Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Tin ngày 18/7/2013

P/v Phạm Chí Dũng: Lợi ích chung Mỹ - Việt: Đồng pha hay lệch pha ?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh nhân một cuộc họp ASEAN tại Brunei ngày 02/07/2013 - REUTERS
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh nhân một cuộc họp ASEAN tại Brunei ngày 02/07/2013 - REUTERS

Gần đây các hoạt động ngoại giao của Việt Nam hết sức nhộn nhịp với các chuyến công du nước ngoài của nhiều nhân vật lãnh đạo, đặc biệt là đến Trung Quốc và Hoa Kỳ, khiến cho dư luận rất chú ý. Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, nhà báo Phạm Chí Dũng ở TP Hồ Chí Minh đã đưa ra những nhận định về vấn đề này.

RFI : Thân chào nhà báo Phạm Chí Dũng. Theo anh, thì nguyên nhân những chuyển động ngoại giao có tính đột biến của Việt Nam là gì?

Nhà báo Phạm Chí Dũng : Có một điểm tương đồng thú vị và rất nhiều ẩn ý là tính bất ngờ cùng xảy ra trước hai chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Bắc Kinh và Washington. Nếu cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ được thông báo khoảng một tuần trước khi diễn ra, thì “độ sớm” trước buổi tiếp kiến của Tổng thống Barack Obama với ông Sang là đúng hai tuần.

Tiếp theo sự bất ngờ đó là bầu tâm tư ngỡ ngàng của phần đông dư luận trong nước.

Hai chuyến ngoại giao con thoi của ông Sang đến Trung Quốc và Mỹ, chưa kể chuyến đi trước đó của vị nguyên thủ này đến Indonesia và cần tính luôn cả cuộc gặp người Thái và nhận bằng tiến sĩ danh dự của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không đi đâu cả, hẳn phải là một động thái khá đột ngột về chính trị, như nhen nhóm ánh lửa nào đó cho không khí chính trường Việt Nam song ánh với bầu khí quyển quốc tế.

Trước đó, vào tháng 5/2013 và được bình luận là trong lúc Hội nghị trung ương 7 còn chưa kết thúc, một tân ủy viên Bộ Chính trị là ông Nguyễn Thiện Nhân đã bất ngờ mở màn chuyến tốc hành tới Bắc Kinh - dường như mang ý nghĩa một cử chỉ có tính diện kiến hơn là một cuộc làm việc thực chất.

Động thái đối ngoại cấp tập của giới lãnh đạo Việt Nam lại càng đáng được mổ xẻ nếu quay ngược về cuộc tiếp xúc Mỹ - Trung vào đầu tháng 6/2013. Chỉ khoảng một tuần sau cuộc gặp thượng đỉnh khá hữu hảo này, một quan chức cao cấp của quân đội Việt Nam là tướng Đỗ Bá Tỵ đã dẫn đầu một phái đoàn quân sự cao cấp đi thăm Mỹ, theo lời mời của đại tướng Martin E. Dempsey, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ.

Mối liên quan giữa các con thoi ngoại giao như thế hẳn phải có tính logic với nhau, để cuối cùng dẫn đến chuyến đi Mỹ của ông Trương Tấn Sang mà không tránh khỏi lời đồn đoán của dư luận về một “quyết định” nào đó nảy sinh từ cuộc gặp giữa Obama và Tập Cận Bình vào tháng 6/2013.

RFI : Anh có thể cho biết ý kiến của anh cũng như dư luận trong nước về chuyến đi Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang ?

Khi người Trung Quốc mỉm cười trên bàn đàm phán, có thể là lúc ngoài hành lang dấy lên một mưu mô nào đó. Sau nụ cười của Tập Cận Bình ở Tòa Bạch Ốc, giữa Wasinhton và Bắc Kinh vẫn không tìm thấy một tiếng nói chung, ít nhất liên quan đến một âm mưu khó hóa giải ở Biển Đông.

Gần như cùng thời điểm tin tức về chuyến đi Mỹ của ông Sang được chính thức xác nhận vào ngày 11/7, tàu cá Việt Nam đã bị những bộ sắc phục Trung Nam Hải đập phá, còn cờ Việt Nam bị chặt đốn. Hành vi xâm hại mới nhất này lại gần như đồng thời với hoạt động tổ chức họp báo của đại sứ Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu, trong đó nhắc lại kết quả thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Hà Nội đã xảy ra đến gần một tháng trước đó.

Nhưng trước thái độ vừa ti tiện vừa trịch thượng của người bạn có tên “Bốn Tốt”, điều không thể hiểu nổi là cơ quan tuyên giáo Việt Nam vẫn trung hiếu với “Mười sáu chữ vàng”, đến mức có thông tin về việc vụ trưởng báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương là Vũ Đình Thường còn nhắn tin cho các báo trong nước, yêu cầu ngưng đưa tin tiếp về việc ngư dân Lý Sơn bị Trung Quốc bắt giữ và đánh đập vừa qua.

Người ta đang tự hỏi: hàng chục văn bản được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc trong chuyến đi của ông Trương Tấn Sang đến Bắc Kinh mới đây còn có ý nghĩa gì, khi ngày càng phát sinh nhiều dư luận cho rằng Nhà nước Việt Nam bị tha lụy quá nhiều vào lịch sử ngàn năm Bắc thuộc, và chuyến đi của ông Sang đã không có tác dụng nào, ít nhất đối với việc kềm chế chiến dịch gây hấn của người bạn “môi hở răng lạnh” này.

Trong một buổi tiếp xúc cử tri của ông Sang ở Sài Gòn, một doanh nhân là ông Nguyễn Văn Đực còn truy vấn thẳng thừng: “Người Tàu đã cai trị chúng ta hàng trăm năm, hàng ngàn năm và luôn luôn tìm cách chèn ép chúng ta. Ngày hôm nay người Tàu có mặt khắp nơi, từ rừng núi, đồng bằng, cao nguyên, bờ biển… Bây giờ chúng ta cho người Tàu đầu tư cái vịnh Bắc Việt. Tôi đề nghị chủ tịch phải hỏi lại Ban chấp hành trung ương đảng có đồng ý hay không? Hỏi lại Quốc hội có đồng ý hay không?”.

RFI : Đó là chuyến đi Trung Quốc, còn mục đích chuyến đi Mỹ của ông Trương Tấn Sang là gì, theo anh?

Theo tôi, có ít nhất bốn mục tiêu mà giới lãnh đạo Việt Nam đang tính toán, xếp theo thứ tự ưu tiên là an ninh và chủ quyền tại khu vực biển Đông, nhu cầu đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, sự bức thiết tham dự vào bàn tiệc TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương), và kể cả kỳ vọng về một chuyến thăm đáp của Tổng thống Obama tới Việt Nam.

Với tất cả những gì mà người tự nhận là “láng giềng tốt” thể hiện một cách đầy kiên định và không thiếu xảo thuật, giới chức cầm quyền Việt Nam có đầy đủ lý do để lo lắng về một tương lai cám cảnh nếu biển Đông không còn an toàn, chí ít không còn là nơi mà các ngư dân không run đợi về sự xuất hiện của “tàu lạ”. Ngược lại, Philippines là một minh họa mẫu mực về tinh thần bất tuân trước sức ép của Trung Quốc. Mà Manila có được thái độ can trường như thế không chỉ do lòng tự trọng bẩm sinh của dân tộc, mà còn được hiểu là quốc gia này nhận được sự hậu thuẫn có trách nhiệm từ phía Washington.

Và nếu Việt Nam cũng tự tìm cho mình một sự hậu thuẫn tương tự thì sự thể có được cải thiện hay không?

Chủ đề Biển Đông tất nhiên cũng nằm trong đường hướng chiến lược của Hoa Kỳ ở khu vực Thái Bình Dương. Đó là một điểm chung về lợi ích quân sự có tầm nhìn chiến lược. Vậy thì tại sao lại không nhân cái cơ may ấy để biến cơ hội thành hai chiều có qua có lại? Vấn đề này, nếu được nhân lên thì cũng có thể liên đới với một hình ảnh “đối tác chiến lược” nào đó giữa Việt Nam và Mỹ.

Chỉ có điều, tục ngữ Việt Nam có câu “liệu cơm gắp mắm”, sức tới đâu làm tới đó - một cụm từ mà giới lãnh đạo Việt Nam khá ưa dùng. Nhưng thực tế đến nay, Việt Nam đã “gắp mắm” quan hệ chiến lược với Trung Quốc, Nga và Anh, và còn tham vọng “đa phương hóa” ở cấp độ tương tự với cả Pháp và Mỹ. Tuy thế, một số nhà phân tích độc lập đã phản biện rằng mấu chốt là Việt Nam không có cùng định nghĩa về “đối tác chiến lược”. Một quốc gia có thể có nhiều đối tác chiến lược về kinh tế, văn hóa, xã hội nhưng không thể có nhiều đối tác về quốc phòng. Nếu Việt Nam có quá nhiều đối tác chiến lược, sẽ không ai biết nhà nước này muốn gì. Bắt cá nhiều tay là một chiến lược nguy hiểm, bởi không ai muốn can thiệp khi Việt Nam bị lâm nguy vì sợ làm phật lòng những đối tác chiến lược khác.

Còn về TPP, mục tiêu này lại gắn bó quá sâu nặng với hiện trạng kinh tế đình đốn. Hiện thời, nền kinh tế Việt Nam đang ở vào điểm trũng sâu nhất kể từ đầu thập kỷ 1990. Về cơ bản và trong sâu thẳm, nhiều nguồn tài nguyên của đất nước đã gần cạn kiệt, còn sức bật của nền kinh tế đã trở nên yếu ớt đến mức người dân đang nhìn thấy một triển vọng sụp đổ cận kề. Đứng trước miền tương lai đặt một chân vào hố khủng hoảng như thế, TPP được xem là một trong những lối thoát khả dĩ. Nếu biết “đi dây” định chế này, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi ích nhiều nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và quan hệ chặt chẽ hơn với chuỗi sản xuất quốc tế và còn có cơ may thoát khỏi khủng hoảng kinh tế mà không rơi vào cơn khủng hoảng xã hội.

Cuối cùng, không thể không nói đến việc bất cứ một nguyên thủ quốc gia nào trở thành bạn của Tổng thống Mỹ cũng sẽ khiến cho nhân vật đó ít nhất hiển danh vị thế trong chính giới quốc nội. Là một trong những chính khách cao cấp có tư cách nhất và chưa hề bị chứng minh sở hữu quá một căn nhà, ông Sang ít ra cũng có đủ tư cách khi tuyên bố sẽ không lấy của ngân khố quốc gia một milimét đất nào.

Vào kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XIII vừa qua, ông Sang đã nhận được 66% số phiếu tín nhiệm cao, vượt hơn khá nhiều khối quan chức của Chính phủ. Đó cũng có thể là một kết quả theo tôi là khá khả quan mà theo một số dư luận, sự nghiệp chính trị của ông Sang sẽ còn “nâng lên một tầm cao mới” trong những năm tới đây. Cũng có dư luận cho rằng nếu điều này xảy ra sẽ đồng nghĩa với một kỳ vọng chiến lược nào đó của ông Tập Cận Bình.

RFI : Còn đối với phía Mỹ thì quyền lợi của họ là gì nếu Hoa Kỳ trở thành “đối tác chiến lược” với Việt Nam?

Quyền lợi của họ phụ thuộc nhiều vào hệ tư tưởng của họ. John Kerry - tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ - đã có tiếng là người thực dụng khi phát ngôn “Ở đâu có quyền lợi chung thì cả Mỹ và Việt Nam có thể làm việc cùng nhau”.

Vậy điều được xem là lợi ích chung đó là cái gì?

Dù kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam đã đạt hơn 24 tỉ đô la trong năm 2012, nhưng con số này chỉ chiếm chưa đầy 3% so với 646 tỷ euro kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Mỹ và khối EU. Tức không có gì đáng kể đối với Mỹ trong mối quan hệ kinh tế với Việt Nam, mà ý nghĩa của mối quan hệ thương mại này chỉ đáng được Việt Nam xem trọng.

Tại Little Sài Gòn vào tháng 6/2013 vừa qua, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là David Shear cho biết bốn mục tiêu của Hoa Kỳ trong quan hệ với Việt Nam là “quan hệ kinh tế và thương mại; hợp tác về ngoại giao và an ninh khu vực; giáo dục, y tế, môi trường; đối thoại rất nghiêm khắc và rất mạnh mẽ về nhân quyền.”

Tất nhiên, đó là cách nói ngoại giao và cách sắp xếp thứ tự mục tiêu ưu tiên của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, nhưng tôi tin rằng Biển Đông và chiến lược quân sự khu vực Thái Bình Dương mới là lợi ích chủ yếu của người Mỹ, và cũng là điểm chung lớn nhất về lợi ích giữa Mỹ và Việt Nam. Một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho điểm chung này là kể cả sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung, phía Mỹ vẫn tiếp tục đề cập đến vấn đề kềm chế xung đột tại Biển Đông như một biểu hiện khó hàn gắn giữa Trung Quốc với các nước đồng minh của Mỹ.

Một biểu hiện khác dù nhỏ, nhưng không thiếu ẩn ý là vào tháng 4/2013, hai chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ đã cập cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm và hoạt động “trao đổi Hải quân” kéo dài 5 ngày với Hải quân Việt Nam.

Theo một blogger giấu tên ở Sài Gòn, với tư cách là “người bảo trợ thế giới”, Mỹ hoàn toàn không muốn nhìn thấy cận cảnh các lực lượng Trung Quốc sẽ tràn xuống phía Nam châu Á. Tất nhiên, Việt Nam được xem là một trong những tiền đồn ngăn chặn nạn triều cường ấy.

Tuy nhiên, như đã từng trần tình"Ý kiến của giới lãnh đạo Việt Nam về Hoa Kỳ rất là phức tạp”, đại sứ Hoa Kỳ David Shear đã không dám chắc chắn về quan điểm trước sau như một của giới lãnh đạo Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dư luận đang đồn đoán sôi nổi về những ngã rẽ bất ngờ có thể hiện ra ngay trong nội bộ. Vì thế, ông David Shear đã nêu ra một khái niệm liên quan đến thái độ “chọn Mỹ hay Trung Quốc” của Việt Nam là “đi một đường tế nhị” (a delicate line).

RFI : Khái niệm về một sự “lựa chọn tế nhị” như thế có liên quan gì với lời khẳng định sẽ “đối thoại rất nghiêm khắc và rất mạnh mẽ về nhân quyền” cũng của đại sứ David Shear trước đây?

Đó là quan điểm và thái độ có thật của người Mỹ, cho thấy sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ vào tháng 4/2013, chưa bao giờ Hoa Kỳ bỏ qua hạng mục dân chủ và nhân quyền trong đồ án đối thoại với Việt Nam.

Một giáo sư của trường đại học George Mason ở Mỹ là ông Nguyễn Mạnh Hùng từng phân tích: “Chính sách đối ngoại của Mỹ luôn hướng tới ba mục tiêu khác nhau: quyền lợi chiến lược, quyền lợi kinh tế và quyền lợi về giá trị. Cái cuối cùng chính là tự do, dân chủ và nhân quyền”.

Nếu giới ngoại giao Hoa Kỳ gần đây luôn cho rằng Mỹ sẽ “đối thoại rất nghiêm khắc và rất mạnh mẽ về nhân quyền”, thì chủ đề dân chủ và nhân quyền, dù không phải là quyền lợi trực tiếp của Mỹ ở Việt Nam, cũng đang gây sức ép không quá khiêm tốn đối với chính quyền Obama, đòi hỏi phải gia tăng can thiệp để cải thiện tình hình ở Việt Nam.

Trong nội tình người Mỹ, nếu trước cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ, Phó trợ lý Ngoại trưởng Dan Baer là nhân vật cứng rắn đặc biệt đối với Việt Nam, thì gần đây một trong những tiếng nói gay gắt tiêu biểu nhất lại đến từ dân biểu Frank Wolf của đảng Cộng hòa khi ông này nêu ra kết luận: “Người dân Việt Nam và hàng triệu người Mỹ gốc Việt xứng đáng được hưởng điều kiện tốt hơn những gì mà Đại sứ Shear và chính quyền này mang lại. Chính quyền Obama đã làm thất vọng mọi công dân Việt Nam và mọi công dân Mỹ gốc Việt vốn quan tâm đến nhân quyền và tự do tôn giáo”.

Có lẽ đó cũng là lý do tại sao gần đây hai văn bản về nhân quyền đối với Việt Nam lại gấp rút được soạn thảo và trình lên Hạ nghị viện và Thượng nghị viện.
Văn bản thứ nhất là Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR 1897, đưa ra khuyến nghị nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam thông qua ràng buộc điều kiện nhân quyền và dân chủ vào các khoản viện trợ phi nhân đạo dành cho chính phủ Việt Nam, đồng thời cổ súy thái độ cứng rắn hơn đối với Hà Nội trong lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo.

Còn bản Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam lại hàm chứa một nội dung rất “nhạy cảm” là “Tổng thống sẽ đóng băng và cấm chỉ tất cả các giao dịch liên quan đến tất cả các tài sản và lợi ích của một cá nhân trong danh sách được quy định ở điểm (c)(1) nếu những tài sản và lợi tức đó nằm ở Hoa Kỳ, rơi vào Hoa Kỳ, hoặc nằm ở hoặc rơi vào quyền sở hữu hoặc kiểm soát của một người Mỹ”.

Nếu được cả hai viện thông qua, hai dự luật này sẽ được trình lên tổng thống, và người ta cho rằng điều đó sẽ tạo nên một sức ép đáng kể đối với Hà Nội trong thời gian tới, chẳng kém thua sức đè của Trung Nam Hải trên Biển Đông.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà mới đây Tổ chức Phóng viên Không biên giới đã tung ra một danh sách 35 blogger bị giam cầm ở Việt Nam, như một bằng chứng hối thúc thái độ cần quyết liệt hơn của chính phủ Mỹ.

RFI : Đặt giả thiết nếu chính phủ Mỹ tỏ ra quyết liệt hơn thì tương lai về một hiệp định TPP đối với Việt Nam theo anh sẽ ra sao?

Đó là một câu hỏi, một ẩn số. Cần nhắc lại là vào tháng 5/2013, ông David Shear, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã không kém ẩn ý về mối quan hệ giữa hiệp ước TPP và chủ đề nhân quyền: “Sẽ có rất nhiều người ở Quốc hội Mỹ đặt câu hỏi về vấn đề dân chủ, nhân quyền của Việt Nam khi chúng tôi trình hiệp ước đó (TPP) lên, chúng tôi không thể tránh được thực tế chính trị đó”. Ông David Shear còn giải thích thêm là nếu Việt Nam không có tiến bộ về mặt dân chủ, nhân quyền thì sẽ rất khó để có được sự ủng hộ chính trị ở Quốc hội để thông qua hiệp ước này; và cam kết sẽ tiếp tục nêu lên vấn đề nhân quyền với nhà cầm quyền Việt Nam vì “đất nước Hoa Kỳ có ưu thế để đưa ra những vấn đề này.”

Nếu chiếu theo cách nhìn của khá nhiều nghị sĩ Mỹ, Hoa Kỳ đã đủ thời gian và bài học về thành tích “thụt lùi sâu sắc” của Việt Nam về mặt nhân quyền trong sáu năm qua, kể từ ngày quốc gia này mở tiệc ăn mừng do được chấp thuận tham gia vào WTO.

Còn vào tháng 10/2013 tới là thời điểm chốt đàm phán TPP và cũng là chuẩn bị cho cuộc đối thoại nhân quyền Việt Mỹ tiếp theo.

Dĩ nhiên từ đây đến đó còn nhiều việc cho chính quyền Việt Nam phải lo lắng và suy tính, nhất là những việc liên quan đến quyền lợi kinh tế gắn với điều kiện chính trị.

Trong khi đó, những người phương Tây lại hy vọng rằng nếu các tác động đối ngoại có ảnh hưởng ở mức độ nào đó đối với vấn đề dân chủ và nhân quyền, bầu không khí nội chính ở Việt Nam sẽ trở nên êm ái hơn vào thời gian tới, ít nhất về mặt chiến thuật.

Vào ngày 9/7/2013, phiên xử án một luật sư Công giáo và cũng được xem là nhà bất đồng chính kiến là Lê Quốc Quân đã bất ngờ bị hoãn lại. Hai ngày sau đó, người dân được biết chính thức về chuyến đi Mỹ sẽ diễn ra của ông Trương Tấn Sang.

Có lẽ trong con mắt giới quan sát phương Tây và các nhóm hoạt động dân chủ trong nước, cuộc gặp Obama - Sang dù có thể không trình đạt một thỏa thuận nào về nhân quyền, nhưng ít nhất vẫn khơi gợi không khí dân chủ hơn cho hoạt động tự do ngôn luận và đặc biệt là hoạt động phản biện ôn hòa ở Việt Nam trong thời gian tới, ít ra cho đến khi bài toán TPP có đáp số rõ ràng.

Chưa kể đến phương trình ứng cử một ghế nhân quyền của nhà nước Việt Nam vẫn còn nhiều ẩn số vào tháng Giêng năm 2014…
Thụy My (RFI)
 

VN 'không đáng' được ông Obama mời

Tổng thống Barack Obama
Ông Roylance nói VN chưa đáng được ông Obama mời

Cây bút của một tổ chức vận động tự do chính trị của Mỹ, Freedom House, nói rằng Việt Nam chưa đạt được tiến bộ nào về nhân quyền để đáng được mời vào Nhà Trắng và kêu gọi Hoa Kỳ tăng sức ép với Hà Nội về quyền con người.

Trong bài viết mang tựa đề 'Lời mời Không xứng gửi tới Việt Nam từ Nhà Trắng', ông Tyler Roylance nói khác với nhiều đối tác khác của Hoa Kỳ ở châu Á, Việt Nam vẫn là một nước độc đảng và chưa làm gì nhiều để đáng được Tổng thống Hoa Kỳ mời tới.

Ông Roylance nói một trong những trọng tâm của hội đàm giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng hôm 25/7 sẽ là tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông.

Việt Nam, theo ông Roylance, có thứ hạng về nhân quyền kém nhất trong số các nước đang tranh chấp với Trung Quốc theo bảng xếp hạng của Freedom House cho năm 2013.

'Ngoại giao thiển cận'

Biên tập viên của Freedom House nói nhiều người có thể cho rằng Hoa Kỳ cần phải ủng hộ các nước nhỏ hơn trong tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc cho dù các nước đó có dân chủ hay không.

Nhưng ông Roylance bình luận:

"Một vấn đề với cách tiếp cận này [không gắn nhân quyền với kinh tế và quốc phòng] là về cơ bản nó gắn Hoa Kỳ với chế độ hiện nay ở Việt Nam và lờ đi nguyện vọng của người dân Việt Nam.
"Một vấn đề với cách tiếp cận này [không gắn nhân quyền với kinh tế và quốc phòng] là về cơ bản nó gắn Hoa Kỳ với chế độ hiện nay ở Việt Nam và lờ đi nguyện vọng của người dân Việt Nam."
Tyler Roylance - Biên tập viên của Freedom House
"Hoa Kỳ đã từng nhiều lần trả giá đắt cho kiểu ngoại giao thiển cận này."
Mặt khác, ông Roylance nói, vấn đề nghiêm trọng hơn là cách tiếp cận như vậy sẽ khiến chính sách Chuyển trọng tâm sang châu Á của Hoa Kỳ bị xem là cố gắng cân bằng [tương quan lực lượng] mà không có giá trị đạo đức và ý thức hệ.

"Nó sẽ làm tăng tính thuyết phục cho cách giải thích mang tính dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc mà theo đó Hoa Kỳ cấu kết một cách ích kỷ với các đồng minh trong vùng nhằm vây quanh Trung Quốc để ngăn cản sự trỗi dậy và quyền lực quốc tế của nước này.

"Điều này sẽ khiến người dân Trung Quốc ủng hộ các nhà lãnh đạo độc đoán của họ bất chấp những lời ta thán của họ dưới chế độ đảng trị."

Ông Roylance nói chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ sẽ có cơ sở vững chắc hơn và "đi theo lề phải của lịch sử" nếu họ cam kết mạnh hơn với các khát vọng dân chủ của người dân trong vùng bao gồm cả Việt Nam và Trung Quốc.

Theo nhà theo dõi nhân quyền này, các mối quan hệ song phương của Hoa Kỳ sẽ ổn định và bền vững hơn nếu tiến triển trong lĩnh vực kinh tế và quốc phòng được gắn với tiến bộ về dân chủ.

Ông xem chuyến đi sắp tới của Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ là cơ hội để Washington dùng những giá trị dân chủ lâu đời để chứng minh cho tính chính danh của chính sách Chuyển trọng tâm sang châu Á của mình.

Báo cáo hàng năm của Freedom House, tổ chức ra đời năm 1941 với trụ sở ở Washington DC, vẫn xếp Việt Nam vào diện 'Không tự do'.
(BBC)

Yêu cầu Trung Quốc không tái diễn uy hiếp tàu cá Việt Nam tại Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam

(sao không gọi đại sứ nó lên mà lại cử đại diện đi gặp đại diện, mà gặp ở đâu vậy ta, không thấy có cái hình trao công hàm nhỉ, hay chụp cho bà con xem cái công hàm trông nó ra hình dáng gì cho đỡ thèm :))

Tàu cá QNg 96787 TS

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, sáng ngày 7-7- 2013, tàu Trung Quốc số hiệu 306 đã truy đuổi, uy hiếp 2 tàu cá QNg 96787 TS và QNg 90153 TS ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cho người lên tàu khống chế, lục soát, đánh đập ngư dân, đập phá và lấy đi một số tài sản khi hai tàu này đang hoạt động nghề cá bình thường.
Ngày 17-7-2013, trả lời câu hỏi của phóng viên về sự việc này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ:
“Hành động trên đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trái với tinh thần đối xử nhân đạo với ngư dân, các quy định của luật pháp quốc tế và tinh thần của Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc nghiêm túc điều tra, xử lý nghiêm khắc việc làm sai trái nói trên, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam và không để tái diễn các vụ việc tương tự”.
(Nhân dân)
 

Tiền Giang: 213 đảng viên tự bỏ sinh hoạt Đảng

(vầng, bây h sinh hoạt Đảng gọi là có hình thức cho đỡ bị kiểm tra thôi, người ta cũng ngại chưa dám công khai xin ra khỏi Đảng nên tự bỏ sinh hoạt thôi, nếu có gì hấp dẫn như bộ phim mới chẳng hạn, chả cần mời, người ta cũng tự khắc đi xem thôi)

5 năm qua, Đảng bộ Tiền Giang có 461 đảng viên không tham gia sinh hoạt Đảng, gồm khai trừ 85, cho ra khỏi Đảng 102 và xóa tên 274 (trong số xóa tên có 213 đảng viên tự bỏ sinh hoạt Đảng).

Các tổ chức Đảng đã thi hành kỷ luật với hình thức khiển trách 462 đảng viên; cảnh cáo 384 đảng viên và cách chức 49 đảng viên.
Ngoài ra, các Đảng bộ cũng đã xử lý kỷ luật 5 tổ chức đảng, gồm khiển trách 4, cảnh cáo 1.
Thanh Thủy
(Báo Thanh tra)

“Đảng không can thiệp vào công tác xét xử án tham nhũng”

Hôm nay (17/7) tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Cuộc họp nhằm kiểm điểm, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm, bàn nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm; cho ý kiến triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; ý kiến chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm.
6 tháng đầu năm, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và đạt kết quả tích cực trong một số mặt công tác: xây dựng và hoàn thiện thể chế; công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; thành lập, củng cố về tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đảng không làm thay cơ quan chức năng, không can thiệp vào công tác xét xử”.
Thanh tra Chính phủ cho biết đã có 24 Bộ và cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 4 tổ chức chính trị xã hội, 8 cơ quan, tổ chức Trung ương, 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 14 tập đoàn kinh tế Nhà nước, Tổng Công ty 91 báo cáo việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2012; hơn 370.000 người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi thường xuyên công tác.
Ngành thanh tra đã tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tập trung vào các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng ngân sách… Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm 12.225 tỷ đồng, 452 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 4.934 tỷ đồng và hơn 400 ha đất, xử phạt vi phạm hành chính 252 tỷ đồng…
Trong khi đó, theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, từ đầu năm đến hết tháng 5, các cơ quan pháp luật khởi tố 116 vụ với 266 bị can về tội danh tham nhũng; truy tố 138 vụ về tội danh tham nhũng. Tòa án các cấp đã xét xử theo thủ tục sơ thẩm 100 vụ với 196 bị cáo về tội danh tham nhũng.
Tại phiên họp, các ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo đều nhất trí tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, trong đó tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tập trung tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Kết luận hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; triển khai đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; khẩn trương xây dựng các quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp; Đề án tăng cường thực hiện và kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước; Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; Quy định việc chi trả qua tài khoản đối với tất cả các khoản chi từ ngân sách Nhà nước cho cán bộ, công chức; khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đang được thực hiện nhưng hiệu quả thấp.
Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều tra, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vụ án có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng; triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; chỉ đạo xây dựng Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan trong xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành lập 7 Đoàn công tác do các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn để kiểm tra, giám sát một số ngành và địa phương trên toàn quốc. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chọn 8 vụ án và 2 vụ việc tham nhũng và kinh tế có dấu hiệu tham nhũng, phức tạp, dư luận quan tâm vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra xét xử một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo đưa ra xét xử 2 vụ án: Vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (giai đoạn I) và vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức họp liên ngành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xử lý một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận nhân dân đang rất quan tâm.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư nêu rõ: 6 tháng đầu năm nay, công tác phòng, chống tham nhũng kế thừa, phát huy kinh nghiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khóa trước, đã đạt kết quả tích cực trên một số mặt cả về công tác tuyên truyền; xây dựng, hoàn thiện thể chế, phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử…
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: công tác phòng, chống tham nhũng còn những hạn chế: Một số cấp, ngành chưa quan tâm chỉ đạo ráo riết, quyết liệt. Hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, luật đã ban hành rồi nhưng chậm cụ thể hóa, hướng dẫn.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng theo Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI). Công tác tuyên truyền về phòng chống tham nhũng cần được triển khai bài bản hơn, đúng mức, khách quan, đúng định hướng, không để lộ, lọt những thông tin đang điều tra nhưng không bao che những thiếu sót khuyết điểm, tạo niềm tin trong nhân dân.
Tổng Bí thư đề nghị từng thành viên Ban Chỉ đạo, là người đứng đầu các cơ quan quan trọng liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, trên cương vị của mình, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành, cần chủ động, tập trung xây dựng Kế hoạch triển khai những phần việc, lĩnh vực liên quan đến chức năng, trách nhiệm của mình. Tổng Bí thư nhấn mạnh: điều này là rất quan trọng trong việc triển khai các công việc mà Ban Chỉ đạo đã đề ra.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần chú ý xử lý, khắc phục những khó khăn trong quá trình điều tra, giám định và thống nhất trong việc chỉ đạo xử lý các vụ việc tham nhũng thông qua các bước phù hợp, phát huy vai trò cơ quan thường trực của Ban Nội chính Trung ương. Những vấn đề khó khăn, vướng mắc, Ban Nội chính Trung ương báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương cho chủ trương xử lý. Quan điểm nhất quán là Đảng lãnh đạo việc phòng, chống tham nhũng nhưng “Đảng không làm thay cơ quan chức năng, không can thiệp vào công tác xét xử”.
Về Kế hoạch kiểm tra, giám sát, Tổng Bí thư đề nghị cần bám sát thực hiện yêu cầu của Bộ Chính trị trong Kế hoạch 08 thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Đồng thời các cơ quan cần phối hợp để xử lý dứt điểm một số vụ án lớn, nghiêm trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc lại: Công tác phòng, chống tham nhũng phải làm lâu dài, kiên trì, kiên quyết. Trong đó, coi trọng biện pháp phòng ngừa, coi trọng cả phòng và chống, xây và chống./.
Tin, ảnh: Vũ Duy
(VOV)
 

Lê Diễn Ðức - Ðội tiên phong của giai cấp bần cùng

Ðiều lệ của đảng Cộng Sản Việt Nam (ÐCSVN) tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua ngày 19 tháng 1, 2011 như sau: “ÐCSVN là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”.

Hiện nay cả nước ta có hơn 9.5 triệu công nhân, chiếm 11% dân số và 21% lực lượng lao động xã hội, theo con số thống kê được đưa ra tại hội thảo Chiến lược Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước (2010-2020) do Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam tổ chức ngày 26 tháng 2, 2009, tại Hà Nội.

Trong khi các “đại biểu trung thành” của công nhân ăn uống phủ phê, nhà cao cửa rộng, đi xe siêu sang, du lịch nước ngoài, con cái du học, thì lực lượng này “đang gặp quá nhiều khó khăn với mức lương chỉ 1.3 triệu đến 1.5 triệu đồng/tháng, người công nhân phải tự cân đối mọi nhu cầu chi tiêu trong đồng lương ít ỏi đó” - Ðây là phát biểu tại Quốc Hội của bà Nguyễn Thị Thu Hồng, phó chủ tịch Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam.

Hàng ngàn công nhân phải sống chật chội, chen chúc trong các căn phòng trọ, không khác bao nhiêu cảnh nô lệ lao động.

Tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long có lúc lên trên 60 nghìn người, trong khi nhà chung cư mà khu công nghiệp dành cho công nhân thuê mới chỉ đáp ứng cho khoảng 20 nghìn người. Trừ một số công nhân người địa phương, số còn lại đều phải thuê nhà của dân các khu vực quanh đây để ở.

“Các phòng trọ ở đây chật hẹp, hầu như có cùng diện tích khoảng 8m2, nền nhà được lát bằng gạch 30x30 đỏ quạch. Qua thời gian sử dụng do lún không đều nên mặt nền đã võng xuống, đầy mùi ẩm thấp. Giá thuê một căn phòng như thế này là 500,000 đồng/tháng. Nếu thuê căn hộ khép kín thì đắt hơn rất nhiều”.

Ở đã như vậy, còn ăn uống của công nhân ra sao?

Theo tờ Lao Ðộng 9 tháng 7 năm 2013, cuối tháng 6 vừa qua, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia cho biết, khảo sát hơn 1,000 công nhân lao động tại Sài Gòn cho thấy, công nhân lao động chỉ dám tiêu 27.3% thu nhập (khoảng 700,000đồng/tháng) cho việc ăn uống. Có đến gần 20% số công nhân lao động bỏ bữa ít nhất một lần trong ngày, trong đó bỏ bữa sáng chiếm tỉ lệ cao nhất. Còn nghiên cứu về khẩu phần ăn dành cho công nhân thì bữa ăn kém về chất lượng: 12% protein, 16% chất béo, còn lại 72% là các chất bột từ ngũ cốc như gạo, khoai.
Bà Lê Thị Bạch Mai, phó viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia khẳng định, mức độ đạt được so với nhu cầu đề nghị về năng lượng khẩu phần và các chất dinh dưỡng đều không đảm bảo. Từ một nghiên cứu thực hiện với 358 nữ công nhân may Hà Nội, mức đạt được về năng lượng so với nhu cầu chỉ đạt 69.2% và đối với lao động nặng chỉ đạt 68.4%. Còn trong số 900 công nhân tại Phú Thọ thì mức đạt được về năng lượng so với nhu cầu đạt 77.7%, lao động chung là 89.7%.
Hiện trạng nghèo đói, thiếu ăn đã dẫn đến những bi kịch. Công việc làm nặng nhọc, căng thẳng, lại bị suy dinh dưỡng, đã dẫn đến hiện tượng thường xuyên, phổ biến là công nhân ngất xỉu hàng loạt. Ví dụ, khoảng 1 giờ sáng 22 tháng 10 năm 2012, trong khi đang làm ca đêm tại Sài Gòn Stec (sản xuất linh kiện điện tử ở khu công nghiệp Viet Nam - Singapore 2 tại Bình Dương) kéo dài từ 22 giờ đến 6 giờ hôm sau, 17 công nhân bất ngờ lăn đùng, bất tỉnh giữa nhà máy.
“Khi cấp cứu, chúng tôi thấy các ngón tay của một số công nhân co quắp lại giống như bàn tay của một người sắp chụp con chuồn chuồn vậy. Ðó là biểu hiện của hiện tượng tụt canxi trong máu”, Bác Sĩ Dương Tấn Tài, phó giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, nói.
Bài “Cơm công nhân: Ðã ít, ‘nghèo’ còn bị... xà xẻo tận cùng” (Tin Mới 26/08/2012) cho hay, bữa cơm của công nhân được đặt mua 8,000-15,000 đồng/suất, nhưng qua các khâu ăn chia hoa hồng, hao hụt nấu nướng, vận chuyển... giá trị thật của bữa ăn đến tay công nhân chỉ còn 5,000-10,000 đồng/suất.
Bữa ăn không đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng nhưng nguy cơ mất an toàn thực phẩm luôn rình rập. Hiện tượng bị ngộ độc thức ăn liên tiếp xảy ra.
Hàng nghìn công nhân của công ty Hansoll Vina chuyên sản xuất may mặc tại khu công nghiệp Sóng Thần II bị ngộ độc thực phẩm đã được chuyển vào bệnh viện 4, thuộc Quân đoàn 4, thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) và một số bệnh viện trong khu vực cấp cứu. Số công nhân nhập viện đa phần trong tình trạng đau bụng, nôn ói dữ dội. (Nhân Dân 27/9/2012)
Tính đến trưa nay 6 tháng 3 năm 2013, khoa cấp cứu bệnh viện quận 12 (Sài Gòn) đã tiếp nhận 146 công nhân của công ty Terratex Việt Nam, nhập viện cấp cứu do ngộ độc thực phẩm tập thể.
Ngày 28 tháng 3 năm 2013, 69 công nhân của công ty Global MFG Việt Nam, có địa chỉ tại khu công nghiệp huyện Tiền Hải, Thái Bình bị ngộ độc phải đưa vào bệnh viện đa khoa Tây Tiền Hải để điều trị.
Ðến 14 giờ chiều 10 tháng 7 năm 2013, Trung Tâm Y Tế huyện Ân Thi (Hưng Yên) đã tiếp nhận và điều trị cho 91 công nhân công ty may Foremart, bị ngộ độc thực phẩm.
Vân vân...
Khi được lương tăng được chút đỉnh, thì tới thời bão giá. Mười năm trước, lương công nhân hơn 1.5 triệu đồng thì rau muống chỉ 2,000 đồng/kg. Nay lương công nhân lên đến 3 triệu đồng, rau muống đã ở mức 15,000 đồng/kg. Giá tăng gần 10 đồng trong khi đó lương vẫn giậm chân tại chỗ hoặc họa may công ty cũng tăng thêm cho công nhân 1 đồng để công nhân “đuổi” theo giá cả.
“Trong khi đời sống công nhân nghèo tại các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố Sài Gòn đang bị đảo lộn vì đợt tăng giá ‘chóng mặt’ đối với hàng tiêu dùng thiết yếu, công nhân lại phải ‘đau đầu’ vì giá tiền phòng và tiền điện tiếp tục tăng”, theo Vietpress.
Ðời sống quá chật vật, không đủ sống, khiến chị em công nhân trong các khu công nghiệp phải tranh thủ làm thêm nghề mại dâm.
Tờ Việt Báo ngày 12 tháng 5, 2002, viết:
“Tại các khu công nghiệp lớn, nơi có đông công nhân nữ như Tân Tạo, Lê Minh Xuân, Linh Trung, Sóng Thần, Biên Hòa, làn sóng ‘tăng ca’ diễn ra phổ biến. Trong phòng hoặc trong nhóm có một cô đi tăng ca là những thành viên khác rất dễ bị lôi kéo. H., công nhân xí nghiệp lắp ráp điện tử ở khu công nghiệp Tân Thuận than thở: ‘Nhóm em có 5 đứa, cùng quê Long An. Mang tiếng làm ở công ty nước ngoài, nhưng đồng lương không đủ tiền thuê nhà, gạo mắm... Về quê thì biết làm gì? Thà ở lại giữ một chân công nhân, ngày làm, đêm xin bán cà phê ôm, bia ôm trong các nhà hàng hoặc đi khách kiếm thêm.’”
Phẫn nộ, oan ức vì bị ngược đãi, trả lương ít và chậm trả lương, công nhân đã đình công liên tiếp.
Thông tin từ hội nghị tổng kết liên quan đến tình hình này do Bộ Lao Ðộng, Thương Binh và Xã Hội tổ chức hồi đầu năm 2012 cho thấy, từ năm 1995 đến nay, cả nước đã xảy ra 4,142 cuộc đình công. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Ðài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... chiếm 75.4% với 3,122 cuộc. Tỷ lệ này đang có xu hướng tăng dần qua các năm. Năm 2011, số vụ đình công đạt mức kỷ lục với 978 vụ so với năm 2010 là 422 vụ, năm 2009 là 218 vụ, năm 2008 là 720 vụ...
Những cuộc đình công này được cho là bất hợp pháp. Công đoàn lao động quốc doanh lẽ ra phải tranh đầu vì quyền lợi của người lao động thì phần lớn các sự vụ đứng về phía chủ xưởng. Công nhân không được quyền thành lập công đoàn độc lập. Những người can đảm đứng ra tranh đấu cho quyền lợi của công nhân thì bị đàn áp và nhận những bản án nặng nề như Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm tù giam, Ðoàn Huy Chương và Ðỗ Thị Minh Hạnh mỗi người 7 năm tù giam.
Ðại diện cho những ông chủ tư bản đỏ, biểu hiện rõ nhất không ai khác là Ninh Thị Ty, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty CP May 8 Hồ Gươm, nằm ở xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Khi nhiều công nhân lên tiếng phàn nàn về chất lượng bữa ăn, bà Ty đã tiến lại gần cầm những suất ăn lên rồi quát: “Ðồ nhà quê mà đòi ăn ngon, đứa nào chê thì xéo...” Sự việc đã khiến hơn 600 công nhân của công ty bỏ ra ngoài mua đồ ăn khác, rồi sau đó quay lại đình công, đòi bà này phải có lời xin lỗi. Tuy nhiên, bà Ty lên xe bỏ mặc yêu cầu của công nhân để về Hà Nội.
Trong cuộc chơi kinh tế hiện nay, tuy vẫn che giấu bộ mặt sau khẩu hiệu “đội tiên phong của giai cấp công nhân” nhưng bản chất của những đảng viên có chức có quyền đã chẳng còn chút gì liên đới với giai cấp công nhân nữa.
Họ đã trở thành những tay tư bản đỏ, mafia kết hợp chặt chẽ với tư bản xanh, ra sức bóc lột tận cùng nguồn lực của giai cấp bần cùng này.
Lê Diễn Ðức
(Người Việt) 

Hai kỷ lục vô tiền khoáng hậu

Lần đầu tiên một quy định pháp luật được bãi bỏ trong thời gian nhanh nhất (12 ngày) và lần đầu tiên một quy định pháp luật lại quan liêu và xa rời thực tế đến thế.
Việc Bộ GD-ĐT, chiều 16/7/2013, ban hành thông tư số 28 trong đó bãi bỏ diện ưu tiên cộng 2 điểm thi đại học cho mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, đã phần nào làm hạ nhiệt công luận đang bức xúc về “quy định hết sức không thực tiễn” này trong những ngày qua. 
Động thái này của một cơ quan Bộ đã tạo nên hai kỷ lục vô tiền khoáng hậu: Lần đầu tiên một quy định pháp luật được bãi bỏ trong thời gian nhanh nhất (12 ngày) và lần đầu tiên một quy định pháp luật lại quan liêu và xa rời thực tế đến thế: Mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945... nếu còn sống thì cũng đã ở tuổi 80-90 rồi và ở tuổi này sống còn khó nói chi đến việc thi đại học?  
Điều hài hước là, trước phản ứng của dư luận về “quy định trên trời này” một vị thứ trưởng Bộ GD-ĐT còn vô tư bao biện rằng: rằng việc bổ sung mẹ Việt Nam Anh hùng vào diện ưu tiên là phù hợp với quy định của Chính phủ và để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người có công khi tham gia tuyển sinh cao đẳng, đại học, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần trách nhiệm của xã hội đối với những người có công với nước…
Ưu tiên cộng 2 điểm thi đại học cho mẹ Việt Nam anh hùng là quyết định xa rời thực tế.
Động thái bãi bỏ kịp thời “một quy định pháp luật không thực tế” của Bộ GD-ĐT cần được đánh giá xứng đáng và nhân rộng vì nó thể hiện tinh thần cầu thị nhanh nhạy khi tiếp nhận những phản hồi từ thực tiễn đời sống đối với việc ban hành và thực thi văn bản quy phạm pháp luật. 
Tuy nhiên vấn đề nổi cộm cần phải xử lý sau động thái nói trên là: “một quy định pháp luật trời ơi” như thế sao vẫn tham mưu và vẫn được luật hóa để đưa vào thực tiễn đời sống? Phải chăng những quy định pháp luật không thực tế này là do trình độ yếu kém của đội ngũ tham mưu, do sự quan liêu của cán bộ quản lý hay do quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta còn nhiều lỏng lẻo… 
Chưa bao giờ mà việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật lại bị người dân bức xúc như trong những năm gần đây như “ngực lép” không được đi xe gắn máy, “xe chính chủ” hay “phải bán thịt trong vòng 8 tiếng sau khi giết mổ”... Điều đó phải chăng công tác ban hành văn bản pháp luật của chúng ta mà cái gốc của nó chính là công tác tham mưu đang có vấn đề? Ông bà ta vẫn thường nói “thần thiêng nhờ bộ hạ”. Một cán bộ quản lý sẽ khó mà điều hành quản lý một cơ quan, xí nghiệp, địa phương… nếu thiếu những cán bộ tham mưu mẫn cán, tinh thông nghiệp vụ và giàu tính thực tiễn. 
Việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật không bám sát nhu cầu thực tiễn đời sống thời gian qua đã gây không ít khó khăn cho nền kinh tế xã hội cũng như giảm niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền. Phải khắc phục thực trạng đang gây bức xúc công luận này mà một trong những nguyên do cơ bản của nó phải chăng chính là sự bất cập của công tác tham mưu?
(Kiến thức)

Những khái niệm bị hiểu lầm: tăng trưởng GDP

Khái niệm tăng trưởng GDP được xuất hiện với tần suất khá cao trên mặt báo. Kinh tế Mỹ tăng trưởng 2% đã lấy làm mừng, kinh tế Pháp tăng trưởng âm mà dân Tây vẫn đi nghỉ hè nhiều đến mức kẹt xe kéo dài 800km trên xa lộ. Kinh tế Nhật thì suy thoái đã 20 năm nay nhưng lại là nguồn ODA lớn nhất cho VN.
Trong khi đó, tăng trưởng 5% làm nhiều người lo ngại và đặc biệt kinh tế Trung quốc tăng trưởng ở mức 7% đã bị xem là hạ cánh nặng nề.
Hoặc, VN được xem là xứ hạnh phúc thuộc hàng top ten hoàn cầu nhưng tăng trưởng thuyền nhân vượt biên mới thật ngoạn mục. Thành tích mà cơ quan di trú Úc ghi nhận từ đầu năm 2013 đến nay số người vượt biên trái phép đến Úc đã đạt con số 760 người (so với con số 50 người vào năm ngoái, 31 người vào năm 2011).
Vậy khái niệm tăng trưởng là gì mà có nhiều tiêu chuẩn đánh giá dẫn đến mê hồn trận như vậy.
Tổng sản lượng quốc nội GDP được giới kinh tế gia tính toán bằng tổng số:
  1. Chi tiêu của quần chúng, nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân
  2. Chi tiêu của bộ máy thống trị, để điều hành và đôi chỗ có trục lợi
  3. Đầu tư hay tiết kiệm, để thỏa mãn nhu cầu cao hơn trong tương lai
  4. Lượng Xuất khẩu trừ đi lượng Nhập khẩu, chỉ là số sách kế toán phù phiếm mà không có ý nghĩa với đời sống. Nhập siêu phục vụ cho mục 1, Xuất siêu đáp ứng mục 3.
Trong 4 khoản cấu thành nên GDP, chỉ có khoản 1 - chi tiêu của quần chúng là thực chất có ý nghĩa. 3 khoản mục còn lại chỉ cần thiết nếu đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng của khoản 1.
Kinh tế Liên bang Mỹ, chi tiêu của dân chúng chiếm hết 80% tổng sản lượng, ngân sách tiêu hết 15-17%, đầu tư khoảng 10%. Phần thiếu hụt đi vay bằng cách bán công khố phiếu hoặc FDI của nước ngoài. Do chi tiêu quá nhiều nên nước Mỹ phải nhập siêu, tiêu thụ nhiều đến mức lố bịch, phúc lợi xã hội không tương xứng với sản lượng và tỷ lệ tiết kiệm/đầu tư thấp giảm cơ hội tăng trưởng.
Nhật Bản và các nước Tân Hưng aka NICs chi tiêu 50-60%, ngân sách tiêu 15% và còn lại là tiết kiệm.
Trung Quốc thời cải cách Đặng Tiểu Bình chi tiêu hết 50% và giảm dần theo đà tăng trưởng kinh tế, đến nay chỉ còn quãng 35%.
Việt Nam thời kỳ Đổi mới chi tiêu hết 50-60% rồi giảm dần theo đà định hướng XHCN, đến nay còn cỡ 25-30%, đầu tư/tiết kiệm cỡ 40-45% và ngân sách chiếm xấp xỉ 30% lại còn bội chi 6-7%.
Bây giờ ta so sánh với Campuchea, nước mới thoát khỏi thảm họa diệt chủng, và đã từng là chư hầu của Việt Nam.

GDP trên đầu người, VN luôn gấp 1.5 lần Kam
Tỷ trọng Chi tiêu - Đầu tư - Thuế
Nên chi tiêu trên đầu người của VN và Campuchea lần lượt là $1,233 và $1,450.
Hoặc so sánh tốc độ tăng trưởng GDP của VN với tốc độ tăng thu ngân sách của nó
Đó mới là bản chất thật của tăng trưởng GDP
(Dân luận) 

Hiệu Minh - Nhân chuyện tỷ phú hot dog mù chữ

Theo tin VNE, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận vừa ban hành thông tư bãi bỏ ưu tiên Bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng 2 điểm đi thi đại học.
Vui ơi là vui. Mình có bà mẹ 93 tuổi, thuộc hàng xét vào Anh hùng, đang ốm liệt giường từ mấy năm nay, đi lại phải có người dìu, ăn có người đút, đi ngoài phải có sự trợ giúp, thế mà cụ đòi đi thi đại học, thì không hiểu cơ sự ra sao.
Trong suốt “chiều dài lịch sử” của Bộ GD&ĐT, thông tư số 28 bãi bỏ đối tượng ưu tiên thi tuyển sinh là Bà mẹ Việt Nam anh hùng là một trong những thông tư hiếm hoi, kịp thời và đúng với “xu hướng thời đại” nhất, làm nức lòng hàng chục triệu người.
Tôi chỉ băn khoăn, tại một nơi gọi là quản lý ngành trồng người, sao lại để lọt những cán bộ có trình độ thấp như vậy. Nngồi nhầm ghế chỗ khác thì tạm OK, nhưng nhầm ghế ở một nơi quản lý giáo dục và đào tạo, không thể chấp nhận được vì nó để lại di chứng lệch lạc về con người cho thế hệ tương lai.
Bây giờ mới hiểu tại sao nền giáo dục nước nhà lọt đọt, hết cải tiến này đến cải tiến khác, hết tư duy giáo dục đến chiến lược con người, cuối cùng vẫn chẳng thấy tiến bộ chút nào.

Từ mù chữ thành tỷ phú hot dog
Bí đề tài, chẳng biết viết gì, thôi kể chuyện vui mà tôi từng viết trong một entry từ lâu lắm rồi.
Chả là hồi ở Sofia (Bulgaria) những năm 1986-1988, tôi rất thích đọc tiếng Anh. Làm Cộng tác viên KH nên được tiền cấp ở nhà riêng. Ông bà chủ có tủ sách trong phòng khách nên mình toàn đọc chùa, đủ loại từ tiếng Anh đến tiếng Nga, thậm chí cả tiếng Bulgaria.
Có chuyện vui viết bằng thứ tiếng Anh đơn giản (dành cho người đang học ngoại ngữ) về một người gác cổng trường, sau trở thành tỷ phú đô la. Không hiểu chuyện này bịa hay thật.
Số là ông ta đã làm trong trường đó mấy chục năm và sắp về hưu. Một người cần mẫn, luôn đúng giờ, tính tình hòa đồng nên cả trường ai cũng quí, dù ông không hề biết chữ.
Cho đến một hôm, ông hiệu trưởng mới được thay về, tuyên bố cải tổ hệ thống quản lý. Có thêm mục, ai đến văn phòng hay ra về đều phải ký vào sổ trực.
Sau một tháng thì bác gác cổng trường bị hiệu trưởng gọi lên chất vấn “Tại sao tôi đã qui định là ai cũng phải ký sổ mà ông không làm”. Bác đành thú nhận “Dạ thưa ngài, tôi không biết chữ”.
Người hiệu trưởng tỏ vẻ không hài lòng, ở một nơi trồng người không thể có nhân viên mù chữ. Thế là ông mất việc với một cục tiền nhỏ đền bù.
Về nơi ở trong mùa đông lạnh lẽo, lòng buồn vô hạn, không biết đi đâu về đâu. Lang thang mãi, cảm thấy đói và muốn tìm ăn hot dog (bánh mỳ kẹp thịt nóng) quen thuộc mà ông hay mua cạnh trường cũ.
Nhận ra cả vùng ông ở không có một quán bán thứ bình dân này. Và ý nghĩ kinh doanh hot dog nảy ra từ đó. Ông bỏ tiền sắm cái xe đạp, hai thùng đựng bánh có ủ nóng và đi quanh vùng rao bán. Không ngờ sau ngày đầu tiên ông đã kiếm mấy chục đô la tiền lãi.
Thế rồi kinh doanh mở rộng, thêm chiếc xe kéo, mua ô tô cũ đi xa hơn, lãi nhiều lên. Thuê cửa hàng, vay ngân hàng, mở đại lý và cuối cùng có cả một máy bay vẽ biểu tượng hot dog mang tên ông.
Tin về người bán hot dog giầu có đến tai các nhà băng. Một ông chủ tìm gặp và yêu cầu đầu tư. Ông hot dog không ngần ngại nói “Tôi sẵn sàng chung vốn 500 triệu đô la”.
Sợ mình nghe nhầm và để cho chắc chắn, tay chủ nhà băng đưa tờ hợp đồng soạn sẵn và đề nghị ký. Ông này thú thật “Tôi có thể điểm chỉ vì tôi không biết chữ”.
Ông chủ bỏ cặp kính xuống bàn, sững sờ “Tôi không thể hiểu nổi. Ông không biết chữ mà còn làm ra lắm tiền thế. Điều gì sẽ xảy ra nếu ông được học hành đến nơi đến chốn”.
Người bán hot dog tỷ phú thản nhiên “Nếu biết chữ thì tôi đang gác cổng trường”.
Gợi ý giải pháp
Để tránh thảm họa về quản lý và nghị định thụt thò, Bộ trưởng nên dứt khoát giải quyết chuyện này đối với mấy tác giả của quyết định lạ lùng trên, như vị hiệu trưởng đã xử lý ông gác cổng.
Để các vị ấy tiếp tục làm việc thế nào cũng thêm những quyết định, thông tư hay qui định tương tự. Hôm nay là ưu tiên điểm cho bà mẹ anh hùng, mai là cấp bằng đại học cho tất cả thương binh, ngày kia là tuyển thẳng vào ĐH cho các liệt sỹ. Có giời mới biết các vị ấy nghĩ gì trong đầu khi ngồi trong salon máy lạnh.
Hy vọng sau khi mất việc, các bác ấy đói và nghĩ đến món hot dog hay bánh mỳ nóng bán rong trong xóm. Giầu thêm chút thì bắt chước mở quán, cạnh tranh với Mc Donald sắp mở tại Sài Gòn. Biết đâu các vị ấy thành tỷ phú như ông gác cổng trường bị dồn đến chân tường.
Nước mình chưa có hot dog mang nhãn hiệu Việt. Có lẽ làm tỷ phú về đồ ăn nhanh hơn là ngồi phòng mát nghĩ ra những nghị định “mát”, rồi để dân than thấu trời. Khi giầu có rồi, ký séc hàng trăm triệu đô la, các vị chỉ cần gửi cái còm, cảm ơn hang Cua, trông vớ vẩn thế mà sáng suốt phết :lol:
HM. 16-7-2013
(Blog Hiệu Minh)
 

Nữ sinh viên nghèo đi bán vé số

Chật vật tìm việc làm mùa hè Nếu những ngày đầu hè, học sinh kéo nhau đi bán vé số kiếm thêm tiền trang trải cho niên học tới, thì vài ngày gần đây, sau khi tốt nghiệp hoặc sau khi thi học kì 2 và chính thức nghỉ hè, nhiều sinh viên ở thành phố Đà Nẵng bủa ra khắp các huyện để bán vé số. Phần lớn họ là những sinh viên trường cao đẳng nghề và cao đẳng kinh tế ở thành phố Đà Nẵng. Họ có gốc gác từ các vùng quê hẻo lánh và miền núi, có kinh tế gia đình khó khăn, không chen chân phục vụ được ở các quán, họ phải nghĩ  kế sinh nhai qua mùa hè.
Một bạn nữ tên Thùy, sinh viên năm thứ nhất trường cao đẳng kinh tế - kế hoạch Đà Nẵng, cho chúng tôi biết rằng mỗi sáng, em thức dậy lúc 5h và ăn uống qua loa một gói mì tôm, sau đó đón xe bus vào thẳng Điện Bàn, rồi đi bán dạo vé số ở Điện Bàn trong buổi cà phê sáng ở các quán.  Đến trưa, em đón xe bus hoặc đi nhờ xe của ai đó xuống Hội An để tiếp tục bán trong các quán, đến 3h30 chiều, em lại bắt xe bus Hội An về Đà nẵng trả vé. Trên xe bus, em cũng tranh thủ mời vé các hành khách với hy vọng bán được  tấm nào mừng tấm đó.
Thùy cho biết thêm, em quê ở huyện Trà My, ra Đà Nẵng học được một năm nay, nghỉ hè, em định sẽ về nhà phụ với gia đình làm vườn, làm ruộng, nhưng bây giờ nhà nông đang rảnh rỗi vì mùa lúa đã sạ xong, làm vườn thì trời nắng nóng, rau cải cũng chẳng lên được, nội tiền nước và phân tro không bù lỗ được, nếu Thùy về nhà làm phụ, có khi lại thành gánh nặng của gia đình. Mà đi tìm việc làm thêm ở các quán trong thành phố quá khó bởi mùa hè năm nay có quá nhiều sinh viên ở lại tìm việc làm thêm. Các quán nhậu, quán cà phê trong thành phố cũng đầy nghẹt sinh viên xin việc. Nghĩ mãi không ra, cuối cùng, Thùy quyết định nhận vé số đi bán.
Một nữ sinh viên khác tên Khánh, học năm thứ nhất trường cao đằng nghề Đà Nẵng, cùng đi bán chung nhóm với Thùy, chia sẻ với chúng tôi thêm là gần như mùa hè năm nay, chuyện đi kiếm việc làm thêm đối với sinh viên nhà nghèo quá khó khăn. Tuy vậy, cơ hội thường đến với những sinh viên con nhà giàu vì họ sành điệu, quen với nếp sống thành phố, biết tiếp xúc, nói năng hợp với khách hơn sinh viên nhà quê như Khánh. Và trên hết là với sinh viên thành phố, con nhà giàu, chuyện đi làm thêm của họ lại không vì đồng tiền bát gạo mà mang tính chất thử nghiệm đời sống, lấy điểm với cha mẹ.
Có nhiều sinh viên thành phố làm xong ba tháng hè là cho luôn hai tháng tiền lương sau cho chủ, chỉ lấy tháng đầu về mua quà cho cha mẹ, bù vào đó, sau mùa hè, có khi các sinh viên này được cha mẹ mua sắm cho xe hơi hoặc xe tay ga. Nói chung, sinh viên con nhà giàu đi làm ít quan tâm đến tiền lương và sành điệu. Chính vì thế, cơ hội tìm việc của sinh viên thành phố, sinh viên con nhà giàu luôn cao hơn nhiều so với sinh viên nghèo đến từ các miền quê.

Nữ sinh đi bán vé số
Nữ sinh đi bán vé số Courtesy Tuoitre.vn
Lây lất, tủi nhục kiếm cơm và học phí
Bán vé số mùa hè trong giới sinh viên, dường như chỉ có sinh viên nữ chọn việc này, ít thấy sinh viên nam nào tham gia. Một nữ sinh viên trường cao đẳng nghề Đà Nẵng khác tên Dung, thường đi bán vé số ở Hòa Vang và Liên Chiểu, những quận vùng ven thành phố Đà Nẵng, than thở với chúng tôi rằng bán vé số nhọc nhằng lắm lắm, đôi khi buồn và tủi nhục nữa. Nói là buồn vì bây giờ người ta đi bán vé số quá nhiều, chuyện đi bán mỗi ngày cho được năm mươi tờ vé, kiếm năm mươi ngàn đồng quá ư là khó khăn.
Có nhiều hôm Dung đi suốt ngày, mời từ bàn này sang bàn nọ, từ quán này sang quán kia, cuối cùng, cả ngày đi bộ cả mấy chục cây số chỉ bán được hai mươi lăm tấm vé, buổi sáng ăn mì tôm, buổi trưa ăn mì tôm, buổi tối lại ăn mì tôm để dành ra một ít tiền tích lũy. Có tuần liên tục ba ngày ăn mì tôm, nói chuyện cũng nghe mùi mì tôm xốc lên mũi. Nhưng Dung vẫn nuôi hy vọng kiếm được nhiều tiền để dành cho năm học sau.
Dung nói có nhiều lần, vào quán cà phê hoặc quán nhậu mời vé, nhiều ông sòn sòn tuổi ngang với cha của Dung ở nhà chọn mua vài tấm vé nhưng kéo dài cả mười lăm, hai mươi phút, sau đó mời Dung uống bia, cô từ chối thì ông khách này đặt thẳng vấn đề là chỉ cần đi chơi, đi ngủ với ông một tuần, ông sẽ cho đủ học phí hai năm sau, khỏi cần phải lang thang đầu đường xó chợ mời từng tấm vé cực khổ. Nghe ông khách nói vậy, Dung thấy tê buốt cả lồng ngực bởi vì tổn thương, người ta đã hiểu nhầm động cơ kiếm tiền của cô, họ nghĩ rằng cô đi bán dâm trá hình bằng kiểu chào mời vé số.
Nhưng rồi suy đi nghĩ lại, cô càng quyết tâm hơn và không thấy buồn bực vì loại khách này nữa, bởi cô nghĩ rằng họ gặp cũng không ít các cô gái giả dạng sinh viên hoặc là sinh viên thực thụ cũng đi bán dâm trá hình kiếm tiền phụ giúp gia đình và trang trải học phí. Chuyện này nhiều, cô biết, và cô thấy thông cảm, thương xót cho các bạn cùng lứa hơn là ghét họ.
Một nữ sinh viên khác, yêu cầu giấu tên, hiện làm tiếp thị cho hãng bia Huda – Huế tại thị trường Liên Chiểu, Đà Nẵng, nói với chúng tôi rằng ban đầu cô cũng có ý nghĩ trong sáng như bao sinh viên nhà nghèo khác, cũng đi làm thêm, đi bán vé số mùa hè để kiếm tiền, nhưng dần dần, quá khổ, da sạm đen mà kiếm không ra tiền, bữa được bữa mất, mẹ cô ở quê lại bệnh nặng, cô tình cờ gặp một ông khách già hỏi cô muốn về làm việc cho ông không, giúp việc trong khu biệt thự của ông. Cô đồng ý, về làm được vài hôm thì ông này mời cô uống vài lon bia, cô say, đến khi cô tỉnh dậy, cuộc đời con gái của cô đã tan theo bọt bia của ông già. Nhưng, ông già này cho tiền cô rất nhiều, cô về chuyển mẹ lên bệnh viện tuyến trên để phẫu thuật, chữa trị và làm nhà.
Kết cục, cô quyết định đi làm tiếp thị, cuộc đời sinh viên của cô chấm dứt sau một mối tình kéo dài gần hai năm với một ông già nhà giàu, cho đến phút ông ta lâm chung vì một tai nạn đột ngột trên giường với một sinh viên khác. Cũng may là gia đình ông khéo bưng bít chuyện này nên ông chết có thanh thản, không mang tiếng. Kể đến đây, cô tiếp thị bùi ngùi nói rằng đồng tiền là thứ thuốc độc mà đôi khi người ta biết nó độc vẫn cứ uống vì không còn lựa chọn nào khác.
Nghe câu chuyện của cô gái tiếp thị xong, một mối cảm hoài xa xôi nào đó về đời sống sinh viên thời kinh tế khốn khó lại dấy lên, buồn khó tả!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2013-07-17
  • Bà Dương Thị Tân : Tuyệt thực đã 25 ngày, Điếu Cày đang cực kỳ nguy kịch (RFI) - Theo tin chúng tôi vừa nhận được hôm nay 17/07/2013, blogger Điếu Cày, đã tuyệt thực trong trại giam số 6 ở xã Hạnh Lâm huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An, cho đến hôm nay đã là ngày thứ 25. Bà Dương Thị Tân, vợ ông ra thăm nhưng không được gặp, vừa về đến Thành phố Hồ Chí Minh thì nhận được tin dữ từ vợ một người bạn tù. Gia đình đang rất hoảng loạn vì như vậy tính mạng Điếu Cày đang bị đe dọa.
  • Thêm một luật sư đòi lãnh đạo Trung Quốc công khai tài sản bị bắt giữ (RFI) - Công an Trung Quốc lại vừa bắt thêm một luật sư chuyên trách lãnh vực nhân quyền. Nhân vật này đã dám công khai kêu gọi chính quyền trả tự do cho những người đã bị bắt vì đòi hỏi quan chức cao cấp minh bạch. Ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), giảng sư đại học cư ngụ tại Bắc Kinh đã bị công an bắt giam ngày 16/07/2013 với tội danh << phá rối trật tự công cộng.
  • Lợi ích chung Mỹ - Việt: Đồng pha hay lệch pha ? (RFI) - Gần đây các hoạt động ngoại giao của Việt Nam hết sức nhộn nhịp với các chuyến công du nước ngoài của nhiều nhân vật lãnh đạo, đặc biệt là đến Trung Quốc và Hoa Kỳ, khiến cho dư luận rất chú ý. Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, nhà báo Phạm Chí Dũng ở TP Hồ Chí Minh đã đưa ra những nhận định về vấn đề này.
  • Hai nước Triều Tiên lại thương lượng về Kaesong (RFI) - Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc hôm nay 17/07/2013 lại gặp gỡ để cố gắng giải quyết những bất đồng về khu công nghiệp Kaesong, bị Bình Nhưỡng đơn phương đóng cửa vào đầu tháng Tư. Đây là lần thứ tư hai bên ngồi vào bàn thương lượng về vấn đề Kaesong, nay đã trở thành phương tiện để giúp hạ nhiệt tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
  • Miến Điện : Nước nào cũng có thể kết bạn ? (RFI) - Tổng thống Miến Điện Thein Sein đã đến Paris hôm nay, 17/07/2013 trong một chuyến viếng thăm hai ngày. Đây là lần đầu tiên ông tới Pháp, nhưng trước đó ông đã từng đi thăm Anh, Áo, Bỉ, Na Uy, Ý, Mỹ…, không kể đến một loạt quốc gia châu Á. Ở đâu Tổng thống Miến Điện cũng được đón tiếp trọng thể, khác hẳn với trước đây, khi tập đoàn quân sự độc tài Miến Điện bị phương Tây cô lập và cấm cửa.
  • Đại học Pháp thắt lưng buộc bụng (RFI) - Năm 2007, tại Pháp, chính phủ cánh hữu của tổng thống Nicolas Sarkozy đã bắt đầu tiến hành cải cách giáo dục đại học bằng việc trao quyền tự quản lý cho các trường đại học. Với cải cách này, các trường được phép tự chủ cân đối tài chính và tuyển dụng lao động. Sau 5 năm, cải cách đó có hiệu quả hay không ? Le Monde thử tìm câu trả lời với bài viết : <>.
  • Tân chính phủ Ai Cập : Giới kinh doanh hài lòng, phe Hồi giáo phẫn nộ (RFI) - Chính phủ mới của Ai Cập gồm hơn ba mươi thành viên chiều qua 16/07/2013 đã tuyên thệ nhậm chức, chỉ hai tuần sau khi ông Mohamed Morsi bị quân đội lật đổ và một tuần sau khi có tân Thủ tướng. Tân nội các gồm các nhân vật đủ mọi thành phần, trừ phe Hồi giáo, đã khiến lớp trẻ và giới kinh doanh hài lòng, nhưng phe Huynh đệ Hồi giáo lập tức phản đối.
  • Matxcơva không muốn vụ Snowden làm tổn hại quan hệ Mỹ-Nga (RFI) - Tổng thống Nga Vladimir Putin, vào hôm nay 17/07/2013, trong một động thái làm dịu tình hình, đã cho hiểu là ông không muốn để cho vụ Snowden ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ Nga. Trả lời đài truyền hình Nga, ông Putin khẳng định là đối với ông << quan hệ giữa hai nhà nước quan trọng hơn nhiều so với các cuộc tranh cãi chung quanh hoạt động của các cơ quan tình báo >>.
  • Đàm phán về việc mở rộng lãnh thổ Philippines đón quân đội Mỹ (RFI) - Hôm qua, 16/07/2013, Mỹ và Philippines đã mở rộng các cuộc thương thuyết về hợp tác quân sự ra lãnh vực Hoa Kỳ tài trợ cho việc xây dựng thêm cơ sở vật chất và lưu trữ hàng cứu trợ nhân đạo của Mỹ. Đại sứ Philippines tại Mỹ đã cho biết như trên. Tuy nhiên, theo giới phân tích, các cơ sở này hoàn toàn có thể được dùng cho quân đội Mỹ tạm trú với các loại thiết bị quân sự được bố trí sẵn để sử dụng khi cần thiết.
  • Vũ khí Cuba lạc hậu được gởi đi Bắc Triều Tiên sửa chữa (RFI) - Sau khi chiếc tàu Bắc Triều Tiên bị Panama phát hiện có chở vũ khí, hôm qua 16/07/2013 chính quyền La Habana đã lên tiếng xác nhận số vũ khí này là của Cuba, đã lạc hậu vì chế tạo từ thời Liên Xô cũ và được gởi sang Bắc Triều Tiên để sửa chữa. Hoa Kỳ và Hàn Quốc hoan nghênh vụ bắt giữ chiếc tàu trên.
  • Pháp nên hối thúc Tổng thống Miến Điện giữ lời hứa về nhân quyền (RFI) - Nhân chuyến viếng thăm Pháp của Tổng thống Miến Điện, bắt đầu từ hôm nay, 17/07/2013, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền trụ sở tại Pháp vừa công bố một bức thư ngỏ. Nội dung lá thư kêu gọi Tổng thống Pháp đừng quá coi trọng lợi ích kinh tế của Pháp mà lơ là tình trạng nhân quyền ở Miến Điện, đặc biệt trên vấn đề bạo động nhắm người Hồi giáo Rohingya.
  • Tổng thống Miến Điện đi Pháp để chiêu dụ phương Tây (RFI) - Sau Anh Quốc, Tổng thống Miến Điện Thein Sein đã đến Pháp vào hôm nay 17/07/2013, trong một chuyến đi được đánh giá là nhằm tiếp tục thuyết phục các nước phương Tây về quyết tâm cải tổ theo hướng dân chủ của nước này. Tại Paris, lãnh đạo Miến Điện được cả Tổng thống lẫn Thủ tướng Pháp tiếp kiến.
  • Thủ tướng Nhật thăm các đảo gần Senkaku/Điếu Ngư (RFI) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đang trong chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử Thượng viện sẽ diễn ra vào Chủ nhật tới, lần đầu tiên đã đến một hòn đảo xa xôi của Nhật gần bờ biển Đài Loan. Tại đây ông Abe gặp gỡ lực lượng tuần duyên có nhiệm vụ tuần tra xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trung tâm cuộc xung đột với Trung Quốc.
  • Dubai - Istanbul (VOA) - Thật ra thì đây không phải là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Dubai. Cũng phải 5, 7 lần rồi
  • Arsenal hoàn tất chuyến thăm VN (BBC) - Đội bóng Anh hạ đậm tuyển Việt Nam trong chuyến thăm nổi bật nhờ hình ảnh một cổ động viên chạy nhiều cây số.
  • Blogger Điếu Cày 'tuyệt thực' (BBC) - Có tin nói blogger Điếu Cày tuyệt thực sang ngày 25, trong lúc vợ hai nhà đối kháng cùng trại giam lo ngại về hoàn cảnh của chồng.
  • Khủng hoảng tỵ nạn ở Syria (BBC) - Xung đột tại Syria đã gây nên khủng hoảng tỵ nạn tồi tệ nhất từ 20 năm trở lại đây, Liên Hiệp Quốc cho biết.
  • Đáy kinh tế và bến bờ sạt lở (BBC) - Cuộc tranh cãi về cái gọi là “đáy” của nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp diễn trong khi có quan ngại Việt Nam chưa có cơ hội "thoát đáy".
  • Trung Quốc chỉ trích Philippines (BaoMoi) - Trung Quốc đã chỉ trích Philippines về hành động cậy nhờ trọng tài quốc tế giải quyết tranh chấp tại biển Đông.
  • Đặc biệt trên Báo in ngày 18.7.2013 (BaoMoi) - Số báo hôm nay có câu trả lời từ lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ và đường sắt (PC67), Công an TP.HCM vụ việc bị ăn đòn vì cự cãi CSGT. Các cảnh sát giao thông có liên quan đã trình bày họ không quen biết cả người đánh lẫn bị đánh. Hình ảnh trên báo in cung cấp thêm sẽ nói lên điều gì? Tiếp tục câu chuyện phá nát Vịnh Nha Trang. Những thông tin bên lề thú vị về trận đấu Arsenal thắng tuyển Việt Nam 7-1… Là những tin tức đáng chú ý.
  • Nhật Bản đầu tư mạnh vào Trung Quốc bất chấp căng thẳng (BaoMoi) - Chính phủ Nhật Bản ngày 17/7 cho biết đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) của Nhật Bản vào Trung Quốc trong nửa đầu năm 2013 tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước lên mức 4,69 tỷ USD, bất chấp quan hệ song phương đang gặp nhiều sóng gió liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không người ở trên Biển Hoa Đông.
  • TQ cấp giấy cư trú phi pháp ở Hoàng Sa của Việt Nam (BaoMoi) - Trung Quốc vừa có thêm một bước đi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam khi ngang nhiên tổ chức lễ cấp phát giấy chứng minh nhân dân và giấy cư trú đợt đầu cho người dân ở cái gọi là "thành phố Tam Sa" mà thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
  • Thủ tướng Abe thăm khu vực gần quần đảo tranh chấp (BaoMoi) - Theo AFP, ngày 17/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thăm lực lượng bảo vệ bờ biển làm nhiệm vụ tuần tra các vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông.
  • Thủ tướng Nhật thị sát gần Senkaku cảnh báo Trung Quốc (BaoMoi) - (GDVN) - "Đã có những hành động khiêu khích đối với lãnh thổ của Nhật Bản cả trên biển và trên không. Với cách xâm nhập thường xuyên và lang thang của tàu công vụ Trung Quốc ở vùng biển quanh Senkaku, tình hình an ninh khu vực ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tôi quyết tâm đi đầu trong việc bảo vệ lãnh thổ của Nhật Bản."
  • "Khẩu chiến" Trung Quốc-Philippines về Biển Đông (BaoMoi) - (Kienthuc.net.vn) - Trung Quốc lại vừa mạnh mẽ cáo buộc Philippines vi phạm cam kết, làm tranh chấp biển đảo thêm căng thẳng và phức tạp - động thái mới nhất trong “cuộc chiến ngôn từ” về Biển Đông giữa 2 bên vài ngày gần đây.
  • Mỹ tăng cường hiện diện ở biển Đông kiềm tỏa Trung Quốc (BaoMoi) - Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia cho biết Philippines dự định mở rộng hơn nữa cánh cửa cho Mỹ vào căn cứ nước này theo hình thức tạm thời và luân phiên nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của mình, đồng thời kiềm tỏa sự 'bành trướng' của Trung Quốc ở biển Đông.
  • Mỹ ráo riết tìm cách đưa thêm tàu chiến, máy bay đến Biển Đông (BaoMoi) - Truyền thông Philippines đưa tin, Mỹ đã mở rộng đàm phán với Manila để tìm kiếm việc được phép tiếp cận sâu hơn các căn cứ quân sự ở Philippines qua đó mở rộng “chỗ trú chân” cho máy bay và tàu chiến của họ trong quá trình tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông.
  • Trung Quốc phản đối tòa án trọng tài quốc tế về Biển Đông (BaoMoi) - (Petrotimes) – Trung Quốc hôm 16/7 đã lên tiếng phản bác cáo buộc của Philippines, kết tội Manila đã làm “trầm trọng hóa” tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và tái khẳng định sự phản đối của mình đối với hội đồng trọng tài quốc tế về vấn đề này.
  • Trung Quốc lo ngại “sát thủ máy bay tàng hình” ở biển Đông (BaoMoi) - ANTĐ - Ngày 16/07, trang mạng Đông Phương của Trung Quốc có bài viết mang tiêu đề: “Radar chống tàng hình trên biển Đông có thể bắt chết J-20 của Trung Quốc”, phân tích về tính năng chống máy bay tàng hình của loại radar RV01/VOSTOK-E mà Việt Nam hiện đang sở hữu.
  • Philippines bỏ đàm phán với Trung Quốc về biển Đông (BaoMoi) - (Cadn.com.vn) - Philippines ngày 16-7 cho biết sẽ không tiếp tục đàm phán song phương với Trung Quốc về các đảo tranh chấp trên biển Đông do “lập trường cứng nhắc” của Bắc Kinh mà sẽ quyết tâm theo đuổi vụ kiện lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS).

Tòa án Luật Biển đã họp bàn về vụ kiện đường lưỡi bò Trung Quốc

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Raul Hernandez (Reuters)
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Raul Hernandez (Reuters)

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez vào hôm qua 16/07/2013 đã xác nhận rằng Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc có nhiệm vụ xem xét vụ Philippines kiện Trung Quốc về các yêu sách chủ quyền quá đáng tại Biển Đông đã họp lại vào tuần trước ở Hà Lan.

Tòa án được thành lập trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển đã thông qua một loạt quy tắc nhằm đơn kiện của Philippines đưa ra hồi tháng Giêng trước Liên Hiệp Quốc để chống lại Bắc Kinh.

Trong một cuộc họp báo tại Manila, ông Raul Hernandez cho biết là trong phiên họp đầu tiên ngày 11 tháng 07 vừa qua tại La Haye (The Hague), Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc đã nhất trí chọn The Hague, Hà Lan làm nơi đặt trụ sở của tòa án xem xét vụ này, và Tòa án Trọng tài Thường trực làm cơ quan đăng ký các thủ tục tố tụng.

Về nội dung công việc trước mắt của tòa án này, Bộ Ngoại giao Philippines tiết lộ rằng năm thành viên trong Tòa án trọng tài phải xác định trước tiên là họ có thẩm quyền thụ lý đơn kiện của Philippines hay không. Vụ kiện sẽ chỉ được tiếp tục sau khí tòa án này quyết định rằng đơn khiếu nại của Manil có cơ sở pháp lý thực thụ và nằm trong thẩm quyền tài phán của Tòa án.

Xin nhắc lại trong đơn kiện Bắc Kinh của mình, Manila nói rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông, trong đó có việc chiếm giữ một số đảo nhỏ và rạn san hô, là hành vi bất hợp pháp và vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển UNCLOS, vốn đặt ra những giới hạn lãnh thổ đối với các quốc gia ven biển.

Chính quyền Philippines lẽ dĩ nhiên đã hết sức hoan nghênh việc tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc bắt đầu làm việc. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines thì : « Chính phủ Philippines rất vui mừng khi Tòa án trọng tài đã được chính thức thành lập, và tiến trình trọng tài đã khởi sự ».
Trọng Nghĩa (RFI)

Đàm phán về việc mở rộng lãnh thổ Philippines đón quân đội Mỹ

Hải quân Philippines vận chuyển hàng cứu trợ nạn nhân thiên tai. Ảnh chụp 12/2012 (REUTERS/ M. Namit)< Hải quân Philippines vận chuyển hàng cứu trợ nạn nhân thiên tai. Ảnh chụp 12/2012 (REUTERS/ M. Namit)


Hôm qua, 16/07/2013, Mỹ và Philippines đã mở rộng các cuộc thương thuyết về hợp tác quân sự ra lãnh vực Hoa Kỳ tài trợ cho việc xây dựng thêm cơ sở vật chất và lưu trữ hàng cứu trợ nhân đạo của Mỹ. Đại sứ Philippines tại Mỹ đã cho biết như trên. Tuy nhiên, theo giới phân tích, các cơ sở này hoàn toàn có thể được dùng cho quân đội Mỹ tạm trú với các loại thiết bị quân sự được bố trí sẵn để sử dụng khi cần thiết.

Tuyên bố trong một cuộc họp báo ở Manila, đại sứ Philippines Jose Cuisia xác định rằng nước ông đã hoàn toàn bác bỏ việc cho quân đội Mỹ đặt căn cứ cố định và thường trực trên lãnh thổ của mình. Thế nhưng Manila sẵn sàng cho chiến đấu cơ và chiến hạm Mỹ sử dụng nhiều căn cứ Philippines hơn trên cơ sở tạm thời và luân phiên, qua đó giúp Philippines nâng cao khả năng phòng thủ tối thiểu của mình.

Trong thời gian qua, lực lượng quân sự Mỹ đã luân phiên ghé Philippines càng lúc càng nhiều nhờ vào một hiệp định song phương ký kết năm 1998. Tuy nhiên, một thỏa thuận mới sẽ trở nên cần thiết nếu Washington muốn xây dựng cơ sở để hỗ trợ cho các chiến dịch triển khai tạm thời của quân đội Mỹ tại Philippines.

Theo ông Cuisa, hai nước đã đàm phán từ năm 2011 về việc "sử dụng chung" các cơ sở dân sự và quân sự tại Philippines, và các cuộc thương thuyết không chính thức đã lên đến cấp Bộ. Hai bên hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trước khi Tổng thống Benigno Aquino hết nhiệm kỳ vào tháng Sáu năm 2016.

Ông Cuisia cho biết là một hiệp ước mới có thể cho phép Mỹ lưu trữ thiết bị và các phương tiện hậu cần ở Philippines để chuẩn bị cho công tác viện trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Điều này sẽ giảm bớt sự chậm trễ trong việc đưa các thiết bị từ các nơi khác đến khu vực, chẳng hạn như từ các căn cứ Mỹ ở Guam hay Honolulu.

Việc mở rộng các cuộc đàm phán về hợp tác quân sự Mỹ-Phi qua lãnh vực sử dụng chung của các cơ sở dân sự và quân sự trên lãnh thổ Philippines là tín hiệu cho thấy quan hệ an ninh giữa hai đồng minh đang được sưởi ấm nhanh chóng vào lúc Philippines hết sức trông cậy vào Mỹ để đối phó với một nước Trung Quốc đang càng lúc càng hung hăng.
Trọng Nghĩa (RFI)
 

Bản tin tiếng Anh
  • Baidu to acquire biggest app store (Washington Post) - Baidu Inc said it will acquire 91 Wireless Websoft Ltd for $1.9b as the search provider pursues a greater presence in the emerging mobile Internet industry.
  • Pharma giant in bribery scandal (Washington Post) - Senior executives at Britain's largest drugmaker allegedly accepted cash rake-offs and paid bribes to boost sales and prices of its drugs in China.
  • Internet spurs home-made cartoons (Washington Post) - A domestic cartoon has raised 1.19 million yuan ($194,000) through online donations and payments, illustrating the power of the Internet and its role in the cartoon industry.
  • Free on his feet (Washington Post) - Willy Tsao had a visceral reaction to the first performance of modern dance he saw decades ago, and has never stopped making the art form his own.
  • Tianjin, a city of taste and joy (Washington Post) - Tianjin is endowed with a rich historical and cultural legacy. The city also has abundant natural scenery, including mountains, rivers, lakes and wetlands, making it an ideal place for travel.
  • Setting Mao in stone (Washington Post) - Overcoming severe hardships, a local eccentric created stone monuments that continue to inspire visitors.
  • Summer camp tackles child obesity in China (Washington Post) - The 20-day "fat camp", organized by Zhengzhou Children's Hospital, aims at helping overweight children aged 8-14 to reduce weight and lead a healthy lifestyle.
  • Leadership evaluation weighed (Washington Post) - Experts have called for lawmakers to get more involved in nominating, evaluating and supervising officials, as the Communist Party of China considers reforming how capable leaders are selected.
  • Japan seeks to 'nationalize' islands (Washington Post) - With an Upper House election looming this weekend, the Japanese cabinet plans to strengthen territorial claims on hundreds of islands in the East China Sea.
  • China announces rules for food safety (Washington Post) - A fresh regulation on the safety assessment of foodstuff was released by the National Health and Family Planning Commission on Monday.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét