Khi còn nhỏ, cũng giống
như nhiều người khác, tôi từng rất thích nghiên cứu bản đồ.
Trong một lần gia
đình tôi đi nghỉ hè cạnh bờ biển ở Dorset, miền nam nước Anh, trên tường của
ngôi nhà tranh nơi chúng tôi trú ngụ có một tấm bản đồ của Ordnance Survey (OS)
đóng khung từ năm 1963, vẽ chi tiết khu vực xung quanh.
Mỗi khi trời mưa –
mà mùa hè ở nước Anh trời rất thường mưa – thì tôi lại nghiên cứu tấm bản đồ
đen trắng này và trầm trồ trước hệ thống những biểu tượng và ký hiệu phức tạp
của nó.
Ngay cả giờ đây, mỗi
khi đi bộ đường trường ở vùng nông thôn, tôi vẫn đem theo một bản đồ OS
Explorer. Nó đáng tin cậy hơn là bản đồ trên điện thoại thông minh vốn có thể
bị hết pin hoặc mất tín hiệu.
Khách quan và xác thực?
Bản đồ có ưu điểm là
nếu được vẽ đàng hoàng, chúng sẽ đem đến cảm giác khách quan, xác thực, và là
công cụ khoa học cho phép chúng ta định hướng cho mình trong thế giới.
Ngày nay, cơ quan
này đã trở thành một công ty kỹ thuật số lưu trữ lượng dữ liệu khổng lồ về địa
lý không gian.
Bản đồ thế giới
Dauphin được đánh giá là một tác phẩm nghệ thuật nhiều hơn là một bản đồ
chính xác về địa hình.
Tất cả bản đồ của họ
sản xuất ra đều xuất phát từ tấm bản đồ gốc, được gọi là bản đồ Anh Quốc ‘OS
MasterMap’.
Tấm bản đồ này đánh
dấu hơn 460 thực thể địa lý và vẫn tiếp tục được cập nhật hơn 10.000 lần một
ngày bởi một đội ngũ 270 nhà khảo sát địa lý sử dụng công nghệ GPS.
“Chúng tôi khảo sát
chính xác đến từng centimetre,” ông Elaine Owen, giám đốc Ordnance Survey, nói. “Hệ thống dữ liệu bản đồ của chúng tôi là chi tiết nhất và tinh vi
nhất trên thế giới.”
Tuy nhiên một cuốn
sách mới có nhan đề: ‘Bản đồ: Khám phá Thế giới’ do Phaidon xuất bản lại nhận
định rằng các bản đồ không phải đáng tin và khách quan như chúng ta vẫn nghĩ.
Điều này chắc chắn
đúng đối với các bản đồ lịch sử mà đa phần là trông như những tác phẩm nghệ
thuật đẹp đẽ, nhưng lại đem đến cho người xem nhiều điều về những người tạo ra
chúng hơn là đối tượng mà những tấm bản đồ thể hiện.
Cách nhìn thiên
lệch
Chẳng hạn như các bản
đồ thế giới thời Trung cổ thường được Jerusalem ở ngay trung tâm – điều này cho
thấy tầm quan trọng về mặt tâm linh của Thiên chúa giáo trong thời kỳ này.
Trái lại, tấm bản đồ
tuyệt đẹp về địa lý của nước Anh, Scotland và xứ Wales có từ năm 1815 của nhà
khảo sát địa lý William Smith, lại xuất phát từ một động cơ hoàn toàn khác.
Sau hàng chục năm
khai quật, Smith đã trở nên nghi ngờ về cách giải thích mang tính tôn giáo về
các lớp đá và hóa thạch khác nhau, do đó ông cảm thấy phải làm ra một tấm bản
đồ địa lý đầu tiên của nước Anh trên thế giới.
Vẽ ra các lớp đá bằng
cách sử dụng 20 màu sắc vẽ bằng tay, tấm bản đồ của ông là điềm đoán trước cách
mà khoa học thách thức những giáo lý của Thiên chúa giáo trong suốt thế kỷ 19.
Có vô vàn những ví dụ
về những tấm bản đồ gợi nhắc đến một nền văn hóa nào đó chẳng hạn như bản đồ
Quần đảo Marshall ở Nam Thái Bình Dương. Được làm bằng cách dùng sợi cọ kết nối
vỏ ốc lại với nhau, những tấm bản đồ này đánh dấu vị trí các hòn đảo và các
dòng chảy.
Ngoài ra còn có bản
đồ Chukchi Sealskin vào năm 1870 hiện đang được cất giữ tại Bảo tàng Pitt
Rivers ở Oxford.
Tấm bản đồ này vừa
như một cuốn bách khoa thư về cuộc sống, vừa như một tấm bản đồ: những hình
vẽ về những con hải ly, những chiếc thuyền buồm, thuyền kayak mô tả cảnh đánh
cá và và những khoảnh khắc trong cuộc sống thường nhật trong làng. Nó ghi lại
những thú vui của người dân trên bán đảo Chukchi ở đông bắc Á nằm ở phía bên
kia Alaska cách eo biển Bering.
Mạng lưới và kết nối
Bản đồ hệ thống các
đường tàu điện ngầm ở London của Harry Beck vào năm 1933, trong khi đó, lại là
sự thể hiện tinh túy xu hướng sáng tạo hiện đại ở nước Anh vào đầu thế kỷ 20.
Đó cũng là lúc mà
công ty Ordnance Survey vốn bảo thủ bắt đầu cải tiến.
“Chỉ cho đến giai đoạn
giữa các cuộc thế chiến vào nửa đầu thế kỷ 20 thì công ty OS mới thật sự có
chỗ đứng vững chắc trong tâm tưởng và sự yêu mến của công chúng,” Rachel
Hewitt, tác giả của cuốn sách ‘Map of a Nation: A Biography of the Ordnance
Survey’, cho biết.
“Đó là do họ đã sản
xuất những tấm bản đồ bằng giấy có hình thức đẹp và dễ dàng mang đi được và những
tấm bản đồ này đã đánh vào tâm lý muốn khám phá cảnh quan thiên nhiên của nước
Anh.”
Ngày nay, các nhà
làm bản đồ năng động trở nên ít quan tâm hơn đến khoảng cách và chất liệu:
thay vào đó, họ ghi lại các mạng lưới và sự kết nối, trong đó có sự sử dụng các
mạng xã hội như Twitter và Facebook trên toàn cầu theo thời gian thực, thay đổi
theo từng giây.
Như vậy, cũng giống
như rất nhiều những bản đồ đi trước, những tấm bản đồ này thể hiện mối quan
tâm của thời đại sản xuất ra nó – đó là ‘Kỷ nguyên Thông tin’.
Đôi khi cách nhìn
thiên lệch của các bản đồ là chủ đề mà các nghệ sĩ hay đả kích.
Bản đồ ‘Thế giới
nhìn từ Đại lộ số 9’ của Saul Steinberg xuất hiện trên trang bìa của tạp chí
the New Yorker hồi năm 1976 là một bản đồ tai tiếng khi Manhattan được khắc họa
đậm nét một cách vô lý ở phía trước trong khi ở phía sau, bao gồm một vùng đất
rộng lớn từ sông Hudson về phía tây cho đến Thái Bình Dương, thì lại rất sơ
sài.
Chẳng hạn như Canada
và Mexico lại chẳng là gì ngoài những khoảng trống nhỏ xíu nằm về bên phải và
bên trái.
Steinberg đã đùa cợt
về tầm nhìn cá nhân của chúng ta đối với thế giới nhỏ hẹp như thế nào.
Nhiều chuyên gia đồng
ý rằng chúng ta đang sống trong thời đại hoàng kim của bản đồ.
“Tấm bản đồ mà
tôi thích nhất là những bản đồ do dự án Human Connectome sản xuất – chúng thể
hiện chất trắng trong não bộ chúng ta,” ông John Hessler, một chuyên gia về
bản đồ hiện đại tại Thư viện Quốc hội ở Washington, DC, nói.
“Đó là những xa lộ
và những đường dây điện kết nối những phần chất xám vốn giúp chúng ta suy nghĩ
và hành động. Đối với tôi, đây là giới hạn cuối cùng của việc làm bản đồ – tức
là vẽ bản đồ của chính chúng ta – một đối tượng không giống như bất kỳ đối tượng
nào khác trong lịch sử.”
Alastair Sooke
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét