Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Nhật ký VƯƠNG-TRÍ-NHÀN 2011 (tuần XLVI – LII)

-Nguồn:-Nhật ký 2011 (tuần XLVI – LII) VƯƠNG-TRÍ-NHÀN -20-11
THỬ TRẢ LỜI  MỘT SỐ CÂU HỎI THỜI SỰ
-- Tại sao nhiều người quá tin vào những lời hứa hão để cho vay với lãi xuất cao ? Chỉ tại lòng tham ?
--  Không đủ. Lòng tham con người VN thời nay quái đản kỳ quặc hơn bất cứ thời nào. Thời đại đẩy họ tới cách nghĩ như vậy. Trước mắt họ bao nhiêu kẻ tự nhiên giàu lên đùng đùng, bao nhiêu vụ làm ăn nhảm nhí cuối cùng trót lọt. Họ không còn tin tính chính thường của sự phát triển.
Vả chăng, dân ta thường sống bằng tâm lý cầu may.

-- Tại sao  nói ngọng ngày một tràn lan?
-- Vì cả xã hội chúng ta đang có một thái độ rất cẩu thả về ngôn ngữ. Vì các chuẩn mực của chúng ta không hình thành, và trước đó, một số thành phần của nó được hình thành một cách ngẫu nhiên tùy tiện. Tôi rất muốn viết một bài báo  chứng minh rằng với tư cách một công cụ giao tiếp,  thứ ngôn ngữ mà chúng ta đang dùng làm chậm lại sự phát triển xã hội.
Nói ngọng l/n chỉ là một dạng. Chúng ta đang ngọng đang cóng trong bao nhiêu chuyện khác. Trong khoa học có một danh từ gọi là entropy. Nó là sự hỗn loạn, là sự thoái hóa, là điểm chết.
        
22-11
ĐỒNG TIỀN VÀ XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
   D.I. Levin Sự hiện đại hóa theo kích thước của nhân loại là tên cuốn sách anh  Sokolov mới gửi tôi, trong đó ngay trang đầu đã có một câu đầy hấp dẫn “ Đối với ngành nghiên cứu tâm lý xã hội không có một nhiệm vụ nào quan trọng và khó khăn hơn là  cắt nghĩa  bằng cách nào, con người của xã hội truyền thống  lại trở thành những nhân cách của xã hội hiện đại”( nguyên là của hai tác giả Mỹ Inkeles và Smith, Levin chỉ dẫn lại)
    Ở trang 100 của cuốn sách, tác giả lại trích một đoạn trên Tạp chí kinh tế Viễn Đông FEER 29-9- 1994, viết rằng “ một sự thay đổi khủng khiếp đã diễn ra trong lòng người dân Trung quốc. Tiền! Có thể nói chỉ riêng từ đó  đã thâu tóm đầy đủ tâm trạng của người Tầu hiện đại”

24-11
SỰ VÔ CẢM THƯỜNG TRỰC
   Từ dưới bãi một em nhỏ lên cầu Long Biên, cất tiếng chào khi tôi dắt xe từ cầu đi xuống. Lẽ ra tôi phải sung sướng vì gặp được một đứa trẻ ngoan mới phải. Sao lần này cứ thấy gờn gợn. Mãi mới nghĩ ra. Đứa trẻ chỉ chào lấy lệ. Em chẳng hề quan tâm tới tôi, chả đặt một thoáng tình cảm nào vào lời chào của em. Và có vẻ đó không phải là một đứa trẻ ngoan nữa, một ấn tượng bao trùm đọng lại trong tôi.
    Mặc dù biết vậy, tôi vẫn không khỏi… tủi thân. Nhất là buồn cho một con người mà mình vừa gặp.
    Muốn gọi đó là sự vô cảm.
    Chung quanh mình đang có một sự vô cảm thường trực. Bận bịu quá, nhiều thứ thu hút quá, con người không còn những xúc cảm bình thường mà con người xưa nay thường trải nghiệm.
    Dư luận đang nói nhiều tới sự vô cảm. Chủ yếu muốn kêu gọi lòng trắc ẩn, tức là thương xót cảm thông với những bất hạnh.
     Nhưng tôi cho là lẽ ra chúng ta phải đặt tình cảm suy nghĩ vào những người quanh ta ở tất cả biểu hiện của nó. 
      Không chỉ vô cảm trước tai họa mà còn không được vô cảm trước các tài năng, trước vẻ đẹp, trước sự cao quý của con người. Cái đó càng thấy rõ là cần trong một xã hội bị thống trị bởi chủ nghĩa bình quân và tràn ngập những yếu tố thấp kém.    

27-11
       Sợ hãi và bóng tối nuôi dưỡng những kẻ tàn bạo.
       Sai dốt là căn bệnh khó chữa nhất. Khôn vặt bao giờ cũng kèm theo khôn nhà dại chợ. Ngu dốt thông đồng với nô lệ và dã man.
       Học là gì? Là từ con người hoang dã trở thành người làm chủ mình. Từ bản năng đi đến trí tuệ. Khổng Tử là người đầu tiên quan niệm về học như vậy.
   
      Thời đại chúng ta cốt yếu là một thời đại bi thảm, bởi thế chúng ta  từ chối cảm nhận nó một cách bi thảm. Cuộc đại biến động đã xảy ra, chúng ta ở giữa những đổ nát, chúng ta bắt đầu xây dựng những túp lều trú ngụ tạm bợ và dấy lên chút hy vọng nhỏ bé mới. Đó là một công việc khá nhọc nhằn. Bây giờ không có một  con đường bằng phẳng nào dẫn tới tương lai, nhưng chúng ta sẽ đi vòng quanh hoặc bò qua những trở ngại. Chúng ta phải sống thây kệ bao nhiêu bầu trời đã sụp. (D.H.Lawrence, nhà văn Anh, 1885-1930 tác giả Người tình của  Chatteley phu nhân)

30-11
 GIỮA VÒNG VÂY
 CỦA MỘT THỊ TRƯỜNG QUẢNG CÁO TÀN BẠO

   Chị Đàm bạn tôi kể bữa cơm cũng như mọi nhà thường hay đồng thời xem tivi. Nhưng tay chị luôn phải cầm bộ điều khiển để hết tin là tắt tiếng ngay, một sự tự vệ tránh sự khó chịu mà quảng cáo mang lại.
    Sao mà quảng cáo thời nay nhiều thế!
    Chúng tôi là lớp người già, thường nhớ cái câu “hữu xạ tự nhiên hương’. Chắc là hàng kém hàng hỏng thì nhiều nên mới phải chi cho quảng cáo lớn đến thế, thấy sự lặp lại quá đáng của nhiều chương trình quảng cáo, chúng tôi thường tự nhủ.
     Quảng cáo ồn. Quảng cáo nhạt. Quảng cáo theo lối của dân bán kem rao trên tầu điện trước 1954  ở Hà Nội. Quảng cáo vào nhà người ta theo lối của kẻ gian phi, cứ sắp đến những tin mà người ta chờ đợi – chẳng hạn các tin thời sự thế giới, hoặc mảng tin thể thao—buộc người ta đằng nào cũng phải nghe.
    Và tôi cũng ngờ trong cái triết lý chi phối nhiều chương trình quảng cáo, ở cái lõi của nó, không khỏi chứa chất một chút triết lý lưu manh. Để bán được hàng, tôi có quyền nói quá lên so với sự thực. Che giấu mặt xấu, chỉ phô ra mặt tốt. Nói dối ít chút thôi, nhưng với niềm tin mọi dối trá đều thắng thế miễn là lặp đi lặp lại nhiều lần. Đó cũng là thứ triết lý vuốt ve nịnh bợ mà thực ra là khinh rẻ con người và sẵn sàng lấy thịt đè người, đẩy tới cùng thì thành triết lý của khủng bố và bạo lực.

4-12
 THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHÓAN
 Kỳ dị    Bàn về cái lĩnh vực mà tôi mù tịt này, một nhà chuyên môn bảo rằng nó, trong  những ngày cuối năm 2011, đang bị méo mó, lệch lạc hay nói đúng hơn là “dị dạng”, không  bộc lộ đúng bản chất  ….
 Xã hội thu nhỏ   Có lần tôi nghe một người trong cuộc than thở, bây giờ tôi không còn biết tin ở ai nữa, không tin ở cơ quan quản lý mà cũng không tin ở những đồng nghiệp của mình.

NHÌN RA THẾ GIỚI
Gaddafi nhà chính trị. Ông tự coi mình là người lập ra chính phủ của quần chúng nhà nước quần chúng. Có kỹ năng thao túng đám đông. Sự cai trị của ông có đặc tính bảo trợ và kiểm soát chặt chẽ của nhà nước cảnh sát. Tệ nhất là việc lấy người dân Lybi làm vật thí nghiệm cho các lý thuyết xã hội. Cũng tiến hành cách mạng văn hoá, cấm doanh nghiệp tư nhân hoạt động và đốt sách báo không hợp. Lương công chúng thấp. Chỉ một bộ phận thượng lưu sống sung sướng.
 Chất đồng bóng  Một trong những nét đáng nhớ của nhà lãnh đạo Lybi vừa bị gạt bỏ  này là tính đồng bóng. Nền chuyên chế thường đi kèm theo với cả thói đĩ bợm, nói chung là sự truỵ lạc.
 Trở lại với VN trong quá khứ. Sách Xã hội Đại Việt  của Lê Nguyễn thấy kể, theo lời lái buôn Poivrre, chúa Nguyễn Võ Vương Phúc Khoát  cũng  đỏng đảnh, thích tập trung phụ nữ các trấn về rồi cùng học thêu, học may với họ.
Về quan hệ giữa chúa và các quan chức đương thời, Poivrre viết ” chúa sống giữa một đám những tên ăn cắp đã chia sẻ với ông cái thi thể của một đất nước nghèo nàn.”
        Khó lường   Một đội bóng khó đánh bại là một đội bóng trở nên khó lường. Gaddafi là kẻ khó lường. Gaddafi người coi thường mọi nguyên tắc mà mọi người ở địa vị ông ta phải theo. Ông ta bảo "người dân ở bốn góc trời này đều yêu mến tôi".
         Phát điên     Dân Nga nói về Putin sau vụ bầu cử :"Chính phủ của ông ta tệ hại, tòa án là những con rối, những kẻ chuyên áp hình phạt thì khoác áo cảnh sát, các ủy ban bầu cử đã xếp sẵn kết quả và những người trong guồng máy của ông ta thì nắm giữ những vị trí quan trọng nhất, béo bở nhất - tất cả những thứ đó khiến chúng tôi phát điên!"
      Sự tưởng tượng chỉ huy cuộc sống  Nhà phê bình lịch sử Ian Ratchinski nhận định về cặp lãnh đạo nước Nga Putin-Medvedev“Dù họ không ủng hộ tư tưởng cộng sản, nhưng hai ông vẫn quản lý đất nước theo kiểu chế độ Xô Viết, giống như các lãnh đạo Liên Xô cũ chỉ dựa trên các báo cáo ngụy tạo của cơ quan mật để ra quyết định. Họ luôn sống trong một thế giới tưởng tượng.

  7-12     
 GHI VẶT
     Tờ Thể thao văn hoá có bài Mỹ cũng khủng hoảng giáo dục.
     Người mình hôm nay rất thích những bài nói về cái xấu của thế giới. Họ cũng như mình. Họ còn tệ hơn mình nữa. Trong cơn tuyệt vọng, điều đó giống như một niềm an ủi.
       Một nhà sử học tự hào mình đã dám nói là vua Gia Long thuỷ chiến giỏi. Việc tối thiểu, bây giờ được coi là việc ghê gớm, kỳ thế đấy.

Ý của bộ trưởng Lê Doãn Hợp hồi còn đương chức: không thể cho phép có báo chí tư nhân, vì dân trí thấp và nhà báo không chuyên nghiệp.
Nhưng nhớ lại sau 1945, tại sao có báo chí tư nhân? Lúc ấy khá hơn?  Kết luận là xã hội chúng ta đã thụt lùi? Lỗi đó thuộc về ai ? Rồi sự thụt lùi còn đi đến đâu?

HẬU CHIẾN THỜI NAY – HẬU CHIẾN THỜI XƯA
     Chiến tranh trong xã hội VN cũ gồm cả nội chiến lẫn chống ngoại xâm. Cả hai cùng khai thác sức người đến kiệt quệ.
     Sau chiến tranh phần lớn lính tráng còn sống trở về cũng trong tình trạng thân tàn ma dại, giải ngũ chẳng qua là cam lòng sống chút ngày thừa. Cả một xã hội làng xã quằn quại giữa tàn lụi và tái sinh, thiếp đi đến hàng vài chục năm.
   Thời nay, chiến tranh hiện đại càng bòn rút sức người đến khủng khiếp. Nhưng phần lớn các chiến binh khi trở về không cam chịu cảnh bị gạt ra rìa.  Chúng ta đổ về các đô thị lấp đầy bộ máy nhà nước và bắt tay vào những công việc phức tạp của quá trình xây dựng xã hội hiện đại.
    Về chuyên môn, ta gần như không được đào tạo. Nhưng cần gì ?  Duy ý chí ư ? Ảo tưởng… Giá kể có ai nói vậy thì ta thừa sức cãi lại. Cái khát vọng làm lại cuộc sống thổi vào tai ta đủ thứ lý lẽ, mà lý lẽ quan trọng nhất là đã làm chiến tranh được thì làm gì cũng được.
     Theo tôi đây là cái tâm thế đang đóng vai trò chi phối mọi người cả tôi cả anh cả nhiều người chúng ta. Nó là nguồn gốc của sự bừng bừng khí thế và những rạn vỡ hôm nay do chính chúng ta tạo ra.
    Ngày xưa ta từng tự nhủ chỉ cần đất nước trong tay người mình thì chúng ta sẽ làm được tất cả.
    Ngày nay nhiều người hầu như quên rằng đã có lúc bảo nhau lý lẽ theo kiểu ấy. Ta lảng tránh, không muốn bàn thêm thế nào là sai, thế nào là đúng. Chỉ còn hành động theo thói quen, hành động theo những định hướng có sẵn. Tai vạ làm sao thoát khỏi?

 10--12
 DI LỤY CHIẾN TRANH  
     PLTP  đưa tin theo thống kê, bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam có tại tất cả các tỉnh, thành phố với hàng trăm chủng loại khác nhau.
    Tổng diện tích bị ô nhiễm bom mìn lên tới 6,6 triệu ha, chiếm khoảng 20,12% diện tích cả nước. Ước tính để dọn sạch bom mìn, vật liệu nổ trên toàn quốc sẽ phải mất hàng trăm năm với kinh phí lên tới khoảng 10 tỉ USD.
    Thế còn những di lụy trong cách nghĩ cách sống? Có thể ước tính ra sao?
    Sau vụ Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng, có tin ở Đà Nẵng có một nhóm gồm 7 người tuổi còn rất trẻ, lập blog, lấy tên là “Sống về đêm”, tự xưng là “đàn em của Lê Văn Luyện”. Chung tiền mỗi người từ 50.000 - 100.000 đồng để mua máy về chế tạo hung khí.
     Khi giải thích chuyện này người ta có thiên hướng xem đó là do ảnh hưởng của phim hành động xã hội đen. Tôi công nhận cái đó có. Nhưng  tôi còn nhớ tới những tấm gương chiến đấu trong chiến tranh mà người ta viết thành bài học ngày nay vẫn đem giảng ở nhà trường. Có khác nhau mấy đâu.

HIỆN ĐẠI HÓA  THEO KIỂU CHÍN ÉP
       Các loại bao bì ngày một bị lạm dụng. Theo tôi hiểu, ở nước ngoài, người ta cho phép sử dụng rộng rãi bởi vì loại người ta dùng là loại có thể tự hủy. Còn ở ta, cái công nghệ ấy chưa có. Sự hiện đại hóa nửa vời là sự hiện đại hóa có hại.

15-12
NHÀ VĂN VÀ CHIẾN TRANH
 Chợt nhận ra rằng trong những năm chiến tranh nhà văn ở ta viết nhiều  về  chiến công chiến thắng chứ không viết về những thể nghiệm của mình trong cuộc sống hàng ngày thời chiến.
  Vì  cấp trên  không hề  yêu cầu ở ta các sáng tác đó, và báo chí lúc ấy cũng chẳng in các sáng tác đó.
 Nhưng không in báo không có nghĩa là ta không viết. Mấy năm 1966-67, bom Mỹ đánh cả vào trung tâm Hà Nội. Xuân Quỳnh có bài thơ sau đây,  nó ghi lại cái bồn chồn nơi tác giả giữa thời ly loạn.Theo tôi nhớ thì bài chưa in ở tập thơ nào của tác giả.

 Điều không nói hôm nay
Chúng ta đi trên phố còn cháy dở
 Im lặng  dừng chân bên mảnh tường đã vỡ
Ngọn đèn chiến tranh thức đỏ đêm trường
 Và tuổi thơ nát vụn dưới chân tường

 Nghĩ gì anh anh không nói cùng em
 Một tiếng thiêng liêng  trước cuộc đời còn mất
 Nếu không nói lúc này em biết
 Điều ấy với em, anh chẳng nói bao giờ

 Anh có thể gặp lại em trên đường phố Thủ đô
 Hạnh phúc xanh dưới ngọn đèn bỡ ngỡ
 Những nhà cao xóa đi nền gạch vỡ
 Mặt người qua mang mỗi nét vui riêng
 Điều hôm nay ta dẫu chưa quên
 Nhưng đời khác mà lòng ta cũng khác
                                                                               8/67     
                                             
   Bình Thuận -- Khai thác titan tàn phá bờ biển hơn chiến tranh.
    Có một lần một người đã đùa bỡn đề nghị tai nạn giao thông nhiều quá, những nước có chiến tranh như bên Iraq Afganistan, hàng ngày người ta cũng không chết nhiều như mình, vậy thì phải tuyên bố tình trạng chiến tranh thôi.

19-12
MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN VĂN HÓA
-- Anh giải thích sao về điện ảnh ta hôm nay?
-- Ở nước nào điện ảnh cũng phải dựa vào văn học và sân khấu. Văn học và sân khấu ta thế này thì điện ảnh cục cựa sao nổi?
 Ảo tưởng của một số anh em điện ảnh là có thể dựa vào kỹ thuật để vượt lên so với các ngành khác. Xin lỗi, ấu trĩ quá.
-- Điều kiện để có thể khôi phục lại một  lễ hội ?
-- Nó phải có  thật; tôi nói vậy, vì nhiều lễ hội xưa không có nay mới được người ta bịa ra để trục lợi. Khi đặt vấn đè khôi phục, nó phải được nghiên cứu nghiêm túc, đúng như nó có. Sự hiểu biết về một lễ hội không chỉ bao gồm việc người ta lâp một hồ sơ chân thực về chính nó. Mà còn phải biết chỉ ra mối quan hệ giữa lễ hội và cái không gian văn hóa chung quanh.

GHI VẶT
Chữ Hán dạy cho người ta điều gì? Ngang bằng số thắng sự cân bằng động những khoảng trống. Ở Trung Hoa, thư pháp không chỉ được coi là một nghệ thuật mà còn được đưa lên thành một văn hóa.
         Tại sao sử học VN không phát triển? Một phần vì chúng ta không có một thứ văn tự hữu dụng, làm công cụ chuyển giao kiến thức giữa các thế hệ.
Cho đến ngày hôm nay, người Việt vẫn sống theo hàng ngang với trục  đương đại hơn là sống với quá khứ với chiều dọc thời gian lịch sử.

Cuốn Nước Đại nam đối diện Pháp và Trung Hoa được in lại. Lời cảnh báo của Tsuboi: Năm 2012, với xã hội VN, là năm quyết định. Ông ta còn nói thêm, các bạn còn yếu tố văn hoá. Có đúng thế không?

 Đang phổ biến thói chơi máy ảnh. Người Việt trẻ khao khát ghi lại từng giây phút đời sống của mình. Chỉ đối diện với mình là ngại. Sự phổ biến của máy ảnh càng làm lộ sự thiếu sót về  tự nhận thức.

NHỮNG CÂU HỎI LẨN THẨN
Việc bia rượu chỉ cấm với những người tham gia giao thông. Còn nói chung thì tràn lan từ nông thôn tới đô thị và theo mức độ ngày một khủng khiếp hơn.
Tôi nhớ rằng các xã hội lành mạnh đều có hạn định về chuyện này. Nhưng ở ta thì đến bao giờ, bao giờ tìm ra một công thức hợp lý?
Quảng cáo bia đang chiếm bao nhiêu phần trăm thị trường quảng cáo?
Điện ảnh suy thoái. Âm nhạc khủng hoảng. Thế còn văn học thì sao?
       Báo động sức khỏe công nhân    Thời buổi giá cả đắt đỏ, suất cơm công nhân không chỉ teo tóp mà còn thiếu chất. Sau hai năm khảo sát 1.000 công nhân đang làm việc trên địa bàn TPHCM, có đến 30% số công nhân bị suy dinh dưỡng. Đối với lao động làm việc trong môi trường độc hại, gần 30% công nhân có sức khỏe từ kém tới rất kém.
Người Việt kéo dài tuổi thọ nhưng không khoẻ. 80% người già mắc từ hai thứ bệnh trở lên 
Nhiều lúc, xem các chương trình quảng cáo VTV, coi chỉ muốn kêu lên, các ông bà hãy tha cho trẻ con, dạo này các ông bà lạm dụng hình ảnh trẻ quá nhiều đấy.
         Một bài báo ít ai để ý: Báo động về nạn lôi kéo nhân dân trồng cần sa. Chuyện của Đà Nẵng.

20-12

       Mấy năm nay tôi rất ngại đi dự các đám tang, nhất là các đám trong phạm vi của những người dính dáng đến bộ máy quan chức. Lý do là vì ở đó tôi cảm thấy không khí quan phương nặng nề quá. Người ta quân sự hóa nó, biến nó thành một thứ lễ nghi trang trọng giả dối. Xin giới thiệu đoàn đại biểu cơ quan do đồng chí …  chức vụ… dẫn đầu.
      Nhân đây muốn nói ta không nên trách trẻ khi thấy chúng không dừng lại trước cảnh các xe tang nối nhau trên đường. Tại sao? -- Bởi có mấy khi tang ma được tổ chức nghiêm túc đâu. Không vì người chết, mà người ta chỉ lấy đó làm dịp để tỏ thái độ với nhau, để móc ngoặc. Nhiều khi là một vụ làm ăn.  
   
24-12
     ĐIỀU PHẢI TÍNH KHI  SUY NGHĨ TÁI CƠ CẤU     
       Sách Chế ước quyền lực Nhà nước của Nguyễn Đăng Dung Nxb Đà Nẵng ở tr. 404 có đoạn dẫn lại lời Thủ tướng Phan Văn Khải, nói tại Hội nghị Doanh nghiệp 10-2004, báo Thanh Niên ghi lại, trong số 15-10-2004.
     Điều tôi canh cánh bên lòng là bộ máy hư hỏng.
… Bây giờ các chính sách đã có nhiều tiến bộ, nhưng bên dưới  vẫn còn nhiều tiêu cực. Ví dụ chính sách thuế đúng nhưng người thực hành thu không đúng,  hành hạ người ta thì chính sách đó cũng mất tác dụng…
   Đại diện Phòng thương mại Mỹ nói tham nhũng ở nước ta tràn lan, làm vô hiệu hóa bộ máy nhà nước  có pháp quyền nhưng hóa ra lại vô pháp quyền …Ta cứ nói là lo cho dân, nhưng đâu cũng có tiêu cực thì người ta đâu có tin mình. Trong nhiều năm làm Thủ tướng tôi canh cánh một điều trong lòng và chắc là cả đến lúc nghỉ hưu , là bộ máy chúng ta hư hỏng, làm sao đẩy lùi được .  
Nhìn lại hội nhập, một bài trên TBKTSG có cái tên: Một hội nhập buồn
          Ea Sola nhận xét “Dân Đông Nam Á treo nền văn hoá truyền thống của mình - như con người treo tóc lên cây -- để phát triển kinh tế, theo kiểu phương Tây. Một dân tộc như thế không bao giờ thành ra phương Tây mà chỉ là tự sát”

NHÌN RA THẾ GIỚI
 LHQ cấm nước giàu xuất khẩu rác phế thải ra nước nghèo
 Xây dựng ở Philíppin -- những nhà ổ chuột bị đốt, để lấy đất thành thị xây cao ốc.
Thái Lan Trong lũ lụt, cấp dưới cũng không nghe lệnh Thủ tướng
Mianma chuyển sang dân chủ, tại sao ? Tôi nhớ  những bài viết về xứ đó từ lúc đen tối nhất. Vẫn còn sinh viên. Còn đám công chức mẫn cán, rất giỏi tiếng Anh và không được tính chuyện làm thêm. Trong những buổi tiếp khách nước ngoài, các nhân vật hàng đầu của cái xứ gọi là chuyên chế này không cần phiên dịch. Đúng là hôm qua họ là các tướng lĩnh. Nhưng đó là những viên tướng trí thức.
Tóm lại họ còn văn hóa thứ thiệt. Còn văn hóa thì sẽ còn dân chủ. Xã hội không có nền tảng văn hóa thì có muốn cũng chỉ có dân chủ ở dạng đơn sơ, hình thức giả tạo.   
      
        Tổng Thống Obama trong bài phát biểu trước Quốc hội Úc 21-11-2011 nói: Lịch sử đứng về phía của các xã hội tự do, chính quyền tự do, kinh tế tự do, con người tự do. Lịch sử chứng minh rằng, qua quá trình lâu dài, dân chủ và phát triển kinh tế cùng nhau đồng hành. Và thịnh vượng mà không có tự do thì chỉ là một hình thức khác của sự nghèo khó.

- Cách mạng Ả rập chỉ là lật đổ cái chế độ chuyên chế và tham những
 Nhưng sau đó là hỗn loạn đình đốn và cai trị kém. Và tiếp theo mùa xuân Ả rập  lại là sự bắt đầu của mùa đông Ả rập

27- 12 
  NHỮNG CON SỐ  
       Một số doanh nghiệp phản ánh phải đào tạo lại 94% sinh viên mới ra trường.
        Chỉ có 1% số công trình xây đựng được vận hành theo đúng tiến độ dự định.
Tiến ngoài sông kể cuối niên học trường con anh ta học ven chợ Bắc qua cũ có những lớp chỉ có hai học sinh.
         Theo các chuyên gia: 1/3 trẻ em Việt Nam bị còi do thiếu nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ.
        Chỉ có 1% các công trình xây dựng ở VN đạt tiến độ thi công. Còn 99% là chậm
       
       Đêm Noel Hồ Gươm biến thành bãi rác và quán nhậu. Túi bóng, thức ăn thừa, vỏ chai bia, rượu, rác rến vứt bừa bãi và các bãi cỏ ở Hồ Gươm bị hàng nghìn người xéo nát.

Chồng làm đám tang cho vợ đang sốngNhiều biểu hiện của ăn hóa thời nay là sự trở lại của phần lạc hậu trong văn hóa xưa.

28-12
 SỰ KHỐN CÙNG CỦA CHẤT LƯỢNG
      Cái giả đang trở thành một bộ phận của đời sống. Thí dụ đạo đức giả, bằng giả, học thuyết giả, hoa giả, người giả và hàng trăm thứ giả. Và giá trị của nó cũng tăng tiến Chả thế mà trong dân gian có câu: Giả thật hơn thật/Sai đúng hơn đúng  ( câu này dẫn theo mạng Ng X Diện )
   Có tin cả một số mặt hàng gốm Bát Tràng cũng là hàng từ Trung quốc chuyển sang, đóng dấu “ tinh hoa văn hóa Việt”. Và người Bát Tràng tự nguyện làm việc này.   
    Nguồn tin từ Tổng Cục Hải Quan Việt Nam VN cho biết  90% những loại hàng giả trên thị trường trong nước đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
    Theo số liệu của Interpol, Việt Nam có số lượng thuốc giả cao thứ nhì khu vực Đông Nam Á. Đây là những loại thuốc pha chế bằng bột mì hoặc dược chất thấp.
    Ai mà chẳng ngại hàng giả?
    Thế tại sao cái giả ấy vẫn ngự trị giữa đời sống hàng ngày của chúng ta, sự từ chối không bao giờ được đẩy tới cùng?
    Chưa nói các mặt hàng cao cấp Tầu làm giả của  Tây… Chỉ cần nhìn vào quần áo người dân Hà Nội đang mặc, con dao cái xẻng, cái bút, tập vở đồ đạc mọi người đang dùng, cái vốn ngôn từ mà cánh nhà báo thích khoe đưa ra nhằm gây ấn tượng…
       Giữa bao nhiêu nguyên cớ khiến cho cái sự giả thắng thật này còn diễn biến triền miên, tôi nhận ra một lý do chủ yếu. Cái giả ngoại nhập ấy của họ còn tốt hơn rẻ hơn tiện dụng hơn và nói chung là thích hợp hơn cái thật người mình sản xuất mà mang bán cho nhau. Giãy giụa chỉ là một cách làm dáng. Chỉ còn có cách ngậm ngùi cho sự phát triển của xã hội mình, chứ trách ai bây giờ!


-- Phỏng vấn GS Cao Huy Thuần (Đại học Picardie – Pháp): Gửi một đồng xu (TTCT).-TTCT - “May mắn nhất cho văn hóa của ta, trong lĩnh vực đạo đức, là cả dân tộc cùng san sẻ một niềm tin căn bản: tin ở phúc đức” - GS Cao Huy Thuần (Đại học Picardie - Pháp) trò chuyện cùng TTCT trong câu chuyện mà Bàn tròn văn hóa (TTCT số 1, ngày 1-1-2012) đã mở ra.
Giáo sư Cao Huy Thuần - Ảnh tư liệu
* Thưa giáo sư, vẫn là một câu hỏi cũ: nhìn vào đời sống văn hóa Việt Nam bây giờ, ông thấy điều gì là cái “được”, điều gì là cái “đáng lo ngại”?
Giáo sư Cao Huy Thuần: Tôi xin kể cô nghe một bài học của tôi lúc nhỏ trong Quốc văn giáo khoa thư lớp 3. Một người kia đến gặp một ông chủ xí nghiệp để xin làm việc. Ông chủ nói hãng không tuyển nhân viên nữa. Người kia ra về. Ông chủ nhìn theo. Đến giữa sân, người kia cúi xuống lượm một vật gì đấy, phủi bụi cẩn thận rồi bỏ vào túi. Đó là một đồng xu ai đánh rơi xuống đất. Ông chủ cho người kêu anh kia lại, tuyển dụng anh ta. Dưới mắt ông, một người biết quý một đồng xu như thế sẽ là một người biết kiếm ra tiền cho hãng ông.
Chuyện chỉ có thế nhưng tôi nhớ cả đời. Xét đoán ai, nhiều khi tôi thấy nhân cách của một người lộ ra nơi một cử chỉ vặt. Cũng như thế, nơi một chuyện vặt, nhiều khi tôi học được một bài hay. Bởi vậy, để trả lời câu hỏi của cô, tôi nhớ đến vài chuyện cũ...
Chuyện thứ nhất là giải thưởng “Sách hay” của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, lần đầu tiên được tổ chức vào đầu tháng 9-2011. Tôi chú ý chuyện này bởi vì đây là giải thưởng của người dân, không phải của Nhà nước. Giải Phan Châu Trinh làm tôi nghĩ đến các giải văn chương ở Pháp - sự kiện văn hóa lớn hằng năm - đều của người dân, như giải Goncourt, giải Renaudot, giải Médicis, giải Fémina và vô số giải khác đã làm xôn xao dư luận, khích lệ xuất bản, thúc đẩy sáng tác.
Phan Châu Trinh là sáng kiến mở đầu của những giải thưởng trong tương lai mà tôi ước mong cũng làm rộ lên sinh động văn hóa như thế. Một trong những người nhận giải năm rồi là ông già tám mươi Phạm Toàn, cặm cụi dưới đèn dịch quyển Nền dân trị Mỹ của Tocqueville, tác phẩm lớn của thế kỷ 19 mà không ai bước chân vào đại học Pháp không biết. Đóng góp ấy, người dân vinh danh là quá đúng.
Chuyện vặt thứ hai không được ai vinh danh cả, nhưng không người trí thức nào nghe nói đến mà không động lòng. Đó là chuyện nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn âm thầm dạy triết không tiền cho bất cứ ai muốn học triết. Ban đầu anh mở lớp tại nhà riêng, nhưng sau đông người quá anh xin được tá túc trong một trường đại học. Trong một thế giới ồn ào, anh lẳng lặng làm ông đồ trao kiến thức. Chỉ riêng thái độ lặng yên khiêm tốn, đơn độc ấy thôi đã là một đặc tính văn hóa từ xưa còn sót lại, hiếm có. Một con én chỉ biết đưa thoi, mùa xuân có đến hay không, én không đặt vấn đề.
Chuyện vặt thứ ba, báo chí có đăng. Đó là cái “chòi sách” miễn phí của một nhóm sinh viên thiện nguyện, mở cửa vào mỗi sáng chủ nhật, giờ thể thao của dân Sài Gòn trong công viên Lê Văn Tám. Ban đầu “thư viện” ấy chỉ là một chiếu sách, do các em mang đến, bày ra dưới bóng mát của các cây cổ thụ, ai muốn đọc cứ lấy đọc. Dần dà khách đến đông, chiếu sách trở thành “chòi sách” thu hút đủ mọi lứa tuổi.
Giữa “chòi sách” trong công viên, lớp học của anh Sơn và quyển sách dịch của anh Phạm Toàn có một sợi dây liên hệ mật thiết mà Tocqueville đã phân tích rất kỹ trong xã hội Mỹ: đặc điểm của dân chủ ở Mỹ là sự tham gia tích cực và tự ý của dân chúng vào các hiệp hội dân sự. Trong đêm tối của dửng dưng, vô cảm, đó không phải chỉ là những hành động văn hóa, đó còn là những hành động đạo đức. Đó là những việc thiện.
* Còn cái “đáng lo ngại”, là vô cảm, dửng dưng, là ác?
- Cái “đáng lo ngại” mà ai cũng thấy hiện nay là cái ác đang diễn ra một cách thản nhiên, như thể đó không còn là cái ác nữa. Trước bất lực của xã hội, biết làm gì hơn là vô tư, hồn nhiên, trong trắng làm những hành động thiện? Thắp một cây diêm, thắp một ngọn nến. Để còn có người nhìn vào xã hội mà nói: không, xã hội này không phải chỉ là vô cảm, dửng dưng.
* Giáo sư có một quan niệm rất rộng về thiện ác. Vậy theo ông, thế nào là thiện, thế nào là ác?
- Tôi đố cô định nghĩa được thiện là gì, ác là gì, mà định nghĩa đó được mọi người chấp nhận. Tôi lấy một ví dụ thôi. Tôn giáo nào cũng nói không được giết người. Nhưng trên sự giống nhau đó, khác nhau còn sâu đậm hơn. Tại sao không được giết người? Tại sao giết người là ác? Huống hồ trên mỗi một chữ “giết” thôi đã khác nhau rồi. Phật giáo chẳng hạn, không nói “giết” mà nói “sát sanh”. Nghĩa là làm hại sự sống, bất cứ sự sống của sinh vật nào. Bởi vậy, tàn hại môi trường là đại sát sanh.
Phật giáo cũng không nói đó là một răn cấm, một mệnh lệnh đến từ một đấng thiêng liêng nào mà nói: Anh không làm hại sự sống thì chính anh cảm thấy nhẹ nhàng, chính anh dần dần mở rộng lòng thương, chính anh tạo ra nhân lành, nghiệp tốt.
Tôi san sẻ quan niệm đạo đức cho rằng nền tảng của đạo đức nằm ngay trong chính con người chứ không phải ở đâu bên ngoài, trên cao. Tôi trân trọng lời hứa không phải vì một nguyên tắc nào buộc tôi phải thế, mà vì tự tôi thấy như vậy là có ích, có lợi cho tôi và cho người khác, cho xã hội.
Căn bản của đạo đức nằm nơi hậu quả của hành động: một hành động đem đến niềm vui cho tôi, cho người khác là một hành động thiện. Ai học triết thì biết đó là quan niệm của trường phái Bentham, nổi tiếng từ thế kỷ 19 đến nay.
Tôi nghĩ các em sinh viên làm cái chòi văn hóa trong công viên không nghĩ gì đến thiện ác, tốt xấu. Các em làm là vì thấy có ích, có lợi, là vì việc làm đó đem đến hạnh phúc cho các em và hạnh phúc đó lan tỏa đến nhiều người khác. Chắc chắn đứng trong công viên, nhìn người ta đến đọc sách, các em thấy hạnh phúc trong lòng, hạnh phúc nơi mình và hạnh phúc nơi người.
Tiêu chuẩn của thiện là vậy. Và tôi san sẻ quan niệm ấy là vì tôi nghĩ nếu ai ai cũng thắp lên với các em một cây diêm, một ngọn nến thôi, bóng tối cũng bớt đen đi và cái ác cũng mất đi thiên đường vô cảm của nó. Nếu “tự thiên tử chí ư thứ dân”, ai cũng biết nghĩ đến hậu quả nơi hành động của mình, biết vui vì ích lợi chung, biết se lòng khi việc làm của mình gây tác hại thì ấy là thiện. Tôi nghĩ nên bắt đầu với quan niệm đạo đức như vậy.
* Thưa giáo sư, nếu chỉ nhìn vào những tin tức mà truyền thông đăng tải ngày này qua tháng khác thì dễ thấy cái ác rồi đổ lỗi cho cá nhân ác. Nhưng từ đâu mà con người bị tha hóa? Nhiều người cho rằng điều quan trọng trong giáo dục hiện nay là trang bị cho mỗi người bản lĩnh, nhận thức về cái ác, để gặp ác mà không thành ác. Để có được bản lĩnh này, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?
- Phải bắt đầu từ mình thôi, không có cách nào khác. Tự mình cứu mình. Thông thường nơi con trẻ học luân lý, đạo đức là nhà trường. Nhưng nhà trường bây giờ có lúc không làm được chức năng giáo dục căn bản ấy. Vậy chức năng đó nằm ở đâu nữa ngoài gia đình? Gia đình vẫn là, luôn luôn là trụ cột của giáo dục. Câu hỏi đặt ra là gia đình có dạy đạo đức cho con trẻ được không? Dạy gì? Dạy thế nào? Tôi quả quyết: được!
Giáo dục tuyệt hảo nhất là giáo dục bằng chính bản thân mình, giáo dục bằng cách làm gương. Mình thế nào thì con mình thế ấy, không nhiều thì ít. Vậy mình phải thế nào? May mắn nhất cho văn hóa của ta, trong lĩnh vực đạo đức, là cả dân tộc cùng san sẻ một niềm tin căn bản: tin ở phúc đức. Trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam, ai cũng nghe một tiếng nói nhỏ trong lòng: ăn ở thế nào cho có phúc đức. Không hẳn phúc đức cho mình: phúc đức cho con.
Tại sao ai cũng tin có thể để lại phúc đức cho con? Tại vì, cũng may mắn nữa cho đạo đức dân tộc, nhiều người tin có kiếp sau. Niềm tin ấy cũng là tự do: tự do lựa chọn hành động, tự do lựa chọn thiện ác, lựa chọn số phận của mình. Hãy triệt để sử dụng tự do đó mà dạy mình và dạy con nếu không muốn con mình làm nô lệ cho cái ác. Ai cứu con mình nữa đâu ngoài chính mình!
* Nhưng thưa giáo sư, nếu cá nhân có thể gây ảnh hưởng trên đạo đức xã hội thì xã hội cũng phải góp phần vào việc chặn đứng tha hóa cá nhân? Nếu cá nhân thắp diêm mà gió chướng trong xã hội cứ thổi tắt diêm thì đêm tối cứ mặc sức cười khà...
- Từ đầu tôi đã nói rất khó định nghĩa thế nào là thiện, thế nào là ác. Thông thường, hai nguồn gốc để từ đó rút ra tiêu chuẩn định nghĩa là phong hóa - tập tục và tôn giáo. Nhưng phong hóa cũng thay đổi với thời đại và tôn giáo thì chỉ liên quan đến tín đồ của mình thôi. Có một nguồn gốc thứ ba, ràng buộc mọi người: ấy là luật pháp.
Cứ hỏi một thanh niên ngày nay: làm thế nào phân biệt thiện và ác? Nếu cậu trả lời thế này thì xã hội còn may phước lắm: “thiện là điều gì được phép làm, ác là điều gì cấm làm”. “Được phép” và “cấm” là khái niệm về luật. Từ đó suy ra trong đầu cậu thanh niên “chính luật pháp quy định cái gì là thiện, cái gì là ác, và luật pháp là do xã hội đặt ra”.
Nếu luật pháp làm được vai trò đó trong xã hội ta thì bóng tối của cô cũng chưa chắc đã dám cười khà. Có điều là luật cũng có luật tốt luật xấu, luật công bằng, luật bất công, và hơn nữa có cả một trường phái học thuyết xem luật tự nhiên cao hơn luật của nhà nước. Rồi cũng có điều là xã hội ta đã biết trọng luật chưa? Nếu có người “tri pháp” mà chẳng “úy pháp” chút nào thì bóng tối nó cười cho, làm sao dạy con trẻ?
Cho nên tôi nhắc lại một lần nữa để cô thấy rằng chúng ta không rời thực tế đâu, chúng ta nói chuyện anh Bùi Văn Nam Sơn, nói chuyện ông già Phạm Toàn được giải thưởng sách hay, nói chuyện chiếc chiếu văn hóa trong công viên... Trong xã hội đó các nhân vật “hèn mọn” ấy có nói đâu, họ chỉ làm, làm được gì thì cứ làm, bỏ một hạt muối vào chum nước cô tưởng nước không mặn thêm sao? Không thực tế sao?
Trong tinh thần lạc quan đó, tôi có mong ước này xin gửi đến các thầy cô tiểu học mà tôi quý trọng nhất trên đời này vì đó là hình ảnh của cha tôi ngày xưa. Tại sao chúng ta, nghĩa là chính các thầy cô, không cùng nhau viết một sách giáo khoa dạy đạo đức làm người cho con trẻ từ 6-12 tuổi?
Hãy nhắm vào các tệ nạn trong xã hội hiện tại mà viết, viết sinh động, thiết thực, viết cho con trẻ học luân lý như học trò chơi, một thứ luân lý ứa ra từ trái tim, không phải là công thức, mệnh lệnh nhàm chán. Từ sách ấy, chúng ta hãy tự lấy trách nhiệm rút ra một bài giảng hằng ngày để nói chuyện năm, mười phút đầu buổi sáng với con em. Và hãy làm sao để sách ấy sẽ nằm trong mọi gia đình, để mọi phụ huynh đều có thể dạy con trẻ.
Cho tôi cái hạnh phúc gửi đến bạn đọc một đồng xu này.
Bất cứ nhà giáo dục nào cũng biết tuổi để dạy cho con trẻ những căn bản của luân lý, đạo đức là từ 6-12 tuổi. Trước tuổi ấy, ở mẫu giáo, trẻ con chỉ có thể lĩnh hội được vài phép tắc thông thường, chưa phải là luân lý vì chưa đủ ý thức để hiểu tại sao phải làm như vậy. Sau tuổi đó, khi trẻ đã lên trung học, thói quen đã thành thói quen, quá trễ để sửa chữa, để đặt nền móng đạo đức trong đầu. Vậy nhà trường dạy cho lớp tuổi từ 6-12 những giá trị căn bản gì?
Hãy dạy trẻ làm người cho ra người. Tôi thử kể một vài giá trị căn bản. Trước hết là lễ phép. Từ nhỏ, tôi đã nghe lải nhải “tiên học lễ hậu học văn”. Nhưng cụ thể lễ phép là gì? Biểu lộ qua hành động thế nào, ngôn ngữ ra sao? Làm sao dạy trẻ hiểu rằng lễ phép là trọng người và trọng mình? Vì trọng mình cho nên lễ phép không phải là khúm núm, xun xoe, gãi đầu gãi tai, cúi cổ và cúi cả cái lưng. Thế nào là lễ phép bắt nguồn từ trái tim và lễ phép bắt nguồn từ những công thức, lề thói xơ cứng? Nhường bước cho người già bắt nguồn từ đâu?
Sau đó tôn trọng kỷ luật của đời sống tập thể. Vì sao? Vì ích lợi cho mình và cho tập thể. Đến trường đúng giờ. Sắp hàng vào lớp. Học thuộc bài. Tập trung chú ý. Im lặng. Im lặng cả khi kéo một chiếc ghế, lúc nhỏ tôi học như vậy, bây giờ mới biết ở các thiền viện đó là cách thức nhấc một chiếc ghế lên. Mục đích là gì? Là tạo thành thói quen tốt để khi lớn lên thói quen ấy thành nếp, làm một cách tự nhiên. Tôi nghĩ 6 tuổi đã có thể hiểu được để dạy thế nào là danh dự, thế nào là phẩm giá, ngay cả trong trò chơi...
CẨM PHAN thực hiện

Vụ Vinalines Queen
Tổ chức Lễ cầu siêu cho 22 thủy thủ Vinalines (VTC).  - Tìm kiếm thuyền viên tàu Vinalines Queen: Muôn vàn khó khăn (VOV).  - Phỏng đoán nguyên nhân tai nạn Vinalines Queen (VNE).  - 22 thủy thủ tàu Queen liệu có thể sống sót? (VnMedia).
Vẫn chưa phát hiện dấu hiệu nào của Vinalines Queen (TTXVN).  – ‘Gia đình thủy thủ Vinalines sẽ nhận mức bảo hiểm tối đa’ (VNE).

Nhật Bản lên kế hoạch tiếp tục tìm kiếm thủy thủ tàu Vinalines Queen(VOV). Hé lộ nguyên nhân chìm tàu Vinalines QueenVinalines Queen chìm: Vẫn tìm kiếm vô vọng– Thủy thủ Hùng đoàn tụ gia đình và kỳ lạ chuyện cá voi cứu người (Dân Việt).Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng đoàn tụ gia đình (NLĐ)
- Chiều 6-1, thủy thủ tàu Vinalines Queen Đậu Ngọc Hùng đã về đến nhà tại xóm 8, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An. Không giấu được niềm vui, bà Ngô Thị Ngoan (mẹ anh Hùng) chia sẻ: “Những ngày qua thực sự là những ngày dài nhất cuộc đời tôi ...
Vụ chìm tàu Vinalines Queen: Cá voi đã cứu thủy thủ Hùng?
Đài Tiếng Nói Việt Nam
Thủy thủ Hùng và nghi vấn cá voi cứu người
24 giờ
Thủy thủ Hùng đoàn tụ gia đình và kỳ lạ chuyện cá voi cứu người
XãLuận.com tin tức việt nam 24h cập nhật
VietNamNet
 -cand.com -VTC
Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng bị khống chế trước báo chí?
-Thủy thủ Hùng nói gì về vụ chìm tàu?  -Nhờ Nhật Bản tìm 22 thuyền viên mất tích-– Chuyện ghi tại nhà thủy thủ sống sót trên tàu Vinalines Queen (DT). - Phỏng vấn ông Lương Quang Trung – trưởng phòng đào tạo Trường cao đẳng Hàng hải I: Khó xác định nguyên nhân tàu Vinalines Queen chìm (TT).   - Vì sao tàu Vinalines Queen không phát tín hiệu cấp cứu? (NLĐ).  - Phút đoàn tụ của gia đình thủy thủ Đậu Ngọc Hùng (Bee).  - Thủy thủ Hùng đoàn tụ gia đình và kỳ lạ chuyện cá voi cứu người (DV).

-
Những nghịch lý trong vụ đắm tàu Vinalines Queen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét