Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Thời sự trong ngày

Đảng CSVN khủng hoảng vì cơ cấu

Mọi thể chế chính trị phải có phương cách giải quyết những tranh chấp quyền lực, giữa các cá nhân hoặc các phe phái. Mỗi chế độ có giải pháp riêng. Các ông Stalin và Mao Trạch Ðông đã dùng những phương pháp chấm dứt các mâu thuẫn rất giản dị.
Những đồng chí có thể tranh giành ảnh hưởng với Stalin thường bị đưa ra tòa, kết tội phản động, rồi bắn chết. Khi Stalin chết, những người chung quanh cũng đem bắn ngay trùm mật vụ Beria của ông ta, theo cùng giải pháp đó.
Mao Trạch Ðông áp dụng cách đó, nhưng “theo đường hướng Trung Hoa.” Ông ta không xử bắn các đồng chí mà lại đem họ ra giữa chợ, cho “quần chúng” đấu tranh, hành hạ, sỉ nhục; rồi cho kéo dài kiếp sống mòn mỏi, tuyệt vọng, cho đến khi kiệt sức.
Những phương cách giải quyết mâu thuẫn nội bộ như trên rất phù hợp với chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Vì chuyên chính vô sản dựa trên bạo lực. Khi bỏ mất nền tảng đó, nó sẽ tự tan rã giống như ngôi nhà bị sụt móng. Chế độ cộng sản bắt đầu rạn nứt khi các đồng chí tranh chấp quyền hành mà không còn bắn giết nhau nữa; chế độ dần dần tan vỡ khi các đồng chí chỉ tìm cách mua chuộc, hối lộ lẫn nhau (trả giá bằng các địa vị sinh lợi chắc chắn, hoặc đưa thẳng tiền mặt, đô la Mỹ). Ðổi mới kinh tế tạo cơ hội cho các “luật chơi mới” xuất hiện. Những người biết sử dụng các luật chơi mới sớm nhất sẽ tạo được thế lực mạnh hơn người khác. Nhưng vì thế các tranh chấp mới xuất hiện và cần giải quyết.
Nhưng các phe phái lại muốn sử dụng các luật chơi khác nhau để giải quyết những mâu thuẫn. Trong bất cứ hệ thống chính trị nào, câu hỏi quan trọng nhất là tại sao người này phải làm theo ý kiến, mệnh lệnh của người khác. Tại sao anh được quyền sai bảo mà tôi phải làm theo? Luật chơi cũ dựa trên chức vụ; thí dụ, chức tổng bí thư thì cao hơn chức thủ tướng. Luật chơi mới dựa trên khả năng phân phối, chia chác tài nguyên, lợi lộc. Tất nhiên, những người sử dụng luật chơi mới, phù hợp với thực tế kinh tế mới hơn, sẽ chiếm lợi thế. Tình trạng thay thế “bạo lực cách mạng” bằng “tài lợi kinh tế” làm cho hệ thống tự nó mất thăng bằng. Ðang giữa trận đấu, “luật lệ cuộc chơi” bỗng dưng thay đổi; người ta không còn biết áp dụng như phương pháp nào để giải quyết các tranh chấp nữa.
Ðiểm nổi bật là tất cả mọi người đều nhận ra “thực tế với lý thuyết” không đi đôi với nhau nữa. Mà họ cũng không thể đồng ý với nhau làm cách nào để sửa lại cho chúng phù hợp. Hậu quả là họ sẽ phải tiếp tục hô hoán những khẩu hiệu cũ (lý thuyết) mặc dù rỗng tuếch; trong khi đành chấp nhận phó mặc cho thực tế đưa đẩy, trôi nổi theo sức mạnh tương đối giữa các phe phái.
Thử tưởng tượng trong một trận đá banh bỗng dưng một tay cầu thủ dùng tay và cùi chỏ, thay vì chỉ dùng chân. Mà mấy anh cầu thủ đó còn tự ý thổi còi nữa. Một người dùng tay; rồi người thứ hai đá cẳng nhau thay vì đá banh; mà đó lại là những cầu thủ bự con, cao cấp; tất cả đua nhau đổi luật chơi, vừa đá banh lại vừa đóng vai trọng tài. Như vậy thì kết quả sau cùng sẽ ra sao? Khán giả sẽ bỏ về hết, trận đấu sẽ phải kết thúc không kèn không trống; giống như ở Liên Xô và các nước Ðông Âu những năm 1989, 90 vậy.
Hoàn cảnh bế tắc của cuộc họp gọi là “Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng khóa XI” của đảng Cộng Sản Việt Nam diễn ra theo kịch bản như trên. Ðọc bản tin cuối chúng ta thấy họ bị tắc nghẽn suốt 15 ngày vì không có kết quả cụ thể nào cả. Những lời lẽ mơ hồ, dù làm bộ nói đến cả những chi tiết lẩm cẩm vô ích nhưng trong thực tế lại vu vơ, không gây được hiệu quả nào hết. Qua đó, chúng ta biết chính những người trong Bộ Chính Trị cũng không biết họ phải theo luật chơi nào. Sở dĩ họ họp nhau lại, trước hết là vì có người muốn hạch tội Nguyễn Tấn Dũng. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thổi còi bắt đầu trận đấu, với Trương Tấn Sang đóng vai giám biên và đá cẳng. Nhưng cuối cùng Nguyễn Tấn Dũng vẫn được an toàn “ra về thơ thới hân hoan.”
Lý do khiến Ba Dũng an toàn là vì đã tự bày trận đấu trên một sân banh khác, và theo những luật chơi khác. Mấy trăm ông bà ủy viên Trung Ương Ðảng, người theo Trọng Lú, người theo Ba Dũng; cũng theo các luật chơi khác nhau. Cuối cùng, trận đấu giải tán; không có kết quả nào cả vì không thể tính điểm ai thắng, ai thua. Ðể khỏi mất mặt cả bầu đoàn, họ đành phải đưa ra những khẩu hiệu trống rỗng cùng với những biện pháp nửa mùa, không thể gây ra hiệu lực cụ thể nào cả. Họ lúng túng, bế tắc vì không theo một luật chơi chung. Mà họ cũng không thể quay lại, sử dụng các luật chơi kiểu Stalin hay Mao.
Ðể thấy tình trạng bối rối và bế tắc của chế độ chính trị tại nước ta, hãy thử tìm hiểu xem trong các chế độ chính trị khác, khi người ta cần giải quyết các tranh chấp quyền lực tương tự giữa các “phe phái” thì họ theo các luật chơi như thế nào.
Trong một chế độ đại nghị, ông thủ tướng thường là lãnh tụ phe chiếm đa số ở Quốc Hội, thì các đối thủ của ông ta có thể yêu cầu Quốc Hội bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu nhiều người đồng ý là ông thủ tướng đã làm kinh tế suy yếu hoặc nuôi đàn em tham nhũng quá đáng, thì họ sẽ bỏ phiếu lật đổ. Nếu không, ông ta tiếp tục cai trị, trong vinh dự.
Ở một nước theo tổng thống chế, thì Quốc Hội không thể lật đổ một tổng thống do dân trực tiếp bầu lên; nhưng họ vẫn có khả năng kìm hãm bớt quyền hành của ông ta qua việc biểu quyết ngân sách. Với quyền nắm túi tiền của quốc gia, Quốc Hội có thể buộc hành pháp phải thỏa hiệp với mình tức là chia sẻ bớt quyền hành.
Trong một chế độ cộng sản thì sao? Trên nguyên tắc, đảng nắm toàn quyền. Tổng bí thư, Bộ Chính Trị rồi đến Trung Ương Ðảng quyết định tất cả. Trong cuộc họp 15 ngày đầu tháng 10, Nguyễn Phú Trọng đã trù tính dùng uy tín Trung Ương Ðảng để hạ thủ Nguyễn Tấn Dũng. Thật ra trận đấu đã khởi sự từ mấy tháng trước; ngay sau khi Trọng lên nắm chức tổng bí thư đã tính dùng “luật chơi cũ” để gia tăng quyền hành. Nhưng sân chơi đã thay đổi; uy quyền của tổng bí thư đã giảm sút rõ rệt nhờ Nông Ðức Mạnh ù ù cạc cạc. Có thể coi như chức tổng bí thư đã mất gần hết quyền lực; khi đem so với quyền hành thực tế của chức vụ thủ tướng. Quyền lực được thể hiện trong khả năng chia chác địa vị sinh lợi chứ không phải là các chức vị suông; ngoài ra là khả năng bắt người, giam người. Ba Dũng đã nắm trong tay hầu hết hai thứ quyền đó; nay Trọng Lú cố giành lấy nhưng vô hiệu.
Ngay từ đầu, cuộc đấu giữa Trọng và Dũng cho thấy họ theo các luật chơi khác nhau, người này không chịu luật chơi của kẻ kia. Nguyễn Phú Trọng đã ra tay trước khi công bố quyết định đem Ủy Ban Chống Tham Nhũng vào dưới quyền Bộ Chính Trị; để tổng bí thư đương nhiên nắm chức chủ tịch. Ai cũng tưởng Trọng đã thắng Dũng một keo; vì từ đầu Dũng đã lập ra Ủy Ban Chống Tham Nhũng để chính mình nắm đầu. Khi Trọng ra tay giành lấy quyền chống tham nhũng; nhiều nhà quan sát coi là cuộc mâu thuẫn giữa “Ðảng” và “Nhà nước” đã biểu hiện; và vội vã kết luận rằng trong keo này Ðảng đã thắng, tức là Trọng thắng.
Nhận xét đó càng có vẻ vững hơn khi Bầu Kiên bị bắt. Vụ bắt Bầu Kiên được thực hiện trong vòng bí mật, kín bưng, giống như cuộc hành quân của toán biệt kích tấn công vào sào huyệt Bin Laden! Một đội công an đặc biệt, do một thứ trưởng Bộ Công An cầm đầu thi hành cuộc đột kích. Mãi đến khi đi bắt Bầu Kiên họ mới thông báo cấp trên là bộ trưởng Công An biết. Như vậy là chức vụ tổng bí thư có quyền sử dụng một nhánh công an riêng, và thủ tướng chính phủ và Bộ Công An phải chấp nhận. Ai cũng nghĩ là Ba Dũng bị thua một keo nặng nề.
Nhưng ngay sau đó Nguyễn Tấn Dũng lại họp báo, trưng bày đủ mặt các bộ trưởng ngồi bên, Dũng tuyên bố một cách long trọng là, trái với tin đồn, chính mình đã ra lệnh đi bắt Bầu Kiên. Không những thế, Ba Dũng lại nhân dịp đó lại tự xác nhận mình vẫn là chủ tịch cái Ủy Ban Chống Tham Nhũng; một chức vụ ai cũng tưởng đã bị Nguyễn Phú Trọng giật mất rồi! Ðúng là hai bên đá banh theo lối khác nhau, và bên nào cũng tự coi mình nắm cái còi để thổi! Trước cảnh đó, người ngoài không thể biết được là ở trong nước Việt Nam hiện chỉ có một, hay là có hai cái ủy ban chống tham nhũng chạy song song? Chưa bao giờ hai ông tổng bí thư và thủ tướng lại giành nhau một cái danh hiệu như bây giờ. Mà cũng không ai biết nếu có hai cái ủy ban cùng làm một việc một lúc thì anh chủ tịch nào mới là anh có thực quyền? Chưa hết, anh nào có quyền ra lệnh sai bảo bảo công an? Ðám công an nào sẽ nghe lệnh ai? Nói chung, luật chơi hiện nay nó như thế nào? Chẳng biết sự thật ra sao cả! Nhưng đây là lần đầu tiên trong một chế độ cộng sản mối tranh chấp nội bộ được phơi bày trước mắt thiên hạ như vậy.
Trong cuộc họp 15 ngày, người ta tưởng là họ sẽ cùng nhau xác định lại một luật chơi thống nhất. Nhưng thất vọng. Vì ngay cả bản thông cáo cuối cùng họ cũng không dám gọi đó là một thông cáo; chỉ đưa ra dưới hình thức một bản tin, ký tên một phóng viên. Bản tin cho thấy cuộc đấu vẫn chưa ngã ngũ. Như đã phân tích trong bài trước, những điểm kết luận đưa nghe giống như những khuyến cáo, hoặc như các khẩu hiệu nghe cho vui tai nói phải làm gì nhưng không biết phải làm như thế nào. Cũng không thấy có ràng buộc nào để bắt phải thi hành hay không; rồi mai sau người thi hành có thể nói mình đã làm đúng; người chống đối sẽ bảo vẫn làm sai, cũng không có tiêu chuẩn nào để đánh giá cả. Nhìn vào văn từ của “bản tin kết thúc” chúng ta thấy toàn những điểm mập mờ muốn thi hành sao cũng được. Thí dụ, cuộc họp 15 ngày bảo các doanh nghiệp nhà nước mỗi năm phải được kiểm toán (nghe như dạy trẻ con trước khi ăn phải rửa tay!) Nhưng cả hệ thống kinh tế và chính trị ở nước ta chưa hề có những tổ chức chuyên nghiệp và độc lập làm công việc kiểm toán. Như vậy thì có bắt phải kiểm toán hàng tháng, hàng ngày cũng vậy thôi! Bao nhiêu điều khuyến cáo khác cũng tương tự! Cho nên, cuộc đấu chưa ngã ngũ, tức là vẫn như cũ, mạnh ai nấy đá banh theo lối của mình. Nguyễn Tấn Dũng không hề hấn gì hết! Có nhà quan sát đoán là sau 6 tháng hay một năm nữa, họ có thể họp lại để đánh giá việc thi hành. Ðó là cách suy nghĩ hoàn toàn lý thuyết, không hề nghĩ đến quyền hành thực sự nằm trong tay ai. Họ đã họp 15 ngày chẳng đi tới đâu, một năm nữa họp lại cũng chỉ thế thôi.
Cơn khủng hoảng bắt nguồn từ từ trong cơ cấu của chế độ, khi cải tổ kinh tế mà vẫn giữ nguyên hệ thống chính trị xơ cứng như cũ. Toàn thể hệ thống đã hết sức sống; mất ngay cả khả năng tự thay đổi. Tình trạng rạn nứt kéo dài sẽ đưa tới nhu cầu thay đổi toàn diện, không cách nào khác.

Ngô Nhân Dụng
(Người Việt)

Một nền y tế ...nhếch nhác.

Bộ trưởng y tế Kim Tiến trong hội nghị rất nghiêm túc phát biểu : '' nhếch nhác nhất là phòng khám...". Í lộn, chắc bộ trưởng muốn nói đến cái phòng " đầu tiên" khi bệnh nhân bước chân vào bệnh viện.

Lý giải cho sự nhếch nhác đó, bộ trưởng cho rằng : sự thiếu đầu tư từ ngân sách khiến cho các phòng khám, các bệnh viện tuyến trung ương quá tải, phần nữa do quản lí yếu kém của ...bệnh viện, nặng về bằng cấp của lãnh đạo....vv và vv.

Chắc bộ trưởng cũng nhân đó nói về chuyện bằng giả, bằng đểu của mấy anh thứ trưởng Quang, Bộ trưởng cũ là anh Triệu ( tiến sỹ nhưng là tiến sỹ xã hội !!!), rồi tuyến dưới ít có bác sỹ giỏi khiến bệnh nhân không yên tâm, ào lên tuyến trên cho dù bán nhà cũng phải lên. Tất cả đã khiến cho bệnh viện của nhà các chị trở thành nơi nhếch nhác nhất quả đất.

Nhìn hiện trạng của ngành y tế hiện nay thì không còn gì nói thêm : nhếch nhác, luộm thuộm, điêu chác chả khác gì hình ảnh của chị Tiến :
Tại hội nghị mới rồi ở đồng bằng sông Cửu long, chị chém gió nhiều và hầu như đổ lỗi tất tần tật cho khách quan, cho các bệnh viện, cho con bệnh. Mặc nhiên chị - người đứng đầu ngành y tế Việt nam - không có tí lỗi nào hết, như thế chị đã tự cho mình còn giỏi hơn cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người vừa xin lỗi trước toàn đảng, toàn dân hôm kia.
Chịu Tiến không chịu chỉ ra cái nhếch nhác hiện nay của ngành y tế bắt nguồn từ lối tư duy nhiệm kỳ của lũ người quản lý như chị. Để cho ngành của mình thối như hiện nay lỗi chính là từ các chị, tất cả sự cẩu thả, tham lam, vô trách nhiệm, thiếu y đức của các chị đã đẩy các con bệnh đến cửa tử ngay cả khi đã tan gia bại sản vì chữa bệnh.

Chị Tiến đi thăm bệnh viện, nhìn chị chả khác gì mấy con buôn đô đầu phố Nguyễn Xí.
Chị cũng không chịu chỉ ra cho các con bệnh biết vì sao các giám đốc bệnh viện, các trưởng khoa dược ở các viện yếu kém về quản lý như thế mà chỉ làm vài năm cũng giàu sụ, nhiều biệt thự xe hơi và tiền của như nước.
Chị cũng không giải thích cho bà con biết rằng : mỗi viên thuốc vào bệnh viện, bán đến tay con bệnh thì đã gánh thêm từ 30 đến 50 % giá để số tiền chênh lệch ấy vào túi các cán bộ từ bộ y tế, cục dược, các công ty nhập khẩu, phân phối, cán bộ bệnh viện, các trình dược viên...Hưng - một  dược sỹ, quản lý kinh doanh cho hãng dược phẩm Sipla Ấn độ tại Việt nam nhiều năm cho biết : các loại thuốc mà hãng của anh đang " đẩy " vào bệnh viện tại Việt nam thông thường phải chung chi từ 25 đến 35 % giá để giám đốc và trưởng khoa dược các viện " phê duyệt" cho vào viện.
Đã thế, ngay cả những việc tày trời như : đánh tráo các vật tư tiêu hao, vật liệu thay thế cho bệnh nhân cũng bị bác sỹ nhắm mắt làm liều trục lợi. Tráo thủy tinh thể tại Viện Mắt Hà nội khi thay cho nhiều bệnh nhân, kể cả của bố ông Bí thư Quang Nghị cũng bị đánh tráo, phẫu thuật vô tội vạ. Có bác sỹ còn lương tâm đã phải đứng ra tố cáo nhiều lần nhưng vô tác dụng, tiêu cực được bảo kê từ sở, từ bộ rồi.
Chưa kể các trò móc túi con bệnh : cứ vào viện là chụp chiếu loạn xạ, xét nghiệm loạn xạ - nó được lãnh đạo các viện bảo kê và báo chí nói gì thì mặc kệ. Chưa cần mổ cũng mổ, cứ đè ra mà mổ khi chưa cần phải mổ, chỉ cần dùng những thủ thuật hoặc toa thuốc rất đơn giản.
Nói chuyện chị Tiến hoài thì cũng không khác gì mấy anh chị khác : anh La Thăng, anh Đình Huệ, anh ...một lô một lốc các anh chị đều chỉ giỏi chém gió, đã cùng nhau phá nát bấy cái ngành của mình rồi tiếp tục kiếm tiền nhảy sang chỗ khác ...chém gió.
 
Chưa biết bao giờ thì mấy anh chị chém gió chuyên nghiệp này mới thất nghiệp ?
Phóng viên tự do
(Blog PVTD)

Minh Diện - Vụ án Đoàn Văn Vươn: Lại là ông Khanh ư?

Ông Nguyễn Văn Khanh
Vụ cưỡng chế bất hợp pháp ở Tiên Lãng, Hải Phòng nguội đi hơn 9 tháng, ai cũng tưởng coi như “chìm xuồng”. Bỗng đúng dịp Quốc hội đang họp, sau Hội nghi T.Ư 6 "thành công tốt đẹp",  bỗng nhiên Tiên Lãng “nóng” trở lại bằng việc nhanh chóng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng hồi đầu năm, tiến hành xử vụ phá nhà ông Đoàn Văn Vươn, khởi tố bắt giam ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó Chủ tịch huyện Tiên Lãng.
                          
Dù sao thì có "chuyển" như thế cũng coi như là điều là đáng mừng, bởi nếu không thì Hải Phòng kéo dài mãi không chấp hành sự chỉ đạo của Thủ tướng à? Ai cũng nhớ rõ là "cái dzụ này" ngay từ dạo đầu năm, ngày 10-2-2012, Thủ tướng đã chỉ đạo giải quyết: "Theo báo cáo là có sự chỉ đạo của chính quyền, đây là việc vi phạm. Yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật”. Nhưng rồi Hải Phòng làm ra sao, “vâng lệnh” Thủ tướng thế nào mà cứ thấy "im lặng đáng sợ", lặn mất tiêu? Nay Thủ tướng phải xin lỗi Quốc hội, xin lỗi toàn dân, không biết vì sao bây giờ Hải Phòng mới đưa vụ phá nhà ông Vươn ra xét xử.

Có điều phải chỉ mặt, đặt tên đúng người đúng tội, đừng theo kiểu thí tốt, kẻ chủ mưu được ân huệ “kỷ luật đá hất lên” ghế chuyên viên Sở Nội vụ, để cho cái cảnh “quýt làm cam chịu”, thì càng làm thêm rối lòng dân. Ông anh Lê Văn Hiền là thế, con nuôi của Phó Chủ tịch Đỗ Trung Thoại đương chức đương quyền kia mà! Một cán bộ tham, ác, vi phạm pháp luật, vi phạm dân chủ nghiêm trọng, lại lên làm chuyên viên ở cái sở chuyên ngành lo về nhân sự, tuyển chọn, sắp xếp, bố trí, quản lý, đánh giá cán bộ. Không lạ, có như thế mới là “Tự hào đi lên, ơi Việt Nam; Việt Nam ơi, ta bước tiếp…”. Còn thằng em ruột của Hiền, Chủ tịch Lê Thanh Liêm (Thanh Liêm cái “tự do”) của xã Vinh Quang tang tóc, cùng ông anh trong phi vụ đầm tôm, lại được tại ngoại. Người ta nói cũng không lạ! Có thế mới là Việt Nam.
        
Vụ bắt Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khanh đang dậy lên tiếng kêu bất bình vì lẽ đó.
        
Tôi đến thăm Quả, thượng tá cựu chiến binh,  cùng ở lữ đoàn công binh 739  năm 1969.
         Gặp tôi, Quả nói ngay:
           
- Cẩn thận kẻo mang vạ vào thân! Ông có biết nhà văn nhà báo Nguyễn Quang Vinh không? Gương tày liếp đấy!
            
Tôi chưa gặp Nguyễn Quang Vinh, nhưng biết anh qua trang blog Nguyễn Quang Vinh, Cu Vinh.  Trong vụ cưỡng chế Tiên Lãng, các trang mạng Cu Vinh, Cu Làng Cát, quechoa, NLG và nhiều trang blog khác không chỉ vạch sai trái của chính quyền huyện Tiên Lãng. Nguyễn Quang Vinh không những hăng hái ngày đêm bám sát hiện trường, tìm hiểu, xác minh thông tin nóng hổi, phân tích con người, sự kiện, kêu oan cho Đoàn Văn Vươn mà còn đứng ra nhận tiền của bạn đọc giúp đỡ gia đình Đoàn Văn  Vươn. Chỉ vì một sơ suất nhỏ, chưa kịp chuyển hết số tiền quyên góp được đến tân tay người nhận, mà bị trúng kế ly gián, tung tin bôi danh, gây giảm lòng tin của bạn đọc, cố ý làm nhục.
           
Khi chuyện đó xảy ra, dù chưa quen biết Nguyễn Quang Vinh, tôi cũng gọi điện thoại cho chị Thương, vợ anh Vươn, hỏi  sao nỡ cư xử như vậy với một người giữa đường thấy chuyện bất bẳng chẳng tha, xả thân vì gia đình mình? Chị Thương  nói cho tôi nghe bị gài bẫy như thế nào, tôi cảm thấy rất buồn  vì sự nhẹ dạ cả tin của chị.
           
Tôi với Quả kê chiếc chõng tre ngồi ngoài sân. Trời cuối Thu se lạnh. Quả hút thuốc lào liên tục, chiếc điếu cày cứ rít lên sòng sọc, đôi mắt lờ đờ nhìn tôi  qua làn khói thuốc.
          
Vốn là một cán bộ chính trị trong quân đội, nên Quả tỏ ra thận trọng khi phát ngôn. Quả nói từ ngày xảy ra vụ cưỡng chế, anh  đã nghe nhiều, nghe bằng cả hai tai, và suy ngẫm, nhưng đến hôm nay, chỉ tổng kết bằng hai từ Thất vọng! Hỏi thất vọng thế nào? Quả đáp gọn:  “Ông cứ tự đi mà tìm hiểu!”.
         
Có lẽ sẽ không có vụ Đoàn Văn Vươn, hoặc nếu có  xảy ra  cũng không quyết liệt, đến mức phải huy động cả mấy trăm công an, có cả quân sự địa phương vào cuộc, rần rần súng ống, chó nghiệp vụ mà giám đốc Đỗ Hữu Ca nói bắt xéo là “diễn tập thôi mà!”.
         
Nếu như cơ quan tư vấn quốc tế công bố sớm hơn dự án sân bay quốc tế Tiên Lãng bất khả thi vì ở đây một năm sáu tháng sương mù, máy bay không hạ cánh được. Nếu vậy thì mấy chục hec-ta đất nhà Vươn, cũng như hàng trăm héc-ta đất chung quanh, vẫn chỉ là đầm lầy sú vẹt, ít ai để mắt tới.  Nhưng trước đó,  người ta quyết định bỏ sân bay Cát Bi, xây dựng sân bay quốc tế Tiên Lãng, cái  dự án trăm nghìn tỷ này rậm rịch tiến hành, thì mỗi miếng  đất đầm lầy bỗng trở thành miếng vàng mười, quan tham nào cũng muốn đớp. Tiêu biểu là anh em  Hiền, Liêm (*).
            Dân Tiên Lãng có bài thơ đặc tả anh em nhà này, như sau :
                Liêm đéo liêm, Hiền đéo hiền
                Chân khệnh khạng, mắt láo liên
                Đội trên đạp dưới loài sâu bọ
                Mặt sắt nhơn nhơn nhẵn như tiền…
           
Thường vụ Huyện ủy Tiên Lãng dưới sự chì đạo của Bí thư Bùi Thế Nghĩa, cũng “nhất trí cao” với chủ trương thu hồi đất của Lê Văn Hiền. Mà không chỉ  đối với gia đình Đoàn Văn Vươn đâu, tất cả  đất nằm trong dự án sân bay quốc tế đều trong vòng ngắm. Vì nghe giá đền bù của nhà đầu tư cả triệu đồng một mét chứ đâu ít? (Mà nếu có thì dân đâu dễ nhận được cái giá đó?). Cái lợi lớn ánh kim tiền lóe lên trong màn sương mờ ảo đầm lầy,  làm lóa mắt bọn tham quan  nhũng. Anh em nhà Lê Văn Hiền, Lê Thanh Liêm tham quá đến mụ mị đầu óc, quên cả nếp nhà  từng làm nghề giáo có chút chữ nghĩa, có dạy con phải hiền, phải thanh liêm.
           
Người duy nhất trong ban lãnh đạo huyện Tiên Lãng không đồng tình thu hồi đất cùa anh em Đoàn Văn Vươn là Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khanh. Sau nhiều lần phản đối miệng, ngày 18-10-2011, Khanh đã làm văn bản, nêu rõ ý kiến của mình, là tiếp tục giao cho Đoàn Văn Viên thuê đất. Lê Văn Hiền không chấp nhận, cho rằng Nguyễn Văn Khanh quanh co, đi ngược lại tập thể, nên từ đó Nguyễn Văn Khanh bị loại ra khỏi các cuộc họp bàn bạc cưỡng chế đất của Đoàn Văn Vươn. Thậm chí ngày 25-11-2011, Khánh đã được nhận giấy mời dự họp Thường vụ Huyện ủy bàn bạc viêc cưỡng chế, nhưng đến phút chót  lại bị cử đi làm việc khác, không được dự họp.
           
Khi hỏi về phó chủ tịch huyện Nguyễn Văn Khanh, nhiều người Tiên Lãng cho rằng, ông  là một cán bộ hiểu dân, thương  dân, chưa làm điều gì ác với dân. Việc ông bị khởi tối bắt giam là oan ức. Ông Lương Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hội nuôi trồng hải sản cho rằng, ông Khanh không đáng tội. Bà Nguyễn Thị Vân nói: “ Người đáng tội là ông Hiền chứ không phải ông Khanh?”. Chị Nguyễn Thị Thương vợ Đoàn Văn Vươn đã từng làm đơn minh oan cho Nguyễn Văn Khanh khi ông bị kỷ luật cách chức Phó Chủ tịch.
           
Những lời chân thật ấy, cả những bài báo lề phải, lề trái  không lay chuyển được giám đốc công an Hải phòng Đỗ Hữu Ca, người đã khen cuộc cưỡng chế Đoàn Văn Vươn là  “Một tập trận,  anh em đánh đẹp, có thể viết thành sách, dựng thành phim” ?!
Ông ta ra lệnh bắt giam Nguyễn Văn Khanh.
          
Vậy là một người được dân khen tốt thì bị bắt,  kẻ tham lam, gian ác hại dân hại nước vẫn ngoài vòng pháp luật, thậm chí ngất nghểu ngồi ghế lãnh đạo phán xét như thánh tướng. Nghịch lý ấy đang hiện diện ở Tiên Lãng, Hải Phòng, nơi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ứng cử Đại biểu Quốc hội.
            
Có người nói với tôi, Nguyễn Văn Khanh vừa đáng thương vừa đáng ghét,  ông ta  phải trả giá cho  một thái độ nửa vời, thiếu bản lĩnh, không dám đấu tranh.
            
Đúng thế. Nguyễn Văn Khanh  nhận ra việc thu hồi đất của gia đình Đoàn Văn Vươn trái pháp luật, việc  cưỡng chế vừa trái pháp luật vừa phi đạo đức. Gíá  như ông  quyết đấu tranh đến cùng,  không lay chuyển được phe nhóm của Lê Văn Hiền thì từ chúc. Như thế Nguyễn Văn Khanh có thể mất ghế, nhưng tên ông sống mãi trong lòng dân. Nhưng, Nguyễn Văn Khanh không đủ dũng khí,  rụt rụt rè rè, biến mình thành con thò lò hai mặt, lấp lửng như con cá lựa dòng nước, để rồi dí bút ký cái quyết định đập nhà anh Vươn. Những cuộc họp kín họp hở người ta gật gù với nhau quyết định thu đất, đập nhà, là tập thể lãnh đạo, từ xưa đến nay chẳng ai đụng tới. Trong ngày cưỡng chế, người ra lệnh bắn, người hô  đập phá, chìm lẫn vào đám đông, bây giờ  chối phắt. Ngược lại, tiếng ông phản đối thu hồi đất bị tan biến trong cái hội trường đông nghịt, ông thân cô thế cô, lực mỏng, không được coi là cùng “nhóm lợi ích”, nói ai nghe?  Nhưng,  cái chữ  ký Nguyễn Văn Khanh dại dột, lớ ngớ của ông trên tờ giấy ra lệnh đập nhà anh Vươn,  thì họ vin vào, làm bằng chứng, như sợi dây thòng sẵn, thắt cổ ông thay cho kẻ khác.
           
Bắt Nguyễn Văn Khanh là quả đấm dằn mặt những kẻ muốn tách ra khỏi phe nhóm. Đó là ngón đòn thâm hiểm  không phải chỉ riêng Đỗ Hữu Ca dùng. Những người đã, đang ở trong bộ máy vận hành đều hiểu điều đó. Ngược lại, đông đảo quần chứng không hiểu sự lắt léo của những khái niệm  không biết Nguyễn Văn Khanh oan ức thế nào, thì  hả hê  được dịp xả bớt nỗi bức xúc tiềm ẩn.
           
Có người mang chuyện Nguyễn Văn Khanh đời nay, so sánh với chuyện Tào A Man cắt tóc thời Tam Quốc nước Tàu. Thời ấy, Táo Tháo cắt tóc  để giữ nghiêm quân lệnh,  bây giờ bắt giam Khanh nhất cử lữơng tiện: Mua lòng dân, trừ kẻ không ăn cánh, lai được tiếng là đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng. Thủ tướng vẫn đầy quyền uy. Thế mới biết hậu sinh khả úy!  
Tôi ra chỗ đầm cá của gia đình Đoàn Văn Vươn, nhìn cảnh hoang tàn lòng thắt lại. Tôi tự hỏi đến bao giờ Đoàn Văn Vươn mới được trở về nơi  anh  đã vắt cạn mổ hôi be đập đắp bờ, chống chọi với nắng mưa gió bão, với sóng dữ. Biết bao lần đắp đập lên, mai thấy trống hơ vì bị sóng cuốn đi hết, phải bậm môi, lau mắt dắp lại. Rồi muỗi mòng rắn rết, kiếm miếng ăn, nơi  đứa con gái nhỏ của anh chìm trong nước chua phèn, giờ linh hồn không biết vất vưởng ở đâu? Đoàn Văn Vươn, muốn vươn lên vượt đói nghèo mà đời cũng không cho vươn, bắt ngồi tù,  chưa biết bao giờ mới về, thì  hôm nay lại một người phải vào lao lý. Sao người tốt lại khồ thế? Sao bất công vậy hở Trời!  

Minh Diện

(*):  Về dự án sân bay Quốc tế Tiên Lãng
  (Blog BVB)

“Mạng nhện” sở hữu giữa ACB với KienLongBank, DaiABank, Eximbank, VietBank và VietABank

Cách đây gần 2 tháng, sau khi ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB bị bắt, hàng loạt ngân hàng lên tiếng phủ nhận mối liên hệ với bầu Kiên và cả ACB, nhưng tìm hiểu cho thấy, các ngân hàng Eximbank, KienLongBank, VietBank, VietABank, DaiABank ít nhiều đều có liên hệ với ACB lẫn bầu Kiên.
 
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thậm chí đã và đang là cổ đông chiến lược, hoặc sáng lập ở các ngân hàng này. Trong một số ngân hàng, ACB còn cử từ 1 đến 2 đại diện vào HĐQT để trực tiếp điều hành các hoạt động mang tính chiến lược.
ACB - KienLongBank
Năm 2007, ACB thông qua công ty con là Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) góp vốn mua 10% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank), hiện đã giảm xuống còn 6.1%. Vai trò của ACB tại KienLongBank khá lớn, cụ thể ACB hỗ trợ KienLongBank trong đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ ngân hàng, khi KienLongBank gặp khó khăn về tài chính, ACB sẽ hỗ trợ theo khả năng của mình và đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, ACB cũng cam kết mua cổ phần của KienLongBank khi ngân hàng này thực hiện lộ trình tăng vốn điều lệ như thông tin được công bố trên website KienLongBank.
Năm 2008, ACB có đến 3 đại diện tại HĐQT của KienLongBank gồm ông Nguyễn Văn Hòa (Kế toán trưởng ACB), ông Lê Quang Chính (Phó Giám đốc Sở Giao dịch ACB) và ông Lê Thanh Hải (Trưởng phòng thẩm định tài sản kiêm Trưởng phòng pháp chế ACB). Hiện nay, ông Hòa đã rút khỏi HĐQT, ACB còn hai đại diện gồm ông Chính và ông Hải.
Ngày 17/10 vừa qua, một cổ đông lớn của KienLongBank là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – TNHH MTV (Saigontourist) thoái hết vốn thông qua việc bán đấu giá 5 triệu cổ phần với giá khởi điểm chỉ có 8,780 đồng/cp, thấp hơn mệnh giá. Đối tượng mua lượng cổ phần trên là một cá nhân và một tổ chức trong nước không công bố tên.
ACB - DaiABank
Năm 2008, ACB đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) và cử ba đại diện tham gia HĐQT của ngân hàng này gồm ông Đỗ Minh Toàn (Tổng Giám đốc đương nhiệm của ACB), ông Đặng Mai Anh và ông Từ Tiến Phát. Cụ thể, ông Đặng Mai Anh tham gia HĐQT của DaiABank từ năm 2008 và năm 2011 tiếp tục trúng cử nhiệm kỳ 2011 – 2015, trong khi ông Từ Tiến Phát mới tham gia HĐQT từ năm 2011. Riêng ông Đỗ Minh Toàn tham gia DaiABank từ 2008 đến 2009 với vai trò Ủy viên HĐQT và từ 4/2009 đến năm 2011, ông Toàn giữ chức danh Phó Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này. Từ năm 2011, ông từ nhiệm và không còn tham gia các hoạt động của DaiABank.
Tính đến năm 2010, DaiABank tăng vốn lên 3,100 tỷ đồng, trong đó ACB nắm giữ gần 11% cổ phần. Ngoài ACB, DaiABank còn các đối tác chiến lược khác gồm Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BID), Tín Nghĩa Corp và Xổ Số Kiến Thiết Đồng Nai.
Nội bộ của DaiABank cũng có mối quan hệ sở hữu khá “rối rắm”. Sự chằng chịt xuất hiện khi Đầu tư Đại Á tham gia 4.21% cổ phần của Công ty Xăng dầu Tín Nghĩa (thuộc Tín Nghĩa Corp), hình thành mối quan hệ sở hữu vòng tròn Xăng Dầu Tín Nghĩa -> DaiABank -> Đầu tư Đại Á -> Xăng Dầu Tín Nghĩa. Chẳng những vậy, Tín Nghĩa Corp cũng đang sở hữu 11.12% cổ phần DaiABank và gần như nắm quyền chi phối tại Xăng Dầu Tín Nghĩa với trên 80% vốn.
Giữa Tín Nghĩa Corp và ACB cũng có sự góp vốn chung để hình thành nên CTCP Đầu tư Tín Nghĩa Á Châu và cùng đầu tư vào DaiABank.
ACB - Eximbank
Ngoài ra, tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB), theo lời ông Lê Hùng Dũng - chủ tịch Eximbank thì nhóm ngân hàng ACB đang nắm giữ khoảng 9% nhưng hiện chưa cử người thay thế ông Phạm Trung Cang (Nguyên phó Chủ tịch HĐQT đã từ nhiệm và khởi tố) làm người đại diện vốn.
Giữa Eximbank và các đơn vị liên quan cũng xuất hiện những mối quan hệ sở hữu cổ phần qua lại lẫn nhau.
ACB - VietBank
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), ACB giữ tư cách là cổ đông sáng lập nhưng không công bố cụ thể khoản đầu tư tại ngân hàng này là bao nhiêu, tuy nhiên 2/8 thành viên HĐQT của VietBank lại có sự liên hệ đến ACB gồm bà Đặng Ngọc Lan (vợ ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) và ông Trương Hùng.
Tại ACB, bà Lan đang giữ chức vụ Phó Ban Kiểm toán nội bộ còn ông Trương Hùng là Giám đốc Chi nhánh Phú Lâm (Quận 6).
Ngoài ra, đại gia thuỷ sản Diệu Hiền đình đám trên báo chí thời gian qua cũng có mối quan hệ cùng VietBank thông qua Công ty TNHH XD TM Diệu Hiền, đơn vị đồng sáng lập VietBank cùng với Công ty Đầu tư & Phát triển Hoa Lâm và ACB.
ACB - VietABank
Tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), ACB đóng vai trò là cổ đông sáng lập. Cụ thể, VietABank ra đời từ năm 2003 trên cơ sở hợp nhất Công ty Tài chính Cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng TMCP Nông thôn Đà Nẵng. Ngày mới thành lập, VietABank có vốn điều lệ hơn 76 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập nắm cổ phần lớn nhất là Ban Tài chính Thành ủy TPHCM với tỷ lệ 29.8% (Trước hợp nhất, Công ty Tài chính Cổ phần Sài Gòn được đầu tư bởi 6 đơn vị, đặc biệt trong đó có ACB và Ngân hàng Nông thôn Đà Nẵng).
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, theo thông tin từ VietABank thì ACB và DaiABank đều không còn là cổ đông của ngân hàng này.
Viết Vinh 
(Vietstock)
 

Đào Tuấn - Chiến sĩ Thống đốc, chiến sĩ nông dân

 
Nói gì thì nói. Thành thích gì thì thành tích. Nhưng sự thật rõ như ban ngày và không thể chối bỏ: Xuất thô khoáng sản là bán rẻ tài nguyên. Xuất thô nông sản là bán rẻ mồ hôi nông dân. Cái giá đó là quá đắt, hay quá rẻ cho một dòng được coi như “thành tích” cho những người chưa bao giờ là nông dân!?
10 ngày trước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã được đề cử làm “chiến sĩ thi đua toàn quốc” - một danh hiệu, về nguyên tắc, dành cho những người có thành tích trong lao động sản xuất. Bỏ qua chuyện Thống đốc Bình, người ngay khi vừa ngồi ghế điều hành đã được một tờ báo chọn là “Nhân vật của năm”- có xứng đáng hay không, với tư cách là người trực tiếp gây ra, và giờ đang múa tay trong bị với “cục máu đông” nợ xấu khổng lồ, điều làm cho dư luận kinh ngạc nhất là trong danh sách 60 cái tên được đề cử thì có tới 59 quan chức, người còn lại là một nhà giáo, và không một ai là nông dân.
Không vô cớ khi có người đã nhìn thấy xu hướng “quan chức hóa” những danh hiệu thi đua. Không vô cớ khi có người gọi bản danh sách này là “quan thi đua”.
Trong phiên khai mạc Quốc hội, con số 7 triệu tấn gạo xuất khẩu, mức cao nhất so với các năm trước, đã được dành một vị trí trang trọng trong báo cáo Chính phủ, như một thành tích vượt bậc, giữa bối cảnh cả nền kinh tế chìm trong suy thoái, đang “suy yếu, bệnh tật”- chữ dùng của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa .
Điều đó có phải là một thành tích không? Đúng ra phải gọi là một kỳ tích. 7 triệu tấn gạo, và khi mà sản lượng lúa cả năm ước đạt trên 43 triệu tấn, tăng khoảng 1 triệu tấn so với năm 2011. Và người làm nên những kỳ tích đó, không ai khác, chính là những người nông dân chưa bao giờ thôi chân lấm tay bùn.
Sáng nay, kỳ tích “gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Cafe xuất khẩu vượt mặt vương quốc cafe Brasil” lại một lần nữa được ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhắc lại trong phiên thảo luận về tình hình KT-XH. Nhắc để vui mừng. Nhưng nhắc cũng là để đưa ra một lời cảnh báo, rằng từ 15 năm nay, căn bệnh “xuất khẩu thô” cố hữu vẫn không hề thay đổi, không thể khắc phục. “Gạo Thái cao giá hơn gạo Việt Nam. Gạo Thái Lan chiếm lĩnh thị trường, chi phối được thị trường thế giới”, và trong khi người Thái lùi để điều chỉnh, “chúng ta nhân cơ hội ào lên để xuất khẩu với giá rẻ mà không nghĩ tới việc làm gia tăng giá trị hạt gạo”. Ông Nghĩa khẳng định, điều đó là “Đáng lo, chứ không phải đáng mừng”, bởi đó là “khuyết điểm chứ không phải ưu điểm”. Bởi đó là thứ thành tích cơ hội. Bởi đó là thứ thành tích nhận vơ. Bởi đó là thành tích chỉ để có thành tích. Bởi thành tích là quan trọng, nhưng cái cách nhìn nhận thế nào là thành tích, và đó là thành tích của ai còn quan trọng hơn rất nhiều lần.
Nông dân không cần một danh hiệu chiến sĩ thi đua. Như từ bao năm nay, mơ ước giản dị của những người làm ra hạt gạo vẫn chỉ là chuyện áo cơm, chuyện đừng có “được mùa rớt giá”, có khi chỉ vì thiếu một cái kho đựng gạo hoặc thậm chí chỉ là chuyện Chính phủ thu mua với giá không thấp hơn giá thành. Như từ bao năm nay, xuyên suốt qua mấy cuộc chiến tranh- họ vẫn luôn là những chiến sĩ xung kích trên mọi mặt trận.
Nói gì thì nói. Thành thích gì thì thành tích. Nhưng sự thật rõ như ban ngày và không thể chối bỏ: Xuất thô khoáng sản là bán rẻ tài nguyên. Xuất thô nông sản là bán rẻ mồ hôi nông dân. Cái giá đó là quá đắt, hay quá rẻ cho một dòng được coi như “thành tích” cho những người chưa bao giờ là nông dân!?

Đào Tuấn
(Blog ĐT) 

Liệu Quốc hội có cởi truồng?

Một đảng, nhà nước bất kỳ bao giờ ngoài hành động cũng muốn một bộ y phục đẹp đẽ khoác lên mình trước nhân dân. Với một độc đảng  như CSVN ngoài hành động cố gắng giữ những gì có thể giữ còn có hơn 700 tờ báo, hàng ngàn đội tuyên truyền lưu động trung ương, địa phương, hàng trăm ngàn cái loa đài phường, xã chĩa vào các nóc nhà, hàng triệu khẩu hiệu “quang vinh muôn năm”, hàng trăm bài hát ca ngợi “sáng nhất trong muôn vì sao” ( Nguyễn Đức Toàn)…ngày đêm chủ yếu thêu dệt nên bộ đồ dát “kim cương” cho đảng.
  
Bằng cơ chế lương, thưởng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật, kể cả sức mạnh bạo lực đảng luôn ưu tiên số một là giữ gìn bộ đồ rất đẹp cho mình bất kể thân xác, đầu óc bên trong ra sao. Những người mắc tội “tuyên truyền, xuyên tạc chống nhà nước” bị bắt giam, phải vào nhà đá chủ yếu là vi phạm nguyên tắc “sống còn” này của đảng.
  
Thế nhưng, sự đời “cái áo không phải bao giờ cũng làm nên thầy tu”, khi thân thể người ghẻ, lở, hắc lào, hủi…quá nặng thì chiếc áo dù đẹp đẽ, lòe loẹt đến đâu cũng không thể che nổi tấm thân rỉ mủ.
  
Như hội nghị TƯ 4 đã chỉ rõ, mặc dù được che đạy bằng mọi thứ áo quần nhưng “bộ phận không nhỏ” đảng vẫn bộc lộ sự suy thoái, biến chất nghiêm trọng , đặc biệt tham nhũng đến mức “nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có”. Những năm gần đây những vụ Vinashin, Vianalines, dầu khí, các Vina, nạn phá rừng, khai mỏ bừa bãi, vụ bí thư tỉnh cướp đất gia đình liệt sĩ, vụ cán bộ đảng các cấp vào hùa cướp đất  phá nhà của anh em Đoàn Văn Vươn, Văn Giang, vụ mẹ con bà Lài trần truồng vẫn bị đè cướp, những dự án bỏ hoang “mênh mông tội ác” ở khắp nơi; các vụ thâu tóm ngân hàng, hàng trăm ngàn DN phá sản, mấy triệu người thất nghiệp, vụ phó giám đốc sở “quèn” đánh ván bài 5 tỷ, các quan chức xây dựng dinh thự, mồ mả...ngút trời trước sự điêu linh của dân chúng đã làm chiếc áo khoác của đảng, chính phủ thủng lỗ chỗ như mắt sàng.
Đến hôm  bộ chính trị họp người dân lại nhìn thấy thêm vài lỗ thủng lớn nơi “hiểm yếu”. Dịp hội nghị TW6 thì trong 175 vì “tinh tú” của đảng đã có quá nửa ủng hộ đồng chí X mà theo tuyên bố của bộ chính trị (ám chỉ) ông có nhiều sai phạm, yếu kém nằm trong số “bộ phận không nhỏ” cần kỷ luật. Tức là phần lớn các vị tinh tú  biểu tượng của đảng, đứng đầu các tỉnh, thành, bộ, ban, ngành…ủng hộ sai phạm, không cho bộ chính trị nhận kỷ luật tất nhiên là để không kỷ luật đồng chí X. Dù giải thích là “cân nhắc kỹ lợi, hại… không để thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc chống phá…”, cơ quan tryền thông mời các nhân vật “không thể nói khác” như ông “vua  nhạc cung đình” Nguyễn Đức Toàn, nguyên“vua dệt áo gấm” Trần Trọng Tân (nguyên trưởng ban tư tưởng VHTW), ông bí thư đoàn “vô cùng khâm phục trước thái độ vô cùng can đảm của bộ chính trị”, ông nghị “ chiến lược” Dương Trung Quốc “thái độ thành khẩn của thủ tướng làm an lòng dân”…cũng không thể an lòng ai. Bởi vì, nếu kỷ luật một ai đó trong bộ phận không nhỏ “đe dọa tồn vong của đảng, chế độ” mà có hại thì nghị quyết TƯ4 tuyên bố đao to, búa lớn “nghiêm khắc, dứt khoát… phải loại một số cán bộ” là thế nào? Nếu kỷ luật một ai đó mà “thế lực thù địch” lợi dụng chống phá thì như các nước Nhật, Hàn, Thái…có khi chỉ vài tháng thay thủ tướng thì họ không có “thế lực thù địch” à?
Tại sao chỉ VN với “nền dân chủ gấp vạn lần” họ mà lại có nhiều “thế lực thù địch” giỏi chống phá đến thế?..Một đảng “quang vinh muôn năm, bách chiến bách thắng” sao lại sợ “thế lực thù địch” vô hình?...
   
Những “ đánh giá cao, nghiêm túc, thẳng thắn, nghiêm khắc rút kinh nghiệm, đoàn kết, quyết liệt, phấn đấu, thế lực thù địch,…”… đã mòn tai thiên hạ.
  
Về lý thuyết thì bộ chính trị dưới quyền BCHTW nhưng trên thực tế người đứng đầu đảng, bộ chính trị vẫn là vua (tập thể) VN. Xưa nay dù hoàn cảnh nào cũng không có chuyện “quần thần” bác ý kiến đúng của vua nay nó diễn ra quả là một “điềm gở”  cho đảng. Mặc dù phần lớn các UVTW ủng hộ đồng chí X là điều không khó hiểu lắm bởi những liên hệ sơ đẳng về vật chất nhưng đây vẫn là một cú sốc cho những ai còn tin vào các UVTW này. Phần lớn họ là những “ông vua con” đã và đang phất lên giàu sụ trong khi nạn phá rừng, khai mỏ gian lận, cướp đất đai, hạn ngạch, buôn quan, bán chức, môi giới chính trị, kinh tế…diễn ra ở khắp nơi. Những khuôn mặt với lớp da dày cách đây ít lâu còn năn nheo hốc hác, nhọc nhằn…nay không kham nổi những lớp mỡ tích tụ quá đột ngột căng tròn phì nộn…nói lên điều gì? Họ không thể gửi gắm sự an toàn cho tương lai bản thân và khối tài sản kếch sù cho nơi mà họ chưa biết chắc…có “cùng thuyền” với hay không…Thế là họ “phủ quyết” một việc đúng, chính đáng của cả “vua” - Họ đã tự cởi bỏ bộ y phục mới thủng lỗ chỗ để phơi bày cái thân thể thật trước thiên hạ: Công khai bảo vệ  sai phạm,tham nhũng.
  
Còn nay đến lượt quốc hội.
  
Thành phần quốc hội VN cũng na ná BCHTW gồm hầu hết là các UVTW có thêm số ít người ngoài đảng, một số thường dân, doanh nhân…mang tính chất “trang trí” nhưng xem ra cũng ít người có thể độc lập chính kiến. Người không ủng hộ tham nhũng thì cũng bị cô lập phải phòng thân, kẻ thường dân bị ràng buộc về lợi ích khi là đại biểu quốc hội. Nếu hăng hái, ngay thẳng tâm huyết như giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thì khóa sau xin bác nghỉ. Với GS Thuyết ông nghỉ chỉ thiệt cho dân nhưng nhiều người khác nghỉ là mất sạch những quyền lợi tinh thần, vật chất kha khá, cái danh là “nghị sĩ” khi vẫn là đại biểu quốc hội. Vì vậy lần họp này nếu không có những thay đổi đột biến về tư tương, thế, lực, không có nhiều những đại biểu có liêm sỉ, không sợ mất quyền lợi như GS Thuyết…thì đến lượt quốc hội cũng cởi sạch y siêm nốt.

Nguyễn Đình Ấm
(Blog HNC) 

Người Buôn Gió - Nuôi án

Nuôi án thường có trong các vụ án hình sự. Người ta muốn có chiến công, thành tích nên khi phát hiện những đối tượng có  manh nha phạm tội thì họ lặng lẽ theo dõi. Không bắt bớ, ngăn chặn ngay. Thậm chí họ còn cài đặc tình vào thúc đẩy việc phạm tội lớn hơn. Nuôi án hay có trong các vụ như mại dâm, buôn ma tuý, cờ bạc, buôn lậu,...đặc điểm của những '' án nuôi '' là có tổ chức, có sự phát triển theo thời gian.
Nhiều đối tượng bán lẻ ma tuý, chứa cờ bạc, cầm lô đề, cho vay lãi, bảo kê hoành hành được thời gian. Nghĩ mình lo lót hết, nhưng một ngày đẹp trời bỗng nhiên bị thộp cổ. Bọn nhỏ thì nhiều vô kể, còn bọn lớn thì như Khánh Trắng, Năm Cam.
Thật ra về số má giang hồ về đao búa, cái  thang tính điểm của anh chị giang hồ thì cả Năm Cam, Khánh Trắng đều không có. Nhưng do được che chở của thế lực nào đó,  từ một người đạp xích lô trở thành tay anh chị trùm bến bãi, lúc có vị trí rồi thì lúc đó không muốn thì cũng không thể làm ngơ nếu bị kẻ khác xúc phạm. Có lẽ Khánh Trắng chết một phần là do hắn, còn phần nữa là những kẻ đã dựng hắn lên. Nói thế mới chính xác. Cuộc đời Khánh Trắng nếu không một ngày gặp một vị đỡ đầu, thì giờ đây theo đà cuộc sống từ đạp xích lô, vợ bán hoa quả cứ chăm chỉ làm ăn. Khánh Trắng đã ngồi an nhàn uống bia hơi đầu Ô Quan Chưởng, vất xe tải cho một gã lái thuê nào đó. Chỉ việc điều hành chở hàng. Còn bà vợ thì ngồi một sạp hàng hoa quả chỉ đạo vài cô gái trẻ giúp việc cân đo, bó buộc hàng cho khách. Cuộc sống tương đối khá giả, bình bình. Sự thật thì nhiều anh chị ngang hàng Khánh Trắng thậm chí còn số má hơn lúc mà Khánh Trắng đạp xích lô giờ đây đã có cuộc sống như thế.
Thôi thì cứ gọi cho là số phận. Nhưng hẳn Năm Cam, Khánh Trắng ở suối vàng còn ôm khối hờn cả cục với những kẻ đã một thời bao che cho họ.
Nói gì thì nói, nuôi án không phải là việc chính đáng, thậm chí đó còn là đồng loã, tiếp tay cho tội ác. Người có trách nhiệm khi thấy mầm mống của tội phạm thì phải răn đe, giáo dục, ngăn chặn từ đầu.  Nhưng công việc đó tương đối là thầm lặng, hiệu quả thì không rõ ràng. Chẳng ai có thể có chứng cứ để báo cáo thành tích rằng tôi đã ngăn chặn một ổ cờ bạc, ổ chứa mại dâm bằng cách khuyên bảo, giáo dục, ngăn ngừa ngay từ khi tên chủ quán mới định bán bia lắp đèn mờ, có xây phòng kín...Bởi chỉ có một xã hội mà người ta theo tiêu chí khác, con người ở đó khác thì họ mới cầm đồng lương và cố gắng làm những việc ngăn chặn cái xấu khi nó chưa xảy ra.
Còn ở đây, thành tích phải bằng số ma tuý cân được, số tiền cờ bạc thu được, số người bị giết...thành tích được miêu tả đầy hào hứng về con số, con số càng lớn thì thành tích của những người chỉ huy chiến dịch, bắt bớ, điều tra lại càng lớn.
Một đất nước thành tích thể thao năm sau cao hơn năm trước, chỉ số kinh tế năm sau cao hơn năm trước là điều rất đáng mừng. Nói nôm na là nếu anh năm nay mua sắm 10 đồng, năm sau 20 đồng thì là điều rất đáng mừng.
Nhưng thành tích bắt tội phạm thì không tương tự như thế nếu chúng ta biết suy nghĩ. Chả lẽ chúng ta hào hứng vì cảnh sát tháng trước bắt 20 bánh ma tuý, tháng sau chiến công rực rỡ hơn là bắt được 40 bánh. Rồi vài năm sau lại thấy khen thưởng rầm rộ vì phá vụ án có 100 bánh heroin.
Bạn thấy sắp có cuộc đánh nhau, hai người hàng xóm chửi nhau theo tiến độ căng hơn, theo kinh nghiệm bạn thấy họ sắp vác dao đến nơi. Bạn gọi điện lên công an phường báo tin. Một lúc sau họ xuống thì sự đã rồi, họ lập biên bản, lấy nhân chứng, bắt bớ, lấy cung. Có người đã trách công an là lúc đó xuống luôn thì không nên chuyện. Anh công an chân tình nhăn nhó trình bày, khổ lắm nhưng mà việc nó chưa xảy ra thì làm sao mà xuống được.!!!
Nói về băng nhóm tội phạm như thời Khánh Trắng, Năm Cam, Dung Hà thì chuyện giết người so với bây giờ còn kém xa. Các băng nhóm thời đó vào cảnh mà họ cho là không thể chấp nhận, cân nhắc kỹ mới quyết định thanh toán đối thủ. Chứ còn bây giờ năm ba cậu thanh niên làm bóng, cho vay lãi, cầm đồ hứng lên là vác súng, dao truy sát. Thậm chí chả phải chuyện làm ăn, mà chỉ ở trong quán bar, quán phở  dẫm chân lên nhau, nhìn đểu nhau là có thể vác súng bắn vỡ đầu nhau luôn.
Mấy lần nghe thấy cán bộ lãnh đạo công an nói rằng thiếu nhân lực. Mặc dù năm sau nhiều hơn năm trước. Lập thêm đội dân phòng, đội trật tự tự quản, xung kích, dân quân tự vệ để hỗ trợ công an. Dường như vẫn chưa đủ để lực lượng này đảm bảo số lượng duy trì an ninh, trật tự.
Tội phạm gia tăng dẫn đến tăng cường quân số, trang bị, vũ khí...một cái vòng tương tác cứ như thế kéo dài. Nếu người ta không chú ý đến giáo dục, thậm chí còn có ý đồ nuôi án để lấy thành tích. Thì đương nhiên cái vòng luẩn quẩn đó còn phải nói đến nhiều.
Những chuyện về tội phạm hình sự như thế này không kể thì ai cũng biết. Sở dĩ hôm nay kể vì gặp chuyện bất ngờ. Thường chỉ gặp nuôi án trong các vụ kinh tế, cờ bạc, cưỡng đoạt ( bảo kê bến bãi, nhà hàng), mại dâm...chứ ở những vụ như an ninh chính trị thì không bao giờ có.
Thế nhưng mới đây nghe chuyện một cô bé sinh viên bị bắt, đồn rằng người ta phát hiện từ nhiều tháng trước, cài đặc tình vào theo dõi, rồi để đến khi truyền đơn tung ra họ mới bắt.
Không tranh luận chuyện cô bé có tội hay không có tội, vì đó sẽ là cuộc tranh luận còn diễn ra dài dài đến khi nào cô ấy được thả. Về quan điểm của tôi tất nhiên là cô bé không có tội, nói vậy để các bạn khỏi tranh luận về cô bé có tội hay không. Chuyện ấy sẽ tranh luận ở phần khác. Phần ở đây là chuyện nuôi án cơ.
Về phần những người bắt cô gái thì họ sẽ khẳng định cô bé có tội, bởi thế họ theo dõi từ lâu, cài người để nắm bắt, thậm chí có thể là tác động để cô và các bạn tiến hành hoạt động mà họ nghĩ là đủ chứng cứ để bắt. Vậy là nuôi án đấy.
Đến án chính trị, an ninh quốc gia mà còn nuôi án nữa. Thì thực sự một kẻ xuất thân từ dân lưu manh vốn tưởng đã không có gì bất ngờ với chế độ này, một lần nữa phải kinh ngạc vì hiểu biết của mình vẫn còn non kém quá.
Một đất nước ổn định về chính trị, cứ tưởng là không có những người phạm tội chống chế độ, tuyên truyền nói xấu chế độ, âm mưu lật đổ chế độ cơ. Chứ đã đầy rẫy những người ra toà vì tội như thế rồi mà lại còn nuôi án cả những tội đó để lấy thành tích nữa thì quá là đáng ngại.

Mong sao chuyện đó không phải là sự thật.

Người Buôn Gió
(Blog NBG) 

Việt Nam: Lạm phát lại tăng trong tháng 10

Một quầy bán lương thực tại Hà Nội ngày 24/10/2012.
Tại Việt Nam, lạm phát lại tăng lên trong tháng 10, đạt mức 7% trong cả năm, trong lúc chính quyền đang lo ngại vật giá sẽ tiếp tục tăng, vào lúc nền kinh tế đang bị khủng hoảng hệ thống.
Tổng cục Thống kê Việt Nam hôm nay 24/10/2012 cho biết, lạm phát sau khi xuống đến mức thấp nhất trong vòng ba năm qua vào tháng Tám, đã dừng lại ở mức 5,04% trước khi lại tăng lên vào tháng Chín. Hôm thứ Hai 22/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cảnh báo là tình hình đang xấu, lạm phát có thể “lại tăng lên” và nêu ra mục tiêu 8% cho năm 2012.
Vật giá đã tăng 23% vào tháng 8/2011, buộc Việt Nam nhiều lần nâng lãi suất chỉ đạo dù bất lợi cho tăng trưởng. Sau đó chính phủ đã thay đổi chiến lược, lại hạ lãi suất chỉ đạo trong những tháng gần đây để tái thúc đẩy nền kinh tế. Ông Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận: “Việc siết chặt ngân sách và tiền tệ để kiểm soát lạm phát là cần thiết, nhưng cũng làm cho tiêu dùng trong nước giảm đi (…) và gây khó khăn cho sản xuất”.
Hôm nay, cơ quan thẩm định tài chính Fitch duy trì mức tín nhiệm của các ngân hàng lớn Việt Nam ở mức “B”, với triển vọng ổn định. Tuy nhiên Fitch cũng nhấn mạnh, đây là một trong những mức thấp nhất ở châu Á. Cơ quan thẩm định tài chính này cho rằng mức tín nhiệm trên đây “phản ánh rộng rãi những điều kiện chật vật của các hoạt động nội địa, và các khó khăn khác về cơ cấu, được xem là tiêu biểu tại các thị trường mới nổi có thu nhập thấp”.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2012 dự kiến chỉ ở mức 5,2%, đây là tỉ lệ thấp nhất kể từ 13 năm qua. Trước đó chính quyền đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng tối đa là 6,5% trong năm nay.
Thụy My - RFI
 

Có nên dạy “Tấm Cám” trong trường?

Tấm - Cám

 

Câu chuyện dân gian “Tấm Cám” lại gây nhiều chú ý khi một học sinh ở Hà Nội đạt điểm kém trong bài luận văn dù dư luận đánh giá học sinh này nhập vai Cám rất đạt theo yêu cầu của đề bài.

Từ bài văn bị điểm kém
Khoảng một năm về trước, dư luận sôi nổi bàn thảo về việc chỉnh sửa nội dung câu chuyện cổ tích “Tấm Cám” trong sách giáo khoa. Có rất nhiều ý kiến ủng hộ thay đổi đoạn kết để truyện được nhân văn hơn và phù hợp với xu hướng giảng dạy về tính nhân bản cho học sinh trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng cần phải giữ gìn nguyên bản các câu chuyện dân gian, đặc biệt đối với truyện “Tấm Cám” trong ngụ ý là cái ác phải bị tiêu diệt tận gốc rễ.
Trong những ngày vừa qua, một lần nữa, câu chuyện cổ tích “Tấm Cám” lại là tâm điểm tranh cãi của những người quan tâm từ học sinh, phụ huynh, cho đến giáo viên, các nhà nghiên cứu tâm lý và các chuyên gia xã hội. Với đề bài “Hãy nhập vai nhân vật Cám, kể lại chuyện cổ tích Tấm Cám”, một bạn học sinh phổ thông trung học đã hoàn tất bài luận văn của mình mà theo nhận xét của dư luận là “đặc sắc”. Đoạn kết của bài văn được viết như sau:
“Rồi có một con đến thử rất giống con Tấm nhưng đẹp hơn, nó chỉ gần bằng tao thôi sao lại vừa giầy nhỉ. Bực quá! Gọi nó thì đúng nó rồi. Vua đưa nó về tổ chức đám cưới luôn mới sợ. Con này là con ôsin mà, vua mù rồi. Đến ngày giỗ bố nó cũng biết đường vác mặt mà về. Bây giờ oai như cóc rồi, bà sẽ cho mày một phen".
Theo yêu cầu là phải nhập vai nhân vật Cám, bài văn nhận được sự ủng hộ của nhiều người vì học sinh này rất sáng tạo và lột tả được tính cách ác độc của nhân vật Cám. Tuy nhiên, bài văn chỉ nhận được 3, 25 điểm với lời nhận xét của giáo viên là “nhân vật Cám của em đáng sợ quá!” bên cạnh nhận xét về “chữ nghĩa cẩu thả” và “không biết cách làm bài nghị luận xã hội”.
Trong cuộc trao đổi giữa các học sinh với đài RFA, các em cho biết sẽ viết bài luận văn như bạn học sinh ở Hà Nội nếu đề bài yêu cầu nhập vai Cám. Các em đều cho rằng sẽ rất thích những đề bài luận văn như thế vì các em thích sự trải nghiệm mới, thách thức mới. Nếu cứ mãi gò bó vào một nhân vật khuôn mẫu sẽ rất nhàm chán, bài văn trở nên mờ nhạt và sáo rỗng. Học sinh tên Mai ở TP. HCM cho biết vì sao ủng hộ bài luận văn của bạn học sinh ở Hà Nội:
“Chắc là sẽ viết giống như vậy. Với lại nhìn vào lời phê của cô giáo thấy rất bất hợp lý so với đề bài cô cho. Cho là đóng nhân vật Cám nhưng cô phê trong đó là sai theo bài nghị luận xã hội. Nếu yêu cầu đóng vai Cám thì bạn đã làm đúng đề chứ đâu lạc đề như cô nói đâu. Nhân vật Cám mà bạn xây dựng rất đặc sắc. Nó đúng theo hình tượng của cô gái rất đanh đá, chanh chua và độc ác chứ không có gì giống như cô nói là vai Cám của em quá đáng sợ.”
Như theo suy nghĩ và cảm nhận của nhiều người thì câu hỏi đặt ra vì sao cô giáo ra đề bài lại tự mâu thuẫn với chính mình? Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình nhận xét diễn viên một khi đóng vai phản diện quá đạt có thể bị công chúng lên án và có khi mang họa vào thân nhưng chính diễn viên đó đã thành công trong vai diễn. Trong trường hợp học sinh dùng lời lẽ đưa đến đỉnh điểm để người đọc phải phẫn nộ, cô giáo là người ra đề nhưng cô giáo không thể kiểm soát được bản thân mình và đưa ra nhận xét cũng như cho điểm thấp, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình lý giải về quyết định của cô giáo:
“Ở chỗ này phải thông cảm cho, tức là cô giáo đã có thể không hình dung nổi được rằng phần bụi bặm, phần nhem nhuốc, phần lăn lê bò toài, phần nhếch nhác của xã hội đã thẩm vào học trò mình lớn như thế. Nên cũng phải nhận hộ cho cô giáo như vậy.” 

Phản ánh hiện thực xã hội

noidungbaivantamcamvoiloiphecuac-250.jpg

Lời phê trên bài văn bị điểm kém
 
Rõ ràng lời nhận xét “nhân vật Cám của em đáng sợ quá” của cô giáo không gói gọn trong một bài luận văn mà lời nhận xét này phản ảnh một sự lo lắng về nhân cách của một con người trong xã hội. Học sinh sử dụng ngôn ngữ biểu đạt cũng như cách hành xử trong đời sống thực tiễn là do ảnh hưởng từ phim ảnh, sách báo và qua những người mà các em tiếp xúc hằng ngày. Do đó nhu cầu giáo dục của nhà trường về trí thể mỹ đức cho học sinh là điều tất yếu. Thế nhưng, những câu chuyện cổ tích Việt Nam như “Thạch Sanh Lý Thông”, “Ăn Khế Trả Vàng”, “Tấm Cám” đều kết thúc bằng hình ảnh kẻ ác bị diệt trừ. Riêng truyện “Tấm Cám” lại kết thúc bằng hành động giết người của Tấm. Liệu rằng những câu chuyện dân gian này có còn phù hợp để giảng dạy trong nhà trường với mục đích giúp cho học sinh hướng về đời sống chân thiện mỹ? Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình đưa ra nhận định:
 
“Văn học dân gian là kết tinh trí tuệ của nhân dân. Lúc đầu cũng có người sáng tạo hẳn hoi nhưng do bị sửa đi sửa lại rất nhiều và dần dần trở thành thành tựu của trí tuệ. Cho nên việc rao giảng các bài học đó là cần thiết nhưng vấn đề là đọc những bài giảng đó, đọc những câu chuyện đó rồi thẩm như thế nào là phụ thuộc vào người lên lớp. Cho nên tôi nghĩ rằng là trong tương lai người ta vẫn tiếp tục dạy những bài học luân lý, đưa những câu chuyện ngụ ngôn dưới dạng truyện này truyện khác hướng đến cái thiện. Vậy thì những bài học đó vẫn là tuyệt vời.”
Cô giáo đã có thể không hình dung nổi được rằng phần bụi bặm, phần nhem nhuốc, phần lăn lê bò toài, phần nhếch nhác của xã hội đã thẩm vào học trò mình lớn như thế.  - Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình
Trong số những học sinh chúng tôi tiếp xúc, các em cho biết rất thích được hóa thân vào những nhân vật đa dạng khác nhau chẳng hạn như nhân vật Cám là một điển hình. Có em cho rằng sẽ thể hiện nhân vật Cám còn “ấn tượng” và độc ác hơn cả nhân vật Cám của bạn học sinh ở Hà Nội nhưng sẽ đưa vào thêm những lập luận về nhân vật Cám ở cuối bài luận văn. Các em chia sẻ là muốn được sáng tạo qua nhân vật Cám nhưng chắc chắn sẽ chọn cách sống của Tấm vì bao giờ ai cũng muốn mình làm người tốt, được xã hội tôn trọng và yêu mến.
Những câu chuyên cổ tích trong đó có truyện “Tấm Cám” là bản sắc văn hóa của Việt Nam. Thế hệ trẻ Việt Nam mong muốn được học hỏi, hiểu biết và tiếp tục lưu truyền nét văn hóa này. Thông điệp từ văn học dân gian có mang ý nghĩa truyền dạy “ở hiền gặp lành” và hướng con người đến cuộc sống đạo đức, tích cực hay không là tùy thuộc vào bản lãnh của người giáo viên trên bục giảng.
 Hòa Ái, phóng viên RFA
 

Dân ùn ùn bỏ về xuôi, chuyển vào rừng vì sợ động đất ở Quảng Nam

Ngày 24/10, có mặt tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) sau trận động đất mạnh 4,6 độ richter vào tối 22/10, người dân hết sức hoang mang, lo lắng, nhiều người đang phải tìm cách an toàn nhất là chuyển nhà để tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.
Hoảng loạn
Ông Đặng Phong, chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Trận động đất tối 22/10 kéo dài hơn chục giây, khiến nhà cửa vật dụng trong nhà chao đảo tưởng chừng như đổ sụp ngay lúc đó. Hàng trăm người dân nhốn nháo bỏ chạy ra đường, không ai dám ở trong nhà vì lo nhà sập”.
Theo ông Phong, đây là trận động đất lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn huyện. Ông phải ngồi dưới gầm bàn làm việc để điện thoại thông báo cho lãnh đạo tỉnh và nghe điện thoại của cán bộ các xã báo về. Suốt đêm không ngủ vì lo sợ. Dù đã được trấn an là những trận động đất như thế này an toàn, song với cường độ mạnh như trận động đất vừa qua thì không ai dám tin chắc. "Người nào khuyên dân Bắc Trà My an tâm thì cứ lên đây ở sẽ thấy khiếp sợ đến mức nào” ông Phong nói.

Dân ùn ùn bỏ về xuôi, chuyển vào rừng vì sợ động đất ở Quảng Nam
Người dân huyện Bắc Trà My tháo dỡ nhà đang ở, tập kết bên đường... - Ảnh: Trần Phong
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Bắc Trà My, thiệt hại ban đầu sau trận động đất tối 22/10 ước tính khoảng 1.2 tỉ đồng. Sau trận động đất này, trên địa bàn đã có thêm 246 nhà dân bị nứt, trong đó các xã bị nặng là Trà Sơn (78 nhà), Trà Bui (97 nhà), Trà Đốc (35 nhà)… Như vậy, hiện tổng số nhà của người dân bị thiệt hại sau các trận động đất đã lên đến 829 căn.
Ông Phong cũng cho biết, ngay trong sáng ngày 23/10, ông đã gọi điện cho Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đang dự họp Quốc hội, kiến nghị đưa vấn đề Sông Tranh ra Quốc hội một cách rốt ráo bởi người dân vào chính quyền huyện đang quá sức lo lắng. Tuy đã được tập huấn, phổ biến kỹ năng phòng tránh nhưng tâm lý người dân và cả cán bộ huyện vẫn hoảng sợ sau trận động đất tối 22/10.
Ông Hồ Văn Vai, một người dân xã Trà Đốc lo sợ: “ Sợ động đất, chúng tôi đã bỏ nhà xây ra ở nhà gỗ rồi. Giờ đến ngay cả nhà gỗ cũng không yên tâm. Giờ chỉ còn nước lên rừng ở thôi”.

Về xuôi, lên rừng làm nhà

Dân ùn ùn bỏ về xuôi, chuyển vào rừng vì sợ động đất ở Quảng Nam
Và chuyển nhà vào rừng để tránh động đất - Ảnh: Trần Phong
Theo ghi nhận của PV báo điện tử Infonet, ngay sau trận động đất mạnh nhất từ trước tới nay, hàng loạt hộ dân ở các xã Trà Tân, Trà Đốc hối hả chuyển nhà vì lo sợ động đất. Tại ngã ba Trà Tân ngay dưới cân đập, nhiều hộ gia đình kinh doanh, buôn bán ở đây đã đóng cửa, thu dọn nhà về xuôi. Dọc tuyến đường vào xã Trà Đốc, hai bên đường nhiều hộ dân đã chuẩn bị gỗ để dựng nhà mới, chuyển nhà đi nơi ở khác vì lo sợ động đất, đập thủy điện Sông Tranh 2 vỡ.
Nhà của anh Hồ Văn Viên, thôn 1 xã Trà Đốc là một trong những căn nhà được UBND huyện đánh dấu nứt nẻ sau các trận động đất trước. Vết nứt cũ nay đã nứt rộng thêm ra. Lo sợ cho tính mạng của người thân, anh Viên và gia đình không chờ tiền hỗ trợ từ BQL dự án thủy điện 3 đã vay mượn tiền mua gỗ, tôn chuẩn bị dựng nhà mới.
Anh Viên cho biết: “Nhà cửa nứt nẻ hết rồi, giờ không dựng nhà mới thì răng mà dám sống trong đó nữa?”. Trong khi đó, ông Hồ Văn Vai, một người dân xã Trà Đốc than thở: “ Sợ động đất, đã bỏ nhà xây ra ở nhà gỗ rồi. Giờ đến ngay cả nhà gỗ cũng không yên tâm. Giờ chỉ còn nước lên rừng ở thôi”.
Dưới cơn mưa tầm tã, hàng chục thanh niên, phụ nữ thôn 2 Trà Đốc vẫn đội mưa vận chuyển gỗ cho hộ gia đình ông Hồ Văn Phong. Căn nhà của ông xuống cấp nghiêm trọng sau các trận động đất. Sau đêm 20/10, ông đã huy động anh em, làng xóm góp sức vận chuyển gỗ lên rừng dựng nhà mới. Nền đất nhà mới nằm sâu trong rừng, cách làng hơn 2km. “Nhà cửa xuống cấp nên giờ phải vào đây ở cho an tâm. Nếu có vỡ đập hay động đất mạnh thì ở trên rừng vẫn yên tâm hơn” ông Phong nói.
“Hiện người dân đang rục rịch chuyển chỗ ở, chính quyền hết sức lo lắng. Cứ bảo dân an tâm nhưng động đất vẫn tiếp diễn và mạnh hơn làm sao an tâm được. Huyện đề nghị cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học cần khẩn trương kiểm tra chất lượng bên trong thân đập, khoan địa chất kiểm tra các đới đứt gãy và sớm có thông báo kết quả cụ thể cho chính quyền và người dân!”- ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói.
Trần Phong
(Infonet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét