1189. Mưu đồ “tích gió thành bão” trên biển Đông của Trung Quốc nhằm khống chế châu Á
Phương thức tiếp cận chậm rãi, kiên trì của Trung Quốc nhằm khống chế Châu Á
Tác giả: Robert Haddick
Người dịch: Nguyễn Tâm
03-08-2012
Lầu Năm Góc gần đây đã đặt Trung Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đưa ra các khuyến nghị về kế hoạch bố trí các căn cứ quân sự của Mỹ trong vùng Thái Bình Dương. Bản báo cáo ngày 27/6 của CSIS đề nghị Lầu Năm Góc nên tái bố trí lực lượng ra khỏi Đông Bắc Á và hướng về khu vực biển Đông. Đặc biệt, CSIS yêu cầu Lầu Năm Góc tăng thêm các tàu ngầm tấn công đóng tại Guam, tăng cường sự hiện hiện của lực lượng Thủy quân lục chiến trong khu vực, và nghiên cứu khả năng bố trí một nhóm tàu sân bay tấn công ở phía Tây nước Úc.
Không nghi ngờ gì nữa, biển Đông đang nóng lên như một điểm ẩn chứa nguy cơ bùng nổ xung đột. Tranh chấp về lãnh thổ, quyền đánh bắt cá và đấu thầu dầu khí đã tăng nhanh trong năm nay. Một Hội nghị ASEAN gần đây tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia, nhằm đạt được tiến bộ về việc thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông, đã sụp đổ trong cay đắng, vì lần đầu tiên trong 45 năm, khối ASEAN không thống nhất được việc ra thông cáo chung. Việt Nam và Philippines rất bực tức trước việc các nước láng giềng Đông Nam Á không tạo được tiến triển nào để có lập trường thống nhất chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc trên biển.
Sự gia tăng sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực, được nêu lên trong bản báo cáo của CSIS và trong bài diễn văn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hồi tháng 6 tại Singapore, được hoạch định theo đó một phần nhằm ngăn chặn sự xâm lược công khai, chẳng hạn sự tái kích hoạt bất ngờ cuộc chiến Triều Tiên, hay một cuộc tấn công ồ ạt chớp nhoáng của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan. Trong chừng mực nào đó, các kịch bản nói trên hiện được xem còn rất xa, sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực vẫn đang thực hiện nhiệm vụ này. Nhưng sẽ ra sao khi đối phương dùng sách lược “tích gió thành bão” (salami-slicing), tích lũy từ từ từng hành động nhỏ, không có gì mang tính gây chiến, nhưng qua thời gian, hiệu ứng của những hành động nhỏ sẽ cộng dồn lại, tạo thành một bước ngoặt chủ yếu mang tính chiến lược? Giới làm chính sách và hoạch định quân sự Mỹ nên xem xét khả năng Trung Quốc theo đuổi chiến lược “tích gió thành bão” ở biển Đông, điều có thể làm thất bại các kế hoạch quân sự của Washington.
Trong Phụ lục 4 của bản báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc năm nay, về phần sức mạnh quân sự của Trung Quốc, có đề cập đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, với cái gọi là “đường chín đoạn”, cùng với các tuyên bố chủ quyền nhỏ hơn do các nước chung quanh biển Đông đưa ra. Một bài viết gần đây trên BBC nêu vấn đề yêu sách lãnh hải của Trung Quốc khi đối chiếu với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển cho phép đối với các nước tiếp giáp với vùng biển này. Mục tiêu của chiến thuật “tích gió thành bão” của Bắc Kinh là thông qua một loạt các hành động nhỏ nhưng bền bỉ, dần dần tích góp bằng chứng về sự hiện diện lâu dài của Trung Quốc trên các vùng lãnh thổ, lãnh hải mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền, với mục đích làm phai mờ các đặc quyền kinh tế được UNCLOS quy định, thậm chí có thể làm lu mờ quyền qua lại của tàu thuyền và máy bay, vốn được xem là những khái niệm phổ biến toàn cầu hiện nay. Với mưu đồ tiến hành từng bước tích lũy nhằm “tạo sự đã rồi”, Trung Quốc hy vọng thiết lập sự chiếm hữu trên thực tế (de facto) và hợp pháp (de jure) đối với các yêu sách chủ quyền của họ.
Hồi tháng 4, một sự giằng co giữa tàu hải quân Philippines và Trung Quốc xảy ra khi các tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, gần bãi cạn Scarborough. Cuộc giằng co kết thúc sau vài tuần mà không có giải pháp nào cho những vấn đề pháp lý cơ bản. Song song đó, Philippines hiện có ý định khởi sự việc khai thác khí tự nhiên tại bãi Cỏ Rong (Reed Bank), gần đảo Palawan, một chương trình bị phía Trung Quốc phản đối. Gần đây, một khu trục hạm của hải quân Trung Quốc lảng vảng cách đảo Palawan chỉ có 90 hải lý. Năm ngoái, các tàu chiến Trung Quốc đã đe dọa đâm vào một tàu thăm dò của Philippines gần bãi Cỏ Rong.
Cũng trên biển Đông, trong thời gian trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh tại Phnom Penh, Tập đoàn Dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC), một nhà khai thác dầu quốc doanh của Trung Quốc, đã đưa ra danh sách mời thầu các lô dầu khí trên biển cho các công ty khai thác dầu nước ngoài. Trong trường hợp này, các lô nói trên nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam – thực tế, một phần trong số các lô dầu khí này đã được Việt Nam cho đấu thầu khai thác và phát triển. Hiếm nhà phân tích nào lại cho rằng tập đoàn khai thác dầu khí nước ngoài cỡ như Exxon Mobil lại đi hợp pháp hóa hành vi chiếm đoạt trắng trợn của Trung Quốc đối với đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng động thái mời thầu dầu khí của CNOOC là một bước đi nữa trong toan tính của Trung Quốc nhằm đòi hỏi chủ quyền biển Đông, đi ngược lại với những ranh giới của vùng đặc quyền kinh tế do UNCLOS quy định, vốn được hầu hết các nhà quan sát cho rằng không thể thay đổi.
Sau cùng, vào tháng 6, chính phủ Trung Quốc tuyên bố thành lập “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, vốn bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa) từ năm 1974. Tam Sa được cho là “trung tâm hành chính” đối với những vùng Trung Quốc có yêu sách chủ quyền trên biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa gần bãi Cỏ Rong, đảo Palawan và bãi cạn Scarborough. Trung Quốc cũng công bố kế hoạch đưa quân đội đến đồn trú trong khu vực này.
Các hành động của Trung Quốc trông giống như nỗ lực nhằm từng bước thiết lập có hệ thống tính hợp pháp đối với các yêu sách chủ quyền của họ trong khu vực. Trung Quốc dựng nên chính quyền dân sự địa phương [tại “thành phố Tam Sa”], điều này đòi hỏi phải có quân đội đồn trú thường trực. Trung Quốc cũng đang xác lập các yêu sách kinh tế thông qua việc mời thầu khai thác dầu khí và tiến hành đánh bắt cá tại các lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác. Trung Quốc còn phái lực lượng hải quân đi cản trở các dự án khai thác dầu khí của những nước khác trong khu vực. Cuối con đường này hiện ra hai mục tiêu Trung Quốc đang nhắm tới: Tiềm năng dầu khí ở biển Đông đủ cung cấp cho Trung Quốc trong 60 năm, và khả năng trung lập hóa hệ thống liên minh quân sự của Mỹ trong vùng.
Sự thất bại của khối ASEAN khi nỗ lực thiết lập Bộ quy tắc ứng xử để giải quyết tranh chấp trên biển Đông đã tạo điều kiện thuận lợi cho sách lược “tích gió thành bão” của Trung Quốc. Một Bộ quy tắc ứng xử đa phương trên biển Đông sẽ tạo ra khung pháp lý để giải quyết tranh chấp, đặt mọi nước có đòi hỏi chủ quyền trong quan hệ bình đẳng. Không có Bộ quy tắc ứng xử như vậy, nên hiện nay Trung Quốc có thể tận dụng lợi thế sức mạnh nhằm chi phối các tranh chấp song phương với các quốc gia láng giềng nhỏ hơn, dùng sức mạnh mà không hề e ngại hậu quả chính trị từ việc hành động ngoài khuôn khổ luật lệ đã được các bên thống nhất.
Trong lúc ấy, Lầu Năm Góc dự định gửi lực lượng tăng cường đến khu vực và đang thiết lập các học thuyết chiến thuật mới nhằm triển khai lực lượng chống lại sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc. Nhưng giới làm chính sách ở Washington sẽ bị vướng vào rắc rối khi cố gắng áp dụng sức mạnh quân sự chống lại kẻ chuyên sử dụng kế sách “tích gió thành bão” thâm hiểm. Nếu sự việc xảy ra trong quy mô đủ nhỏ, sẽ không có hành động nào đủ kịch tính để biện minh cho việc khơi mào một cuộc chiến. Giới làm chính sách ở Washington sẽ lý giải thế nào trong việc vạch ra lằn ranh đỏ ngay trước dàn khoan dầu của CNOOC giả sử đang cắm sâu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hay trường hợp tàu khu trục Trung Quốc rượt đuổi một tàu thăm dò của Philippines tại bãi Cỏ Rong, hay đối với tình huống một trung đội bộ binh Trung Quốc xuất hiện trên một bãi đá gần quần đảo Trường Sa? Khi cân nhắc một cuộc chiến cực kỳ tốn kém với một cường quốc chủ chốt, sẽ ngớ ngẩn nếu xem những sự kiện nhỏ như vậy là biến cố kích hoạt một cuộc chiến. Tuy nhiên, nếu những sự kiện nhỏ này dồn nén qua thời gian và không gian, chúng có thể tạo nên bước ngoặc cơ bản trong khu vực.
Mặc dù có vẻ chỉ là một đối thủ đến từ xa trong các biến cố trên biển Đông, lợi ích của Mỹ ở đây rất lớn. Cả nền kinh tế của Mỹ và thế giới đều phụ thuộc vào sự tự do đi lại trên vùng biển này; hàng hóa giao dịch trên toàn cầu lưu thông hàng năm qua biển Đông trị giá lên đến 5,3 nghìn tỷ USD, trong đó lượng hàng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD được vận chuyển đến các hải cảng Mỹ. Thứ hai, Mỹ hết sức quan tâm đến việc ngăn chặn bất kỳ thế lực nào đơn phương viết lại luật biển quốc tế theo ý mình, vốn đã tồn tại từ lâu. Sau cùng, sự tín nhiệm đối với hệ thống liên minh của Mỹ và độ tin cậy của hệ thống này như một đối tác an ninh sẽ tùy thuộc vào những điều nói trên.
Kẻ theo kế sách “tích gió thành bão” sẽ đặt gánh nặng căng thẳng lên vai đối phương, khiến đối phương phải hành động một cách rối loạn. Đối phương sẽ ở vào thế không mấy dễ chịu khi dường như phải vạch ra những lằn ranh đỏ không thể biện minh, và lâm vào hoàn cảnh bên bờ vực chiến tranh mà không thể lý giải. Về phía Trung Quốc, họ chỉ đơn giản phớt lờ hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ và tiếp tục thực hiện chuỗi các hành vi nhỏ, với giả định hợp lý rằng thật khó hình dung Mỹ lại có thể đe dọa tiến hành một cuộc chiến lớn giữa các cường quốc chỉ vì một sự cố không đáng kể trên vùng biển xa xôi.
Nhưng những gì có thể xem là không quan trọng theo cách nhìn của Mỹ, có thể mang tính sống còn đối với các đối thủ như Philippines và Việt Nam, những quốc gia đang nỗ lực bảo vệ lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của mình, chống lại sự chiếm đoạt công khai bằng vũ lực. Điều đó có thể tạo cho các nước này động lực lớn hơn, từ đó có thái độ cương quyết hơn Mỹ trong việc phòng thủ, chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc. Và nếu tiếng súng nổ ra giữa Trung Quốc với một trong các quốc gia nhỏ bé này, giới làm chính sách ở Bắc Kinh sẽ phải xem lại những hậu quả về uy tín và chính trị khi dùng vũ lực tấn công một nước láng giềng yếu hơn.
Cả Mỹ và các thành viên khối ASEAN rất muốn có Bộ Quy tắc Ứng xử được các bên thỏa thuận, nhất trí nhằm giải quyết các tranh chấp trên biển Đông. Nhưng nếu Trung Quốc lại chọn cách theo đuổi chiến lược “tích gió thành bão”, các nhà làm chính sách tại Washington có thể kết luận rằng, đối sách khả thi về mặt chính trị là khuyến khích các nước nhỏ bảo vệ các quyền của mình mạnh mẽ hơn, cho dù phải mạo hiểm với nguy cơ xung đột, với lời hứa hỗ trợ quân sự của Mỹ. Điều này có nghĩa là một sự thay đổi hoàn toàn chính sách hiện nay của Mỹ vốn tuyên bố trung lập đối với những tranh chấp biên giới trên biển.
Mỹ giữ thái độ trung lập vì họ không muốn tự mình cam kết trước về một loạt những sự kiện nào đó mà họ không kiểm soát được. Cách tiếp cận này có thể hiểu được nhưng sẽ gia tăng xung đột với những hứa hẹn an ninh mà Mỹ từng tuyên bố với các nước thân hữu trong khu vực, cũng như đối với mục tiêu giữ gìn những giá trị phổ quát trên toàn cầu. Các nhà chiến lược và hoạch định chính sách ở Washington sẽ phải cân nhắc về những gì, nếu có thể xảy ra, mà họ có thể đương đầu với một kẻ chuyên “tích gió thành bão” xảo quyệt như vậy.
Nguồn: Foreign Policy
Bản tiếng Việt © BS2012
Bản tiếng Việt © Nguyễn Tâm
1188. MỚ LỘN XỘN KINH TẾ TOÀN CẤU ĐƯỢC BỘC LỘ
Tài liệu tham khảo đặc biệt Thứ ba, ngày 31/7/2012(Rana Foroohar – Tạp chí Time)
Sự lãnh đạo tồi và những sách lược thờ ơ đang tạo ra một cuộc khủng hoảng kép. Hãy tổ chức lại!
Nếu có một bài hát chính thức cho cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, thì đó sẽ là bài hát “Chuyện tình lãng mạn tồi tệ” của Lady Gaga, và không chỉ vì ngôi sao nhạc pop này ngân nga một vài câu bằng tiếng Pháp và hát tên một thủ đô của lục địa. Thảm họa kinh tế đã từng chậm chạp, nay lại càng chuyển động nhanh đang diễn ra ở khắp Đại Tây Dương được hiểu tốt nhất là mối quan hệ thực sự hoạt động không đúng chức năng.
Như lời nhà kinh tế Ken Rogoff thuộc trường Havard: “Châu Âu giống như một cặp đôi không chắc chắn muốn cưới nhau, vì vậy thay vào đó họ quyết định chỉ mở một tài khoản chung và xem tình hình tiến triển thế nào”. Chúng tiến triển một cách tồi tệ. Đức, bạn tình tằn tiện, đang vò đầu bứt tai về cách giải quyết thực tế rằng người yêu Địa Trung Hải của mình đã rút hết tài khoản và không muốn tằn tiện. Thái độ của người Nam Âu gần như được tóm tắt trong lời bài hát của Gaga: “Tôi muốn mọi thứ của bạn miễn là nó miễn phí’”.
Chuyện tình lãng mạn tồi tệ này sẽ đạt một bước ngoặt vào mùa Hè năm 2012 khi châu Âu cuối cùng quyết định liệu nó muốn chia tay hay cưới nhau. Nhưng trong khi đó, bạn bè và gia đình không miễn nhiễm với sự rối loạn. Những số liệu tệ hại về công ăn việc làm của Mỹ gần đây nhất – khoảng một nửa số công ăn việc làm được tạo ra như mong đợi – phần nào được giải thích bởi thực tế rằng các công ty Mỹ đã bị tác động bởi tăng trưởng ngày càng yếu đi ở khu vực đồng euro, vì doanh thu tại đó chiếm một phần đáng kế trong thu nhập của họ. Và ở Mỹ, Quốc hội đã không đưa ra được một kế hoạch tăng trưởng sau khi số tiền kích thích cạn kiệt. Cũng có sự không chắc chắn về việc liệu cuộc khủng hoảng ngân hàng của châu Âu sẽ có chuyển sang các bờ biển Mỹ hay không. Đồng thời, những thị trường mới nổi đang phát triển nhanh giữ vững nền kinh tế toàn cầu trong vòng hai năm qua là Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin cũng đã bắt đầu giảm tốc, điều đã tác động đến hàng xuất khẩu của Mỹ.
3 khu vực này – Mỹ, châu Âu và các thị trường mới nổi dẫn đầu là Trung Quốc – tạo nên những cái chân của chiếc ghế đẩu là nền kinh tế toàn cầu. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chúng ta đã phải đối phó vói 2 chiếc chân gãy cùng một lúc (Mỹ và châu Âu) – nhưng không phải tất cả 3. Điều đó khiến các nhà kinh tế rất lo lắng, nhiều tới mức một số người đang nói rằng có một khả năng thực sự, có lẽ khoảng 40%, xảy ra suy thoái kép ở Mỹ vào cuối năm 2012 nếu tình hình không thay đổi. Mohamed El-Erian, người đứng đầu Pimco, nhà giao dịch trái phiếu lớn nhất thế giới, nói: “Chỉ còn lại nhũng công cụ của riêng mình, nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục thể hiện tăng trưởng tương đối thiếu sức sống và ít tạo được công ăn việc làm. Nhưng tình hình càng xấu đi (từ nước ngoài) thì nguy cơ một cuộc suy thoái nữa càng cao”.
Đương nhiên, các thị trường bị khuấy động: chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones trở lại gần 300 điểm, và các chỉ số châu Âu và châu Á lao dốc. Nhưng trong sự hỗn loạn đó, một thực tế quan trọng đã không được bàn luận nhiều: sự suy giảm toàn cầu này được đồng bộ hóa theo nhiều cách hơn là một. Không chỉ vận mệnh của các thị trường và các nền kinh tế lớn của thế giới vẫn gắn chặt với nhau, mà cội nguồn các vấn đề của họ là như nhau: hoạt động chính trị bất thường.
Có những giải pháp kinh tế sẵn sàng có thể làm dịu các thị trường và giúp các nước tránh nguy cơ của một cuộc khủng hoảng kép; điều đang thiếu là ý chí chính trị để thực hiện chúng. Chẳng hạn, châu Âu cần một liên minh tài chính thực sự, các mối quan hệ chính trị thực sự có ràng buộc và một lực của quốc gia mạnh nhất châu lục này, Đức, để dẫn dắt tiến trình hội nhập sâu hơn đó. Cho tới nay điều đó đã không xảy ra, và cả hoạt động chính trị lẫn hệ thống tài chính của châu Âu đang bị chia rẽ. Mike Mayo, một nhà phân tích ngân hàng thuộc công ty môi giới chứng khoán CLSA, lưu ý: “Đã không có một thời điểm Lehman”, như cách ông gọi vụ tan vỡ gần đây nhất. Viễn cảnh một thảm họa ngay trước mắt thường mang tính soi sáng. Nhưng thiếu điều đó, phản ứng ngày càng tăng và không hiệu quả. Hy Lạp lung lay. Tây Ban Nha tàn lụi. Italiabối rối.
Và tăng trưởng ở châu Á không còn là một điều giả định để bù lại sự yếu kém ở phần còn lại của thế giới. Trung Quốc đang cố gắng đưa ra giải pháp tình thế bằng một chương trình kích thích mới để duy trì tăng trưởng cho tới cuối năm, khi đội ngũ lãnh đạo mới sẽ đảm trách Bộ Chính trị Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh. Nhưng giống như chương trình kích thích của Mỹ từ năm 2009, nó là một biện pháp tạm thời; điều thật sự cần thiết ở Trung Quốc là một mô hình tăng trưởng hoàn toàn mới, một mô hình, dựa vào chi tiêu của người tiêu dùng chứ không phải của chính phủ. Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc, mà khả năng dễ bị tổn thương của họ đã bị phơi bày bởi vụ bê bối Bạc Hy Lai, không sẵn sàng đảo lộn những lợi ích kinh tế được bảo đảm bất di bất dịch. (Nhiều trong số những gia đình giàu nhất của Trung Quốc gắn chặt với Đảng Cộng sản, không muốn làm trật đường đi của cuộc bùng nổ bất động sản mà đã biến họ thành những người cộng sản giàu có.)
Về phần mình, Mỹ có những nguyên tắc kinh tế cơ bản thích đáng – nợ của người tiêu dùng đang giảm, chi tiêu đang tăng, thị trường nhà ở đang chạm đáy, và một cuộc bùng nổ khí đốt sản xuất trong nước đang tạo ra công ăn việc làm và cuối cùng sẽ khiến giá nhiên liệu rẻ hơn nhiều. Nhưng sau đó lại có hoạt động chính trị đảng phái. Các nhà kinh tế đang lo lắng về câu chuyện phiêu lưu dài kỳ về tài chính vào cuối năm 2012, khi những sự cắt giảm thuế và cắt giảm thuế bảng lương dưới thời Bush sẽ hết hiệu lực cùng lúc Quốc hội phải tranh cãi về một mức tăng trần nợ khác. Như Ethan Harris thuộc ngân hàng Bank ot America đã lưu ý trong một bản báo cáo gần đây, lịch sử nhiều khả năng sẽ lặp lại với sự giảm tốc của nền kinh tế do chính sách đem lại trong năm thứ 3 liên tiếp, tạo ra một trở ngại kinh tế có thể làm mất đi toàn bộ 1 điểm % tăng trưởng GDP. Nó vẫn là một nền kinh tế tăng trướng 2%.
Tình trạng hỗn loạn toàn bộ
Ớ châu Âu, nơi suy thoái hiện đang được nung nóng cho năm 2012, tăng trưởng 2% sẽ gợi lên những tiếng hoan hô. Có một từ mới cho hỗn loạn, omnishambles, trong vốn từ vựng tiếng Anh để mô tả một tình trạng mà trong đó một lập trường về chính sách được xây dựng cẩn thận một cách rõ ràng được làm sáng tỏ theo nhiều cách lẫn lộn, khiến tất cả các bên bị tác động rơi vào tình trạng sốc và thất vọng. Trong một cuộc tranh luận đặc biệt sôi nôi ở quốc hội, lãnh đạo phe đối lập của Anh, Ed Miliband đã dùng từ này để mô tả ngân sách mới nhất của Thủ tướng David Cameron.
Nhưng có lẽ nó hay được dùng để mô tả những nỗ lực của châu Âu trong 2 năm qua nhằm giải cứu đồng euro. Người khổng lồ quỹ đầu cơ Geoige Soros nói trong một bài phát biểu gần đây, cuộc khủng hoảng châu Âu không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính mà là cuộc khủng hoảng chính trị”. Cuộc khủng hoảng đang tăng lên không chỉ vì các vấn đề kinh tế bên dưới, không thể giải quyết được mà “vì sự thất bại trong việc nắm bắt những động lực của biến đổi xã hội” ở châu Âu – cụ thể là những biện pháp thống nhất nửa vời có hiệu quả khi đồng euro được tạo ra trong những ngày bùng nổ của năm 1999 đã trở nên không thích hợp một cách đáng thương một khi tăng trưởng toàn cầu dừng lại gần 4 năm trước. Hiện nay mỗi nước đều hành động vì bản thân mình, một kịch bản bị làm rắc rối bởi một đồng tiền chung.
Đức, nền kinh tế mạnh nhất của Liên minh châu Âu, đã bị bêu riếu vì sự miễn cưỡng ủng hộ Trái phiếu châu Âu (Eurobond) mà rủi ro của nó sẽ được các thành viên khu vực đồng euro chia sẻ. Người Đức cũng đang phải hứng chịu chỉ trích vì khăng khăng đòi các quốc gia mắc nợ như Hy Lạp phải chấp nhận ngân sách khắc khổ đầy khó khăn. Nhưng người ta có thể hiểu được quan điểm của Đức – tại sao lại đưa tấm séc trống cho các quốc gia chi tiêu phung phí như Hy Lạp khi không có quyền kiểm soát chính trị về cách họ sẽ sử dụng nó?
Tuy nhiên điểm mấu chốt là các biện pháp nửa vời đã không thể dàn xếp được các thị trường và đã biến một nắm tuyết nợ thành một trận tuyết lở. Chẳng mấy chốc Hy Lạp có thể bỏ phiếu bác bỏ vòng khắc khổ tiếp theo, điều sẽ bắt đầu sự ra đi của Hy Lạp (“Grexit”) đầy sợ hãi khỏi khu vực đồng euro. Trong khi việc đó sẽ không phải là một vấn đề lớn, vì Hy Lạp chỉ chiếm 3% GDP của khu vực đồng euro, Hy Lạp sẽ không đi một mình. Tây Ban Nha, nước chiếm 13% GDP của khu vực đồng euro, cũng đang bấp bênh, cũng như Bồ Đào Nha và Italia. Quan trọng hơn, các nhà đầu tư đã bắt đầu hiểu được rằng thậm chí một khu vực đồng euro mà không có các thành viên yếu nhất của nó cũng không thể tồn tại được nếu thiếu sự hội nhập chính trị thực sự. Rogoff nói: Nếu không có điều đó, đồng euro về cơ bản là không ổn định”.
Thách thức của Trung Quốc
Đặc điểm thật sự yếu kém của nền kinh tế toàn cầu là các thị trường mới nổi cũng đang chậm lại. Ngay cả Trung Quốc, nước đã trở thành động cơ tăng trưởng toàn cầu thứ 2 thế giới sau Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cũng tỏ ra lung lay. Trong 2 thập kỷ qua, các nhà đầu tư đã làm ra vẻ là không có rủi ro chính trị ở Trung Quốc, nhưng các sự kiện gần đây đã cho thấy rõ giả định này sai lầm như thế nào. Sự sụp đổ của Bạc Hy Lai – cựu lãnh đạo Đảng tại thành phố Trùng Khánh đang mở rộng ở phía Tây Trung Quốc, người đã bị cáo buộc có hành động tra tấn và có vợ bị cáo buộc giết người – đã khới đầu một vụ bê bối chính trị lớn ở Trung Quốc và nhấn mạnh mô hình tăng trưởng của nước này thiếu sót như thế nào.
Mô hình Trùng Khánh, vốn là tiêu chuẩn quốc gia, chú trọng sự siêu phát triển bất động sản và quyền lực lớn hơn cho các công ty do nhà nước sở hữu. Nó đầy những quyền lợi được bảo đảm bất di bất dịch, sự xuống cấp môi trường và tăng trưởng đã được chính Thủ tướng của nước này, Ôn Gia Bảo gọi là “không bền vững”, ông cũng đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang sắp rơi vào một cuộc Cách mạng Văn hóa khác nếu nước này không theo cải cải cách kinh tế lẫn chính trị.
Điều này có nghĩa là không chỉ nâng lương của người Trung Quốc và khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu mà còn đem lại những quyền tự do dân sự lớn hơn cho tầng lớp trung lưu có nhiều quyền hạn và có học vấn hơn. Một diễn biến kỳ lạ của thị trường vào đầu tháng 6/2012 đã làm nổi bật những mối liên hệ giữa 2 vấn đề này khi chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm 64,89 điểm, một con số gợi lại ngày xảy ra vụ đàn áp Quảng trường Thiên An Môn, ngày 1/6/1989. Sự kiện này đă được các nhà phản kháng dân chủ trên mạng chọn và sử dụng làm điểm tập hợp; các nhà kiểm duyệt của chính phủ đã nhanh chóng hành động và ngăn chặn tìm kiếm chủ đề này.
Nhưng vào lúc không thể thực hiện bất kỳ cuộc cải cách thực sự nào trong năm bầu cử ở Mỹ, thì ở Trung Quốc cũng vậy. Lo lắng về một sự giảm tốc độ sản xuất đột ngột có thể tạo ra nạn thất nghiệp cao hơn và rối loạn xã hội trước khi Bộ chính trị mới lên nắm quyền, Đảng Cộng sản đã đưa ra một kế hoạch kích thích mới, một kế hoạch chủ yếu dựa vào kiểu tăng trưởng cũ. Trong khi có một số bước đi để đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân – như một kế hoạch 1 năm để trợ cấp mua các thiết bị tiết kiệm năng lượng – mọi việc chủ yếu lại đâu vào đấy, với rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn đang giúp kích thích bong bóng bất động sản khiến Florida và Arizona tỏ ra uể oải. Mark Williams, nhà kinh tế trưởng về châu Á của cơ quan tư vấn Capital Economics, cho biết; “Những viễn cảnh rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ sớm được đặt vào một cơ sở bền vững hơn, được dẫn dắt bởi người tiêu dùng tỏ ra xa vời”.
Từ tồi tệ cho tới đâu?
Bên tham gia có chừng mực nhất trong tất cả chuyện này có lẽ là người Mỹ, những người đã thực hiện một công việc đáng kính trọng là giảm bớt những gánh nặng nợ cá nhân của họ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính và đã dần bắt đầu chi tiêu trở lại, một nguyên nhân khiến nền kinh tế Mỹ đang ở trong tình trạng tốt hơn châu Âu. Những nếu nói một cách không quá thì sự hồi phục của người tiêu dùng đó vẫn mỏng manh. Và tăng trưởng công ăn việc làm là yếu ớt, điều cản trở tăng trưởng lương, do đó thu nhập không tăng. Theo Viện Nghiên cứu Chu kỳ Kinh tế, tăng trưởng thu nhập trong 3 tháng qua thấp hơn thời điểm khởi đầu của 10 cuộc suy thoái gần đây. Jim O’Neill, nhà kinh tế trưởng của công ty Goldman Sachs, cho biết kết quả là nền kinh tế Mỹ “nhạy cảm với những cơn sốc từ bên ngoài như tôi có thể nhớ đã từng xảy ra”.
Có khả năng sẽ có nhiều cú sốc hơn trong mùa hè kéo dài, nóng bỏng sắp tới. 3 tháng tới sẽ đem lại một giải pháp, theo cách này hay cách khác, cho cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro. Chẳng mấy chốc người Hy Lạp sẽ bỏ phiếu hoặc tiếp tục các biện pháp khắc khổ hoặc tách khỏi châu Âu, tái phát hành đồng drachma và bắt đầu chương đầu tiên của một kỷ nguyên hậu euro mới, bất ổn. Nếu điều đó xảy ra, giá trị của đồng euro và bất kỳ đồng tiền mới nào chắc chắn sẽ lao dốc, và rối loạn xã hội sẽ tăng vọt.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang điên cuồng hành động để đưa ra một giải pháp vào phút cuối nhằm tránh một sự ra đi của Hy Lạp, một sự tan chảy ngành ngân hàng Tây Ban Nha và một sự sụp đố đồng euro lớn hơn, như cho phép một số khoản nợ xấu của châu Âu đổ vào một bể chung khống lồ mà có thể được chi trả muộn hơn. Nhưng các thị trường không bị thuyết phục. Rõ ràng họ muốn một sự bảo đảm rằng Đức và Ngân hàng trung ương Đức Bunesbank (thông qua Ngân hàng Trung ương châu Âu) sẽ viết một tấm séc rất lớn để chi trả cho bất kỳ khoản nợ xấu nào của châu Âu.
Đến lượt mình, người Đức muốn những bảo đảm rằng họ sẽ có một số quyền kiểm soát cách những người hàng xóm của họ chi tiêu trong tương lai những sự bảo đảm đã trở nên khó khăn hơn kể từ khi Francois Hollande chiến thắng cuộc bầu cử Tống thống Pháp và nêu rõ rằng Pháp không muốn từ bỏ sự độc lập về tài chính của nước này. Phần lớn các nhà kinh tế, sợ hãi một sự kiện Lehman khác, đang hy vọng rằng các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ đi đến một kiểu lễ hiển linh nào đó và cùng nhau hành động để giải cứu đồng euro.
Như Lady Gaga hát bằng thứ tiếng Pháp tốt nhất của cô, Faites vos jeux. Hãy đặt cược. Nền kinh tế tăng trưởng 2% đang có vẻ là kịch bản tốt nhất dành cho Mỹ vào năm nay. Nếu châu Âu không thể đối mặt với cuộc khủng hoảng của mình, hậu quả sẽ tồi tệ hơn nhiều. Rogoff cảnh báo, chia sẻ quan điếm chung: “nếu đồng euro tan vỡ, Mỹ sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng kép, và nó sẽ không phải là một cuộc khủng hoảng nhỏ”. Như mọi người biết, điều duy nhất tồi tệ hơn một chuyện tình lãng mạn tồi tệ là một vụ li dị đau khổ./.
1187. HY LẠP: HÀNH TRÌNH ĐI ĐẾN TẬN CÙNG CUỘC KHỦNG HOẢNG
Tài liệu tham khảo đặc biệt Thứ ba, ngày 31/7/2012(Tạp chí Le Nouvel Obsenatenr, Pháp)
Thất nghiệp, nghèo đói, tuyệt vọng… Những bát cháo phát chẩn có mặt khắp nơi, các vụ tự sát gia tăng, ngân quỹ của Nhà nước cạn kiệt. Chính vòng xoáy dữ tợn của một sự suy thoái đã tác động đến toàn bộ người dân Hy Lạp. Tất cả, trừ những người giàu.
Dimitris Christoulas, một dược sĩ hưu trí 77 tuổi, đã trở thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp. Thứ tư ngày 4/4/2012, lúc 9h sáng, vào đúng giờ cao điểm, người đàn ông này đã tự bắn một phát súng vào đầu mình trên quảng trường rất nổi tiếng Syntagma của thủ đô Aten, nơi diễn ra tất cả các cuộc biểu tình phản đổi chính sách thắt lưng buộc bụng, đối diện với tòa Quốc hội, biểu tượng của một chính sách khắc khổ, mù quáng trước những nỗi đau của nhân dân. Trước khi tự sát, Dimitris Christoulas đã kêu lên: “Tôi không thể tiếp tục được nữa tôi không muốn để lại nợ nần cho các con tôi.” Người đàn ông tuyệt vọng ấy cũng đã để lại một bức thư cảm động: “Chính phủ đã làm tiêu tan những khả năng sinh tồn của tôi, chúng dựa trên một sự về hưu đáng tôn kính mà để đạt được điều đó một mình tôi đã phải trả giá bằng cả cuộc đời mình.[...]. Tôi không tìm thấy giải pháp nào khác cho một kết thúc xứng đáng, trước khi tôi buộc phải tìm kiếm đồ ăn trong các thùng rác để sinh sống.” Ít lâu sau, một nghìn người vô danh khác đã tụ tập gần một gốc cây nơi họ kết liễu đời mình để tố cáo “tội giết người của Nhà nước”. Toàn bộ tầng lớp chính trị của Hy Lạp đã phản kháng. Một số nhằm tố cáo các biện pháp khắc khổ vô nhân đạo, một số khác tố cáo việc tạo nên một thảm kịch cá nhân.
Từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, số các vụ tự sát ở Hy Lạp, từng là một trong những con số thấp nhất châu Âu. đã bùng nổ. Con số này đã tăng hơn 40% trong vòng một năm, Klimaka, một tổ chức phi chính phủ đã lập ra một đường dây điện thoại khẩn cấp dành cho những kẻ tuyệt vọng, đã chứng kiến số lượng các cuộc gọi tăng gấp đôi trong một năm và gấp 4 lần kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 2007. Số lượng các ca trầm uất bùng nổ. Ông Orestis Giotakos, một bác sĩ tâm thần, cũng là giám đốc đầu tiên của khoa Tâm thần thuộc bệnh viện quân đội Aten nói: “Phòng khám riêng của tôi không lúc nào hết bệnh nhân. Hy Lạp không sẵn sàng đối mặt với sự gia tăng này của các căn bệnh về tâm lý. Và cũng giống như tất cả các bệnh viện khác, ngân sách của các bệnh viện tâm thần, thay vì được tăng lên, đă bị giảm đi 40%.”
Có thêm ba triệu người nghèo
Dimitris, 50 tuổi, phải xin cháo phát chẩn của tòa thị chính ở Aten. Im lặng và ngượng ngùng, hàng trăm người Hy Lạp, cả nam lẫn nữ, ở tất cả các độ tuổi, vẫn ăn mặc đẹp, đứng chen chúc nhau xếp hàng, ngày 2 lần, để nhận một bữa ăn nóng sốt. Dimitris thừa nhận: “Cũng giống họ, tôi đã bị mất việc cách đây một năm”. Cuộc khủng hoảng đánh vào Hy Lạp đã khiến tình trạng thất nghiệp bùng nổ, chiếm 22% số dân trong độ tuổi lao động. Những người nghèo mới đã xuất hiện và cùng với họ là những người không nhà cửa. Số lượng người vô gia cư vì thế cũng tăng hơn 25% kể từ năm 2009, khi cuộc khủng hoảng bắt đầu đánh vào nước này. Theo Eurostat, gần 28% dần số Hy Lạp, tương đương hơn 3 triệu dân, đang sống trên bờ vực của sự nghèo đói. Để đối mặt với làn sóng nghèo đói này, xã hội cần phải vận động. Vì vậy hiện nay Giáo hội chính thống có thế lực ở nước này mỗi ngày phân phát hơn 250 nghìn suất ăn trên khắp đất nước.
Là một thợ sơn nhà, Dimitris chỉ kiêm được vài ngày công mồi tháng, và tệ hơn là “Mỗi ngày công chỉ được trả từ 20-25 euro. Không bảo hiểm, không gì cả” Ông nói thêm: “Nhưng, cay đắng hơn, những người nhập cư chỉ được trả có 15 euro,” Dimitris không có gì phản đối những người nước ngoài, ông nói: “Ở Hy Lạp, người ta yêu quý họ. Nhưng khi các bạn bị mất việc, các bạn sẽ phát điên”. Vì vậy, nhiều người đã bỏ phiếu cho phe cực hữu, cánh hữu phát xít mới hay “dân tộc” trong cuộc bầu cử ngày 6/5/2012. Một lá phiếu tuyệt vọng, Dimitris nói: “Mồi một ngày mới đều tồi tệ hơn ngày hôm trước. Không có bất cứ một hy vọng nào.” Giống như nhiều người, ông nghĩ đến việc bỏ ra nước ngoài.
Cách đó khoảng vài trăm mét, phòng khám của tổ chức Bác sĩ thế giới (MDM) tràn ngập những người nhập cư, và mới đây là cả những người Hy Lạp bị sạt nghiệp đến để khám chữa bệnh miễn phí. Christina Samartzi, bác sĩ thuộc MDM nói: “Chúng tôi đã mỏ một cuộc chẩn phát lương thực khi nhận ra rằng các bệnh nhân của chúng tôi thường xuyên không đủ ăn. Đôi khi, họ còn không có sữa cho con uống.”
Sự đe dọa của các chủ tàu buôn
Nikos Vernicos đã hẹn chúng tôi tại câu lạc bộ du thuyền Mikroiimano, gần Pirée. Đó là một nơi kỳ lạ, gần như không thể nhìn thấy từ bến cảng giải trí nơi những con thuyền buồm tuyệt đẹp thả neo. Người chủ tàu buôn ở đây có những thói quen riêng, giống như những người Hy Lạp giàu nhất Aten. Chúng tôi leo lên hướng tòa nhà mang dáng dấp của một chiếc du thuyền, băng qua một rừng cây cối um tùm. Hai cô tiếp viên cùng với nụ cười hạ cố từ chối khéo vị khách đang ngơ ngác ở tầng; lửng nơi cocktail được Perrari phục vụ… Nhìn từ đây, cuộc khủng hoảng Hy Lạp chỉ là một ảo tưởng. Ở các tầng cao hơn, đó là một … cơ hội. Ngồi quanh một cốc rượu, những nhà đầu tư người Mỹ đến để đánh giá chất lượng của những mặt hàng do Chính phủ đưa rạ bán để đáp ứng những yêu cầu của Troika (Bộ ba gồm úy ban châu Âu, ngân hàng Trung ương châu Âu, Quỹ tiền tệ quốc tế). Tầng thượng rất rộng, và tầm nhìn xuống thành phố Aten nằm giữa biển và núi rất khác lạ. Nhưng PPP (Tập đoàn điện lực mà nhà nước muốn nắm 17% cổ phần) lại hết sức thu hút ông phó chủ tịch trẻ tuổi người Niu Yoóc của Monarch Alternative Capital. Ông liên tiếp đặt những câu hỏi cho chủ tàu buôn về thực chất của những thời cơ hiện nay.
Nikos Vernicos, người tham gia cuộc gặp gỡ này với tư cách là chủ tịch của phòng thương mại quốc tế, luôn đáp ứng những đòi hỏi đó với nụ cười trên môi. “Đó là một người mưu mẹo” – một trong các thành viên của Hội các chủ tàu buôn, những người giấu tên nói như vậy. Trong thế giới của 1000 gia đình này, người ta không sẵn sàng trả lời báo chí, và càng không thích lộ diện. Nikos Vernicos là một trong số ít chấp nhận lộ diện, vì vậy mà ông ngầm trở thành người phát ngôn chuyên nghiệp bắt buộc ở khắp nơi để cứu giúp đất nước của minh. Tuần trước đó, quyền Thủ tướng đã tiếp tục yêu cầu: “Hy Lạp cần các vốn đầu tư mới, những việc làm mới và những khoản tiền mặt mới.” Nhưng, cũng giống như hầu hết những người tiền nhiệm của mình, Panaeiotis Pikramenos đã không dám đề cập đến vấn đề về những ưu đãi thuế khóa mà các chủ tàu buôn được hưởng lợi. Ông biết rõ câu trả lời: Theo lời phát biểu của Nikos Vernicos, “những tài xế taxi của hành tinh” bòn rút tiền của cả thế giới. Nếu người ta đến gây gổ với họ, họ sẽ dời trụ sở của mình từ Pirée đến Síp hoặc đến Malte, “Cũng gần thôi”, họ tha hồ mà lựa chọn!
Nikos Vernicos nói: “Hàng tuần, các luật sư và chủ ngân hàng tới chỗ tôi để kiểm kê những lợi nhuận mà tôi có thể có được khi chuyển tới Monaco”. Ai có thể mạo hiểm để họ cuốn gói ra đi để lại sau lưng một phần trong số 200 nghìn người làm công ăn lương của họ? Ai muốn từ bỏ 14 tỷ euro mà các hoạt động của họ bất chấp tất cả đã mang đến cho Hy Lạp vào năm 2011? Một ông chủ tàu buôn đã chuyển đến Luân Đôn nổi giận: “Không phải bằng cách tấn công một trong những lĩnh vực đang phát triển [giao thông đường biển Hy Lạp là số một trên thế giới] mà người ta có thể giải quyết được vấn đề của Hy Lạp”. Nikos Vernicos cũng nói điều tương tự là: “Người bạn tốt nhất của những người nghèo chính là người giàu của nhiều thế hệ vì là người tạo công ăn việc làm cho họ.” Những chủ tàu buôn cũng thích tự xưng là “những nhà từ thiện lớn” khi tham gia nhiều hoạt động xã hội. Nhưng, khi mà nhân dân Hy Lạp đang phải chịu đựng chính sách thắt lưng buộc bụng trước đây chưa từng có, thì họ không có gì chắc rằng điều đó là đủ. “Hẳn là người ta có thể tìm ra một công thức thuế khóa cân đối”, một chủ ngân hàng nói, như vậy, ông tin rằng với tình hình suy thoái kéo dài này (6,5% trong quý đầu), sự cố chấp của các ông chủ tàu buôn sớm muộn sẽ không thể duy trì được.
Ai dám thách thức Giáo hội đầy quyền lực?
Giám mục Avromiatis, giám đốc điều hành các công việc tài chính của Giáo hội chính thống Hy Lạp, vẫn không nguôi giận. Các tờ báo, các chính khách, chủ yếu thuộc phe cực tả, tố cáo Giáo hội không đóng thuế, trong khi mà toàn thể người dân Hy Lạp đang bị gây sức ép để bù đắp khoản nợ công khổng lồ. Giám mục nổi nóng: “Nói Giáo hội không đóng thuế là một lời nói dối trơ trẽn! Năm 2011, chúng tôi đã nộp hơn 12 triệu euro vào kho bạc.” Với ông, những lời tố cáo này đến từ những người oán hận giáo hội: đó là một âm mưu của những kẻ thế tục.
Là địa chủ lớn thứ hai của Hy Lạp sau Nhà nước, Giáo hội chính thống Hy Lạp sở hữu gần 130 nghìn héc ta đất. Không có địa bạ, người ta không thể biết được diện tích chính xác số tài sản của họ. Người phụ trách tài chính của Giáo hội than thở: “Đó hầu hết chỉ là rừng, đất nông nghiệp, chúng không sinh lợi gì”. Nhưng Giáo hội cũng là chủ sở hữu của những bất động sản ở Aten và ở Thessalonique, của những mảnh đất sát bờ biển, những cổ phần trong ngân hàng đứng đầu đất nước. Giá trị của những tài sản trung tâm của họ ước tính gần 1 tỷ euro.
Vị giám mục than vãn: “Dù sở hữu những tài sản này, chúng tôi cũng bị tác động bởi cuộc khủng hoảng. Các tín đồ không còn tiền và không làm từ thiện nữa. Lương của các giáo trưởng [khoảng 1000 euro/tháng], những viên chức của chúng tôi, đã bị giảm, giống như tất cả các loại lương thuộc lĩnh vực công cộng”. Mỗi năm, Kho bạc Hy Lạp chi gần 220 triệu euro đế trả công cho khoảng 10 nghìn linh mục và giám mục của một Giáo hội, tổ chức luôn gắn liền với Nhà nước. Là tổ chức ban phép lành cho các chính phủ và các trường học, Giáo hội này có một ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội. Rất ít chính khách dám thách thức Giáo hội, vì nó cũng đóng một vai trò phục vụ cộng đồng. Giám mục tự hào trình bày chi tiết: “Chúng tôi chăm sóc những người cao tuổi, những người nghiện ma túy, những người từng đi tù, những người mắc bệnh tâm thần, những người nghèo, vv. Mỗi ngày chúng tôi phân phát 250 nghìn suất ăn cho những người nghèo đói. Tăng thuế với chúng tôi có nghĩa là đánh vào những sứ mệnh không gì sánh được trong việc phục vụ cộng đồng, và họ đòi tăng thuế vào thời điểm mà người ta cần đến Giáo hội nhất. Điều ấy gây nguy hiểm cho xã hội.”
Trốn thuế, môn thể thao quốc gia
Chủ tịch Nghiệp đoàn thuế quốc gia, Mpampis Nikolakopoulos, sẵn sàng thừa nhận điều này: “Người Hy Lạp đang cố gắng hết sức có thể để trốn thuế, điều này không phải là “di truyền”, mà là do hệ thống vừa phức tạp vừa bất công, và thiếu một ý chí chính trị để thay đổi nó và để đấu tranh thực sự chống lại nạn trốn thuế.” Với cuộc khủng hoảng và những biện pháp khắc khổ do nhóm Troika áp đặt để làm đầy ngân sách của Nhà nước, gần 19 luật thuế và 1000 sắc lệnh áp dụng đã được thông qua trong vòng 4 năm, nhằm thay đổi hệ thống đánh thuế. Một công đoàn viên nổi nóng nói: “Không ai có thể điều hành được tất cả những điều này, vì vậy sự gian lận vẫn tiếp diễn”. Chính quyền lại càng không có khả năng tổ chức các cuộc kiểm soát có hiệu quả. Các kho bạc nhà nước của địa phương không được kết nối thông tin với nhau. Và không còn tồn tại sổ sách tập trung các chứng từ sở hữu. Ông Mpampis Nikolakopoulos than vãn: “Chúng tôi không có phương tiện để làm việc”.
Thay vì tăng lên như cần thiết để trả nợ, thuế thu nhập lại đang rơi tự do. Bởi vì đất nước đang bước vào năm suy thoái thứ sáu của nó. Các doanh nghiệp, các cửa hàng đóng cửa và không đóng tiền nữa. Lượng tiêu dùng sụt giảm và cùng với nó là thu nhập cũng giảm. Những người về hưu và những người làm công ăn lương nhận thấy lương và trợ cấp của mình bị cắt giảm hoặc họ lại bị thất nghiệp và họ không còn đóng hoặc đóng ít đi thuế thu nhập. Còn các nhân viên thuế cũng tỏ ra chán nản. Lương của họ bị giảm 40%. Quân số hiện nay của họ giảm từ 15 nghìn xuống 10 nghìn người. Andonis Mouzakis, nhân viên tư vấn thuế ở Aten bực tức nhận xét: “Với những cải cách nhanh chóng, tàn nhẫn và không thực hiện tốt do Troika áp đặt, người ta sẽ đi đến một kết cục trái với mong đợi.” Ồng cho rằng: “Trong vòng 2 năm người ta không thể làm được điều mà người ta đã không làm được trong 30 năm. Chúng ta cần có thời gian, cần một chính phủ ổn định có thể đưa ra một kể hoạch từ 5 đến 10 năm để cải cách chế độ thuế khóa”. Ông nói tiếp: “Các chính khách cũng cần phải học cách điều hành tốt đất nước. Nếu người dân không đóng thuế, đó là vì họ có cảm giác không được nhận lại gì, cảm giác phải trả tiền gấp đôi, cho sức khỏe của họ hoặc cho việc giáo dục con em họ.”
Sự mua bán thuốc men
Nina Kassianou đã phải tính toán. Nhà nước đang nợ cô 50 nghìn euro từ 7 tháng nay. Cô nói: “Và hơn nữa, tôi có một hiệu thuốc nhỏ. Họ còn nợ một vài đồng nghiệp của tôi 150 nghìn thậm chí 200 nghìn euro”. Trước đây, Nhà nước luôn hoàn trả những khoản tạm ứng của các dược sĩ cho bảo hiểm xã hội ngay trong tháng. Nina nói: “Kế từ năm 2009, chúng tôi phải đợi 2, 3 rồi 4 tháng. Đến bây giờ, Eoppy [cơ quan bao hiểm xã hội] nợ tôi 7 tháng rồi”.
Sự phá sản của Nhà nước Hy Lạp đang đè nặng lên hệ thống y tế, lên hoạt động của một số bệnh viện và việc cung ứng thuốc chữa bệnh. Đặc biệt là các loại thuốc đắt nhất như là điều trị bệnh nhân ung thư, tiểu đường hay bệnh xơ cứng mảng. Ở Aten, người ta chỉ còn tìm thấy các loại thuốc này ở một vài hiệu thuốc của Nhà nước do Eoppy quản lý, và với điều kiện phải đặt hàng trước 3 ngày. Các hiệu thuốc khác đã tạm ngừng phân phối các loại thuốc đó hoặc đòi hỏi khách hàng phải thanh toán ngay lập tức. Với người giàu thì không vấn đề gì. Nhưng với những người khác, điều đó trở thành một bi kịch, và “một số người đã bị buộc phải gián đoạn quá trình hóa trị của họ”, ông George Samati, phó chủ tịch Hội các bệnh nhân mắc bệnh ung thư thưa nhận như vậy. Hội này đã phải mở 2 đường dây nóng khẩn cấp để thông báo cho bệnh nhân những khu vực mà họ có thế tự kiếm cho mình nơi điều trị. Và mỗi lân điều trị tại chỗ như vậy, họ cần phải kiên nhẫn chịu đau. Sáng hôm đó, vào lúc 10h, một hàng người kéo dài xếp hàng trước cửa hiệu thuốc Eopyy, gần quảng trường Omonia. Ở bên trong cũng có từng đấy người đang ngồi theo hàng một, trước quầy thuốc.
Từ lâu nay các dược sĩ thường được coi như những người có đặc quyền. Nhưng bây giờ. Nina nói: “Rất nhiều người trong chúng tôi sắp phải đóng cửa”. Chênh lệch lãi suất của họ bị giảm từ 20% xuống còn 15%, còn các khoản chi tiêu thì lại tăng. Trong 30 năm hành nghề này, Nina chưa bao giờ bi quan như vậy. Các phòng thí nghiệm lớn thề thốt rằng họ không hề thay đổi gì trong các chính sách đối với Hy Lạp, nhưng tất cả đều nghĩ ngược lại. Ngờ vực, các hãng giờ đây cũng yêu cầu được thanh toán trước. Hoặc họ ngừng giao một số đơn thuốc có giá quá thấp so với mức giá mà chính phủ yêu cầu. Như vậy hơn một trăm loại thuốc không hơn không kém cũng sẽ biến mất khỏi thị trường. Nina nói: “Mẹ tôi đang phải điều trị bệnh liên quan đến nhịp tim của bà và chúng tôi không thể tìm được thuốc điều trị nữa. Bác sĩ hướng dẫn bà điều trị theo cách khác. Nhưng năm nay bà đã 90 tuổi rồi và tim bà đập rất thất thường.”
Tiền tiết kiệm dưới những tấm nệm
Chúng tôi gọi cô là Irène. Cô là một cán bộ cao cấp trong một ngân hàng ở ven Kolonaki, một khu phố giàu có của Aten, và cô muốn giấu tên. Chủ đề rất nhạy cảm. Sau ngày bầu cử mà người ta thấy nổi lên đảng cực tả Syriza, 700 triệu euro đã bị rút ra chỉ trong vòng một ngày. Từ đó về mặt chính thức, “Tất cả đã trở lại trật tự”. Irène lại có cách giải thích khác: “Nửa tháng nay, người Hy Lạp đã rút 7 tỉ euro tiền tiết kiệm. Họ sợ ngân hàng phá sản chăng? Có thể như vậy. Nhưng trên hết, họ lo sợ việc quay trở lại sử dụng đồng tiền cũ: “10 nghìn euro đối được 3000 đrácma.” Nikos, ông chủ của một nhà hàng, chi nhánh ở Kolonaki, muốn “đảm bảo”: “Tôi đã gửi một khoán tiền tiết kiệm của tôi ở Síp.” Cũng giống như nhiều đồng hương của ông, ông đã tìm đến nơi gần nhất. Một tư vấn viên truyền thông thừa nhận: “Đến Síp là đơn giản nhất, mặc dù ở đó cũng bắt đầu có một số vấn đề.” Một số khác chuyển số tiền tiết kiệm của mình vào một ngân hàng nước ngoài để đặt nó yên ổn trong một quỹ đầu tư chung, Irène ghi nhận như vậy. Những người giàu nhất đã đảm bảo cho hậu cứ của họ ở Thụy Sĩ hoặc Luân Đôn từ lâu rồi.
Một doanh nhân thổ lộ: “Tôi để tiền ở ngân hàng HSBC. Đó là ngân hàng duy nhất cho phép tôi sử dụng tiền không mất phí tổn giữa các tài khoản ở Luân Đôn, Thượng Hải hay Aten.” Irène cũng chứng kiến hàng ngày việc rút tiền mặt. Họ thường là những người có tuổi. “Họ cũng cần phải đề phòng”. Bị theo dõi từ khi ra khỏi nhà băng và theo về đến tận nhà, những người dân Hy Lạp, giấu tiền dưới tấm nệm của họ, là một con mồi béo bở cho những tên trộm. Các vụ xâm nhập vào nhà riêng đang gia tăng. Cảnh sát trưởng quốc gia, ông Thanassis Kokkalakis, đã phải cảnh báo: “Không nên giữ quá nhiều tiền mặt ở trong nhà.” Càng không nên giấu chúng ở bất cứ đâu trong bất cứ trường hợp nào. Một người đàn ông đã tự tiêu tán hết số tiền tiết kiệm của mình khi giấu chúng trong một cái hang chuột. Không ai tin rằng câu chuyện ấy có thật. Nhưng nó lan khắp thành phố này.
Mỗi nguời một vườn rau
Dimitris đặt câu hỏi: “Các bạn có biết thứ gì quý giá nhất trên thể giới không? Đó là đất và thời gian. Đất, chúng ta có. Còn thời gian, chính phủ đã cho chúng ta.” Nhà triết học thất nghiệp này là một trong số 300 người may mắn trong cuộc bốc thăm trúng thưởng được trường đại học nông nghiệp Thessalonique cấp cho một vườn rau. Tháng 3/2012, đã có khoảng 5000 người xin được cấp gần như miễn phí một mảnh đất và được tham gia những lớp học về nông nghiệp sinh học. Dù thuộc các trường đại học, thuộc thành phố hay của tư nhân, các vườn rau tập thể này nở rộ khắp nơi trên đất nước. Hiện tượng này gây ra một làn sóng cảm hứng ở đất nước Hy Lạp đang khủng hoảng. Đó không chỉ là việc ăn những quả dâu tây hay cà chua do chính mình trồng. Người Hy Lạp còn tìm lại được sự tương trợ và tinh thần đoàn kết lẫn nhau và trở lại với nguồn gốc nông dân của họ. Để sát cánh cùng phong trào này, Nhà nước cũng vừa mới đưa ra một chương trình phân chia đất, hướng tới tầng lớp thành niên và những người thất nghiệp.
Dimitris Goussios, giảng viên môn quy hoạch nông thôn của trường đại học Thessalie bình luận: “Sau khi đã cống hiến hết động năng của mình trong vòng 40 năm, các vùng nông thôn lại trở nên đông đúc với những con người năng động đến đây với mong muốn tạo ra những đơn vị có giá trị bổ sung lớn ở nơi mà họ đã xuất thân”. Trong số những người bày tỏ mong muốn được trở về tỉnh (theo một điều tra gần đây là khoảng 68% dân số Aten và Thessalònique), một số người sẽ cầm cuốc và cào, để lao vào việc nuôi trồng những sản phẩm đang được ưa chuộng: nghệ tây, quả lựu, cỏ ngọt, các loại cây thuốc, nấm hay thậm chí là ốc sên. Đó chính là lựa chọn của Panayiota Vlachou. Thừa nhận đây là một món ăn không được ưa chuộng ở Hy Lạp, nhưng ở nơi khác món ốc sên với tỏi và mùi tây lại có thể là một sản phẩm của những người sành ăn, nữ giáo viên tiếng Hy Lạp ở Corinthe đã cùng với chị gái Maria của mình, cũng là một giáo viên, lao vào chăn nuôi động vật chân mềm. Hai người đã đi trước phong trào trở về với đất. Được thành lập vào năm 2008, doanh nghiệp Fereikos Helix của họ đã trở thành một câu chuyện có thực về thành công, được nhận giải doanh nghiệp nhỏ năng động nhất Hy Lạp vào tháng 11/2011, do Stelios Haji-Ioannou, người sáng lập hãng EasyJet, trao tặng. Hai chị em đã thành lập một trung tâm đào tạo. Trong vòng 3 năm, nhờ họ mà 155 trang trại chăn nuôi đã lan rộng khắp Hy Lạp.
Thiên đường của những kẻ trục lợi
Trước lối đi vào của một trong những khu phố thương mại sầm uất nhất Aten, một cô gái trẻ đang cố níu kéo một người khách qua đường. Stephania là một người mách mối. Công việc của cô là: thuyết phục một người nào đó đi lên tầng trên nơi mà dường như chỉ mới được săp đặt một cách vội vàng, đằng sau những vách ngăn có thể tháo rời, với hai cửa giao dịch nhỏ kém hấp dẫn. “Ở đây chúng tôi sẽ đưa ra giá tốt cho vàng của các bạn: vòng tay, đông hồ, dây chuyền…” Các cửa hàng như thế mọc lên khắp nơi ở Aten. Việc kiểm soát vì vậy cũng ngập đầu. Có bao nhiêu trong số những quầy đổi tiền đó là bất hợp pháp do họ không có giấy phép hoạt động? Rất khó nói, nhưng chính phủ cũng liên tục kêu gọi người Hy Lạp phải thận trọng. Một người đàn ông đứng sau một quầy giao dịch cam đoan: ‘‘Chúng tôi đang làm một dịch vụ thực sự cho nhân dân”.
Khách hàng của ông ta ư? “Chúng tôi không phải là cánh sát. Chúng tôi không hỏi họ là ai. Nhưng chắc chắn họ là những viên chức, những thương nhân không thể đóng thuế nữa…” Bi kịch mà tầng lớp trung lưu đang trải qua chính là tất cả có lợi cho các quầy hàng này. Người bán hàng mua vàng của họ với giá bao nhiêu? Cuối cùng ông cũng phải trả lời một cách hoài nghi: “Khoảng 15 euro/gram, cũng còn tùy đó là vật gi”. Được, nhưng dù thế nào thì, giá rất thấp ở trị trường là 20 euro/gram./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét