phát biểu tại hội thảo “Lúa gạo, nông dân và phát triển nông thôn ở Việt Nam - Từ tăng trưởng thành công đến thịnh vượng bền vững” tổ chức hồi tháng 6/2011 ở Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng (nay đã nghỉ hưu - PV) nói: “Những thành tích mà Việt Nam có được trong xuất khẩu gạo là có thật, nhưng chúng ta không khỏi day dứt vì nông dân vẫn là những người nghèo và những vùng chuyên canh trồng lúa là những vùng kém phát triển".
Từ những con số tại Hội thảo công bố “Báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam - kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh” nếu tính chi tiết, mỗi hộ gia đình có 4 người (một cặp vợ chồng và hai con) thì chia bình quân mỗi người được 12.000 đồng/ngày. Thu nhập một năm mỗi người dân ở nông thôn chỉ được 4,2 triệu đồng, tương đương với 200 USD trên một năm.
Nếu đem so sánh mức thu nhập của người nông dân Việt Nam so với các nước trong khu vực thì chúng ta càng xót xa hơn về bức tranh nghèo của người nông dân. Mức thu nhập này chỉ  hơn tý chút mức thu nhập 20 năm trước của chúng ta. Năm 1991, mức thu nhập bình quân theo đầu người của người dân Việt Nam là 114 USD. Nhiều năm trở lại đây mức thu nhập này đã tăng đáng kể nhưng ở nông thông thì chỉ có ngày càng nghèo hơn. Trong khi đó, mức thu nhập trung bình theo đầu người ở nông thôn của Trung Quốc năm 2012 đạt 1.285 USD/năm. So với người nông dân Việt và người nông dân Trung Quốc họ có thu nhập cao hơn chúng ta cả chục lần.
Dư luận cả nước từng mắt tròn, mắt dẹt khi nghe đến bảng lương khủng của nhiều người. Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức có mức thu nhập 2,8 tỷ đồng/năm (mức thu nhập công ty trả). Đó còn chưa kể các khoản thu nhập khác của ông. Hay lương khủng của các CEO khối ngành kinh doanh khác như ngân hàng, tài chính, địa ốc. Mỗi tháng thu nhập của họ bằng người nông dân làm cả trăm năm.
Người nông dân vốn nghèo lại ngày càng đối mặt với giá cả leo thang như điện, xăng dầu, học phí...thiên tai, dịch bệnh. Trong khi đó, một gia đình còn bao nhiêu thứ phải dùng đến tiền như học phí, xăng xe, trả lãi ngân hàng, khám bệnh...
Đúng như lời nhận xét của TS Nguyễn Duy Lượng- Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam: Nông dân hiện có nhiều cái nhất: Đông nhất, nghèo khổ nhất, chịu nhiều thiệt thòi nhất, bất lực nhất, dễ bị tổn thương nhất, đời sống bấp bênh nhất...
Khánh Dung
(Phunutoday.vn)
 

Nguyễn Hưng Quốc - 'Thứ nhất hậu duệ…'

Tôi mới được nghe, từ một người bạn, một câu tục ngữ mới về quy chế tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam hiện nay:
Thứ nhất hậu duệ
Thứ nhì quan hệ
Thứ ba tiền tệ
Thứ tư trí tuệ

Cùng đề tài, trước đây, tôi đã nghe một câu tục ngữ khác:
Thứ nhất tiền tệ
Thứ nhì hậu duệ
Thứ ba ngoại lệ
Thứ tư đồ đệ
Câu đầu hay hơn. Và có lẽ cũng đúng với thực tế hơn. Ngay cả khi quen biết rộng rãi hay có tiền bạc nhiều đến mấy, một trí thức ngoài 30 tuổi chưa từng có kinh nghiệm về chính trị hay quản lý không thể bỗng dưng nhảy vọt một cái lên làm Thứ trưởng Bộ xây dựng như Nguyễn Thanh Nghị; một phụ nữ khác, mới ngoài 30 tuổi, không thể nắm giữ chức chủ tịch của hết công ty này đến công ty khác, trong đó có Ngân hàng Bản Việt với số vốn lên đến 142 triệu Mỹ kim như Nguyễn Thanh Phượng; một thanh niên khác, trẻ hơn, mới ngoài 20 tuổi, không thể bỗng dưng được cử làm giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam như Nguyễn Minh Triết; một thiếu nữ khác, mới 25 tuổi, không thể vụt một cái nhảy lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex – PVC, một công ty có gần 2000 cán bộ công nhân viên như Tô Linh Hương.
Những người trên là ai? Ba người đầu là con của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người cuối là con của ông Tô Huy Rứa, trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng.
Trong nhiều bài báo đăng đây đó, một số người đã nêu lên hiện tượng “thái tử đảng” ở Việt Nam (cũng như ở Trung Quốc), một hiện tượng còn được gọi là CCCC (con cháu các cụ; thay cho cách nói con ông cháu cha quen thuộc trước đây). Không cần thông minh, không cần tài năng, không cần học giỏi, không cần kinh nghiệm, chỉ cần là con nhà nòi thôi, vô số người đã nhảy phóc lên được những chiếc ghế quyền lực và béo bở trong guồng máy kinh tế cũng như guồng máy chính trị trong nước. Có khi không nhảy được, “các cụ” sẽ bồng ẵm họ lên, bỏ vào các chiếc ghế hiếm hoi và quý báu ấy.
Điều cần lưu ý là những điều được giới truyền thông nhắc nhở nhiều nhất thường chỉ là những hiện tượng nổi bật nhất. Họ không thể đề cập đến mọi chuyện. Còn vô số những vụ bổ dụng khác, nhỏ và thầm lặng hơn, vẫn lan tràn đầy trong xã hội nhưng không được nói đến. Bản thân tôi biết được ít nhất cũng năm bảy người, vốn đi học ở Úc, phần lớn không học xong cái gì cả, hoặc nếu xong, may lắm được một bằng cử nhân, khi về lại Việt Nam, một thời gian ngắn sau, nghe nói đã làm giám đốc công ty này, công ty nọ. Lý do: bố mẹ là những quan chức lớn, có người là bộ trưởng hay thứ trưởng.
Hiện tượng gọi là thái tử đảng hay CCCC, thật ra, cũng không có gì lạ. Ngay từ trước, với chủ trương bổ dụng cán bộ dựa trên “hồng” (chính trị) hơn là “chuyên” (chuyên môn hoặc học thức) đã là một truyền thống kéo dài ít nhất từ những năm giữa cuộc kháng chiến chống Pháp. “Hồng” có hai loại: một, thuộc thành phần “cốt cán”, ưu tiên hàng đầu là công nhân hoặc bần cố nông; hai, thuộc thành phần có lý lịch tốt, mà lý lịch tốt nhất là con cái các cán bộ gộc. Hiện nay, chỉ có một sự thay đổi lớn: thành phần được gọi là “cốt cán” biến mất. Chỉ còn lại thành phần con cháu các cán bộ gộc.
Một số người lý luận: Ngay ở Mỹ cũng có hiện tượng “thái tử đảng” (princeling) như thế: vợ hay con cái của những người có chức quyền cao, như Tổng thống hay Phó tổng thống, Thượng nghị sĩ nổi tiếng cũng thường có ưu thế hơn hẳn những người khác trên con đường chính trị. Trong mấy chục năm vừa qua, dòng họ Clinton hay Bush thay nhau nắm chính quyền và còn hứa hẹn lảng vảng trên sân khấu quyền lực rất lâu. Tuy nhiên, thực chất vấn đề ở đây khác hẳn hiện tượng thái tử đảng ở Việt Nam hay Trung Quốc. Ở Mỹ, vợ hay con cháu của những chính khách lớn có nhiều ưu thế chủ yếu ở ba lãnh vực: Một, sống trong một gia đình có truyền thống hoạt động chính trị, họ dễ học hỏi được nhiều kinh nghiệm về chính trị từ rất sớm; hai, họ có mạng lưới quen biết rất rộng; và ba, tên tuổi của họ được nhiều người biết, do đó, dễ thu hút được dư luận. Hết. Tổng thống Bill Clinton không thể bế vợ lên đặt vào chiếc ghế Thượng nghị sĩ và sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao. Tổng thống George Bush (cha) không thể ẵm George W. Bush lên làm Tổng thống thứ 43 của Mỹ, và sắp tới, năm 2016, họ cũng không thể đưa Jeb Bush lên làm Tổng thống. Tất cả những người ấy đều phải tự mình tranh đấu để giành giật cho được chiếc ghế quyền lực. Người quyết định cuối cùng vẫn là dân chúng. Bằng lá phiếu của họ.
Ưu tiên thứ hai trong việc được bổ dụng hay đề bạt là quan hệ. Quan hệ có ba loại: một, bà con; hai, bạn bè; và ba, quen biết. Trong loại thứ ba còn có một trường hợp phụ: được sự giới thiệu của một người quen biết. Loại thứ ba này, thật ra, không đủ để có việc hay được tăng chức. Nó thường phải đi kèm với ưu tiên thứ ba: tiền tệ.
Tôi biết khá nhiều sinh viên du học ở Úc về nhưng vì không có “quan hệ” hay “tiền tệ”, suốt cả mấy năm trời, vẫn cứ đi lang thang kiếm việc. Mà bằng cấp không phải nhỏ. Một số có bằng Thạc sĩ từ những trường thuộc loại lớn nhất ở Úc. Và ngành chuyên môn của họ không phải là không quan trọng. Có người học Kinh tế, có người học Tin học, thậm chí, có người học Y khoa. Về, vẫn không có việc. Tôi ngạc nhiên nhất là trường hợp một số người học Y khoa mà về, vẫn loay hoay chạy đôn chạy đáo để tìm việc. Cả năm trời vẫn không được. Trước, tôi cứ tưởng đó là lãnh vực Việt Nam đang rất cần. Có bằng cấp từ Úc lại càng cần. Vậy mà không phải. Hỏi, mới biết, để được nhận làm việc trong các bệnh viện lớn, người ta phải đút lót cả mấy chục, thậm chí, mấy trăm triệu đồng. Có người, sau khi được người quen giới thiệu, được nhận vào một bệnh viện lớn, nhưng vì không có tiền đút lót nên phải chấp nhận một điều kiện khó khăn: thực tập không lương trong vòng một năm!
Nghe, lúc đầu, tôi cứ ngờ ngờ. Sau, tôi phải hỏi một người bạn vốn là một cán bộ khá lớn từ Việt Nam mới sang. Anh cười: “Ồ, đó là chuyện thường! Ngay cả sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm ra, muốn có nơi trong thành phố nhận dạy, cũng phải đút lót. Trường lớn, giá cao; trường nhỏ, giá rẻ. Không có tiền thì chỉ có nước về nông thôn, có khi là nông thôn thật hẻo lánh, thậm chí, không có cả điện nước!”
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây nhiều cán bộ cao cấp cũng phải thừa nhận là có hiện tượng chạy chức, chạy quyền. Làm cán bộ cấp quận, cấp huyện cũng phải mất ít nhất một trăm hoặc vài trăm triệu. Đó là những chức vụ lèng èng. Còn các chức vụ cao cấp, có nhiều quyền lực và quyền lợi, từ các cơ quan cấp tỉnh và thành phố đến cấp trung ương, đặc biệt các tập đoàn nhà nước thì sao? Nghe nói, mỗi chiếc ghế đều có giá riêng.
Người bạn đã đọc cho tôi nghe câu tục ngữ dẫn ở đầu bài viết này, sau đó, kể tiếp: Anh có mấy người cháu từ Việt Nam được gia đình gửi sang Úc du học. Học xong, các em về Việt Nam để thăm dò tình hình công việc. Cả mấy tháng trời vẫn không được nơi nào hứa hẹn cả. Bài học lớn duy nhất mà các em học được là mấy câu tục ngữ trên. Nản quá, các em quay lại Úc và tìm cách để ở lại Úc luôn.
Trong hai câu tục ngữ trên, ở câu sau, phần trí tuệ bị gạt bỏ; ở câu trên, đứng ở vị trí cuối cùng. Điều đó cho thấy Việt Nam đang ở vị thế rất lạ so với thế giới hiện đại, ở đó, học vấn, kiến thức và tài năng bao giờ cũng được coi trọng, được xem là điều kiện tối cần để xây dựng và phát triển đất nước. Hơn nữa, đó cũng là cách thức tốt nhất để thực hiện dân chủ: Trong khi dân chủ, bất cứ là nền dân chủ nào, cũng không thể bảo đảm sự bình đẳng cho tất cả mọi người, ở đâu người ta cũng cố gắng bắt đầu từ hai điểm căn bản: Một, sự bình đẳng trong giáo dục; và hai, sự bình đẳng trong cơ hội bổ dụng chỉ dựa vào một tiêu chuẩn duy nhất: tài năng (vốn là một kết quả của giáo dục).
Nhưng dù sao, nghĩ lại, cũng thấy tình hình Việt Nam bây giờ cũng may mắn lắm. Ngày trước, chỉ cách đây mấy chục năm, có lúc trí tuệ còn bị cho là không bằng một cục phân nữa!
Nguyễn Hưng Quốc
09.08.2013
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA) 

Phạm Đình Trọng - Tuyên bố 258: Tuyên bố của thế hệ trẻ Việt Nam

Viết Tuyên bố 258 “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam và Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc xem xét lại điều 258 của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009: Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, vì chính quyền Việt Nam đã sử dụng điều 258 để bắt giam những người đi phân phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, bắt giam những người viết blog bộc lộ chính kiến của họ, “Yêu cầu (chính quyền) Việt Nam thực hiện các cam kết về Nhân quyền”. Dịch Tuyên bố 258 ra tiếng Anh. Cử người tỏa ra thế giới đưa Tuyên bố 258 cho các tổ chức Nhân quyền quốc tế. Đến Đại sứ quán Thụy Điển đưa Tuyên bố 258 cho bà Phó Đại sứ.
Những việc hệ trọng, lớn lao đó đều do các bạn trẻ khởi xướng và phân công nhau thực hiện. Tôi khâm phục việc làm thông minh, đàng hoàng, vừa trí tuệ, vừa quả cảm đó của các bạn.
Việc làm của các bạn mang lại thắng lợi không phải chỉ ở tiếng nói đòi tự do dân chủ của người dân Việt Nam đã vượt ra khỏi sự bưng bít của Nhà nước công an đảng trị mà hình ảnh các bạn hiên ngang đi vào cánh cổng mở rộng đón các bạn của tòa Đại sứ Thụy Điển, hình ảnh những công cụ bạo lực Nhà nước độc tài trong bộ cảnh phục sắc xanh hung thần từ hàng chục năm nay vẫn hung hăng, bặm trợn vung dùi cui, nắm đấm xuống đầu người dân Việt Nam trong những cuộc bắt bớ, đàn áp những tiếng nói dân chủ, trong những cuộc biểu tình chống Tàu Cộng xâm lược, nay đứng bất lực, thẫn thờ, lo lắng nhìn theo các bạn đi vào sứ quán nước ngoài, hình ảnh bà phó đại sứ ra tận ngoài cổng lưu luyến, trìu mến nhìn theo các bạn ra về, hình ảnh các bạn trao bản Tuyên bố 258 cho bà Phó Đại sứ Thụy Điện tràn ngập trên các trang mạng toàn cầu là một thắng lợi vô cùng to lớn của lực lượng đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam. Thời Nhà nước độc tài đảng trị độc quyền thông tin, độc quyền đối thoại với thế giới, tùy tiện lừa dối thế giới đã vĩnh viễn chấm dứt.
http://gdb.voanews.com/963897E3-35F0-447A-9C58-38BA2E148358_mw1024_n_s.jpg

Việc làm của các bạn đã khẳng định một điều: Một thế hệ trẻ trung mang tri thức hiện đại của thế giới, mang khí phách của truyền thống của Việt Nam đã lớn lên, vững vàng đảm nhận vai trò lịch sử của mình. Tuyên bố 258 không phải chỉ là Tuyên bố đòi chính quyền Việt Nam phải thực hiện các cam kết về Nhân quyền mà còn là Tuyên bố nhận trách nhiệm lịch sử của một thế hệ tuổi trẻ Việt Nam. Tuyên bố 258 cho chúng tôi khâm phục, hãnh diện về các bạn và cũng cho chúng tôi niềm tin và sự thư thái trong lòng.
Lớp người đã để lại cả sức lực và bầu máu nóng tuổi trẻ, để lại phần lớn năm tháng cuộc đời vào cuộc chiến tranh ý thức hệ, bằng chính năm tháng đắng cay của cuộc đời mình, bằng chính máu và nước mắt của mình nhận ra được sự độc hại, nhận ra được tội ác của học thuyết vay mượn lấy giai cấp thống trị dân tộc, lấy giai cấp chia rẽ, li tán dân tộc, lớp người đó chỉ kịp thức tỉnh, chỉ kịp chỉ ra tội ác và nọc độc của học thuyết vay mượn đó thì sức đã không còn để làm những việc cụ thể đòi hỏi sự xông xáo, bôn ba, đến sự mẫn cảm, nhạy bén, linh hoạt cũng không còn để có những sáng kiến kịp thời như sáng kiến ra Tuyên bố 258. Lớp người đó chỉ làm được việc giải quyết nhận thức tư tưởng. Trong đấu tranh chính trị, không phải chỉ có nhận thức tư tưởng mà còn cần những hành động chính trị. Nguyễn Hộ có hành động chính trị cũng chỉ biết bỏ thành phố, đơn độc tìm về căn cứ bưng biền xưa cũng không được. Biểu tình cũng chỉ là hành động chính trị cổ điển. Bằng biểu tình, những người Cộng sản đã cướp được chính quyền vì thế Nhà nước Cộng sản rất sợ biểu tình tự phát của người Dân. Và tất cả những cuộc biểu tình tự phát của người Dân yêu nước chống Tàu Cộng xâm lược đều bị đàn áp thô bạo.
Chỉ tuổi trẻ mới có thể hành động. Ra Tuyên bố 258 và vượt qua hàng rào bạo lực bưng bít, đưa Tuyên bố 258 ra thế giới là một hành động chính trị sáng tạo, khôn ngoan và hiệu quả. Một thế hệ hành động trong đấu tranh chính trị ở Việt Nam đã xuất hiện. Hơi tiếc chút xíu là lời văn Tuyên bố 258 chưa thật mạch lạc. Nhưng chính trị là thời cơ. Hành động chính trị cần kịp thời hơn là cần lời văn mạch lạc. Tuyên bố 258 rất đúng lúc, kịp thời.
Mải lo giải quyết về nhận thức tư tưởng, không để tâm đúng mức đến những chi tiết cụ thể nên những điều luật lập lờ, tạo điều kiện cho chính quyền lợi dụng sự lập lờ đó bóp chết những tiếng nói dân chủ như điều 79, điều 88, điều 258 đã nghiễm nhiên tồn tại trong Bộ luật Hình sự hàng chục năm nay, cho phép bạo quyền mặc sức lộng hành tước đoạt những quyền Con Người cơ bản của người Dân.
Lớp người trẻ khao khát tự do không chấp nhận điều 258 đã định vị trong Bộ luật Hình sự từ mấy chục năm nay thì Nghị định ngây ngô, ấu trĩ và ngang ngược, thô bạo buộc trang điện tử cá nhân chỉ được đưa thông tin cá nhân chủ trang, Nghị định 72/2013 vừa ra đời làm sao những lớp người trẻ khát khao tự do, dân chủ, lớp người ra đời cùng với sự ra đời của internet có thể chấp nhận sự tước đoạt giá trị cuộc sống mà internet mang lại họ!
Cách mạng công nghiệp cho con người ý thức về cá nhân, tách cá nhân ra khỏi bầy đàn. Cách mạng tin học đã trao cho cá nhân công cụ internet để làm chủ thế giới. Nghị định 72/2013 biến công cụ để cá nhân làm chủ thế giới chỉ còn là trang nhật kí cá nhân. Thế hệ internet đã dõng dạc Tuyên bố 258 làm sao có thể chấp nhận Nghị định 72/2013 ngu dân, kéo lùi bước tiến hóa của xã hội!
Phạm Đình Trọng
(Dân Luận)
 

Bộ Ngoại giao Mỹ bác tin Ðại sứ Shear nói nhân quyền Việt Nam “cải thiện đáng kể”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết việc báo chí Việt Nam loan tin đại sứ Mỹ David Shear phát biểu rằng nhân quyền Việt Nam “đã có những cải thiện đáng kể” là sai sự thật.
Ngày 7/8, đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear có cuộc họp báo với giới truyền thông nội địa về chuyến công du Hoa Kỳ mới đây của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các vấn đề liên quan đến quan hệ Việt-Mỹ.
Ðại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear
Ðại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear
Hàng loạt các báo nhà nước khi tường thuật về nội dung sự kiện này nói rằng “Một trong những điều kiện để dẫn tới việc [Mỹ] dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán võ khí là vấn đề nhân quyền. Trao đổi với báo chí ngày 7/8, đại sứ David B. Shear cho rằng xung quanh vấn đề này từ đầu năm 2013 đến nay Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể.”
Bộ Ngoại giao khẳng định báo chí Việt Nam đã đưa tin sai, đại sứ David Shear không hề phát biểu rằng nhân quyền Việt Nam “cải thiện đáng kể”.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói sau khi phát hiện hôm 8/8, Bộ đã yêu cầu đính chính và đề nghị xin lỗi.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết đại sứ David Shear đã nhiều lần tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không bán võ khí sát thương cho Việt Nam chừng nào Hà Nội chưa cải thiện nhân quyền.
(VOA)

Các nhóm lợi ích, đừng nấp áo Nhân Dân để phục kích Nhân Dân

Gần đây nhất người dân Việt lại lao đao bởi nạn tăng giá xăng dầu, giá điện theo kiểu phục kích. Các quan chức vừa hứa không tăng rồi lại tăng đùng một cái khi không ai ngờ. Rồi lại còn nói không ảnh gì nhiều với đến đời sống xã hội, đời sống nhân dân!!! Rõ ràng là các nhà độc quyền của Nhà nước đã phục kích Nhân Dân.
Chưa hết, trong thời gian qua lại có hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật kiểu “sét đánh ngang tai” người dân như xoá hộ khẩu nếu đi nước ngoài quá hai năm, không được xây nhà theo kiến trúc cổ điển Pháp, đám ma không quá 7 vòng hoa, đám cưới không quá 300 người, đi xe không chính chủ bị phạt, doạ ngáo ộp cũng bị phạt… Chưa hết, lại còn có cả quy định cộng thêm điểm thi vào đại học cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng!!! Khôi hài thê thảm. Mỗi ngày như mọi ngày, những công chức yếu kém, vô trách nhiệm, vô tâm, vô cảm lại tham mưu, tư vấn và tự mình ban hành ra biết bao nhiêu quyết định sai lầm. Mỗi ngày lại có thêm những bức xúc, gay cấn đổ lên đầu Đất Nước và Nhân Dân này. Đã có rất nhiều nghị quyết, chủ trương, quyết tâm tiêu diệt nạn tham nhũng nhưng tất cả đếu như đá ném ao bèo, tham nhũng và lãng phí vẫn tồn tại và cày nát, vắt kiệt đất nước này. Nền kinh tế khủng hoảng, sa sút. Nền giáo dục lạc hậu và bê tha. Nền y tế quá nhiều kẻ thất đức; Nền văn hoá đua đòi, trọng sự kiện hơn giá trị; Nền văn nghệ ít thành tựu sáng tạo, nhiều chì chiết. Trong lúc đó, biển Đông đang đậy sóng, đang bị nhòm ngó, đang bị xâm lăng. Đất nước đang nóng lên từng ngày vì kẻ thù ngoại xâm, vì nghèo khó, lạc hậu, vì nạn tham nhũng, lãng phí, vì thói quan liêu. Không lúc nào hơn lúc này, Đất - Nước đang cần Dân yên, Biển lặng để dồn tâm trí và sức lực nhằm thoát nghèo, dựng xây nền dân chủ, đoàn kết toàn dân chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, xây nền thịnh trị, đưa đất nước tiến lên văn minh và tiến bộ.
Đó là điều mà lẽ ra ai cũng phải biết.
Thế nhưng, vẫn còn những công chức, viên chức – những người ăn cơm của dân, uống nước của dân, mặc áo của dân và hưởng thụ nhiều thứ khác [mà người dân chưa bao giờ được biết, được hưởng] từ chính tiền thuế của dân và tài nguyên của Đất Nước lại  cố tình không biết. Họ ăn tàn phá hại, làm khổ nhân dân, làm nghèo đất nước. Đa phần các vụ dân khiếu kiện là vì cán bộ công chức xử lý sai, không thoả đáng hoặc bị chi phối bởi các nhóm lợi ích. Dân thì cả đời cày dưới ruộng, giữa đường, giữa chợ, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời; Quan chức thì suốt ngày ở trong phòng lạnh, xe lạnh, trong nhà hàng, trên sân gôn. Trái tim họ nguội lạnh dần theo đồng tiền, theo lợi ích nhóm. Đó  là nguyên nhân đẻ ra biết bao văn bản, chính sách làm Nhân dân rối bời và khổ sở trong những ngày tháng qua.
Xin đừng đánh úp nhân dân, hỡi các nhóm lợi ích!
Nếu cần gì hãy cứ nói thẳng với Nhân Dân. Nhân Dân chưa bao giờ tiếc một cái gì, kể cả mạng sống vì Đất nước. Hãy minh bạch đối diện với Nhân Dân, đừng nấp trong gấu áo của Nhân Dân để phục kích, làm hại Nhân Dân.
Làm gì đây để bớt đi sự yếu kém đến mức khôi hài, sự bệ rạc đến mức thảm hại, sự vô trách nhiệm đến vô cảm của không ít công chức, và sự tham lam đến tàn nhẫn của các nhóm lợi ích?
Câu hỏi này, nếu giải đáp được sẽ là một lối thoát của Đất Nước hôm nay./.   
Vĩnh Khánh
(Văn hóa Nghệ an)
 

An ninh Việt Nam tới nhà mẹ blogger Đoan Trang

Mạng lưới Blogger Việt Nam hôm qua 08/08/2013 ra thông báo về khả năng công an Việt Nam gây áp lực đối với blogger Phạm Đoan Trang, thành viên của Mạng lưới, sau khi blogger này tham gia trao bản Tuyên bố 258 về nhân quyền ở Việt Nam cho các tổ chức quốc tế ở Bangkok và kêu gọi ủng hộ cô. Sáng nay, 09/08, một nhân viên an ninh đã tới nhà mẹ của blogger Phạm Đoan Trang. Một số blogger đã có mặt vào thời điểm đó để hỗ trợ tinh thần mẹ cô Phạm Đoan Trang.
Blogger Đoan Trang và mẹ

Mẹ blogger Phạm Đoan Trang là bà Bùi Thị Thiện Căn, 73 tuổi, một giáo viên về hưu, hiện sống một mình tại Hà Nội. Sau khi có tin về việc công an sẽ đến nhà mẹ Phạm Đoan Trang, rất nhiều blogger đã lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ và sẵn sàng tham gia bảo vệ hai mẹ con nhà báo Đoan Trang.
Sau đây là tiếng nói của blogger Lê Thiện Nhân, một trong những người chứng kiến sự việc này.
Blogger Lê Thiện Nhân : Hôm qua, cô Phạm Đoan Trang có thông báo là cơ quan an ninh muốn gặp mẹ của cô ấy. Thì chúng tôi - những người blogger chúng tôi đã biết sự phiền nhiễu của chính quyền, chúng tôi chỉ muốn xuất hiện để có mặt thôi. Thì nếu như mà có chuyện gây áp lực, hoặc tâm lý, hoặc vũ lực thì họ sẽ không dám. Chúng tôi chỉ đến ngồi để nghe họ nói chuyện thôi.
Thì cô này giới thiệu cô ấy là Tuyết, ở Tổng cục 2 Bộ Công an. Khi cô ấy đến là lúc 9 giờ và chúng tôi ngồi trò chuyện vào khoảng 45 đến một tiếng gì đó. Thái độ của cô ấy cũng rất là hòa nhã thôi. Cô ấy cũng chỉ hỏi thăm về sức khỏe của bác, về sức khỏe của những người con trai bác và sức khỏe của các cháu. Chúng tôi cũng không hề có một sự than phiền nào cả.
Trong quá trình nói chuyện giữa hai người, thì cô ấy có một, hai lần, cô ấy dò hỏi việc Trang ra nước ngoài. Tất cả những điều đó, thì mẹ của Trang cũng trả lời rất thẳng thắn, là việc Trang đi học, thì mẹ không biết, và cái nguồn tiền thì do gia đình chu cấp, chứ không có một tổ chức nào hay người nào đứng đằng sau.
Trong quá trình trò chuyện, cô ấy đưa hai ý kiến ra, mà chúng tôi cảm thấy rất là nực cười. Thứ nhất là, cô ấy nói cô ấy là người rất là tốt, và cô ấy muốn kéo những người đang bị lung lay trở về với lại xã hội. Ý này mẹ Trang phản đối luôn, mẹ Trang có nói là Trang là người tốt.
Chi tiết thứ hai là, sau khi cô ấy đi về, thì cô ấy có gọi điện lại và nói với mẹ Trang là : Chúng tôi, những người bạn của Đoan Trang có mặt ở đó, thì chỉ có gây điều không tốt cho Đoan Trang mà thôi. Ý của cô ấy muốn đe dọa, ý của cô ấy muốn nói rằng là không nên để những người khác biết.
Hai điều này, thì tôi cũng đã đưa thẳng lên Facebook và chia sẻ hết với tất cả mọi người rồi. Còn tinh thần của cuộc gặp ngày hôm nay cũng rất là thân thiện, cũng rất là thoải mái, cũng không có áp lực nào cả.
RFI : Xin cảm ơn anh Lê Thiện Nhân rất nhiều.
Blogger Lê Thiện Nhân : Chúng tôi cũng cảm ơn Đài đã quan tâm đến các blogger để cho chúng tôi có tiếng nói ra ngoài thế giới. Trong quá trình hoạt động mà chúng tôi có các áp lực nào đó, thì mong các Đài cũng lên tiếng để bảo vệ các blogger.

Trọng Thành
(RFI) 

Nhân bản xét nghiệm và chuyện nhà nghỉ 'bị lộ'

Người dân Việt chỉ có mong ước: Đó là không phải luôn "giật mình...té ngửa", vì những thứ nghịch lý, và phi nhân bản đến đau lòng.

Đúng vậy. Không phải chỉ cái thông tin tăng giá điện 5%, bắt đầu từ tháng 8, của "nhà điện EVN" khiến cả xã hội, từ người dân đến các doanh nghiệp nháo nhào. Mà trong tuần này, vụ việc của nhiều ngành chả liên quan gì đến điện cũng khiến xã hội giật mình... té ngửa, hệt bị điện giật.

Sau cú té ngửa là bàng hoàng, đau xót, và phẫn nộ.

"Nhân bản" hay phi nhân bản?

Đó là vụ việc "nhân bản" của Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) đang gây sốc nặng cho xã hội (1).

Nói thẳng, cái khái niệm "nhân bản" y học, ở đây thực chất là hành vi "phi nhân bản" của đạo đức con người, của gần chục vị nhân viên khoác áo blouse trắng tại khoa này.

Sự việc bị phát hiện thật kinh hoàng: Một phiếu xét nghiệm huyết học nhưng được trả để dùng cho nhiều bệnh nhân, bất kể tuổi tác, bất kể giới tính, bất kể thể trạng bệnh tật: Lao phổi, áp xe cạnh hậu môn, viêm phế quản, viêm ruột thừa... Bất kể, chung tất!

Người đọc sẽ nghĩ gì khi kết quả xét nghiệm huyết học cụ già 80 tuổi có thể "chung" với em bé 22 tháng tuổi; thậm chí với bé chỉ 04 tháng tuổi?

Vì sao? Vì như thế bệnh viện vừa không mất tiền hóa chất, có "kết quả" trả cho người bệnh trong thời gian sớm nhất, tạo sự hài lòng giả tạo, khiến bệnh nhân kéo tới càng đông. Nói như chị Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ xét nghiệm của khoa, người phụ nữ dũng cảm đã lôi sự việc ra ánh sáng, là nhân dân thì bị nhận một dịch vụ lừa đảo. Liệu có phải là là một sự trục lợi bảo hiểm y tế có chỉ đạo, tổ chức?

Kinh khủng, ngay cả với bệnh nhân cấp cứu, họ cũng chỉ ghép kết quả xét nghiệm máu của người khác vào, chứ không làm xét nghiệm thật. Đương nhiên kết quả xét nghiệm huyết học sai lệch sẽ dẫn đến những chẩn trị, điều trị sai lệch.

Đó đâu chỉ vì tiền. Đó còn chính là tội ác!

Sinh- tử của bệnh nhân, nhiều khi "nói" rất rõ phẩm hạnh người thầy thuốc.

nhân bản xét nghiệm, bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, y đức, mại dâm, nhà nghỉ, góp đá xây Trường Sa, tăng giá điện, EVN, độc quyền, tập đoàn nhà nước
Phòng lấy bệnh phẩm, khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức
Thông tin tổng hợp cho biết, từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013, hơn 1000 phiếu xét nghiệm huyết học được bệnh viện này "nhân bản" và trả cho hơn 2000 bệnh nhân. Còn trước đó nữa ra sao? Nghe mà cứ tưởng như nội dung của một bộ phim hình sự về tội ác trong y học của nước tư bản nào.

Máu thì đỏ, nghề thì từ tâm, mà sao tim con người lại nhẫn tâm đến thế?

Có ai trong số những kẻ khoác áo blouse trắng này nghĩ rằng, nếu người thân ruột rà của họ nằm trong số hồ sơ huyết học được "nhân bản", sẽ ra sao? Người viết cứ nghĩ mãi về sự liều lĩnh, man trá thản nhiên, bất chấp tính mạng bệnh nhân của họ, mà không giải thích nổi. Chỉ có thể nghĩ rằng, âu, họ cũng có chung một "nhân bản" khác: Đó là sự vô lương tâm!

Được biết, ngành y tế đã chỉ đạo làm nghiêm khắc vụ việc động trời này. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an HN cũng đã khởi tố vụ án.

Nhưng còn bao nhiêu vụ việc vô trách nhiệm khác trước sinh tử con người, sinh tử trẻ em? Mới đây, lại thêm cái chết tức tưởi của hai mẹ con sản phụ tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa TƯ Cần Thơ. Dư luận xã hội đang chờ thái độ sòng phẳng của ngành.

Ở góc độ khác, liên quan đến "sinh- tử" của văn hóa xã hội, mới đây, một vị Phó Chủ tịch t/p Đà Nẵng đặt câu hỏi về hiện tượng mại dâm, trước sức sống ... "bất tử" của nó.

Đến mức đi thực tế một bản vùng cao, từ huyện vào bản mất 03 giờ đồng hồ, một năm, ngân sách được giao có 11 triệu, nhưng chỉ thu được 03 triệu, một xã khác, 06 tháng đầu năm thu được có vỏn vẹn 500 ngàn đồng, mà vẫn có mại dâm. Thật đáng nể!

Thế nhưng, cái nghề đó, hóa ra giờ đây nó nảy nở ở ngay chính những mảnh đất mang tính đặc thù, tưởng là phải "miễn dịch"- giáo dục.

Thậm chí, nó còn mang tính "kế thừa" một cách tủi nhục, từ cấp học cao đến cấp học thấp hơn, từ thầy giáo phổ thông, đến các nữ sinh đại học vừa bị bắt vì làm gái mại dâm, hoặc to gan hơn, có nữ sinh còn cầm đầu đường dây mại dâm, diễn ra ở các vùng miền: t/p HCM, Quảng Bình, Hà Nội... làm nên "cặp đôi hoàn hảo" bẽ bàng?

Giáo dục bị tổn thất nhiều, và cũng làm xã hội tổn thương nhiều. Nhưng sự tổn thất và tổn thương kiểu này, nó để lại "bia miệng" thế gian, không sao... mòn được. Đó mới là điều cay đắng.

Sau vụ vị hiệu trưởng một trường THPT miền núi cao Hà Giang mua dâm trẻ vị thành niên bị án 09 năm tù, đến lượt ông C.T.H, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ ở tỉnh miền núi thấp Thái Nguyên, cũng vừa bị cơ quan chức năng bắt, điều tra về hành vi chứa chấp gái mại dâm, khiến người dân, các bậc cha mẹ học sinh nhà trường... té ngửa (Baomoi.com, ngày 04/8).

Được biết, gia đình ông này có mở nhà trọ.

Nói cho công bằng, nhà nghỉ, nhà trọ trong xã hội giờ đây như nấm sau mưa. Việc chứa chấp gái mại dâm trong nhà trọ của ông C.T.H chỉ là câu chuyện kính thưa các nhà nghỉ bị lộ và chưa bị lộ, mà thôi.

nhân bản xét nghiệm, bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, y đức, mại dâm, nhà nghỉ, góp đá xây Trường Sa, tăng giá điện, EVN, độc quyền, tập đoàn nhà nước
Ảnh minh họa

Nhưng vụ việc và hình ảnh ông thầy đáng kính, mà sản phẩm giáo dục, dạy dỗ của ông là những đứa trẻ thơ dại, lại đi chứa chấp gái mại dâm, nó nhơ nhớp và đau xót lắm.

Vì "GD- nhà trường- ông thầy", luôn là một lãnh địa đặc thù, phải bảo đảm sự lành mạnh. Người ta không thể "trồng người" thành công, nếu trí tuệ, đặc biệt tâm hồn, nhân cách, phẩm hạnh của người trồng bị ...tàn phá, hay đục ruỗng. Chính sự khắc nghiệt của nghề, đòi hỏi những ai dấn thân vào nghề nhớ tới câu Kiều để tự "dọn mình" trước vị Chúa- Lương tâm và phẩm cách: Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa...

Đó là cái vinh, cái nhọc của nghề làm thầy thiên hạ, phải ý thức sâu sắc lắm, mới có thể gánh trọn bổn phận. Có điều, cái gánh đó quá nặng với sức khỏe phẩm cách của ông C.T.H? Lạ nhất, ngay khi bị bắt, ông còn cho rằng- có lẽ trước đây, xin phép xây dựng một sân bóng cho học sinh trong trường, trên nền một nghĩa trang cũ, và cho thi công nên mới gặp hạn. Vì sao, đến ngay cả lúc bị tạm giam, ông vẫn đổ và chỉ thấy "trách nhiệm" là các...linh hồn ở nghĩa trang?

"Sinh- tử" của nhân phẩm, rất lớn. Nhưng có khi lại bé mọn đến không ngờ.

Những ngày qua, câu chuyện nghĩa hiệp của Trần Hữu Hiệp, giữa dòng nước xiết, vẫn nhường áo phao của mình cho người khác, trong vụ chìm tàu ở biển Cần Giờ, khiến xã hội vô cùng khâm phục, phải kính cẩn nghiêng mình trước vong linh người thanh niên 25 tuổi. Thì một câu chuyện khác, của những chi đoàn thanh niên các trường THPT huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), lại khiến xã hội bất bình, khinh thường.

Đó là sau tham gia chương trình "góp đá xây Trường Sa", do TƯ Đoàn phát động, họ đã không nộp hết số tiền các đoàn viên quyên góp, mà tự ý nhập vào quỹ riêng, "ngâm tiền" trái với quy định (Pháp luật &Xã hội, ngày 05/8)

Hoàng Sa- Trường Sa luôn là nỗi đau, là cái tên thiêng với những người Việt yêu nước. Làm bao nhiêu cho HS- TS cũng không đủ, sống bao nhiêu cho HS- TS cũng không đủ. Vì đó là chủ quyền nước Việt đang bị thách thức nghiêm trọng.

Số tiền bị "ngâm" không lớn, nhưng chính vì thế, nó làm dư luận xã hội kinh ngạc. Một số tiền nhỏ, cho một việc làm ý nghĩa lớn như vậy, mà họ, những chi đoàn thanh niên đã không làm tròn bổn phận, hơn nữa, còn có ý định cất riêng.

Vì sao, biển ở nơi này, một người thanh niên có thể quên thân, biển ở nơi kia, nhân danh tổ chức đoàn cơ sở, lại có thể... "vì thân" đến vậy? Còn trẻ đã nghĩ tới cái lợi riêng. Lớn nữa có danh có lợi, có quyền, thì con đường từ ăn nhỏ  đến ăn lớn, từ "ngâm tiền" đến tham nhũng, nhóm lợi ích, chắc chắn rất gần.

Những hiện tượng nêu trên, có liên quan gì đến câu nhận định nhức nhối của nhiều vị GS "Nhân cách trong học đường rất đáng ngại" (VOV, ngày 04/8) trong một hội thảo về GD mới đây?

Thật ra, nhận định đó không còn là thời sự nữa. Bởi thực chất, nó tồn tại và lưu cữu hàng mấy chục năm nay. Nhưng nó luôn nóng hổi, vì xét cho cùng, đạo đức học đường xuống cấp vẫn là cái gốc, cái mầm của cái xấu, thậm chí là của tội ác, của sự băng hoại các giá trị văn minh, văn hóa  xã hội.
nhân bản xét nghiệm, bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, y đức, mại dâm, nhà nghỉ, góp đá xây Trường Sa, tăng giá điện, EVN, độc quyền, tập đoàn nhà nước
Làm bao nhiêu cho HS- TS cũng không đủ, sống bao nhiêu cho HS- TS cũng không đủ. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ngành GD, trải qua 04- 05 cuộc cải cách, đổi mới, trọng tâm duy nhất của ngành, tiếc thay chỉ đủ sức tập trung cho việc dạy chữ, mà cũng... chưa xong.

Cũng như ngành y tế, đến lúc, ngành GD phải có những đổi thay quyết liệt nhưng không chỉ đơn thuần chuyện dạy chữ, chuyện thi cử, điểm cao điểm thấp, mà quan trọng không kém, là chuyện dạy người.

Bởi đó mới chính là sứ mệnh nhân bản nhất, là lý do để ngành GD tồn tại. Dĩ nhiên, sự đổi mới của GD không thể không gắn với đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý chính trị- kinh tế- xã hội, một điều kiện tiên quyết.

Tâm trạng nhân dân còn... "khó tả" hơn

Cho dù hai cơn bão số 05, 06 đổ bộ cùng mưa gió diện rộng tơi bời nhiều tỉnh, vẫn không làm hạ được nhiệt lượng- cơn sốt tăng giá điện 5% của EVN bất ngờ kiểu "du kích" đối với xã hội (1.508,85 đồng/ kWh). Như vậy, từ tháng 7/2012 đến nay, ngành điện đã 03 lần tăng giá. Không biết đã quá tam ba bận chưa, hay sẽ là n bận?

Hàng trăm bài báo, bài viết trên các trang mạng xã hội phản biện lại chủ trương này dưới đủ các tiêu đề. Thậm chí ở Thanh Hóa, gần 400 ki-ôt của tiểu thương đồng loạt đóng cửa phản đối giá điện "cắt cổ".

Giá điện tăng, trước đó, giá xăng dầu tăng, giá sữa tăng tới 05 lần (từ 5- 20%), kéo theo tất cả giá các mặt hàng, cho tới tận mớ rau, con cá, hoa quả..., cũng đi lên. Đương nhiên mức sống của người dân buộc phải đi xuống. Trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, sự đóng băng của bất động sản, giá vàng lúc cao lúc thấp, xoay như chong chóng, khiến người dân như mắc "dịch"... rối loạn tiền đình!

Tối 04/8, trả lời phỏng vấn của báo chí, trong mục Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời, được phát trên VTV1, Bộ trưởng Bộ Công thương có một phát ngôn ấn tượng: Cứ mỗi lần đặt vấn đề điều chỉnh giá điện, chúng tôi có tâm trạng rất khó tả.

Sau phát ngôn đó, lập tức báo chí, người dân đáp lời bằng những cái tít thẳng thắn: Bộ trưởng"khó tả", dân và doanh nghiệp "khó thở" (VietNamNet, ngày 06/8); Tâm trạng "dễ tả" của người dân (Nông nghiệp VN, ngày 06/8):... Đó là sự BỨC XÚC.

Những tít báo, những câu trả lời ngắn gọn, hàm chứa thực trạng đời sống của người dân, kể cả sự lao đao của không ít doanh nghiệp.

Thật ra thì tâm trạng người dân còn khó tả hơn nhiều, thưa Bộ trưởng. Vì tâm trạng khó tả của ông, chỉ diễn ra vài giây. Rồi ông sẽ trở về với trạng thái bình tâm như vừa làm tròn bổn phận, khi người dân dù muốn dù không vẫn phải chấp nhận giá điện tăng 5%. Vì có gia đình nào cuộc sống không cần điện?

Còn tâm trạng khó tả của người dân thì diễn ra ngày ngày, tháng tháng, và quanh năm, khi phải luôn đối mặt với những chỉ số leo thang giá cả vô hạn định và bất ngờ như "đánh úp".

Sự bức xúc của người dân là có lý, sự phản biện của báo chí trước cách tăng giá điện 5% là có lý.

Bởi, ngành điện đã không hề thực hiện theo ý kiến của Chính phủ, việc tăng giá điện cần phải có lộ trình, và phải có ý kiến phản hồi từ phía người dân.

Bởi, mặc dù tính toán theo EVN, là để bù lỗ cho giá than, giá khí tăng, những nguyên liệu đầu vào của giá điện, nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, EVN đã không bao giờ công khai cụ thể chi phí tăng thế nào, tăng ở những khâu nào.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Các giải trình tăng giá điện từ trước đến nay lần nào cũng chung chung.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Với điện, lâu nay vẫn chỉ có một chiều là tăng mà không có giảm. Không chỉ EVN, mà cả nhà điều hành đang nợ người dân sự công khai, minh bạch với giá điện. Nhưng công khai, minh bạch là món nợ đối với người dân, không chỉ trong lĩnh vực tăng giá điện, mà trong nhiều vấn đề khác nữa.

nhân bản xét nghiệm, bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, y đức, mại dâm, nhà nghỉ, góp đá xây Trường Sa, tăng giá điện, EVN, độc quyền, tập đoàn nhà nước
Người dân dù muốn dù không vẫn phải chấp nhận giá điện tăng
Còn chuyên gia Nguyễn Minh Phong: Giá điện các công ty tư nhân bán cho EVN chỉ khoảng hơn 700 đồng/ kwh, còn giá EVN bán ra, lên tới hơn 1.400 đồng/ kwh. Vậy số tiền chênh 700 đồng/ kwh được tính vào những chi phí nào để có mức tiền chênh lớn như thế? (2)
Bởi, nhiều ý kiến khác nghi ngờ, phải chăng ngành điện đang cố gắng lấy tiền tăng giá bán để bù đắp cho những khoản lỗ đầu tư ngoài ngành, kiểu của người phúc ta?
Bởi, người dân cũng chưa quên, trước đó, dư luận xã hội từng xôn xao trước đồng lương khủng của EVN. Mức lương của lãnh đạo EVN hơn 600 triệu đồng/ năm. Mức lương cán bộ văn phòng- 30 triệu đồng. Mức lương trung bình của cán bộ, công nhân viên là 7,5 triệu đồng. Vậy mà đã là nỗi 'đau lòng" của ông Tổng Giám đốc khi đó, trong khi mức lương này còn cao hơn cả các doanh nghiệp có mức lương trung bình đầu bảng.
Một doanh nghiệp làm ăn lỗ lãi, bao giờ cũng phản ánh ở mức lương của cán bộ, công nhân viên. Khó có một doanh nghiệp nào, làm ăn thua lỗ, mà lương cao chất ngất.
Có thể, khi tăng giá điện 5%, EVN mong muốn người dân biết chia lửa, thông cảm với khó khăn của một tập đoàn kinh tế lớn. Người dân Việt bản chất vốn dễ đồng cam cộng khổ, thế nhưng, trước món nợ "công khai, minh bạch" này, người ta có quyền hoài nghi: "Lửa" thì dân chịu, còn "chia" thì các bác EVN hưởng?
Công khai minh bạch, quả là món nợ khó trả, nên tại cuộc họp báo mới đây nhất, trước những câu hỏi, chất vấn khó nhằn của báo chí, Thứ trưởng Bộ Công thương, bà Hồ Thị Kim Thoa cũng có một phát ngôn ấn tượng không kém: Tôi xin phép tại họp báo không trả lời nữa.
Không trả lời nữa và không trả lời nổi, khác hẳn nhau về bản chất. Mà ở đây, có lẽ là không trả lời nổi, thưa Thứ trưởng?
Nhưng EVN lại có một điều có lý duy nhất: Điện là lĩnh vực họ độc quyền!
Đã là độc quyền, thì hay dở tốt xấu gì, người dân đều phải chịu? Muốn giá điện thực sự "lành mạnh", trước sau phải xóa bỏ độc quyền.
Bình yên là trạng thái tâm lý hạnh phúc của con người. Nếu vậy, người dân Việt chỉ có mong ước: Đó là không phải luôn "giật mình...té ngửa", vì những thứ nghịch lý, và phi nhân bản đến đau lòng.

Đến bao giờ?
Kỳ Duyên
(Tuần VN) 

Vì sao Nhật nhờ Việt Nam giúp đàm phán với Bắc Hàn?

Mới đây, Tokyo đề nghị Hà Nội giúp giải quyết vụ Bình Nhưỡng bắt cóc công dân Nhật trong lúc Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố muốn giải quyết rốt ráo vấn đề tồn tại hàng chục năm qua này trong nhiệm kỳ của mình.
Đáp lại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết sẽ hỗ trợ xứ sở mặt trời mọc khi gặp Bộ trưởng phụ trách vấn đề bắt cóc của Nhật Bản, ông Keiji Furuya, hồi cuối tháng Bảy.
Trả lời VOA Việt Ngữ qua email, ông Ono Masuo, Tham tán chính trị của Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội, nói rằng vụ việc với Bắc Hàn là một vấn đề quan trọng vì nó liên quan tới chủ quyền cũng như mạng sống và sự an toàn của các công dân nước ông.
Nhà ngoại giao này còn cho rằng Việt Nam có thể đóng một vai trò trong việc tìm lời giải cho số phận của các công dân Nhật.
Xét thấy Việt Nam có mối quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên, điều hết sức quan trọng là cho Việt Nam hiểu quan điểm của chúng tôi cũng như mưu tìm sự hợp tác của nước này nhằm giải quyết hoàn toàn vấn đề bắt cóc.
Ông Ono Masuo nói.
Ông Masuo nói: “Xét thấy Việt Nam có mối quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên, điều hết sức quan trọng là cho Việt Nam hiểu quan điểm của chúng tôi cũng như mưu tìm sự hợp tác của nước này nhằm giải quyết hoàn toàn vấn đề bắt cóc”.
Vụ bắt cóc là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Nhật Bản đương quyền.
“Chính phủ Nhật Bản yêu cầu Bắc Triều Tiên ngay lập tức trả các nạn nhân và cung cấp thông tin đầy đủ về những người mà hiện không rõ đang ở đâu”, ông Masuo nói.
Nhật hiện không có quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng nên Tokyo thời gian qua đã kêu gọi sự trợ giúp của các nước có bang giao với Bắc Hàn, như Mông Cổ.
Trong chuyến công du tới Hà Nội vừa qua của Bộ trưởng còn kiêm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban An toàn Công an quốc gia Nhật Bản, hai bên cũng đồng ý sẽ sớm tiến hành các cuộc gặp cấp thứ trưởng thuộc ngành cảnh sát để trao đổi các thông tin về vụ bắt cóc.
Ông Shigeo Iizuka, 72 tuổi, người anh em của một công dân Nhật Bản được cho là bị Bắc Triều Tiên bắt cóc, buộc dải ruy băng lên hàng rào thép gai ở khu phi quân sự phân chia hai miền Triều Tiên.
Ông Shigeo Iizuka, 72 tuổi, người anh em của một công dân Nhật Bản được cho là bị Bắc Triều Tiên bắt cóc, buộc dải ruy băng lên hàng rào thép gai ở khu phi quân sự phân chia hai miền Triều Tiên.
Theo bản tin trên trang Japan Daily Press, trong khoảng thời gian từ năm 1965 tới năm 1985, Bắc Triều Tiên nhiều lần bắt cóc các ngư dân Nhật Bản và Hàn Quốc để buộc những người này huấn luyện cho nhân viên tình báo của họ. Năm 2002, chính phủ Bắc Hàn thừa nhận đã bắt cóc khoảng 13 cá nhân.
Giáo sư Carl Thayer từng viết trong một bài phân tích rằng Việt Nam dường như có thể đóng vai trò trung gian với Bình Nhưỡng, và đã tranh thủ vị trí này để nâng cao uy tín trên trường quốc tế trong bối cảnh các quốc gia lớn trên thế giới đều chật vật trong việc gây ảnh hưởng với Bắc Hàn.
Dù Việt Nam và Bắc Triều Tiên có vẻ như có một mối giao tình sâu sắc, thực chất Việt Nam không có tầm ảnh hưởng quá quan trọng với kinh tế, quân đội, hay uy quyền của Bình Nhưỡng. Vì vậy tiếng nói của Hà Nội không có quá nhiều sức nặng và sự đe dọa đối với Bắc Triều Tiên.
Bà Phạm Thị Thuy Thủy nói.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Thu Thủy, một nhà quan sát theo dõi mối quan hệ Việt – Triều từng có thời gian học tập tại Đại học Yonsei của Hàn Quốc, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng việc Hà Nội có thể thuyết phục thành công Bắc Hàn hay không ‘tùy thuộc nhiều vào Bình Nhưỡng’.
Bà nói: “Dù Việt Nam và Bắc Triều Tiên có vẻ như có một mối giao tình sâu sắc, thực chất Việt Nam không có tầm ảnh hưởng quá quan trọng với kinh tế, quân đội, hay uy quyền của Bình Nhưỡng. Vì vậy tiếng nói của Hà Nội không có quá nhiều sức nặng và sự đe dọa đối với Bắc Triều Tiên”.
Bà Thủy cho rằng ‘Hà Nội nhận lời Nhật nhưng sẽ không đi xa hơn là đưa ra những phát ngôn ngoại giao’ vì chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác của Việt Nam.
Theo giới quan sát, Tokyo muốn lôi kéo các nước có quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng với hy vọng gây thêm áp lực đối với chính quyền đất nước cô lập này.
Bắc Triều Tiên từng hỗ trợ vật chất cho ‘quốc gia anh em cộng sản’ trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước cùng theo chế độ xã hội chủ nghĩa không phải luôn luôn nồng ấm, nhất là sau khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Seoul hồi đầu những năm 90.
Hơn một thập kỷ sau, năm 2004, Bình Nhưỡng cũng tỏ ý không hài lòng sau khi Hà Nội cho phép hàng trăm người Bắc Hàn sang Nam Triều Tiên tỵ nạn sau khi họ đào tẩu qua ngả Việt Nam.
Trong quan hệ ngoại giao quốc tế tôi nghĩ Việt Nam không muốn bị kẹt trong mối quan hệ hết sức nhạy cảm giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên.
Bà Phạm Thị Thu Thủy nói.
Bà Thủy cho rằng ‘hầu như không thấy có mấy lý do để 2 nước lại gần nhau hơn’. Nhà quan sát này còn nhận định rằng Việt Nam ‘cố gắng tránh bị buộc phải lựa chọn công khai giữa Bắc hay Nam Triều Tiên’.
“Trong quan hệ ngoại giao quốc tế tôi nghĩ Việt Nam không muốn bị kẹt trong mối quan hệ hết sức nhạy cảm giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên. Điều này không những không mang lại lợi ích gì cho VN mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới hợp tác Hàn - Việt, khi mà chính quyền Seoul là một đối tác kinh tế vô cùng quan trọng với Việt Nam," bà Thủy nói.
"Việc Hà Nội vẫn duy trì viện trợ gạo và hợp tác với Bắc Hàn trên một vài phương diện lẻ tẻ như văn hóa, văn nghệ, thể thao cho thấy Việt Nam xác định duy trì quan hệ song phương với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, tôi không nghĩ Việt Nam tại thời điểm hiện tại có hứng thú liên kết sâu rộng hơn với Bình Nhưỡng”.
Người từng có thời gian nghiên cứu về quan hệ đối ngoại tại Hàn Quốc nói thêm rằng người dân Việt hiện ‘rất xa lạ với cuộc sống của người Bắc Triều Tiên’.
“Người Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn từ các phương tiện truyền thông phương Tây, nên hầu hết người dân nay không có thiện cảm với chính phủ và đất nước Bắc Hàn”, bà Thủy nói.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia hiện vẫn viện trợ lương thực cho quốc gia nghèo khó nằm trên bán đảo Triều Triên.
Trong chuyến thăm của một giới chức cấp cao Bắc Hàn tới Việt Nam hồi năm 2012, Hà Nội tuyên bố tặng người dân ‘đất nước anh em’ 5 nghìn tấn gạo để đối phó với thiên tai.
Dịp đó, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên được trích lời nói rằng Bình Nhưỡng ‘luôn coi trọng và mong muốn không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam’.
Nguyễn Trung
09.08.2013
(VOA)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét