Nhiều
người hỏi nhau không biết có phải vì đảng CSVN đã bước sang tuổi 83 hay
không mà tự nhiên thấy ban lãnh đạo của họ lẩm cẩm, lú lẫn thậm tệ. Vì
trong lúc tình hình kinh tế xã hội đang trải qua một cuộc khủng hoảng
trầm trọng, điều đã khiến đời sống của nhân dân hết sức khó khăn hơn bao
giờ hết, là điều chưa từng có trong giai đoạn đổi mới (1986 - nay). Hay
kể cả tình hình chính trị đang yên ắng, thì việc tự nhiên đảng và chính
quyền nghĩ ra trò sửa đổi Hiến pháp 1992 và cho mọi tầng lớp nhân dân
tham gia góp ý cũng là một điều vô lý và bất bình thường.
Nếu đọc
kỹ Bản dự thảo do Ban dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992 của Quốc hội đưa
ra, mang tiếng là có tới hàng trăm điều sửa chữa và bổ sung thêm, nhưng
chỉ toàn là những thay đổi mang tính tiểu tiết hầu như không có ý nghĩa.
Những thay đổi lớn nhất và rõ ràng nhất chỉ là ở một, hai nội dung là
tăng quyền cho Chủ tịch nước và quy định các lực lượng vũ trang nhân dân
tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam và có trách nhiệm bảo
vệ đảng, nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa (đảng cũng được đặt
trước nhà nước và nhân dân). Điều này vô tình gián tiếp cho chúng ta
thấy đảng CSVN đã nhìn nhận thấy nguy cơ tiềm ẩn cho sự sụp đổ của chế
độ. Và những nguy cơ tiềm ẩn này ngày càng bộc lộ rõ nét hơn sau khi có
các phản ứng mang tính đối lập của các tập thể các nhân sĩ trí thức, của
nhóm các công dân tự do và các tổ chức tôn giáo thông qua các bản Kiến
nghị, Tuyên bố hay Thỉnh nguyện thư... Vì sao lại có tình trạng như vậy?
Càng
ngày càng thấy việc chuẩn bị cho việc Sửa đổi Hiến pháp 1992 của đảng
và chính quyền hết sức thiếu bài bản và tính toán. Đó chính là lý do vì
sao họ lúng túng trong cách xoay sở đối phó bằng các hành động mang tính
chắp vá tạm thời. Nói một cách khác thì đây là hậu quả của một việc làm
thiếu tính toán, khả năng tiên lượng và tầm nhìn xa của đảng và chính
quyền trong việc tiến hành sửa đổi hiến pháp. Tại sao lại nói như vậy?
Trước
hết, dù có sửa đổi hay thay hiến pháp hiện tại bằng một bản hiến pháp
mới hoàn toàn cũng không giải quyết được bất cứ một điều gì. Vì cách
thức vận dụng hiến pháp và pháp luật hiện nay trong việc xử lý công việc
đã không được chính quyền, đặc biệt là đảng CSVN tuân thủ một cách
nghiêm túc và triệt để. Một phần vì do thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát
và điều chỉnh, một phần là do áp dụng hình thức tổ chức quyền lực Nhà
nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan
Nhà nước để thay cho chế độ Tam quyền phân lập. Điều mà được cho rằng đã
vô tình vô hiệu hóa cơ chế kiểm tra, giám sát và điều chỉnh cần thiết.
Đó chính là lý do vì sao như bà Ngô Bá Thành đã từng nói đại ý chúng ta
hiện nay có một rừng luật mà khi áp dụng thì thấy toàn sử dụng luật
rừng.
Vấn đề tiếp theo là từ xưa đến nay việc ban hành hiến pháp,
pháp luật, hay kể cả việc sửa hiến pháp ở Việt nam thì vai trò của nhân
dân chỉ mang tính trang trí để hợp thức hóa tính chính danh của chính
quyền. Vì vậy việc sửa đổi hay không sửa đổi hiến pháp thì kết quả cuối
cùng cũng như nhau. Đó là chỉ nhằm bảo vệ quyền lực và quyền lợi của
đảng CSVN mà hoàn toàn không phản ảnh ý chí và nguyện vọng của các tầng
lớp dân chúng. Chính vì thế mới nói rằng sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này
là một việc làm thiếu tính toán. Vì nếu muốn sửa đổi và bổ xung việc các
lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với đảng CSVN và
có trách nhiệm bảo vệ đảng, nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa
(đảng được đặt trước nhà nước và nhân dân), sao không làm như đã từng
khi đưa điều 4 vào Hiến pháp năm 1980 hay sửa lời của Hồ Chủ tịch nói
quân đội trung với nước, hiếu với dân thành quân đội trung với đảng,
hiếu với dân? Theo tinh thần "tao thích thì tao làm" như cũ, thì đố có
ai dám hé răng nửa lời, bởi dân bây giờ ai cũng hiểu chế độ ta là chế độ
độc đảng toàn trị thế là xong. Làm như thế thì đơn giản, đỡ lằng nhằng.
Ngay
từ đầu, ai cũng khấp khởi hy vọng khi nghe ông Phan Trung Lý, thay mặt
Ban Dự thảo sửa đổi HP của Quốc hội bảo việc góp ý cho Dự thảo Hiến pháp
nhân dân được góp ý thoải mái, không có vùng cấm. Thế mà trên thực tế
thì lại có đủ loại rào cấm, không chỉ chỉ thị số 22-CT/TW ngày
28/12/2012 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến
pháp năm 1992. Với nội dung "phải kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những
hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên
tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta". Mà còn phải kể đến các bài chính
luận, bình luận của các GS, Phó GS, Tiến sĩ trên các tờ báo nặng ký như
Nhân dân và QĐND, hai cơ quan ngôn luận của đảng CSVN và đảng ủy Quân sự
trung ương . Đó là chưa kể đến những phản ứng mất bình tĩnh của những
người đứng đầu đảng và nhà nước, như ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi cho rằng các "luồng ý kiến"
trong sửa đổi Hiến pháp là: "...các luồng ý kiến cũng có thể quy vào
được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức…" hay “...tuyên truyền
vận động nhân dân chống lại Đảng, nhà nước, cái đó là ngược chiều, phải
kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn". Hay một vài ví dụ cho thấy sự lúng
túng của đảng và chính quyền là đầu tháng 3.2013 Hà nội vừa tuyên bố về
cơ bản đã hoàn thành xong việc lấy ý kiến góp ý cho việc Sửa đổi Hiến
pháp 1992 được mấy ngày, thì đùng một cái lại có chủ trương mới kéo dài
thời hạn góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đến 30.9.2013. Trong khi
đó ở thành phố Sài gòn đã tiến hành lấy ý kiến góp ý Sửa đổi Hiến pháp
1992 tại từng hộ gia đình.
Nguyên nhân là do đảng CSVN và chính
quyền đã chủ quan trong việc nhìn nhận và đánh giá tình hình, để rồi có
tham vọng muốn thể hiện có sự dân chủ hóa trong sự kiện chính trị đặc
biệt sửa đổi hiến pháp. Thông qua việc lợi dụng sự tham gia của đông đảo
quần chúng nhân dân để khẳng định tính chính danh của họ. Nhưng họ đã
cảm thấy thất vọng, cho dù đã huy động toàn bộ hệ thống truyền thông của
đảng ra rả đưa tin về nhân dân đóng góp cho Dự thảo Hiến pháp. Vì có
thể nói tin tức về việc phản đối bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có phần
lấn áp hơn trên truyền thông mạng. Đó là chưa kể chính quyền đã bị mất
điểm khi huy động cả hệ thống truyền thông, với những cây bút gỗ hay
những cái lưỡi gỗ với những học hàm học vị Tiến sĩ, Giáo sư tốt nghiệp
từ Học viện chính trị quốc gia HCM, hay những thành phần "chân gỗ", bằng
giọng điệu ngây ngô, ngớ ngẩn nhằm bao biện cho sự cần thiết của việc
duy trì sự lãnh đạo của đảng thông qua điều 4 và đảng CSVN phải được các
lực lượng công an, quân đội bảo vệ trước cả nhà nước và nhân dân. Với
những luận điệu nghe khiến người đọc (xem) phát phì cười vì cách làm
vụng về như thế thì càng làm mất uy tín của đảng và chế độ.
Chính
vì thái độ phản kháng chính trị có tổ chức của các đảng viên cộng sản,
trí thức, nhân sĩ và các thành phần lao động khác trong việc tham gia ký
Kiến nghị góp ý hiến pháp, Tuyên bố của các công dân tự do, Bản góp ý
dự thảo HP của hội đồng Giám mục VN hay Lời tuyên bố của Giáo hội Phật
giáo VN thống nhất... đã làm cho các nhà lãnh đạo đảng và chính quyền
hết sức lo ngại và lo sợ. Và kết quả cuối cùng những ngày gần đây đã có
các ý kiến cho rằng phải chấp nhận ý kiến trái chiều và bằng việc kéo
dài thời gian góp ý hiến pháp thêm 6 tháng. Song cũng phải cảnh giác
việc Thành ủy và chính quyền thành phố Sài gòn tiến hành thử nghiệm biện
pháp cưỡng bức để ép buộc từng hộ gia đình nhân dân phải đồng ý ký tên
và tham gia vào bản dự thảo sửa đổi hiến pháp do đảng cộng sản ban hành,
mà thực chất là một hình thức phân loại công dân để đàn áp trong thời
gian tới. Đây là một việc làm gây ra rất nhiều lo ngại.
Thái
độ lúng túng và lo sợ trước trò hề của đảng và chính quyền trong việc
sửa đổi Hiến pháp 1992 ngày một bị công luận của nhân dân vạch trần. Tuy
nhiên do việc gia hạn thời gian góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, nên khả
năng nhân rộng biện pháp ép buộc từng hộ gia đình nhân dân phải đồng ý
ký tên và tham gia vào bản dự thảo sửa đổi hiến pháp do đảng cộng sản
ban hành như đã thực hiện ở Sài gòn là rất cao. Cần phải có các biện
pháp vận động quần chúng nhân dân tẩy chay nhằm vô hiệu hóa, bằng mọi
cách không ký với nhiều lý do khác nhau như cần đọc kỹ tài liệu hướng
dẫn để tìm hiểu, chưa ký lúc này vì thời gian còn nhiều. Hoặc ký không
đông ý với bản dự thảo Sửa đổi Hiến pháp mà đồng ý với bản Dự thảo Kiến
nghị 72.
Một bản Hiến pháp của bất kỳ quốc gia nào đã khẳng định ở
quốc gia đó nhà nước là của dân, do dân và vì dân thì không có bất lỳ
thế lực nào có thể lợi dụng danh nghĩa nhân dân để mưu toan bẩn thỉu
khác với nguyện vọng của quần chúng nhân dân được. Không góp ý, không ký
bất kỳ tài liệu gì mang tính ép buộc của chính quyền để lợi dụng danh
nghĩa nhân dân là hành động thay cho câu trả lời dứt khoát là chúng ta
không chấp nhận.
Muốn từng bước tiến tới cải cách thể chế chính
trị hiện tại để chuyển sang một thể chế chính trị tự do, dân chủ của
loài người tiến bộ thì ngay từ hôm nay, mỗi chúng ta phải bắt đầu từ
những công việc tưởng chừng nhỏ bé như vậy.
Đảng chủ lập hiến và Quân chủ lập hiến
“…Hiến
Pháp 1992 không cần sửa mà phải viết mới. Giống như Đắc Kỷ ló đuôi
chồn, nhiều điều trong hiến pháp 1992 và dự thảo sửa đổi bây giờ có kết
thúc bằng câu “theo luật định”…”
Phong
trào góp ý sửa đổi hiến pháp 1992 do ĐCSVN khởi động đã thổi vào nhiều
luồng gió mát mẻ, nhiều sinh khí cho khung cảnh chính trị xơ cứng. Đó là
ý muốn thay đổi hiến pháp theo chiều hướng dân chủ.
Bao
năm qua cơ cấu chính trị Việt Nam bị đè nặng bởi bóng ma Trung Quốc cả
về hình thức cũng như nội dung. Hiến pháp của chế độ quân chủ lập hiến
được dùng để giới hạn quyền của nhà vua. Hiến pháp của chế độ Đảng chủ
lập hiến được dùng để tăng thêm và củng cố quyền của ĐCSVN. ĐCSVN hiện
là chủ nhân ông của toàn thể đất nước và người Việt Nam. Một hiện trạng
mang lại nhiều rủi ro, ách tắc không đáp ứng được với nhu cầu cấp bách
của dân tộc. Những nhu cầu đó là chống giặc ngoại xâm đang đến từ Trung
quốc và canh tân đất nước. Họ bị ràng buộc bởi ý thức hệ và nhiều quan
hệ bất minh với kẻ thù dân tộc.
Thời
gian từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 2013 đã có hàng vạn công dân Việt
Nam góp ý sửa đổi hiến pháp. Hầu như tất cả những ai có địa vị, danh
vọng, lương tri đều góp sức góp phần. Họ đến từ nội bộ đảng viên CS, từ
bên ngoài đảng, từ Phật giáo như là đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, Phật
giáo Hoà Hảo và Hội đồng Giám mục Công giáo. Họ kêu gọi những gì? Nếu
chúng ta lắng nghe thì ngoài vài tiểu tiết khác biệt, điểm nhấn của tất
cả những ước nguyện hàng đầu là xoá bỏ điều 4 hiến pháp, tam quyền phân
lập, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tư hữu hóa đất đai, phi chánh trị
hóa quân đội tức có nghĩa là dân chủ thật sự.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài có tựa là Hãy để nhân dân Việt Nam quyết định
đăng trong website của chíng ông ngày 4/3/13 đã kể ra chính xác những
thể chế chính trị của các nước tiền tiến bao gồm Quân chủ lập hiến, Đại
Nghị lập hiến và Tổng thống chế. Ông kết luận là không nên sao chép ai
hết, mỗi người mỗi khác, đừng ai xen vào, hãy để người dân Việt Nam
quyết định. Nhưng ông quên không xét rằng những thể chế chính trị như
Đại Nghị và quân chủ lập hiến kia đều là nền tảng của những nước hùng
mạnh phát triển nhất địa cầu. Thể chế đảng chủ lập hiến của Việt Nam thì
đang đưa đất nước lún ngày càng sâu vào quỹ đạo Trung Quốc. Mất nước,
tuyệt chủng là đại họa trước mắt. Ông Bí Thơ Nguyễn Phú Trọng thì nói là
ai nói trái với ý ông đều là vô đạo đức cả (Vĩnh Phúc 25/2/13).
Riêng
tôi thì rất tâm đắc với hầu hết những đề nghị về hiến pháp của nhóm 72
nhân sỹ, của nhóm Công dân tự do, của các tôn giáo trong đó có tiếng nói
của thầy Thích Quảng Độ kêu gọi thành lập ba đảng chính trị lớn bao gồm
1 tả, 1 hữu và 1 trung hòa trong thể chế dân chủ đa nguyên (RFA 11/3/2013).
Có một sự đồng thuận bên ngoài ĐCSVN là vai trò lập pháp của quốc hội
phải được nâng cao mà thể chế Đại Nghị và tam quyên phân lập là mục tiêu
hướng tới của nhiều người. Riêng Tổng Thống chế có nhiều bất cập mà
chúng ta nên thận trọng và né tránh. Có một đoạn phân tích về Tổng thống
chế, ông Nguyễn Gia Kiểng đã viết: “Đối với nhiều người Việt Nam,
kể cả người cộng sản, có lẽ tương lai của Việt Nam sau này đương nhiên
là chế độ tổng thống. Tuy nhiên chế độ tổng thống là một chế độ rất dở.
Cho đến nay trong lịch sử thế giới đã chỉ có một trường hợp chế độ tổng
thống tương đối thành công là Hoa Kỳ. Tất cả các quốc gia theo chế độ
tổng thống đã thất bại. Trong đại đa số, nó đưa đến độc tài, trong những
trường hợp còn lại, nó đưa đến một xung đột bế tắc giữa tổng thống và
quốc hội, đặt quốc gia trong tình trạng căng thẳng thường trực”.
Nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên, trong những điều anh mong muốn qua bài“Vài lời với TBT DCSVN Nguyễn Phú Trọng” có điều làm tôi chú ý đó là: “Tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc”.
Nói một cách khác, một nước lớn như Việt Nam cần có 6 hoặc 8 tiểu bang
có chính phủ và ngân sách riêng. Những tiểu bang này góp phần đa dạng
hóa kinh tế, phong phú hóa chủ trương, phát huy rèn luyện lãnh đạo và
góp phần kềm chế khuynh hướng độc tài nguy hiểm.
Theo
thiển nghĩ, chúng ta phải tìm cách dung hòa giữa nguy hiểm của nạn độc
tài và tai họa của sự phân hóa. Hiện tại Việt Nam đang bị cả 2 đại nạn
này ám hại. Độc tài bởi vì bản chất của đảng cộng sản và phân hóa dửng
dưng của thường dân trước họa ngoại xâm. Tất cả là vì không ai có quyền
gì hết và không ai làm chủ cái gì hết. Phải kết hợp mọi người bằng tư
hữu hóa đất đai, dân chủ hóa chính trị. Tam quyền phân lập vẫn không thể
là toàn hảo nhưng vẫn tốt hơn độc tài. Trong Tam quyền phân lập, nghị
viên, dân biểu quốc hội dẫu nhiều nhưng thực tế chứng minh phẩm chất của
họ không cao hoặc những người tốt và giỏi không chen chân vào được nghị
trường. Luật lệ thường được ban hành cho đa số theo lệ dân chủ. Ai sẽ
bảo vệ cho thiểu số sắc tộc, thiểu số trí thức và thiểu số doanh nhân?
Độc lập của Tư pháp thì tốt rồi nhưng nếu Tư Pháp, đặt biệt là các thẩm
phán ngu xuẩn, gian ác ai sẽ kiểm soát hạng người ấy?
Trên trang Facebook, bài “Sửa hiến pháp chứ không phải xây hầm trú ẩn”, tháng 2 năm 2013, tác giả Huy Đức đã viết: “Ủy
ban sửa đổi hiếp pháp, vì thế, phải thay đổi quy trình làm việc của
mình. Thay vì cắm đầu viết lách, bước một, chuẩn bị những vấn đề phải
trình Quốc hội biểu quyết đưa ra trưng cầu dân ý. Điều phải trưng cầu
dân ý đầu tiên là Việt Nam nên chọn mô hình cộng hòa đại nghị (nơi quốc
hội bầu ra chính phủ và nguyên thủ quốc gia) hay cộng hòa tổng thống
(nơi cử tri trực tiếp bầu ra nguyên thủ).
“Cộng
hòa đại nghị thường thành công hơn ở các quốc gia đi từ nền quân chủ
lập hiến. Nơi hoàng gia, tuy không trực tiếp cầm quyền, vẫn còn uy tín
để trị vì như một biểu tượng quốc gia. Tuy các triều vua của Việt Nam đã
bị "phế từ lâu", vẫn nên hỏi xem dân chúng muốn tìm một hoàng thân hay
tự tay bầu ra tổng thống.”
Lời
đề nghị của Huy Đức có phần hợp lý. Quanh khu vực gần Việt Nam có nhiều
quốc gia phú cường theo chế độ quân chủ lập hiến như Nhật Bản, Thái
Lan, Mã Lai, Úc, Tân Tây Lan, và những nước tân hưng như Campuchia cũng
không ngừng phát triển vượt qua lịch sử nồi da xáo thịt.
ĐCSVN
sẽ không bao giờ bỏ điều 4 hiến pháp, vì như thế sẽ là tự sát. Đó là
lời tuyên bố của ông cựu chủ tị̣ch nước Nguyễn Minh Triết. Thế nhưng giữ
điều 4 hiến pháp cũng sẽ dẫn đến kết quả tương tự. Cái chết sau lôi
theo vận mạng quốc gia dân tộc còn tai hại hơn. Đó là thế tiến thoái
lưỡng nan của đảng CSVN. Hai lựa chọn giữ và bỏ điều 4 đều sẽ dẫn đến
cái chết của ĐCSVN. Khi đó là dịp hồi sinh của dân tộc Việt Nam.
Hiến
Pháp 1992 không cần sửa mà phải viết mới. Giống như Đắc Kỷ ló đuôi
chồn, nhiều điều trong hiến pháp 1992 và dự thảo sửa đổi bây giờ có kết
thúc bằng câu “theo luật định”. Một hiến pháp như vậy có cũng như không
vì nó tự đặt mình dưới tất cả những thứ luật vớ vẫn khác. Tập Hợp Dân
Chủ Đa Nguyên đã ấn hành một văn kiện quan trọng mang tên là “Thành Công Thế kỷ 21”.
Văn kiện này có thể thay vào chổ trống đó vì đặc điểm hữu ích cho dân
tộc, dung hòa nhiều xu hướng chính trị mà cốt lõi vấn đề là cởi trói và
dân chủ hóa cho Việt Nam.
Cái Răng, Cần Thơ, 15/3/13
Võ Thanh Liêm
(Thông luận)
Trung Quốc muốn duy trì hiện trạng trên biển Đông?
Một hội thảo quốc tế về tranh chấp biển Đông do Trung tâm châu Á và toàn
cầu hóa phối tổ chức với trường đại học Lý Quang Diệu, vừa diễn ra vào
ngày 14 tháng 3 tại New York.
Đây là một hội thảo kéo dài hai ngày, quy tụ nhiều học giả quốc tế từ
Mỹ, Việt Nam, Trung Quốc, Singapore với chủ đề chính được bàn thảo bao
gồm nguồn gốc tranh chấp trên biển Đông, vấn đề pháp lý trong trách chấp
này, và quan hệ Mỹ Trung trong mối quan hệ với tranh chấp ở biển Đông.
Đảm bảo tự do hàng hải
Ngày đầu tiên của hội thảo biển Đông diễn ra tại Asia Society, New York
phần nào cho thấy sức nóng của những căng thẳng do tranh chấp lãnh hải
giữa các nước có liên quan tại khu vực này.
Ngay bài phát biểu mở đầu hội thảo, cựu Thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ
trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Christopher Hill khẳng định lập
trường của Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp biển Đông và mong
muốn duy trì tự do hàng hải tại khu vực này:
“Nước Mỹ không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại
biển Đông. Đây không phải là do chúng tôi thấy vấn đề phức tạp mà không
tham gia, mà do lập trường đã có từ lâu và chính sách của Mỹ, tức là
không can thiệp vào tranh chấp chủ quyền nếu nó không lien quan đến chủ
quyền của Mỹ. Hoa Kỳ cũng duy trì quan điểm đảm bảo tự do hàng hải, đây
là điều Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nói về biển Đông và cũng là
chính sách có từ lâu của Mỹ. Chúng tôi cũng muốn thấy một giải pháp hòa
bình ở khu vực này. Nhưng liệu có được một giải pháp hòa bình không thì
là một vấn đề khác.”
Ông cũng thừa nhận việc giải quyết tranh chấp này giữa các nước không dễ
dàng, nhất là đối với thái độ từ Trung Quốc, nước lớn nhất trong tranh
chấp, ông nói tiếp:
“Không có một quốc gia nào phức tạp như Trung Quốc với hơn 1 tỷ dân và
có thể có đến 2 tỷ quan điểm khác nhau về một vấn đề, chúng ta không thể
nghĩ đến một giải quyết dễ dàng, hoặc tiếp cận dễ dàng khi đụng đến vấn
đề thái độ của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông hay bất cứ vấn đề nào
khác.”
Ông Christopher Hill cũng chỉ trích Trung Quốc trong cách tiếp cận vấn
đề tranh chấp biển Đông bằng song phương và kêu gọi nước này nên cân
nhắc lại cách tiếp cận này.
Tôn trọng lợi ích cốt lõi
Bài phát biểu có lẽ gây nhiều ý kiến tranh cãi sôi nổi nhất vào buổi
sáng đầu tiên của hội thảo có lẽ đến từ trung tướng Zhu Chenghu, thuộc
học viện quốc phòng Trung Quốc. Ông Zhu nói đến mối quan hệ tốt đẹp về
nhiều mặt giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng thừa nhận có những khác biệt đối
với các vấn đề an ninh và quân sự, dẫn đến mất lòng tin từ hai phía.
Ông Zhu cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc cần hợp tác vì cả hai đều có những
quyền lợi chung. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo hợp tác mà không có sự tôn
trọng lợi ích cốt lõi của bên kia sẽ không thể giải quyết được khủng
hoảng:
Trung tướng Zhu Chenghu, thuộc học viện quốc phòng Trung Quốc. Ảnh chụp trước đây. Photo courtesy of emory.edu
“Theo tôi thì cả Mỹ và Trung Quốc đều cần từ bỏ cách suy nghĩ theo thời
chiến tranh lạnh, đừng tìm kiếm một kết quả không có lợi cho cả hai
bên, sẽ không có điều đó trong tương lai quan hệ hai nước. Chúng ta cần ý
tưởng mới, ý kiến mới, và thái độ mới. Theo tôi cả Mỹ và Trung Quốc
phải tôn trọng lợi ích cốt lõi của hai bên trong khi xem xét đến các
quan ngại về an ninh của mỗi nước. Theo tôi mỗi nước chỉ có thể đạt được
quyền lợi của mình qua hợp tác. Nếu anh lờ đi lợi ích cốt lõi của bên
kia, thì bên kia sẽ không tôn trọng lợi ích cốt lõi và quan ngại an ninh
của anh.”
Vào năm 2011, một lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc, đã
lên tiếng nói rằng biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Tuyên
bố này đã đặt ra nhiều thắc mắc về chính sách và hành xử của Trung Quốc
tại khu vực này có giống như cách Trung Quốc đã làm với Tây Tạng và Đài
Loan là hai lợi ích cốt lõi khác của Trung quốc.
Các học giả đã chất vấn Trung tướng Zhu về định nghĩa và phạm vi của lợi
ích cốt lõi là gì? Liệu biển Đông có phải là lợi ích cốt lõi của Trung
Quốc hay không? Trung tướng Zhu Chenghu giải thích:
“Ở Trung Quốc có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Có người đã
hỏi ông Đới Bỉnh Quốc là biển Đông có phải là lợi ích cốt lõi của Trung
Quốc không. Còn nhiều tranh cãi về vấn đề này vì có nhiều người tin biển
Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc vì nó thuộc với yếu tố toàn vẹn
lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc. Một số người cho rằng biển Đông
không giống như Đài Loan hay Tây Tạng. Vào lúc này chúng tôi vẫn chưa có
một định nghĩa thống nhất về vấn đề này.”
Trung tướng Zhu cho biết có yếu tố thuộc về lợi ích cốt lõi của Trung
Quốc: thứ nhất là toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, thứ hai là môi trường
cho phát triển hòa bình, thứ 3 là sự tiếp tục của hệ thống chính trị
hiện tại ở Trung Quốc.
Trung Quốc không gây hấn?
Điểm đáng chú ý thứ hai trong bài phát biểu của ông Zhu khiến những
người dự hội thảo thắc mắc đó là khi ông nói đến việc Trung Quốc muốn
duy trì hiện trạng tại biển Đông.
“Trung Quốc không phải là nước thích phá vỡ hiện trạng tại Điếu ngư hay
biển Đông. Tôi tin là các hành động của Trung Quốc luôn là phản ứng chứ
không phải gây hấn với bất cứ bên nào duy trì hiện trạng lúc này tại
biển Đông có nghĩa là Trung Quốc không muốn chiếm tất cả các đảo đã được
các nước khác chiếm đóng, và chúng ta vẫn tiếp tục các hoạt động khai
thác bình thường từ trước. Không một nước nào được tăng số đảo chiếm
đóng hiện tại lên.”
Trả lời câu hỏi chất vấn của một người dự hội thảo về hành động cưỡng
chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc hồi năm 1974 có phù hợp với chính sách duy
trì hiện trạng của Trung Quốc, ông Zhu cho rằng Hoàng Sa thuộc Trung
Quốc theo công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết cho Thủ tướng Trung
Quốc Chu Ân Lai vào năm 1958, công nhận Hoàng Sa thuộc Trung Quốc.
Liên quan đến vấn đề tự do hàng hải, Trung tướng Zhu Chenghu khẳng định
Trung Quốc chưa bao giờ là người gây hấn, và trong vòng 3 năm qua chưa
có một sự kiện nào cho thấy Trung Quốc đã gây ảnh hưởng đến tự do hàng
hải tại khu vực này, hay ngăn chặn tàu của Mỹ.
Cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ Christopher Hill thì cho rằng nếu nói về tự
do hàng hải tại biển Đông, những ngư dân Việt Nam có lẽ là những người
hiểu rõ nhất về vấn đề này:
“Chắc chắn nếu bạn là một ngư dân Việt Nam vào lúc này, bạn sẽ không cảm thấy mình có tự do hàng hải.”
Từ nhiều năm nay, các ngư dân Việt Nam đi đánh bắt cá tại ngư trường
truyền thống là khu vực quần đảo Hoàng Sa hoặc lánh bão tại đây đã bị
lực lượng có vũ trang của Trung Quốc đánh đập, bắt giữ và đòi tiền
chuộc.
Trong phần trả lời câu hỏi về cách tiếp cận đa phương trong giải quyết
tranh chấp biển Đông, người đại diện từ Trung Quốc cho biết Trung Quốc
không chống lại đa phương và sẵn sàng hợp tác nếu Singapore là nước đứng
ra trung gian dàn xếp với các nước ASEAN trước khi tiếp cận với Trung
Quốc.
Quý vị vừa theo dõi phần 1 tường thuật hội thảo biển Đông tại Asia
Society ngày 14 tháng 3. Mời quý vị đón xem phần 2 tường thuật hội thảo
ngày 15 tháng 3, phần 2 có chủ đề về vụ kiện của Philippines và đề xuất
giải pháp.
Nguồn: RFA
Một cựu tù binh chiến tranh Việt Nam: Bốn mươi năm nhìn lại
Tôi đã làm bạn với những kẻ cựu thù, điều đáng tiếc là họ chưa vui hưởng những tự do mà người Mỹ trân trọng.
Ngày
14 tháng Ba bốn mươi năm trước, các bạn tù binh chiến tranh tại Bắc
Việt Nam và tôi, trong y phục dân sự rẻ tiền mà 108 người chúng tôi được
cấp vào dịp này, lên xe bus ra phi trường Gia Lâm ở ngoại thành Hà Nội.
Một phi cơ C-141 mầu xanh, loại vận tải cỡ lớn của Hoa Kỳ, đợi sẵn để
chở chúng tôi về Căn cứ Không quân Clark tại Philippines.
Tại phi trường, chúng tôi xếp hàng theo
thứ tự ngày chúng tôi bị bắn rơi, và cố gắng giữ phong cách quân nhân
trong khi máy quay phim kêu rè rè cùng với tiếng bấm máy chụp hình và
tiếng ồn ào của một đám đông người Việt quan sát chúng tôi. Các sĩ quan
Hoa Kỳ và Việt Nam ngồi tại một cái bàn, mỗi người cầm một tờ danh sách
tù binh.
Khi đến lượt một tù binh tiến lên phía
trước, đại diện quân sự của cả hai bên cùng gọi lớn tên người đó. Họ
xướng tên tôi, tôi tiến vài bước về phía cái bàn và chào. Một sĩ quan
Hải quân chào lại tôi, cười và bắt tay tôi, rồi hướng dẫn tôi qua sân
bay, tới tận cầu lên máy bay.
|
Cựu tù binh chiến tranh Việt Nam JohnMcCain năm 1973, sau khi được phóng thích. Ảnh: Wikipedia |
Tôi đi cùng với hai người bạn thân nhất,
là các sĩ quan Không quân Bud Day và Bob Craner, những người mà trong
hơn 5 năm qua tôi đã dựa vào cách hành xử và gương can đảm của họ. Mấy
phút sau khi chuyến bay bắt đầu, phi công loan báo chúng tôi đã “chân
ướt”, nghĩa là bây giờ đang bay trên Vịnh Bắc Việt và trong không phận
quốc tế. Mọi người reo vui.
Tôi không nghĩ có ai trong chúng tôi lại
chờ đợi sẽ có ngày trở lại đất nước mà từ lâu chúng tôi mong được rời
bỏ. Thật nặng lòng khi nói lời từ biệt nhau tại Clark, và cảnh từ biệt
của chúng tôi vô cùng cảm động.
Chúng tôi hứa sẽ giữ liên lạc thường
xuyên, điều mà chúng tôi đã làm được trong nhiều năm, cho đến khi cái
chết bắt đầu làm cho nhân số chúng tôi giảm đi. Dầu sao, khi rời Việt
Nam chúng tôi đã không hề bị xáo trộn tình cảm và không khao khát tái
lập mối quen biết này trong tương lai.
Thế mà tôi đã trở lại Việt Nam. Tôi đã
trở lại nhiều lần kể từ khi chấm dứt chiến tranh. Đó là một đất nước đẹp
đẽ, và người Việt là những chủ nhân hiếu khách. Phần lớn những chuyến
viếng thăm của tôi là vì công việc chính thức: tìm kiếm những chiến binh
Hoa Kỳ bị bắt hay mất tích trong thời chiến, giúp cho việc bình thường
hóa liên lạc giữa hai nước chúng ta, và phát triển một quan hệ trong
tương lai sẽ phục vụ cho lợi ích của cả hai nước.
Tôi đã làm bạn với những người trước đây
là kẻ thù của tôi. Đã chuyển sang yêu một nơi tôi từng ghét bỏ. Tôi vui
thấy Hoa Kỳ và Việt Nam đã tạo được rất nhiều tiến bộ trong việc kiến
tạo một mối liên lạc hiệu quả đôi bên cùng có lợi trong sự đổ nát của
một cuộc chiến từng là thảm cảnh của cả hai dân tộc chúng ta.
Hôm nay, những oán trách cũ đã được thay
thế bởi những hy vọng mới. Con số người Mỹ tới thăm Việt Nam tăng thêm
hàng năm – kể cả ba vị Tổng thống Mỹ khi tại chức – lôi cuốn bởi một đất
nước có vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời và một dân tộc thân thiện. Thương
mại song phương tăng hơn 80 lần so với năm 1994, khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm
vận. Điều này có lợi cho người dân của cả hai quốc gia và giúp cho hàng
triệu người Việt có thể ra khỏi tình trạng nghèo khó.
Tương tự như thế, quan hệ quốc phòng của
hai nước đã phát triển tới mức không thể tưởng tượng được ngay cả một
thập niên trước. Quân đội của hai bên đã cùng tập trận và Vịnh Cam Ranh
lại trở thành nơi cập bến cho Hải quân Mỹ. Thật vậy, chiến hạm USS John
McCain, một khu trục hạm của Hải quân được đặt tên theo cha và ông tôi,
mới đây đã tới thăm cảng Đà Nẵng; điều này chứng tỏ chuyện gì cũng có
thể xảy ra nếu ta sống đủ lâu để chứng kiến.
Tuy vậy, khi đề cập tới những giá trị mà người Mỹ trân trọng gìn giữ như tự do, nhân quyền và chế độ pháp trị (rule of law),
hy vọng cao nhất của chúng ta cho Việt Nam phần lớn vẫn chỉ là hy vọng
mà thôi. Nhà cầm quyền Hà Nội vẫn giam cầm và ngược đãi các nhà bất đồng
chính kiến ôn hòa, các nhà báo, blogger, những nhóm thiểu số sắc tộc và
tôn giáo vì những lý do chính trị.
Những luật lệ chung chung vẫn được duy
trì, như điều 88, cho nhà nước quyền hành gần như vô hạn đối với người
dân. Nhà cầm quyền vẫn chưa có những hành động dù nhỏ nhất để có thể đặt
Việt Nam về phía những nước trên trường quốc tế thừa nhận nhân quyền,
như phê chuẩn và thực hiện Công ước chống tra tấn.
Trong một bước tích cực gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt đầu một
cuộc đối thoại với tổ chức Ân xá Quốc tế
và cuối cùng cũng hứa hẹn rằng Việt Nam có thể sửa đổi hiến pháp để bảo
vệ tốt hơn những quyền về dân sự và chính trị của công dân. Tôi thành
tâm hy vọng như thế – vì các quan hệ lớn như giữa Hoa Kỳ và Việt Nam
hiện tại có thể xây dựng trên nền tảng những lợi ích chung, nhưng sự
cộng tác tốt đẹp và lâu bền nhất thì luôn dựa trên nền móng của sự chia
sẻ các giá trị. Trong thử thách này, cũng như trong thử thách khác mà
hai nước đã từng vượt qua, tôi vẫn muốn là một người bạn tận tâm với
Việt Nam.
Hai nước chúng ta đã có một quá khứ khó
khăn và đau lòng. Nhưng đã không tự trói mình vào quá khứ đó và đang đi
tiếp trên con đường từ hòa giải đến tình hữu nghị thực sự. Viễn cảnh hứa
hẹn này là một trong những bất ngờ lớn nhất và thỏa mãn nhất trong đời
tôi, điều mà tôi chờ đợi sẽ còn khiến tôi ngạc nhiên hơn trong những năm
sắp tới.
Tháng 3 16, 2013
John McCain
Đinh Từ Thức dịch
Bản tiếng Việt © 2013 Đinh Từ Thức & pro&contra
"Phi chính trị hóa lực lượng vũ trang là mắc kế địch"
Thông tấn xã Việt Nam: Xin giới thiệu bài viết của Trung tướng, phó
giáo sư-tiến sỹ Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an,
góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với nhan đề: "Cơ sở khoa học của
các quy định về lực lượng vũ trang nhân dân trong Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp năm 1992":
Chế định bảo vệ Tổ quốc là một vấn đề quan trọng trong lịch sử lập hiến
của Nhà nước. Tất cả các bản Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam từ trước
đến nay (Hiến pháp các năm 1946, 1959, 1980, 1992) đều quy định nội
dung: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân Việt Nam .
Các quy định về lực lượng vũ trang nhân dân - lực lượng nòng cốt trong
sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc được quy định trực tiếp trong các bản Hiến pháp
Việt Nam các năm 1980, 1992 và tiếp tục được ghi nhận trong Dự thảo sửa
đổi Hiến pháp năm 1992.
Dư luận trong và ngoài nước đã và đang đặc biệt quan tâm bình luận về
các nội dung của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó có nội
dung quy định về Bảo vệ Tổ quốc, nhất là về bản chất, vai trò, vị trí,
chức năng của lực lượng vũ trang nhân dân, xung quanh vấn đề này, còn có
các ý kiến khác nhau, nhưng tựu chung lại có hai loại ý kiến sau:
Một là, thống nhất, tán thành các nội dung quy định về lực lượng vũ
trang mà dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thể hiện; khẳng định sự cần
thiết quy định về bản chất cách mạng, tính chính trị của lực lượng vũ
trang - trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt
Nam và chế độ Xã hội chủ nghĩa.
Hai là, không cần thiết quy định cụ thể như sửa đổi Hiến pháp năm 1992
về lực lượng vũ trang; cần phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, cũng
như cần thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng, xóa bỏ quy định
về sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước và xã
hội.
|
Quân đội nhân dân và Công an nhân dân chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu lịch sử. (Nguồn: TTXVN) |
Để góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn quy định về lực lượng vũ
trang nhân dân trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, xin được trao
đổi một số vấn đề sau:
1. Vai trò, vị trí của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử
Việt Nam chúng ta có lịch sử dựng nước gắn liền với giữ nước qua hàng
ngàn năm - là quốc gia thường xuyên phải đấu tranh khốc liệt để bảo vệ
không gian sinh tồn trước các âm mưu xâm lược và cai trị từ bên ngoài.
Cùng với việc huy động sức mạnh toàn dân, thực hiện kháng chiến toàn dân
khi đất nước bị xâm lăng với phương châm “giặc đến nhà đàn bà cũng
đánh,” thì việc tổ chức các lực lượng vũ trang chuyên nghiệp, chủ lực để
đối phó với kẻ thù bên ngoài và đảm bảo an ninh trật tự xã hội trong
nước luôn là một trong những vấn đề có tính chiến lược, căn bản mà các
nhà lãnh đạo, các triều đại từ xưa đến nay đều phải thực hiện.
Có thể nói, bài học lịch sử về dựng nước phải đi đôi với giữ nước, xây
dựng, phát triển đất nước phải đi liền, gắn chặt với bảo vệ Tổ quốc còn
vẹn nguyên giá trị. Vì vậy, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đưa các
quy định về bản chất, mục tiêu, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân
trong chế định Bảo vệ Tổ quốc là có cơ sở lịch sử vững chắc, là sự kế
thừa và khẳng định những giá trị được chính thực tiễn vận động và phát
triển trong suốt chiều dài lịnh sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam
kiểm nghiệm.
2. Bản chất, vai trò lực lượng vũ trang dưới góc độ tổ chức quyền lực chính trị và bảo vệ quyền lực chính trị
Sự hình thành, tồn tại và phát triển của mỗi chính thể, mỗi chế độ xã
hội luôn gắn với hệ tư tưởng-chính trị và các thiết chế tương ứng của
lực lượng tiên tiến, quyết định đến sự vận động, biến đổi của xã hội
trong những giai đoạn lịch sử ở mỗi quốc gia nhất định.
Chính thể Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình thành, phát triển gắn
với Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Hệ tư tưởng của giai cấp
vô sản phát huy vai trò cách mạng trong xã hội Việt Nam với thiết chế
tương ứng là Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa
Việt Nam cùng với các tổ chức khác thuộc hệ thống chính trị của đất
nước.
Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là một trong những yếu tố cấu thành
của tổ chức quyền lực nhà nước, có vai trò vô cùng quan trọng để bảo vệ
chính thể, bảo vệ quyền lực nhà nước, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa,
bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân
dân. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, thể hiện tập trung ý chí, nguyện
vọng của lực lượng lãnh đạo xã hội và của toàn dân, cần thiết có quy
định những nội dung về bảo vệ Tổ quốc và các lực lượng vũ trang nhân
dân.
3. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam thành
lập, giáo dục, rèn luyện; quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành
của lực lượng vũ trang nhân dân luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam. Bản chất cách mạng, tính chính trị của lực lượng vũ
trang nhân dân Việt Nam là tất yếu, phù hợp thực tiễn cách mạng Việt
Nam.
Mỗi quốc gia, dân tộc, trong tiến trình vận động, phát triển phải tuân
theo những quy luật khách quan của xã hội, phù hợp với những điều kiện,
hoàn cảnh cụ thể, đặc thù của đất nước. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt
Nam là lực lượng vũ trang cách mạng, là một trong những lực lượng, công
cụ trọng yếu để đảm bảo thực hiện chuyên chính vô sản.
Tính chính trị, bản chất giai cấp, tính Đảng của lực lượng vũ trang nhân
dân Việt Nam không phải xuất phát từ ý chí chủ quan, một chiều của Đảng
Cộng sản Việt Nam mà nó được quy định bởi chính thực tiễn vận động của
cách mạng Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ IX đến nay. Điều này có thể khái
quát trên các bình diện cơ bản sau:
Thứ nhất, sự ra đời, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam và vai trò
lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội,
trong đó có lực lượng vũ trang là sự lựa chọn duy nhất đúng của lịch sử
dân tộc, phù hợp tình hình Việt Nam.
Thực tế lịch sử cho thấy, từ cuối thế kỷ IX đến đầu thế kỷ XX, chế độ
Phong kiến Việt Nam suy tàn, thực dân Pháp xâm lược, đô hộ Việt Nam. Các
phong trào yêu nước, các cuộc khởi nghĩa theo xu hướng phong kiến hay
dân chủ tư sản lúc bấy giờ như phong trào Cần Vương, phong trào Duy Tân,
phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục… đều thất bại và theo đó, con đường
cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ lâm vào tình trạng
khủng hoảng.
Sự thất bại của các phong trào yêu nước đó phản ánh rất nhiều vấn đề,
trong đó có điểm mấu chốt là các lực lượng lãnh đạo thuộc giai cấp địa
chủ phong kiến hay tư sản ở Việt Nam hoặc hệ tư tưởng lạc hậu, hoặc thực
lực hạn chế, không có được đường lối cách mạng và các thiết chế đủ năng
lực để lãnh đạo nhân dân Việt Nam giải phóng dân tộc, đưa đất nước phát
triển theo xu thế mới của thời đại.
Sự truyền bá Chủ nghĩa Marx-Lenin của các lực lượng vô sản từ đầu thế kỷ
XX vào Việt Nam mà tiên phong, tiêu biểu là Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh,
với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân, kết hợp với phong
trào yêu nước đã đặt ra nhu cầu tất yếu của sự ra đời của một tổ chức
cách mạng vô sản.
Sự ra đời của các tổ chức, sự lớn mạnh của các lực lượng, phong trào vô
sản những năm 20 của thế kỷ XX mà đỉnh cao là sự ra đời của Đảng Cộng
sản Việt Nam năm 1930 (hợp thành từ 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng
sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn) đã thực
sự chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối và tổ chức của cách mạng
Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã giành
những thắng lợi lịch sử, đưa dân tộc Việt Nam đi vào kỷ nguyên mới -
độc lập dân tộc, tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Sự khẳng định vai trò duy
nhất lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản
Việt Nam vì thế là sự lựa chọn của điều kiện thực tiễn đất nước, là sự
lựa chọn của lịch sử dân tộc.
Thứ hai, con đường cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên Chủ nghĩa Xã
hội ở Việt Nam, như thực tiễn đã minh chứng chỉ có thể thành công bằng
con đường đấu tranh bạo lực cách mạng. Muốn thực hiện bạo lực cách mạng
phải kết hợp chính trị với quân sự và các mặt trận khác, trong đó không
thể thiếu được mặt trận quân sự, không thể thiếu một lực lượng vũ trang
do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Việc hình thành và phát triển một lực lượng vũ trang nhân dân, mang bản
chất cách mạng, chịu sự lãnh đạo và tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng
sản Việt Nam, với Tổ quốc và nhân dân là nhu cầu tất yếu để thực hiện
nhiệm vụ của cách mạng.
Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam được Hồ Chí Minh, được Đảng Cộng
sản Việt Nam sáng lập và chỉ đạo, trong suốt thời kỳ cách mạng giải
phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như sau này đã phát huy cao độ
tinh thần cách mạng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ
Đảng và chế độ Xã hội chủ nghĩa.
Chỉ dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, với đường lối vũ trang cách
mạng đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng vũ trang nhân dân
Việt Nam mới có đủ bản lĩnh, năng lực là lực lượng nòng cốt trong sự
nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Vì vậy, tính chính trị, tính cách mạng, yêu cầu trung thành của lực
lượng vũ trang với Đảng Cộng sản Việt Nam, với chế độ Xã hội chủ nghĩa,
lực lượng vũ tranh chịu sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề đặc biệt quan
trọng để đảm bảo sức mạnh, đảm bảo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cao cả
của lực lượng vũ trang trong mọi hoàn cảnh.
Việc dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định rõ về bản chất chính
trị, vai trò, nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng vũ trang trong sự nghiệp
bảo vệ Tổ quốc là phù hợp. Quy định này là cơ sở pháp lý cao nhất để xây
dựng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, từng
bước hiện đại đáp ứng tốt mọi yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo
an ninh quốc gia trước mắt và lâu dài.
Thứ ba, tình hình quốc tế và khu vực đang diễn biến phức tạp; bất ổn
chính trị xã hội, lật đổ chế độ, thay đổi thiết chế lãnh đạo đất nước do
mâu thuẫn trong nước và tác động từ bên ngoài dưới chiêu bài dân chủ,
nhân quyền… đã và đang diễn ra ở nhiều nơi (như ở Bắc Phi, Trung Đông)…
Các thế lực thù địch, các lực lượng phản động lợi dụng tình hình đó đẩy
mạnh chiến lược “Diễn biến hoà bình,” tác động vào bên trong nhằm chuyển
hóa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ Xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam.
Một trong những vấn đề được các thế lực thù địch tập trung tấn công là
tìm mọi cách để thâm nhập nội bộ, hướng lái chính sách, pháp luật hòng
phi chính trị hóa, phi đảng phái hóa lực lượng Quân đội nhân dân và Công
an nhân dân Việt Nam, tách các lực lượng vũ trang này ra khỏi sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản, làm suy yếu, biến chất lực lượng vũ trang và tước
đi công cụ trọng yếu của Đảng, của Nhà nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa
trong sự nghiệp bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả của cách mạng.
Vì vậy, nếu đặt vấn đề Hiến pháp mới quy định phi chính trị hóa lực
lượng vũ trang sẽ mắc phải đúng mưu kế tác động của các thế lực thù địch
đối với đất nước, với chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Tuy nhiên, cần lưu ý, không phải bất cứ ý kiến, quan điểm nêu ra về vấn
đề phi chính trị hóa lực lượng vũ trang nào cũng xuất phát từ ý đồ xấu,
âm mưu đen tối nêu trên. Thực tiễn do nhiều nguyên nhân, như chưa đánh
giá đúng tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của đất nước và
thế giới, chưa hiểu rõ căn nguyên lịch sử, hoàn cảnh cụ thể của việc xác
định tính chính trị của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam hoặc do
tác động của các luận điều tuyên truyền tiêu cực, một chiều… nên có
những ý kiến đồng tình với quan điểm phi chính trị hóa lực lượng vũ
trang, so sánh vấn đề này ở Việt Nam với một số nước phương Tây khác.
Vấn đề này đòi hỏi chính hệ thống chính trị của chúng ta, các cơ quan
làm công tác tư tưởng, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước cần tăng cường
công tác thông tin, truyên truyền liên quan lĩnh vực này, làm cho cán bộ
và nhân dân hiểu rõ, nhận thức đúng vấn đề, đồng thời nâng cao ý thức
cảnh giác của toàn dân trước các âm mưu, hoạt động của các thế lực thù
địch lợi dụng việc góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm tiến
hành các hoạt động chống phá cách mạng, gây bất ổ định chính trị, xã hội
của đất nước.
4. Bài học từ việc phi chính trị hóa lực lượng vũ trang ở một số nước
- Hệ thống Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô cũ và Đông Âu sụp đổ vào những
thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước có rất nhiều nguyên nhân, trong đó
có việc “cải tổ” xóa bỏ quy định của pháp luật về vai trò lãnh đạo nhà
nước, xã hội của Đảng Cộng sản, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng,
phi chính trị hóa lực lượng vũ trang.
- Hiện nay, ở một số nước, đặc biệt ở các nước mà điều kiện kinh tế xã
hội, dân trí chưa phát triển ở trình độ cao và đồng đều, sự tồn tại
nhiều đảng phái chính trị, thực hiện phi chính trị hoá lực lượng vũ
trang đang phải vật lộn, đối mặt với tình trạng mâu thuẫn, xung đột và
bất ổn chính trị, xã hội gia tăng, thậm chí tạo nên sự hỗn loạn trong xã
hội.
Thực tiễn này có thể thấy rõ ở các “mô hình dân chủ” được phương Tây hết
sức cổ vũ, ủng hộ, đã và đang được “thiết kế,” “tạo dựng” ở nhiều nước
thuộc khu vực Đông Âu, SNG và đặc biệt là ở khu vực Bắc Phi, Trung Đông,
thông qua các cuộc “cách mạng màu,” hay phong trào “Mùa xuân Arập”
trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, một số nước trong khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan,
Campuchia cũng thực hiện phi chính trị hóa (thực chất là đa chính trị
hóa, đa đáng phái hóa) lực lượng vũ trang cũng gặp phải không ít trở
ngại trong việc đảm bảo đoàn kết, thống nhất nội bộ, tăng cường tiềm lực
quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ công dân…
Những hậu quả tiêu cực từ xu hướng phi chính trị hoá lực lựng vũ trang
như nêu trên là bài học to lớn cho quá trình xây dựng, sửa đổi Hiến pháp
và pháp luật ở Việt Nam chúng ta. Một trong những mục tiêu căn bản của
sửa đổi Hiến pháp 1992 là đảm bảo ổn định chính trị xã hội, góp phần bảo
vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước ta phát
triển bền vững theo con đường cách mạng Xã hội chủ nghĩa.
Vì vậy, Hiến pháp cũng như các đạo luật khác liên quan, không thể quy
định phi chính trị hóa lực lượng vũ trang nhân dân; lực lượng vũ trang
nhân dân không thể tách rời sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trên đây là một số ý kiến về cơ sở của việc quy định về lực lượng vũ
trang nhân dân trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và luận giải vì
sao không thể đưa vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 các quy định
liên quan đến vấn đề phi chính trị hóa lực lượng vũ trang nhân dân./.
(TTXVN)
Chi 48 tỷ để gỡ dải phân cách
Sở GTVT Hải Dương vừa công bố dành trên 48 tỷ đồng để tháo dỡ dải phân
cách giữa làn xe cơ giới và thô sơ trên quốc lộ 5. Với tổng chiều dài
chưa đầy 17km, đây được xem là một dự án đốt tiền kỳ lạ và khó chấp nhận
của các quan chức tỉnh.
|
Cần làm rõ nguồn tiền 48 tỉ tháo dỡ 17km dải phân cách tôn lượn sóng trên quốc lộ 5 |
Theo Sở GTVT Hải Dương, sự tồn tại dải phân cách bằng tôn lượn sóng giữa
làn xe cơ giới và xe thô sơ trên tuyến quốc lộ 5, đoạn từ Km43+9 đến
Km60+100 thuộc địa bàn thành phố là bất hợp lý và tiềm ẩn nguy cơ gây
tai nạn cho các phương tiện giao thông. Do đó, việc dỡ bỏ là cần thiết.
Kế hoạch dỡ bỏ được đề xuất là chỉ tiến hành tháo dỡ và nối cho êm thuận
giữa làn xe cơ giới và xe thô sơ; tháo dỡ toàn bộ biển báo nằm giữa
phân làn xe cơ giới và xe thô sơ, đồng thời tiến hành trồng mới bổ sung
tôn lượn sóng tại một số vị trí (đầu cầu, các vị trí ao, hồ, nền đắp
cao, đầu cống…) còn quy mô đường hiện tại vẫn được giữ nguyên.
Theo quan sát, đoạn đường này có thiết kế mỗi chiều hai làn xe cơ giới
và một làn xe thô sơ. Dải phân cách được ngăn giữa làn xe thô sơ và xe
cơ giới gồm hai loại: dải phân cách cứng làm bằng tôn lượn sóng có cắm
cọc và phân cách mềm chỉ là bê tông đặt giữa không có cọc cắm. Với chiều
dài chưa đầy 17km, việc tháo dỡ dài phân cách này là một việc làm không
quá khó khăn. Nói là tháo dỡ nhưng việc làm rất đơn giản chỉ là nhổ mấy
cái cọc cắm đối với dải phân cách cứng có cọc cắm, còn với cọc bê tông
mềm không có cọc thì chỉ cần bê đi chỗ khác là xong. Thế nhưng, với các
lãnh đạo tỉnh Hải Dương, việc làm này được coi là hết sức khó khăn và
phải cần đến công nghệ cao siêu.
Với số tiền 48 tỷ đồng cho 17km, tính ra mỗi mét dải phân cách mất tới
gần 3 triệu đồng và nếu như cứ 2 mét có một cọc cắm thì chỉ cần nhổ một
cọc là có 6 triệu đồng, bằng hai tháng lương của công nhân. Nhổ những
chiếc cọc cắm vốn nông và chỉ chôn ngọn là việc làm quá đơn giản đối với
các thanh niên tình nguyên hay bất kỳ công nhân nào. Và trong thời gian
một buổi, một người cũng có thể nhổ được rất nhiều cọc như vậy.
Việc tháo dỡ dải phân cách tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông là cần
thiết. Tuy nhiên, số tiền 48 tỷ đồng chỉ để nhổ mấy cái cọc ở đường bộ,
thêm ít vạch vôi và trồng thêm vài cây xanh là số tiền quá lớn cần phải
xem xét lại. Bởi với số tiền này, người ta có thể xây hàng chục km
đường giao thông nông thôn; tu bổ, sửa sang rất nhiều công trình và làm
được vô số việc có ý nghĩa; xây được 1.000 nhà tình nghĩa…Thậm chí, xây
cầu vượt sông cho trẻ em đi học cũng đủ. Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Hải
Dương lại dành cả số tiền lớn này chỉ để làm cái việc đơn giản đến
không thể giản đơn hơn được nữa.
Ngay cả đại diện của một công ty chịu trách nhiệm việc này cũng cho rằng
việc tháo dỡ dải phân cách là rất đơn giản, không mất nhiều thời gian
và chỉ cần khoan cắt thông thường, không cần công nghệ cao siêu. Điều
này lý giải vì sao nhiều công ty sẵn sàng nhận việc với giá rẻ, thậm chí
còn cam kết sẽ dành nhiều tỷ trong tổng số 48 tỷ để ủng hộ người nghèo.
Tình trạng lãng phí trong xây dựng công trình nhà nước đã tồn tại từ lâu
ở Việt Nam. Các chuyên gia cầu đường đều đánh giá, suất đầu tư cho các
dự án đường cao tốc ở Việt Nam bình quân cao hơn 1,5-2 lần so với các
nước lân cận như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, thậm chí còn
cao hơn cả Mỹ. Tuy nhiên người ta dễ chấp nhận hơn cho những lãng phí
trong xây dựng công trình bởi ít ra còn được biện minh bằng các chi phí
cho khoản này khoản nọ. Còn lãng phí trong việc nhổ mấy cái cọc đơn giản
như vậy mà chi phí đến hàng chục tỷ đồng thì quả là quá quắt! Lấy cớ là
dải phân cách không dỡ sẽ gây tai nạn, nguy hiểm phải làm ngay, đây là
sự lấp liếm cho việc chi tiền sai, không hiệu quả ngay từ khi cho lắp
cái “dải phân cách nguy hiểm” này hay là vì sự gì khác? Có gì mà phải
vội đến thế!
(CAND)
Bảng xếp hạng GDP bình quân đầu người trên thế giới năm 2012
So sánh GDP VN và các nước khu vực Đông Nam Á, châu Á.
Nguồn: Quĩ tiền tệ quốc tế IMF 2012, Wiki, globalproperguide
Kết luận thanh tra đất đai ở Đà Nẵng: Bộ Tư pháp khẳng định Thanh tra Chính phủ làm đúng
Bộ Tư pháp vừa có Công văn số 1547/BTP-PLDSKT báo cáo Thủ tướng Chính
phủ về cơ sở pháp lý một số nội dung liên quan đến Kết luận của Thanh
tra Chính phủ về quản lý đất đai tại Đà Nẵng.
Đầu tháng 1.2013, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố thông tin Kết luận
thanh tra (KLTT) số 2852/KL-TTCP, ngày 2.11.2012, về trách nhiệm của Chủ
tịch UBND TP.Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu
nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, thanh tra một số dự án. Tiếp
đó, ngày 5.3, KLTT này được công bố công khai tại đơn vị được thanh tra.
|
Nhiều khu đất được chuyển đổi mục đích sử dụng thấp hơn giá đất thành
phố quy định, gây thiệt hại lớn cho ngân sách - Ảnh: Nguyễn Tú |
Trong KLTT, TTCP cho rằng đối tượng thanh tra đã có dấu hiệu cố ý làm
trái, vi phạm các quy định của pháp luật đất đai và đầu tư xây dựng;
hành vi chuyển nhượng đất trái pháp luật thu lợi số tiền lớn, gây thất
thu ngân sách nhà nước số tiền trên 3.400 tỉ đồng. Những nội dung trong
kết luận của TTCP đã gây ra phản ứng trái chiều của dư luận. Trong đó,
lãnh đạo TP.Đà Nẵng cho rằng không “phục” KLTT và đã chính thức có văn
bản gửi tới một số cơ quan chức năng để phản đối.
Trong Công văn 1547 của Bộ Tư pháp đề cập đến nhiều nội dung của KLTT và
cho rằng căn cứ để TTCP kiểm tra, ra kết luận là đúng theo quy định
pháp luật.
Cụ thể, với nội dung 44 dự án mà UBND TP.Đà Nẵng không thực hiện đấu giá
quyền sử dụng đất theo quy định của luật Đất đai và Quyết định số
216/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp cho rằng đây là các
trường hợp bắt buộc phải đấu giá, không có trường hợp nào được miễn đấu
giá theo quy định hiện hành.
Về việc sử dụng hình thức ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất,
Bộ Tư pháp cho rằng theo quy định tại khoản 4 điều 5 luật Đất đai năm
2003 thì nhà nước thực hiện việc trao quyền sử dụng đất thông qua các
hình thức là giao đất, cho thuê đất và công nhận bằng các quyết định
hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chứ không phải bằng việc
ký các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các bên có nhu
cầu. Vì vậy, việc UBND TP.Đà Nẵng giao các ban quản lý dự án hoặc các
công ty ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư
là trái pháp luật.
Về nội dung UBND TP.Đà Nẵng quyết định giá thu tiền sử dụng đất thấp hơn
bảng giá đất do UBND TP ban hành, Bộ Tư pháp cho rằng căn cứ vào các
quy định pháp luật gồm Nghị định 198/2004/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất
và Nghị định 17/2006/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị
định hướng dẫn thi hành luật Đất đai, thì những trường hợp UBND TP.Đà
Nẵng xác định giá thu tiền sử dụng đất thấp hơn bảng giá đất do UBND
TP.Đà Nẵng ban hành (sau khi đã lấy ý kiến của HĐND TP) theo quy định
của Chính phủ trong thời gian từ ngày 24.12.2004 - 27.2.2006 là không
phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối với nội dung TP.Đà Nẵng giảm 10% tiền sử dụng đất phải nộp cho những
hộ được bố trí đất tái định cư, cho các tổ chức cá nhân được TP giao
đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Bộ Tư pháp cho rằng theo quy
định tại điều 13 Nghị định số 198, các hộ được bố trí đất tái định cư
không thuộc đối tượng được giảm tiền sử dụng đất phải nộp. Đối với các
tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư thì chỉ được giảm tiền sử dụng đất theo
quy định của pháp luật về khuyến khích đầu tư. Việc UBND TP.Đà Nẵng
quyết định giảm 10% tiền sử dụng đất cho các hộ được bố trí tái định cư
và cho tất cả các tổ chức, cá nhân được TP giao đất, nhận chuyển nhượng
quyền sử dụng đất là trái pháp luật.
Hàng loạt nội dung khác như thời hạn nộp tiền sử dụng đất, thời gian
công khai trước khi tiến hành đấu giá... cũng được Bộ Tư pháp nhận định
kết luận của TTCP “làm đúng, có cơ sở pháp lý” và TP.Đà Nẵng đã làm
sai...
Chiều qua, trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo của Bộ Tư pháp cho
biết công văn của Bộ Tư pháp xuất phát từ yêu cầu của Văn phòng Chính
phủ, bởi trước đó dư luận đã có nhiều ý kiến cho rằng kết luận của TTCP
mang tính áp đặt, thiếu cơ sở pháp lý khiến Đà Nẵng không “tâm phục khẩu
phục”.
(Thanh niên)
Tạm đình chỉ tổ công tác Y5/141 để phục vụ công tác điều tra
Liên quan tới vụ Nghiêm Duy Hoàng (23 tuổi, quê ở xã Thiệu Viên, H.Thiệu
Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho rằng mình bị lực lượng tổ công tác Y5/141 đánh
gãy xương gò má vào chiều 14.3, trao đổi với Thanh Niên Online sáng
nay 17.3, thiếu tướng Trần Thùy - Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho
biết Ban Giám đốc Công an TP đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của
tổ công tác Y5/141, để phục vụ điều tra.
Theo đó, số cán bộ chiến sĩ của
tổ công tác Y5/141
làm nhiệm vụ trong ngày xảy ra sự việc trên đã được thay mới bằng những
cán bộ, chiến sĩ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm trật tự xã hội,
Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Trung đoàn Cảnh sát cơ
động (Công an TP.Hà Nội).
Vẫn theo thiếu tướng Trần Thùy, sự thay đổi này không hề làm ảnh hưởng
tới sự hoạt động hiệu quả của 15 tổ công tác 141 vốn có từ trước đây.
.
“Hiện vụ việc có liên quan tới anh
Nghiêm Duy Hoàng đã được giao cho Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra
Công an TP.Hà Nội trực tiếp điều tra làm rõ và số cán bộ chiến sĩ đã bị
đình chỉ công tác.
Nếu phát hiện cán bộ, chiến sĩ trong tổ Y5 có vi phạm thì Ban Giám đốc
Công an TP.Hà Nội sẽ có quyết định xử lý nghiêm. Trong thời gian tới,
đồng loạt các tổ công tác đặc biệt 141 vẫn sẽ hoạt động để giữ gìn an
ninh trật tự trên địa bàn thủ đô”, thiếu tướng Trần Thùy khẳng định.
.
Liên quan tới vụ việc, anh Nghiêm Duy Hoàng cho biết 15 giờ 30 phút ngày
14.3, anh này có tham gia giao thông khi tới ngã tư Minh Khai - Kim
Ngưu (Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) bất ngờ phát hiện tổ công tác Y5/141 ra
hiệu lệnh dừng xe. Tuy nhiên, do không đội mũ bảo hiểm, sợ bị xử phạt
nên Hoàng đã tăng ga bỏ chạy.
|
Hoàng sau ca phẫu thuật - Ảnh: Hà An |
|
Thấy vậy một người đàn ông mặc thường phục đuổi theo, còn phía trước có một cảnh sát cầm
dùi cui
lao ra ngăn lại. Hoàng cho biết thêm, vì không thể bỏ chạy được nên đã
dừng xe lại. Khi những người này lại gần thì một người dùng dùi cui điện
dí vào mạng sườn, người kia dùng dùi cui vụt vào mặt Hoàng.
.
Trong khi đó, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường
sắt (Công an TP.Hà Nội), cho biết thời điểm xảy ra vụ việc anh Nghiêm
Duy Hoàng vi phạm giao thông với lỗi không đội mũ bảo hiểm. Khi bị lực
lượng tổ công tác Y5/141 yêu cầu dừng xe, Hoàng đã có ý định bỏ chạy,
tuy nhiên do bị ngã và đập mặt xuống dải phân cách nên mới dẫn tới chấn
thương ở gò má. Sau đó tổ công tác Y5 đã bắt xe đưa anh Hoàng tới Bệnh
viện Thanh Nhàn cấp cứu.
.
Theo nguồn tin của Thanh Niên Online, sau khi Công an TP.Hà Nội
tiến hành khám nghiệm và dựng lại hiện trường, vết máu trên dải phân
cách trùng khớp với nhóm máu của Hoàng. Ngoài ra, chiếc xe mà Hoàng điều
khiển là xe không có nguồn gốc rõ ràng.
Hà An
(Thanh niên)
Người dân cung cấp ghi âm “tố” 141 Hà Nội đánh người
Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác
của Tổ Y5 - Đội cảnh sát 141 Hà Nội để điều tra vụ việc liên quan đến
nghi án đánh người dân gãy xương gò má hôm 14-3.
Trao đổi với báo chí ngày 17-3, Thiếu tướng Trần Thùy, Phó Giám đốc Công
an TP Hà Nội cho biết một số cán bộ, chiến sĩ của Tổ Y5 làm nhiệm vụ
chiều 14-3 tại khu vực ngã tư Minh Khai - Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng)
đã tạm thời được thay thế bằng những cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng CSGT
đường bộ, đường sắt (PC67), Trung đoàn cảnh sát cơ động Hà Nội, Phòng
cảnh sát điều tra về tội phạm trật tự xã hội.
Anh Nghiêm Duy Hoàng khi được đưa vào viện cấp cứu. Ảnh do người dân cung cấp
Việc thay đổi nhân sự trong Tổ Y5, theo ông Thùy, không ảnh hưởng tới
hoạt động của 15 tổ cảnh sát 141 đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội đã giao toàn bộ việc điều tra sự việc anh
Nghiêm Duy Hoàng (23 tuổi, quê Thanh Hóa, hiện đang ngụ tại quận Hoàng
Mai - Hà Nội) tố giác Tổ Y5/141 đánh anh gây trọng thương vào chiều 14-3
cho Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội làm rõ. “Nếu
phát hiện chiến sĩ thuộc Tổ Y5 vi phạm, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội
sẽ có quyết định xử lý nghiêm”- Thiếu tướng Trần Thùy nói.
Sau ca phẫu thuật ngày 16-3 để nối hai xương gò má bị gẫy, đến giờ sức
khỏe của anh Nghiêm Duy Hoàng đã dần hồi phục. Bộ quần áo anh Hoàng mặc
khi xảy ra va chạm với lực lượng cảnh sát 141 cũng vừa được bàn giao cho
cơ quan giám định pháp y Hà Nội.
Đặc biệt, chiều nay (17-3), một người dân đã gửi email cho Báo Người Lao
động để cung cấp thêm thông tin về sự việc. Trong đó có rất nhiều bức
ảnh ghi lại cảnh anh Hoàng bị thương nặng khi được đưa vào cấp cứu tại
Bệnh viện Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng). Kèm theo đó là một đoạn ghi âm
được một người ghi lại tại thời điểm ở Bệnh viện Thanh Nhàn. Đây là
cuộc trao đổi với những người dân đã cùng lực lượng cảnh sát mặc thường
phục đưa anh Hoàng vào bệnh viện cấp cứu.
Vết thương trên mặt anh Hoàng. Ảnh do người dân cung cấp
Số hiệu áo chiến sĩ cảnh sát bị “tố” đánh người được người dân ghi lại trên giấy
Trong đoạn ghi âm này, một số người dân đã tỏ thái độ bức xúc trước hành
động của lực lượng cảnh sát 141. Hai người dân còn khẳng định tận mắt
chứng kiến việc chiến sĩ cảnh sát
141 dùng gậy đập ngang mặt anh Hoàng khi anh này không đội mũ bảo hiểm,
bị yêu cầu dừng xe nhưng lại có hành vi phóng xe định chạy trốn. Người
dân cũng cho biết chiếc gậy vụt anh Hoàng đã bị gãy làm đôi và được vứt
xuống đoạn sông Kim Ngưu gần đó.
Đây là những thông tin khá trùng khớp với lời kể của một số người dân
sinh sống trước cửa số nhà 125 Minh Khai (Hà Nội) - nơi xảy ra sự việc -
với phóng viên nhiều tờ báo. Một số người dân cho biết họ sợ phiền hà
với cơ quan chức năng nên không dám trực tiếp đứng ra tố cáo hành vi lạm
quyền.
Theo người dân, khi xảy ra sự việc đã có một số người dân sống quanh khu
vực đó và đang lưu thông trên đường dùng điện thoại, iPad chụp ảnh,
quay clip ghi lại nhưng không biết những người này có gửi tư liệu đó tới
cơ quan điều tra hoặc đưa lên mạng Internet hay không.
(Người Lao động)
Huỳnh Ngọc Chênh nhận giải "thảm họa"
Nổi tiếng nhờ vào việc chửi lại dân tộc, quê hương mình còn bỉ ổi hơn cả các sao nổi tiếng nhờ khoe thân…
Đó là lời nhận xét vừa hài hước nhưng cũng đầy bức bối của CuTY@. Trong
cuộc trò chuyện thú vị cùng phóng viên, ông CuTY@ cũng đưa ra những lý
giải về hiện tượng Huỳnh Ngọc Chênh nhận giải Công dân mạng.
- Xin chào ông, ông đánh giá như thế nào về việc Blogger Huỳnh Ngọc Chênh được nhận giả Công dân mạng tại Pháp?
- Ồ, lại Chênh à? Thời cổ đại Hy Lạp đã có một kẻ muốn nổi tiếng bằng
cách đốt bỏ ngôi đền thiêng Artemis- một trong bảy kỳ quan thế giới cổ
đại, cuối cùng nó cũng nổi tiếng, được nhiều người biết đến nhưng không
ai gọi tên mà chỉ gọi là thằng đốt đền.
Có một thực trạng là ai đó muốn nổi tiếng nhanh chóng, thì cách nhanh
nhất là chửi lại đất nước mình, dân tộc mình, mang cái điều chưa tốt của
đất nước ra mà bêu xấu với quốc tế và coi đó là phổ biến. Điều này cũng
giống như anh chửi lại cha mẹ mình vậy. Huỳnh Ngọc Chênh mà anh nói đến
thuộc dạng như thế.
Và thực tế, đã có những Blogger nổi tiếng như HB, hay DG cũng đã kêu gọi
trao giải “DL” cho Chênh để ám chỉ con người này không bình thường về
mặt sinh học dẫn đến bất bình thường về nhân cách.
Xin mở rộng ra một chút, ở làng xã Việt Nam cũng có một người rất nổi
tiếng đó là anh Mõ, kẻ lúc nào cũng vênh váo, rằng “tôi chưa trải chiếu
các cụ chưa được ngồi” và, “một mình một chiếu thảnh thơi ngồi” đánh
chén, khi cao giọng chả ai đối đáp lại, mà không hiểu rằng, ngồi ăn với
Mõ, cãi nhau với Mõ là một điều sỉ nhục! Vậy thì thằng Mõ có nổi tiếng
nhưng bị mất tên chỉ được gọi bằng cái danh từ chung: Mõ! Dưới góc nhìn
này thì người Việt không lấy gì làm tự hào khi có thêm Chênh nhận giải.
Cũng cần nói thêm là cái giải như vừa rồi của tổ chức phóng viên không
biên giới bắt đầu rộ lên cách đây một vài năm, đối tượng mà họ nhắm đến
chính là những người tìm mọi cách để nổi tiếng như anh Mõ, bất chấp việc
nổi tiếng bằng tai tiếng, hay bình bầu cho những phụ nữ của
năm.v.v..tóm lại là biến thái.
|
Huỳnh Ngọc Chênh nhận giải "thảm họa" |
- Xin lỗi, ý ông muốn nói là họ chỉ là những tay biến thái?
- Ồ vầng, chính thế. Bình thường, họ vẫn là công dân Việt, có tầm nhận
thức khá trung bình, có đời sống vật chất đầy đủ, nhưng lại suy dinh
dưỡng về tâm hồn, cho nên mới có chuyện một số GS, hay TS, hay tướng tá
về hưu hư hỏng, vì họ không có cái gốc vững, tự thân họ đã là những kẻ
cơ hội bênh hoạn.
- Ông nghĩ như thế nào về giải thưởng Công dân mạng?
- Trước hết, nói về giải thưởng. Thường thì ai đó có công hoặc xuất sắc
về một lĩnh vực nào đó thì họ sẽ được đề xuất trao giải. Thế nhưng,
chúng ta hiện giờ lại có cả giải ngược. Ví dụ như giải Nobel Ngược, hay
giải cho những thảm họa.v.v..Tôi nghĩ, trao giải này cho Huỳnh Ngọc
Chênh là thuộc trường hợp thứ hai, tức là trao giải cho những thảm họa.
Người phương Tây nói, “Sân khấu là thánh đường, người đến đó thì phải bỏ
những đôi giày bẩn của mình ngoài cổng”. Tiêu chuẩn để có thể bước chân
vào thánh đường phải là những người tử tế, những thiên thần, nhưng bây
giờ rất nhiều ma quỷ cũng thích đến thánh đường khi muốn thể hiện chúng
là thiên thần.
Tất nhiên cũng không loại trừ trường hợp, anh muốn nhận giải thì một
trong các tiêu chuẩn đầu tiên mang tính bắt buộc là phải có “Đôi giầy
bẩn” hoặc cái tương tự như cái “Bút bẩn”, cái “Miệng bẩn” hay chí ít
cũng là cái “đầu bẩn”. Điều này cho thấy, bản thân cái anh trao giải
cũng phải là loại “cực bẩn” bất kể anh ta khoác áo Nhà nước hay Bộ Ngoại
giao hay Phi chính phủ.
Ở chùa mình còn có ông thiện ông ác, ông thiện thì khuyến thiện, ông ác
thì trừ ác, còn giờ “thánh đường trên mạng In Tờ Lét” thì ai muốn vào
cũng được.
- Ô, ông vừa nói đến cái tiêu chuẩn bắt buộc là những ai muốn nhận giải thì trước hết phải “bẩn”, xin ông nói rõ hơn điểm này?
- Vầng, cái đó tôi nghĩ cũng là bình thường thôi. Tiêu chuẩn “bẩn” được
mặc định trong giải này. Các anh cứ vào Google mà tra cứu, 100% những
người nhận giải này đều là những người “bẩn” hoặc “cực bẩn”, hoặc có thể
mở rộng hơn là những anh có vấn đề tâm thần, tôi không nói là họ bị dồ,
nhưng não trạng có vấn đề bởi sự phản trắc trong những con người này.
Này nhé, tôi liệt kê: Tạ Phong Tần, Huỳnh Ngọc Chênh, Hoàng Vy, Người
Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu). Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải), Phan Thanh Hải
(Blog anh ba sài gòn), Vũ Quốc Tú (Blog Uyên Vũ), Ngô Thanh Tú (Blog
Thiên Sầu), Lê Hồ Ngọc Điệp (Blog Trăng Đêm), rồi Phạm Thanh Nghiêm, Lê
Thị Công Nhân hay Hoàng Thục Vy…Tất cả những người này đều có đặc điểm
chung là chống lại dân tộc, thóa mạ dân tộc và sẵn sàng quay đầu nâng bị
bợ đỡ ngoại bang. Thấy chưa?
- Vâng ông nói có lý, nhưng có vẻ như họ đang thành sao?
- Vầng, đúng. Chính xác hơn là họ khát khao đến cháy bỏng được trở thành
sao. Nhưng rốt cuộc họ chỉ là “sao đom đóm”. Cái chính là họ bị bệnh vĩ
cuồng, tự huyễn hoặc, không biết mình là ai, bất tài nhưng muốn nổi
tiếng bằng mọi cách nên dù kém cỏi đến mấy cũng “cố đấm ăn xôi” làm hết
trò nọ đến trò kia, thậm chí là kêu gọi cả ngoại bang “đánh cho Việt Nam
một trận” để nổi tiếng nên vẫn chỉ là những kẻ “gian hùng vô đạo”.
- Theo ông, bản chất của trào lưu chửi bới lại đất nước và chế độ đã nuôi dưỡng họ để làm mồi câu dư luận là gì?
- Có câu “chân dài thích dệt thị phi”, người ta cứ thích làm những
chuyện chướng tai gai mắt để nổi tiếng. Quê nhà tôi ngày xưa có một ông
trưa nào đúng lúc mọi người đang nghỉ cũng ghé miệng vào chum hát cho âm
thanh nó khuếch đại lên, cho cả làng nghe thấy. Mặc dù cả làng chửi
nhưng anh ta vẫn làm như vậy để được mọi người biết tới “giọng ca vàng”
của mình. Kết cục, không ai gọi anh ta là ca sĩ, chỉ gọi là cái thằng bò
rống. Một anh khác thì có tài đánh rắm thối, cứ khi nào có đông người
thì anh ta lại ủm một tràng, làm ai nấy đều bịt mũi, và trẻ con thì cười
khoái trá, rốt cuộc thì người làn tôi gọi anh ta là thằng thối ruột.
Thế thì thích nổi tiếng, thích dệt thị phi, dùng ngay quá khứ bất hảo và
hiện tại vô luân của mình một cách trơ trẽn để nổi lên thì gọi là gì?
Một thằng cơ hội chính trị không hơn không kém. Cái chính là In Tờ Lét
đưa họ lên trao giải, làm cho một thế hệ gối ôm, hay gấu bông, fan cuồng
tung hô sặc sụa và làm cho họ ảo tưởng về mình.
Tôi biết có những người muốn nổi tiếng đến mức ngày nào cũng xuất hiện
trên báo, thì tự họ lại AQ. Có nghĩa là chỉ cần tần suất xuất hiện nhiều
là trở thành người nổi tiếng, nhưng quan niệm đó là vô đối, nếu chỉ như
vậy anh không khác gì một anh Mõ làng.
Đấy, anh xem đi, số phận nhưng kẻ như thế có khá được không?
- Ý ông là…?
- Ý tôi là những kẻ dám leo lên các diễn đàn để thóa mạ lại đất nước
mình thì không thể khá lên được, cái gì cũng có cái giá của nó, gieo gió
thì sẽ gặt bão. Sau khi tới “Thánh đường trên mạng” để nhận giải, Tạ
Phong Tần, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Hoàng Vi đã trả lời phỏng vấn, “phát
biểu cảm tưởng” trên một số cơ quan truyền thông thiếu thiện chí với
Việt Nam như VOA, RFA, RFI, BBC… Riêng với Huỳnh Ngọc Chênh, nhân vật
này tỏ ra rất hí hửng và đắc thắng với “vinh dự” của mình, nên đã đi quá
xa khi phát biểu tại lễ trao giải “Công dân mạng 2013″, đã lớn tiếng vu
cáo Nhà nước Việt Nam cản trở các blogger, hạn chế tự do báo chí, cho
rằng ở Việt Nam không có báo chí tư nhân nên các thông tin đăng tải trên
báo chí đều theo định hướng của Ðảng cầm quyền!
Tuy nhiên, những lời lẽ đó lại chứa đựng một mâu thuẫn mà chắc chắn
chính Huỳnh Ngọc Chênh không thể lý giải. Bởi, nếu thật sự Việt Nam cản
trở các blogger thì làm sao “lực lượng blogger” ở Việt Nam có thể ngày
càng phát triển “lớn mạnh và rộng khắp” như chính Huỳnh Ngọc Chênh thừa
nhận khi phát biểu tại buổi nhận giải? Làm sao hằng ngày Huỳnh Ngọc
Chênh vẫn công bố bài trên blog của ông ta mà không bị gây khó khăn? Sao
ông ta lại phủ nhận và nói xấu những điều mà chính ông ta đang được thụ
hưởng? Tương tự như thế, khi trả lời phỏng vấn của BBC và RFA, Nguyễn
Hoàng Vi và Tạ Minh Tú – em gái Tạ Phong Tần, đều bày tỏ niềm “vinh dự”,
“tự hào” vì được trao “giải thưởng”; họ coi đây là nguồn “khích lệ” cho
các “nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” tại Việt Nam! Họ làm thế
khác gì làm Mõ làng để nổi tiếng?
Có một câu như thế này “người dại cởi truồng, người khôn xấu mặt”, tôi
không hiểu bố mẹ, gia đình của những người dùng scandal để nổi tiếng đó
có ý kiến gì về con em mình không?
- Xấu hổ, vâng thưa ông, còn một câu hỏi cuối cùng trao cho: Ông có
nghĩ rằng, giải thưởng Công dân mạng vừa đươc trao cho Huỳnh Ngọc Chênh
có là công bằng với các Blogger khác ở Việt Nam?
- Ồ, câu hỏi này của anh vừa “đểu vừa thú vị đây”. Có lẽ không nên đặt
vấn đề công bằng ở đây vì như tôi vừa nói, cái giải này chỉ như cái thảm
họa của ca sĩ mà thôi, kẻ nào nhanh chân và liều mạng tới mức vô luân
là ok. Nhưng khách quan mà nói, so sánh Chênh và Vinh (Ba Sàm) thì có lẽ
Vinh xứng đáng được trao giải này hơn bởi mức độ chống phá của Vinh
khủng khiếp hơn. Nhưng sao Vinh lại không được “vinh danh” trong giải
này? Dư luận cho rằng Vinh chỉ là “cánh tay nối dài của ĐCS” mà thôi, mà
một khi đã là “cánh tay nối dài của ĐCS” thì cái thằng Phóng viên không
biên giới kia có trao cho Vinh không? Tất nhiên, cũng còn ý kiến khác
mà chúng ta chưa thể xác minh ngay được, Vinh có liên quan đến Việt Tân.
Một khi đã dính dáng đến khủng bố thì chả ai dại gì mà trao giải, có
phỏng?
Tóm lại, giải thưởng Công dân mạng mà Chênh vừa nhận cũng chỉ có thể gây
tiếng vang nhất định mà thôi. Có lẽ chúng ta nên dừng câu chuyện ở đây
để khỏi làm mất thời gian của bạn đọc.
- Vâng, đó đích thị là giải thưởng “Thảm họa”. Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
CuTy: Vĩnh Phúc, ngày 15 tháng 3 năm 2013
Bài viết thể hiện quan điểm của website đăng tải không thể hiện quan điểm của DHK
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét