Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG LÀM GIA TĂNG NGUY CƠ CHẠY ĐUA VŨ TRANG Ở CHÂU Á


THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG LÀM GIA TĂNG

NGUY CƠ CHẠY ĐUA VŨ TRANG Ở CHÂU Á

Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Tư, ngày 28/09/2011
TTXVN (Cuala Lămpơ 26/9)
Mạng tin GMA News gần đây cho rằng ngay khi cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện 11/9/2001 được sử dụng để biện minh cho chủ nghĩa quân phiệt Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và bất cứ nơi nào trên thế giới, những tranh chấp lãnh thổ ngày một gia tăng ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) giờ đây đang được tận dụng để thúc đẩy chiến lược bao vây Trung Quốc của Lầu Năm Góc. Tình hình căng thẳng do những tranh chấp lãnh thổ gây ra đang tạo cơ sở cho Mỹ tăng cường và mở rộng mối quan hệ an ninh với các đồng minh truyền thống, các nước chư hầu và các nước khác trong khu vực. Người được hưởng lợi tức thời từ chủ nghĩa quân phiệt được tăng cường này là các lái buôn vũ khí và các nhà huấn luyện quân sự Mỹ. Thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng là chiến lược xuất khẩu vũ khí mới trong khu vực của Chính quyền Barack Obama, trong đó có Đông Nam Á. Vào thời điểm mà các biện pháp hoà bình và ngoại giao có thể giúp tháo ngòi nổ căng thẳng ở Biển Đông do những tuyên bố tranh chấp chủ quyền lãnh thổ gây ra, thì môi trường chiến tranh mới này thậm chí lại đang khuyến khích một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước lớn trong khu vực, do vậy khiến họ sẽ phải phụ thuộc hơn nữa vào dây chuyền cung cấp vũ khí của Mỹ.
Trong sáu tháng đầu năm 2011, các phương tiện truyền htông đã đưa tin về những vụ thâm nhập của Trung Quốc tại các khu vực ở quần đảo Trường Sa mà các nước Việt Nam, Philippin và bốn nước khác trong đó có Trung Quốc tuyên bố đòi chủ quyền. Mặc dù Bắc Kinh đã bác bỏ những cáo buộc này, nhưng nhiều vụ rắc rối đã kích động những cuộc phản đối ngoại giao với ít nhất là một trong những nước đòi hỏi chủ quyền, đó là Philippin nước đã kêu gọi Mỹ bảo vệ bằng cách khẩn cầu đến Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) sau Chiến tranh Lạnh 1951. Trong bối cảnh tình hình căng thẳng, các cuộc tập trận chung đã được Mỹ tiến hành với Philippin, Thái Lan và các nước khác, đồng thời, Trung Quốc cũng tăng cường giám sát ở Biển Đông bằng việc đưa tàu sân bay đầu tiên của họ vào hoạt động. Được mô tả là “mẹ đẻ của mọi tranh chấp lãnh thổ”, Biển Đông còn được gọi là “Vịnh Pécxích thứ hai” không chỉ vì khu vực này có nhiều cá nhất thế giới mà còn đựơc cho là giàu dầumỏ, khí đốt và các khoáng sản khác. Là tuyến đường hàng hải đông đúc nhất thế giới, trên 50% tàu buôn và tàu chở dầu qua lại các vùng biển ở Biển Đông, đặc biệt là eo biển Malắcca. Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền đối với Biển Đông và quần đảo Trường Sa từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, mặc dù tuyên bố đòi chủ quyền chính thức của họ được công bố vào năm 1951. Rồi tiếp đó là Việt Nam, Philippin, Malaixia, Brunây và Đài Loan đòi chủ quyền. Tuy nhiên, những tuyên bố đòi chủ quyền đối với các khu vực chồng lấn ở Trường Sa chỉ là một trong những điểm nóng khác trong khu vực bao gồm Đài Loan, Bán đảo Triều Tiên, quần đảo Senkaku (đảo Điếu Ngư), bãi đá Sacotra, Sabah, rặng san hô Hiberrnia, Kanang Unarang, Doi Lang, đấy là chưa nói tới những tranh chấp chưa được giải quyết giữa Ấn Độ và Pakixtan và giữa Trung Quốc với Ấn Độ.
Lợi ích cốt lõi của quốc gia
 Với nền kinh tế tăng trưởng nóng và phản ứng trước những tuyên bố đòi chủ quyền của các nước khác, Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn trong tuyên bố đòi chủ quyền. Năm ngoái, Trung Quốc đã mô tả Biển Đông là “lợi ích quốc gia cốt lõi” tương tự như Đài Loan và Tây Tạng, đồng thời nói rằng các quyền lãnh thổ của Trung Quốc là không thể tranh cãi. Sự khẳng định này được giải thích bằng thực tế là 75% nhu cầu năng lượng của Trung Quốc được chuyển qua đường Biển Đông. Biển Đông còn là cửa ngõ của Trung Quốc vào Ấn Độ Dương và các nguồn hàng nhập khẩu vào Trung Quốc từ một số châu lục trên thế giới, nơi họ trở thành nhà đầu tư lớn, cũng được đưa qua vùng biển này.
Để đối phó với chủ nghĩa quân phiệt Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Kinh đã mở cửa cho các công ty dầu lửa hàng đầu của Mỹ vào thăm dò và khai thác năng lượng ở Biển Đông. Thông qua Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc, được xếp thứ 10 trong số 50 công ty dầu lửa lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã dự định mua lại Unocal. Họ đã dành cho Công ty năng lượng Crestone đóng tại Denver hợp đồng thăm dò dầu khí trên diện tích rộng khoảng 9.700 m2 ở khu vực được gọi là Bãi Tứ chính ngoài khơi Đông Nam Việt Nam. Dẫn các tuyên bố của một số nước thành viên Hiệp hội các quốc gai Đông Nam Á (ASEAN) nói rằng “hành động bắt nạt” của Trung Quốc đã biện hộ cho vai trò phòng thủ tích cực của Mỹ ở Biển Đông, Oasinhton đã nắm giữ vị thế siêu cường mới khi năm ngoái họ xác định Biển Đông là “lợi ích quốc gia”. Khi các phương tiện truyền thông mới đây đưa tin về việc Trung Quốc thâm nhập lãnh hải của các nước đòi chủ quyền ở Biển Đông, Mỹ đã có những phản ứng về chính sách, kêu gọi kiềm chế và đàm phán đa phương. Mặc dù các khái niệm đối tác an ninh, mở rộng và xâm lược vũ trang đã được gắn với những nỗ lực của Đế quốc Mỹ nhằm tiếp tục giữ vị thế uy quyền tối thượng toàn cầu, nhưng các cuộc xung đột và tình hình căng thẳng hiện nay, không chỉ ở Irắc và Ápganixtan mà còn ở Biển Đông, đã thúc đẩy việc buôn bán vũ khí và các dịch vụ quân sự. Tất cả các hoạt động này lần lượt mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ, các nhà huấn luyện quân sự và các hãng cung ứng nước ngoài khác.
Mua sắm vũ khí
Tình hình căng thẳng gia tăng trên Biển Đông kể từ năm ngoái đến nay đã dẫn tới việc mua sắm vũ khí diễn ra chưa từng thấy từ trước tới nay ở Mỹ, đặc biệt là của các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Philippin đã mua sắm thiết bị hải quân của Mỹ, trong đó có con tàu lớp Hamilton cũ để phục vụ việc tuần tra ở quần đảo Trường Sa. Đã qua 50 năm sử dụng, con tàu này thật sự được coi như một vật bảo tàng của hải quân Mỹ. Chính quyền Aquino đã mua nó với giá 400 triệu peso. Hơn thế nữa, hồi tháng 4/2011, Aquino đã chuyển giao 8 tỉ peso (183 triệu USD) để triển khai và huấn luyện các nhân viên hải quân nhằm bảo vệ việc thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Palawan và Mindanao. Theo Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế ở Xtốckhôm, một phần số kinh phí này đã được chuyển cho Blackwater, một công ty an ninh khét tiếng đống tại Mỹ. Philippin cũng đã thông báo mua ba tàu chiến của Mỹ cũng như các máy bay lên thẳng và các hệ thống rađa để hỗ trợ cho các dự án thăm dò và khai thác dầu khi ở Palawan và Mindanao, miền Nam Philippin. Trong năm 2010-2011, Đài Loan, vùng lãnh thổ dẫn đầu về nhập khẩu vũ khí và tiếp nhận viện trợ quân sự của Mỹ, đã mua các mẫu máy bay chiến đấu F-16 mới và các vũ khí khác trị giá 20 tỉ USD. Chỉ riêng từ năm 2007-2010, các nhà sản xuất vũ khí Mỹ đã nhận được các hợp đồng mua sắm trị giá 16,5 tỉ USD từ Đài Loan. Gần đây, Inđônêxia có kế hoạch mua máy bay chiến đấu và máy bay vận tải của Mỹ trị giá hàng triệu USD. Mỹ cũng đã cam kết hỗ trợ 35,7 triệu USD trong năm 2010-2011 để giúp hiện đại hoá quân đội Inđônêxia. Ngoài Inđônêxia, lượng vũ khí mà Mỹ bán cho Malaixia cũng tăng đáng kể trong những năm gần đây, trong khi Xinhgapo trở thành nước đầu tiên ở Đông Nam Á lọt vào tốp 10 nước mua sắm nhiều vũ khí trên thế giới. Vào cuối năm 2011, các lái buôn vũ khí Mỹ sẽ bỏ túi được tới 46 tỉ USD tiền bán vũ khí trên toàn thế giới, gần gấp đôi con số của năm 2010. Trong số 10 hãng chế tạo vũ khí lớn nhất thế giới có tới bảy của Mỹ, bao gồm Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, General Dynamics, Raytheon, L-3 Communications và United Technologies. Là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới, kiểm soát tới hơn 30% thị trường, các khách hàng chính của Mỹ là các nước châu Á-Thái Bình Dương (39%), Trung Đông (36%), châu Âu (18%), còn Đông Nam Á cũng đã được Chính quyền Obama chú ý tới để mở rộng việc cung ứng vũ khí.
Tổng thống Obama đã đề ra chính sách nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu vũ khí. Trong tháng 7/2010, ông đã ra lệnh nới lỏng những hạn chế xuất khẩu vũ khí nhằm mở rộng thị phần của Mỹ để đến năm 2015, xuất khẩu vũ khí của Mỹ sẽ tăng gấp đôi. Những chiến lược an ninh quốc gia mới của ông Obama và kế hoạch xem xét lại vấn đề quốc phòng trong nhiệm kỳ bốn năm của ông, về cơ bản vẫn tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố và học thuyết đánh đòn phủ đầu, cũng góp phần đẩy mạnh việc chuyển giao vũ khí trên toàn thế giới. Khi mà Mỹ lao đao trước cơn suy thoái kinh tế kéo dài thì buôn bán vũ khí vẫn sinh lợi cho các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Mỹ. Lợi nhuận thu được từ việc bán vũ khí được bảo đảm bởi các khu vực bị ảnh hưởng do tình hình căng thẳng, những nguy cơ chiến tranh và xung đột vũ trang. Bởi vậy, tình hình căng thẳng nảy sinh do những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đã làm lợi cho Mỹ, giúp họ tăng cường sự có mặt quân sự trong khu vực bằng cách lợi dụng tư tưởng bài ngoài và chống Trung Quốc để biện hộ cho chiến lược của Lầu Năm Góc, theo đó, bao vây Trung Quốc không chỉ bằng cách tăng cường hợp tác an ninh hiện nay mà còn thăm dò các liên minh mới và tái tập hợp các lực lượng và vũ khí đã được triển khai của họ, đặc biệt là hệ thống tên lửa hạt nhân. Đổi lại, việc tăng cường mạng lưới liên mình của Mỹ sẽ tạo cơ sở mới cho các cuộc tập trận và huấn luyện chung thường xuyên hơn, được kết hợp với các hợp đồng mua bán và chuyển giao vũ khí. Thị trường này sẽ đảm bảo nguồn lợi nhuận lâu dài cho các nhà cung cấp vũ khí. Mua bán và chuyển giao vũ khí được giao dịch đặc biệt với các đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ thông qua các kế hoạch giữa chính phủ với chính phủ và các hợp đồng mua bán thương mại. Thông qua tiến trình Mua bán quân sự với nước ngoài (FMS), khoảng 79% lượng vũ khí xuất khẩu được các tổ chức và các nước bạn hàng cấp vốn, còn lại được lấy từ các chương trình tài trợ của Mỹ. Các chương trình do khác giúp tạo thuận lợi cho việc buôn bán vũ khí gồm các chương trình do Bộ Ngoại giao hoặc Bộ Quốc phòng điều hành như Tài chính quân sự nước ngoài (FMF), Giáo dục và huấn luyện quân sự quốc tế (IMET), Quỹ hỗ trợ kinh tế (ESF), Quỹ hỗ trợ liên minh, và Liên minh các nước ngoài NATO (MNNA). Trong những năm gần đây, các chương trình này được Mỹ sử dụng để làm đòn bẩy đảm bảo cho việc tiếp cận một cách ưu đãi nguồn dầu lửa và các nguồn tài nguyên chiến lược khác cũng như đảm bảo sự hỗ trợ cho các cuộc chiến xâm lược của họ. Đặc biệt, FMF và IMET đã giúp mở rộng và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực với các đồng minh trong khi ESF thúc đẩy sự can dự của Mỹ với ASEAN hướng tới tăng cường các mục tiêu an ninh của Mỹ trong khu vực.
Những dàn xếp an ninh của Mỹ
Các vấn đề an ninh do những tranh chấp lãnh thổ gây ra cùng với mối đe doạ của việc hiện đại hoá quân đội của Trung Quốc hiện đang được Mỹ sử dụng để tăng cường các liên minh và các thoả thuận với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippin, Thái Lan, Xinhgapo, Malaixia, Inđônêxia và Niu Dilân. Các chiến lược gia của Mỹ hiện đang chú ý tới “sự đa dạng hoá” cơ sở hạ tầng quân sự của Mỹ ở khắp châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có cả các kế hoạch đối với Okinawa, mở rộng căn cứ ở Sasebo, biến Guam thành một trung tâm quân sự, khả năng liên minh với Inđônêxia, Việt Nam và Ấn Độ, đồng thời hỗ trợ tăng cường sức mạnh hải quân để đối phó với những mối đe doạ từ châu Á. Trong khi đang thăm dò khả năng hợp tác quốc phòng với Ấn Độ, nước vẫn còn thù địch với Trung Quốc, và Inđônêxia về mặt quân sự, các kế hoạch tập trận chung với Việt Nam cũng sẽ được tiến hành. Song song với sáng kiến an ninh tay ba mới giữa Mỹ, Nhật Bản và Ôxtrâylia là các kế hoạch triển khai các lực lượng và hệ thống tên lửa mới của Mỹ tại các căn cứ quân sự hiện có ở Tây Ôxtrâylia. Phần việc của Mỹ đối với ASEAN nhằm kiểm tra những tham vọng bá quyền của Trung Quốc là thiết lập một lực lượng liên minh khu vực kiểu NATO hoặc Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á SEATO trong khu vực. Những sự hành động này rõ ràng nhằm kiểm tra quyền bá chủ về quân sự đang nổi lên ở Trung Quốc. Những sự tái dàn xếp an ninh mới của Mỹ làm tăng sự phụ thuộc về quân sự của nhiều nước trong khu vực và nhờ vậy mà ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ có nhiều cửa để xuất khẩu vũ khí.
Đáng lo ngại là chiến lược mà Mỹ theo đuổi, trong khu vực và bất cứ nơi nào khác trên thế giới, sẽ khuyến khích các xu hướng quân phiệt chủ nghĩa và hà khắc của các đồng minh và đối tác truyền thống của họ, những nước lúc đó sẽ thông qua các chính sách kiểu chiến tranh, ngay cả khi cơ chế hoà bình và ngoại giao vẫn có hiệu lực đối với việc thúc đẩy giải pháp cho các cuộc tranh chấp lãnh thổ. Chiến lược vũ trang của Mỹ phù hợp với chương trình tổng hợp quân sự-công nghiệp, kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2, đã bắt đầu làm nền cho một nền kinh tế phục vụ chiến tranh lâu dài. Các ông trùm tài chính đứng sau tổ hợp quân sự-công nghiệp đảm bảo rằng ngành công nghiệp chế tạo vũ khí tiếp tục phát đạt và mang lại lợi nhuận trong môi trường bất ổn và có chiến tranh kéo dài. Các nhà lãnh đạo trong Quốc hội Mỹ cũng nhất trí cho rằng sản xuất vũ khí hiện là ngành xuất khẩu công nghiệp số một của Mỹ vì vậy họ tiếp tục ủng hộ tổ hợp quân sự-công nghiệp mang lại lợi ích khổng lồ cho cộng đồng của họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét