Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Bài đáng chú ý

Tình thế đòi hỏi

Từ trái: Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi thăm lăng ông Hồ Chí Minh.
Tình hình chính trị ở Việt Nam đang đòi hỏi cấp bách một tổ chức chính trị, để thoát khỏi tình trạng độc đảng lạc hậu và tệ hại cho dân cho nước.
Việc này không thể trì hoãn được nữa.
Việc hình thành một tổ chức chính trị ở Việt Nam là hoàn toàn chính đáng, hợp pháp, hợp đạo lý. Hiến pháp Việt Nam ghi rõ quyền lập hội. Các công ước quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng long trọng công nhận quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội.
Cần chỉ ra rằng việc Điều 4 của Hiến pháp Việt Nam xác định vị trí lãnh đạo duy nhất của đảng CS không qua bầu cử tự do và định kỳ là vi phạm chính Hiến pháp, là vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền; do đó điều này vô giá trị, dù có bị xoá bỏ hay không.
Hơn nữa, đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã dùng Điều 4 để tước đi của công dân quyền được lập hội. Rõ ràng đây là một hành động phạm tội chà đạp Hiến pháp trong suốt thời gian cầm quyền cho đến nay, và lẽ ra đảng CSVN đã phải bị truy tố và xét xử trước Tòa án Hiến pháp, nếu như có tòa án này.
Bộ Chính trị đảng CSVN đã lừa bịp trắng trợn khi một mặt quyết duy trì bằng mọi giá Điều 4, vừa khẳng định một cách bịa đặt là hơn 70% công dân muốn duy trì Điều 4, nhưng lại không dám tổ chức trưng cầu dân ý công khai về điểm này.
Do những lý do trên việc công dân Việt Nam cùng nhau bàn bạc về việc thành lập một tổ chức chính trị khác nhằm vừa ganh đua vừa hợp tác với đảng CS để lãnh đạo và cai trị đất nước là một điều cần thiết, cấp bách, hơn nữa còn là việc làm hợp hiến, hợp pháp, quang minh chính đại.
Đây sẽ là một bước tiến của dân tộc, một cuộc đột phá ngoạn mục để đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện và bế tắc hiện nay.
Nhiệm vụ thành lập một chính đảng mới đang được đặt ra trước cuộc sống của dân tộc. Ông Chu Hảo, một đảng viên CS cao cấp, giám đốc nhà xuất bản Trí Thức, đã công khai nói lên nhu cầu quan trọng này. Giáo sư Tương Lai, một trí thức CS có uy tín, cũng bày tỏ mong muốn và ý định ấy. Trung tướng Đặng Quốc Bảo, nguyên là uỷ viên Trung ương đảng CSVN, trưởng ban Khoa giáo Trung ương, cũng nêu bật sự tất yếu của một chế độ chính trị đa nguyên, có nhiều đảng tranh đua, kiểm tra nhau trong một chế độ dân chủ lành mạnh. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ VN tại Trung Quốc, cũng có chính kiến tương tự.
Có thể nói đây là biện pháp cơ bản, là giải pháp chiến lược then chốt cho các vấn đề sinh tử ở nước ta, không thể trì hoãn được nữa.
Rất cần một cuộc thảo luận công khai giữa tất cả các tổ chức và cá nhân quan tâm đến vận mệnh dân tộc, đến cuộc sống của nhân dân, đến tiền đồ các thế hệ tương lai.
Có một loạt vấn đề liên quan đến xây dựng lên một tổ chức chính trị mới rất cần trao đổi thẳng thắn, công khai trên tinh thần xây dựng. Tổ chức mới nên mang hình thức nào? Một tập hợp, một liên minh, một chính đảng, hay một mặt trận, một hội đoàn? Tên của tổ chức ấy nên là gì? Dân chủ, Dân chủ Xã hội, Cứu quốc, Dân tộc, Phục hưng, Canh tân, Dân Việt, Tân Việt? Theo tôi có thể là Tập hợp Dân chủ Việt Nam. Rõ, gọn.
Nên trao đổi về tôn chỉ mục đích để xây dựng điều lệ. Như: toàn dân cùng chung sức xây dựng một chế độ dân chủ ngày càng hoàn thiện, bình đẳng, pháp quyền nghiêm minh; hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thành kiến chia rẽ Bắc – Nam kéo dài; triệt để từ bỏ khái niệm «ngụy quân, ngụy quyền», chăm sóc nghĩa trang mọi liệt sỹ và nạn nhân chiến tranh, không phân biệt trước đây thuộc bên nào; phát triễn và duy trì quan hệ láng giềng tốt, nhưng kiên quyết bảo vệ lãnh thổ lãnh hải của Tố Quốc; chống tham nhũng, lãnh phí; tôn trọng quyền tư hữu và quyền tự do kinh doanh.
Thái độ với đảng CS: chống nhóm lãnh đạo bảo thủ, giáo điều, tham nhũng, lạc hậu, coi đông đảo đảng viên CS ở cơ sở là đồng bào ruột thịt thân thiết, sẵn sàng đón nhận các đảng viên CS cũ ở bất cứ cấp nào vào hàng ngũ mình trên tinh thần bình đẳng. Đây là quyền tự do cơ bản thiêng liêng của mọi công dân được thay đổi, lựa chọn chỗ đứng chính trị của mình. Đông đảo đảng viên CS cũng là nạn nhân, bị nhóm lãnh đạo lừa dối.
Cần phân biệt rõ nhóm lãnh đạo gồm Bộ Chính trị, phần lớn uỷ viên Trung ương, các quan chức các cấp có quyền lực và bị quyền lực tha hóa, trở thành nhũng tư bản đỏ giàu sang xa rời nhân dân, với các đảng viên ở cơ sở, cũng bị đè nén bóc lột như dân thường. Họ cũng đứng dậy cùng nhân dân đòi tự do và bị nhóm lãnh đạo bất lương đàn áp không thương tiếc. Một số đã rời đảng CS, mong chờ một tổ chức chính trị lương thiện, tiền tiến.
 Cuộc trao đổi sẽ rất hào hứng khi được các blogger tự do tham gia tịch cực và được một nhóm trí thức dân tộc dấn thân mạnh dạn đứng ra chỉ đạo. Đây là trách nhiệm của kẻ sỹ dân tộc giữa thời đất nước lâm nguy. Thanh niên và phụ nữ là 2 động lực mầu nhiệm cho cuộc Phục hưng của dân tộc trên con đường đa nguyên hóa văn minh kịp thời đại. Một số nhân sĩ dân chủ đã cao tuổi nhưng tư duy còn trẻ, khỏe, nên công khai cùng đứng ra thúc đẩy quá trình đa nguyên hóa trong trật tự và tự nguyện làm cố vấn cho tổ chức chính trị mới.
Khi đã có đa đảng, gồm có đảng CS và 1 hay vài đảng mới xuất hiện, sinh hoạt chính trị đa nguyên sẽ sôi nổi sinh động trong khuôn khổ luật pháp, để công dân có thể định kỳ lựa chọn thật sự người đại diện cho mình. Các tổ chức quần chúng như công đoàn, thanh niên, phụ nữ…cũng sẽ phân hóa thành những tổ chức đa nguyên, đa dạng, ganh đua bình đẳng, do đó luôn giữ mình trong sạch, làm việc có hiệu quả xã hội, tôn trọng và phục vụ xã hội công dân.
Từ nay đến cuối năm 2013 là thời gian vừa đủ cho việc trao đổi phong phú chuẩn bị để đầu năm 2014 có thể xuất hiện tổ chức chính trị đối lập, cạnh tranh lành mạnh với đảng CS hiện nắm độc quyền lãnh đạo. Mọi sự độc quyền đều chứa đựng nguy cơ tha hóa, gây tai họa không thể lường hết cho xã hội, từ mất độc lập, bị ngoại xâm gặm nhấm, từ tàn phá kinh tế, biển thủ kinh hoàng về tài chính quốc gia, đến băng hoại thê thảm về đạo đức và văn hóa, làm nhục quốc thể, cuộc sống toàn dân đầy bi kịch và bất an.
Trong xã hội và trên thế giới ảo của các blogger đã bàn luận khá nhiều về hiện tình đất nước và những giải pháp. Nay đã đến lúc phải hành động và hành động cụ thể để cứu dân, cứu nước khỏi cuộc trầm luân khốn khổ đã kéo quá dài, vượt quá sự chịu đựng của toàn dân ta.
Dấn thân lập ra một tổ chức chính trị lương thiện, chung lòng chung sức, với thiện chí và bao dung, chấp nhận trạng thái đại đồng tiểu dị, luôn tâm niệm xây dựng dân chủ vì dân, nhất định chúng ta sẽ đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, đi vào kỷ nguyên dân chủ, viết tiếp lịch sử oanh liệt của dân tộc, xứng đáng với ông cha, tạo tương lai vững bền cho các thế hệ nối tiếp.
Việc chuyển biến về chất của xã hội Việt Nam như trên sẽ là thành quả nỗ lực trực tiếp của đồng bào thân yêu ở trong nước. Cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài, phần lớn đã mang quốc tịch khác, là người nước ngoài gốc Việt, khó lòng làm được việc gì hơn là cổ vũ và hỗ trợ từ xa. Chỉ riêng thái độ tận lực ủng hộ những việc làm đúng đắn kịp thời, không gây khó khăn trống đánh xuôi kèn thổi ngược, luôn đồng thanh tương ứng với đồng bào đứng dậy đấu tranh ở trong nước, là một đóng góp quý báu vào tiến trình lịch sử.
Bùi Tín
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)

Huỳnh Ngọc Chênh - Cùng nhau ta đi... nhập kho


Dạo rày tự dưng bọn thế lực thù địch tung tin đồn nói xấu chế độ tốt đẹp của ta hơi bị nhiều.

Chúng liên tục tung tin sắp tới sẽ cho người nầy nhập kho, cho người kia đi giáo dục làm như chế độ ta được dựng lên là để chuyên đi bắt dân không bằng. Chúng đưa ra danh sách 4 người, rồi danh sách 5 người, rồi danh sách 10 người...và mới đây nhất, theo nhà văn đáng kính Nguyễn Trọng Tạo, từ Bắc Kinh gởi về danh sách đến 20 người. Nghe cái danh sách nầy, Nguyễn Trọng Tạo phải thốt lên: Bắt hết nhân dân thì sống với ai.

Lúc đầu nghe bọn xấu tung ra danh sách 4 người gồm Nhất, Đào, Chênh, Lập* mà trong đó đã có 2 người đi theo 258 rồi, tôi run quá. Chị em, con cái nghe đến cũng hoảng hốt. Con gái út buộc ba phải thề không được viết blog nữa và nửa đêm đang ngủ bên nhà mẹ, cứ giật mình thức dậy, thảng thốt gọi điện qua nhà ba để biết ba vẫn còn ở nhà mới yên tâm đi ngủ lại.
Các chị tôi đều trên 60, cũng sợ không kém. Cả tuổi ấu thơ của chị em nhà tôi là sống trong cảnh ba tôi vì theo cộng sản phải đi tù. Mà ba đi tù thì không phải ít. Sau 54, ba phải đi cải tạo đến 4 năm. Sau đó về rồi, hầu như năm nào, đến ngày lễ lạc hay bầu cử gì đó, ba lại bị bắt giam từ một đến vài tháng. Các chị tôi kể, những năm tháng đó cả nhà sống trong cảnh nơm nớp lo âu, đêm đêm nghe tiếng chó sủa là thức dậy cả nhà, chạy ra chạy vào nghe ngóng. Tôi lúc đó còn nhỏ nên vô tư. Thời ba ở đến 4 năm, tôi chẳng biết gì vì còn quá bé. Chỉ nghe kể lại là tôi đi bú chực khắp xóm, vú bà nào có con cùng tuổi với tôi, tôi đều ngậm đến, thậm chí cả những bà đã ngưng sinh đẻ, không có sửa, tôi cũng ngậm càn vì quá đói.. Khi ấy mẹ phải chạy chợ gấp đôi, đi từ sáng sớm tinh mơ, lúc tôi chưa thức dậy, đến nửa đêm lúc tôi đã ngủ khì mới về nên cả ngày các chị phải bồng quanh xóm bú chực. Thời đó không có gì ăn nên trẻ con bỏ bú rất trể. Sau nầy vào năm 74, sau khi đậu cử nhân, tôi xênh xang áo mũ về quê, đang đi giữa đường làng thì bị một bà già kéo lại, phạch ngực ra ghì đầu tôi vào đó hỏi: Mi có còn nhớ cái dzú già ni không? Tôi hoảng hồn nhưng rồi cũng bẻn lẻn phì cười.

Vào giai đoạn mỗi năm ba bị bắt một lần, tôi đã lớn hơn, nhưng cũng chẳng biết gì. Rất nhiều lần ba bị bắt mà đến sáng ngủ dậy nghe mọi người đến thăm hỏi xôn xao tôi mới hay biết mặc dù tối nào tôi cũng được ngủ chung với ba. Chỉ có một lần duy nhất tôi được chứng kiến cảnh ba tôi nửa đêm bị bắt ra khỏi nhà. Lần đó nghe tiếng ồn ào, tôi giật mình thức giấc thấy trong nhà đầy lính. Ba tôi ngồi trên bộ bàn ghế đặt giữa nhà có vài người không mặc đồ lính ngồi quanh. Các chị tôi khóc như ri. Mọi người nói chuyện gì với nhau tôi không còn nhớ. Tôi chỉ nhớ đến bây giờ câu hỏi của mẹ: Đợt ni lâu may để chuẩn bị đồ đạt? Không nhớ những người kia trả lời cái gì. Sau đó thì ba tôi đi ra khỏi nhà với mọi người, không thấy bị trói vì tôi còn nhớ, trước khi đi ba xoa đầu tôi bảo vào ngủ đi.

Tôi vào ngủ lại đến sáng hôm sau thì dậy chạy u qua nhà thằng Phùng bạn tôi cũng có cha thường bị bắt giống ba tôi hỏi thăm. Nghe cha nó cũng bị bắt khi hôm, tôi rất mừng và hai thằng cùng vui như tết vì sẽ được tự do quậy phá thỏa thích do không có ba ngăn cấm. Ngược lại có những lần chỉ mình ba bị bắt, tôi buồn lắm. Thằng bạn tôi cũng buồn vì tôi được tự do còn hắn thì vẫn còn cha ở nhà cấm đoán nầy nọ.

Út cưng của tôi bây giờ cũng thế. Ban đầu nghe mẹ và chị thầm thì về danh sách 4 người mà đã có hai người nhập kho thì hoảng hốt cứ bám riết theo tôi để tôi không còn thời gian viết blog. Nhưng cho đến bây giờ khi nghe danh sách lên đến 20 người thì Út cưng cũng hết sợ. Nó bảo có các chú vào đông đúc ba cũng vui, làm như trong ấy người ta cho các chú tụ tập lại chung một chỗ như đi trẫy hội không bằng. Hơn nữa, thấy ti vi chiếu cảnh tù sung túc của Cù Huy Hà Vũ, Út cũng yên tâm là ở trong nhà tù XHCN ưu việt luôn luôn được đối xử nhân đạo không như cảnh nhà tù Côn Đảo của thực dân đế quốc mà Út thấy trên tivi. Tâm trạng tôi thì luôn tùy thuộc vào tâm trạng Út cưng. Út sợ thì tôi sợ theo, ban đầu tôi sợ lắm, run đến mất ngủ, bây giờ Út hết sợ tôi cũng chẳng sợ gì.

Bạn bè cũng rất quan tâm lo lắng, ngay từ khi tôi còn ở Paris có người đã nhắn tin qua khuyên đừng nên về. Giống như Huy Đức bây giờ, có lẽ cũng lắm người khuyên nên...người ơi người ở đừng về. Ngớt đi được một thời gian, rồi khi rộ lên các danh sách, bạn bè lại lo lắng khuyên can. Cũng có nhiều bạn sợ quá, sợ bị liên lụy, không dám liên hệ, không dám hỏi thăm, tình cờ gặp nhau trong quán cà phê, quán nhậu cũng không dám đến gần. Nhiều người làm như cứ ở gần tôi là bị lây nhiểm rồi bị đưa vào danh sách không bằng! Không hiểu chế độ tốt đẹp của ta làm thế nào mà người dân sợ đến thế? Chắc do bọn phản động tuyên truyền tung tin bậy bạ nên người dân nghe theo tưởng chế độ ta xấu thiệt.

Ngược lại có nhiều bạn bè rất tốt, rất bình thường. Vẫn cứ đều đặn thăm hỏi, đều đặn rủ rê đi ăn chơi tiệc tùng. Có khi còn hơn bình thường, lại rủ rê nhiều hơn và câu nói giỡn đầu môi của họ là: Cho ông ăn chơi thỏa thích chứ chẳng còn mấy ngày nữa. he he. Còn những bạn bè đã từng ở tù dưới chế độ cũ sốt sắng bày biểu kinh nghiệm.

Anh Hạ Đình Nguyên, một cựu tù Côn Đảo, thông qua lá thư gởi Cù Huy Hà Vũ đã truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý giá khi ở tù. Tôi đọc thư ấy không chỉ xúc động đến khóc mà còn rút ra được nhiều điều bổ ích.

Mới đây, vào một buổi trưa, vì nghe đâu danh sách có tên tôi, bạn đồng hương Lê Tự Quảng, một cựu tù Côn Đảo khét tiếng, từng bị biệt giam trong chuồng cọp, bổng dưng điện thoại hỏi: Mi đang ở mô? Đang ở Thủ Đức- Tôi trả lời. Ở yên đó, tau chạy lên. Thế là từ Tân Bình, vượt qua gần 20 cây số, giữa trưa nắng chang chang, người cựu tù Côn Đảo chạy đến nhà tôi với đầy đủ rượu mồi. Vừa nhậu hắn vừa dạy cho tui biết bao nhiêu kinh nghiệm đấu tranh trong tù. Để hắn say sưa cho thỏa lòng rồi tôi mới nói: Nhưng nhà tù bây giờ nghe không giống gì với ngày xưa. Hắn cười hề hề: Ừ, nhưng cũng rứa thôi.

Hôm đi chơi Cam Ranh với nhóm nhà báo Sài Gòn, có hai nhà báo cựu tù là anh Võ Như Lanh và anh Đoàn Khắc Xuyên. Lúc tửu hậu khi nghe nói đến các danh sách, anh Võ Như Lanh nói với Nguyễn Quang Lập, Đỗ Trung Quân và tôi: Các ông bây giờ vui, cứ nghe đồn sắp bắt mà chẳng thấy bắt, làm cả thế giới quan tâm theo dõi hàng ngày, xem thử bị bắt chưa. Hồi thời bọn tôi, chưa kịp nghe chi hết đã bị bắt rồi. Những thằng còn lại sợ quá lo tuôn vào rừng.

He he, ngày xưa có rừng để trốn, bây giờ thì có chỗ nào chui? Thôi thì..."hãy cứ vui như mọi ngày, dù ngày mai không ai thăm nuôi" như Đỗ Trung Quân vẫn nghêu ngao hát.

Hôm qua nghe Nguyễn Trọng Tạo nói về danh sách lên đến 20 người, thì bao nhiêu chút sợ hãi còn vương vất lại trong chúng tôi đều bay đi sạch. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, từ Hà Nội bay vào với tâm trạng phơi phới rủ chúng tôi đi nhậu. Nghe nói anh cũng có tên trong danh sách nầy.

Rượu vào rồi thì chuyện tới trời cũng xem như chuyện đùa bỡn. Những bạn bè ngồi trong bàn mà không có tên trong danh sách tự dưng thấy thiệt thòi. Nhưng các bạn ấy cũng không ganh tị và tự nguyện phân công nhau lo thăm nuôi những người được xem là có tên. Nguyện vọng thăm nuôi của nhà văn Nguyễn Quang Lập là một cái laptop, nếu có ba gờ nữa thì càng tốt để anh tiếp tục viết blog và liên lạc với thế giới bên ngoài. Nhà thơ kiêm họa sĩ Đỗ Trung Quân thì cần giá vẽ với màu xịn để vẽ và một chút ánh trăng qua cửa sổ...để làm thơ. Còn nguyện vọng của tôi: Cứ gởi đều đặn viagra vào. Các bạn hỏi: Để làm gì trong đó? Tôi nói: Buồn quá để đục vô tường chơi cho vui. he he.

Đỗ Trung Quân nổi tiếng với bài hát cải biên "Cùng nhau đi Bình Hưng Hòa" mà mỗi lần y hát lên, thiên hạ cười phọt cả rượu ra ngoài. Nay y nghêu ngao: Cùng nhau ta đi nhập kho... Lại cười đến sặc gạch!

Mai kia, bọn phản động mà lại có danh sách 30 hoặc 40 người tung ra thì chắc vui hơn nữa. he he.

Huỳnh Ngọc Chênh
(Blog Huỳnh Ngọc Chênh)

Nguyễn Bá Thanh nói về bỏ phiếu tín nhiệm

Sau một thời gian vắng bóng trên truyền thông, Trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng CSVN Nguyễn Bá Thanh vừa xuất hiện trở lại với một số phát biểu đáng chú ý trước cử tri TP Đà Nẵng.
Báo trong nước đưa tin ông Thanh, đại biểu Quốc hội khóa XIII, vừa có cuộc tiếp xúc cử tri sáng thứ Hai 24/6.
Ông Nguyễn Bá Thanh đã không được bầu chọn vào vị trí bổ sung Bộ Chính trị Đảng CSVN tại Hội nghị Trung ương 7 hồi tháng Năm. Điều này bị cho là sẽ kìm hãm vai trò trưởng ban nội chính của ông.
Bản tin về cuộc tiếp xúc cử tri ngày 24/6 trên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho hay ông Thanh đã đề cập tới câu hỏi của một cử tri về việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm cho 47 vị trí lãnh đạo chính phủ và nhà nước mới đây, rằng "những người có phiếu tín nhiệm thấp thì phải xử lý như thế nào, chẳng lẽ để hòa cả làng?”.

Ông Nguyễn Bá Thanh
Ông Nguyễn Bá Thanh nói không nên ca ngợi việc bỏ phiếu tín nhiệm
Ông Nguyễn Bá Thanh cho biết, người phải có hai lần nhận phiếu tín nhiệm thấp thì lúc đó mới xem xét bỏ phiếu tín nhiệm hay không tín nhiệm.
Ông tỏ vẻ hoài nghi về hiệu quả của quy định này: “Chờ đến khi đó thì cán bộ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm cũng vừa hết nhiệm kỳ rồi”.
Ông Thanh nói: “Có người bảo lấy phiếu tín nhiệm là hết nhóm lợi ích, cán bộ sẽ tốt hơn thì chưa chắc. Đừng ca ngợi việc này quá".
Ông trưởng ban nội chính giữ ý kiến cho rằng "đây mới chỉ là bước khởi đầu, cần phải từ từ xem cách đó đã tốt hay chưa".
"Còn bảo lấy phiếu tín nhiệm là bảo bối rồi thì không phải như vậy.”
'Đà Nẵng không gây thất thu 3.400 tỷ'
Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo Chính phủ và Nhà nước được công bố sáng 11/6 tại Quốc hội đã không gây bất ngờ, với toàn bộ 47 vị được bầu quá bán.
Các lá phiếu của các đại biểu Quốc hội được chia làm ba loại: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
"Ở các nước, họ không làm như cách của mình. Trong quá trình làm, họ thấy anh nào có vấn đề thì họ bắt anh đó điều trần, giải trình, chất vấn công khai rồi bỏ phiếu bất tín nhiệm cho thôi việc." - Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội, người vừa được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị tại Hội nghị 7 tháng trước, đạt số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là 372 phiếu. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đạt số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là 209 phiếu.
Tuy nhiên, số phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm của ông Bình vẫn là 88 (17,67%) và 194 (38,96%), cộng lại là 56,63%, quá bán.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng được 210 đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm cao, 122 phiếu tín nhiệm và 160 phiếu tín nhiệm thấp.
Trong khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét kết quả bỏ phiếu rất tốt và 'khách quan', nhiều nhà quan sát cho rằng nó chỉ có tác dụng cảnh báo.
Báo nước ngoài thì nhận xét rằng đáng ra phải bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Ông Nguyễn Bá Thanh cũng nói với cử tri sáng 24/6: "Ở các nước, họ không làm như cách của mình".
"Trong quá trình làm, họ thấy anh nào có vấn đề thì họ bắt anh đó điều trần, giải trình, chất vấn công khai rồi bỏ phiếu bất tín nhiệm cho thôi việc."
Một chi tiết khác, là ông vẫn khẳng định Đà Nẵng không gây thất thu hơn 3.400 tỷ đồng vì chính sách đất đai như kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Ông nói Ủy ban Nhân dân thành phố "không chấp nhận con số mà Thanh tra Chính phủ nêu ra và đã báo cáo với Thủ tướng, Bộ Chính trị".
Ông cũng nhắc lại: "Các chính sách và quản lý nhà nước về đất đai của TP Đà Nẵng là không sai".
Không hiểu động thái này của ông Thanh sẽ mang lại kết quả gì, khi từ tháng Ba, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định không cho Đà Nẵng tiếp tục giải trình về việc này.
Theo đó, TP Đà Nẵng sẽ phải thực hiện kết luận mà ông thủ tướng đã đưa ra trước đó là kiểm điểm chủ tịch, các phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các tổ chức, cá nhân có liên quan (thời kỳ 2003-2011); và thu hồi triệt để về ngân sách số tiền phải nộp.
(BBC)
 

Báo cáo Bộ Chính trị về vụ đất đai ở Đà Nẵng

Sáng 24-6, ông Huỳnh Ngọc Sơn (phó chủ tịch Quốc hội) và ông Nguyễn Bá Thanh (trưởng Ban Nội chính trung ương) cùng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng đã tiếp xúc cử tri các quận Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng giải thích rõ cho người dân biết vụ kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối năm 2012 về việc TP Đà Nẵng gây thất thoát 3.400 tỉ đồng trong quản lý đất đai.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Thanh nói: “Việc Thanh tra Chính phủ cho rằng Đà Nẵng gây thất thoát 3.400 tỉ đồng, đại biểu Quốc hội ai cũng biết cả. Có điều từ ngữ dùng không giống nhau, một số báo thì nói gây thất thu, một số báo nói thất thoát. Còn trong kết luận của Thanh tra Chính phủ có chỗ ông nói thất thu, chỗ ông nói thất thoát. Thật ra số tiền 3.400 tỉ đồng mà Thanh tra Chính phủ kết luận là diễn ra trong 10 năm, có hai khoản lớn mà UBND TP Đà Nẵng không chấp nhận. Rồi thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng không chấp nhận con số ông (Thanh tra Chính phủ - PV) nêu. Thành ủy Đà Nẵng đã có báo cáo Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ”.
http://image.vietstock.vn/2013/06/25/bao-cao-bo-chinh-tri.png
Ông Nguyễn Bá Thanh trả lời ý kiến của cử tri về vụ kết luận của Thanh tra Chính phủ - Ảnh: Hữu Khá
Hai vấn đề lớn mà ông Thanh đề cập chiếm trên dưới 3.000 tỉ đồng trong số 3.400 tỉ đồng mà Thanh tra Chính phủ kết luận thất thoát. Thứ nhất, UBND TP Đà Nẵng miễn giảm 10% cho người dân giải tỏa đền bù, cho doanh nghiệp nếu nộp tiền một lần.
“Trước đó năm 2000, nghị định 38 CP của Chính phủ cho giảm 20%, nơi nào trên toàn quốc cũng được giảm như thế. Đến năm 2002, Đà Nẵng mới áp dụng, nói vấn đề này để nói lên rằng chủ trương này Chính phủ đã có trước chứ không phải Đà Nẵng tự ý làm. Phải nói cho sòng phẳng với nhau như thế, Chính phủ cho 20% nhưng Đà Nẵng giảm có 10%.
Nhưng lưu ý một điều là Chính phủ ra nghị định năm 2000, ông (Chính phủ) áp dụng đến năm 2004 thì cho dừng lại, còn TP Đà Nẵng lại kéo rê ra thêm một năm nữa, tức là đến hết năm 2005. Sang đến năm 2006, TP Đà Nẵng mới xin chủ trương Chính phủ cho tiếp tục. Kết luận đưa ra nói đoạn năm 2005, ông (Chính phủ) chưa có ý kiến đồng ý, thật ra xin thì ông cũng đồng ý thôi, lâu nay làm cái đó có hiệu quả nhiều mặt. Riêng khoản này là 1.300 tỉ, gọi là thất thu”.
Vấn đề thứ hai là việc tính giá chuyển quyền sử dụng đất.
Theo ông Thanh, ví dụ một lô đất chỉ có 100m2 ở trên đường 2-9 (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) giá 2 tỉ đồng (tương đương 20 triệu đồng/m2), nhưng trên trục đường đó mà một lô đất 5.000m2 hoặc 10.000m2 thì giá bình quân của nó chỉ 12-13 triệu đồng/m2.
Ông Thanh lý giải: “Bởi vì lô đất 100m2 người ta mua được phép xây dựng công trình trên 100% diện tích đất. Còn lô đất 5.000m2 không thể xây hết 100%, Nhà nước chỉ cho họ xây 50-60% diện tích đất, diện tích còn lại là bãi đỗ xe, cây xanh...
Quan điểm của TP Đà Nẵng là không thể lấy giá một lô đất nhỏ rồi so với giá một lô đất lớn, sau đó quy ra là thất thoát. Ông cứ tính cái lô 100m2 kia giá 20 triệu đồng/m2, còn lô này 5.000m2 giá 13 triệu đồng/m2, chênh lệch nhau 7 triệu đồng thế rồi nhân lên là nói thất thoát”.
Ông Thanh cho biết cách đây ba tuần, Thanh tra Chính phủ đã đồng ý với quan điểm của UBND TP Đà Nẵng, dù “trước đây rất căng”.
(Tuổi trẻ)

Thanh tra Chính phủ “bật” lại ông Nguyễn Bá Thanh

Thanh tra Chính phủ chiều 25-6 đã “bật” lại lời phát biểu của ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, cho rằng cơ quan này đã đồng ý với quan điểm của UBND TP Đà Nẵng về kết luận thanh tra sai phạm đất đai tại TP này.

Ông Nguyễn Bá Thanh trong một lần gặp gỡ người dân khiếu nại ở Đà Nẵng
Chiều nay 25-6, Cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ (www.thanhtra.gov.vn) đã đăng tải thông tin phản hồi phát biểu của ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, được đăng trên báo chí xung quanh kết luận thanh tra sai phạm đất đai tại TP Đà Nẵng.
Theo Thanh tra Chính phủ, sáng 25-6, Báo Tuổi Trẻ TP HCM có đăng bài viết “Báo cáo Bộ Chính trị về vụ đất đai ở Đà Nẵng”, trong đó phản ánh về cuộc tiếp xúc cử tri tại TP Đà Nẵng ngày 24-6 của ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Trả lời cử tri về những vấn đề xung quanh đến kết luận thanh tra đất đai ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh đã nói rằng: “Việc Thanh tra Chính phủ cho rằng Đà Nẵng gây thất thoát 3.400 tỉ đồng, đại biểu Quốc hội ai cũng biết cả. Có điều từ ngữ dùng không giống nhau, một số báo thì nói gây thất thu, một số báo nói thất thoát. Còn trong kết luận của Thanh tra Chính phủ có chỗ ông nói thất thu, chỗ ông nói thất thoát. Thật ra số tiền 3.400 tỉ đồng mà Thanh tra Chính phủ kết luận là diễn ra trong 10 năm, có 2 khoản lớn mà UBND TP Đà Nẵng không chấp nhận. Rồi Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng không chấp nhận con số ông (Thanh tra Chính phủ - PV) nêu. Thành ủy Đà Nẵng đã có báo cáo Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ”.
Ông Thanh còn nói cách đây 3 tuần, Thanh tra Chính phủ đã đồng ý với quan điểm của UBND TP Đà Nẵng.
Tuy nhiên, trong thông báo phát đi chiều nay, Thanh tra Chính phủ đã khẳng định kết luận của Thanh tra Chính phủ về những vi phạm của TP Đà Nẵng trong quản lý nhà nước về đất đai làm thất thu ngân sách nhà nước là có cơ sở pháp lý và đã được các bộ, ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia ý kiến.
Kết luận này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và đến nay Thanh tra Chính phủ không thay đổi quan điểm trong nội dung kết luận thanh tra.
Thanh tra Chính phủ khẳng định không có việc đồng ý với quan điểm nào khác của UBND TP Đà Nẵng như lời ông Nguyễn Bá Thanh đã nói.
Trước đó, hồi tháng 1-2013, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; đặc biệt là một số dự án đầu tư có liên quan đến quản lý, sử dụng đất trong thời kỳ 2003-2011.
Thủ tướng cũng đã đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ kiểm điểm chủ tịch, các phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các tổ chức và cá nhân có liên quan (thời kỳ 2003-2011) theo phân cấp quản lý cán bộ, đã vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất đai liên quan đến việc xác định giá thu tiền sử dụng đất; giảm tiền sử dụng đất phải nộp cho các đơn vị và cá nhân gây thất thu ngân sách trên 3.434 tỉ đồng; chấm dứt việc giao đất (bán đất) theo hình thức ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất…

  Thế Kha
( Theo nld )

Tạm đình chỉ Giám đốc Đài PT-TH Thái Bình vì lơ là chống bão số 2

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình vừa ký Quyết định số 1297/QĐ-UBND về việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Vũ Anh Thao, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Phát thanh-Truyền hình (Đài PT-TH) tỉnh Thái Bình để làm rõ những vi phạm trong việc thông tin chống bão lụt.
Quyết định 1297 ghi rõ thời gian tạm đình chỉ là 15 ngày, kể từ 17 giờ ngày 23.6. Nguyên nhân đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm của ông Vũ Anh Thao trong việc thực hiện trách nhiệm phát tin về dự báo và công tác thông tin tuyên truyền phòng, chống cơn bão số 2 theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh.
Cùng ngày 23.6, Chủ tịch UBND T.Thái Bình cũng ký Quyết định số 1298/QĐ-UBND, giao cho ông Vũ Văn Nghiêm, hiện là Phó giám đốc Đài phụ trách đài và nhận trách nhiệm Ủy viên Ban PCLB tỉnh trong thời gian tạm đình chỉ công tác đối với ông Vũ Anh Thao.

Trụ sở Đài PT-TH Thái Bình
Theo thông tin của Thanh Niên Online, lúc 15 giờ 23 phút, tại trụ sở UBND tỉnh, Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo các ngành Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp phát triển nông thôn, Thanh tra tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh.
Đại diện các ngành này sau khi xem xét  đã thống nhất đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Vũ Anh Thao.
Một thành viên tham dự cuộc họp này cho biết: công tác chống bão số 2 được tỉnh Thái Bình đặc biệt coi trọng. Để đối phó với cơn bão số 2, lãnh đạo tỉnh và các ngành của Thái Bình đều xuống địa bàn trực. Tuy nhiên, việc thông tin, tuyên truyền của Đài PT-TH tỉnh lại rất thưa thớt, không đáp ứng được yêu cầu đề ra của tỉnh. Đây là lý do để thống nhất đề nghị Chủ tịch tỉnh tạm đình chỉ công tác Giám đốc đài.
Được biết, trước đó, trong Quyết định thành lập Ban chỉ huy PCLB tỉnh ngày 13.2.2013, ông Vũ Anh Thao, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Đài PT-TH được giao trách nhiệm Ủy viên, thuộc Tiểu ban Tiền phương, trực tiếp phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền.
Đến ngày 5.4, UBND tỉnh tục ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về tăng cường công tác phòng chống bão lụt, giao cho Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đài PT-TH “đảm bảo mạng thông tin thường xuyên và kịp thời về diển biến mưa, lũ, bão…chống tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với lũ, bão, thiên tai”.
Tuy nhiên, đến sáng 23.6, khi bão số 2 đã đổ bộ vào đất liền, Chi hội Nhà báo Đài PT-TH vẫn tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2013- 2015 do ông Vũ Anh Thao chủ trì.
Một người dân ở phường Lê Hồng Phong, TP.Thái Bình cho biết: "Cả ngày 23.6, bật ti vi đợi chỉ thấy Đài Thái Bình đưa vài tin thưa thớt về bão số 2. Đến 17 giờ chiều cùng ngày, khi bão chính thức vào thì thấy Đài phát gần 1 giờ về chương trình phát động giải báo chí tỉnh do Hội Nhà báo triển khai. Chúng tôi đành xem thông tin về bão từ các kênh khác".
Hiện Thanh tra tỉnh và các ngành chức năng đã tiến hành thu thập thông tin, điều tra về trách nhiệm của Giám đốc Đài PT-TH Thái Bình.
  Hoàng Long
( Thanhnien ) 
 

Hướng dẫn Snowden làm thế nào biến khỏi nước Mỹ

Nếu các quan chức Mỹ đạt được con đường của họ, chuyến du hành vòng quanh thế giới của cựu nhà thầu của Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) Mỹ coi như “đứt gánh giữa đường” ngay trong sân bay Sheremetyevo.

Snowden bay khỏi Hong Kong hôm 23.6. Ảnh: businessinsider.com
Kẻ lộ tin đang phi nước kiệu xuyên địa cầu, bị kết tội liên bang sau khi tiết lộ cho các tổ chức truyền thông những chi tiết tuyệt mật về các chương trình do thám của Mỹ, đã được chính quyền Trung Quốc cho phép bay ra khỏi Hong Kong hôm 23.6. Nhưng chuyến đến Moscow của ông ta không được mĩ mãn như mong đợi. Nhà cựu thầu của NSA đã hụt một chuyến bay của hãng hàng không Aeroflot mà ông đã đặt vé đi Havana – có thể vì phía Nga đã bắt ông để thẩm vấn và giờ đây tung tích của ông ở đâu vẫn chưa được biết.
Hãy coi như bạn là một nguồn tin bất hợp pháp nổi tiếng nhất thế giới về thông tin nhạy cảm của một chính quyền quyền lực nhất thế giới. Bạn sẽ dựa vào những lợi thế nào để thoát khỏi sự bủa lưới của Chú Sam?
Chắc chắn ý tưởng hay là thoát khỏi nước Nga. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là liệu phía Nga có giao Snowden hay không. Washington đã xích lại gần với Moscow hơn bao giờ kể từ khi xảy ra vụ đánh bom của một người gốc Checnya tại cuộc thi marathon Boston. Sau các vụ tấn công, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với các phóng viên rằng sự hợp tác về cưỡng chế giữa hai nước đã đạt những tầm mới. Còn một điểm lợi cho Snowden là, Nga không có hiệp định dẫn độ với Mỹ và một lịch sử chứa chấp những người Mỹ bỏ trốn trong Chiến tranh lạnh, chẳng hạn như kẻ bị tình nghi làm gián điệp và cựu nhân viên CIA Edward Lee Howard. Các nhà chức trách Nga cũng nói với Washington Post rằng bao lâu mà Snowden còn ở trong khu vực transit của sân bay, về mặt kỹ thuật ông ấy không ở trên đất Nga – và vì thế họ không có thẩm quyền bắt ông ta. Nhưng Nga đã từng không chứa chấp người bỏ trốn trong nhiều thập kỷ: từ 2002, trong thực tế, Nga đã dẫn độ ba kẻ bỏ trốn về Mỹ, theo Cơ quan Marshall’s Service.
Cuba là một câu chuyện khác. Nếu Nga cho phép Snowden đặt vé lại chuyến bay đến Havana, phía Cuba chắc là sẽ không dẫn độ ông ấy. Cuba hiện nay chứa chấp hàng chục phần tử của một nhóm khủng bố người Basque mà Mỹ đang truy nã, theo tờ Miami Herald.
Liệu cú bọc lót của Julian Assange đã sẵn sàng chưa? Với sự cho phép của Cuba, Snowden có thể bay đến Ecuador, nơi mà ông ta xin tỵ nạn. Mặc dầu Ecuador đã ký một hiệp định dẫn độ với Mỹ vào những năm 1970, nhưng vẫn có những kẽ hở. Năm ngoái Ecuador cho nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange, lúc đó đang trú tại đại sứ quán của nước này ở London, tỵ nạn. Trong khi Ecuador chưa cho phép Snowden tỵ nạn, nước này đã cấp cho Snowden những giấy tờ lánh nạn tạm thời cho phép ông mua vé ở Cuba sau khi giấy thông hành Mỹ của ông bị vô hiệu lực hôm 22.6.
Chơi lá bài nạn nhân (và dấu bớt mặt vào trong một cái nón). Nếu Snowden không xin được tỵ nạn của Ecuador, ông ta sẽ đi đâu và đến đó như thế nào? Theo tờ Guardian, Wikileaks đã tiếp cận với Băng Đảo nhân danh Snowden. Băng Đảo có một hiệp định dẫn độ lâu đời với Mỹ, nhưng nước này đã áp dụng những tiêu chuẩn riêng về tư pháp khi ra quyết định ai có thể bị dẫn độ. Nhằm có được phép tỵ nạn ở Băng Đảo, Snowden cần phải thuyết phục các toà án ở Băng Đảo rằng ông ta đã trở thành một nạn nhân bị bức hại của Chính phủ Mỹ.
Không đến đây. Hoặc đây. Snowden không nên lẫn trốn tại Canada , Colombia, Brazil, Mexico, hoặc hầu hết các nước Caribê. Ngoài Cuba và Ecuador, các nước này đã từng trả hàng trăm kẻ bỏ trốn về Mỹ để khởi tố hàng năm. Mexico đặc biệt có ích: các biệt đội được huấn luyện săn lùng những tội phạm bị Mỹ truy nã; theo cơ quan Marshall’s Service, hầu hết những kẻ bỏ trốn này bị truy nã về tội buôn lậu thuốc phiện.
Những nơi ẩn náu an toàn nhất là những nơi hạn chế tự do nhất. Snowden có thể thử đến Iran, Triều Tiên, hoặc Syria, nhưng ông ta không tự cho phép đứng về phía những chế độ không cho dân của họ những quyền cơ bản của con người và bảo về quyền tự do ngôn luận của họ - điều mà ông ta tuyên bố ông ta nhân danh.
Là một nhân viên lữ hành tốt. Đặt cược tốt nhất của ông ta là châu Phi, nơi mà chỉ có vài nước ký những hiệp định về pháp lý với Mỹ để dẫn độ những kẻ bỏ trốn. Từ năm 2002, chỉ có 18 người đã bị dẫn độ về Mỹ tính trên cả lục địa. Nhưng Snowden nên đến châu Phi, và dù điều đó hơi khắc nghiệt, vì rằng có một ít chuyến bay thẳng đến đó từ Moscow. Các đô thị có đường bay thẳng – Lagos, Nigeria; Johannesburg, Nam Phi; Nairobi, Kenya – tất cả đều có hiệp định dẫn độ với Mỹ. Và những hãng không bay thẳng đến châu Phi, kể cả Qatar Airways, Turkish Airlines, và Ethiopian Airlines, chắc là không muốn tự dây vào trường hợp này.
Nếu Snowden ra khỏi Moscow, dường như chỉ có một điều chắc chắn: lộ trình cho điểm đến cuối cùng sẽ dằng dặc và loanh quanh.

KHỞI THỨC (THEO BLOOMBERGBUSINESSWEEK)
( Theo Sgtt ) 

Nga phủ nhận có liên hệ với Edward Snowden

Edward Snowden. Ảnh ngày 06/06/2013.
Edward Snowden. Ảnh ngày 06/06/2013. (REUTERS/Courtesy of The Guardian/Glenn Greenwald/Laura Poitras/H)

Ngày 25/06/2013, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov phủ nhận hoàn toàn các liên hệ giữa Matxcơva với cựu nhân viên an ninh Mỹ Edward Snowden, bị Hoa Kỳ truy lùng vì tội « gián điệp ». Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của chính quyền Nga trong vụ việc này. Tuy nhiên tuyên bố của Matxcơva không mang lại ánh sáng nào về hành tung của ông Edward Snowden.

Trả lời phỏng vấn báo giới, Ngoại trưởng Nga tuyên bố : « Chúng tôi không có bất cứ liên hệ nào với ông Snowden, cũng không dính dáng gì đến các quan hệ của ông ấy với tư pháp Mỹ, cũng như việc đi lại của người này ». Cũng theo ngoại trưởng Lavrov, « Snowden không vượt qua biên giới nước Nga và chúng tôi cho rằng các mưu toan cáo buộc Nga vi phạm luật của Hoa Kỳ và gần như là dàn dựng một mưu đồ, cùng với các đe dọa đối với chúng tôi, là không có cơ sở và không thể chấp nhận được. »

Theo các nhà quan sát, phản ứng đầu tiên của chính quyền Nga chỉ làm tăng thêm những bí ẩn bao quanh cựu nhân viên Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA).

Edward Snowden bị Hoa Kỳ cáo buộc làm gián điệp, vì tiết lộ các thông tin về hệ thống theo dõi điện thoại và mạng internet ở Mỹ và ở nước ngoài. Nếu bị kết án, Edward Snowden có thể bị phạt tù đến 30 năm.

Từ ngày 20/06/2013, Edward Snowden tỵ nạn tại Hồng Kông. Ngày Chủ nhật 23/06/2013 vừa qua, có tin là nhân vật này đã lên một chiếc máy bay của Aeroflot để sang Nga, nhằm tìm kiếm một nơi tỵ nạn ở Nam Mỹ. Có thể là ở Venezuela hoặc ở Ecuador. Tuy nhiên, không một ai nhìn thấy cựu nhân viên NSA tại Nga, sau khi thông tin này được truyền đi và có rất nhiều thông tin mâu thuẫn về nơi ở và hành trình của ông Snowden.

Hôm qua, 24/06, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đe dọa Trung Quốc và Nga về các hậu quả trong quan hệ với Washington, cụ thể là việc cựu nhân viên NSA có thể được tự do di chuyển từ Hồng Kông sang Nga. Trong cuộc trả lời báo giới hàng ngày vào hôm qua, người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney nhắc lại rằng Washington đã gửi mọi giấy tờ cần thiết cho Hồng Kông để dẫn độ ông Snowden về Mỹ, và chính quyền Hồng Kông đã không có phản bác nào về việc này. Theo phát ngôn viên Nhà Trắng, việc để Edward Snowden rời Hồng Kông không nằm trong quyền hạn của hải quan sân bay, mà ắt hẳn phải do quyết định của chính quyền Bắc Kinh.

Thông tín viên của đài phát thanh quốc tế Pháp RFI, Jean-Louis Pourtet tại Washington cho biết thêm tổng thống Mỹ Barack Obama cố ý giữ một khoảng cách với hồ sơ này, để không bị trực tiếp dính vào vụ bê bối bùng lên sau khi cựu nhân viên NSA bỏ trốn.
Trọng Thành (RFI)

Snowden 'vẫn chưa rời khỏi Nga'

Tin mới nhất cho hay công dân Mỹ Edward Snowden vẫn đang ở trong khu vực quá cảnh tại sân bay quốc tế ở Moscow, theo lời xác nhận của chính Tổng thống Vladimir Putin.


Nhiều tin tức trái ngược về Edward Snowden

Trước đó, Ngoại trưởng Nga nói nước ông không hề liên quan đến kế hoạch bay của “kẻ chạy trốn” Edward Snowden trong lúc quan chức Hoa Kỳ tiếp tục đòi trao nộp ông cho họ.

Ông Snowden đã bay từ Hong Kong sang Moscow hôm Chủ nhật.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố ông này chưa hề đi vào biên giới Nga.

“Chúng tôi không hề liên quan ông Snowden, quan hệ của ông ta với luật pháp Mỹ, hay sự đi lại trên toàn cầu của ông ta,” ông Lavrov nói.

Bình luận này dường như ám chỉ ông Snowden vẫn ở khu vực quá cảnh tại sân bay sau khi hạ cánh xuống Moscow, và về thủ tục thì chưa đặt chân vào lãnh thổ Nga.

'Hãy đi cho nhanh'

Nay ông Putin phát biểu rằng ông Snowden vẫn là 'người tự do' nhưng ông càng sớm chọn nơi đến thì càng tốt.

Tổng thống Nga cũng nói rằng chuyến bay đến Nga của ông Snowden là "hoàn toàn bất ngờ" và các cáo buộc Nga có tham gia chuẩn bị đón ông ta là "bịa đặt".


Sân bay Sheremetyevo trở thành điểm thu hút báo chí quốc tế vì vụ Snowden

Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn từ sân bay Sheremetyevo ở Moscow nói ông Snowden đến Moscow chiều Chủ nhật và lẽ ra hôm sau sẽ bay tới Cuba.

Nhưng rốt cuộc, ông không bay đi Cuba.

Nguồn này nói bên cạnh ông là Sarah Harrison, một người nghiên cứu luật pháp của Anh làm việc cho nhóm Wikileaks.

Trước đó, Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích Nga và Trung Quốc sau khi Edward Snowden rời Hong Kong đi Moscow.

Tổng thống Barack Obama nói Mỹ đang cân nhắc "mọi kênh pháp lý" để truy bắt Snowden.

Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry phát biểu rằng nếu như Nga và Trung Quốc giúp ông ta trốn dẫn độ thì thật là "đáng thất vọng".
(BBC)

Lạm phát tại Việt Nam gia tăng trở lại

Một gian hàng gạo tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 23/01/2013.
Một gian hàng gạo tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 23/01/2013. (REUTERS/Kham)

Với tỷ lệ 6,36 % trong tháng 5 và 6,69% trong tháng 6, lạm phát tại Việt Nam đã gia tăng trở lại trong bối cảnh chính quyền siết chặt chính sách tiền tệ để "chống vật giá leo thang".

Theo thống kê chính thức công bố ngày 25/06/2013, tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam trong tháng Sáu là 6,69%. Tiếp theo đợt lạm phát phi mã 23% vào năm 2011, chính quyền Việt Nam đã nhiều lần nâng lãi suất chỉ đạo, hy sinh tỷ lệ tăng trưởng. Nhưng trong những tháng gần đây, tình trạng doanh nhân bị phá sản, công ty bị khánh tận đã tăng đến mức chóng mặt, hàng trăm ngàn vụ trong năm qua, nhà nước buộc phải thay đổi hướng, giảm lãi suất chỉ đạo để kích thích tăng trưởng.

Trả lời phỏng vấn của AFP, nhà kinh tế Lê Đình Ân, nguyên giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế thẩm định : "sự kiện lạm phát tăng nhẹ phản ánh hiệu quả của chính sách kích cầu. Tuy nhiên, giá cả tăng ít cũng chứng tỏ kinh tế trì trệ. Nếu tình hình này này kéo dài thì rất khó vực dậy kinh tế".

Trong quý một 2013, kinh tế Việt Nam tăng chậm lại với 4,89% sau năm 2012 được 5,03%.
Tú Anh (RFI)

Biển Đông: Chọn đủ thẩm phán cho vụ Philippines kiện Trung Quốc

Quang cảnh một phiên xử tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển
Quang cảnh một phiên xử tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS)

Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) đã chọn xong thẩm phán cuối cùng tham gia ủy ban đặc trách xem xét đơn kiện của Philippines về « đường lưỡi bò » của Bắc Kinh. Trong thư đề ngày 21/06/2013, Tòa án Liên Hiệp Quốc đã thông báo cho chính quyền Manila biết quyết định chọn thẩm phán Thomas Mensah, người Ghana, để bổ sung vào số 5 thành viên thuộc tòa án trọng tài.

Ông Mensah, nguyên là thẩm phán của Toà án Quốc tế về Luật Biển từ năm 1996 đến năm -2005, được đề cử thay thế thẩm phán Chris Pinto, người Sri Lanka. Ông này đã xin rút tên ra khỏi ủy ban trọng tài hồi tháng 05/2013, ít lâu sau khi được bổ nhiệm. Nguyên nhân khiến ông Pinto phải từ chức, đó là vì vợ ông là người Philippines.

Như vậy, Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc chuyên trách vụ kiện của Philippines bao gồm các ông Jean-Pierre Cot người Pháp, Alfred Soons người Hà Lan, Thomas Mensah, người Ghana, cùng với thẩm phán Đức Rudiger Wolfrum, được Philippines chọn làm đại diện cho Manila, và thẩm phán Ba Lan Stanislaw Pawlak đã được Chánh án ITLOS cử thay mặt Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện.

Với việc chọn xong các thẩm phán, các cuộc điều trần trong khuôn khổ vụ kiện có thể bắt đầu, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Trọng Nghĩa (RFI)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét