Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Nạn nhân “Chiến thuật Hoa lài”

-Nguồn:Nạn nhân “Chiến thuật Hoa lài”
Lữ Giang
Tạp chí Time đã chọn Mohamed Bouazizi, người biểu tình, là “nhân vật của năm”. Bình luận gia Kurt Andersen của tạp chí này đã viết bài “The Protester” đăng trong số ra ngày 14.12.2011 nói rằng “người biểu tình một lần nữa đã trở thành kẻ làm nên lịch sử” (And the protester once again became a maker of history).

Một câu hỏi được đặt ra là “người biểu tình” đã làm nên lich sử hay họ đã bị biến thành công cụ của những thế lực đứng đàng sau?
Tờ New York Times và tạp chí Time vốn được coi là công cụ của giới đại tư bản Mỹ, nên những gì họ viết đều phải suy nghĩ một cách thận trọng.

 

NHÌN LẠI LỊCH SỬ

Qủa thật, trong quá khứ đã có nhiều cuộc biểu tình làm nên lịch sử, nhưng có rất cuộc biểu tình không phải do người biểu tình làm nên lịch sử, mà chính những thế lực đứng đàng sau đã biến họ thành công cụ để thực hiện những mục tiêu riêng, chẳng hạn như:
(1) Cuộc biểu tình của Tổng Hội Công Chức ngày 17.8.1945 ở Hà Nội để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim đã bị Việt Minh biến thành công cụ để cướp chính quyền.

(2) Cuộc biểu tình của Phật Giáo năm 1963 đã bị CIA lũng đoạn (vụ thiêu HT Quảng Đức, vụ xúi ông Diệm xét chùa), biến thành công cụ lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đưa quân vào miền Nam, sau đó loại bỏ Phật Giáo.

(3) Cuộc biểu tình phản chiến đã nổi lên ở Mỹ từ năm 1966. Các dân biểu Mỹ đã mời Thiền Sư Nhất Hạnh từ Pháp sang và đưa vào Quốc Hội Hoa Kỳ đọc bản tuyên cáo nói về lập trương 5 điểm của Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, với mục tiêu dọn đường cho Mỹ rút khỏi Miền Nam sau khi thực hiện xong các cuộc đấu quốc phòng.
(4) Cuộc biểu tình đòi nhà đất của Đòng Chúa Cứu Thế và giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, khởi sự từ năm 2008. Khi thấy Đức TGM Ngô Quang Kiệt bổng nhiên “tham chiến”, “các thế lực thù địch” đã chớp ngay thời cơ, biến Đức TGM Kiệt thành người lãnh đạo lực lượng đối kháng Công Giáo với hy vọng lực lượng này sẽ thay thế Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đang bị suy tàn, nhưng âm mưu này đã bị Vatican chận đứng kịp thời. Phe chủ mưu đã phản ứng rất gay gắt. Âm mưu này vẫn đang được tiếp tục với những chiến thuật rất tinh vi.
Trên đây chỉ là một vài thí dụ cụ thể có liên hệ đến vận mệnh của Việt Nam. Vậy “người biểu tình” Mohamed Bouazizi đã làm nên lịch sử hay đã bị biến thành công cụ của Mỹ?


VÀI NÉT VỀ MOHAMED BOUAZIZI

Mohamed Bouazizi, thường được người địa phương gọi là Basboosa, sinh ngày 29.3.1984 tại Sidi Bouzid, Tunisia. Cha anh là một công nhân xây dựng làm việc ở Libya, đã qua đời vì một cơn đau tim khi Bouazizi mới lên ba tuổi. Mẹ anh kết hôn với người chú của anh một thời gian sau đó. Gia đình anh có 6 anh chị em. Lúc nhỏ anh học ở một trường nhỏ trong vùng thôn quê ở Sidi Salah, cách Sidi Bouzid khoảng 19 cây số.
Một số cơ quan truyền thông trên thế giới cho rằng Bouazizi có trình độ đại học, nhưng cô Samia Bouazizi, người em gái của anh, cho biết anh chưa bao giờ tốt nghiệp trung học. Khi mới lên 10 tuổi, Bouazizi đã phải làm những công việc khác nhau để giúp gia đình. Lúc đầu anh vừa đi làm vừa đi học, nhưng sau bỏ học để đi làm toàn thời gian.
Anh có sức khỏe kém nên nhiều khi không thể làm việc thường xuyên. Mẹ của Bouazizi cho biết anh đã xin gia nhập quân đội nhưng bị từ chối. Anh cũng đã nộp đơn xin việc tại nhiều nơi, nhưng không nơi nào nhận. Tuy nhiên, anh vẫn cố gắng làm việc để giúp mẹ, chú và các anh chị em. Công việc anh làm là bán rau quả rong trên các đường phố Sidi Bouzid, mỗi tháng kiếm được khoảng 140 USD. Anh ở trong một căn nhà làm bằng vữa.
Biến cố đã xẩy ra vào hôm 17.12.2010, khi anh đang đi bán rau quả trên đường phố như mọi ngày thì bị nhân viên công lực ngăn chận không cho bán, vì chính quyền cấm bán hàng rong trên các đường phố. Họ lấy mớ rau quả của anh và vứt xuống đường. Để phản đối hành động này, Bouazizi đã tẩm xăng tự thiêu.
Nhân vụ này, người dân Tunisia đã xuống đường biểu tình để phản đối chính quyền Tunisia. Nạn thất nghiệp, giá cả thực phẩm tăng, chính quyền tham nhũng, mức sống của người dân quá thấp... đã khiến các cuộc biểu tình và bạo động ngày càng bùng nổ trên các đường phố. Người ta tưởng Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali sẽ đàn áp thẳng tay, nhưng ông đã từ bỏ chức Tổng Thống ngày 14.1.2011 và chạy qua Saudi Arabia sau 23 năm cầm quyền.

Ký giả Zied El Hani, người đang viết cho tờ Tunisia Essahafa, đã đặt tên cho cuộc nổi dậy này là “Cuộc cách mạng Hoa Lài”, (Jasmine Revolution) vì hoa lài là quốc hoa của Tunisia, để biểu tượng cho một cuộc cách mạng không đổ máu trên đất nước này. Tuy nhiên, các cường quốc đã biến “Cách mạng Hoa Lài” thành “Chiến thuật Hoa Lài” để thực hiện mục tiêu của họ.

LÝ DO CHỌN MOHAMED BOUAZIZI

Giải thích về sự lựa chọn “Người biểu tình”, tạp chí Time cho rằng năm 2011, mọi lục địa trên toàn cầu đều chứng kiến một làn sóng nổi dậy chưa từng thấy, diễn ra cả trong hòa bình lẫn bạo lực. Từ khắp Trung Đông đến Châu Âu và Mỹ, những người biểu tình đã xác lập lại sức mạnh của con người trên thế giới và tái định hình nền chính trị toàn cầu.

Tổng biên tập Time là ông Richard Stengel đã nói nói trên đài NBC: “Họ bất bình, họ đòi hỏi, họ không tuyệt vọng, thậm chí cả khi họ bị đáp trả bằng hơi cay hay những viên đạn. Họ đã hiện thực hóa suy nghĩ rằng hành động cá nhân có thể tạo ra sự thay đổi lớn. Đây là những người đang làm thay đổi lịch sử và họ sẽ thay đổi lịch sử trong tương lai.”


CHUYỆN GÌ ĐANG XẨY RA?

Trong bài “Những sự kiện nổi bật trong thế giới blog năm 2011” phổ biến trên đài RFA ngày 28.12.2011, phóng viên Thanh Quang đã viết:
“Nhân còn vài ngày nữa là bước sang Tân Niên Dương lịch 2012, RFA điểm qua một số sự kiện nổi bật trên nhật ký mạng, tức các trang blog, trong năm 2011.

"Cuộc nổi dậy của người dân ở Tunisia hồi cuối năm 2010 khiến nhà độc tài Zine el-Abidine Ben Ali cùng gia đình phải rời nước lưu vong sau 23 năm cai trị xứ Bắc Phi này. Và biến cố ấy – còn gọi là “Cuộc Cách Mạng Hoa Lài”- khiến làm sụp đổ uy quyền 30 năm của Tổng thống Hosni Mubarak ở Ai Cập. Rồi tới tháng 10 năm 2011, nhà độc tài Moammar Gaddafi đã tử thương sau 42 năm cai trị độc đoán tại xứ Libya khá phong phú dầu hỏa ở Bắc Phi.”

Sự thật như thế nào?


1.- Trường hợp Tunisia
Chuyên gia về Tunisia, ông Steven Ekovich thuộc American University ở Paris, tiên đoán con đường trước mặt sẽ rất gay go đối với quốc gia nhỏ bé này.

Có đến 98% dân Tunisia là tín đồ Hồi giáo, khoảng 1% theo Thiên chúa giáo và số còn lại theo Do Thái giáo hay các tôn giáo khác. Vì thế, trong cuộc bầu cử quốc hội lập hiến vào tháng 10/2011 vừa qua, các đại biểu Hồi Giáo đã chiếm đa số. Riêng đảng Hồi Giáo Ennahdha chiếm hơn 40% số ghế. Ông Rachid Ghannouchi, lãnh đạo đảng Hồi giáo Ennahdha đã cử ông Hamadi Jbeli, Tổng thư ký của đảng Ennahdha làm Thủ Tướng.
Theo bản tin của RFI ngày 13.12.2011, hôm 12.12.2011, ông Moncef Marzouki, một nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, cựu thành viên đối lập cánh tả, đã được quốc hội lập hiến bầu làm Tổng Thống. Ông này đã bổ nhiệm ngay ông Hamadi Jbeli là Thủ Tướng.
Bản tin cũng cho biết, 23 dân biểu đã bỏ phiếu trắng vì thẩm định quyền lực của Tổng Thống sẽ bị Thủ Tướng là người của phe Hồi Giáo lấn lướt.
Tạp chí “Chính Sách Ngoại Giao” của Mỹ đã dự phóng tình hình Tunisia như sau: Đảng Hồi giáo ôn hòa Ennahdha chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 10/2011 và các mối đe dọa bạo lực từ các tổ chức Hồi giáo cực đoan vẫn tiếp diễn. Tunisia trở thành điểm quan trọng trong năm 2012 vì đây là điểm khởi đầu của “Mùa Xuân A-rập”. Nhiệm vụ của chính phủ mới bao gồm cải cách hiến pháp, xoay chuyển kinh tế, chống tham nhũng và nạn thất nghiệp.

Tunisia là thuộc địa cũ của Pháp nên chịu ảnh hưởng của Pháp nhiều hơn Mỹ. Nếu cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay không giải quyết được, Hồi Giáo có thể tạo bạo loạn và cướp chính quyền. Đó là một thảm họa


2.- Trường hợp Ai-cập
Ông Muhammad Hosni Sayyid Mubarak đã phục vụ Mỹ một cách tận tụy (giống Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm) trong suốt 30 năm. Nhưng những năm cuối đời ông hay bệnh hoạn và không còn làm đúng theo yêu cầu của Mỹ nữa, nên Mỹ quyết định thay thế.

Tờ Telegraph ở London cho biết từ năm 2008, Mỹ đã huấn luyện người đứng ra tổ chức biểu tình lật đổ Mubarak, nhưng các tổ chức này đã không thể huy động một số đông quần chúng, nên Mỹ phải “cầu viện” tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo vốn bị coi là “thế lực thù địch” đối với Mỹ. Khi tổ chức này đứng ra xách động, tín đồ Hồi Giáo xuống đường tràn ngập, Mubarak không thể đứng lại được.

Với chiến thuật này, tuy đẩy được Mubarak đi, Hoa Kỳ đã phải trả một giá khá đắt. Hoa Kỳ dự trù sau khi lật Mubarak, sẽ cho các tướng lãnh Ai-cập tổ chức một cuộc bầu cử mánh mung để đưa một tướng tay sai của Mỹ khác lên thay. Hội Đồng Quân Đội Ai-cập đã đưa ra một tiến trình bầu cử khác thường bằng ba giai đoạn: Giai đoạn 1 bầu cử Hạ Viện kéo dài trong 6 tuần lễ với kết quả sẽ công bố vào ngày 13.1.2012. Giai đoạn 2 bầu Thượng Viện (Hội đồng Shura), cũng kéo dài trong 6 tuần lễ, bắt đầu vào ngày 29/1 và kết thúc vào giữa tháng ba. Giai đoạn 3, Quân Đội sẽ lựa chọn những thành phần soạn thảo hiến pháp, sau đó sẽ tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 7 năm 2012.

Mới giai đoạn đầu, Huynh Đệ Hồi Giáo đã thắng lợi vẽ vang, nhưng họ không chấp nhận những trò mánh mung của Quân Đội. Các cuộc biểu tình dữ dội đã diễn ra ở quảng trường Tahrir ở Cairo đòi các nhà cai trị quân sự Ai-cập phải lập tức trao quyền cho một chính quyền dân sự. Quân Đội cũng đàn áp như dưới thời Mubarak. Mỹ nhìn thấy những phản ứng này có thể làm Mỹ mất quyền kiểm soát Ai-cập, nên đã dứng ra thương lượng với Huynh Đệ Hồi Giáo để có một giải pháp dung hoà. Chưa ai biết Ai-cập sẽ đi về đâu.


3.- Trường hợp của Libya
Tài liệu được tiết lộ cũng cho thấy Hoa Kỳ đã lợi dụng sự hợp tác của Tổng Thống Gaddafi trong việc chống al-Qaeda để thăm dò hệ thống phòng thủ của Libya và tổ chức lật đổ Gaddafi. Tuy nhiên, một biến cố đã làm nhiều người ngạc nhiên: Từ trước đến nay một quy luật quân sự vốn được mọi quân đội thừa nhận, đó là “Không quân không thể giải quyết chiến trường, phải có bộ binh”. Nhưng trận chiến Libya vừa qua đã làm đảo ngược quy luật đó: Bằng hệ thống vệ tinh và tình báo, Hoa Kỳ đã hướng dẫn không quân của NATO phá sập các cơ sở quân sự của Libya mà Gaddafi tưởng không ai có thể phá được. Gaddafi phải bỏ chạy. Nhóm “Kháng chiến quân” do Mỹ lập chỉ là những kẻ chạy cờ và đi lượm súng.

Sau khi Gaddafi bị giết, một Hội đồng Quốc gia Lâm thời được thành lập do ông M. Abdeljalil lãnh đạo, nhưng chiến tranh giữa các bộ tộc vẫn còn. Chính phủ không kiểm soát được các nhóm võ trang. Ông M. Abdeljalil muốn thành lập một quân đội quốc gia thống nhất, nhưng chưa làm được.


4.- Trường hợp Syria và Yemen
Tạp chí “Chính Sách Ngoại Giao” của Mỹ có nhận xét như sau về trường hợp của Syria và Yemen:

Về Syria: Phong trào biểu tình ở Syria đang gây sức ép với Tổng thống Bashar al-Assad. Biến động ở Syria đã khiến nước láng giềng Lebanon lo lắng. Tổ chức Hezbollah ở Lebanon ủng hộ tổng thống Syria cùng đồng minh Iran không chấp nhận thay đổi quyền lực ở Syria. Phản ứng tiêu cực của tổ chức này có thể ảnh hưởng đến an ninh khu vực.
Về Yemen: Sau khi Tổng thống Ali Abdullah Saleh ra đi, Yemen phải đối mặt với nhiều thách thức như tranh chấp giữa các phe phái có quyền lực quân sự. Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trong quá trình chuyển giao quyền lực là duy trì lệnh ngừng bắn, loại bỏ các lực lượng của các bộ tộc, cải cách hệ thống quân đội và lực lượng an ninh. Trong khi đó, Nam Yemen lại đòi độc lập, phe nổi dậy Houthi ở miền Bắc muốn tự trị và Al Qaeda đang vùng dậy. Tình hình tranh giành quyền lực chính trị và bất ổn an ninh sẽ còn kéo dài.
Nhìn chung, các thế lực tư bản đã biến “Cuộc cách mạng Hoa Lài” phát xuất từ Tunisia thành công cụ thực hiện các mục tiêu của họ. Nhiều con bài thí đã bị hy sinh cho những mục tiêu này. Dân chúng Syria và Yemen tưởng rằng sau Libya sẽ đến phiên nước của họ. Nhưng đó chỉ là hoang tưởng.

Tạp chí Time cho rằng “Cuộc cách mạng Hoa Lài” đã lan rộng khắp Trung Đông đến Châu Âu và Mỹ. Nhưng đó chỉ là một sự cố ý thổi phồng. Ở Châu Âu và Mỹ, dù có “Cuộc cách mạng Hoa Lài” hay không, với sự suy thoái kinh tế do lòng tham vô đáy của giới đại tư bản tạo nên, các cuộc biểu tình đương nhiên phải diễn ra. Riêng ở Mỹ, giới đại tư bản sẽ có những thay đổi sau bầu cửû năm 2012, nhưng thay đổi không phải vì công lý hay vì quyền lợi quốc gia mà vì sự sinh tồn của họ (giống Cộng Sản).


CÁCH MẠNG HOA LÀI VÀ VIỆT NAM

Ngày 29.12.2012, đài RFA của Mỹ đã cho phổ biến bài “Sức mạnh khôn lường của Hương Lài”của phóng viên Thanh Quang. Bài báo viết: “Một năm trước đây, cuộc Cách Mạng Hoa Lài bắt đầu bùng phát tại Tunisia và rồi biến thành Mùa Xuân Ả Rập lan tỏa tới nhiều nước vùng Trung Đông, Bắc Phi khiến làm sụp đổ nhiều nhà độc tài ở đó.”.

Bài báo đặt câu hỏi: “Và cũng giống như tại Tunisia, nếu tình hình trở nên xấu đi đáng ngại, nếu xảy ra 1 hoặc 2 cuộc đụng độ nhỏ nhưng gây tử vong mang tính chính nghĩa, nếu hàng chục ngàn người thách thức quyền lực hiện hành thì liệu chế độ cộng sản này có còn dựa vào lực lượng bảo vệ, tức Công an Nhân dân, được nữa hay không?”

Ngày 3.1.2012, đài này lại cho phổ biến bài “Cách mạng Hoa lài" ám ảnh Việt Nam” cũng của phóng viên Thanh Quang. Bài phóng sự đã mở đầu như sau: “Trong lúc cách mạng “Hoa Lài” phát xuất từ Tunisia tiếp tục làm chấn động Bắc Phi, Trung Đông và lan toả tới Á Châu thì tại VN đang xảy ra một loạt những vụ bắt bớ, sách nhiễu, hành hung nhiều nhà dân chủ.”

Nhưng Ai-cập và Libya hoàn toàn khác Việt Nam.
Thứ nhất, tại hai nước này, Mỹ đã đặt được những cơ sở tình báo trong các cơ quan chính quyền như VNCH trước đây, nên họ có thể đổi trắng thay đen một cách dễ dàng. Còn tại Việt Nam, Mỹ chưa đặt được những cơ sở như vậy.

Thứ hai, các nhà quân phiệt hay độc tài mà Mỹ đã dựng lên tại một số nước Trung Đông và Bắc Phi để bảo vệ quyền lợi của Mỹ, họ cũng gióng như Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm của VNCH,chỉ làm theo sự chỉ đạo của Mỹ, không cần biết “địch” và “đồng minh” đang làm gì và khi có biến cố xẩy ra, sẽ đối phó như thế nào. Gaddafi còn nghĩ rằng hợp tác với Mỹ để chống al-Qaeda sẽ được yên thân, không ngờ ông tự đào mồ chôn mình.

Trái lại, các chế độ cộng sản tại Trung Quốc và Việt Nam không để bị CIA lũng đoạn và rất dày dạn kinh nghiệm trong việc đối phó với các cuộc nổi dậy. Có những nhân vật trong Ban Bí Thư Trung Ương Đảng hay Bộ Chính Trị yếu kém hơn Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Mubarak, Gaddafi hay Ali Abdullah Saleh, nhưng họ theo CHẾ ĐỘ TẬP THỂ CHỈ HUY. Mọi chính sách hay biến cố đều được các nhóm chuyên viên nghiên cứu kỹ càng và trình bày các giải pháp. Ban Bí Thư Trung Ương Đảng hay Bộ Chính Trị chỉ lựa chọn và quyết định, nên ít sai lầm hơn. Trái lại, các tay sai của Mỹ thường suy nghĩ và hành động theo cảm tính, không cần theo phương pháp khoa học, nên thường trúng kế Mỹ.
Đúng như đài RFA đã nhận xét, tại VN đang xảy ra một loạt những vụ bắt bớ, sách nhiễu, hành hung nhiều nhà dân chủ. Đây là chính sách diệt nổi dậy từ trong trứng nước.
Vã lại, đài RFA mới kích động được tinh thần đối kháng ở Việt Nam, nhưng Mỹ chưa hình thành được tổ chức đối kháng nào ở Việt Nam. Kinh nghiệm cho thấy các tổ chức chính trị thường chỉ tranh ghế chứ không huy động được quần chúng. Cũng như trước năm 1975, Hoa Kỳ thấy chỉ có tôn giáo là có thể đứng lên phát động quần chúng đấu tranh. Do đó, sau 1975, Hoa Kỳ đã tái xử dụng Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang. Tuy nhiên, bằng những biện pháp tinh vi, CSVN đã làm tan rã hầu hết các khuôn hội của Giáo Hội này. Nhân vụ đòi nhà đất của Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, “các thế lực thù địch” định biến Đức TGM Ngô Quang Kiệt thành lãnh tụ của lực lượng đối kháng Công Giáo, nhưng Vatian đã chận đứng kịp thời. Vatican và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vẫn theo đuổi chủ trương chỉ rao giảng Tin Mừng, không để bị biến thành một lực lượng đối kháng, làm công cụ cho bất cứ phe nào. Đây là vấn đề chúng tôi sẽ trình bày trong một bài riêng.
Không tạo được tổ chức lãnh đạo đối kháng, mọi cuộc nổi dậy, dù mạnh như biến cố Thiên An Môn, cũng sẽ bị tan rã.


Ngày 3.1.2012


Lữ Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét