Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Tin ngày 01/8/2013 - tiếp

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI

TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

Khen cái tên ‘Trọng lú’ của Tổng Bí thư

Báo Đại biểu Nhân dân có bài nói Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam có tên dân gian ‘Trọng lú’ vì người dân ‘khen Ông sạch’ và chê các lãnh đạo khác tham tiền.

Tác giả Thăng Long của bài báo ‘Viết tiếp Có lẽ sự thật nằm ở dư luận’ mở đầu bằng chuyện ông Trọng nảy kiều ‘Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn’ khi nhậm chức Chủ tịch Quốc hội khóa XII.
Cây viết Thăng Long bình luận trong bài viết mà từ ông với chữ Ô viết hoa luôn được dùng khi nói đến vị Tổng Bí thư hiện nay: “[T]ôi có ý chê Ông…với cương vị ấy sao Ông lại lẩy câu kiều ở hoàn cảnh ấy của Kiều. Sau này hiểu hơn, tôi mới thấy thông cảm vì tôi biết Ông thật sự chân thành.”
Nói bóng gió tới những câu vè về ông Trọng khi làm Bí thư Hà Nội, và các cộng sự ở Hà Nội gồm ông Phùng Hữu Phú là Phó của ông Trọng kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, ông Hoàng Văn Nghiên là Chủ tịch và ông Nguyễn Quốc Triệu là phó của ông Nghiên, tác giả Thăng Long bình luận:
“Ông được ghép chữ LÚ ngay sau tên của mình cùng vần vè với người khác gán với chữ tham, chữ gian, chữ gì gì nữa, nói chung là chẳng hay ho gì.”
“Đọc cả câu ấy, phải sau rất nhiều năm, và hình như cho đến bây giờ tôi mới thật hiểu. Hiểu ra cái thâm thúy của dân gian: Họ chê người ta. Họ khen Ông bằng cái cười mỉm, nụ cười thoáng qua như Nguyễn Ái Quốc tả nụ cười của Phan Bội Châu.
“Ấy là, Ông sạch, sạch quá, mình Ông sạch. Sạch như Ông chắc phải như Khuất Nguyên mà tìm tới sông Mịch La thôi, sạch như thế với thói đời xưa nay bẩn, thì là lú lẫn thật rồi.”
Khuất Nguyên ( 278 – 343 trước Công lịch) là nhà thơ Trung Hoa thời Chiến Quốc, được cho là tác giả Sở Từ đã nhảy xuống sông tự vẫn sau khi Sở mất nước.
“Ông sạch, sạch quá, mình Ông sạch. Sạch như Ông chắc phải như Khuất Nguyên mà tìm tới sông Mịch La thôi, sạch như thế với thói đời xưa nay bẩn, thì là lú lẫn thật rồi.”
Tác giả bài báo khá lạ về Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng bình luận thêm về sự trong sạch của Giáo sư Trọng và phu nhân của ông:
“Anh Đông, thư ký của Ông kể, khi về nhận Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ông xòe bàn tay bảo, mình với cậu thi đua nhé. Hai bàn tay ấy hôm nay vẫn còn trắng.
“…Hồi mới có Nghị quyết Trung ương 4, dân và cán bộ thì thích, nhưng có kẻ ghét, có kẻ đặt điều bảo nghe nói chụp được cả ảnh bà nhà ông ấy nhận phong bì.
“Anh em có hỏi, tôi có nói: Họ không nói được gì ông ấy thì họ bảo bà ấy, như tôi biết bà ấy không có tính ấy, tay bà ấy không biết cầm cái phong bì đâu. Ai biết cầm nhìn biết liền.”

‘Kỹ lưỡng, tình người’

Bài báo cũng nói chính ông Trọng là người ký quyết định nâng cấp báo Đại biểu nhân dân lên ‘Báo loại I, cấp tổng cục’.
Tác giả nhắc lại rằng chính ông Trọng quyết định tự ký quyết định bổ nhiệm tổng biên tập Hồ Anh Tài lúc bấy giờ với mức phụ cấp 1,25, mức mà Quốc hội có thể quyết thay vì mức 1,3, vốn thuộc về quyền của Ban Tổ chức Trung ương.
Hơn nữa ông Trọng cũng được cho là đã sửa câu ‘Văn phòng Quốc hội là cơ quan chủ quản của Báo Đại biểu nhân dân’ thành ‘Văn phòng quốc hội là cơ quan chủ quản của Tòa soạn Báo Đại biểu nhân dân’ cho phù hợp với luật báo chí.
Tác giả bình luận: “Kỹ lưỡng đến thế, chặt chẽ từ pháp lý đến tình người như thế còn được mấy ai nhỉ?”
“Giàu như Phú – Lú như Trọng – Lật lọng như Nghiên – Tiêu tiền như Triệu”
Vè dân gian về lãnh đạo Hà Nội
Nhưng cây viết Thăng Long không nói gì về chữ ‘lú’ được dùng trong một hoàn cảnh khác khi người ta nói ông Trọng từng là Chủ tịch của ‘Hội đồng lú lẫn trung ương’ mà tên chính thức là ‘Hội đồng Lý luận trung ương’.

‘Sự thật ở dư luận’

Vào cuối bài viết, tác giả kết: “Ấy là vì Văn Bông đã viết ra thì tôi đành viết thêm thôi chứ không có ý gì khen chê.
“Bởi, dư luận có khi có cái ranh mãnh của nó.
“Như, có người bảo Nghị quyết Trung ương 4 có làm gì được ai đâu. Thế thì, ngẫm mà xem, sao có nhiều kẻ xấu sợ nó đến thế?”
Bài của ông Thăng Long được viết sau khi có bài ‘Có lẽ sự thật nằm ở dư luận’ của tác giả Văn Bông, cũng của báo Đại biểu nhân dân.
Văn Bông nói về tình trạng ‘rải kinh phí ngoài hợp đồng’ và tiền ‘đi đêm’ mà doanh nghiệp phải chi cho các quan chức chính phủ để có hợp đồng.
Câu kết của bài ‘Có lẽ sự thật nằm ở dư luận’ là: “Sự thật trước pháp luật là căn cứ vào chứng lý, nhưng sự thật trong xã hội đôi khi nằm ở dư luận.
“Người làm hoạch định chính sách đôi khi phải tìm sự thật ở dư luận.”
Theo BBC

Viết tiếp Có lẽ sự thật nằm ở dư luận

Nhân đọc bài Có lẽ sự thật nằm ở dư luận của Văn Bông, chợt nhớ chuyện Chủ tịch QH Khóa XII.

Hồi ấy, khi Ông nhậm chức Chủ tịch QH, là người làm báo xuất thân từ khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp, tôi có ý chê Ông khi Ông đọc câu Kiều Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn. Tôi nói với cương vị ấy, sao Ông lại lẩy câu Kiều ở hoàn cảnh ấy của Kiều. Sau này hiểu hơn, tôi mới thấy thông cảm vì tôi biết Ông thật sự chân thành.
Trước đấy, dư luận về Ông không nhiều, nhưng không phải dư luận hay, Ông được ghép chữ LÚ ngay sau tên của mình cùng vần vè với người khác gán với chữ tham, chữ gian, chữ gì gì nữa, nói chung là chẳng hay ho gì. Đọc cả câu ấy, phải sau rất nhiều năm, và hình như cho đến bây giờ tôi mới thật hiểu. Hiểu ra cái thâm thúy của dân gian: Họ chê người ta. Họ khen Ông bằng cái cười mỉm, nụ cười thoáng qua như Nguyễn Ái Quốc tả nụ cười của Phan Bội Châu. Ấy là, Ông sạch, sạch quá, mình Ông sạch. Sạch như Ông chắc phải như Khuất Nguyên mà tìm tới sông Mịch La thôi, sạch như thế với thói đời xưa nay bẩn, thì là lú lẫn thật rồi.
Anh Đông, thư ký của Ông kể, khi về nhận Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ông xòe bàn tay bảo, mình với cậu thi đua nhé. Hai bàn tay ấy hôm nay vẫn còn trắng.
Dài dòng như vậy về dư luận chỉ để nhớ lại chuyện cách đây 4 năm Ông gọi Tổng biên tập Báo Người đại biểu nhân dân tới gặp Ông, Ông hỏi chuyện làm báo, hỏi chuyện thu nhập của anh em và hỏi thật khéo hoài bão của người phụ trách tờ báo… Sau đó, Ông với tư cách Chủ tịch QH đã ký Nghị quyết 816 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đổi tên Báo thành Báo Đại biểu nhân dân, nâng cấp thành Báo loại I, cấp tổng cục và trực tiếp ký Nghị quyết bổ nhiệm Tổng biên tập Báo ĐBND cho đồng chí Hồ Anh Tài. Anh Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm VPQH lúc đó kể lại có ý kiến đề nghị phụ cấp cho Tổng biên tập là 1,3, nhưng nếu phụ cấp 1,3 thì quyền ký quyết định lại thuộc Ban Tổ chức Trung ương, còn phụ cấp 1,25 thì thuộc lĩnh vực QH quyết. Đắn đo một chút, Chủ tịch QH Khóa XII quyết định để chính mình ký nghị quyết bổ nhiệm.
Nhưng, cũng vẫn theo nguyên Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn, ở Nghị quyết 816 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XII có điều khoản lúc đầu được soạn như sau: Văn phòng Quốc hội là cơ quan chủ quản của Báo Đại biểu nhân dân. Ông Chủ tịch QH Khóa XII đọc rất kỹ và hạ bút thêm vào hai chữ Văn phòng Quốc hội là cơ quan chủ quản của Tòa soạn Báo Đại biểu nhân dân. Ông giải thích như thế phù hợp với Luật Báo chí là có cơ quan chủ quản, nhưng VPQH quản lý Báo ĐBND về mặt hành chính, còn Báo ĐBND là Tiếng nói của Quốc hội nên chỉ đạo nội dung là Thường vụ Quốc hội và giao cho anh Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch QH chỉ đạo nội dung của Báo.
Kỹ lưỡng đến thế, chặt chẽ từ pháp lý đến tình người như thế còn được mấy ai nhỉ?
Hồi mới có Nghị quyết Trung ương 4, dân và cán bộ thì thích, nhưng có kẻ ghét, có kẻ đặt điều bảo nghe nói chụp được cả ảnh bà nhà ông ấy nhận phong bì. Anh em có hỏi, tôi có nói: Họ không nói được gì ông ấy thì họ bảo bà ấy, như tôi biết bà ấy không có tính ấy, tay bà ấy không biết cầm cái phong bì đâu. Ai biết cầm nhìn biết liền.
Ấy là vì Văn Bông đã viết ra thì tôi đành viết thêm thôi chứ không có ý gì khen chê. Bởi, dư luận có khi có cái ranh mãnh của nó. Như, có người bảo Nghị quyết Trung ương 4 có làm gì được ai đâu. Thế thì, ngẫm mà xem, sao có nhiều kẻ xấu sợ nó đến thế?
Theo Đại biểu Nhân dân

Não trạng quan chức bộ

Nhiều ngày nay, dư luận trong và ngoài nước hết sức bất bình với những phát ngôn cực kỳ phản cảm của bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Y tế và ông Nguyễn Thanh Sơn – Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Vụ bà Bộ trưởng Tiến



Ngày 20-7, dư luận chấn động khi biết tin ba bé sơ sinh ở bệnh viện huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đột ngột tử vong oan uổng ngay sau khi tiêm vắc xin ngừa viêm gan B, mặc dù trước và sau khi chào đời được các bác sĩ đánh giá là khỏe mạnh, không có bệnh lý bất thường. Cùng ngày, có mặt tại Quảng Trị dự lễ khởi công nhà tháp chuông nghĩa trang Liệt sĩ huyện Gio Linh, rồi tiếp đó là thắp hương ở nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từ chối phỏng vấn của báo chí, nại lý do đã cử đoàn công tác đến Quảng Trị để tìm hiểu nguyên nhân và nói báo chí phỏng vấn đoàn này. Bị công luận chê trách việc bà Tiến đang ở Đường 9 – Quảng Trị mà không “quá bộ” chừng 50 km lên Hướng Hóa thăm hỏi và chia sẻ dâu thương với các gia đình bất hạnh, bà Tiến nại lý do lịch công tác đã kín, vé máy bay đã đặt…
Động thái trên của người đứng đầu Bộ Y tế làm dư luận càng bức xúc. Từng giữ chức Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, hơn ai hết, bà Tiến không thể không biết trường hợp 3 trẻ sơ sinh cùng bất ngờ tử vong sau khi tiêm vắc xin thì không thể ngẫu nhiên trùng hợp có thể do bệnh lý như lẻ tẻ đó đây từng bé. Như vậy, chỉ còn hai khả năng: khâu sản xuất, kiểm nghiệm vắc xin trước khi đưa vào sử dụng và/hoặc khâu bảo quản, vận chuyển, quy trình tiêm chủng “có vấn đề”. Cả hai trường hợp, đều lỗi của ngành y tế. Ấy vậy mà bà Tiến – tư lệnh ngành không có nổi một lời nhận trách nhiệm, xin lỗi, đừng nói đến xin từ chức như công luận đòi hỏi.
Thời đại thông tin cho mọi người biết mỗi khi có thảm họa (dù do thiên tai) như động đất, bão lụt… nguyên thủ các nước lớn thường phải tạm gác mọi việc để đến hiện trường thị sát, chỉ đạo khắc phục, chia sẻ cùng người dân bị thiệt hại (Tổng Bí thư ĐCSLX Goocbachop trong vụ động đất đã lâu ở một nước cộng hòa xa xôi; Tổng thống Mỹ Bush trong cơn bão Katrina năm 2005, Thủ tướng Nhật Naoto Kan trong trận sóng thần ở Fukushima năm 1011…). Khó có thể nói công việc đã xếp lịch như đã nêu của Bộ trưởng y tế Việt Nam quan trọng và khó thay đổi hơn công việc đã lên lịch của các nguyên thủ nọ.

Vụ ông Thứ trưởng Sơn

Sau vụ phát ngôn của bà Tiến ít ngày, tháp tùng chuyến thăm Hoa Kỳ mới đây của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn hẳn chẳng mát mắt khi nhìn thấy đông đảo Việt kiều ở Mỹ, Canada, Úc… biểu tình trước Nhà Trắng để phản đối, đòi Hà Nội ngừng gia tăng đàn áp nhân quyền, đặc biệt trong các khía cạnh tự do báo chí, ngôn luận và tôn giáo.
Trả lời phỏng vấn của Ti Vi Phố Bolsa, ông Sơn nói họ biểu tình vì “còn cố tình giữ trong lòng chút hận thù cuối cùng” và “có những người chỉ vì đồng tiền, có những người chỉ vì nhu cầu cuộc sống, có những người chỉ vì có một chút thu nhập thêm mà tham gia”…(!). Phát ngôn trên của ông Sơn gây sốc mạnh và lập tức tạo làn sóng phản ứng gay gắt chưa từng có của không chỉ bà con Việt kiều trên nhiều cơ quan truyền thông. Nhiều người cho rằng ông Sơn nói năng hồ đồ, theo kiểu suy bụng ta ra bụng người, tiêu biểu cho thói chụp mũ, ăn không nói có lâu nay của giới chức và truyền thông cộng sản…
Quan chức cấp cao lỡ miệng trước truyền thông đã là tai hại. Khó nói hết tác hại của phát ngôn trên từ miệng quan chức ngoại giao như ông Sơn, nhất là trong bối cảnh Hà Nội tuyên bố khép lại quá khứ, nhằm tranh thủ nguồn lực Việt kiều. Bởi thận trọng, kín cạnh, tế nhị, mềm mỏng, khôn khéo và lịch lãm là tiêu chuẩn trên hết và cũng là tối thiểu của bất cứ viên chức ngoại giao nào.
Não bộ trưởng Việt Nam giá bao nhiêu?
Có lẽ không phải là quá đáng khi sau vụ bà Tiến – ông Sơn, có blogger kể câu chuyện (bi?) hài dưới đây:
“Bệnh nhân bị ung thư não, bác sĩ nói phải thay não mới sống được.
- Thay thì hết bao nhiêu, thưa bác sĩ?
- Tùy não. Não khoa học gia thì chừng 500 nghìn USD. Não bộ trưởng Việt Nam thì khoảng 5 triệu USD.
- Sao não bộ trưởng Việt Nam lại đắt thế?
- Vì nó chưa được dùng bao giờ, còn mới 100%” (!!!)
THEO VÕ VĂN TẠO

Các trang cá nhân trên Facebook không được tổng hợp thông tin

 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã chính thức được công bố chiều 31/7 tại Hà Nội với nhiều thay đổi so với Nghị định số 97 ban hành năm 2008.
Nghị định 72, được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 15/7 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9, định nghĩa: “Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp”.
Như vậy, những tài khoản được lập thông qua các mạng xã hội như Facebook sẽ chỉ được đăng thông tin của chính cá nhân đó. Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, giải thích với VnExpress.net: “Trang thông tin cá nhân không được trích dẫn thông tin tổng hợp, tức là không được trích dẫn thông tin từ các cơ quan báo chí hay các trang web của cơ quan nhà nước”.
FB-1375270113_500x0.jpg
Rất nhiều trang tổng hợp tin từ báo chí và các nguồn khác nhau trên Facebook.
Hiện nay, có rất nhiều blog hoặc tài khoản Facebook do cá nhân lập ra để chia sẻ tin tức thời sự, hay các bài viết về sức khoẻ, công nghệ, thời trang… mà chủ nhân của những trang đó thu thập từ báo chí để thu hút cộng đồng. “Trong thực tế có nhiều trang Facebook vẫn đang tổng hợp thông tin, chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra xử lý. Tổng hợp còn liên quan đến vấn đề bản quyền, không phải lấy chỗ nọ sang chỗ kia được. Ngay cả việc đưa thông tin cá nhân cũng phải tuân thủ quy định pháp luật”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng bổ sung.
Một nội dung khác cũng đặc biệt được quan tâm là quản lý thông tin xuyên biên giới. “Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam”, Nghị định nêu rõ.
Tuy nhiên, khi được hỏi về những hình thức xử phạt cụ thể với các trường hợp vi phạm, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho hay hiện Ban soạn thảo của Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn đang trong quá trình xây dựng Nghị định về xử phạt các vi phạm hành chính trong cả hai lĩnh vực Bưu chính – Viễn thông – CNTT và lĩnh vực Báo chí – Xuất bản và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong thời gian gần đây.
FB-1-1375270987_500x0.jpg
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: “Nghị định về xử lý vi phạm trên Internet đang được soạn thảo và sẽ trình Chính phủ thời gian tới”.
“Internet là phát minh lớn của loài người, nhưng thách thức là những kẻ xấu lợi dụng thành tựu công nghệ  để vi phạm pháp luật. Trong điều kiện trên lãnh thổ từng nước thì dễ quản lý, nhưng xuyên biên giới lại là thách thức lớn. Chúng tôi sẽ lấy ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp liên quan, đăng trên cổng thông tin để công khai minh bạch, cũng như tham chiếu các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và tham khảo quy định của các quốc gia khác trong vấn đề quản lý dịch vụ xuyên biên giới”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh.
Nhận định về những trang web mạo danh các lãnh đạo Đảng, nhà nước, những người nổi tiếng, Thứ trưởng cho hay Internet là một xã hội thu nhỏ, có người tốt, người xấu, có thông tin tốt, có thông tin không chính xác, lừa đảo. Việc xử lý nội dung thông tin độc hại cũng sẽ được áp dụng như trong cuộc đời thực. Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ ngành, cơ quan báo chí cũng phải vào cuộc, đấu tranh chống lại luận điệu sai trái chứ chỉ dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn
Theo vnexpress

CỰC ĐOAN RỒI


Nếu cấm mọi người chia sẻ ngay cả những thông tin trên báo chí nước nhà là sai rồi các bác ạ.
Một thông tin hay, một bài viết tốt,một việc làm, hành vi cần biểu dương hay cần phê phán, một sự việc, một hiện tượng cần chấn chỉnh….mà báo chí nước nhà đăng tải, mọi người chia sẻ với nhau trên fb, trên blogs để cùng biết, cùng đọc, cùng ủng hộ hoặc phê phán mà cấm thì không ổn đâu.
Đáng ra còn phải ủng hộ, còn phải kêu gọi hệ thống fb, blogs đưa lại nhiều thông tin trên báo chí nước nhà để nhiều người cùng biết cơ.
Từ tổng biên tập các báo, đến phóng viên, đều chung niềm vui nếu có thêm một bạn đọc, thêm một người đọc thông tin mình viết, thông tin trên báo mình. Thế thì tại sao giờ cấm? Có những thứ vô lý xảy ra đến mức ngồi ngẩn cả tiếng vẫn không giải thích được. Ai tham mưu cho Chính phủ Nghị định này? Lại là Bộ Thông tin truyền thông. Không biết dùng từ gì để nói nữa đây….Sửa ngay đi các bác, nhân dân cười cho đấy.
Có một vấn đề rất đáng báo động ở nước ta: Các Bộ, ngành, cục, vụ khi tham mưu chỉ thị, nghị định, quy định…đều lấy lợi ích cục bộ của chính mình, có lợi cho chính mình, không phải vì toàn cục, vì nhân dân. Vì thế, một số văn bản, nghị định, quy định chết yểu ngay khi đề xuất hay khi ban hành. Vì sao?Vì không khả thi. Vì sao? Vì xâm phạm lợi ích hợp pháp của người dân. Ví dụ việc cấm fb, blogs chia sẻ ngay cả những thông tin trên báo chí là xâm phạm lợi ích hợp pháp cần thông tin của nhân dân và xâm phạm cả lợi ích hợp pháp của chính tòa soạn các tờ báo đó khi Nghị định ngăn chặn quyền được phát hành thông tin rộng rãi của các báo. Sai nhè ra rồi.
Biết là các bác muốn ngăn chặn ở mức tối đa những thông tin xấu, thông tin kích động, những hình ảnh xấu, dư luận xấu…điều đó thì nên làm, nhưng nhân đó mà chặn, mà cấm ngay cả thông tin báo chí đưa thì hỏng, vậy thì báo chí viết cho ai? Và có phải ai cũng có thời gian đọc hết 700 tờ báo? Chia sẻ với nhau thông tin trên hệ thống báo chí mà cũng cấm nữa thì đúng là cực đoạn rồi các bác ạ.
Theo Nguyễn Quang Vinh

Về chuyện bức ảnh ghép vụ Điếu Cày tuyệt thực 

Sự vụ Nguyễn Văn Hải tuyệt thực nhẽ ra thì nó cũng không rầm rộ đến như vậy. Quá nhiều người bị đau sau cái tát ù tai chóng mặt vụ Cù Huy Hà Vũ nên giờ thành ra rụt rè hơn, phản ứng cũng thận trọng hơn. Vâng đó là câu chuyện về chữ tín và niềm tin, đó cũng là bài học vỡ lòng về hiệu ứng xã hội.
Có vẻ không hài lòng lắm về kết quả này, thấy dư luận hình như không quan tâm nhiều lắm, cũng như không thấy có ai đi tuyệt thực cùng Điếu Cày nên phía công an không hài lòng (không thấy vui thú) thì phải (ghi chú giả thuyết chỉ là giả thuyết không nhất thiết khác sự thực)? Thế là bài: Lật tẩy chiêu tuyệt thực của Nguyễn Văn Hải báo Công An Nhân Dân được bung ra.
Một trò quăng dầu vào lửa. Y như rằng dư luận ụm cụ xọe cả lên, tất cả lại nháo nhào điên cuồng điên đảo.


Miễn chú thích

Mẹ! Nghe cái tên tác giả bài báo đã đầy ý lỡm lờ, chọc quê: Vũ Đại Phong, dịch nôm ra là Mưa gió tơi bời, hay chém gió thành bão rất tương xứng với trình độ của các nhà Dân chủ minh tinh vĩ đại xứ Lừa.
Anh đến sặc gạch cười. Đúng là một thứ tiểu xảo mà chỉ có sự thâm nhọ của Bắc Kỳ mới nghĩ ra được.
Hôm qua thì anh có cà kháy với mấy ông bạn trong một âm mưu rất thâm độc:
“Này Điếu Cày tuyệt thực 37, 38 ngày rồi. Ông ở đây sao không lên trên trại 6 Thanh Chương mần một bài đi.
- Để làm đéo gì?
- Ơ hay, để câu view chứ làm đéo gì nữa. Sự vụ đang hót câu view mà bán quảng cáo lại đúng chủ trương.
- Thế nào?
- Thì ông làm thủ tục, lên đấy rùi thấy Điếu Cày mà nằm bẹp, tính mệnh nguy cấp thì ỉm mẹ đi cho nó đúng đường lối. Thấy Điếu Cày mạnh khỏe, nói năng hoạt bát thì chụp hình rồi về photoshop nhoe nhoét ra.
- Photoshop làm cái gì?
- Để câu view chứ còn làm gì nữa, bỏn thấy cắt sửa ảnh nhoe nhoét thì bỏn mới điên cuồng gúc. Mẹ báo mạng mà không câu view lấy gì ra bán quảng cáo?”
Chiện giỡn chơi với chi bộ thôi. Còn giờ quay về chuyện bức hình. Rõ ràng bức hình đó là sử dụng photoshop một cách “nhoe nhoét”. Bằng chứng đầu tiên là hai bức được ghép làm một, chưa kể các yếu tố kỹ thuật khác.
Anh đến lạ lùng là việc tại làm sao vụ Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực những clip cũng được cố ý cắt ghép tứ tung, thậm chí còn được ghép từ cả camera điện thoại di động. Giờ đến lượt Điếu Cày tuyệt thực.
Đới thế mới thần tình.
Bây giờ nói về việc đấu tranh. Sự vụ Cù Huy Hà Vũ cho chúng ta một bài học về sự kiểm chứng thông tin và cơ sở pháp lý để bảo hộ quyền lợi hợp pháp của tù nhân. Có nghĩa rằng ít nhất trong những trường hợp như thế này Điếu Cày hoàn toàn có thể có được người bảo hộ về mặt pháp lý hoặc người đại diện cho mình.
Đó hiển nhiên phải là luật sư hỗ trợ về mặt pháp lý cho Điếu Cày khi ông ta quyết định khởi kiện, hay kiến nghị.
Anh đã khởi sự tranh đấu thì anh phải chấp nhận cái giá phải trả. Hantimes đã khởi động việc phổ quát các giá trị dân sinh, cổ vũ đầu lâu tư do tư tưởng, bình quyền chính trị. Làm nền tảng cho nền chính trị Đa Nguyên thì đương nhiên Hantimes sẽ chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình.
Dấn thân là phải chấp nhận.
Tiếp đó nói về trình đấu tranh và tư duy khoa học. Điếu Cày (nếu là tuyệt thực thật) thì đã chấp nhận nhưng không khôn khéo, hay nói đúng hơn là không lựa chọn cho mình một phương án đấu tranh tối ưu và hiệu quả nhất.
Hiển nhiên phát ngôn từ Luật sư người đại diện, người bảo hộ về mặt quyền lợi cho Điếu Cày rằng: Điếu Cày đã quyết định đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực nhằm bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình sẽ có tính chính danh và độ xác tín thông tin hơn rất nhiều so với Vợ cũ.
Lưu ý Vợ cũ nghĩa là Vợ đã ly dị hoàn toàn không có tư cách pháp nhân, hoàn toàn không phải là thân nhân của Điếu Cày.
Chính vì không chủ động được nguồn tin, trong khi tin tức dường như được cố ý làm cho rối tung, bưng chỗ này nhưng lại phòi chỗ kia càng làm cho thiên hạ lắm thứ dị nghị. Đồn thổi rất là bất lợi.
Như vậy cái bài học ở đây chính là việc làm thế nào đó, bằng cách nào đó để có thể chủ động thông tin một cách tốt nhất có thể. Tức là xác định tư duy và lộ trình khoa học, tạo cơ hội để đấu tranh.
Thật anh không hiểu vì lý gì Điếu Cày không làm điều đó.
Còn với anh. Điếu Cày có tuyệt thực hay không, bao nhiêu ngày cũng chả ảnh hưởng mẹ gì đến tiến trình dân chủ. Anh quan tâm tới cái nền tảng ban đầu, tuyền thể quan tâm đến cái ngọn. Anh quan tâm đến dân sinh tuyền thể quan tâm tới cá nhân. Anh quan tâm tới việc khai phóng tư duy tạo nền Đa Nguyên chính trị tuyền thể quan tâm tới sự kiện.
Đấu tranh dân chủ là vì cộng đồng, vì xã hội vì sự phát triển đéo phải vì cá nhân. Có một thằng cha chống cộng khét lẹt ở tận Mẽo nó thở ra một câu rất đúng: Đấu tranh để phá bỏ cái nhà ngục lớn không phải đấu tranh vì một cá nhân trong cái nhà ngục nhỏ.
Xứ này trong những phần tử cấp tiến đang mắc hai thứ dịch bệnh đó là Kiến nghị và Tuyệt thực. Hôm qua thì anh có tám với một dân chủ cấp tiến rằng: Bê thậm chí nên trả tiền cho những con bệnh này. Càng duy trì nó dài lâu bao nhiêu càng tốt cho sự tồn tại của Bê bấy nhiêu.
Bất giác anh nghĩ ngày Điếu Cày hay Cù Huy Hà Vũ được trả tự do không bao lâu nữa, vấn đề là thời điểm thích hợp. Thật là đúng với chủ trương khoan hồng của Bê quang vinh vĩ đại đầy mình. Vì sao ư? Anh đéo nói he he!!
Có con nói xưa các Nhân Sỹ làm được bao nhiêu việc cho đời, Tiến Sỹ Nguyễn Quang A đưa tin học về nước. Vâng xin cảm ơn về công lao của các vị.
Nhưng các vị không làm thế thì giờ lấy cái gì ra danh xưng Nhân Sỹ? Lý luận mèo tưởng là dân chủ thực ra cũng Bê hơn Bê: Đảng có công cứu chuộc dân tộc lầm than Đang đương nhiên quyền thống trị tuyệt lâu dài.
Vã!!
Cũng nói thêm bản thân bọn anh năm có thể kéo vài ngàn khách du lịch cho một tỉnh, ngâm cứu đề xuất chiêu tập các ý kiến về cải cách hành chính để phục vụ bọn doanh nhân lõ đít và bần nông oai hùng. Chắc là về già anh cũng có danh xưng Nhân Sỹ Trí Thức phỏng?
Theo Hantimes.info

CSGT Thanh Hóa gặp nạn vì “quăng lưới” bùi nhùi

Vụ một thiếu úy CSGT bị tai nạn khi “quăng lưới” bắt “quái xế” đêm 30/7, theo lãnh đạo Công an TP Thanh Hóa, là do làm sai quy trình.
Trước đó, khuya ngày 30/7, trên địa bàn TP. Thanh Hóa người dân đã gọi điện đến lực lượng công an phản ánh có một nhóm đối tượng đi xe máy không đội MBH, đánh võng, lạng lách và trêu người, ngay sau đó có 6 CSGT đến hiện trường. Trong lúc “khống chế” xe của đối tượng thì thiếu úy Vũ Xuân Long đã bị ngã xuống đường phải đưa đi cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương.


Thiếu úy Vũ Xuân Long chỉ “xây xát nhẹ” đang được điều trị.

Chiều ngày 31/7, trao đổi với PV, Đại tá Lê Văn Nghiêm, Trưởng Công an TP Thanh Hóa cho rằng, thông tin vụ việc một CSGT “quăng lưới” vào nhóm đối tượng đi xe máy không đội MBH, đánh võng, lạng lách trên đường “chỉ bị xây xát nhẹ, không phải bị chèn ép xe” mà dẫn tới “nguy kịch”.
Đại tá Lê Văn Nghiêm cho biết: “Việc ném bùi nhùi thì cần phải có chỉ huy. Đằng này anh vừa đi xe, vừa dùng lưới để dưới xe ném là sai. Việc đồng chí Long bị xây xát là do khi đi xe lại dùng tay trái ném lưới vào đối tượng thì mất đà ngã chứ không phải do bị chèn ép xe. Trong lúc làm nhiệm vụ thì chuyện bị tai nạn là chuyện bình thường”.
Liên quan đến việc dùng bùi nhùi để ném vào các đối tượng mà không sử dụng súng phóng bùi nhùi thì đại tá Nghiêm cho rằng: “Bấy lâu nay dùng không hề xảy ra việc gì cả. Súng phóng bùi nhùi hay bị trục trặc kỹ thuật, sửa suốt vì đây chỉ là đang thử nghiệm nên hiệu quả cũng chưa đạt cao bằng việc dùng thủ công”.
Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.
THEO KIẾN THỨC

Hà Nội: Dừng đèn đỏ được nghe loa tuyên truyền

Loa phát thanh sẽ được lắp ở 16 điểm giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội nhằm tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức người dân.
Nhằm “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”, trong tháng 8/2013, Công an TP. Hà Nội phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lắp đặt loa phát thanh ở 16 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Loa phát thanh sẽ tuyên truyền Luật giao thông đường bộ và các văn bản mới liên quan đến lĩnh vực trật tự an toàn giao thông để dân biết, hiểu và nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông tốt hơn.
Theo kế hoạch, sau khi hệ thống loa phát thanh được lắp đặt, sẽ tuyên truyền theo hướng dẫn của Ban tuyên giáo Thành ủy và được cập nhật theo từng ngày, tuần, tháng, năm.
Nội dung chủ yếu khi tuyên truyền là các văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, như: Luật giao thông đường bộ, đường sắt; Luật xử lý vi phạm hành chính, kế hoạch tăng cường đảm bảo trật tự giao thông…
Một số điểm chốt đặt loa phát thanh kể đến như: ngã năm Yên Phụ – Thanh Niên, Ngã tư Điện Biên Phủ – Trần Phú; ngã tư Chùa Bộc – Thái Hà; Láng Hạ – Huỳnh Thúc Kháng; Kim Liên – Đại Cồ Việt; ngã tư đường Phạm Hùng – Xuân Thủy – Nguyễn Phong Sắc; Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến…
Hệ thống phát thanh sẽ hoạt động theo nhịp hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, khi có tín hiệu đèn xanh, loa phát nhạc chờ không lời; khi đèn đỏ phát thông tin về luật giao thông đường bộ.
Công an TP. Hà Nội giao cho Phòng CSGT chịu trách nhiệm chính về việc này.
Chờ đèn đỏ cũng bị tông chết
Khoảng 11 giờ trưa nay (26/7), tại ngã tư đường 30.4 giao với đường Trần Ngọc Quế (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông hy hữu, hai chiếc xe gắn máy đang dừng chờ đèn đỏ thì bất ngờ bị một xe bồn ủi từ phía sau.
Trước đó, khoảng 15h30 ngày 20/11/2012 một vụ tai nạn nghiêm trọng giữa hai xe tải khi đang đứng chờ tín hiệu đèn đã xảy ra trên quốc lộ 1A đoạn đi qua khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP. HCM.
Ngày 7/11/2012 tại ngã tư quốc lộ 1A giao nhau với quốc lộ 21B và cầu Phủ Lý mới thuộc địa bàn xã Thanh Châu, Thành phố Phủ Lý (Hà Nam) chiếc xe tải không làm chủ được tốc độ đã đâm chết 1 người điều khiển xe máy đang đứng chờ đèn tín hiệu để qua đường.
THEO ĐẤT VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét