Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

'Sống dở chết dở' tại mỏ sắt lớn nhất ĐNA

“Chúng ta phải nhìn vào sự thật là đã rất có lỗi với dân, không thể bắt họ kéo dài đau khổ này mãi. Tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh, cùng với các thành viên Cty TIC trả lời dứt khoát"..
>> Bài 1: “Có nơi nào khổ như chúng tôi không?”

 - “Hiện dự án đang bị tạm dừng khai thác, tôi chỉ mong sao các cấp quan tâm cho Thạch Hải hưởng một số dự án nhỏ, nâng cấp một số hạng mục. “Bơm ô xy” để sống qua ngày chứ về lâu dài thì phải trả tiền đền bù, làm khu tái định cư cho dân. Giờ vô vọng rồi, chết thật chứ không phải giả chết nữa”. 

LTS: Mỏ sắt Thạch Khê được quy hoạch trên diện tích gần 3.900 ha, nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 6.000 hộ dân với hơn 25.000 nhân khẩu.
Đây là mỏ sắt có trữ lượng quặng lớn nhất Đông Nam Á, ước tới hơn 540 triệu tấn, chiếm hơn 1/2 trữ lượng quặng sắt toàn quốc.  
Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai, dự án này đã vướng mắc nhiều vấn đề lớn, nhất là việc GPMB, di dân tái định cư. Các công trình đang dang dở vì thiếu vốn. Và hiện đã tạm dừng khai thác theo văn bản 164, thông báo kết luận của Thủ tướng để tái cơ cấu.

Phóng viên VietNamNet đã có hành trình dài ngày, tìm hiểu những vấn đề dân sinh ở khu vực mỏ sắt. Truyền tải những thực tế đang diễn ra để các cơ quan hữu quan có thêm kênh thông tin về hiện trạng của dự án.

Kể từ khi Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê được tiến hành vào năm 2007, theo quy hoạch, xã Thạch Hải (Thạch Hà, Hà Tĩnh) sẽ phải di dời toàn bộ xã với gần 4.000 dân.  
Nhưng hiện nay chính quyền cũng như người dân nơi đây đang hoang mang vì không biết mỏ sắt sẽ 'đi đâu về đâu'? Khi mà dự án hầu như chẳng thể triển khai được bất cứ việc gì, người dân thì bó gối nhìn ra, càng ngày càng lâm vào cảnh đói khát. Chính quyền thì được mệnh danh với “xã 9 không”… Và nhiều câu chuyện bi hài chưa từng có cũng đã xảy ra.
Ngán ngẩm lắm rồi! 
Chúng tôi tìm về xã Thạch Hải. Con đường tỉnh lộ nối thẳng xuống bãi tắm Thạch Hải thơ mộng ngày nào nay đã biến mất, thay vào đó là 'con đường đau khổ', chi chít những ổ trâu ổ voi.
Hai bên đường là những hạng mục thi công dang dở, ngổn ngang và nguy hiểm cho các phương tiện.
Cát từ bãi thải ngập tràn, vùi lấp ruộng vườn, mồ mả ở xã Thạch Hải
Bãi tắm Thạch Hải một thời là điểm du lịch khá nổi tiếng, nhộn nhịp ngay cả vào mùa lạnh, nay trở nên đìu hiu. Không hàng quán, không xe cộ và không một bóng người. Bãi biển chỉ toàn rác bẩn, 1 vài con thuyền trễ nải neo đậu.
Khung cảnh vắng lặng như sắp có 1 cơn bão tới. Và, chính người dân Thạch Hải trong suốt mấy năm qua cũng đã chịu nhiều “cơn bão”.
Tiếp phóng viên tại trụ sở, ông Nguyễn Trung Chiến, Chủ tịch UBND xã tỏ vẻ ngán ngẩm, chẳng muốn than nghèo kể khổ thêm nữa.
“Chẳng phải là ngày một ngày hai mà chịu được. Đã 5 năm rồi, ngán ngẩm lắm rồi chú ơi, kể lại chỉ thêm đau đầu”, ông Chiến nói.
Nói rồi ông mang ra một đống tài liệu, văn bản mà ông gửi lên UBND tỉnh, huyện, Cty CP mỏ sắt Thạch Khê và các cơ quan ban ngành về việc dự án khai thác mỏ sắt ảnh hưởng đến toàn xã, nhưng đến nay không có dấu hiệu được giải thoát.
“Hôm qua tôi đi đám giỗ tại nhà đồng chí phó chủ tịch xã, đang ăn thì có một bà già ở xóm Thượng Hải đến kêu: Nhờ ông chủ tịch kêu làm sao chứ gia đình đói lắm rồi, ngày trước 6 người trong nhà phải nấu 6 lon gạo, nay chẳng làm ra chỉ dám nấu 3 lon. Tôi nghe dân kêu mà nghẹn cả cổ họng, không thể nuốt nổi nữa”.
Ông Nguyễn Trung Chiến, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải ngán ngẩm: Có nơi nào khổ như chúng tôi không?
Phải mất gần 1 buổi tâm sự, khi hiểu được rằng nhóm phóng viên về đây cũng vì đau đáu với dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, xót xa với những hệ luỵ của chính quyền và nhân dân vùng mỏ, ông Chiến mới dốc hết gan ruột của mình.
Ông Chiến kể, không chỉ dân kêu khổ, kêu đói mà chính quyền xã cũng lâm vào cảnh tình oái oăm. Chẳng thể triển khai được dự án gì, cũng chẳng được hưởng lợi bất kể dự án nào dành cho vùng đặc biệt khó khăn như xã nhà.
“Khi dự án bắt đầu triển khai, chính quyền và người dân chúng tôi ủng hộ rất cao. Từ bao đời nay người dân nơi đây chỉ biết là mình đang sinh sống trên “đống vàng”, nhưng chẳng biết thực hư thế nào. Khi dự án được triển khai, người dân đã rất vui mừng. Ai cũng nghĩ thế là mong ước đổi đời từ bao năm nay đã sắp thành hiện thực.
Khổ nhất là những người dân sống ở khu vực mong mỏ. Mùa hè thì bão cát tấn công vào cả bát cơm, mùa đông thì lũ bùn
Thế nhưng, sau 5 năm triển khai, đến nay mọi công trình đang dừng lại, kéo lùi đời sống của người dân và kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế xã hội. Cái lợi chưa thấy đâu mà khốn khó thì ập đến, niềm mong ước của người dân đang dần lụi tắt các chú ạ”, ông Chiến tâm sự.
Không ngờ nổi!
Trong tập hồ sơ mà chúng tôi thu thập được, riêng công văn của UBND xã Thạch Hải cũng đã chiếm hơn nửa. Mở từng trang công văn mới biết, những văn bản này có nội dung gần như nhau, cứ vài tuần đến 1 tháng, chính quyền xã lại gửi một lần. Thế mà chờ mãi, tiếng kêu của họ vẫn chưa có phúc đáp.
Vị chủ tịch xã tiếp tục câu chuyện bằng những thông tin mà chúng tôi chẳng thế ngờ nổi. Trong rất nhiều những ảnh hưởng mà chính quyền và người dân nơi đây đang phải gánh chịu, ông liệt kê ra có “9 cái không”.
“Xã 9 không”, một danh hiệu mà chẳng ai muốn nhận, thực tế đã hiện hữu lâu nay ở xã Thạch Hải
Đó là: Không được quy hoạch nông thôn mới; Không có định hướng phát triển kinh tế xã hội; Không có nguồn thu ngân sách cho xã nhà; Không được giải phóng mặt bằng (vì không có tiền đền bù cho dân); Không được xây dựng khu tái định cư; Không được xây dựng các công trình hạ tầng; Không được đầu tư các dự án khác; Không được cấp đất ở cho nhân dân và không được xây dựng nhà cửa; Không có phương án giải quyết việc làm cho nhân dân.
Và ông Chiến đặt câu hỏi: Có nơi nào khổ như chúng tôi không?
Ông Chiến tiếp tục trải lòng, tất cả những 'cái không' trên mà Thạch Hải đang phải gánh chịu là do toàn bộ diện tích xã nhà cùng với gần 1000 hộ dân nằm trong quy hoạch phải di dời để nhường lại cho mỏ sắt Thạch Khê.
Thế nhưng, khi triển khai dự án, những năm đầu vẫn làm rầm rộ nhưng chẳng có tiền để trả cho dân. Mà đất thì đã bị thu hồi, hoặc không thể sản xuất được nữa.
Theo như kế hoạch thì năm 2011 này, tất cả số dân tại xã sẽ được di dời đến khu vực tái định cư mới. Tuy nhiên, thông tin bao giờ thì được di dời và đi đến đâu người dân cũng chẳng biết, vì khu tái định cư thì chưa xây, công tác đền bù, GPMB thì đứng yên tại chỗ.
Chưa được di dời thì người dân vẫn phải tiếp tục sinh sống trên mảnh đất vốn có. Nhưng hiện nay nhiều hộ đã lâm vào cảnh đói, khát, không có công ăn việc làm, bó gối nhìn ra.
“Là chủ tịch xã, cái gì cũng đến tay. Bao nhiêu năm nay chúng tôi đã làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu đúng và nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. Nay bao nhiêu lần thất hứa với dân rồi, dân chẳng còn niềm tin vào lời nói của chính quyền và dự án nữa.
Đi không được, ở không xong, các cấp chưa có định hướng, không tìm ra lối thoát cho nhân dân”, ông Chiến tiếp tục tâm sự.
Một người dân ở Thạch Hải đang cố nhặt từng con cá bé hơn ngón tay, thành quả sau nhiều giờ lao động. Đất đai bị thu hồi, hoặc không thể sản xuất do mạch nước ngầm bị tụt, ảnh hưởng trực tiếp từ dự án mỏ sắt Thạch Khê, rất nhiều hộ dân đang lâm vào cảnh thất nghiệp và nguy cơ đói.
“Hiện dự án đang bị tạm dừng khai thác, tôi chỉ mong sao các cấp quan tâm cho Thạch Hải hưởng một số dự án nhỏ, nâng cấp một số hạng mục. “Bơm ô xy” để sống qua ngày chứ về lâu dài thì phải trả tiền đền bù, làm khu tái định cư cho dân. Giờ vô vọng rồi, chết thật chứ không phải giả chết nữa”.
Do là xã phải di dời 100% như trong quy hoạch nên tại đây, trong nhiều năm qua đã xảy ra rất nhiều câu chuyện bi hài. Những câu chuyện thấm đẫm nước mắt đã xảy ra khi mà những ngôi mộ bị vùi lấp, những cuộc di chuyển lăng mộ thầm lặng mà trong quan tài chỉ là hình nhân thay thế xương cốt; rồi những căn nhà có 4 đến 5 hộ sinh sống do không thể xin cấp đất mới…

Tại buổi làm việc mới đây giữa UBND tỉnh Hà Tĩnh với Công ty CP sắt Thạch Khê, nhiều lãnh đạo tỉnh, huyện đã bày tỏ nỗi bức xúc đối với những ảnh hưởng nghiêm trọng của dự án này tới người dân. 
“Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật. Lộ trình, tiến độ của doanh nghiệp như thế nào, phải trả lời để tỉnh nói với dân”, một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh phát biểu.
“Chúng ta phải nhìn vào sự thật là đã rất có lỗi với dân, không thể bắt họ kéo dài đau khổ này mãi. Tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh, cùng với các thành viên Cty TIC trả lời dứt khoát: Tiền trả cho dân để người ta di dời, tiền để hoàn thành các khu tái định cư chúng ta không có, thì liệu với số tiền lớn như vậy để khai thác, chúng ta có không, nhất là trong bối cảnh khó khăn như thế này?” - ông Đỗ Khoa Văn, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà nói.
“Khổ thì đã lâu rồi, nhưng chúng tôi còn khổ đến bao giờ”, câu hỏi của một người dân ở xã Thạch Hải cũng là câu hỏi chung của hàng vạn người dân của 6 xã bị ảnh hưởng bởi Dự án mỏ sắt Thạch Khê. Sự chịu đựng của họ không phải là không có giới hạn!



Duy Tuấn – Thăng Long


 - Bị cát từ những núi bãi thải do bóc đất tầng phủ (Dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh) vùi lấp hết mộ ông bà tổ tiên, nhiều người dân đã hoảng hốt chạy đi bốc để di chuyển mộ. Xót xa thay, đào tìm mãi chẳng thấy. Người dân chỉ còn cách dùng sọ dừa, cành dâu nặn thành hình nhân thay thế, làm lễ rồi mang đi chôn. Những tiếng khóc nghẹn ngào vang động cả miền quê nghèo.

Bài 1: “Có nơi nào khổ như chúng tôi không?”
“Chúng ta phải nhìn vào sự thật là đã rất có lỗi với dân, không thể bắt họ kéo dài đau khổ này mãi. Tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh, cùng với các thành viên Cty TIC trả lời dứt khoát"..
Dai dẳng nỗi đau
Đối với vùng đất như Thạch Hải, người dân ở đây bao đời nay vẫn quan niệm “sống trong cát chết vùi trong cát”. Họ sinh sống, làm ăn trên những bãi cát rộng lớn và khi chết đi, thân thể của họ được chôn ngay trên những cồn cát đầy nắng gió.
Thế nhưng, từ sau khi dự án mỏ sắt triển khai, Công ty CP sắt Thạch Khê tiến hành bóc đất tầng phủ, những núi bãi thải dần dần mọc lên sừng sững. Mùa hè thì bão cát bay khắp nơi, lẫn vào cả bát cơm ăn của người dân.
Mùa mưa thì những cơn mưa rào đã làm cho những khối cát biến thành lũ bùn trôi xuống, chôn vùi ruộng vườn, nhà dân và cả những ngôi mộ cũng bị vùi chôn sâu dưới cát.
Bà Nguyễn Thị Trúc bên ngôi mộ nay đã trở thành hố nước sâu của người bà. Tất tả vượt hàng trăm cây số trở về, cái bà nhận được chỉ là nỗi đau xót vô bờ khi ngôi mộ người thân không thể tìm thấy. Ảnh: Duy Tuấn
Ngày chúng tôi đang có mặt tại căn phòng Chủ tịch xã Thạch Hải, đang trò chuyện thì có một người dân đến mếu máo trình bày: Mộ bà nội bị cát vùi lấp, bà đã đào tìm mấy ngày qua nhưng vẫn không thấy. Nhờ chính quyền giúp đỡ.
Bà là Nguyễn Thị Trúc (56 tuổi). Bà Trúc vốn sinh ra và lớn lên ở vùng quê cát trắng này. Nhiều năm qua bà cùng với gia đình vào miền Nam làm ăn sinh sống. Khi nghe người thân thông báo mộ ông bà bị cát lấp, bà vội vàng bắt xe đò trở về để bốc chuyển, không thì không thể yên tâm mà làm ăn được.
Những bãi thải khổng lồ do Cty Sắt Thạch Khê đắp lên đã vùi lấp ruộng vườn, nhà cửa, mồ mả của người dân. Có ý kiến cho rằng, việc chưa GPMB, tái định cư cho dân mà đã đi vào khai thác đã dẫn tới nhiều hệ quả không đáng có. Ảnh: Duy Tuấn
Thế nhưng, ngày trở về quê hương, một cảnh tượng hãi hùng đập vào mắt bà. Toàn bộ cồn cát, nơi người dân chôn cất người thân nay biến dạng, cát đã vùi lấp những ngôi mộ sâu nhiều mét. Việc xác định được vị trí chính xác cũng đã là khó.
“Đào từng nào chỉ thấy nước ọc lên từng đó. Giờ ngôi mộ đã trở thành một hố nước lớn, chẳng thể biết được quan tài của bà tôi ở đâu nữa”, nói rồi bà Trúc lại khóc.
Ngôi mộ mà bà đang cố công tìm kiếm nằm trên cồn cát tại xóm Thượng Hải. Vị trí này sát ngay cạnh bãi thải bóc đất tầng phủ của Cty CP sắt Thạch Khê đắp lên. Nay nó đã hình thành những ngọn núi cát cao sừng sững.
Ông Nguyễn Tuấn Vịnh, Phó chủ tịch HĐND xã Thạch Hải, một trong hai cán bộ tiên phong trong việc tự dời mồ mả nhưng sự việc đã vượt xa mức tưởng tượng. Chẳng tìm được hài cốt, họ đành phải dùng hình nhân thay thế. Ảnh: Duy Tuấn

Theo chân bà Trúc ra thắp hương lên "ngôi mộ" - nơi được coi là chỗ chôn cất bà nội của bà ở cồn cát xóm Thượng Hải, nhìn dáng đi xiêu xiêu theo triền cát, tôi không khỏi chạnh lòng.
Dáng đi ấy, nét mặt đầy tâm tưởng ấy đã cho thấy hết nỗi đau của 1 kiếp người khi phần “hồn” đã "không định', nói gì đến phần xác.
Vô vọng, gia đình bà phải dùng cấy dứa dại (loài cấy mọc rất nhiều ở miền biển đầy nắng gió - và có lẽ là loài cấy duy nhất mọc được ở vùng đất "khổ ải" này - PV) che chắn, "đánh giấu" khu vực có mộ.
Sọ dừa, cành dâu thay thế hài cốt
Người dân vùng quê nghèo này sẽ mãi chẳng quên được câu chuyện đau lòng chưa từng có diễn ra vào tháng 12/2010.
Cả xóm làng nghẹn ngào trước cảnh hai hộ gia đình của ông Nguyễn Tuấn Vịnh và Trưởng thôn Nam Hải Nguyễn Hữu Thọ phải dùng hình nhân thay thế hài cốt người thân khi mồ mả đã bị vùi lấp.
Đến bây giờ, vị Phó Chủ tịch HĐND xã Thạch Hải Nguyễn Tuấn Vịnh vẫn còn nhớ như in câu chuyện diễn ra vào cuối năm ngoài đối với gia đình ông.
Đó là một câu chuyện thấm đẫm nước mắt, nhưng ông chẳng dám khóc khi mang trên mình chức trách tại chính quyền nơi đây.
Mặc dù mỏ sắt đã ngừng khai thác từ tháng 7/2011 để tái cơ cấu cổ đông, nhưng những đoàn xe tải vẫn hoạt động rầm rộ khiến những con đường vốn đã xuống cấp càng thê thảm hơn
“Thời gian đó, Cty CP sắt Thạch Khê đang thực hiện việc bóc đất tầng phủ, những núi cát khổng lồ từ khu vực bãi thải đã hình thành. Ruộng vườn bị vùi lấp thì không nói làm gì, đến ngay cả những khu nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ cũng bị chôn vùi nhiều mét”. 
Là đảng viên, cán bộ lãnh đạo, ông Vịnh và ông Thọ được cử làm "quân tiên phong" -  nhằm động viên người dân tiến hành bốc mộ người thân tại khu vực bị cát vùi do bãi tập kết đất tầng phủ. Ông Vịnh có hai ngôi mộ của người em trai và ông chú họ nằm trong khu vực phải di dời.
"Bao nhiêu con người liên tục đào xới trong nhiều ngày tại vị trí hai ngôi mộ, nhưng chẳng thể tìm được gì. Đào từng nào thì nước ọc lên từng đó, chẳng thể nhìn thấy gì. Rồi khi ngôi mộ đã thành ao nước nhỏ, chúng tôi đã báo cáo lên Cty Sắt để nhờ họ mang máy xúc đến hỗ trợ” - ông Vịnh kể.
Những ánh mắt đỏ hoe của gia quyến dõi theo từng vết ngoặm của chiếc máy xúc lần lượt cắm xuống. Nhưng rồi cũng chẳng giúp thêm được gì vì chỉ thấy nước trào lên.
Trẻ con ở Thạch Hải cũng đang phải gánh chịu đau khổ cùng với cha mẹ chúng khi toàn xã chẳng triển khai được gì, nhiều hộ dân có nguy cơ đói và đang vô vọng chờ một ngày được tái định cư. Ảnh: Duy Tuấn
Kiếm tìm trong vô vọng chẳng thấy, cuối cùng họ đành phải dùng cách thức cuối cùng, là dùng hình nhân thay thế rồi mời thầy cúng làm lễ “chiêu hồn trở táng” để đem đi chôn, coi như là hài cốt.
Ông Vịnh kể tiếp: Chúng tôi phải dùng những quả dừa tươi được đẽo sạch vỏ để làm cái đầu. Lấy hai hạt nhãn làm mắt giả gắn vào, hai quả trám làm xương gối. Rồi huy động nhiều người đi xin cành cây dâu về để làm thân hình.
Tất cả được đặt lên một miếng vải sạch. Sau khi dùng đất nặn thành hình người, một buổi lễ “chiêu hồn trở táng”, gọi hồn người thân nhập vào hình nhân giả rồi mang đi chôn. Những “đám tang tâm lý” nhanh chóng được hoàn tất. Họ xem như người thân mình đã được an nghỉ ở chỗ mới.
“Cực chẳng đã chúng tôi mới phải làm thế. Giải pháp tình thế này chủ yếu để động viên người sống, chứ xót xa lắm chú ơi”, ông Vịnh buồn rầu nói.
Phía bên gia đình trưởng thôn Nguyễn Hữu Thọ cũng vậy. Hai ngôi mộ người thân của gia đình ông cũng chẳng thể tìm thấy. Những giọt nước mắt lăn dài trên những khuôn mặt người thân, những gào thét xé lòng đã làm rúng động cả một vùng quê.
Hoàn cảnh đau thương như của ông Vịnh, ông Thọ, bà trúc còn nhiều lắm ở vùng đất Thạch Hải. Và không chỉ là nghịch cảnh với người đã chết, mà "hoạt cảnh người sống" cũng có nhiều chuyện "cười chảy nước mắt".
Duy Tuấn – Thăng Long
(còn nữa)
>> Bài 3: 'Sống dở chết dở' tại mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á
 - Hộ ông Nguyễn Đức Thịnh ở xã Thạch Hải chỉ là một trong rất nhiều gia đình phải chịu cảnh sống chung với 4- 5 gia đình của con cái khi mà chẳng thể cấp đất vì nằm trong diện phải di dời do ảnh hưởng của Mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh). Và nhiều câu chuyện bi hài đã xảy ra khi gần 20 con người sống trong căn nhà cấp 4 chưa đến 100m2.

Ở nông thôn mà chật hơn…  Hà Nội
Một trong 9 cái không mà xã Thạch Hải đang phải gánh chịu kể từ khi nằm trong quy hoạch phải di dời 100% do ảnh hưởng của Dự án mỏ sắt Thạch Khê là việc không được phép xây dựng mới, cấp đất thêm cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn toàn xã. 
Bắt đầu triển khai từ năm 2007, do là xã phải di dời 100% hộ dân để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án cho nên ban đầu, chính quyền nơi đây đã rất nghiêm túc thực hiện đúng nội dung của bản quy hoạch.
Chiếc “chuồng cu” trên nóc nhà bếp mà ông Thịnh làm để cho người con gái ở, bởi ngôi nhà vốn chật hẹp đã không thể nhét thêm. Đất chẳng được cấp, họ đành phải sống trong cảnh ngột ngạt
Theo như lộ trình Dự án mỏ sắt, thì đến năm 2011, toàn bộ 100% dân cư trong toàn xã Thạch Hải sẽ được di dời đến khu vực tái định cư. Thế nên, trong 4 năm qua, chính quyền xã này đã nghiêm túc thực hiện việc không cấp thêm đất ở mới, vì như thế sẽ vi phạm quy hoạch, gây khó khăn trong công tác đền bù, GPMB.
Nhưng rồi tất cả lộ trình, tiến độ dự án chỉ là… dự kiến. Đến bây giờ đã là những tháng ngày cuối năm 2011 nhưng chính quyền và người dân nơi đây vẫn chưa nhận được thông tin gì sáng sủa hơn.
Đến nay, đã có gần 200 hộ dân đã bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp thế nhưng chưa nhận được khoản tiền đền bù nào. Khu tái định cư thì cũng chỉ mới nằm trên giấy. Tất cả đang rất mờ mịt.
Ông Nguyễn Trung Chiến, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải tiếp tục thông tin với chúng tôi, hiện nay đất đai không cấp cho nhân dân ở, do đó có nhiều thế hệ và nhiều cặp vợ chồng phải sống chung trong một nhà. Hiện có 135 hộ dân có nhu cầu cấp đất làm nhà ở…
Hiện nay đất đai không cấp cho nhân dân ở, do đó có nhiều thế hệ và nhiều cặp vợ chồng phải sống chung trong một nhà.
“Trong nhiều năm qua đã có rất nhiều gia đình đến xin cấp đất mới để làm nhà cho con ra ở riêng. Tôi chỉ giải thích được là xã không được phép, khu vực nằm trong quy hoạch phải di dời rồi. Mọi người cố gắng chờ một thời gian nữa, cả xã sẽ được đến nơi ở mới” - ông Chiến nói.
Những câu chuyện tưởng chừng như rất vô lý, “dở khóc dở cười” đã diễn ra tại xã nghèo này. Hơn 100 gia đình mới trong nhiều năm qua đành phải chịu cảnh sống chung với bố mẹ. Có những nhà có tới 4-5 gia đình chen chúc nhau.
Mất “gia đình văn hoá” vì ở quá… đông
Chiều muộn, chúng tôi có mặt tại gia đình ông Nguyễn Đức Thịnh ở xóm Bắc Hải. Căn nhà cấp 4 chật chội chỉ độ hơn 100m2 hiện đang là nơi trú ngụ của 4 gia đình.
Vườn nhà ông chỉ khoảng 150m2 nên tất cả nhà ở, bếp ăn, công trình phụ và chuồng nuôi gia súc đều được xây dựng theo kiểu "liền kề, khép kín".
Ba ngôi nhà trong một mảnh vườn nhỏ của một hộ dân. Biết là việc xây dựng thêm này không đúng quy định vì đã nằm trong quy hoạch nhưng một số hộ đã không thể chịu được vì quá chật, trong khi khu tái định cư cho gần 4000 con người, họ cũng chỉ… nghe nói
Không còn chỗ ngồi vì dành ghế cho khách, bà Nhự, vợ ông Thịnh đành lấy tạm chiếc chổi quét nhà làm ghế, rồi kể. Hai ông bà có 4 người con.
Cuối năm 2007, người con trai đầu của ông là Nguyễn Văn Hùng đã lập gia đình. Ông và con đã viết đơn ra xã xin cấp đất ở để làm nhà tạm ở thì mới biết, do nằm trong phạm vi phải di dời, xã không cấp thêm nữa.
Chẳng thể làm nhà mới, ông bà Thịnh bàn với nhau, nhường căn buồng của hai ông bà đang ở lâu nay cho vợ chồng người con đầu. Thế là một bức vách được dựng lên, vợ chồng Hùng cùng con sống trong căn phòng chưa đầy 12m2.
Nhường phòng cho con, hai ông bà đành phải kê thêm chiếc giường ngoài phòng khách để làm nơi sinh hoạt. Đối diện đó là chiếc giường tre cũ mèm dành cho những người em của Hùng chưa lập gia đình.
Bao nhiêu bất tiện trong sinh hoạt cuộc sống đã bắt đầu nảy sinh.
Gia đình ông Thịnh với hơn 10 con người đang phải sống trong cảnh chật chội. Và bi hài nhất là chuyện do ở quá đông người, nước thải ra nhiều nên không được bình chọn gia đình văn hoá
Sang giữa năm 2008, người con thứ của ông bà là Nguyễn Văn Hào cũng đến lúc cưới vợ. Suy nghĩ mãi, chẳng thế xin được đất cho con, mà căn nhà thì quá chật chội. Ông bà Thịnh bàn với con, ngăn lại một khoảnh nhỏ trong căn bếp ăn để làm chỗ đặt giường cưới cho con.
Thế rồi đám cưới cũng được diễn ra, Hào và vợ sinh hoạt trong căn phòng bó hẹp ở khu vực nhà bếp.
Những đứa cháu lần lượt ra đời, không gian vốn đã chật chội nay lại bị thu hẹp. Sự khốn khổ càng lên đỉnh điểm khi mà trong năm 2009, người con gái đầu Nguyễn Thị Tuyết chia tay chồng, không nơi nương tựa đành phải về bám víu bố mẹ đẻ.
Theo quy định là 'không được xây dựng kiến trúc nhà ở kiên cố', ông Thịnh bèn nghĩ cách xây thêm một "chuồng cu" trên căn nhà bếp. Chiếc "chuồng cu" bé tí teo, nằm chênh vênh trên căn nhà bếp cơi nới vốn không chắc chắn gì.
Bao nhiêu bất tiện trong sinh hoạt cuộc sống đã bắt đầu nảy sinh. Phòng tắm duy nhất, nhà vệ sinh chung, bếp nấu chung, gà lợn nuôi chung nên nhiều khi cuộc sống gia đình cứ "lộn tùng phèo".
Ông Thịnh nói đùa với giọng chua cay: Đôi khi vợ chồng, con cái bức xúc mà không thể to tiếng với nhau vì sợ hàng xóm hiểu nhầm vì không biết ai với ai. Nhiều đêm cả nhà thức giấc vì nghe tiếng động mà không biết người nhà hay kẻ trộm. Khổ nhất là tắm và vệ sinh, cứ phải xếp lịch, bố trí rõ ràng.
Hàng vạn người dân vẫn đang chờ để được di dời khỏi khu vực mỏ sắt. Nhưng đã nhiều năm trôi qua, những khu tái định cư vẫn đang dang dở hoặc là chưa triển khai. Họ chờ đến bao giờ, chẳng ai biết. Ảnh: Duy Tuấn

Ông Thịnh cho biết, bi hài nhất là câu chuyện mới đây gia đình ông không được bình chọn là gia đình văn hoá của thôn với lý do rất lãng xẹt. Số là do sống quá nhiều người trong không gian chật hẹp, lượng nước thải ra qúa nhiều, bị hàng xóm phản ảnh là mất vệ sinh.
“Chúng tôi có muốn thế này đâu. Nhà nước không cấp thêm đất, không cho xây mới thì đã đành nhưng chúng tôi cũng có cuộc sống của mình chứ. Cứ hứa năm này qua năm khác rồi có thấy gì đâu. Còn bắt chúng tôi chờ đợi đến bao giờ?”, ông Thịnh bức xúc thêm.
“Khổ thì đã lâu rồi, nhưng chúng tôi còn khổ đến bao giờ”, câu hỏi của ông Thịnh cũng là câu hỏi chung của hàng vạn người dân của 6 xã bị ảnh hưởng của Dự án mỏ sắt Thạch Khê. Và sự chịu đựng của họ không phải là không có giới hạn!
Duy Tuấn – Thăng Long
(còn nữa)

 - Những cơ cực của người dân xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) dù sao cũng còn chịu đựng được. Nhưng với người dân xóm 1, xã Thạch Đỉnh thì có lẽ đã đến lúc "sức cùng, lực kiệt". Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á đã khiến nhiều người dân phải chịu cảnh cơ cực.
Gánh nặng quá sức    
Khi mà khu tái định cư chưa được xây dựng, chưa thực hiện xong công tác đền bù thì Dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) đã đi vào khai thác khiến người dân phải chịu cảnh sống "dở chết dở". Mùa hè thì bão cát tấn công, mùa mưa thì lũ bùn càn quét.
Xóm trưởng xóm 1 đang chỉ tay về phía bãi thải bằng những núi cát đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Bên cạnh đó, nửa xóm còn lại sống cạnh moong mỏ cũng đang vật lộn với những khó khăn.
Đặc biệt là những hệ lụy ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội, chính trị của xã khiến cho công tác quản lý, điều hành trở thành 1 gánh nặng quá sức đối với cấp uỷ, chính quyền cấp cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Phùng - Bí thư xã Thạch Đỉnh cho biết: Triển khai thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, mấy năm qua địa phương không được đầu tư xây dựng cơ bản. Vì thế, đến nay hệ thống điện, đường, trường, trạm đều xuống cấp cả rồi.
'Đấy, các anh xem nhiều tuyến giao thông của xã hư hỏng hết. Mọi hoạt động giao thương, dân sinh đều bị ngưng trệ nhưng xã đành bó tay vì không có ngân sách để sữa chữa, dù chỉ là "vá dặm". Đây là các tuyến đường được sử dụng làm đường công vụ phục vụ dự án, nhưng các nhà thầu không thực hiện hết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình" - ông Phùng nói.
Ông Phùng giãi bày về những khó khăn trong quản lý, điều hành của xã. Từ việc không thể tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, không thể thực hiện tốt các chế độ, chính sách, động viên thăm hỏi đến giao lưu học tập.
Tất cả chỉ vì ngân sách địa phương quá khó khăn, mọi nguồn thu đều bế tắc.
Hình ảnh cháu bé chưa đầy 4 tuổi theo chân bố mẹ đi làm thuê, xúc cát “trộm” để kiếm sống ở xóm 1 Thạch Đỉnh. Họ chẳng dám động đến số tiền đền bù, vì sợ chẳng đủ làm nhà. Rồi còn công việc nữa. Họ đang lo cho tương lai của nhiều thế hệ cư dân vùng mỏ. Ảnh: Duy Tuấn
Vừa rồi, UBND tỉnh có quyết định hỗ trợ cho xã 150 triệu đồng nhưng chừng ấy chẳng thấm tháp gì, chỉ là đủ để chi tiêu nhỏ giọt theo kiểu "cầm hơi". Mà hoạt động của bộ máy chính quyền các xã vùng dự án thì "thiên hình vạn trạng", nặng nề nhất là việc giữ gìn an ninh trật tự, ổn định xã hội.
Thạch Đỉnh là điểm "đóng chân" của bộ máy khai thác mỏ sắt nên số lượng cán bộ, công nhân lưu trú trên địa bàn nhiều. Kéo theo đó là những hệ thống các dịch vụ, chính thức có, tự phát có nên công tác quản lý là rất khó khăn.
Chị Lan trước bàn thờ đứa con ngoan, học giỏi đã vĩnh viễn nằm lại ở moong mỏ. Ảnh: Duy Tuấn

"Mà ở cái vùng quê nghèo này, người dân bao đời chất phác, chưa quen với lối sống, chưa tự trang bị đầy đủ những kiến thức về tệ nạn xã hội nên dễ bị tiêm nhiễm lắm. Đó là chưa nói đến 1 bộ phận thanh thiếu niên gia đình được nhận tiền đền bù, không có công ăn việc làm nên tụ tập, đua đòi, chơi bời. Mặc dù chưa có sự việc nổi cộm nào xảy ra nhưng nguy cơ mất ổn định an ninh trật tự luôn tiềm ẩn" - ông Phùng nói với vẻ mặt đầy lo lắng.
Cái chết tức tưởi của hai cháu bé
Quan ngại về nguy cơ của vị lãnh đạo xã đầy tâm huyết là "ở thì tương lai gần", nhưng có 1 điều đáng lo ngay trước mắt của người dân Thạch Đỉnh đó là những tai nạn đối với con, em mình ngay trong khai trường khi chẳng may vô tình lạc bước.
Và, sự việc hai đứa trẻ chết đuối thương tâm ngay trong công trường khai thác mỏ sắt Thạch Khê mãi mãi là nỗi đau không thể nguôi ngoai của gia đình và cả xóm, làng.
Đến bao giờ chị Nguyễn Thị Lan có thể nguôi ngoai được nỗi đau khi trong buổi chiều định mệnh, đứa con trai 9 tuổi, một học sinh giỏi của ngôi trường cấp 1 Thạch Đỉnh đã mãi mãi nằm xuống dòng nước lạnh lẽo trong moong mỏ.
Khu tái định cư dự án mỏ sắt Thạch Khê phơi nắng phơi sương, chưa thể hoàn thiện để người dân có thể đến sinh sống. Riêng đối với người dân xóm 1 Thạch Đỉnh, sống trong lòng mỏ thì gần như đã sức cùng lực kiệt. Ảnh: Duy Tuấn.

Chị Lan vẫn nhớ như in, chiều ngày 6/7/2009, khi chị đang chuẩn bị bữa cơm, trong đó có được mớ cá "cải thiện" mà cậu con trai ưa thích đang đi chăn bò giúp mẹ về để ăn cơm. Bất chợt, lòng chị bỗng nóng ran, cùng lúc là tiếng gọi thất thanh từ những người hàng xóm khiến chị ngã quỵ: Thằng Nam và một đứa con nhà hàng xóm rơi xuống hố sâu trong moong mỏ rồi.
Trời đất như sụp đổ. Chị quáng quàng chạy vào khu vực mong mỏ đang khai thác. Hình ảnh những người thanh niên trong xóm đang cố lặn xuống hố nước sâu để tìm thi thể hai cháu bé khiến chị chết đứng.
Hố nước quá sâu nên những thanh niên lực lưỡng, có kinh nghiệm sông nước nhất lặn mãi vẫn chưa tìm được. Mỗi lần họ lặn xuống, chị lại hy vọng để rồi khi nhìn thấy những cái lắc đầu, lòng người mẹ trẻ lại nhói đau.
Hi vọng cứu được các em tắt dần sau hàng giờ lặn tìm. "Không cứu được người cũng phải vớt được xác, nằm dưới nước sâu các con lạnh lắm" - Tiếng khóc xé lòng của những người mẹ trẻ khiến ai có mặt hôm đó cũng không cầm được nước mắt.
Một quyết định táo bạo, mọi người cởi áo, buộc lại thành dây rồi thắt vào bụng một thanh niên khoẻ mạnh nhất, mạo hiểm lặn xuống tầng nước sâu nhất. Trời thương, sau vài lần lặn thì tìm thấy thi thể hai cháu.
Những vỉa sắt trong moong mỏ được đưa lên, bao đời nay người dân nơi đây vẫn ước mong được một ngày đổi đời nhờ. Nhưng cái mà họ nhận được thời gian qua là sự mất mát, khổ cực. Ảnh: Duy Tuấn
Lúc này trời cũng đã tối sầm. Dù biết là vô vọng nhưng việc sơ cứu vẫn được thực hiện gấp gáp. Bóng 2 người mẹ trẻ oằn bên xác con thơ như những đấu hỏi ai oán. Vì sao? Vì chúng còn quá bé, chưa hiểu hết những nguy hiểm đang rình rập. Vì công trường khai thác không có hàng rào ngăn cách, không biển báo nguy hiểm hay vì số phận?
Không ai trả lời được.
Sau cái chết của hai cháu bé, chẳng người dân nào trong xóm 1 dám bén mảng đến sát mong mỏ nữa. Những hố nước sâu hoắm, những triền cát rộng lớn có thể sụt lún bất cứ lúc nào.
Và hôm nay đây, công trường khai thác đã ngừng hoạt động nhưng đứng chênh vênh trên bờ, nhìn vào lòng moong sâu mấy chục mét, chúng tôi không khỏi rùng mình.
Cuộc sống bất trắc là vậy, nhưng những hộ dân nằm trong vùng moong mỏ đang lâm vào cảnh muốn đi cũng không biết đi đâu, vì đến bây giờ, tất cả các khu tái định cư của dự án vẫn chưa hoàn thành.
Thăng Long – Duy Tuấn
(còn nữa)


 - Ngày qua ngày, hàng trăm người dân xóm 1 xã Thạch Đỉnh (Thạch Hà, Hà Tĩnh) như ngồi trên đống lửa. Khi mà ở lại thì phải đối mặt với biết bao khó khăn, sợ rồi số tiền đền bù ít ỏi cũng sẽ tiêu dần hết, nhưng khi nghĩ đến cuộc sống nơi khu tái định cư, họ lại tỏ ra ngao ngán vì không biết rồi đây sẽ làm gì để kiếm sống.
>> Bài 1: “Có nơi nào khổ như chúng tôi không?”
>> Bài 2: Những cuộc di chuyển mộ không… hài cốt
 
>> Bài 3: 'Sống dở chết dở' tại mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á
Lạ lùng lũ bùn, bão cát ở đồng bằng
Chúng tôi đã đi nhiều, chứng kiến biết bao thảm hoạ thiên tai nhưng vẫn không thể hiểu nỗi những cơn lũ bùn, bão cát mà người dân xóm 1 xã Thạch Đỉnh đang ngày đêm phải hứng chịu. Mà đáng buồn thay, đó lại là hậu quả "nhân tai".
Ông Xóm trưởng Bùi Quang Chiến nhận lời dẫn chúng tôi đi khắp xóm dưới làng trên để lắng nghe những tiếng thở dài ngao ngán của người dân đang sống cạnh moong mỏ và bãi thải bóc đất tầng phủ.        
Cát biến thành bùn, tràn vào nhà dân. Nhiều hộ dân ở xóm 1 Thạch Đỉnh như đang ngồi trên đống lửa, chờ đợi ngày được “bốc” đi nhưng tương lai vẫn đang rất xa vời. Ảnh: Duy Tuấn
“Xóm chúng tôi nằm trong lòng moong nên trong nhiều năm qua phải hứng chịu cảnh tượng chưa từng xảy ra. Mùa hè thì cạn kiệt nước ngầm, bão cát tấn công, mùa mưa thì lầy lội, lũ bùn từ bãi thải càn quét xuống khắp ruộng vườn, nhà dân. Khổ lắm rồi, đi thì chẳng biết đi đâu mà ở lại thì cứ tình hình này thì khó mà chịu thêm được nữa”, ông Chiến cho biết.
Dạo 1 vòng quanh xóm, ông Chiến không ngần ngại chỉ cho chúng tôi hình ảnh 1 người dân đang dùng kích điện bắt cá dưới ao, gần chục người đang xúc cát lên 1 chiếc xe ô tô tải.
Ông thẳng thắn: "Sai luật cả đấy, bị cấm cả đấy nhưng "đói thì đầu gối phải bò". Đã có lệnh cấm khai thác cát nhưng khi có 1 vài người dân lén lút bán cát trong vườn nhà mình, chúng tôi chỉ tuyên truyền, vận động chứ không thể quyết liệt ngăn chặn được.
Vẫn biết như thế là không làm tròn chức năng nhiệm vụ nhưng làm sao có thể trả lời câu hỏi của người dân "không cho bà tui mần, lấy chi bỏ trong nồi đây".
Những đứa trẻ ở gia đình ông Nguyễn Công Khiêm đã mắc chứng bệnh đau mắt, viêm phế quản khi phải sống trong môi trường đầy cát bụ. Nhất là mùa hè, đến khi ăn cơm mà không đóng cửa thì xem như ăn cơm trộn với cát
Mà đúng thế, dự án khai thác mỏ sắt đã triển khai được hơn 4 năm và cũng chứng ấy năm, nhiều hộ dân xóm 1 lâm vào cảnh "nhiều không". Trong đó, đáng lo ngại nhất là "không đất sản xuất, không việc làm, không thu nhập".
Với ngay cả những hộ gia đình có "của ăn, của để" cũng lâm vào cảnh lao đao với miếng cơm manh áo vì "miệng ăn núi lở".
Ngay như gia đình anh Bí thư xóm Nguyễn Công Sơn trước đây được coi là "nhà giàu", mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng bây giờ cũng lâm vào cảnh "bần hàn". Dẫn chúng tôi ra mảnh vườn rộng hàng ngàn m2, anh Sơn cho biết: Thu nhập của các hộ gia đình trong xóm chủ yếu là kinh tế vườn nhưng giờ thì chịu. Các anh thấy đấy, mảnh vườn này thành "đất chết" vì không có nước do mạch nước ngầm chảy hết ra lòng moong (sâu hơn 30m - PV).
"Có loài cây nào sống nổi đâu, may ra chỉ xương rồng và dứa dại mà loại này bán chả ai mua" - anh Sơn nói đùa mà vẻ mặt buồn rười rượi.
Cũng vì mạch nước ngầm tụt sâu nên ngay cả nước sinh hoạt cũng trở nên khan hiếm. Ngày xưa chỉ cần đào giếng lấy nước khoảng 6-7 mét thì nay đào đến gần 20m chưa chắc đã được. Cũng vì thế, nhiều hộ dân phải gồng gánh đi gánh nước sinh hoạt xa hàng km, chắt chiu sử dụng cứ như dân sa mạc.
Vị xóm trưởng xóm 1 “dính” bẫy từ lũ bùn khi làm hướng dẫn viên cho chúng tôi “tham quan”  sự ảnh hưởng của dự án mỏ sắt. Ảnh: Thăng Long
Một trong những nỗi khổ của những hộ dân phải bám trụ "bất đắc dĩ" ở xom1 đó là do năm sát cạnh bãi tập kết đất bóc tầng phủ nên mùa hè, mỗi trận gió thỏi là mịt mù "bão cát".
Cát bay vào nhà, bám lên người, bay cả vào bữa ăn mà không thể hạn chế được. Vì vậy, nhiều người đã bị đau mắt và nhất là bệnh về đường hô hấp của các em nhỏ. Cơ cực nhất là vào mùa mưa, cát từ các "núi tập kết" ngay sát nhà dân đổ xuống như nhưng cơn lũ quét. Xâm lấn vườn, nhà.
Đi cũng dở mà ở cũng không xong
Với những hộ dân xóm 1 xã Thạch Đỉnh ở sát ngay khu tập kết đất bóc tầng phủ thì việc di dân, tái định cư đối với họ "nóng lắm rồi". Có nhiều nguyên nhân nhưng nặng nề nhất là ảnh hưởng của “lũ bùn”.
Đỉnh điểm là vào cuối năm 2010, 1 cơn lũ bùn tràn xuống lấp hết vườn tược, khiến 8 hộ dân phải "di dời nóng".
Tuy nhiên, giải pháp tình thế cũng chỉ đủ cho 7 hộ tái định cư tại khu tái định cư của tuyến đường tránh Quốc lộ 1A. Thế là "bốc thăm". Và, đau xót thay hộ phải ở lại lại có hoàn cảnh hẩm hiu nhất. 
Ông Chiến dẫn chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Tình - hộ gia đình không may mắn được tái định cư.
Bà Nguyễn Thị Tình, một người tật nguyền, cô độc đang bó gối trước cảnh vườn tược bị lũ bùn tấn công. Hơn 200 triệu tiền đền bù, bà chẳng dám tiêu đồng nào vì sợ không đủ làm nhà khi được bốc đi. Ảnh: Duy Tuấn.
Căn nhà cấp bốn nhỏ bé của hai chị em bà đã bị cô lập bởi bùn từ mấy tháng nay. Bó gối ngồi nhìn mảnh vườn nay đã bị bùn lấp kín, bà Tình ngao ngán cho biết:
“Hai chị em chúng tôi độc thân, sau khi được kiểm đếm thì nhận được hơn 200 triệu, chẳng dám tiêu đồng nào tiền đền bù vì sợ không đủ tiền làm nhà khi đến khu tái định cư.
Cuộc sống hàng ngày của hai chị em tàn tật, cô độc phải dựa cả vào khu vườn. Nhưng rồi đột nhiên lù bùn tràn về vùi lấp mảnh vườn, chẳng làm được gì nữa”.
Bà tiếp tục cho biết, dù yếu sức nhưng ban đầu khi bùn mới tràn về, hai chị em đã phải gắng sức già, lê từng bước chân tật nguyền để đẩy bùn ra. Nhưng sức người có hạn, hết đợt này đến đợt khác, bùn liên tục tràn về giằng kín cả mảnh vườn đặc quánh.
“Tuổi già, sức yếu rồi, sống không được bao lâu nữa. Tôi chỉ mong được di dời ra khu vực tái định cư sớm. Ra đó chưa biết làm gì để sinh sống nhưng dẫu sao vẫn hơn ở đây. Chứ cứ sống ở đây thì sợ có ngày ngã quỵ trên những lớp bùn. Mà người thân thì chẳng có ai”, bà Tình buồn bã.
Thế nhưng, với 7 hộ dân “di dời nóng” thì xem ra hoàn cảnh cũng chẳng khá hơn được bao nhiêu. Khi chúng tôi đến, không khí ảm đạm, hiu hắt bao phủ những ngôi nhà đang còn ngột ngạt mùi gạch vữa.
Trên thềm nhà, những người đàn ông, đàn bà đang ngồi rả rích câu chuyện xung quanh tìm việc làm, chứ dân nhà nông, lao động quen rồi giờ ngồi nhìn ra cũng chán.
May mắn hơn hàng vạn hộ dân phải di dời để nhường đất cho dự án mỏ sắt, những hộ được “di dời nóng” do bùn cát vùi lấp nhà cửa cũng không khá hơn được bao nhiêu. Không khí ảm đạm tại khu tái định cư nhỏ bé cứ bao trùm họ khi mất đất, không có việc. Ảnh: Duy Tuấn
Bà Nguyễn Thị Trí năm nay đã 60 tuổi. Từ khi chuyển đến khu tái định cư này, bà bỗng nhớ ruộng, nhớ vườn lạ lùng. Được đền bù hơn 800 triệu trên mảnh vườn 5000m2. Cũng như nhiều hộ khác, bà chỉ được cấp một suất đất tái định cư chưa đầy 300m2.
Làm nhà hết 400 triệu, đất cấp thì làm nhà gần hết. Chẳng có việc làm, bà sợ rồi số tiền đền bù ít ỏi còn lại sẽ bị “gặm nhấm” hết.
“May mà còn hai sào ruộng, ông nhà tôi đang cố cày cấy để kiếm ít tạ lúa mỗi mùa. Nhưng mà bây giờ chuyển đến chỗ mới rồi, ruộng xa hàng cây số, sức già rồi khó mà kham nổi" - bà nói.
Đến ở khu đất mới, những hộ dân này đang còn rất ngỡ ngàng với cuộc sống mới. Vườn chẳng có, đến cọng rau cũng phải đi mua. Động vào cái gì cũng phải chi tiền.
“Vừa rồi khoan giếng để ăn nhưng toàn nước phèn, chẳng thể ăn được. Ở đây không chết nhưng chỉ khổ thôi”, bà Trí nói.
Một số gia đình cũng đang canh cánh nỗi lo gia đình đông người nhưng chỉ được cấp chưa đầy 300m2 đất. Chỉ đủ làm nhà, rồi đây con cái họ muốn tách hộ thì không biết thế nào.
Những hộ dân đến được khu tái định cư, dẫu có khổ hơn nơi ở cũ nhưng dù sao vẫn đang còn sướng hơn hàng vạn hộ dân khác bị ảnh hưởng của mỏ sắt Thạch Khê. Khu tái định cư, nơi thì đang giang dở, nơi thì đang nằm trên giấy.
Chẳng biết khi nào dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này mới đưa lại cuộc sống ấm no cho họ như mong ước bao đời của người dân nơi đây khi biết mình sống trên “hầm vàng”?
Duy Tuấn – Thăng Long
(còn nữa)

'Nhìn thẳng sự thật' ở mỏ sắt lớn nhất ĐNA



 - Rất nhiều vấn đề bức xúc, bức bách đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng các cơ quan đơn vị liên quan nói ra trong buổi làm việc với Công ty CP sắt Thạch Khê. Tuy nhiên, câu hỏi lớn được quan tâm nhất về tiến độ, lộ trình của dự án thì bản thân người đứng đầu DN này cũng chẳng thể trả lời được.


Trước những bức xúc lâu nay xung quanh dự án mỏ sắt Thạch Khê, đầu tháng 11/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Thạch Hà, BQL khu vực mỏ sắt đã có buổi làm việc với Cty CP sắt Thạch Khê (TIC), trong đó có sự tham gia của ông Phùng Mạnh Đắc – Phó TGĐ Tập đoàn Than khoáng sản VN, Chủ tịch HĐQT TIC.
Phải nhìn thẳng vào sự thật 
Bắt đầu cuộc họp, ông Nguyễn Nhật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nói: Chúng ta cần phải nhìn vào những vấn đề chưa được trong công tác triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê. Đây là một dự án lớn, các đồng chí ở TIC đã có rất nhiều cố gắng, có một số vấn đề chúng ta chưa làm được.
Cuộc họp “nóng” giữa UBND tỉnh, UBND huyện Thạch Hà, Ban QLDA Thạch Khê với Cty CP Sắt Thạch Khê đầu tháng 11. Rất nhiều vấn đề bức bách đã được đưa ra thảo luận - Ảnh: Duy Tuấn

“Đoàn đại biểu QH và HĐND tỉnh đã có cuộc tiếp xúc cử tri với người dân ở Thạch Hà, đã có rất nhiều ý kiến. Những xã nằm trong quy hoạch, di dời GPMB theo quy hoạch của tỉnh và Chính phủ phê duyệt rồi thì những chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình 167, “Nông thôn mới”… thì người dân ở đây không được hưởng, so với nhân dân các địa bàn khác thì họ rất thiệt thòi”, ông Nhật nói.
19 tiêu chí và 5 nhóm giải pháp thì không thể triển khai được ở các xã này. Trong rất nhiều thời gian, kể từ khi triển khai khai thác mỏ sắt thì các xã này không được xây dựng tất cả các công trình phục vụ dân sinh, đó là trường học, bệnh xá, trụ sở làm việc, đường… đều bị dừng nên phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng trên địa bàn này đều rất khó khăn.
Một thực tế phải ghi nhân, kể từ sau khi thông báo quy hoạch khai thác mỏ sắt Thạch Khê, không có gia đình nào xây dựng trái phép để chờ đền bù, ý thức của người dân trong việc chấp hành rất cao.
Xóm 1, xã Thạch Đỉnh, nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất của dự án mỏ sắt đã chịu ảnh hưởng nặng nề của dự án đã rất đồng thuận khi dự án vào. Nhưng đến nay, sự chịu đựng của họ cũng đã gần như quá sức. Ảnh: Duy Tuấn.
Một vấn đề rất bức xúc lâu nay đối với người dân khu vực mỏ sắt là tình trạng các công trình tái định cư, có cái mới được 50%, có cái 80, hơn 90%, nhân dân muốn di dời ra để bàn giao lại cho đơn vị khai thác.
“Thế nhưng các đồng chí cũng không hoàn chỉnh được. Đề nghị TIC phải xem xét lại lộ trình GPMB, lộ trình di dân và tái định cư khi nào làm xong để chúng tôi trả lời dân, để còn biết mà lo cho dân. Thứ 2, trong 4 khu tái định cư thì những khi đạt được khoảng 90% thì lúc nào hoàn thành để bàn giao cho dân. Chứ nếu không làm được thì sau này rất khó khăn.
Thông báo 164 của Thủ tướng Chính phủ, có 4 điểm, đã nói rõ rồi, Cty TIC phải trả lời cái gì làm được, không làm được, phải nói rõ, nhất là vấn đề tái cơ cấu", ông Nhật nói..
“Không thể bắt người dân kéo dài mãi đau khổ này”
Ông Đỗ Khoa Văn - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà đã đưa ra nhiều ý kiến thẳng thắn trong buổi làm việc quan trọng này.
“Hiện nay người dân ở đây đang rất khổ, chúng tôi đã làm tuyên truyền nhiều, nhưng đến bây giờ, không chỉ là mới 4 năm, mà kể từ khi có quy hoạch mỏ sắt Thạch Khê, tức là đã 8 năm. Đặc biệt là từ khi khai thác đến nay.
Hạ tầng xuống cấp, đường sá bị tàn phá, không được hưởng lợi các chương trình của nhà nước… hàng vạn người dân trong khu vực mỏ sắt vẫn đang mong mỏi vào những gì tốt đẹp mà dự án sẽ mang lại

Sau khi có thông báo 164 về việc tạm dừng thi công và đơn vị Than cọc 6 rút về đã làm có sự hoài nghi về dự án này.
Người dân chịu đựng cái khổ trong thời hạn nhất định để rồi có được tương lai tốt đẹp, nhưng giờ mất phương hướng. Bản thân chúng tôi là lãnh đạo huyện cũng không thể trả lời cho dân khi người dân thắc mắc”, ông Văn bức xúc.
Vị chủ tịch huyện nói tiếp: Chúng ta phải nhìn vào sự thật là chúng ta đã rất có lỗi với dân, không thể bắt họ kéo dài đau khổ này mãi khi không có phương hướng bởi vì không có thông tin gì cả.
Tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh, cùng với các thành viên Cty TIC trả lời dứt khoát: Về tiến độ thực hiện dự án như thế nào? Tình hình tài chính của Cty như thế nào? Quyết tâm của chúng ta như thế nào?
Tiền để trả cho dân để người ta di dời, tiền để hoàn thành các khu tái định cư chúng ta không có thì liệu với số tiền lớn như vậy để khai thác, chúng ta có không, nhất là trong bối cảnh khó khăn như thế này?.
Nỗi đau khi lăng mộ bị vùi lấp, không tìm thấy của người dân Thạch Hải. Ảnh: Duy Tuấn
Ông Văn liên tục đưa ra những câu hỏi: Tiến độ của chúng ta như thế nào? Chúng ta khi nào làm, tiến độ GPMB, di dân tái định cư thế nào? Bởi vì cho đến nay chúng ta mới có, theo như kế hoạch được phê duyệt thì đến 2013, chúng ta phải hoàn thành công tác di dân tái định cư nhưng không thực hiện được”.
“Tạm thời chúng ta phải có thông tin chính thức về dự án để trả lời cho chính quyền địa phương để chúng tôi có thể trả lời cho dân. Trước mắt tôi đề nghị cấp đủ tiền để trả cho số đã tiến hành kiểm đếm.
Công sức của kiểm đếm, xác định cho được nguồn gốc đất đai khu vực lớn như thế này là không hề đơn giản, có khi hàng năm trời chưa xong. Nếu giờ không có tiền thì sang năm sẽ rất khó khăn, giá cả thay đổi. Người dân rất cần tiền để đi, ở đây họ khổ lắm rồi, nhất là các hộ ở sát mong mỏ, bãi thải và các hộ tái định cư.
Chưa nói 4 dự án chưa triển khai, những dự án khu tái định cư này chưa có cái nào hoàn thành, rồi còn không đồng bộ nữa. Đến nay chúng ta chưa có khu nào để giao cho dân vì cũng đang dang dở, nhà thầu không có tiền họ không làm”.
Duy Tuấn (ghi)

-Nguồn: vnn 'Nhìn thẳng sự thật' ở mỏ sắt lớn nhất ĐNA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét