Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Bài viết đáng chú ý

Kami - Đang có một liên minh chống Tổng Bí thư?

Hôm nay 16.4 báo Tuổi trẻ đưa tin tại phiên họp ngày 15-4 của UB Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã kêu lên rằng "Tôi là dân tôi cũng sợ mấy ông lắm rồi". Ngoài ra Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn lưu ý "Các đồng chí cứ vẽ ra lắm loại giấy tờ như vậy là tôi không chịu, có ra Quốc hội tôi cũng nói như vậy”. Một người ở cương vị Chủ tịch Quốc hội một khi nói ra câu này ở một nơi nghiêm túc hẳn là một chuyện không bình thường.
Làm người lãnh đạo cao cấp giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, thì câu nói của ông Nguyễn Sinh Hùng không thể là câu nói đùa, mà là một câu nói có chủ ý phản ảnh nỗi bức xúc của người đứng đầu cơ quan lập pháp trong công việc. Hẳn khi nói ra điều này, trong tâm ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chắc là phải có những vấn đề bức xúc lắm? Cũng có nhiều khả năng sự bức xúc ấy liên quan đến vấn đề bệnh trạng của đảng CSVN hiện nay, được ví như người bị ung thư đã đến mức di căn, hết thuốc chữa dù đã chắc chắn không qua thoát khỏi cái chết nếu không thay đổi. Bây giờ kể cả cái bài sửa đổi Hiến pháp cũng như người bệnh cùng đường, chỉ còn cách vái tứ phương để chữa bệnh tinh thần. Chứ nếu không có sự thay đổi thật sự một cách sâu sắc thì chết là cái cầm chắc, không phải bàn cãi. Cho nên nó cũng là lý do khiến truyền thông nhà nước, một mặt ra sức tuyên truyền nhằm che đậy những phản ứng bất bình trong dân chúng ngày càng dâng cao trong việc góp ý sửa đổi Hiến pháp. Một mặt thì lo đối phó với tình trạng đấu đá giữa các của các phe nhóm trong đảng một cách có hệ thống. Sự bất đồng này không chỉ là sự cay cú về mặt lợi ích giữa các phe phái, mà phải thấy rằng nó ở tầm mức nguy hiểm hơn. Đó là bất đồng về tư tưởng.
Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng vậy, nếu tinh ý chúng ta sẽ thấy các xu hướng về ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi Hiến pháp hay quan điểm của Việt nam về chủ quyền Biển Đông đang thay đổi hàng ngày. Cái mà người ta bảo nó cũng như cái phong vũ biểu, sẽ biểu thị phe phái nào trong đảng đang ở thế thượng phong. Mấy ngày gần đây, sau cuộc họp chuyên đề về Hiến pháp của Chính phủ, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì,  với nhiều kiến nghị với những nội dung quan trọng thì  ta thấy truyền thông của đảng lại đổi giọng. Nhớ lúc trước, trong các ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp thì thấy, nào là giữ điều 4 là do nguyện vọng của nhân dân, chỉ ÐCS Việt Nam mới có đủ khả năng tập hợp lực lượng, trở thành hạt nhân của khối đoàn kết dân tộc, rồi Hiến pháp là thể chế hoá cương lĩnh và nghị quyết của Đảng hay đảng CSVN đã "đứng mũi chịu sào" với bao nhiêu hy sinh to lớn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước nên xứng đáng là đảng cầm quyền duy nhất. v.v... Tóm lại là bằng cách tìm mọi lý do, lý trấu để cho thấy sự tồn tại của điều 4 Hiến pháp là cần thiết và đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là hợp tình hợp lý, phù hợp với lịch sử. Đến hôm nay, không hiều mấy ông tướng, tá GS, TS mấy bữa trước vừa khẳng định những điều "là lựa chọn tất yếu của lịch sử, là thể hiện nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân..." như đinh đóng cột đã đi đâu hết? Khi mà luồng ý kiến đổi tên nước thành Việt nam Dân chủ Cộng hòa hay nội dung về nội dung bảo vệ Tổ quốc, UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho biết riêng điều 70 đang có hai phương án. Phương án một, giữ nguyên như Hiến pháp hiện hành. Phương án hai, sửa đổi quy định hiện hành và sửa lại so với dự thảo trình lần đầu. Đó là, "lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Đảng cộng sản Việt Nam" và còn nhiều vấn đề khác cũng phải chấp nhận sửa đổi để phù hợp với lòng dân. Đó là cái tất yếu phải làm trong tình hình chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể hiện tại buộc đảng và chính quyền phải xem xét những đòi hỏi hay nguyện vọng được đa số dân chúng ủng hộ. Đó là tình hình không thể đảo ngược được.
Điều này cho thấy, phe giáo điều của ông Trọng và cộng sự thân Trung quốc thì ra sức bảo vệ quan điểm đi theo con đường Xã hội Chủ nghĩa với một hệ thống pháp luật chuyên chính vô sản mà đảng CSVN đã theo đuổi từ hàng chục năm nay. Phe này có lập trường dựa vào một Trung quốc Xã hội Chủ nghĩa để bảo vệ sự tồn tại của đảng CSVN, theo phương châm Trung quốc còn thì còn đảng mình. Ngược lại, phe của đồng chí X thì đang cố gắng để tỏ ra mình có xu hướng cải cách và tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Với hy vọng để cứu vớt uy tín chính trị của ông Thủ tướng hai nhiệm kỳ. Còn ông Tư S. thì nếu để ý sẽ thấy cũng đang dần dần ngãng ra khỏi phe ông Trọng. Bằng chứng là việc ông Chủ tịch nước về thăm Quảng nam lãnh địa của ông Nguyễn Xuân Phúc, cánh tay phải của đồng chí X (kẻ tử thù của Trưởng Ban Nội chính TW Nguyễn Bá Thanh) và ra thăm đảo Lý sơn không phải là một chuyện ngẫu nhiên. Liệu có phải đây là bước ngoại giao mang tính đột phá của ông Chủ tịch nước, là cái bắt tay mở đầu cho lên minh Ba - Bá - Tư? Cũng như vấn đề đảo Lý Sơn, nơi có cộng đồng ngư dân chuyên hành nghề ở khu vực biển gần quần đảo Hoàng Sa nhất, được cho như "đảo tiền tiêu" trong các hoạt động đánh bắt, đồng thời cũng là biểu tượng khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển này. Cộng với việc hải quân Việt Nam và hải quân Hoa kỳ sẽ có các hoạt động trao đổi tại Đà Nẵng vào ngày 21.4.2012 sắp tới, giữa lúc có tin không chính thức lực lượng hải quân Hoa kỳ sẽ tham gia việc bảo vệ chủ quyên Việt nam trên Biển Đông. Đó là những tin tức đặc biệt quan trọng. Những cái đó cho thấy hình như gió đã bắt đầu xoay chiều.
Khi mà một bên đồng chí X đã thay mặt chính phủ lật ngược ván cờ sửa đổi Hiến pháp, thì một bên đồng chí Tư S. nhân danh Chủ tịch nước đã lật bài ngửa rõ ràng quan điểm của Việt nam trong vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung quốc. Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng một con người khôn lỏi, theo lối gió chiều nào che chiều ấy. Với kiểu giả say giả tình, nói những câu tưởng chừng ngây ngô không ăn nhập vào đâu, nhưng lại là kẻ chuyên dùng chước vứt xương cho chó cắn nhau. Cả Tổng Trọng, Tư S, và đồng chí X suốt thời gian qua là nạn nhân của ông ta mà không hay biết. Điều đó cho thấy ông Trọng đang thất thế và vai trò của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng càng trở nên hết sức quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn sửa đổi Hiến pháp đang gần kết thúc. Nếu để ý kỹ, khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đều băn khoăn về tính khả thi của kế hoạch thông qua một số luật quan trọng, trong chương trình năm 2014 trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2015), vì chưa rõ Hiến pháp mới sẽ quy định về nội dung này như thế nào. Nghĩa là rất có khả năng có một sự thay đổi đáng kể trong sửa đổi Hiến pháp.
Cái bắt tay của bộ ba Sinh Hùng, Tư S, và đồng chí X lúc này là cần thiết hơn bao giờ hết. Trước ngưỡng cửa Hội nghị Trung ương 7 và kỳ họp Quốc hội thường niên là cơ hội để "giải quyết" cho đồng chí Lú về nghỉ giữa nhiệm kỳ theo dự kiến của đại hội đảng CSVN khóa 11 đã cơ bản thống nhất để mở đường cho một Tổng Bí thư đảng kiêm Chủ tịch nước. Cũng vì sự phân tán quyền lực giữa Tổng Bí thư đảng và Chủ tịch Nước và Thủ tướng là một sự bất cập lớn hiện nay trong chế độ độc đảng lãnh đạo. Điều chồng chéo này kéo dài trong nhiều chục năm qua ở Việt nam đã thấy rất nhiều nhược điểm, vì nó không có tính chất kiểm tra để điều chỉnh. Mà người ta chỉ lợi dụng danh nghĩa đảng để lấy đảng quyền thay cho pháp quyền trong việc can thiệp vào công việc của cơ quan hành pháp và lập pháp. Mà  ở đây nó chỉ tạo điều kiện cho các cấp lãnh đạo ghen tỵ rồi tìm cách tạo dựng phe nhóm lợi ích để chống phá lẫn nhau. Tạo ra tình trạng ghe ăn, tức ở kiểu thằng không làm bắt lỗi thằng làm hoặc làm nhiều. Đây là một bất cập lớn cần phải giải quyết. Giải pháp khả thi nhất là tập trung quyền lực về một Tổng Bí thư kiêm vai trò Chủ tịch nước. Nhưng sự hợp nhất hai chức vụ hàng đầu vào làm một sẽ kích thích tính đối đầu giữa các phe nhóm trong việc tranh giành quyền lực. Trong bối cảnh đó sẽ hình thành nhiều liên minh chính trị ma quỷ mà chúng ta không thể ngờ nổi. Nhưng chắc chắn sẽ phải có sự triệt hạ đối thủ bởi nó là sự tranh giành quyền lực một mất một còn.
Do vậy cần phải hiểu việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng "phàn nàn" cơ quan hành pháp tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội như trên đã nói, chỉ là một lời nhắc khéo tới đồng chí X thay cho một tín hiệu. Nội dung của thông điệp nhắc khéo này là gì thì chỉ có họ mới đủ khả năng để hiểu rõ và biết họ sẽ phải làm gì?
Nhưng chắc chắn những ngày này đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí bạn vàng bên nước lạ thì lo sốt vó!
Ngày 16 tháng 4 năm 2013
© Kami - RFA Blog's

Vũ Trung - Không đưa chủ nghĩa Mác-Lênin vào hiến pháp mới

Trước hết cần xác định khái niệm chủ nghĩa Mác- Lênin mà chúng tôi đề cập đến trong bài viết này.
Chủ nghĩa Mác-Lênin mà lâu nay chúng ta nhận thức và vận dụng được tiếp thu chủ yếu qua các tài liệu, sách vở của Liên xô cũ. Đến nay chúng ta đã thấy rằng, hệ thống lý luân mà ta gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ là những tư tưởng của Mác, Ăng-gen thời còn trẻ, thể hiện tập trung trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (1848). Những tư tưởng này, vào những năm cuối đời, nhất là sau thất bại của Công xã Pa ri (1871) Mác và Ang-gen đã thấy không thích hợp với thực tiễn do đó hai ông, đặc biệt là Ang-gen đã điều chỉnh, sửa đổi theo xu hướng dân chủ xã hội, thể hiện trong tổ chức và hoạt động của Quốc tế II. Lênin đã bác bỏ xu hướng dân chủ xã hội của quốc tế II và lập ra Quốc tế III với nội dung giữ lại những tư tưởng thời trẻ của Mác Ăng-gen, chủ yếu tập trung trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản, phát triển hơn nữa những tư tưởng này theo nhu cầu của cách mạng vô sản ở nước Nga. Những nhà yêu nước Việt nam đã chấp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, gia nhập Quốc tế III, chủ yếu và trước hết vì Quốc tế III ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa.
Chúng tôi cho rằng, cần bỏ luận điểm về vai trò chủ đạo của chủ nghĩa Mác lênin trong đời sống chính trị-xã hội của nước ta, được ghi trong Lời nói đầu và trong điều 4, nói về sự lãnh đạo của Đảng trong hiến pháp hiện hành (1992) vì những lý do sau đây:
Một là, qua quá trình phát triển cuả nhận thức, của lí luận chính trị xã hội,qua sự khảo nghiệm của thực tiễn cách mạng ở nước ta cũng như trên, thế giới đã thấy rõ học thuyết Mác – Lênin ngay từ đầu đã có những luận điểm không đúng, hoặc có những luận điểm đã bị thực tiễn cách mạng diễn ra trong suốt một thế kỉ ở Liên xô và các nước thuộc hệ thống XHCN trong đó có nước ta là không còn phù hợp nữa.
Hai là, việc áp dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền bắc nước ta cũng như trên phạm vi cả nước sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ chẳng những không đem lại hiệu quả mà còn đưa đến những tổn thất kìm hãm nặng nề sự phát triển kinh tế xã hội. Trong những năm cuối thập kỉ 80 và đầu thập kỉ 90 của thế kỉ trước đứng trước tình hình đặc biệt khó khăn: nền kinh tế sa sút đình trệ, đời sống nhân dân thiếu đói kiệt quệ, chúng ta buộc phải thực hiện những đổi mới căn bản về kinh tế. Thực chất cuộc đổi mới này là từ bỏ những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về kinh tế như xóa bỏ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, chấp nhận nền kinh tế thị trường, cho phép phát triển kinh tế tư nhân, cho phép các nhà doanh nghiệp được thuê nhân công( không giới hạn về số lượng lao động và qui mô kinh doanh) v.v. Cuộc đổi mới đó đã cứu đất nước ta thoát khỏi nạn đói và đạt những tiến bộ rõ rệt. Nhưng do sự giới hạn của nhận thức về con đường đi lên CNXH chúng ta chỉ mới tiến hành những đổi mới trên lĩnh vực kinh tế mà rất ngần ngại dè dặt tiến hành những đổi mới trong lĩnh vực chính trị. Chúng ta cho rằng, đổi mới chính trị là một vấn đề rất nhậy cảm “chỉ một bước xẩy chân có thể đưa đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống” như tình hình đã diễn ra ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Chính vì thế mà sự đổi mới về kinh tế vẫn còn chắp vá và không triệt để vẫn chưa khắc phục được những sai lầm đem lại tổn thất (thái độ và cách sử lý đối với thành phần kinh tế quốc doanh), mặt khác chúng ta chưa có những đổi mới chính trị,vẫn luyến tiếc hệ thồng chính trị theo “mô hình Xô Viết” vì vậy cho đến nay, tuy chúng ta vẫn giữ được sự ổn định chính trị nhưng thực tế ngày càng chứng tỏ đó chỉ là sự ổn định bề ngoài, một sự ổn định chứa đầy mâu thuẫn. Những mâu thuẫn naỳ đã dần dần đẩy ta lâm vào “một cuộc khủng hoảng toàn diện sâu sắc đe dọa sự tồn vong của Đảng và của chế độ” (phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng) Nếu ta vẫn bám giữ học thuyết đã lỗi thời mà loài người, trong đó có một bộ phận quan trọng là Liên xô và các nước XHCN Đông Âu đã dứt khoát từ bỏ, nếu ta vẫn cố níu giữ “ cái vòng kim cô” trên đầu và cái “mai rùa” trên lưng.tức là lý luận Mác–Lênin và mô hình chính trị xã hội Xô Viết thì chúng ta không thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng vô cùng trầm trọng hiện nay, càng không thể nói đến việc hoạch định con đường đi đến tương lai, hòa mình vào dòng chảy của nền văn minh nhân loại, mãi mãi bị giam hãm, thậm chí ngày càng lún sâu trong vòng yếu kém lạc hậu.
Ba là, với tư cách là một chính đảng được nhân dân giao cho quyền lãnh đạo xã hội, đảng Cộng sản Việt Nam không thể tự giới hạn mình vào một chủ thuyết, nhất là chủ thuyết đó là một hệ thống lý luận đã bộc lộ nhiều điểm không chính xác đã từng dẫn đến những sai lầm và tổn thất trong hoạt động thực tiễn .Việc khẳng định vai trò chủ đạo mà thực sự là độc tôn của chủ nghĩa Mác-Lênin trong đời sống xã hội đã cản trở chúng ta tiếp thu và vận dụng những thành quả to lớn của nhận thức loài người trong đó có những học thuyết về kinh tế xã hội do nhiều nhà khoa học kiệt xuất sáng tạo nên và được cả loài người công nhận trong những năm gần đây. Một mặt khác điều đó cũng cản trở việc thu hút, tập hợp một cách rộng rãi tất cả mọi lực lượng trong xã hội, thực hiện một cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao vị thế và sức mạnh của dân tộc. Bất kỳ xã hội nào, nhất là những xã hội văn minh, hiện đại phải là sự thống nhất của cái da dạng, sự tập hợp và phát huy mọi lực lượng xã hội không phân biệt lực lượng ấy theo chủ thuyết nào, thậm chí hệ tư tưởng nào. Đối với chúng ta, sự tập hợp đó được thực hiện chỉ trên một cơ sở duy nhất: Đó là tình yêu đối với tổ quốc, sự tôn trọng hiến pháp và pháp luật, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, cùng chung lòng góp sức một nước Việt Nam giầu mạnh, công bằng dân chủ và văn minh. Một thói xấu của người Cộng sản mà chính Lê-nin đã nhiều lần phê phán là bệnh “kiêu ngạo Cộng sản” luôn cho rằng chỉ có mình mới đúng, mới yêu nước, mới cách mạng. Ngày nay chúng ta đã nhận ra rằng “lòng yêu nước cũng có nhiều hình thức và con đường khác nhau.”
Bốn là, việc tuyên truyền phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin như một hệ tư tưởng chủ đạo trong xã hội đặc biệt là việc giảng dạy, giáo dục chủ nghĩa Mác–Lênin cho thế hệ trẻ trong nhà trường chẳng những không đem lại kết quả tốt đẹp, mà còn gây ra những hệ quả tiêu cực. Thế giới ngày nay là một thế giới phẳng, các kênh thông tin đa dạng phong phú, đặc biệt là hệ thống thông tin mạng toàn cầu( riêng nước ta hiện nay đã có hơn 30 triệu máy vi tính đang hoạt động) đem lại cho con người những hiểu biết đa chiều, phong phú chứ không chỉ giới hạn qua những kênh thông tin “chính thức” của nhà nước cũng như qua hoạt động giảng dạy trong nhà trường. Nhiều người trong đó có thế hệ trẻ đã thấy hệ thống lý thuyết Mác-Lênin không phù hợp với đời sống hiện thực, từ đó nhận ra trong xã hội vẫn tồn tại phổ biến tình trạng lý luận xa rời, thậm chí đối lập với thực tiễn, trái với những điều người ta được mắt thấy tai nghe trong đời sống. Nhiều học giả có quá trình nghiên cứu giảng dạy lý luận Mác-Lênin, có uy tín cao về trình độ khoa học, về phẩm chất đạo đức cũng phải thừa nhận rằng: “Trong bao năm qua chúng ta đã lừa dối mọi người và lừa dối chính mình” (xem bài phát biều của Giáo sư Trần Phương, nguyên ủy viên TƯ Đảng nguyên phó thủ tướng chính phủ, chủ tịch hội kinh tế Việt Nam trong cuộc hội thảo góp ý kiến cho cương lĩnh đại hội Đảng lần thứ X1). Điều đáng buồn và cũng đáng lo ngại là bản thân những người dạy môn lý luận Mác-Lênin nhiều khi cũng không tin vào những điều mình rao giảng nhưng vẫn phải cố hoàn thành bài giảng theo yêu cầu của chương trình. Về phía người học cũng đã thấy rõ những điều thầy trình bày thiếu sức thuyết phục nhưng vẫn cứ phải nghe, phải học cho thuộc và trả bài cho “đúng”. Họ ngộ ra rằng: Thầy giáo, báo đài, thậm chí cả một số nhà lãnh đạo “nói vậy mà không phải vậy!”. Đó chính là căn nguyên của bệnh lừa dối ngày càng lan tràn và trở thành một lối sống của xã hội ta hiện nay. Từ đó càng làm giảm sút niềm tin đối với Đảng và nhà nước.
Chúng ta không vội vã bắt chước nhưng cũng cần bình tĩnh, tỉnh táo xem xét thái độ và cách sử lí của loài người trong đó có những nước vốn đã từng đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, kể cả Trung quốc đối với chủ nghĩa Mác-Lênin để lựa chọn cho mình những giải pháp thích hợp và hiệu quả...
Hà nội, ngày 15 tháng 3 năm 2013
PGS. TS. Vũ Trung

Tổ quốc Việt nam hay Tổ quốc Việt nam XHCN?

Chưa khi nào mình đọc xong một bài báo lại có cảm giác bị tra tấn theo kiểu “loa phường” như khi đọc bài Tổ quốc không thể không gắn với chế độ xã hội trên báo QĐND của cặp tác giả Bắc Hà – An Huy. Mấy lâu nay, gặp những bài viết theo phong cách “loa phường” như thế, mình chẳng quan tâm nữa, dù biết rằng có những tờ báo tồn tại bằng tiền thuế của dân nhưng không đem lại điều gì hay ho bổ ích mà chỉ tổ làm cho người đọc “inh tai nhức óc”,  “hoa mắt hoa mũi” mà thôi.
Nhưng đối với bài viết của cặp Bắc Hà – An Huy nói trên thì khó có thể ngồi yên, bởi nó đã đụng đến một khái niệm vô cùng thiêng liêng đối với mọi người, đó là Tổ quốc.
Nhìn chung, bài viết nói trên có đủ các yếu tố để coi như là phần nhai lại, trả bài chính trị của một cậu sinh viên lười biếng: nhạt nhẽo, sống sượng và cả kệch cỡm.
Tuy nhiên, có một đoạn rất “nguy hiểm” mà mình xin trích lại ở đây:
“Thực tiễn cho thấy, trong lịch sử nhân loại không hề có Tổ quốc phi lịch sử, không gắn với một chế độ xã hội nào, không gắn với một lực lượng cầm quyền nào. Tổ quốc mà không gắn với xã hội, không gắn với dân cư thì đó chỉ là hoang đảo. Dân tộc mà không gắn với xã hội với truyền thống thì chẳng khác nào nói đến một cộng đồng dân cư còn ở thời kỳ hoang dã hoặc rơi vào chứng mất trí nhớ như trong phim ảnh mà người ta dựng lên nhằm mục đích giải trí. Tương tự như vậy, nói đến Tổ quốc mà không nói đến chế độ xã hội, không nói đến lực lượng cầm quyền chẳng khác nào nói về sở hữu mà không nói đến chủ thể sở hữu là ai.
Đối với dân tộc ta, một dân tộc với hàng ngàn năm lịch sử, Tổ quốc bao giờ cũng gắn với một chế độ xã hội, một lực lượng cầm quyền nhất định nào đó. Chẳng hạn: Thời Lý, Tổ quốc ta là nơi “Vua Nam ở” (Nam quốc sơn hà, Nam đế cư - Thơ Thần - Lý Thường Kiệt); Thời Trần, Tổ quốc trước hết là “thái ấp”, Nhà Trần là “xã tắc tổ tông” (Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo)… Tổ quốc Việt Nam ngày nay là đất nước do ông cha để lại, đã là một quốc gia độc lập, thống nhất do nhân dân ta làm chủ”
Thật là một kiểu lý luận quàng xiên, lừa mị, đánh tráo khái niệm đến mức lố bịch, chỉ nhằm đạt được mục đích: Tổ quốc phải gắn với thể chế chính trị, gắn với lực lượng cầm quyền.
Theo Từ điển Tiếng Việt 1992 của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Tổ quốc là “Đất nước, được bao đời trước xây dựng và để lại, trong quan hệ với những người dân có tình cảm gắn bó với nó”.
Như vậy, Tổ quốc Việt Nam từ trước đến nay, và mãi mãi về sau là chỉ có một. Hơn nữa, Tổ quốc và quốc gia là hai khái niệm gần nhau chứ không đồng nhất. Nói Tổ quốc Việt Nam ngày nay đã là một quốc gia độc lập, thống nhất do nhân dân ta làm chủ” là đã cố tình đánh tráo khái niệm nhằm gài vào đó yếu tố chế độ chính trị và lực lượng cầm quyền.
 Bên cạnh đó, không thể nói một cách hồ đồ và hỗn láo rằng có Tổ quốc Việt Nam thời Lý, Tổ quốc Việt Nam thời Trần, Tổ quốc Việt Nam ngày nay… Các chế độ chính trị, các lực lượng cầm quyền chỉ là những miếng ghép bé nhỏ so với sự vĩ đại và thiêng liêng của khái niệm Tổ quốc. Những chế độ chính trị hay lực lượng cầm quyền nào gắn bó với Tổ quốc, coi Tổ quốc là trên hết, coi lợi ích của dân tộc và của nhân dân trên lợi ích của giới cầm quyền thì sẽ được lịch sử trân trọng và ngợi ca. Bằng như ngược lại, chỉ có thể nói về chế độ chính trị và lực lượng cầm quyền đó là của lũ người như Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc … bị đời đời nguyền rủa mà thôi. Hà cớ gì cặp tác giả Bắc Hà – An Huy lại láo xược đòi hỏi “Tổ quốc phải gắn với chế độ xã hội, phải gắn với lực lượng cầm quyền” ?
Cặp tác giả này đưa cái gọi là "chủ thể sở hữu" ra để ví von rất kệch cỡm và trịch thượng: “Tương tự như vậy, nói đến Tổ quốc mà không nói đến chế độ xã hội, không nói đến lực lượng cầm quyền chẳng khác nào nói về sở hữu mà không nói đến chủ thể sở hữu là ai.” Ở đây, phải nói thẳng với cặp tác giả này rằng: cái kiểu ví von cùng những cái “chẳng khác nào” của quí vị là vô cùng phản cảm, đến mức “không thể nào ngửi được”.  
Đã thế, cặp tác giả BH-AH lại còn hỗn hào trích dẫn từ những áng hùng văn của Lý Thường Kiệt và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn để minh chứng cho những ý niệm bệnh hoạn có chủ đích về Tổ quốc: Thời Lý, Tổ quốc ta là nơi “Vua Nam ở” (Nam quốc sơn hà, Nam đế cư - Thơ Thần - Lý Thường Kiệt); Thời Trần, Tổ quốc trước hết là “thái ấp”, Nhà Trần là “xã tắc tổ tông” (Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo)…
Trong Hịch Tướng sĩ, chỉ có một đoạn nói về thái ấp và xã tắc tổ tông: “Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào”.
Cũng theo Từ điển Tiếng Việt nói trên: “Thái ấp là phần ruộng đất của quan lại, quí tộc hay phong thần được nhà vua phong cấp”, còn  “xã tắc tổ tông là đất nước, nhà nước”. Trong ngữ cảnh của Hịch Tướng sĩ thì xã tắc tổ tông chính là đất nước.
Ấy thế mà cặp tác giả này lại nhơn nhơn, coi trời bằng vung khi viết rằng: Tổ quốc trước hết là thái ấp, còn nhà Trần là xã tắc tổ tông ! Coi Tổ quốc chỉ là đám ruộng đất của quan lại quí tộc, còn gì hỗn hào hơn ? Hỗn với tiền nhân, hỗn với Đức Thánh Trần Hưng Đạo, và hơn hết hỗn là với Tổ quốc Việt Nam. Chỉ có những kẻ tâm thần mới có thể viết ra những câu dị hợm, quái đản như vậy mà thôi !
Cứ theo cái tư duy bệnh hoạn nói trên, sẽ không lạ khi một ngày nào đó, cặp tác giả nói trên sẽ tung ra một định nghĩa mới: Tổ quốc trước hết là cái sổ hưu !
Người đọc dễ dàng nhận ra ý đồ của bài viết là: không được nói trống không “Tổ quốc Việt Nam”, mà phải nói rằng “Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Các văn kiện cũng như các giáo trình chính trị đều thừa nhận nước ta đang ở trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Mới đây, mình hỏi một ông thầy dạy chính trị kỳ cựu rằng: Bao giờ nước ta kết thúc chặng đường đầu tiên? Khi nào nước ta sẽ hoàn tất thời kỳ quá độ ? Ông này lí nhí trả lời: Tao cũng chẳng biết nữa, mày hỏi vậy tao biết nói sao !
Cặp tác giả này đã cố đem một khái niệm, một tính chất mơ hồ, không rõ ràng và không hiện thực (vì chưa có, và cũng chẳng biết bao giờ mới có) để gắn vào làm cái đuôi cho Tổ quốc Việt Nam, thật là nực cười.
Nực cười giống hệt như bắt buộc công dân Pháp phải gọi Tổ quốc  là Tổ quốc Pháp tư bản chủ nghĩa, bắt công dân Nhật Bản phải gọi Tổ quốc là Tổ quốc Nhật Bản phong kiến chủ nghĩa, rồi thì bắt công dân ở những xứ độc tài như Bắc Triều Tiên phải gọi Tổ quốc là Tổ quốc Bắc Triều Tiên độc tài chủ nghĩa …!
Cứ đem công thức này áp dụng cho mọi nước trên thế gian thì chắc là phải cười đến vỡ bụng mất thôi.
Với mình, chỉ có một Tổ quốc thân yêu vô vàn, một và chỉ một mà thôi. Đó là nơi kết tinh của quá khứ, hiện tại và tương lai, của tình cảm và lý trí, của sự thiêng liêng và sự vĩ đại . Mình xin được gọi là: TỔ QUỐC VIỆT NAM !
Tâm sự Y Gíao
(Blog Tâm sự Y Gíao)

Đào Tuấn - “Be ghe” và đáy lòng

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa tới thăm ngư dân tại Sa Kỳ và đảo tiền tiêu Lý Sơn với một phong cách tạm gọi là giản dị.
Những bức ảnh trên báo cho thấy ông kê ghế ngồi ngoài trời để đối thoại, nói chính xác hơn là nói chuyện với ngư dân. Phía hậu cảnh, thay cho những khẩu hiệu nhiệt liệt chào mừng, là những con tàu cắm cờ tổ quốc. Không ngẫu nhiên, VietNamNet lựa hai chữ “phỏng vấn” để đặt tít: Chủ tịch nước “phỏng vấn” ngư dân bám biển. Tuổi trẻ thì nói ông kiêm luôn vai MC cho buổi nói chuyện gần 2 tiếng, thực ra là buổi “lắng nghe” ngư dân nói.
Lý Sơn, nơi có “Sói Biển” Mai Phụng Lưu 3 lần bị Trung Quốc bắt, 3 lần táng gia bại sản. Lý Sơn, nơi người An Vĩnh và An Hải thế hệ nối tiếp thế hệ trở thành những hùng binh Hoàng Sa. Và Lý Sơn, với những người phụ nữ chiều chiều đợi chồng trên bậu cửa, với bạt ngàn mộ gió và những lễ khao thề thế lính còn lưu truyền đến tận bây giờ.

Chủ tịch nước “phỏng vấn” ngư dân bám biển
Nhưng Sa Kỳ, nhưng Lý Sơn còn có bao bức xúc muốn nói của cuộc sống.
Ngư dân cho biết “Đảo Bạch Quy, đảo Bom Bay của mình mấy năm trước vào trú được, bây chừ Trung Quốc đuổi quá. Đảo này ở dưới Hoàng Sa, cỡ 16 độ vĩ bắc – 116 độ kinh đông mà nó cũng đuổi. Cách Hoàng Sa khoảng 60 hải lý phía dưới. Ở đó có bãi đá ngầm lúc nổi lúc chìm, cũng bị đuổi”.
Ngư dân thắc mắc phí đường bộ tính vào giá xăng dầu, trong khi ngư dân hoạt động trên biển cũng phải chịu khoản phí này là vô lý.
Ngư dân tâm sự tàu nhỏ không thể vươn ra khơi bám biển dài ngày. Còn ven bờ nguồn lợi thủy sản đã cạn kiệt, bà con ngư dân không thể sống được.
Ngư dân cho biết để đóng tàu mới trên 500 CV cần nguồn vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Chỉ cần Nhà nước giúp ngư dân vay 50% vốn, còn lại ngư dân tự lo là đóng được tàu mới công suất lớn, bà con sẽ yên tâm bám biển dài ngày không sợ thời tiết thất thường cũng như nước ngoài uy hiếp.
Nhưng ngư dân cũng bảo: Vay tiền từ ngân hàng rất khó. Ngư dân không có tài sản thế chấp nên không thể vay được. Nếu vay được thì lãi suất quá cao, đến “không thể kham nổi”.
Trăm thứ khó. Và khó nhất là tiền. Tất cả đều đã được, ngư dân, một cách trực tiếp, nói với một vị nguyên thủ quốc gia.
Đây là câu mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang “nói như trả lời với chính mình”: “Chắc là tiền cho vay bất động sản hết rồi nên mới thiếu vốn cho ngư dân”.
Lý Sơn có câu rằng: Ngày xưa, Ngư dân cách ngư phủ một cái nan tre. Và giờ cũng chỉ cách ngư phủ một cái be ghe (đáy thuyền). Cuộc sinh tồn, ngoài sự vật lộn với bao nỗi nhiêu khê nhọc nhằn, còn là cuộc đánh cược với số phận, bằng chính sinh mạng.
Thật cảm động khi nghe Chủ tịch nước long trọng hứa. Những vấn đề khó khăn hiện nay của ngư dân như nguồn vốn, hay gặp khó khăn trên biển khi đánh bắt sẽ có giải pháp cụ thể. Nhất là lời cam kết bằng mọi giá cũng bảo vệ an toàn cho ngư dân.
Nhưng có một điều cần nói.
Đây không phải là lần đầu tiên những nổi bức xúc được nói ra.
Thưa Chủ tịch nước, giờ là lúc người dân chờ đợi ở Đảng, ở Nhà nước, ở Chính phủ về những chỉ đạo quyết liệt để chính sách đi vào cuộc sống. Để ít nhất, ngư dân không còn phải chịu “phí đường bộ” cho những can dầu đi biển. Để ít nhất, cái “be ghe” của họ không phải chỉ là mảnh gỗ quết dầu. Để ít nhất, tín dụng đen không bòn mót những con cá cuối cùng khi những giọt mồ hôi ngư dân còn chưa kịp khô trên vai áo. Để ít nhất họ không phải chạy trốn như những tên trộm trên chính ngư trường đã từng là truyền thống.
Đào Tuấn
(Blog Đào Tuấn)

Dân chủ Một đảng là gì?

democracy


Dân chủ là một loại hình chính phủ, trong đó các công dân, những người có đủ điều kiện bỏ phiếu được bầu ra các quan chức chính phủ và đại diện. Một đảng chính trị là một tổ chức được tạo thành từ những người chia sẻ phần nhiều hoặc tất cả hệ tư tưởng và những nỗ lực nhằm giành được quyền lực và ảnh hưởng trong chính phủ, thường là bằng các đưa các đảng viên tranh cử vào các chức vụ công quyền. Dân chủ một đảng là nền dân chủ trong đó tất cả các ứng cử viên chính trị và các quan chức chính phủ là thành viên của một đảng duy nhất. Trong hầu hết các trường hợp, các đảng chính trị khác và thậm chí phe đối lập của đảng cầm quyền đều được coi là bất hợp pháp.
Gần như tất cả các nền dân chủ đều có ít nhất hai đảng phái chính trị, nhưng cũng đã có một số nền dân chủ một đảng. Năm 2011, chính phủ ở Syria là một ví dụ về một nền dân chủ độc đảng. Hiến pháp của Syria, được thông qua năm 1973, đã trao quyền kiểm soát chính phủ và xã hội vào tay  đảng xã hội chủ nghĩa  Đảng Ả Rập – đảng Ba’ath.
Ưu và khuyết điểm
Những người ủng hộ một nền dân chủ độc đảng nói rằng sự tồn tại của nhiều đảng chính trị trong một nhà nước tạo ra  bè phái và dẫn đến các vấn đề khi các quan chức được bầu từ các bên đối lập phải đồng thuận với nhau để làm ra các luật và chính sách. Những người ủng hộ này có thể chỉ ra cái goin là bế tắc mà có thể xảy ra khi các thành viên của các đảng đối lập nhau không thể đi đến thỏa thuận và không thể thông qua một đề xuất vì không thể đạt được số lượng tối thiểu phiếu thuận. Những người phản đối dân chủ độc đảng cho rằng đa dạng về ý kiến ​​về việc chính phủ nên hoạt động thế nào được phản ánh tốt nhất khi có nhiều hơn một đảng. Họ nói rằng việc có nhiều đảng chính trị cho phép cân bằng và đại diện đầy đủ hơn cho quan điểm của người dân. Ngoài ra, một số người phê phán nền dân chủ một đảng đã chỉ sự thiếu lựa chọn cho cử tri, bởi vì ngay cả khi có nhiều ứng cử viên trong cuộc bầu cử, tất cả họ đều cùng một đảng và nói chung sẽ có cùng một ý kiến ​​và lý tưởng.
Điều kiện cần thiết để thành công Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng cần phải có những điều kiện nhất định để một nền dân chủ một đảng có hiệu quả có thể tồn tại. Một trong những điều kiện là công dân phải khá thống nhất và đồng ý về định hướng cơ bản cho đất nước và về vai trò của chính phủ trong xã hội. Một điều kiện khác là đảng cầm quyền phải có khả năng khoan dung khá cao để duy trì số lượng đảng viên có các quan điểm khác nhau. Đảng cầm quyền cũng phải giới thiệu  nhiều ứng cử viên để cử tri bầu  vào mỗi chức vụ công quyền, và cần phải có được đồng thuận liên tục của các công dân cho rằng các đảng phái chính trị khác là không cần thiết. Hiếm khi có được những điều kiện này, do đó, một nền dân chủ một đảng có hiệu quả thì khó tìm thấy, và nhiều nền dân chủ một đảng được thành lập cuối cùng cũng phát triển thành nền dân chủ đa đảng hoặc gạt bỏ hoàn toàn ý tưởng có thêm các đảng phái chính trị khác.
Nguyễn Quang dịch, WiseGeek
(Tạp chí Phía trước)

Hiện thực muôn năm: Điện ảnh Việt Nam đang chờ đợi phim về Vụ án Tiên Lãng

Hình ảnh trong phim Bụi đời Chợ Lớn của Charlie Nguyễn
Nửa đêm rầm rầm dàn trận, đao tấu vung vít tít trời, thây phơi đầy đường, máu tuôn ngập cống, đã thế trời lại mưa… Tôi hoàn toàn đồng ý với Hội đồng Duyệt phim Quốc gia rằng hiện thực Việt Nam không như thế. Đây là Bụi đời Chợ Lớn chứ có phải Gangs of New York đâu. Để phản ảnh trung thực hiện thực nước ta, chậm nhất là sau nhát mã tấu thứ hai đâm vào đùi ai đó đạo diễn phải cho một “lực lượng xã hội”, chẳng hạn đại diện tổ dân phố, dân phòng hay tốt nhất là cho công an xuất hiện, như bà Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan gợi ý. Như thế cảnh đánh đấm trong một phim hành động cần đánh đấm rất có khả năng thăng hoa thành đánh đấm hướng thiện, đánh đấm “thấm đẫm tính nhân văn”, như bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội đồng nói trên, mong mỏi.

Đọc báo thì biết rằng để chăn dắt nền điện ảnh hẳn là vị thành niên của nước nhà, chín vị trong Hội đồng này [1] thường có những lí do rất phong phú. Cái này cần cắt vì “tình hình xã hội chưa cho phép”, vì “nhạy cảm”, vì “quá nóng”, vì “không có được ý nghĩa nhân văn cần thiết”, “không phù hợp với văn hóa Á đông”; cái kia cần loại trừ vì “có nội dung thiếu logic” hay “chất lượng kém”. Đặc biệt gây ấn tượng với tôi là lí do cấm một bộ phim vì “không phù hợp với giới trẻ khi cho một nhân vật trong phim giết chết 6 người bạn cùng lớp”. (Chỉ giết 5 bạn và tha cho một bạn thì có “tính nhân văn” hơn không nhỉ?). Đặc sắc hơn nữa là quyết định cắt cảnh một người đàn bà bị đánh ghen, bị lột quần áo đứng giữa chợ, với lí do “diễn viên già, xấu quá, đưa cảnh đó lên làm gì”. (Ôi, tôi không muốn hình dung họ sẽ làm gì với bộ ngực của Maria Antonietta Beluzzi trong Amarcord!)
Diễn viên Maria Antonietta Beluzzi trong phim Amarcord của Federico Fellini
Song vũ khí lợi hại nhất trong tay tất cả các nhà quản lí văn nghệ Việt Nam, tính đến nay đã truyền cho mấy thế hệ, là hiện thực. Văn nghệ sĩ là đám hay cãi. Giỏi cãi đằng giỏi. Dốt cãi đằng dốt. Nhưng cứ giơ nỏ thần hiện thực ra bắn thì đám này câm miệng. Bảo thế này là bóp méo hiện thực – tất nhiên là hiện thực nước ta -, thế kia là không sát với hiện thực, thế kia nữa là không phù hợp với hiện thực thì cãi vào chỗ nào. Hiện thực muôn năm!
Những tác phẩm xa rời hiện thực như Bụi đời Chợ Lớn tất nhiên khó được duyệt, nhưng một bộ phim về Vụ án Tiên Lãng, không cần một hư cấu nào, nguyên vẹn như đã xảy ra, hẳn phải được các nhà lãnh đạo điện ảnh Việt Nam nồng nhiệt hoan nghênh và nóng lòng chờ đợi. Có thể họ sắp phát động một cuộc thi kịch bản điện ảnh về sự kiện đó. Nếu bạn định tham gia, tôi xin gợi ý vài cái tên: Hải Phòng hoa cải đỏ (văn vẻ), Tiên Lãng không tin vào những giọt nước mắt (Tây Liên Xô), Đầm tôm nổi giận (Mạc Ngôn), hay đơn giản là Vươn vào tù.
Tháng 4 17, 2013

Phạm Thị Hoài

© 2013 pro&contra

[1] Gồm: Bùi Đình Hạc (nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh), chủ tịch; Nguyễn Thị Hồng Ngát (nguyên Cục phó Cục Điện ảnh), phó chủ tịch và các thành viên: Nguyễn Hữu Thức (Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương); Lý Phương Dung (Trưởng phòng Nghệ thuật Cục Điện ảnh); Nguyễn Danh Dương (Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia); Vũ Xuân Hưng, Trịnh Thanh Nhã, Phạm Thanh Hà và Đinh Ngọc Mai.

Điều gì ở Hà Nội khiến Tây vừa sốc, vừa thích?

Nhiếp ảnh gia Anh Ben Davis đã chia sẻ những cảm nhận thú vị trong bài viết có tiêu đề “Sốc văn hóa ở Hà Nội” đăng trên website cá nhân của mình.

Một điều khiến tôi chú ý ngay khi đến Hà Nội, và sẽ mất một thời gian để làm quen và chấp nhận, là số người nước ngoài rất đông ở đây. Tôi luôn thích thú với cảm giác cô độc giữa những người bản địa, và cảm thấy mình thực sự được phiêu lưu. Nhưng ở đây, tôi chỉ là một trong vô số khách du lịch mà thôi. Ảnh: Ben Davis.
Cùng với du khách, ba lô, xe máy, nón lá là những ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến Hà Nội.
Hà Nội là một khu rừng. Một mớ hỗn độn của các loại cáp điện bao quanh các trụ điện không khác gì dây leo bám trên cây.
Xe máy thì đông như muỗi. Những người đi bộ phải đi vòng xuống lòng đường vì vỉa hè đã bị chiếm làm chỗ đỗ của những chiếc xe máy khác.
Khi băng qua đường, bạn chỉ cần đi bộ từ từ, họ sẽ đi vòng ra xung quanh bạn.
Mọi thứ đều có thể được chở bằng xe máy.
Tôi đã đi bộ để khám phá phố phường, nhưng không mua sắm bất cứ điều gì và thậm chí các quầy hàng giá rẻ với các mặt hàng có giá cả rất hấp dẫn cũng không thể thuyết phục tôi.
Tôi cảm thấy Việt Nam rất khác với Trung Quốc, vì âm hưởng châu Âu vẫn còn hiện diện ở nơi đây, và mọi người luôn mỉm cười, ở khắp mọi nơi. Các kiến trúc thuộc địa Pháp trông thật mộc mạc, quyến rũ và nhuốm màu sắc tàn phai của thời gian.
Khi tham quan lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số thanh niên người Việt trông giống sinh viên đến gần tôi, nói rằng họ đang học tiếng Anh và muốn thực hành với tôi để hoàn tất bài tập về nhà của mình. Tôi thoáng nghĩ đến lừa đảo, nhưng đồng ý với họ. Họ chụp ảnh tôi bằng điện thoại và phỏng vấn tôi về các chủ đề như ăn uống, chơi trò chơi điện tử lành mạnh của trẻ em. Cuộc trao đổi này khiến tôi có 15 phút thú vị.
Tôi đã đi đến Bảo tàng Lịch sử quân sự, một địa điểm khá hấp dẫn với vô số xe tăng và máy bay được trưng bày bên ngoài.
Tôi cũng nhanh chóng nhận ra Cột cờ Hà Nội, hình ảnh tôi đã gặp khi chơi trò Call of duty.
Những Man-nơ-canh "khỏa thân" trong một quầy hàng.
Đường xe lửa cũ kĩ chạy qua những dãy nhà lụp xụp, một hình ảnh tương phản với dáng vẻ hiện đại của thành phố.
Hồ Gươm sáng sớm, nơi để cảm nhận sự đối lập với một Hà Nội đông đúc và ồn ào.
Tôi đã có một ngày thú vị đầu tiên ở Hà Nội. Tôi bắt đầu cảm thấy thích Việt Nam. Ảnh: Ben Davis.
(Kiến thức)

Đền Hùng, đất thiêng không cần yểm!

Trước vụ việc hòn đá lạ xuất hiện tại đền Thượng thuộc quần thể đền Hùng (Phú Thọ) gây xôn xao dư luận trong mấy ngày qua, Ban quản lý Khu di tích lịch sử đền Hùng khẳng định, vùng đất này rất linh thiêng, không cần yểm. 
Mặt trước hòn đá lạ
Mặt trước hòn đá lạ.

Dù chỉnh sửa một chữ cũng phải có hồ sơ, tuy nhiên, hòn đá lạ đã được lén lút đưa vào đền Hùng từ gần 4 năm trước, nay mới được phát hiện. 
Hòn đá lạ không có trong hồ sơ
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc BQL Khu di tích lịch sử đền Hùng cho biết: Năm 2009, khi tu sửa khu đền Thượng đã có một doanh nhân công đức hòn đá trên. Việc này do Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng văn hóa phương Đông (Hiệp hội Unessco Việt Nam) chứng kiến và làm lễ. 
Thường thì các bác ở đây (ông Nguyễn Tiến Khôi, nguyên Giám đốc BQL Khu di tích lịch sử đền Hùng - PV) sẽ mời pháp sư về làm lễ. Tôi không biết việc đưa hòn đá đó vào đền Thượng đúng hay không đúng, nhưng hòn đá xuất hiện ở đền Thượng là có thật. Thời gian gần đây, rất nhiều người hỏi tôi về ý nghĩa của các dòng chữ trên hòn đá đó, nhưng thú thật là tôi không biết.
“Thứ nhất, đền Hùng vốn dĩ là vùng đất rất linh thiêng, không cần phải yểm. Trên hòn đá có chữ Phạn và chữ Hoa lẫn lộn, nếu làm đúng, nó sẽ mang ý nghĩa quốc thái dân an, nhưng nếu làm sai, nó sẽ rất tệ hại. Trong hồ sơ tôn tạo tu bổ đền Thượng là không có cái đó (hòn đá lạ - PV). 
Nguyên tắc là nguyên tắc, tôi lên đây tiếp quản từ năm 2011, hòn đá lạ không có trong hồ sơ, nếu nó có hồ sơ thì không phải là câu chuyện để chúng ta hôm nay phải ngồi với nhau để bàn”, ông Các nói.
Ông Các phân tích thêm: Hiện nay, hồ sơ về đền Hạ, đền Giếng chặt chẽ tới mức sửa một chữ cũng phải đóng dấu. Hoành phi câu đối có 4 chữ, chúng tôi phải thành lập hội đồng xong rồi mời Viện Hán Nôm nghiên cứu, phân tích mới cho in 4 chữ treo lên đó, 4 chữ phải đóng 4 dấu. Khi đóng dấu xong thì thợ mới khắc, thợ khắc xong rồi lại phải lập biên bản thống nhất các nét chữ với nhau. 
Các dòng chữ, họa tiết trên đó tôi không biết nó có ý nghĩa như thế nào, nhưng nó chỉ chệch đi một tí là khác rồi. Điều đó thể hiện sự quản lý chặt chẽ và nghiêm minh trong việc chấp hành Luật Di sản.
 “Đền Hùng vốn dĩ là vùng đất rất linh thiêng, không cần phải yểm. Trên hòn đá có chữ Phạn và chữ Hoa lẫn lộn, nếu làm đúng, nó sẽ mang ý nghĩa quốc thái dân an, nhưng nếu làm sai, nó sẽ rất tệ hại”.  

Giám đốc BQL đền Hùng
Nguyễn Xuân Các
“Từ câu chuyện đó, những nhà quản lý cần phải rút kinh nghiệm. Hai năm nay tôi về đây, tôi làm căng lắm, như tháng 2 vừa rồi, tỉnh Phú Thọ có văn bản đề nghị trồng một cây, tôi cũng không cho trồng. Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa ra đây, Bí thư, Chủ tịch tỉnh Phú Thọ giao cho Sở NN&PTNT làm quyết định để trồng 1 cây ở đền Thượng, nhưng không bao giờ có chuyện như vậy. Trong quy định thể hiện rất rõ chức vụ nào mới được trồng cây ở đó, trồng ở vị trí nào. Làm thế tức là ép tôi, tôi nói luôn, các ông ép tôi là cây sẽ chết.

Giám đốc BQL đền Hùng
            Nguyễn Xuân Các
Giám đốc BQL đền Hùng Nguyễn Xuân Các.

Tôi làm việc ở đây là những việc tâm linh, trồng cây trước đền là cực kỳ khó khăn. Còn ở vườn cây lưu niệm, mỗi tỉnh chỉ được trồng 3 cây, lãnh đạo trước đã trồng đủ 3 cây rồi thì thôi, làm gì còn chỗ mà trồng nữa. Thời gian gần đây, có người đề nghị công đức bằng cây nến nặng 1 tấn, cao 1,2 mét, nhưng tôi không đồng ý. Tôi khẳng định rằng, bây giờ không có gì có thể mang vào đền Hùng được, trừ hương, hoa”, ông Các nhấn mạnh.
Trước đó (tháng 3/2012), ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc BQL khu di tích đền Hùng khẳng định với phóng viên Tiền Phong rằng: Quy định bảo vệ rừng, bảo vệ khu di tích nêu rõ: Dù chặt một cành cây cũng phải báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Cây chết, đổ do nguyên nhân khách quan như mưa bão cũng không được cưa, chặt mà phải để chết mục.
Minh Đức
(Tiền phong) 

Tại sao Mỹ, Nhật Bản không tấn công phủ đầu Triều Tiên?

Người ta buộc phải nhận thức rằng, trong những sự vô lý không thể tin được thì chứa đựng đằng sau là một sự có lý hiển nhiên.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên giống như một cơn đau đẻ, nhất định sẽ cho ra đời một Triều Tiên mới mà Bình Nhưỡng đã chọn sẵn.
Tấn công phủ đầu là thuật ngữ chỉ hành động quân sự của một quốc gia vào một quốc gia thù địch nào đó khi thấy an ninh quốc gia mình bị đe dọa nghiêm trọng và chắc chắn sẽ bị xâm hại trong một thời gian ngắn là không thể tránh khỏi.
Trong lịch sử chiến tranh hiện đại, Đức tấn công Ban Lan mở màn chiến tranh thế giới lần 2 không phải là đòn phủ đầu, Nhật Bản tấn công Mỹ trận Trân Châu cảng cũng vậy.
 Riêng Mỹ tấn công Irac, Apganixtan vì cho rằng 2 quốc gia này chứa khủng bố đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia Mỹ (Vũ khí hóa học của Irac, dung dưỡng bọn khủng bố Bin Laden trong vụ 11/9) được coi như là giống đòn tấn công phủ đầu nếu như nguyên nhân đó là thật.
Tuy nhiên, đòn tấn công phủ đầu đúng nghĩa nhất phải nêu danh đó là đòn mà Lý Thường Kiệt tấn công vào 2 thành Ung, Khiêm trên đất Tống.
Tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên thì bất kỳ, Triều Tiên hay Mỹ-Nhật-Hàn tấn công nhau trước đều cũng được coi là tấn công phủ đầu.
Hành động, tuyên bố của Triều Tiên chẳng phải là uy hiếp trực tiếp đến “rùng rợn” gấp hàng ngàn lần Irac, Apganixta “uy hiếp” an ninh Mỹ sao? Và chẳng phải B-52, B2, F-22 và hàng chục tàu chiến Mỹ sẵn sàng bóp chết Triều Tiên thì không uy hiếp an ninh sống còn của Triều Tiên sao?
Chính vì vậy mà nếu như bất kỳ ai, Mỹ hoặc Triều Tiên tấn công phủ đầu nhau trước tạo ra một cuộc chiến khủng khiếp ở khu vực Đông Bắc Á hay thế giới thì lịch sử đều ghi nhận nguyên nhân là do Triều Tiên hoặc Mỹ gây ra đều đúng sự thật.

Người Triều Tiên tại Bình Nhưỡng nhảy múa trong ngày 9/4/2013. Có thể nào khi chiến tranh khủng khiếp sắp xảy ra? Phải chăng họ chưa từng hiểu, từng nghe thế nào là B-52 rải thảm…?
Người Triều Tiên tại Bình Nhưỡng nhảy múa trong ngày 9/4/2013. Có thể nào khi chiến tranh khủng khiếp sắp xảy ra? Phải chăng họ chưa từng hiểu, từng nghe thế nào là B-52 rải thảm?
Tuy nhiên, trong tình hình 2 hoặc nhiều quốc gia “gầm ghè” nhau, lịch sử từ cổ chí kim hiếm thấy một quốc gia nhỏ, yếu nào tấn công phủ đầu vào một quốc gia lớn và mạnh chứ chưa nói đến kết quả là thắng hay bại và hậu quả của đòn trả đũa, ngoại trừ danh tướng Lý Thường Kiệt của nước Việt, thắng  trong đòn đánh phủ đầu và đòn trả đũa của đối phương.
Vậy Triều Tiên họ có dám tấn công phủ đầu vào Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc như đã tuyên bố hay không?
Triều Tiên là một quốc gia như thế nào về tiềm lực kinh tế, quân sự và ngoại giao thì cả thế giới ai cũng biết. Nếu mở một cuộc chiến tranh hạt nhân thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng Mỹ thì rất ít hoặc không hề hấn gì trong khi Triều Tiên bị xóa sổ là chắc chắn.
Còn chiến tranh thông thường, nếu như không có viện trợ của Trung Quốc, Nga khi bị cô lập hoàn toàn thì cũng thất bại trong một thời gian ngắn, nhưng nhận viện trợ của Trung Quốc, Nga để “đánh Mỹ và Nhật Bản đến người Triều Tiên cuối cùng” thì Bình Nhưỡng đã “ngấm đòn” hơn nửa thế kỷ nay rồi nên không dại. Cho nên, Triều Tiên sẽ không bao giờ muốn chiến tranh dù là kiểu gì nổ ra và do vậy không thể sử dụng đòn đánh phủ đầu.
Nhưng tuyên bố và hành động của Triều Tiên như thế họ không sợ bị Mỹ, Nhật Bản coi là nguy hiểm, đánh đòn phủ đầu hay sao, mà khi bị Mỹ, Nhật Bản đánh đòn phủ đầu thì Triều Tiên coi như hết đất sống?
Người Triều Tiên tại Bình Nhưỡng nhảy múa trong ngày 9/4/2013. Có thể nào khi chiến tranh khủng khiếp sắp xảy ra? Phải chăng họ chưa từng hiểu, từng nghe thế nào là B-52 rải thảm…?
Vậy hãy xem khả năng Mỹ có tấn công phủ đầu vào Triều Tiên không?
Đừng đem Irac, Apganixtan…ra so sánh làm gì vì thời đó cha con ông Bush cầm quyền. Bán đảo Triều Tiên trong những lời tuyên bố, hành động có gang có thép vào nước Mỹ dưới thời ông Obama, thì sự đáp trả của nước Mỹ khiến dư luận ngạc nhiên và cảnh giác bởi tính nhu mì, hiền lành (không hung hăng, hiếu chiến).
Nước Mỹ, nước Nhật Bản “rối rít” cả lên triển khai thứ này thứ kia, điều lực lượng để bố trí chỗ này chỗ khác nhằm “phòng chống” Triều Tiên tấn công. Người ta thấy rõ hệ thống đánh chặn tên lửa được bố trí trên bãi cỏ, vườn hoa trong thành phố của Nhật Bản…
Về ý nghĩa an ninh và quân sự, về điều kiện tương quan lực lượng thì Mỹ và Nhật Bản phải tấn công phủ đầu ngay Triều Tiên trước khi quá muộn.
Ai cũng biết trong chiến tranh hiện đại, đòn tấn công phủ đầu là rất nguy hiểm vì có tính bất ngờ. Thông thường kẻ bị tấn công dù mạnh đến mấy cũng bị thiệt hại ban đầu là không tránh khỏi.
Điều gì xảy ra nếu chẳng may một tên lửa hạt nhân Triều Tiên hoặc thậm chí hàng loạt tên lửa thường thoát được hệ thống đánh chặn bay vào căn cứ Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc trong đòn dánh phủ đầu của Triều Tiên? Thiệt hại không thể lường được.
Một câu hỏi đặt ra, nếu như cha con ông Bush đang cầm quyền thì liệu nước Mỹ có “hiền lành” và “rối rít” như vậy không hay là Triều Tiên sẽ là một Irac thứ hai? Rõ ràng là dù ông Bush hay ông nào đi nữa cầm quyền thì nước Mỹ chỉ có một, dân Mỹ chỉ có một, ông Obama vào ông Sinzo Abe với bộ tham mưu của họ tài ba chẳng kém. Họ nắm chắc và làm chủ diễn biến, tình hình trên bán đảo Triều Tiên, có nghĩa là không những họ biết khả năng, ý định của Triều Tiên mà còn biết tương lai Triều Tiên sẽ ra sao, đi trên con đường nào...
Hành động của Mỹ, Nhật Bản từ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên phải đạt 4 mục đích:
Một là tạo điều kiện và “kéo” hẳn Triều Tiên ra khỏi Trung Quốc.
Tại sao một dân tộc thông minh, sản xuất ra được VKHN mà lại ngửa tay xin của bố thí của Trung Quốc, chịu làm tấm đệm cho Trung Quốc, bị người ta điều khiển để quốc gia đến nổi “cùng quẫn” như này? Câu hỏi này không thể không tồn tại trong đầu của Bình Nhưỡng và nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong un. Triều Tiên sau cuộc khủng hoảng sẽ đi về đâu, thay đổi gì sẽ được định đoạt trong cuộc gặp tay đôi giữa Triều Tiên và Mỹ.
 Hai là điều động, bố trí lực lượng một cách công khai sang châu Á-TBD.
Ba là điều 9 trong hiến pháp hòa bình của Nhật Bản phải được thay đổi bởi sự ủng hộ đa số của dân chúng Nhật Bản. Nhật Bản tái vũ trang mà không bị các láng giềng phản đối. Củng cố và tăng cường sức mạnh cho liên mimh quân sự Mỹ-Nhật- Hàn.
Ba mục đích trên nhằm mục đích cuối cùng là kiềm chế, bao vây, trước sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc.
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, liệu Mỹ có tấn công phủ đầu Triều Tiên không dù ông Bush đang cầm quyền? Đương nhiên là không.
Sự chuẩn bị chiến tranh của Triều Tiên, tinh thần và thái độ của người dân Triều Tiên cũng như bên phía Hàn Quốc trước một cuộc “xâm lược” sắp xảy ra mà sự căng thẳng không giống như kiểu Việt Nam.
Đây chỉ là cái gọi “căng thẳng” mà thôi. Cái gọi là căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên giống như một cơn đau đẻ (vì thế nó chẳng nguy hiểm dù kêu rên thảm thiết) và tất yếu nhất định sẽ cho ra đời một Triều Tiên mới mà Bình Nhưỡng đã chọn sẵn.
Họ biết khả năng, ý định của Triều Tiên mà còn biết tương lai Triều Tiên sẽ ra sao, đi trên con đường nào...
Lê Ngọc Thống
(Đất Việt)

Mỹ quyết tìm kẻ đánh bom Boston dù phải 'lục tung trái đất'

Cục Điều tra Liên bang Mỹ thề sẽ "đi đến tận cùng của trái đất" để tìm ra những kẻ đánh bom cuộc thi chạy marathon ở Boston, và khẳng định hiện "không còn mối đe dọa vật lý nào nữa" xung quanh khu vực.
Điệp viên đặc biệt của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Rick DesLauriers nói với các phóng viên rằng các nhà điều tra đã tỏa đi khắp nơi ở Boston và hiện không còn nguy hiểm nào cho khu vực xung quanh vụ tấn công.
"Chúng tôi sẽ mở cuộc điều tra trên phạm vi toàn cầu. Chúng tôi sẽ đi đến tận cùng của trái đất để tìm ra đối tượng hoặc những đối tượng phải chịu trách nhiệm cho tội ác hèn hạ này và chúng tôi sẽ làm mọi việc có thể để đưa chúng ra trước công lý", AFP dẫn lời ông DesLauriers nói hôm qua.

Cảnh sát và nhân viên cứu hộ có mặt tại hiện trường và giúp đỡ các vận động viên sau vụ nổ bom. Ảnh: AFP
Ông cũng cho biết FBI không nhận được bất kỳ thông tin cảnh báo nào trước khi diễn ra cuộc thi chạy marathon. Các quan chức cung cấp con số thiệt hại vì vụ nổ bom đến nay là 3 người chết và hơn 170 người bị thương, trong đó nhiều người bị mất chân, cho thấy thiết bị gây nổ được đặt thấp ở gần mặt đất.
Thống đốc bang Massachusetts Deval Patrick nói chỉ có hai quả bom được sử dụng trong vụ khủng bố ngày hôm qua ở gần vạch đích của cuộc thi chạy và không có thiết bị nổ nào khác được tìm thấy mặc dù trước đó xuất hiện những thông tin ngược lại.
"Điều quan trọng cần phải làm làm rõ là có hai và chỉ hai thiết bị phát nổ được tìm thấy ngày hôm qua", ông Patrick nói. "Các bưu kiện khác, tất cả các bưu kiện trong khu vực vụ nổ, đều đã được kiểm tra. Không có thêm quả bom hay thiết bị nổ nào khác được phát hiện".
"Những suy nghĩ của chúng tôi chỉ tập trung tất cả vì những người bị thương và bị giết", ông nói.
Marathon Boston lần đầu được tổ chức năm 1897 và là cuộc thi chạy thường niên lâu đời nhất thế giới. Trong mùa giải lần thứ 117 năm nay, có gần 27.000 vận động viên bao gồm cả chuyên nghiệp và nghiệp dư từ khắp các nước trên thế giới như Mexico, Nhật Bản, Nga, Ethiopia, Kenya... dự thi.
Giải thể thao ý nghĩa này năm nay không diễn ra trọn vẹn khi phải hứng chịu hai vụ nổ bom liên tiếp lúc 14h45 ngày 15/4, biến một ngày kỷ niệm ý nghĩa thành cảnh tượng hỗn loạn và đẫm máu.
Vũ Hà
(VnExpress)

Thông báo của nhóm soạn thảo và ký kiến nghị 72* về sửa đổi Hiến pháp

Nhóm khởi xướng ký Kiến nghị 72
Đã gửi bản Kiến nghị 72 theo đường bưu điện đến địa chỉ riêng của từng đại biểu Quốc hội.
Dưới đây là thư của nhóm soạn thảo và ký Kiến nghị ngày 19-1-2013 về sửa đổi Hiến pháp (thường gọi tắt là Kiến nghị 72) đã gửi qua đường bưu điện đến địa chỉ riêng của từng đại biểu Quốc hội khóa 13 từ ngày 16 tháng 3 năm 2013. Chúng tôi xin đề nghị quý vị đã đồng tình và hưởng ứng Kiến nghị 72, với tư cách cử tri, hãy yêu cầu các đại biểu Quốc hội mà mình đã bầu quan tâm đến những vấn đề cấp thiêt được đề cập trong Kiến nghị 72 và trong thư nói trên, để góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng một Hiến pháp phù hợp với ý chí của nhân dân.
                                                       Hà Nội ngày 16 tháng 4 năm 2013

Kính gửi các vị Đại biểu Quốc hội khoá XIII

Chúng tôi thay mặt những người đã ký Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, xin gửi tới quý vị, các thành viên cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta, lời chào trân trọng với niềm tin rằng những ý kiến dưới đây của chúng tôi sẽ được quý vị lưu tâm.

1. Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có chữ ký trực tiếp của 72 người (dưới đây gọi tắt là KN72, xin gửi kèm thư này như một phụ lục), được công bố ngày 19 tháng 1 năm 2013 và chính thức trao trực tiếp cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vào ngày 4 tháng 2 năm 2013. KN 72 đã đề cập thẳng thắn một số vấn đề cốt lõi về đổi mới thể chế chính trị cần được thảo luận rộng rãi, công khai và dân chủ, để góp phần tạo đồng thuận xã hội và đoàn kết dân tộc về một bản Hiến pháp khả dĩ đáp ứng nhu cầu phát triển và bảo vệ đất nước, phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại. Như vậy, KN 72 hoàn toàn phù hợp với      Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội về việc Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó nêu rõ: “Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến để Hiến pháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.”

Bản KN72 được nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội nhiệt tình hưởng ứng, trong đó có hơn 14 nghìn người tính đến nay đã đăng ký ghi tên tán thành. Tuy nhiên, KN72 đã không được Uỷ ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp công bố sau khi tiếp nhận, cũng không được các phương tiện truyền thông của Nhà nước phổ biến để mọi người có thể tham khảo và tham gia thảo luận. Trong khi không đăng tải nội dung cụ thể của kiến nghị, một số đài báo lại đưa ra những bình luận mang tính quy chụp, không đúng với tinh thần góp ý xây dựng của KN72. Không chỉ kiến nghị của chúng tôi, mà nhiều ý kiến đóng góp khác của nhân dân không phù hợp với Dự thảo do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 công bố cũng bị cư xử tương tự. Điều đó trái với Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội, trong đó quy định rõ: Các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến; mở chuyên trang, chuyên mục về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đưa tin, đăng tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan ý kiến đóng góp của nhân dân.

Ngoài việc đưa tin và bình luận một chiều, thiếu minh bạch, cách tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về sửa đổi Hiến pháp đang được tiến hành mang nặng tính hình thức, áp đặt thiếu dân chủ và quá tốn kém khiến cho dư luận xã hội tiến bộ bất bình, hoài nghi chính quyền về thái độ tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân và về sự nghiêm túc trong việc sửa đổi Hiến pháp. Vì vậy, chúng tôi đề nghị quý Đại biểu can thiệp một cách có hiệu quả và đề xuất Quốc hội triển khai những biện pháp thiết thực, kịp thời để chấn chỉnh tình trạng hình thức, mất dân chủ, thiếu trung thực… trong quá trình lấy ý kiến của nhân dân.

Về phần mình, chúng tôi sẵn sàng đối thoại công khai trên mọi diễn đàn trong cả nước, cùng nhau tìm ra phương án tối ưu cho một bản Hiến pháp mới, thích hợp với hoàn cảnh hiện tại của đất nước.

2. Quyền lập hiến nhất quyết phải là của toàn dân. Vì vậy, một lần nữa chúng tôi kiến nghị Hiến pháp cần quy định: “Bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân đối với Hiến pháp, thông qua trưng cầu ý dân được tổ chức thật sự minh bạch và dân chủ với sự giám sát của người dân và báo giới”. Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân không thể thay thế cho việc trưng cầu ý dân. Trưng cầu ý dân là để nhân dân được lựa chọn và quyết định bằng phiếu kín những điều dân muốn. Còn lấy ý kiến đóng góp của dân như cách làm hiện nay thì kết quả bị phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của tổ chức đứng ra lấy ý kiến.

Trong cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp lần này, những vấn đề cốt lõi còn có ý kiến khác nhau, như một số vấn đề đã được nêu trong KN72, cần được đưa ra để nhân dân lựa chọn bằng phiếu kín, tương tự như trong các cuộc bỏ phiếu phổ thông được tổ chức theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu quý Đại biểu và toàn thể Quốc hội sớm quyết định việc sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp để có thời gian chuẩn bị công việc hệ trọng này lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta. Điều đó sẽ tỏ rõ ý chí của Quốc hội trong việc thực hiện quyền làm chủ của dân, động viên được đồng bào trong và ngoài nước tham gia tích cực và thiết thực hơn vào việc xây dựng Hiến pháp của nước ta.
Xin trân trọng cám ơn.
.
DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI KÝ TÊN   
                        (Gồm 15 người đã đến trao KN72 trực tiếp cho          
       UBDTSĐHP1992  ngày 4 tháng 2 năm 2013)

  1. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội
  2. Phan Hồng Giang, TSKH, nhà nghiên cứu văn hóa, Hà Nội
  3. Lê Công Giàu, nguyên Phó Bí thư thường trực Đoàn TNCS HCM, TP HCM
  4. Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, nguyên thành viên Viện IDS, Giám đốc NXB Tri thức, Hà Nội
  5. Phạm Duy Hiển, GS, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  6. Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, nguyên thành viên Viện IDS, TP HCM
  7. Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng chính phủ, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  8. Hồ Uy Liêm, nguyên Phó chủ tịch  LH các Hội KH&KT Việt Nam, Hà Nội
  9. Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hà Nội
  10. Huỳnh Tấn Mẫm, BS, Đại biểu Quốc hội khóa 6, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước năm 1975, TP HCM
  11. Nguyên Ngọc, nhà văn, nguyên thành viên Viện IDS, Hội An
  12. Hoàng Xuân Phú, GS, Viện Toán học Việt Nam, Hà Nội
  13. Nguyễn Minh Thuyết, GSTS, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hà Nội
  14. Nguyễn Trung, nguyên trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  15. Tô Nhuận Vỹ, nhà văn, Huế
---------------Trong những ngày này, việc tổ chức hội nghị, hội thảo và các hình thức khác thu thập ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (dưới đây gọi tắt là Dự thảo) được công bố theo Nghị quyết của Quốc hội đang diễn ra rộng khắp. Các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin và bình luận đều nhấn mạnh sự tán thành, nhất trí cao đối với Dự thảo.
Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia vào việc sửa đổi Hiến pháp yêu cầu “phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai”. Tuy nhiên việc tổ chức thực hiện trong thời gian qua có nhiều cách làm ồ ạt nặng tính hình thức và áp đặt, cốt tạo được con số rất lớn những người tán thành Dự thảo, nhất là về những điều cơ bản của thể chế chính trị hiện hành, nhằm chuẩn bị cho Dự thảo được thông qua tại Quốc hội.
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) xác định “Đổi mới đồng bộ và phù hợp về kinh tế và chính trị”, “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người” là những quan điểm phát triển đất nước. Khi công bố Nghị quyết nêu trên của Quốc hội, đại diện của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nói rõ “việc góp ý không có vùng cấm, kể cả về Điều 4”. Kiến nghị 72 đề cập đến đổi mới thể chế chính trị trong việc sửa đổi Hiến pháp khác với Dự thảo, sau khi tập hợp được hơn hai nghìn chữ ký, đã được một đoàn đại diện trao trực tiếp cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp với đề nghị được công bố nội dung cơ bản trên báo chí để nhiều người biết và tham gia thảo luận. Cách làm minh bạch, đường hoàng, đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội như vậy, nhưng cho đến nay nội dung của Kiến nghị 72 vẫn không được đề cập trên các phương tiện truyền thông của hệ thống chính trị, lại bị một số vị lãnh đạo và một số bài viết trên báo hàm ý phê phán gay gắt, kết tội là chống đối Đảng cầm quyền và Nhà nước, phá hoại đại đoàn kết dân tộc, thậm chí đòi xử lý.
Chúng tôi thấy cần nói rõ thêm tinh thần của Kiến nghị 72:
Trong bối cảnh quốc tế đầy thách thức, đất nước ta đang lâm vào tình trạng suy yếu, xuống cấp về hầu hết các mặt của đời sống xã hội (không chỉ kinh tế mà cả chính trị, xã hội, văn hóa, đạo đức) và tụt hậu so với nhiều nước xung quanh; chủ quyền quốc gia bị xâm phạm; “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên ĐCSVN, trước hết là trong bộ máy cầm quyền, suy thoái, biến chất, tham nhũng tràn lan. Chưa bao giờ lòng tin của dân đối với lãnh đạo ĐCSVN và Nhà nước thấp như ngày nay. Không chỉ dư luận xã hội nói nhiều mà thực trạng nêu trên còn được đề cập trong văn kiện của ĐCSVN, trong phát biểu của một số vị lãnh đạo cao và cán bộ lão thành cách mạng với nhận định tình hình nghiêm trọng tới mức trở thành nguy cơ lớn đối với sự sống còn của ĐCSVN, của chế độ.
Cuộc sống chỉ rõ nguyên nhân gốc rễ dẫn tới tình hình ấy chính là chế độ toàn trị của một đảng trên thực tế đang chi phối toàn bộ quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị, đứng trên Nhà nước và pháp luật, vô hiệu hóa nhiều quyền tự do, dân chủ đã được quy định trong Hiến pháp… Vì vậy, đổi mới căn bản thể chế chính trị, chuyển từ toàn trị sang dân chủ, là yêu cầu cấp bách của đất nước, của nhân dân. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này là cơ hội tốt để bước đầu đáp ứng yêu cầu ấy, mở đường cho đất nước đổi mới toàn diện, phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.
Trong bối cảnh hiện nay của đất nước, công cuộc đổi mới thể chế chính trị rất phức tạp, khó khăn; từng bước đi phải vượt qua nhiều trở lực, đặc biệt là phản ứng từ các nhóm lợi ích bất chính có quyền thế. Sự nghiệp rất hệ trọng này phải dựa vào sức mạnh của nhân dân, do nhân dân tiến hành. ĐCSVN đã từng từ bỏ một số quan điểm giáo điều được coi như nguyên lý của chủ nghĩa xã hội để cùng nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm trước đây. Ngày nay, ĐCSVN có trách nhiệm lớn đối với quá trình chuyển đổi thể chế chính trị để đi tới thành công một cách ôn hòa, ít tổn thất nhất cho dân tộc.
Dùng bạo lực và những thủ đoạn không chính đáng để duy trì chế độ toàn trị, cưỡng lại ý chí của nhân dân sẽ gây nguy hại lớn cho đất nước, cho dân tộc và cho cả ĐCSVN.
Kiến nghị 72 không có mục đích nào khác hơn là góp phần vào bước khởi đầu đổi mới thể chế chính trị theo tinh thần đó. Một lần nữa, chúng tôi yêu cầu Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và báo chí của hệ thống chính trị công bố Kiến nghị 72 cũng như các ý kiến khác với Dự thảo, chấm dứt cách đưa tin, bình luận một chiều, tạo điều kiện và khuyến khích thảo luận công khai, dân chủ, tranh luận thẳng thắn, nhằm đạt được sự đồng thuận tối đa theo tinh thần đoàn kết và hòa giải dân tộc. Mọi biện pháp áp đặt, mọi cách làm hình thức dù bằng phương tiện nào và bằng thủ đoạn nào, đều không thể đưa tới một Hiến pháp đáp ứng được yêu cầu của đất nước và mong đợi của nhân dân.
Về phần mình, chúng tôi sẵn sàng thảo luận công khai trên mọi diễn đàn trong cả nước, tôn trọng các ý kiến khác, cùng nhau tìm ra cái đúng và cần cho dân, cho nước để đóng góp có hiệu quả vào việc sửa đổi Hiến pháp.
Ngày 2 tháng 04 năm 2013
Chú thích:
* Kiến nghị ngày 19-01-2013 về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do 72 người ký trực tiếp nên thường được gọi tắt là Kiến nghị 72.
(ABS)

Ông Phạm Chí Dũng khiếu nại báo Tuổi trẻ

Theo nguồn tin trên mạng, ông Phạm Chí Dũng, người bị bắt giam năm ngoái theo những tin đồn trên mạng do bị tình nghi liên quan tới trang QLB, nhưng đã được thả ra với giải thích "đình chỉ điều tra" vừa gửi thư đến TBT báo Tuổi trẻ để khiếu nại về thông tin mà báo này đưa tin năm ngoái lúc ông Dũng bị bắt: "ông Dũng là người cung cấp các tài liệu bí mật ra nước ngoài và nhận hàng ngàn USD".

Hiện chưa rõ báo Tuổi trẻ sẽ phản ứng thế nào. Nhưng tôi đoán rằng báo Tuổi trẻ không thể bịa ra được một tin như vậy. Thông tin đó chắc là do phóng viên báo Tuổi trẻ được ai đó phím cho, có thể giống như vụ PMU18. Vấn đề còn lại là báo Tuổi trẻ sẽ cam chịu, giơ đầu chịu báng, hay tố nguồn cung cấp tin nếu bằng chứng vẫn còn. Nếu báo Tuổi trẻ tố nguồn tin thì vụ việc sẽ rất hấp dẫn. Quan điểm của tôi là báo Tuổi trẻ nên tố nguồn tin để tiệt nọc thói lợi dụng truyền thông, tung thông tin giả, đánh lạc hướng dư luận và gây phương hại đến lợi ích hợp pháp của công dân. Nguyên tắc bảo vệ nguồn tin trong những trường hợp như vậy thực chất là tiếp tay cho cái ác, để cái ác lộng hành và hoành hoành xã hội.

Nhân chuyện này có 2 vụ việc mà tôi không biết hiện nay đã như thế nào:
1. Vụ việc bà Hồ Lê Như Quỳnh khởi kiện báo Công an TPHCM.
2. Vụ việc hai nhân viên của tập đoàn Tân Tạo bị bắt cùng trong khoảng thời gian ông Phạm Chí Dũng bị bắt.   

Đông A
(Blog Đông A)

Tâm tình của Bá Thanh với đồng hương Xứ Quảng Tuấn Anh

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh

Hoàng Tuấn Anh ( hiện là BT Bộ Văn-Thể-Du ) đang là Chủ tịch thì Bá Thanh là Bí thư của Đà Nẽng, dân Đà Nẽng đã đặt vè:

Trời của Thanh, đất của Thanh
Con chim trên cành là của Bá Thanh
Con chim trong quần là của Tuấn Anh…
 
http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=m_VB5Ir_2Jg
 
 Còn giờ đây Bá Thanh ra Hà Nội gặp lại đồng hương Tuấn Anh; đôi bên có mấy lời tâm sự nhỏ to sau đây xin được trình làng:

Bất ngờ gặp Nguyễn Bá Thanh
Tuấn Anh thỏ thẻ Hà thành vui không ?
Bá Thanh bày tỏ nỗi lòng
Ở đây phức tộp hơn trong kia nhiều
 

Nhưng mà ta đã có chiêu
Phen này trụ lại trong triều được lâu
Tuấn Anh mới phán một câu
Chuyện này cũng chẳng dễ đâu mi nờ
 

Xưa mi ngồi ghế bí thư
Sông Hàn Đà Nẽng hai bờ của mi
Giờ ra giữa chốn kinh kỳ
Tàng long, ngọa hổ đố mi dám làm
 

Bá Thanh bảo nếu có gan
Trời này đất ấy trong bàn tay ta
Thăng Long, Hà Nội, Đại La
Một mai rồi cũng như Đà Nẽng thôi
 

Phần mi một chú đồi mồi
Phần tau là cả đất trời thủ đô…


(Blog Phạm Viết Đào) 

Đồng Nai: Đối tượng cướp giật trở thành… trung úy Công an

Đại diện người phát ngôn của Công an tỉnh Đồng Nai từ chối trả lời câu hỏi của cơ quan báo đài trước việc vì sao một người có hành vi trộm cướp và bị truy nã... trở thành cán bộ Công an nhân dân.
Trần Hữu Nam (người đứng ở đầu xe) trong màu áo của lực lượng cảnh sát 113.
Ngày 17/4, Công an tỉnh Đồng Nai vừa thực hiện lệnh bắt giam nguyên trung úy Trần Hữu Nam (29 tuổi, Công an TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) theo lệnh truy nã về hành vi cướp tài sản.

Theo nguồn tin ban đầu, vào tháng 1/2013 khi đang công tác tại Công an TP.Biên Hòa, trong một lần mua trái cây tại chợ Tân Mai (KP2, TP.Biên Hòa) giữa Nam và người bán hàng xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Trong quá trình lập hồ sơ xử lý vụ việc, Công an phường Tn Mai sưu tra lý lịch thì phát hiện Nam chính là đối tượng bị Công an TP.Biên Hòa truy nã từ năn 2004 vì hành vi cướp giật.

Vụ việc sau đó được xác minh làm rõ, theo đó sau khi gây án và trốn lệnh truy nã, năm 2005 thông qua các mối quan hệ Nam được tuyển vào làm chiến sĩ nghĩa vụ tại Công an huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai). Sau đó Nam được đi học nghiệp vụ trung cấp cảnh sát. Học xong Nam được biên chế vào ngành và phân công về lực lượng CS 113 và thăng hàm cấp bậc trung úy. Cuối năm 2012 thì được điều động về công tác tại Công anTP.Biên Hòa.

Trước vụ việc một người bị truy nã lại dễ dàng đứng vào hàng ngũ công an nhân dân, nhiều PV các báo đã liên hệ với người phát ngôn Công an tỉnh nhằm làm rõ, tuy nhiên đại diện Công an tỉnh Đồng Nai đã từ chối trả lời.
(Kiến thức)
-------------
Trung úy 113 bị bắt vì 10 năm trước đi cướp giật

Anh này từng cầm đầu băng cướp giật ở Long Bình, Biên Hòa. Sau khi bị bại lộ, anh ta trốn về Định Quán rồi vào ngành công an lên đến cấp hàm trung úy.

Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) đang tạm giữ Trần Hữu Nam, 29 tuổi, ngụ khu phố 8, phường Long Bình, TP Biên Hòa. Điều đáng nói là khi bị bắt, Nam đang là trung úy cảnh sát.

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, trong thời gian trước năm 2005, Nam cầm đầu một băng nhóm cướp giật tài sản chuyên hoạt động ở khu vực phường Long Bình, TP Biên Hòa. Trong một vụ cướp giật, Công an TP Biên Hòa xác định Nam là đối tượng cầm đầu nên đã truy bắt để điều tra nhưng không thành.

Biết cơ quan công an đang truy bắt mình, Nam đã về ấp 4, xã La Ngà, huyện Định Quán (Đồng Nai) lẩn trốn. Trong thời gian này, không biết bằng cách nào Nam đã vào phục vụ trong ngành công an nhân dân (công an nghĩa vụ).

Sau bốn tháng được huấn luyện nghiệp vụ, năm 2006, Nam được phân công về công tác tại Công an huyện Long Thành. Cũng trong năm này, Nam thi đậu vào Trường Trung cấp Cảnh sát và được gọi đi học. Sau khi học xong, Nam được vào biên chế, phục vụ lâu dài trong ngành công an (công an chuyên nghiệp) và nhận công tác tại Phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Đồng Nai. Công tác tại đây một thời gian, đầu năm 2011, Nam được điều về Đội Cảnh sát 113 (Công an tỉnh Đồng Nai). Đến cuối năm 2012, Nam được phân công về Công an TP Biên Hòa công tác.

Mọi việc sẽ êm xuôi nếu  không có sự cố bất ngờ. Số là trong một tối tháng 1-2013, sau một chầu bí tỉ, Nam cùng với các bạn nhậu ghé lại một sạp trái cây trên đường Dương Tử Giang, phường Tân Mai để mua sầu riêng. Tại đây, Nam đã cự cãi với người bán sầu riêng về cân, ký. Thấy bực, một người bán trái cây gần đó đã mang dao đến hỏi chuyện. Khi xô xát, Nam thất thế, sợ bị chém nên lấy thẻ ngành ra thị uy. Từ sự việc này, Công an phường Tân Mai đã tiến hành các thủ tục để xử phạt hành chính. Khi trích lục hồ sơ để xử phạt, Công an phường Tân Mai phát hiện Nam chính là người cầm đầu băng cướp giật năm xưa. Lúc này thân phận thật của trung úy cảnh sát Nam mới bị lật tẩy.

Sau khi phát hiện kẻ cướp giật chui vào hàng ngũ, Công an tỉnh Đồng Nai đã tước quân tịch đối với Nam, giao Công an TP Biên Hòa khởi tố, tạm giam Nam để điều tra về tội cướp giật tài sản.

Nhiều người thắc mắc: Không hiểu sao một kẻ bị công an truy tìm về tội cướp giật tài sản lại lọt qua rất nhiều vòng kiểm tra, xem xét của cơ quan chức năng để vào ngành công an? Chúng tôi đã mang thắc mắc này hỏi nhiều người có trách nhiệm của Công an tỉnh Đồng Nai nhưng đều bị từ chối trả lời.
(PLTP)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét