Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Tài liệu tham khảo

1861. Quốc hội: Nói khó hơn làm

Nguyễn Đăng
Trong tư duy của nhiều người Việt Nam chúng ta hiện nay cũng như trước đây đều, hay chính xác hơn vẫn thể hiện một nhận thức: Nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Trong nhiều trường hợp không phải như vậy, mà ngược lại: “Nói khó làm dễ”.
Nói một người đã khó, không phải ai cũng có một khả năng nói, làm cho mọi người ai cũng có thể nghe được. Trong một môi trường, nhiều người có quyền ngang nhau, ai cũng có quyền và có trách nhiệm cùng phải nói thì rất khó. Quốc hội của Việt Nam hay Nghị viện của phương Tây là một thể chế như vậy.  Quốc hội là cơ quan hoạt động theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Về nguyên tắc thì tất cả các đại biểu đều do nhân dân thực hiện quyền bầu cử của mình bầu ra từ các đơn vị bầu cử. Họ đều có quyền ngang nhau, và có một lá phiếu như nhau. Với tính chất như vậy, hoạt động của Quốc hội, cũng như mọi công việc của Quốc hội phải được tổ chức theo những nguyên tắc khác hẳn với các cơ quan hành chính. Nếu như trong cơ quan hành chính – quản lý nhà nước, nguyên tắc hoạt động là chế độ thủ trưởng, thì trong hoạt động của Quốc hội là chế độ hội nghị, phải bàn bạc, phải tranh luận và cuối cùng phải biểu quyết bằng mỗi đại biểu có một phiếu. Công việc họp bàn, tranh luận tức là “chỉ nói suông” không phải là những công việc đơn giản, nhất là trong một khung cảnh của một cuộc họp đông người và mỗi người lại có một quyền hạn và trách nhiệm như nhau trong việc nói ra những suy nghĩ của từng người.

Trong tác phẩm Chính thể đại diện được viết cách đây hơn 150 năm, nhà Triết học người Anh J. S. Mill đã bàn rất sâu sắc về vấn đề quan trọng này. Ông viết:  
“Nghị viện có nhiệm vụ không kém phần quan trọng, đồng thời vừa là ủy ban khiếu tố ( Committee of Grievancess) vừa là Đại hội ý dân (Congress of Opinions) là đấu trường trong đó không chỉ có ý kiến chung của quốc gia, mà còn có ý kiến của bất kỳ tầng lớp nào, và trong phạm vi có thể thì cho tới tất cả các ý kiến của bất cứ cá nhân đạo cao đức trọng nào, cũng đều được trình bày sáng tỏ và thách thức tranh luận; là nơi mà bất cứ người dân nào cũng có thể hy vọng tìm được ai đó nói hộ lòng mình thật hay như chính mình có thể nói hoặc hay hơn nữa- chứ không phải chỉ nói ra với riêng bạn hữu hay người cùng phe đảng, mà nói trực diện đối với những người đối lập những điều sẽ được thử thách qua tranh luận phản bác lại; là những nơi mà người có ý kiến bị bác bỏ cũng cảm thấy  thỏa mãn vì ý kiến của họ đã được lắng nghe và chúng bị gạt đi không phải  đơn thuần do một hành vi của ý chí độc đoán, mà vì những gì đã được suy xét như là lý lẽ tốt và những điều đó được giới thiệu trung thực với đa số của các đại biểu thay mặt cho quốc gia; là nơi mà bất cứ đảng phái hay bất cứ dư luận nào trong nước cũng có thể thể hiện sức mạnh của mình và bất cứ ảo tưởng nào về số đông hay sức mạnh của phe phái đều sẽ được chữa trị; là nơi mà ý kiến chiếm ưu thế trong nước sẽ biểu thị ra như là ý kiến thắng thế, và triển khai hàng ngũ của mình trước mắt chính quyền làm cho chính quyền có thể phải nhượng bộ trước sự biểu dương lực lượng mà không chờ đến khi sức mạnh ấy được sử dụng trên thực tế; là nơi mà các chính khách tự vững tin biết rõ được những yếu tố nào của công luận  và của quyền lực là những yếu tố đang lên, những yếu tố nào đang đi xuống, một cách chắc chắn hơn hẳn so với các dấu hiệu khác và có thể tính toán các phương sách của mình không chỉ đơn thuần đối với nhu cầu hiện tại, mà còn đối với cả những xu thế đang tiến triển.
Các Quốc hội đại diện thường bị những kẻ thù của họ nhạo báng như là nơi dành cho việc nói suông và tán nhảm (bavardage). Còn có những chế nhạo không đúng cách hơn nữa. Tôi không biết một Quốc hội đại diện có thể làm cho mình hữu ích hơn bằng cách nào ngoài việc phải “nói”, khi mà chủ đề của việc nói là những lợi ích to lớn của đất nước, và mỗi câu nói đại diện cho ý kiến hoặc là của hội đoàn quan trọng nào đó của quốc gia  hoặc là của một cá nhân mà hội đoàn như thế đã phó thác sự tin cậy. Một nơi mà bất kỳ lợi ích nào và bất kỳ ý kiến trong đất nước đều được phép bênh vực công khai với tất cả lòng nhiệt tình trước chính phủ và trước tất cả các lợi ích và các ý kiến khác, có thể bắt buộc họ phải lắng nghe và đồng ý làm theo hay giải thích rõ vì sao họ không làm theo, thì bản thân nơi ấy – dù không vì một mục đích khác đi chăng nữa – cũng đủ là một thiết chế chính trị quan trọng nhất khả dĩ tồn tại ở bất cứ nơi nào, và là một trong những việc cao đẹp nhất của chính thể tự do. Việc nói như thế hẳn không bao giờ có thể bị miệt thị, nếu nó không được dùng vào việc ngăn cản việc “làm”: chuyện này hẳn sẽ không bao giờ xảy ra, nếu như Quốc hội hiểu ra và thừa nhận rằng nói và tranh luận là những công việc đích thực của họ”[1].          
Như nhận định trên, việc “nói” ở Quốc Hội Việt Nam, đã không phải là vấn đề cần phải bàn cãi, nhưng nói như thế nào, nhất lại là nói trước những người bất đồng ý kiến của mình, để họ nghe được và tiếp nhận ý kiến mình, thì lại càng rất khó. Mặc dù các quy trình làm việc của Quốc Hội Việt Nam đã được coi trọng và phần nhiều đã được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội, cũng như trong Quy chế và Nội quy kỳ họp Quốc Hội. Nhưng rất tiếc rằng những quy định chi tiết về việc điều hành các phiên thảo luận toàn thể lại không hiện diện.
Điều 22 của Nội quy kỳ họp quy định:
Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại kỳ họp cuối năm theo trình tự sau đây:
- Cơ quan báo cáo trình báo cáo trước Quốc hội;
- Ủy ban thường vụ Quốc hội phát biểu ý kiến về báo cáo công tác hoặc giao cho Hội đồng dân tộc và Ủy ban hữu quan của Quốc hội phát biểu ý kiến về các lĩnh vực liên quan trong báo cáo công tác của Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Quốc hội thảo luận.
Trước khi Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể, có thể thảo luận ở Đoàn, ở Tổ đại biểu Quốc hội;
- Cơ quan báo cáo trình bày việc tiếp thụ ý kiến của các đại biểu Quốc hội;
- Quốc hội biểu quyết thông qua.
Chính vì việc quy định chưa được chi tiết phiên toàn thể, cộng với văn hóa nghị trường chưa có, đã làm cho trong nhiều phiên họp của chúng ta vấn đề không được giải quyết một cách triệt để. Vì thiếu những thủ tục rõ ràng cho việc nêu vấn đề, thảo luận vấn đề và bỏ phiếu quyết định vấn đề, phần nhiều vẫn phụ thuộc vào người điều khiển phiên toàn thể (Trong trường hợp này Đoàn Chủ tịch là Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội).  Trường hợp thủ tục trình tự phiên họp không được quy định rõ, thì quyền của người điều khiển là rất lớn. Trong mọi phiên họp mà quyền của các thành phần tham dự là như nhau, trong mọi trương hợp đáng lý ra phải trả lại quyền cho các đại biểu tham dự, thì người điều khiển đã tiếm quyền của họ. Những biểu hiện của sự thiếu hụt này có thể kể ra như sau:
Trong một phiên họp toàn thể, là một nhà ngoại giao đã từng dự các phiên họp toàn thể của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, nữ Đại biểu Tôn Nữ Thị Ninh rất hiểu về nguyên tắc thủ tục các phiên họp toàn thể với thành viên có quyền ngang nhau, đã yêu cầu Quốc Hội cho bà phát biểu trước vì ý kiến của bà có nội dung liên quan đến thủ tục xem xét vấn đề thuộc nội dung của kỳ họp Quốc hội. Nhưng phát biểu của bà không những không được đáp ứng mà còn bị không ít đại biểu phản ứng.
Một biểu hiện khác, với chủ trương tăng cường hoạt động của các ủy ban Quốc hội, dự thảo thành lập thêm các ủy ban Quốc đã chuẩn bị rất chu đáo, nhưng Chủ tịch đoàn lại không chủ động phân đều ý kiến phát biểu cho những bên ủng hộ và bên phản đối, mà chỉ cho một số ý kiến phản đối phát biểu, nên khi bỏ phiếu quyết định Quốc Hội đã nghiêng về việc không thành lập thêm các ủy bản của Quốc hội, với rất nhiều lý do khác nhau, mà một trong những lý do rất dễ thuyết phục là  đang thực thiện chủ trương giảm biên chế khu vực nhà nước.  Chủ trương đúng đắn này lại phải khởi động lại cho đến những năm sau Quốc hội mới thành lập được thêm 2 Ủy ban cần thiết của mình.
Một ví dụ khác gần đây, là việc bỏ lọt ý kiến quan trọng của đại biểu một cách có chủ đích, khi thảo luận dự thảo Luật Đất đai đã được đại biểu Quốc hội chỉ ra:
“Trong số 21 đại biểu tham gia góp ý, ông Nguyễn Bá Thuyền là người băn khoăn về quy định “sở hữu toàn dân” đối với đất đai. Theo vị đại biểu của đoàn Lâm Đồng, khi tiếp xúc cử tri ông nhận thấy đa số đề nghị quyền sở hữu về đất ở, ngược với báo cáo của Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội.
“Báo cáo tổng hợp nói đa số nhân dân đồng tình, nhưng theo tôi không phải. Chúng ta hơi chủ quan, bởi đa số nhân dân muốn sở hữu về đất ở, không phải như chúng ta tổng hợp đâu”, ông Thuyền nói.
Từ đó ông đề nghị Quốc hội xem xét lại và hỏi ý kiến nhân dân về vấn đề quyền sở hữu đất đai: “Chúng ta nói đất đai là sở hữu toàn dân, vậy nếu cần thiết thì chúng ta trưng cầu dân ý, xem nhân dân có đồng ý hay không? Đất đai là sở hữu toàn dân thì người dân có quyền quyết định vấn đề này”.
Công việc của Quốc hội phải được tổ chức để tất cả các vị đại biểu được  quyền phát biểu như nhau, phát huy tác dụng lá phiếu của mình khi biểu quyết. Nhà nghiên cứu thủ tục Nghị viện nổi tiếng từ thế kỷ XIX Henry M.Robert đã đưa ra 7 nguyên tắc bình đẳng tạo nên thủ tục làm việc của phiên toàn thể, mà trong đó các thành viên có quyền bình đẳng như nhau:
i, tất cả các nghị sỹ đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong thảo luận, các quy tắc về thủ tục thảo luận phải được thực hiện không thiên vị;
ii, quyền bàn luận một cách tự do là một quyền cơ bản trong khi tiến hành thảo luận;
iii, được phép đưa ra vấn đề vào bất kỳ thời điểm nào khi tiến hành phiên họp;
iv, vào bất kỳ thời điểm nào, các nghị sỹ cũng có quyền được biết vấn đề gì đang được xem xét; và vấn đề đó cần phải nhắc lại trước khi tiến hành biểu quyết;
v, không được phép phát biểu lần thứ hai về cùng một vấn đề khi đang có người khác muốn phát biểu về vấn đề đó;
vi, chủ tọa phải điều khiển phiên họp một cách công bằng và trung thực;
vii, các ý kiến phản đối và đồng ý đều phải được có cơ hội thể hiện như nhau. Những quy tắc này về sau được gọi là “Trật tự Robert” , không chỉ áp dụng cho trình tự phiên họp của Nghị viện, mà còn cho tất cả các tổ chức có các thành viên bình đẳng như nhau.
Trong hoạt động của Nghị viện, quy trình và thủ tục làm việc của Nghị viện có những vai trò có tác dụng:
i. Tạo ra sự ổn định cho các hoạt động của Nghị viện;
ii. Đảm bảo các quyết định của Nghị viện được thực hiện dựa trên một tiến trình hợp pháp, công bằng và công khai;
iii. Quy trình và thủ tục làm việc của Nghị viện là căn cứ để bảo đảm sự phân công công việc một cách hợp lý trong hoạt động của Nghị viện;
iv. Quy trình và thủ tục làm việc của Nghị viện làm giảm thiểu các cuộc tranh luận không đáng có; và
v. Quy trình và thủ tục làm việc của Nghị viện xác định thẩm quyền của các chủ thể trong tiến trình công việc của Nghị viện; vi. Giảm bớt đi các quyền luôn luôn có nguy cơ sinh ra của người điều khiển để bảo vệ quyền của các đại biểu thành viên.
Hầu hết các Nghị viện đều có một, hay nhiều văn bản chỉ đạo cho các quy tắc và thủ tục của Nghị viện. Trong một số trường hợp các quy tắc và thủ tục quan trọng được quy định ở các văn bản pháp lý cơ bản của quốc gia như Hiến pháp, Luật Bầu cử, Luật trách nhiệm Nghị sỹ. Tuy vậy, trong một số trường hợp các quy tắc và thủ tục lại được quy định trong nhiều văn bản chi tiết hơn. Loại quy tắc này thường dễ thay đổi và việc biểu quyết, sửa đổi chúng được thông qua một cách dễ dàng, khi Nghị viện giải quyết những vấn đề đặc thù cần phải quy trình thủ tục đặc biệt.
Tất cả những quy tắc đó được tập hợp hóa thành Luật Nghị viện ( Parlamentary Law). Luật Nghị viện là hệ thống các nguyên tắc và quy phạm điều chỉnh các cuộc họp của các thành viên có quyền và trách nhiệm ngang nhau. Luật này hoàn toàn khác với luật hành chính – luật điều chỉnh các quan hệ đẳng cấp trên dưới. Luật Nghị viện là luật hình thức. Tầm quan trọng của luật thủ tục nằm ở chỗ, luật thủ tục là phương thức để đạt được kết quả của luật nội dung.
Nguyên tắc cơ bản nhất của Luật Nghị viện là đa số có quyền quyết định. Dân chủ là trò chơi của đa số. Trò chơi của thoả hiệp hơn là đánh bại hoàn toàn đối thủ của mình. Đại biểu giỏi thương thuyết, giỏi thoả hiệp, thì sẽ giành được phần thắng thế. Quyền lực dân chủ nằm ở đa số và quyền lợi của phe thiểu số/ cá nhân phải cân nhắc một cách kỹ lưỡng, thành nguyên tắc tối thượng trong hoạt động của Quốc hội / Nghị viện. Điều đó có nghĩa là đa số thì có quyền quyết định, nhưng quyền của thiểu số phải được bảo vệ.  Thảo mãn 2 nguyên lý đối lập trên Luật nghị viện của nhiều nước đã quy định: Trước khi bỏ phiếu quyết định, quyền hoãn bỏ phiếu của phe thiểu số/ cá nhân phải được ưu tiên, tức là Quốc hội phải ngưng họp để phe thiểu số có khả năng bảo vệ quyền của mình. Nhà nước pháp quyền như là sự bù đắp những sự thiếu hụt và có xu hướng chuyên chế của quyền lực dân chủ theo đa số. Trước khi đi vào thảo luận vấn đề các đại biểu phải thống nhất về thủ tục cách thức thảo luận vấn đề đó. Vì vậy trong mọi trường hợp, ý kiến về thủ tục giải quyết vấn đề bao giờ cũng phải được chủ toạ ưu tiên phát biểu.
Quyền được tiến hành họp khi có đủ túc số 50 %. Việc thảo luận tự do và ngang nhau, không được áp đặt. Kiểu áp dụng gì cũng phải trả quyền cho đại biểu. Mỗi thời điểm chỉ được giải quyết một vấn đề. Mọi vấn đề thảo luận phải được làm sáng tỏ trước khi các đại biểu bỏ phiếu quyết định, bằng  các Chủ tịch đoàn phải nhắc lại vấn đề trước khi biểu quyết. Mỗi thành viên chỉ được phép phát biểu khi chủ toạ cho phép, nếu không có quy định khác chỉ được 10 phút. Luật Nghị viện quy định các đại biểu chỉ được phát biểu một lần, người đăng ký phát biểu trước và người chưa được phát biểu bao giờ cũng được ưu tiên. Kinh nghiệm hoạt động của nghề nghị sỹ cho biết, những gì mà mình không biết tốt hơn, thì nghị sỹ không nên phát biểu. Các nghị sỹ phải tôn trọng ý kiến của người đang phát biểu. Trừ những trường hợp đặc biệt ý kiến phát biểu có thể bị cắt. Có những kiến nghị được cắt ngang nếu thấy sai thủ tục. Không phát biểu lần thứ hai về cùng một vấn đề khi đang còn các thành viên khác chưa phát biểu lần thứ nhất. Không có một thành viên nào được phép phát biểu nếu không có chủ toạ cho phép. 
Chủ toạ phải tuyệt đối trung lập. Người có ý kiến thuận được phát biểu 5 phút thì người có ý kiến chống cũng phải được phát biểu với thời lượng 5 phút tương đương. Chủ tọa có quyền áp dụng kỷ luật đối với các thành viên có sự gây rối phiên họp. Chủ tọa không tham gia tranh luận. Muốn tranh luận thì Chủ tịch đoàn phải rời ghế Chủ tịch. Cũng như bóng đá, thì chủ tọa như trọng tài không tham gia đá, mặc dù vẫn được chạy trong sân. Với trung lập như vậy nhiều nước quy định, một khi đã được bầu làm Chủ tịch Quốc hội cần phải từ bỏ đảng phái của mình, chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là điều khiển các phiên họp toàn thể và không được quyền phát biểu. 
Trong quá trình thảo luận đại biểu có quyền kiến nghị (motion). Ví dụ như đề nghị giải lao, hay đề nghị tạm hoãn việc thảo luận để tạo nên sự bình tĩnh khi các phiên họp có những ý kiến quá mâu thuẫn nhau. Phát biểu của đại biểu về thể lệ thảo luận và thể lệ quyết định vấn đề thì phải được ưu tiên trước khi đi vào thảo luận vấn đề. Nếu kiến nghị của đại biểu được đại biểu khác ủng hộ thì phải được nghị trường ưu tiên xem xét.
Quyết định của phiên họp Nghị viện được thông qua bằng 2 cách: cách đơn giản và một cách đặc biệt. Cách đơn giản thường được sử dụng để thông qua nhanh chương trình làm việc. Biểu quyết bằng cách nói đồng ý nhanh để cho qua chương trình. Cách đặc biệt là trường hợp biểu quyết được dùng cho việc thông qua các quyết định chính thức của Nghị viện. Quyết định thuộc loại này phải có sự đếm phiếu cẩn thận. Đa phần các quyết định của Nghị viên được bỏ phiếu công khai, bằng cách điểm danh từng đại biểu một: Đồng ý hay là phản đối tại chỗ, hoặc bằng việc đại biểu phải đi ra cửa đồng ý và hoặc ngược lại đi ra cửa phản đối, nếu đại biểu phản đối. Tất cả mọi hiện tượng này đều được ghi vào biên bản nghị trường, như là trách nhiệm của từng đại biểu một cách rõ ràng, mà không bằng lẩn trốn trách nhiệm như bằng cách bỏ phiếu kín. 
 Quyết định chỉ được thông qua khi có quá bán 50% tổng số đại biểu đồng ý tán thành. Kết quả biểu quyết 2/3 tổng số đại biểu tán thành cho một số trường hợp đặc biệt được quy định rõ trong luật.
Qua những điều phân tích ở phần trên, Quốc Hội Việt Nam của chúng ta còn rất thiếu các quy trình trình tự thủ tục tiến hành phiên thảo luận toàn thể. Việc thiếu này rất dễ gây tính hình thức của Quốc Hội, cũng như không cho phép Quốc Hội giải quyết định và dứt điểm các vấn đề còn nhiều tranh luận. Trong những trường hợp này quyền của người đại biểu không được bảo đảm và cùng với vấn đề đó là quyền của Chủ tịch đoàn quá lớn có khả năng lấn lướt quyền của các đại biểu, làm cho nhiều ý kiến đúng, sáng giá bị bỏ rơi. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng nhiều vấn đề của chúng ta không được giải quyết dứt điểm, cứ kéo dài năm này qua năm khác. Muốn cho việc nói của Quốc hội có thực quyền cần phải kịp thời bổ sung các quy định này. Đấy là chuyện đáng cần phải bàn để chứng minh rằng, “việc nói suông không phải là dễ’. Nhất là trong trường hợp các phiên họp toàn thể, mà trong đó các thành viên có quyền ngang nhau.
Tháng 6 năm 2013
N.Đ.


[1] Xem: J. S. Mill, Chính thể đại diện (1861), Nxb. Trí thức 2008, 170 -174

* Cùng tác giả:  1780. Lập luận tiếp theo cho bài “Về chế độ sở hữu đất đai”.

1780. Lập luận tiếp theo cho bài “Về chế độ sở hữu đất đai”

Nguyễn Đăng *
Sau khi đăng bài báo với tiêu đề nói trên, tôi nhận được tới 100 ý kiến tham gia bình luận. Có không ít người không đồng ý với quan điểm của tôi là thừa nhận đa sở hữu đất đai và trong đó có sự sở hữu tư nhân. Với những ý kiến như vậy tôi muốn quay trở lại lập luận thêm để bảo vệ quan điểm của mình.

Lập luận thứ nhất, tôi coi đất đai mặc dù là tài sản đặc biệt, nhưng không phải vì thế mà đất đai không có đa hình thức sở hữu như các tài sản khác. Sự đặc biệt của đất đai nằm ở chỗ nó là bất động sản, không thể di dời và gắn liền với chủ quyền quốc gia. Nhưng hai đặc điểm cơ bản nói trên không làm cho đất đai không có những đặc tính khác của tài sản. Đã gọi là tài sản, một đặc điểm trước tiên của nó là phải gắn với người chủ sở hữu, trừ trường hợp tài sản đó vô chủ, hoặc bị đánh mất. Không thể có chủ sở hữu chung chung không xác định được chủ, hoặc một ông chủ mơ hồ. Trong trường hợp như vậy không phải là tài sản.
Đã là tài sản thì bao giờ nó cũng mang trong mình nó đủ các loại hình sở hữu. Một khi hạn chế bớt đi một hình thức sở hữu nào đó, cũng như việc chỉ thừa nhận một loại hình thức sở hữu, thì đã tước đi các hình thức sở hữu khác.  Vô hình chung anh đã đánh mất đi chức năng vốn có của tài sản.
Lập luận thứ  hai, mục tiêu thành lập nhà nước là bảo vệ quyền con người, mà không phải tước bỏ chúng. Không ai bị tước đi sinh mạng, tài sản mà không phải trải qua một quy trình tố tụng đúng luật. Không một tài sản nào bị sung công mà không được bồi thường một cách công bằng. Việc xác định chỉ tồn tại một loại hình sở hữu, cũng như quyền tài sản của ai đó được ưu đãi hơn thì cũng ngang với việc tước đoạt quyền của những người còn lại…. Toàn bộ lập luận này đã được các tác gia triết học từ lâu đã cảnh báo, ngay từ thời Hy lạp cổ đại cho đến cả thời kỳ Phục Hưng và Khai Sáng của Phương Tây.
Cách đây 2.500 năm của thời kỳ Hy lạp cổ đại, nhà triết học Aristotle đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sở hữu tư nhân trong các tác phẩm của ông. Theo ông  cho rằng, sở hữu tư nhân sẽ đưa mọi người có cơ hội trải nghiệm giá trị đích thực của tình yêu thương, sự bác ái, là điều kiện vàngcuộc sống tốt của người dân.[1]
Trong học thuyết của Locke, sở hữu bao gồm: tính mạng, tự do, điền sản. Ông nhắn nhủ các nhà lập pháp phải cẩn trọng vấn đề này, nếu không sẽ có thể đặt mình cũng như nhà nước của mình vào tình trạng của chiến tranh với nhân dân. Ông viết:
“Lý do mà con người gia nhập vào xã hội là sự bảo toàn sở hữu của họ, và mục đích họ chọn & trao thẩm quyền cho cơ quan lập pháp là làm ra các luật bảo vệ sở hữu.
Khi nào các nhà lập pháp cố gắng lấy đi hoặc triệt phá sở hữu của người dân, hoặc khiến họ suy yếu và bước vào trạng thái nô lệ thì khi đó chính các nhà lập pháp này tự đặt mình vào trạng thái chiến tranh với nhân dân.
Khi cơ quan lập pháp cố gắng nắm giữ cho chính mình hoặc đặt vào tay người khác một quyền lực tuyệt đối, đặt nó trên cuộc sống, tự do và điển sản của nhân dân; thì họ đã đánh mất quyền lực mà nhân dân giao cho, quyền lực đó phải chuyển giao về cho nhân dân, là những người có quyền khôi phục quyền tự do nguyên thuỷ của mình, bằng việc thiết lập một cơ quan lập pháp mới.” [2]
Luận luận thứ ba một khi quy định đơn giản đất đai chỉ có một lọai hình sở hữu toàn dân hoặc sở hữu nhà nước, thì nhà nước đó đã tước đi khả năng sáng tạo của từng người dân. Động lực lớn lao nhất làm cho xã hội phát triển đã không còn. Trong tác phẩm Bàn về tự do của mình, triết gia người Anh  J. S Mill giữa thế kỷ XIX đã bàn rất kỹ về vấn đề này. Ông viết :
           ”… điều rất xấu xa của việc trao thêm quyền lực không cần thiết cho chính phủ. Mỗi chức năng được bổ sung thêm quá mức vào cái đang được chính phủ tận dụng, điều khiển cho ảnh hưởng của chính phủ lên các hy vọng và nỗi e sợ của công chúng càng thêm lan rộng hơn nữa và biến cái mỗi lúc một nhiều hơn cái bộ phận đầy tham vọng của công chúng, làm nó trở nên thành một bọn bám đít của chính phủ, hoặc của đảng phái nào đó đang ngấp nghé trở thành chính phủ”. [3]
Ông còn cho rằng:
“Nếu như đường bộ, đường sắt, ngân hàng, cơ quan bảo hiểm, các công ty liên doanh lớn, các trường đại học và các hội từ thiện, tất thảy đều là các chi nhánh của chính phủ; nếu thêm vào đó, các hội đồng quản hạt và chính quyền địa phương với mọi thứ đang thuộc sự cai quản của họ, đều trở thành các ban bệ của cơ quan hành chính trung ương; nếu như mọi viên chức của các tổ chức khác nhau ấy đều được bổ nhiệm và trả lương bởi chính phủ và ngóng nhìn chính phủ để trông chờ được thăng tiến trong đời sống; nếu mà như thế thì mọi quyền tự do báo chí, hoạt động quần chúng về lập pháp có cơ biến đất nước này cũng như bất kỳ nước nào khác thành đất nước tự do chỉ có tên gọi mà thôi”[4].
Chính vì những định chế này đã lấy đi tính năng động sáng tạo của người dân, ông viết:
“… Sự tai hại bắt đầu, khi thay vì hiệu triệu tính tích cực và năng động của các cá nhân và đoàn thể, nó lại lấy tính tích cực của bản thân nó thay thế cho họ, khi thay vì thông tin và tư vấn, hay đôi lúc lên án, nó lại bắt họ làm việc trong xiềng xích hay ra lệnh cho họ tránh sang một bên để làm thay họ. Cái giá trị của nhà nước về lâu dài, là giá trị của các cá nhân hợp thành; và một nhà nước mà trì hoãn lợi ích làm cho họ được mở mang tinh thần và nâng cao sự thành thục về hành chính lên đôi chút hay một cái gì đó tương tự thu nhận được do thực hành trong hoạt động cụ thể;  một nhà nước mà làm cho người của mình bị còi cọc đi với mục đích để họ làm công cụ ngoan ngoãn dễ bảo hơn trong tay mình, dù là vì lợi ích đi nữa-nhà nước ấy sẽ thấy, rằng với những con người nhỏ bé thì chẳng có thể làm được việc gì lớn lao, rằng sự hoàn hảo của cỗ máy mà nó đã hy sinh mọi thứ để đổi lấy, cuối cùng cũng chẳng đem lại được gì cho nó cả, bởi vì nó chỉ cốt nhằm làm sao cho cỗ máy hoạt động được trơn tru mà đã tống cổ cái năng lượng sống động tối cần thiết đi rồi.”[5]
Lập luận thứ tư, trên thực tế cho đến hiện nay, ở các nhà nước có trình độ phát triển cao đều thừa nhận sự hiện diện của đa hình thức sở hữu đất đai trong đó có cả sở hữu tư nhân. Ngược lại, chỉ thừa nhận một loại hình sở hữu đất đai của nhà nước, mà ở Việt Nam là sở hữu toàn dân, là nguyên nhân cho sự phát triển yếu kém của các nhà nước này.
Nhận xét về kết quả kém phát triển, trong đó có nguyên nhân không thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai, De Soto viết:
“Sự thất bại của hệ thống luật pháp trong việc công nhận và tôn trọng tài sản của người nghèo. Người dân ở những nước chậm phát triển cũng khôn khéo và có đầu óc kinh doanh như người dân ở những nước giàu có. Vấn đề khác biệt then chốt là vì phần lớn họ sống trong những ngôi nhà không phải là chủ sở hữu thực sự. Họ không có quyền pháp lý đối với đất đai, nhà cửa hoặc công việc kinh doanh. Họ không thể sử dụng chúng như những đồ ký quỹ hoặc vay mượn khi cần thiết. Họ cũng không thể sử dụng những dịch vụ thiết yếu như điện, nước. Và nếu họ có tích luỹ được tài sản, họ sẽ gặp rủi ro khi bị những rào cản từ phía Chính quyền.”[6]
Chính vì đất đai là tài sản quan trọng, nên Hiến pháp của nhiều nước thừa nhận quyền sở hữu đất đai của tư nhân, bên cạnh các hình thức sở hữu khác như của cộng đồng, của tập thể, của quốc gia, của nhà nước  …  Bởi vì rằng:
Mọi quan hệ xã hội có thể quy về quan hệ giữa những đồ vật. Trên tinh thần này bảo vệ quyền con người tức là bảo vệ quyền sở hữu.“Quyền con người đơn giản là một bộ phận của những quyền sở hữu.”
Hiến pháp quy định các quyền cơ bản nền tảng cho chế độ kinh tế: quyền tư hữu tài sản, quyền tư hữu đất đai, quyền lao động, quyền tự do nghề nghiệp, quyền lập hội, quyền tham gia công đoàn, hội họp, quyền tự do kinh doanh là quyền con người, quyền bình đẳng trong các quan hệ kinh tế, giữa các thành phần kinh tế.[7]
Chính việc không thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai, cùng với tất cả các tài sản tư nhân làm tư liệu sản xuất, ở Việt Nam kể từ khi có Hiến pháp năm 1980, cùng với các nguyên nhân khác, đã dẫn đến sự khủng khoảng kinh tế – xã hội vào những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX. Khắc phục tình trạng này buộc Việt Nam phải đổi mới với việc thừa nhận sở hữu tư nhân của Hiến pháp 1992 là một thành công rực rỡ đã đẫn dắt đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội nói trên. Sau một khoảng thời gian phát triển, xã hội hiện nay lại xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Có rất nhiều nguyên nhân. Phải khẳng định rằng một trong những nguyên là chính sách đất đai của chúng ta chưa phù hợp. Đất đai sở hữu toàn dân và kinh tế nhà nước là chủ đạo đã góp phần tạo nên sự bất bình đẳng trong các thành phần kinh tế. Một nền kinh thế thị trường không hoàn hảo. Chính những điểm này đã tạo ra biết bao những khó khăn cho hiện tại. Kết quả giám sát của UBTV Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với quyết định hành chính về đất đai có 50 % trong tổng số gần 1 triệu đơn thư chín năm gần đây có nội dung đúng hoặc đúng một phần.[8]
Với tính cấp bách của việc sửa đổi này nhằm khắc phục tình trạng khiếu nại và tố cáo của người dân, Quốc Hội đã lên chương trình thông qua Luật Đất đai sửa đổi trước cả việc thông qua Hiến pháp sửa đổi.  Nhưng rất tiếc rằng dự thảo được đưa ra lấy ý kiến nhân dân vẫn như trước đây, chỉ thừa nhận sở hữu toàn dân, với nhiều lập luận có tính ngụy biện rằng: Để nhằm mục đích không gây ra sự xáo trộn việc sử dụng đất hiện nay, với nhiều quy định nhằm ổn định lâu dài quyền sự dụng đất của người dân, hạn chế quyền thu hồi, trưng dụng đất, trưng mua đất, với việc tăng cường hơn nữa các quyền liên quan đến việc sử dụng đất của người dân, như việc khẳng định quyền sử dụng đất đai là quyền tài sản. Họ lập luận rằng, việc quy định như vậy đã ngang bằng với quyền sở hữu tư nhân… Không những thế, những người bảo vệ quan điểm bảo thủ này còn lập luận, rằng người dân không đòi quyền sở hữu đất, mà chỉ đòi giá đất được đền bù phải sát với giá thị trường. Còn hơn nữa, chính sách đất đai cũng như luật đất đai không sai, mà chủ yếu sai ở khâu áp dụng của các cán bộ thi hành luật[9]
Tất cả những lập luận này tôi không muốn nói là ngụy biện, nhưng nó  làm cho tôi liên tưởng đến Hội nghị lập hiến của Hợp chúng quốc Hoa kỳ khi thông qua và soạn thảo Hiến pháp thành văn đầu tiên của thế giới. 55  người con của “thánh thần”, theo cách gọi của T. Jefferson, đã buộc phải chia thành 2 phe chống đối nhau một cách kịch liệt. Một phe ủng hộ bản thảo chỉ gồm có 7 điều chỉ nói về bộ máy nhà nước. Một phe nhất quyết phải có thêm phần quy định về nhân quyền, vì nhân quyền rất dễ bị vi phạm từ chính ngay phía các cơ quan nhà nước. Phe bảo vệ dự thảo khăng khăng khẳng định rằng, việc quy định bộ máy nhà nước bằng cách phân chia, rồi kìm chế đối trọng giữa các quyền, nhân quyền không có cơ hội cho việc vi phạm từ phía nhà nước. Phe chống đối càng kiến quyết hơn, bởi vì họ không thể tin vào ảo thuật ngôn từ của những người soạn thảo. Trước tình cảnh đó các nhà soạn thảo buộc phải viết thêm vào bản Hiến pháp 10 Tu chính đầu tiên, mà ngày nay được gọi là Nhân quyền của nước Mỹ. 10 điều khoản được bổ sung thêm này thành bộ phận không thể tách rời của Hiến pháp Mỹ.
Ảo thuật ngôn từ này phải chăng không giống như thuật chơi khăm của những Trung quốc, Ấn độ hay Do Thaí ngày xưa: Tâm niệm về quy tắc „lộc bất tận hưởng“. Người nông dân Ấn Độ đào được hũ vàng thì lấy que vạch ra một vòng tròn, tung những đồng xu vàng lên trời và tuyên bố „đồng xu nào trong vòng tròn là của tôi, ngoài vòng tròn là của dân làng“. Người nông dân Trung Quốc đào được hũ vàng, thì dùng que vạch ra một đường thẳng, tung những đồng xu vàng lên trời và tuyên bố „đồng xu nào nằm bên trái là của tôi, nằm bên phải sẽ thuộc về người hàng xóm tốt bụng“. Người nông dân Do Thái có một cách phân xử khác, sau khi tung những đồng xu vàng lên trời, ông ta tuyên bố „đồng xu nào bay lên trời là của thượng đế, đồng xu nào rơi xuống đất là của tôi“[10].
Từ thực tiễn này tôi cũng không thể tin rằng cho dù có thêm tới hơn 400 văn bản pháp luật như hiện nay đi chăng nữa, cũng không thể lấp đầy những thực tiễn sôi động, cùng những lắt léo muôn hình vạn trạng, những mánh khóe bắt tay với giới tư bản thân hữu của các quan chức chính quyền hiện nay để làm giàu một cách bất chính trên mảnh đất của người dân, mà đáng lý ra họ phải là người chủ thực sự được đứng ra giao dịch với nguyên tắc dân sự cổ xưa cả Phương Tây và Phương Đông đều áp dụng một cách đơn giản: thuận thì mua, mà vừa thì bán. Trong một nền kinh tế thị trường không thể ai thay được họ làm được chuyện này, chỉ trừ khi được họ ủy quyền trong từng trường hợp cụ thể. 
Kết luận
Mặc dù là tài sản đặt biệt, nhưng đất đai vẫn có đa loại hình sở hữu. Cần xem lại sở hữu nhà nước / sở hữu toàn dân, một loại hình sở hữu đã gây ra bao nhiêu rắc rối phiền phức cho người dân, phải thừa  nhận sở hữu tư nhân đất đai là nhân quyền. Có như vậy sẽ có cơ hội cho việc gỡ bỏ những rắc rối kiện cáo hiện nay về lĩnh vực này.

Tháng 5 năm 2013
Ng. Đ.

[1] Xem, Ba Người khỏng lồ trong Kinh tế học của Mark Skousen, Nxb Chính trị quốc gia  2012, tr. 71
[2] Xem, J. Locke, Chuyên khảo thư hai về Chính quyền,
[3] Xem, J. S. Mill  Bàn về tự do, Nxb.Tri thức 2005 tr. 244
[4] Xem, J.S. Mill , Sách đã dẫn. 245
[5] Xem, J. S. Mill, Sđ d, tr. 254
[6] H. De Soto, Sự bí ẩn của vốn (The Mystery of Capital)
[7] Barzel (1959), Economic Analysis of Property Rights,   University Press, Cambridge
[8] UBTV Quốc hội, ngày 7 tháng 11 năm 2012
[9] Xem, Bài phát biểu của PGS. Dương Đăng Huệ, tại các Hội nghị của Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp và của Hội nghị viện PLD tháng 3 năm 2013
[10] Theo Võ Trinh BL, 25.6.2007

1862. Cựu Bộ trưởng 4T Lê Doãn Hợp: “Phản biện và giám sát là “phanh” để báo chí giám sát quyền lực”

1“Theo tôi hiện có 2 cách quản lý blog tốt nhất. Trước hết là khuyến khích chứ không cấm đoán, vì 1 xã hội thông thoáng tư tưởng là tốt …  Thứ hai, phải nâng cao và tôn vinh dân trí, để cho mọi người tự sàng lọc, để tự phòng vệ tốt, khi đọc blog phải biết phân tích người này nói đúng, người khác nói không đúng, vì để thuyết phục xã hội là lý lẽ là trí tuệ chứ không phải áp đặt. Cho nên xã hội văn minh là xã hội vừa quản lý bằng luật pháp vừa quản lý bằng định hướng dân trí cao.” Lê Doãn Hợp.
Tầm nhìn
Thứ ba, 25/6/2013 10:35 GMT+7
  Tôi gặp ông Lê Doãn Hợp cách đây vừa tròn 10 năm (2003) khi ông còn làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, sau này ông ra “Hà Nội” làm Phó ban tuyên giáo Trung ương, rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin, Bộ trưởng Bộ TT &TT thỉnh thoảng cũng có gặp lại nhưng hầu hết là qua…tivi! Nay lại gặp trực tiếp ông trong cương vị mới: Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, ông vẫn tươi tắn, nhanh nhẹn và vẫn giữ nguyên lối tư duy rất đặc thù: luôn đúc kết các vấn đề kiểu “số hóa” như 10 năm trước… 
.
3 cần, 3 khó
*Theo ông đâu là những vấn đề lớn và nóng nhất của nền báo chí hiện đại?
Chưa bao giờ báo chí cần và khó như hiện nay. Theo đúc kết của riêng tôi, nền báo chí ngày nay có ‘3 cần và 3 khó”.
Người ta cần báo chí vì nhu cầu dân chủ trung thực khách quan; Cần là vì xu thế của thời đại truyền thông và thông tin. Con người có trong tay 1 chiếc điện thoại di động là có cả thế giới, thế giới trong lòng bàn tay và thế giới trên đầu các ngón tay. Tức là một xã hội truyền thông bằng báo chí công dân (blog như là báo công dân). Một thông tin, một hình ảnh để trong máy là của riêng mình nhưng đưa lên mạng là của xã hội. Đó là xu hướng khó đảo ngược, vấn đề là quản lý và sàng lọc như thế nào. Thêm nữa, báo chí thực chất là dân chủ đẳng cấp vì thông qua báo chí con người biết tất cả những gì cần biết mà lức bình thường không dễ. 
Nhưng khó là vì thời bây giờ nhiều vấn đề nhạy cảm, nên viết như thế nào, viết đến đâuđể có lợi cho dân tộc, viết thế nào để trung thực để tạo ra xu hướng nhận thức và hành động đúng đắn là không dễ. Cái khó thứ 2 là luật lệ cơ chế của chúng ta vẫn chưa đồng bộ, giữa cái đúng và cái sai, giữa cái nắm và cái buông cũng là biên giới hết sức mỏng manh. Làm cho người làm báo và ngay cả cơ quan quản lý báo chí cũng có lúc lúng túng, vì vậy Quốc hội đang đưa ra chương trình sửa đổi Luật báo chí. Cái khó thứ 3, là sự sa sút của nền kinh tế thế giới, DN trong nước rất khó khăn, cuộc sống báo chí vốn nhìn vào DN, nhìn vào nền kinh tế của đất nước khi đất nước khó khăn hơn, người làm báo cũng nghèo khó hơn.
* Ngoài những “khó” ấy ngày nay, người ta cũng đề cập đến một cái khó khác ấy là sự cạnh tranh dữ dội giữa báo giấy và báo mạng, thưa ông?
Nói một cách thật lòng, báo giấy đang có xu hướng thu hẹp dần, đó là xu hướng không thể cưỡng được. Bởi lẽ, đối tượng đọc báo giấy là những người cao tuổi. Họ không quen hoặc ngại tiếp cận với môi trường mạng và cũng có người cho rằng báo giấy được sàng lọc kỹ hơn. Những người đó hầu hết là tuổi cao và đang giảm dần. Trong khi đông đảo thế hệ trẻ thì đọc báo mạng.  Đây là một xu thế mà người làm báo phải hiểu và phải biết để đi cả 2 chân: báo giấy và báo mạng, ai thích báo giấy thì sản xuất báo giấy, ai thích báo mạng thì phục vụ báo mạng. Cố nhiên báo giấy và báo mạng khác nhau ở một điều: báo giấy khống chế thời gian trong một ngày còn báo mạng đổi mới cập nhật từng giờ; đó là lợi thế của báo mạng.
Nhìn một cách tổng quan làng báo Việt Nam, tôi có 1 nhận xét như sau: Miền bắc là đất văn, miền trung là đất thơ và miền Nam mới là đất báo. Có thể nói báo chí ở miền Nam phát triển mạnh hơn, cập nhật tốt hơn. Tôi cũng nhận ra báo miền Nam dân rất thích mua vì có nhiều thông tin mà dân cần, còn báo miền Bắc đưa tin hội nghị quá nhiều, những điều Dân mong còn rất mỏng.
* Người ta cho rằng một trong những sứ mệnh lớn nhất của báo chí hiện nay là  chống tham nhũng, quan điểm của ông về vấn đề này? 
Tham nhũng là một căn bệnh hiểm nghèo gắn liền với mọi nhà nước. Chừng nào còn nhà nước thì chừng đó còn quyền lực, mà còn quyền lực thì rất dễ xuất hiện những người sử dụng sai quyền lực vì lợi ích riêng. Cho nên cuộc đấu tranh để loại bỏ những người sử dụng sai quyền lực ra khỏi bộ máy nhà nước các cấp là cuộc đấu tranh thường xuyên, tất yếu của mọi nhà nước, chống mạnh thì thịnh, chống yếu thì suy, ngoài ra không còn đường nào khác. Vì vậy có nhà nước là phải chống tham nhũng đó là chống lại sự ngọt ngào của quyền lực. Hiện nay cả thế giới đều đang chống tham nhũng, có nhà nước thành công nhiều, nhà nước thành công ít, thậm chí chưa thành công. Như Singapore là đất nước chống tham nhũng tốt nhất với 3 không, không thể tham nhũng vì luật pháp hoàn hảo đến mức không có kẽ hở để tham nhũng lợi dụng; Hai là không cần tham nhũng vì đời sống đủ đầy; và ba là không dám tham nhũng vì bị xử rất nghiêm. 
Riêng ở Việt Nam có 1 cái hay là hệ thống công quyền của chúng ta rất sợ báo chí. Một thiết chế mà quan sợ dân, sợ báo chí là một thiết chế rất tốt cần phát huy ở mức tối đa. Cố nhiên là báo chí phải nói đúng. Đảng và Nhà nước phải nắm chắc công cụ báo chí để đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, tất cả những việc báo chí đưa lên công luận đều phải xử lý đến nơi đến chốn và cương quyết không để “chìm xuồng”, như vậy vai trò của báo chí trong chống tham nhũng là rất lớn. Đó là động lực tốt để phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.
Tuy nhiên, tôi có một băn khoăn là tại Đại hội 11, trí tuệ đại hội, hệ thống báo chí và cả những người quản lý báo chí đã đưa vào được Nghị quyết của Đại hộimấy dòng, là trong nhiều chức năng của báo chí có chức năng phản biện và giám sát. Đặc biệt là chức năng phản biện, nhưng gần hết nửa nhiệm kỳ đại hội 11, việc triển khai chức năng phản biện của cơ quan báo chí chưađủ tầm. Bản thân những người làm báo chí cũng chưa nhận thức hết vai trò này và các cơ quan nhà nước cũng chưa tạo điều kiện cho báo chí làm tốt vai trò này.
Quyền lực và thiết chế giám sát quyền lực luôn đi đôi với nhau, ví như một chiếc xe máy muốn vận hành hết công suất và an toàn trước hết phải có một bộ phanh. “tốt” báo chí phản biện, giám sát quyền lực của bộ máy công quyền như bộ phanh của chiếc xe máy vậy.
Duyên nghề và hai tiếng “Quê hương”
* Ông từng được anh em trong nghề báo gọi vui là “Mr. Lề phải”, ông có suy nghĩ gì về “nghệ danh” mà thiên hạ người ta phong tặng cho mình?
Đúng là nhiều người đã gọi tôi là “ông lề phải”, đến mức khi tôi sang Mỹ đối thoại với báo chí người việt tại San Francisco năm 2011, người ta cũng đã hỏi câu này. Thực ra do người ta rút gọn nên hiểu không đầy đủ. Điều tôi đã nói là: Tất cả mọi nghề trên thế giới muốn tác nghiệp an toàn và thuận lợi thì phải làm đúng luật. Cũng như người đi bộ là tự do nhất thì khi tham gia giao thông muốn an toàn và tự do cũng phải đi đúng lề đường bên phải, còn nếu đi sang phần đường của ô tô, xe máy thì vừa không an toàn vừa mất tự do. Tôi nói đầy đủ là như thế.
* Nhân chuyện “lề trái”, lề phải” trong chuyện làm báo, ông có suy nghĩ gì về hiện tượng bùng nổ các trang Blog hiện nay. Thậm chí đã có vài bloger vốn xuất thân là những nhà báo chính hiệu đã dính vòng lao lý gần đây?
Blog là một dạng báo công dân, một xã hội có nhiều thông tin là một xã hội cởi mở và thông thoáng, Blog là tiếng nói, được chuyển thành chữ viết. Đó là xu hướng tốt, nhưng vấn đề là phải quản lý được xu hướng đó, anh viết đúng và góp ý chân thành phải được tôn vinh, nhưng nếu lợi dụng dân chủ để làm những điều không đúng thì cần phải được uốn nắn, thậm chí phải được giáo dục và được luật pháp can thiệp. Theo tôi hiện có 2 cách quản lý blog tốt nhất. Trước hết là khuyến khích chứ không cấm đoán, vì 1 xã hội thông thoáng tư tưởng là tốt. Nhưng khi vào thế giới blog cũng như ta tự chọn món ăn, Hà Nội có hàng ngàn quán phở nhưng chọn quán nào hợp với mình thì vào không hợp thì thôi. Cơ bản là người sử dụng và đọc phải có chính kiến và sự lựa chọn. Thứ hai, phải nâng cao và tôn vinh dân trí, để cho mọi người tự sàng lọc, để tự phòng vệ tốt, khi đọc blog phải biết phân tích người này nói đúng, người khác nói không đúng, vì để thuyết phục xã hội là lý lẽ là trí tuệ chứ không phải áp đặt. Cho nên xã hội văn minh là xã hội vừa quản lý bằng luật pháp vừa quản lý bằng định hướng dân trí cao.  
* Gắn bó với truyền thông, báo chí ngay từ khi còn ở địa phương với nghề làm Tuyên giáo Nghệ An, sau này “ra trung ương” cái duyên với làng báo lại càng thêm đậm khi ông lần lượt giữ các cương vị lãnh đạo tại các cơ quan quản lý báo chí như Phó Ban tuyên giáo TW, Bộ trưởng Bộ TT&TT, kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất?
Với báo chí tôi có rất nhiều kỷ niệm, trên mọi cương vị tôi là người luôn chịu khó tiếp cận với báo chí, chưa từng né tránh một phóng viên nào, kể cả những phóng viên “gai góc”. Theo tôi đã làm người lãnh đạo thì không nên né tránh báo chí, bởi né tránh báo chí là né tránh dư luận và công dân. Phải coi báo chí là cây cầu tri thức để gắn kết người lãnh đạo với quần chúng . Ấn tượng nhất trong hàng chục năm gắn với làng báo có lẽ là cuộc đối thoại với báo chí người Việt tại San Francisco (Mỹ). Khi tôi sang Mỹ, các đồng chí lãnh đạo Đại sứ quán và tổng lãnh sự quán của Việt Nam tại Mỹ có đề nghị tôi giành thời gian đối thoại với các báo người việt tại Mỹ. Tôi đã nhận lời và vì lịch công tác đã khép kín nên cuộc đối thoại được sắp xếp  từ 19 giờ đến 21 giờ tối ngày 11.6.2011. 
Sau màn dạo đầu, nặng nghi lễ ngoại giao, các phóng viên báo chí người Việt đặt ra 11 câu hỏi rất thời cuộc và nhạy cảm để tôi trả lời. Sau đây tôi chỉ nói lại vài câu hỏi mà tôi thấy có ấn tượng nhất:
“Tại sao các ông lại giao ban báo chí 1 lần/tuần, đây có phải là các ông “cầm tay chỉ việc” cho báo chí không? Tôi cười vui và điềm tĩnh trả lời, các ông nhầm rồi, báo chí cần nhất là thông tin và yêu cầu cao nhất của báo chí là cung cấp thông tin, giao ban 1 tuần 1 lần của chúng tôi là nhằm cung cấp thông tin cho báo chí, tại những buổi giao ban này các cơ quan quản lý nhà nước phải trả lời, đầy đủ các câu hỏi và cung cấp thông tin cho báo chí. Như vậy là tôn trọng báo chí chứ không phải áp đặt hoặc cầm tay chỉ việc cho báo chí.
“Tại sao ông lại không cho hình thức tranh biếm họa lãnh đạo tại Việt Nam được thực thi mà thời Việt Nam Cộng hòa chúng tôi đã phát triển rất tốt, chúng tôi nghĩ biếm họa cũng là một cách góp ý cho lãnh đạo rất hiệu quả”? Tôi vui vẻ trao đổi: Thực ra chúng tôi không cấm hình thức này, nhưng từ thời bác Hồ; thực hiện cơ chế Đảng cử  dân bầu. Lãnh đạo thường rất được dân tín nhiệm nên mất dần hình thức đó. Nhưng tôi cam đoan là nếu sắp tới có cán bộ lãnh đạo nào không tín nhiệm thì tranh biếm họa có thể sẽ xuất hiện, chứ chúng tôi không cấm.
Tại buổi gặp mặt, tôi cũng chân thành nói với những nhà báo người việt rằng: 36 năm sau ngày thống nhất đất nước các ngài không về Việt nam mà chỉ ngồi ở Mỹ để viết về Việt Nam thiếu thực tế là lỗi của của các ngài; Nhưng 36 năm những người làm thông tin truyền thông như chúng tôi không tổ chức được những cuộc đối thoại như hôm nay, đó là lỗi của chúng tôi. Khuyết điểm này từ nay trở đi phải được cả 2 bên cùng khắc phục. Nhân dịp này tôi thay mặt chính phủ mời các ông sang thăm Việt Nam vì các ông chưa về Việt Nam nên viết chưa đúng về Việt nam thì nhân dân Việt Nam bỏ qua; nhưng đã về Việt Nam rồi mà còn viết không đúng thì lúc đó mới đáng trách. Tôi xin đảm bảo an toàn cho những người về thăm lại Việt nam, các ông cứ lập danh sách, đề Nghị Đại sứ quán Việt Nam làm thủ tục và chúng tôi sẽ mời các ông đi tất cả những nơi mà các ông quan tâm, nhờ đó chúng ta sẽ hiểu nhau hơn và hợp tác với nhau về truyền thông tốt hơn. Vì tất cả chúng ta ngồi ở đây đều có chung một mẫu số là  tổ quốc Việt Nam mẹ hiền.  Đúng như một nhà văn Pháp đã nói một câu rất sâu sắc và thấm thía, đại ý: “Người ta có thể đưa một con người ra khỏi một quê hương. Nhưng không ai có thể đưa quê hương ra khỏi một con người”. Và tôi luôn luôn tâm niệm rằng: Quê hương là bầu sữa mẹ, chắt chiu từ hạt lúa củ khoai. Quê hương là mối tình dài mà không bao giờ phạt nhạt. 
Sau 2 giờ làm việc, cuộc đối thoại kết thúc trong không khí hữu nghị, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Chia tay nhau bằng những chiếc bắt tay thân thiện và nồng ấm. Được biết sau này, 22 phóng viên báo chí người việt ở Mỹ về thăm Việt Nam và trở về đưa tin rất trung thực và thiện chí với tổ quốc và nhân dân Việt Nam.
Đó là một trong nhiều kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm báo và quản lý báo chí của tôi.
Thành Tâm (thực hiện)
Nguồn: Tầm nhìn

1863. VAI TRÒ CỦA ẤN ĐỘ TẠI ĐÔNG Á

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Hai, ngày 24/6/2013
TTXVN (Niu Yoóc 21/6)
Trong khuôn khổ chính sách “Hướng Đông, từ hơn 20 năm nay, Ấn Độ đã gia tăng quan hệ với khu vực Đông Á, song vẫn giữ sự thận trọng cần thiết. Tuy nhiên, trước những biến đổi nhanh chóng hiện nay trong khu vực, n Độ coi việc xích lại gần với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực này là điểu ti cần thiết, trên cơ sở không làm cho mối quan hệ của mình với cường quốc khu vực là Trung Quốc bị xấu đi. Tạp chí Al-Alam As-Shiasiya(Chính trị thế giới) vừa có bài viết như sau về vai trò ca quốc gia đông dân thứ hai thế giới này trong khu vực Đóng Á:

Năm 2012, Ấn Độ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác. Đối với Ấn Độ, lễ kỷ niệm này cũng đánh dấu hai thập niên thực hiện chính sách “Hướng Đông”, những nỗ lực ở mức cao nhất của nhà nước làm sống lại mối quan hệ với các nước láng giềng Đông Nam Á và tái thiết một mối quan hệ thân thiết hơn sau những thập niên thờ ơ. Được tiến hành vào đầu những năm 1990 bởi Thủ tướng Narasimha Rao, chính sách này trước hết được coi là hậu quả bên ngoài của công cuộc tự do hóa nền kinh tế trong nước. Vì vậy, sáng kiến này đã thúc đẩy được sự năng động về kinh tế ở khu vực Đông Nam Á, cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc, với mục tiêu chính là gia tăng trao đổi thương mại với các thị trường phồn vinh này và nhất là thu hút thêm vốn đầu tư. Phải đến năm 2000, chính sách “Hướng Đông” này của Ấn Độ mới đạt được một bước ngoặt mang tính chiến lược hơn, vừa công nhận tính trọng tâm của mối quạn hệ với Trung Quốc vừa công nhận sự cần thiết phải xúc tiến những sự hợp tác về quốc phòng với các nước Đông Nam Á.
Trong thập niên qua, chính sách “Hướng Đông” từng là một trong những phương hướng trường kỳ nhất trong mối quan hệ đối ngoại của Ấn Độ. Bằng sự kiên trì này, Ấn Độ đã dần hòa nhập được vào cấu trúc chính trị khu vực ở Đông Nam Á, trở thành đối tác đối thoại chính thức của các nước ASEAN vào năm 1996 và là thành viên cua Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), được tham gia các cuộc thảo luận về tình hình an ninh khu vực. Năm 2002, Ấn Độ đã đạt được việc thể chế hóa sự liên kết này trong một cuộc họp thượng đỉnh với những người đứng đầu chính phủ các nước ASEAN cộng 3 (tức là với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc). Cuối cùng, Ấn Độ là thành viên sáng lập ra hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) thường niên, được tổ chức lần đầu vào năm 2005 và từ năm 2010 tham gia hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cộng 8 để trao đổi về các vấn đề an ninh và quốc phòng giữa ASEAN với các đối tác đối thoại. Sau hai thập niên thực hiện chính sách “Hướng Đông”, người ta có thể nói đến những kết quả và thách thức trong cam kết của Ấn Độ ở khu vực Đông Á. Về mặt kinh tế, mặc dù chậm chạp, nhưng sự hòa nhập của Ấn Độ với phần còn lại của khu vực vẫn dựa trên những mối quan hệ vững chắc. Trái lại về mặt chiến lược, cam kết ngày càng tăng của Ấn Độ ở khu vực Đông Á đặt ra những thách thức mà Ấn Độ vẫn còn do dự khi phải đối mặt, nhất là liên quan đến lập trường của Ấn Độ đối với Mỹ và Trung Quốc.
Một sự hòa nhập với khu Vực Đông Á chậm nhưng chắc
Những lợi ích kinh tế luôn là ưu tiên trong sự chỉ đạo chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ. Vì vậy, Ấn Độ đã làm cho những sự trao đổi thương mại của mình với các nước Đông Nam Á gia tăng mạnh mẽ, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do.
Quan hệ vi các nước thuộc khu vực Đông Nam Á
Đông Nam Á là trọng tâm của chính sách “Hướng Đông”, và hiện nằm trong số các đối tác quan trọng của Ấn Độ: chiếm 10% ngoại thương của Ấn Độ và chiếm hơn 10% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Ấn Độ trong 10 năm qua. Trái lại, với vốn đầu tư ước chừng tới 2,6 tỷ USD vào năm 2010, Ấn Độ đứng ở vị trí thứ 6 trong số các nước cung cấp vốn đầu tư nước ngoài cho các nền kinh tế của các nước ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 7 của các nước này. Nếu Ấn Độ có một ảnh hưởng không phải là không đáng kể ở Đông Nam Á, thì nước này lại đang vất vả để khẳng định mình là một đối tác lớn so với Trung Quốc. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN lên tới 230 tỷ USD vào năm 2010, cao gấp 4 lần kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ với các nước ASEAN. Được khích lệ bởi tấm gương Trung Quốc, nước năm 2002 đã ký một hiệp định khung để lập ra một khu vực thương mại tự do với các nước ASEAN, năm 2003 Ấn Độ đã đề nghị một dự án tương tự. Sau 6 năm tiến hành các cuộc thương lượng khó khăn, hai bên đã ký một hiệp định thương mai tự do. Có hiệu lực vào tháng 1/2010, hiệp định này thiết lập một sự tự do hóa thuế quan đối với 90% mặt hàng trao đổi, kể cả đối với các sản phẩm chủ yếu như dầu cọ, cà phê, chè đen hay hạt tiêu. Các cuộc thương lượng đang tiến hành còn liên quan đến việc tự do hóa các dịch vụ và vốn đầu tư. Cuối cùng, Ấn Độ tạo thuận lợi cho các kiều dân của 7 nước ASEAN vào lãnh thổ Ấn Độ một cách dễ dàng. Cũng cần biết thêm là hiện chỉ có 11 nước được hưởng chế độ cấp thị thực khi tới lãnh thổ Ấn Độ (nghĩa là cấp thị thực ngay tại cửa khẩu), đó là Xinhgapo, Campuchia, Việt Nam, Philíppin, Lào, Mianma và Inđônêxia. Ngoài các nước ASEAN còn có Nhật Bản, Niu Dilân, Phần Lan và Lúcxămbua.
Quan hệ mi với Đông Nam Á
Một trong những kết quả đầu tiên của chính sách “Hướng Đông”, là trong những năm 1990, thế giới được chứng kiến nguồn vốn ồ ạt đổ vào Ấn Độ từ các nhà đầu tư trực tiếp đến từ Hàn Quốc, nhất là trong các lĩnh vực có tính cạnh tranh cao như điện gia dụng và ô tô. Hàn Quốc cũng nằm trong số những nước đầu tiên xây dựng ở Ấn Độ các công xưởng lắp ráp để tái xuất khẩu các sản phẩm đã hoàn chỉnh tới các thị trường thứ ba của Nam Á hoặc khu vực Trung Đông. Gần 300 hãng của Hàn Quốc đã cắm chân ở Ấn Độ với một khoản vốn đầu tư ước chừng tới 2,3 tỷ USD. Hàn Quốc, nước đã duy trì tổng số vốn đầu tư cao ở Ấn Độ đến năm 2000, sau đó đã giảm mạnh các hoạt động của mình, chỉ đứng thứ 15 trong các nước đầu tư vốn vào Ấn Độ từ năm 2000 đến năm 2011. Tuy nhiên, Hàn Quốc có thể sớm trở lại thị trường này vì nhóm có thể lực hùng mạnh của Hàn Quốc về các ngành công nghệ hạt nhân rất muốn làm ăn trên thị trường Ấn Độ nên họ quyết tâm thúc đẩy Xơun ký kết với Niu Đêli một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự vào tháng 7/2011.
Nhật Bản chỉ đứng thứ 6 trons các nhà đầu tu vốn vào Ấn Độ và vốn đầu tư của Nhật Bản chỉ chiếm 4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ năm 2000 đến năm 2011. Tuy nhiên, Nhật Bản đang chủ trương chứng tỏ được mình là nhà đầu tư lớn trong những năm tới (năm 2011 đã ghi nhận một sự gia tăng rõ rệt vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào Ấn Độ). Lo ngại sự phụ thuộc kinh tế của châu Á vào Trung Quốc, Nhật Bản đã khuyến khích các doanh nghiệp của mình đa dạng hóa và tăng cường nguồn vốn đầu tư của họ vào châu Á, trong đó, với Ấn Độ là sự lựa chọn ưu tiên, tiếp theo là Việt Nam và Inđônêxia. Ngoài ra, Ấn Độ trở thành nước nhận viện trợ phát triển của Nhật Bản dưới hình thức cho vay từ năm 2003. Khoản vốn này chủ yếu nhằm vào các dự án lớn về cơ sở hạ tầng, nhằm thu hút các nhà đầu tư tư nhân Nhật Bản. Gần 900 doanh nghiệp Nhật Bản đã có mặt tại Ấn Độ, và hai nước cũng đã ký một hiệp định quan hệ đối tác kinh tế, có hiệu lực vào tháng 8/2011, để tạo thuận lợi cho việc thực hiện những hợp đồng trao đổi hàng hóa và dịch vụ, vốn đầu tư và huy động nguồn nhân lực có tay nghề cao. Hy vọng thỏa thuận này sẽ giúp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, hiện ở mức khoảng 13 tỷ USD/ năm, đưa Nhật Bản đứng ở vị trí khá khiêm tốn, là đối tác thương mại thứ 11 của Ấn Độ. Trong khi đó, kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và Hàn Quốc đã đạt 20 tỷ USD vào năm 2011, và sẽ tăng mạnh sau khi hiệp định thương mại tự do giữa hai nước có hiệu lực vào tháng 1/2010. Cuối cùng, cần phải nhấn mạnh tính trung tâm của Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ, với kim ngạch thương mại song phương là 73 tỷ USD năm 2011. Nhưng trong khuôn khổ mối quan hệ này, Ấn Độ đã phải nhập tới 46 tỷ USD, trong khi chỉ xuất được 27 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc, và chủ yếu lại là nguyên liệu. Ấn Độ đã nhiều lần lên tiếng phàn nàn về những khó khăn khi tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Kể từ cuối những năm 1990, việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Mỹ đã được tăng cường bằng cách kích hoạt chính sách gây ảnh hưởng của Ấn Độ ở khu vực Đông Á. Nhưng trong những năm gần đây, Mỹ lại muốn thấy đối tác Ấn Độ của mình nằm trong khuôn khổ chiến lược hướng tới châu Á-Thái Bình Dương.
Sự xích lại gn gia n Độ vi Mỹ và các đồng minh của Mỹ
Trong vòng hơn một thập niên, Ấn Độ và Mỹ đã xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược đầy tham vọng, với 25 cuộc đối thoại mang tính thể chế. Từ đầu, hợp tác quốc phòng đã là một trụ cột của sự xích lại gần nhau này, và hiệp định về quan hệ quốc phòng mới giữa hai nước, được ký năm 2005 đã đánh dấu một mốc quan trọng trong mối quan hệ song phương. Đặc biệt, hai nước đã coi an ninh biển là trục ưu tiên của sự hợp tác này. Lực lượng hải quân của hai bên đều nằm trong số các lực lượng đầu tiên thiết lập mối quan hệ, với hàng loạt cuộc tập trận song phương trên biển Malabar diễn ra vào năm 1992, và từ năm 2002 đã đẩy mạnh nhịp độ tiến hành các cuộc tập trận chung tương tự. Năm 2006, Mỹ và Ấn Độ ký hiệp định hợp tác về an ninh hàng hải, trong đó, đặc biệt quan tâm tới cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia (cướp biển, buôn lậu) và khắc phục các thảm họa thiên nhiên. Tại Mỹ cũng như Ấn Độ, quan hệ đối tác chiến lược được coi là một phương tiện để thúc đẩy sự nổi lên của Ấn Độ, với tư cách là cường quốc lớn ở châu Á, nhất là nhờ những sự chuyển giao các công nghệ quan trọng. Quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Mỹ đã được xây dựng dựa vào một cách nhìn chung về sự ổn định ở châu Á, vì mục tiêu đạt tới sự hợp tác song phương toàn diện và sâu sắc để bảo đảm an ninh cho một không gian rộng lớn bao gồm khu vực Ấn Độ Dương. Phía Mỹ còn đề ra những mục tiêu tham vọng hơn, đó là khuyến khích đối tác Ấn Độ quan tâm đến sự ổn định không chỉ ở Ấn Độ Dương, mà còn ở châu Á-Thái Bình Dương. Kể từ năm 2007, các cuộc tập trận trên biển Malabar được diễn ra mồi năm hai lần, và kể từ năm 2008, Ấn Độ và Mỹ đã tiến hành đối thoại thường niên về khu vực Đông Á.
Thời gian gần đây, chủ trương của Mỹ đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ càng trở nên mạnh mẽ hơn vì Mỹ hiện đang tái triển khai lực lượng của mình ở châu Á. Trong chiến lược quốc phòng được công bố vào đầu năm 2012, Mỹ khẳng định sẽ củng cố các liên minh truyền thống với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philíppin, Ôxtrâylia, Xinhgapo và Thái Lan, và dựa vào một “quan hệ đối tác chiến lược lâu dài” với Ấn Độ, nước đang nổi lên như là một điểm sáng về kinh tế của khu vực và có thể bảo đảm cho an ninh trong khu vực rộng lớn ở Ấn Độ Dương. Rõ ràng là việc tái định hướng chiến lược này ở châu Á được chỉ đạo bởi một lôgích tái xác định vị trí của Trung Quốc và bởi một sự đánh giá mới về cân bằng chiến lược Trung-Mỹ cả trong trung hạn lẫn dài hạn. Nhằm giúp tăng cường vị thế của Ấn Độ, Mỹ đã ra sức khuyến khích các đồng minh của mình ở châu Á xích lại gần với nước này. Xinhgapo và Nhật Bản tỏ ra tích cực nhất, khi Xinhgapo không đợi những gợi ý của Mỹ, đã chủ động phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với Ấn Độ từ những năm 1990. Những sự trao đổi về hợp tác quốc phòng đã diễn ra đều đặn, liên quan tới cả ba quân chủng. Dấu hiệu rõ nhất chứng tỏ sự thân thiện giữa hai nước này là từ năm 2007 lực lượng không quân của Xinhgapo đã thuê căn cứ quân sự Kalaikunda ở Bengale, trở thành quốc gia đầu tiên đóng quân dài hạn trên lãnh thổ Ấn Độ. Khác với Xinhgapo, quan điểm của Nhật Bản chưa rõ ràng vì nước này còn phải cân nhắc tới vấn đề hạt nhân, vốn rất khó có thể giải quyết trong khuôn khổ mối quan hệ song phương. Tuy nhiên, Ấn Độ và Nhật Bản đã tìm được cơ sở để bàn bạc về hợp tác trên biển. Ngay từ năm 2000, các cơ sở của một mối quan hệ mới đã lộ diện sau chuyến thăm Niu Đêli của Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Yoshiro Mori. Cũng vào năm này, hai nước đã tiến hành các cuộc tập trận chung và tổ chức nhiều chuyến thăm viếng lẫn nhau ở mọi cấp, mọi ngành. Năm 2006, hai bên ký thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và đồng ý tổ chức cuộc họp hàng năm giữa những người đứng đầu hai chính phủ. Sau đó, một tuyên bố hợp tác an ninh ký vào năm 2008 đã thể chế hóa các cuộc tham vấn chiến lược thường kỳ, trao đổi giữa các hai bộ tổng tham mưu của quân đội hai nước và tổ chức các cuộc tập trận chung.
Ở Nhật Bản, việc Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) lên cầm quyền vào năm 2009 đã không ảnh hưởng nhiều đến chính sách xích lại gần với Ấn Độ. Đối với Nhật Bản, tình hình căng thẳng với Trung Quốc trở nên nghiêm trọng vào mùa Thu năm 2010 khi tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư lên đến đỉnh điểm, đã khiến Nhật Bản càng nhận thức rõ sự cần thiết phải tìm kiếm những đối tác mới như Ấn Độ. Tháng 10/2010, Thủ tướng Ấn Độ và Nhật Bản quyết định nâng cấp quan hệ và hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực nhạy cảm về đất hiếm. Phương hướng phát triển quốc phòng của Nhật Bản, công bố hồi tháng 12/2010, đã coi Ấn Độ là một trong số các nước mà Nhật Bản phải tăng cường hợp tác về an ninh, quốc phòng. Ngay cả về vấn đề hạt nhân, hai nước đã có nhũng bước đi tích cực khi bắt đầu một tiến trình thương lượng về hiệp định hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự. Một cuộc thương lượng về vấn đề này đã được tổ chức vào cuối tháng 6/2010. Tuy nhiên, sau đó các cuộc thương lượng giữa hai bên đã gặp phải trở ngại do Nhật Bản yêu cầu Ấn Độ tham gia Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT). Yêu cầu này của Nhật Bản về cơ bản cũng dễ hiểu bởi hơn ai hết, nước này là nạn nhân lớn nhất của hạt nhân, và sau đó, thảm họa hạt nhân Fukushima-1 xảy ra ngày 11/3/2011 đã khiến cho các cuộc thương lượng về hạt nhân giữa họ với Ấn Độ trở nên phức tạp hơn và những yêu cầu của Nhật Bản càng trở nên cứng rắn, quyết liệt hơn.
Việc tăng cường mối quan hệ giữa Ấn Độ với Mỹ và một số đồng minh của Mỹ đã dẫn đến những mối quan hệ hợp tác đa phương trong khu vực về quốc phòng, trong đó có các cuộc tập trận với sự tham gia của Mỹ, Ấn Độ, Ôxtrâylia và Xinhgapo, v.v… Trong lĩnh vực ngoại giao, năm 2007, một số nước đã lên kế hoạch tổ chức cuộc tham vấn chung giữa các quan chức Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Ôxtrâylia, song bị hủy bỏ do phía Trung Quốc công khai thể hiện rõ sự tức giận trước sáng kiến “đối thoại 4 bên” này. Nhưng đến tháng 12/2011, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ đã tổ chức cuộc đối thoại 3 bên lần đầu tiên.
Mỹ khuyến khích chính sách “cam kết với phương Đông”
Mặc dù đã đạt được những bước tiến như vậy, nhưng Mỹ và nhiều nước Đông Á, trong đó có Nhật Bản, vẫn tỏ ra thất vọng – thậm chí là bi quan – trước điều mà họ cho là thái độ có phần thụ động của Ấn Độ. Trong chuyến thăm hồi cuối năm 2010, Tổng thống Mỹ Barak Obama đã khuyến khích Ấn Độ tăng cường vai trò của mình ở khu vực Đông Á bằng những lời lẽ rõ ràng: “Cũng như các nước láng giềng ở Đông Nam Á, chúng tôi muốn Ấn Độ không những ‘hướng Đông’ mà còn muốn thấy Ấn Độ can dự vào phương Đông bởi vì điều đó sẽ giúp tăng cường an ninh và sự phồn vinh cho tất cả các nước chúng ta”. Việc khuyến khích Ấn Độ can dự nhiều hơn vào khu vực Đông Á cũng được Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton nói rõ trong chuyến thăm tới Ấn Độ hồi tháng 7/2011: “Mỹ khuyến khích Ấn Độ không những ‘hướng tới phương Đông’ mà còn can dự và cả hành động ở phương Đông”. Vài tháng trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Geoffrey Pyatt, đã khuyến khích Ấn Độ làm sâu sắc thêm sự ”hòa nhập thị trường, và an ninh của mình vào khu vực, và giữ một vai trò ngày càng quan trọng trong Hội nghị cấp cao Đông Á và phát triển những mối quan hệ chính trị sâu sắc với Đông Á”. “Can dự vào phương Đông”, “hành động ở phương Đông”, những sự biến tấu về ngữ nghĩa học này đều là cùng một ý tưởng. Giờ đây, Ấn Độ không thể xử sự như một chủ thể ở ngoại vi khu vực Đông Á – tất nhiên từ lâu nay nước này vẫn ở vị trí ngoài lề so với những sự năng động của khu vực. Sự năng động về kinh tế của Ấn Độ và những nỗ lực của nước này trong khuôn khổ chính sách “Hướng Đông” cho phép Ấn Độ là một bộ phận không thể tách rời công cuộc xây dựng một trật tự chiến lược trong khu vực. Điều đó cho thấy Ấn Độ đang phải đứng trước rất nhiều thách thức trong khu vực đầy nhạy cảm này. Và điều đó cũng giải thích vì sao Mỹ đã yêu cầu Ấn Độ thoát khỏi tư thế trung lập chiến lược bấy lâu nay của mình.
Từ thực tế này, Ấn Độ đã tìm mọi cách để hòa nhập khu vực Đông Á, trước hết là về kinh tế và an ninh, quốc phòng, trong khi trước đó, nước này thường có một thái độ kín đáo, chỉ ủng hộ vai trò trung tâm của các nước ASEAN và nguyên tắc thỏa thuận chung thân thiện với sự vận hành của hiệp hội này. Vì vậy, cho đến nay, Ấn Độ đã đề ra cho mình một mục tiêu chiến lược mang tính mặc định: tránh đưa ra quyết định trong những bất đồng giữa  Mỹ và các đối tác của Mỹ trong các nước ASEAN và Trung Quốc. Quan điểm này trở nên khó chấp nhận được trong một bối cảnh Trung Quốc đang mạnh lên, cũng như việc Mỹ tái triển khai chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Rõ ràng, Mỹ cũng muốn thấy Ấn Độ tỏ rõ thái độ hơn trong việc đứng về phía mình để đối phó với Trung Quốc khi Trung Quốc đe dọa đảo lộn hiện trạng. Và có thể là trong khuôn kho tái xác định lập trường của mình, Mỹ đang chờ đợi Ấn Độ có những đóng góp cụ thể. Rõ ràng việc hợp tác quân sự được tăng cường với Ấn Độ từ nhiều năm nay đã là một sự mở đầu phối hợp hoạt động và đặt cơ sở cho sự hợp tác chiến lược giữa hai nước, nhất là khi Mỹ đang tìm kiếm sự ủng hộ của Ấn Độ về mặt quân sự và lo ngại về lâu dài sẽ có một sự thay đổi cân bằng chiến lược với Trung Quốc. Nhưng những ý định của Mỹ đang vấp phải những trở ngại về cơ cấu từ phía Ấn Độ, từ sự gắn bó chung với quyền tự chủ của đất nước cho đến những tình cảm chống Mỹ từ lâu trong một bộ phận dân chúng, và cũng còn có cả khó khăn thực sự trong việc giải quyết mối quan hệ với “nhân tố Trung Quốc” nữa.
Tìm kiếm quan hệ cân bằng vi Trung Quốc
Chừng nào Ấn Độ vẫn còn có ảnh hưởng ở Đông Á thì nước này vần phải đối mặt với sự khó chịu của Trung Quốc. Ai cũng biết chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ đã tạo ra những tình huống cạnh tranh tiềm ẩn với Trung Quốc, chẳng hạn ở Mianma, tại vịnh Bengal hoặc thậm chí ở Biển Đông. Nhưng dù sao thì Ấn Độ vẫn muốn duy trì một chính sách tránh để xảy ra các cuộc xung đột với nước láng giềng lớn của mình.
Một cuộc cạnh tranh tiềm ẩn vi Trung Quốc
Ngay từ những năm 1990, chính sách “Hướng Đông” đã bao hàm chủ trương thắt chặt mối quan hệ với chế độ quân sự ở Mianma lúc bấy giờ, dựa trên cơ sở hai ưu tiên: hợp tác với Mianma để chống lại các nhóm nổi dậy ở phía Đông Bắc nước này; và xa hơn là chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nước láng giềng gần gũi này. Vì vậy, Ấn Độ đã cạnh tranh với Trung Quốc trong việc giành quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Mianma và tiến hành đầu tư vào các dự án lớn về cơ sở hạ tầng giao thông như phát triển cảng Dawei nằm ở miền ven biển Tây Nam của nước này. Ngoài Mianma, cuộc cạnh tranh với Trung Quốc còn diễn ra ở những phạm vi lớn hơn, như trong lĩnh vực hải quân. Chẳng hạn, từ năm 1995, hải quân Ấn Độ đã tổ chức đều đặn các cuộc gặp hàng năm giữa hải quân hai nước tại căn cứ Port Blair ở đảo Andaman. Các cuộc gặp này mang tên Milan, trước hết nhằm thiết lập một bầu không khí tin tưởng lẫn nhau giữa thủy thủ hai nước đang phục vụ ở vịnh Bengal, và cùng nhau mở rộng quan hệ với hải quân của các nước ven biển khác trong vùng. Dựa vào kết quả đã đạt được này, Ấn Độ đã mở rộng cuộc họp Milan với các nước ở xa hơn như Ôxtrâylia từ năm 2002, trước khi mời các nước ven Biển Đông. Việt Nam cũng tham dự các kỳ họp Milan diễn ra vào năm 2008 và 2010, và Philíppin cũng đã tham dự vào năm 2012. Việc mở rộng cuộc họp Milan với hai nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông đương nhiên không phải là sự vô tình. Trên thực tế, bằng việc kết hợp các kỳ họp làm việc và các hoạt động xã hội văn hóa trong nhiều ngày, cuộc họp Milan đã cho phép hải quân Ấn Độ tạo ra được một mạng lưới ảnh hưởng trong số các nước nằm ven biển ở khu vực Đông Á. Trung Quốc chưa bao giờ được mời tham dự cuộc họp này.
Ngoài vịnh Bengal, Ấn Độ còn mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình tới Biển Đông và để làm được việc này Ấn Độ đã dựa vào sự ủng hộ của Việt Nam, một trong những đối tác lâu đời nhất của nước này. Từ năm 2007, Ấn Độ đã thấy chặt quan hệ quốc phòng với Việt Nam và bảo đảm việc bảo dưỡng các thiết bị có nguồn gốc từ Liên Xô cho quân đội Việt Nam, cũng như việc hiện đại hóa các phương tiện và vũ khí chống tàu ngầm. Mối quan hệ này với Việt Nam đã khiến Ấn Độ dính líu tới các cuộc xung đột ở Biển Đông. Tháng 7/2011, một tàu chiến của Ấn Độ trên đường tới cảng Nha Trang và Hải Phòng của Việt Nam đã bị hải quân Trung Quốc gây phiền nhiễu, ra lệnh tàu Ấn Độ phải rời khỏi vùng mà Trung Quốc nhận là lãnh hải của mình. Sau sự cố này, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã phản ứng một cách kiên quyết, lần đầu tiên đề cập đến lập trường của mình về các cuộc xung đột ở Biển Đông: “Ấn Độ ủng hộ quyền tự do đi lại của các tàu thuyền trong các vùng biển quốc tế, kể cả ở Biển Đông theo các quy tắc của luật pháp quốc tế. Các nguyên tắc này phải được tất cả các bên tôn trọng”. Cho đến khi đó chưa bao giờ Ấn Độ đưa ra trước Trung Quốc một lập trường công khai như vậy tại vùng biển có tranh chấp này. Sau này, chính dự án Ấn Độ-Việt Nam khai thác dầu mỏ ở vị trí không xa quần đảo Trường Sa, nơi được Hà Nội coi là vùng đặc quyền kinh tế của mình (EEZ), nhưng Bắc Kinh cũng nhận là “sở hữu riêng”- đã gây ra phản ứng quyết liệt của Trung Quốc. Song Ấn Độ không chịu nhượng bộ, Ngoại trưởng Somanahalli Mallaiah Krishna đã tái khẳng định tại Hà Nội vào tháng 9/2011, rằng Ấn Độ vẫn có ý định tiếp tục thực hiện dự án khai thác dầu khí ở khu vực quần đảo Trường Sa. Thái độ này đã gây ra sự phản ứng gay gắt của Trung Quốc. Tân Hoa xã đã chỉ trích Ấn Độ thực hiện một dự án trong một vùng “có tính nhạy cảm cao” mà Trung Quốc đang yêu sách chủ quyền. Hãng tin này đã cảnh báo Ấn Độ rằng một hành động như vậy có thể “gây phương hại tới mối quan hệ với Trung Quốc”.
Trong bối cảnh tình hình căng thẳng như vậy, Ấn Độ đã đổi hướng chính sách về các cuộc xung đột ở Biển Đông. Tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) diễn ra vào tháng 11/2011, Ấn Độ đã đứng về phía Mỹ, Ôxtrâylia, Xinhgapo, Việt Nam, Philíppin và Thái Lan chủ trương giải quyết tranh chấp biên giới trên biển và quyền tự do đi lại ở Biển Đông bằng phương thức đa phương. Sáng kiến tập thể này đã đặt phía Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết song phương các vấn đề này vào thế bị cô lập.
Tuy nhiên, lập trường của Ấn Độ tại EAS này không có nghĩa là họ muốn đối đầu một cách công khai hơn với những yêu sách của Trung Quốc. Trong một cuộc gặp song phương bên lề hội nghị cấp cao này, Thủ tướng Ấn Độ M. Singh và Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Ôn Gia Bảo đã cùng khẳng định rằng có đủ chỗ cho Ấn Độ và Trung Quốc ở châu Á. Như vậy có thể hiểu rằng Ấn Độ đã giữ một lập trường nước đôi, vừa ủng hộ khá mạnh mẽ các sáng kiến của Mỹ và các đồng minh của Mỹ để nhắc nhở Trung Quốc về ranh giới đỏ trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, vừa tìm cách tránh để xảy ra những cuộc tranh cãi mới với Trung Quốc. Và chính những vụ rắc rối ở Biển Đông đã gây ra những phản ứng trái chiều trong các giới chuyên gia ở Niu Đêli. Các nhân vật cứng rắn muốn Ấn Độ chống lại Trung Quốc và điều này gây hiệu ứng tích cực ở một số nước, trong đó có Việt Nam. Theo họ, chiến lược này cho phép giảm bớt sức ép của Trung Quốc đối với Ấn Độ do tình hữu nghị vốn có giữa Trung Quốc với Pakixtan, một đối thủ truyền kiếp của Ấn Độ, cũng như mối quan hệ ngày càng tăng cường của Trung Quốc với các nước láng giềng của Ấn Độ như Bănglađét, Nêpan và Xri Lanca. Nhưng nhiều chuyên gia khác lại muốn Ấn Độ phải có thái độ thận trọng. Cựu Tham mưu trưởng hải quân, Đô đốc Arun Prakash, khẳng định: “Do những nỗ lực bền bỉ của Ấn Độ để duy trì sự bình yên trong mối quan hệ với Trung Quốc, dường như đây là thời điểm chưa thích hợp để dính líu vào một vụ rắc rối mới với Trung Quốc. Một khu vực cách xa như Biển Đông không phải là nơi lý tưởng để chứng tỏ sức mạnh của Ấn Độ, về hải quân hay những lĩnh vực khác”. Nhiều người trong giới lãnh đạo hoặc chuyên gia ở Niu Đêii lo ngại rằng Mỹ sẽ lôi kéo Ấn Độ vào một chiến lược chống lại những tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông hoặc ở Đông Á. Thế nhưng, đối với họ, những ưu tiên của Niu Đêli vẫn là phải tập trung vào những bước tiến của Trung Quốc ở Nam Á hoặc ở Ấn Độ Dương.
Từ năm 2006, Ấn Độ cũng phải chịu những sức ép của Trung Quốc về các vùng biên giới. Cùng với những yêu sách đang nổi lên của Trung Quốc về chủ quyền khu vực Arunachal Pradesh, là những sự vi phạm thường xuyên của phía Trung Quốc ở đường kiểm soát thực tế từ cuối năm 2008, đã gây tổn hại đến chủ quyền của Ấn Độ ở Giamu và Casơmia. Nhà cầm quyền Ấn Độ đã phản ứng bằng cách ngừng hợp tác quân sự song phương trong một năm, bắt đầu vào mùa Hè năm 2010, và dọa sẽ xem xét lại lập trường của mình về vấn đề Tây Tạng nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục tranh chấp chủ quyền đối với Giamu và Casơmia của Ấn Độ. Thái độ kiên quyết về ngoại giao này chỉ giảm bớt vào đầu năm 2012, với cuộc họp sau nhiều lần bị trì hoãn, về vấn đề biên giới và thiết lập một cơ chế trao đổi thông tin để giải quyết những hành động vi phạm đường kiểm soát thực tế. Sẽ không thể hiểu được tình hình căng thẳng gắn liền với chính sách của Ấn Độ ở Đông Á và lập trường của nước này đối với Trung Quốc trong khu vực rộng lớn này nếu người ta không thấy được tầm quan trọng của những gì đang diễn ra trên vùng biên giới Himalaya, nhất là ở Giamu và Casơmia, nơi Ấn Độ đang phải đối phó với cả Trung Quốc lẫn Pakixtan. Sở dĩ Ấn Độ thực hiện một đường lối thận trọng trong những sự lựa chọn quốc tế lớn là do tính dễ bị tổn thương về các đường biên giới giữa Ấn Độ với Trung Quốc. Đối với Ấn Độ, thách thức là không để bị đẩy vào vai trò đối trọng với Trung Quốc hay động lực chính trong chiến lược của Mỹ ở châu Á. Vì vậy, Ấn Độ đã do dự trong việc làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ, trong đó có việc hai bên chưa ký được hiệp định liên tác chiến của các hệ thống viễn thông chiến thuật, cũng như việc Ấn Độ đã rút khỏi một dự án hợp tác về hậu cần vì sợ phải đáp lại những yêu cầu tiếp tế trên biển ở Ấn Độ Dương, thậm chí là ở Biển Đông cho tàu thuyền của Mỹ.
Sau hai thập niên thực hiện chính sách “Hướng Đông”, Ấn Độ đã nằm trong số các chủ thể có ảnh hưởng lớn ở Đông Á và sự có mặt của Ấn Độ tại các vành đai lớn thống nhất khu vực từ nay được phần lớn các bên liên quan coi là cần thiết. Sự tiến triển này vừa là một kết quả tích cực – Ấn Độ có được một sự tin cậy cao vì họ không có những tham vọng khu vực – vừa là một thách thức. Các nước láng giềng của Trung Quốc, Nhật Bản cũng như Đông Nam Á, đều rất muốn thúc đẩy một quan hệ mạnh mẽ hơn với Ấn Độ. Tuy nhiên, thái độ thận trọng, thậm chí là do dự, của Ấn Độ nhiều lúc đã khiến người ta sốt ruột và cho rằng nước này đã không xác định được vai trò của mình trong khu vực hoặc thậm chí không chú tâm đến việc xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực. Trên thực tế, tư thế của Ấn Độ đang khiến nước này phải đối mặt với mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc. Khi Trung Quốc đưa ra những yêu sách cứng rắn về lãnh thổ và Mỹ thông báo tái triển khai quân đội trong khu vực, thì những sự lựa chọn lập trường của Ấn Độ còn khó khăn hơn. Cũng là đối tác thân cận với Mỹ, Ấn Độ phải tìm được chỗ đứng của mình trong khi Mỹ tăng cường quân sự ở khu vực châu Á mà không để mất phạm vi hoạt động trước Trung Quốc, và cũng không để mình bị trượt quá về phía Mỹ. Đương nhiên đây là bài toán không hề dễ dàng đối với ngành ngoại giao của Ấn Độ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét