Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Chiến lược quốc phòng 10 năm của Mỹ

-Chiến lược quốc phòng 10 năm của Mỹ - (BBC)-Tổng thống Obama dự kiến sẽ công bố chiến lược quốc phòng mới đi kèm kế hoạch cắt giảm bộ binh
Hoa Kỳ sẽ cắt giảm hàng nghìn binh sĩ trong chương trình tái bố trí quốc phòng sâu rộng nhằm tiết kiệm chi tiêu quân sự trong thập niên tới nhưng sẽ chuyển hướng sang châu Á.
Ngày 5/12 Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Leon Panetta dự kiến sẽ công bố tại Ngũ Giác Đài, trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ một loạt kế hoạch nhằm chấm dứt tình trạng ‘lưỡng bề thọ địch’ của quân đội Mỹ.
Trong vòng 10 năm tới, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ cắt 450 tỷ USD, và vào đầu năm 2013, một khoản cắt 500 tỷ USD nữa có thể sẽ được áp dụng.

Nhưng dù vậy, trong năm tranh cử 2012, ông Obama sẽ vẫn nhấn mạnh rằng ngân sách quân sự của Hoa Kỳ tiếp tục tăng tuy với tốc độ chậm hơn trước.
Các quan chức Mỹ, được báo chí trích lời hôm 4/12, nêu ra với truyền thông rằng tổng thống Hoa Kỳ sẽ cho cắt giảm quân lính chỉ sau khi có các báo cáo chiến lược của cấp tư lệnh lực lượng.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, Jay Carney mô tả các kế hoạch cắt giảm là “mang tính phẫu thuật”, và được biết tổng thống Obama theo dõi chặt chẽ quá trình ra quyết định.
Vào trưa thứ Năm 05/12 theo giờ Mỹ, ông Obama sẽ không công bố chi tiết về con số cắt giảm quân lính mà chỉ nhấn mạnh đến các ưu tiên mới cho chi phí quốc phòng và các quyết định cho tương lai.
Nhưng hãng Reuters đã nêu rằng các quan chức Hoa Kỳ đang xem xét cắt giảm 10-15% lực lượng Bộ binh và Thủy quân Lục chiến trong 10 năm tới, tương đương 10 nghìn quân.
Bộ binh và Thủy quân Lục chiến của Mỹ sẽ bị cắt giảm quân số
Châu Á là trọng tâm
Tương lai của quân lực Hoa Kỳ được nói là sẽ nhắm vào châu Á và chấm dứt tình trạng quân Mỹ phải chiến đấu cùng lúc trên hai mặt trận được cho là kéo dài 10 năm qua.
Cùng với kế hoạch cắt giảm bộ binh là hướng tăng cường không quân và hải quân ở châu Á.
Mùa thu năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã nêu rõ rằng châu Á sẽ là trọng tâm của chiến lược an ninh Hoa Kỳ, gồm cả mục tiêu ngăn ngừa ảnh hưởng của Trung Quốc và coi Thái Bình Dương là “ưu tiên hàng đầu”.
Nhưng theo các hãng thông tấn, sự chuyển hướng chiến lược này có cả mục tiêu nhắm vào Iran.
Theo Washington Post, ngoài hai "mối đe dọa Trung Quốc và Iran", Hoa Kỳ cũng chuẩn bị cho các biến động ở Bắc Triều Tiên.
Đổi lại, quân bộ đóng tại châu Âu và chi phí cho các chương trình vũ khí hạng nặng sẽ bị cắt, theo báo chí Hoa Kỳ.
Tại cuộc họp báo hôm nay, Tổng thống Obama dự kiến cũng sẽ chỉ ra cả các tiêu chí mới cho quốc phòng như ngăn chặn chiến tranh trên mạng Internet (cyber warfare) và nạn khủng bố.
Ngũ Giác Đài đã bàn thảo về kế hoạch rút khỏi cảnh lâm chiến một lúc hai nơi từ nhiều năm nay.
Ngay từ tháng 6/2001, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó, ông Donald Rumsfeld nói với Quốc hội rằng chiến lược “hai cuộc chiến” là không hiệu quả.
'Thực tiễn hơn'
Khi Hoa Kỳ lâm trận cùng lúc ở cả Iraq và Afghanistan, quân lực Mỹ rơi vào cảnh thiếu quân.
Về hướng tới châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng trước, ông Robert Gates hồi 2010 cũng đã từng phát biểu rằng: "Hoa Kỳ muốn có một sự hiện diện quân sự lớn hơn ở châu Á".
Hoa Kỳ sẽ chính thức tăng cường hải quân ở châu Á
Trên đường đến Australia để dự hội đàm an ninh thường niên hồi 11/2010, ông Gates cho biết mối quan hệ gần gũi hơn với nước Úc sẽ giúp Hoa Kỳ mở rộng vai trò của mình tại Đông Nam Á.
Ngoài ra, các quan chức Mỹ cũng nói họ quan tâm rộng rãi đến an ninh khu vực, từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á sang đến Ấn Độ Dương.
Nay, thay đổi chiến lược sẽ chuẩn bị cho quân Mỹ chỉ tham chiến ở một nơi và đồng thời duy trì chiến dịch ở một nơi khác với mục tiêu phá thế đe dọa của đối phương thứ nhì.
Quan chức Mỹ nêu ra ví dụ gần đây để chỉ đạo cho các quyết định này.
Chẳng hạn, Hoa Kỳ nay tin rằng trong chiến sự “không nhất thiết phải có quân trên bộ liên tục,” một quan chức nói với Reuters,
Ông này cũng nói quân đội Hoa Kỳ "đang điều chỉnh chiến lược để có tính thực tiễn hơn".
Trong lúc nhiều nước đồng minh Nato ở Libya cũng gặp cảnh phải cắt giảm chi tiêu quân sự, ông Obama có thể sẽ bị phe diều hâu tại Quốc hội chỉ trích.
Trong số họ sẽ có cả những nhân vật Cộng hòa ra thách thức ông vào kỳ tranh cử tổng thống tháng 11 này.


-Trung Quốc sẽ tạo ra thay đổi lớn
CHÂU GIANG (DỊCH TỪ HOOVER INSTITUTION STANFORD UNIVERSITY) -Trung Quốc đang đứng trước hai thay đổi lớn có thể sẽ đem lại những bất ngờ: về kinh tế và chính trị.Trật tự diễn ra các thay đổi này sẽ ảnh hưởng tới các tác động của chúng. Trong mọi trường hợp, những thay đổi này sẽ xảy ra trước năm 2020.
-
Thay đổi về xã hội
Nền kinh tế nước này đã tăng trưởng nhanh chóng trong nhiều năm qua, hơn 30 năm với mức tăng trưởng trung bình 9%/năm, đến mức quy mô của nền kinh tế đã đưa nước này trở thành một tác nhân chính trong các lĩnh vực thương mại và tài chính, và dần dần trong lĩnh vực quân sự và chính trị. Mức tăng trưởng này không chỉ có tầm quan trọng quốc tế, mà còn tạo ra các tác động xã hội trong nước và sớm hay muộn sẽ gây ra các tác động về chính trị ở nước này.
Có một điều chắc chắn là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc rốt cuộc sẽ dẫn tới thay đổi về chính trị. Đặng Tiểu Bình đã nói năm 1988 rằng Trung Quốc sẽ trở thành một nền dân chủ trong 50 năm, có nghĩa là "Hãy quên nó đi".
Nhưng một số người nghĩ rằng thay đổi chính trị sẽ diễn ra ngay trong thập kỷ này. Tuy nhiên, mọi chuyện không hề đơn giản (và chưa bao giờ đơn giản), có một cách lập luận khác, được thảo luận sau đây, theo đó sẽ có một cơ hội để kinh tế giảm tốc một cách đáng ngạc nhiên trong giai đoạn này.
Một số người khác cho rằng các sự kiện giả định này sẽ không diễn ra độc lập; xáo trộn về chính trị sẽ làm tổn thương nền kinh tế, và sự giảm tốc mạnh của kinh tế sẽ chắc chắn gây hậu quả tới chính trị. Tất nhiên, tác động qua lại giữa sự thay đổi về chính trị và một cú lắc kinh tế có thể chỉ là một chuyện đồn thổi.
Thời điểm ngay trước khi các sự kiện này xảy ra là năm 2015 - đủ sớm để khiến chúng ta phải chú ý - với các ảnh hưởng ngày càng tăng trong những năm tiếp theo. Nhân tố chung nối các sự kiện này lại là Trung Quốc sẽ đạt mức GDP trên đầu người 17.000 USD (theo cân bằng sức mua năm 2005). Đây là mức mà mọi quốc gia không nhiều dầu mỏ được xếp hạng "tự do một phần" hoặc  "tự do hoàn toàn" theo đánh giá của Freedom House. Một "điểm" khác để đủ đạt hạng "tự do" là trình độ giáo dục, và điểm này cũng đang được tăng cường vững chắc tại Trung Quốc. Dù ngày nay Trung Quốc đang bị xếp ở thứ hạng "không tự do", với mức tăng trưởng vẫn giữ ở 9 - 10%/năm, nhưng họ sẽ đạt tiêu chuẩn "tự do" vào năm 2015; nếu tăng trưởng giảm xuống còn 7%/năm như Thủ tướng Ôn Gia Bảo nghĩ, thì nước này sẽ đạt tiêu chuẩn "tự do" không lâu sau đó - vào năm 2017.
Khoa học đang thay đổi cách tiếp cận thông tin của người dân và khả năng họ giao tiếp với nhau. Ngày nay, khoảng 850 triệu người đang sử dụng điện thoại di động tại Trung Quốc, và trong vài năm tới, con số này sẽ lên tới hơn 1 tỉ người. Với hơn nửa triệu tin nhắn được gửi đi mỗi ngày, chính phủ không kiểm soát được việc người dân truyền bá thông tin cho nhau, tổ chức biểu tình hay cáo buộc tham nhũng. Điện thoại di động là một công cụ tổ chức cho các cuộc biểu tình lớn trong các sự kiện gây xáo trộn.
Tầm quan trọng của Internet cũng không thể phủ nhận. Hiện ở Trung Quốc có khoảng 500 triệu người sử dụng mạng Internet và con số này sẽ còn tăng mạnh, nên tác động xã hội của nó sẽ rất lớn. Việc này tạo ra một cuộc chơi giữa những người sử dụng muốn tìm kiếm thông tin, với những người viết blog, và các nhà quản lý.
Đổ vỡ về kinh tế và chính trị?
Nhưng tỷ lệ tăng trưởng cao của Trung Quốc có bền vững? Rõ ràng tỷ lệ hơn 9%/năm sẽ giảm bớt; bởi cái cây không thể cao đến tận trời và 30 năm tăng trưởng cao đã là một ngoại lệ.
Mọi người đều cho rằng sự giảm bớt sẽ diễn ra dần dần, cùng với một lực lượng lao động tăng trưởng chậm hơn, một dòng chảy nhân công chuyển từ các công việc đồng áng có năng suất thấp tới các công việc ở đô thị có năng suất cao hơn cũng ít dần, và cách tiếp cận của nước này với công nghệ thế giới.
Có một quan điểm đối lập được một số học giả đưa ra, mà gần đây là Barry Eichengreen, Kwanho Shin và Donghyun Park. Họ phát hiện ra rằng mức tăng trưởng cao tại hầu hết các nền kinh tế không xuất khẩu dầu mỏ đều đi đến một kết cục đột ngột là GDP bình quân đầu người đạt 16.740 USD (theo cân bằng sức mua năm 2005), mức tăng trưởng chậm lại từ 5,6% xuống còn 2,1%. Họ cho rằng Trung Quốc đang trên đường đạt đến mức này vào năm 2015 (hoặc 2017 nếu tăng trưởng của họ đạt 7%/năm). Cả ba học giả trên thấy rằng chỉ hai nền kinh tế phát triển nhanh nhất vượt qua mức 16.000 USD mà không gặp trở ngại gì là các thành phố - quốc gia Hong Kong và Singapore.
Lý do cơ bản là với mức GDP đó, lương của những công nhân chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp giảm, và vì vậy, lợi nhuận từ việc sử dụng công nghệ phát triển của nước ngoài cũng giảm. Góp phần gây ra sự suy giảm này sẽ là tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ thấp hơn giá trị thực rất nhiều.
Trung tâm của hiện tượng này là sự chậm lại của mức tăng năng suất. Họ viết:
Sự suy giảm diễn ra vào một thời điểm trong quá trình tăng trưởng, mà ở đó không thể thúc đẩy năng suất thêm nữa bằng cách chuyển đổi công nhân từ nông nghiệp sang công nghiệp, và ở đó lợi nhuận từ việc nhập khẩu công nghệ nước ngoài cũng giảm. Nhưng sự giảm mạnh về tăng trưởng TFP (năng suất nhân tố tổng hợp) từ mức cao bất thường hơn 3% xuống còn 0% là rất đáng chú ý.
Tuy nhiên trong bối cảnh này, Trung Quốc có một lợi thế duy nhất có thể giúp họ tăng trưởng với một tỷ lệ tốt: đó là một khu vực rộng lớn mà đầu tư vốn có thể dồn vào. Các tỉnh miền Tây của họ vừa đông dân lại nghèo.
Về điểm này, các tác giả viết: Nếu có thể tạo ra tăng trưởng kỳ diệu bên trong Trung Quốc, thì phát triển kinh tế của các tỉnh nội địa, nơi có đông dân cư hơn hầu hết các các khác và là nơi ở của phần lớn người dân Trung Quốc, thì có thể duy trì tăng trưởng quốc gia trong nhiều năm tới. Chính phủ Trung Quốc cũng đã mở rộng cơ sở hạ tầng vật chất, như đường cao tốc và đường sắt, tới các tỉnh kém phát triển để chuẩn bị cho họ trước sự chuyển đổi này.
Dù đoán biết được một sự sụt giảm bất ngờ sẽ xảy ra, nhưng hậu quả của nó sẽ là gì? Ở trong nước, các hậu quả này phụ thuộc nhiều vào sự phân chia suy giảm về mặt địa lý và trong các lĩnh vực. Trên thực tế, nhiều vốn đầu tư ở vùng duyên hải có lẽ đã ít trở lại. Điều này đúng đối với khoản đầu tư 300 tỷ USD cho đường sắt cao tốc. Liệu chính phủ có đối phó bằng việc cắt giảm một số loại đầu tư (những loại mà lẽ ra phải đầu tư trong mọi trường hợp) và khuyến khích hoạt động tiêu dùng vốn đã giảm xuống mức thấp đáng kể là 36% sản lượng, hay không? Họ đã nói là muốn làm vậy.
Rõ ràng là để ổn định, Trung Quốc cần mức tăng trưởng cao bền vững - tối thiểu 7%/năm. Dù sự tồn tại một ngưỡng kỳ diệu không đáng tin và tỷ lệ đó có thể được xem là tuyệt vời ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, nhưng mức tăng trưởng chậm lại rõ ràng sẽ gây ra những hậu quả đối với Trung Quốc, cũng như ở nước ngoài.
Ở trong nước, khả năng tăng trưởng chậm lại đặt ra nhiều câu hỏi. Ví dụ, đâu là các tác động khác nhau của tăng trưởng chậm lại đối với phân phối thu nhập? Các lĩnh vực kinh tế nào sẽ bị tác động nhiều nhất? Một bong bóng bất động sản sắp nổ tung, với tình trạng thất nghiệp gia tăng trong giới công nhân xây dựng. Điều gì sẽ xảy ra với lĩnh vực xe hơi, vốn lớn nhất thế giới với hơn 18 triệu xe được bán trong năm 2010 và dự báo chính thức sẽ đạt 50 triệu vào năm 2021? Điều gì sẽ xảy ra với thất nghiệp và tình trạng không sử dụng hết lao động, vốn đang là một vấn đề liên quan đến những sinh viên mới tốt nghiệp? Người dân sẽ phản ứng thế nào khi họ không đạt được điều mong đợi? Liệu sự không hài lòng với Đảng có gia tăng?
Về các tác động quốc tế có thể, Eichengreen và các cộng sự nói: "Theo một số ước tính, riêng Trung Quốc chiếm 30% tăng trưởng cầu toàn cầu, các nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) chiếm 45%, và các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển chiếm đa số tổng tài sản". Tóm lại, một sự suy giảm của Trung Quốc sẽ tác động nghiêm trọng tới tăng trưởng của thế giới.
Bị tác động rõ nhất sẽ là các nước cung cấp nguyên liệu đầu vào như Brazil, Indonesia, và Australia, và cả các nước cung cấp máy móc như Nhật Bản và châu Âu. Và vì đặc tính đa phương trong thương mại toàn cầu, lĩnh vực xuất khẩu của Mỹ cũng sẽ bị tổn thương.
Chính sách quốc phòng và ngoại giao của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm kinh tế theo nhiều cách khác nhau. Tăng trưởng giảm đồng nghĩa với việc tiềm năng quân sự tương lai sẽ không lớn. Nước này sẽ thấy khó khăn hơn trong việc trang bị các loại vũ khí tối tân mà nhiều người cho là họ sẽ có, và Quân Giải phóng nhân dân cũng mong được sở hữu. Nếu những khó khăn của Trung Quốc đủ lớn, Đảng sẽ có thể đổ lỗi cho bên ngoài về những rủi ro này. Và mục tiêu đầu tiên sẽ là Mỹ.
Đảng đã chọn cách cố gắng tránh một sự chuyển dịch lớn có thể xảy ra bằng cách dần dần tiến hành những thay đổi chính trị từ dưới lên. Đó là điều mà Quốc dân Đảng, một thời từng là một đảng theo Lenin, đã làm ở Đài Loan. Các lựa chọn chính trị đã lần đầu tiên được đưa vào chính quyền địa phương, sau đó vào quốc hội, và cuối cùng là bầu Chủ tịch nước. Quá trình này không phải là diễn ra một cách êm xuôi, không có khó khăn.
Tương tác giữa các sự đổ vỡ
Trở lại với các ý kiến ban đầu: nhiều khả năng diễn ra thay đổi về kinh tế hoặc chính trị, hoặc cả hai, ở Trung Quốc sẽ xảy ra trước năm 2020. Nếu đúng như vậy, trật tự xảy ra hai sự kiện này có thể tạo ra một khác biệt lớn, bởi chỉ có thể đoán được các sự kiện này sẽ diễn ra như thế nào.
Nếu tự do hóa chính trị lớn diễn ra trước, thì khi đó sự suy giảm kinh tế nhẹ hơn sẽ không gây tác động chấn thương.
Nhưng nếu điều ngược lại diễn ra, nếu thay đổi kinh tế diễn ra trước thay đổi chính trị, tức là suy giảm kinh tế lớn có thể dẫn tới tự do hóa chính trị, thì hoặc một bộ phận bảo thủ sẽ thành công trong việc thắt chặt con vít, hoặc sẽ có một thời kỳ rối loạn chính trị kéo dài. Đơn giản là chúng ta không thể biết được.
Theo cách này hay cách khác, các diễn biến ở Trung Quốc trong thập kỷ tới có một khả năng ảnh hưởng lớn đến phần còn lại của thế giới - hơn nhiều trước đây và theo các cách thức hoàn toàn khác./.
  • Thông tin tác giả: Henry S. Rowen là thành viên Viện Hoover, giám đốc danh dự của Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Shorenstein, và giáo sư danh dự tại Trường cao học Kinh doanh, thuộc Đại học Stanford.

Thế giới 2012: Không thể và có thể (TVN/carnegieendowment).


-- - Quảng Ngãi: Một ngư dân thoát tay “thủy thần” sau hơn 7 giờ vật lộn trên biển(DT).Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam thăm Trung Quốc (TXVN).
Trung Quốc tăng kiểm soát báo chí  —  (BBC).  - Trung Quốc và cuộc chiến văn hóa mới (VNN/Diplomat).

-Trung Quốc lại thử nghiệm máy bay tàng hình J-20 

Trung Quốc: Dự kiến nhân sự cấp cao khóa 18 Đảng Cộng Sản-


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét