Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Bài đáng chú ý - Bộ GD yêu nước mới cộng điểm cho mẹ VN anh hùng :))

Vàng đang đi đâu?

Chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ phải tiếp tục đấu thầu vàng để đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng số lượng sẽ giảm dần.

Vẫn khát
Thời hạn tất toán vàng đã qua 10 ngày nhưng “cơn khát” mua vàng đấu thầu từ các ngân hàng, doanh nghiệp dường như vẫn chưa được thỏa mãn. Việc những tên tuổi lớn trong giới ngân hàng như Eximbank, ACB, Phương Nam, Phương Đông, Sài Gòn, Việt Á, Vietinbank và Sacombank cùng các doanh nghiệp như DOJI, Phú Quý, PNJ, Kim Ngọc Phú, SJC tham gia các phiên đấu có thể thấy nhu cầu vàng khá
đa dạng.
Theo các chuyên gia, NHNN không hẳn đã mừng nếu chỉ nhìn vào mức lãi hơn 4.000 tỷ đồng mà ngân sách thu được từ việc bán ra gần 43 tấn vàng trong suốt thời gian qua. “Bài toán lớn” buộc NHNN sẽ phải lưu ý chính là tìm ra cách dừng “cơn khát” vàng của thị trường trong dài hạn. Còn trong ngắn hạn, việc NHNN phải tiếp tục bán vàng ra với khối lượng lớn chắc chắn sẽ tiếp diễn. Thế nên không ngạc nhiên khi các đơn vị tranh thủ gom vàng đón đầu thị trường.
Theo phân tích, vàng đấu thầu bị hút sạch trong những ngày qua một phần do đây mới là thời điểm các ngân hàng mua vàng để thực hiện kinh doanh. Số vàng mua trước đây là nhằm phục vụ cho việc tất toán. Với việc được mua vàng trong giới hạn tương đương tối đa 2% vốn tự có, các ngân hàng và doanh nghiệp được phép gom vào nhiều tấn vàng nữa để phục vụ việc kinh doanh.
Còn nếu so với số liệu trong báo cáo mới đây của Hiệp hội vàng thế giới (WGC), có thể thấy để đáp ứng nhu cầu của thị trường ước tính lên tới 77 tấn như trong năm 2012, NHNN sẽ phải bán ra lượng vàng không nhỏ nữa. Với mức nhu cầu này, chỉ cần NHNN dừng đấu thầu, thị trường chắc chắn sẽ biến động khó lường.
Trao đổi với PV, đại diện một số ngân hàng liên tục tham gia đấu thầu vàng đều từ chối công bố số lượng vàng cụ thể mua vào trong thời gian qua. “Là đơn vị kinh doanh, khi mua vào, dù giá có cao, chúng tôi đều có phương án. Thấy có lời mới mua chứ ai dại gì mua vào để chịu lỗ”, phó tổng giám đốc một ngân hàng có trụ sở ở phía Nam cho biết.

Các chuyên gia cho rằng NHNN sẽ phải bán vàng nhiều phiên nữa để đáp ứng nhu cầu thị trường
Các chuyên gia cho rằng NHNN sẽ phải bán vàng nhiều phiên nữa để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Giảm dần lượng vàng bán ra
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một doanh nghiệp vàng cho biết, việc giá vàng bị neo ở mức cao một phần xuất phát từ chính việc độc quyền cung vàng từ NHNN. Do đấu thầu theo định kỳ nên các nhà đầu tư “bắt bài” được thị trường để nhảy vào “vợt” vàng hoặc đầu cơ đẩy giá lên. “Khi còn độc quyền phân phối thì việc làm giá hết sức đơn giản, vị này phân tích.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Cty vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, vàng đấu thầu đưa ra bao nhiêu được vét sạch bấy nhiêu trong những ngày qua do vẫn còn một số ngân hàng chưa tất toán xong trạng thái.
Cùng với đó, do giá vàng thế giới bắt đầu có dấu hiệu quay đầu tăng trở lại nên giới đầu cơ găm giữ USD thực hiện chốt lời để chuyển sang găm giữ vàng nhằm đón sóng mới. “Tôi đi buôn mà biết nơi bán hàng gốc chỉ định kỳ bán ra thì tôi cứ nương giá đó và tình hình thị trường mà chốt giá phân phối lại cho các đại lý F2, F3. Vàng qua tay các đại lý đương nhiên sẽ bị đội giá”, ông phân tích.
Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, ông Trần Quốc Quýnh, cũng cho rằng việc NHNN bán hết sạch vàng trong các phiên đấu thầu cho thấy cơn “khát” vàng vẫn chưa được thỏa mãn. “NHNN vẫn chỉ còn biện pháp thực hiện đấu thầu để đảm bảo nguồn cung đáp ứng thị trường chứ chưa có biện pháp gì hơn. Việc chuyển hóa nguồn “vàng chết” trong dân thành nguồn lực để phát triển kinh tế cũng rất khó thực hiện, không phải việc dễ do người dân vẫn chưa tin vào việc này”, ông nhận định.
Một chuyên gia về giá phân tích, cũng không loại trừ việc các ngân hàng tiếp tục mua mạnh vàng có thể nhằm “bù đắp” việc đã lỡ dùng đến số vàng mà người dân nhờ giữ hộ trong thời gian qua. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra chứ không tự nhiên mà NHNN ra yêu cầu một số đơn vị tạm ngừng dịch vụ giữ hộ vàng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo NHNN cho biết, đến nay các ngân hàng đã mua đủ vàng để tất toán trạng thái, cả huy động lẫn cho vay nên thời gian tới NHNN vẫn đấu thầu vàng nhưng khối lượng sẽ ít đi. Tần suất đấu thầu cũng giảm chứ không liên tục như vừa qua. Cụ thể lượng vàng bán ra thị trường trong phiên đấu thầu ngày 11/7, theo Ngân hàng Nhà nước, sẽ chỉ còn 26.000 lượng, giảm khá mạnh so với lượng bán ra 40.000 lượng trong các phiên đấu thầu trong tuần qua.
Thị trường vàng còn biến động
Tại hội thảo “Giải pháp về vốn cho doanh nghiệp ĐBSCL” do VCCI Cần Thơ tổ chức ngày 10/7, TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh cho rằng, giá vàng còn biến động một thời gian nữa rồi mới ổn định.
Việc đấu thầu vàng, theo ông Nghĩa, chỉ là giải pháp ngắn hạn. Biện pháp dài hạn để ổn định thị trường vàng trong nước là liên thông với thế giới. Nhưng liên thông không phải thô sơ mang hàng chục tấn vàng qua lại như trước đến nay mà phải thành lập được sàn kinh doanh vàng. Khi đó vàng kinh doanh sẽ thực hiện qua tài khoản hoặc bằng chứng chỉ.
(Tiền phong)

Quản lý thị trường vàng, những câu hỏi đang đợi trả lời

Trải qua những biến động lịch sử (chiến tranh, thay đổi chính phủ, đổi tiền v.v.), người dân Việt Nam đã có thói quen dùng vàng để giữ tài sản của mình. Không chỉ người giàu có, người nghèo cũng giữ vàng, người mẹ nào cũng cố gắng cho con gái vài đồng cân vàng khi đi lấy chồng. Theo Hội đồng Vàng Thế giới từ năm 1993 đến 2010, Việt Nam đã nhập tổng cộng 1.000 tấn vàng (trong đó có tỷ lệ khá lớn nhập lậu), trừ đi số vàng đã xuất khẩu, trong dân còn khoảng 400-500 tấn vàng, một nguồn lực rất lớn có thể và cần huy động để xây dựng đất nước.
Trong những năm 1990, giá vàng liên tục biến động, tình hình chỉ ổn định sau khi nhà nước chủ động áp dung cơ chế thị trường vàng, cân đối cung-cầu. Từ 1993, người dân được quyền sở hữu, cất giữ vàng không hạn chế.Từ 1999 Nghị định NĐ174/1999/NĐ-CP và NĐ 64/2003/NĐ-CP cấp phép cho 8 ngân hàng thương mại và một công ty sản xuất vàng miếng. Năm 2000, Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại được huy động vốn bằng vàng và cho vay bằng vàng (Quyết định 432/2000/QĐ-NHNN). Từ năm 2011, Nhà nước cấp quota nhập khẩu vàng cho tám ngân hàng thương mại và công ty SJC để “tham gia bình ổn thị trường vàng” trong nước.
Từ năm 2008, trước tình hình lạm phát tăng cao, xu hướng dùng vàng để thanh toán những phi vụ mua bán nhà, đất tăng lên. Tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế xuất hiện, vàng không chỉ còn là phương tiện cất giữ mà còn trở thành phương tiện thanh toán, tức là đồng tiền mạnh trong nền kinh tế, tác động tới tỷ giá, dự trữ ngoại tệ. Trên cả nước đã có khoảng 12.000 cửa hàng lớn nhỏ được cấp phép hoạt động, một số còn kiêm cả mua bán ngoại tệ, chủ yếu là USD. Cứ mỗi khi có biến động tỷ giá hay giá vàng biến động lại có hiện tượng đoàn người xếp hàng chen chúc nhau để mua vàng kiếm lợi.
Các hiệp hội đã kiến nghị tổ chức “sàn vàng” như một thị trường vàng có sự quản lý của nhà nước, từng bước liên thông với thị trường vàng thế giới, giảm bớt chênh lệch giá giữa giá vàng trong ước và giá vàng thế giới.
Trước tình hình đó, Nghị định 24/2012/ NĐ-CP đã quyết định bỏ quy định cấp quota nhập khẩu vàng, không liên thông giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, ấn định thời hạn tất toán dịch vụ nhận gửi tiết kiệm và cho vay bằng vàng tại các ngân hàng thương mại đến ngày 30/6/2013, tuyên bố vàng miếng SJC trở thành nhãn hiệu vàng độc quyền, Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập vàng, độc quyền phát hành vàng SJC và là người độc quyền bán vàng để bình ổn thị trường, áp đặt những điều kiện ngặt nghèo cho các hộ kinh doanh vàng phải đăng ký lại v.v.
Những người dân giữ vàng miếng không phải SJC phải đổi với chênh lệch giá khá lớn, số cửa hàng kinh doanh vàng được cấp phép trơ lại giảm đáng kể. Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng, cho đến nay đã hơn 40 phiên, bán ra 41,4 tấn vàng, phải sử dụng lương lớn ngoại tệ để nhập khẩu. Nếu như trước ngày 30.6, bình quân mỗi phiên chỉ bản 26.000 lượng vàng thì ngày 9/7/2013, sau thời hạn tất toán vàng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu lượng vàng gần gấp đôi, lến đến 40.000 tấn vàng/ phiên. Chênh lệch giá vàng trước và giá vàng thế giới có lúc lên đến 7 triệu đồng/lượng, nay vẫn còn ở mức 5-6 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước tuyên bố bình ổn thị trường vàng nhưng không bình ổn giá. (?!).
Ngân hàng Nhà nước tuyên bố chính sách quản lý thị trường vảng đã đạt thắng lợi quan trọng, không còn cảnh người mua vàng chen chúc, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng lên v.v. Báo chí đưa tin Ngân hàng Nhà nước đã lãi 5.000 tỷ đồng nhờ nhập khẩu vàng giá thấp, bán vàng giá cao và Ngân hàng Nhà nước quả quyết toàn bộ lợi nhuận thuộc về nhân dân và nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy vậy, chưa thấy Kho bạc Nhà nước có thông báo về số thu ngân sách này.
Song, sau thời hạn khóa sổ ngày 30/6/2013, tình hình không ổn định như Ngân hàng Nhà nước dự đoán. Một số ngân hàng thương mại thiếu thanh khoản, chưa thể tất toán vàng. Dự báo nhu cầu của các ngân hàng này còn ít nhất 9 tấn vàng để tất toán. Trong những ngày nắng nóng lên đến 40 độ C cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy này ở Hà Nội, hiện tượng sắp hàng từ sáng đến tối để mua vàng của người dân lại xuất hiện trở lại. Tỷ giá đã phải điều chỉnh lên 1% ngày 28/6 và đã có lúc đạt mức 22.000 VND/USD trên thị trường tự do. Nhu cầu vàng chưa thấy đến giới hạn. Tình hình đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước ban hành các quy định về quản lý vàng, đồng thời lại là cơ quan độc quyền nhập khẩu vàng, độc quyền kinh doanh vàng miếng SJC, độc quyền đấu thầu vàng, mua-bán vàng để bình ổn thị trường vàng. Trên thế giới chưa thấy có nền kinh tế thị trường nào lại áp dụng những biện pháp quản lý như vậy và hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” là quá lộ liễu. Thanh tra Nhà nước tháng 4/2013 đã thông báo sẽ thanh tra hoạt động kinh doang vàng của Ngân hàng Nhà nước.
Số vàng trong dân chưa biết đến bao giờ mới huy động được và bằng phương án nào. Giá vàng trong nước tiếp tục nhảy múa, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn rất cao.
Muốn biết kết quả kinh doanh vàng thế nào phải đợi kết quả của Thanh tra Nhà nước, song cách vừa tự ban hành quy định lại độc quyền thực hiện như hiện nay là điều không giống bất kỳ nước nào.
Lê Đăng Doanh

Cú giãy cuối cùng của nền phê bình chỉnh huấn

Năm ngoái, mấy cây dầu cổ thụ trong một bài thơ ít người biết đến bỗng khuấy động chút ít thi đàn Việt Nam. Tác giả, ông Đàm Chu Văn, chuyên viên cao cấp của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai kiêm Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Đồng Nai, bị một đồng nghiệp thấm nhuần lập trường chuyên chính soi quan điểm chính trị. Cuối cùng mọi chuyện cũng ổn. Ông chỉ mất bốn tiếng đồng hồ giải trình sự trong sáng của mình với cơ quan tuyên giáo. Báo chí đưa tin. Đồng nghiệp Hồng Vệ binh im. Quan văn nghệ trung ương bật đèn xanh. Như trong vụ “Cánh đồng bất tận” sáu năm trước, những robot tuyên giáo ở một số tỉnh lẻ có lẽ vẫn tiếp tục chạy theo lập trình đấu tranh tư tưởng mấy thập niên quên cập nhật, nhưng thời của nền phê bình chỉnh huấn trên diện rộng ở toàn quốc đã qua rồi. Không ai đọc ai điếu cho nó. Nó đơn giản đã đóng xong vai trò kinh dị của mình trong một chương kinh hoàng của văn học sử đất nước này.
Tôi phải nhận rằng mình chưa bao giờ hâm mộ trường phái thơ mượn lời cỏ cây hoa lá để tâm tình. Khi tôi đến với văn chương thì những tâm tình đặc sắc nhất đặt vào miệng thiên nhiên đã được thốt ra rồi, từ đó trở đi cứ thấy cánh hoa nào trầm ngâm, nhành cây nào đau đáu, áng mây nào nặng trĩu nhân văn là tôi bỏ chạy. Tôi phải bảo vệ tình yêu văn chương của mình. Cũng như mọi tình yêu, chết vì buồn tẻ là nguyên nhân hàng đầu.
Với một thái độ thiếu khách quan không buồn giấu diếm như thế, tôi không thể bình luận về bài thơ vừa nhắc, nhan đề “Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân”. Thực ra cuộc chỉnh huấn mini nói trên không liên quan gì đến thông điệp nghệ thuật của bài thơ. Vấn đề không phải là chỗ đứng của những cây dầu hoàn toàn vô can ấy trước trụ sở ủy ban nhân dân. Vài chục năm trước, có đứng trong rừng mà tâm sự mông lung như vậy thì chúng cũng bị đốn. Vấn đề là chỗ đứng của tác giả. Ở vị trí cán bộ tư tưởng và quan văn nghệ hạng đầu tỉnh, ông Đàm Chu Văn chỉ nên cho những phát ngôn viên của ông đứng trước một tiệm McDonald’s. Như thế sẽ vẹn cả mọi bề, vừa không ngán đồng nghiệp nào chỉ điểm, vừa thêm được tinh thần đi trước thời đại (ít nhất là hai năm, vì tập đoàn McDonald’s vẫn chưa hạ cố đến thị trường Việt Nam), và tất nhiên không mất mát gì về thông điệp nghệ thuật. Để có mấy lời tâm sự “mưa nắng ở đời” như thế thì đứng trước trụ sở ủy ban nhân dân hay trụ sở McDonald’s không có gì khác nhau. Nói cách khác, nếu là một nhà thơ tự do, tác giả của mấy cây dầu đó có thể khuân chúng ra tận Lăng Hồ Chủ tịch mà đứng, tâm sự mông lung hơn nữa cũng không phải giải trình trong sáng với ai. Đã từ lâu không kiểm soát nổi những nhà thơ tự do, nền phê bình chỉnh huấn chỉ còn ngắc ngoải bằng dăm ba nỗ lực uốn nắn nền thi ca chính thống, nơi điều duy nhất có thể mất và vì thế cần bảo vệ không phải là tự do, mà là sự lệ thuộc. Thấm thía điều này hơn ai hết có lẽ là người đã rời – chắc chắn không phải vì tự nguyện – cương vị đứng đầu ngành tuyên giáo quốc gia để trở về “chường cái mặt ra trong thơ”: ông Nguyễn Khoa Điềm.

Nhưng trước khi yên vị trong nhà quàn, nền phê bình chỉnh huấn ấy còn muốn cống hiến cho chúng ta một cú giãy, tuy quá thiểu não để có thể giải trí nhưng đáng để bình luận, vì rất có thể là cú giãy cuối cùng. Lần này, nó dồn hết những mảnh vụn kí ức sót lại về một thời sinh sát oanh liệt vào ngọn roi tàn, giáng xuống một bản luận văn thạc sĩ ba năm trước về nhóm thơ tự do đáng kể nhất từ thời Đổi mới ở Việt Nam, nhóm Mở Miệng.
Trong cuộc truy sát Nhân văn-Giai phẩm, ít ra chúng ta biết: Người “vạch trần bộ mặt thật” “trụy lạc phản động” của Trần Dần là nhạc sĩ Đỗ Nhuận; người hô hào cả nước “phải chặn lại không cho Trương Tửu được tự do truyền bá những tư tưởng phản động, những tác phong đồi bạilà nhà phê bình Hoài Thanh, cũng chính là người xác định tính chất “xuyên tạc”, “vu khống”, “phản động” của bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần; người tố giác cả một “hệ thống những sai lầm xấu xa”, những “dụng ý rất đen tối” của Tử Phác là nhạc sĩ Lương Ngọc Trác; người lột “cái mặt gian xảo” của Lê Đạt như “một kẻ ẩn núp, tàng hình, đã từng quay quắt được một thời gian, nhưng rốt cục cái bản chất phản lại giai cấp vô sản lòi ra mồn mộtlà nhà thơ Xuân Diệu, cũng chính là người phát hiện Văn Cao “gài mìn chống phá Đảng và nhân dân”; người quyết “vạch rõ tội lỗi của Phan Khôi đã bao nhiêu năm làm tay sai cho đế quốc, nịnh hót phong kiến, huyễn hoặc, lừa bịp, đầu độc nhân dân để kiếm bát cơm, manh áo”, “chống Đảng, chống cách mạng, phản nhân dân, phản Tổ quốc”, “từ bé đến già bóc lột của nông dân, ăn cướp của nhân dânlà nhà văn Nguyễn Công Hoan; người gọi tác phẩm của Trần Duy là cái thứ “văn nghệ vô nhân đạo của thần chết”, là “những thứ cỏ độc, mà chúng ta phải nhổ sạch, quét sạch, để vứt vào rác, hoặc làm một thứ phân bón cho những bông hoa chân chính trong vườn văn nghệ của ta” là nhà phê bình Vũ Đức Phúc…; chưa kể hàng trăm văn nghệ sĩ không kém danh tiếng khác – từ Thế Lữ, Bửu Tiến, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Đoàn Giỏi, Tú Mỡ, Đoàn Văn Cừ, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tuân…, đến Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Đình Thi, Võ Huy Tâm, Đào Vũ, Bùi Huy Phồn… – hăng hái góp đinh cho những chiếc búa tạ nêu trên chốt quan tài những đồng nghiệp “nổi loạn” của họ.
Còn bây giờ, vung roi dọa nhà nghiên cứu Nhã Thuyên và nhóm Mở Miệng là lèo tèo một nhúm vô danh hay ẩn danh: một Cẩm Khê nào đó trên Nhân dân, một Tuyên Hóa nào đó trên Quân đội Nhân dân, một Minh Văn nào đó trên Thanh tra, những tờ báo lẽ ra không có phận sự thì miễn vào địa hạt văn học và cho đến lúc này không có đồng minh tự nguyện từ giới văn nghệ, trừ một người: nhà phê bình Chu Giang.
Quan hệ của chúng ta với các nhà phê bình văn học thực ra không khác lắm quan hệ với những người bán cá ở chợ, nó dựa trên sự tin cậy [i]. Sự tin cậy ấy đương nhiên tùy thuộc vào mỗi người và phải có cơ sở. Song chẳng cần nhiều lắm; đôi khi chỉ cần nếm vị, ngửi hơi là ta chấm xong điểm tín nhiệm. Ai muốn biết tầm vóc của nhà phê bình Chu Giang, tức ông cựu giám đốc NXB Văn học Nguyễn Văn Lưu, tác giả cuốn Luận chiến văn chương từng đoạt Giải thưởng Hội Nhà Văn năm 1996, có lẽ chỉ cần thưởng thức vài dòng trong loạt bài luận chiến đăng trên Tuần báo Văn nghệ TP HCM năm ngoái, phê phán tác phẩm và con người Nguyễn Huy Thiệp, đối tượng được ông chiếu cố từ thuở Văn học Đổi mới đến giờ chưa buông. Cá nhân tôi tưởng mình đang lạc vào vườn trẻ, nơi ông Lưu giậm chân mách cô giáo rằng văn chương thằng Thiệp không ra gì vì nó vừa đái bậy xong lại tranh đồ chơi của thằng khác. Nhưng ông cũng có thể rất nghiêm túc. Khi nghiêm túc, ông tuyên bố rằng: “Nếu chúng ta đi theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thống nhất cùng bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện theo những lời dạy của Hồ Chí Minh, thì đoàn kết được cả dân tộc, đoàn kết được cả giới văn nghệ”. Mọi bình luận ở đây là thừa.
Có những nhà phê bình mà khi được họ khen thì ta nên giật mình, còn lời chê của họ là bảo đảm đáng tin cậy nhất cho giá trị của tác phẩm bị họ phê phán. Tôi coi ông Nguyễn Văn Lưu thuộc loại này. Năng khiếu phê bình văn học (!) của ông nằm ở sự dị ứng không nhầm lẫn trước tất cả những gì vượt khỏi thước đo hạnh kiểm bỏ túi và cẩm nang thuật ngữ chính trị xuất bản năm 70. Ở thời hoàng kim của nền phê bình chỉnh huấn, phẩm chất ấy đáng giá vài cái Giải thưởng Hồ Chí Minh. Song sinh bất phùng thời, bây giờ nó được huy động cho cú giãy cuối cùng của nền phê bình ấy. Tôi tin rằng cả những người bị coi là phải chịu trách nhiệm về phương diện nhà nước cho công trình nghiên cứu mà ông hùng hồn gọi là “một luận văn kích động sự phản kháng và chống đối” lẫn tác giả Nhã Thuyên đều đủ rộng lượng để ghi nhận hành vi mang tính lịch sử này. Không phải ngày nào cũng có một nền phê bình giãy chết.
Còn nhóm Mở Miệng? Họ thà bị đem ra tra tấn bằng thơ, chứ nhất định không chịu mở miệng giải trình cái gì mà trong sáng. Nhưng tất nhiên họ sẽ mở miệng thật rộng để cười, dù biết rằng có những thứ giãy mãi không chết.
Phạm thị Hoài


[i] Nếu George Steiner hay Borges, những người thông tuệ và sành đọc, có lời khen ai, tôi sẽ tìm đọc. Những người khắt khe bậc nhất như Kafka, khó tính bậc nhất như Nabokov hay Thomas Bernhard khen ai, tôi sẽ tìm đọc bằng được. Ai ca ngợi Paul Coelho, không bao giờ tôi để ý nữa, nhưng lại chú ý những người hâm mộ thơ Hoàng Quang Thuận: tôi muốn biết người ta nghĩ gì hay không nghĩ gì khi pha cái gọi là nước mắm, hiệu Chinsu, với rượu nhạt đặt lên bàn thờ.

Kim Chi - Chuyện của anh Bùi Viên


   * Ghi chép của Nghệ sĩ KIM CHI

             Năm 1959, lớp diễn viên điện ảnh đầu tiên ra đời ở Hà Nội. Ngày đó thầy dạy chuyên môn cho chúng tôi là thầy Agiđa Ibrađimốp, người Liên Xô. Anh Bùi Viên là cán bộ phòng giáo vụ, anh đồng thời phiên dịch tiếng Nga.
            Năm 1962 chúng tôi thi ra trường. Sau khi tốt nghiệp, chúng tôi đều được phân công về xưởng phim truyện làm việc trong kịch đoàn Điện ảnh. Ngày đó anh Viên dẫn kịch đoàn đi khắp miền bắc biểu diễn, anh cũng tham gia đóng một số vai.
Năm 1964, tôi cùng chồng là nhà quay phim Hồng Sến (sau này anh Sến là đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân) và đoàn điện ảnh vượt Trường Sơn đi chiến Trường.
  Hết chiến tranh đã mấy chục năm qua. Anh chị em lớp diễn viên chúng tôi đều đã lên ông lên bà. Một số anh chị em đã không còn nữa. Chúng tôi kẻ Bắc, người Nam, không có nhiều cơ hội gặp nhau thường xuyên. Nhưng tình nghĩa chúng tôi dành cho nhau vẫn như xưa. Anh Bùi Viên rất quí tôi vì tôi là con gái miền Nam tập kết.
             Những năm gần đây mỗi lần từ Hải Phong lên, anh Bùi Viên thường ghé chơi nhà vợ chồng tôi. Ông xã bây giờ của tôi là nhà giáo Vũ linh, bạn của anh Bùi Viên. Anh em chúng tôi rất quí trọng nhau. Chúng tôi luôn chia sẻ buồn vui và những điều bận tâm với cuộc sống.
            Cuối năm 2012, Hội Điện ảnh tổ chức gặp gỡ anh em ở cung văn hóa Hữu Nghị Việt-Xô. Anh Bùi Viên ở tận Hải Phòng, cũng có mặt như mọi năm.
              Hôm ấy, nhìn thấy tôi, anh bước tới bắt tay. Vẻ mặt anh không vui, anh nói:
- Đáng  lẽ em không nên làm cái việc vừa rồi...
"Việc vừa rồi", tôi hiểu anh nói là việc tôi gửi thư cho Hội Điện ảnh, xin từ chối không làm hồ sơ để được Thủ tướng khen. Tôi hết sức ngạc nhiên và thất vọng. Tôi viện cớ chào hỏi những người khác để không phải tranh luận với anh. Tôi quí mến anh nên không muốn làm cho anh buồn.Nhưng tôi sống có chính kiến của mình.Dẫu ai thân đến mấy cũng không thể làm tôi thay đổi cách sống của mình. Bẵng đi mấy tháng, chúng tôi không liên lạc với anh.Tôi thấy hình như anh nghĩ khác chúng tôi về cuộc sống.
   Chiều 30/4/2013, anh Viên gọi điện cho vợ chồng tôi, anh bảo sáng 1/5 sẽ tới thăm chúng tôi. Anh đã tới đúng hẹn. Nói chuyện với anh, tôi ý thức không nhắc tới câu chuyện bức thư của tôi. Nhưng rồi anh chủ động nói:
- Anh đến đây là để giải thích với em về điều anh nói với em hôm anh em Điện ảnh gặp gỡ cuối năm.
Tôi nói:
- Nếu anh không thích việc em làm thì mình không nên nhắc tới ...
Anh lắc đầu:
- Không phải vậy. Anh rất phục việc cô làm. Nhưng anh thật sự lo cho em. Chúng nó dễ sợ lắm. Anh nghĩ  anh em mình còn sống có một đoạn nữa thôi. Để cho họ hành hạ thì khổ lắm...
 Rồi anh lặng đi trong giây lát. Sau đó anh kể:
- Câu chuyện này xảy ra từ năm 1970. Ngày đó em và Hồng Sến đang ở chiến trường. Bọn anh hồi đó vẫn còn ở 36-38 Cao Bá Quát. Một hôm anh đi công việc trở về thì thấy có mấy người công an ngồi cùng với mấy anh em điện ảnh. Anh Lý Thái Bảo nói:" Vào đi! Mọi người chờ cậu nãy giờ lâu rôi...".   
 Anh giật mình nghĩ bụng" Sao công an lại chờ mình?". Đoán được ý nghĩ của anh, một cán bộ công an nói ngay:" Chúng tôi có việc cần anh giúp đỡ".
Bây giờ anh phải xin nghỉ phép 10 ngày để đi với chúng tôi. Nhưng anh phải tuyệt đối giữ bí mật. Hai mươi năm sau anh mới được kể lại chuyện này:
... " Lúc đó ông Sáng mập đã đem đến tờ quyết định cho anh nghỉ phép. Anh lấy vội một bộ quần áo đem theo. Cậu công an nói :"Anh lên xe chúng tôi ở đây không tiện. Anh chịu khó đi bộ ra mậu dịch cửa Nam, xe chúng tôi sẽ đón anh ở đó".  Họ không giải thích gì hơn. Anh được đưa tới 85 Trần Hưng Đạo. Họ bố trí một phòng nhỏ hơn chục m2 ở trên lầu. Hàng ngày có một cô đem tới cho anh 2 phích nước sôi, trà, thuốc lá...Ba bữa ăn cũng có người đưa tới tận phòng. Người ta để sẵn trên bàn một chồng thư gửi đi Nga và một hộp bút chì màu. Người cán bộ chỉ vào chồng thư nói:
- Công việc của anh là đọc những lá thư này... Đoạn nào nói về chính trị thì gạch bút chì đỏ ở bên dưới, đoạn nào xin tiền bạc thì gạch bút chì xanh. Anh ở đây, không đi đâu và cũng không liên lạc với ai...
 Anh gai hết cả người và thấy sốc ...Vậy là người ta buộc anh làm tên chỉ điểm. Anh giận lắm, nhưng không dám chống lại. Nếu anh làm theo lời họ thì những người viết những bức thư này sẽ khốn khổ. Kẻ nặng có khi bị xử chết, nhẹ thì tù mọt gông...
    Hôm sau tình cờ ngó xuống cửa sổ, anh nhìn thấy anh Huy Vân và anh Vũ Như Cương đang đi dưới đất, trên tay mỗi người bê một đĩa cơm. Anh gọi lớn:" Huy Vân đấy à?". Anh Huy Vân ngó lên :" Bùi Viên cũng ở đây à?...Vào đây khổ lắm, Viên ơi...".  Một công an tới kéo Huy Vân đi. Trên này cô công an cũng nhắc anh không được nói chuyện với bên ngoài.
  Đau đớn, dằn vặt suốt hai ngày. Đêm anh không sao ngủ được. Anh nói " Anh không biết phải làm gì để từ chối việc bị buộc phải làm...".
 Sáng hôm sau, cô công an mang cho anh hai phích nước sôi. Anh chồm qua bàn nhận phích nước. Anh bị tuột tay, phích nước rơi xuống bàn. Kính trên mặt bàn bị vỡ tung, nước tràn lênh láng ... Những lá thư viết bằng mực bị nước làm nhòe hết cả. Những bức thư không còn đọc được nữa. Anh chợt nghĩ Trời Đất đã cứu anh không phải làm một việc thất đức mà lòng anh day dứt, chưa biết phải từ chối ra sao.
Vậy là họ đành phải cho anh về...
 Kể xong câu chuyện, anh nói giọng buồn buồn:
- Ngày đó Huy Vân và Vũ Như Cương là những trí thức bị qui là phần tử xét lại, chống lại nhà nước. Hai anh đã bị tù vì người ta cho các anh ấy âm mưu lật đổ nhà nước. Anh Huy Vân đã bị đói khát, anh chết rất thảm như một kẻ vô gia cư...
   Riêng tôi không bao giờ quên anh Huy Vân. Ngày chúng tôi học diễn viên thì anh học đạo diễn. Anh là một trong số học sinh đạo diễn xuất sắc. Ra trường anh đã có ngay phim "Một ngày đầu thu" cùng làm với đạo diễn Hải Ninh. Vợ anh là chị Tuệ Minh và chị Trà Giang đóng vai chính.
    Huy Vân là một tài năng. Một tài năng đã không có đất sống khi anh dám nghĩ khác những người có quyền...
      Hà Nội, đầu năm 2013
            Kim Chi  
( Buivanbong Blog )

'Ưu tiên thi Đại học' mẹ VN anh hùng

Một thông tư mới ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về ưu tiên cho những phụ nữ có chồng con hy sinh vì chiến đấu cho Đảng Cộng sản đang gây nhiều bàn tán và cả gây cười trên mạng xã hội và báo chí.
Thông tư sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên của Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng hệ chính quy có quy định cộng điểm ưu tiên cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng và những người tham gia hoạt động cách mạng từ trước và sau ngày 1/1/1945, theo truyền thông trong nước.
Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được chính phủ Việt Nam dành cho những phụ nữ có chồng, con được công nhận là liệt sĩ.
Thông tư ngày 4/7 nói bà mẹ Việt Nam anh hùng và đối tượng tham gia cách mạng đươc cộng 2 điểm ưu tiên nếu đi thi Đại học hoặc Cao đẳng.
Theo một chuyên gia, một phần của thông tư mới này dành cho những người khoảng 80, 90 tuổi muốn đi thi đại học, hoặc dành cho thế hệ bà mẹ Việt Nam anh hùng trong tương lai.
“Quy định này có thể... phòng xa cho những người được phong bà mẹ Việt Nam anh hùng trong những thời điểm lịch sử sau này,” theo báo Tuổi Trẻ dẫn lời giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.
"Với người hoạt động cách mạng trước năm 1945, cứ tính họ tham gia cách mạng từ rất sớm, từ 15 tuổi thì nay đã ngoài 80 tuổi," ông Nguyễn Minh Thuyết nói.
Còn một nhà giáo, giáo sư Văn Như Cương, thấy quy định của Bộ Giáo dục “buồn cười và vô lý quá mức”.
“Nếu có thì tặng các mẹ 20 triệu và đặc cách luôn chứ tặng 2 điểm làm gì,” ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia được báo chí dẫn lời.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp  bà mẹ VN anh hùng
‘Lỗi anh đánh máy’
Giáo sư Văn Như Cương nói, “chắc lỗi ở anh đánh máy”, nhưng người ký cũng phải đọc kỹ và thấy được sự vô lý này.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lễ năm 1994 tôn vinh 60 trong số 19 nghìn bà mẹ Việt Nam anh hùng
“Thử hỏi còn bà mẹ Việt Nam anh hùng nào còn lê được đi thi đại học. Đến con của các mẹ cũng lớn tuổi cả rồi chứ nói gì đến các mẹ,” ông Văn Như Cương nói.
Theo báo Tiền Phong, đại diện bộ Giáo dục đã giải thích trước báo chí hôm 10/07 rằng thông tư này nhằm cụ thể hóa pháp lệnh số 04 (về ưu đãi người có công với cách mạng) và Nghị định 31 của Chính phủ.
“Chúng tôi xây dựng dự thảo thông tư 24 sửa đổi bổ sung thêm đối tượng thuộc đối tiện ưu tiên khi dự thi đại học,” ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục nói.
Ông Khôi giải thích thêm: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng được ưu tiên không phải là bà mẹ 80, 90 tuổi mà còn là các bà mẹ có con đi bộ đội ngày nay mà hy sinh trong quân đội, sẽ được nhà nước xem xét phong tặng”.
Đại diện ngành Giáo dục nói, đây là điều mà Bộ đã tính toán để đảm bảo đúng thời điểm, và các đối tượng được hưởng ngay chính sách.
Các đối tượng được ưu tiên khác được nhắc đến trong thông tư là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng.
Văn bản nhà nước
Không ít lần các văn bản hay đề xuất của cơ quan nhà nước Việt Nam đã gặp phải sự châm biếm của dư luận.
Mới đây, tin cho hay ở TP. HCM, chi cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình đề xuất quy định tuổi sinh con của phụ nữ không quá 33.
Cơ quan này đề xuất với lãnh đạo thành phố rằng nên bắt buộc các đôi lứa muốn được đăng ký kết hôn phải khám sức khỏe, khuyến khích tuổi sinh con không quá 33 đối với phụ nữ.
Trong một trường hợp khác, một công văn do Bộ Xây dựng ban hành không cho phép các công trình xây dựng nhại kiến trúc cổ điển Pháp – châu Âu.
Sau đó, bộ này đính chính, nói rằng đó là "lỗi đánh máy".
Nhiều người bình luận trên mạng xã hội Facebook về các quy định trên, có người viết: “Sáng nay dậy, mình suýt ngất với hai tin nóng sốt trong ngày. Một là bà mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học được ưu tiên, hai là phụ nữ 33 tuổi trở lên không được phép mang thai...”
(BBC)

Bộ GD yêu nước mới cộng điểm cho mẹ VN anh hùng

(Trái hay Phải) - Chiều 10/7, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo để thông tin về hai đợt thi tuyển sinh ĐH năm 2013. Theo đó, nhiều vấn đề "nóng" lên quan đến tuyển sinh năm nay được lãnh đạo Bộ giải đáp trong đó đáng chú ý có việc cộng điểm cho... Bà mẹ Việt Nam anh hùng gây xôn xao dư luận.

Trước câu hỏi của phóng viên về thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 4/7 cho biết Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945 sẽ thuộc đối tiện ưu tiên khi dự thi đại học. Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng Bộ GD&ĐT ban hành thông tư này nhằm cụ thể hóa pháp lệnh số 04 (Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng) và Nghị định 31 của Chính phủ.

Cũng theo ông Khôi, những người có công và con của họ sẽ được chế độ ưu tiên chung, trong đó có ưu tiên trong tuyển sinh và đào tạo: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng được ưu tiên không phải là bà mẹ 80,90 tuổi mà còn là các bà mẹ có con đi bộ đội ngày nay mà hy sinh trong quân đội, sẽ được nhà nước xem xét phong tặng”- ông Khôi cho biết thêm.
Theo thông tư sửa đổi của Bộ Giáo dục, bà mẹ Việt Nam anh hùng dự thi đại học sẽ được cộng 2 điểm là một trong những quy định thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn thiết thực nhất (ảnh VNE)
Theo thông tư sửa đổi của Bộ Giáo dục, bà mẹ Việt Nam anh hùng dự thi đại học sẽ được cộng 2 điểm là một trong những quy định thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn thiết thực nhất (ảnh VNE)

Được biết, ngay sau khi Thông tư 24 được ban hành, trên các diễn đàn, trang mạng đã xuất hiện rất nhiều ý kiến phản đối cho rằng đây rõ ràng là một quy định quá hình thức vì các đối tượng được quy định ưu tiên trong Thông tư đều đã ít nhất 70 -80 tuổi, ở độ tuổi đó có ai còn tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng nữa. Hơn nữa kể từ khi có quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, thậm chí hầu như không có thí sinh nào là con bà mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học để hưởng chính sách ưu tiên này.

Tuy nhiên, đấy dường như là cách mọi người đang nhìn nhận ở bề nổi của vấn đề, chưa đúng hẳn với "tâm ý" của các nhà giáo dục khi ban hành Thông tư này. Việc ưu tiên cho đối tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng không chỉ là việc nhìn xa, trông rộng, "cộng điểm cho những bà mẹ có con đi bộ đội ngày nay, sẽ được nhà nước xem xét phong tặng danh hiệu" mà còn có ý nghĩa cực kỳ to lớn là thể hiện truyền thống hiếu học và uống nước nhớ nguồn một cách rõ ràng nhất.

Dân tộc ta có truyền thống hiếu học từ bao đời nay, lịch sử phong kiến việt Nam đã ghi nhận những người phụ nữ vì hiếu học đã dũng cảm vượt qua biết bao rào cản của xã hội thời bấy giờ để cải trang thành nam đi học và thậm chí là đỗ cả tiến sĩ, trở thành vị nữ tiến sĩ đầu tiên trong Lịch sử khoa bảng Việt Nam như bà Vũ Thị Duệ.

Tiếp nối truyền thống hiếu học ấy, trong giai đoạn hiện nay khi đất nước hòa bình độc lập, kinh tế phát triển ổn định, xã hội không còn rào cản đối với chuyện học hành của người phụ nữ, thì việc Bộ GD ủng hộ việc các bà mẹ Việt Nam anh hùng đi thi đại học bằng việc cộng điểm là hoàn toàn hợp lý, nếu không muốn nói là vô cùng đáng tuyên dương.

Không gì có thể chắc chắn rằng bỗng một ngày đẹp trời nào đó không diễn ra việc các bà mẹ Việt Nam anh hùng sau khi đã hy sinh mọi thứ cho gia đình và xã hội lại bỗng dưng nhớ về ước mơ học đại học thời quá khứ chưa kịp thực hiện và quyết tâm hoàn thành ước mơ đó. Thậm chí, có những mẹ đã có sẵn ước mơ nhưng còn nhiều ngại ngần vì tuổi cao, quy chế chưa có, khi biết được những thông tin về sự ưu tiên này có thể mạnh dạn hiện thực hóa việc đi học đại học của mình.

Thế mới biết rất nhiều người đã hiểu nhầm ngành giáo dục, không những nhầm mà lại nhầm rất to khi lớn tiếng chê trách những người ban hành quy chế ưu tiên cho bà mẹ Việt Nam anh hùng là làm ăn quan liêu, hình thức, đưa ra những quy định thiếu tính thực tế... Quả thật, Thông tư 24 được ban hành là một minh chứng vô cùng thuyết phục cho việc nhìn xa, trông rộng, tính toán mở đường cho những việc có thể xảy ra trong vài chục năm tới. Điều này thực sự là niềm an ủi cũng như hy vọng cho ngành giáo dục đang còn nhiều vấn đề bất cập của nước ta bởi có những người tiến bộ, đi trước thời đại.

Ủng hộ ngành giáo dục, thậm chí còn có một vài ý kiến cho người dân cho rằng giáo dục hiếu học nên ưu đãi mở đường cho các bà mẹ được đi học đại học để có bằng cấp là vô cùng hợp lý, cứ đà này thì cũng nên tính luôn cả chuyện ưu tiên các mẹ học cả học thạc sĩ, tiến sĩ nữa chứ học đại học đã là gì.

Qua sự việc này, người dân Việt Nam mới có cơ hội biết đến Bộ Giáo dục là tấm gương yêu nước, luôn luôn tâm niệm, trăn trở việc uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa các bà mẹ Việt Nam anh hùng nên mới áp dụng vào ngành mình và ban hành quy chế ưu tiên dành cho các mẹ Việt Nam anh hùng nói riêng và những người có công với cách mạng nói chung.

Việc này cũng tương tự như việc các tỉnh, thành phố trong cả nước xây những tượng đài về các mẹ vô cùng to đẹp, đặt ở những vị trí trung tâm, để ai nhìn thấy cũng có thể ghi nhớ công ơn, sự hy sinh của các mẹ.

Vẫn biết trên thực tế, trong lịch sử ngành giáo dục hiện đại của nước ta hiện nay, kể từ khi có quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, chưa từng ghi nhận trường hợp mẹ Việt Nam anh hùng nào đi thi hay đi học đại học, thậm chí còn không có thí sinh nào là con bà mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học để hưởng chính sách ưu tiên này.

Nhưng có ai đánh thuế ước mơ đâu nhỉ! Biết đâu đấy, vào một ngày đẹp trời, lịch sử tuyển sinh đại học, cao đẳng đại học nước ta sẽ có mẹ Việt Nam anh hùng tham gia thi. Việc đi thi này quả thật vô cùng đáng được khuyến khích, tuyên dương bởi nó không chỉ chứng minh cho truyền thống hiếu học của dân tộc, chứng minh cho công tác đền ơn đáp nghĩa của nước ta khi luôn tạo điều kiện cho các mẹ có thể hoàn thành ước nguyện của bản thân, mà còn khẳng định được sự sáng suốt trong quy chế của các nhà giáo dục khi đã biết nhìn xa trông rộng.

Tuy nhiên, đấy là việc của tương lai khi có trường hợp có người đi thi, còn trong thời điểm hiện tại, khi mẹ Việt Nam anh hùng trẻ nhất cũng đã hơn 70 tuổi, thôi thì các mẹ cứ gọi là hưởng hương hưởng hoa,  nghe chuyện đó mà ấm lòng, cảm động vì đến việc thi đại học thế hệ trẻ còn nhớ đến và lo lắng cho mình.
Người cao tuổi thường hay tủi thân, lo lắng việc con cháu không còn nhớ đến mình. Nên các mẹ Việt Nam anh hùng sau khi nghe được thông tin này chắc hẳn cũng sẽ rất cảm động và hạnh phúc. Quả thật là hạnh phúc khó có thể diễn tả bằng lời.
  • Ngọc Lê
 
 Khuyến mại luôn series ảnh :
http://sphotos-e.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-prn1/1010273_10200148678547880_1650227613_n.jpg
http://sphotos-f.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash3/1010055_637855622894400_64763168_n.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét