Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Lượm tin tức

CHÍNH TRỊ-PHÁP LUẬT
- Ông Trần Công Trục: Cảnh giác “cạm bẫy pháp lý” từ bản đồ Trung Quốc (Infonet).  - Trung Quốc: Bất chấp tất cả để độc chiếm Biển Đông (ĐĐK).  – Lê Vĩnh Trương: Hồ sơ: Trung Quốc tiến ra đại dương: Bài 2: Chiến lược địa chính trị và triển khai hải quân (SGTT).

Vietstudies

Làm báo thế này ư?  -Hôm qua viet-studies có giới thiệu bài Kinh tế Việt Nam 2013: Cánh cửa cơ hội sẽ mở ra (ĐV 13-1-13) trong đó có những ý kiến gán cho chuyên gia Phạm Chi Lan, TS Lê Đăng Doanh. Tôi (Trần Hữu Dũng) vừa được chi Lan và anh Doanh cho biết rằng hai vị chưa bao giờ trả lời phỏng vấn của báo này!  Vây xin thông báo cho các bạn được rõ.
ttxcc6: Hôm qua gặp bài này,nhưng thấy sao mà “tào lao”- Theo tôi Ông Lê đăng Doanh và Bà Phạm chi Lan không thể nói thế này,nên bỏ không thèm đưa-Không ngờ nay GS. Trần hữu Dũng cho biết sự thể – Kiếm lại không ra trên ĐV,quê dộ nên rút mất tiêu rồi- Nhưng chạy không khỏi,còn TẠI ĐÂY nè. Tôi chép lại.

Giữa vùng tranh chấp (BBC) -Một ngư dân Trung Quốc tố cáo bị Việt Nam đánh chìm tàu.    —-VN lại yêu cầu TQ dừng vi phạm chủ quyền (BBC) -Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lại lên tiếng phản đối các hoạt động mới của Trung Quốc tại Biển Đông.
Việt kiều Mỹ sắp ra tòa về tội ‘lật đổ’ (BBC)   —Nhà hoạt động dân chủ Mỹ gốc Việt Nguyễn Quốc Quân sẽ ra toà vào tuần tới (RFI)   —Việt Nam : Thêm một người bị kết án vì tội “hoạt động lật đổ chính quyền” (RFI)    — Ông Võ Viết Dziễn bị án 3 năm tù giam (RFA)  —Mục sư Nguyễn Trung Tôn mãn án tù (RFA)
Đại tướng VNCH Nguyễn Khánh qua đời (BBC)   —Ông Nguyễn Phú Trọng thăm Anh quốc (BBC) –  Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm Anh quốc lần đầu tiên vào tuần tới.   —Phó Tổng thống Ấn Độ thăm Việt Nam (RFA)
Phỏng vấn người Việt lãnh đạo Asean (BBC/nghe xem)

Công ty mạng TQ tìm cách xâm nhập Việt Nam bất chấp căng thẳng Biển Đông (VOA)===>>>
‘Nhịn đến mức hèn là không được’ (BBC/nghe) -Trước sự e dè của truyền thông Việt Nam không chỉ đích danh Trung Quốc trong các sự kiện lịch sử như chiến tranh biên giới năm 1979 hai các cuộc hải chiến trên Biển Đông, ông Dương Danh Dy, nguyên tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, cho biết ông cũng thấy bất bình.
Hiến pháp vẫn là ‘dòng sông màu đỏ’?  (BBC) -Đặt câu hỏi vì sao sửa đổi hiến pháp Việt Nam vẫn mang màu sắc của Đảng và không trưng cầu dân ý.
Học sinh đòi ‘kháng chiến’ được đi học (BBC) -Một học sinh cải biên ‘Toàn quốc kháng chiến’ của Hồ Chí Minh để phê phán giáo viên, được cho phép đi học lại.   —Việt nam : Nữ sinh bị đuổi học vì sửa lời Hồ Chí Minh trở lại lớp (RFI)
Lệnh cấm đĩa nhạc ASIA ở Sài Gòn sẽ chỉ gây “phản tác dụng” (RFI)   ——Sự thật về vụ đắm tàu cá làm thiệt mạng 14 ngư dân (RFA)
Người Mỹ gốc Việt có tên trong danh sách ‘tài năng trẻ’ của Forbes (VOA) -Anh Nam Nguyễn, 29 tuổi, mới được tạp chí Forbes chọn vào danh sách những thanh niên tài năng dưới 30 tuổi

KINH TẾ
VĂN HÓA-THỂ THAO
- Cuộc thi “Giọng hát Việt” mùa thứ nhất: Thành công nhờ… ầm ĩ (SK&ĐS).
GIÁO DỤC-KHOA HỌC
-  Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải: “Cần nhận thức Phi tin bất phú” (VNN).
XÃ HỘI-MÔI TRƯỜNG
Nước ngoài đo độ xa xỉ của người Việt (ĐV)   —-Truyền hình dốc sức quảng cáo thuốc hỗ trợ sinh lý (ĐV)  —-Bị bỏng nặng vì đem xăng định hại chết 3 người (ĐV)  —-Nữ bảo vệ sát hại người tình rồi ngất xỉu (ĐV)   —Đi thăm bạn gái bị bắt cởi quần áo hát giữa ao (ĐV)
Bị truy đuổi, nghi can cướp giật nhảy xuống kênh chết đuối (Dantri)     —-Bốn ô tô “cắn” nhau trên quốc lộ  (Dantri)   —Con dâu trộm hơn 300 triệu đồng của mẹ chồng (Dantri)   —Hà Nội: Xe dù tung hoành hoạt động, nhiều hành khách “sập bẫy” (Dantri)
Lừa đảo, nguyên thiếu tá công an lãnh án chung thân - Người Lao Động
‘Sốc’ với cảnh nam sinh dùng ghế nhựa đánh tới tập một bạn nữ- (Soha.vn) – Ngay trong lớp học, một nam sinh cầm ghế nhựa phang liên tiếp lên mặt và người nữ sinh cùng lớp trước sự cổ vũ nhiệt tình của các học sinh khác.

QUỐC TẾ
Trung Quốc đỗ lỗi gây căng thẳng cho Philippines, Nhật   -VnMedia - Tờ China Daily – một trong những tờ báo chính thống hàng đầu của Trung Quốc, hôm qua (14/1) đã đăng tải hai bài viết, một bài nhằm cảnh báo, đe dọa Philippines trong khi…
“Cái bắt tay cuối cùng” khép chặt vòng vây Trung Quốc? - ANTĐ – Trong thời gian gần đây, Nhật liên tiếp đưa ra các động thái cũng rắn với Trung Quốc. Mới đây, đích thân Thủ tướng Shinzo Abe đã viết một bức thư tay gửi…
Thanh Niên -Mỹ – Nhật tập trận không quân
Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh? (BBC) -Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc kêu gọi chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng nổ ra chiến tranh trong năm 2013.    —Quân đội Trung Quốc được lệnh sẵn sàng chiến đấu trong năm 2013 (RFI)
Dân Trung Quốc làm giàu ở trong nước để đưa tài sản sang nước ngoài (RFI)
Mỹ mở lại chương trình tìm kiếm hài cốt binh sĩ mất tích tại Miến Điện (RFI)    —Miến Điện mở thị trường viễn thông cho đầu tư nước ngoài (RFI)
Tổng thống Hollande tuyên bố tăng cường lực lượng Pháp tại Mali (RFI)    —Pháp gởi thêm binh sĩ đến Mali (VOA)
Tư pháp Pakistan ra lệnh bắt giam thủ tướng tham nhũng  (RFI)
Khi Hoa Kỳ tự lực về năng lượng  (RFI)   —Khủng hoảng khối euro : Tăng trưởng kinh tế Đức chậm lại (RFI)

 Nguyễn Trung: Đảng – Nhà nước – Hiến pháp

(Vài suy nghĩ về sửa đổi Hiến pháp 1992)
I. Đảng và Nhà nước
Trong thực tiễn đời sống của hệ thống chính trị nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam kể từ khi Việt Nam là một quốc gia độc lập thống nhất cho thấy Đảng Cộng Sản Việt Nam – với đòi hỏi tự đặt cho mình là phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng – đã và đang là người nắm quyền lực toàn diện và tuyệt đối mang tính độc quyền toàn trị đối với quốc gia.
Cùng với sự trói buộc của ý thức hệ và sự tha hóa trong thời bình, sự lãnh đạo của Đảng mang tính độc quyền toàn trị như thế trên thực tế đã biến dạng thành sự cai trị, Đảng mới là nhà nước đích thực: Nhà nước đảng trị. Sự tha hóa này khiến Đảng với danh nghĩa là đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động… trở thành đảng thống trị.
Với vị thế và quyền lực như vậy của ĐCSVN, Nhà nước trở thành công cụ thực thi quyền lực và quyết định của Đảng, Hiến pháp trở thành công cụ hợp thức quyền lực và việc làm của Đảng. Để biện hộ cho hệ thống chính trị như vậy của đất nước, Hiến pháp 1992 xác định đấy là nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thiết kế như thế ngay trong Hiến pháp 1992, Đảng được đặt ở vị trí đứng trên Hiến pháp và trên nhà nước. Đây chính là nội dung cơ bản của Điều 4 trong Hiến pháp 1992. Trong một quốc gia với hệ thống chính trị như thế hoàn toàn không có không gian cho tiêu chí quyết định số một của nhà nước pháp quyền, đó là: Hiến pháp là quyền lực tối thượng.
Đem so sánh một bên là quyền lực mà Đảng giành cho mình[1] và được luật hóa trong Điều 4, và một bên là những được/mất trong quá trình phát triển mọi mặt của đất nước trong 37 năm độc lập thống nhất, đặc biệt là so với thực trạng nguy hiểm của đất nước hôm nay, vai trò lãnh đạo và phẩm chất của Đảng đối chiếu ngay với Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng, cũng như so với chính Điều 4, kết quả rõ ràng không như Đảng đã cam kết với đất nước: Đảng không làm được nhiệm vụ tiên phong và lãnh đạo với đúng nghĩa, mà chủ yếu chỉ thực hiện được vai trò của người có quyền thống trị. Uy tín của Đảng cũng như lòng tin của nhân dân vào Đảng vì thế theo thời gian chưa bao giờ giảm sút như ngày nay. Như thế tự mình, Đảng đã không thực hiện nổi nhiệm vụ của mình như đã ghi cho mình trong Điều 4. Chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải nhận định sư hư hỏng của Đảng hiện nay đã đến mức thách thức sự tồn vong của Đảng và của hệ thống chính trị.
Với thực tế của cuôc sống đất nước 37 năm nay như vậy, và với nhận định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về thực trạng tha hóa hiện nay như vậy của Đảng, xin hỏi: Điều 4 còn lý lẽ gì để tồn tại?
Điều 4  trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này được chỉnh sửa chút ít, đó là Đảng “chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
Đọc lại tất cả các văn bản Đại hội Đảng từ Đại hội IV (1976), có lúc nào Đảng không nhấn mạnh chịu sự giám sát của nhân dân, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình… Trong toàn bộ hoạt động của Đảng kể từ khi thành lập, có lúc nào Đảng không cam kết trách nhiệm của mình trước đất nước, trước nhân dân? Sự cam kết trách nhiệm như vậy chính là tiền đề và là lẽ tất yếu cho sự ra đời và tồn tại của Đảng, vì thế nó không cần và không phải chờ đến khi phải được đưa vào Hiến pháp mới được thực hiện. Vì thế lúc nào cũng chỉ có vấn đề Đảng thực hiện được hay không cam kết của mình đối với đất nước mà thôi.
Nhìn nhận kết quả đợt vận động tự phê bình và tự phê bình được phát động từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và sự xin lỗi chân thành của Bộ Chính trị trước nhân dân mà cả nước đã được nghe, hiển nhiên sẽ thấy: Việc bổ sung thêm chi tiết nói trên vào Điều 4 hoàn toàn không có khả năng xoay chuyển tình thế đất nước, bởi vì tư duy và đường lối của Đảng, hệ thống chính trị hiện hành, vị thế độc quyền toàn trị của Đảng đứng trên tất cả còn nguyên vẹn.
Chi tiết bổ sung như thế vào Điều 4 chỉ chứng minh: Đảng quyết cố thủ.
Hiến pháp 1992 có nhiều Điều, Khoản đúng, tốt về các quyền công dân cơ bản – như quyền sở hữu, các quyền về tự do, dân chủ và quyền con người..., về các quyền và nghĩa vụ của các bộ phận thuộc hệ thống nhà nước,  vân vân…
Tuy nhiên, thực tế là hầu hết những Điều, Khoản đúng và tốt này không được và không thể thực thi, hiện tượng vi hiến ngày càng nhiều và nghiêm trọng trong đời sống đất nước ở mọi cấp và mọi nơi; chủ yếu vì các nguyên nhân chủ yếu sau đây:
(a)  Hiến pháp có một số Điều được thiết kế không dứt khoát.
(b) Có một số Điều và Khoản trên thực tế là ngược hay phủ định nhiều Điều và Khoản khác trong Hiến pháp, hoặc gần như là phủ định toàn bộ Hiến pháp – trước hết chính là Điều 4, những Điều và Khoản về đất đai (rõ nét nhất là vấn đề “quyền sở hữu toàn dân” về đất đai…), về kinh tế quốc doanh… Đấy là nói về nội dung Hiến pháp 1992.
(c)  Ngoài ra còn phải kể đến nguyên nhân thứ 3 vô cùng quan trọng và quyết định hàng đầu, đó là hệ thống quyền lực không coi trọng Hiến pháp, và ngay từ đầu trong hành động thực tế là bác bỏ nguyên tắc Hiến pháp là quyền lực tối thượng của quốc gia, chỉ sử dụng Hiến pháp ở những chỗ và những lúc khi quyền lực cần..
Trong tình hình như vậy, nếu không có các chi tiết bổ sung cho Hiến pháp 1992 sửa đổi đủ sức mạnh khắc phục cả 3 nguyên nhân nói trên, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ trở nên vô nghĩa.
Và rõ ràng không có phép lạ nào viết ra được những chi tiết bổ sung có đủ sức mạnh như thế, ngoài việc viết ra Hiến pháp mới.
Giả định rằng có phép lạ viết ra được Hiến pháp mới hoàn hảo đến tuyệt đỉnh, song vẫn giữ nguyên Đảng với tư duy, tổ chức, vị thế, quyền lực, cùng với bộ máy chuyên chính tinh thần và bộ máy chuyên chính bạo lực của nó hiện nay như thế trong quốc gia, trong hệ thống nhà nước, trong kinh tế và trong đời sống văn hóa - xã hội.., gọi tất cả những thứ này dưới một cái tên chung tổng hợp là hiện tượng “đảng hóa”, Hiến pháp mới cũng sẽ chỉ có giá trị trang trí.
Có thể kết luận ngay: Sửa đổi Hiến pháp dù có thể làm tốt thế nào đi nữa, mà Đảng vẫn giữ nguyên đảng hóa và không thay đổi, sẽ vô ích.
Khi còn đương chức, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người nhiều lần phê phán kịch liệt hiện tượng đảng hóa như thế. Sự phê phán này tổng hợp nhất và rõ nét nhất được nêu trong bức thư ngày 09-08-1995 gửi Bộ Chính trị.
Trong thư này, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt vấn đề: (1) phải nhìn nhận lại thế giới, (2) phải đánh giá lại đường lối phát triển đất nước, (3) phải xây dựng nhà nước pháp quyền, (4) phải xây dựng lại Đảng về đường lối và về tổ chức. Cả 4 đòi hỏi nêu trong thư này đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị và mức độ bức xúc khẩn thiết của nó.
Những năm cuối đời, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành hết tâm huyết mình nhiều lần viết và nói trực tiếp với từng ủy viên Bộ Chính trị và toàn thể Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN, và nói với toàn dân: Phải từ bỏ mọi thứ chủ nghĩa, Đảng phải tự lột xác để trở thành đảng của dân tộc.
Nhân việc nhắc đến bức thư quan trọng này, xin cho phép hỏi trực tiếp trên ba triệu đảng viên của Đảng hôm nay: “Đảng CSVN hôm nay có còn cách nào phục vụ lợi ích quốc gia tốt hơn không? Có đảng viên nào hôm nay dám nói mình yêu Đảng, bảo vệ Đảng hơn đảng viên Võ Văn Kiệt không?”
Nếu lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay thành tâm mong muốn sửa đổi Hiến pháp lần này để cứu Đảng, cứu nước, nhất thiết phải đặt vấn đề cải cách thay đổi Đảng gắn kết hữu cơ với việc sửa đổi Hiến pháp trong tổng thể nhiệm vụ cải cách chính trị canh tân đất nước, đúng với tinh thần và nội dung như vừa trình bầy trên.
II.
Sau 27 năm đổi mới, kinh tế đất nước đã hoàn thành thời kỳ phát triển ban đầu – thời kỳ phát triển theo chiều rộng.  Song hiện nay, vì nhiều sai lầm và những yếu kém nhiều mặt trong quá trình phát triển này, nhất là những sai lầm trong đường lối lãnh đạo đất nước của Đảng và sự tha hóa của hệ thống chính trị, kinh tế nước ta chưa hội đủ mọi điều kiện phải có, để sẵn sàng đi vào thời kỳ phát triển mới cao hơn: Thời kỳ phát triển theo chiều sâu.
Từ 5 năm nay đất nước lại lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội toàn diện, đất nước chưa bao giờ đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức bức xúc như bây giờ, nhất là trong một thế giới đang bước vào một thời kỳ phát triển mới với nhiều diễn biến khó lường..
Việc Trung Quốc đang trở thành siêu cường tác động nghiêm trọng vào trật tự thế giới hiện hành, và đồng thời thách thức gay gắt tất cả các nước láng giềng. Nhiều tác động tiêu cực của siêu cường đang lên Trung Quốc đang gây ra những vấn đề phức tạp mới như giành giật thị trường, vi phạm luật chơi chung, lôi kéo và tập hợp lực lượng (bao gồm cả chính trị, tôn giáo, sự can thiệp của quyền lực mềm…)… trong nhiều khu vực trên thế giới, lại trong thời kỳ tình hình thế giới đi vào một thời kỳ phát triển mới phức tạp, do đó hiện tượng siêu cường Trung Quốc đang lên trở thành vấn đề của cả thế giới trên nhiều phương diện. Đặc biệt là tính xung đột quyền lực siêu cường mang tịnh văn hóa Đại Hán tập trung vào khu vực châu Á, nhất là Đông Nam Á, vấn đề Trung Quốc càng trở nên đặc biệt nhạy cảm và nguy hiểm, nhất là đối với các nước nhỏ trong khu vực.
Với tính cách là chướng ngại vật tự nhiên đầu tiên nhất thiết phải khuất phục đối với siêu cường Trung Quốc trên đường của nó vươn ra Biển Đông, Việt Nam là nước bị uy hiếp nghiêm trọng nhất. Và chưa thể nói lãnh đạo của đất nước đã lường hết mọi nguy hiểm của sự uy hiếp này, thậm chí có không ít biểu hiện lúng túng, khiếp nhược.., càng không thể nói lãnh đạo của đất nước đã sẵn sàng phát huy tối đa sức mạnh toàn dân tộc trước thử thách mất còn này đối với đất nước...
Trong khi đó đất nước đang có nhiều khó khăn hiểm nghèo: Kinh tế khủng hoảng cơ cấu sâu sắc chưa có lối ra;  những bức xúc và bất công xã hội vì tự do dân chủ bị đàn áp khiến lòng dân ngày càng phân tán; những lúng túng, không nhất quán hay không rõ ràng trong đối sách của lãnh đạo đối với Trung Quốc càng làm cho nhân dân mất tin tưởng; Đảng lãnh đạo lại ở trong thời kỳ thoái hóa nghiêm trọng nhất trong lịch sử của mình về chính trị và tính tiền phong chiến đấu, và hệ thống chính trị đang tha hóa trầm trọng.
Có thể nói sau 37 năm độc lập thống nhất, chưa bao giờ đất nước lâm nguy như bây giờ, Đảng yếu kém như bây giờ.
Giải quyết những khó khăn nội tại để mở ra một thời kỳ phát triển cho đất nước, tạo sức mạnh đối xử thành công mối quan hệ với Trung Quốc với tư cách nước ta là một đối tác được tôn trọng chứ không phải là một nước lệ thuộc hay một chư hầu kiểu mới, nhất là để Việt Nam không một lần nữa và vĩnh viễn không bao giờ trở thành chiến địa cho sự tranh hùng của các siêu cường, nắm bắt cơ hội chưa từng có trong bối cảnh quốc tế hôm nay làm cho Việt Nam hưng thịnh trở thành một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế dấn thân cùng với cả nhân loại tiến bộ, vì hạnh phúc và phát triển của chính quốc gia mình và của cả thế giới… Làm sao Việt Nam có thể thực hiện được những nhiệm vụ sống còn và có ý nghĩa vô cùng trọng đại ấy, nếu đất nước không có một thể chế chính trị dân chủ, thực hiện được hòa giải đoàn kết dân tộc, phát huy tối đa sức mạnh dân tộc, tranh thủ được sự hậu thuẫn của tất các các quốc gia, các lực lượng tiến bộ trên thế giới – kể cả trong lòng nhân dân Trung Quốc?
Tất cả những vấn đề nghiêm trọng sống còn đối với đất nước vừa trình bầy trên làm sao xử lý thành công được, nếu đất nước không có một thể chế chính trị dân chủ, thực hiện được hòa giải đoàn kết dân tộc, để cả nước làm được những việc phải làm, cho bây giờ và cho mãi mãi về sau?
Tất cả những vấn đề nghiêm trọng sống còn vừa nêu trên chẳng lẽ không mảy may liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp hiện nay?
Chẳng lẽ ĐCSVN hôm nay không còn đủ tính tiền phong chiến đấu, để nhận thức được những vấn đề sống còn như thế đang đặt ra cho đất nước, không có trí tuệ và ý chí bắt tay vào nhiệm vụ phải làm như Đảng đã từng làm khi tiên phong khai phá con đường cứu nước?
Đảng phải tìm cho mình câu trả lời: Làm hay không làm? Làm thế nào? Trả lời thế nào, Đảng tự phơi bầy mình ra là thế nấy, chẳng có thế lực thù địch nào xuyên tạc nổi.
Còn nhân dân – qua không biết bao nhiêu kiến nghị, thư, lời kêu gọi… gửi cho Đảng… ít nhất từ 3 Đại hội Đảng toàn quốc liên tiếp cho đến nay – nghĩa là từ 15 năm nay – đã đặt ra cho mình những câu hỏi đúng, các câu trả lời đúng.
III. Đề nghị của người viết bài này với nhân dân và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước
Có thể vì không thấy hết tầm vóc các việc phải làm cho sửa đổi Hiến pháp, hoặc là bị khuôn vào những nguyên tắc chỉ đạo của Tổng bí thư như sửa gì thì cũng phải trong khung khổ Cương lĩnh và Điều lệ Đảng, quyền lực của hệ thống chính trị là thống nhất, không có tam quyền phân lập, gác lại vấn đề sở hữu đất đai.., nên kế hoạch sửa đổi Hiến pháp như đang tiến hành vừa sơ sài về nội dung, (nặng về hình thức, chiếu lệ và không đi vào thực chất), coi như chẳng liên quan gì đến những nhiệm vụ trọng đại và  nóng bỏng của đất nước trong giai đoạn hiện tại và xa hơn nữa, vừa không được bố trí đủ thời gian công sức lẽ ra phải đầu tư... Làm như thế làm sao mong được kết quả thực chất?
Hơn nữa, chỉ đạo như thế là đứng trên, là ban cho, là ông chủ của nhân dân, là đứng trên Hiến pháp mất rồi!
Ai mà không hiểu Hiến pháp viết như thế nào là quyền của nhân dân chứ! Lãnh đạo ở đây chỉ có một nghĩa, một nội dung duy nhất là giúp người dân có tri thức và quyền năng thực hiện tốt nhất quyền chủ nhân ông đất nước và sự lựa chọn của họ. Làm khác đi là ốp, là cưỡng bức.
Cũng nhân đây xin nói ngay, hàng ngày Bộ Chính trị có không ít những chỉ đạo như thế.
          Có ít nhất 3 thiếu sót quan trọng cần chú ý khắc phục ngay trong quá trình tiến hành sửa đổi Hiến pháp lần này:
          (1) Thiếu hẳn khâu chuẩn bị cho nhân dân, ví dụ không thông tin thông báo cho nhân dân:
-        thực trạng đất nước, những thách thức và đòi hỏi cho giai đoạn phát triển mới, để suy nghĩ Hiến pháp sửa đổi lần này cần phải thiết kế như thế nào, phải đáp ứng thế nào những yêu cầu mới của đất nước về đối nội, đối ngoại, phát triển...
-        gợi ý những vấn đề trọng đại nào trong Hiến pháp cần tập trung huy động trí tuệ và lấy ý kiến của nhân dân, hướng kiến nghị sửa đổi của Ban soạn thảo…
-        vân vân…
          (2) Về phía Đảng cũng coi việc sửa đổi Hiến pháp là một công việc cắt rời như đã cài sẵn trong lập trình để ở máy tính, nghĩa là chẳng dính dáng gì đến việc phải cải cách hay thay đổi Đảng như thế nào. Mà như thế, như đã nêu trong phần II: giả thử Hiến pháp được sửa  thật tốt thế nào đi nữa, nhưng nếu hệ thống chính trị vẫn y nguyên, cái gì sẽ chờ đợi đất nước?
          (3) Hầu như không có sự chuẩn bị gì cho việc nâng cao dân trí và quyền năng của nhân dân, để nhân dân có thể làm tốt quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong việc góp ý kiến vào Hiến pháp, trong việc thực hiện quyền phúc quyết… Cũng xin nói ngay, không thực hiện nghiêm túc với chất lượng cao quyền thảo luận tham gia ý kiến và quyết định (nhất là đối với những vấn đề quan trọng), quyền phúc quyết của nhân dân, Hiến pháp sửa đổi hay Hiến pháp mới sẽ giảm hẳn giá tri cũng như khả năng thực thi.
Quá trình soạn thảo sửa đổi Hiến pháp hay xây dựng Hiến pháp mới lẽ ra nhất thiết còn phải là lúc làm cho cả nước có cơ hội học tập để nâng cao hiểu biết, nâng cao quyền năng của công dân, giác ngộ nhân dân những vấn đề trọng đại của đất nước, gắn bó người dân hơn nữa với vận mệnh đất nước… Nhà nước pháp quyền chính đáng nào mà lại không mong muốn công dân của mình có trình độ giác ngộ cao nhất?
          Vân vân…
          Ngoài ra, cá nhân người viết bài này xin có những đề nghị như sau:
1.    Nếu chỉ sửa đổi sơ sơ như dự thảo đã công bố, thì nên tạm dừng lại chưa đi tới phần kết thúc như thời khắc biểu đã định, riêng việc lấy ý kiến nhân dân phải tiến hành có chất lượng và nên kéo dài tới cuối năm 2013, để có thời gian bổ khuyết 3 việc còn sót chưa làm nói trên.
2.    Trong khoảng thời gian kéo dài thêm, nên thực hiện ngay một số Điều đúng, đã có sẵn trong Hiến pháp 1992, như các Điều quy định các quyền về tự do, dân chủ của công dân, quyền con người, về tự do ngôn luận, về báo chí..; đình chỉ ngay mọi hoạt động có tính chất khủng bố, trấn áp, hay đàn áp nhân dân, thả ngay những người bất đồng chính kiến đang phải thụ án tù hay đang bị xét xử, làm ngay một số việc khác như 71 trí thức đã nêu trong kiến nghị ngày 06-08-2012.
3.    Bãi bỏ việc sửa đổi Hiến pháp theo kiểu chắp vá như đang làm, đặt vấn đề xây dưng Hiến pháp mới lần này là một trong những bộ phận quan trọng nhất của chương trình cải cách triệt để và toàn diện chế độ chính trị của đất nước.
4.    Lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát huy trí tuệ và tâm huyết cả nước xây dựng chương trình cải cách toàn diện hệ thống chính trị, kế hoạch và lộ trình thực hiện. Thông qua cuộc cải cách chính trị này Đảng thực hiện cải tổ lại chính mình cả về đường lối, về tổ chức để trở thành Đảng của dân tộc phù hợp với những tiêu chí của một nhà nước pháp quyền dân chủ.
5.    Thông qua cải cách chính trị lần này Đảng trang trải hai món nợ, hai nhiệm vụ lịch sử đối với nhân dân, đối với tổ quốc mà Đảng đã để trễ 37 năm sau khi đất nước độc lập thống nhất:
-        Xây dựng một thể chế chính trị dân chủ của nhà nước pháp quyền để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
-        Thực hiện hòa giải đoàn kết dân tộc để phát huy tối đa sức mạnh toàn diện của đất nước.
IV. Vài suy nghĩ thay lời kết
Qua cải cách chính trị lần này, một nước Việt Nam dân chủ ra đời[2] từ nước Việt Nam độc lập thống nhất kể từ 30-04-1975  - nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam – đấy sẽ là sự đổi đời của chính nước ta, để từ nay và mãi mãi mở mày mở mặt cùng đi được với cả thiên hạ, để có khả năng là bạn và là đối tác được tôn trọng của cả thiên hạ. Song sự kiện này sẽ làm thế giới chấn động, vì nó góp phần củng cố hòa bình, có lợi cho hợp tác và cùng phát triển ở Đông Nam Á, với nhiều ảnh hưởng lan tỏa rất khích lệ cho cái thiện, cái tốt ở mọi nơi. Có thể nói ngay, cả thế giới sẽ vui mừng với chúng ta – trong đó có không ít những bộ phận nhân dân trong lòng đất nước Trung Quốc. Còn Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chắc chắn sẽ không như thế. CHNDTH sẽ như thế nào, điều này còn tùy thuộc vào nhiều thứ dễ thấy ngay từ bây giờ... Song việc nước ta phải làm thì nước ta cứ phải làm, đủ sức làm, và làm được, chẳng lẽ cứ phải ngó nghiêng hay xin phép Trung Quốc? Mà dù ta có ngoan ngoãn, ngó nghiêng hay xin phép… chắc gì được yên thân? Khi cần và thấy trên bàn cờ quốc tế là có thể - bất kể là ta yếu hay mạnh, cương hay nhu, ngoan hay bướng… - thì CHNDTH vẫn sẵn sàng ra tay đối với ta, lần nào cũng rất rắn. Chiếm Hoàng Sa của ta năm 1974 là như thế, cuộc chiến tranh Campuchia và cuộc chiến tranh đánh ta tháng 2-1979 là như thế, lấy thêm một số đảo của ta ở Trường Sa năm 1988 là như thế, bây giờ đang muốn lấn chiếm ta tiếp trên Biển Đông cũng là như thế - giữa lúc ta vẫn đang gồng lên nhẫn nhục gìn giữ đại cục, 4 tốt và 16 chữ đấy thôi!..
Nhưng nếu  ta không quyết tâm đổi đời đất nước lần này, chắc chắn nước ta sẽ rơi sâu hơn nữa không có lối thoát vào con đường nô dịch của siêu cường Đại Hán như đã vương vào từ Hội nghị Thành Đô năm 1990 đến nay gỡ chưa ra. Không chỉ có thế, rơi vào vòng tay Trung Quốc, nước ta một lần nữa sẽ trở thành chiến địa mới của nhiều nước, nội chiến cũng sẽ nổ ra trong lòng tổ quốc chúng ta!
          Song làm sao thực hiện được cuộc đổi đời như vậy của đất nước, nếu không có sức mạnh của trí tuệ và từ trong tâm huyết và ý chí của hòa giải đoàn kết dân tộc?
Cần nói thẳng thắn với nhau hòa giải đoàn kết dân tộc như thế đến nay vẫn hầu như là không thể, nhưng lại là đòi hỏi tất yếu, là đòi hỏi đầu tiên để đổi đời đất nước.
Làm sao có thể thực hiện được sự hòa giải đoàn kết dân tộc như thế đã để muộn mất 37 năm rồi, nếu không có một thể chế chính trị dân chủ của đất nước làm cái nôi sinh thành và nuôi dưỡng nó?
          Về ĐCSVN tôi muốn nói thế này: Chắc chắn người Việt Nam nào có ý thức với đất nước đều thiết tha mong mỏi một cuộc đổi đời của đất nước như vậy. Đấy chính là cái đích ngàn đời mà vì nó cả nước đã đi theo Đảng bước vào Cách mạng Tháng Tám. Chẳng lẽ nào bây giờ đứng trên đỉnh cao của quyền lực, Đảng không còn khả năng nhận ra cái đích này? Và chỉ vì thế, có phải là Đảng muốn tự chọn con đường đối kháng với cái đích ngàn đời mong ước này của dân tộc hay không?
          Không ai có thể thay Đảng trả lời câu hỏi này.
          Bốn cuộc chiến tranh, khoảng 7 triệu sinh mạng người dân nước ta (có số liệu nói 10 triệu) bị cướp đi, cùng với biết bao nhiêu tổn thất khác không bao giờ lấy lại được nữa, những vết thương trong lòng dân tộc như đang muốn không bao giờ lành lại nữa, gần một nửa thế kỷ[3] đất nước chìm đắm trong khói lửa giữa lúc thế giới đi lên đỉnh cao phát triển mới, rồi những sai lầm đổ vỡ do chính tự tay ta bên này và bên kia gây nên…
Chừng nấy mất mát và đau thương còn chưa đủ hay sao nếu để xảy ra đổ vỡ nồi da xáo thịt một lần nữa?
Chừng nấy mất và đau thương còn chưa đáng để toàn dân tộc ta nắm tay nhau hòa giải và cùng nhau bước về phía trước?
Chừng nấy mất mát và đau thương không đáng để cho mỗi người Việt chúng ta khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ, cùng đoàn kết giúp nhau dấn lên, đổi đời chính mình, và đổi đời của đất nước hay sao?
          Cuối cùng, xin nói lời đề nghị quan trọng nhất:
Tôi thiết tha mong từng người dân Việt chúng ta học lại quá khứ của chính mình, của đất nước – học tất cả, để hiểu những điều tốt và xấu, thành và bại, ác và thiện, cái ngu dốt và sự minh triết, sự thù hận và lòng khoan dung... Không chờ và không cần ai ban bảo mình hay nhồi nhét cho mình học cái gì! Mà hãy đem tất cả nỗi thương đau của chúng ta về số phận đất nước, đem tất cả ý chí của mình mong mỏi đổi đời đất nước, để tự tìm tòi học lại tất cả những cái phải học, học thêm những cái mới…
Xin hãy học tất cả những điều phải học như thế, trước hết để chiến thắng chính mình, chiến thắng nỗi sợ và những yếu kém của mình. Học như thế để đổi đời của chính mình và quyết tâm cùng nhau đổi đời đất nước.
Bởi vì: Thực hiện bằng được hòa giải dân tộc để cứu tổ quốc đang lâm nguy, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước là trách nhiệm thiêng liêng không của riêng một ai trong cộng đồng dân tộc Việt Nam chúng ta!
Nguyễn Trung
Hà Nội – Võng Thị, ngày 14-01-2013
Ngyễn Trung
--------------
[1] Xin đừng lúc nào quên một thời nhân dân dành cho Đảng quyền lãnh đạo, song chưa bao giờ có chuyện nhân dân của một nước độc lập dân là chủ lại dành cho Đảng quyền lực cai quản đất nước, Đảng cũng chưa bao giờ dám ghi vào Cương lĩnh và Điều lệ của mình việc giành quyền lực như thế - vì sẽ danh không chính ngôn không thuận, mặc dù Đảng làm việc này với tất cả.
[2] Tôi không dám lạm bàn về tên gọi của quốc gia, vì đấy sẽ là quyền của nhân dân, khi nào được hỏi tôi sẽ nói đề nghị của mình.
[3] 1945 –1989,  khi kết thúc chiến tranh Campuchia.
      (Viet-studies)

Đề nghị của một cựu binh đặc công thời đánh Mỹ

Anh Nguyễn Văn Thủy là một cựu binh đặc công, từng vào sinh ra tử bao lần trên chiến trường miền Nam thời đánh Mỹ. Anh đã cùng đồng đội lập nhiều chiến tích hiển hách, như thiêu cháy gần 5 triệu lít xăng kho xăng dầu Thành Tuy Hạ của quân đội Mỹ... Hết chiến tranh, anh về lại với cuộc sống dân dã, "súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa". Từ Hà Nội, anh gọi điện cho tôi, bảo em ạ, sau khi đọc bài Anh đã về với mẹ trên báo Thanh Niên viết về anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh anh rất xúc động, coi tấm ảnh mẹ anh Chinh bên quan tài con mà không cầm được nước mắt, lại nhớ mấy năm trước anh cùng người thân cũng lặn lội vào chiến trường cất bốc hài cốt anh trai chuyển về quê nhà. Anh Thủy cũng nói thêm rằng em ơi, anh có đề nghị này, tự đáy lòng cũng như của nhiều anh em cựu chiến binh khác, chỉ mong sao được nhà nước quan tâm thực hiện. Đừng để tủi vong linh các liệt sĩ đã bỏ mình vì nước. Anh Thủy viết như thế này:

"Tôi đã đọc đi đọc lại bài viết trên báo Thanh Niên đã đưa tin về liệt sĩ Lê Đình Chinh!
Xin trân trọng cám ơn báo Thanh Niên đã có bài báo tường thuật rõ về sự hy sinh anh hùng của liệt sĩ Lê Đình Chinh!
Sắp đến ngày 17.2 là ngày đầu quân dân chúng ta đã anh dũng chống lại cuộc xâm lược của Trung Quốc năm 1979.
Kính xin các các báo, đài phát thanh, truyền hình cả nước có hành động thiết thực để kỷ niệm, tưởng nhớ, ghi ơn các anh hùng đã anh dũng bảo vệ biên cương phía Bắc của tổ quốc chống quân xâm lược Trung Quốc.
Đây là cuộc chiến chính nghĩa của dân tộc ta chống quân xâm lược Trung Quốc.
Đừng lấy lý do "nhạy cảm " mà im lặng như mấy chục năm qua thì các gia đình chúng tôi có người thân đã hy sinh sẽ lên tiếng! Không thể để vong linh các anh em đã hy sinh tủi nhục như vậy được!
Trước mắt, tôi đề nghị Đảng, chính phủ cho tu sửa các nghĩa trang liệt sĩ cho khang trang.
Đến ngày 17.2 cần tổ chức lễ kỷ niệm cho đàng hoàng.
Sau nữa thì cần có lịch sử rõ ràng minh bạch: ai là kẻ xâm lược! Ai là người bảo vệ đất nước!".

Một tấm lòng trân trọng lịch sử oanh liệt của dân tộc, biết ơn liệt sĩ như thế thật đáng trân trọng. Tôi nghĩ rằng đảng, nhà nước và toàn dân cũng cùng chung suy nghĩ, tấm lòng như bác Thủy. Xin cám ơn bác.

14.1.2013
Nguyễn Thông

Sự suy thoái chính trị và lối thoát của Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngay cả những người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc này cũng phải nhìn nhận rằng đảng của họ đang suy thoái. Sự suy thoái này đã xãy ra từ lâu. Nhưng, cũng như với các tiến trình suy thoái chính trị xưa nay trong lịch sử, người ta chỉ nhận ra chúng ở giai đoạn cuối. Tâm lý phủ nhận suy thoái nằm trong bản năng xã hội của con người, cho đến khi khối ung thư tràn lan… 
Có hai dấu hiệu, và cũng là lý do, đưa đến suy thoái chính trị trong lịch sử nhân loại, theo Fukuyama, viết trong cuốn Những Nguồn gốc của Trật tự Chính trị.
Dấu hiệu thứ nhất của suy thoái là ở sự đổ vỡ của các định chế cũ, biểu hiện qua các quan hệ giữa nhà nước và xã hội dân sự, và sự thất bại trong việc thiết lập những định chế mới phù hợp với điều kiện xã hội mới.
Dấu hiệu thứ hai của suy thoái là ở tiến trình mà Fukuyama gọi là “tái thân tộc hóa” (repatrimonialization) các vị trí quyền lực trong chính quyền.
Cả hai hiện tượng này đang xảy ra ở Việt Nam và càng lúc càng gia tăng cường độ.
Lấy định chế sở hữu đất đai làm ví dụ. Hàng chục năm nay, số dân oan đi khiếu kiện việc đất đai của họ bị tước đoạt ngày càng tăng. Trường hợp Đoàn Văn Vươn mới đây chỉ là một trong chuỗi những sự kiện liên tục của  hiện trạng đổ vỡ của các định chế nhà nước sở hữu đất đai đã trở nên lạc hậu và phản động. Cũng theo Fukuyama, đằng sau sự tồn tại của một định chế cố hữu nào đó là một nhóm đặc quyền. Lý do chính mà những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn dây dưa trong việc xác định quyền tư hữu đất đai không phải là vì lý tưởng “chủ nghĩa xã hội” gì đó của họ. Lý do chính, và lý do quyết định, là nhóm đặc quyền trong Đảng, hoặc cấu kết với Đảng, sẽ không từ bỏ một công cụ tước đoạt tài sản công dân mà Đảng, thông qua nhà nước, đã trao cho họ. Khi cần, những người lãnh đạo của Đảng đã không ngần ngại chia tay với những nguyên tắc nền tảng nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin; đi theo kinh tế thị trường hoặc cấu kết với các thế lực tư bản nước ngoài để bóc lột công nhân chẳng hạn. Việc Đảng không muốn từ bỏ “sở hữu toàn dân” về đất đai chắc chắn không phải là vì trung thành với lý tưởng đã chọn của thế hệ công thần.
Tương tự, những định chế khác trong các lãnh vực như giáo dục, truyền thông, quản lý kinh tế,… đều đã phơi bày những dấu hiệu đổ vỡ vì không thể chuyển hóa được do sức ì của các nhóm đặc quyền.
Thân tộc hóa là một hiện tượng chính trị có nguồn gốc từ trong bản năng xã hội của con người. Con người, khi có quyền lực trong tay, có khuynh hướng đưa thân nhân và những người có quan hệ mật thiết với họ vào nắm các vị trị quan trọng trong chính quyền. Hiện tượng thân tộc hóa xuất hiện trong tất cả các xã hội và hệ thống chính trị khác nhau. Nó lập đi lập lại trong lịch sử. Khi một chính quyền đang lên, nó có khuynh hướng biến mất, thay vào đó là một hệ thống tuyển chọn nhân sự làm việc trong các cơ chế công quyền dựa trên những tiêu chuẩn khách quan, như hệ thống tuyển chọn quan lại mà Tần Thủy Hoàng đã dùng, và được tiếp tục bởi Nhà Tiền Hán, chẳng hạn.
Nhưng cùng với thời gian, và trong sự thiếu vắng các định chế tiến bộ để tuyển chọn nhân sự của chính quyền một cách khách quan, hiện tượng thân tộc hóa dần dần phục hồi. Đây là dấu hiệu của suy thoái. Các thế lực thân tộc này cấu kết thành một lực lượng đặc quyền phản động, ngăn cản sự chuyển hóa và phát triển của các định chế xã hội mà họ đang được hưởng lợi, đưa đến suy thoái và sụp đổ.  Sự suy thoái và sụp đổ của nhà Đông Hán, đưa đến loạn Vương Mãn, của Vương triều Louis XVI, đưa đến Cách mạng Pháp, đều có lý do này. Sự suy thoái hiện nay của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng vì lý do  này.
Một người ngày trước không thể vào đại học vì lý lịch của cha anh thì ngày nay có thể trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Đây là một ví dụ cho thấy các tiêu chuẩn chính thống, dựa vào nguồn gốc xuất thân chẳng hạn, có thể coi là một tiêu chuẩn “khách quan”, đã không còn được ủng hộ nữa. Ngày nay cơ chế tuyển người vào các vị trí công quyền hoàn toàn dựa trên quan hệ thân tộc và quan hệ cá nhân. Hiện tượng mua bán chức quyền, từ những vị trí rất cao trong chính quyền như bộ trưởng, được mặc nhận như một thực tế. Hiện tượng tái thân tộc hóa xảy ra ở những vị trí quyền lực nhất của nhà nước Việt Nam.
Các định chế xã hội không chuyển hóa và phát triển để phù hợp với điều kiện mới được là vì sự khống chế của các nhóm đặc quyền. Sự hình thành các nhóm đặc quyền là từ trong tiến trình tái thân tộc hóa cơ chế nhà nước. Do đó, để thoát ra khỏi suy thoái chính trị, những người có tâm huyết trong Đảng Cộng sản (những người tâm huyết chứ không phải những người lãnh đạo vì những người lãnh đạo đã là một bộ phận không tách rời của tiến trình tái thân tộc hóa và nhóm đặc quyền phản động) cần có bản lĩnh chính trị để giải quyết cùng một lúc hai vấn đề:
  1. Chặn đứng tiến trình tái thân tộc hóa các cơ cấu quyền lực của nhà nước.
  2. Dũng cảm bước ra khỏi sự chi phối của các nhóm đặc quyền để vận động thay đổi các định chế đã trở nên lạc hậu.
Sự suy thoái chính trị của Đảng và của nhà nước sẽ tiếp tục cho đến khi sụp đổ nếu hai vấn đề này không được giải quyết thỏa đáng.
Đó là lối thoát duy nhất để Đảng Cộng sản có thể tiếp tục cầm quyền. Tiếng nổ Đoàn Văn Vươn có thể là lời cảnh báo cuối cùng về sự đổ vỡ của định chế và về mối nguy từ các thế lực đặc quyền trong việc ngăn chặn tiến trình chuyển hóa của các định chế nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Đảng Cộng sản cũng chỉ có một cửa sổ cơ hội rất hẹp để thực hiện những điều này. Lúc này đây, chỉ còn một lực lượng rất nhỏ của thế hệ công thần còn sống. Họ là những người có đủ bản lĩnh chính trị và thẩm quyền đạo đức trong nội bộ Đảng để giúp Đảng vượt ra khỏi suy thoái. Một khi thế hệ công thần này ra đi thì Đảng Cộng sản không còn ai có khả năng làm điều này nữa. Các thế hệ sau của Đảng, thế hệ con cha cháu ông, sản phẩm của tiến trình tái thân tộc hóa, không có sự chính đáng và thẩm quyền đạo đức để thực hiện một cuộc chuyển hóa chính trị để cứu Đảng.
Sự suy thoái, lúc đó, sẽ đưa đến sụp đổ. Hoàn tất một cuộc cách mạng khứ hồi.
Lại nói về hiện tượng thân tộc hóa cơ cấu quyền lực nhà nước, dẫn đến sự bế tắc của các định chế xã hội trong việc giải quyết các vấn đề công lý, đưa Đảng đến bên bờ vực của sự sụp đổ.
Đối với những người thuộc thế hệ công thần, thế hệ đã tạo dựng nên Đảng Cộng sản Việt Nam, thì Đảng ngày nay đã là một đứa con hư. Họ biết rất rõ những bê bối của nó những họ vẫn bảo vệ nó như con đẻ của họ. Nhiều người đã lên tiếng báo động về sự hư đốn của Đảng nhưng trong thâm tâm họ vẫn nghĩ rằng đảng của họ vẫn có khả năng thay đổi để vượt qua sự suy thoái hiện nay. Dù sao đi nữa thì đảng của họ cũng đã thay đổi nhiều lần để vượt ra những thử thách sống còn như thế; phải tuyên bố giải tán đảng để trở thành một tổ chức nghiên cứu chủ nghĩa Marx ngay trước kháng chiến chống Pháp hay từ bỏ niềm tin căn bản của chủ nghĩa Mác để đi theo kinh tế thị trường hồi những năm ’80 chẳng hạn.
Và đây chính là bi kịch lớn nhất của họ, bi kịch của một người làm mẹ khi sắp qua đời biết mình đã để lại những đứa con hư. Đảng Cộng sản, với những người lãnh đạo nó hiện nay, không còn khả năng thay đổi nữa. Các thế lực đặc quyền, không tồn tại ở những thời điểm Đảng thay đổi trước đây, sẽ làm tất cả những gì trong phạm vi quyền lực không giới hạn của họ, kể cả giết người và bỏ tù, để chống lại thay đổi và bảo vệ những định chế mà họ đang được hưởng lợi. Năm 1986, khi Đảng quyết định chia tay với kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa đang tàn phá đất nước để chuyển sang kinh tế thị trường thì trong Đảng không có một lực lượng đặc quyền nào đang hưởng lợi vì các định chế của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đó cả. Ngày nay nếu Đảng muốn chia tay với “sơ hữu toàn dân” về đất đai để thiết lập quyền tư hữu, và qua đó thiết lập công lý, thì Đảng phải đối diện mới những thế lực đặc quyền còn mạnh hơn chính bản thân Đảng. Nếu Đảng muốn trở về lại với vai trò lãnh đạo và bảo vệ giai cấp công nhân, một lực lượng đông đảo đang bán sức lao động rẻ mạt cho tư bản nước ngoài ở các khu công nghiệp, thì Đảng phải đối diện với những thế lực âm binh hùng mạnh đang hưởng lợi từ các thương vụ buôn bán này. Cái logic làm sụp đổ các vương triều trong lịch sử, và gần đây hơn là các quốc gia cộng sản và độc tài các loại, có khả năng làm sụp đổ Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam.
Hiện tượng thân tộc hóa ngày càng làm trầm trọng thêm sự bất công đã tồn tại trong bản chất của nhà nước Việt Nam. Công lý, ở tầm mức nền tảng nhất trên phương diện chính trị, là sự công bằng về cơ hội thăng tiến trong các cơ cấu quyền lực nhà nước. Hai đứa trẻ được sinh ra một thời điểm, bất kể hoàn cảnh thân tộc, môi trường sống, vùng miền, tôn giáo, sắc tộc, điều kiện kinh tế như thế nào, phải có những cơ hội được thăng tiến ngang nhau trong các cơ cấu công quyền, ít nhất là trên phương diện lý luận. Đây là tiêu chuẩn đầu tiên của công lý cho một nhà nước. Nhà nước cộng sản, dựa trên sự phân chia và duy trì ranh giới giai cấp cố hữu, tự trong bản chất đã là bất công. Một nhà nước theo mô hình cộng sản, do đó, là một nhà nước thất bại ngay từ đầu vì nó đã thất bại trong trách nhiệm đầu tiên của nó là thiết lập và bảo vệ công lý. Hệ thống thi hương thi hội, hình thức thực thi loại công lý này ở mức sơ đẳng nhất, trong việc chọn người vào các cơ cấu công quyền của các triều đại phong kiến cũng không tồn tại ở nhà nước hiện nay.
Cái hệ thống lý luận theo kiểu “mục đích biện minh cho phương tiện” cho một "nhà nước xã hội chủ nghĩa" công bằng không tưởng nào đó, từ trước đến nay, trang bị cho Đảng một công cụ tín lý để áp dụng bạo lực và duy trì sự bất công này. Trong sự khiếp sợ quyền lực nhà nước truyền thống của một xã hội thần dân, các lý luận đó, cùng sự hỗ tương của bạo lực, đã tìm thấy sự chính đáng của chúng. Công lý chính trị vẫn tồn tại trong nội bộ của một đảng, ít nhất là trong cảm nhận của xã hội. Nhưng ngày nay điều này cũng đã bị các thế lực đặc quyền phản bội. Hiện tượng thân tộc hóa đem sự bất công này vào ngay chính trong nội bộ của Đảng, thậm chí vào trong nội bộ của các cơ cấu lãnh đạo cao cấp của Đảng. Cơ hội thăng tiến của đảng viên hoàn toàn phụ thuộc vào quan hệ thân tộc của họ. Hai đảng viên, cùng năng lực, không có cơ hội thăng tiến ngang nhau trong Đảng. Một đảng chính trị có thể tồn tại và cai trị trong sự bất công đối với xã hội, trong chừng mực mà xã hội có thể dung thứ sự bất công đó, đặc biệt là những xã hội mà ở đó công dân chưa coi trọng các quyền tự do chính trị của họ, nhưng nó không thể tồn tại trong sự bất công đối với chính nó: nó đã đánh mất sự chính đáng đạo đức ở đảng viên để giữ cho nó tồn tại. Đây là đe dọa lớn nhất của Đảng.
Và nó cũng là đe dọa lớn nhất cho xã hội. Sự sụp đổ của một đảng cầm quyền, và cái nhà nước nó thiết lập để cai trị, ngoài việc làm thỏa mản những uất ức do sự bất công kéo dài quá lâu, hoặc có thể đem lại lợi ích cho một vài nhóm nào đó (và các nhóm này ngay lập tức trở thành các nhóm đặc quyền), không phục vụ quyền lợi lâu dài của một quốc gia. Hiện tượng thân tộc hóa nhà nước đưa tình trạng bất công lên một tầm mức mà bất cứ xúc tác nào, ngay cả những sự kiện không ăn nhập gì, cũng có có thể gây nên bất ổn chính trị. Một khi điều đó xảy ra thì bạo lực và cách mạng là điều không thể tránh khỏi. Cách mạng xưa nay trong lịch sử luôn phản bội. Các định chế, thay vì chuyển hóa, bị đập bỏ và được thiết lập lại. Một tầng lớp đặc quyền mới sẽ thay thế.
Những dân tộc khôn ngoan không làm cách mạng, mà tìm cách để chuyển hóa các định chế nhà nước và xã hội, do đó, tránh được những đổ vỡ máu me, tiết kiệm được nhân lực và tài nguyên để phát triển. Vấn đề trở nên: liệu có thể hóa giải các thế lực đặc quyền trong Đảng hiện nay để chuyển hóa các định chế theo hướng phù hợp với các điều kiện xã hội đang đòi hỏi hay không? Nói cách khác, có thể tránh đổ vỡ không? Không ai biết chắc câu trả lời cho câu hỏi này. Sự sụp đổ của khối cộng sản, và gần đây hơn, sự ra đi của các chính thể độc tài ở Bắc Phi, làm ngạc nhiên ngay cả những bộ não uyên bác nhất của khoa học chính trị thế giới.
Có thể đã quá trễ để cứu Đảng. Có thể các thế lực thân tộc đặc quyền trong Đảng đã làm Đảng thối rữa quá mức có thể cứu vãn được. Có thể Đảng sẽ ra đi trong sự sụp đổ như các vương triều trong lịch sử đã ra đi trong sự sụp đổ. Trần Nghệ Tông, những ngày cuối cùng của Nhà Trần, đã mặc nhận sự suy thoái và băng hoại không thể cứu vãn nổi của vương tộc và không muốn làm gì thêm nữa, ngoài chuyện đi tu. Hiện nay cũng đã có không ít đảng viên thuộc thế hệ công thần, tính luôn thế hệ “Trường Sơn”, đã mặc nhận và đi tu như thế. Và đó là điều rất đáng tiếc. Sự chính đáng đạo đức luôn bao gồm thái độ dũng cảm nhìn nhận, chịu trách nhiệm, và nếu cần thì từ bỏ, những đứa con hư đốn của mình. Có thể Đảng là không cứu được nữa nhưng đất nước thì phải cứu.
Sự lựa chọn một ý thức hệ, một phe nhóm, một chiến tuyến, ở một thời điểm nào đó, có thể đúng có thể sai. Lịch sử không phán xét điều đó. Nhưng lịch sử sẽ không tha thứ cho bất cứ ai ngồi nhìn quốc gia băng hoại vì một nhóm sa đọa, do chính mình tạo dựng nên, mà không làm gì. Nếu sự sụp đổ của Đảng là không tránh khỏi thì phải chấp nhận sụp đổ. Nhưng cho đến khi đó, những người có ý thức trách nhiệm đối với quốc gia trong Đảng phải làm tất cả những gì có thể làm được để tránh cho Đảng Cộng sản sụp đổ.
Và bằng cách đó, họ giúp tránh cho sự sụp đổ của nhà nước, và tránh được bạo lực của một cuộc cách mạng không cần thiết cho quốc gia.
Trần Minh Khôi

Khuất tất của Báo Đại Đoàn Kết bị phanh phui

 
Khuất tất trong việc huy động vốn xây dựng nhà ở cho cán bộ, nhân viên
Dự án Khu đô thị Bắc Đại Kim mở rộng xây dựng nhà cho cán bộ, nhân viên Báo Đại Đoàn Kết đã có từ năm 2000. Với tổng diện tích trên 4.000 mét vuông. Mất 10 năm im lìm, năm 2010, dự án được “hâm nóng” khi Tổng Biên tập (TBT) Đinh Đức Lập đáp ứng nguyện vọng của tập thể cán bộ, công nhân viên (CBCNV) báo, ông đã chỉ đạo và thành lập Ban Dự án của báo. Đích thân TBT Đinh Đức Lập phụ trách và chủ trì đôn đốc việc huy động vốn.
Phó Trưởng ban phụ trách Ban Kế hoạch - Tài chính kiêm Kế toán trưởng Đinh Quang Sơn, cháu ruột ông Đinh Đức Lập được cử làm Phó ban Dự án trực tiếp kí các chứng từ huy động vốn. Giữa năm 2010, Ban này thông báo mỗi CBCNV tham gia dự án nộp hơn 86 triệu đồng/người để hỗ trợ địa phương bị thu hồi đất xây dựng chợ, nhà văn hóa và 11 triệu đồng quỹ giao dịch. Những người tham gia dự án từ năm 2000 được tính bù đắp thêm một khoản tiền chênh lệch để không bị thiệt thòi so với người mới tham gia dự án từ năm 2010. Gần 80 người cả đang làm việc, đã về hưu, hay đã chuyển công tác nhưng tham gia dự án từ năm 2000 đều đã nộp tiền.
Tháng 5/2011, Ban Dự án của Báo Đại Đoàn Kết tiếp tục thông báo mỗi cá nhân tham gia dự án nộp theo tiến độ trên 78 triệu đồng/người. Tháng 5/2012, Ban Dự án của Báo Đại Đoàn Kết lại thông báo mỗi người liên quan nộp tiếp theo tiến độ dự án trên 86 triệu đồng/người. Ngoài ra, cuối năm 2012, những cá nhân tham gia dự án nhà thấp tầng (nhà vườn) nộp thêm 500 triệu đồng/căn ( 2-3 người/căn; 250 triệu đồng/người). Ban Dự án của báo đã thu tiền đến bốn đợt, dù có người đã nộp được hai lần, người ba lần, người bốn lần nhưng ước tính số tiền đã thu hàng chục tỉ đồng.
Đóng tiền nhiều, mỗi cá nhân đã vài ba trăm triệu đồng nhưng chẳng thấy tiến độ dự án triển khai. Ban Dự án cho đến nay chưa từng một lần minh bạch tổng số tiền thu được. Những ai đã nộp tiền và ai chưa nộp cũng không có bảng niêm yết. Và ngay cả việc công khai đã nộp bao nhiêu tiền cho chủ đầu tư cũng không hề công bố.
Dư luận trong Báo Đại Đoàn Kết bắt đầu rì rầm bàn tán, có hay không sự khuất tất? Giữa tháng 12/2012, một số cán bộ của báo đề nghị ông Mai Ngọc Tuyền, Trưởng ban Dân chủ, Pháp luật và Bạn đọc, Chủ tịch BCH Công đoàn báo, được cử làm Trưởng ban Dự án (thay ông Nguyễn Minh Ngọc, chuyển sang Báo Nhân Dân) phải công bố công khai minh bạch tài chính. Thật bất ngờ khi ông Tuyền nói: “Tôi không nắm được, tôi vẫn chưa được bàn giao. Trước nay, tiền vẫn do bộ phận kế toán thu và giữ”.
Bức xúc vì không biết một khoản tiền rất lớn của tập thể đóng góp tham gia dự án đã được sử dụng như thế nào nên một số cán bộ, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã làm đơn đề nghị gửi lên lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Tiếp đó, một số phóng viên của các báo cũng nắm được thông tin và tới gặp chủ đầu tư dự án lớn để tìm hiểu.
Ngày 7/1/2013, bà Lê Thị Kim Yến, Trưởng ban Quản lí Dự án Bắc Đại Kim ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã trả lời các câu hỏi của phóng viên. Bà Yến cho biết: Tính từ năm 2010 đến nay, Báo Đại Đoàn Kết đã nộp số tiền theo các đợt như sau: 1.046.113.000 đồng tiền hỗ trợ địa phương xây dựng nhà văn hóa và chợ (năm 2011); công tác giải phóng mặt bằng cho quận Hoàng Mai là 45.000.000 đồng (năm 2012). Và ngày 29/12/2012, ông Đinh Quang Sơn (cháu ruột của TBT Đinh Đức Lập) vội vàng mang 5 tỉ đồng tới nhà riêng của bà Yến để nộp. Nhưng bà Yến không nhận, và yêu cầu ông Sơn phải mang về trụ sở công ty tại huyện Thanh Trì nộp để bảo đảm nguyên tắc quản lí tài chính.
Như vậy, tính đến nay Ban Dự án của Báo Đại Đoàn Kết mới chỉ nộp cho chủ đầu tư số tiền 6.091.000.000 đồng. Vậy thì tại sao lại thu vượt của các cá nhân tham gia dự án số tiền gấp nhiều lần? Hơn nữa, tại sao Ban Dự án lại thu “sớm” trước hai năm trong khi nhà đầu tư và Công ty của bà Yến không yêu cầu? Khi biết sự thật này, nhiều CBCNV của báo và những người khác ngoài báo tham gia dự án đều bất bình. Bởi lẽ, nhiều người đã phải đi vay lãi suất cao để tham gia dự án. Một số người trong và ngoài báo đã làm đơn đề nghị thanh tra tài chính trong dự án này gửi tới Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan báo chí.
Trưởng ban Dự án mới của báo Mai Ngọc Tuyền không biết về tổng số tiền thu, chi và sử dụng trong suốt thời gian từ năm 2010 đến 29/12/2012? Tại cuộc họp cơ quan sáng 11/1/2013, TBT Đinh Đức Lập thông báo: Trong Ban Dự án cũ có ba người đã giữ tiền huy động của tập thể là: Nguyễn Minh Ngọc, cựu Phó Tổng Biên tập, cựu Trưởng ban Dự án; Đinh Quang Sơn, Phó Trưởng ban Tuyên truyền, quảng cáo, phát hành; Lê Thị Kim Dung, thủ quỹ. Hẹn trong vòng một tuần nữa ba người phải nộp hoàn trả đầy đủ khoản tiền đã chiếm dụng trái phép.

Việt Huy
(Người Cao tuổi)

HanTimes - Tuyên ngôn blogger

BS vừa có bài đăng "Phản phản biện". Có thể nói đây là bài viết mà BS đã dành khá nhiều tâm huyết và nó liên quan trực tiếp tới cái gọi là "đặc khu thông tin" do blogger này đề xuất. Tuy nhiên nội dung bài viết có một số điểm không thỏa đáng như việc chủ trang này đã áp đặt một số tiêu chí để phân loại blogger, hay việc hình thành cái gọi là "đội quân thứ 4" phản phản biện một cách có văn hóa và khoa học hơn. 
1. Phải - Trái hai lề
Một bên Lề Phải với đầy đủ ban nọ bệ kia, với tiền của Nhà nước (xin nói thẳng là cả tiền công dân đóng thuế), với quá nhiều nhà báo, quá nhiều những kẻ mang danh là nhà lý luận. Bản thân TBT Nguyễn Phú Trọng cũng phải thốt lên đại ý rằng: Chưa bao giờ chúng ta có được bộ máy tuyên truyền đồ sộ với trang thiết bị hiện đại như thế này.
Phía bên này Lề Trái, phần đa là dân logger. Họ (chúng ta, tôi) biên log theo đúng cái kiểu tay trái: không mấy người sống được nhờ biên log phản biện (công kích) Nhà nước - càng không có mấy người mạo hiểm kiếm sống từ "nghề" này.
Không phải ai cũng làm nghề viết rồi trở thành logger phản biện.
Logger chỉ có tay không, không tiền đài thọ, không thế lực, không che chắn và phải đối mặt với một tương lai bị hăm dọa. Thứ duy nhất mà chúng ta có được đó là cái đầu và trái tim của mình.
Nhưng tao ngộ chiến Lề Phải - Lề Trái nhiều lần rồi, Lề Phải tỏ ra không phải là đối thủ xứng tầm của Lề Trái. Bài cùn cuối cùng mà Lề Phải bung ra sẽ là ca ngợi Đảng Quang Vinh, nhân dân chọn lựa, còn bên kia là thù địch, kích động lôi kéo.
Cả một bộ máy tuyên truyền đồ sộ, tốn tiền tốn của nhưng lại thường xuyên phải chịu thất bại thảm hại trước blogger (những kẻ tay không biên log). Đó là tại sao? Là tại công cụ tuyên truyền của Nhà nước đã trở nên quá thiểu năng, phiến diện và cạn đáy về tư duy.
Nhìn ở chiều sâu hơn, điều này chỉ biểu thị tư duy đã cạn kiệt của chính những người cầm quyền.
Thời gian gần đây xuất hiện cái gọi là "Dư luận viên" nhưng cá nhân tôi tin rằng chẳng mấy chốc họ sẽ bị đào thải. Lào xào có đấy, cũng sẽ xôm tụ chút ít nhưng cuối cùng họ với sự non yếu về lý luận của mình cũng sẽ chỉ tụ lại với nhau thành từng nhóm và không làm việc gì hoàn hảo hơn là tự diễu cợt chính mình, qua đó diễu cợt ngay cả người đài thọ cho họ
Cơ chế không cho phép có được người tài trong "bộ máy Dư luận viên". Một thực tế rất hiển nhiên, nhiều người vốn dĩ từ Lề Phải (báo chính thống) đã chuyển sang thành Lề Trái hoặc không lề. Đơn giản khi ham đọc, ham hiểu, ham khám phá thì sẽ tìm ra chân lý và khát khao được nói tiếng nói của mình.
2. Tuyên ngôn blogger
Chúng ta là blogger, những kẻ tay không viết log và đầu óc mơ về một thứ tưởng như điên rồ cho cả xứ sở này: Dân Chủ - Thịnh vượng. Chúng ta không có gì ngoài cái đầu và trái tim của mình, chúng ta không có gì ngoài sự trải nghiệm những buồn vui và cả nước mắt của mình.
Chúng ta có quyền phát ngôn theo ý riêng của mình, chúng ta có cái đầu để tư duy, có con tim để yêu cái phải, cái đúng, ghét cái ác, cái giả dối.
Chúng ta là blogger chúng ta trịnh trọng tuyên bố về quyền bình đẳng, quyền dân chủ, quyền được nói của chính mình. Bằng tiếng nói của mình, chúng ta chiến đấu để bảo vệ quyền đó cho không chỉ riêng chúng ta.
Thứ quyền mà không một thế lực nào, một quyền lực nào có thể cướp đoạt được.
Và chúng ta bình đẳng như nhau.
Và do vậy mọi áp đặt phân vai đều là không thể chấp nhận được. Tôi - blogger do vậy tôi nói tiếng nói của tôi. Đó là quyền của blogger, quyền của cá nhân blogger. Đừng tự đẻ ra luật và áp đặt những tiêu chí dị hợm của bất cứ một vị nào lên tôi.
Chỉ có bình đẳng, đa chiều ngôn luận và mở rộng tranh luận thì mới có dân chủ, và logger sống trên cộng đồng Internet này là vì điều đó.
3. Đội quân thứ 4: Phản phản biện
 Ba Sàm đề xuất việc ra đời của "đội quân thứ 4" phản phản biện một cách khoa học và có văn hóa. Tôi nói thẳng với tôi đó là điều quái thai và dị hợm, nó không khác gì đội quân "Dư luận viên" cả - có chăng cũng chỉ là ở tầm cao hơn, chuyên nghiệp hơn.
Hình thành đội quân này có nghĩa là phải có tiền, có công sức để đầu tư cho đội quân ấy. Tiền ấy ở đâu ra? Xin thưa rằng từ thuế của tôi - Của công dân. Với tư cách người đóng thuế, tư cách công dân tôi thì một xu tôi cũng không cho đội quân phản phản biện, dù cho nó có văn hóa và khoa học như thế nào đi chăng nữa.
Gần bẩy trăm tờ báo, sáu bẩy chục nhà đài hàng chục vạn người sống nương theo đó chưa đủ à? Qua những gì mà chúng ta đã được trải nghiệm qua các lần tao ngộ chiến giữa Lề Phải với Lề Trái thì việc hình thành được đội quân thứ 4 như BS nói (hay việc báo chí chính thống có thể làm được điều này) là viễn mơ, không thực tế.
Cá nhân tôi không cần "đội quân thứ tư", tôi không có nhu cầu đóng thêm thuế.
Thay vì hình thành ra đội quân phản phản biện thì Nhà nước hãy đối thoại với công dân. Hơn lúc nào hết nhà nước cần có một tư duy đối thoại với công dân. Còn khi nhà nước từ chối đối thoại thì có nghĩa công dân còn tiếp tục công kích, tiếp tục xa rời nhà nước, rời xa những người cầm quyền.
Con gà và quả trứng, con gà có trước, hay quả trứng có trước?
Mong cầu đối thoại dân chủ, cởi mở trên không gian hiện đại, bắt đầu từ việc Nhà nước và Công Dân đối thoại, bắt đầu từ việc dẹp bỏ luôn và ngay những quy chụp vớ vẩn, lố bịch từ không ít báo chính thống. Chứ không phải từ đặc khu thông tin, hay "từ đội quân thứ 4" phản phản biện văn hóa và khoa học.

Han Times

(hantimes.com)

Chống tham nhũng ở Việt Nam là tự sát?

Tháng 5 năm 2012, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng được sắp xếp lại, trực thuộc Bộ Chính trị dưới quyền Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thay vì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
(AFP photo) Các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang (từ trái qua) tại kỳ họp Quốc hội hàng năm hôm 22/10/2012 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Bá Thanh là ai?

Hôm 28 tháng 12 vừa rồi, Bộ Chính trị quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương về phòng chống tham nhũng – diễn biến mà công luận mô tả là nhằm giảm bớt thêm nữa quyền lực của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Giữa lúc có ý kiến lạc quan dựa trên “thành quả” của ông Nguyễn Bá Thanh trong việc phát triển TP Đà Nẵng, cùng cá tính được cho là “anh hùng hảo hớn” của ông có thể giúp cải thiện xã hội, thì hai tác giả Thu Hương và Duy Tân, qua bài “Nguyễn Bá Thanh ‘ra Ba Đình’: Gian hùng trị tham nhũng ?”, đã cảm nhận ngay một “sự ngỡ ngàng” để rồi sau đó thấy “xót thương cho cái nước Việt mình rõ ràng là đã hết nhân tài nên nhà cầm quyền vẫn quanh đi quẩn lại chỉ dùng mấy gương mặt mốc đã cũ xì” – mà nói theo lời nhà thơ Huy Cận: “Quanh quẩn mãi giữa vài ba dáng điệu. Tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người”.
Nhắc lại chuyện người quen cũ của Nguyễn Bá Thanh chúng ta mới thấy cái tàn bạo của người cộng sản Nguyễn Bá Thanh, ăn tiền cũng là ông mà bỏ tù người ta cũng là ông luôn.
Bloggers Thu Hương và Duy Tân
Vẫn theo nhị vị tác giả vừa nói, “đất nước mình gần 90 triệu dân nhưng đi theo chủ nghĩa cộng sản xơ cứng bao năm nay nên có nhân tài cũng không thể nào ngoi lên nổi. Để rồi những lãnh đạo của gần 90 triệu dân Việt mình vẫn là những tên quan tham, gian hùng có cỡ”, “càng khiến ảo vọng về một xã hội dân chủ văn minh ngày càng xa vời”.

Qua bài “Định mệnh lót cho ông chữ ‘Bá’ ”, blogger Cánh Cò lưu ý tới vai trò vừa là Chủ tịch vừa là Bí thư của ông Nguyễn Bá Thanh chẳng khác nào một “lãnh chúa miền Trung”.

Blogger Quốc Uy “thử bàn chút chơi” về kẻ “gian hùng trị tham nhũng”, nhận thấy sự hiện diện của ông Nguyễn Bá Thanh tại Ba Đình tạo nên thế “chân vạc” như trong thời Tam Quốc tranh hùng bên “xứ lạ”, tức, theo phân tích của tác giả Quốc Uy, đó là “tương tác giữa 3 phía, ông Nguyễn Bá Thanh, ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Phú Trọng” trong khi “ông Trương Tấn Sang có thể phụ vào cho ông Trọng mà thôi”.

Trước khi trở lại với thế “chân vạc” này, chúng ta hãy theo dõi – nói theo lời 2 bloggers Thu Hương và Duy Tân – “những chiêu thức đang được chính quyền VN đạo diễn” để “bố trí một gian hùng như Nguyễn Bá Thanh vào Bộ Chính trị”. Khi phân tích về chuyện “dùng kẻ gian hùng để lật tên tham nhũng”, 2 tác giả Thu Hương và Duy Tân không khỏi liên tưởng đến “một người quen cũ” từng “cùng hội cùng thuyền” của ông Nguyễn Bá Thanh là ông Phạm Minh Thông, nguyên giám đốc Công ty Hợp doanh Xây dựng và Kinh doanh Nhà Quảng Nam, Đà Nẵng. Sau khi mô tả ông Phạm Minh Thông là người hiền lành, có trí thức, với vợ hiền, con ngoan, đã “bung ra làm ăn” thành công lớn, nhất là khi Đà Nẵng tách tỉnh, trở thành đô thị trực thuộc trung ương hồi năm 1997 với một “đại công trường và chủ tịch TP Nguyễn Bá Thanh vừa là đồng chí vừa là cánh hẩu” của ông Thông.

Nhưng rồi trong vụ án cầu Sông Hàn có tổng kinh phí 105 tỷ thời giá 1999, ông Phạm Minh Thông là người duy nhất bị án tù giam 40 tháng trong khi các đồng phạm khác chỉ bị án treo vì ông Thông “ không giữ im lặng mà khai ‘lung tung’ rằng đã hối lộ cho Nguyễn Bá Thanh, nên Toà án muốn sửa tính ba hoa của ông bằng món quà 3 cuốn lịch rưỡi”, trong khi số tiền thất thoát không biết “nó chạy đàng nào”. Vẫn theo hai tác giả vừa nói thì “dân xây dựng cơ bản khu vực miền Trung ai cũng biết Nguyễn Bá Thanh ăn dầy, giá thông thường là 10% trên tổng vốn đầu tư” – “những món lại quả của các chủ thầu mới thấy cái sướng của các ông quan dân”. Tác giả phân tích tiếp:

Nhắc lại chuyện người quen cũ của Nguyễn Bá Thanh chúng ta mới thấy cái tàn bạo của người cộng sản Nguyễn Bá Thanh, ăn tiền cũng là ông mà bỏ tù người ta cũng là ông luôn. Mà những người bị bỏ tù cũng là những đồng chí cùng hội cùng thuyền của ông chứ chẳng phải ai xa lạ. Cách đây mười mấy năm, Nguyễn Bá Thanh đã tàn bạo như vậy rồi cho nên gần đây ông xuống tay hạ độc thủ thiếu tướng công an Trần Văn Thanh ... Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã bí đường binh với Nguyên Tấn Dũng nên cực chẳng đã mới phải chơi con bài Nguyễn Bá Thanh… Một kẻ tham nhũng và gian ác như vậy mà vẫn được nhiều người dân Việt Nam mến mộ coi là một làn gió mới thì thật là nực cười trong tai họa.

Đà Nẵng thay đổi ra sao

000_Hkg4663258-250.jpg
Một công trình bắt đầu xây dựng tại thành phố Đà Nẵng năm 2011. AFP photo

Nhắc đến chuyện ông Nguyễn Bá Thanh “xuống tay hạ độc thủ thiếu tướng công an Trần Văn Thanh” khiến blogger Cánh Cò chưa quên “ Ông tướng này chẳng những không làm gì được lãnh chúa Đà Nẵng mà trái lại còn bị chơi ra trò khi đang hôn mê bất tỉnh trên giường bệnh viện vẫn bị đẩy ra trước vành móng ngựa”. Vẫn theo blogger Cánh Cò, chiêu này cho thấy “tính chất gian hùng” của một thủ lĩnh chính trị thừa sức quật ngã những ai dám chống lại ông ta. Trong bài “Định mệnh lót cho ông chữ ‘Bá’ ”, tác giả Cánh Có lưu ý tiếp:

Vụ án Cồn Dầu là một mặt khác của sự ổn định mà ông Thanh sẵn sàng áp dụng. Người dân Cẩm Lệ ở cửa ngõ tây nam thành phố Đà Nẵng còn nhớ như in cái chết tức tưởi của anh Thành Năm sau khi giáo dân Cồn Dầu chống lại chính quyền phường Hòa Xuân giải tỏa trắng 430 hecta để thực hiện dự án khu du lịch sinh thái Hòa Xuân. Nằm trong địa bàn phường, thôn Cồn Dầu với diện tích 100 hecta cũng bị giải tỏa lấy mặt bằng phục vụ dự án. Anh Năm bị công an trả về gia đình sau khi lấy khẩu cung và hai ngày sau thì qua đời trong tình trạng không thể nào thương tâm hơn.

Hai tác giả Thu Hương và Duy Tân chua chát rằng “ông Nguyễn Bá Thanh có tài mị dân, từ kẻ tham nhũng gian hùng thượng thặng mà sử dụng đồng tiền ăn cướp tuyên truyền bài bản để cả nước bây giờ hân hoan bái phục như người cha khai sinh ra ‘thành phố đáng sống nhất VN’ ” thì “quả là VN mình với Con Rồng Cháu Tiên đã đến hồi mạt vận rồi”. Tác giả lưu ý rằng những gì thiên hạ đánh giá ông Nguyễn Bá Thanh đã làm được cho Đà Nẵng “thực ra chỉ là bề nổi và hoàn toàn chưa xứng tầm với thành phố này”, khi “thành quả của Nguyễn Bá Thanh tựu trung lại chỉ là giải tỏa, quy hoạch xây dựng Đà Nẵng với nhà cao đường thoáng mà thôi, còn các tiêu chí như ‘đào tạo tài năng trẻ, biến Đà Nẵng thành trung tâm của cả miền Trung...’ mà báo chí tung hô chẳng cái nào ra hồn cả”. Tác giả mô tả:

Cả một thành phố rùng rùng chuyển động, nháo nhào xây cất, nháo nhào đầu cơ. Dân tứ xứ nghe đồn thổi cũng đổ đến kiếm ăn mới ra diện mạo Đà Nẵng bây giờ, và đấy là những gì bàn dân thiên hạ dễ thấy khi đến Đà Nẵng. Nếu bạn leo lên đỉnh Sơn Trà mà cầm ống nhòm nhìn xuống và chiêm nghiệm một bức tranh tổng thể, bạn sẽ thấy Đà Nẵng có vẻ là một thành phố đẹp trong số những tỉnh thành của Việt Nam nhưng bị bê tông hóa quá nhiều mà thiếu màu xanh. Không gian công cộng cũng rất ít nếu không nói là không có. Các khu dân cư chẳng có mấy vườn hoa, công viên hoặc khu vui chơi. Sân vận động cũng biến đâu mất hết. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, bất động sản đóng băng bạn sẽ thấy rất nhiều khu quy hoạch bị bỏ hoang. Xen lẫn trong đám hoang tàn đó là những khu dân cư được hình thành như những đám da beo loang lổ.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, bất động sản đóng băng bạn sẽ thấy rất nhiều khu quy hoạch bị bỏ hoang. Xen lẫn trong đám hoang tàn đó là những khu dân cư được hình thành như những đám da beo loang lổ.
Bloggers Thu Hương và Duy Tân
Đó là chưa kể, vẫn theo tác giả, ngư nghiệp thì gần như phá sản, du lịch thì chẳng đầu tư gì mấy ngoài vài ngôi chùa với tượng Phật to “tổ bố”, Công viên nước trên đường 2 tháng 9 lỗ “chỏng gọng”, dẹp tiệm hồi nào không hay, mấy công trình khách sạn ven biển cứ để “trùm mền chiếm đất”, khu du lịch sinh thái Cồn Dầu bị thẳng tay đàn áp khiến nhiều giáo dân phải tỵ nạn tận Thái Lan, Đà Nẵng bây giờ quán nhậu và nhà nghỉ mọc lên như nấm…Như vậy, tác giả lưu ý, “Thành phố nhỏ như Đà Nẵng mà ông Thanh chỉ làm được có thế thì mong gì xoay chuyển được cả một quốc gia”. Và tác giả khẳng định:

Bàn cờ chính trị Việt Nam còn đầy sự ly kỳ và sinh mệnh của dân tộc Việt Nam vẫn như chuông nặng treo mành chỉ. Với bản chất của một kẻ gian hùng, chúng ta đừng mong một sớm một chiều họ sẽ phút chốc hóa thành thiên nga thánh thiện để đem tự do dân chủ cho nhân dân. Tất cả chỉ là sự đấu đá trong nội bộ của họ nhằm duy trì vị thế quyền lực cũng như tình trạng độc Đảng chuyên chế.

Mèo nào cắn mỉu nào

thanhnien-250.jpg
Ông Nguyễn Bá Thanh tại buổi gặp gỡ với doanh nghiệp và ngân hàng tại Đà Nẵng hôm 06/012013. Photo courtesy of thanhnien.com

Trở lại “thế chân vạc” khi “lãnh chúa miền Trung” Nguyễn Bá Thanh hiện diện tại Ba Đình, tác giả Quốc Uy nêu trên nhận định về sự tương tác 3 phía giữa các ông Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng, với Trương Tấn Sang hợp lực ông Trọng:

Ông Thanh đúng là đối thủ xứng đáng của ông Dũng, cân sức cân tài. Hai ông đều tham nhũng và đều mưu mẹo nhưng tham nhũng thì ông Dũng hơn, mưu mẹo thì ông Thanh hơn. Về phe cánh thì ông Dũng hơn, bù lại ông Thanh có thể dựa thế vào nhóm Trọng - Sang. Hai con hổ tương đương, vẫn gờm nhau, có đánh nhau không hay lại lựa nhau để thỏa hiệp chia quyền? Nếu thỏa hiệp thì phe Trọng-Sang nguy to. Vì thế xem việc Đảng dùng ông Bá Thanh để đối phó với ông Dũng quả là phương án 5 ăn 5 thua, kể cũng mạo hiểm.

Liên kết Trọng - Thanh có một điểm vướng: Ông Trọng bám lý thuyết cổ hủ và thân Tàu rõ ràng, đó là 2 nhược điểm trước dư luận, ông Thanh thực dụng và chưa có tiếng xấu đầu hàng Tàu, liệu có dại gì kết với cánh hàng Tàu để bị mang tiếng? Nếu ông Thanh có dựa vào ông Trọng thì cũng chỉ thời gian đầu. Ông Trọng thì không thể đảo ngược quan điểm thân Tàu, nhưng hai ông Thanh và Dũng sẽ có thái độ ứng xử thế nào với Tàu, với Mỹ, đó chính là ẩn số có thể gây đột biến, chưa chắc đã là đột biến với Tàu nhưng là đột biến trong sắp xếp quyền lực nội bộ VN.

Theo blogger Cánh Cò thì khi ra Hà Nội, nếu ông Nguyễn Bá Thanh vẫn duy trì bản tính quyết đoán và không sợ hãi, ông sẽ gặp phản ứng mạnh từ thế lực thân TQ và các nhóm lợi ích dựa vào Bắc Kinh, mà tướng Nguyễn Chí Vịnh là một điển hình khi ông tướng này công khai đề cao TQ, “hạ bệ” Mỹ cùng những người biểu tình chống phương Bắc.
Ông Thanh đúng là đối thủ xứng đáng của ông Dũng, cân sức cân tài. Hai ông đều tham nhũng và đều mưu mẹo nhưng tham nhũng thì ông Dũng hơn, mưu mẹo thì ông Thanh hơn.
Tác giả Quốc Uy

Giữa lúc có nhiều ý kiến bày tỏ lạc quan sẽ có luồng gió mới thổi tới xã hội VN khi lãnh chúa miền Trung Nguyễn Bá Thanh ngồi vào ghế trưởng ban chống tham nhũng, blogger Quốc Uy lưu ý rằng “Thời nay, các quan chức trong đảng và trong chính phủ ngoài mặt chống tham nhũng nhưng bên trong luôn liên kết với tham nhũng và bảo vệ tham nhũng chóp bu, vì như thế chính là bảo vệ mình”.

Tác giả Quốc Uy nêu lên câu hỏi rằng như vậy ông Bá Thanh sẽ chống tham nhũng hay không? Rồi Tác giả tự giải đáp “Thoạt đầu tất nhiên là có, nhưng chỉ chống tham nhũng cấp dưới hoặc lợi dụng chống tham nhũng để chống phe khác mình. Còn về lâu dài thì “ông thánh” cũng không chống được tham nhũng của chính thể này, vì tham nhũng chính là nguồn gốc sức mạnh của họ và mục tiêu của họ. Trong chính thể này, kẻ cầm quyền nào chống tham nhũng là tự sát”.

Thanh Quang, phóng viên RFA

Tiêu cực “chạy” biên chế dưới tán một lãnh đạo Ban phòng chống tham nhũng Trung ương

13/01/2013
Trong hàng chục năm nay, đi đầu cả nước trong phong trào ăn tiền hối lộ, tuyển dụng thật nhiều người vào biên chế ăn lương nhà nước trong các ngành giáo dục, y tế …, quan chức tỉnh Yên Bái đã ăn vài trăm triệu đồng/người để tuyển vượt chỉ tiêu hàng nghìn người vào hệ thống chính quyền, hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Để hợp lý hóa sai phạm và hợp pháp hóa việc ăn hối lộ lấy người vào biên chế, ngày 25/6/2009, được sự nhất trí của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái ra QĐ số 13/2009/QÐ-UBND về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện
nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, viên
chức. Trong đó Ðiều 5, Ðiều 6 đã cố tình thiết kế những kẽ hở để cán bộ lợi dụng
làm sai.
Ba năm qua, chỉ tính riêng huyện yên Bình, quan tham tại đây đã tuyển dụng gần
1000 nhân sự theo quy trình “khép kín”, sai quy định về quy chế thi tuyển, xét
tuyển; không theo chỉ tiêu biên chế được giao, thẩm định kết quả xét tuyển của
các trường không có sự tham gia của Phòng GD và ÐT, dẫn đến việc tuyển dụng thừa biên chế được giao; thừa  cơ cấu ban môn.
Trong khi đang thực hiện Nghị định 132/CP của Chính phủ và Nghị quyết 11/2009/NQ- HÐND của HÐND tỉnh về việc giải quyết giáo viên dôi dư, thì UBND
huyện Yên Bình dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Yên Bái lại “bật đèn xanh” cho các trường học ký hợp đồng tuyển dụng ồ ạt nhiều giáo viên, dẫn đến số lao độngtrong ngành GD và ÐT của huyện Yên Bình nhiều hơn so với chỉ tiêu biên chế được giao giao là gần 400 người. Đây mới là con số sai phạm của riêng ngành giáo dục tại một huyện. Tính trên địa bàn toàn tỉnh và các ngành, con số sai phạm này có thể lên đến vài nghìn.
Việc sai phạm này manh nha có từ thời ông Vũ Tiến Chiến (Bí thư tỉnh ủy, sau
lên Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng), lan sang thời ông Phùng Quốc Hiển (sau lên Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính – Ngân sách Quốc hội), đến thời ông Hoàng Thương Lượng (Chủ tịch tỉnh) thì được đưa lên đỉnh cao. Chỉ đến khi báo chí làm rùm beng gần đây thì vụ việc mới được đưa ra ánh sáng một phần. Tuy nhiên, các kết luận thanh tra và mọi tố cáo đều bị các quan tham làm vô hiệu hóa. Cụ thể là trong thời gian còn công tác trên cương vị Chánh văn phòng phòng Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, ông Vũ Tiến Chiến là nhân vật quan trọng trong việc thao túng các đoàn thanh tra của Ban kiểm tra Trung ương, thẩm tra của Ban Tổ chức Trung ương, hoạt động và kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Ông Chiến còn là cái tán để các “quan em” tiếp tục tại vị và được đề bạt cao hơn.
Chịu trách nhiệm trực tiếp là các ông bà: Hoàng Thương Lượng (nay là Chủ tịch
UBND tỉnh), Phùng Quốc Hiển (nay là Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính – Ngân sách Quốc hội), Hoàng Thị Hạnh (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hoàng Xuân Nguyên (nguyên Bí thư huyện Nguyên Bình, hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh), Lương Văn Tú (nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện, nay là Phó ban Phòng chống tham nhũng tỉnh).
Cần nhắc thêm là ông Hoàng Thương Lượng, bà Hoàng Thị Hạnh, ông Hoàng
Xuân Nguyên còn là bạn đồng môn của “tiến sĩ 6 tháng” Nguyễn Văn Ngọc (Phó bí thư tỉnh ủy). Vụ này liên quan đến đường dây chạy bằng giả quốc tế do nhiều quan chức ĐH Quốc gia Hà Nội điều hành mà khách hàng là đông đảo quan chức cao cấp Đảng và chính quyền. Mặc dù Ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra CP làm khá rốt ráo, nhưng vụ này cuối cùng bị ông Chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương cho “chìm xuồng”. Lưu ý thêm là hầu hết khách hàng trong đường dây bằng giả quốc tế này là cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Ông Phùng Quốc Hiển còn liên quan đến vụ tham ô hàng nghìn tỉ tại một đơn vị của Vinashin trên địa bàn tỉnh Yên Bái khi ông này còn làm lãnh đạo tỉnh.
Vừa qua, khi Đài Truyền hình VN chuẩn bị phát hình phóng sự vụ tiêu cực này, theo chỉ đạo thượng khẩn từ Trung ương, nhà đài đã phải thay đổi nội dung ban đầu bằng cách không nêu đích danh các lãnh đạo dính vào tiêu cực.
Phóng sự của Đài Truyền hình Việt Nam về tiêu cực chạy biên chế tại Yên Bái:
http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=RxjARagikyk

 Nhiều tập đoàn quốc tế đang 'xén lông cừu' tài sản Việt

Thứ ba 15/01/2013 07:27
Chúng ta suốt ngày chỉ nhìn vào túi nhỏ bé của người dân mà quên mất rằng các tập đoàn tài chính nước ngoài với tiềm lực tài chính khổng lồ đang chờ cơ hội để "thổi bong bóng" tài chính, tạo ra lạm phát và khủng hoảng kinh tế, và hưởng lợi từ đó.
Tiền không tự sinh ra và không tự mất đi, nó chỉ chuyển qua lại từ túi của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Hiện nay nhà nước và doanh nghiệp đều thiếu tiền thì chắc chắn lượng tiền mặt đó đã chuyển vào túi người dân - Đó là quan điểm của nhiều người khi trả lời cho câu hỏi tiền mặt đang ở đâu.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần huy động được lượng tiền "chết" trong dân là có thể vực dậy được nền kinh tế.
Theo ý kiến của tôi thì đó là một cách nhìn nhận không toàn diện và thiếu chính xác. Bởi vì nền kinh tế sôi động trở lại hay không thì hiện tại nhà nước cũng không thể thực hiện được nếu chỉ dựa vào nội lực của chúng ta bao gồm: nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Mà còn một sự tác động lớn đang nằm trong tay các tập đoàn tài chính quốc tế.
Chính những nhận thức thiếu chính xác trên đã đem đến những thất bại thảm hại cho những nhà đầu tư tài chính của Việt Nam.
Tháng 4/2009, N.M Rothschild & Sons Limited (Singapore), có trụ sở chính tại Singapore, đã mở văn phòng đại diện tại thành phố Hà Nội. Đây là một thông tin quan trọng để Chính phủ cũng như các nhà đầu tư chuẩn bị kế hoạch cho một sự biến động lớn của thị trường tài chính Việt Nam. Sau đó là 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 5 ngân hàng liên doanh, đầu tư vào Việt Nam (tính đến ngày 31/12/2011).


Doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị những kiến thức để thích ứng khi những tập đoàn tài chính quốc tế với tiềm lực tài chính khủng khiếp lũng đoạn thị trường nước ta. Ảnh minh họa: Internet


Các tập đoàn tài chính quốc tế đã có mặt và bằng nguồn tài chính hùng mạnh của họ, họ sẽ đẩy một dòng tiền lớn mạnh vào thị trường Việt Nam. Trong đó có những tập đoàn muốn "thổi bong bóng" tài chính để tạo ra lạm phát và khủng hoảng kinh tế, để rồi "xén lông cừu" chúng ta.
Nó như một dòng lũ và chúng ta đã phải chấp nhận. Và chắc chắn tương lai sẽ là một loạt những tính toán và những bước đi của họ sẽ còn tiếp tục tác động mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam nhằm thu lợi nhuận cho chính họ.
Hậu quả là tình trạng lạm phát cao hiện nay sẽ kéo theo tài sản của chúng ta bị bốc hơi nhanh chóng theo thời gian. Khoản bốc hơi đó sẽ chảy vào túi của những tập đoàn tài chính quốc tế. Và như chúng ta đã thấy, bất động sản mất giá, cổ phiếu rẻ bèo và các tập đoàn tài chính quốc tế nhảy vào thu mua, "xâu xé" chúng ta.
Bởi vậy khi chúng ta đã chấp nhận (và phải chấp nhận) tham gia cuộc chơi kinh tế hội nhập toàn cầu thì sự biến động của thị trường tài chính, chúng ta sẽ không thể chủ động hoàn toàn được. Nền kinh tế có sôi động hay không cũng không phải chỉ chúng ta là có thể tạo dựng được. Mà chúng ta chỉ có thể chấp nhận sống cùng với những sự biến động có tính toán đó.
Vậy những nhà đầu tư trong nước cần phải biết rõ vấn đề này để có cách đầu tư hợp lý sao cho thu được lợi nhuận, hoặc ít nhất đảm bảo được tài sản không bị bốc hơi do lạm phát gây ra. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì chúng ta luôn luôn phải theo sát những bước đi của những dòng tiền lớn đổ vào đầu tư của các tập đoàn tài chính quốc tế.
Yêu cầu đầu tiên là chúng ta phải phân tích được những dòng tiền lớn mà các tập đoàn tài chính quốc tế đổ vào thị trường bắt đầu vào thời điểm nào? Dòng tiền đó sẽ sinh ra được những lợi ích gì cho họ? Chúng ta phải phân tích được trước khi quyết định nên đầu tư vào cái gì? Thời điểm nào? Và lúc nào cần rút lui.
Sự phân tích phải dựa vào sự hiểu biết sâu sắc về tài chính, tiền tệ, thông tin kinh tế cập nhật thường xuyên từ báo chí, và sự hiểu biết về pháp luật của chúng ta. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể có cơ hội chiến thắng và thu được lợi nhuận.

Thị trường BĐS Hà Nội: Các “đại gia” địa ốc đang dốc tiền vào đâu?

(GDVN) - Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu của Savills Việt Nam, vào quý IV/2012, Cầu Giấy là một trong 2 quận cung cấp nguồn cung chính cho thị trường văn phòng Hà Nội, chiếm 45% nguồn cung hiện tại. Cầu Giấy trở thành “miếng bánh ngon” trong mắt của nhiều người.
Tàu sắt trên cao – điểm cộng cho thị trường BĐS (LB: trước có đọc 1 bài nào của một ông kiến trúc sư người Pháp nói là VN phải làm tàu điện ngầm ngay (ông ý nói cách đây hơn 15 năm rồi) thì còn kịp và đủ chi phí để làm, còn nếu không sau này sẽ chỉ có mấy cái giải pháp cầu vượt với đường sắt trên cao kiểu này  thì sẽ là nỗi nhục của kiến trúc Hà Nội, Hà Nội không đáng phải bị như vậy... Haixz, h thì là thế này đây!!!)

Trên thế giới, cách đây hơn 100 năm, khi chưa có những phương tiện giao thông hiện đại, khoảng cách từ một địa điểm tới những địa điểm khác sẽ được tính bằng chiều dài địa lý. Tuy nhiên, khi các phương tiện giao thông hiện đại phát triển đem lại những tiện ích vượt trội cho người sử dụng thì khoảng cách giữa các vị trí sẽ chỉ còn được tính bằng thời gian di chuyển. 

Ông Trần Như Trung, Phó Giám đốc Savills Hà Nội nhận xét: Tại Việt Nam, bước sang năm 2015, khi các yếu tố vĩ mô dần dần ổn định, sự hoàn thiện về hạ tầng giao thông với sự xuất hiện của tuyến đường sắt đô thị trên cao đi từ Nhổn tới ga Hà Nội sẽ là một điểm cộng cho thị trường bất động sản (BĐS). Đây sẽ trở thành yếu tố quan trọng để người dân lựa chọn BĐS vì giúp gia tăng tính thuận tiện và rút ngắn thời gian di chuyển.

Vào năm 2015, tàu điện trên cao hoàn thành sẽ làm giao thông Cầu Giấy thuận lợi hơn, đặc biệt, dự án Discovery Complex sẽ đắc lợi nhất vì kết nối trực tiếp tại ga số 7.
“Quy mô phân bổ BĐS sẽ không còn theo vị trí địa lý như hiện nay, khái niệm các quận trung tâm cũng không còn quan trọng mà BĐS sẽ có xu hướng phân bổ theo sự phát triển của hạ tầng giao thông” – ông Trung nhấn mạnh.

Có thể nói, không phải tới năm 2013, BĐS Hà Nội mới “vượng” về phía Tây mà từ vài năm trước, sau khi có quy hoạch thủ đô hướng về phía Tây, nhiều chủ đầu tư đã dốc tiền vào đây để xây dựng các dự án ở tất cả các phân khúc. 

“Trong đó, khu vực Cầu Giấy có thuận lợi là hiện nay dân cư ở khá đông, có cơ sở hạ tầng, đường xá, giao thông, đi lại hiện đại bởi gần đường cao tốc Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến, khoảng cách với bến xe khách Mỹ Đình, sân bay Nội Bài cũng rất gần, xung quanh là các trường Đại học lớn như ĐH Quốc Gia, ĐH Sư phạm và nhiều tiện ích công cộng như Công viên Thủ Lệ, Công viên Yên Hòa, Công viên Nghĩa Tân, Bệnh viện Quốc tế Hoa kỳ Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học, siêu thị Big C, Metro,… 
Đặc biệt, gần đây, hàng loạt các dự án mới, hiện đại mở ra một cuộc sống văn minh cho người dân như Indochina Plaza Hanoi, tòa nhà văn phòng TTC, tòa nhà FPT, tòa nhà hỗn hợp Constrexim Complex, dự án Discovery Complex,… Đây là lý do tại sao Cầu Giấy lại thu hút các chủ đầu tư triển khai các dự án đến vậy!.

Hơn nữa, thời gian tới, vào năm 2015, tàu điện trên cao hoàn thành sẽ làm giao thông  nơi đây thuận lợi hơn, tăng tiện ích của dự án BĐS, chính vì vậy, những BĐS dọc quanh trục giao thông này như dự án Discovery Complex (kết nối trực tiếp tại ga số 7) sẽ đắc lợi” – một chuyên gia về BĐS nhận định.  

Cầu Giấy trở thành “miếng bánh ngon”


Theo số liệu báo cáo kết quả nghiên cứu thị trường BĐS Hà Nội của Công ty Savills Việt Nam, vào quý IV/2012, thị trường văn phòng Hà Nội nhận thêm khoảng 84.000 m2 từ tám tòa nhà mới, tổng nguồn cung diện tích văn phòng xấp xỉ 1.140.000 m2, tăng 12% so với quý trước. Trong đó, Cầu Giấy và Đống Đa là những quận cung cấp nguồn cung chính cho thị trường văn phòng, chiếm 45% nguồn cung hiện tại. 

Ngoài ra, cũng theo khảo sát trên: giá chào bán các căn hộ biệt thự/liền kề thứ cấp trung bình cao nhất nằm ở quận Cầu Giấy, theo sau là Tây Hồ, Từ Liêm và Hoàng Mai, dao động từ 81 triệu VNĐ đến 160 triệu VNĐ/ m2 cho biệt thự và từ 119 triệu VNĐ đến 162 triệu VNĐ/m2 cho liền kề. 

Phía tây Hà Nội đang trở thành một lựa chọn tốt cho các chuyên gia nước ngoài tìm kiếm căn hộ dịch vụ. Số căn cho thuê được ở các quận Cầu Giấy và Từ Liêm đã tăng 9% theo quý, mức tăng cao nhất trong các khu vực nghiên cứu” – kết quả của Savills nhấn mạnh.

Có thể nói, những con số trên phần nào minh chứng cho sự thu hút của các nguồn lực đầu tư dồn về Cầu Giấy. BĐS khu vực này đang trở thành “miếng mồi ngon” trong đích ngắm của nhiều nhà kinh doanh địa ốc.

Có lẽ vì vậy mà mặc dù bối cảnh thị trường căn hộ cao cấp đang khá ảm đạm, Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy vẫn quyết tâm dốc 5.000 tỷ đồng để xây dựng dự án phức hợp Discovery Complex trên diện tích hơn 10.000m2, bao gồm khu văn phòng và căn hộ cao cấp được đặt trên khối đế là trung tâm thương mại và hệ thống các tiện ích hiện đại như siêu thị, bể bơi, phòng tập thể dục đa năng, không gian xanh, khu vui chơi trẻ em và tầng hầm đỗ xe. 

Và ngay trong đợt mở bán đầu tiên, với giá trung bình (chỉ từ 27 triệu đồng/m2) cho căn hộ cao cấp, Discovery Complex đã ghi nhận doanh số bán hàng hết sức ấn tượng. Văn phòng bán hàng và nhà mẫu tại 254 Hoàng Quốc Việt, hàng ngày vẫn thường xuyên tiếp đón nhiều khách hàng tới thăm quan và mua nhà. Điều này chứng tỏ: thị trường vẫn không quay lưng lại với các dự án cao cấp có chất lượng.

“Khi xã hội càng phát triển thì nhu cầu đối với một nơi ở có tích hợp nhiều tiện ích hiện đại và thuận tiện khi di chuyển cũng phát triển theo. Làm BĐS cao cấp là chúng tôi đang nhắm tới những nhu cầu rất cụ thể này, đồng thời tiếp tục tận dụng những thế mạnh về kinh nghiệm, vốn, và đặc biệt là vị trí “vàng” của BĐS” - ông  Trần Đức Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy giải thích lý do tại sao ông chọn Cầu Giấy và phân khúc cao cấp làm “đích đến” của mình.

Với hàng loạt các dự án cao cấp mọc lên, Cầu Giấy đang trở thành "miếng mồi ngon" trong mắt của nhiều nhà đầu tư.

Trên thực tế, theo những nghiên cứu cổ xưa, từ năm 1846 ở London (Anh) đã cho thấy giá thuê nhà theo tháng hay tuần ở các vị trí gần nhà ga có giá cao hơn khoảng 10-25% so với các khu vực xa nhà ga. Ở khu vực Châu Á, các nghiên cứu vào năm 2009 tại Bangkok (Thái Lan) đã chỉ ra rằng thị trường bất động sản đã tăng nguồn cung gấp 5 lần tại các khu vực tuyến tàu điện trên cao đi qua. Và nghiên cứu gần đây nhất tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) cho thấy cứ mỗi mét gần ga tàu hơn giá nhà tăng thêm khoảng 152 Nhân dân tệ/m2.

“Với dự án Discovery Complex , đây có lẽ là trường hợp đầu tiên để chúng ta chiêm nghiệm về mối liên hệ “nhất cận thị nhì cận ga tàu điện” tại Việt Nam” – ông Trần Đức Minh cho biết.

Nguyễn Bá Thanh ra Thủ đô... “đe” quan Đà Nẵng thế nào?

(Kienthuc.net.vn) - Trước khi chia tay Đà Nẵng để ra Hà Nội đảm nhiệm vai trò Trưởng ban Nội chính Trung ương, Nguyễn Bá Thanh đã có những lời tận tâm gan với người ở lại.

Dù thời gian ở Đà Nẵng với vai trò là Bí thư thành ủy rất ngắn nhưng ông Nguyễn Bá Thanh vẫn tranh thủ, tận dụng thời gian để tổ chức một số hội nghị với các ngành mũi nhọn và gửi gắm vào đó những lời nhắn nhủ “rút ruột rút gan”.

“Mấy ông uống rượu tưng tưng về nhà hành hung vợ con thì bắt nhốt ngay”


Trong buổi làm việc với lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH chiều 14/1, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh quan tâm trước hết đến chuyện bạo hành trong gia đình.

Theo ông, đây là vấn đề nhức nhối nhất, phải xử lý nghiêm: “Ở các nước, ngược đãi phụ nữ, trẻ em là bắt nhốt ngay. Còn ở mình, chẳng ai quan tâm”.

“Mấy ông uống rượu tưng tưng về nhà hành hung vợ con thì bắt nhốt ngay, không cần phải xem xét chi hết”, ông Thanh đề xuất.
 Tân Trưởng ban Nội chính Trung ương - Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh
Ảnh: Internet
Nói chuyện xóa đói giảm nghèo, ông Thanh nhấn mạnh, thành phố mà nói chuyện đói nghe nó buồn cười. Cần phải tập trung công tác đào tạo và giải quyết việc làm, an sinh xã hội, chú trọng đến những người bất hạnh trong xã hội. Đào tạo nghề cần làm rõ chất lượng đào tạo, chấn chỉnh lại công tác đào tạo nghề, Sở Lao động phải vào cuộc. Trường Cao đẳng nghề nên giao cho Sở quản lý.

Việc giải quyết đất ở cho các đối tượng chính sách cần phải xem xét cụ thể, làm kỹ. Nếu bức xúc thật sự thì giải quyết.

Trước đề xuất của Sở LĐ-TB-XH xây nhà lưu trú cho người thân thăm nuôi các đối tượng 05-06 (cai nghiện ma túy - NV), ông Thanh nói: "Người nhà lên thăm nuôi, ăn trưa rồi về, chứ ở lại làm chi mà xây nhà lưu trú? Giờ xây nhà lưu trú cho người thăm nuôi, ít năm nữa mấy ông đề nghị xây nhà hạnh phúc, chắc ngân sách thành phố chết, lấy đâu mà chi".

"Đây có lẽ là lần cuối tôi làm việc với lãnh đạo và cán bộ Sở, ít bữa nữa tôi ra Hà Nội không có điều kiện gặp các đồng chí nhiều. Tôi chỉ mong các đồng chí làm thật tốt vai trò chính sách xã hội, an sinh, giúp người dân TP ngày càng cơm no áo ấm là tôi mừng rồi", tân Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhắn nhủ.

 “Cán bộ muốn giàu thì đi kinh doanh…”


Cũng trong buổi làm việc với Sở Lao động Thương binh Xã hội chiều 14/1, sau khi nghe lãnh đạo Sở báo cáo về công tác thực hiện chính sách đối với người có công; chính sách bảo trợ xã hội và giảm nghèo; lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội… và các đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo sở, các trung tâm trực thuộc, ông Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo: Sở LĐTBXH phải đặc biệt chú ý quan tâm đến nhóm người rất nghèo thuộc các đối tượng là người có công, bệnh tật, người nghiện ma tuý…

Ông yêu cầu Sở Lao động Thương binh Xã hội phải luôn để mắt tới hoạt động của những trung tâm trực thuộc quản lý những đối tượng này. 
“Chúng ta đang nghèo mà để thất thoát tiền bạc do tham ô, lãng phí là điều không thể chấp nhận và tha thứ được. Cán bộ ai muốn làm giàu thì đi kinh doanh, chứ không thể đụng vào tiền bạc ở những lĩnh vực này”, ông Thanh nói.

Với các nhiệm vụ trọng tâm của Sở Lao động Thương binh Xã hội trong thời gian tới, ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu phải xem lại cách thức dạy nghề cho lao động nông thôn. Theo ông, dạy nghề cho lao động nông thôn là rất khó và ngành Lao động Thương binh Xã hội thành phố Đà Nẵng làm như lâu nay là chưa hiệu quả: “Bây giờ đưa một ông tiến sĩ về dạy chưa chắc dân đã nghe; nhưng nếu đưa một ông nông dân có kinh nghiệm về nói chuyện cũng chưa chắc hiệu quả, vì nông dân có kinh nghiệm làm ăn thường giấu nghề”.

Cuối cùng, ông Thanh yêu cầu Sở LĐTBXH Đà Nẵng phải “cho qua” các đối tượng nghiện ma tuý lâu năm để ưu tiên đối với các đối tượng mới. Ông nói: “Những đối tượng nghiện lâu năm, không thể cai được thì nên cho dùng chất ma tuý thay thế để cầm cự. Còn những đối tượng mới lần đầu, biện pháp chủ yếu là răn đe, giáo dục chứ đừng cắt đường học hành và hoà nhập xã hội của họ”.

Ông hiến kế: “Các anh nên đặt hàng cho người ta sản xuất những bộ phim ngắn nói về hậu quả kinh hoàng, gớm ghiếc của việc nghiện ma tuý để răn đe, giáo dục con nghiện mới. Mỗi tuần chiếu cho xem vài lần, không chừa thì cũng chờn”. Song song, ông Thanh yêu cầu lãnh đạo Sở LĐTBXH phải có biện pháp mạnh, hiệu quả để ngăn chặn tuyệt đối con đường “tiếp tế” ma tuý từ bên ngoài vào trại cai nghiện. “Nếu làm không tốt việc này thì sẽ trở thành công cốc vì chặn chỗ này lòi chỗ kia”, ông Thanh nói.

"Lâu lâu có một vụ đuối nước…. ai dám tới đây tắm biển”


Trong buổi họp với Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Đà Nẵng chiều 11/1, Trưởng ban Nội Chính Trung ương, Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh lưu ý nhìn nhận: “Đúng là ngành có nhiều khởi sắc dù kinh tế khó khăn. Nhưng ngành có thử nhìn tổng quan xem so với quy mô đô thị loại một của Đà Nẵng thì văn hóa – thể thao – du lịch thành phố phát triển như hiện nay đã được chưa? Hay nhìn lên không bằng ai, nhìn xuống không ai bằng, như thế là được rồi? Tôi chờ nghe các ý kiến hiến kế để phát triển ngành mà ít quá. Chủ yếu là xin thêm ngân sách hoạt động rồi chờ nghe chỉ đạo của cấp trên”.

Ông Thanh chia sẻ thêm: “Vừa nhận nhiệm vụ mới ở Ban Nội chính Trung ương, tôi còn rất ít thời gian với Đà Nẵng. Tôi quan tâm làm việc với ngành, do trong đây có lĩnh vực định hướng phát triển thành “mũi nhọn” của thành phố là dịch vụ du lịch.”

Theo ông Thanh, “muốn phát triển thương hiệu du lịch phải chú ý từ cái nhỏ, như du lịch biển phải làm cho tốt từ công tác cứu hộ, từ cái bãi giữ xe, khu tắm nước ngọt… tới hỗ trợ du khách. Chứ cứ bám miết cái danh biển đẹp “top” 5 hành tinh thôi sao được”.

Ông Thanh nói cụ thể như công tác cứu hộ, đã phân công nhiệm vụ rồi thì phải đảm bảo ở các bãi tắm công cộng không để ai đuối nước: “Phải vây phao khoanh vùng khu vực tắm cho phép, rồi thường xuyên chèo thuyền thúng đi quanh trên biển quan sát, có sự cố là ứng cứu kịp thời liền. Chứ lâu lâu có một vụ đuối nước, báo chí đăng tin ầm ầm, cả nước họ đọc thấy, mất an toàn như vậy,  ai dám tới đây tắm biển”.

"Làm kiểu đó thì còn mô dép mà mang”

Tại Hội nghị "Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn TP" do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 10/1, khi nói đến tham nhũng, ông Nguyễn Bá Thanh đề cập đến lĩnh vực ngân hàng và nhắc lại điều ông từng nhiều lần phát biểu: "Miếng đất giá trị 100 tỉ đồng, ông đưa lên 500 tỉ. Lẽ ra 100 tỉ thì được vay 60 tỉ, nhưng vì ông đưa lên 500 tỉ nên họ được vay 300 tỉ". Nhưng cái mới ở lần này là ông đưa ra ngay hướng xử lý: "Nội cái đó là bắt ngay cán bộ ngân hàng "trời ơi" đó, bắt liền chứ không cần phải đợi có bằng chứng chung chi gì hết. Ai cho phép ông nâng khống giá trị miếng đất từ 100 tỉ lên 500 tỉ?".

Ông Nguyễn Bá Thanh chỉ rõ: "Tham ô, tham nhũng, lấy tiền ngân hàng ra là như thế đấy. Không có ú ớ gì nữa, không có "vô tình" gì nữa hết. Ổng nâng lên để rồi người vay cho lại mấy tỉ liền, nên ổng nhắm mắt định giá khống. Nên bây giờ mới xảy ra nợ xấu ngân hàng, cả nước lên tới mấy chục tỉ đô la chứ có ít đâu. Chừ ôm cục đất đó khóc, không biết làm chi hết!".

Rồi với tư cách Trưởng Ban Nội chính Trung ương, ông Nguyễn Bá Thanh tuyên bố: "Sắp tới tôi sẽ rà vô một số cái (của lĩnh vực ngân hàng - PV), cho "hốt liền", không nói nhiều. Cho nên một số ông giờ đang ngồi run. Mấy cái đó ông lãnh đạo kiểu gì? Ông có phải học sinh mẫu giáo đâu, ổng quá trời lãi nhưng vẫn cố tình làm như thế để kiếm chác. Đó là ăn mà còn phá nữa nhưng chả ai nói gì!".

Cũng nói về cái lối "vừa ăn vừa phá", ông Nguyễn Bá Thanh nhắc lại chuyện: "Rước cái tàu cũ rích của người ta đáng giá có một đồng, ông về hô lên 5 - 7 đồng, xử ra mua rồi bên bán cho ổng mấy đồng nữa. Chừ ôm đống sắt vụn bán cũng không có người mua. Thiệt thảm thương. Để rồi ông thì vô tù, ông chạy ra nước ngoài cũng bị bắt cổ về. Làm ăn như thế đấy, vừa ăn rồi lại vừa phá nữa, phá tàn canh!".

Điều đáng giận đó, theo ông Nguyễn Bá Thanh, lại diễn ra "trong khi bữa ni trời rét lạnh như thế này, ở một số vùng xa xôi, người dân phải đi chân trần chứ không có dép mà mang". Và ông chỉ rõ nguyên nhân: "Làm kiểu đó thì còn mô dép mà mang? Làm kinh tế phải đóng góp vô, phải ra đồng tiền bát gạo để chăm lo cho những người dân như thế, chứ làm mà "vừa ăn vừa phá" kiểu này thì chết. Nát cả nền kinh tế ra!".

Đừng có tham quá, tham quá sẽ trả giá!"

Tại hội nghị "Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố” tổ chức tại Đà Nẵng ngày 10/1, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh với trọng trách vừa được Trung ương giao làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã "bóc tách" rất nhiều chuyện liên quan đến vấn nạn tham nhũng.

Cùng với chỉ rõ tham nhũng trong các lĩnh vực ngân hàng, đầu tư công... ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh: "Tham nhũng có ở mọi cấp độ, lĩnh vực nhưng tham nhũng trong xây dựng cơ bản là nặng nề nhất, đặc biệt là ở khâu tư vấn thiết kế. Đây là khâu vô cùng phức tạp, tiêu cực nằm ở đây, bắt đầu từ chỗ này. Trên phạm vi toàn quốc, nhiều anh tư vấn thiết kế phải vào nhà đá ngồi là vì vậy!".

Theo ông Nguyễn Bá Thanh, tư vấn thiết kế là nơi "gác cổng", nếu vững vàng, nếu làm chặt chẽ, biết sợ luật pháp thì không anh nào tiêu cực lớn cả. Tuy nhiên, trên thực mọi thứ tiêu cực trong xây dựng cơ bản là bắt đầu từ khâu này.

"Tiêu cực trong xây dựng cơ bản không phải là kiếm mấy kg sắt, mấy kg xi măng nhỏ lẻ đâu", ông Nguyễn Bá Thanh chỉ rõ: "Cái người ta "ăn" lớn nhất là "ăn" từ khâu tư vấn thiết kế. Đà Nẵng trong thời gian tôi làm đã bóc tách ra mấy trăm tỉ đồng các đồng chí biết rồi. Tôi báo trước là tôi ngửi thấy cái mùi trên địa bàn thành phố này có mấy ông tư vấn thiết kế rất liều, hình như không ngán sợ nhà tù, kết hợp với một số doanh nghiệp. Tôi ở đây mà còn như thế, tôi đi rồi nếu chủ quan thì sẽ xảy ra điều tôi không mong muốn. Nếu cố tình làm theo kiểu đó thì bắt bỏ tù. Đừng có tham quá, tham quá sẽ trả giá!".

Ông yêu cầu các đơn vị tư vấn thiết kế: "Họ có xúi làm bậy mình cũng đừng làm. Không chiều lòng chủ đầu tư, không chiều lòng doanh nghiệp. Đừng tham lam quá. Mọi chuyện bắt đầu từ anh thiết kế dự toán, nếu bắt thì bắt anh này trước hết. Anh xúi làm bậy đương nhiên sẽ tính chuyện nhưng đầu tiên vẫn là anh thiết kế dự toán. Người ta cho anh mớ tiền thì anh "mù trời đông", thực ra ảnh biết làm thế này là không đúng nhưng do tham lam quá nên ra hồ sơ ký ".

Đồng thời, ông Thanh đề nghị họ nhắn nhủ với các đồng nghiệp: "Đừng nghĩ là người ta không biết. Trình độ bây giờ bóc tách một phát là biết liền, khi đó thì anh phải trả giá không kịp trở tay. Đừng nhầm lẫn nghĩ rằng chủ đầu tư, doanh nghiệp đem cho lúc ni 500 triệu, lúc kia 300 triệu không có ai biết. Không phải vậy! Bây giờ quan điểm phải khác. 10 năm, 20 năm sau hỏi giá bao thuốc lá, hột vịt lộn bán trên thị trường Đà Nẵng vào ngày 1/1/2013 bao nhiêu, người ta vẫn biết. Gói thuốc lá giá thị trường 10 triệu mà anh bán 7 triệu thì 3 triệu đó là anh tham nhũng, chứ không cần phải bắt được tận tay anh cầm 3 triệu đó đâu...

... Anh bán rẻ 3 triệu rồi họ cho lại anh 1 triệu, không cần chứng lý người ta vẫn buộc tội anh được. Tham nhũng lớn nhất trong xây dựng cơ bản bắt đầu từ tư vấn thiết kế, móc ngoặc với các đơn vị thi công. Biết chắc là đơn vị đó sẽ trúng thầu cho nên ổng tạo dễ dãi để người ta cho chác. Cái đó là cái lớn nhất, cái đó là cái nặng nề nhất hiện nay. Trong phạm vi cả nước, không ít tư vấn thiết kế bị tù tội cũng vì cái này. Cho nên đừng có ăn gian nói dối, đừng có nghe lời người ta xử bậy!".

Ông Nguyễn Bá Thanh nhắc nhở: "16 năm làm lãnh đạo ở đây tôi nghiêm cấm đưa khống khối lượng lên rồi cho chác, chung chi. Tuyệt đối cấm. Tôi biết lãnh đạo một số địa phương, đơn vị cũng gật gù kiếm chác nhưng Đà Nẵng không có chuyện đó xảy ra. Tôi đi rồi cũng đừng làm chuyện nguy hiểm đó. Chỉ cần phúc tra một cái là đọc lệnh bắt liền, chứ không đợi anh phải nhận được tiền chung chi. Khi vô cuộc rồi là biết anh đang thi công sẽ lấy được gì do cái thiết kế sai của anh, do anh nâng khống lên!".

"Công an bỏ tù…đừng bảo ông Thanh không nói trước"


Cũng tại hội nghị về quản lý đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tổ chức hôm 10/1, Trưởng Ban Nội chính TƯ, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói thẳng với những người mà theo ông là đang "hè với nhau bày mưu tính kế để tiêu cực":

"Tôi với tư cách Trưởng Ban Nội chính TƯ, các ông bảo răng không nói trước. Công an bắt bỏ tù, hồi nớ giật mình trở tay không kịp, bảo sao ông Thanh không chú ý quê hương mà làm căng quá. Tôi nói trước với nhau là Nguyễn Bá Thanh không chơi cái kiểu đó".

“"Tôi báo trước là tôi ngửi thấy cái mùi có mấy ông tư vấn thiết kế rất liều, hình như không ngán sợ nhà tù, kết hợp với một số doanh nghiệp mà tôi đã để mắt tới rồi. Còn tôi ở đây mà các ổng còn "múa tới, múa lui", tôi đi rồi thì mấy ổng phấn khởi lắm, rình rình "bơm" một cú đậm chứ không phải chơi đâu!".

Từ đó, ông nhắc nhở các đơn vị tư vấn thiết kế cũng như lãnh đạo các sở, ngành và UBND TP Đà Nẵng: "Các anh mà lơ mơ, bị mấy ổng lung lạc, cuối cùng bị bắt cả xâu vô tù thì đau lòng lắm. Bản thân mình đã mất tự do rồi mà còn con cái đi học, vợ ở nhà còn bạn bè, rồi hàng xóm, gia tộc nữa. Cho nên phải hứa với nhau là đừng để xảy ra tiêu cực!".

Ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định 16 năm làm lãnh đạo Đà Nẵng, ông nghiêm cấm việc nâng khống khối lượng lên rồi chia chác, chung chi. Tuyệt đối cấm. "Tôi biết lãnh đạo một số địa phương, đơn vị cũng gật gù kiếm chác nhưng Đà Nẵng không có chuyện đó xảy ra. Tôi đi rồi cũng đừng làm chuyện nguy hiểm đó. Chỉ cần phúc tra một cái là đọc lệnh bắt liền chứ không đợi anh phải nhận được tiền chung chi. Khi vô cuộc rồi là biết anh thi công sẽ lấy được gì do cái thiết kế sai của anh, do anh nâng khống lên!".

Và rồi, với những lời tới mức "lôi hết ruột gan", ông Nguyễn Bá Thanh tha thiết: "Tôi nói đi nói lại là không mong muốn các đồng chí vi phạm pháp luật để rồi bị xử lý. Còn tôi hồi nớ phải thực thi trách nhiệm rồi, các đồng chí thông cảm. Đừng bảo Trưởng Ban Nội chính TƯ là người của Đà Nẵng, giờ ông ra chỗ khác lại nhè chỗ này mà "làm".

Một lần nữa ông lưu ý các cán bộ Đà Nẵng phải hết sức chú ý cẩn trọng, "kẻo rủi bữa sau xảy ra vụ án, tôi với tư cách Trưởng Ban Nội chính Trung ương, các ông bảo răng không nói trước. Công an bắt bỏ tù, hồi nớ giật mình trở tay không kịp, bảo sao ông Thanh không chú ý quê hương mà làm căng quá. Tôi nói trước với nhau là Nguyễn Bá Thanh không chơi cái kiểu đó. Không móc. Ai nói chi thì nói, đừng có làm theo. Nghèo thì nghèo rồi, giàu thì giàu rồi, không tham lam cái chuyện đó".

Kết thúc phần phát biểu hơn 1 tiếng đồng hồ của mình, ông Nguyễn Bá Thanh lại dặn dò: "Các đồng chí vi phạm, tôi không sướng ích chi mà mất uy tín thêm. Họ sẽ bảo "ông Thanh đi rồi để lại anh em làm tầm bậy" thì rất mang tiếng. Phải cố gắng bằng mọi cách không để chuyện đó xảy ra. Đừng có tham quá, tham quá sẽ trả giá. Còn các anh cứ làm nghiêm túc, các nhà thầu làm ăn có lãi, có đưa phong bì năm, mười triệu để anh cho đứa con đi học thêm mấy chữ thì thôi tôi cũng châm chước mà "lơ" đi!".


Ông Nguyễn Bá Thanh: Để thẩm lậu ma túy là do có Công an "tay trong”

“Để xảy ra thẩm lậu ma túy, một phần là do có Công an “tay trong”, do có cán bộ trong trại "bật đèn xanh". Chớ làm nghiêm túc, quản lý cho chặt chẽ thì ai sử dụng ma túy trong trại khó mà thoát.
Theo Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh phát biểu trong buổi làm việc với Sở LĐ-TB-XH , để thẩm lậu ma túy là do có “tay trong”
Đối với đối tượng học viên cai nghiện ở TT 05-06, ông Thanh nhắc nhở cán bộ quản lý TT phải kiểm soát chặt chẽ, nhất là khi người nhà, bạn bè… đến thăm các học viên, tránh tình trạng thẩm lậu ma túy. Chớ ra sức cai nghiện cho học viên mà để thẩm lậu ma túy thì coi như công cốc
Ông Thanh “bắt bài”, “để xảy ra thẩm lậu ma túy một phần là do có “tay trong”, do có cán bộ trong trại "bật đèn xanh". Chớ làm nghiêm túc, quản lý cho chặt chẽ thì ai sử dụng ma túy trong trại khó mà thoát. Ai sử dụng ma túy một cái là bị lộ liền, bị tố liền. Nhưng mà tại vì có một thằng hít, một thằng canh, một thằng "bật đèn xanh" cho thằng đó hít, tiếp tay cho thẩm lậu ma túy.
Nên phải quản lý chặt chẽ, đừng để tình trạng người nhà vô thăm gửi tiền gửi nong vô cho học viên ăn uống rồi lì xì cho cán bộ ít hào để cán bộ lơ đi, không kiểm soát kỹ người ta gửi cái gì vào. Phải quản lý chặt chẽ không để tình trạng cán bộ thông đồng với nhau tiếp tay cho thẩm lậu ma túy”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo phải kiểm soát, phát hiện kịp thời các đối tượng mới “chớm” nghiện ma túy, chớ để “lậm” vô rồi cai nghiện khó gấp mấy lần, có khi phải “tẩy não đi” may ra mới cai được. Để quản giáo, giúp học viên cắt cơn hoàn toàn, các cán bộ ở Trung tâm phải phối hợp cả các phương pháp cho lao động, tập thể dục thể thao…, còn phải tâm lý.
Biện pháp tâm lý hiệu quả theo ông Thanh là phải làm, hoặc đặt người ta làm mấy bộ phim ngắn, 5-10 phút thôi, phản ánh đời thực những người bị tàn tạ, bị si-đa… do dùng ma túy, rồi thỉnh thoảng chiếu cho học viên xem, cho thấy cái hậu quả chết chóc do ma túy mà “chợn” bớt đi.
Cũng trong buổi làm việc với Sở Lao động - Thương binh - xã hội, lãnh đạo TP. lưu ý việc tuyệt đối cấm tình trạng hàng rong ở các tuyến phố chính trong trung tâm thành phố.
Ông Thanh nói: “Không cho người ta bán hàng rong, người ta mất kế sinh nhai cũng tội. Nhưng giữa hàng rong với văn minh đô thị như nước với lửa rứa, phải chọn một trong hai cái thôi. Mà hàng rong thì có một nhóm, còn văn minh đô thị là vì số đông người dân và cả du khách các nơi về Đà Nẵng. Một nhóm phải nhường cho số đông thôi.
Ví dụ như đường Bạch Đằng, coi như bộ mặt của Đà Nẵng mà để hàng rong nhếch nhác, chèo kéo mời mọc thì coi sao được. Cho nên tuyệt đối cấm hàng rong, hướng dẫn họ chuyển đổi sang ngành nghề khác để mưu sinh. Còn hàng rong “biến tướng” thì “hốt” lên hết trên trại xã hội” .
Về công tác đào tạo nghề, lãnh đạo TP. lưu ý Sở Lao động - Thương binh - xã hội tập trung đào tạo những nghề thế mạnh, những nghề xã hội có nhu cầu, đừng để đào tạo mênh mang rồi người học ra không ai tuyển, tốn công tốn của. Trên cả nước đã có những trường dạy nghề mà không đủ cung cho nhà tuyển dụng nhờ uy tín. Đào tạo nghề trên địa bàn thành phố phải cố gắng được như vậy.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đặc biệt chỉ đạo cán bộ Sở Lao động - Thương binh - xã hội chú trọng việc thực hiện chính sách đãi ngộ với các đối tượng chính sách, đối tượng người có công…
Theo ghi nhận chung của lãnh đạo TP.: “Sở Lao động - Thương binh - xã hội đã có nhiều nổ lực trong công tác được gia, Bộ Lao động - Thương binh xã hội cũng có đánh giá tốt về hiệu quả công tác của ngành ở Đà Nẵng”.
Bên cạnh đó, nhắc nhở các cán bộ của ngành, là “công tác của ngành liên quan tới các đối tượng chính sách, các đối tượng xã hội, người khuyết tật, người tâm thần…, đa số là người nghèo. Công tác của ngành cũng là việc làm để lại phước đức cho con cháu, cho nên phải quản lý tiền bạc cho chuẩn, đừng để có chuyện cắt xén tiền bạc của các đối tượng, thò tay vào chỗ này là không được”.

Khánh Hiền
(Dân trí)

Nguyễn Bá Thanh: Tôi sẽ hốt hết bầy sâu làm nghèo đất nước

Câu nói của ông Nguyễn Bá Thanh "hốt liền, không nói nhiều" dường như đã trở thành tâm điểm của dư luận mấy ngày nay. Đây có thể coi là phát ngôn ấn tượng đầu tiên của tân Trưởng Ban Nội chính TƯ từ khi ông nhậm chức.
Dường như ông Bá Thanh muốn gửi thông điệp tới một lĩnh vực quan trọng, xương sống của nền kinh tế hiện nay cần được làm lành mạnh, đó là lĩnh vực ngân hàng. Tiếp theo là thông điệp về hành động - điều mà nhân dân chờ đợi hơn cả.
Việc lập lại Ban Nội chính và thực hiện thêm chức năng là văn phòng của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng đã thể hiện quyết tâm của Đảng đối với lĩnh vực nước sôi lửa bỏng này.
Tìm ra mắt xích
Đây thực sự là trận tuyến, có khi còn hơn cả trận tuyến bởi giặc tham nhũng rất khó xác định. Nó vừa ở cạnh ta, là bà con của ta, đồng nghiệp của ta, có khi còn ở trong ta. Khó nên Đảng và Nhà nước đã quyết tâm cao, giải pháp nhiều, lực lượng cũng không thiếu nhưng vẫn “chưa đạt được kết quả như mong muốn”.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: Minh Thăng
Theo kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2011 do UNDP công bố tháng 5/2012, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam phổ biến, trở thành vấn nạn mang tính hệ thống.
Vì vậy phải tìm ra những mắt xích quan trọng. Mỗi năm tuy đưa ra ánh sáng hàng trăm vụ nhưng nó như cỏ dại, nhổ chỗ này lại mọc chỗ khác. Có nhiều nguyên nhân nảy sinh tham nhũng trong đó có cơ chế, song ngay cách “đánh” xét về hệ thống ta chưa điểm đúng huyệt, chưa tìm ra “sâu chúa” trong một mạng lưới và trong liên hiệp các mạng lưới mà khi đánh vào đó sẽ làm rung chuyển cả hệ thống khiến chúng không tự ứng cứu cho nhau. Phải tìm được những Buôn Ma Thuột, vị trí chiến lược xung yếu như trong giải phóng miền Nam trước đây để đánh.
Trong nền kinh tế của ta không một lĩnh vực nào lại tồn tại riêng lẻ. Sự tồn tại của lĩnh vực này đều phụ thuộc vào lĩnh vực khác, cùng tồn tại. Ngay cả tham nhũng cũng vậy, không có bên nào được hưởng lợi tất cả mà như một ma trận. Trong các mối quan hệ thì quan hệ giữa doanh nghiệp và chính trị là quan trọng. Nhưng nó sẽ không còn lành mạnh nếu bị những “con sâu” chi phối.
Trước Hội nghị Trung ương 6, dư luận đã phấn khởi vì một số ‘sâu’ của ngân hàng bị bắt. Đây là một mắt xích hay những “tử huyệt” mà từ đó có thể tìm ra nguyên nhân làm suy yếu nền kinh tế.
Đánh giá về vấn đề này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Đã tập trung chỉ đạo xử lý một số vấn đề phức tạp, nổi cộm trong thực hiện chủ trương cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và thị trường tài chính... Chỉ đạo việc điều tra, xử lý một số vụ án kinh tế nghiêm trọng, điển hình là việc khởi tố Nguyễn Đức Kiên và một số nguyên lãnh đạo ngân hàng… về các hoạt động phi pháp nhằm mục đích đầu cơ, thao túng thị trường tiền tệ…”.
Cho đến nay vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra. Tuy nhiên hệ lụy và nợ xấu mà nó để lại cho nền kinh tế là vô cùng nặng nề. Chính phủ đang chỉ đạo xử lý rốt ráo nhưng kết quả còn hạn chế, vẫn còn kéo dài khó thu hồi vốn, là gánh nặng cho nền kinh tế.
Tử huyệt phanh phui tham nhũng
Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết trong năm 2012 “tội phạm về kinh tế, tham nhũng phức tạp nổi lên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng, tác động xấu đến an ninh tài chính, tiền tệ”.
Dư luận quan tâm và hy vọng tân Trưởng ban Nội chính TƯ tham mưu rốt ráo xử lý nghiêm, dứt điểm như người đứng đầu Đảng yêu cầu.
Một trong những thủ đoạn tham nhũng, gót chân A-sin mà như ông Thanh đã chỉ ra, “cán bộ ngân hàng giúp doanh nghiệp nâng khống giá đất để được vay vốn lớn hơn so với giá trị thế chấp nên để xảy ra nợ xấu ngân hàng. "Hiện cả nước lên tới mấy chục tỉ đô la chứ ít à. Mấy ông đó là phải bắt ngay, không cần đợi có bằng chứng chung chi gì hết".
Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, và cũng được xem là tử huyệt để từ đó phanh phui tham nhũng, làm lành mạnh thị trường tiền tệ, tạo đà cho kinh tế phát triển.
Chống tham nhũng là nhiệm vụ chính trị hệ trọng hiện nay. Công cuộc này được cả xã hội quan tâm và ủng hộ. Đã đến lúc “không cần nói” - như ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định - mà phải hành động. Bước đầu cần tạo tiền đề, tạo đà để từ đó thành hiệu ứng, thành cấp số cộng, số nhân. Một “Buôn Ma Thuột” để tạo niềm tin cho xã hội, làm lộ diện và từ đó xử lý những con sâu, tiến tới hốt cả bầy sâu làm nghèo đất nước.

Nguyễn Đăng Tấn
(VNN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét