Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Nên để Hoàng Khương được tại ngoại (cập nhật)

Hoàng Khương (ngồi giữa) bị công an dẫn đi - Ảnh: D.Đ.Minh
--Nhân chuyện Hoàng Khương, nói về một thế hệ Tổng biên tập bất đắc dĩ Trương Duy Nhất  Các nhà báo đang say sưa bàn về số phận Hoàng Khương, ít ai thấy được “số phận” nghiệp báo của chính họ đang tuột dốc.
          Hoàng Khương bị giam, còn các nhà báo thì cũng đang tự… giam nhốt mình. Thử hỏi từ nay sẽ còn mấy ai dám chọn phương cách dấn thân như Khương? Nền báo chí vốn đã bị cái vòng kim cô siết chặt sau vụ PMU 18, đến nay sẽ bị trói cột tay chân như thế nào? Khoan bàn đến tính đúng sai của “phương pháp” Hoàng Khương, sự nhiệt tình và tính ngoan cường nghề nghiệp liệu có thêm một lần nữa bị dội gáo nước lạnh?

          Phạm Đức Hải không thể dõng dạc như Lê Hoàng khi xảy ra vụ PMU 18: “Nguyễn Văn Hải sẽ mãi là người của Tuổi Trẻ, dù có bị giam cầm và lãnh án!”. Cũng như khó thấy lại hình ảnh trang blog của các nhà báo ở tòa soạn Tuổi Trẻ khi đó đồng loạt treo ảnh đồng nghiệp cùng dòng slogan “Nguyễn Văn Hải, chúng tôi luôn ở bên bạn”.
          Sự kiện Nguyễn Văn Hải đã không lặp lại với Hoàng Khương, bởi Phạm Đức Hải không phải là Lê Hoàng, bởi Tuổi Trẻ và cả nền báo chí đã tuột phanh trôi quá xa so với thời PMU 18.
          Thật ra không chỉ ông Hải. Thời khắc này, bất cứ ông Tổng nào cũng sẽ “tác nghiệp” không khác gì ông. Tôi tin thế. Một thế hệ Tổng mới theo mô tuýp Phạm Đức Hải đã hình thành khá phổ biến trong làng báo từ sau vụ PMU 18 và trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng TTTT Lê Doãn Hợp.
          Nhớ khi mới lên ngồi ghế Bộ trưởng, ông Hợp đã lỡ miệng tiết lộ về một chiến dịch thay máu cho làng báo “Tổng biên tập là người của Bộ TTTT sau này cắm ở từng tờ báo”. Có thể nói Lê Doãn Hợp là đời Bộ trưởng có công lớn trong chiến dịch “tuyên giáo hóa” làng báo. Không riêng Tuổi Trẻ, hàng loạt cán bộ tuyên giáo bỗng dưng thành Tổng Biên tập. Điều đáng nói là chiến dịch đổi mới hàng Tổng này đã vi phạm chính luật báo chí, ngang nhiên đưa hàng loạt những người chưa từng làm báo, chưa có thẻ nhà báo về cầm trịch các tờ báo lớn.
          Lịch sử báo chí Việt, chưa thời nào “dân ngoại đạo” chen vào ngồi ghế Tổng biên tập đông như giai đoạn này. Chính những “nhà báo” bất đắc dĩ, những ông Tổng được bổ nhiệm sai luật báo chí như thế này ngay tức khắc bẻ hướng các tòa báo… lao dốc!
          Chiến dịch “tuyên giáo” hàng Tổng của ông Hợp chỉ qua một nhiệm kỳ đã hoàn thành mục tiêu phá hỏng hàng loạt tờ báo tên tuổi, thương hiệu. Ông Hợp hưu rồi, nhưng chiến dịch “tuyên giáo hóa” hàng Tổng vẫn chưa dừng. Nhiều tòa báo vẫn đang nằm trong tầm ngắm. Nhiều cán bộ tuyên giáo đang ngồi chơi xơi nước đã được vào danh sách nguồn để sẵn sàng một hôm đẹp trời nào đó bỗng dưng nhảy vào làng báo thành… Tổng biên tập!
          Sáng nào cũng vói tay lấy hai tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ. Lấy theo thói quen, chứ nhiều hôm lướt ngang liếc dọc vài phút rồi… vứt!
          Báo chí đã tuột dốc quá xa. Muốn xốc lại kéo lên, không có cách nào hơn: mời hết đội ngũ “Tổng” này về lại với nghề tuyên giáo của họ, trả lại cái ghế cho chính các nhà báo.


Nhân vụ Hoàng Khương, bàn về phóng viên điều tra(Nguyễn Thế Thịnh). – Nên để Hoàng Khương được tại ngoại – (Nguyễn Vạn Phú).  –Nỗi đau ngòi bút (Hiệu Minh).

-MÌNH ĐÃ CHẾT THẲNG CẲNG NẾU BÁO LAO ĐỘNG HÈN
Trưởng thôn Khoai Lang ( đội mũ vải) và các nhà báo vừa lội vừa bơi suốt 5 tiếng trong nước lạnh buốt của tháng 10 mùa đông năm 2006 vào với đồng bào Rục để viết điều tra việc chính quyền bỏ rơi dân, và sau loạt bài này, trong khi chính quyền quay cuồng chống đỡ với sự thật để trù hại nhà báo thì các nhà hảo tâm đọc báo đã gửi về cho đồng bào hàng trăm tấn gạo, muối, mì tôm
Mấy ngày rồi đọc vụ của Hoàng Khương Tuổi Trẻ bị bắt, buồn, cứ nghèn nghẹn, ấm ức cũng có, bực dọc cũng có, thấy bi bi hài hài thế nào. Mình cũng biết, làm báo, đặc biệt là nghề phóng viên điều tra vô cùng nguy hiểm. Sẽ bị trả thù, sẽ bị dèm pha, thậm chí còn bị vu khống bôi nhọ. Không quá khó hiểu. Một bài điều tra của mình, có khi đập chết ngay một bộ mặt tham nhũng, một tập thể sai trái, một cá nhân lộng quyền, hư hỏng, tan tành cơ nghiệp chính trị của họ. Xét về góc độ đối kháng, người ta không thù mình mới lạ.
Vụ Hoàng Khương cũng thế thôi, nếu thực sự người ta công tâm, thực sự người ta lấy tiêu chí tiêu diệt cái xấu, cái tiêu cực trong ngành làm chính, thì kẻ nhận hối lộ bị trừng trị, còn nhà báo dùng vài thủ thuật để có bằng chứng cùng lắm bị kỷ luật về chuyên môn, làm cái gì mà khiếp thế, ai không nghĩ nó đang mang tâm thế của một sự trả đũa nhau. Theo kiểu, a ha, mày phát hiện quân tao nhận hối lộ hả? OK, tao sẽ bỏ tù quân tao, nhưng mày cũng chết luôn cho rảnh em nhé, em nhé, em nhé, từ nay bố bảo Tuổi Trẻ của mày điều tra điều triếc, nghiệp vụ, nghiệp viếc, nhé nhé nhé.
Hoàng Khương thân yêu. Anh thích cái tư thế ngẩng cao đầu này của em, dù bất cứ điều gì xảy ra, em vẫn là một nhà báo theo đúng nghĩa cao cả, sang trọng và tốt đẹp nhất của từ này. So với tội của Hoàng Khương dùng vài cái mẹo nhỏ để sập bẫy nhận hối lộ của viên CSGT kia với cái “ tội” của mình và anh em trong vụ điều tra cái đói ở vụ Rục chẳng là gì hết nhé. Khương còn có người hợp tác công khai, hối lộ công khai, ghi âm, chụp ảnh công khai. Bọn mình như lũ “đạo chích” mới lấy được chứng cứ, cái chứng cứ cuối cùng, quan trọng số 1, cái chứng cứ cứu được danh dự của nhà báo, của cả tờ báo, cái chứng cứ cuối cùng làm Thủ tướng cũng phải nhận ra rằng, cái địa phương nó đang báo cáo láo với mình, là vu cáo báo chí, thực ra báo chí đã phản ánh sự thật.
Hãy đọc lại 9 kỳ SỰ THẬT để biết rõ hơn. Ở đây, mình nói một chi tiết về nghiệp vụ báo chí để so với Hoàng Khương thôi.
Trong khi mình ( báo Lao Động), Minh Phong ( Báo Sài Gòn giải phóng), Phan Phương, báo Quảng Bình-cộng tác viên báo Công an nhân dân, bơi trong lũ, vào với đồng bào Rục bị lũ vây nhiều ngày, dân đói, đứt bữa, đến sắn, ngô cũng hết. Trong khi chính bọn mình phải bỏ tiền túi ra mua kẹo bánh, lương khô, mỳ tôm vào để cứu đói bà con. Trong khi tất cả các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh bỏ mặc dân. Trong khi cả tỉnh đang nước sôi lửa bỏng vẫy vùng trong lũ thì Bí thư tỉnh ủy Hà Hùng Cường ( giờ là Bộ trưởng Tư Pháp) kéo hết tất cả lãnh đạo đầu ngành đi “giao lưu” ở nước ngoài vào chính cái thời điểm lũ ngập tỉnh.
Những bài báo phản ánh việc dân đói, trách nhiệm địa phương gây chấn động dư luận. Điện Tổng Bí thư, điện Thủ tướng vào Quảng Bình yêu cầu làm rõ.
Sau khi Bí thư tình ủy Hà Hùng Cường cùng đoàn lãnh đạo cao cấp của tỉnh về, bắt đầu làm rõ bằng văn bản báo cáo dối trá với Thủ tướng, vu cáo báo chí đưa tin bịa đặt, trong văn bản còn khôn khéo cài đặt câu: Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách đồng bào dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Ghê. Nói thế ngầm méc với Thủ tướng, mấy thằng nhà báo này là phản động. Đã bịa đặt chuyện dân đói lại còn phản động. Ghê răng.


Nói chung là rất căng thẳng.

Thủ tướng viết công văn, yêu cầu báo Lao Động và các báo kiểm điểm nghiêm khắc thái độ làm việc của các nhà báo, xử lý thật nghiêm về nghiệp vụ. Nếu làm theo Thủ tướng, chắc chắn các báo đều vội vã thực hiện quyết định xử lý, nhẹ thì đuổi, nặng hơn, nâng quan điểm hơn thì khởi tố.
Chưa hết. Để có được bằng chứng cuối cùng, chúng mình quyết định dùng chút nghiệp vụ, đưa được máy ghi âm vào trong phòng họp kín tại tầng 3 của tỉnh ủy Quảng Bình để ghi âm lại hết cuộc họp nội bộ của họ do chính Bí thư tỉnh ủy Hà Hùng Cường triệu tập. Và lãnh đạo huyện Minh Hóa (đơn vị quản lý địa phương có đồng bào Rục) phải thừa nhận dân đói vì lũ, đói triền miên, và báo chí phản ánh đúng sự thật.
Đây là nội dung ghi âm quan trọng, là chứng cứ thừa nhận của địa phương, và nhờ đó, chúng mình đã cho Thủ tướng nghe băng ghi âm này để Thủ tướng hiểu, địa phương đã báo cáo Thủ tướng dối trá như thế nào.
Và câu hỏi đặt ra là, ai cho phép nhà báo ghi âm bí mật cuộc họp của lãnh đạo tỉnh, phạm vào điều bao nhiêu, chương bao nhiêu của Bộ luật hình sự? Nhưng không ai đặt ra điều đó, hoặc người ta không đủ can đảm dám đặt ra điều đó với chúng mình.
Vì sao?


Vì trước hết là tập thể Ban biên tập Báo Lao Động, Báo Sài Gòn giải phóng, Báo Công an nhân dân đã sát cánh cùng chúng mình vào những giờ phút căng thẳng bậc nhất, nó liên quan đến danh dự của tờ báo, sinh mệnh chính trị của phóng viên. Nhà văn, Tổng biên tập báo Công an nhân dân, trung tướng Hữu Ước lúc đó nói một câu nổi tiếng trong cuộc họp do Cục báo chí chủ trì để đối chất giữa lãnh đạo Quảng Bình và báo chí: Tôi nói cho các anh biết, phóng viên chúng tôi viết không sai một chữ. Các anh tưởng các anh lên gặp Thủ tướng được mà chúng tôi không lên được?

Nếu ngày đó, Ban biên tập các báo cũng hùa theo lãnh đạo, ngoan ngoãn nghe theo lãnh đạo như Tuổi Trẻ hôm nay với Hoàng Khương, chúng tôi đã thẳng cẳng.
Nếu Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ dám nói, chúng tôi chỉ đạo anh Hoàng Khương làm điều tra vụ này, nếu bắt, khởi tố, hãy bắt khởi tố cả Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ trước. Làm được không? Quá bình thường. Ngòi bút nhà báo viết ra trên bản thảo là cá nhân nhà báo, khi in lên báo là cộng thêm trách nhiệm cả Tòa soan, cụ thể hơn nữa là Ban biên tập. Tại sao không làm?
Trong vụ Rục, Ban biên tập các báo Lao Động, Sài Gòn giải phóng, Công an nhân dân đã làm theo tinh thần đó.
Hôm nay viết lại, cho mình cám ơn và ghi nhận thái độ, tinh thần, sự trung thực và thủy chung của Báo Lao Động ( trực tiếp khi đó là Phó tổng biên tập Tô Phán- Thư ký tòa soạn Trần Duy Phương), trung tướng Hữu Ước báo Công an nhân dân và anh Dương Trọng Dật, tổng biên tập Báo Sài Gòn giải phóng và cả anh Oanh, trưởng đại diện Báo Sài Gòn giải phóng tại Hà Nội. Nhớ lắm nhà văn Vĩnh Quyền ( đang là Trưởng đại diện báo Lao Động tại Đà Nẵng) bám theo mình từng giờ từng phút để bảo vệ sự thật.
Sau lưng các nhà báo điều tra, là tờ báo của họ, ban biên tập của họ, đồng nghiệp của họ, đó là bàn đạp tấn công và nơi che đỡ, chia lửa, cùng sống, cùng chết với nhau vì một mục đích trong sáng và lành mạnh bậc nhất: Sự thật, sự thật và sự thật- SỰ THẬT TƯƠI RÓI
Nếu sau lưng mình, Ban biện tập không mạnh mẽ, không quyết liệt, hèn và cơ hội, phóng viên “chết” không có gì lạ.
HAI BỨC ẢNH NÀY DÀNH TẶNG LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG BÌNH

Ảnh chụp một gia đình người Rục lúc nào cũng đói ( Chụp từ năm 2006 nhưng bây giờ cuộc sống chẳng khá hơn, thậm chí còn tệ hơn)
Vừa rồi blog Cu Làng Cát vận động bà con gửi tiền mua gạo mắm cứu đói cho bà con Rục sau đợt lũ, lại nghĩ tới cái dự án tốn kém gần 40 tỷ ( thời giá cách đây 15 năm) để đưa đón bà con đồng bào Rục, Mã Liềng về định cư. Bản chất dự án rất nhân văn. Nhưng người ta đã lựa chọn một nơi để làm dự án, không đất cảnh tác, vùng trũng, cứ mưa to là bị chia cắt, lũ lớn thì chia cắt có khi cả tháng trời, lại đói, triền miên đói, lại sắn, lại ngô như cái thời du canh du cư, nhiều bà con lại phải vào trong hang đá ở.
Thương và quý trọng nhiều lắm tấm lòng của Blog Cu Làng Cát đã kêu gọi cộng đồng mạng gửi tiền mua gạo cứu đói bà con Rục cơn lũ vừa rồi. Nhưng chắc bây giờ ăn hết gạo cứu trợ, lại tiếp tục đói thôi
Thôi khỏi bàn đến chuyện mổ xẻ sự ngu dốt ( hay cố tình ngu dốt để kiếm chác từ dự án này), thôi chuyện đã qua, đừng bàn chi đến trách nhiệm, kỷ luật kỷ liếc, mà bàn ngay đến việc phải đưa đồng bào tới một vùng đất khác, có đất, có nước ngọt để trồng lúa, thoát ra khỏi vùng trũng lũ để tự cứu mình, để có cuộc sống thực sự ổn định. Khỏi cần múa mép gào lên những câu khẩu hiệu nhàm chán nữa, làm điều này tức là vì dân, cho dân đấy. Nhưng ai sẽ nghĩ tới điều này? Quảng Bình.


_______________________________________

Nhật ký Trưởng thôn Khoai Lang
Gia đình nhà báo Hoàng Khương xin bảo lãnh tại ngoại (Infonet).  Theo thông tin từ Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP.HCM, hai luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà báo Hoàng Khương (PV Báo Tuổi Trẻ) đã được cấp giấy chứng nhận bào chữa.

Đó là luật sư Phan Trung Hoài và luật sư Phan Đức Linh. Hai luật sư đã nhận lời bảo vệ miễn phí cho nhà báo Hoàng Khương trong suốt quá trình tố tụng.
Đồng thời, cơ quan điều tra cũng đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư Phan Đức Linh, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can Nguyễn Đức Đông Anh, em vợ của nhà báo Hoàng Khương.
Luật sư Phan Trung Hoài cho biết, cơ quan điều tra đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho luật sư trong suốt quá trình tham gia tố tụng.
Theo Báo Tuổi Trẻ, ngày 6/1, gia đình của nhà báo Hoàng Khương cũng đã hoàn tất thủ tục xin bảo lãnh tại ngoại gửi tới cơ quan chức năng theo đúng quy định.
Trước đó, vào chiều ngày 2/1, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam nhà báo Hoàng Khương do có dấu hiệu của tội “đưa hối lộ”.
Một ngày sau, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cũng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can Nguyễn Đức Đông Anh về hành vi tương tự.
NGỌC KHÔI


– Cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư của Hoàng Khương (TT).
-Nên để Hoàng Khương được tại ngoại (NVP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét