Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Bài viết đáng chú ý - Cập nhật vụ Đoàn văn Vươn

‘Tòa án chỉ muốn kết tội ông Vươn’

Gia đình ông Vươn trong phiên xử sơ thẩm
Vợ chồng các ông Vươn, Quý đã không thành công trong việc kêu oan

Luật sư bào chữa cho anh em ông Đoàn Văn Vươn cho rằng Tòa án Nhân dân Tối cao đã không làm đúng chức trách bảo vệ công lý mà dường như chỉ tìm cách kết tội các bị cáo.

Trong phán quyết đưa ra vào chiều 30/7 tại thành phố Hải Phòng, Tòa án khẳng định đủ cơ sở kết luận hai ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý phạm tội ‘Giết người’ nên vẫn duy trì bán án sơ thẩm 5 năm tù, còn hai bà Phạm Thị Báu và Nguyễn Thị Thương phạm tội ‘Chống người thi hành công vụ’ nên cũng y án là 18 và 15 tháng tù treo.

Tuy nhiên, luật sư Trần Vũ Hải, một trong những luật sư đồng bào chữa cho tất cả bốn bị cáo, nói rằng phán quyết này là ‘không rõ ràng’ và ‘không có căn cứ’.
Hai bị cáo còn lại là Đoàn Văn Sịnh, anh ông Vươn, được giảm từ 3 năm rưỡi xuống còn 2 năm 9 tháng tù, trong khi cháu ông Vươn là Đoàn Văn Vệ cũng được giảm từ 2 năm tháng xuống còn 19 tháng tù.

Không cho tranh luận

Nguyên nhân chính khiến ông Hải không cảm thấy thuyết phục trước phán quyết của tòa là việc chủ tọa phiên tòa đã không cho phép tranh luận giữa đại diện Viện kiểm sát và các luật sư biện hộ trên một số vấn đề mang tính quyết định.

“Bản án không thuyết phục,” ông Hải nói với BBC từ Hà Nội hôm 31/7, “Những gì chúng tôi nói ra và yêu cầu tranh luận thì đại diện Viện kiểm sát không tranh luận với chúng tôi.”
"Chúng tôi muốn có một ngày tranh luận. Tòa tìm cách giải thoát cho Viện kiểm sát."
Luật sư Trần Vũ Hải
Lý do phía Viện kiểm sát đưa ra để từ chối tranh luận, theo ông Hải, là ‘vì đây là các quan điểm khác nhau, đề nghị Tòa xem xét’.

Tuy nhiên, tòa án đã lấy quyền chủ tọa của mình để yêu cầu ‘mỗi bên giữ quan điểm của mình, tòa sẽ xem xét’ chứ không cho tranh luận trực tiếp.

“Chúng tôi muốn có một ngày tranh luận,” ông Hải nói, ý nhắc đến phiên tòa chấm dứt sớm một ngày so với dự kiến vì dường như ‘Tòa tìm cách giải thoát cho Viện kiểm sát’.

Các lập luận mà phía công tố đưa ra để kết tội các bị cáo ‘không phù hợp thực tế, chứng cứ, khoa học, pháp luật’, ông Hải cáo buộc.

“Lý luận của Viện kiểm sát rất yếu. Chúng tôi sẵn sàng tranh luận ở bất cứ nơi đâu,” ông nói, “Ngay cả các chứng cứ khoa học, chúng tôi cũng có thể mời các nhà khoa học đầu ngành ra phản biện.”

Công tố đuối lý?

Ông Vươn trong phiên phúc thẩm
Ông Vươn được luật sư biện hộ cho rằng là 'tìm mọi cách để không làm hại tính mạng người khác'

Ông Hải cũng nêu ra một số lập luận của các luật sư mà bên công tố không muốn tranh luận.

Thứ nhất, về cáo buộc ‘Giết người’, ông Hải nói các luật sư đã đặt vấn đề có hay không động cơ giết người, hành động có nhằm giết người không và tổn thương đối với bên bị hại.

“Anh em ông Vươn không có thù hằn gì với các chiến sỹ (cưỡng chế) mà chỉ muốn tạo tiếng vang để Trung ương quan tâm,” ông nói.

Vốn là một người có kinh nghiệm về vũ khí, bản thân ông Vươn đã đề ra một kế hoạch mà Luật sư Hải mô tả là ‘hoàn hảo’ để ‘không ảnh hưởng tính mạng của bất kỳ ai’ mà lại gây ra được tiếng vang.

Theo đó, ông Vươn đã cho dựng hàng rào, lót rơm rạ để mang cảnh báo lực lượng cưỡng chế đừng xông vào, sử dụng đạn nhỏ bắn chim cho hai khẩu súng hoa cải và chỉ bắn ở phạm vi 20 mét chứ không ở gần hơn, ông Hải thuật lại.

Trên thực tế khi lực lượng cưỡng chế vẫn vượt hàng rào tiến vào đến gần khoảng cách đó thì ông Quý đã ‘bắn liên tục hai phát không chậm trễ’ vì ‘nếu chậm trễ, các chiến sỹ đến gần hơn thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng’.

Còn bình gas mà ông Quý dùng làm vũ khí ‘đã được rút hết gas’ và ‘được đặt ở vị trí ngang đầm để nếu có nổ lên thì cũng rơi xuống đầm chứ không rơi vào các chiến sỹ’, ông Hải giải thích.

Về phần người bị hại, ông Hải nói khi ra tòa ‘sức khỏa vẫn rất tốt’, ‘vẫn đang công tác’ để nhấn mạnh ‘hậu quả không lớn’.
"Lý luận của Viện kiểm sát rất yếu. Chúng tôi sẵn sàng tranh luận ở bất cứ nơi đâu."
Luật sư Trần Vũ Hải
Ngoài ra ông cũng đặt nghi vấn về ‘công vụ’ trong tội ‘Chống người thi hành công vụ’.

“Phải xét công vụ có đúng pháp luật và thi hành có đúng pháp luật hay không,” ông giải thích, “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận công vụ sai pháp luật”.
Còn về thi hành công vụ, luật sư Hải khẳng định các lãnh đạo huyện Tiên Lãng đã ‘cố tình cưỡng chế nhầm’ vào nhà và đầm mà ông Quý được ông Vươn giao coi sóc vốn nằm bên ngoài khu đầm có diện tích 19,3ha bị cưỡng chế theo quyết định.

“Mặc dù họ lập luận là họ chỉ tìm đường đi qua nhưng vào thời điểm đó rõ ràng họ đã cố tình cưỡng chế trái pháp luật,” ông nói.

“Các lãnh đạo huyện Tiên Lãng biết rõ là không thể cưỡng chế ở đấy sao họ lại xua lực lượng vào?” ông nói thêm, “Sau đó họ công bố cho báo chí là cưỡng chế cả 40 ha (trái với quyết định).”

Về việc hai bị cáo Sịnh và Vệ được giảm án trong khi các thân chủ của mình thì không, ông Hải cho biết trong lúc phiên tòa diễn ra các thẩm phán đã ‘nhắn nhủ’ với các bị cáo rằng phải kháng cáo giảm án thì mới được giảm án còn nếu kháng cáo kêu oan thì không.

Trên thực tế, trước Tòa bị cáo Sịnh đã ‘bày tỏ hối hận trước những hành vi vi phạm pháp luật’ vì ‘nhận thức pháp luật kém’ nên xin được giảm án để sớm về đoàn tụ với gia đình, ông Hải cho biết.
(BBC)

Vụ án Đoàn Văn Vươn điển hình cho bất hợp lý về đất đai tại Việt Nam

Những gì còn lại của ngôi nhà ông Đoàn Văn Vươn sau khi bị chính quyền huyện Tiên Lãng đập phá. Ảnh chụp 10/01/2012 - REUTERS
Những gì còn lại của ngôi nhà ông Đoàn Văn Vươn sau khi bị chính quyền huyện Tiên Lãng đập phá. Ảnh chụp 10/01/2012 - REUTERS

Như tin chúng tôi đã đưa hôm qua 30/07/2013, Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam trong phiên phúc thẩm tại Hải Phòng đã y án 5 năm tù đối với Đoàn Văn Vươn, người nông dân đã trở thành anh hùng sau khi sử dụng vũ khí tự tạo chống lại lực lượng cưỡng chế hồi tháng Giêng năm ngoái. Hãng tin Pháp hôm nay nhận định hành động chống đối hiếm hoi này bắt nguôn từ những bất hợp lý về đất đai tại Việt Nam.

Bản tin của hãng AFP hôm nay nhấn mạnh, Đoàn Văn Vươn cùng với những người thân đã trở thành những người hùng tại Việt Nam, khi dám đứng lên chống lại lực lượng hùng hậu đến để cưỡng chế đầm thủy sản mà gia đình ông đang khai thác tại xã Cống Rộc huyện Tiên Lãng tỉnh Hải Phòng, cách Hà Nội 90 km, làm bảy công an bị thương. Ông Vươn cùng với ba người đàn ông khác trong gia đình đã bị kết án vào tháng 4/2013 từ hai đến năm năm tù vì tội giết người.
Trong phiên tòa phúc thẩm kết thúc chiều qua, Đoàn Văn Vươn và em là Đoàn Văn Quý bị y án 5 năm tù do tòa « không thấy có tình tiết mới để có thể hủy các tội danh ». Hai người còn lại là Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ được giảm án còn 19 và 33 tháng tù vì « thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải ».

Hãng tin Pháp trích nguồn từ báo chí trong nước cho biết tại phiên phúc thẩm, ông Vươn nói rằng đã phải hành động như trên sau khi đã nhiều lần kêu oan về việc bị trục xuất khỏi khu đầm nhưng không kết quả. Ông cho biết : « Tôi đã gởi rất nhiều đơn khiếu nại, tổng cộng khoảng 100 ký lô đơn từ ». Đoàn Văn Vươn cũng cam đoan rằng ông không hề có ý định làm ai bị thương.

AFP nhận định, hành động chống đối lại lực lượng cưỡng chế của gia đình này là sự kiện rất hiếm hoi tại Việt Nam, đã gây ra một phong trào ủng hộ rộng rãi trên toàn quốc. Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã cho rằng vụ cưỡng chế trên là « bất hợp pháp ».

Sau phiên tòa sơ thẩm, các nhà phân tích cho rằng bản án khá nhẹ năm năm tù dành cho Đoàn Văn Vươn, đối với một tội danh có khung hình phạt lên đến tử hình, có thể được xem là nhằm giảm bớt những căng thẳng xung quanh vụ việc này.

Những vụ tranh chấp đất đã trở thành nóng bỏng tại đất nước cộng sản, mà đất đai thuộc về Nhà nước. Hàng triệu người nông dân phải thuê đất như ông Vươn bị lệ thuộc vào cách hành xử tùy tiện của chính quyền địa phương, thường muốn thu hồi đất cho những « lợi ích công » mơ hồ, mà theo các chuyên gia, là cái cớ để tham nhũng.

Mời quý thính giả đón nghe nhận định của luật sư Trần Vũ Hải về phiên xử phúc thẩm Đoàn Văn Vươn, trong bài phỏng vấn của chúng tôi ở phần sau.
Thụy My (RFI)

LS Trần Vũ Hải : Phiên tòa Đoàn Văn Vươn vi phạm thủ tục tố tụng hình sự

Ông Đoàn Văn Vươn (giữa) tại phiên tòa Hải Phòng, 05/04/2013 - REUTERS /Doan Tan
Ông Đoàn Văn Vươn (giữa) tại phiên tòa Hải Phòng, 05/04/2013 - REUTERS /Doan Tan

Sau phiên xử phúc thẩm hôm qua 30/07/2013 của Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hải Phòng, các ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý đã bị y án năm năm tù vì tội giết người. Hai người còn lại là Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ được giảm án đôi chút.

Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ hôm nay, luật sư Trần Vũ Hải đã cho biết những nhận định về phiên tòa này:

RFI : Kính chào luật sư Trần Vũ Hải, rất cám ơn luật sư đã nhận trả lời phỏng vấn. Luật sư thấy thế nào về phiên tòa phúc thẩm xử ông Đoàn Văn Vươn và những người thân ?

Luật sư Trần Vũ Hải : Trước hết chúng tôi cũng ghi nhận là phiên tòa này đã có giảm án cho hai bị cáo không có vai trò quan trọng nào trong vụ án này, đó là các bị cáo Đoàn Văn Vệ và Đoàn Văn Sịnh. Mặc dù không phải là luật sư bào chữa cho họ, cá nhân tôi cho rằng hai người này cần phải được tuyên vô tội.

Riêng đối với bốn bị cáo mà tôi tham gia bào chữa là vợ chồng ông bà Đoàn Văn Vươn & Nguyễn Thị Thương, Đoàn Văn Quý và Phạm Thị Báu, đã không được tòa án thay đổi về tội danh và mức hình phạt. Các bị cáo không tán thành việc này, tỏ ra rất bức xúc và cũng đang đề nghị chúng tôi tiếp tục khiếu nại lên các cấp khác của Việt Nam.

RFI : Luật sư thấy bản án có những gì bất hợp lý ? Theo như anh em ông Đoàn Văn Vươn, thì việc chống lại đoàn cưỡng chế chỉ là hành động bất đắc dĩ ?

Trong vụ án này, nguyên nhân, động cơ hành động của các bị cáo là gì ? Thực sự có động cơ giết người hay không, hay là có động cơ khác ? Tòa nói động cơ của các bị cáo là muốn chuyển việc tranh chấp hành chính dân sự sang vụ án hình sự. Nhưng chúng tôi nói rằng Viện Kiểm sát cần phải nói rõ hơn vấn đề này.

Động cơ chính là do uất ức chính quyền địa phương Tiên Lãng trong việc thu hồi đất. Mặc dù họ đã khiếu nại, khởi kiện, tố cáo theo đúng luật, nhưng mà chính quyền huyện Tiên Lãng tìm mọi cách chối bỏ, lảng tránh. Thậm chí họ cho rằng còn lừa họ, nuốt cam kết khi họ rút đơn khởi kiện ở tòa án hành chính, tức là rút kháng cáo.

Chỉ mấy tháng sau, chính quyền đã ra quyết định cưỡng chế và thu hồi đất của các bị cáo này, nên họ rất bức xúc. Ngay cả quyết định cưỡng chế thì họ cũng đã khiếu nại ngay, đưa tận tay ông chủ tịch, nhưng mà chính quyền cũng không đếm xỉa đến khiếu nại này. Họ đã tìm mọi phương tiện, mọi vũ khí pháp lý một cách hòa bình nhưng không được, và họ buộc lòng phải chống trả.

Nhưng sự chống trả này chủ yếu là gây tiếng vang để chính phủ biết đến, giải tỏa nỗi oan ức của họ. Ông Vươn là cựu chiến binh trong ngành công binh, có kinh nghiệm về súng đạn và thuốc nổ, nên ông đã hướng dẫn ông Đoàn Văn Quý cách sử dụng đạn, cách cài thuốc nổ và bình gaz, mà theo như ông nói là để cảnh báo các lực lượng cưỡng chế, và phải đảm bảo tính mạng của các chiến sĩ không bị ảnh hưởng.

Bằng chứng là các kíp nổ của ông, ông đã chia lượng thuốc nổ rất không đáng kể. Cái này có giám định của khoa học hình sự, cho rằng không thể kết luận được là có gây sát thương hay không. Và thực tế khi nổ chỉ cách các chiến sĩ mấy mét thôi, cái bình gaz bay lên trời nhưng lại rơi xuống đầm chứ không rơi vào các chiến sĩ.

Tức là ông Vươn đã tính toán để làm thế nào đó, tuy nổ nhưng chỉ mang tính cảnh báo, không gây hại đến sức khỏe và tính mạng của những người thuộc lực lượng cưỡng chế. Và thực tế đã xảy ra như vậy.

RFI : Thưa luật sư, nếu kết quả giám định không rõ thì làm sao có thể buộc một tội danh nặng nề là giết người ?

Chúng tôi xin nói tiếp. Về khẩu súng hoa cải thì anh Vươn trước đây có sẵn một khẩu, và có ba loại đạn : 2 mm, 3,5 mm và 8,5 mm. Trong đó loại đạn 8,5 mm là loại đạn có tầm sát thương lớn dùng để bắn thú, còn loại nhỏ - 2 và 3,5 mm dùng để bắn chim. Anh biết rằng hai loại này sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng người khác nếu bắn với tầm từ 10 mét trở lên. Và nếu ở tầm từ 30 mét trở lên thì thậm chí không gây đến cả thương tích.

Anh cũng đã có bố trí, ban đầu là rải rơm để mà cảnh báo. Sau đó là hàng rào, cũng để thể hiện là không hoan nghênh cái đoàn này. Tiếp nữa là cho nổ, thì rõ ràng là anh chỉ cần tiếng nổ thôi, vì các chiến sĩ cũng phải cẩn thận. Nhưng các chiến sĩ vẫn vào tiếp, thì từ cái đoạn nổ đến nhà anh là 40 mét.

Cái 40 mét ở đây mục đích là gì ? Là để khi các chiến sĩ thấy nổ mà vẫn đi tiếp, thì vẫn có thời gian để Quý lại cảnh báo tiếp bằng súng. Nhưng chỉ độ 20 đến 30 mét thì mới sử dụng súng, còn nếu gần hơn thì không dùng, vì nguy hiểm.

Nhưng mà nguy hiểm ở đây cũng chỉ đến sức khỏe thôi, còn tính mạng thì phải lại gần hơn nữa. Mà thực ra cũng không gây ảnh hưởng đến tính mạng, do không dùng loại đạn bắn thú, chỉ dùng đạn bắn chim thôi.

Ông Quý bắn là trong tinh thần hoảng loạn, khi theo ông kể là có lực lượng hỏa lực mạnh vào nhà ông. Và thực ra là ông cũng không thể ngó đầu ra bắn được, mà ông chỉ giơ nòng súng ra bắn - việc này trong một số bút lục cũng đã ghi – chứ không giơ đầu ra. Vì ông bảo nếu đưa đầu ra thì ông sẽ bị bắn chết ngay !

Thế thì ông chỉ bắn hú họa như thế, nhưng mà súng hoa cải có đặc tính là nó có đạn chùm, và đã gây thương tích cho bảy chiến sĩ. Nhưng thực tế những thương tích này là nhẹ. Đến giờ phút này chúng tôi quan sát là cũng không có vẻ trầm trọng lắm.

Tất nhiên vấn đề này cần có những chuyên gia, nhưng mà qua tiếp xúc trực tiếp một số người, trong đó có cả ông Mải, chúng tôi biết rằng vấn đề sức khỏe không phải quá trầm trọng, mà hiện nay theo đánh giá của chúng tôi là bình thường. Thế nên không có chuyện hậu quả chết người là ngoài ý muốn của các bị cáo, mà phải khẳng định là trong tính toán của các bị cáo, đều tìm mọi cách để không gây chết người.

Tuy nhiên kết luận giám định lại đưa ra một câu chung chung– do câu hỏi của cơ quan điều tra - rằng bắn đạn hoa cải ở tầm 30 mét vào cơ thể người có thể gây sát thương (chết hoặc bị thương). Không khẳng định là tầm bắn 30 mét này có chết người hay không, cũng không khẳng định dùng loại đạn nhỏ 2 và 3,5 mm ; và cũng không nêu căn cứ khoa học là phương pháp thử nghiệm như thế nào.

Nhưng mà Tòa án lại cho rằng kết luận này là đã đủ, thì chúng tôi nghĩ rằng như thế rất nguy hiểm ! Trong tương lai, khi mà một cái kết luận vu vơ của giám định viên, không có căn cứ khoa học, sẽ dẫn tới việc truy tố, hoặc buộc một cái tội danh cao nhất trong bộ Luật Hình sự, đó là tội giết người.

RFI : Về tội danh bị cáo buộc là « chống người thi hành công vụ » thì thế nào, thưa luật sư ?

Còn về « chống người thi hành công vụ » thì chúng tôi lập luận rằng, thực ra quyết định thu hồi đất đã được hủy bỏ và bị cho là trái pháp luật, cho nên việc cưỡng chế cũng là trái pháp luật. Đấy là kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng cái quyết định thu hồi đất mà có đúng, thì việc cưỡng chế cũng chỉ tiến hành trong phạm vi 19,3 hecta theo quyết định thôi, chứ không thể nào lại mở rộng thêm một cái phần mà chưa có quyết định cưỡng chế - đó là nơi xảy ra vụ án.

Và thực ra tại sơ thẩm, các luật sư khác cũng đã nói là có đường khác đi vào khu đầm 19,3 hecta, có thể vào được mà không phải qua nhà của Đoàn Văn Quý. Nếu họ sử dụng con đường ấy thì đã không diễn ra vụ án này. Không có việc cài mìn, kíp nổ hay nổ súng v.v…ở khu đầm ấy.

Nhưng chúng tôi phát hiện ra rằng chính lãnh đạo huyện Tiên Lãng – chủ tịch, phó chủ tịch và trưởng phòng tài nguyên môi trường, cùng với ông trưởng công an là biết rõ nhất chỉ có cưỡng chế ở khu vực 19,3 hecta thôi. Không phải khu vực chỗ nhà của Đoàn Văn Quý. Nhưng họ đã tìm mọi cách không nói rõ cho những người liên quan biết.
Và chúng tôi đã chứng minh rằng cái sơ đồ mà ông trưởng phòng tài nguyên môi trường cấp cho mọi người và cho cơ quan điều tra, được thiết lập vào tháng 12/2011, tức là trước đấy mấy tuần, thì không ghi sơ đồ cưỡng chế là khu vực nào. Mà chỉ có sơ đồ đầm ông Vươn, có những 40 hecta – đầm ngoài, đầm trong, một đầm 28 và một đầm 12 hecta, chứ không phân biệt chỗ cưỡng chế và chưa cưỡng chế.

Như vậy là họ cố tình đưa cho các lực lượng sai vị trí, cố tình hướng dẫn cưỡng chế ở vị trí sai. Trong các thông báo của ông Khanh, mà sau đó ông Hiền có đọc, cũng có nói rằng phải tháo gỡ những lều trại và thu tài sản này tại vùng quyết định thu hồi, tức là cả 40 hecta. Như thế có việc cưỡng chế nhầm để tiện thể thu luôn 40 hecta, chứ không phải 19,3 hecta. Mà cưỡng chế nhầm, không có quyết định như vậy là trái pháp luật.

Thì chúng tôi nghĩ rằng đây không phải là công vụ, và cũng không phải thi hành đúng pháp luật. Mà đây là một kế hoạch tước đoạt tài sản và thành quả lao động. Cho nên họ chống trả là đúng thôi !
Còn mức độ chống trả như thế nào, có vượt quá phòng vệ chính đáng hay tình thế cấp thiết hay không là một câu chuyện mà Tòa án cần phải xem xét. Tất nhiên mỗi người có một quan điểm, nhưng phải thấy rằng không phải là thi hành công vụ.

RFI : Được biết có những bị cáo khai là bị đánh đập nhưng không được tòa xét đến ?

Vâng. Việc này chúng tôi đã thẩm vấn, thì có ít nhất ba người khai là bị đánh là Đoàn Văn Vệ, Đoàn Văn Quý và Đoàn Văn Sịnh. Trong đó ông Đoàn Văn Sịnh bị đánh gẫy răng. Và khi Viện Kiểm sát hỏi là chứng cứ đâu ? Thì ông bảo chúng tôi chả có chứng cứ gì cả, chả có khiếu nại tố cáo được gì cả. Nhưng chứng cứ của chúng tôi chính trên cơ thể chúng tôi, đấy là răng của chúng tôi không còn !

Và ông đã đưa cái hàm răng mà bị gẫy rất nhiều răng cho Hội đồng xét xử cũng như Viện Kiểm sát thấy. Chúng tôi thấy rằng phía Tòa án sau đấy cũng tìm cách lặng thinh về vấn đề này.

Còn ông Đoàn Văn Quý thì nói rằng ông bị đạp trước mặt kiểm sát viên và quản giáo. Ông Đoàn Văn Vệ thì bị nhiều lần. Ngoài ra có ít nhất năm người trong vụ án này bị bắt từ ngày mùng 5 đến mùng 10 mà không có lệnh bắt hoặc biên bản phạm pháp quả tang theo luật Việt Nam.

Phía Tòa án và Viện Kiểm sát nói rằng họ có đơn tự nguyện. Chúng tôi cho rằng không thể chấp nhận được. Không có ai tự nguyện ở Công an cả ! Ở tận những mấy ngày. Họ có thể ở vài tiếng là cùng thôi, chứ còn ở bốn, năm ngày thì không có. Mà trong thời gian đó họ cho rằng có nhiều lời khai của họ là do bị đánh đập, ép cung.

Thậm chí Đoàn Văn Vệ còn cho biết rằng có điều tra viên gợi ý là tội của anh nhẹ lắm, về bảo gia đình « lo » thì sẽ cho thoát. Nhưng mà cuối cùng cũng không giải quyết, và ông Đoàn Văn Vệ cũng đã tố cáo vụ này. Không phải ở phúc thẩm đâu, mà tại phiên tòa sơ thẩm. Nhưng Viện Kiểm sát và Tòa án cũng không chịu giải quyết những vấn đề đó. Mà theo tôi thì những việc như vậy cần phải làm rõ ngay, và nếu cần thiết thậm chí khởi tố tại phiên tòa, Viện Kiểm sát phải đi xác minh.

Những câu chuyện như vậy dẫn tới việc chúng tôi cho rằng các lời khai của các bị cáo tại những thời điểm không có luật sư là không thể chấp nhận được. Mà nhất là các bị cáo này, theo luật là phải có luật sư chỉ định ngay từ đầu, nhưng phải đến một tháng sau mới được gặp các luật sư. Nên chúng tôi thấy như thế là vi phạm tố tụng.

Và lẽ ra Viện Kiểm sát phải tranh luận với chúng tôi về những vấn đề cơ bản như thế, kể cả vấn đề khoa học, giám định. Nhưng cuối cùng họ chỉ nói chung chung. Họ nói kết luận giám định không cần phải đưa ra tài liệu khoa học. Chúng tôi bảo rằng kết luận giám định là phải dựa trên khoa học. Ông giám định viên cho dù giỏi đến mấy, cũng phải đưa tài liệu khoa học ra đây, hoặc là tài liệu thực nghiệm điều tra của ông ra làm căn cứ chứ. Chúng tôi có quyền đánh giá, mà muốn đánh giá cũng phải tham khảo các nhà khoa học. Nhưng mà phải có tài liệu để chúng tôi đánh giá.

Rất đáng tiếc là họ không tranh luận đến cùng. Viện Kiểm sát, Tòa án cho rằng thôi, mỗi người giữ quan điểm xong Tòa xem xét. Tôi nghĩ rằng như thế là không phù hợp với các quy định về xét xử của Việt Nam.

RFI : Xin rất cảm ơn luật sư Trần Vũ Hải.
Thụy My (RFI)

Bá Tân - Không có gì lạ

Bốn anh em họ Đoàn vẫn bị tù giam, phúc thẩm vẫn y án như sơ thẩm. Người nhà họ Đoàn, bà con Tiên Lãng cũng như nhiều người dân thêm một phen hy vọng hụt.
Hy vọng vì tình cảm với anh em họ Đoàn, nhất là Đoàn Văn Vươn. Thực ra, về lý trí theo logic thông thường, phán quyết của tòa phúc thẩm không có gì lạ. Với loại án như thế, làm gì có chuyện tòa phúc thẩm quay lưng với tòa sơ thẩm, nếu vậy khác nào xảy ra động đất.

Anh em nhà họ Đoàn được trả tự do ngay tại phiên tòa phúc thẩm ư? Nếu có việc đó mới là chuyện lạ. Chuyện lạ (cái lạ ) với chuyện cũ (cái cũ ) vẫn cứ tồn tại trong xã hội. Nếu được lựa chọn, thời nào cũng vậy, nhiều người vẫn thích cái lạ. Cái lạ hôm nay sẽ trở thành cái cũ của ngày mai. Thôi thì cứ chờ đợi, thế nào rồi cũng đến ngày cái lạ không còn là lạ.
Tác giả của phương châm định hướng đời này, không phải ai khác, chính là Đoàn Văn Vươn (ảnh chụp lối vào nhà Vươn trong đầm, tháng 2.2012)
Thời cụ Hồ, chỉ cần ăn cắp mấy triệu bạc trở thành chuyện kinh hoàng. Thời nay, tham nhũng hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm hàng ngàn tỉ đồng không phải là chuyện lạ. Chẳng biết rồi đây sẽ còn những chuyện không lạ như thế nào.
Vào tù, mất tự do nhưng tuyệt nhiên không mất chí khí. Bỏ tù thể xác, làm sao giam tù được khí tiết. Mất quyền công dân nhưng không mất quyền làm người. Làm gì thì làm nhưng trước hết phải biết làm người. Làm quan không biết làm người, chắc gì đã hơn phạm nhân mất quyền công dân nhưng rất biết làm người. Thước đo giá trị con người là biết làm người, chứ không phải chức tước, tiền bạc.
Hành động của anh em họ Đoàn chẳng có gì lạ. Tức nước vỡ bờ - cách hành xử “phổ cập” của muôn đời. Biết chết nhưng vẫn cứ làm, đó là bản năng vốn có của con người, có khi vì thế mà trở thành anh hùng. Chừng nào còn con người thì bản năng ấy vẫn được lưu giữ, chuyện đó không có gì lạ.
Rồi sẽ đến ngày anh em nhà họ Đoàn hết hạn tù. Người thân đang chờ đợi các anh. Tôm cá trong đầm đang mong các anh về. Trong câu chuyện thường ngày về thời thế, nhiều người vẫn nhắc đến các anh.
Nhiều kẻ xấu phải vào tù nhưng không phải cứ tù nhân là người xấu. Có những kẻ siêu xấu nhưng có phải tù đày gì đâu.

Bá Tân
(Blog Nguyễn Thông)

Lật tẩy hay bị lật tẩy?

Bài báo có tựa “Lật tẩy chiêu tuyệt thực của Nguyễn Văn Hải” do nhà báo Vũ Đại Phong viết và đăng trên tờ Công An Nhân Dân Hà Nội đang phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi, trong đó tấm hình đi kèm được chú thích chụp blogger Điếu Cày rất khỏe mạnh trong nhà giam bị cho là đã qua chỉnh sửa và điều này đã đi ngược lại với tiêu chuẩn đạo đức báo chí. Mặc Lâm tìm hiểu sự việc qua phân tích của chuyên gia IT về vấn đề này.
Trong thời đại computer đã phát triển vượt bậc như hiện nay, một tấm hình được xem là “hot” nếu xuất hiện trên mặt báo và có khả năng thay đổi nội dung một câu chuyện hay chứng minh đuợc sự thật mà công chúng đang tranh cãi thì tấm hình ấy chắc chắn sẽ đuợc săm soi rất kỹ để tìm hiểu nó chụp vào thời gian nào, trước hay sau sự việc diễn ra và quan trọng nhất tấm hình ấy có được chỉnh sửa bằng kỹ thuật Photoshop hay không.
Tờ báo Dân Trí của Việt Nam đã từng mang tiếng chỉnh sửa hình ảnh trong vụ Trần Khải Thanh Thủy với mục đích tăng thêm tội trạng cho bà và bẻ hướng câu chuyện theo ý đồ của phóng viên nếu không muốn nói kể cả của cơ quan công quyền. Sự việc gần đây nhất là tấm ảnh của phóng viên Vũ Đại Phong của báo Công an Nhân dân Hà Nội khi mang hình ảnh của Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải vào bài viết của mình để chứng minh người tù này vẫn mạnh khỏe và không phải là đang tuyệt thực như dư luận đang tố giác sự vô tâm của nhà giam Tổng cục 8.
Tấm hình nhanh chóng bị tố cáo là chỉnh sửa, lắp ghép một cách vụng về và từ đó làm động cơ cho gia đình người blogger nổi tiếng này cùng với bạn hữu tới thẳng tòa soạn báo Công an Nhân Dân đòi làm sáng tỏ vào sáng ngày 31 tháng Bảy vừa qua.
Bà Dương Thị Tân vợ cũ của blogger Điếu Cầy cho biết sự việc xảy ra khi đến tòa soạn báo Công an Nhân Dân:
Cũng như mọi khi giống như là từ lúc mẹ con tôi đi Nghệ An đến nay tất cả mọi nơi đều lẩn tránh, đều có chung luận điệu là không có người giải quyết công việc của gia đình tôi, hoặc thế này hoặc thế kia nhưng nói chung là lẩn tránh, thậm chí họ còn đóng cửa không có một người nào để chúng tôi có thể hỏi. Người ta cũng chỉ trả lời một cách rất đơn giản là sếp của họ đi vắng và người phóng viên viết bài đó cũng đi công tác xa tại Tây nguyên. Chúng tôi không chấp nhận cách trả lời như vậy và chúng tôi yêu cầu gặp người chịu trách nhiệm xuất bản bài báo đó.
Không chấp nhận chuyện đó nên anh em bạn hữu chúng tôi đi ra ngoài cửa của tòa soạn đó và căng băng rôn để phản đối những việc làm của báo Công an Nhân dân đã có hành vi xuyên tạc, vu khống bôi nhọ thân nhân tôi cũng như những bằng hữu của chúng khi bài báo cho là một nhóm người chuyên tụ tập kích động gây rối các thứ trong bài báo đó.
image.jpg
Tấm hình trên báo cand online với lời chú thích: Nguyễn Văn Hải trong buổi khám sức khỏe định kỳ (ngày 26/7) và nhận khẩu phần ăn từ cán bộ trại (ngày 28/7). Photo courtesy of cand online
Trong kỹ thuật computer graphic design, việc chỉnh sửa hình ảnh trông đẹp và thực hơn nhờ vào các tính năng cắt ráp rất thành công của phần mềm Photoshop. Người xem dễ dàng chấp nhận một tấm ảnh sau khi qua chỉnh sửa trở nên hoàn toàn khác với tấm ảnh nguyên mẫu mà chính người trong ảnh cũng bất ngờ nếu không được huấn luyện chuyên môn.
Tuy nhiên có một sự thật là cho dù tay nghề của người sử dụng phần mềm Photoshop chuyên nghiệp cách nào cũng không thể giấu được các công đoạn mà phầm mềm này thực hiện. Dưới sự phân tích của một chuyên gia, để phát hiện một bức ảnh cắt dán thì  tấm ảnh sẽ đuợc phóng to để lộ ra vết cắt chung quanh của chủ thể muốn cắt. Mặc dù chủ thể đã được làm mờ đi nhưng vẫn để lại những khác biệt của các Pixels hiện ra trong vùng bị cắt. Những chấm nhỏ li ti được gọi là Pixels này là các phân tử tạo nên hình ảnh trong Photoshop và do đó chúng có cùng cấu tạo từ màu sắc, ánh sáng trên từng vùng nhất định cho nên khi bị cắt dán, những khác biệt của các Pixels sẽ lộ ra vì không một bức ảnh nào lại có thể trùng khớp với một bức ảnh khác ở độ sáng cũng như màu sắc.
Hai nữa, cấu tạo hình ảnh của Photoshop trên màn hình computer căn bản trên ba channel khác nhau. Ba channel đỏ, lá cây và xanh (Red, Green, Blue) khi nằm chồng lên nhau sẽ tạo ra hình ảnh thật nhưng khi tách rời chúng từng phần một sẽ hiện lên sự lắp ghép cắt dán ấy rất rõ ràng vì mỗi màu đều nằm riêng ra trên channel của màu ấy.
Kỹ thuật thứ ba để phát hiện các công đoạn chỉnh sửa là Histogram trong chuơng trình của Photoshop. Histogram sẽ ghi nhận mọi hoạt động chỉnh sửa màu sắc, khẩu độ ánh sáng trên một chủ thể và từ Histogram người ta dễ dàng nhận ra bức ảnh được sửa khi nào và vùng nào bị sửa.
Lắp ghép vụng về
Nhận xét tấm hình đang gây ồn ào của bài viết mang tên “Lật tẩy chiêu tuyệt thực của Nguyễn Văn Hải” do nhà báo Vũ Đại Phong sáng tác, chuyên gia IT về hình ảnh và an ninh mạng Hoàng Ngọc Diêu cho biết:
Tôi nhìn qua thì tôi thấy có hai điểm rất rõ ràng và hiển nhiên. Thứ nhất là cái vai của anh Điếu Cày trên hình nền nó bị mờ đi vì ai đó đã cố tình làm mờ đi để tiệp với hình nền nhưng vì họ làm rất vụng về cho nên khi mình chuyển qua một channel thì mình thấy nó hiện ra rất rõ. Thứ hai là cái Histogram trên mặt và trên ngực của anh Điếu Cày nó khác nhau rất nhiều. Nếu tấm hình đựơc chụp cùng một ánh sáng cùng một góc độ thì không có thể nào cái skin tone, cái màu da ở trên trán và trên ngực lại khác biệt nhau đến như vậy. Đây là điểm mà tôi tìm ra ngay lập tức không cần phải phân tích gì nhiều.
Khi được nhắc tới chi tiết cánh tay trong tấm hình bị cắt một cách vụng về và tác giả của nó lắp ghép với sự thiếu sự hiểu biết về cơ thể học cũng như luật phối cảnh của hội họa, chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu cho biết:
Đó cũng là một chi tiết rất thú vị vì nói một cách khoa học thì khi đưa tay ra nắm thì ngón cái phải xòe ra để giữ cái ca chứ không thể ào nó cụp lại như trong tấm hình này. Nhìn cái hình thì rõ ràng mình thấy ngón tay cái nó bị cụt mất. Đây là do người cắt ghép tấm hình khá vụng về nên cắt nó bị biến mất một miếng nên không còn thấy nguyên vẹn ngón tay cái nữa. Còn chi tiết cánh tay của người nào đó đưa vào tấm hình nhìn rất kỳ quái, nó không phải là màu da bình thường nó giống như bị over expose, được cắt ở đâu đó rồi dán vô nên không phù hợp với ánh sáng, màu sắc của hình nền.
Sự bức xúc của dư luận và gia đình blogger Điếu Cày trước bài báo của nhà báo Vũ Đại Phong cũng như sự im lặng của Tổng biên tập tờ báo Công an Nhân dân Hà Nội cần được làm rõ, có như thế nền báo chí cách mạng mới khả dĩ có thể thuyết phục người đọc trong tình hình ngành công an đang tự đánh mất niềm tin một cách trầm trọng như hiện nay.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-07-31

Trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B : Phản ứng tại Việt Nam

Vắc-xin phòng viêm gan B
Vắc-xin phòng viêm gan B (DR)

Báo chí trong nước đưa tin ngày 20/07/2013, ngay sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B, ''3 em bé sơ sinh ở Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, tím tái, lịm dần rồi qua đời''. Việc các trẻ nhỏ qua đời đồng loạt ngay sau khi tiêm phòng gây chấn động công luận Việt Nam. Các tai biến kể trên như ''giọt nước tràn ly'' khiến một bộ phận công luận có những phản ứng mạnh mẽ đối với Bộ Y tế và trước hết là cá nhân bà Bộ trưởng.

Theo báo chí trong nước, có mặt tại Quảng Trị vào ngày 21/07, một ngày sau khi xảy ra 3 vụ tử vong hết sức bất thường này, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, không hề có biểu hiện nào chia sẻ với các gia đình nạn nhân, hoặc một cử chỉ hướng đến các gia đình này. Bà Bộ trưởng đã có chương trình tham dự lễ khởi công xây dựng nhà tháp chuông tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Gio Linh (Quảng Trị) và thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, và nhiều chương trình làm việc khác tại tỉnh này.

Trong lúc dư luận rất bàng hoàng về việc này, thì tại một bệnh viên ở Bình Thuận, lại xảy ra việc 1 trẻ sơ sinh tử vong khoảng 10 giờ, cũng sau khi tiêm chủng loại vắc-xin này vào hôm sau 21/07.
Ngày 24/07, dân cư mạng lưu truyền bản lấy chữ ký yêu cầu bà Bộ trưởng từ chức. Tính cho đến ngày 26/07, có hơn 5.000 người ký tên vào đề nghị này.

Kết luận ban đầu về cái chết của các em bé, ngày 24/07, đoàn chuyên gia của Bộ Y tế đưa ra đánh giá, lý do tử vong của các em là « do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân ». Ngày 26/07, Bộ trưởng Y tế gửi « công văn hỏa tốc » đề nghị Bộ Công an điều tra khách quan về vụ này. Quyết định gửi thư hỏa tốc sang bên Công an có vẻ như hết sức tương phản với thái độ không thực sự vội vã của bà Bộ trưởng trước đó ít hôm (ngày 24/07) : « Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc-xin thì xử vắc-xin, lỗi do người tiêm, xử người tiêm, lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật ».

Việt Nam, một nước được coi là có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao, hiện đang thực hiện chương trình tiêm chủng đại trà cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau khi chào đời, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Tai biến hết sức nghiêm trọng kể trên khiến rất nhiều người lo ngại cho số phận của con em mình. Trong không khí đầy lo âu này, một câu hỏi lớn được đặt ra trong xã hội, trong giới chuyên gia cũng như các gia đình : Tiêm hay không nên tiêm vắc-xin cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh ?

Bản thân trong giới y tế, cũng phân thành hai luồng quan điểm. Một bên cho rằng, để giảm thiểu nguy cơ, chỉ nên tiêm cho trẻ nào có mẹ mang virus viêm gan B (như vậy, điều này đi kèm với việc xét nghiệm virus cho thai phụ) và đồng thời có thể lùi thời điểm tiêm chủng khi trẻ cứng cáp hơn. Luồng quan điểm thứ hai khẳng định tiêm đại trà trong vòng 24 giờ đầu là rất cần thiết, và bản thân vắc-xin viêm gan đã chứng tỏ là một loại vắc-xin an toàn, vấn đề chủ yếu ở đây là phải bảo đảm được chất lượng vắc-xin.

Để cung cấp một cái nhìn đa chiều về vấn đề này, sau đây chúng tôi xin giới thiệu những tiếng nói từ phía các bác sĩ, cũng như những người lo ngại cho vận mệnh của con em mình trước nguy cơ tiêm vắc-xin phòng virus viêm gan B nói riêng và việc tiêm chủng nói chung.

Các khách mời của tạp chí hôm nay là Giáo sư-Bác sĩ Trần Tịnh Hiền (Sài Gòn), Bác sĩ-Tiến sĩ Trần Tuấn (Hà Nội), Bác sĩ-Tiến sĩ Nguyễn Đình Nguyên (Sydney), Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng (Hà Nội) và các chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức Blogger Mẹ Nấm – Nha Trang),  Nguyễn Trang Như (Sài Gòn), Trịnh Kim Tiến (Sài Gòn), cùng anh Lê Hào (Sài Gòn).

Thái độ của lãnh đạo Bộ Y tế ngay sau vụ ba em bé tử vong lập tức khiến nhiều người phẫn nộ. Vì sao có những cảm xúc bột phát như vậy ? Chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ghi nhận :

“Khi mà mọi người đang nháo nhào lên, để đi tìm nguyên nhân này nọ, thì bà Kim Tiến bà ấy cũng ở Quảng Trị, nhưng lại đi tham dự một lễ khởi công một nghĩa trang liệt sĩ mặc dù nó gần huyện, nhưng mà bà ấy không đi thăm, cũng không ngỏ lời chia buồn cùng với gia đình, nhất là bà lý giải lịch công tác của bà ấy đã được sắp xếp kín, và cái này bà đã giao bộ, ngành khác, tức là đã có đoàn thanh tra để làm việc rồi, thì bà ấy cũng không cần phải đến.
Tôi nghĩ, với truyền thống, nghĩa tử (là) nghĩa tận của người Việt, thì hành động đó của bà Bộ trưởng Y tế là giọt nước cuối cùng làm tràn ly sự phẫn nộ của rất nhiều người”.

Bộ Y tế truy tầm nguyên nhân gây tử vong

Để có một góc nhìn khác về phản ứng của Bộ Y tế Việt Nam trong vụ việc này, sau đây mời quý vị nghe tiếng nói của Giáo sư - Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM :

“Thực ra những cái gì đã làm, thì ở đây Bộ Y tế cũng đã làm rồi tức là từ việc điều tra, khám nghiệm cháu đã bị tử vong, tức là làm autopsie đó. Thì tụi tôi cũng chỉ theo dõi báo chí mà biết. Cái thứ hai là điều tra về cái chất lượng vắc-xin và cái quy trình tiêm, cái ống trích, cái kim, rồi tất cả cái vấn đề bảo quản. Thì cũng có nhiều ý kiến, thì cũng nói rồi, tức là nếu có sự cố gì về vấn đề bảo quản, ví dụ như nói đến vấn đề mất điện, thì cùng lắm làm vắc-xin mất cái tác dụng. Còn để nó biến đối thành một cái chất để gây tử vong, mà theo các báo cáo nói là cái sốc phản vệ, thì cũng khó mà xảy ra cùng một lúc.

Bây giờ vấn đề là phải chờ phân tích lại cái lô đó như thế nào, cụ thể là cái nhóm vắc-xin được đưa về trong cái bệnh viện đấy để kiểm tra và phân tích xem thử có gì không. Thì cái phần mà làm autopsie, tức là giải phẫu tử thi, giải phẫu bệnh cũng đã làm rồi, theo báo cáo nói là phù hợp với hội chứng gọi là “sốc phản vệ”.
Trong số các nguyên nhân gây tử vong, nhiều chuyên gia bác sĩ cho rằng, phải tìm chủ yếu trong chất lượng của vắc-xin, đây cũng là nhận định của Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên :

« Trong trường hợp xảy ra ba trẻ liên tục, thì trường hợp đó không thể gọi là phản ứng nghiêm trọng của vắc-xin được nữa. Như vậy, nguyên nhân là ở đâu ? Có thể quy kết rằng xác suất do cái bản thân vắc-xin mình kỳ vọng gây phản ứng cho trẻ không. Câu trả lời của tôi đó là : Không có khả năng đó. Giống như xác suất ba người trong cùng một nơi, mà liên tục “trúng số độc đắc”, mà ở tỷ lệ dưới một triệu người mới có một người, chuyện đó xẩy ra vào thời điểm quá gần nhau, tại cùng một địa điểm, thì các xác suất đó gần như không có thể xẩy ra. Nguyên nhân đầu tiên mình phải quy kết là lô vắc-xin đó có vấn đề. »

Tâm trạng hoang mang phổ biến

Trong khi Bộ Y tế còn loay hoay trong cuộc truy tìm nguyên nhân gây tử vong, thì chương trình tiêm chủng viêm gan B toàn quốc vẫn được thực hiện. Mặc dù, Bộ Y tế khẳng định đang điều tra về chất lượng lô vắc-xin có liên quan đến cái chết của các em bé, nhiều người vẫn cảm thấy rất hoài nghi về khả năng Bộ Y tế thực sự đi đến một kết luận khách quan trong vấn đề này. Và sau khi hai lô vắc-xin có vấn đề đã được quyết định ngưng lại, dường như rất nhiều người vẫn lo ngại là Bộ Y tế vẫn tiếp tục sử dụng loại vắc-xin của cùng một công ty sản xuất.

Về những ám ảnh lo sợ của sản phụ trong việc tiêm chủng cho bé sơ sinh sau khi chào đời, chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một người có con nhỏ, chia sẻ những quan sát và trải nghiệm của chị :

« Thực sự thì nếu ai đưa con đi sinh ở bệnh viện công, thì sẽ thấy một điều như thế này : Khi em bé sinh ra, bệnh viện đưa em bé đi chích ngừa mà không có thông báo gì với mình hết, tức là tôi chỉ biết là con tôi đã được chích ngừa một mũi viêm gan B thôi, sau khi làm giấy xuất viện. Và ở đó thì họ cũng đưa cho tôi một cái phiếu là bé đã trích ngừa viêm gan, và cũng chẳng có nói là đến ngày nào thì đi trích ngừa lại. Cho nên, cái chuyện mà trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin đó, và bây giờ Bộ Y tế đang tìm cách đẩy trách nhiệm đó, hoặc kết luận là không phải do vắc-xin. Nó thực sự là chuyện đáng báo động. Bởi vì thứ nhất là những trẻ sơ sinh ở Việt Nam không có sự lựa chọn trong chương trình tiêm chủng từ xưa đến giờ ».

Còn sau đây là suy nghĩ của chị Trịnh Kim Tiến, một thai phụ :

« Bây giờ, ở Bộ Y tế họ vẫn cho tiêm chủng vắc-xin viêm gan B đó, mặc dù đã xẩy ra những chuyện như vậy. Nhưng mà bây giờ, đợi điều tra, thì họ cứ nói rằng là Bộ Y tế và Bộ Công an đang kết hợp điều tra. Thì nếu như mà, những người như chúng tôi đợi họ điều tra, thì trong khoảng thời gian mà họ điều tra như thế, không biết đến bao giờ mới có kết quả, thì sẽ có rất là nhiều, rất là nhiều đứa trẻ sẽ được tiêm phòng. Và trong số rất là nhiều đứa trẻ đó, tôi không thể nào chắc chắn rằng là, sẽ không xẩy ra cái trường hợp tương tự ».

Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng cho biết những so sánh của chị về sự khác biệt rất lớn giữa việc tiêm chủng trước kia và tiêm chủng hiện nay :

« Bản thân tôi là bác sĩ nhi, ngày trước việc tư vấn, động viên cha mẹ cho con đi tiêm phòng là việc làm tự nhiên trong nghề của mình, con mình sinh ra cũng đưa con đi tiêm phòng trong tâm trạng vui vẻ, tin tưởng một cách tự nhiên, đưa con đi tiêm phòng về cũng chỉ phải lo việc con có phản ứng đau, hoặc sốt, hoặc sưng tấy vết tiêm là cùng, vì vẫn biết rằng yếu tố nguy cơ cao là rất thấp. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều lúc có những cha mẹ đặt câu hỏi về việc tiêm phòng cho trẻ con với mình, mình cũng thây khó trả lời, và khi có cháu trong gia đình cần đi tiêm phòng, chính mình cũng có tâm trạng lo âu, căng thẳng trong suốt một ngày đầu tiên, chỉ sợ lỡ không may cháu mình cũng bị rơi vào sự rủi ro như một số cháu bé đã chết vì tiêm phòng trong thời gian gần đây.

Hơn chục năm trở về trước, phần lớn vắc-xin sử dụng tại Việt Nam là vắc-xin được tài trợ bởi các nước phát triển, đã được kiểm định khá chặt chẽ, nên khi tiêm cho trẻ, thường có thể chỉ gặp một số phản ứng phụ, rất ít trường hợp nguy hiểm chết người. Vì vậy, hồi đó, đưa con cái đi tiêm phòng là sống trong tâm trạng tin tưởng, là biết con mình sẽ tránh được một số bệnh nguy hiểm.

Từ khoảng hơn chục năm trở lại đây, ngoài vắc-xin được các nước tài trợ, thì còn có nguồn vắc-xin sản xuất trong nước, hoặc nhập của nước ngoài. Đồng thời cũng có sự xuất hiện của một số cơ sở tiêm phòng dịch vụ.... Vì đã đang thiếu lòng tin vào các sản phẩm trong nước, nên thời gian đầu, hầu hết những người có chút ít điều kiện đều chọn hình thức tiêm phòng dịch vụ để con họ được hưởng vắc-xin nhập ngoại. Nhưng trong tình hình hiện nay, đứng trước một số sự việc bê bối của một số cơ sở tiêm dịch vụ như vụ bớt vắc-xin, tiêm không đủ lượng..., cộng với những thông tin liên tục về trẻ chết sau khi tiêm vắc-xin... thì tôi nghĩ là rất nhiều người cảm thấy liên quan, lo lắng và hoang mang, không biết quyết định thế nào cho đúng ».

Giải thích về nguyên nhân của nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ trong bối cảnh hiện nay. Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Tuấn, một chuyên gia về y tế cộng đồng và chính sách y tế, Giám đốc RTCCD (Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng) cho biết :

« Vấn đề dân hoang mang điểm chính nằm không phải là vấn đề (nhận thức về) lợi ích của vắc-xin, không phải là vấn đề cứ nghĩ đến tiêm vắc-xin là gây thêm bệnh cho con mình, hoặc có thể có những tai biến xẩy ra. Mà cái điểm chính là dân hoang mang, không biết là căn nguyên tử vong của trẻ này, cụ thể là cái gì, để mà về sau còn biết phòng tránh. Hay nói khác đi, dân hoang mang bởi vì nói khác đi vì những sự giải thích từ Bộ Y tế liên quan đến tình huống xẩy ra, những biến chứng như thế là dường như có sự chưa minh bạch, chưa rõ ràng. Những chất vấn, những câu hỏi của các nhà báo, cũng như của người dân chưa được giải thích một cách minh bạch. Tóm lại là, việc điều tra khoa học và khách quan về tai biến trong quá trình tiêm chủng là chưa được xã hội chấp nhận.

Không phải chỉ có năm nay, mà (còn liên quan) cả tới những năm trước. Chính vì thế, khi năm nay lại xẩy ra, thì vấn đề ba trẻ tử vong ở tại địa điểm như vậy, trong khi những điều tra ban đầu lại cho thấy rằng các quy trình tiêm chủng, thuốc đều đúng, đi theo những quy định của ngành, thì việc ấy chắc chắc không thể nào tránh khỏi người dân hoang mang lo lắng trong việc đưa con đi tiêm chủng trong thời gian tới.

« Nghi phạm » số một : Vắc-xin của công ty Nhà nước Vabiotech

Phần lớn người dân và những bằng chứng quan sát trên thực địa, cũng như những mô tả của người dân và báo chí, thì dường như cho rằng có vấn đề chất lượng vắc-xin, dường như vắc-xin là có một cái gì đấy bất thường, mới dẫn đến chết một cách đột ngột và nhanh chóng như vậy. Trong khi đó, phía bên Bộ Y tế vẫn nằm trong câu hỏi là phải điều tra và chờ xem xét ».

Về giải thích tạm thời chính mà Bộ Y tế đưa ra về các vụ tử vong, Bác sĩ Lê Đình Phương trong bài « Con cái chúng ta có quyền được sống! » (trang blog của Dr. Nikonian) đưa ra nhận xét :

« “CPV (Sốc phản vệ) không rõ nguyên nhân” như ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ Sinh dịch tễ TW đã công bố. Sự mập mờ này hoàn toàn có tính gian lận và che giấu dư luận về một sự thật đã quá hiển nhiên. (…) Chỉ có thể nói rằng, công bố kết quả “CPV chưa rõ nguyên nhân” là nói dối, quanh co và lấp liếm. Nguyên nhân chắc chắn và trực tiếp là qui trình bào chế vaccine ở công ty trách nhiệm hữu hạn kia, mà Bộ Y tế là người bao thầu các sản phẩm của nó bằng tiền thuế nhân dân qua chương trình tiêm chủng quốc gia. Không thể có sự thực nào khác hơn!

Chỉ khi nhìn thẳng vào nguyên nhân là những lọ vaccine oan nghiệt kia, và thay thế nó bằng vaccine đúng chuẩn như thế giới đã dùng, mới có thể chấm dứt được cảnh trẻ sơ sinh chết thảm. ».

Ngược lại với quan điểm này, Giáo sư Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế quốc gia, cho rằng : “Không nên quy tội ngay cho vắc-xin mà cần phải chờ kết luận cuối cùng của quá trình điều tra. Tử vong sau tiêm chủng có rất nhiều nguyên nhân, chứ không riêng gì về chất lượng vắc-xin”, (theo Báo điện tử "Kiến thức" thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, 25/07/2013). Giáo sư Nguyễn Đình Bảng cũng là người chủ trương chỉ nên tiêm phòng cho trẻ có mẹ mang virus.

Nếu như Bộ Y tế không coi toàn bộ vắc-xin của công ty Vabiotech là mối nghi ngờ số một, thì đối với nhiều cha mẹ, không thể không đặt ra vấn đề tạm dừng hoàn toàn vắc-xin cũ, trong khi chờ kết quả điểu tra. Sau đây là ý kiến chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh :

« Tại sao cái lô vắc-xin nó đã xẩy ra sự cố rồi mà Bộ Y tế vẫn quyết định cho dùng tiếp của Vabiotech, tức Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế số 1, do Bộ Y tế thành lập ? Tại sao không sử dụng một loại vắc-xin khác, mà lại tiếp tục sử dụng lô vắc-xin của công ty đã gây ra cái chết của ba đứa trẻ như vậy ? Thực sự thì nếu như không lên tiếng thì hãy còn rất nhiều trẻ sơ sinh khác nữa (là nạn nhân), tôi nghĩ như vậy ».

Trong bối cảnh, vắc-xin của Nhà nước có khả năng không an toàn cao, nhiều bác sĩ khuyên bệnh nhân tìm đến các vắc-xin nhập ngoại có chất lượng bảo đảm hơn. Tuy nhiên, có lẽ lựa chọn này có vẻ như không phải dành cho đại đa số trẻ sơ sinh tại Việt Nam, vì nhiều lý do (từ hoàn cảnh kinh tế, các điều kiện dịch vụ tại chỗ, cũng như hiểu biết trong vấn đề này…). Về điểm này, chị Nguyễn Trang Như nhận xét :

« Theo tôi biết, thì một số nơi đã chuyển qua vắc-xin của công ty Sanofi, để tiêm cho trẻ sơ sinh, thì Bộ Y tế cũng có thể chuyển qua dùng loại vắc-xin đó, nó có thể đắt hơn, nhưng phải chấp nhận thôi, cho sự an toàn của trẻ em ».

Ký tên phản đối Bộ trưởng Y tế : Áp lực và cơ hội đối thoại

Trả lời lý do vì sao ký tên vào bản đề nghị Bộ trưởng Y tế từ chức, anh Lê Hào cho biết :

« Về vấn đề này, tôi cũng cân nhắc rất là kỹ, khi ký vào việc bà Bộ trưởng Y tế phải từ chức. Lý do thứ nhất là tắc trách của một số bộ phận Y tế gây nên chuyện này. Vì sao ? Ở trên không làm đúng, ở trên tham nhũng quá, thì ở dưới người ta mới tham nhũng. Tại sao trẻ em lại bị tử vong sau khi tiêm vắc-xin ? Tại vì họ muốn lợi nhuận của một đơn vị quá cao. Hoặc là, ví dụ như là việc bảo quản vắc-xin không tốt và nó gây tử vong như vậy là một việc rất lớn trong trường hợp này ».

Về phần mình, chị Nguyễn Trang Như chia sẻ :

« Tôi tham gia bản ký tên này bởi vì tôi cho rằng việc góp một chữ ký, thì có thể giúp cho lời kêu gọi Bộ trưởng Bộ Y tế từ chức được lan rộng hơn. Với tôi, thì người đứng đầu một bộ là một người phải có trách nhiệm rất là cao. Và nếu như người đứng đầu đó mà không thực hiện được đúng trách nhiệm của mình và không thể hiện được đúng cái vai trò của mình, trong việc điều hành một bộ, thì tôi nghĩ là nên từ chức và để cho người khác xứng đáng hơn lên thay.

Bản thân tôi là người tham gia ký tên, tôi cũng rất mong là họ sẽ làm được những việc làm cụ thể nào đó, để có thể gây được cái sức ép lớn hơn nữa, đối với Bộ Y tế và đối với các bộ ngành nói chung có liên quan. Thì việc làm này, theo tôi, dù có kết quả thế nào, thì cũng là mang tính tích cực, vì nó gây được sự quan tâm của dư luận và khiến cho dư luận phải suy nghĩ về những cách thức để mà thể hiện cái tiếng nói và quan điểm của mình, để có thể cải thiện xã hội ».

Cũng là người ký tên, chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh khẳng định cần phải hành động mạnh mẽ hơn, để khiến Bộ Y tế phải chú ý hơn đến đòi hỏi của người dân :

« Tôi nghĩ như mọi người nói rất nhiều là, có thể là mọi người ký tên hoặc làm cái gì đó, thì bà Bộ trưởng vẫn cứ tại vị thôi, tức là không thay đổi được gì, nhưng tôi thì tôi nghĩ khác. Chính vì nhiều người nghĩ như vậy, mà những sai phạm, những người thiếu năng lực lãnh đạo, họ vẫn cứ tiếp tục ở vị trí đó hoài. Tôi nghĩ, ở thời điểm này, tốt nhất là ở vị trí Quốc hội, một người nào đó trong Quốc hội mà lắng nghe tất cả những chuyện này, thì (Bộ Y tế) buộc lòng phải lên tiếng để có một sự đăng đàn công khai về chuyện này.

Nếu như cái nơi mà gọi các bạn ký tên, mà có động thái mạnh mẽ hơn, là trao thư, xuống đường, thì những người khác họ sẽ hưởng ứng mạnh mẽ. Và nếu để không xẩy ra sự cố gì, thì đương nhiên là Bộ Y tế, đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phải lắng nghe và có động thái cụ thể trong việc này, chứ không thể im lặng như những lần vừa rồi được.
Tôi nghĩ, thật sự ở cái nước này rồi mà nếu như cha mẹ vẫn còn im lặng để được yên thân, thì chắc chắn là tương lai của con cái chúng ta rất là mờ mịt. Tôi nghĩ đơn giản như vậy thôi ».

Cần một cơ quan kiểm định độc lập với Bộ Y tế

Để khép lại tạp chí Cộng đồng về chủ đề nỗi lo tại Việt Nam trước tình trạng vắc-xin có khả năng gây tử vong, chúng tôi xin mời quý vị nghe tiếp tiếng nói của Bác sĩ Trần Tuấn, với thông điệp nhấn mạnh đến việc cần phải có một cơ quan kiểm định chất lượng y tế, độc lập với Bộ Y tế :

« Làm thế nào để giải quyết vấn đề hoang mang này, thì chúng tôi nghĩ rằng chỉ có một cách thức là phải có một cái điều tra độc lập : Điều tra chuyên môn độc lập, khách quan nằm ngoài Bộ Y tế. Bởi vì hiện nay, Bộ Y tế cũng như cái công ty nơi sản xuất vắc-xin và cả hệ thống dây chuyền lạnh, hệ thống vận chuyển vắc-xin đưa dịch vụ đến cho người dân, tất tần tật đều do Bộ Y tế quản lý. Và khi Bộ Y tế chưa có những câu trả lời, những giải đáp, mà theo đối với người dân, và dư luận, là chưa đáp ứng được đòi hỏi minh bạch hoàn toàn, không chỉ trong đợt này, mà tiếp nối cả những năm trước.

Thế thì vấn đề ở đây, không chỉ là ở chỗ, vì chỉ có một công ty cung cấp vắc-xin, mà tôi nghĩ là còn mạnh hơn thế nữa, đấy là (đòi hỏi) phải cấu trúc lại hệ thống y tế, sao cho để có một bộ phận đánh giá, giám sát chất lượng độc lập. Mà bộ phận này phải đứng trên quan điểm bảo vệ người sử dụng, vì người sử dụng luôn luôn ở trong trong vị trí yếu thế. Cái bộ phận giám sát độc lập này họ phải có chuyên môn nhìn nhận ra được một cách khách quan, là vấn đề đó xảy ra là do vấn đề kỹ thuật, do vấn đề quản lý, do vấn đề chất lượng hay là do những cái, mà chúng ta gọi là ‘‘bất khả kháng’’. Hiện nay, chúng ta cần một cấu trúc làm việc như vậy. Còn nếu không, để người dân vẫn nói, xã hội vẫn lo lắng, đấy là cứ để Bộ Y tế cứ vận hành một mình như từ trước đến nay, thì các tình trạng điều tra căn nguyên các vụ dịch, về các tai biến trong điều trị, cũng như trong chăm sóc dự phòng tiêm vắc-xin như vừa rồi, thì người ta cảm thấy rằng các căn nguyên hầu như về cơ bản là đổ lỗi cho ‘‘những trường hợp bất khả kháng’’.

Tai biến là một cơ hội xem xét lại toàn bộ

Thực ra sẽ còn nhiều vấn đề nữa. Nếu như câu chuyện nó không được giải quyết một cách, như tôi nói, thực sự đi theo một quy trình khoa học, hay nói khác đi, chúng tôi vẫn nói là : ‘‘Khoa học dẫn đường cho chúng ta đi’’. Khi nào chúng ta thực sự đưa khoa học dẫn đường cho chúng ta đi, thì các tai biến xẩy ra, những bất thường xẩy ra, như trường hợp chết ba trẻ ở Quảng Trị vừa rồi, rất đau lòng, nhưng đấy lại là một cơ hội tốt, để chúng ta xem xét lại toàn bộ các vấn đề liên quan đến tiêm chủng, từ vấn đề chất lượng vắc-xin đến vấn đề tổ chức hệ thống, vấn đề giám sát đánh giá và vấn đề kỹ thuật tiêm chủng, vấn đề xác định chẩn đoán trẻ như thế nào thì phù hợp cho tiêm hay không tiêm…

Có rất nhiều vấn đề sẽ được làm sáng tỏ ra thêm bởi những tai biến, mà mình không mong muốn những tai biến đó, nhưng mình phải biết khai thác những tai biến đó khi xẩy ra.

Còn nếu như tình trạng này chỉ là (việc Bộ Y tế) đối phó với dư luận, bằng những câu chữ, bằng những hành động, ví dụ như đẩy quá bóng sang phía bên Công an... Tôi cho rằng đấy không phải là những biện pháp giải quyết theo hướng mà chúng tôi mong đợi. Và nếu như thế, thì sự bất an trong xã hội vẫn còn tiếp tục và những vấn đề của hệ thống tiêm chủng sẽ vẫn còn treo lơ lửng ở phía trước ».

***

Vụ bê bối vắc-xin gây tử vong tại Việt Nam là một hiện tượng xã hội đặc biệt. Những tác động qua lại giữa thái độ của lãnh đạo Bộ Y tế và phản ứng trong công luận từ mươi ngày nay biến chuyển nhanh chóng, có thể nói là từng ngày một. Một ấn tượng được khá nhiều người chia sẻ là : Thay vì thái độ có phần dửng dưng lúc ban đầu, vì cho rằng đây tuy là một sự cố, nhưng không đặc biệt nghiêm trọng và rồi không sớm thì muộn cũng sẽ được giải quyết (với những tuyên bố có thể nói là khá chung chung, như tuyên bố của ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ Sinh dịch tễ TW « một tháng nữa sẽ có thể có kết quả cuối cùng về vụ việc này »), ban lãnh đạo Bộ Y tế đã phải chứng tỏ họ đang có các phản ứng khẩn trương hơn. Hôm qua, 30/07, theo báo chí trong nước, Thủ tướng Việt Nam đã trực tiếp yêu cầu « Bộ trưởng Bộ Y tế khẩn trương xem lại vấn đề tiêm chủng, nếu do vắc-xin thì phải xem lại » (báo Người lao động).

Theo chúng tôi được biết, thực tế tiêm chủng viêm gan B ở Việt Nam sau biến cố ba trẻ sơ sinh tử vong có những diễn biến khác biệt tùy theo từng vùng. Bên cạnh nơi tiếp tục thực hiện chương trình tiêm chủng, cũng có chỗ các nhân viên y tế đã chủ động ngừng tiêm, mà nguyên nhân có thể do từ gia đình, cũng có thể do nỗi lo phải chịu trách nhiệm nếu gặp sự cố. Việc Bộ Y tế không có đủ nỗ lực cần thiết để chấm dứt tình trạng tương đối mơ hồ xung quanh cuộc truy tầm nguyên nhân gây tử vong, gây ra một không khí lo ngại bao trùm.

Bản thân giới chuyên môn cũng phân thành hai luồng quan điểm, một bên ủng hộ tiêm đại trà, bên kia thiên về chỉ tập trung cho những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao (tức các trẻ có mẹ mang virus). Các ý kiến trái chiều của giới chuyên gia, trong bối cảnh thông tin không được cung cấp đầy đủ, càng khiến người dân dễ lâm vào tình trạng bối rối. Một số người có hiểu biết và điều kiện thì đi tìm những giải pháp hiệu quả cho riêng mình. Tuy nhiên, có lẽ đa số người ở trong tình huống có con sắp chào đời hoặc thân nhân của họ, đang là nạn nhân của một trạng thái tâm lý lo âu kéo dài, lo lắng, nếu như họ ít nhiều theo dõi vấn đề này, và nhiều khi cảm thấy bị đối xử hết sức bất công. Chính trạng thái này đã dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ, như sự xuất hiện của trang mạng thu thập chữ ký đòi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức. Đây có lẽ chính là điều mà Bộ Y tế và cá nhân bà Bộ trưởng đã không ý thức được khi biến cố đau thương này vừa xảy ra.

Rõ ràng là Bộ Y tế cũng đã có nhiều biện pháp để tìm kiếm nguyên nhân, khắc phục hậu quả…. Thế nhưng những hành động cho đến nay của Bộ Y tế liệu đã đủ và liệu có thể vãn hồi được lòng tin ở nhiều người ? Nhiều phản ứng cho thấy là, cộng thêm với những tai biến trong thời gian gần đây không được làm sáng tỏ, biến cố các trẻ sơ sinh đột ngột tử vong sau khi tiêm chủng mới đây, và rất nhiều tệ nạn và tai biến khác trong ngành y tế, càng làm tăng thêm nỗi ngờ vực, nếu không nói là tình cảm chán ghét và tức giận đối với cơ quan quản lý y tế ở nhiều người.

Câu chuyện tiêm chủng như vậy không còn chỉ là vấn đề kỹ thuật hay điều kiện vật chất mà nó đã trở thành một hiện tượng tâm lý xã hội. Liệu một mình Bộ Y tế có thể giải quyết được vấn đề này hay không ? Ý kiến của Bác sĩ Trần Tuấn trên đây cho thấy một trong những chìa khóa của vấn đề nằm ở chỗ Việt Nam cần phải có một cơ quan kiểm định chất lượng độc lập về y tế để quá trình thẩm định có thể được tiến hành bên ngoài phạm vi của các áp lực mang tính phe nhóm. Theo nhiều bác sĩ, bản thân Bộ Y tế qua sự việc này, một lần nữa đứng trước áp lực phải thay đổi thái độ đối xử với các đối tượng chăm sóc, với người bệnh. Một thay đổi cần thiết, sẽ giúp cho việc mang lại một bầu không khí tin tưởng, đó là cơ quan y tế cần đối diện và đối thoại thực sự với những người chỉ trích, thay vì tìm cách tránh né hoặc đưa ra một số giải pháp mang tính « tình thế ».

RFI xin chân thành cảm ơn các chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Trang Như, Trịnh Kim Tiến và anh Lê Hào, cùng Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, Giáo sư Trần Tịnh Hiền, Bác sĩ Trần Tuấn và Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên đã giành thời gian cho tạp chí.

Các bài liên quan

Việt Nam đối phó với cúm H7N9
Có đủ ARV: Thách thức lớn của cuộc chiến chống SIDA tại Việt Nam
Cải thiện sức khỏe thai phụ : Ưu tiên hàng đầu của cộng đồng quốc tế
Cuốn sách gây tranh luận tại Pháp: "Sự thật về cholesterol"
Lao kháng thuốc : Tìm hiểu căn bệnh và cách chữa trị
Việt Nam đối phó với nạn ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc
H5N1 tự biến chủng có thể lây từ người sang người ?
Bê bối thịt heo có chất tạo nạc : người tiêu dùng Việt Nam tẩy chay
Việt Nam : Phòng bệnh cúm gia cầm lây sang người
Trọng Thành (RFI)

Song Chi - Chính khách, quan chức Việt cần phải thay đổi não trạng

Ai cũng biết, quan chức VN từ cấp thấp nhất cho đến cấp lãnh đạo cao nhất đều không do dân thực sự bầu ra, cũng không qua những vòng tuyển chọn, thử thách công khai, minh bạch mà do rất nhiều con đường “khó hiểu” khác nhau: do lý lịch, thân thế, con em cháu cha, do quan hệ thân quen, do chạy tiền mua chức mua quan, thậm chí chỉ là do sống lâu lên lão làng v.v…

Chính vì vậy, hiếm khi có những nhân vật có kiến thức thật sự, có tài, có lòng với đất nước, với nhân dân. Phần lớn trong số họ hoặc là những con sâu tham nhũng, chuyên đục khoét của cải của đất nước, nhân dân, những kẻ chỉ biết nhăm nhăm nghĩ cách nào để vơ vét cho đầy túi tham, hoặc là những kẻ cơ hội, đội trên đạp dưới, gió chiều nào xoay chiều ấy, hoặc bất tài, ăn hại, hoặc tư cách tồi tệ, ăn chơi phung phí, hoặc quan liêu, vô cảm trước nỗi khổ của nhân dân…

Bức chân dung đen của đa số quan chức, nhân vật lãnh đạo ở VN thật phong phú, đa dạng. Nhưng nhìn chung, họ đều có những đặc điểm: dốt nát, vô cảm, và rất thiếu lòng tự trọng.
Dốt nát cho nên cứ mỗi lần họ mở miệng ra là người dân lại choáng, sửng sốt, phẫn nộ hoặc không thể nào nhịn được cười. Và ngay lập tức những giai thoại châm biếm, khôi hài đen về câu nói của một vị quan chức nào đó lại lan truyền rất nhanh trong dân chúng.

Không thể nào kể hết những câu nói thuộc loại “đỉnh cao trí tuệ” của quan chức Việt. Cứ thử nhìn lại từ các nhân vật trong Bộ Chính trị, các Bộ trưởng, Thứ trưởng…trở xuống, có được mấy khuôn mặt là không từng ít nhất vài lần trong nhiệm kỳ của mình, đã phát biểu một câu cực kỳ dốt nát nào đó?

Có thể có người bênh vực sẽ bảo rằng đó là vì chính khách ở VN không được đào tạo một cách bài bản nên vụng về đường ăn nói. Còn chính khách ở nước khác, nhất là ở các nước dân chủ phát triển, một khi muốn bước vào con đường chính trị thì phải học hành đàng hoàng. Không chỉ học để có kiến thức rộng, chuyên môn vững chắc, tầm nhìn xa, tư duy nhạy bén, mà còn phải học làm chính khách. Từ học ăn học nói-nói với nhân dân, nói trước đám đông, tranh cãi hùng biện với các đối thủ, trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí, nói năng khi đi ra bên ngoài tiếp xúc với những nhân vật quan trọng, nguyên thủ quốc gia các nước …Cho đến cách hành xử với tất cả mọi đối tượng trong mọi hoàn cảnh khác nhau.

Đây đúng là một điểm yếu của chính khách, quan chức Việt. Nhưng vấn đề là họ không chỉ dốt nát về kiến thức, chuyên môn hoặc vụng về trong đường ăn nói, thiếu kinh nghiệm ứng xử…Cái chính là họ rất liều, nói lấy được, nhiều lúc rất tự tin, hùng hồn là khác, mà dân ta vẫn quen gọi là “chém gió”, họ nói bất kể người nghe có tin hay không…

Chẳng hạn, tình hình nhân quyền ở VN tồi tệ ra sao, VN có tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị hay không, người dân trong nước cũng như thế giới quá rõ. Thế nhưng, các quan vẫn cứ cãi chày cãi cối rằng ở VN dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản, ở VN không có tù nhân chính trị mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật, người dân đi biểu tình phản đối TQ xâm lược hay Việt kiều đi biểu tình phản đối nhà cầm quyền VN “hèn với giặc ác với dân” thì họ phản bác rằng đi biểu tình vì bị các thế lực thù địch xúi giục, vì hận thù cá nhân, và vì được cho tiền…

Trong từng lĩnh vực cũng thế, những người chịu trách nhiệm cao nhất cứ thế mà phát biểu bất chấp thực tế, đúng sai. Trong ngành Y, 2 năm gần đây bao nhiêu trẻ em chết vì tiêm vaccine nhưng các vị trong Bộ Y tế vẫn tuyên bố vaccine loại này an toàn, cứ tiếp tục tiêm. Thực phẩm bẩn nhưng vẫn trong ngưỡng an toàn, bà con cứ việc ăn. Hàng ngàn điểm 0 trong một kỳ thi đại học là chuyện bình thường. Nợ xấu cũng trong ngưỡng an toàn, không lo. Đánh thuế nhiều, vô lý, dân kêu thì lại bảo đóng thuế là yêu nước, lạm phát cao nhưng không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, giá vàng trong nước cao hơn hẳn nước ngoài là có lợi cho dân. Rồi tình hình biển Đông vẫn chưa có gì mới, nào biển của ta, ta cứ đánh bắt, mặc cho ngư dân thường xuyên bị tàu TQ rượt đuổi, bắn phá, đánh đập, cướp sạch từ hải sản, ngư cụ, xăng dầu…mà không ai bảo vệ v.v…

Họ cũng bất chấp hậu quả, cứ nói, cứ hứa…Bởi vì chỉ có trong một cơ chế chính trị như ở VN thì quan chức dù nói sai nói bậy, nói liều, hứa mà không làm…cũng chẳng sao, chả ai bị cách chức, hay bị kỷ luật gì. Cứ xem ngay ông Thủ tướng khi mới nhậm chức từng hứa nếu không trừ được tham nhũng sẽ từ chức, bây giờ sau hơn một nhiệm kỳ của ông, nạn tham nhũng càng phát triển tràn lan với mức độ thiệt hại kinh khủng cho đất nước nhưng ông Thủ tướng thì đã quên béng lời hứa và vẫn điềm nhiên tại vị.

Chính khách, quan chức Việt cũng hầu như không bao giờ thừa nhận mình sai, không bao giờ nhận lỗi, càng rất hiếm khi có được một lời xin lỗi. Khi bị dư luận “bắt giò” sự dốt nát hay cái sai sót, phản ứng đầu tiên là họ bảo vệ cái sai của mình đến cùng dù càng nói thì càng sai, hoặc ngụy biện, chống chế đủ kiểu. Cùng lắm không thể nói càn được nữa thì họ đánh bài lờ, hoặc có nhận lỗi nhưng quấy quá cho xong và sau đó, tình hình vẫn không có gì cải thiện.
Một cái bệnh rất nặng khác của quan chức Việt là bệnh quan liêu, vô cảm, xa rời nhân dân, xa rời thực tế. Mười mấy ngàn người chết vì tai nạn giao thông hàng năm hay 27,000 trẻ em sơ sinh chết hàng năm vì những nguyên nhân khác nhau, hàng trăm ca bệnh tử vong vì nạn dịch tay chân miệng, hay hai chục trẻ sơ sinh chết vì tiêm vaccine không làm cho những tư lệnh đầu ngành là ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hay bà Bộ trưởng Bộ Y tế mảy may động lòng, dù miệng họ có tỏ ra đau xót bằng lời nhưng vẫn không có một hành động nào để thay đổi hiện trạng.

Nhìn rộng hơn, sự lạc hậu của đất nước so với các nước láng giềng sau mấy mươi năm, nỗi khổ của nhân dân không làm cho những người lãnh đạo cao nhất trăn trở để biết đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên hết, tìm một con đường, một lối thoát cho nước cho dân mà cũng là cho chính mình.

Chính khách, quan chức Việt cũng là những người rất thiếu liêm sỉ, lòng tự trọng. Dù bất tài, dù làm sai, gây ra bao nhiêu thiệt hại nghiêm trọng nhưng họ không bị cách chức, càng kiên quyết không từ chức. Nhìn sang TQ, một quốc gia có mô hình thế chế chính trị rất giống với VN do hai đảng cộng sản “anh em” lãnh đạo, quan chức ở quốc gia này cũng tham nhũng, bất tài, sa đọa, tha hóa, nhưng ít ra nhà cầm quyền TQ cũng xử lý mạnh tay. Có khá nhiều quan tham, dâm quan TQ phải rớt chức, vào tù, thậm chí bị tử hình. Nhưng ở VN rất hiếm quan chức bị xử lý nặng về tội tham nhũng, hối lộ, lạm dụng quyền lực, tử hình lại càng không.
Giả sử bây giờ các chính khách, quan chức ở VN có được đào tạo bài bản để làm quan, biết cách ăn nói, ứng xử lấy lòng dư luận, nhưng nếu họ không thành tâm, trung thực, hết lòng với dân với nước, thì mọi lời nói, hành vi giả dối bề ngoài cũng chẳng đánh lừa được ai mãi.
Điều đầu tiên, họ phải thay đổi não trạng. Với những người lãnh đạo đảng và nhà nước, phải thay đổi lối suy nghĩ tự cho chỉ có đảng và nhà nước, nói chính xác chỉ có 16 vị trong Bộ Chính trị, là được quyền quyết định mọi chuyện có liên quan đến vận mệnh đất nước, còn 90 triệu người dân không có quyền được biết, được bàn, được giám sát, phản đối. Phải thay đổi lối nghĩ luôn luôn đặt quyền lợi của đảng, của chế độ và bản thân lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc, cái quyết tâm chỉ bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ đến cùng bất chấp sự tồn vong của đất nước, nỗi khốn cùng của nhân dân.

Với đa số quan chức, là thay đổi cái quan niệm tự cho mình là quan thì có quyền muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm, coi dân như con, không những thế như cỏ rác, trong khi ngược lại, quan chức ở các nước dân chủ đều hiểu rất rõ rằng quan là do dân bầu ra, dân nuôi bằng đồng thuế mồ hôi nước mắt của mình để đại diện cho dân mà làm việc và nếu không làm việc được thì dân có quyền yêu cầu cách chức, từ chức. Hay quan điểm làm quan là để vinh thân phì gia, một người làm quan cả họ được nhờ, làm quan thì phải trung thành với đảng, với thể chế, trong khi làm quan là làm công bộc cho dân, cho nước.

Một khi não trạng bên trong đã thay đổi thì mọi lời nói, hành vi ứng xử, cung cách làm việc phục vụ nhân dân của họ sẽ khác. Lẽ tự nhiên là thế.
(RFA’s blog)

Trung Quốc lấn lướt Biển Đông : Hà Nội - Manila tăng cường hợp tác

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) và tổng thống Philippines Benigno Aquino (ảnh ghép)
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) và tổng thống Philippines Benigno Aquino (ảnh ghép) (Montage RFI)

Ngoại trưởng hai nước Việt Nam và Philippines sẽ họp lại tại Manila ngày mai 01/08/2013 để thảo luận về khả năng hợp tác trên vấn đề an ninh hàng hải. Trong một bản thông cáo, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết là phái đoàn Việt Nam do Ngoại trưởng Phạm Bình Minh dẫn đầu cũng sẽ đề cập đến các cơ chế và sáng kiến ​​quốc phòng trong khu vực.

Trên nguyên tắc đây là cuộc họp lần thứ 7 của Ủy ban Hợp tác song phương Việt Nam Philippines lần này diễn ra tại Manila dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario và đồng nhiệm Việt Nam. Hai bên sẽ xem xét tiến độ thực hiện các chương trình hợp tác đề ra cho thời kỳ từ năm 2011 đến 2016.

Theo báo chí Philippines, trong cuộc họp báo mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines ông Raul Hernandez đã xác định rằng nội dung thảo luận sẽ bao gồm các sáng kiến hợp tác về an ninh và quốc phòng, hợp tác hàng hải, đầu tư, thương mại và nông nghiệp.

Diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng trên Biển Đông do các động thái ngày càng quyết đoán của Trung Quốc nhắm vào cả Việt Nam lẫn Philippines, theo giới quan sát, vấn đề Biển Đông và đối sách chống Bắc Kinh chắc chắn sẽ được hai bên quan tâm.

Một trong những vấn đề mà các chuyên gia phân tích muốn biết là quan điểm công khai của Việt Nam sẽ ra sao trên vụ kiện đường lưỡi bò Trung Quốc mà Philippines đang xúc tiến trước Tòa án Luật Biển Liên Hiệp Quốc.

Cho đến nay, Hà Nội vẫn né tránh, không ra mặt chính thức hậu thuẫn cho Manila, chỉ xác định – như tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam gần đây – rằng trong tư cách một quốc gia ven biển có quyền lợi hợp pháp và chính đáng ở Biển Đông, « Việt Nam quan tâm và theo dõi sát tiến trình của vụ kiện này ».

Bên cạnh đó, còn có vấn đề Việt Nam và Philippines cũng có tranh chấp chủ quyền trồng chéo tại khu vực quần đảo Trường Sa. Giới phân tích đều cho rằng Hà Nội và Manila cần tìm cách xử lý trước các tranh chấp song phương này để có thế mạnh hơn trong đàm phán với Trung Quốc.
Trọng Nghĩa (RFI)

Việt Nam hứa tăng cường quan hệ truyền thống hữu nghị với Trung Quốc

(ngoại giao kiểu gì còn quá con cave, đi với thằng nào cũng ve vuốt, mà cave thì biết rồi, cả xã hội ...)


Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh.
Việt Nam cam kết các mối quan hệ truyền thống hữu nghị Việt-Trung sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn nữa trong tương lai thể theo nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Tân Hoa xã ngày 31/7 dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh đưa ra tại đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Tùy viên quân sự đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, ông Chân Trung Hưng, khẳng định Bắc Kinh luôn theo đuổi chính sách quốc phòng tự vệ và không theo chủ nghĩa bá quyền hoặc bành trướng quân sự.

Ông Chân bày tỏ tin tưởng rằng tình hữu nghị hợp tác giữa quân đội nhân dân Việt-Trung sẽ phát triển hơn nữa cùng với mối quan hệ ngày càng sâu đậm giữa đảng cộng sản hai nước.

Đáp lại, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam nói rằng là bạn, là đồng chí cùng chung lý tưởng, quân đội Việt-Trung luôn phát huy vai trò làm thành tố quan trọng giúp tăng cường quan hệ hữu nghị giữa đảng, nhà nước, và nhân dân hai nước.

Cam kết thắt chặt tình hữu nghị của đôi bên được đưa ra giữa những tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông trong khi tàu hải quân Trung Quốc vẫn liên tục uy hiếp, cướp bóc, tấn công các tàu cá của Việt Nam hoạt động trong khu vực.

Nguồn: Xinhua, People’s Daily Online
(VOA)

Ngư dân Việt bị Trung Quốc ép trên biển lẫn trên bờ

(tướng Vịnh đâu, giải quyết vụ này đi nhá, truyền thống hữu nghị lắm mà!!!)

Trước đây, câu chuyện ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc làm khó trên biển thường xoay quanh câu chuyện bị bắt tàu, tịch thu tài sản và đánh đập, gây thương tích của ngư dân Lý Sơn. Nhưng bây giờ, câu chuyện không chỉ dừng ở đó, dường như toàn bộ ngư dân miền Trung Việt Nam đều rơi vào hoàn cảnh hết sức khốn đốn bởi đi đánh bắt xa bờ luôn kèm theo nỗi lo bị Trung Quốc đuổi bắt và khi đã đánh bắt xong, trở về ngay trên quê nhà, họ vẫn bị Trung Quốc ép giá, gây khó khăn trong vấn đề tiêu thụ hải sản.
Ngư dân Việt phải mua giấy phép đánh cá của TQ?
Mua vé “thông hành hải” của Trung Quốc hằng năm Ông Trung, một ngư dân ở Bình Minh – Thăng Bình, Quảng Nam cho chúng tôi biết rằng thật ra, lâu nay ngư dân ở đây đã lựa chọn một trong hai cách để tồn tại, hoặc là đổi sang các vùng biển của các nước không phải là Trung Quốc để đánh bắt, hoặc là mua giấy phép ‘thông hành hải’ của Trung Quốc để đi đánh bắt trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa. Mỗi giấy ‘thông hành hải’ được phía Trung Quốc bán với giá bốn chục triệu đồng, tương đương với hai ngàn Mỹ Kim và có giá trị đánh bắt một năm, hết thời hạn, ngư dân phải tìm cách mua lại giấy ‘thông hành hải’ mới được đánh bắt tiếp, nếu không có giấy này, sẽ bị tịch thu mọi thứ chẳng khác gì các tàu ở Lý Sơn, Quảng Ngãi.
Tàu cá Việt Nam kéo theo một số thuyền thúng dùng để câu mực .
Tàu cá Việt Nam kéo theo một số thuyền thúng dùng để câu mực . AFP
Ông Trung nói: “Một cái rứa bảy chục triệu, ba bốn chục triệu rứa, cứ rứa hết thời hạn thì mình gia hạn lại, đóng tiền tiếp vô. Nó có thời hạn chớ không phải luôn luôn có giá trị, hết thời hạn thì gia hạn lại cái khác chớ không phải một cái rứa mình đi hoài đâu! Một năm chớ mấy, hay là năm sáu tháng chi đó (tùy vào mức tiền - pv). Có giấy có tờ chớ không là hắn bắt, hắn hốt về bên hắn liền ấy chớ! Nó treo giam mình gớm lắm, kinh đầu lắm, bên Trung Quốc á! Trung Quốc nó chặn nó bắt ứ! Trung Quốc qua hốt liền, gặp hắn hốt liền, hắn hốt hắn phạt mình cắn răng, phạt mỗi lao động cả ngàn đô…”.
Ông Trung cho biết thêm, sở dĩ ngư dân Quảng Nam cam chịu, chấp nhận mua giấy ‘thông hành hải’ của Trung Quốc là có lý do riêng, vì phần đông ngư dân ở đây chỉ câu mực trong khu vực Hoàng Sa, Trường Sa chứ không đánh cá giống như các tàu ở Lý Sơn. Mà câu mực thì tính mạng của ngư dân có độ nguy hiểm rất cao, có thể bị biển nuốt mất dấu bất kì giờ nào vì cả một tàu đi câu, khi đến nơi đánh bắt, phải chia nhỏ ra thành mấy chục thúng rái, mỗi thúng rái chứa một ngư dân, một bộ đàm, một cây đèn nhử mực, một chùm lưỡi câu và có thể là mang thêm áo phao. Đúng giờ xuất kích, tất cả ngư dân lên thúng rái của mình, thả mặc dòng hải lưu cuốn đi lênh đên trên biển, họ bật đèn sáng choang một vùng nước để dụ mực đến và bắt câu, tỉnh thoảng liên lạc với tàu chủ bằng bộ đàm. Mãi cho đến khi mặt trời ló dạng, họ bắt đầu gọi bộ đàm để tàu chủ đến rước về.
Chính vì phương cách làm việc hết sức cô đơn, quạnh quẽ này, để tránh bị ám sát, bị giết hại trên biển trong lúc một mình bởi kẻ man rợ nói giọng xí lô xí là, ngư dân quyết định chọn cách mua giấy ‘thông hành hải’ của Tàu cho chắc ăn, thật ra thì cũng chẳng chắc ăn gì lắm đâu, nhưng chí ít là không bị quấy rầy, ám hại và bắt bớ, đánh đập trong lúc đơn thân giữa biển, khác với những ngư dân Lý Sơn khi đánh cá, có hội có thuyền, nguy cơ bị giết mất xác thấp hơn những ngư dân câu mực ở Quảng Nam.
Bị Trung Quốc ép giá trên bờ
Một ngư dân khác yêu cầu giấu tên, ông là ngư dân có đến bảy đời đánh bắt xa bờ và một người thân trong dòng họ của ông chết vì bão biển đã lên đến hơn một trăm ngôi. Ông nói rằng người Trung Quốc không chỉ ép ngư dân Việt Nam trên biển mà họ còn ép ngư dân Việt Nam cả trên đất liền, ngay trong làng xóm, thôn xã của ông.
Để giải thích thêm cho vấn đề vừa nêu ra, người đàn ông này nêu ra hai mức giá mực khô của năm ngoái và năm nay, ông cho biết năm ngoái, một ký lô mực khô loại 1, người Trung Quốc sang các xóm chài như Bình Minh, Duy Hải, Duy Nghĩa để mua với giá 150 ngàn đồng mỗi ký lô, nhưng năm nay thì khác, đánh bắt đã khó, nhưng người Trung Quốc cũng không thèm sang đây để mua, họ đợi đến khi qua mùa hè, sắp vào mùa thu, mùa ẩm mốc, khô mực có thể hư hỏng và mang đi vứt thì họ đến trả giá 57 ngàn đồng mỗi ký lô, nếu không bán thì đành vứt đi, xót người xót của, ngư dân bán tháo cho họ để gở được đồng nào hay đồng đó.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao bà con ngư dân không tìm đối tác khác để bán mà phải chọn thương lái Trung Quốc để cuối cùng bị họ ép giá, làm khó đủ thứ thì bà con giải thích rằng ngư dân vốn nhiều đời bám biển, không giỏi về thương nghiệp, thậm chí không hiểu gì về thương nghiệp, chỉ biết đánh bắt ngoài khơi rồi mang về đất liền để bán, thương nhân nước nào đến mua là do chính quyền chỉ dẫn, điều tiết chứ ngư dân hoàn toàn mù tịt về chuyện này.
Ông nói: “Thí dụ như nghề câu, nghề ấy đồ… nó không có trúng, đánh bắt xa bờ như đi câu mực, qua các nước họ (để) làm chớ cho ra năm ni (này) thậm chí thấp hơn vì giá cả thị trường nó ấy lại, nó hạ, cái đầu nguồn ra của Trung Quốc nó… Ừ thì mình làm về đây mình cân cho đầu nậu, đầu nậu hắn nhập hàng lại cho Trung Quốc. Ừ, rứa đó, mà Trung Quốc hắn hạ xuống thì đầu nậu nó buộc mình phải hạ thôi! Hạ thì như năm ngoái, năm kia, mực vôi (bán) đi một trăm rưỡi mà năm ni còn có sáu lăm, mất hơn nửa tiền, do cái đầu ra hắn độc quyền, mà cái hàng hắn độc quyền đi Trung Quốc. bên Trung Quốc đầu ra nó mạnh mà bên Trung Quốc nó ép thì mình phải chịu thôi!”.
Nhưng mấy chục năm nay, chỉ thấy thương lái Trung Quốc đến mua hàng chứ có thấy người nước nào khác đến vùng biển eo óc, quãnh quẽ này đâu. Chính vì vậy, bà con chỉ biết ngồi chờ họ đến mà bán hoặc là mang ra chợ, mọi thứ đều trông chờ vào chính sách nhà nước nhưng hình như nhà nước cũng đồng tình để thương lái đến đây mua hàng nên mấy chục năm nay họ độc quyền, làm mưa làm gió, gây khổ cho bà con nhiều thứ, chẳng biết kể từ chỗ nào.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2013-07-31

Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết về tranh chấp Biển Đông

Tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết thông qua một tiến trình tuần thủ luật pháp quốc tế, bao gồm cả việc thông qua cơ quan tài phán quốc tế. Mỹ sẽ hỗ trợ các đồng minh quân sự khác trong khu vực để đảm bảo hòa bình và ổn định.
Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết Thượng viện số 167 trong đó kêu gọi một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp hàng hải và lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Nghị quyết 167 được chuẩn bị bởi Thượng nghị sĩ Robert Menendez (đảng Dân chủ, bang New Jersey), Marco Antonio Rubio (đảng Cộng hòa, bang Florida) và Ben Cardin (đảng Dân chủ, bang Maryland) kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông nhanh chóng đàm phán, ký kết một bộ quy tắc ứng xử để tránh xung đột.
Thượng nghị sĩ Robert Menendez
"Với lịch sử lâu dài của sự tham gia trong khu vực, Mỹ có lợi ích sống còn trong làm việc với tất cả các quốc gia để phát triển, thể chế hóa và duy trì một trật tự dựa trên luật lệ của khu vực. Bắt đầu với việc đưa ra các cơ chế để quản lý hiệu quả các tranh chấp hàng hải có nguy cơ làm mất ổn định khu vực, hỗ trợ và khuyến khích giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp hàng hải ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương", Menendez cho biết.
Thượng nghị sĩ Menendez là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ trong khi Thượng nghị sĩ Rubio đang được xem như ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng Cộng hòa trong năm 2016.
Nghị quyết 167 trích dẫn nhiều sự cố trên Biển Đông và Biển Hoa Đông liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc.
Chúng bao gồm việc các tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu thăm dò Việt Nam tháng 5/2011, tàu công vụ Trung Quốc chặn lối vào đầm phá bãi cạn Scarborough của Philippines từ tháng 4/2012, Trung Quốc chính thức phát hành trái phép bản đồ đường lưỡi bò như "biên giới quốc gia" của nó ở Biển Đông và từ ngày 8/5/2013 tàu hải quân, Hải giám Trung Quốc hiện diện bất hợp pháp tại Đá Vành Khăn (nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Philippines kiểm soát).
Nghị quyết của Thượng viện Mỹ cũng nhắc đến việc Trung Quốc tuyên bố thành lập trái phép cái gọi là "thành phố Tam Sa" và "khu phòng thủ Tam Sa" hòng "quản lý" gần như toàn bộ Biển Đông.
Thượng viện Mỹ lên án việc "ép buộc, đe dọa sử dụng vũ lực, sử dụng hải quân, cảnh sát biển hoặc tàu cá và máy bay quân sự hay dân sự trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông để khẳng định yêu sách lãnh thổ hoặc nhằm thay đổi hiện trạng vùng biển trnah chấp".
Nghị quyết 167 thúc giục các bên trong khu vực tranh chấp kiềm chế để ngăn chặn bất kỳ hành vi có thể khiến căng thẳng leo thang, đồng thời nêu bật lợi ích của Mỹ trong việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm đàm phán, ký kết COC.
Tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết thông qua một tiến trình tuần thủ luật pháp quốc tế, bao gồm cả việc thông qua cơ quan tài phán quốc tế. Mỹ sẽ hỗ trợ các đồng minh quân sự khác trong khu vực để đảm bảo hòa bình và ổn định.
(GDVN)

Thượng viện Mỹ lên án hành vi hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông

Lực lượng hải quân Trung Quốc tập dợt diễu hành tại căn cứ Thanh Đảo 3/2013 - REUTERS /Stringer
Lực lượng hải quân Trung Quốc tập dợt diễu hành tại căn cứ Thanh Đảo 3/2013 - REUTERS /Stringer

Trong một nghị quyết được toàn thể các nghị sĩ thông qua ngày 29/07/2013, Thượng viện Mỹ đã lên án mọi hành động cưỡng bức và đe dọa do các lực lượng trên biển tiến hành tại vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông. Lời lên án không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng hầu như toàn bộ các sự kiện nêu lên đều chỉ rõ Bắc Kinh là thủ phạm gây bất ổn.

Nghị quyết mang số hiệu S. RES. 167, sau khi nêu bật các diễn biến đáng quan ngại tại hai vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, đã đưa ra 7 “quyết nghị” mà đầu tiên hết chính lời lời tố cáo không chút mập mờ các hành động : “Sử dụng các biện pháp cưỡng chế, đe dọa hay võ lực do các lực lượng hải quân, an ninh trên biển, tàu đánh cá, phi cơ quân sự hay dân sự tiến hành trên vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, để khẳng định chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải hoặc thay đổi nguyên trạng hiện nay.”

Bên cạnh đó, Nghị quyết 167 của Thượng viện Mỹ cũng kêu gọi các bên tranh chấp biển đảo trong khu vực là nên cố gắng tự kềm chế, tránh các hành động có nguy cơ làm căng thẳng leo thang, trong đó có các hành vi “đưa người đến cư ngụ tại những hòn đảo lớn nhở, bãi cạn, bãi ngầm hay các thực thể địa dư khác”.

Văn kiện đặc biệt khẳng định hậu thuẫn của chính quyền Mỹ đối với tiến trình đi đến một bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như các hoạt động ngoại giao của tất cả các bên tranh chấp tại Biển Đông nhằm duy trì hòa bình và ổn định cho khu vưc.

Sau cùng, Nghị quyết cũng xác nhận sự ủng hộ của Thượng viện Mỹ đối với các hoạt động liên tục của Lực lượng Võ trang Hoa Kỳ tại khu vực Tây Thái Bình Dương “bao gồm việc thiết lập quan hệ đối tác với lực lượng vỡ trang các nước khác trong vùng, nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định, đảm bảo việc tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được toàn thế giới công nhận, trong đó có việc giải quyết một cách hòa bình các vấn đề chủ quyền và giao dịch thương mại hợp pháp mà không bị cản trở”.

Trong phần trình bày tình hình dẫn đến bản nghị quyết 167, Thượng viện Mỹ đã liệt kê hàng loạt các hành vi lấn lướt của Trung Quốc trong việc tranh giành chủ quyền trên Biển Đông với Philippines và Việt Nam, và trên Biển Hoa Đông với Nhật Bản.

Về Biển Đông, các nhà lập pháp Mỹ trước hết ghi nhận « nhiều sự cố nguy hiểm và gây bất ổn trong những năm gần đây, trong khu vực này ». Đó là vụ « tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của một tàu thăm dò dầu khí Việt Nam vào tháng 5 2011 », kế đến là vụ « tàu Trung Quốc chặn lối vào bãi Scarborough vào tháng Tư năm 2012 », rồi vụ « Trung Quốc phát hành một bản đồ chính thức mới, xác định ‘đường chín đoạn’ gây tranh cãi là biên giới quốc gia của Trung Quốc ».

Thượng viện Mỹ cũng ghi nhận vụ việc gần đây nhất nhắm vào Philippines : “Kể từ ngày 08 tháng Năm năm 2013, tàu Hải quân và Hải giám Trung Quốc hiện diện thường xuyên ở vùng biển xung quanh bãi Second Thomas Shoal, nằm cách khoảng 105 hải lý về phía Tây bắc của đảo Palawan của Philippines.

Về Biển Hoa Đông, các Thượng nghị sĩ Mỹ đã có những lời lẽ rất mạnh, cảnh cáo Trung Quốc rằng Hoa Kỳ sẽ phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào trên quần đảo Senkaku thuộc quyền quản lý của Nhật Bản, lên án việc Bắc Kinh đã gửi tàu của các cơ quan nhà nước đến khu vực gần đảo, làm cho tình hình căng thẳng thêm lên.
Nghị quyết đặc biệt lưu ý rằng quần đảo Senkaku thuộc quyền quản lý của Tokyo, và theo hiệp ước an ninh song phương với Nhật Bản, Hoa Kỳ vẫn cam kết « đáp trả bất kỳ một cuộc tấn công vũ trang nào nhắm vào các vùng lãnh thổ dưới quyền quản lý của Nhật Bản ».

Theo đài truyền hình Nhật Bản NHK, sở dĩ Thượng viện Mỹ - một định chế có uy thế rất lớn trong lãnh vực đối ngoại - đã thông qua nghị quyết cứng rắn vừa kể, đó là vì đã thấy rõ quan điểm cứng rắn của Bắc Kinh trên các tranh chấp chủ quyền biển đảo hiện nay nhân hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung hồi tháng Sáu vừa qua.

Mặt khác, Trung Quốc được cho là còn xem nhẹ một nghị quyết từng được Thượng viện Mỹ thông qua năm ngoái tái khẳng định rằng quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi áp dụng của Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ.
Trọng Nghĩa (RFI)

Một chuyến công du vội vã

Ngành ngoại giao của Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam lúc này tỏ ra tấp nập và nhộn nhịp khác thường. Mới cách đây hơn một tháng, ngày 19 tháng 6, Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang đã viếng thăm Trung Quốc, thế mà chỉ hơn một tháng sau, Ông Sang lại cùng với một phái đoàn hùng hậu, hơn 40 người gồm cả Bộ Trưởng lẫn Tướng Tá, đã lên đường công du viếng thăm Hoa Kỳ. Ông Sang đã hội kiến với Tổng Thống Obama ngày 25 tháng 7 vừa qua và sau đó một bản Tuyên bố chung đã được công bố.
Trước hết về phía Hoa Kỳ thì qua một bản tin từ tòa Bạch Ốc, ngày 11 tháng 7, người ta được biết là cuộc viếng thăm của Chủ Tịch Sang nhằm mục đích tăng cường sự hợp tác giữa Hoa Kỳ, Việt Nam và những nước trong Hiệp Hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và đồng thời thảo luận về 3 vấn đề chính: nhân quyền, thay đổi khí hậu và hiệp định về thương mại xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership, TPP) đang trong vòng thương thảo giữa Hoa Kỳ và một số 11 nước khác trong vùng. Về phía Việt Nam thì người ta có vẻ chú trọng nhiều đến những vấn đề chính trị, chiến lược hay kinh tế nên không thấy nói nhiều đến những vấn đề khác và phải đợi đến những lời tuyên bố của ông Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sau những ngày hội nghị, người ta mới được biết một cách chính thức vể chủ đích của Việt Nam trong chuyến công du của ông Sang. Ông Minh nói về nhu cầu “triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương, đa dạng của Việt Nam”; ông cho rằng hội đàm với Tổng Thống Obama là cuộc gặp gỡ “cấp cao đầu tiên trong vòng 5 năm qua để xác lập quan hệ song phương đối tác toàn diện và trao đổi một cách thẳng thắn về quyền con người”.

Nói một cách thông thường thì sau một buổi họp cấp cao giữa nguyên thủ của hai nước, Tổng Thống Obama và Chủ Tịch nước Sang, thì bản thông cáo chung sau buổi họp cũng tạm đủ để ghi nhận kết quả của buổi họp. Thực ra, trong trường hợp này, bản tuyên bố (không phải thông cáo) chung cũng khá dài, 3 trang, ghi nhận đủ các vấn đề được thảo luận như chính trị kinh tế, an ninh vùng, quy tắc ứng xử v.v… kể cả chi tiết về một số những vấn đề linh tinh khác như văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch và thể thao. Nhưng trên thực tế từ ngữ ngoại giao nhiều khi chỉ tóm tắt một cách chung chung những vấn đề được mang ra thảo luận và ít khi nói đến những điều không đồng ý. Vì vậy mà để có một nhận định tương đối chính xác hơn người ta thường phải dựa vào những gì xẩy ra xung quanh hay sau buổi họp. Về phương diện này, mặc dầu có khi chỉ là những điều nhỏ nhặt không đáng để ý nếu đem so sánh với tính cách quan trọng của một buổi họp thượng đỉnh, nhưng nhiều quan sát viên quốc tế cho rằng chính những chi tiết nhỏ nhặt đó đã giúp họ hiểu rõ thêm được về thực trạng quan hệ Mỹ Việt vào thời điểm có cuộc họp thượng đỉnh, do đó họ đưa ra nhận định về thái độ không lấy gì làm đậm đà của chính quyền Mỹ khi tiếp đón ông Chủ Tịch nước Việt Nam.
Người ta để ý chẳng hạn đến từ ngữ được dùng trong bản tin ngày 11 tháng 7 của tòa Bạch Ốc vì bản tin này chỉ nói là Tổng Thống Obama sẽ tiếp Chủ Tịch Nhà nước Cộng Sản Việt Nam Trương Tấn Sang tại tòa Bạch Ốc (nguyên văn là “The President will host President Truong Tan Sang of the Socialist Republic of Vietnam at the White House”) chứ không dùng đến từ “invitation” với nghĩa là “mời” Chủ Tịch Sang. Như vậy người ta không hiểu sáng kiến về buổi họp thượng đỉnh bắt nguồn từ phía Hoa Kỳ hay từ phía Việt Nam ? Ngoài ra, ngoại trừ những trường hợp hết sức đặc biệt, thường thường người ta được biết về những buổi họp thượng đỉnh từ năm bẩy tháng trước (dầu chỉ là những tin không chính thức), còn trong trường hợp của ông Sang thì tin về chuyến công du của ông chỉ được đưa ra có vừa đúng hai tuần trước ngày ông đặt chân lên đất Mỹ. Phải chăng theo như nhận định của Giáo sư Thayer, chuyên gia tại Viện Quốc Phòng của Úc (thường viết về Việt Nam), vì lý do nội bộ nào đó, nhà cầm quyền Hà Nội đã phải “vội vã” quyết định rồi kín đáo vận động với phía Mỹ để tổ chức chuyến công du sang thủ đô Hoa Thịnh Đốn ? Và có lẽ cũng vì “vội vã” nên phía Việt Nam phải chấp nhận những thiếu xót không bình thường về phía Mỹ như: không mời quốc khách dùng bữa trưa tại tòa Bạch Ốc như thường lệ sau buổi họp (ông Sang được mời dùng bữa trưa tại Bộ Ngoại Giao một ngày trước) hay tổ chức buổi họp báo trang trọng ngoài trời với sự hiện diện đông đủ của giới truyền thông quốc tế. Hơn nữa, buổi họp chỉ được dự trù 45 phút (về sau kéo dài thêm nửa giờ) và theo như các phóng viên ngoại quốc ghi nhận thì hai vị nguyên thủ, mỗi người chỉ nói từ 8 cho đến hơn 10 phút vì một phần không nhỏ thời giờ đã phải để các thông dịch viên làm việc và để ông Obama trả lời một vài phóng viên ngay tại nơi họp. Đặc biệt hơn cả là buổi họp được phía Việt Nam coi là quan trọng lại không được các báo và các đài truyền hình của Mỹ chú ý nhiều. Ngay cả trong trường hợp của tờ Washington Post, tờ nhật báo lớn nhất của thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ngoại trừ một trang quảng cáo do nhà nước Việt Nam trả tiền (trên dưới vài chục ngàn Mỹ kim) người ta không được thấy một mẩu tin nhỏ nào đáng kể vể buổi họp. Nếu có tin nào đáng kể thỉ chỉ là phóng sự của đài truyền hình Việt Nam SBTN đưa ra những hình ảnh về cuộc biểu tình tại công viên Lafayette, trước mặt tòa Bạch Ốc, của hai ngàn người Việt Nam đang sống trên đất Mỹ, yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo, trả lại tự do cho tất cả những người tù lương tâm hiện đang bị giam giữ. Thực ra, tình trạng này cũng dễ hiểu vì hàng ngày, nước Mỹ không thiếu gì những vấn đề, đối nội cũng như đối ngoại, phải đối phó, do đó nếu chính quyền Obama và dư luận Mỹ có lạnh nhạt hay thiếu sốt sắng trong việc tiếp đón ông Sang thì điều đó cũng không phải là ngoại lệ. Vả lại, nói cho cùng thì trên thực tế trong hoàn cảnh hiện tại, Việt Nam cần Hoa Kỳ nhiều hơn là ngược lại. Nếu cần phải đo lường kết quả chuyến công du viếng thăm nước Mỹ của ông Sang thì phản ứng của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam mới là điều đáng kể.
Về phương diện này thì người ta đặc biệt được thấy ông Phạm Bình Minh, Bộ Trưởng Ngoại Giao của chế độ, trong phần trả lời báo chí, sau khi trở về Việt Nam, đã đưa ra nhận định là chuyến công du viếng thăm Hoa Kỳ của Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang đã “kết thúc tốt đẹp”, là một bước quan trọng nhằm “triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương, đa dạng của Việt Nam” và đồng thời đây cũng là một “buổi họp cấp cao đầu tiên trong vòng 5 năm qua”. Về mặt chính trị, ông Minh đã đề cao một số kết quả như: hai bên đã đồng ý “xác lập quan hệ đối tác toàn diện” và đặt ra “cơ chế đối thoại thường kỳ giữa bộ trưởng ngoại giao của hai nước”. Về vấn đề Biển Đông thì Việt Nam ghi nhận ý muốn của Hoa Kỳ muốn được thấy bản Tuyên Bố về cách ứng xử giữa các nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (Declaration on Code of Conduct, DOC) sớm trở thành một “Quy Tắc Úng xử “ (Code of Conduct, COC). Về kinh tế thì ông nói Việt Nam đã yêu cầu Hoa Kỳ nhìn nhận Việt Nam có “một nền kinh tế thị trường” và đã đồng ý với Hoa Kỳ về nhu cầu phải kết thúc trước cuối năm việc hoàn tất bản hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Riêng về vấn đề nhân quyền thì ông tỏ ra thoả mãn khi nói rằng Việt Nam “sẵn sàng trao đổi trong tinh thần thẳng thắn, cởi mở, và xây dựng về các vấn đề hai bên còn có khác biệt về quan điểm”.
Trên đây là những lời tuyên bố lạc quan và tự khen của ông Minh nhưng đối với những quan sát viên quốc tế nhìn vào tổng quát những kết quả mà ông đưa ra thì một cách khách quan có rất nhiều điều cần phải nói lại. Trước hết về mặt chính trị và về “quan hệ đối tác toàn diện” mà bản thông cáo chung đã đề cập tới thì nếu không lầm từ trước đến nay Việt Nam dường như vẫn muốn tiến tới một mối “quan hệ đối tác chiến lược“ với Hoa Kỳ, phải chăng lần này Việt Nam đã thất bại, không đạt được ý muốn vì từ “chiến lược” không được một lần nhắc tới trong bản thông cáo và Việt Nam phải bằng lòng vậy với “quan hệ đối tác toàn diện” với ý nghĩa chỉ là mở đường trong tương lai cho mối quan hệ song phương. Còn về mặt kinh tế thì cũng vậy, phái đoàn Việt Nam chỉ gặt hái được kết quả là chờ đợi đến cuối năm (như trong trường hợp TPP) hay đến một ngày trong tương lai tình hình trở nên thuận tiện hơn. Nếu có một điều an ủi nhỏ nào thì chỉ có trường hợp vấn đề nhân quyền: về vấn đề này thì không hiểu trong lúc riêng tư ông Obama có mạnh miệng chỉ trích Việt Nam không, điều này không ai được rõ, nhưng theo bản tuyên bố chung thì ông chỉ nói một cách chung chung rằng “Hoa Kỳ tin tưởng rằng mọi người đều phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do hội họp”.
Nói tóm lại, nếu cần phải đánh giá kết quả của chuyến công du viếng thăm nước Mỹ của ông Chủ Tịch Nhà nước Cộng Sản Việt Nam và phái đoàn tuần vừa qua thì một cách tương đối khách quan người ta có thể nói rằng điều Việt Nam muốn đạt được như “quan hệ đối tác chiến lược” thì không đạt được hay chỉ đạt được một phần là “quan hệ đối tác toàn diện” để mở đường cho ngày mai. Phần tích cực, nếu có, thì đây là cảm tưởng trên chính trường quốc tế là Việt Nam đã nâng cấp được lên một bậc mối quan hệ với Hoa Kỳ. Còn tất cả về những lãnh vực khác thì ngoài những mỹ từ như hợp tác, hòa bình, ổn định, tất cả toàn là những lời hứa hẹn trong tương lai và chỉ có tương lai mới có câu trả lời cho những cố gắng của Việt Nam muốn sáp gần lại với Hoa Kỳ.
Hoa Thịnh Đốn, ngày 30 tháng 7, 2013
Bùi Diễm*
* Tác giả là cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ. Ông cũng là học giả tại Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson và Viện Doanh nghiệp Mỹ, giảng viên tại trường Đại học George Mason.
© Đàn Chim Việt
 

Quan điểm trái chiều sau cuộc gặp Sang - Obama

Những nhận định sau chuyến thăm Hoa Kỳ của chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang chia làm hai nhóm rõ rệt.
000_Was7756478-305.jpg
Tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama tiếp Chủ tịch Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng hôm 25/07/2013. AFP
Không đột phá?
Chuyến đi công du nước Mỹ của chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm tốn khá nhiều thời gian và giấy mực của công luận trước khi ông lên máy bay. Thời gian và giấy mực lại tiếp tục hao tốn sau khi ông đã hạ cánh ở sân bay Nội Bài. Sự chú ý đó có lẽ do một phần vào sự gấp rút của chuyến đi, ngay sau chuyến thăm Trung Quốc trước đó của ông Sang. Và sự gấp rút đó lại nằm trong tương quan “lực lượng” khác nhau quá lớn giữa hai quốc gia. Bình luận về tương quan hai nước Việt - Mỹ trong cuộc gặp này, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Đại học George Mason nói với đài RFA:
“Tôi nghĩ chuyến đi tương đối gấp rút và có lẽ đó là ý vọng của Việt Nam nhiều hơn và ông Obama cũng đáp ứng với cái ý vọng đó. Bởi vì ông cũng không muốn Trung Quốc tính toán sai lầm có thể gây ra những mâu thuẫn gọi là cái nẩy sảy cái ung.”
Nhận định thận trọng của một nhà chuyên môn về bang giao quốc tế cho thấy rằng một cuộc gặp dù ngắn ngủi, không có vẻ quan trọng lắm trên bàn nghị sự của tổng thống Hoa Kỳ nếu so với bao chuyện đau đầu khác trên hành tinh mà ông phải có quyết sách, nhưng cũng được tính toán rất thận trọng. Sau cuộc gặp Sang - Obama, trên blog của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Hoa Kỳ, Giáo sư Hùng viết:
“Kết quả của cuộc gặp gỡ không phải là một đột phá gì cả đối với các nhà quan sát, nhưng đồng thời mỗi bên đều hoàn thành những mục tiêu chiến lược của mình trong chừng mực nào đó.”
Nhận định này là một sự nhất quán thận trọng của một nhà quan sát ngoại giao lâu năm. Nhưng bên cạnh đó cũng có những nhận định có vẻ nóng nảy hơn, đi kèm với những nhận xét rằng chuyến đi của ông Sang không được trọng thị. Có lẻ tiêu biểu nhất trong các nhận định theo hướng này là của nhà báo Ngô Nhân Dụng ở hải ngoại, ông viết:
“Phải nói là chuyến đi của Tư Sang về tay không, vì kết quả cụ thể duy nhất là lời hứa hẹn hai chính phủ sẽ ráo riết tiến tới trong vụ Việt Nam gia nhập Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP để kết thúc vào cuối năm nay.”
Có thể nhận định trên đây là do không thấy điều chi cụ thể, cái mà Giáo sư Hùng nhận xét là “Không có đột phá”. Nhưng, nhà báo Ngô Nhân Dụng viết tiếp với rất nhiều xúc cảm về chuyến đi của ông Sang:
“Chắc không riêng mình Tư Sang lo chạy chọt xin đi gấp. Cả bộ chính trị đảng cộng sản cũng lo.”
Có những vấn đề tích cực?
Trong khi đó, trước chuyến đi của ông Sang đã có nhiều mong mỏi từ giới bất đồng chính kiến trong nước mà tiêu biểu là lá thư gửi chủ tịch nước của các nhân sĩ trí thức, mong muốn ông Sang nhân cơ hội này xúc tiến công cuộc thoát Hán, tức là thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa mà nhiều người mong đợi. Ông Lê Hiếu Đằng, chủ nhiệm ủy ban pháp luật của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản, cũng là người có tên trong nhóm trí thức ấy. Ông Đằng cũng nổi tiếng với những ý kiến phản biện ở trong nước, nhiều lần lên tiếng thẳng thắn phê phán chế độ cai trị trong nước mà ông gọi là chế độ toàn trị.
Ông Lê Hiếu Đằng nhận xét về kết quả chuyến đi của chủ tịch Trương Tấn Sang như sau:
“Nếu so với cuộc gặp với Trung Quốc trước đó với chuyến đi Mỹ của chủ tịch Trương Tấn Sang thì một bên là khô cứng còn đối với nước Mỹ thì mặc dù họ có những khó khăn không thể áp dụng tất cả những nghi thức ngoại giao nhưng mà thấy cũng vui vẻ mà nhất là có những vấn đề tích cực trong đó có đặt vấn đề về sự trở lại của Mỹ tại vùng châu Á Thái Bình Dương, coi đó là nhân tố giữ vững ổn định cho khu vực. Nếu mà so hai cuộc thăm viếng thì một bên là vui vẻ còn bên kia là lạnh lùng của một nước lớn khinh miệt tiếp một nước nhỏ... Tôi đánh giá cao kết quả của chuyến công du của chủ tịch Trương Tấn Sang.”
Một cuộc gặp giữa hai đối tác có nhiều khác biệt, lại có một lịch sử quan hệ nhiều đau thương đưa tới những nhận định trái ngược nhau thì cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, các ý kiến lại đưa ra từ nhiều cấp độ khác nhau, để đánh giá về một bàn cờ thế tay ba khó khăn Việt - Mỹ - Trung, và có thể xa hơn là ASEAN - Mỹ - Trung, chứ không phải ở thế lưỡng cực ta - địch của cuộc chiến tranh lạnh đã kết thúc hơn hai thập niên.
Một ván cờ tay ba đã khó, sự thoát Hán theo đúng nghĩa văn hóa lịch sử địa chính trị hàng ngàn năm của nó có lẽ cũng khó không kém. Có thể sự khó khăn và phức tạp nằm ở cái khó khăn khi quyết định của những người cầm quyền ở Việt Nam cho những nước cờ tiếp theo của cuộc cờ tay ba mà Việt Nam bị lôi vào. Kết thúc cuộc trao đổi với chúng tôi ông Lê Hiếu Đằng nói:
“Vấn đề là tập thể bộ chính trị suy nghĩ như thế nào, nếu họ nhận ra xu hướng phát triển của sự việc, thì họ phải lựa chọn con đường tiến bộ hiện nay trên thế giới.”
Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-07-31

Các nền kinh tế đang lên sẽ lại xuống

Người ta thường nói "đỉnh cao là dấu hiệu thoái trào". Điều ấy có thể đúng với các nền kinh tế đang phát triển - đứng đầu có nhóm B.R.I.C. là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc - vì năm nay các nền kinh tế này vừa lên tới vị trí cao nhất về sản lượng thì lại có dấu hiệu sa sút, nhất là Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện đó, với một số dự đoán về hậu quả cho Việt Nam.
Nhóm B.R.I.C
Vũ Hoàng: Xin kính chào tái ngộ ông Nghĩa. Thưa ông, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thì năm nay là năm đầu tiên mà sản lượng của các nền kinh tế đang phát triển, hay "đang lên", đã lần đầu tiên chiếm tới phân nửa sản lượng toàn cầu nếu tính theo tỷ giá của sức mua PPP. Trong số này, có bốn nước đông dân là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Liên bang Nga, thường được gọi là nhóm B.R.I.C. Tháng Tư năm ngoái, tại thượng đỉnh của nhóm này ở thủ đô Ấn Độ họ còn nói đến nỗ lực lập ra một ngân hàng phát triển gọi là "Ngân hàng Nam-Nam", với triển vọng thay thế Ngân hàng Thế giới để yểm trợ các nước nghèo. Nhiếu người nói đến một kỷ nguyên mới, khi các nước đang lên sẽ có vị trí quốc tế cao hơn nhờ tăng trưởng rất mạnh từ vài chục năm nay.

Thế rồi cũng năm nay, ta lại thấy có sự đảo chiều là tình trạng sa sút của các nền kinh tế đó, dẫn đầu là Trung Quốc với nhiều khó khăn của việc cải cách và đà tăng trưởng thấp hơn xưa. Vì vậy, xin đề nghị ông phân tích cho sự chuyển động khá đặc biệt này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng ta không nên dựa trên kết quả ngắn hạn, như của một năm, để nhận định về sự chuyển động chậm rãi và mạnh mẽ của trường kỳ, nhưng cũng phải xét về những yếu tố cơ bản của sự chuyển động lâu dài này để phần nào dự đoán tương lai.
Nói về trường kỳ thì trong ba chục năm, từ thập niên 60 đến 90 của thế kỷ 20, các nước nghèo đã có một số điều kiện phát triển khả quan hơn, chủ yếu nhờ việc thiết lập các định chế quốc tế nhằm yểm trợ đà tăng trưởng kinh tế sau Thế chiến II. Khi ấy, sức nặng của nhóm kinh tế này ở khoảng 30% của sản lượng toàn cầu, phần kia là của khối công nghiệp hoá Tây phương.
Sau đó, quãng 20 năm trước, khi Liên bang Xô viết tan rã và quy luật thị trường được đa số áp dụng, từ Trung Quốc đến Ấn Độ hay Liên bang Nga, thì các nền kinh tế đang lên tăng vọt nhờ lực lượng lao động được giải phóng và nhờ tiếp thu kinh nghiệm của các nước đi trước. Vì khởi đi từ một mức thấp, các nước này có đà tăng trưởng cao và gây ra ấn tượng lạc quan.
Sau đấy bước qua thế kỷ 20, là hơn chục năm trước, các nước công nghiệp hóa Tây phương đều gặp vấn đề vì vay mượn quá nhiều, vì lâm vào cuộc chiến chống khủng bố hoặc bị suy trầm như trường hợp Nhật Bản. Đấy là lúc người ta lạc quan nói đến sự lớn mạnh của các nước đang lên khi họ hết tùy thuộc vào các nước công nghiệp và nếu so sánh với sản lượng toàn cầu đã sa sút kể từ năm 2008 vì nạn Tổng suy trầm. Nếu cứ vạch một đường tuyến từ quá khứ vào tương lai thì quả là các nước nghèo đã trở thành "tân hưng", cường quốc kinh tế mới, có triển vọng đoạt ngôi vô địch của các nước tiên tiến và phát triển riêng với nhau.
Vũ Hoàng: Như ông thường nói trên diễn đàn này, tương lai không nhất thiết là đường tuyến vạch ra từ quá khứ và chuyện thay bậc đổi ngôi này lại không xảy ra. Nhưng trước hết, từ đâu lại có khái niệm về bốn nước được gọi tắt là nhóm BRIC này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Năm 2001, một kinh tế gia và Chủ tịch phân vụ Quản trị Tài sản của tập đoàn đầu tư Goldman Sachs của Mỹ là Jim O'Neill phát minh ra chữ B.R.I.C. là tên tắt của bốn nước có nền kinh tế đang lên của thế giới, là Brazil, Liên bang Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Có thể là vì tiện dụng khi ông ta chọn tên tắt cho dễ đọc như thói quen đã thấy. Riêng tôi còn ngờ là ông ta cần chiêu dụ thân chủ nên bày đặt quảng cáo về ưu điểm hoặc triển vọng của bốn nước đó. Thực tế thì chỉ là dán nhãn hiệu đẹp lên cái chai rỗng, sau đó mới đổ vào trong một nội dung thống nhất, hoặc một dung dịch có thể hoà tan mà không thành nhũ tương hay chất nổ. Thực tế thì các nền kinh tế này đang gặp khó khăn và năm ngoái mà họ đòi lập ra một ngân hàng phát triển cho các nước nghèo như ông nhắc tới thì đấy chỉ là sự hồ hởi sảng.
000_Mvd1212224-305.jpg
Từ trái qua: Tổng thống Nga Dmitri Medvedev, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng của Ấn Độ Manmohan Singh tại Hội nghị thượng đỉnh II BRIC tại Cung điện Itamaraty tại Brasilia, vào ngày 15/4/2010
AFP photo
Thoái trào toàn cầu hóa
Vũ Hoàng: Nhóm quốc gia này gặp khó khăn như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, đà tăng trưởng của Brazil chỉ còn có 2% một năm sau khi sụt tới mức 1% vào năm ngoái. Liên bang Nga thì chỉ tăng 2% một năm mặc dù đang có lợi thế là giá dầu thô mấp mé ở mức 100 đô la một thùng. Ấn Độ thì đã có tốc độ tăng trưởng cao là hơn 11% năm 2010 và gần 8% vào 2011 rồi năm ngoái chỉ còn có 4%, trong khi lại lo sợ hai tệ nạn là lạm phát và tham nhũng. Còn Trung Quốc thì đã hết đà 10% của ba chục năm liền và đang e ngại một vụ hạ cánh nặng nề trước khi bước vào một thập niên thoái trào. Mà không chỉ có mấy xứ đó, nói chung các nền kinh tế đang lên đã từng có mức tăng trưởng cao trong mấy năm qua đều đang bị suy giảm nặng, kể cả trường hợp của Việt Nam.
Vũ Hoàng: Thưa ông, vì sao lại như vậy, có phải rằng do những trở ngại nhất thời của kinh tế toàn cầu hay vì những lý do thuộc về cơ cấu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Lý do tại sao thì ta có chuyện nhất thời như ông hỏi, mà cũng có nguyên do thuộc về cơ cấu. Trước hết là sau nạn Tổng suy trầm toàn cầu vào các năm 2008-2009, nhóm quốc gia này tung ra biện pháp kích thích và đạt mức tăng trưởng cao vào các năm 2010-2011 rồi thổi lên nguy cơ lạm phát nên phải giảm đà tăng trưởng kể từ năm ngoái. Thứ hai, là trái với sự lạc quan về khả năng phát triển tự túc mà khỏi cần các nước công nghiệp hóa, họ vẫn bị hiệu ứng bất lợi khi khối Âu-Mỹ-Nhật giảm đà nhập khẩu và bớt đầu tư ra ngoài. Thứ tư, nhiều nước đang lên đã kiếm lời nhờ bán thương phẩm, là nguyên nhiên vật liệu và nông sản, nhưng giá thương phẩm hết tăng mà bắt đầu giảm.
Khi một xứ tiêu thụ thương phẩm quá lớn như Trung Quốc mà phải giảm đà sản xuất để điều chỉnh thì các nước xuất khẩu thương phẩm đều bị ảnh hưởng. Một lý do nhất thời khác là ngân hàng trung ương Hoa Kỳ vừa bật ra tín hiệu là có thể đảo ngược quyết định bơm tiền với lãi suất rẻ thì các thị trường đang lên này đều bị chấn động, cổ phiếu và trái phiếu đều sụt giá. Đó là những chuyện có thể gọi là nhất thời.
Vũ Hoàng: Tức là ngoài ra còn có những nguyên nhân thuộc về cơ cấu nữa hay sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng như vậy. Xưa kia, nhiều nước trong nhóm này vẫn đạt thặng dư trong trương mục vãng lai nay lại bị thiếu hụt, và họ tài trợ bằng tín dụng nên bị rủi ro lớn, thí dụ như Ấn Độ, Brazil, Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi. Họ còn vay ngắn hạn để tài trợ dài hạn hoặc tìm vào thị trường đen ở ngoài hệ thống ngân hàng và chất lên một núi nợ sẽ đổ là trường hợp nổi tiếng ở Trung Quốc với những khoản nợ xấu chẳng ai tính cho ra. Song song, còn nhược điểm khác về cơ cấu là bội chi quá lớn, rủi ro lạm phát quá cao và thiếu ổn định về vĩ mô.  Nhưng đáng chú ý nhất trong các nguyên do suy sụp là một chuyện mà Việt Nam nên để ý.
Khi bùng nổ khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ và Âu Châu, cả nhóm BRIC lẫn nhiều xứ khác lầm tưởng rằng quy luật thị trường là vấn đề và nhà nước, cùng khu vực kinh tế của nhà nước, mới là giải pháp. Vì vậy, thay vì nâng đỡ tư doanh, họ lại tăng cường vai trò của nhà nước với ảo vọng xây dựng "chủ nghĩa tư bản nhà nước". Kết quả là nạn tham ô của hệ thống tư bản thân tộc, sự lãng phí của khu vực nhà nước khi được tài trợ theo diện chính sách, là phản ứng bảo hộ mậu dịch và kiểm soát tư bản hay ngoại hối để bảo vệ đặc quyền của các nhóm lợi ích. Các quốc gia này đi ngược những quy luật đã từng giúp họ tăng trưởng cao.
Việt Nam học được gì
Vũ Hoàng: Chúng ta bắt đầu bước qua phần lượng định về hậu quả. Thưa ông, từ ngắn hạn đến dài hạn thì tình hình sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Sau 20 năm lạc quan về một trật tự mới của kinh tế thế giới với hiện tượng toàn cầu hóa sẽ đem lại thịnh vượng cho mọi quốc gia, chúng ta đang bước qua giai đoạn điều chỉnh khá bất thường. Trong giai đoạn ấy, tôi e là sẽ thấy nhiều đột biến bất ngờ.
Một thí dụ là nếu dầu thô lên giá quá 120 đồng một thùng thì Liên bang Nga có lợi lớn vì là một xứ bán năng lượng mà Trung Quốc sẽ khủng hoảng. Trường hợp ngược lại là dầu thô sụt giá nếu kinh tế toàn cầu lại bị suy trầm khi Hoa Kỳ trở thành một nước bán dầu!
Nói chung, hiện tượng toàn cầu hóa sẽ thoái trào như chúng ta đã trình bày trên diễn đàn này, mà phản ứng quốc gia cực đoan đi cùng trào lưu bảo hộ mậu dịch để bảo vệ quyền lợi riêng sẽ làm kinh tế thế giới thêm sa sút và nguy cơ xung đột càng gia tăng. Người ta cứ lầm tưởng rằng các nước buôn bán với nhau thì khó gây chiến, sự thật lại không lạc quan như vậy nếu ta nhớ tới Thế chiến I cách nay gần trăm năm với hậu quả lan rộng khỏi Âu Châu qua tới Châu Á.
Quan trọng nhất, sau ba chục năm đã lạc quan tin vào sự lớn mạnh của Trung Quốc với dân số rất đông để là hãng xưởng ráp chế toàn cầu và nơi tiêu thụ thương phẩm của các nước nghèo, thế giới sẽ trải qua giai đoạn tôi xin gọi là "Trung Quốc thoái trào". Sự sa sút của nền kinh tế hạng nhì thế giới sẽ là một vấn đề về an ninh và kinh tế cho các nước, nhất là tại khu vực Đông Á.
Vũ Hoàng: Thưa ông, trong kịch bản gay go của giai đoạn thoái trào của Trung Quốc, Việt Nam đứng ở đâu và nên làm gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trung Quốc là xứ chưa giàu đã già và chưa hùng mà đã hung, Việt Nam nên học bài học ba chục năm cải cách rồi đứt gánh giữa đường của quốc gia láng giềng này.
Thứ nhất, chiến lược thu hút đầu tư và tìm đà tăng trưởng nhờ nhân công rẻ đã có ưu thế trong vài chục năm nhưng không vĩnh viễn. Các nước đông dân, kể cả Việt Nam có thể trám vào khoảng trống do Trung Quốc để lại, nhưng phải ý thức rằng lực lượng lao động với lương rẻ sẽ không là lợi thế lâu dài nên phải chú ý tới năng suất, giáo dục và đào tạo chứ đừng ép sức dân để làm giàu cho nhà nước.
Thứ hai, với dân số khá cao, Việt Nam nên chú ý đến khả năng tiêu thụ nội địa thay vì chỉ nghĩ tới xuất khẩu khi kinh tế toàn cầu rơi vào phản ứng bảo hộ mậu dịch. Một giải pháp là ưu tiên cải tổ để mau chóng gia nhập hiệp định Xuyên Thái Bình Dương TPP. Trong việc cải cách, hãy học sự sai lầm của Trung Quốc mà phát triển tư doanh, đi theo quy luật tự do và sớm ra khỏi chế độ tư bản nhà nước. Nhìn về lâu dài thì Việt Nam nên thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc, chấm dứt sự lệ thuộc về chính trị và kinh tế vào thế lực của họ theo khái niệm sai lầm là "Đồng thuận Bắc Kinh". Đây là một cơ hội không nên bỏ lỡ để khỏi chết chùm với Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa đã trả lời từ California.
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2013-07-31
 

Một lựa chọn khả thi cho đường sắt Bắc - Nam

Nhanh hơn chưa chắc đã tốt hơn, đó chính là suy nghĩ của các du khách Nhật sau khi được đi tàu Thống Nhất Bắc - Nam. Những trải nghiệm thú vị mà du khách có được từ chuyến đi này khiến nó không chỉ đơn thuần là một sự dịch chuyển.
Đã từng có thời Việt Nam muốn đưa công nghệ vận hành tàu hỏa siêu tốc Shinkansen của Nhật về Việt Nam để người dân nước mình có thể vào Nam ra Bắc chỉ mất 5 tiếng rưỡi. Tuy vậy, cuối cùng Việt Nam quyết định không thực hiện ý tưởng này.
Dù hành khách phải mất hơn một ngày ngồi trên chuyến tàu Bắc - Nam, vượt qua chặng đường 1.726km ngăn cách giữa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhưng đối với người Việt Nam, đây không thể coi là một sự mệt nhọc, bất tiện.
Chuyến tàu Bắc - Nam từ lâu vốn được coi là chuyến tàu yêu dấu, mang đầy ý nghĩa đối với người Việt. Đường tàu Bắc - Nam vẫn “sống sót” sau chiến tranh với ngàn vạn tấn bom trút xuống, nó trở thành một trong những biểu tượng đẹp đẽ, thiêng liêng nhất của Việt Nam sau khi giải phóng. Đó là chuyến tàu hòa bình, hàn gắn, sum họp, thống nhất.
Lúc 7h ngày 8/5, đoàn của những du khách Nhật Bản đã đứng chờ sẵn ở sân ga Hà Nội. Biểu tượng quốc kỳ và hoa anh đào của Nhật được dán trên các toa tàu. Đây là chuyến tàu đầu tiên trong hàng loạt những chuyến tàu được vận hành đặc biệt cho tới hết ngày 23/9 nhằm kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.


Báo Nhật viết về chuyến tàu Thống Nhất Bắc - Nam


Chuyến tàu được dự kiến sẽ tới ga Sài Gòn vào lúc 4h10 sáng ngày 10/5, tổng thời lượng của chuyến hành trình dài 33 tiếng. Hành trình dưới đây được kể lại dưới góc nhìn của một nhóm du khách người Nhật…
Lúc 8h39 tối ngày 8/5, tàu đã tới ga Nam Định, chỉ dừng lại ít phút rồi đi tiếp. Sau khi rời khỏi ga này, ánh đèn của xe cộ và nhà cửa dọc hai bên đường thành phố dần dần nhường chỗ cho cảnh đồng quê yên ả.
Đêm xuống, mọi người bắt đầu tính chuyện nghỉ ngơi. Những du khách Nhật đã tranh thủ bắt chuyện được với một em sinh viên người Việt. Cậu bé thật thà chia sẻ: “Người giàu đi máy bay còn bình dân đi tàu hoả dù mất nhiều thời gian”. Cậu thanh niên nằm tựa lưng vào ghế, vé của cậu là vé ngồi, ôm chiếc ba-lô trước ngực, giấc ngủ đến với tuổi trẻ thật dễ dàng.
Ngay trước khi tàu tới ga Đồng Hới lúc 5h sáng ngày 9/5, một bản nhạc nhẹ nhàng mang đặc trưng của âm nhạc dân gian Việt Nam vang lên, thật là cách đánh thức nhẹ nhàng đối với các hành khách đang say ngủ.
Mặt trời bắt đầu chiếu sáng. Những mái nhà ngói nâu đỏ, những cánh đồng lúa xanh rì bắt đầu hiện ra lấp lánh dưới ánh nắng mai.

Báo Nhật viết về chuyến tàu Thống Nhất Bắc - Nam


Việc xây dựng tuyến tàu hoả Bắc - Nam bắt đầu từ năm 1899 tuy vậy tàu hoả không hoạt động trên tuyến đường này cho tới tận năm 1936.
Trong thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh Việt Nam, nhiều công trình đã bị tàn phá, tuyến đường này cũng bị ảnh hưởng nhiều. Đến năm 1976, nó được tu sửa lại. Trong lịch sử Việt Nam, tuyến đường sắt Bắc - Nam được coi như biểu tượng của sự thống nhất nước nhà. Còn nhớ khi chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên lăn bánh, cả dân tộc như vỡ oà trong hạnh phúc.
Trong suốt những thập kỷ qua, thời lượng của chuyến tàu Nam Bắc đã giảm từ hơn 70 tiếng xuống còn khoảng 30 tiếng nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. Sắp tới, thời gian sẽ còn được giảm thêm nữa.
Lúc 10h10 sáng ngày 9/5, tàu đi qua Đèo Hải Vân. Cảnh vật tuyệt đẹp, non nước hữu tình. 

Báo Nhật viết về chuyến tàu Thống Nhất Bắc - Nam


Những du khách Nhật Bản lại làm quen với một nữ du khách người Pháp đang mang trên lưng chiếc ba-lô to sụ. Người phụ nữ hào hứng nói: “Chuyến tàu này có một không khí thật đặc biệt, khác với những chuyến tàu mà tôi từng đi ở những đất nước khác. Tôi thấy rất thú vị, rất phấn khích”.
Ở miền Bắc, bầu trời mang sắc xám, hiu hiu buồn nhưng khi tàu đến miền Trung, trời đã rạng hẳn, đem lại cho du khách một trạng thái cảm xúc mới.
Sau khi chinh phục được những triền núi gập ghềnh, thành phố Đà Nẵng - trung tâm thương mại của các tỉnh miền Trung bắt đầu hiện ra.
Những chiếc xe đẩy chất đầy các hộp đựng đồ ăn trưa bắt đầu di chuyển dọc các khoang tàu. Hành khách có thể thoải mái lựa chọn món ăn phù hợp với khẩu vị của mình, giá cả cũng rất phải chăng.
Mỗi khi tàu dừng lại ở một ga nào đó, các du khách Nhật Bản lại thấy xuất hiện những người phụ nữ ôm thúng, bán các loại xôi gói trong những đọt lá xanh trông thật hấp dẫn.
Các du khách nước ngoài ai cũng háo hức muốn tranh thủ rời tàu để xuống quan sát, “ngó nghiêng” nhưng khoảng dừng ở mỗi ga chỉ kéo dài 5 phút vì vậy ai cũng sợ bị lỡ chuyến, cuối cùng, họ đành ngồi lại trên tàu, háo hức nhìn ngó.

Báo Nhật viết về chuyến tàu Thống Nhất Bắc - Nam


Chẳng mấy chốc lại tới bữa tối và chiếc xe đẩy đồ ăn lại xuất hiện với hàng loạt những món ăn hấp dẫn mời chào. Mì gạo, phở và những món ăn đậm chất Việt Nam nhanh chóng được các khách du lịch nước ngoài lựa chọn.
Tiếp tục tiến xuống phía nam, con tàu băng qua những cánh đồng lúa xanh rì. Điều khiến các du khách Nhật đặc biệt ấn tượng chính là trên cánh đồng không chỉ có máy cày mà còn có cả những con trâu.
Hình ảnh con trâu kéo cày đã trở nên rất hiếm ở một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hiện đại như nước Nhật. Người nông dân đội nón lá ra đồng, thấp thoáng những bóng nón trắng trên cánh đồng xanh, bên cạnh những con trâu cần mẫn. Cảnh vật thật yên bình, dễ chịu.
Một ngày nữa lại sắp kết thúc. Mặt trời sắp lặn hẳn. Ngay sau 9 giờ tối, một bản nhạc nhẹ nhàng lại vang lên như để ru ngủ hành khách. Cả đoàn tàu dần chìm vào giấc ngủ.
Đến 4h05 sáng ngày 10/5, tàu đến ga Sài Gòn. Qua cửa sổ toa tàu, du khách có thể nhìn thấy những toà nhà cao tầng mọc lên sừng sững ở thành phố lớn nhất và phát triển nhất Việt Nam. Trời vẫn chưa sáng hẳn.
Trên đoạn đường đi qua đèo Hải Vân, tàu bị chậm so với lịch trình 30 phút nhưng khi tới ga Sài Gòn, tàu vẫn đến sớm 5 phút, người lái tàu ra hồ hởi chào tạm biệt những du khách Nhật: “Tôi đã bảo các anh mà, không có vấn đề gì đâu, tàu sẽ đến ga cuối đúng giờ…”

Báo Nhật viết về chuyến tàu Thống Nhất Bắc - Nam


Năm 2010, Việt Nam từng tính đến chuyện xây dựng đường tàu hoả siêu tốc nhưng ý định này đã không được triển khai bởi giá thành quá cao. Tuy vậy, được ngồi trên chuyến tàu Bắc - Nam, đoàn du khách Nhật Bản cũng đồng tình rằng nhanh hơn chưa chắc đã tốt hơn.
Chuyến tàu Bắc - Nam không chỉ là một sự dịch chuyển, nó thực sự là một chuyến hành hương, một chuyến đi chứa đựng bao điều thú vị, một trải nghiệm đáng nhớ mà mỗi người nên có trong đời.
Pi Uy/ Asahi Shimbun
(Dân trí)

Hỏi đáp về tương lai Trung Quốc

John Simpson
John Simpson hiện là chủ biên trang Quốc tế của BBC News

Người được xem là nhà báo thời sự quốc tế kỳ cựu nhất của BBC, John Simpson, có cuộc hỏi đáp trên Twitter với độc giả về Trung Quốc.

Được thực hiện hôm 30/7, ông John Simpson, chủ biên trang Quốc tế của BBC News, cho biết nhận xét riêng của ông về các khía cạnh liên quan Trung Quốc.

Mới đây ông có cuộc phỏng vấn chính thức với người phát ngôn ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi. Đây là lần đầu tiên sau 20 năm, BBC mới có một cuộc phỏng vấn với môt quan chức cao cấp tại Bắc Kinh.

BBC Việt ngữ giới thiệu một phần nội dung cuộc hỏi đáp trên Twitter. Xin lưu ý các câu trả lời của John Simpson đều rất ngắn, theo hình thức tiểu blog của Twitter.

Độc giả Hamas:Việc người lao động Trung Quốc được tăng lương sẽ ảnh hưởng thế nào nền kinh tế Trung Quốc và thế giới?

John Simpson: Đó không còn là nơi của lao động rẻ tiền nữa. Các công ty nước ngoài đang đổi chỗ. Giống như Nhật, Anh, nước này phải chuyển sang sản xuất công nghệ cao.

chrisorton2011:Xin chào John, ông nghĩ Trung Quốc sẽ làm gì với Bắc Hàn?
Hiện Trung Quốc đã bớt ủng hộ Bắc Hàn rồi, họ thấy mất mặt. Và họ cũng hiểu động tác ra vẻ của Bắc Hàn không nguy hiểm như vẻ ngoài.

_JoalGo: Ông thấy 10 năm nữa, Trung Quốc và phương Tây sẽ ra sao – liệu sẽ có sự dịch chuyển quyền lực?

Nếu chúng ta may mắn, Trung Quốc sẽ dân chủ hơn và gần với phương Tây như Nhật. Nếu không may, Trung Quốc chia rẽ và hỗn loạn.

@omed_mustafa:Còn nước nào có thể cạnh tranh với Trung Quốc về xuất khẩu?

Không. Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục mãi mãi với mức độ hiện nay vì chi phí và lương tăng lên, nhưng vẫn vô cùng quan trọng.

@pauljackman:Theo ông Hồng Lỗi , đâu là nhận thức văn hóa sai lầm lớn nhất của Anh về Trung Quốc và công dân của họ?

Các viên chức Trung Quốc luôn nói chúng ta quá vội vã phê phán mà không hiểu thực tế trong lập trường chính trị của Trung Quốc.

@0zzym:Mạng internet liệu rồi có lật đổ chính quyền Trung Quốc như ở Trung Đông?

Mạng bị hạn chế nặng nề ở Trung Quốc, nên sẽ không xảy ra đâu. Nhưng sự tăng vọt các quan điểm và than phiền thì chắc chắn là đe dọa.


Người thanh niên Trung Quốc mặc áo trắng một mình chặn đoàn xe tăng là biểu tượng cho sự kiện Thiên An Môn 1989

@purpleline:Vì sao tham nhũng là vấn nạn lớn ở Trung Quốc?
Nó luôn là vấn nạn lớn khi các xã hội khép kín đột nhiên tiếp xúc với tiền bạc và không có sự giám sát phù hợp.

@mikepjba:Người Trung Quốc đã chào đón chủ nghĩa tư bản nhưng khi nào sẽ chào đón dân chủ?

Những người bạn đối kháng người Trung Quốc của tôi cho rằng quốc hội được dân bầu sẽ chỉ còn cách 5, 7 năm nữa thôi.

@bestdogadvice:Xét hết mọi khía cạnh, Trung Quốc có phải là nền dân chủ không?

Hiện tại thì không, khi mà quá nhiều người bị bịt miệng. Nhưng đáng ngạc nhiên là các nhà đối kháng hàng đầu rất lạc quan.

@chrisvstumour:Có tình huống nào mà sẽ đem lại động lực cho chính trị đa đảng ở Trung Quốc?

Các nhà đối kháng hàng đầu Trung Quốc nay tin rằng có thể 5, 7, 10 năm nữa sẽ có dân chủ đa đảng.
(BBC)

Cuba hậu cộng sản

Những cải cách kinh tế đang biến đổi đảo quốc này
Thoạt nhìn, cơ cấu chính trị và cơ cấu kinh tế cơ bản của Cuba có vẻ bền chắc như những chiếc xe Mỹ cũ đến nửa thế kỷ nhưng vẫn rong ruổi trên đường phố xứ này. Đảng Cộng sản còn cầm quyền, nhà nước thống lĩnh nền kinh tế, và gương mặt của nhà cách mạng Che Guevara khuất bóng từ lâu vẫn xuất hiện trên các bức bích họa thành phố. Những tiên đoán cho rằng đảo quốc này sẽ trải qua quá trình biến đổi nhanh chóng như kiểu Trung Quốc hay Việt Nam, chứ đừng kể đến khối Liên Xô cũ, xưa nay thường hóa ra sai lầm. Nhưng hiện nay đúng là Cuba trông khác hẳn cách đây mười hay hai chục năm, hay thậm chí chỉ mới năm 2006, khi Fidel Castro, chủ tịch lâu năm của Cuba, buộc phải rút lui vì bệnh nặng. Thay vì giẫm chân tại chỗ, Cuba đã bước vào một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên với những đặc điểm khiến ta không dễ phân loại hay so sánh với những quá trình chuyển tiếp ở các nước khác.
Cách đây ba năm, Castro gây chấn động trong giới truyền thông khi nói đùa với một ký giả Mỹ rằng “mô hình Cuba thậm chí không còn tác dụng với chúng tôi nữa”. Ngầm chấp nhận cách đánh giá này, Raúl Castro, em trai của Fidel và là chủ tịch hiện nay, đang chỉ đạo quá trình cải tổ từng bước, nhưng đối với Cuba là hết sức triệt để, về mối quan hệ giữa nhà nước, cá nhân, và xã hội, mà không cắt bỏ dây rốn xã hội chủ nghĩa. Cho đến nay, tình trạng mơ hồ này chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh hay một nhãn mác có tính thuyết phục. “Thực hiện mô hình kinh tế và xã hội Cuba”, mỹ từ được Đảng Cộng sản thích dùng, quá đề cao mức độ gắn kết ý thức hệ nhưng lại xuê xoa những tác động đối với xã hội và chính trị. Cách mô tả tốt nhất hiện thời về nước Cuba đang trỗi dậy có thể là một hệ thống lai tạp công-tư trong đó nhiều hình thức sản xuất, sở hữu tài sản, và đầu tư, cộng với một nhà nước phúc lợi tinh gọn hơn và tự do cá nhân nhiều hơn, sẽ cùng tồn tại với các công ty quốc doanh do quân đội quản lý trong các ngành chiến lược của nền kinh tế và chế độ cai trị độc đảng vẫn tiếp tục.
http://phamvuluaha.files.wordpress.com/2013/07/sweig_cubaafter_411.jpg

Một luật di trú mới, có hiệu lực năm nay, là ví dụ rõ nét về những cải cách đang diễn ra ở Cuba. Cho đến gần đây, chính phủ Cuba buộc công dân phải xin phép chính thức trước khi đi nước ngoài, và bác sĩ, khoa học gia, vận động viên thể thao, và các giới chuyên môn khác phải vượt qua nhiều rào cản khác. Nhà nước vẫn quản lý việc xuất nhập cảnh của các vận động viên chuyên nghiệp và các viên chức an ninh, và có quyền từ chối cấp hộ chiếu cho bất cứ ai vì lý do an ninh quốc gia. Nhưng luật di trú mới bỏ nhu cầu xin “thẻ trắng” (tên gọi của loại giấy phép xuất cảnh đắt tiền và bị dân chúng ghét); cho phép những những người đã rời bỏ đất nước trái phép, ví dụ như những người đào tẩu hoặc người trốn đi bằng bè, được về thăm hoặc có thể là hồi hương, và tăng thời gian người dân Cuba được sống hợp pháp ở nước ngoài từ 11 tháng lên 2 năm mà không bị mất tài khoản ngân hàng, nhà cửa và doanh nghiệp trên đảo quốc này.
Thời khắc mới mẻ này ở Cuba không thình lình xuất hiện, mà sau một loạt các biện pháp tích lũy dần dần – trong số đó nổi bật nhất là cải cách nông nghiệp, ban hành một bộ luật thuế tiến bộ, và các nỗ lực được quảng bá rầm rộ của nhà nước để bắt đầu cắt giảm biên chế nhà nước bằng cách cho phép thêm nhiều doanh nghiệp nhỏ ra đời. Những bước khởi đầu của các thị trường tín dụng, bất động sản, và bán sỉ tư nhân hứa hẹn sẽ đưa quá trình chuyển biến của Cuba đi xa hơn nữa. Tuy nhiên, trong tương lai gần Cuba dường như không sẵn sàng áp dụng mô hình tự do hóa thị trường kiểu Trung Quốc hay Việt Nam. Các thực tế dân số, địa lý, và kinh tế đặc thù của Cuba – đặc biệt là dân số 11 triệu người đang lão hóa, vị trí cận kề với Mỹ, và sự kết hợp giữa nguồn nhân lực cao cấp với cơ sở hạ tầng rệu rã của đảo quốc này – khiến Cuba khác hẳn với những nước khác đã rời xa chủ nghĩa cộng sản. Bởi vậy có lẽ cũng chẳng đáng ngạc nhiên là những thay đổi đang diễn ra của Cuba không giống kịch bản chuyển tiếp nhanh chóng theo như hình dung của đạo luật Helms-Burton năm 1996; đạo luật đó quy định bãi bỏ cấm vận của Mỹ với điều kiện Cuba tổ chức bầu cử đa đảng và trả lại tài sản tư nhân bị quốc hữu hóa trong thập niên 1960. Về phương diện này, Washington vẫn còn đi sau thời đại hơn Havana.
Cải cách của Cuba có thể dường như chậm đến mức đáng ngán ngẩm, thiếu nhất quán, và không đủ để giải quyết những khó khăn kinh tế và ước vọng tham gia nhiều hơn vào chính trị của người dân trong nước. Tuy nhiên, không nên xem sự thiếu nhanh chóng này là dấu hiệu cho thấy chính phủ cương quyết không chịu thay đổi hoặc không đếm xỉa đến rủi ro chính trị của mình. Cách phản ứng của giới lãnh đạo Cuba đối với những thách thức dài hạn đáng quan ngại của đất nước lâu nay đã bao gồm tư duy chiến lược và tranh luận quyết liệt. Vài năm sắp đến quả thực sẽ rất quan trọng. Như Miguel Díaz-Canel, đương kim phó chủ tịch 53 tuổi và là người mới được chỉ định kế vị Castro, nhận xét gần đây, Cuba đã đạt được “tiến bộ về những vấn đề dễ giải quyết nhất”, nhưng “những gì còn lại là các lựa chọn quan trọng hơn, và sẽ có ý nghĩa quyết định trong sự phát triển của đất nước”.
Những khó khăn căn bản đó gồm các vấn đề sau: Bằng cách nào Cuba có thể thu hút và quản lý vốn đầu tư nước ngoài mà đất nước rất cần trong khi giữ được chủ quyền đã giành được bằng đấu tranh gian nan? Người dân trên đảo quốc này sẽ chấp nhận tình trạng bất bình đẳng ở mức độ bao nhiêu để đổi lấy năng suất cao hơn và nhiều cơ hội hơn? Và cho dù Đảng Cộng sản cố gắng bớt nhúng tay vào việc quản lý thường nhật, như Castro khẳng định đảng cần phải làm như vậy, giới lãnh đạo Cuba sẽ xử lý ra sao những áp lực âm ỉ từ lâu đòi hỏi tính minh bạch cao hơn, trách nhiệm giải trình của công chức, và sự tham gia dân chủ? Nếu căn cứ vào những gì diễn ra gần đây, Cuba có thể sẽ tiếp tục đi tiếp con đường thay đổi dần dần tiến đến một xã hội mở hơn, đa nguyên trong khi vẫn duy trì tính độc lập về chính sách đối ngoại.
Cải cách với đặc thù Cuba
Raúl Castro (Reuters)
Raul Castro – Ảnh: Reuters
Ngay từ lúc nắm tạm quyền vào năm 2006, Raúl Castro đã phát biểu thẳng thừng về tình cảnh của Cuba. “Chúng ta cải cách, hoặc chúng ta chết chìm”, ông tuyên bố trong một bài phát biểu ngắn gọn và thẳng thắn đúng đặc trưng của ông trước toàn quốc vào năm 2010. Cho dù Havana kiên định với niềm tin chính trị chủ đạo của mình – tức là Đảng Cộng sản vẫn là lực lượng tốt nhất giúp đất nước phòng vệ trước sự can thiệp của Mỹ trong hơn một thế kỷ – những thuật ngữ như “phi tập trung hóa”, “trách nhiệm giải trình”, và “thể chế hóa” đã trở nên phổ biến, chứ không còn là từ cấm kỵ. Trong khi vào thập niên 1990, Havana sẵn sàng cho phép tư nhân kinh doanh ở mức độ hạn chế như một biện pháp tình thế, hiện nay chính phủ công khai bàn đến việc bảo đảm rằng 50% GDP của Cuba nằm trong tay tư nhân trong vòng năm năm. Bất luận có thực tế hay không, những mục tiêu đầy tham vọng như vậy có lẽ đã bị xem là báng bổ cách đây chưa đầy 10 năm. Hiện nay tỉ lệ đại diện của các chủ doanh nghiệp nhỏ Cuba trong Quốc hội và sự tham gia của họ trong cuộc diễu hành kỷ niệm Lễ Lao động 1/5 đã là bằng chứng cho thấy các thay đổi đang diễn ra.
Những cải cách này đến nay đã đạt một số thành công khiêm tốn. Sau khi gặp khủng hoảng nghiêm trọng về thanh khoản và cán cân thanh toán sau khi toàn cầu bị khủng hoảng tài chính năm 2008, Cuba đã phục hồi được đôi chút ổn định tài chính, trả nợ trở lại, cắt giảm mạnh nhập khẩu, và bắt đầu công việc khó khăn là giảm chi tiêu công cộng. Nhiều khoản đầu tư chiến lược từ các đối tác quốc tế – đáng kể nhất là dự án cải tạo Cảng Mariel, với nguồn vốn hỗ trợ của Brazil, để nâng cấp thành một cảng vận tải container lớn – đang tiến hành đúng lịch trình. Trong khi đó, một cơ quan về trách nhiệm giải trình tài chính nhà nước mới thành lập đã bắt đầu nhiệm vụ gian nan loại trừ nạn tham nhũng tràn lan.
Tuy nhiên, Cuba gặp nhiều rào cản nghiêm trọng trong cuộc mưu cầu tăng trưởng kinh tế vững mạnh hơn. Khác với Trung Quốc và Việt Nam ở giai đoạn đầu họ thực hiện cải cách, Cuba là một nước kém phát triển với những vấn đề của nước đã phát triển. Không chỉ dân số đang lão hóa (18% dân số trên 60 tuổi), mà kinh tế Cuba còn thiên hẳn về ngành dịch vụ. Khi Việt Nam bắt đầu chương trình cải cách Đổi Mới năm 1986, dịch vụ chiếm khoảng 33% GDP, trong khi ngành sản xuất chiếm gần 67%. Ngược lại, dịch vụ ở Cuba chiếm gần 75% GDP – kết quả của hơn 20 năm công nghiệp suy tàn nghiêm trọng và tỉ lệ tiết kiệm và đầu tư thấp. Xuất khẩu dịch vụ (chủ yếu là các chuyên gia y tế), cộng với du lịch và kiều hối, là cách phòng thủ chủ yếu để Cuba chống chọi với tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán kéo dài.
Giới chức trách và giới kinh tế học ở Cuba nhận ra nhược điểm cơ cấu này và đã nhấn mạnh nhu cầu cần tăng xuất khẩu và phát triển một thị trường nội địa năng động hơn. Nhưng đến nay nhà nước vẫn chưa thể giải quyết tình trạng mất cân đối này. Trong ngành đường, từng là ngành chủ lực, hoạt động sản xuất tiếp tục cầm chừng dù giá thế giới gần đây tăng lên và có vốn đầu tư mới của Brazil. Trong khi đó, một vụ tham nhũng tai tiếng và giá thế giới giảm xuất đã làm suy yếu ngành nickel, khiến phải đóng cửa một trong ba cơ sở chế biến của Cuba. Nhìn tổng quát hơn, năng suất của Cuba còn rất thấp, và đất nước này từ trước đến nay đã không tận dụng được lực lượng lao động có trình độ học vấn cao.
Dù quan trọng, việc mở rộng khu vực doanh nghiệp nhỏ không thể giải quyết những vấn đề cốt lõi này. Hiện nay có 181 loại hình hoạt động tự doanh hợp pháp, nhưng gần như chỉ tập trung trong ngành dịch vụ, trong đó có làm chủ các tiệm ăn độc lập, quầy thực phẩm, và nhà trọ. Nguồn vốn khởi nghiệp thì khan hiếm, lệ phí xin các giấy phép theo quy định thì cao, và một số loại hình hợp pháp lại quá cụ thể đến mức vô nghĩa. Ngoài ra, vẫn chưa rõ liệu cơ hội kiếm tiền chính đáng có khuyến khích được các doanh nghiệp chợ đen ra hoạt động công khai hay không.
Vì vậy, cũng chẳng đáng ngạc nhiên khi sự mở rộng hoạt động tự doanh chưa giúp nhà nước đạt chỉ tiêu cắt giảm biên chế cồng kềnh của mình. Năm 2010, Castro hứa loại bỏ 500.000 việc làm nhà nước trong sáu tháng đầu năm 2011, với mục tiêu hợp nhất hơn 1,8 triệu người lao động (trong lực lượng lao động ước tính tổng cộng 5,3 triệu người) vào khu vực tư nhân trước năm 2015. Nhưng chính phủ chỉ có thể loại bỏ được 137.000 việc làm trong năm đầu tiên đó. Thế nhưng, cải cách đang có tác động rõ rệt. Các doanh nghiệp nhỏ hiện sử dụng khoảng 400.000 nhân công, tăng 154% kể từ khi quá trình tự do hóa hoạt động tự doanh bắt đầu vào tháng 10/2010. Ngoài ra, để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa, chính quyền gần đây đã khai trương một công ty bán sỉ sẽ cho phép các doanh nghiệp mới thành lập mua vật tư với điều khoản giống như các công ty quốc doanh, nhờ đó giải quyết một nỗi lo lớn của giới chủ doanh nghiệp.
Để bổ sung những thành quả này, Cuba cần tiếp tục tái thiết các năng lực sản xuất của mình trong các lĩnh vực cốt lõi như nông nghiệp. Trước khi Raúl Castro lên nắm quyền, khoảng 20% đất có thể canh tác ở nước này bị bỏ hoang và Cuba nhập khẩu một nửa nguồn cung thực phẩm trong nước của mình – một phần lớn trong đó nhập từ Mỹ, theo một ngoại lệ năm 2000 đối với lệnh cấm vận thương mại. Để tăng sản lượng nội địa, nhà nước đã giao đất với diện tích hơn 3,7 triệu mẫu Anh cho các nhà nông tư nhân, và sản lượng thu hoạch của họ hiện nay chiếm 57% trong tổng sản lượng thực phẩm ở Cuba dù họ chỉ chiếm gần 25% đất có thể trồng trọt được. Tuy nhiên các mức tổng sản lượng thực phẩm ở các loại cơ bản nhất vẫn quanh quẩn ở mức hoặc hơi thấp hơn mức năm 2002.
Khả quan hơn là dự án đầu tư cải tạo Cảng Mariel, do tập đoàn Odebrecht của Brazil đứng đầu, với sự hậu thuẫn của Ngân hàng Phát triển Quốc gia Brazil. Cuba đang hy vọng tự định vị là trung tâm vận tải quan trọng trong vùng Caribe. Nằm giữa Kênh đào Panama và các điểm ở Mỹ và Châu Âu, cảng nước sâu khổng lồ ở Mariel có vị trí lý tưởng để giao thương với Mỹ và các nước khác trong một thế giới hậu cấm vận. Ngoài ra, bốn công ty dược phẩm Brazil đã thỏa thuận sản xuất thuốc ở địa điểm gần cảng này để xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Brazil và các thị trường khác. Song, nếu Mỹ vẫn còn cấm vận, các lợi ích dài hạn của dự án đầu tư Mariel sẽ bị hạn chế.
Dự án cảng này làm nổi bật một số khó khăn tổng quát hơn đang hạn chế đầu tư nước ngoài ở Cuba và triển vọng tăng trưởng chung của nước này. Havana chỉ định Mariel là khu phát triển kinh tế đặc biệt – trong đó các công ty nước ngoài được hưởng các động cơ khuyến khích đặc biệt và đặc quyền – nhằm thu hút vốn đầu tư vô cùng cần thiết. Nhà chức trách Cuba cũng nhắm đến việc tận dụng trình độ học vấn cao của người dân và lập các khu đầu tư chuyên về đổi mới sáng tạo công nghệ cao và các hoạt động giá trị gia tăng khác, chẳng hạn như công nghệ sinh học. Song, nếu không có các mối liên kết với những ngành công nghiệp địa phương, những khu đầu tư như vậy có thể biến thành các ốc đảo kinh tế, tạo việc làm cho người địa phương và nguồn thu thuế cho chính phủ Cuba nhưng ít hiệu ứng nhân bội.
Hệ thống hai loại tiền tệ của đảo quốc này khiến thách thức đó lại cam go bội phần. Là một sản phẩm phụ của việc lưu hành Mỹ kim trong thập niên 1990 – thoạt tiên ở chợ đen, sau thành hợp pháp – đồng peso có thể chuyển đổi của Cuba (CUC) hiện nay là đồng tiền của ngành du lịch và được quy định dùng để mua nhiều hàng tiêu dùng. Đối với thường dân Cuba, giá trị của CUC được gắn với Mỹ kim, với một CUC ăn 25 peso Cuba (CUP), loại tiền tệ để trả lương cho phần lớn công nhân viên nhà nước. Bởi vậy, những công dân nhận được ngoại tệ từ nước ngoài hoặc kiếm tiền bằng CUC, ví như những người được du khách nước ngoài thưởng tiền tip, có lợi tức cao hơn những người chỉ dựa vào lương trả bằng CUP.
Tai hại hơn nữa là hai loại tiền tệ CUC và CUP được xem như có giá trị bằng nhau bên trong và giữa các doanh nghiệp nhà nước. Tập quán hạch toán kỳ lạ này giúp cách ly giá CUP tránh bị tác động của lạm phát trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng hiện nay tập quán này khiến giới phân tích và giới đầu tư khó ước tính chi phí thực sự của hoạt động kinh doanh trên đảo quốc hoặc giá trị của các công ty nhà nước. Giới kinh tế học đồng ý rằng cách ít gây xáo trộn nhất để tiến đến một đồng tiền duy nhất sẽ là dần dần hợp nhất hai tỉ giá hối đoái đồng thời với sự gia tăng đều đặn của GDP và mức lương nói chung. Nhưng trong khi đó, tỉ lệ 1:1 giả tạo sử dụng trong khu vực quốc doanh đã có tác động làm đội giá tỉ giá hối đoái quốc tế của CUP và do vậy giảm khả năng cạnh tranh của hàng nội địa. Nghịch lý là chế độ hai tiền tệ bảo hộ hàng nhập khẩu khiến sản xuất nội địa bị thiệt hại.

(Còn tiếp)
Julia E. Sweig và Michael J. Bustamante, Foreign Affairs
 
 Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
———–
* Julia E. Sweig là Nghiên cứu viên Cao cấp danh hiệu Nelson & David Rockefeller về Nghiên cứu Mỹ Latinh ở tổ chức nghiên cứu độc lập Council on Foreign Relations (Hội đồng Đối ngoại) và là tác giả của cuốn sách Cuba: What Everyone Needs to Know (Những điều ai cũng cần biết về Cuba). Michael J. Bustamante là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành lịch sử Mỹ Latinh tại Viện Đại học Yale University.
(Bản dịch tiếng Việt, ký tên Khương An, đã đăng nhiều kỳ trên Thời Mới Canada, bắt đầu từ ngày 24/7/2013.)

© 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bắt đầu tiến hành bí mật giám sát cảnh sát vẫy xe

* Cục CSGT đường bộ công bố đường dây nóng: 06942608
Cùng với việc thành lập các tổ giám sát, Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67), Bộ Công an cũng công bố số điện thoại đường dây nóng để nhân dân cùng giám sát khi CSGT được chỉ đạo bỏ cắm chốt sang tuần lưu.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67), cho biết như vậy khi trao đổi với PV Tiền Phong khi Bộ Công an vừa có công điện yêu cầu CSGT cần nâng cao hiệu quả công tác.

Thay vì lập chốt trên đường từ nay CSGT phải tuần tra lưu động. Ảnh: Trọng Đảng
Thay vì lập chốt trên đường từ nay CSGT phải tuần tra lưu động. Ảnh: Trọng Đảng.
Thưa ông, đâu là nguyên nhân để Bộ Công an ra công điện trên. Ông có suy nghĩ gì khi Chính phủ đánh giá một trong những nguyên nhân làm TNGT nghiêm trọng xảy ra nhiều vừa qua là do công tác tuần tra, xử lý yếu?
Trước tình hình giao thông diễn biến phức tạp vừa qua, từ công tác nắm tình hình từ các địa phương và trực tiếp đi thị sát, chỉ đạo lãnh đạo Bộ Công an thấy rằng, hiện trên các tuyến QL và đường đô thị, nơi thì có quá nhiều lực lượng, nơi thì để trống địa bàn; lực lượng CSGT ít tổ chức tuần tra cơ động, nhiều nơi có biểu hiện lập chốt cố định trên đường dẫn đến nhiều lái xe chỉ chấp hành giao thông mang tính đối phó, thông tin cho các xe khác. Khi dừng xe thì kiểm tra giấy tờ qua loa, không thực hiện đúng quy trình công tác.
Ở một số địa phương công tác phối hợp với các lực lượng khác chưa được thường xuyên. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình hình đi lại và hoạt động vận tải diễn biến phức tạp vừa qua.
Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao hiệu quả hoạt động của CSGT, ngày 27/7 vừa qua Bộ Công an đã có công điện yêu cầu C67 và Công an các địa phương kiểm tra và chấn chỉnh lại công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của CSGT.
Ngoài không được vẫy xe kiểm tra qua loa, công điện còn yêu cầu CSGT bỏ cắm chốt, đi tuần tra trên đường. Việc thay đổi cách làm này có hiệu quả trong giám sát, xử lý vi phạm?
Các trường hợp CSGT vi phạm đều bị xử lý theo các mức kỷ luật: Phê bình, khiển trách, cảnh cáo, tước quân tịch đuổi khỏi ngành. Với trường hợp CSGT vẫy xe kiểm tra qua loa thì khiển trách, nhưng vẫy xe kiểm tra qua loa rồi nhận tiền cho đi thì sẽ đuổi khỏi ngành.
Việc yêu cầu CSGT tăng cường tuần lưu là nhằm khắc phục tình trạng anh em cắm chốt ngoài đường quá lâu. Thẳng thắn mà nói cắm chốt cố định cũng có cái hay là kiểm tra được nhiều phương tiện, tuy nhiên lại làm cho anh em lái xe dễ đối phó, khi xe qua chốt thì đi từ tốn, hết chốt lại chạy vô tội vạ. Cùng với đó, lái xe thông báo cho nhau về vị trí CSGT đứng làm nhiệm vụ. Chuyển sang kiểm tra lưu động dù có kiểm tra được ít phương tiện nhưng việc này sẽ hạn chế được những tồn tại ở trên. Lúc đó khiến người tham gia giao thông phải ý thức được rằng luôn có CSGT theo dõi. Như vậy về cơ bản sẽ chuyển được ý thức lái xe và người tham gia giao thông từ đối phó sang tự giác. Khi đã tạo được ý thức chấp hành luật thì TNGT sẽ giảm.
Công điện có nói, nếu phát hiện CSGT vi phạm sẽ xử lý nghiêm. C67 có biện pháp gì để giám sát; người dân, lái xe nếu phát hiện CSGT vi phạm cần làm gì?
Công điện có hiệu lực thực hiện từ 27/7, do đó C67 đã thành lập các tổ công tác vừa công khai, vừa bí mật đi giám sát, kiểm tra việc CSGT địa phương thực hiện.
Ngoài giám sát trên đường, các tổ công tác còn căn cứ vào sổ nhật ký, biên bản làm việc để xác định các tổ làm nhiệm vụ có thực đúng quy định của Bộ Công an không.
Với người dân, lái xe khi tham gia giao thông trên đường, nếu phát hiện CSGT làm sai quy trình, điều lệnh, sau khi xác định vị trí, số hiệu xe hoặc số hiệu ngành CSGT đeo trên người cần báo cho C67 qua số điện thoại đường dây nóng 24/24h: 069 42608. Sau khi tiếp nhận thông tin, trực ban sẽ báo cáo lãnh đạo Cục, thông tin nào cần đưa về địa phương thì Cục sẽ chuyển về địa phương, thông tin nào Cục cần trực tiếp điều tra, xử lý thì Cục sẽ xác minh.
Các trường hợp CSGT vi phạm đều bị xử lý theo các mức kỷ luật: Phê bình, khiển trách, cảnh cáo, tước quân tịch đuổi khỏi ngành. Với trường hợp CSGT vẫy xe kiểm tra qua loa thì khiển trách, nhưng vẫy xe kiểm tra qua loa rồi nhận tiền cho đi thì sẽ đuổi khỏi ngành.
Cảm ơn ông.
Trọng Đảng thực hiện
(Tiền phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét