Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

TIN TỨC NGÀY 29/7/2012

  • Quân đội Syria tổng tấn công vào Alep (RFI) – Một trận mưa đạn pháo hôm nay 28/07/2012 đã trút xuống Alep, thành phố lớn thứ hai của Syria. Quân chính phủ với trực thăng, chiến xa và lực lượng tăng viện cố đánh bật quân nổi dậy tại thủ đô kinh tế của Syria, chiến trường mang ý nghĩa quyết định cho cuộc xung đột Syria.

  • Dùng thuốc chữa ung thư máu để trị virus HIV (RFI) – Trong thời gian diễn ra hội nghị toàn cầu chống Sida lần thứ 19 tại Washington, khoảng 40 nghiên cứu về các biện pháp trị Sida được công bố. Trong số các công bố về khả năng tiêu diệt hoàn toàn virus HIV, có ba nghiên cứu đặc biệt được chú ý, trong đó có thử nghiệm dùng thuốc chống ung thư máu để tiêu diệt HIV do các nhà nghiên cứu Mỹ tiến hành.
  • Biển Đông : Bắc Kinh càng hung hăng, láng giềng càng mất lòng (RFI) – Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông tiếp tục thu hút báo chí Pháp. Tờ Le Monde hôm này dành một bài xã luận cho chủ đề này. Bài viết chạy dòng tựa khá ấn tượng : “Trung Quốc đang áp đặt luật chơi trên Biển Đông”. Các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam đều lên án Trung Quốc đã «xâm phạm chủ quyền và vi phạm luật pháp quốc tế ».
  • Hội nghị về SIDA kết thúc với hy vọng bệnh sớm được đẩy lùi (RFI) – Tối hôm qua 27/07/2012, Hội nghị quốc tế về Sida kết thúc tại Washington. Hơn 20.000 đại biểu và các nhà hoạt động từ hơn 190 quốc gia đã tham gia hội nghị này. Điểm đáng chú của Hội nghị lần thứ 19 về Sida năm nay là một không khí lạc quan về xu thế điều trị ngày càng tốt hơn đối với những người mang virus HIV và khả năng bệnh nhân HIV sẽ được chữa khỏi bệnh trong một tương lai gần.
  • Huy chương vàng đầu tiên lọt vào tay Trung Quốc (RFI) – Tại Thế vận hội Luân Đôn, chiếc huy chương vàng đầu tiên trong tổng số 302 huy chương của Olympic 2012,  hôm nay 28/07/2012 đã lọt vào tay nữ vận động viên Trung Quốc Yi Siling, trong bộ môn bắn súng nòng ngắn (carabine). Đồng hương của cô là Yu Dan cũng cũng đoạt huy chương đồng trong bộ môn này.
  • Nữ hoàng Anh và điệp viên 007 nhảy dù khai mạc Thế vận hội Luân Đôn (RFI) – Sau bảy năm chờ đợi, tối hôm qua 27/07/2012, Luân Đôn đã tưng bừng mở hội khai mạc Olympic, trong buổi lễ khai trương ngoạn mục hoành tráng đậm chất « Ăng-lê », với điểm nhấn là Nữ hoàng Anh quốc và điệp viên 007. Luân Đôn lập kỷ lục vì là thành phố duy nhất thế giới có được vinh dự ba lần tổ chức Thế vận hội.
  • Liên Hiệp Quốc không thông qua được hiệp ước chế tài mua bán vũ khí (RFI) – Theo AFP, hôm qua 27/07/2012, các đàm phán tại Liên Hiệp Quốc (New York) đã kết thúc mà không đạt được mục tiêu là thông qua hiệp ước đầu tiên chế tài mua bán vũ khí quy ước. Nhiều ý kiến khẳng định hội nghị đã thất bại. Chủ tịch hội thảo Roberto Garcia Moritan cho biết đàm phán có thể sẽ được khởi động lại.
  • Rumani sắp trưng cầu dân ý về việc truất phế tổng thống (RFI) – Sau những chỉ trích của Liên hiệp châu Âu về những vi phạm Nhà nước pháp quyền, ngày mai 29/07/2012, cử tri Rumani sẽ đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý về việc truất phế tổng thống Traian Basescu, cầm quyền từ tám năm nay.
  • Liên Hiệp Quốc lên án Miến Điện đàn áp người Rohingya (RFI) – Theo hãng tin AFP, phủ Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ra thông cáo hôm qua 27/07/2012 về các bằng chứng về việc các lực lượng an ninh Miến Điện trực tiếp nhúng tay vào các vụ đàn áp người thiểu số Hồi giáo Rohingya tại miền Tây Miến Điện.
  • Chính quyền Cuba : Nhà ly khai Oswaldo Paya chết do tai nạn (RFI) – Năm ngày sau tai nạn xe hơi khiến nhà ly khai nổi tiếng Cuba Oswaldo Paya tử nạn, chính quyền Cuba hôm qua 27/07/2012 đã kết luận trong một bản báo cáo : đây chỉ đơn thuần là một tai nạn do xe chạy quá tốc độ. Báo cáo không nêu ra việc có một chiếc xe khác có liên can trong vụ này mà gia đình đã yêu cầu điều tra.
  • Trung Quốc hủy bỏ dự án gây ô nhiễm sau khi hàng chục ngàn dân phản đối (RFI) – Lần thứ hai trong tháng, lại có thêm một dự án gây ô nhiễm bị chính quyền Trung Quốc hủy bỏ, sau khi hàng chục ngàn người đã biểu tình phản đối hôm nay 28/07/2012 tại Khải Đông (Qilong), gần Thượng Hải. Những người biểu tình đã đập phá trụ sở ủy ban Khải Đông, và cuối cùng đã bị công an giải tán.
  • Tình thế khó xử của Mỹ trong vấn đề Biển Đông (RFI) – Chỉ trích Bắc Kinh quá nặng nề thì sẽ gây tổn hại đến quan hệ với siêu cường quốc đang trổi dậy, nhưng để yên cho Bắc Kinh thì sẽ phá hỏng những nỗ lực ngoại giao nhằm tăng cường vị thế của Mỹ đối với các quốc gia Đông Nam Á đang bị Trung Quốc chèn ép. Đó chính là tình thế khó xử của Mỹ trên vấn đề Biển Đông, theo nhận định của hãng tin AP hôm nay.
  • Nga bác bỏ thông tin về việc mở lại căn cứ ở Việt Nam (RFI) – Bộ Quốc phòng Nga tối hôm qua 27/07/2102 đã bác bỏ thông tin của báo chí Nga cho rằng Matxcơva đang thương lượng về việc mở lại các căn cứ quân sự ở Cuba và Việt Nam. Vào năm 2001, Nga đã quyết định rời khỏi căn cứ hải quân Cam Ranh, mà Nga đã thuê của Việt Nam theo hiệp định ký kết vào năm 1979.
  • Quân đội Syria tấn công Aleppo (BBC) – Lực lượng Syria vừa tiến hành các cuộc tấn công trên bộ và trên không chống lại phiến quân ở các khu vực khác nhau tại Aleppo
  • Dù Thua Quân Assad Hỏa Lực, Đối Lập Syria Vẫn Đánh Mạnh (VietBao)ANADAN – Chỉ trong vài tháng, quân kháng chiến đã từ các nhóm phòng thủ làng xã trở thành 1 phong trào vũ trang có khả năng tiến đánh lực lượng chính phủ tại thủ đô Damascus và thủ phủ thương mại Aleppo – họ cũng đã chọc thủng hình ảnh bất khả bại của quân đội Assad với khả năng tiêu diệt xe tăng và thiết vận xa của đối phương.
  • Tham nhũng Vinalines: thêm nhiều nhân vật tế thần bị bắt khởi tố (CTM) – Đã có thêm bảy cán bộ quan chức liên quan đến vụ tham nhũng ở Tổng Công Ty Hàng Hải Việt Nam (tức Vinalines) vừa bị khởi tố về tội danh gọi là “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, trong khi người cầm đầu vẫn “cao bay xa chạy”.
  • Tám triệu người ở Việt Nam bị bệnh gan (Nguoi Viet) – Phúc trình của Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) công bố hôm 27 tháng 7 cho biết Việt Nam đang có khoảng 8 triệu người bị nhiễm virus viêm gan B, C và ung thư gan.

Tình thế khó xử của Mỹ trong vấn đề Biển Đông


Hàng không mẫu hạm USS George Washington trong chuyến thăm hữu nghị các nước tại vùng Biển Đông, 9/2010 (Reuters)
Thanh Phương (RFI)
Chỉ trích Bắc Kinh quá nặng nề thì sẽ gây tổn hại đến quan hệ với siêu cường quốc đang trổi dậy, nhưng để yên cho Bắc Kinh thì sẽ phá hỏng những nỗ lực ngoại giao nhằm tăng cường vị thế của Mỹ đối với các quốc gia Đông Nam Á đang bị Trung Quốc chèn ép. Đó chính là tình thế khó xử của Mỹ trên vấn đề Biển Đông, theo nhận định của hãng tin AP hôm nay.
Hãng tin AP nhắc lại rằng, vào năm 2010, trong chiều hướng tăng cường trở lại sự hiện diện tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã từng tuyên bố việc bảo đảm tự do lưu thông hàng hải và duy trì hoà bình, ổn định ở vùng Biển Đông là vấn đề « quyền lợi quốc gia đối với Mỹ ». Không chỉ củng cố quan hệ quân sự với Philippines và thắt chặt hơn nữa bang giao với kẻ thù cũ là Hà Nội, Washington còn mạnh mẽ ủng hộ nỗ lực của ASEAN thương lượng đa phương với Trung Quốc và soạn thảo bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Nhưng căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gia tăng, đặc biệt với việc Trung Quốc trong thời gian đã liên tục có những hành động nhằm xác quyết chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà gần đây nhất là quyết định triển khai một đơn vị đồn trú ở « thành phố Tam Sa », thành phố do Bắc Kinh thành lập vào tháng trước, với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tại Washington, các nghị sĩ quan tâm đến chính sách châu Á đã nhanh chóng phản ứng. Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain xem đó là một hành động mang tính khiêu khích và càng cho thấy là Trung Quốc muốn thông qua hù dọa và ép buộc để áp đặt đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Jim Webb ngày 26/07 vừa qua cũng vừa tuyên bố rằng mưu toan của Bắc Kinh nhằm xác quyết chủ quyền trên các đảo đang tranh chấp có thể được xem là một sự vi phạm công pháp quốc tế. Về phần Bộ Ngoại giao Mỹ tuy phản ứng thận trọng nhưng họ cũng chỉ trích « những hành động đơn phương của Trung Quốc ».
Theo nhận định của AP, trong bối cảnh tranh cử cho nhiệm kỳ hai trước đối thủ Cộng hòa Mitt Romney, tổng thống Barack Obama không thể tỏ ra mềm yếu trước Trung Quốc, nhất là vì ông Romney vẫn chỉ trích ông Obama là quá nhu nhược đối với Bắc Kinh và ứng cử viên Cộng hòa đã cam kết là nếu đắc cử, ông sẽ có chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, đặc biệt là về mặt thương mại.
Trong chính sách về Biển Đông, Hoa Kỳ vẫn nhấn mạnh là họ không đứng về phe nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, nhưng trong mắt của Bắc Kinh, chính việc Hoa Kỳ can thiệp vào vấn đề này đã khiến cho Việt Nam và Philippines trở nên cương quyết hơn đối với Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền.
Hãng tin AP cho rằng, chiến lược của Mỹ về Biển Đông tùy thuộc phần lớn vào những nỗ lực của ASEAN. Tuy khối này đã đạt được vài tiến bộ về việc soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông, nhưng chua có dấu hiệu gì cho thấy là các tranh chấp lãnh thổ sẽ được giải quyết và Biển Đông nay đã trở thành vấn đề gây chia rẽ nội bộ các nước Đông Nam Á, thể hiện qua việc lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của khối này, ASEAN đã không thể ra được một thông cáo chung tại hội nghị thường niên các Ngoại trưởng tại Phnom Penh vừa qua.
Tuy vào tuần trước, nhờ trung gian của Indonesia, ASEAN đã đạt được một thỏa hiệp về vấn đề Biển Đông, nhưng thoả hiệp này vẫn không làm Washington an tâm, vì nó chưa loại trừ được vĩnh viễn một kịch bản mà chính quyền Obama đang cố hết sức né tránh, đó là tranh chấp chủ quyền Biển Đông đẩy các quyền lợi chiến lược của Mỹ vào thế đối đầu với Trung Quốc.

Hiểm họa mất nước và nhu cầu dân chủ hóa

Lê Kim-Song
-
Với những động thái ngày càng hung hăng và có hệ thống trên Biển Đông, Trung Quốc đang biểu lộ dã tâm biến Biển Đông thành ao nhà của mình một cách trắng trợn bất chấp công luận và pháp luật quốc tế (Công Ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS, 1982) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên (DOC, 2002)). Vấn đề Biển Đông và hàng loạt những vấn đề khác trong quan hệ với Trung Quốc (kể cả hai hiệp định trên đất liền (1999) và lãnh hải (2000), vấn đề bauxite Tây Nguyên và việc cho Trung Quốc thuê hàng chục ngàn mẫu rừng đầu nguồn) đang đặt ra cho dân tộc Việt Nam một đe dọa rất lớn đối với sự mất còn của đất nước chúng ta.
Đối với tranh chấp Biển Đông về mặt đối ngoại, chính phủ Việt Nam lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam và tìm kiếm sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế nhưng về mặt đối nội, giới lãnh đạo Việt Nam đã tỏ ra mâu thuẫn trong chính sách của mình.
Chính phủ Việt Nam hay nói cho đúng hơn, Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) cần hiểu rằng cái vũ khí vạn năng để chống ngoại xâm chính là tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam. Điều này đã được minh chứng một cách hùng hồn qua lịch sử của đất nước. Bắt bớ, sách nhiễu những người dân đi biểu tình chống Trung Quốc là chà đạp tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam, là tự mình từ bỏ một thứ vũ khí mà kẻ xâm lược e sợ. Đây là một chính sách đang tạo ra nhiều bất mãn trong xã hội và đồng thời thể hiện một lập trường nhiều mâu thuẫn và không nhất quán trong việc chống ngoại xâm.
Sự an nguy của tổ quốc đang đặt ra nhu cầu dân chủ hóa đất nước để có thể vận dụng sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong cuộc đối đầu với Trung Quốc – một hiểm họa thường trực đối với dân tộc Việt Nam.
Vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, khi nhân loại đã không còn luyến tiếc và quăng vào sọt rác Chủ Nghĩa Cộng Sản, một chủ nghĩa không tưởng cả về mặt lý thuyết và hiện thực, thì hiện nay ở đất nước chúng ta ĐCSVN vẫn còn cố gắng vực dậy cái thây ma nhiều tội lỗi để biện minh cho độc quyền lãnh đạo đất nước của họ. Cho đến giờ phút này, ĐCSVN vẫn cương quyết bám víu vào quyền lực, không chấp nhận Tam Quyền Phân Lập (Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp) – một cơ chế điều hành xã hội hữu hiệu đã được kiểm chứng bởi thực tiễn chính trị của hầu hết các quốc gia văn minh và tiến bộ trên thế giới, và đồng thời tiếp tục từ khước quyền lựa chọn những người tài đức để phục vụ đất nước của nhân dân Việt Nam.
Ở một đất nước mà những người lãnh đạo thiếu hẳn sự can đảm để nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc điều hành đất nước (như từ sự vỡ nợ của Vinashin đến sự chồng chất nợ nần của Vinalines và sự làm ăn lỗ lã của nhiều tổng công ty khác) thì sự cần thiết của dân chủ hóa và thực thi một chế độ tam quyền phân lập là một nhu cầu cấp bách hơn bao giờ hết. Khi hàng trăm ngàn tỉ đồng tiền thuế của nhân dân bị lãng phí bởi khả năng quản lý tồi tệ của những người được chính phủ Việt Nam bổ nhiệm thì người đứng đầu chính phủ phải chịu trách nhiệm trực tiếp với nhân dân. Ở các nước có một chế độ dân chủ thì không những ông Tổng Trưởng mà luôn cả ông Thủ Tướng chính phủ củng phải từ chức!
Hệ thống tập đoàn và tổng công ty của Việt Nam hiện nay coi trọng việc thực hiện nhiệm vụ chính trị (duy trì độc quyền chính trị của ĐCSVN) hơn là nhiệm vụ kinh tế. Các tập đoàn và tổng công ty này được ưu đãi về mọi mặt trong kinh doanh (từ ưu đãi về vốn đấu tư đến quyền sử dụng đất đai và các ưu đãi về thuế khóa khác) nhưng vẫn làm ăn kém hiệu năng và hầu hết là lỗ lã. Tính trong sáng và khả năng quy trách nhiệm (transparency and accountability) của hệ thống kinh doanh và hạch toán là điều chưa bao giờ được thực hiện một cách nghiêm chỉnh đối với các tổng công ty và tập đoàn kinh doanh của nhà nước mặc dù đủ thứ quy định và chính sách đã được ban hành. Trên nguyên tắc người đứng đầu các bộ liên hệ của chính phủ cần phải trả lời trước nhân dân về những thất bại trong việc quản lý nền kinh tế và can đảm chấp nhận từ chức vì mình đã không có khả năng thực hiện vai trò lãnh đạo của mình. Nhưng điều này không dễ gì xảy ra tại Việt Nam. Văn hóa từ chức chưa bao giờ được hiểu và thực hành khi đặc quyền đặc lợi quá lớn. Do đó đây là một lý do khác cho việc thực hiện dân chủ hóa guồng máy điều hành đất nước. ĐCSVN luôn viện cớ cần ổn định chính trị để phát triển kinh tế. Không ai phủ nhận điều này. Nhưng như luật gia Lê Hiếu Đằng nhận định: “Đấu tranh mà không phá vỡ sự ổn định xã hội, đó là bài toán phải giải quyết, nhưng quyết không thể nhân danh ổn định mà kìm hãm cuộc đấu tranh để xây dựng nền dân chủ” (http://www.boxitvn.net/bai/13488). Và càng không thể nhân danh ổn định chính trị để duy trì một hệ thống ban phát đặc quyền đặc lợi cho những người trung thành với Đảng và guồng máy kém hiệu năng như hiện nay bằng tiền thuế của nhân dân.
Một trí thức khác tại quốc nội, luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định: “Bên trong, giặc nội xâm là các tập đoàn tham nhũng, các nhóm lợi ích đang ngày đêm tàn phá đất nước. Chúng liên kết với nhau vơ vét của cải, tham nhũng tiền thuế của nhân dân, khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên, hủy hoại môi trường, hủy hoại và làm tha hóa chuẩn mực đạo đức xã hội… Bên ngoài giặc bành trướng đang rình rập chờ cơ hội để xâm chiếm biển đảo của Tổ quốc”
Trở lại vấn đề đối sách với Trung Quốc, chúng ta không thể đối phó với mưu đồ Hán hóa của Trung Quốc trong trường kỳ nếu chúng ta không xây dựng được một nước Việt Nam giàu mạnh và văn minh. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi giới lãnh đạo của đất nước biết đặt quyền lợi của đất nước lên trên quyền lợi vị kỷ của cá nhân và đảng phái của mình. Điều này cũng chỉ có thể thực hiện được khi dân tộc Việt Nam là một khối đại đoàn kết dân tộc, trong ngoài như một. Tinh thần đoàn kết này sẽ có tác dụng răn đe đối với tất cả mọi âm mưu thôn tính đất nước của chúng ta.
Đất nước Việt Nam là đất nước của toàn dân Việt Nam, không phải của riêng của ĐCSVN. Mọi công dân Việt Nam đều có quyền có tiếng nói vào việc điều hành quốc gia thông qua các dân biểu do chính họ bầu ra. Và điều này chỉ có thể xảy ra khi có một chế độ dân chủ thực sự ở Việt Nam.
Khách quan mà nói, một dân tộc tự tạo cho mình những phiền toái không cần thiết về mặt chính trị và xã hội cũng như những rào cản khác trên con đường phát triển sẽ luôn tụt hậu và không thể tránh khỏi lệ thuộc nặng nề vào ngoại bang chưa nói đến ảnh hưởng của những di sản khách quan của lịch sử. Đây chính là hoàn cảnh của đất nước chúng ta hôm nay.
Hãy noi gương Miến Điện, một quốc gia láng giềng của Việt Nam. Các tướng lãnh của họ đã giác ngộ và ý thức được tầm quan trọng của việc dân chủ hóa đất nước của họ và hãy nhìn xem cộng đồng nhân loại đã đáp ứng như thế nào đối với đất nước này! Những đất nước tôn trọng nhân quyền và tự do là những đất nước dễ dàng hòa đồng vào cộng đồng quốc tế.
Từ những nhận định nêu trên, chúng ta có thể tái khẳng định rằng chìa khóa để giải quyết mọi vấn nạn của đất nước – kể cả việc xây dựng sức mạnh chống ngoại xâm, chính là dân chủ hóa việc điều hành đất nước! Không thể tiếp tục tình trạng Đảng cử Đảng bầu cực kỳ vô lý như hiện nay.
Dân chủ hóa để việc vận hành nền kinh tế được tuân theo những quy luật của thị trường, là để việc sung dụng tài nguyên quốc gia được hợp lý và mang lại những hiệu quả kinh tế tối ưu cho xã hội. Dân chủ hóa để thực sự hòa hợp hòa giải dân tộc. Hơn ba triệu người Việt tại hải ngoại sẽ không còn lý do gì để không tích cực đóng góp vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Dân chủ hóa để hội nhập với trào lưu tiến hóa của nhân loại và góp phần vào việc gìn giữ hòa bình trên thế giới. Và quan trọng hơn hết trong giai đoạn lịch sử khó khăn của đất nước hiện nay, dân chủ hóa để bảo vệ sự tồn vong của đất nước!
Dù ĐCSVN muốn hay không muốn, dân chủ hóa là con đường phát triển tất yếu của dân tộc Việt Nam và nhân loại!
Theo: Danlambao

Con đường nam tiến của Trung Quốc

Đoan Trang
-
Con đường bành trướng xuống phía nam của Trung Quốc được thực hiện cả trên bộ lẫn trên biển. Nếu quá bị cuốn vào chuyện biển Đông, chúng ta có thể rơi vào bẫy của Trung Quốc.
Nhận định về công thức trỗi dậy của Trung Quốc, Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên Tùy viên quân sự Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, cho rằng: “Ở đó có sự pha trộn những hàm lượng nhất định của chủ nghĩa bành trướng hiện đại, chủ nghĩa đế quốc mới và chủ nghĩa thực dân mang màu sắc Trung Quốc”. Nói cách khác, Trung Quốc theo đuổi việc mở rộng biên giới của mình bằng nhiều phương thức, nhiều hình thức khác nhau.
Các phía khác đụng đồng minh của Mỹ
Phân tích vị trí địa lý của Trung Quốc, ông Quách Hải Lượng không đánh giá cao cơ hội của Trung Quốc ở phía bắc (giáp với Nga), phía đông (bị Nhật Bản, Hàn Quốc án ngữ, mà đó là những đồng minh thân cận của Mỹ) và phía tây (giáp vùng Trung Á, vốn bất ổn với sự cạnh tranh của nhiều cường quốc). Hướng mở rộng của Trung Quốc gần như chỉ có một.
Nhận định này cũng trùng với ý kiến của TS chính trị học Đinh Hoàng Thắng. Trong một cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Thắng nói: “Phải thấy là Trung Quốc chỉ còn phía nam để phát triển xuống. Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương, nếu chỉ dừng chân trong lục địa Trung Hoa thì không được, mà các ngả khác thì bị chặn hết rồi”.
Biểu hiện rõ ràng nhất của tư tưởng “nam tiến” có lẽ đã xuất hiện từ thời Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Quốc từ năm 1949 đến năm 1976. Tháng 9-1963, Chu Ân Lai phát biểu trong cuộc gặp gỡ với các đại diện của Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Indonesia tại Quảng Đông: “Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông Nam châu Á” (Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm, NXB Sự thật, năm 1979).

Trung Quốc đầu tư hàng tỉ USD vào Campuchia. Đây là một “Angkor Wat trên biển” rộng 36.000 ha được xây dựng trong dự án của Trung Quốc ở Botum Sakor. Ảnh: REUTERS
Đồng tiền đi trước
Hiếm khi nào trong lịch sử sự hiện diện của Trung Quốc ở Đông Nam Á lại mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực như từ một thập kỷ trở lại đây. Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, với sự gắn kết chặt chẽ về địa lý và văn hóa với Trung Quốc, với những yếu kém nội tại của mình, là mắt xích yếu nhất dọc biên giới mà người láng giềng phương bắc của họ có thể khai thác. Đồng tiền đi trước, con đường đầu tư kinh tế có lẽ là lối đi nhanh và hiệu quả nhất. Trong một bài viết mới đây, nhà nghiên cứu Trung Quốc Bonnie S. Glaser (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) cho biết: “Trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc đã theo đuổi một chiến lược ở Đông Nam Á với nội dung căn bản là sử dụng “củ cà rốt” kinh tế để làm tăng lợi ích của các nước Đông Nam Á trong việc gìn giữ quan hệ tốt với Trung Quốc”.
Năm 2010, với những khoản đầu tư trị giá 2,9 tỉ USD, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Lào và có trong tay khoảng 10.000 km2 đất dự án, tương đương với 4% diện tích của cả nước Lào. Người Trung Quốc kiểm soát phần lớn nền kinh tế Lào, từ khai thác mỏ, thủy điện đến cao su, hay cả ngành bán lẻ và dịch vụ khách sạn.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Campuchia: Trong năm năm qua, Campuchia đã nhận được khoảng 2 tỉ USD tiền viện trợ từ Bắc Kinh với những điều kiện hết sức hào phóng.
Tại Myanmar, 8,7 tỉ USD đã được Trung Quốc rót vào các dự án đầu tư trong năm 2010, chưa kể khoản vay không lãi trị giá 4,2 tỉ USD. Tính đến tháng 7-2011, 800 dự án của các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang hoạt động tại Việt Nam với số vốn đăng ký 3,2 tỉ USD, đứng thứ năm trong các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
“Làm đường đến đâu xâm chiếm đến đấy”
Đầu tháng 7-2012, lần đầu tiên Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN với lịch sử 45 năm không thể đưa ra được thông cáo chung mà lý do là sự bất đồng của nước chủ nhà Campuchia với các nước có liên quan đến tranh chấp trên biển Đông. Nguyên nhân sâu xa này nhanh chóng được lý giải khi ngay sau hội nghị, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảm ơn Campuchia về sự hợp tác chặt chẽ của chủ nhà trong tiến trình hội nghị.
Nhà phân tích Bonnie S. Glaser nhận định: “Việc Trung Quốc gây ảnh hưởng khống chế lên Campuchia không phải điều đáng ngạc nhiên. Bắc Kinh đã cung cấp tới hơn 10 tỉ USD đầu tư trực tiếp cho Campuchia. Chỉ tính riêng trong năm 2011, lượng đầu tư mà Trung Quốc cam kết với Phnom Penh cao gấp 10 lần con số Mỹ cam kết. Sự phụ thuộc của Campuchia vào Trung Quốc, về mặt kinh tế, thể hiện rõ ở Cung điện Hòa Bình – công trình được xây bằng tiền tài trợ của Trung Quốc – là nơi họp hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa qua”.
Tháng 6-2011, thủ tướng Campuchia công khai khẳng định Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất, đồng thời là nhà tài trợ lớn nhất trong việc giúp đỡ Campuchia xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm đường sá, cầu cống… Vấn đề ở đây, theo các nhà phân tích, là các thỏa thuận kinh tế luôn kéo theo những hệ quả chính trị, xã hội, quân sự đã được hoạch định từ trước đó.
Đại tá Quách Hải Lượng nói: “Trung Quốc rất giỏi trong việc xâm chiếm bằng cách làm đường. Làm đường đến đâu xâm chiếm đến đấy, di dân đến đấy. Họ mưu tính làm một con đường suốt từ Vân Nam đi dọc Lào xuống tới tận Tây Nguyên, mà ở đoạn cuối Tây Nguyên thì Campuchia và Lào cho họ thuê đất tới 55 năm. Như vậy cả khu vực sẽ gần như là đất của họ”.
“Đứng về chiến lược quân sự, đó là những con đường cơ động chiến lược và cơ động chiến dịch. Về kinh tế thì có thể khống chế được toàn bộ các hành lang quan trọng của bán đảo Đông Dương. Họ xây dựng cơ sở hạ tầng là nhằm như thế” – ông Lượng giải thích.
Trung Quốc đang nắn dần đường biên giới quốc gia không theo cách thức tấn công quân sự truyền thống mà bằng cách di dân. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy có khoảng 2,5 triệu người Hoa đến Đông Nam Á làm ăn sinh sống trong vòng 30 năm qua. Khoảng 1 triệu người Trung Quốc cũng đã di dân đến Myanmar trong giai đoạn 1995-2005, theo báo cáo của nhà nghiên cứu độc lập Sudha Ramachandran (Ấn Độ) và khoảng 300.000 người Trung Quốc đang sinh sống rải rác khắp nơi ở Campuchia. Đây hầu hết là lao động Trung Quốc tìm cách ở lại khu vực bản địa sau khi hết hợp đồng với các dự án. Họ thậm chí hình thành nên các khu “phố Tàu” như ở Mandalay (Myanmar) hay Viêng Chăn (Lào).
Tại Lào, một doanh nghiệp Trung Quốc đã thuê cả một thị trấn nằm sát biên giới hai nước và biến nơi đây gần như thành khu vực của riêng người Trung Quốc. Thị trấn rộng 21 km2 được đặt tên là Bò Thèn này có ngôn ngữ chính là tiếng Trung, thanh toán bằng nhân dân tệ và sử dụng giờ Bắc Kinh thay vì giờ Viêng Chăn. Hệ thống điện, viễn thông và ngay cả các lực lượng chức năng như công an cũng đều được “kéo” từ Trung Quốc sang. Lực lượng hải quan đã dời từ biên giới Lào-Trung xuống phía nam của thị trấn này. (Trung Quốc tăng cường di dân sang Lào, website nghiencuubiendong.vn, Học viện Ngoại giao, 29-3-2010).
Nói đến sự hiện diện của người Trung Quốc ở các khu Hoa kiều và nhiều khu vực có dự án đầu tư ở Việt Nam, Đại tá Quách Hải Lượng nói: “Nếu chấm trên bản đồ Việt Nam những khu vực có người Trung Quốc sinh sống, chúng ta sẽ có một tấm bản đồ da báo”.
Nguy cơ trên đất liền cũng không kém nguy cơ trên biển
Trên thực tế, biển Đông là một bộ phận quan trọng trong ý đồ nam tiến của người Trung Quốc, nơi họ muốn nắm lấy 80% diện tích vùng biển này như một cách mở rộng biên giới quốc gia trên biển một cách phi pháp.
Đại tá Quách Hải Lượng cũng cảnh báo về những nguy cơ trên đất liền, vốn quan trọng không kém các nguy cơ trên biển Đông: “Cần phải nhìn nhận quá trình nam tiến của Trung Quốc một cách toàn diện, trong đó không chỉ có khu vực biển Đông và hình thức xung đột quân sự. Đó còn là quá trình diễn ra trên đất liền với những hình thức chiến tranh kinh tế, chiến tranh tiền tệ, chiến tranh mạng, là bành trướng văn hóa, là áp lực chính trị, là quá trình di dân…”.
Theo: Pháp Luật TP. HCM

Nhưng chống Trung Quốc bằng cách nào?

Ngô Nhân Dụng
-
Câu tựa đề trên đây là ý kiến của một vị độc giả sau khi đọc bài trước trên mục này: “Ai cũng biết Việt Nam đang bị Trung Quốc làm nhục, nhưng chống Trung Quốc bằng cách nào?”
Ðó cũng là ý kiến của Thái Úy Trần Nhật Hiệu, vào thế kỷ 13.
Năm 1257 Hốt Tất Liệt, sau khi xóa tan nước Ðại Lý, sai quân tấn công nước ta vì vua nhà Trần không chịu qua Vân Nam khấu đầu quy phục. Ðạo quân Mông Cổ phá đổ hàng phòng thủ đầu tiên do Trần Quốc Tuấn chỉ huy; rồi đánh bại đạo quân chính do Trần Thái Tông trực tiếp lãnh đạo; tiến tới chiếm thành Thăng Long, “cướp phá, giết tất cả nam phụ lão ấu ở trong thành,” như Trần Trọng Kim ghi trong Việt Nam Sử Lược. Triều đình chạy về Hưng Yên, Thái Tông hỏi ý kiến mọi người. Thái Úy Trần Nhật Hiệu cầm sào viết xuống nước hai chữ: Nhập Tống (xin vào nước Tống). Lúc đó Tống còn là tên gọi cả nước Trung Hoa; mặc dù vua quan nhà Tống chỉ còn làm chủ một mẩu đất ở vùng Quảng Ðông, hai năm sau mới bị quân Mông Cổ tiêu diệt. Nếu theo lời khuyên của Thái Úy Trần Nhật Hiệu thì vua nhà Trần đã xin hàng. Nhưng Thái sư Trần Thủ Ðộ có ý kiến khác: “Ðầu tôi chưa rơi xuống đất thì xin bệ hạ đừng lo.” Cuối cùng nước Việt Nam không bị nhục.
Vị độc giả trên còn lý luận: “Chưa thấy ai nói đến phương thức chống Trung Quốc bành trướng một cách có hiệu quả. Chỉ có những cuộc biểu tình ồn ào, không kết quả.”
Năm 1285 chắc cũng có người nghĩ như vậy. Trước mối đe dọa quân Nguyên sang tấn công lần thứ ba, Thái thượng hoàng Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông mời các vị già cả trong nước vào họp ở điện Diên Hồng để tham khảo. Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư viết: “Các phụ lão đều nói ‘Ðánh,’ vạn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng.”
Ðiện Diên Hồng có lẽ không đủ rộng để chứa đến một vạn người. Nhưng dù chỉ có hàng ngàn thì không khí cuộc họp chắc cũng đủ “ồn ào,” náo nhiệt, “muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng,” không khác gì trong các cuộc biểu tình trước tòa đại sứ Trung Quốc gần đây. Những “phụ lão” thời nhà Trần chắc cũng chỉ trên dưới 50 tuổi, còn quá trẻ so với những “cụ” Nguyễn Quang A đi biểu tình ở Hà Nội, hay Hòa Thượng Thích Chí Thắng mới xuống đường ở Huế. Các phụ lão thời đó chắc chỉ vào tuổi cho các cô Trịnh Kim Tiến, Huỳnh Thục Vy gọi là chú thôi! Nhưng cuộc “biểu tình” trong điện Diên Hồng đã có kết quả. Cuộc họp mặt hào hùng đó cho thấy một cách “chống Trung Quốc bành trướng.” Phương thức duy nhất có kiệu quả là: Toàn dân một lòng bảo vệ danh dự quốc gia. Nhờ thế, sau cùng nước Việt Nam không bị quân Mông Cổ chiếm mất. Nếu vua và dân nhà Trần đều run sợ mà chịu nhục thì có thể từ đó nước ta đã biến thành một tỉnh hay một quận của nước Trung Hoa cho tới bây giờ, không khác gì tỉnh Vân Nam.
Vị độc giả trên đây còn lo sợ: “Dùng quân sự không thể thắng Trung Quốc, Hải quân ta quá yếu… Trung Quốc đã chế được tàu vũ trụ, Việt Nam ta (chỉ) tổ chức được (thi) Hoa Hậu Thế Giới. Cán cân đã ngã ngũ. Xin đừng bàn vấn đề này như truyện kiếm hiệp Kim Dung, chỉ nhục thêm.”
Không ai muốn “nhục thêm,” nhưng phải hỏi: Nếu có hai còn đường phải chọn, một bên là im lặng hèn nhát, bên kia là chống cự đến cùng, thì con đường nào nhục nhã hơn? Không người Việt Nam nào muốn gây chiến tranh với Trung Quốc. Nhưng bị lấn ép mãi mà không dám đối đầu thì chắn chắn nhục nhã. Mà trong tình thế hiện nay, Trung Quốc không dám đánh Việt Nam, vì những quyền lợi thiết yếu của họ.
Vào đời nhà Trần, cán cân lực lượng giữa nước ta và nhà Nguyên cũng chênh lệch không khác gì với Trung Cộng bây giờ. Có thể nhà Trần còn yếu hơn nhiều vì cả trăm năm người Việt không biết đến chiến tranh. Quân Mông Cổ thì vừa mới chinh phục tất cả nước Trung Hoa sau khi làm cỏ suốt vùng Trung Á, sang đến Nga và Ðông Âu; đạo quân bách chiến tới đâu tàn sát đó rồi đặt người mới cai trị. Dân số Việt Nam lúc đó được mấy triệu và quân đội nhà Trần có được bao nhiêu người? Vua nhà Nguyên sai một đạo quân trăm ngàn lính thiện chiến sang đánh, cuối cùng chỉ còn 20 ngàn tơi tả chạy về. Nhờ đâu nhà Trần giữ vững được bờ cõi nước ta? Vì toàn dân trên dưới một lòng: Thà làm quỷ nước Nam! Chúng ta cũng đừng quên rằng các vị vua nhà Trần đều là dòng dõi người Việt gốc Hoa, qua nhiều đời họ đã hóa thành dân tộc Ðại Việt; nhưng khi cần chống ngoại xâm thì họ vẫn được toàn dân ủng hộ.
Vị thế của Trung Quốc bây giờ chắc chắn không mạnh bằng thời nhà Nguyên. Vào thế kỷ thứ 13, Trung Quốc chiếm địa vị bá chủ trong vùng Á Ðông, về chính trị, kinh tế, và quân sự. Chưa có những nước Nhật Bản, Nam Hàn giầu mạnh, chưa có khối Ðông Nam Á cùng lo lắng trước đế quốc Trung Hoa mới. Chưa có nước Nga đè nặng phía Bắc. Cũng chưa hạm đội thứ bẩy của Mỹ và một ông tổng thống khẳng định vì quyền lợi nước Mỹ sẽ duy trì sự có mặt ở Á Châu Thái Bình Dương.
Nhà Nguyên cũng không cần tiền đầu tư ngoại quốc đổ vào, không lệ thuộc các tài nguyên, nhiên liệu từ các nước Á Châu, Phi Châu và Nam Mỹ để phục hồi kinh tế, không lo việc dân chúng đòi tự do dân chủ, không sợ bị cả thế giới ngưng giao thương nếu có hành động hiếu chiến, xâm lăng.
Trung Cộng bây giờ mang đầy những mối lo tâm phúc đó! Hải Quân Trung Cộng không dám đánh chiếm đảo Ðiếu Ngư đang bị Nhật chiếm đóng; vì Bắc Kinh không muốn dân Nhật Bản nổi giận yêu cầu chính phủ tái võ trang, lập lại quân đội. Tầu thuyền Trung Cộng phải rút khỏi vùng biển tranh chấp với Philippines vì nếu có chiến tranh thì các nước trong vùng sẽ phải cùng nhau xin liên kết với Mỹ chặt chẽ hơn. Bắc Kinh cần giữ hòa bình trong vùng biển Ðông nước ta vì nếu con đường giao thông qua đó bất an thì cả nền kinh tế Trung Quốc sẽ lo không có đủ nguyên liệu và nhiên liệu để chạy bình thường. Chính Bắc Kinh sẽ lo tránh đụng độ nhiều hơn nước ta, vì nếu thêm một trăm ngàn dân thất nghiệp thì chế độ cộng sản sẽ sụp đổ!
Nhà Nguyên có thể đem quân đánh Việt Nam vì vào thế kỷ 13 nước ta hoàn toàn cô lập. Cũng giống như năm 1979 Trung Cộng đã “dạy một bài học” cho Lê Duẩn về tội phản phúc vì Cộng Sản Việt Nam đang bị cả thế giới tẩy chay. Tình trạng thế giới ngày nay hoàn toàn khác. Không nước nào lo bị cô lập nữa, mà Trung Quốc cũng không còn địa vị độc quyền bá chủ nữa. Nước Mỹ, Châu Âu cũng như Ấn Ðộ, Nhật Bản, và các nước Ðông Nam Á sẽ phản ứng mãnh liệt nếu Trung Cộng gây chiến với Việt Nam. Họ sẽ ngăn cản đến cùng, vì quyền lợi của chính họ chứ chẳng cần họ phải thương yêu gì nước mình! Ý nghĩ cho rằng Trung Cộng muốn làm gì thì làm, các nước nhỏ chung quanh phải sợ sệt như giun như dế mới thật là hoang tưởng. Ðó mới là sống trong “truyện kiếm hiệp Kim Dung!”
Nhưng vị độc giả có lòng còn lo ngại, viết rằng nếu “Dùng chánh trị (chống lại Trung Cộng thì sẽ) lệ thuộc Mỹ hoặc phương Tây.”
Ðó cũng là một điều hoang tưởng. Thế giới bây giờ không ai còn phải lo bị lệ thuộc như vậy, dù lệ thuộc Mỹ hay lệ thuộc Tàu, nếu tự mình biết khôn ngoan và quyết tâm bảo vệ nền độc lập. Năm 1940, các nước Anh, nước Pháp đã nhờ quân Mỹ sang đánh quân Ðức Quốc Xã, sau đó các nước này bị lệ thuộc nước Mỹ hay không? Nếu không có Mỹ bảo vệ thì Nam Hàn và Ðài Loan đã biến mất từ lâu rồi, nhưng bây giờ ai dám nói rằng các nước này lệ thuộc Mỹ? Nếu thân với Mỹ mà dân nước họ giầu có, được sống trong dân chủ tự do được thì tại sao họ không kết thân? Trên thế giới bây giờ không một nước nào lo phải lệ thuộc nước khác, vì tất cả các nước đều tùy thuộc vào nhau trong nền kinh tế toàn cầu hóa. Có ai bắt Singapore phải mở cửa cho tầu chiến Mỹ vào bến tu bổ, có ai bắt họ phải ký hiệp ước tự do thương mại với Mỹ hay không? Chẳng qua là vì Singapore thấy các hành động đó có lợi cho dân họ!
Vị độc giả nêu những ý kiến trên đây có thể vì tấm lòng lo cho đất nước thật. Nhưng các ý kiến đó cũng là luận điệu để bào chữa cho thái độ khiếp nhược, sợ hãi một cách vô lý trước các hành động gây hấn và lấn áp của Cộng Sản Trung Quốc. Ðó cũng là luận điệu mà Bắc Kinh muốn người mình truyền cho nhau nghe. Ðể cho cả nước Việt Nam chết nhát! Người Việt Nam không hèn nhát như vậy, ngay từ thời Hai Bà Trưng, bà Triệu.
Không thể chấp nhận những luận điệu hèn nhát, chưa chi đã lo nước Việt Nam không đủ sức chống lại Trung Cộng. Những kẻ đưa ra các luận điệu đó chỉ làm trò “rung cây nhát khỉ” để phục vụ Bắc Kinh và biện minh cho những thái độ khiếp nhược của họ. Nếu mỗi lần Trung Cộng tấn công tầu đánh cá Việt Nam, bắt cóc các ngư dân nước mình, thì một chính quyền Việt Nam biết trọng danh dự đã hành động trả đũa liền. Có thể quyết định tống xuất một ngàn công nhân Trung Quốc làm việc không giấy phép ở trong nước ta ngay sau khi “tầu lạ” đánh dân mình. Ðang có hàng chục ngàn di dân lậu trong đám các công nhân Trung Quốc, một đêm là có thể tìm ra một ngàn người dễ dàng. Trục xuất di dân lậu là một việc làm hợp pháp, hợp đạo lý, quốc tế phải công nhận là đúng lẽ phải. Liệu Trung Cộng có dám vì thế mà đem quân sang đánh nước ta hay không? Thế giới có ngồi im cho họ hành động ngang ngược như vậy hay không? Dân Việt Nam đã hèn nhát từ bao giờ vậy?
Năm 1974 ông Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh Hải Quân Việt Nam chống cự đến cùng khi quân Trung Cộng tiến đánh Hoàng Sa. Lúc đó ông tổng thống Việt Nam Cộng Hòa chắc phải biết rằng những người lính sắp ra trận sẽ phải chịu hy sinh. Dù biết như vậy, ở địa vị người lãnh đạo một quốc gia, ai cũng phải ra lệnh tử chiến. Họ không thể chỉ nghĩ đến kế an toàn cho mỗi người lính. Vì phải bảo toàn danh dự quốc gia, vì còn phải nghĩ đến tổ tiên và con cháu.
Những người lính Việt Nam bảo vệ thành phố Lạng Sơn năm 1979 có biết rằng họ sắp bỏ mình trước biển người quân Trung Cộng hay không? Tại sao họ vẫn cầm súng chống cự tới cùng? Thiếu Tá Ngụy Văn Thà khi cùng các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam chống cự tới cùng đến lúc chỉ còn lưỡi lê trên đầu súng, họ có biết là họ sắp hy sinh hay không? Tại sao họ vẫn bám lấy mảnh đất Hoàng Sa cho đến chết? Tất cả những người lính Việt Nam, dù ở miền Nam hay miền Bắc, đều biết họ sẽ chết, nhưng chết cho tổ quốc Việt Nam. Vì bổn phận với tiền nhân bao đời trước. Vì biết còn bao nhiêu thế hệ con cháu đời sau. Người Việt Nam xưa nay không khiếp nhược.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét