Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Tin thứ Tư, 10-07-2013 - cập nhật

CHÍNH TRỊ-PHÁP LUẬT
- Viết cho ngư dân đảo Lý Sơn vừa mới bị “tàu lạ” cướp của, hành hung: Giấc mơ Ngư Phủ (DLB).
- Hay! “Bác Thăng nói như vậy cho vui thôi!” (LĐ). Nhưng bảo là “nói cho vui” cũng còn là nhẹ, vì kỳ thực đó là một lối nói cho … oai, để từ nay ta lại cho ông thêm vài cái tên mới: Đinh La To, Đinh Ra Oai.
- Việt Nam sẽ không còn người khùng nữa, vì mấy quan chức ở Bộ GDĐT giành hết phần khùng rồi. Không tin hả? Xem thông tư này sẽ rõ: Thông tư sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy (MOET). Thông tư này bổ sung đối tượng ưu tiên thi đại học là: “Bà mẹ VN anh hùng; người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945“.
Cứ cho là 10 tuổi bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng đi, thì những người này trẻ nhất cũng phải sinh năm 1935, nghĩa là ít nhất cũng đã 78 tuổi. Giả sử thi đại học đậu ngay, học tiếp 4 năm (cứ cho là sức học của họ như thanh niên, học đúng 4 năm ra trường, không bị lưu ban), thì học xong ĐH cũng đã 82 tuổi. Tốt nghiệp xong, mang bằng đi xin việc dưới diêm vương? Hay là các cụ học để lấy kiến thức, biết đâu xuống dưới đó được diêm vương ưu tiên (thêm 1 lần nữa), người uyên bác sẽ cho đi đầu thai sớm hơn? – Thi đại học: Ưu tiên …Bà mẹ Việt Nam anh hùng! (TP). “Thông tư do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký cho biết, theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/ 8 /2013“. – Cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng… thi đại học (TT).
- Xúc phạm danh dự của người khác có thể bị phạt tiền (VOV). – Chì chiết vợ sẽ bị phạt ít nhất một triệu đồng (VNE/TP). Hài! Chồng đánh vợ, con thừa sống, thiếu chết, có kêu la cũng chẳng thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc, lại đòi xử lý chuyện chồng chì chiết vợ? Trường hợp vợ chì chiết chồng thì sao? Con cái chì chiết cha mẹ có bị xử lý không?
- LS. Trần Đình Triển: ÔNG ĐINH ĐỨC LẬP LÀ AI ? (Tễu). “Tôi lặng lẽ suy tư và đoán biết nguyên nhân sâu xa của vụ việc,..’chờ cho’ Đinh Đức Lập ‘vung dao- múa kiếm’ ‘triệt hạ’ những nhà báo chân chính vì đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực,..Văn phòng luật sư Vì Dân sẽ lên tiếng đến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước để xử lý“.
- Ca dao XHCN (FB Sơn Trần / TTNGBT).
- Phiếm: Chưa quen quy củ (LĐ).
KINH TẾ
- VCCI công bố kết quả khảo sát doanh nghiệp: Doanh thu giảm, lợi nhuận giảm, nhu cầu vay vốn giảm (SGTT).
- Chuyện độc trên đất Thành Nam: Phận yểu của một “nữ hoàng” (NNVN).
VĂN HÓA-THỂ THAO
- Vũ Từ Trang: NHÀ VĂN ĐỘC HÀNH ĐỘC BỘ (Nguyễn Trọng Tạo).
GIÁO DỤC-KHOA HỌC
- Tréo ngoe (SGGP).
XÃ HỘI-MÔI TRƯỜNG
- Vì sao gái miền Tây hay làm nghề nhạy cảm? (Thebox). Một chủ đề đáng bàn! Bài viết đã chạm đến vài điều khó nói trong văn hóa, lối sống vùng miền. Nói rộng ra so với nội dung của bài này, thì lối sống của người miền Tây nói chung rất trái ngược với người đồng bằng Bắc Bộ, một đằng thì phóng khoáng, quá đi thì phóng túng, còn một đằng lại khắc khổ, bảo thủ.
- Trai Trung lấy vợ Việt: Hành trình lấy vợ (NNVN).
QUỐC TẾ

Quan chức Việt Nam tự tin nhất thế giới

(Trái hay Phải) – Có thể nói, quan chức Việt Nam nên được xếp vào hàng tự tin nhất thế giới. Trước những việc mà những người tiền nhiệm chưa giải quyết được, họ luôn quyết liệt, hứa và hứa thật nhiều.

Những vị quan chức tự tin đến mức hứa ở khắp các diễn đàn, từ các cuộc họp, hội nghị nội bộ tới diễn đàn Quốc hội, hứa trước nhân dân. Sự xuất hiện những lời hứa trước Quốc hội  đã khiến cơ quan này đưa ra chương trình giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội.

Xin kể ra đây một số ví dụ điển hình: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình hứa với Quốc hội và nhân dân sẽ đưa giá vàng trong nước về sát giá thế giới. Sau hơn một năm thực hiện, chênh lệch giá vàng đã được đẩy lên tới vài triệu đồng mỗi lượng, và hiện nay ổn định ở mức chênh từ 5-6 triệu đồng/lượng.

Đâu chỉ có vậy, khi đã quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước tham gia mua bán vàng miếng, Thống đốc còn tự tin tuyên bố tất cả nguồn lợi có được đều thuộc ngân sách và nhân dân được lợi, rồi thì biện pháp của ông đã giúp ngăn chặn tình trạng buôn lậu vàng. Quả thật, dù sau lực lượng an ninh có bắt được vàng giả, vàng kém chất lượng, vàng lậu… nhưng vàng đó đều không "chính chủ". Tội phạm buôn lậu thua trí Thống đốc, sự thật này đến này đã rõ rành rành. Quả thật, Thống đốc có cơ sở để tự tin, và... hứa.

Nối gót Thống đốc là Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Vị Bộ trưởng này đã hứa giảm tai nạn mỗi năm 5-10% và ùn tắc giao thông. Kết quả theo báo cáo năm 2012 là tai nạn giảm cả 3 chỉ tiêu số vụ, số người chết, số người bị thương. Lời hứa của Bộ trưởng đã đạt kết quả bước đầu.
thi-truong-vang-Phunutoday.vn.jpg
Thống đốc tự tin hứa quản lý thị trường vàng, dù khi quản lý có đôi khác lời hứa nhưng vẫn tự tin vì biện pháp quản lý đã thành công.
Mọi sự sẽ êm xuôi nếu không xảy ra chuyện vừa bước sang năm 2013 thì tai nạn bất ngờ tăng mạnh. Người ta không thể không chú ý đến vụ tranh cãi số liệu tai nạn giao thông giữa Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ Y tế, khi Ủy ban đưa ra số tai nạn trong 10 ngày Tết chỉ hơn 700 người, còn Bộ Y tế đưa ra con số này là hơn 25.000 người nhập viện vì tai nạn giao thông. Chính các cơ quan chức năng còn không thống nhất được số liệu khiến vài người bi quan buộc phải đặt câu hỏi, vậy cái sự giảm năm trước phải được hiểu năm sau.
Từ đầu năm tới nay tai nạn vẫn tăng đều đặn, đặc biệt là tai nạn nghiêm trọng liên tiếp xảy ra làm nhiều người chết và bị thương.  Đến mức Bộ trưởng Thăng phải thốt lên: "Sao tất cả đều đúng mà tai nạn vẫn xảy ra?" khiến người dân đành gãi đầu, gãi tai, ngửa mặt hỏi ông trời.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, khi mới lên nhậm chức bà hứa ngay trong năm sau sẽ giảm tai bệnh viện lớn, rồi sau đó là cải cách tiền lương, viện phí… Sự tự tin đó được trả lời bằng kết quả là tình trạng quá tải thậm chí còn nghiêm trọng hơn trước, thậm chí chính bà than rằng bệnh viện “như trại tị nạn”, cơ sở vật chất, chất lượng không thay đổi nhưng viện phí thì tăng gấp đôi, ba lần…

Còn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cũng thể hiện sự tự tin và quyết tâm của mình bằng tuyên bố ra soát quy hoạch thủy điện, loại bỏ dự án không hiệu quả, ảnh hưởng môi trường, xã hội… Đáp lại sự tự tin đó là hàng loạt vụ vỡ đập thủy điện, chất lượng bị đặt câu hỏi lớn hơn. Đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn thấm nước, rồi vỡ đập thủy điện Đắk Krông 3 (Quảng Trị), Đăk Mêk 3 (Kon Tum) và Ia Krel 2 (Gia Lai); hay vỡ đường ống áp lực công trình thủy điện Đăm Bol - Đạ Tẻh (Lâm Đồng)…

Dù có đôi chút sự cố, dù có thực tế hơi phũ phàng, nhưng sự tự tin của các Bộ trưởng nói trên dường như vẫn không hề suy giảm. Và thực tế đã chứng minh họ đúng, vì kết quả bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội cho thấy, họ vẫn được tín nhiệm ở mức "vượt qua".

Vì vậy mong quý vị cùng đừng quá khắt khe với cái sự tự tin của quan chức Việt Nam. Mà nếu họ có được xếp vào giới tự tin nhất thế giới thì người dân chúng ta lại được dịp mở mày mở mặt. 
  • Phạm Thanh

Cơ ngơi bề thế "đáng nghi" của "quan tỉnh nghèo" Hà Giang


Hà Giang lâu nay luôn được coi là một tỉnh nghèo vùng phên dậu của Tổ quốc. Bằng sự quan tâm của Chính phủ, Bộ ban ngành nhưng sau rất nhiều năm phấn đấu, tỷ lệ hộ nghèo ở đây vẫn còn trên 50%.
Dân nghèo, nhà dột, nhà tạm bấy lâu nay vốn là thực trạng của Hà Giang. Nhà nước cũng đã phải có nhiều chính sách về hỗ trợ xóa nhà tranh tre, nứa, lá cho người dân. Nhưng đối nghịch lại tình cảnh này lại là sự hiện hữu của những ngôi nhà sàn “khủng”, phần lớn làm bằng gỗ “tứ thiết” của các lãnh đạo tỉnh.

Chúng tôi xin “điểm mặt” một số ngôi nhà “bề thế” này:

Ngôi nhà “khủng” bắt mắt và có tiếng nhất hiện nay ở Hà Giang, đầu tiên phải nhắc đến nhà của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông. Hiện ngôi nhà sàn này đang “nằm” tại thôn Cao Bành, xã Phương Thiện (TP. Hà Giang). Đây là nơi ông Bông vẫn thường xuyên đi về trong ngày. Vật liệu làm ngôi nhà này chủ yếu là gỗ trai, gỗ nghiến, một trong những gỗ nằm trong nhóm 2B nghiêm cấm khai thác, vận chuyển và được bảo tồn nghiêm ngặt theo quy định của Chính phủ.

Nhà của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông
“Ngang ngửa” với nhà Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông là ngôi nhà của Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Vương Mí Vàng. Nằm trên đường đi 4 huyện nghèo, thuộc diện 30a là Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, ngôi nhà “tọa” tại địa bàn Tổ 8, phường Quang Trung, Thành phố Hà Giang. Theo người dân, muốn có ngôi nhà này phải có tiền tỷ, chưa kể các trang thiết bị đi cùng. Ngôi nhà này độc đắc bởi nó chỉ làm bằng… một loại gỗ: Gỗ nghiến!

Ngôi nhà của Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Vương Mí Vàng.
Ngoài 2 ngôi nhà sàn nổi tiếng của 2 quan chức này, ngôi nhà sàn của ông Giám đốc Sở Nội vụ Hà Giang Hoàng Đức Tiến tại xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) cũng nổi danh và được nhiều người biết đến. Ngôi nhà này “độc” vì nó được làm hoàn toàn bằng gỗ trai. Một thứ gỗ hiện nay đang cạn kiệt ở tỉnh Hà Giang, nó chỉ còn ở khu vực xã Đức Xuân, huyện Bắc Quang. Theo cánh thợ, để có ngôi nhà như thế này ước chừng cũng phải “vứt xuống” vài tỷ đồng.

Nhà sàn của ông Giám đốc Sở Nội vụ Hà Giang Hoàng Đức Tiến
Nằm tại khu “đất vàng” thuộc tổ 18, phường Minh Khai (TP. Hà Giang), ông Lưu Đình Phát, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng vợ là bà Chúng Thị Chiên, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng “nổi danh” với ngôi nhà sàn bề thế.

Theo người dân trên miền quê “đá nhiều hơn đất” này thì: Nếu không phải “các bác ấy”, dẫu có là đại gia, doanh nghiệp đang làm ăn phát đạt thì cũng khó mua, vận chuyển an toàn các loại gỗ thuộc nhóm”tứ thiết” này để về làm nhà chứ chưa nói gì đến dân thường.

Nhà ông Lưu Đình Phát, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng vợ là
bà Chúng Thị Chiên, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh
Ngôi nhà của nguyên Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên Nguyễn Thanh Tứ cũng đẹp và đắt không kém “các bác” trên tỉnh. Ngôi nhà này đang khiến người dân địa phương và khách thập phương khi qua thôn Minh Tiến, xã Quang Minh (Bắc Quang) phải ngỡ ngàng.

Nhà của nguyên Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên Nguyễn Thanh Tứ
Tuy nhiên, ngay tại xã Phương Thiện, nơi xuất thân của Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông còn rất nhiều ngôi nhà sàn dột nát, cần sửa chữa của dân...
Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc thanh, kiểm tra làm rõ những phản ánh trên. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về những ngôi nhà sàn “khủng” này.
Quote:
Rừng đặc dụng Phong Quang, huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang với nhiều tập đoàn cây gỗ quý như nghiến, trai và nhiều loại gỗ quý thuộc nhóm 2A có tuổi đời từ 100 năm đến 1.000 năm tuổi, cần được bảo vệ để duy trì nguồn gien quý và hệ sinh thái. Thế nhưng, những cây gỗ nghiến hàng trăm, hàng nghìn tuổi trong vùng lõi của rừng đặc dụng đang bị những nhóm lâm tặc xẻ thịt.
Theo Kinh Tế Nông Thôn

 Công chức Việt Nam thời thượng nhất thế giới?

(Trái hay Phải) – Không chỉ trang bị mô tô “dân chơi” có giá vài trăm triệu mỗi chiếc cho Thanh tra giao thông, Cảnh sát cơ động, tới lượt các đại biểu HĐND được trang bị máy tính bảng vài chục triệu mỗi chiếc, mục tiêu là để tiết kiệm chi phí, giảm bớt nhân sự.

Hòa chung không khí những cái nhất của Việt Nam, chúng tôi xin được bầu tiếp công chức Việt được xem là sành điệu nhất thế giới, bên cạnh sự tự tin nhất, hứa nhiều nhất, thất hứa nhiều nhất, tất cả đó đặt trong bối cảnh là một nước Việt được toàn cầu công nhận là hạnh phúc nhất nhì thế giới; xuất khẩu lúa gạo, cà phê nhiều gần nhất với giá thì rẻ nhất thế giới; công nghệ dự báo thời tiết hiện đại nhất nhì khu vực nhưng kết quả dự báo sai chắc cũng xếp ở vị trí tương đương; có lẽ tới trộm cắp, cướp giật, “chặt chém” khách du lịch cũng xếp nhất luôn…

Với nhiều cái nhất như thế thì việc công chức Việt sành điều nhất đâu có gì lạ phải không quý vị, đặc biệt là công chức lại sống ở một nước được xếp thứ 3 thế giới về “mê hàng hiệu”.

Các đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng lướt iPad xem tài liệu kỳ họp (trái), và dàn mô tô "dân chơi" trang bị cho Thanh tra giao thông Đồng Nai (phải). Thế này có được gọi là "chịu chơi"?

Xét về độ “chịu chơi” thì HĐND TP. Hà Nội là phải kể tới đầu tiên, khi từ kỳ họp hồi tháng 7/2012, 95 đại biểu của Hội đồng đã được trang bị iPad 2 để phục vụ cho việc nhận và xem tài liệu, báo báo, cập nhật tin tực trên mạng… đây là địa phương đầu tiên và cũng là cơ quan đầu tiên trang bị iPad cho thành viên của mình.

Nói gót Hà Nội “chơi sang”, năm 2012, HĐND tỉnh Bạc Liêu cũng trang bị máy tính bảng hiệu Samsung Galaxy tab 10.1 cho toàn bộ đại biểu Hội đồng, với tổng giá trị gần 1 tỷ đồng. Cùng thời gian này, Cà Mau cũng đã trang bị máy tính bảng iPad 3 (phiên bản 32GB) cho 53 đại biểu HĐND tỉnh.

Sự chịu chơi của các Hội đồng vẫn chưa dừng lại ở đó, mới hôm qua (9/7), tỉnh Sóc Trăng cũng chi gần 2 tỷ đồng để trang bị cho 55 đại biểu HĐND tỉnh này mỗi người một chiếc iPad (giá 20 triệu đồng/chiếc). Tuy đi sau nhưng Sóc Trăng xem ra lại rất bài bản, khi đi kèm với thiết bị hiện đại là một nền tảng công nghệ tiện lợi, khi đầu tư kinh phí thiết kế hẳn một phần mềm chuyên dùng cho các đại biểu, phần mềm quản lý toàn bộ tài liệu của kỳ họp.

Theo ông Ngô Tấn Thành, Chánh văn phòng HĐND tỉnh Sóc Trăng, thì việc trang bị iPad cho đại biểu là để tiết giảm chi phí, tranh lãng phí và cắt giảm nhận dự cho việc in ấn tài liệu. Đổi lại, ngoài chi phí cho thiết bị và phần mềm quản lý, tỉnh này còn kéo một đường truyền mạng riêng kéo đến hội trường để phục vụ việc truy cập mạng. Bộ phận in ấn được cắt giảm thì nảy sinh một bộ phận kỹ thuật cũng được tăng cường tại chỗ để hỗ trợ đại biểu khi cần thiết.

Vì công nghệ cao nên việc có đại biểu lúng túng, chưa tận dụng hết lợi thế công nghệ là khó tránh, đặc biệt với các đại biểu tuổi cao, mắt kém, tay run.

Với tiến độ cập nhật công nghệ như hiện nay, thì có lẽ chẳng còn lâu nữa người ta sẽ không còn thấy cảnh đại biểu loay hoay tay xách cặp sách, nách kẹp tài liệu nữa, thay vào đó là sự thảnh thơi, tay 'chọc' lướt trên màn hình cảm ứng. Xa rồi cái thời kính trễ sâu, tay hì hụi lật tìm từng trang tài liệu, giờ đây chỉ cần nhớ na ná nội dung, lựa chọn cùm từ tìm kiếm và Enter là có ngay điều mình cần.

Đâu chỉ có đại biểu HĐND “chịu chơi”, mới hồi tháng 3 vừa rồi Cảnh sát giao thông Hà Nội cũng tiết lộ với báo giới là sẽ iPad cho cán bộ chiến sỹ Phòng CSGT nhằm giúp lực lượng có thể truy cập internet và chỉ đường đi ngắn nhất cho người dân cũng như kiểm tra, lưu trữ các thông tin về tình trạng tái phạm lỗi của người điều khiển phương tiện để đưa ra mức xử phạt hợp lý. Thậm chí không loại trừ việc cán bộ không thuộc luật thì có thể lên mạng tra.

Và để chuẩn bị cho việc sử dụng iPad trên, các chiến sỹ CSGT Hà Nội đều được cử đi học lớp đào tạo tin học với chứng chỉ B.

Nhưng độ “chịu chơi” công nghệ trên chưa thấm vào đâu so với Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai, đã không chơi thì thôi, chơi là phải “máu”, khi hồi tháng 12/2012, lực lượng này đã “tậu” 8 chiếc mô tô Kawasaki Ninja 250R, đây là loại xe phiên bản mới, động cơ 249 phân khối, công suất 32 mã lực... giá thành là 260 triệu đồng/xe tương đương 12.500 USD/chiếc (trong khi trên một số trang mạng loại xe này bán ở Nhật và Indonesia khoảng từ 5.200 USD - 7.345 USD/chiếc).

Theo gót Thanh tra giao thông, Cảnh sát phản ứng nhanh (113), Công an tỉnh Đồng Nai hồi tháng 4 vừa rồi cũng đã nhận 3 xe mô tô đặc chủng của “dân chơi”, gồm 2 xe Yamaha R6 và 1 xe Honda CBR 1000, mà theo nhiều cư dân mạng cho biết giá của một chiếc Yamaha R6 đời cũ tại Việt Nam xấp xỉ 400 triệu đồng, Honda CBR 1000 có giá từ 550 - 630 triệu đồng/xe.

Nhưng Đồng Nai cũng chỉ được xếp là “dân chơi mới”, khi từ năm 2009, Thanh tra giao thông tỉnh Tây Ninh cũng đã mua 10 mô tô Kawasaki Boss 175 phân khối để phục vụ công việc.

Xin phép quý vị không liệt kê thêm nữa, vì trong giới hạn một bài viết không thể dài quá sợ nhọc lòng quý vị đọc, mỏi mắt xem, rồi lại nhẩm tính xem cái sự “chịu chơi”, “sành điệu” kể trên của công chức Việt đã tốn bao nhiêu tiền ngân sách, mà cụ thể hơn là tiền thuế của quý vị. Thôi thì, các cụ xưa nói rõ rồi “người không biết không có tội”, thà không biết, không nghe, không hiểu sẽ thấy sống vui vẻ hơn biết bao.

Dù sao thì các tổ chức quốc tế qua các điều tra của mình vẫn xếp Việt Nam là đất nước hạnh phúc thứ nhì thế giới, vì thế, người dân hãy vì cái vui riêng của mình đi đừng quan tâm người khác làm gì, sống ra sao, còn công chức họ cũng phải có cái vui riêng của họ chứ, những cái sự mua sắm ở trên cũng là để được vui thôi mà, mình vui cũng nên để người khác vui cùng quý vị à.

Cũng phải nói thêm rằng, việc trang bị máy móc, công nghệ hiện đại được dẫn lý do là để cắt giảm chi phí, chống lãng phí cơ mà. Vậy nên, kể ra đấy là một cách cắt giảm chi tiêu, chống lãng phí khá hiệu quả, điều mà bấy lâu các đại biểu vẫn đau đầu vì nói nhiều mà hiệu quả thực tế vẫn không thấy đâu, ô tô công vẫn cứ sắm ầm ầm. Lời khuyên của người viết là, muốn sống tốt là cần phải tin.
Phạm Thanh 

Vấn đề chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa

Phần I

Thử phân tích các lập luận của Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lập trường của Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được trình bày rõ rệt qua bài viết “Vietnams Position on the Sovereignty over the Paracels & the Spratlys : Its Maritime Claims » của TS Nguyễn Hồng Thao (TS. NHT). Không biết đây có thực sự là quan điểm chính thức của VN, như tựa đề muốn nói, hay chỉ là ý kiến riêng của tác giả. Điều quan tâm là một số lập luận được sử dụng trong bài có thể không thuyết phục.

1/ Thử xét lập luận : « Người ta không thể từ bỏ về cái mà người ta không có chủ quyền ».

Lập luận này thường được dẫn đi dẫn lại ở các bài viết của các học giả VN[i]. Ý kiến này nguyên của học giả Monique Chemillier-Gendreau, trong tập tài liệu « La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys ». Nguyên văn lẽ ra phải viết đầy đủ như sau :

« Dans ce contexte, les déclarations ou pris de position éventuelles des autorités du Nord-Vietnam sont sans conséquences sur le titre de souveraineté. Il ne s’agit pas du gouvernement territorialement compétent à l’égard des archipels. On ne peut renoncer à ce sur quoi on n’a pas d’autorité[ii] ».

Tạm dịch : trong bối cảnh đó, những tuyên bố hay lập trường nào đó của nhà cầm quyền miền Bắc thì không ảnh hưởng lên danh nghĩa chủ quyền. Nhà nước này không phải là nhà nước có thẩm quyền về lãnh thổ đối với các quần đảo. Người ta không thể từ bỏ về cái mà người ta không có thẩm quyền.

Các học giả VN « vắn tắt » bớt, do việc người sau trích dẫn người trước, không kiểm chứng lại nguồn. TS. NHT viết :

« It had no right to give up the territory that it did not have[iii]”  - « Người ta không thể từ bỏ lãnh thổ mà người ta không có thẩm quyền »

Người đầu tiên sử dụng lý lẽ này có lẽ là ông Từ Đặng Minh Thu, qua bài viết ở đây. Tác giả này dịch đoạn văn trên như sau :

“Trong những điều kiện này, những lời tuyên bố hoặc lập trường nào đó của chính quyền miền Bắc Việt Nam không có hiệu lực gì đối với chủ quyền. Đây không phải là chính quyền có thẩm quyền trên quần đảo này. Người ta không thể chuyển nhượng những gì người ta không kiểm soát được…”

Tác giả dịch « Dans ce contexte – bối cảnh này » thành ra « trong những điều kiện này », theo tôi là không phù hợp. Vấn đề cần tìm hiểu: bối cảnh đó là bối cảnh nào ?

Trang 122, tác giả Monique Chemillier-Gendreau nhắc đến ông L. Thomas Bradford, trong « The Spratly Island Imbroglio : a tangled web of conflict”; Ông này cho rằng, qua công hàm Phạm Văn Đồng, “Vietnam réaffirmé sa reconnaissance de la prétention chinois sur les archipels » - « Việc Nam tái xác nhận sự công nhận của họ về chủ quyền của Trung Quốc ở các quần đảo ».
Một số lập luận của bà Monique Chemillier-Gendreau nhằm mục đính phủ nhận ý kiến của Thomas Bradford. Không thể diễn giải Công hàm 1958 như là « tái xác nhận việc công nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS ».

Đó là “bối cảnh” của câu văn.

Các học giả VN, chỉ dựa vào câu « Người ta không thể từ bỏ lãnh thổ mà người ta không có thẩm quyền », từ đó kết luận công hàm PVD là không có giá trị ràng buộc. Điều này hiển nhiên thiếu thận trọng.

Có hai điều cần xem xét:

1/ Vào thời điểm 1958, VNDCCH có là một “quốc gia” như các học giả VN đã nói hay không? Nếu có, quốc gia này có  “thẩm quyền quốc gia - compétence étatique” ở HS và TS hay không ?.

2/ Sau 1976, VN thống nhất đất nước, dĩ nhiên nhà nước CSVN có thẩm quyền trên toàn lãnh thổ đất nước. Câu hỏi đặt ra: VN có bị ràng buộc bởi công hàm 1958 hay không ?  

Điều thứ nhất sẽ khảo sát ở dưới. Điều thứ hai, cũng là sự lo ngại của bà Monique Chemillier-Gendreau. Ý kiến của bà học giả không chỉ vỏn vẹn trong câu văn dẫn trên. Vài dòng trước đó bà viết :

« Néanmoins, son silence devant l’affirmation de souveraineté chinoise sur les iles peut être interprété comme un acquiescement, et cela autant plus qu’il est renforcé par la déclaration relative aux zones de combat et les articles du Nhan Dan.[iv] »

Tạm dịch : « dầu vậy, sự im lặng (của nhà nước VNDCCH) trước sự khẳng định chủ quyền của Trung Hoa tại các đảo có thể được hiểu như là một sự đồng thuận. Việc này càng được củng cố qua các tuyên bố liên quan đến vùng chiến sự và những bài viết trên báo Nhân Dân. »

Phải hiểu thể nào về « acquiescement – sự đồng thuận » theo luật Quốc tế ? Điều này cũng sẽ nói sau đây.

2/ Về ý nghĩa pháp lý « acquiescement – sự đồng thuận » của các « tuyên bố đơn phương ».

Điều cần nói rõ, Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Trung Quốc về lãnh hải quốc gia, là Tuyên bố đơn phương có hình thức « décision[v] - quyết định » (hơn là hình thức « notification[vi] »).

Theo tập quán quốc tế hiện nay, khi quốc gia ra tuyên bố về bề rộng lãnh hải của nước mình, thường thông báo đến các quốc gia khác « lập trường » của nước mình qua hình thức « notification - thông báo ». Các nước khác, nếu công nhận lập trường này, sẽ gởi công hàm trả lời mang hình thức « reconnaissance[vii] – công nhận ». Trường hợp không đồng ý thì gởi công hàm « phản đối – protestation[viii] ».

Bất kể tuyên bố về lãnh thổ và hải phận của TQ mang hình thức « Désision – quyết định » (mang tính ép buộc cho phía nhận quyết định) hay « Notification – thông báo », công hàm của ông Phạm Văn Đồng là một Tuyên bố đơn phương, công khai, mang hình thức « công nhận » tuyên bố của TQ. (Ở đây là công nhận tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cũng như việc mở rộng lãnh hải 12 hải lý của TQ).
Vấn đề là, VN hôm nay có thể nói ngược lại, là chỉ công nhận lãnh hải 12 hải lý của TQ ở mọi vùng lãnh thổ của TQ, mà không tôn trọng ở HS và TS, với lý do HS và TS thuộc VN hay không ?.

Như bà Monique Chemillier-Gendreau có ghi nhận, VNDCCH đã tôn trọng quyết định của TQ qua nhiều hình thức khác nhau, trong một thời gian dài, trong đó có việc nhìn nhận vùng biển và vùng trời của TQ tại HS, qua bài báo trên nhật báo Nhân Dân. Mặt khác, nhà cầm quyền miền Bắc cũng nhiều lần cho in bản đồ trong đó ghi chú Nam Sa và Tây Sa thuộc TQ (chứ không phải HS và TS thuộc VN).

Các động thái trên là hình thức « comportement actif[ix] - thái độ chủ động », dấu hiệu của « acquiescement ».

Ngoài ra, nhà cầm quyền miền Bắc đã giữ thái độ im lặng khi TQ xâm lăng HS của VN năm 1974. Đây là hình thức « comportement pasif – thái độ thụ động », một dấu hiệu khác của « acquiescement ».

Khoản 1 của Nguyên tắc Hướng dẫn về Tuyên bố Đơn phương của Quốc gia được  Ủy ban Công pháp Quốc tế thuộc LHQ[x] thông qua có nội dung :

Des déclarations formulées publiquement et manifestant la volonté de s’engager peuvent avoir pour effet de créer des obligations juridiques. Lorsque les conditions pour qu’il en soit ainsi sont réunies, le caractère obligatoire de telles déclarations repose sur la bonne foi; les États intéressés peuvent donc en tenir compte et tabler sur elles; ils sont fondés à exiger que de telles obligations soient respectées.

Tạm dịch : « Những tuyên bố phát biểu một cách công khai và bày tỏ ý muốn tôn trọng (những gì đã tuyên bố) có thể có tác dụng tạo ra các nghĩa vụ pháp lý. Khi các điều kiện được hội đủ, tính cách ràng buộc của các tuyên bố này được dựa vào sự thành tín. Quốc gia liên hệ có thể xem xét và dựa vào tuyên bố này làm căn cứ, để đòi hỏi các nghĩa vụ đó phải được tôn trọng ».

Công hàm 1958 hội đủ hai yếu tố « công khai » và « ý chí tôn trọng ». Vì vậy nó có thể tạo ra một nghĩa vụ pháp lý.

Nhà nước CHXHCNVN hiện nay - nhà nước kế thừa VNDCCH -  khó có thể cho rằng « công hàm 1958 công nhận hải phận 12 hải lý của Trung Quốc ở mọi nơi, ngoại trừ HS và TS ».

Sai lầm là vì, năm 1958, thay vì đưa ra tuyên bố « phản đối – protestation », theo đúng như thủ tục của luật quốc tế, nhằm bảo lưu chủ quyền của VN tại HS và TS, VNDCCH lại viết công hàm « công nhận – reconnaissance » nội dung tuyên bố của TQ.

Theo tập quán quốc tế, các quan Tòa thường rất thận trọng khi kết án một quốc gia trên nguyên tắc « acquiescement », nếu chỉ đơn thuần dựa trên một vài « dấu hiệu » nào đó. Trường hợp VN, nếu so sánh với các bản án mẫu, với thái thái độ thụ động của CSVN trước việc xâm lăng của TQ ở HS năm 1974, cách hành sử của nhà nước CSVN qua việc nhìn nhận và tôn trọng vùng biển, vùng trời của TQ tại HS và TS, các việc in ấn các bản đồ, cùng với các các tuyên bố của các viên chức nhà nước… tất cả tạo nên thành tố « acquiescement – nhìn nhận » chủ quyền của TQ tại HS và TS.

TS Nguyễn Hồng Thao dẫn vụ án xử Tân Tây Lan và Úc cùng kiện Pháp năm 1974 lên CIJ về việc Pháp « Thử bom nguyên tử trong khí quyển » :

 “If States make statements by which their freedom of action is to be limited, a restrictive interpretation is called for”.

Tạm dịch : Nếu một quốc gia có tuyên bố mà (nội dung của tuyên bố) có thể hạn chế hành động của quốc gia này trong tương lai, việc giải thích cần hạn chế.

Hàm ý cho rằng việc diễn giải công hàm 1958 cũng cần sự hạn chế.

Trường hợp vụ án, các viên chức có thẩm quyền của Pháp đã ra các tuyên bố, theo đó nước Pháp sẽ không thử bom nguyên tử trong khí quyển nữa. Tân Tây Lan và Úc vịn vào các tuyên bố này kiện lên CIJ, yêu cầu Pháp không được thử (khi thấy Pháp lăm le muốn thử nữa).

Ta thấy rõ ràng tuyên bố của các viên chức Pháp có hệ quả hạn chế tự do của nước Pháp trong tương lai. Nhưng kết quả phân xử cho thấy, phía Tân Tây Lan và Úc thắng kiện. Pháp không được quyền thử bom nguyên tử trong bầu khí quyển (nhưng sau đó thì thử dưới lòng đất!).

Tuyên bố của ông Đồng hạn chế hành động nào của VN trong tương lai ? Không có điều nào cả !

Vấn đề tranh chấp chủ quyền HS giữa VN và TQ bắt đầu từ năm 1909. Còn tranh chấp TS thì sau Thế chiến II. Nhà cầm quyền VNDCCH không thể vịn lý do “không biết” để mà tuyên bố “công nhận” đòi hỏi của TQ.

TS NHT ghi lại nội dung của điều 7[xi] của bản Nguyên tắc Hướng dẫn về Tuyên bố Đơn phương của Quốc gia được  Ủy ban Công pháp Quốc tế thuộc LHQ. Người viết đã từng tham khảo và tạm dịch (từ tiếng Pháp) như sau:

Một tuyên bố đơn phương chỉ có khả năng ràng buộc quốc gia (đã phát biểu) khi nội dung (của bản tuyên bố) có một mục đích rõ ràng và cụ thể. Trong trường hợp có nghi ngờ về mức độ cam kết của tuyên bố, thì văn bản phải được giải thích một cách hạn chế.

Trở lại vụ án “Thử bom nguyên tử” 1974 giữa Tân Tây Lan và Pháp trước CIJ, Tòa cũng nhấn mạnh :

Một tuyên bố đơn phương chỉ có thể tạo nghĩa vụ pháp lý đối với quốc gia tuyên bố khi mà nó có mục tiêu rõ rệt và cụ thể[xii].

Các tuyên bố của các lãnh đạo Pháp đã có mục tiêu rõ rệt và cụ thể. Vì vậy nó tạo nghĩa vụ pháp lý, buộc nước Pháp phải giữ lời.

Tương tự, tuyên bố của Phạm Văn đồng cũng rất rõ rệt và cụ thể: nhìn nhận và tán thành tuyên bố về lãnh thổ cũng như việc mở rộng 12 hải lý lãnh hải của TQ. Vì vậy nó sẽ tạo nghĩa vụ pháp lý, buộc VN phải giữ lời. Có nghĩa là VN phải tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của TQ ở mọi nơi có liệt kê trong bản tuyên bố của TQ. Tức kể cả ở HS và TS.

TS NHT cũng dẫn vụ án giữa Mã Lai và Singapour về chủ quyền các đảo Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge, CIJ[xiii], ngày 23-5-2008 nhằm biện hộ cho công hàm 1958 :

The declaration by PM Pham Van Dong did not have a constitutive character for giving up territory. In the case concerning sovereignty over Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks, and South Ledge (Malaysia/Singapore) regarding the Singapore argument that the Johor Authority recognized Singapore sovereignty over those islands, the Court took a position not to consider the Johor reply as having a constitutive character in the sense that it had a conclusive legal effect on Johor. The text of PM Pham Van Dong does not have any constitutive character regarding South Vietnamese territory. Consequently, it had no conclusive legal effect on the fate of the Paracels and Spratlys.

Tạm dịch: Tuyên bố của Phạm Văn Đồng không có giá trị thiết định cho việc từ bỏ lãnh thổ. Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền  tại các đảo Pedra Branca / Pulau Batu Puteh, Middle Rocks et South Ledge (Malaisie / Singapour), liên quan đến lý lẽ của phía Singapour, (nước này) cho rằng lãnh đạo của Johor đã nhìn nhận chủ quyền của Singapour tại các đảo. Lập trường của Tòa thì không xem lá thư của Johor có giá trị thiết định trong chiều hướng (lá thư này) có hiệu quả pháp lý đối với Johor. Văn thư của ông Đồng không có giá trị thiết định đối với những vấn đề lãnh thổ của miền Nam. Do đó, không có một hiệu quả pháp lý nào trên vấn đề HS và TS.

TS NHT, cũng như nhiều học giả VN khác, thường dẫn thí dụ về quan điểm của Tòa đối với lá thư của Bộ trưởng Ngoại giao Johor trong vụ án dẫn trên. Nhưng việc trích dẫn này không phù hợp, nếu không nói là thiếu thành thật.
Trong vụ án CIJ xử vụ tranh chấp giữa Mã Lai và Singapour về chủ quyền các đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge, việc giải thích hiệu lực công hàm 1953 của Johor chiếm một thời lượng lớn, từ đoạn 192 đến đoạn 230 trong biên bản ghi chép phiên xử.

Đoạn trích dẫn của TS NHT về hiệu quả lá thư của Johor là đoạn 227, nguyên văn như sau:

 227. Pour ce qui est du premier argument, la Cour ne considère pas la réponse du Johor comme revêtant un caractère constitutif au sens où elle aurait eu pour celui-ci un effet juridique décisif. Il s’agit plutôt d’une réponse à une demande de renseignements. Ainsi qu’il apparaîtra plus loin, cet argument est, compte tenu des circonstances, étroitement lié au troisième.

Tạm dịch : về lý lẽ thứ nhất, Tòa không cho rằng lá thư trả lời của Johor bao gồm một giá trị thiết định trong chiều hướng nó đem lại cho lý lẽ này một hiệu quả pháp lý quyết định. Đúng ra đây là câu trả lời cho một câu hỏi tham khảo. Cũng như nó sẽ trở lại ở phần sau, lý lẽ này, với hoàn cảnh như vậy, có liên hệ chặt chẽ với (lý lẽ) thứ ba.

TS NHT đã « cắt xén » một cách tự tiện, sau đó diễn giải ý nghĩa xa rời thực tế.
Ở đây Tòa không hề cho rằng lá thư của nhà nước Johor không có hiệu lực pháp lý, mà chỉ cho rằng nó không có một hiệu quả pháp lý quyết định cho lý lẽ thứ nhất. Vấn đề là lý lẽ thứ nhất đó là gì ?

Tòa cũng cho rằng lý lẽ này quan hệ chặt chẽ với (cái) thứ ba. (Cái) thứ ba đó là cái gì ?

Trong khi đó, theo Tòa, lá thư này là một câu trả lời của Johor cho câu hỏi của Singapour. Câu hỏi của Singapour là : Đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh có thuộc chủ quyền của Johor không ? Bộ trưởng Ngoại giao lâm thời Johor trả lời : Đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh không thuộc sở hữu của Johor. Điều này, theo Tòa, là điều quan trọng nhất, ảnh hưởng đến quyết định của Tòa.
Muốn biết lý lẽ thứ nhất và « cái » thứ ba là gì, ta phải xem đoạn 226 :

226. Pour conclure son examen de la correspondance de 1953, la Cour relèvera trois aspects connexes de l’argumentation développée par les conseils de Singapour à partir de celle-ci. Premièrement, Singapour a présenté la réponse du Johor comme une «déclaration de non-revendication expresse» ou «officielle» du titre sur Pedra Branca/Pulau Batu Puteh; deuxièmement, elle a invoqué la notion d’estoppel ; troisièmement, elle a fait valoir que la réponse du Johor équivalait à un engagement unilatéral obligatoire.

Tạm dịch : Để kết luận việc khảo sát của Tòa về lá thư 1953, Tòa đưa ra ba phương diện liên hệ đến lý lẽ được khai triển bởi các Ủy viên Singapour ở lá thư này. Thứ nhất, Singapour đã trình bày thư trả lời của Johor như là một « tuyên bố minh thị từ bỏ chủ quyền », hay « chính thức », về danh nghĩa ở đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh ; thứ hai, viện dẫn khái niệm Estoppel ; thứ ba, lập luận rằng thư trả lời của Johor tương đương với một cam kết đơn phương bắt buộc.

Như vậy, đoạn trích dẫn của TS NHT chỉ liên quan đến khía cạnh thứ nhất : Singapour đã trình bày thư trả lời của Johor như là một « tuyên bố minh thị từ bỏ chủ quyền », hay « chính thức », về danh nghĩa ở đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh. Tức là, theo Tòa, lá thư không có giá trị thiết định để việc « tuyên bố minh thị từ bỏ chủ quyền » có hiệu quả pháp lý quyết định. Điều này không có nghĩa, lá thư không có giá trị pháp lý nào khác.

Đoạn 275, phán quyết của tòa là dựa lên lá thư :
« Il s’agit de la déclaration, faite dans des termes clairs en 1953 par le secrétaire d’Etat par intérim de l’Etat du Johor, selon laquelle le Johor ne revendiquait pas la propriété de Pedra Branca/Pulau Batu Puteh. Cette déclaration revêt une importance capitale ».

Tòa cho rằng lá thư này « có tầm quan trọng quyết định ». Tòa phán đảo Pedra Branca/Pulau Batu thuộc về Singapour.

Trở lại tuyên bố 1958 của ông Đồng, thật vậy, nội dung lá thư không hề nói đến chủ quyền HS và TS. Nhưng lá thư này có thể diễn giải tương tự như trường hợp lá thư của Johor, đó là « ý kiến » của VNDCCH về một quyết định của TQ.
3/ Vấn đề « thẩm quyền lãnh thổ » :

Trở lại câu : « Người ta không thể từ bỏ lãnh thổ mà người ta không có thẩm quyền » mà các học giả VN dẫn tới dẫn lui trong các bài viết. Như đã viết ở trên, điều cần phải làm cho minh bạch là vào thời điểm 1958, VNDCCH có là một “quốc gia” như các học giả VN đã nói hay không? Nếu có, quốc gia này có  “thẩm quyền quốc gia - compétence étatique” ở HS và TS hay không ?.

Câu trả lời là vào khoảng 1958, VNDCCH không hề là một « quốc gia », hiểu theo ý nghĩa của Công pháp quốc tế.

Trong thời kỳ 1954-1975, Việt Nam là một đất nước bị phân chia (état divisé – divided country). Trường hợp Ấn Độ và Pakistan, hoặc Pakistan và Bangladesh, cũng là các nước bị phân chia nhưng tình trạng pháp lý của các quốc gia[xiv] này hoàn toàn khác với Việt Nam.

Theo định nghĩa[xv], quốc gia bị phân chia (état divisé) là quốc gia, lúc trước khi bị phân chia đã là một « quốc gia – Etat », được cộng đồng quốc tế nhìn nhận, và lập trường chính trị chung của các bên (sau khi bị phân chia) là mong muốn thống nhất lại đất nước trong tương lai. Đường ranh phân chia chỉ có giá trị tạm thời, không được nhìn nhận là đường biên giới.

Cộng đồng quốc tế đã nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia, thành hình từ rất lâu, đã tuyên bố độc lập từ thế kỷ thứ X. Sau hiệp định Genève 1954, VN bị phân chia bằng vĩ tuyến 17 thành hai vùng lãnh thổ. Đường phân chia này chỉ có giá trị tạm thời (nhằm về tập kết quân sự). Cũng theo qui định của Hiệp định này, việc thống nhất VN sẽ thể hiện bằng một cuộc bầu cử, trễ nhất là năm 1956. Việc bầu cử, do nhiều lý do, đã không diễn ra. Hai miền, từ những năm của thập niên 60, trên thực tế đã hành sử như là « quốc gia ». Nhưng lập trường chính trị của hai bên vẫn là ý muốn thống nhất lại đất nước. Cả hai miền đều quyết định không gia nhập Liên hiệp quốc[xvi].

Như vậy Việt Nam là một quốc gia bị phân chia (état divisé – divided country), tương tự trường hợp của Đại Hàn và Đức, ý muốn của họ là trong tương lai thống nhất lại đất nước[xvii].

Trường hợp Ấn Độ và Pakistan, sau khi được Anh trả độc lập, đã quyết định phân chia đất nước thành hai vùng lãnh thổ và việc phân chia có tính cách vĩnh viễn. Hai vùng lãnh thổ trở thành hai quốc gia : Ấn Độ và Pakistan, với một đường biên giới được xác định và cả hai đều gia nhập vào Liên Hiệp quốc. Trường hợp Bangladesh ly khai khỏi Pakistan để trở thành một quốc gia độc lập, được quốc tế nhìn nhận. Các trường hợp phân chia này hoàn toàn khác với tình trạng của quốc gia Việt Nam.

Về thái độ của các nước trên thế giới, có thể phân chia thành 4 nhóm khác nhau, có quan niệm đối chọi nhau về tư cách pháp nhân của « quốc gia Việt Nam » trong giai đoạn 1954-1975.

Nhóm 1 : công nhận nhà nước VNCH là chính thống, đại diện cho quốc gia Việt Nam (từ Nam Quan đến Cà Mau). Các nước tiêu biểu của nhóm này bao gồm các nước tư bản, thuộc khối tự do như Mỹ, Pháp, Anh… khoảng 56 quốc gia. Nhà nước VNCH cũng được nhìn nhận là đại diện chính thức của Quốc gia VN tại các định chế quốc tế thuộc LHQ.

Nhóm 2 : công nhận nhà nước VNDCCH là chính thống, đại diện cho Quốc gia VN (từ Lạng Sơn đến Cà Mau). Các nước tiêu biểu của nhóm này bao gồm các nước thuộc khối cộng sản, như Liên Xô, Trung Quốc…

Nhóm 3 : chỉ gồm Ấn Độ, không công nhận bên nào là đại diện chính thống của quốc gia Việt Nam[xviii].

Nhóm 4 : Lập trường của Ý cho rằng cả ba chính phủ VNDCCH, VNCH và CHMNVN chỉ là ba thành phần chính trị thuộc về một nước Việt Nam. Cuộc chiến VN sẽ ngã ngũ, bên nào thắng là bên đó có tính đại diện chính thống. 

Nhóm 5 : Lập trường của Úc, nhìn nhận cả hai bên VNDCCH và VNCH đều là các « quốc gia »[xix].

Như thế, lập trường áp đảo là chỉ có 1 quốc gia VN, hoặc do nhà nước VNDCCH đại diện, hoặc do VNCH đại diện.

Chỉ có một vài quốc gia cho rằng VN gồm 2 quốc gia (Úc), hay không nhìn nhận phe nào (Ấn Độ).

Điều cần nói, Hoa Kỳ cũng đã từng nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia « tạm thời bị phân chia, giống như trường hợp của Đại Hàn và Đức ». Việc này trình bày trong « Biên bản ghi nhớ » của bộ Ngoại giao ngày 4-3-1966[xx].

Điều đáng ghi nhận khác, liên tục nhiều năm, cho đến năm 1960, nhà cầm quyền miền Bắc lên tiếng, vào tháng 7, yêu cầu miền Nam tuân thủ hiệp định Genève, trưng cầu dân ý thống nhất đất nước.

Như thế thì lý lẽ nào để cho rằng VNDCCH và VNCH là hai quốc gia ?

Và khi nói đến thẩm quyền lãnh thổ thì phải nói đến biên giới. Đường biên giới giữa hai quốc gia được định nghĩa là đường giới hạn thẩm quyền về lãnh thổ giữa hai quốc gia, là đường bao bọc không gian, xác định thẩm quyền lãnh thổ.

Quốc gia Việt Nam bị phân chia, theo hiệp ước Genève 1954, đường ranh phân chia của hai bên chỉ có giá trị tạm thời (để tập kết quân sự). Đường giới tuyến quân sự tạm thời này không phải là đường biên giới, do đó không có giá trị để phân chia thẩm quyền về lãnh thổ.

Tình trạng pháp lý của VN lúc đó (1958) là một nước VN duy nhất (Etat unitaire). Việc tạm thời phân chia chỉ có ý nghĩa về “quân sự” chứ không phải về “hành chánh”.

Như thế, VNDCCH (hay VNCH) có “thẩm quyền quốc gia về lãnh thổ” tại HS và TS hay không ? Câu trả lời đương nhiên là có.

VN là một quốc gia duy nhất (Etat unitaire), tạm thời bị phân chia, do đó bất kỳ nhà nước nào, theo thể chế chính trị bất kỳ nào, chính thống hay không chính thống, đều có bổn phận như nhau trong vấn đề bảo vệ lãnh thổ. Thẩm quyền về lãnh thổ của các nhà nước đều bao trùm lên toàn lãnh thổ.

Thử đặt giả thuyết, cuộc trưng cầu dân ý được hai bên đồng ý tổ chức năm 1959, đất nước thống nhất. Dĩ nhiên là không còn có chuyện cãi cọ VNDCCH và VNCH là hai “quốc gia” hoặc các vấn đề về “thẩm quyền lãnh thổ” như hiện nay.

Tuyên bố của ông Đồng sẽ có giá trị, nếu phần thắng thuộc về phe miền Bắc.

Vì vậy, biện luận rằng VNDCCH và VNCH là hai quốc gia, sau đó dẫn lời (một cách không đầy đủ) củaMonique Chemillier-Gendreau : “người ta không thể cho cái mà người ta không có thẩm quyền”… đều chỉ là ngụy biện. Các học giả này không ai chứng minh rằng VHDCCH và VNCH là hai quốc gia độc lập, có chủ quyền, lãnh thổ được phân định, theo như tiêu chuẩn của Quốc tế công pháp.

Có nhiều phương cách để hóa giải công hàm Phạm Văn Đồng, người viết đã từng chỉ ra, nhưng không thể bằng các phương thức dựa trên sự ngụy biện.

Thái độ ngụy biện không hề giúp VN giành lại HS và TS, mà ngược lại, nó càng củng cố thêm cho lý lẽ của phía TQ.

(Còn nữa)



[i] Ngoài TS Nguyễn Hồng Thao và hầu hết cảc nhà nghiên cứu trong nước, còn có các ông Thái Văn Cầu, Tạ Văn Tài cùng một số nhân vật khác ở nước ngoài.
[ii] Monique Chemillier-Gendreau – La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys – NXB Harmattan 1996, page 123
[iii] Nguyễn Hồng Thao, bài đã dẫn link.
[iv] Idem ghi chú 1.
[v] Nguyen Quoc Dinh, Patrick Daillier, Mathias Forteau, Alain Pellet - Doit International Public, L.G.D.J, 8e Edition, đoạn 242, tr 405
[vi] Sách đã dẫn, ghi chú 3.
[vii] Sách đã dẫn, ghi chú 3. Đoạn 237, tr 396.
[viii] Idem, đoạn 237, tr 396,397.
[ix] Jean Barale, L’ acquiescement dans la jurisprudence internationale, In: Annuaire français de droit international, volume 11, 1965. pp. 389-427. http://www.persee.fr/web/revues/home/prescript/article/afdi_0066-3085_1965_num_11_1_1827
[x] Texte adopté par la Commission du droit international à sa cinquante-huitième session, en 2006, et soumis à l’Assemblée générale dans le cadre de son rapport sur les travaux de ladite session (A/61/10). Le rapport, qui contient également des commentaires sur le projet d’articles, sera reproduit dans l’Annuaire de la Commission du droit international, 2006, vol. II(2).
[xi] Idem ghi chú 10.
[xii] Essais nucléaires (Australie c. France; Nouvelle-Zélande c. France), C.I.J. Recueil 1974, p. 267, par. 43, p. 269, par. 51 et p. 472, par. 46, p. 474, par. 53
[xiii] Souveraineté sur Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks et South Ledge (Malaisie/Singapour), arrêt, C.I.J. Recueil 2008, p. 12. ISSN 0074-4441 ; ISBN 978-92-1-071046-6
[xiv] Quốc gia theo định nghĩa của Quốc tế Công pháp : được cấu thành do ba yếu tố lãnh thổ, dân chúng và một nhà nước (hay chính phủ).
[xv] Gilbert Caty, Les Statut Juridique des Etats Divisés, Ed. A. Pedone 1969, tr.15.
[xvi] Việc gia nhập LHQ chưa chắc là một yếu tố để chứng minh lãnh thổ đó là một quốc gia nếu ta xét trường hợp của Ukraine và Bielorussis. Thật vậy, hai xứ này, trong thời kỳ thuộc Liên bang Xô viết, đã gia nhập LHQ (từ khi LHQ mới thành lập). Hai « quốc gia » này thực ra chỉ là một phần « lãnh thổ » của URSS mà thôi.
[xvii] Đây là lập trường của nhiều học giả trên thế giới. Một số thí dụ : Gilbert Caty, in Les Statut Juridique des Etats Divisés ; James Crawford, in The Creation the States in International Law, tr 472-477 : Mm Joel Duy Tân, in « La représentation du VietNam dans les institutions spécialisées » ;  Conrad G. Buhler, in State Succession and Membership in International Organisations – Legal Theories versus Political Pragmatism.
[xviii] Idem ghi chú 14, tr 77.
[xix] Bộ Ngoại giao Úc 1974, Idem ghi chú 14. Tr 73.
[xx] State Department, 4-3-1966, « The legality of US participation in the Defense of Vietnam” dẫn từ Gilbert Caty, Les Statut Juridique des Etats Divisés, sdd, tr 12.

Bất ổn một làng quê!

nguyên Huân - thanh vũ   -Thứ Tư, 10/07/2013, 9:45 (GMT+7)
Gần một tháng nay, bức xúc trước việc Công ty TNHH MTV Thương mại Trường Khánh thuê đất làm trang trại VAC nhưng lại dựng nhà xưởng SX pro niken gây ô nhiễm môi trường, hàng trăm, hàng ngàn người dân ở thôn Châu Xá, xã Duy Tân (Kinh Môn - Hải Dương) bỏ việc đồng áng, dựng lều lán, đóng chốt 24/24 tại các con đường trong bầu không khí hừng hực.

Tiếng kẻng chiến giữa thời bình
Sáng 8/7/2013, PV NNVN vừa đặt chân đến đầu thôn Châu Xá, xã Duy Tân lập tức nhận ra điều bất thường khi thấy cờ đỏ cắm kín đường. Bỗng ở đâu có tiếng kẻng báo động vang lên dồn dập. Từ khắp các ngả đường, người dân nhanh chóng tụ tập hướng về phía chúng tôi...
SÔI SÙNG SỤC!
Biết chúng tôi là nhà báo về tìm hiểu sự việc tại thôn Châu Xá, người dân nhanh chóng hộ tống đưa vào khu vực dựng lều lán đề phòng có “xã hội đen” theo dõi, tấn công.
Vượt qua đoạn đường lổn nhổn đất đá to bằng cái mũ cối rồi hầm hào do người dân đào, chúng tôi mới vào được đến khoảng đất trống là một ngã ba nằm giữa cánh đồng của thôn Châu Xá. Hình ảnh một ông lão tóc bạc phơ đánh kẻng liên hồi giữa đám đông lên tới hàng nghìn người khiến chúng tôi vô cùng sửng sốt và không ngờ sự việc lại đến mức nghiêm trọng như vậy.

Ông lão ở thôn Châu Xá nhận nhiệm vụ đánh kẻng báo động khi có
xã hội đen xuất hiện
Chưa kịp ngồi thở, người dân lại ầm ầm chạy về phía con đường bê tông bên cạnh để “giải cứu” cho các cụ ông, cụ bà đang ngồi chặn xe tải ra vào tại đó khi nghe tin có nhóm xã hội đen đến đe dọa, chửi bới. Hòa mình vào dòng người đông như kiến, chúng tôi chạy sang xem thực hư như thế nào.
Có mặt tại con đường bê tông dẫn vào Nhà máy xi măng Phúc Sơn, chúng tôi thấy có ba người đàn ông mặc quần áo rằn ri, đi giầy cao cổ, đeo kính đen, trên tay có nhiều hình xăm trổ rồng phượng, cổ đeo dây chuyền bạc to bằng ngón chân cái đang tranh cãi với người dân kịch liệt.
Khi chúng tôi giơ máy ảnh lên tác nghiệp, một người đàn ông trong nhóm đó lập tức quay sang “lí lẽ” chúng tôi phải thế này, thế nọ và tiến sát lại chúng tôi với gương mặt đằng đằng sát khí thách thức tôi có thích chụp ảnh không anh ta sẽ cho tôi xem chứng minh thư nhân dân, địa chỉ rõ ràng mà chụp.
Thấy phóng viên có thể gặp nguy, người dân ùa đến đông đặc gây áp lực khiến người đàn ông lạ phải rút lui. Trong quá trình tranh cãi với người dân, ba người đàn ông mặc quần áo rằn ri liên tục xưng là bảo vệ của Nhà máy xi măng Phúc Sơn ra để giải phóng an toàn giao thông cho xe cộ qua lại?

Những người được cho là “xã hội đen” bắt bẻ phóng viên Báo NNVN
Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với một cán bộ của Nhà máy Phúc Sơn thì họ khẳng định, Nhà máy không cử bất cứ ai ra khu vực đó, bản thân từ khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo, công nhân của Nhà máy xi măng Phúc Sơn “cửa đóng then cài” hạn chế tối đa tiếp xúc với bên ngoài đề phòng có biến xảy ra nên không dại gì cử bảo vệ ra gây sự với “ổ kiến lửa”.
Theo chia sẻ của bà con nông dân nơi đây, bản thân Nhà máy xi măng Phúc Sơn không liên quan gì đến việc Cty Trường Khánh gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sau khi con đường độc đạo duy nhất của Cty Trường Khánh bị dân phong tỏa, không biết phía Cty Trường Khánh hay huyện Kinh Môn đã mở một lối tắt từ Cty Trường Khánh qua Nhà máy xi măng Phúc Sơn để chạy ra con đường bê tông.
Chính vì sợ những chiếc ô tô tải kia chở chứng cứ vẫn được giữ tại Cty Trường Khánh đi tẩu tán nên người dân chặn luôn cả lối đi của Phúc Sơn lại trước khi nhận được câu trả lời thỏa đáng của chính quyền địa phương.

Không khí sôi sùng sục tại Duy Tân (Kinh Môn - Hải Dương)
NGÒI NỔ TRÊN THÙNG THUỐC SÚNG?
Phải đợi đến khi ba người đàn ông mà theo người dân thôn Châu Xá chính là xã hội đen bỏ đi, chúng tôi mới được nghe rõ ngọn ngành đầu đuôi câu chuyện việc họ phải bất đắc dĩ bỏ nhà, bỏ cửa ra ăn sương nằm gió trông coi tại đây.
Đại diện cho các hộ dân thôn Châu Xá cung cấp chứng cứ tài liệu cho phóng viên là anh Nguyễn Văn Hanh. Theo anh Hanh, chuyện bắt đầu khi UBND xã Duy Tân lập một hợp đồng giao khoán cho Cty Trường Khánh đấu thầu diện tích đất nông nghiệp là 11.700 m2 tại khu vực núi Công và rộc Ông Gần thuộc thôn Châu Xá vào mục đích trồng cây lâu năm, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản với giá 66.450.000 đồng/năm.
Tuy nhiên, sau khi Cty Trường Khánh đi vào hoạt động, không chỉ Châu Xá mà người dân các thôn khác của xã Duy Tân và thị trấn Phú Thứ ngày đêm bị một thứ bụi mờ trong không khí có mùi rất tanh hành hạ. Rất nhiều người dân bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nhất là những cụ già cao tuổi. Cá nuôi tại ao, đầm xung quanh Cty Trường Khánh bị chết hàng loạt một cách khó hiểu.
Bức xúc trước việc làm gây ô nhiễm môi trường của Cty Trường Khánh, người dân thôn Châu Xá đã gửi đơn lên xã Duy Tân và huyện Kinh Môn đề nghị vào kiểm tra, giải quyết thì mới “ngã ngửa” ra rằng Cty Trường Khánh làm nhà xưởng để SX nhiên liệu hóa học pro niken là trái phép.
Sau đó, UBND huyện Kinh Môn đã có thông báo số 46 ngày 20/5/2013 do Chánh Văn phòng UBND huyện Nguyễn Đức Quảng thay mặt Chủ tịch UBND huyện ký yêu cầu Cty Trường Khánh và Cty 1369 có trụ sở tại xã Phạm Mệnh dừng hoạt động SX kinh doanh vì phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong việc sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất chưa được các đơn vị có thẩm quyền cho phép.

Người dân chất đá đầy lối vào Cty Trường Khánh
Thấy kết luận của UBND huyện Kinh Môn trả lời chưa thỏa đáng và nghi ngờ lãnh đạo địa phương “cấu kết” bảo kê cho Cty Trường Khánh hoạt động bất hợp pháp, việc xử lí chậm trễ, chung chung nên sau một buổi họp dân bị đổ bể, bắt đầu từ ngày 13/6/2013, hàng trăm, hàng nghìn người dân thôn Châu Xá và các vùng lân cận cắt cử nhau dựng lều lán, túc trực tại con đường dẫn vào Cty Trường Khánh để bảo vệ hiện trường với mong muốn nhận được câu trả lời thỏa đáng từ lãnh đạo và chính quyền địa phương là ai đứng sau đỡ lưng cho Cty Trường Khánh hoạt động trái pháp luật?
Tuy nhiên, sự việc tiếp tục bị đẩy lên đến đỉnh điểm khi ngày 21/6 anh Nguyễn Văn Hanh bị 5 tên côn đồ đi xe máy cầm gậy có đinh ở đầu đuổi đánh, may được người dân phát hiện kịp thời, cứu thoát. Sau đó, rạng sáng ngày hôm sau, lại có người đem phân trộn dầu đến đổ kín cổng nhà anh Hanh.
 Đến ngày 25/6, hơn 20 tên côn đồ lạ mặt tới dùng “bom xăng” đốt lều lán và đập phá xe cộ của những người đang trông coi tại lán. “Nghiêm trọng nhất là đêm ngày 26 rạng sáng ngày 27, hàng chục tên côn đồ mặc áo bơm hơi, đội mũ bảo hiểm, có trang bị cả súng với 1 máy xúc dẫn đầu đi sau là 7 chiếc xe tải định ủi hết lều bạt của người dân, hậu quả làm anh Phạm Văn Quý bị thương nặng, phải đi cấp cứu, hiện chưa biết ra sao do gia đình sợ bị trả thù nên không dám cung cấp nơi anh đang điều trị.
Phải sau khi có tiếng kẻng báo động, hàng nghìn người dân kéo ra giải nguy, những tên côn đồ mới bỏ chạy để lại hiện trường là chiếc máy xúc hiện được chúng tôi giữ lại làm bằng chứng”. Anh Hanh nhớ lại những đêm kinh hoàng vừa qua.
Để chứng minh lời nói của mình, anh Hanh chỉ cho tôi chiếc máy xúc lật nghiêng tại vị trí cống đã bị người dân đào đi mất nửa đường. Tất cả bốn chiếc lốp của máy xúc đã bị xịt hơi, dầu nhớt chảy lênh láng dưới gầm.
Theo người dân thôn Châu Xá, chiếc máy xúc này là của con trai cả bà Nguyễn Thị Bên - Bí thư Huyện ủy huyện Kinh Môn, Giám đốc Cty Vững Mạnh, chuyên khai thác đá cung cấp cho Nhà máy xi măng Trung Hải (cạnh Cty Trường Khánh).
Nhận thấy điều nghi ngờ của mình có cơ sở, người dân Châu Xá cương quyết "tử thủ" giữ bằng được chiếc máy xúc lại để làm bằng chứng chỉ với một mong muốn đơn giản, nhận được câu trả lời thỏa đáng từ chính quyền địa phương. Nếu không, mọi nỗ lực giải tán người dân sẽ trở thành mồi lửa châm vào ngòi nổ của một thùng thuốc súng khổng lồ.
+ Tiếp cận Cty Trường Khánh, PV NNVN nhận thấy khu nhà xưởng đã bị tháo dỡ phần mái, còn lại vẫn y nguyên. Bên dưới là từng đống nhiên liệu màu xanh chất cao như núi mà theo người dân chính là pro niken. Xung quanh, các lò vôi của Cty Trường Khánh vẫn hoạt động bình thường.
+ Khi chúng tôi liên hệ với ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Cty TNHH MTV Thương mại Trường Khánh để tìm hiểu về sự việc, ông Khoa bảo rằng Cty ông đã nhận sai và đang tiến hành khắc phục xử lí rồi tắt máy.
 http://www.youtube.com/watch?v=qpK3uhtr2Ps&feature=player_embedded

https://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=kpc3wmwKit0
Một bộ phim tài liệu một tiếng đồng hồ tìm hiểu nguyên nhân của 118 vụ tự thiêu được biết đến ở Tây Tạng từ năm 2009. Kết hợp những đoạn phim lén lút tuồn ra bên ngoài, ý kiến của những người trong cuộc, các chuyên gia, học giả và quan chức nhà nước, bộ phim giới thiệu câu chuyện toàn diện, đào sâu về lịch sử Tây Tạng trong thời gian qua và tìm hiểu động lực nào đã tạo ra một trong những phong trào tự thiêu để tỏ bày chính kiến lớn nhất trong lịch sử.(VOA)

Chính trị – Xã hội

Để rộng đường thực hiện “đường lưỡi bò”, Trung Quốc có thể rút khỏi UNCLOS. (TTVN)   —Bằng chứng khẳng định chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa-Trường Sa - (VTV)   —Triển lãm hàng trăm tư liệu quý về Hoàng Sa -Trường Sa -(VTC)
Công bố hàng loạt bản đồ Trung Quốc không có Trường Sa, Hoàng Sa (DT)  —Biển Đông sẽ ra sao nếu Trung Quốc giở bài cùn rút khỏi UNCLOS? (GDVN)
Đang xác minh hai tàu cá VN bị cướp ngoài Hoàng Sa (ĐV)  –Tàu Hải giám Trung Quốc cướp phá tàu cá Việt Nam ngoài Hoàng Sa ? -(RFI)
Tàu cá Việt Nam ‘bị tấn công, chặt cờ (BBC) – Thuyền trưởng tàu cá Việt Nam cáo buộc ‘bị truy đuổi, đánh phá và tịch thu toàn bộ tài sản’ ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.   –Hai tàu cá VN lại bị tàu lạ truy đuổi, cướp tài sản (RFA)
Trong khi BBC đã PV. Ngư Dân và cái bon “nói tiếng Tàu, có quân phục hải quân” , thì Báo ta còn “đang xác minh”!?- Chịu!!!!! – Nó chặt cờ CHXHCN VN và đánh Ngư Dân, cướp tài sản…thế thì Đảng “ta” đâu, nhà nước  CHXHCNVN Bảo vệ Ngư Dân ta hành nghề trên Biển của ta như thế à?
Cướp tàu ‘nói tiếng TQ, mặc đồ sỹ quan’ (BBC/nghe) – Thuyền trưởng một trong hai tàu cá Việt Nam bị tấn công ở khu vực quần đảo Hoàng Sa nói với BBC những người người tấn công tàu ông ‘nói tiếng Trung Quốc’ và ‘mặc đồ sỹ quan hải quân’.
Đà Nẵng: 31 ngư dân trôi dạt trên biển đã được cứu (RFA)
Khi Trung Quốc luôn là cạm bẫy (RFA) -  “Ai cũng biết quan hệ hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam là một quan hệ lệ thuộc nhưng sự lệ thuộc đó đã trở thành toàn diện và triệt để sau những gì mà ông Sang vừa ký…”
Tổ chức Minh Bạch Quốc tế: nhiều người dân sẵn sàng tham gia chống tham nhũng (RFA)
Tổ chức Minh bạch Quốc tế: Tham nhũng ở Việt Nam đang gia tăng (VOA) -55% người dân Việt Nam cảm nhận tình trạng tham nhũng tăng lên trong 2 năm qua, tức là cao hơn so với mức trung bình 48% ở khu vực Đông Nam Á
Tân Tổng Lãnh sự Mỹ, bà Rena Bitter, thăm xã giao Bác sỹ Nguyễn Quốc Quân ngày 3/7 trước khi đến Sài Gòn.    <<<===’Tân Tổng lãnh sự Mỹ nên thường xuyên thăm tù nhân chính trị’ (VOA) -  Đó là lời khuyên của Bác sỹ Nguyễn Quốc Quân, một nhà hoạt động dân chủ người Mỹ gốc Việt, đối với Tân Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn Rena Bitter
Gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị gây khó khăn khi kháng cáo (RFA) -Gia đình người nông dân nổi dậy Đoàn Văn Vươn kháng cáo bản án sơ thẩm mà tòa án Hải Phòng tuyên. Ngày xử phúc thẩm đã được thông báo; thế nhưng trong tiến trình dẫn đến phiên phúc thẩm đó, gia đình vẫn gặp nhiều ngăn trở từ phía cơ quan chức năng.
Dân oan Đà Nẵng ra Hà Nội khiếu kiện – (RFA) -Nhóm dân oan thành phố Đà Nẵng gồm chục hộ ra Hà Nội khiếu kiện về đất đai phải lên tiếng kêu cứu vì hành xử bắt bớ và đùn đẩy không giải quyết của những cơ quan chức năng tại thủ đô.
Vì sao bà Đỗ Thị Thiêm bị tạt a-xít? (Nguoicaotuoi)- 9giờ 30 ngày 4/7/2013, khi đến nhà người thân tại 88 đường Yên Phụ, TP Hà Nội, bà Đỗ Thị Thiêm bị hai kẻ lạ mặt đón đường, tạt a-xít vào người. Bị bỏng rát, bà vừa kêu cứu, vừa xé áo chạy vội vào ngõ, nhảy vào bể nước của một gia đình để đỡ đau. Sau đó nhiều người đưa bà đi Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu. Bà bị bỏng nặng từ cằm trở xuống, đang điều trị.
Bà Thiêm cùng nhân dân đấu tranh, không nhận, hướng dẫn mọi người viết đơn gửi các cơ quan chức năng. Bà cho biết, có ngày 17 – 18 anh Công an thị xã đến nhà bà vận động. Anh công an Nguyễn Thanh Dung, con trai Bí thư Thị ủy Từ Sơn nói với bà: Cô nhận tiền đi, nếu cô không nhận thì rồi cô sẽ phải ân hận suốt đời đấy! Bà trả lời: Đây là việc của nhân dân khu phố Trịnh Nguyễn, không phải việc của cá nhân tôi.
Điều kiện giam giữ trong các nhà tù Việt Nam -(RFI)   —-VN – Lào hoàn thành cắm mốc biên giới (RFA)   —20% người Việt sống trong điều kiện thiếu vệ sinh (RFA)
Vì sao chọn Sân bay Long Thành, không mở rộng Tân Sơn Nhất ? (ĐT)  –7 Thứ trưởng dẫn quân ’vi hành’ các điểm nóng (ĐV)  –Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng: “Bác Thăng nói cho vui” (ĐV)
Tám phi công Không quân Hải quân VN hoàn tất khóa đào tạo tại Canada (TN)
Đại biểu HĐND được trang bị máy tính bảng 20 triệu đồng/chiếc  (NLĐO) – Sáng 9-7, kỳ họp thứ 8 HĐND khóa 8 tỉnh Sóc Trăng đã được khai mạc. Điều bất ngờ là cả 55 đại biểu HĐND tỉnh này đều được trang bị máy tính bảng iPad hạng sang.  —Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng được tỉ lệ tín nhiệm cao nhất: 76,36% (TT)   —Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng có tín nhiệm thấp nhất(VnEx)
Báo QĐND đấu tố thạc sĩ nghiên cứu về nhóm ‘Mở Miệng’   (NV) -Báo Quân Ðội Nhân Dân đả kích kịch liệt một luận văn cấp thạc sĩ của cô Ðỗ Thị Thoan, một giảng viên tại Khoa Văn, trường Ðại Học Sư Phạm Hà Nội và từng được chính trường này cấp văn bằng thạc sĩ.

Thủy điện và nguy cơ (Lê diễn Đức -Nguoiviet)
Ai Cập: Còn đó nỗi buồn… kinh tế (Nguyễn xuân Nghĩa -Nguoiviet)

-(Danluan)

An Thanh Lương – Phân hóa giầu nghèo trong giáo dục là sự phân hóa khốn nạn nhất do con người đẻ ra -(Danluan)

Sea Free – Bóng tối và Ánh sáng -(Danluan)   —David Brown – Việt Nam: Chơi với lửa -(Danluan)

Phạm Duy Nghĩa – Sau khi nói cần phải làm -(Danluan)

NHƯ THẾ NÀO LÀ THỰC THI DÂN CHỦ ? (Bùi Văn Bồng)
NHƯ THẾ NÀO LÀ THỰC THI DÂN CHỦ ? (Bùi Văn Bồng)
‘Tấm lòng của Một Phóng viên dành cho Một Dân tộc Đau thương’ » - (ĐCV) - Người Việt Nam không phải là những kẻ mộng du, họ là một dân tộc sáng suốt. Chúng ta phải mở mắt nhìn kỹ, tìm một cái gì đó rất tinh tế có…
Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [8] » - (ĐCV) - Ở trong tù được ăn đồ tươi là niềm hạnh phúc, đồ tươi chỉ có gặp gia đình, nhận quà thì có được một chút, còn lại là đồ khô như muối vừng,..  -Tiếp theo các phần: IIIIII, IVVVI và VII
Cái đẹp đánh chết tài năng -Vivien Chang | DCVOnline lược dịch
Trịnh Công Sơn và năm điều Bác Hồ dạy? -DCVOnline   —Mỹ và Trung Quốc trong thế cờ mới? -DCVOnline

Người cộng sản chân chính – Quan và CAM (DLB)   —Còn cơ hội nào cho các chóp bu cộng sản hay không?(DLB)

Đằng sau vòng hoa phúng điếu, huân, kỷ niệm chương là gì?(DLB)   —Thơ “phản động” với một vài nhận xét(DLB)

Bọ Cạp sang sông(DLB)  –Quận 2 Tp. HCM dựa vào ai mà sai bảo được tòa án 3 cấp?(DLB)

‘Muốn dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, Hà Nội cần cải thiện nhân quyền’(DLB)

ĐIỀU GÌ KHIẾN NGOẠI TRƯỞNG MỸ TRỞ LẠI TRUNG ĐÔNG? – (Basam)
XUNG ĐỘT TRÊN BIỂN ĐÔNG BUỘC MỸ PHẢI TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH TRỞ LẠI CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG – (Basam)
NHÂN TỐ MỸ TRONG CHÍNH SÁCH CỦA PHILIPPIN ĐỐI VỚI BIỂN ĐÔNG – (Basam)

Tướng TQ “đe” Ấn Độ, “mắng” Philippines  (Tamnhin)   —Trung Quốc có thể rút khỏi UNCLOS (SGTT)—-Khẳng định chủ quyền không thể lay chuyển (ANTĐ)—-Những bằng chứng lịch sử về Trường Sa, Hoàng Sa (NNVN)
Nhật Bản quyết ‘không lùi bước’ trước Trung Quốc (Infonet)

Trạm phó CSGT Cam Ranh mất chức (PLTP)
Cảnh sát dẫn đầu trên biểu đồ tham nhũng (PLTP) - “Tham nhũng tăng lên trong hai năm qua, trong đó cảnh sát vẫn là lĩnh vực có mức độ tham nhũng nhiều nhất”. Kết quả khảo sát phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2013 về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam công bố vào chiều 9-7 cho biết như trên. .  CSGT vẫn đầu sổ
Luật sư bị làm khó: Chuyện… bình thường? (PLTP)

Kinh tế

Liệu kinh tế Việt Nam sẽ thoát đáy? (RFA)   –Kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt yêu cầu tăng trưởng (RFA)
Đấu thầu vàng: Càng bán càng lãi càng lo (VnEc)
Tình trạng 2 tỷ giá lại xuất hiện trong ngân hàng  (ĐVO) – Giá niêm yết trên bảng kịch trần 21.246 đồng một đôla, ngân hàng bán ra cao hơn thế vài trăm đồng cho một số khách
Hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xây dựng cơ bản (ĐV)   —Bộ Tài chính công khai số tiền dân ‘ứng trước’(ĐV)  —Chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt: Lại kích cầu?(ĐV)
Dầu khí tìm cách đòi nợ điện lực 9.000 tỷ đồng (DV)   —Xem xét tăng giá bán than cho sản xuất điện: Giá điện lại tăng? (DV)
Giá gạo Việt Nam rẻ nhất thế giới (DV)
Công khai nhưng chưa minh bạch!  (NLĐ) -Việc công khai số dư của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vẫn chưa giải tỏa được bức xúc của người dân về những bất cập trong nguyên tắc trích và sử dụng nó  >>>Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn dư hơn 55 tỉ đồng
USD tự do bất ngờ giảm 200 đồng  -TTO – Sau nhiều ngày tăng nóng, giá bán USD trên thị trường tự do ngày 9-7 bất ngờ hạ nhiệt.
Lật tẩy đường dây “ma” mua bán titan (LĐ)

Thế giới

Thêm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng -(RFI)   —Đại diện Hàn Quốc thị sát khu công nghiệp Kaesong -(RFI)
Đức bán tên lửa xuyên phá cho Hàn Quốc “khiêu khích” Triều Tiên (GDVN)
Nhật Bản công khai lên án hành vi nguy hiểm của Trung Quốc -(RFI)   —Nhật phê phán TQ (BBC)  — Giấc mơ Trung Hoa (BBC)   —Nhật tăng cường sức mạnh quân sự đề phòng TQ (RFA)   ——Các nước láng giềng bất bình vì Bạch thư Quốc phòng mới của Nhật (VOA)
Công an Trung Quốc bắn người Tây Tạng -(RFI)   –Trung Quốc khủng hoảng tín dụng ? -(RFI)   —Giảm thọ 5 năm rưỡi vì được cung cấp than miễn phí -(RFI)  –Chính sách than miễn phí hại người TQ (BBC)  —-Hiếp dâm tập thể, con trai một vị tướng Trung Quốc bị khởi tố -(RFI)   –Hoàng Hải biến thành « biển xanh » -(RFI)
TQ cam kết chống lực lượng trung thành với Đức Đạt Lai Lạt Ma (RFA)   —TQ bất ngờ lộ ý định sắm hàng nóng của Mỹ (ĐV)   –Vì sao TQ không muốn mua tàu ngầm mà chỉ muốn mô-đun của Nga? (GDVN)
Mỹ sẽ rút hết quân khỏi Afghanistan trong năm tới? (RFA)   –Mỹ-Trung khởi sự cuộc đối thoại về an ninh mạng (VOA)
Pháp tăng cường quan hệ với ASEAN -(RFI)   —Dân Pháp lười biếng? -(RFI)
Cairo thông báo lịch trình chuyển tiếp chính trị -(RFI)   —Ai Cập: chính phủ lâm thời tuyên bố sẽ sớm bầu cử (RFA)    —Nhóm Huynh đệ Hồi giáo bác bỏ kế hoạch chuyển tiếp tại Ai Cập (VOA)   —-Cư dân thủ đô Ai Cập hy vọng tình hình yên tĩnh lại (VOA)   –Huynh đệ Hồi giáo bác kế hoạch bầu cử (BBC)

 Chính phủ lâm thời Ai Cập chọn thủ tướng (VOA)

Tổng thống Miến Điện sắp thăm Paris và Luân Đôn -(RFI)   —Latvia sẽ sử dụng đồng euro vào đầu 2014 -(RFI)
Hungary cải cách ruộng đất để thâu tóm đất đai cho các nhóm lợi ích thân chính phủ -(RFI)
Sai lầm của Edward Snowden (BBC)   —Venezuela chính thức nhận đơn xin tị nạn của Snowden (VOA)
Nước Anh háo hức đón chờ thành viên mới của Hoàng gia chào đời -(RFI)  —Tai nạn tàu hỏa tại Canada : Nguyên nhân do hệ thống phanh ? -(RFI)
Tổng thư ký LHQ yêu cầu thanh tra vũ khí hóa học toàn lãnh thổ Syria (GDVN)
Vụ tai nạn máy bay Asiana: Phi công đang học lái Boeing 777 -(RFI)   —Đài Loan: tay vợt vô địch đôi nữ Wimbledon sẽ lấy quốc tịch TQ (RFA)
Các công ty bán lẻ trên thế giới kiểm tra công xưởng ở Bangladesh (VOA)   —Nạn tham nhũng gia tăng trên thế giới (VOA)
Chương trình an ninh lương thực Ấn Độ đối mặt với nhiều hoài nghi (VOA)   —Hải tặc Somalia bị tòa Mỹ kết án tội cướp tàu, giết người (VOA)

Văn hóa – Xã hội - Môi trường - Giáo dục – Khoa học

Chuyện ít biết về dân tộc mới xuất hiện ở Việt Nam? (VTC)  — Văn Cao – 18 năm về cõi thiên thai (NLĐ)
Kết thúc ngày đầu thi đợt 2: 125 thí sinh bị xử lý kỷ luật (DT)    –Cô bé học giỏi nhặt rác nuôi ước mơ làm bác sĩ (DV)

Nhung buc anh 'lam hong' danh tieng cua sao Viet
Những bức ảnh ‘làm hỏng’ danh tiếng của sao Việt (Soha)====>>>
Hội An: cháy nhà cổ trên đường Trần Phú (RFA)   —Cháy lớn ở Hội An, một nhà cổ bị thiêu rụi (VTC)
Tin hot 9/7: Ống hút chứa chất gây ung thư  (VTC News)- Ống hút làm từ nhựa phế thải, đường dây lừa đảo chạy công chức ở Lạng Sơn, hé lộ thêm nghi vấn máy bay rơi ở Mỹ là những tin nổi bật ngày 9/7.
Nữ sinh Sài Gòn bị nước cuốn: Tang thương nhà đại thể  (VTC News) -   —Nữ sinh lớp 8 rạch mặt nữ sinh lớp 8 (TT)   —Bộ Công an bỏ phạt “thả rông, nói tục” (KP)   —-Dân ùn ùn ra hôi xăng trên xác xe gặp nạn (ĐV)   —Kẻ đâm chết người trước mặt công an ‘thường không sợ ai’(ĐV)
Thu của NSƯT Kim Tử Long 300 triệu và hàng ngàn USD(ĐV)   —-Huyết chiến bờ sông Yên: ’Chỉ vì một con ngao…’ (ĐV)   –Bộ Văn hóa chỉ đạo thu hồi đĩa lậu “Bụi đời chợ Lớn” (DT)   —-Phát hiện mẫu cá tầm nhiễm chất cấm (DT)

Trộm hàng hóa và bán cả container của khách hàng (TN)    —Nhân viên sứ quán Mỹ đổi visa lấy tình lẫn tiền(TN)  —-Đang ngủ, một sinh viên bị nhà sập đè chết(TN)
Thanh niên nhảy lầu tầng 3 ở trụ sở Công an bị đề nghị chuyển viện (GDVN)   —Sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục…bán dâm (NLĐO)   —Băng nhóm nhí trộm 2, 2 tỉ đồng (NLĐ)
Trên cả… “thảm họa”! (NLĐ)-Rapper Wowy trình diễn trong chương trình Art work is work – Lễ hội Âm nhạc ASEAN – Hà Nội – Việt Nam. (Ảnh cắt từ clip trên YouTube) ===>>>

Đấy, những thứ này thì tha hồ tuyên truyền- Cổ vũ cho bạo lực xã hội!!!

https://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=e9fun0cZkgw

Một cửa hàng đèn trang trí bốc cháy ngùn ngụt (TT) — Thi hành án Phú Yên lên tiếng vụ cụ bà 83 tuổi tự thiêu (TT)   —Giả danh lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc lừa đảo hàng loạt người (TT)
Bắt tại trận chủ tịch xã “tòm tem” vợ trưởng trạm y tế (TT)  —Sân bay Đà Nẵng phải cắt điện vì nước tràn vào (VNEx)   —Hất xô axít vào chồng trong cơn cuồng ghen (VNEx)   —Chì chiết vợ sẽ bị phạt ít nhất một triệu đồng (VNEx)

LIÊN MINH NGA – MỸ CHỐNG CHỦ NGHĨA BÀNH TRƯỚNG TRUNG CỘNG?

1BỐI CẢNH LỊCH SỬ:
Trung Cộng và Nga có chung chiều dài biên giới khoảng 4.300 km. TC có diện tích rộng khoảng 9.560.900 km2, dân số 1 tỷ 344 triệu (2011), con số nầy ngày càng gia tăng.Trong khi đó, Nga có diện tích rộng đến 17.075.400 km2, nhưng dân số có khoảng 143 triệu dân (2011), con số nầy ngày càng giảm. Phần Châu Á chiếm 72% diện tích lãnh thổ Nga, nhưng chỉ có 28% dân Nga sinh sống trên một lãnh thổ rộng mênh mông. Ngược lại, phần Châu Âu chỉ chiếm 28% diện tích lãnh thổ Nga, nhưng có đến 75% người Nga sinh sống.
Phía biên giới Nga – Trung đã có hơn 200 triệu người Hoa sinh sống, con số nầy còn nhiều hơn cả dân số nước Nga. Trong khi đó, số người Nga đang sinh sống tại vùng Viễn Đông rộng lớn giàu tài nguyên, đang là vùng đất hứa đối với TC, nhưng chỉ có 5 triệu người Nga sinh sống. Một số nhà phân tích Nga cho rằng TC đang lên kế hoạch lấn chiếm và kiểm soát toàn bộ vùng Viễn Đông và nhận định rằng mối hiểm họa đến từ các chính sách lấn chiếm của TC đang thực hiện tại Mông Cổ, Trung Á thậm chí còn nguy hiểm hơn cả mối đe dọa từ quân sự. Điều nguy hiểm hơn cả lại đến từ bên trong nội bộ nước Nga, điện Kremlin vẫn chưa có chính sách rõ rệt đối với vùng đất rộng lớn mênh mông và dân Nga sống thưa thớt này, nếu như chính phủ để ý quan tâm đến việc điều chỉnh dân số tại đây thì mối đe dọa từ TC sẽ giảm đi phần nào.
Nga và TC vốn có những bất đồng sâu sắc lịch sử về biên giới. Giữa thế kỷ 19, sau hàng trăm năm chinh chiến để mở rộng biên cương lãnh thổ, Nga đã nắm chủ quyền gần như toàn bộ vùng Viễn Đông thông qua các hiệp ước được ký kết với Triều đình Mãn Thanh và đã nhượng cho Nga kiểm soát toàn vùng Viễn Đông và thành phố cảng Vladivostok.
Vào thập kỷ 30, dưới thời Joseph Stalin, nhiều người Hoa đã bị đẩy về bản quán sau nhiều chục năm sống trên lãnh thổ Nga. Sau cách mạng Trung Hoa 1949, quan hệ giữa hai đồng chí anh em được cãi thiện, nhưng rồi nổ ra cuộc xung đột biên giới vào năm 1960 và hàng rào thép gai được dựng lên trên đường biên giới, nhưng người Hoa vẫn lén lút đột nhập sang Nga sinh sống, khiến dân Nga từ lâu đã lo ngại về hình ảnh người Hoa sống trên đất của mình.
Điều nầy dấy lên sự căm ghét lẫn nhau là do làn sống nhập cư của người Tàu. Để đối phó với làn sóng người Hoa di dân ồ ạt nầy, chính quyền địa phương mới đầu cho phép tự do đi lại, không cần thị thực nhằm phát triển thương mại, nhưng sau đó áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với những ai muốn ở lại sinh sống, đặc biệt đối với những doanh nhân người Hoa càng thành công, càng bị để ý. Người Hoa ở vùng Viễn Đông thường bị cảnh sát chặn xét giấy tờ, đòi hối lộ. Wei Zeze 42 tuổi đã buôn bán ở Khabarovsk trên 10 năm, nói rằng: “Nếu không có hộ chiếu là kể như xong! Kể cả có giấy tờ hợp lệ, họ cũng đòi phạt từ 500 đến 2.000 rúp (16 – 65 USD).
Sergei Pushkaev – Phụ trách cơ quan di trú tỉnh Primorye (giáp ranh với Khabarovsk) – cay đắng nói: “Nếu người Hoa muốn chiếm Primorye, họ đủ khả năng tràn ngập và định cư trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Chúng ta không thể quay lại thời của BỨC MÀN SẮT.” Đa số người Nga bản địa ganh tị và cay cú khi nhìn sang bên kia biên giới, thấy những thành phố của TC phát triển với tốc độ chống mặt với những cao ốc phản chiếu ánh đèn điện chói lọi, phản ảnh sự giàu có mà người Nga bản địa cho là cư dân phía bên kia biên giới có được là nhờ ăn cắp tài nguyên của Nga.
Hãy lắng nghe Alexei Mortsevm, một cựu thủy thủ, phát biểu: “Trước kia, người Hoa bị coi là những lao động rẻ mạt và các ông chủ người Nga cố thuê được càng nhiều càng tốt. Nhưng, giờ đây người Nga lại biến thành những kẻ làm thuê cho họ.”
Lyudmila, một giáo viên về hưu bất mãn, nói: “Người Hoa xử sự như thể là chủ nhân ở đây vậy. Cớ gì mà chúng tôi lại phải chào đón họ. Họ phất lên trên đầu chúng tôi!” Lyudmila vừa nói, vừa xách hai giỏ nặng trĩu hàng hóa do TC sản xuất đi ra khỏi chợ.
Bên ngoài cổng chợ, đám đàn ông lái taxi với vẻ mặt ảm đạm, lầu bầu luôn miệng. Slava từng có 20 năm thâm niên trong binh chủng hải quân, nói rằng: “Đã đến lúc người Nga phải hành động! Cần phải tống cổ họ đi, bởi miền đất nầy là của những chàng IVAN. Nếu không, chẳng mấy chốc chính chúng ta sẽ biến thành dân nhập cư.” Thế rồi, một bà cụ 65 tuổi, chua chát kết luận: “Những ngày Khabarovsk được coi là thành phố của Nga chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.”
Toàn vùng Viễn Đông hiện nay, chỉ có 5 triệu người Nga sinh sống. Còn ở phía Đông – Bắc Hoa Lục lại có đến 200 triệu người Hoa. Sự hiện diện dân số áp đảo của người Hoa; tất nhiên, đặt câu hỏi liệu Bắc Kinh có đòi lại vùng lãnh thổ, những nơi bị Nga Hoàng thôn tính theo thỏa ước AIGUN năm 1858 và Bắc Kinh năm 1860. Nhưng, các nhà lãnh đạo TC từ Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình chưa bao giờ thừa nhận hai thỏa ước nói trên và tuyên bố rằng: “Người Nga đã lấn chiếm lãnh thổ của họ cách đây một thế kỷ. Mao Trạch Đông còn trích dẫn rằng, đáng ra Vladivostok, Khabarovsk và Kamchatka thuộc chủ quyền của Trung Hoa.”
Miền Viễn Đông là vùng nổi tiếng là nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú như dầu mỏ, khí đốt, gỗ…rất cần cho sự phát triển kinh tế của TC. Giới phân tích Nga nói, không có lý do gì mà điện Kremlin lại buông lỏng sự kiểm soát miền Viễn Đông, đó còn cửa ngõ vươn ra Thái Bình Dương đều qua cảng Vladivostok là cảng nước ấm duy nhất và lớn nhất của Nga tại miền Viễn Đông.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ về sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Cộng tại vùng Viễn Đông, rằng Moscow cần bảo vệ khu vực khỏi “SỰ MỞ RỘNG QUÁ ĐÁNG CỦA QUỐC GIA LÁNG GIỀNG” đã cho thấy những lo ngại của Điện Kremlin về sự gia tăng ồ ạt dân nhập cư từ Hoa Lục tới vùng Siberia và Viễn Đông, có thể gây ra mối đe dọa với các vùng lãnh thổ xa xôi và thưa thớt dân cư của Nga.
Chánh phủ của Thủ tướng Medvedev đã chỉ định Bộ trưởng vùng Viễn Đông để thúc đẩy “chánh sách di dân mới” của chánh phủ và một trong chánh sách đó là đưa 400 gia đình từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ tới khu vực để tăng số lượng dân số nói tiếng Nga. Hồi đầu năm 2013, Tống thống Putin cho biết chính sách di trú mới là những người thiểu số tại Nga phải hiểu văn hóa nước Nga và thành phần lao động nhập cư phải trải qua các cuộc sát hạch về tiếng Nga và lịch sử.
Qua bối cảnh lịch sử giữa Nga – Hoa là như thế, hết Mao rồi tới Đặng vẫn coi Nga là kẻ thù số một, chứ không phải Hoa Kỳ. Vào cuối thế kỷ thứ 19, Tsar Hoàng không tốn một viên đạn đã chiếm gần 2.000.000 km2 và cưỡng chiếm cảng Hải Sâm Uy của Tàu, sau đổi tên là cảng Vladivostok. Trong khi Nga và liệt cường xâu xé Trung Hoa, dân Tàu đều hiểu rõ rằng Hoa Kỳ không có chủ trương xâm chiếm lãnh thổ của họ, không lập tô giới (concession) như các nước Anh, Pháp, Nhật Bản.
PHÂN TÍCH DIỆN & ĐIỂM TRONG CHIẾN LƯỢC BÀNH TRƯỚNG CỦA TC:
ĐÂU LÀ DIỆN?
Chiến lược bành trướng lãnh hải của TC tại vùng Biển Đông & Hoa Đông ngày nay đã thay đổi, đối với TC chỉ là “LƯỠNG DIỆN”. Chiến tranh còn lâu mới nổ ra ở hai vùng biển nầy giữa TC và Hoa Kỳ & đồng minh. Đây chỉ là một cuộc chiến tranh cân não, TC luôn “gây hấn” mà không “gây chiến”, động khẩu bất động thủ. TC chỉ dám hù dọa các nước nhược tiểu như Philippines, Việt Nam, Malaysia. Riêng Philippines nhờ có Mỹ và Nhật chống lưng nên còn lâu TC mới dám động thủ. Vì một quần đảo nhỏ Điếu Ngư / Senkaku mà gây chiến với Nhật, cuộc xung đột quân sự sẽ khó đoán ai thắng, ai bại, nhưng nếu Mỹ can thiệp thì chắc chắn TC sẽ bị đánh bại 100%.
Theo Vasily Kashin – Trung tâm Phân tách Chiến lược của Nga – cho rằng: “Nếu hai bên xảy ra xung đột, sử dụng lực lượng quân sự ngang nhau, người TC sẽ tổn thất to lớn vì hiện nay ưu thế vũ khí tối tân của Nhật rất nổi bật, tổ chức cá nhân tác chiến cá nhân cao hơn.”
Đó là chưa kể tinh thần CHỦ NGHĨA DÂN TỘC CỰC ĐOAN của Nhật là không thể để ai  bắt nạt hay hù dọa…nhưng nếu như Nhật chỉ dựa vào sức mạnh của mình là chính thì sẽ không thể ngăn được bước tiến của TC. Về mặt chiến lược, TC sẽ ở thế công làm chính, còn Nhật thì nghiêng về thế phòng ngự. Một cuộc chiến Trung – Nhật  bùng nổ chỉ vì một quần đảo nhỏ Điếu Ngư / Senkaku thì Bắc Kinh phải xét lại những tổn thất khủng khiếp mà hy vọng giành được chiến thắng cũng rất mong manh, nếu như lực lượng vũ trang Ấn Độ nhập cuộc gây sức ép mặt trận phía Tây, TC sẽ rơi vào giữa hai gọng kềm Ấn – Nhật, đó là chưa kể hải quân Hoa Kỳ & đồng minh nhập cuộc khống chế biển Đông thì sao? Tờ L’Humanité nhận định, Hoa Kỳ đã thể hiện rõ ràng nghiêng về phía Nhật Bản trong việc tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật và TC.
Chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của TC tại Biển Đông đang gây hỗn loạn và làm đảo lộn trật tự ở Biển Đông do tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp với gần như toàn bộ 80% diện tích Biển Đông, cũng như việc leo thang bành trướng sức mạnh, gây sức ép lên trên các nước láng giềng trong khu vực là Philippines, Việt Nam, Malaysia. Hành động ngang ngược của TC hoàn toàn sai trái với Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS), vì Biển Đông là một vùng biển quốc tế và không có chuyện TC mặc nhiên tuyên bố chủ quyền là không thể tranh cãi. Ở vào thế kỷ XXI, bọn lãnh đạo Bắc Kinh tin tưởng hoang đường rằng sức mạnh quân sự là cái lý của kẻ mạnh vẫn thắng.
Chính trị của Trung Cộng khả dĩ thu vào 2 điểm chính, theo nguyên tắc của Hàn Phi Tử:
•        Đối ngoại không gì hơn thực lực: “Lực đa tắc nhân triều, lực thiểu tắc triều ư nhân cố minh quân vụ lực” (Lực khỏe thì thiên hạ theo ta, lực yếu thì ta buộc phải phục tùng thiên hạ, cho nên vua giỏi là phải kiến thiết lực mạnh).
•        Đối nội không gì hơn quyền lực: Việc trong một quốc gia mà không có quyền lực thống trị thì làm sao thay đổi cả một nếp sống của cả dân tộc?
Kể từ năm 2012, là năm bắt đầu Biển Đông không ngừng dậy sống vì tham vọng độc chiếm Biển Đông của TC được thể hiện bằng những hành động gây hấn liên tục nhằm thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông với cái gọi là “Đường 9 đoạn” phi pháp hay còn gọi là “Đường lưỡi bò”. Nhìn từ gốc độ phát triễn kinh tế và ổn định xã hội Hoa Lục thì tham vọng độc chiếm Biển Đông có hai mục tiêu rõ rệt mà Bắc Kinh muốn thực hiện:
•        DẦU KHÍ: Xác định nguồn dầu khí Biển Đông là “tài sản quốc gia”: Theo tờ Oil Price số ra ngày 17/2/2013 đưa tin TC đưa ra tuyên bố nầy vào thời điểm, Cơ quan Thông tin Năng lượng của Mỹ (EIA) công bố tiềm năng dầu khí ở Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của VN), hiện đang có 5 nước tuyên bố chủ quyền càng làm gia tăng thêm căng thẳng. Với sức chứa 11 tỷ thùng dầu và 190 ngàn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên, trong khi đó cũng đưa ra số liệu khảo sát của tập đoàn dầu khí ngoài khơi TC (CNOOC) cho rằng Biển Đông dự trữ khoảng 125 tỷ thùng dầu và 500 ngàn tỷ mét khối tự nhiên để phục vụ cho nền công kỷ nghệ của TC.
Oil Price còn cho rằng, đó chỉ là những dữ liệu, không một ai biết chính xác trữ lượng dù ở khu vực Biển Đông, chỉ thấy các tàu hải quân TC luôn hung hăng và xua đuổi hoặc cắt cáp các tàu khảo nước ngoài, đặc biệt là của VN.
•        HẢI SẢN: Các chuyên gia ngư nghiệp cho biết: TC đã báo cáo quá thấp lượng hải sản mà tàu cá viễn dương của họ đánh bắt cá tại các vùng biển trên thế giới. Một cuộc nghiên cứu mà kết quả được công bố hồi tháng 3/ 2013 cho thấy lượng hải sản mà tàu TC đánh bắt thực tế cao hơn gấp 12 lần con số chánh thức.
Từ Bangkok, thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA gởi về bản tường trình sau đây: Các số liệu chính thức mới nhất của năm 2011 cho thấy, TC có hơn 1.600 chiếc tàu đánh cá hoạt động bên ngoài khu vực mà họ cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Hoa Lục. Bắc Kinh báo cáo rằng từ năm 2.000 đến năm 2011, những chiếc tàu đó chỉ đánh bắt trung bình 368.000 tấn cá / năm. Nhưng, trên thực tế, ước tính tổng sản lượng cá mà TC đánh bắt được khoảng  56 triệu tấn mỗi năm, đứng đầu thế giới.
Chuyên gia ngư nghiệp Daniel Pauly nói rằng, một số tàu cá TC còn mang cờ nước ngoài để che giấu xuất xứ. Ông đánh giá, nếu số lượng cá do các tàu cá của các Âu Châu gộp chung lại, cùng lắm là chỉ bằng phân nửa đội tàu cá của TC. Ông kết luận, vấn đề báo cáo thấp đe dọa tới các khu vực cần nổ lực bảo vệ nguồn cá của thế giới.
Theo báo cáo Cục Ngư Nghiệp của TC trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011 – 2015), TC sẽ dự kiến sẽ đóng thêm nhiều tàu ngư chính vừa làm nhiệm vụ giám sát và vừa bảo vệ các tàu đánh cá của họ. Trong đó, có một tàu ngư chính có trọng tải 2.500 tấn, chở cả trực thăng, chủ yếu hoạt động tại khu vực Biển Đông. Ngoài ra, TC còn lên kế hoạch đóng thêm 3 đến 5 tàu ngư chính lớn với trong tải 5.000 tấn để yểm trợ khoảng 297.937 tàu đánh cá được cơ giới hóa với số ngư dân Hoa Lục ước tính khoảng 8 triệu người với quyết tâm vét cá, khai thác hải sản trên các đại dương để thỏa mãn nhu cầu gần 1 tỷ 400 triệu nhân khẩu.
Tóm lại: Với ảnh hưởng sức mạnh ngày càng gia tăng, TC giả vờ như muốn giải quyết tranh chấp ở Biển Đông & Hoa Đông bằng vũ lực giữa TC với các nước láng giềng xung quanh trên cơ sở song phương và không có sự can dự của hải quân Hoa Kỳ hoặc các thế lực bên ngoài. Nhưng, đó chỉ là hư chiêu “thanh đông kích tây” của Bắc Kinh.
ĐÂU LÀ ĐIỂM CHIẾN  LƯỢC?
Như tôi vừa trình bày, chiến lược “GIÀNH ĐẢO LẤN BIỂN” Hoa Đông & Biển Đông của TC chỉ nhằm bành trướng lãnh hải để chiếm đoạt các mỏ dầu hỏa và hải sản. Ngoài ra, TC không có tham vọng vùng vũ lực để bành trướng lãnh thổ đánh chiếm nước Nhật, Philippine, Malaysia vì quá lãnh thổ của các nước nầy quá nhỏ hẹp, lại có nguy cơ đụng độ với lực lượng hải quân Hoa Kỳ & Đồng minh, còn Ấn Độ là nước quá đông dân. TC chỉ lo ổn định khu vực phía Bắc Hoa Lục, đàn áp các cuộc nổi dậy của khu vực tự trị Tân Cương, Tây Tạng và Mông Cổ. Riêng VN ngày nay đã trở thành thuộc địa của TC, bọn Bắc Kinh đã tạm dùng bọn Việt Gian bán nước Trọng, Sang, Dũng… làm thái thú cai trị dân bản xứ với ý đồ Hán hóa dân Việt Nam như đã cố gắng “Hán hóa” Tây Tạng, Tân Cương và Mông Cổ.
Vậy thì đâu là ĐIỂM CHIẾN LƯỢC của TC? Đó là nước NGA rộng bao la mà dân thưa, chỉ có 143 triệu người Nga so với 1 tỷ 344 triệu người Hoa. Bọn Bắc Kinh âm thầm thực hiện ý đồ là phải nổ lực lấy lại phần lãnh thổ trên 2.000.000 km2 mà Tsar Hoàng đã chiếm đoạt của Triều đình Mãn Thanh vào thế kỷ 19, để giải quyết vấn đề sanh tử là nạn “NHÂN MÃN”. TC cần mở rộng không gian để sinh tồn, vì dân Hoa Lục thiếu đất và nước cho nhu cầu sinh hoạt để tồn tại, diện tích canh tác tính theo đầu người chỉ bằng 1/3 trung bình của thế giới. Miền Trung Nguyên Hoa Lục trù phú nhờ lưu vực sông Hoàng Hà và Trường Giang bồi đấp và đây là nơi sinh sống của 400 triệu người với mực độ dân số quá cao. Phần đất còn lại, khả dĩ còn có thể canh tác được thì khô cằn vì hạn hán và dần dần bị sa mạc hóa rất khó phát triển để nuôi sống 900 triệu dân còn lại.
TC dùng chiêu “LIÊN MINH VỚI NGA” là để “CÔ LẬP NƯỚC NGA” với thế giới tự do. Để bảo toàn lực lượng dành cho trận đánh quyết định với Nga trong tương lai; vì vậy còn lâu TC mới dám gây chiến với Hoa Kỳ & đồng minh Ấn, Nhật, Úc, Hàn và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Bọn lãnh đạo Bắc Kinh không bao giờ dám phiêu lưu quân sự, sử dụng vũ lực đánh vào “mục tiêu phụ”, một khi biết đánh không thể thắng mà còn hao binh tổn tướng vô ích.
TC XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG CHO TRẬN ĐÁNH QUY MÔ VỚI NGA?:
Nhà phân tách Hramchihin Alexander – Viện Phân tích Chính trị Quân sự Nga – đưa ra những nhận định, QĐNDTQ (PLA) đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh trên bộ quy mô lớn mà đối thủ chính là nước NGA:
PLA DUY TRÌ QUÂN SỐ ĐÔNG NHẤT THẾ GIỚI:
Quân số các lực lượng vũ trang TC hiện nay là 2,3 triệu người. Cơ cấu của lực lượng vũ trang TC bao gồm 850.000 bộ binh, 235.000 chiến sĩ hải quân và 398.000 chiến sĩ không quân, chưa kể quân số cảnh sát vũ trang nhân dân và lực lượng pháo binh thứ hai (tức lực lượng tên lửa chiến lược). Với quân số bộ binh đông áp đảo như vậy dùng để tiến hành một cuộc tấn công thần tốc trên bộ, chớ không phải để phòng thủ Hoa Lục. PLA sẽ áp dụng chiến thuật BIỂN NGƯỜI tấn công tràn ngập các mục tiêu trên bộ thật dễ dàng.
PLA đang duy trì lực lượng trên 4.000 xe tăng hiện đại loại Type-96 và Type-99 mà vẫn duy trì hàng ngàn xe tăng thế hệ cũ vẫn đang trong tình trạng hoạt động tốt. Trong khi đó, các xe tăng hiện đại nhất của TC là Type-99 đang tập trung tại các đại quân khu Bắc Kinh, Thẩm Dương, đặc biệt là đại quân khu Lan Châu vùng tiếp giáp với lãnh thổ Nga.
Ngoài lực lượng xe tăng khổng lồ, TC còn đang xây dựng một lực lượng xe thiết giáp đông đảo nhất thế giới như WZ-502, một biến thể của ZDB-04, sao chép từ xe chiến đấu bộ binh BMP của Nga.
Không chỉ phát triển lực lượng xe tăng, thiết giáp hùng hậu, TC còn nhanh chóng phát triển LỰC LƯỢNG PHÁO BINH. Hiện tại, TC đang đưa vào hoạt động hơn 250 khẩu pháo tự hành hạng nặng PLZ-05 cỡ nòng 155 ly. Đặc biệt, TC đang phát triển những loại pháo phản lực loạt MRLS có tầm bắn xa nhất thế giới hiện nay. Loại pháo phản lực WS-2 có tầm bắn lên đến 200 km, biến thể nâng cấp WS-2D có tầm bắn lên đến 400 km. Mặc dù loại MRLS có độ chính xác không cao lắm, nhưng số lượng MRLS rất lớn còn đang hoạt động trong QĐNDTQ, nó phục vụ hữu hiệu vào mục đích tấn công hơn là phòng thủ. Ngoài ra, TC còn có một số lượng rất lớn loại pháo PHL-03, sao chép từ BM-30 Smerch của Nga.
THỜI ĐIỂM TẤN CÔNG:
Cuộc tổng tấn công chắc chắn sẽ xảy ra vào mùa đông vì vào thời điểm đó sông AMUR và hồ BAIKAL đóng băng, không gây trở ngại cho việc điều động lực lượng vũ trang TC vượt sông và hồ. Đồng thời, vào mùa đông thì biển Bắc Băng Dương cũng bị đóng băng, Nga không thể vận tải nhu yếu phẩm cung cấp cho các khu vực thuộc lãnh thổ phía đông sông YENISEY theo tuyến đường biển ở phía Bắc được nữa. Chỉ có thể vận chuyển hàng hóa, quân trang, quân dụng theo tuyến đường duy nhất là xuyên Siberia, tuyến đường nầy sẽ bị cắt  đứt tại nhiều khu vực ở phía Tây sông Yenisey do di dân người Hoa bất hợp pháp, họ có mặt rải rác khắp nơi mà chính quyền Nga không biết chính xác là bao nhiêu, họ không chỉ tràn ngập ở Siberia và vùng Viễn Đông mà cả ở Matxcova và St Petersburg khi cần thiết.
CÁC HƯỚNG TẤN CÔNG:
Các sư đoàn bộ binh và cơ giới của QĐNDTQ sẽ xuất phát  từ khu vực Khailar tiến về phía Tây theo trục Chita – Ulan – Ude – Irkutsk. Sau khi chiếm được Irkutsk thì mục tiêu tiếp theo sẽ là tuyến sông Yenisey. Nhìn chung, lực lượng vũ trang của Nga quá ít so với quân TC,   không đủ khả năng dàn trải quá mỏng để bảo vệ lãnh thổ vùng Siberia rộng bao la và vùng Viễn Đông và rất khó chống đở được các mũi tấn công ồ ạt của quân TC.
Một khi toàn vùng lãnh thổ phía Bắc và phía Đông Chita va Krasnoiarsk của Nga bị quân TC bao vây và cô lập, mục tiêu kế tiếp là chiếm lĩnh vùng Amur, các khu vực thuộc Primorski và Khabarovsk sẽ bị tràn ngập và Nga sẽ không có bất kỳ khả năng nào để bảo vệ Lakutia, Sakhaline và Camchatca. Sau khi chiếm được vùng Viễn Đông và một phần phía đông Siberia,  TC đã hoàn tất tham vọng tái chiếm lại một vùng lãnh thỗ rộng lớn để giải quyết “NẠN NHÂN MÃN”, di dân Hoa Lục sẽ ồ ạt đến sinh sống tại các vùng đất giàu tài nguyên mỏ dầu, tha hồ mà khai thác…
Nga sẽ không có một chút khả năng nào tái chiếm lại vùng lãnh thổ đã mất về tay TC. Ngoại trừ, việc Nga liên minh chiến lược được với Mỹ, nhờ lực lượng Mỹ & đồng minh nhập cuộc, đổ bộ lên dọc bờ biển phía Nam Hoa Lục mới có thể giải tỏa áp lực quân TC ở mặt trận phía Bắc và phía Đông Hoa Lục, giúp cho lực lượng vũ trang của Nga phản công, tạo thành thế “GỌNG KỀM”. Ấn Độ sẽ không bỏ lở cơ hội tấn công bên sườn phía Tây Hoa Lục tái chiếm lại phần lãnh thổ đã bị TC cưỡng chiếm.
Việc nầy tùy thuộc vào sự sáng suốt của giới lãnh đạo Điện Kremlin biết cân nhắc lợi hại: “LIÊN MINH VỚI MỸ” hay “LIÊN MINH VỚI TRUNG CỘNG” đằng nào có lợi cho sự tồn vong của nước Nga? Còn bán vũ khí tối tân như máy bay ném bom Tu-22M3 và máy bay chiến đấu Su-35K cho TC là hành động nối giáo cho giặc đâm sau lưng mình.
CHIẾN LƯỢC “TÂY TIẾN” TRÁNH ĐỤNG ĐỘ VỚI MỸ & LẤN SÂN CỦA NGA:
Hơn 20 năm sau ngày Liên bang Xô Viết sụp đổ, TC cạnh tranh không nhân nhượng với Nga với tư cách là một nước đầu tư lớn nhất và là nước bạn hàng buôn bán nhiều nhất với các nước từng là các nước cộng hòa nằm trong Liên bang Xô Viết cũ, một thời là những thuộc địa kinh tế của Nga trước đây như: Belarus, Ukraina, Kazakhstan, Turmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan. Với số lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ chuyển về Hoa Lục, TC đã đánh bạt Nga trong tư thế một nguồn mậu dịch và đầu tư lớn nhất tại những nước Cộng Hòa Sô Viết cũ.
Theo Konstantin Von Eggert – một nhà Phân tích chính trị Nga – nhận địnhrằng: “Nga không còn đủ sức mạnh chánh trị, kinh tế hay quân sự để chống lại sự xâm nhập của TC vào vùng xưa nay được xem như là vùng quyền lợi thiết yếu của Nga như  TT Medvedev có lần tuyên bố. Đây là một chỉ dấu về sự suy tàn của Nga thời hậu đế quốc.” Thật vậy, chủ trương của TC lùng sục khắp thế giới để vơ vét tài nguyên chuyển về Hoa Lục, càng ngày TC càng xâm nhập vào các phần đất thuộc Liên Xô cũ, những khu vực mà từ trước đến nay Điện Kremlin coi như sân sau của Nga. Ông Von Eggert nói tiếp: “Người Nga không mấy hài lòng với sự kiện đó, nhưng đồng thời họ phải im miệng, vì họ chẳng làm gì được. Nước Nga đang mất lần thế đứng tại những nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết cũ trong thời hậu Xô Viết.”
Theo bài viết mới đây của tác giả P. BOLOLOV đăng tên báo Lenta, đưa tin: Vào đầu tháng 5/2013, các phương tiện truyền thông đại chúng tại TADZIKISTAN, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ,  đưa tin  về việc Trung Cộng đưa quân đội vào Khu tự trị GOMO – BADAKHSHANSKAIA của nước nầy và như vậy, trên thực tế TC đã bắt đầu chiếm đóng Tadzikistan.
Năm 2011, Tadzikistan đã cắt một phần lãnh thổ biên giới của mình trên các khu vực núi cao PAMIR cho TC. Trước đó, vào năm 1992, Bắc Kinh đã đưa ra yêu sách đòi chủ quyền đối với vùng núi KAZAK, thung lũng sông Mankansu và lãnh thổ dọc theo dãy Sanukolski ở sườn phía đông dãy Pamir. Đến năm 1999, hai nước ký một thỏa thuận về “Biên giới quốc gia Tadzikistan – Trung Cộng”, buộc phải nhường lại cho TC phần lãnh thổ thuộc thung lũng Mankansu. Đến năm 2002, hai bên lại ký thêm một thỏa thuận nữa về “Phân định biên giới và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ”. Theo thỏa thuận nầy, thì Tadzikistan chuyển giao cho TC chính xác là 1.158 km2 khu vực Murgabski ở phía đông Pamir. Hiện nay, có khoảng 100.000 người Hoa đang tràn ngập lãnh thổ Tadzikistan, họ chiếm chỗ làm việc của của hàng trăm ngàn người Tadzikistan. Chính phủ nước nầy còn cho TC thuê 500 hecta đất mầu mỡ vùng Khatlonsk, điều nầy đang làm cho người dân bản xứ vô cùng phẫn nộ. Đó là bản chất thực sự của chủ nghĩa THỰC DÂN MỚI TRUNG CỘNG.
PHẢN ỨNG CỦA ĐIỆN KREMLIN – “ƯU TIÊN BẢO VỆ VÙNG VIỄN ĐÔNG”:
Nước Nga ngày nay không còn tin tưởng vào ý đồ xây dựng quân sự của TC, Điện Kremlin đã bắt đầu tăng cường sức mạnh cho BTL/Quân Khu miền Đông Nga, phụ trách khu vực Viễn Đông, nơi giáp ranh giới với TC. Các hoạt động quân sự diễn tập của Quân khu Miền Đông cũng ngày càng gia tăng, trong đó có tổ chức diễn tập phòng không qui mô lớn ở biên giới Nga và Mông Cổ. Viễn cảnh trong đợt phát động tấn công quy mô đầu tiên nhằm vào Nga, không quân TC sẽ vượt qua không phận Mông Cổ và chiếm ưu thế rất lớn.
Nga đã điều động hơn 20 chiến đấu cơ Su-35S và Su-30SM tới căn cứ không quân ở vùng Viễn Đông. Đây là loại máy bay chiến đấu thế hệ 4++, được thiết kế để chiếm ưu thế không chiến, tham gia các nhiệm vụ tấn công các mục tiêu trên mặt đất và trên biển. Để đề phòng TC tấn công bất ngờ, Nga sử dụng radar kiểu mớiVoronezh-M phòng thủ tên lửa phía Đông ở Irkutsk. Radar Voronezh-M có thể dò tìm với phạm vi ngoài 6.000 km.
Tại sao Nga ưu tiên tăng cường lực lượng cho vùng Viễn Đông, bán đảo Camchatca và Hạm đội TBD? Nước Nga ngày nay, mặc dù kinh tế được xếp hạng 8, sau Trung cộng và Nhật Bản. Nhưng về sức mạnh quân sự thì chỉ sau Hoa Kỳ. Nga thành lập Bộ Phát Triển Viễn Đông, đầu tư, phát triễn xây dựng vùng nầy nhằm chận đứng âm mưu mở rộng quá đáng của quốc gia láng giềng khổng lồ TC. Dư luận Nga đều “nhất trí” cho rằng, nguy hiểm thách thức đến sự toàn vẹn lãnh thổ Nga nhất, lại không phải là Hoa Kỳ và Nhật mà là TRUNG CỘNG. Vì vậy, Nga đã chọn Nhật Bản làm đối tác chiến lược vì Nhật tỏ ra đáng tin cậy hơn TC. Nhật không dòm ngó gì đến vùng Viễn Đông của Nga. Khi lòng tin cậy lẫn nhau giữa Nga và Nhật thì TC là tên khổng lồ hiếu chiến trở nên cô độc.
Chính vì lý do đó mà ngày 22/3/2013, Tập Cận Bình đến Nga để thể hiện “Quan hệ đối tác chiến lược Trung – Nga đối trọng với Mỹ”. Nhưng trên thực tế cho thấy, Điện Kremlin lại tỏ ra rất thận trọng. TT Putin từ chối không đưa ra lời ủng hộ công khai nào cho các cuộc tranh chấp của TC ở Biển Đông và Hoa Đông.
Ngày 26/6/2013 vừa qua, TT Putin kiêm Tổng Tư Lệnh Tối Cao, đã tuyên bố với các sinh viên tốt nghiệp các Học viện và Đại học quân sự tại Điện Kremlin về quyết tâm của Nga: “Thiếu quân đội mạnh sẽ không có nước Nga mạnh. Các lực lượng vũ trang của Nga cần sẵn sàng đáp trả đích đáng bất kỳ mối đe dọa tiềm năng nào và giữ gìn bảo vệ lợi ích quốc gia ở bất cứ điểm nào của thế giới.”
Tóm lại, ở một thời điểm nhạy cảm nào đó, để chống lại ý đồ bành trướng lãnh thổ của TC vào vùng Siberia và Viễn Đông của Nga, một liên minh chiến lược Nga – Mỹ sẽ thành hình? Tại sao không? Xin trưng dẫn một bằng chứng, vì sao TT Putin bắt đầu đổi giọng với Mỹ về vụ Snowden? Theo nhận xét của Andrei Piontkovsky – nhà Nghiên cứu của Viện Phân Tích các Hệ thống tại Moscow – cho rằng: “Nếu Snowden ở lại Nga thì sẽ là điều tệ hại cho mối quan hệ Mỹ – Nga…và đó cũng là lý do mà TT Putin hy vọng rằng vụ nầy sẽ phải dịu xuống và không phương hại đến mối quan hệ với Hoa Kỳ.”
                      NGUYỄN VĨNH LONG HỒ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét